Bài hát: Bóng phù hoa Ca sĩ: Phương Mỹ Chi Lời hát: Bấm để xem Đêm nghe tiếng kinh cầu bên sông thoáng nao lòng Sương khuya vắng lặng, trâm rơi, liễu phai tàn Chơi vơi én xa đàn buông lơi vỡ tan một bóng hình Hạt ngọc dần buông rơi trên khóe mắt Tiếc trâm hoa vàng nổi trôi Hoàng Giang Đoạn trường tình ta giờ như giấc chiêm bao Hoài thương nhớ thôn làng nhờ chim đậu cành Nam Phù hoa một kiếp trông chồng Chàng mang nặng chí tang bồng Ngàn đêm gối chăn lạnh lùng đợi mong Nằm mơ ngày tháng tương phùng Ngờ đâu xa cách muôn trùng Mộng xưa vỡ hai sao ngang trái một bóng hình 1, Hiện đại trên nền truyền thống: Chúng ta đã quen thuộc với một Phương Mỹ Chi trong các ca khúc bolero, nhưng trong "Bóng phù hoa" ta thấy một Phương Mỹ Chi hiện đại trên nền truyền thống. Ca khúc Bóng phù hoa do chính Phương Mỹ Chi sáng tác, lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học "Chuyện người con gái Nam Xương" của Nguyễn Dữ. Bài hát được trình bày dưới góc nhìn của Vũ Nương, thể hiện rõ tâm trạng của nàng hơn trong văn học. Giai điệu dễ nghe, bắt tai hơn với giới trẻ được xen kẽ với một đoạn đọc giống như đồng dao. 2, Lời nhạc tinh túy: Xuất thân từ ca sĩ bolero nên lời nhạc của Phương Mỹ Chi tất yếu rất đẹp. Giữa một loạt các ca khúc với những lời hát lố lăng, câu view, gây tranh cãi và hoàn toàn không mang giá trị nghệ thuật, âm nhạc của Phương Mỹ Chi đã thổi một làn gió khác. "Trâm rơi, liễu phai", "én xa đàn", "trâm hoa vàng" là những từ được Phương Mỹ Chi vận dụng sáng tạo từ nguyên tác gốc là câu nói của Vũ Nương trước khi gieo mình xuống sông: "Nay đã bình rơi trâm gãy, mây tạnh mưa tan, sen rũ trong ao, liễu tàn trước gió; khóc tuyết bông hoa rụng cuống, kêu xuân cái én lìa đàn, nước thẳm buồn xa, đâu còn có thể lại lên núi Vọng Phu kia nữa. Mượn câu từ từ lời nói trăn trối của Vũ Nương trước khi chết xuyên suốt bài hát làm ca khúc này luôn nhuốm một màu bi kịch. Không có một từ nào nói về nỗi oan nhưng nghe lời ca ta cứ như cảm được sự uất ức, đau khổ của nàng. Phù hoa một kiếp trông chồng Phương Mỹ Chi đã chọn từphù hoa để khái quát về cuộc đời của Vũ Nương. Phù hoa là cái hào nhoáng bên ngoài nhưng dễ tan biến, nàng chờ chồng mòn mỏi, tuy được tiếng thơm là trung trinh, vậy mà cuối cùng nàng được cái gì? Sự nghi ngờ hay cơn ghen vô lý? Bên cạnh đó Phương Mỹ Chi đã lồng ghép rất nhiều từ nói về cảm xúc như" đoạn trương "," hoài thương "," đợi mong "," vỡ tan ".. làm bài hát mang chút gì đó năng nề u uất. 3, Giọng hát đã chín: Ở Bóng phù hoa, Phương Mỹ Chi thiên về cảm xúc hơn là kĩ thuật. Nhưng kĩ thuật hát của cô ca sĩ trẻ này gần như đã đạt đến độ chín, cô xử lý ca từ, làm chủ các nốt cao rất xuất sắc. Mở đầu bài hát sẽ là giọng thỏ thẻ tâm tình như tiếng nàng Vũ Nương ban đầu chỉ dám than thân, càng về sau càng lên cao, nhạc bắt đầu dồn dập, giọng hát Phương Mỹ Chi lên cao thể hiện rõ Vũ Nương đã không kìm nổi cảm xúc, nàng bắt đầu trách và đau. Lời ngân da diết như tiếng kêu thấu trời cho nỗi oan không ai thấu tỏ của mình. Cuối cùng, giọng hát nữ ca sĩ lại càng day dứt, càng mãnh liệt như lời oán than cuối cùng gửi cho trời cao: Oan này có một kêu trời nhưng xa. 4, Khơi nguồn cảm xúc: Đã lâu lắm rồi mình mới nghe một bài hát giàu cảm xúc như vậy. Chất liệu văn học, ca từ thiên về từ Hán Việt đã làm gợi nhớ một thời đi học gắn với Chuyện người con gái Nam Xương . Nghe xong bài này, mình gần như rơi vào trạng thái ngơ ngẩn lòng . Có những thứ âm nhạc phải nghe đến nhiều lần mới thấm và hiểu hết ý nghĩa của nó. Mình gọi đó là âm nhạc có chiều sâu và thật tuyệt vời khi Phương Mỹ Chi đã làm được. Trước khi vào câu hát" Đêm nghe tiếng kinh cầu bên sông "có một đoạn tụng kinh ngắn khiến mình rất ấn tượng vì nó kết nối với câu hát. Mình đã nghe khá nhiều bài hát có liên quan đến văn học nhưng chỉ bài này là mình đánh giá cao nhất. Tác phẩm của Nguyễn Dữ do hạn chế của thời đại nên chưa tập trung miêu tả được nội tâm nàng Vũ Nương thì Phương Mỹ Chi đã bổ sung điều đó. Có nhiều người sẽ so sánh Hoàng Thùy Linh với Phương Mỹ Chi nhưng mình thấy không cần thiết vì nếu xét chi tiết thì Hoàng Thùy Linh có giai điệu thiên về hiện đại nhiều hơn và chị chỉ mượn dân gian để nói về hiện đại. Còn Chi thiên nhiều về dân gian, về văn học hơn cũng như chú trọng ở cảm xúc. Lời hát này cũng không dành riêng cho Vũ Nương, ta sẽ thấy trong đó biết bao phận người như người chinh phụ trong" Chinh phụ ngâm", những cô gái gặp cảnh tình duyên ngang trái lỡ làng. Cái hay của bài hát là gợi cả những cảm xúc dù mình chưa từng được trải nghiệm, như mình chưa từng yêu đương nhưng khi nghe bài này cũng buồn mất vài ngày. Các bạn nghĩ sao về bài hát này?