ĐỀ SỐ 1: Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi: .. "Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng được ghi nhận. Đó là lí do để chúng ta không vì thèm khát vị thế cao sang này mà rẻ rúng công việc bình thường khác. Cha mẹ ta, phần đông, đều làm công việc rất đỗi bình thường. Và đó là một thực tế mà chúng ta cần nhìn thấy. Để trân trọng. Không phải để mặc cảm. Để bình thản tiến bước. Không phải để tự ti. Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác trên những đường phố? Nếu tất cả đều là bác sĩ nổi tiếng thì ai sẽ là người dọn vệ sinh bệnh viện? Nếu tất cả đều là nhà khoa học thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau? Nếu tất cả đều là kĩ sư phần mềm thì ai sẽ gắn những con chíp vào máy tính? Phần đông chúng ta cũng sẽ là người bình thường. Nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng ta vươn lên từng ngày.".. (Phạm Lữ Ân, Nếu biết trăm năm là hữu hạn, NXB Hội Nhà văn năm 2012) Câu 1: Xác định câu chủ đề của đoạn văn? Câu 2: Xét về cấu tạo ngữ pháp, các câu: "Để trân trọng. Không phải để mặc cảm. Để bình thản tiến bước. Không phải để tự ti." thuộc loại câu nào? Câu 3: Sử dụng cấu trúc "Nếu.. thì" trong những câu văn "Nếu tất cả đều là doanh nhân thành đạt thì ai sẽ quét rác trên những đường phố? Nếu tất cả đều là bác sĩ nổi tiếng thì ai sẽ là người dọn vệ sinh bệnh viện? Nếu tất cả đều là nhà khoa học thì ai sẽ là người tưới nước những luống rau? Nếu tất cả đều là kĩ sư phần mềm thì ai sẽ gắn những con chíp vào máy tính?" có tác dụng gì? Câu 4: Từ nội dung đoạn trích hãy trình bày suy nghĩ của em về vai trò của ý chí và nghị lực trong cuộc sống. HƯỚNG DẪN: Câu 1 . Câu chủ đề: "Mỗi một người đều có vai trò trong cuộc đời này và đều đáng được ghi nhận." Câu 2. Các câu "Để trân trọng. Không phải để mặc cảm. Để bình thản tiến bước. Không phải để tự ti." thuộc loại câu rút gọn. Câu 3. Việc sử dụng cấu trúc nhằm nhấn mạnh các ý sau: - Xã hội phân công nhiệm vụ rất rõ ràng người lao động trí óc - người lao động chân tay - Bất cứ một công việc nào, con người nào cũng đều có những vai trò nhất định để góp phần giúp ích cho cuộc sống và xây dựng xã hội; - Thái độ trân trọng nghề nghiệp, trân trọng con người. Câu 4. Gợi ý: * Mở bài - Dẫn dắt, nêu vấn đề cần nghị luận: Ý chí nghị lực sống của con người. * Thân bài - Giải thích khái niệm ý chí nghị lực + Ý chí, nghị lực là bản lĩnh, sự dũng cảm và lòng quyết tâm cố gắng vượt qua thử thách dù khó khăn, gian khổ đến đâu để đạt được mục tiêu đề ra. + Người có ý chí nghị lực là người có ý chí sức sống mạnh mẽ, luôn kiên trì, nhẫn nại vượt qua những khó khăn, chông gai trong cuộc đời để vươn lên, khắc phục hoàn cảnh đi đến thành công. - Nguồn gốc, biểu hiện của ý chí nghị lực + Nguồn gốc: Nghị lực của con người không phải trời sinh ra mà có, nó xuất phát và được rèn luyện từ gian khổ của cuộc sống. + Biểu hiện của ý chí nghị lực: · Người có nghị lực luôn có thể chuyển rủi thành may, chuyển họa thành phúc, không khuất phục số phận và đổ lỗi thất bại do số phận. Ví dụ: Milton, Beethoven.. · Luôn biết khắc phục hoàn cảnh khó khăn bằng cách tự lao động, mưu sinh, vừa học vừa làm, tự mở cho mình con đường đến tương lai tốt đẹp. · Những người bị bệnh tật hiểm nghèo hoặc bị khiếm khuyết trên thân thể: Cố gắng tự chăm sóc cho bản thân, cố gắng tập luyện, làm những việc có ích. - Vai trò, ý nghĩa của ý chí nghị lực + Nghị lực giúp con người đối chọi với khó khăn, vượt qua thử thách của cuộc sống một cách dễ dàng hơn. Ví dụ: Bill Gate.. + Có niềm tin vào bản thân, tinh thần lạc quan để theo đuổi đến cùng mục đích, lí tưởng sống. + Thay đổi được hoàn cảnh số phận, cuộc sống có ích, có ý nghĩa hơn. + Trở thành những tấm gương về ý chí, nghị lực vượt lên số phận. + Người có ý chí nghị lực sẽ luôn được mọi người ngưỡng mộ, cảm phục, đồng thời tạo được lòng tin ở người khác. * Phản đề: - Phê phán những người không có ý chí, nghị lực: Những người chưa làm nhưng thấy khó khăn đã nản chí, thấy thất bại thì hủy hoại và sống bất cần đời. Những người có điều kiện đầy đủ nhưng không chịu học tập, buông thả, không nghĩ đến tương lai. Những người khi gặp khó khăn là buông xuôi, nản chí, phó mặc cho số phận. * Kết bài - Khẳng định lại vai trò quan trọng của ý chí nghị lực trong cuộc sống. - Liên hệ bản thân. + Cần phải học cách rèn luyện mình để có thể vững vàng và trưởng thành hơn sau mỗi lần vấp ngã. + Rèn luyện bản thân thành người có ý chí và nghị lực để vượt qua mọi chông gai và thử thách trên chặng đường dài. Tham khảo: Ý chí nghị lực là bệ phóng đưa con người đến với thành công. Nghị lực, ý chí chính là bản lĩnh, lòng quyết tâm vươn lên trong cuộc sống của mỗi con người. Hãy nhìn xem, xung quanh ta là nghịch cảnh bủa vây, luôn chực chờ để xô ta ngã. Nhưng có ý chí, nghị lực tay lái vững vàng trước thử thách phong ba. Khó khăn cho ta kinh nghiệm; nghịch cảnh cho ta môi trường để rèn luyện bản lĩnh. Và qua khó khăn đó ý chí nghị lực được hình thành, tôi luyện và trở thành bộ giáp vững chắc để ta hiên ngang giữa cuộc đời. Người có ý chí là người luôn dám đương đầu với mọi thử thách, luôn bền gan vững chí trước mọi sóng lớn gió to. Họ sống mạnh mẽ, cứng cỏi, kiên cường; thất bại không nản, thành công không tự mãn. Nguyễn Ngọc Ký thiếu đi đôi tay nhưng không ngừng nỗ lực để trở thành một người thầy đáng kính, Nick Vujicic sinh ra với tứ chi khiếm khuyết nhưng chưa một lần chịu thua số phận, Bill Gates phá sản trong lần đầu tiên nhưng sau đó lại trở thành tỷ phú bậc nhất của nhân loại.. Họ chính là những tấm gương sáng, đem đến cho ta bài học quý báu về giá trị của ý chí, nghị lực và sự quyết tâm. Người có ý chí nghị lực luôn được mọi người yêu quý và trân trọng và họ luôn trở thành niềm tin, điểm tựa, thậm chí là thần tượng để mọi người noi theo. Người có ý chí, nghị lực biết khắc phục hạn chế của bản thân, tìm ra đường đi từ ngõ cụt, biết xuyên thủng màn đêm của khó khăn để bước ra ánh sáng. Bởi thế ý chí nghị lực là sức mạnh vô hạn tận giúp người sở hữu nó chiến thắng tất cả để bước tới thành công. Vậy nhưng, trong xã hội vẫn có một số người có lối sống ỷ lại, sống dựa dẫm, không có tinh thần phấn đấu, không ý chí tiến thủ. Thế hệ trẻ hôm nay cần phê phán lối sống này, không ngừng rèn đức luyện tài, nỗ lực bằng tất cả khả năng để có thể vững vàng tiến về phía trước. Hãy luôn nhớ: "Nếu tri thức là sức mạnh giúp ta chiến thắng sự ngu dốt thì ý chí nghị lực lại là vũ khí giúp ta chiến thắng mọi kẻ thù".
ĐỀ SỐ 2: Đọc ngữ liệu và trả lời các câu hỏi sau: Trên đường đời bạn cũng có lúc vấp ngã. Tôi cũng vậy. Ngay cả người tài giỏi, khôn ngoan nhất cũng có lúc vấp ngã. Vấp ngã là điều bình thường, chỉ có những người không bao giờ đứng dậy sau vấp ngã mới là người thực sự thất bại. Điều chúng ta cần ghi nhớ là, cuộc sống không phải là một cuộc thi đó - trượt.. Cuộc sống là một quá trình thử nghiệm các biện pháp khác nhau cho đến khi tìm ra một cách thích hợp. Những người đạt được thành công phần lớn là người biết đứng dậy từ những sai lầm ngớ ngẩn của mình bởi họ coi thất bại, vấp ngã chỉ là tạm thời và là kinh nghiệm bổ ích. Tất cả những người thành đạt mà tôi biết đều có lúc phạm sai lầm. Thường thì họ nói rằng sai lầm đóng vai trò quan trọng đối với thành công của họ. Khi vấp ngã, họ không bỏ cuộc. Thay vì thế, họ xác định các vấn đề của mình là gì, cố gắng cải thiện tình hình và tìm kiếm giải pháp sáng tạo hơn để giải quyết. Nếu thất bại năm lần, họ cố gắng đứng dậy năm lần, mỗi lần một cố gắng hơn, Winston Churchill đã nắm bắt được cốt lõi của quá trình này khi ông nói: "Sự thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không đánh mất nhiệt huyết và quyết tâm vươn lên". (Trích Cuộc sống không giới hạn, Nick Vujicic, chương VII, trang 236) Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính. Câu 2: Chỉ ra phép liên kết hình thức được sử dụng trong hai câu văn sau: "Khi vấp ngã, họ không bỏ cuộc. Thay vì thế, họ xác định các vấn đề của mình là gì, cố gắng cải thiện tình hình và tìm kiếm giải pháp sáng tạo hơn để giải quyết." (1, 0 điểm) Câu 3: Từ nội dung đoạn văn bản trên em hãy viết đoạn văn (khoảng 2/3 trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của mình về ý nghĩa của việc đứng dậy sau vấp ngã đối với mỗi con người trong cuộc sống. HƯỚNG DẪN: Câu 1: Phương thức biểu đạt: Nghị luận Câu 2: Phép liên kết phép thế: Thay vì thế Câu 3: * Mở đoạn: Giới thiệu vấn đề: ý nghĩa của việc đứng dậy sau vấp ngã đối với tuổi trẻ trong cuộc sống. * Thân đoạn: - Bàn luận, chứng minh: + Cuộc đời ai cũng từng vấp ngã trước khó khăn thất bại. Điều quan trọng không phải là khó khăn to hay nhỏ mà quan trọng là con người có đủ sức để đứng dậy sau những vấp ngã hay không. + Con người từ khi sinh ra đã không ít lần vấp ngã: Ngày còn bé bụ bẫm, chập chững tập đi qua bao nhiêu lần vấp ngã đứng dậy và tập đi được. Vì vậy giờ ta có trưởng thành thì ta càng phải biết cách chấp nhận nó như một điều tự nhiên trong cuộc sống để sống nhẹ nhàng và vui vẻ hơn. Thất bại chính là động lực để con người vượt qua, là bài học để từ đó con người rèn luyện bản thân phấn đấu để ngày càng hoàn thiện. + Đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã làm ta trưởng thành hơn trong cuộc sống, học được cách đứng dậy giúp ta vượt qua được khó khăn. + Trong cuộc sống, ai cũng ít nhất 1 lần vấp ngã theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Sau mỗi lần vấp ngã ấy, người ta sẽ rút ra được một bài học cho chính mình, biết tránh những chỗ ghồ ghề khó đi, biết tìm cho mình bước đi mới hay là dẫm lên chính chỗ đã ngã xuống và đi tiếp. + Vấp ngã thất bại chỉ là một chuyện thường tình trong cuộc sống, người muốn thành công đều phải trải qua vấp ngã. Như một vận động viên muốn thành công đều có khó khăn trong quá trình luyện tập, khi thi đấu cũng có lúc vấp ngã nhưng luôn nổ lực phấn đấu rèn luyện để đến được vinh quang, người chiến thắng là người ngã gục cuối cùng trước các đối thủ. + Đứng dậy ngay tại điểm vấp ngã rất dễ làm ta thấy sợ hãi, thiếu suy nghĩ, sáng suốt hay áp đặt quá khứ vì vậy khi bạn cảm thấy đủ tự tin hãy đứng dậy từ một điểm bắt đầu theo hướng mới tích cực hơn. *Kết đoạn: - Khẳng định lại vấn đề và liên hệ bản thân. Tham khảo: Cuộc sống vốn chính là một hành trình dài mà trên cuộc hành trình đó có những khó khăn, thử thách và cả những niềm vui hạnh phúc. Và đương nhiên đi trên con đường đó, tuổi trẻ của chúng ta chắc chắn sẽ có lúc vấp ngã, có lúc thất bại và tưởng như mọi thứ đều quay lưng với bản thân mình. Thế nhưng việc vấp ngã hay thất bại chưa hẳn là điều xấu cũng chắc chắn không phải là ta đã hoàn toàn thua cuộc mà những lúc đó chính là lúc thử thách ý chí, thử thách lòng quyết tâm, thử thách sự kiên trì đến cùng của ta. Chỉ khi ta đứng lên sau những lần vấp ngã, ta mới có thể thấy được: Sau mỗi lần vấp ngã là một lần ta trưởng thành hơn, sau mỗi lần thất bại là một bài học kinh nghiệm cho ta trở nên lớn mạnh hơn. Có câu tục ngữ "Thất bại là mẹ thành công", suốt quãng đường đời này ta nhất định sẽ có lúc vấp ngã, những lúc sai lầm, những lúc khó khăn đến mức dường như chẳng thể nào đứng lên nổi, dường như mọi thứ quanh ta chỉ là một khoảng tối đen mịt mờ. Những lúc đó, ta phải đứng lên, nhất định phải đứng lên, dù khó khăn đến đâu chỉ cần không bỏ cuộc thì chắc chắn sẽ có cách giải quyết, dù thất bại như thế nào thì ta cũng có thể vực dậy được, dù có ngã đau thế nào, theo thời gian cũng sẽ nhạt nhòa đi. Chỉ cần ta cố gắng đứng lên, tiến về phía trước thì mọi khó khăn rồi cũng sẽ qua và sẽ đem về cho ta những thành quả ngọt ngào. Chúng ta còn trẻ, một tuổi trẻ đừng chờ đợi ta, cớ sao không nỗ lực để có một tuổi trẻ rực rỡ, một tuổi trẻ mà nai này không còn gì đáng hối hận mà chỉ mảy may nhìn mãi vào những thất bại, những sai lầm và những lần đau do vấp ngã đã ở quá khứ kia rồi? Thế mới nói việc đứng dậy sau vấp ngã đối với tuổi trẻ trong cuộc sống mang ý nghĩa thực sự quan trọng, đó chính là cách để tháo nút thắt mở ra cánh cổng tươi đẹp mới, là mở đầu của niềm tin tươi đẹp và những chiến thắng vẻ vang. Dám nhìn nhận quá khứ và học hỏi từ nó, từ đó làm cho bản thân trở nên tốt đẹp hơn, rạng ngời hơn, hoàn thiện hơn. Đó chính là một cách sống đẹp mà chúng ta - những thể hệ trẻ của đất nước cần hướng đến.
ĐỀ SỐ 3: Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi Cả nước đang lao vào chống dịch như nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhưng cũng cố gắng hạn chế tác động đến cuộc sống, đến tâm lý xã hội và tính toán đến chi phí bỏ ra. Xin khẳng định lại một điều, viêm phổi Vũ Hán không nguy hiểm cho cá nhân người bị nhiễm so với nhiều căn bệnh khác như tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp.. những bệnh mà hiện có khá nhiều người bị. Nếu chỉ có vài trăm ca nhiễm, hệ thống y học điều trị của Việt Nam có thể đáp ứng được khả năng cứu chữa, điều trị những ca nặng - khi chỉ có vài chục ca nặng. Nhưng nếu có khoảng chục ngàn ca nhiễm, số ca nặng cần đến máy thở, cần hồi sức đặc biệt tăng lên, sẽ làm cho hệ thống y tế bị quá tải. Covid-19 nguy hiểm cho cộng đồng khi nó bùng phát và lan rộng, làm cho hệ thống y học điều trị bị mất kiểm soát. Hiện nay, chiến lược chống dịch của Việt Nam là hạn chế lây lan, hạn chế số người nhiễm. Khoanh vùng dịch, cách ly và giãn cách cộng đồng là các biện pháp hỗ trợ tốt nhất cho chiến lược này. Chúng ta có thể cùng nhau ngăn chặn sự lây lan của Covid mà điều quan trọng nhất trong lúc này là: Ở yên một chỗ, và hãy mở lòng ra với đồng bào. (Trích Mở lòng với đồng bào, Võ Xuân Sơn, báo VnExpress.net, ngày 20/03/2020) Câu 1. Câu văn "Hiện nay, chiến lược chống dịch của Việt Nam là hạn chế lây lan, hạn chế số người nhiễm." là kiểu câu gì xét theo cấu tạo ngữ pháp? Câu 2 . Nước ta đã thực hiện những biện pháp hỗ trợ nào cho chiến lược chống dịch? Câu 3 . Vì sao, ở thời điểm đó, chúng ta cần "ở yên một chỗ" để phòng chống dịch? Câu 4 . Em hãy viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) bày tỏ quan điểm bản thân về tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 ở nước ta. HƯỚNG DẪN: Câu 1. Câu đơn Câu 2 . Nước ta đã thực hiện những biện pháp hỗ trợ cho chiến lược chống dịch: Khoanh vùng dịch, cách ly và giãn cách cộng đồng là các biện pháp hỗ trợ tốt nhất cho chiến lược này. Câu 3 . Vì: + Viêm phổi Vũ Hán lây lan qua việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Covid-19 nguy hiểm cho cộng đồng khi nó bùng phát và lan rộng, làm cho hệ thống y học điều trị bị mất kiểm soát. + Nếu chỉ có vài trăm ca nhiễm, hệ thống y học điều trị của Việt Nam có thể đáp ứng được khả năng cứu chữa, điều trị những ca nặng - khi chỉ có vài chục ca nặng. Nhưng nếu có khoảng chục ngàn ca nhiễm, số ca nặng cần đến máy thở, cần hồi sức đặc biệt tăng lên, sẽ làm cho hệ thống y tế bị quá tải. Câu 4 . Học sinh tự do bày tỏ quan điểm xong cần nêu được các ý sau: - Trình bày được thực tế, tình hình dịch bệnh diễn biến, phức tạp, nguy hiểm, không lường.. + chưa có thuốc chữa, vắc xin chữa trị + lây lan nhanh, có thể bùng phát bất cứ lúc nào.. - Một trong những biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất chính là ý thức của mỗi người + tự bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh + thực hiện tốt các chương trình, yêu cầu của bộ y tế và chính phủ + tuyên truyền mọi người.. + phê phán, lên án những người không có tinh thần trách nhiệm. => Ý thức của mỗi người chính là yếu tố quyết định, góp phần hạn chế việc lây lan, đẩy lùi dịch bệnh. Tham khảo: Đại dịch Covid-19 đã làm điêu đứng nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới. Trong khi đó, ở Việt Nam, chúng ta vẫn tự hào khi đã kiểm soát được khá tốt dịch bệnh. Để có được điều đó, bên cạnh sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, còn phải kể đến ý thức trách nhiệm của mỗi công dân. Đó là sự chấp hành nghiêm túc các quy định phòng chống dịch bệnh như đeo khẩu trang khi đi đến nơi công cộng, giữ khoảng cách tối thiểu là hai mét, thường xuyên rửa tay sát khuẩn.. Đặc biệt nhất phải kể đến đội ngũ y bác sĩ với tinh thần trách nhiệm luôn sẵn sàng xung phong lên tuyến đầu, trực tiếp công tác tại các bệnh viễn chữa trị cho bệnh nhân mắc Covid-19. Ngay cả những bác sĩ đã về hưu, hay sinh viên y khoa còn đang ngồi trên ghế nhà trường cũng luôn sẵn sàng góp sức mình vào "trận chiến" của đất nước. Hay như hình ảnh những chiến sĩ bộ đội đã nhường nơi ở của mình cho những người dân đang thực hiện cách ly, những chiến sĩ bộ đội biên phòng đang ngày đêm trông coi khu vực biên giới.. Thật tự hào khi mọi người dân, từ người lớn đến trẻ nhỏ đều một lòng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn có một bộ phận không nhỏ thiếu đi tinh thần trách nhiệm. Thật đáng buồn về trường hợp của cô gái trốn cách ly vẫn ngang nhiên quay video đăng lên mạng để khoe khoang việc làm của mình, những người chỉ vì lợi ích cá nhân mà sẵn sàng dẫn người nhập cảnh trái phép vào nước ta.. để lại nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Những hành vi này đều đáng lên án, vì nó có thể phá hoại công sức của cả một tập thể. Chính vì vậy, mỗi người dân Việt Nam hãy luôn ý thức được trách nhiệm của cá nhân trong công cuộc phòng chống dịch bệnh.
ĐỀ SỐ 4: Đọc đoạn trích sau và trả lời câu hỏi (1) Theo cách tương tự, dịch virus Corona khiến ta hết sức lưu ý đến vệ sinh cá nhân. Rất nhiều người đang thay đổi hành vi vì nỗi lo dịch bệnh. Các mạng xã hội trong nước tràn ngập những ảnh người dân đeo khẩu trang ở mọi nơi, mọi lúc. (2) Nhưng đồng thời, tôi nhận thấy rằng người ta vẫn thiếu kiến thức về cách virus vận hành và lây lan. Ví dụ, trước khi nghỉ học do dịch virus, các học sinh tuổi teen của tôi đến lớp ai cũng sợ sợ, đeo khẩu trang, thậm chí lên xuống bằng cầu thang vì sợ đi thang máy. Tuy vậy trước bữa ăn tập thể ở trung tâm, họ vẫn không rửa tay dù hình thức lây nhiễm virus phổ biến nhất là do chạm những thứ ở nơi công cộng. Và tôi bị bàng hoàng khi thấy một học sinh làm theo bản năng một điều ngược đời: Em ấy tháo khẩu trang để hắt hơi ra khắp phòng học, rồi đeo khẩu trang lại! (Theo báo Vnexpress.net, Góc nhìn, ngày 07/2/2020) Câu 1: Phép liên kết nào được sử dụng để liên kết giữa hai đoạn văn? Câu 2: Chỉ ra một thuật ngữ có trong đoạn văn? Giải thích nghĩa của thuật ngữ ấy? Câu 3: Đoạn văn thứ 2 tác giả đã chỉ ra mấy hành vi sai của học sinh tuổi teen trong việc phòng chống bệnh Covid-19 Câu 4: Từ nội dung đoạn trích trên em hãy trình bày suy nghĩ của mình về vai trò của sự tự ý thức trong việc phòng chống dịch bệnh Covid-19? HƯỚNG DẪN: Câu 1: Phép liên kết nào được sử dụng để liên kết giữa hai đoạn văn là phép nối: Nhưng Câu 2: - Học sinh chỉ ra được 1 trong hai thuật ngữ sau: Vius, dịch bệnh - Giải thích: + Virus, thường được viết là vi-rút là một tác nhân truyền nhiễm chỉ nhân lên được khi ở bên trong tế bào sống của một sinh vật khác. + Dịch bệnh là sự lây lan nhanh chóng của một bệnh truyền nhiễm với số lượng lớn những người bị nhiễm trong một cồng đồng hoặc một khu vực trong vòng một thời gian ngắn, thường là hai tuần hoặc ít hơn. Chỉ ra một thuật ngữ có trong đoạn văn? Giải thích nghĩa của thuật ngữ ấy? Câu 3: Đoạn văn thứ 2 tác giả đã chỉ ra các hành vi sai của học sinh tuổi teen trong việc phòng chống bệnh Covid-19 là: + trước bữa ăn tập thể ở trung tâm, họ vẫn không rửa tay dù hình thức lây nhiễm virus phổ biến nhất là do chạm những thứ ở nơi công cộng. + không đeo khẩu trang, cố tình hắt hơi ra khắp phòng học. Câu 4: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, miễn là đưa ra được lí lẽ dẫn chứng cụ thể sâu sắc, để chứng minh sự tự ý thức có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn và đẩy lù dịch bệnh. Gợi ý - Trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cùng với việc thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp ứng phó, ngăn chặn dịch thì ý thức và tinh thần trách nhiệm, sự tự giác.. của mỗi cá nhân là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa, và ngăn chặn dịch bệnh lan rộng. - Có rất nhiều các nhân tổ chức chấp hành tốt: Đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, thường xuyên rửa tay với nước xà phòng, diệt khuẩn, không tụ tập đông người.. + dừng mọi hoạt động tôn giáo, lễ chùa, văn hóa nghệ thuật.. + khai báo y tế tự nguyện.. =>Tất cả những hành động đó đã giúp cho đảng và nhà nước, các cơ quan y tế ngăn chặn kịp thời sự lây lan dịch bệnh. - Tuy nhiên còn một số cá nhân tổ chức chưa tự ý thức được sự nguy hiểm của dịch bênh. Có những hành vi thiếu ý thức làm lây lan dịch bệnh: Bệnh nhân số 17 Nguyễn Hồng Nhung, hay một số việt kiều từ nước ngoài về nhưng lại chốn không cách ly. Hoặc một số các nhân không đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, thậm chí lợi dụng dịch bệnh để thu lợi cho bản thân.. - Khẳng định ý thức và sự tự giác có vai trò quyết định trong việc ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Liên hệ những việc làm thực tế của bản thân
ĐỀ SỐ 5: Cho đoạn văn sau: THỜI GIAN LÀ VÀNG Ngạn ngữ có câu: Thời gian là vàng. Nhưng vàng thì mua được mà thời gian không mua được. Thế mới biết vàng có giá mà thời gian là vô giá. Thật vậy, thời gian là sự sống. Bạn vào bệnh viện mà xem, người bệnh nặng, nếu kịp thời chạy chữa thì sống, để chậm là chết. Thời gian là thắng lợi. Bạn hỏi các anh bộ đội mà xem, trong chiến đấu, biết nắm thời cơ, đánh địch đúng lúc là thắng lợi, để mất thời cơ là thất bại. Thời gian là tiền. Trong kinh doanh, sản xuất hàng hóa đúng lúc là lãi, không đúng lúc là lỗ. Thời gian là tri thức. Phải thường xuyên học tập thì mới giỏi. Học ngoại ngữ mà bữa đực, bữa cái, thiếu kiên trì, thì học mấy cũng không giỏi được. Thế mới biết, nếu biết tận dụng thời gian thì làm được bao nhiêu điều cho bản thân và cho xã hội. Bỏ phí thời gian thì có hại và về sau hối tiếc cũng không kịp. (Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam) Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt văn bản trên. Câu 2. Việc lặp lại kiểu câu trong các câu in đậm có tác dụng gì? Câu 3. Theo tác giả, nếu bỏ phí thời gian sẽ như thế nào? Câu 4 . Từ nội dung văn bản trên, và những hiểu biết xã hội của bản thân, hãy viết khoảng 2/3 trang giấy thi trình bày suy nghĩ của em về ý kiến: Đừng bao giờ để đến ngày mai những việc bạn có thể làm ngày hôm nay. HƯỚNG DẪN: Câu 1. Phương thức biểu đạt: Nghị luận Câu 2: Việc lặp lại các kiểu câu có tác dụng nhấn mạnh giá trị, ý nghĩa to lớn của thời gian. Câu 3. Theo tác giả, nếu bỏ phí thời gian sẽ có hại và về sau hối tiếc cũng không kịp. Câu 4 . Dàn ý: *Mở đoạn: dẫn dắt vấn đề nghị luận: Đừng bao giờ để đến ngày mai những việc bạn có thể làm ngày hôm nay * Thân đoạn: - Bàn luận vấn đề + khẳng định quan điểm trên là hoàn toàn đúng đắn và cần áp dụng ngay vào cuộc sống hôm nay + Thời gian không chờ đợi ai bao giờ chính vì thế bạn cần tận dụng triệt để quỹ thời gian trong ngày để thực hiện tốt các công việc của mình - Ý nghĩa: + Người biết tranh thủ thời gian sẽ luôn được đánh giá cao. Họ sẽ được những người xung quanh quý trọng và cũng dễ tiến dần tới đích của thành công hơn + Việc sử dụng thời gian hợp lí không chỉ giúp chúng ta thành công trong sự nghiệp mà còn thành công trong cả cuộc sống - HS lấy ví dụ chứng minh: - Phản đề: Lên án phê phán những người sống ỷ lại, lười nhác, nước đến chân mới nhảy *Kết đoạn: - Khẳng định lại vấn đề - Liên hệ bản thân đưa ra suy nghĩ, hành động đúng: Quý trọng thời gian, làm việc có kế hoạch, mục đích.. Bài viết tham khảo: Thời gian là vàng câu nói đó là đúng với mọi hoàn cảnh vì thời gian luôn vận động vĩnh hằng trong cuộc sống, mỗi giây mỗi phút đi qua nó sẽ không bao giờ quay trở lại nữa vì vậy chúng ta cần phải biết quý trọng thời gian. Thời gian là sự vận động vĩnh hằng trong vũ trụ, vũ trụ sinh ra thời gian thời gian luôn luôn vận động và không ngừng chuyển động, mỗi giây mỗi phút có thời gian nếu chúng ta biết quý trọng nó thì chúng ta sẽ làm được những điều có ích cho xã hội này, để thời gian trôi đi và lãng phí khoảng thời gian đó khi ngoảnh đầu lại chúng ta sẽ cảm thấy hối tiếc vì những gì mà mình đã đánh mất, trên đời này có rất nhiều thứ đi qua có thể lấy lại được nhưng duy nhất có thời gian nếu đi qua chúng ta sẽ vĩnh viễn sẽ không bao giờ lấy lại được. Khi để thời gian trôi đi khỏi vòng tay chúng ta mới cảm thấy yêu quý thời gian. Quý trọng đó là chúng ta phải biết giữ gìn và chân trọng những giây những phút đó, nếu chúng ta biết quý trọng thời gian chúng ta thực sự sẽ trở thành những con người khoa học. Những ai biết quý trọng thời gian thì học sẽ thành công và làm được những điều có ích cho xã hội này. Có rất nhiều những biểu hiện chứng mình sự quý trọng thời gian của chúng ta, họ luôn chân trọng từng giây từng phút không để thời gian trôi đi vô ích, vô vọng học biết chắt chiu chân trọng từng giây từng phút họ không để thời gian trôi đi trong sự vô vọng và hoài phí, trong học tập học biết chia khoảng thời gian ra để học tập, những người biết chân trọng thời gian thì chắc chắn họ sẽ thành công trong học tập, một người khoa học học có thể phân chia thời gian ra thành nhiều khoảng khác nhau, họ có một lịch trình thời gian cụ thể cho bản thân mình, thời gian này học làm việc này thời gian này học làm việc kia, cứ như vậy trôi qua khi thời gian vẫn luôn chuyển động và người đó vẫn làm được những người có ích cho xã hội, con người chúng ta thường bị lu mờ trước mắt khi nhiều cám dỗ của cuộc sống khiến chúng ta bỏ qua những khoảng thời gian tốt đẹp vì vậy để không lãng phí những khoảng thời gian bên cạnh mình, từng giây từng phút hãy nâng niu và yêu quý nó. Nhiều cá nhân trong xã hội không biết quý trọng thời gian khi tuổi trẻ đã bỏ qua thời gian học tập và khi trưởng thành học cảm thấy hối tiếc vì những điều mà mình đã bỏ phí và cảm thấy luyến tiếc vì những điều đó nữa. Thời gian đi qua sẽ không bao giờ quay trở lại chúng ta hãy biết chân trọng và giữ gìn những khoảng thời gian mà chúng ta đang có, có như vậy chúng ta mới thực sự trở thành những con người của xã hội, những con người biết cống hiến hết mình cho xã hội này. Các cụ đã dậy chúng ta những điều rất đúng, chúng ta cần phải biết quý trọng thời gian, thời gian sẽ giúp chúng ta trở thành những con người có ích cho xã hội hãy nâng niu và chân trọng chúng. Và từ đó cho ta nhận ra được ý nghĩa của câu thành ngữ ''Việc hôm nay chớ để ngày mai' ' và 'Đừng bao giờ để đến ngày mai những việc bạn có thể làm ngay hôm nay'.