ĐỀ 11 Đọc đoạn trích: Đây là thời đại "đồ ăn nhanh", nhanh đến mức bạn luôn hi vọng hôm nay cố gắng ngày mai sẽ có kết quả, nhanh đến mức bạn luôn muốn ngày mai kiểm tra hôm nay mới bắt đầu ôn tập; nhanh đến mức bạn luôn cảm thấy hôm nay chạy bộ thì ngày mai có thể giảm cân thành công. Nhưng, cứ cho là thời đại gấp gáp đi nữa, cũng cần có những khoảng thời gian cô đơn yên bình không tính toán đến sự đền đáp để lặng lẽ tích cóp từng chút, cùng với sự tích lũy theo thời gian, mới có thể có được những chuyển biến rõ rệt. Một người kiên trì chạy bộ một tuần không khó, cái khó là nuôi dưỡng nó thành thói quen, kiên trì bảy, tám tháng, kiên trì một năm, kiên trì lâu hơn nữa. Thế giới này thực ra có thể rất công bằng, bạn mong một năm sẽ giảm được năm ki-lô-gam, cách tốt nhất là ăn ít đi. ... Những người tỏa ánh hào quang, ai biết được họ đã chịu đựng cô đơn nhường nào trong góc tối. Những người tỏa sáng trên sân khấu, ai biết được họ đã trải qua bao nhiêu nỗ lực phía sau cánh gà. Thế giới này không có thứ gì đạt được dễ dàng cả, có thể chịu đựng nỗi cô đơn, kiên định bước đi thì mới có được thành công. Bạn phải tin rằng, thời gian sẽ không phụ công những người âm thầm nỗ lực. (Lý Thượng Long, Vươn lên hoặc bị đánh bại, Nguyệt Minh dịch) Trả lời câu hỏi: Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên. Câu 2. Xác định biện pháp nghệ thuật chủ đạo được sử dụng trong các câu sau và nêu tác dụng: Những người tỏa ánh hào quang, ai biết được họ đã chịu đựng cô đơn nhường nào trong góc tối. Những người tỏa sáng trên sân khấu, ai biết được họ đã trải qua bao nhiêu nỗ lực phía sau cánh gà. Câu 3. Bài học mà anh chị tâm đắc trong đoạn văn trên là gì? Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm cho rằng kiên định bước đi thì mới có được thành công. Câu 5. Anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về vấn đề: làm thế nào để rèn luyện tính kiên trì. Gợi ý: Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên: nghị luận. Câu 2. Những người tỏa ánh hào quang, ai biết được họ đã chịu đựng cô đơn nhường nào trong góc tối. Những người tỏa sáng trên sân khấu, ai biết được họ đã trải qua bao nhiêu nỗ lực phía sau cánh gà. Biện pháp nghệ thuật chủ đạo được sử dụng trong các câu văn trên là: điệp cấu trúc. Tác dụng: nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của sự kiên trì, nỗ lực; tăng nhịp điệu cho câu văn, làm cho lời văn nghị luận thêm hấp dẫn. Câu 3. Bài học tôi tâm đắc trong đoạn văn: luôn kiên trì, nỗ lực để vươn tới thành công. Câu 4. Đồng tình với quan điểm cho rằng kiên định bước đi thì mới có được thành công. Vì: Kiên định bước đi sẽ giúp con người rèn luyện ý chí, nghị lực từ đó không dễ dàng bị vấp ngã; làm cho con người trở nên bản lĩnh hơn, không sợ hãi hay lùi bước trước những khó khăn; tích góp được cho mình nhiều kinh nghiệm quý giá và sự dẻo dai... là tiền đề để có được thành công. Câu 5. Anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về vấn đề: làm thế nào để rèn luyện tính kiên trì. Tham khảo: "Những người tỏa ánh hào quang, ai biết được họ đã chịu đựng cô đơn nhường nào trong góc tối. Những người tỏa sáng trên sân khấu, ai biết được họ đã trải qua bao nhiêu nỗ lực phía sau cánh gà." Thành công chỉ đến với những ai có đủ sự kiên trì. Nhưng không phải sự kiên trì ai sinh ra cũng có. Đó là cả quá trình rèn luyện công phu. Để rèn luyện được đức tính quý này, trước hết phải đi từ nhận thức. Mỗi người cần nhận thức sâu sắc rằng, có kiên trì mới có thành quả, khó khăn thử thách là điều tất yếu gặp phải trong hành trình sống, có khó khăn, thử thách, con người mới trưởng thành,... Mà muốn có được những nhận thức tích cực ấy, cần phải đọc nhiều, nhất là các sách kĩ năng sống, sách dành cho những người thành công... Nhận thức thông suốt rồi, chúng ta hãy vạch kế hoạch rèn luyện cho bản thân bằng các thời gian biểu, lịch trình khoa học. Và quan trọng là phải nghiêm túc thực hiện bằng một ý thức kỉ luật nghiêm khắc. Tự kỉ ám thị bản thân bằng những câu thần chú như: "Có công mài sắt có ngày nên kim" hay "Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên"... là một cách hữu hiệu để ta luôn có động lực hoàn thành công việc dù khó khăn đến đâu. Chia mục tiêu ra thành từng chặng nhỏ và cố gắng hoàn thiện từng chặng ấy cũng là một cách thông minh để ta chinh phục cả chặng đường dài... Có muôn vàn cách để rèn luyện tính kiên trì, mong rằng mỗi chúng ta hãy tìm cho mình những cách thức phù hợp nhất để luôn kiên trì theo đuổi mục tiêu. Xem tiếp bên dưới...
ĐỀ 12 Đọc đoạn trích: Hơn nửa cuộc đời của mỗi người chúng ta là dành để làm việc. Nói một cách thẳng thắn thì mức độ thành công trong công việc sẽ quyết định chất lượng sống của bạn sau này, chính vì thế mà chúng ta cần dốc hết sức mình vào công việc. Người có được tinh thần như vậy thì từng phút từng giây đều sẽ tự cổ vũ động viên mình, cố gắng phát huy tối đa khả năng của bản thân, khả năng bứt phá của họ là vô tận, có thể khiến ai nấy đều phải kinh ngạc. Ngày nay, rất nhiều người chỉ cố gắng hết mức trong khả năng có thể để đạt được mục tiêu mình đề ra chứ không có ý định dốc hết sức mình, hi sinh nhiều thứ giải trí để giành lấy thành công. Họ sẽ đi làm đúng giờ, hoàn thành công việc đúng thời hạn, tuân thủ theo các quy định, là một nhân viên mẫn cán, song chẳng bao giờ đem lại những sáng tạo cho công ty, càng chẳng thể đem lại niềm vui bất ngờ cho chính mình. Cuộc sống của họ cứ thế mà trôi đi trong bình yên đến nhạt nhẽo, công việc dần dà trở thành một công cụ kiếm tiền chứ không phải là vũ đài để chúng ta thể hiện giá trị của bản thân. Dốc hết sức mình chính là dốc toàn lực và lòng nhiệt huyết của mình vào trong công việc, hoàn thành công việc ở mức hoàn hảo, đồng thời tận dụng tối đa khả năng của bản thân. Trong quá trình này còn sản sinh ra thêm nguồn năng lượng mạnh mẽ, nó có thể đến từ những lời khen ngợi của cấp trên, có thể đến từ phần thưởng mà bạn nhận được nhờ nỗ lực của mình, cũng có thể là giá trị của bản thân được nâng cao, hoặc là cơ hội thành công ngàn năm có một. Tất cả những điều đó đều có thể xảy ra, chỉ cần bạn dốc hết sức mình vào công việc. (Lý Kiệt, Kỷ luật làm nên con người) Trả lời câu hỏi: Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên. Câu 2. Theo tác giả, như thế nào là dốc hết sức mình vào công việc? Câu 3. Theo anh/chị, người đi làm đúng giờ, hoàn thành công việc đúng thời hạn, tuân thủ theo các quy định, là một nhân viên mẫn cán có phải là người dốc hết sức mình vào công việc không? Câu 4. Thông điệp mà tác giả gửi gắm trong đoạn trích trên là gì? Câu 5. Anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về vấn đề: làm thế nào để phát huy tối đa khả năng của bản thân. Gợi ý: Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên: nghị luận. Câu 2. Theo tác giả, người dốc hết sức mình vào công việc là người: - từng phút từng giây đều sẽ tự cổ vũ động viên mình, cố gắng phát huy tối đa khả năng của bản thân, khả năng bứt phá; - là dốc toàn lực và lòng nhiệt huyết của mình vào trong công việc, hoàn thành công việc ở mức hoàn hảo, đồng thời tận dụng tối đa khả năng của bản thân. Câu 3. Người đi làm đúng giờ, hoàn thành công việc đúng thời hạn, tuân thủ theo các quy định, là một nhân viên mẫn cán chưa phải là người dốc hết sức mình vào công việc. Họ mới hoàn thành trách nhiệm được giao chứ chưa có sáng tạo cho công ty, không có thành công đáng kể, không có niềm vui bất ngờ cho chính mình... Câu 4. Thông điệp mà tác giả gửi gắm trong đoạn trích trên là mỗi người hãy dốc hết sức mình vào công việc, để gặt hái được thành công, để nâng cao giá trị bản thân và giá trị cuộc sống. Câu 5. NLXH: làm thế nào để phát huy tối đa khả năng của bản thân. Có những sự đủ đầy khiến con người trở nên lười biếng, có những vùng an toàn khiến con người không khám phá hết khả năng cực đại của bản thân, có những quan niệm sai lầm trong cuộc sống khiến bạn đánh mất đi một cuộc đời đích thực. Bạn luôn đi làm đúng giờ, hoàn thành công việc đúng thời hạn, tuân thủ theo các quy định, là một nhân viên mẫn cán... Bạn tưởng vậy đã là đủ sao? Không, nếu bạn có tư duy lối mòn ấy, bạn chỉ hoàn thành nhiệm vụ được giao mà chưa thực sự biến cuộc sống của mình thành vũ đài để thể hiện giá trị bản thân, bởi bạn chưa thực sự dốc hết sức mình vào công việc. Chỉ dốc hết sức mình vào công việc bạn mới phát huy được tối đa khả năng của mình. Vậy làm thế nào để phát huy tối đa khả năng của bản thân? Trước hết, bạn hãy xác định thật đúng đắn giá trị sống của mình, đặt những mục tiêu phù hợp khả năng để theo đuổi với kế hoạch rõ ràng. Hãy biết cách quản lý thời gian hiệu quả và khoa học, bạn phải biết từ chối những nhiệm vụ không cần thiết và thường xuyên chia sẻ với mọi người. Ngoài ra, để tự quản lý tốt công việc của mình và tìm kiếm cơ hội thăng tiến, bạn phải luôn nỗ lực trau dồi kiến thức chuyên môn. Đặt cho mình mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng và nhất quán với giá trị cốt lõi của bản thân, như vậy, bạn sẽ tràn đầy cảm hứng và năng lượng làm việc. Khi đối mặt khó khăn, thất bại, thay vì trách móc bản thân, bạn cần suy nghĩ tích cực hơn để làm chủ tình huống. Hãy luôn đặt nhiệt huyết của mình vào công việc, yêu công việc như yêu cuộc sống của mình vậy. Hãy sáng tạo trong cách giải quyết vấn đề và cố gắng hoàn thành công việc ở mức hoàn hảo nhất... Đó chính là những cách thức để chúng ta phát huy tối đa khả năng của chính mình. Xem tiếp bên dưới...
ĐỀ 13 Đọc đoạn thơ sau: [...] Cuộc chiến tranh đã đi qua một phần tư thế kỉ tôi nhớ người con gái xưa tìm chồng như cơn gió lang thang giữa trời đất mênh mông nỗi tuyệt vọng khiến tình yêu hoá đá tôi đã gặp những người con gái mở đường cho chúng tôi ra trận qua bóng hòn Vọng Phu có nhiều em chưa tìm được người yêu đã giáp mặt hàng trăm lần cái chết hòn núi cô đơn đứng ngàn năm chất ngất mà hạnh phúc bình thường vẫn quá tầm tay các em mấy năm bám trụ nơi đây gánh đá phá bom tải hàng dựng lán đào sẵn huyệt cho mình khi ngã xuống mà tình yêu không hoá đá bao giờ xe chúng tôi qua các em mừng vẫy tay chắc sau ròn rã tiếng cười nước mắt sẽ thầm rơi trên những gương mặt lành màu nắng gió [...] (Trích Thử nói về hạnh phúc - Thanh Thảo, 1972) Trả lời câu hỏi: Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích. Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. Câu 3. Đoạn thơ đã đặt "những người con gái mở đường" trong sự đối sánh với hình tượng nào? So sánh để chỉ ra điểm khác biệt gì? Câu 4. Chỉ ra và nêu tác dụng của 2 biện pháp tu từ sừ dụng trong 4 câu thơ sau: các em mấy năm bám trụ nơi đây gánh đá phá bom tải hàng dựng lán đào sẵn huyệt cho mình khi ngã xuống mà tình yêu không hoá đá bao giờ... Câu 5. Nêu cảm nhận của anh chị về vẻ đẹp của những cô gái mở đường trong đoạn thơ trên bằng một đoạn văn ngắn. Gợi ý: Câu 1. Phong cách ngôn ngữ của đoạn trích: nghệ thuật. Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: biểu cảm Câu 3. - Đoạn thơ đã đặt "những người con gái mở đường" trong sự đối sánh với hình tượng: Núi Vọng Phu. - So sánh để chỉ ra điểm khác biệt: + Người con gái trong sự tích Núi Vọng Phu tuyệt vọng chờ chồng đến nỗi tình yêu hóa đá, hạnh phúc bình thường vẫn quá tầm tay. + Người con gái mở đường dù chưa tìm được người yêu, dù phải làm những nhiệm vụ gian khổ, thậm chí đào cả huyệt để chuẩn bị cho cái chết của chính mình mà tình yêu không hoá đá bao giờ. Câu 4. - Hai biện pháp tu từ sừ dụng trong 4 câu thơ trên: + Liệt kê: gánh đá, phá bom, tải hàng, dựng lán (liệt kê những công việc của người con gái mở đường) + Ẩn dụ: tình yêu không hoá đá (tình yêu không chết). - Tác dụng: + Phép liệt kê giúp người đọc hiểu được những công việc gian khổ của những cô gái mở đường, giúp khẳng định, ca ngợi vẻ đẹp anh dũng, bất khuất của họ. + Phép ẩn dụ tạo ấn tượng về sức sống vững bền của tình yêu đất nước, yêu tự do... trong tâm hồn những cô gái trẻ. + Tăng tính gợi hình, biểu cảm cho lời thơ. Câu 5. Cảm nhận của anh chị về vẻ đẹp của những cô gái mở đường trong đoạn thơ trên: Trong những năm tháng chiến tranh rực lửa, hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong làm nhiệm vụ mở đường, phá bom, san hố xuất hiện giữa đời thực và giưa trang thơ như một biểu tượng đẹp về tình yêu đất nước, về tinh thần dũng cảm, gan góc kiên cường. Trong đoạn thơ trên, họ không được gọi bằng những cái tên cụ thể mà là "nhiều em", "các em", là "những gương mặt lành"... nhưng vẻ đẹp của họ vẫn sáng ngời, lấp lánh sau mỗi dòng thơ. Những cô gái ấy dù chưa tìm được người yêu, hàng trăm lần đối mặt cùng cái chết, nhưng vẫn sẵn sàng hi sinh tình yêu cá nhân, kiên cường bám trụ "mấy năm", đảm đương những nhiệm vụ vốn không dành cho phái nữ: gánh đá, phá bom, tải hàng, dựng lán... Tất cả những điều đó xuất phát từ tình yêu tha thiết dành cho Tổ quốc; từ khát vọng hòa bình, độc lập cho đất nước, quê hương. Tình yêu trong trái tim các cô là bất tử, là vĩnh hằng, không bao giờ hóa đá. Có thể nói hình ảnh những cô gái mở đường ấy đã góp phần dệt nên biết bao trang sử hào hùng cho lịch sử dân tộc những năm kháng chiến. Xem tiếp bên dưới...
ĐỀ 14 Đọc đoạn thơ sau: [...] và em ơi, ngày sum họp ngày mai giữa chúng mình còn tên những bạn bè ngã xuống những người hay mơ mộng tha thiết yêu và muốn làm được chút gì cho em, cho anh cho đất nước đôi tay họ đôi bàn tay trong sạch đã vùi sâu trong đất sẽ vươn giữa hai ta như những nhành cây những nhành cây ôm chặt cuộc đời này giữ cho những người yêu tròn hạnh phúc. (Trích Thử nói về hạnh phúc - Thanh Thảo, 1972) Trả lời câu hỏi: Câu 1. Xác định thể thơ được sử dụng trong đoạn trích. Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích. Câu 3. Trong suy tư của Thanh Thảo, điều quý giá mà những người đã ngã xuống để lại cho cuộc đời là gì? Câu 4. Hình ảnh đôi bàn tay của những người đã ngã xuống được so sánh với hình ảnh nào? Tác dụng của hình ảnh so sánh đó. Câu 5. Anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ "thử nói về hạnh phúc" theo quan niệm cá nhân. Gợi ý: Câu 1. Thể thơ được sử dụng trong đoạn trích: tự do Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: biểu cảm Câu 3. Trong suy tư của Thanh Thảo, điều quý giá mà những người đã ngã xuống để lại cho cuộc đời chính là giữ tròn hạnh phúc cho anh, cho em, cho đất nước. Câu 4. - Hình ảnh đôi bàn tay của những người đã ngã xuống được so sánh với hình ảnh "những nhành cây", những nhành cây "ôm chặt cuộc đời" và "giữ cho những người yêu tròn hạnh phúc." - Tác dụng của hình ảnh so sánh: tăng tinh gợi hình, biểu cảm cho sự diễn đạt; nhấn mạnh ý nghĩa của sự hi sinh cao cả: mang lại hạnh phúc cho cuộc đời, cho những người yêu nhau; thể hiện lòng biết ơn của tác giả đối với sự hi sinh của họ. Câu 5: Viết đoạn văn: Mỗi người có một quan niệm không giống nhau về hạnh phúc. Người cho rằng hạnh phúc là phải có thật nhiều tiền, để được thỏa mãn mọi sở nguyện. Người khác lại cho rằng hạnh phúc là khi đứng trên đỉnh vinh quang, đạt được thành công rực rỡ... Với tôi, hạnh phúc thật đơn giản, gắn với niềm vui thường nhật mỗi ngày. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà tôi thuộc lòng những câu thơ trong bài thơ "Hạnh phúc" của Thanh Huyền, trong đó câu tôi tâm đắc nhất là câu kết: "Hạnh phúc vẹn nguyên giữa cuộc đời thường." Trong suy nghĩ của tôi, mỗi ngày được sống cùng bố mẹ, được bố mẹ yêu thương, quan tâm đã là hạnh phúc. Mỗi ngày được thấy bố mẹ và những người thân mạnh khỏe, bình an cũng là hạnh phúc. Mỗi ngày vui vẻ đến trường, nô đùa cùng lũ bạn, được cô ghi sổ điểm 9, 10 cũng là hạnh phúc. Hay đơn giản chỉ là cảm nhận được ánh mắt ấm áp, nụ cười dịu dàng của ai đó đang dành riêng cho mình cũng thấy trong lòng như có nắng. Và khi ước mơ được toại nguyện: được điểm cao trong kì thi quan trọng, được bước chân vào ngôi trường mình mơ ước... thì niềm hạnh phúc càng trọn vẹn hơn. Vậy đó, với tôi, mỗi ngày được khỏe mạnh, vui vẻ là mỗi ngày hạnh phúc. Ba vạn sáu ngàn ngày hạnh phúc là một đời hạnh phúc, mãn nguyện.
ĐỀ 15 Đọc đoạn thơ sau: Tôi chưa từng đi qua chiến tranh Chưa thấy hết sự hy sinh của bao người ngã xuống Thuở quê hương còn gồng gánh nỗi đau. Tôi lớn lên từ rẫy mía, bờ ao Thả cánh diều bay Lội đồng hái bông súng trắng Mẹ nuôi tôi dãi dầu mưa nắng Lặn lội thân cò quãng vắng đồng xa. Tôi lớn lên từ những khúc dân ca Khoan nhặt tiếng đờn kìm Ngân nga sáo trúc Đêm Trung thu say sưa nghe bà kể Chú Cuội một mình ngồi gốc cây đa. Thời gian qua Xin cám ơn đất nước Bom đạn mấy mươi năm vẫn lúa reo, sóng hát Còn vọng vang với những câu Kiều Trong từng ngần ấy những thương yêu Tiếng mẹ ru hời Điệu hò thánh thót Mang hình bóng quê hương tôi lớn thành người... (trích "Cám ơn đất nước", Huỳnh Thanh Hồng) (đờn kìm: đàn nguyệt) Trả lời các câu hỏi sau: Câu 1: Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào? Câu 2: Hình ảnh quê hương trong đoạn trích được miêu tả qua những từ ngữ, hình ảnh nào? Câu 3: Những dòng thơ sau giúp anh/chị hiểu gì về hình ảnh quê hương nhà thơ trong quá khứ? Tôi chưa từng đi qua chiến tranh Chưa thấy hết sự hy sinh của bao người ngã xuống Thuở quê hương còn gồng gánh nỗi đau. Câu 4: Nội dung những dòng thơ sau có ý nghĩa gì với anh/chị? Thời gian qua Xin cám ơn đất nước Bom đạn mấy mươi năm vẫn lúa reo, sóng hát Còn vọng vang với những câu Kiều Câu 5: Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của việc trân trọng những gì đang có trong cuộc sống con người. Gợi ý: Câu 1: Thể thơ: tự do Câu 2: Hình ảnh quê hương trong đoạn trích được miêu tả qua những từ ngữ, hình ảnh: rẫy mía bờ ao, cánh diều, bông súng trắng, lúa reo sóng hát, khúc dân ca, tiếng đàn kìm, ngân nga sao trúc, tiếng mẹ ru. Câu 3: Qua những từ ngữ, hình ảnh: "chiến tranh", "sự hi sinh của bao người ngã xuống" kết hợp với thủ pháp nhân hóa "quê hương gồng gánh nỗi đau" giúp người đọc cảm nhận được hình ảnh quê hương của nhà thơ bị tàn phá trong những năm tháng chiến tranh, cùng với đó là sự hi sinh của bao người con quê hương trong những năm tháng đau thương đó. => Qua đó thể hiện tình yêu quê hương và thái độ trân trọng, ngợi ca quá khứ của tác giả. Câu 4: - Nội dung 3 dòng thơ: Thể hiện tình yêu, niềm tự hào đất nước của nhà thơ: Đất nước dù trải qua bao nhiêu năm chiến tranh nhưng sự sống, những giá trị vật chất ("lúa reo, sóng hát"), tinh thần ("câu kiều") vẫn trường tồn. - Ý nghĩa: Nhắc nhở mỗi con người trên đất nước hãy sống gắn bó, tự hào về đất nước/có ý thức dựng xây đất nước/có thái độ trân trọng quá khứ hào hùng, đau thương, ngợi ca cuộc sống hiện tại của đất nước... Câu 5: Có thể triển khai theo hướng sau: -Trân trọng những gì đang có là biết trân quí, nâng niu, gìn giữ những điều tốt đẹp mà cuộc sống đang đem đến cho mỗi con người - Ý nghĩa của việc cần trân trọng những gì đang có: + trân trọng những gì đang có sẽ đem lại hạnh phúc cho con người. Từ đó, đời sống tinh thần và vật chất sẽ được đầy đủ và nâng cao. + trân trọng những gì đang có giúp ta không rơi vào lối sống ảo tưởng, viển vông, hão huyền, xa rời thực tế. + trân trọng những gì đang có giúp ta thêm yêu đời, gắn bó với gia đình, quê hương, đất nước, có động lực để phấn đấu, góp phần làm nên thành công, vượt qua bao thử thách, khó khăn trên đường đời. (dẫn chứng) - Phê phán những người không biết trân trọng những gì đang có, hoặc tự ti, hoặc thờ ơ với những gì đang có, hoặc viển vông xa vời chạy theo những giá trị hư ảo - Trân trọng những gì đang có không có nghĩa là lãng quên quá khứ, không nhìn về tương lai. Cần trân trọng cả quá khứ, hiện tại và hướng về tương lai để sống và phấn đấu. (Trích đề thi thử THPTQG trường THPT Quỳnh Thọ, Thái Bình - nhóm GV biên soạn.)
ĐỀ 16 Đọc đoạn thơ sau: ... "Chúng tôi là những người đàn bà bình thường trên Trái Đất. Quen với việc nhỏ nhoi bếp núc hàng ngày Chúng tôi chẳng có tàu ngầm, tên lửa, máy bay Càng không có hạt nhân nguyên tử Chúng tôi chỉ có chậu, có nồi, có lửa Có tình yêu và có lời ru Những con cò, con vạc từ xưa Vẫn lặn lội bờ sông bắt tép Cuộc sống vẫn ngàn đời nối tiếp Như trăng lên, như hoa nở mỗi ngày... Nếu ví dụ không có chúng tôi đây Liệu cuộc sống có còn là cuộc sống Ai sẽ mang lại cho các anh vui buồn hạnh phúc Mở lòng đón các anh sau thất bại nhọc nhằn Thử nghĩ xem thế giới chỉ đàn ông Các anh sẽ không còn biết yêu, biết ghét Các anh không đánh nhau nhưng cũng chẳng làm nên gì hết Thế giới sẽ già nua và sẽ lụi tàn Ai sẽ là người sinh ra những đứa con Để tiếp tục giống nòi và dạy chúng biết yêu, biết hát..." (Thơ vui về phái yếu, Xuân Quỳnh) Thực hiện các yêu cầu: Câu 1. Xác định thể thơ được sử dụng trong đoạn trích trên. Câu 2. Theo đoạn trích, vai trò của "những người đàn bà bình thường trên Trái Đất" là gì? Câu 3. Phân tích hiệu quả của phép đối được sử dụng trong những câu thơ sau: Chúng tôi chẳng có tàu ngầm, tên lửa, máy bay Càng không có hạt nhân nguyên tử Chúng tôi chỉ có chậu, có nồi, có lửa Có tình yêu và có lời ru. Câu 4. Đoạn trích thể hiện tình cảm, thái độ của nhà thơ đối với "những người đàn bà bình thường trên Trái Đất" như thế nào? Câu 5. Từ nội dung dòng thơ: Mở lòng đón các anh sau thất bại nhọc nhằn, anh/chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh /chị về sức mạnh của sự sẻ chia. Gợi ý đọc hiểu: Câu 1. Thể thơ được sử dụng trong đoạn trích trên: Tự do; Câu 2. Theo đoạn trích, vai trò của "những người đàn bà bình thường trên Trái Đất" là: - Mang đến tình yêu, lời ru; - Mang đến cho "các anh" vui buồn hạnh phúc; - Mang đến những động viên, an ủi sau thất bại nhọc nhằn của "các anh"; - Sinh ra những đứa con, để tiếp tục giống nòi; - Dạy các con biết yêu biết hát... Như vậy, vai trò của người phụ nữ trong gia đình không được nhắc đến ở phương diện đời sống vật chất mà ở đời sống tinh thần. Người phụ nữ là người lan tỏa đến gia đình tình yêu thương, sự chăm sóc ân cần chu đáo, sự san sẻ ấm áp, ngọt ngào... Câu 3. Phép đối được sử dụng trong những câu thơ sau: Chúng tôi chẳng có tàu ngầm, tên lửa, máy bay Càng không có hạt nhân nguyên tử Chúng tôi chỉ có chậu, có nồi, có lửa Có tình yêu và có lời ru. - Đối giữa cái không và cái có: không có tàu ngầm, tên lửa, máy bay, hạt nhân nguyên tử >< có chậu, nồi, lửa, tình yêu, lời ru; - Tác dụng: Về nội dung: Nhấn mạnh thế giới của người phụ nữ có thể không gắn với những phát kiến vĩ đại, những điều lớn lao kì vĩ, với những giá trị vật chất... như người đàn ông. Thế giới của họ nhỏ hẹp hơn gắn với những vật dụng hàng ngày, với việc làm thường nhật, với giá trị tinh thần: tình yêu... Nhấn mạnh vai trò của người phụ nữ là vô cùng quan trọng , họ dùng tình yêu thương, sự chăm sóc, quan tâm và cả những hy sinh thầm lặng để mang lại cuộc sống hạnh phúc cho những người xung quanh. Về nghệ thuât: tăng tính gợi hình, biểu cảm, mức độ sâu sắc cho lời thơ. Câu 4. Đoạn trích thể hiện tình cảm, thái độ của nhà thơ đối với "những người đàn bà bình thường trên Trái Đất": Qua đoạn thơ, nhà thơ thể hiện tình cảm yêu mến, ngợi ca, tự hào về giới của mình: người phụ nữ; từ đó khẳng định vai trò, giá trị của người phụ nữ trong cuộc sống. Họ là những người bình thường, giản dị nhưng bằng tình yêu và sự thấu hiểu... đã mang lại biết bao điều tốt đẹp cho gia đình, cho cuộc sống. Câu 5. Sức mạnh của sự sẻ chia. Triển khai bài theo gợi ý sau: - Việc chúng ta sẻ chia với người khác sẽ khiến cho người đó cảm thấy nguôi ngoai phần nào những buồn lo, căng thẳng; năng lượng tiêu cực cũng từ đó mà giảm bớt. - Những mảng đời khó khăn khi được sẻ chia, giúp đỡ sẽ trở nên tốt đẹp hơn. - Khi sẻ chia, bản thân chúng ta cũng trở nên hoàn thiện, tâm hồn thanh thản, hạnh phúc; được mọi người yêu mến; giúp kết giao được những mối quan hệ tốt đẹp. - Mỗi người biết chia sẻ, yêu thương, giúp đỡ người khác sẽ gắn kết mọi người với nhau; góp phần làm cho xã hội này giàu tình cảm hơn, phát triển văn minh hơn.
ĐỀ 17 Đọc đoạn trích sau: Một quan niệm sai lầm khác đó là sự lầm tưởng thành công là khi bạn cảm thấy hạnh phúc và hài lòng. Tuy nhiên, việc đó còn khó hơn cả việc cố gắng trở nên giàu có. Hãy lấy Donald Trump làm ví dụ. Bản thân ông cũng là người nghiên cứu về thành công nhưng ông lại tin rằng, niềm hạnh phúc chính là thành công. Ông từng nói: "Mức độ hài lòng và cảm giác hạnh phúc là thước đo của thành công. Tôi có những người bạn không thật sự giàu có nhưng lại hạnh phúc hơn tôi rất nhiều. Bởi vậy, họ là người thành công hơn tôi." Trong khi những người bạn của ông lại cho rằng, ông mới là người thành công. Điều này cho thấy, rất nhiều người coi thành công là những thứ mà bản thân họ không có được. Luôn tìm kiếm hạnh phúc là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều người khổ sở. Nếu lấy niềm hạnh phúc làm mục tiêu thì gần như bạn đã cầm chắc thất bại. Cuộc sống và cảm xúc của con người luôn thay đổi. Niềm hạnh phúc không thể là thước đo của thành công. ... Tại sao tôi được tạo ra? Tất cả chúng ta đều khác nhau, không một ai trên thế giới có thể giống bạn hoàn toàn cả về tài năng, kiến thức lẫn tương lai. Vì thế, đó là lý do tại sao bạn mắc phải sai lầm trầm trọng khi cố gắng trở thành người khác và đánh mất chính mình. Hãy xem xét một cách tổng thể về khả năng, tiểu sử bản thân, những cơ hội xung quanh bạn. Khi xác định được các yếu tố đó, bạn sẽ khám phá ra nhiều điều để hướng tới mục tiêu của cuộc đời. Tôi có tin vào tiềm năng của mình không? Bạn không thể bắt ép mình hành động theo một cách nào đó không phù hợp với bản thân. Nếu không tin vào khả năng của mình thì bạn sẽ không bao giờ cố gắng để khai thác tiềm năng đó. Và nếu không sẵn sàng khơi dậy tiềm năng của mình thì bạn sẽ không bao giờ thành công. Hãy ghi nhớ lời khuyên của Tổng thống Theodore Rooservelt: "Hãy làm những gì bạn muốn bằng tất cả những gì bạn có ở bất cứ nơi đâu." Nếu thực hiện được điều đó với một quan điểm kiên định thì không còn gì để mong đợi hơn. (John C. Maxwell- Cách tư duy khác về thành công, NXB Lao động- Xã hội, 2015) Thực hiện các yêu cầu: Câu 1: Việc tác giả trích dẫn ý kiến của Donald Trump có tác dụng gì? Câu 2: Theo tác giả, sai lầm trầm trọng mà người ta thường mắc phải khi tìm kiếm sự thành công là gì? Câu 3: Theo anh/chị, những yếu tố nào giúp mỗi người khám phá ra nhiều điều để hướng tới mục tiêu của cuộc đời? Câu 4: Anh/chị có cho rằng "nếu không sẵn sàng khơi dậy tiềm năng của mình thì bạn sẽ không bao giờ thành công" không? Vì sao? Gợi ý đọc hiểu Câu 1: Việc tác giả trích dẫn ý kiến của Donald Trump có tác dụng: - Chỉ ra một quan niệm sai lầm khác đó là sự lầm tưởng thành công là khi bạn cảm thấy hạnh phúc và hài lòng - Cho thấy rất nhiều người coi thành công là những thứ mà bản thân họ không có được Câu 2: Theo tác giả, sai lầm trầm trọng mà người ta thường mắc phải khi tìm kiếm sự thành công là: cố gắng trở thành người khác và đánh mất chính mình. Câu 3: Những yếu tố giúp mỗi người khám phá ra nhiều điều để hướng tới mục tiêu của cuộc đời: - Xác định rõ ràng mục đích cuộc sống - Nhận ra/phát triển tối đa tiềm năng của bản thân - Giúp mọi người cùng tỏa sáng Câu 4: Học sinh trình bày quan điểm riêng của mình. Câu trả lời cần hợp lí, có sức thuyết phục. Có thể nêu một số ý sau: - Nếu không sẵn sàng khơi dậy tiềm năng của mình thì bạn sẽ không bao giờ thành công - Sẵn sàng khơi dậy tiềm năng của mình sẽ giúp mỗi người chủ động tìm kiếm nhiều điều mới mẻ; Luôn giữ trạng thái tích cực; Không ngừng tìm tòi, khám phá, và thừa nhận những yếu kém của chính mình; Biết chấp nhận những điều không hoàn hảo... để thành công hơn trong cuộc sống.
ĐỀ 18 Đọc văn bản sau: Một chàng trai trẻ đến xin học một ông giáo già với tâm trạng bi quan và chỉ thích phàn nàn. Đối với anh, cuộc sống là một chuỗi ngày buồn chán, không có gì thú vị. Một lần, khi chàng trai than phiền về việc mình học mãi mà không tiến bộ, người thầy im lặng lắng nghe rồi đưa cho anh một thìa muối thật đầy và một cốc nước nhỏ. - Con cho thìa muối này vào cốc nước và uống thử đi. Lập tức, chàng trai làm theo. - Cốc nước mặn chát. Chàng trai trả lời. Người thầy lại dẫn anh ra một hồ nước gần đó và đổ một thìa muối đầy xuống nước: - Bây giờ con hãy nếm thử nước trong hồ đi. - Nước trong hồ vẫn vậy thôi, thưa thầy. Nó chẳng hề mặn lên chút nào – Chàng trai nói khi múc một ít nước dưới hồ và nếm thử. Người thầy chậm rãi nói: - Con của ta, ai cũng có lúc gặp khó khăn trong cuộc sống. Và những khó khăn đó giống như thìa muối này đây, nhưng mỗi người hòa tan nó theo một cách khác nhau. Những người có tâm hồn rộng mở giống như một hồ nước thì nỗi buồn không làm họ mất đi niềm vui và sự yêu đời. Nhưng với những người tâm hồn chỉ nhỏ như một cốc nước, họ sẽ tự biến cuộc sống của mình trở thành đắng chát và chẳng bao giờ học được điều gì có ích. (Trích Quà tặng cuộc sống ) Thực hiện các yêu cầu: Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên. Câu 2. Liệt kê các câu văn có sử dụng biện pháp tu từ so sánh, phân tích tác dụng. Câu 3. Thông điệp của câu chuyện trên là gì? Câu 4. Hãy nêu 03 cách để em chiến thắng nỗi buồn chán của bản thân. Gợi ý đọc hiểu Câu 1: Phương thức biểu đạt chính của văn bản trên: Tự sự Câu 2. Liệt kê các câu văn có sử dụng biện pháp tu từ so sánh: Và những khó khăn đó giống như thìa muối này đây, nhưng mỗi người hòa tan nó theo một cách khác nhau. Những người có tâm hồn rộng mở giống như một hồ nước thì nỗi buồn không làm họ mất đi niềm vui và sự yêu đời. Nhưng với những người tâm hồn chỉ nhỏ như một cốc nước, họ sẽ tự biến cuộc sống của mình trở thành đắng chát và chẳng bao giờ học được điều gì có ích. Tác dụng: Giúp người đọc hiểu rõ hơn về tác hại của một tâm hồn chật hẹp, không rộng mở và ích lợi của một tâm hồn lạc quan, tích cực; làm cho câu văn giàu hình ảnh, sinh động hơn. Câu 3. Thông điệp của câu chuyện trên: Khi tâm hồn rộng mở đón nhận những điều tốt đẹp, con người sẽ yêu đời, không còn buồn chán nữa. Câu 4. 03 cách để em chiến thắng nỗi buồn chán của bản thân: - Luôn suy nghĩ tích cực: Mọi chuyện rồi sẽ có cách giải quyết; - Tìm đến những công việc khiến bản thân yêu thích; tạo nên sự bận rộn cho mình để quên đi buồn chán; - Tìm đến những người bạn sẵn sàng sẻ chia.
ĐỀ 19 Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi: Đại đa số thanh niên thời trước không ai suy nghĩ, trăn trở gì lắm về cuộc đời, vì ai đã có phận nấy. Phận là cái phần mà cuộc sống, xã hội dành cho mỗi người: Phận làm trai, phận giàu, phận nghèo, phận đàn bà, phận làm tôi.. Con nhà lao động nghèo, nhiều lắm học đến chín, mười tuổi, đã phải mong làm ăn mong kế nghiệp cha, anh. Con nhà giàu theo học lên cao thì làm quan, kém hơn thì làm thầy. Sinh ra ở phận nào, theo phận ấy, chỉ số ít là thoát khỏi. Trái lại, thanh niên ngày nay tuy cái phận mỗi người vẫn còn, song trước mặt mọi người đều có khả năng mở ra nhiều con đường. Ngày nay sự lựa chọn và cố gắng của bản thân, sự giúp đỡ của bạn bè đóng vai trò quyết định. Có lựa chọn tất phải có suy nghĩ, trăn trở. Hết lớp tám, lớp chín, học gì đây? Trung học hay học nghề, hay đi sản xuất? Trai gái gặp nhau bắt đầu ngập ngừng. Yêu ai đây? Yêu như thế nào? Sức khỏe tăng nhanh, kiến thức tích lũy đã khá, sống như thế nào đây? Ba câu hỏi ám ảnh: Tình yêu, nghề nghiệp, lối sống. Không thể quy cho số phận. Cơ hội cũng chia đều sàn sàn cho mọi người. Thanh niên ngày xưa bước vào đời như đi xem phim đã biết trước ngồi ở rạp nào, xem phim gì, ghế số bao nhiêu, cứ thế mà ngồi vào. Ngày nay, chưa biết sẽ xem phim gì, ở rạp nào, ngồi ghế số mấy, cạnh ai. Cho đến khi ổn định được chỗ ngồi trong xã hội, xác định đúng được vai trò và vị trí của mình là phải trải qua cả một thời gian dài. Thời gian sẽ xây dựng cho mình một niềm tin và đạo lí. (Theo Nguyễn Khắc Viện, Dẫn theo SGK Ngữ văn 11 nâng cao – tập 2, NXB Giáo dục, 2007) Câu 1. Theo tác giả, vì sao "đại đa số thanh niên thời trước không ai suy nghĩ, trăn trở gì lắm về cuộc đời"? Câu 2. Theo tác giả, vì sao thanh niên thời nay không thể quy cho số phận? Câu 3. Anh chị hiểu như thế nào về ý kiến "Thời gian sẽ xây dựng cho mình một niềm tin và đạo lý. Xây dựng nên thì như tàu ra biển rộng, có kim chỉ nam để xác định hướng đi, không thì như chiếc bách giữa dòng, e dè gió dập, hãi hùng sóng va"? Câu 4. Anh chị có đồng tình với quan niệm "Phận là cái phần mà cuộc sống, xã hội dành cho mỗi người: Phận làm trai, phận giàu, phận nghèo, phận đàn bà, phận làm tôi.. Sinh ra ở phận nào, theo phận ấy, chỉ số ít là thoát khỏi"? Vì sao? Câu 5. Viết đoạn văn khoảng 200 chữ bàn về ý kiến sau: "Ba câu hỏi ám ảnh: Tình yêu, nghề nghiệp, lối sống không thể quy cho số phận". Gợi ý đọc hiểu Câu 1. "Đại đa số thanh niên thời trước không suy nghĩ, trăn trở về cuộc đời" vì ai đã có phận nấy (hs có thể viết thêm: Phận là cái phần mà cuộc sống, xã hội dành cho mỗi người: Phận làm trai, phận giàu, phận nghèo, phận đàn bà, phận làm tôi) Câu 2. Thanh niên thời nay không thể quy cho số phận vì: - Trước mắt mọi người đều có khả năng mở ra nhiều con đường. - Có sự lựa chọn, cố gắng của bản thân, sự giúp đỡ của bạn bè - Cơ hội cũng chia đều sàn sàn cho mọi người. Câu 3. Ý kiến"Thời gian sẽ xây dựng cho mình một niềm tin và đạo lí. Xây dựng nên thì như tàu ra biển rộng, có kim chỉ nam để xác định hướng đi, không thì như chiếc bách giữa dòng, e dè gió dập, hãi hùng sóng va" khẳng định vai trò quan trọng của niềm tin và đạo lý đối với thành công, thất bại của mỗi người: Niềm tin và đạo lí sẽ mang đến cho con người bản lĩnh vững vàng, sức mạnh để đương đầu và vượt qua mọi khó khăn, thử thách như con tàu lớn không ngại sóng gió. Câu 4. Gợi ý tham khảo: Trong cuộc sống, phận có thể là "cái phần mà cuộc sống, xã hội dành cho mỗi người" . Nhưng lựa chọn cuộc sống nào, con đường nào là quyền của mỗi người. Con đường đến với thành công phụ thuộc vào năng lực, bản lĩnh của mỗi người trong việc vượt qua khó khăn thử thách, khả năng nắm bắt cơ hội trong cuộc sống, sự giúp đỡ của bạn bè, người thân, có cả sự may rủi từ hoàn cảnh khách quan đem lại. Câu 5. Giải thích - "Ám ảnh" : Thường trực trong trí óc, khiến người ta phải luôn suy nghĩ, không yên tâm về chúng. - "Phận" : Là cái phần mà cuộc sống, xã hội dành cho mỗi người. - "Không thể quy cho số phận" : Không thể cho rằng đó là cái đã được định sẵn cho mỗi người, không thể thay đổi. =>Ý kiến khảng định vai trò quyết định của bản thân mỗi người trong việc lựa chọn cuộc sống của mình: Tình yêu có được hạnh phúc hay đau khổ; nghề nghiệp có được như ý, thành công hay thất bại; lối sống có thuận lợi may mắn hay bất hạnh, rủi ro.. không phải do sự định trước của số phận theo một thuyết duy tâm nào đó mà do chính bản thân mỗi người sẽ quyết định. Phân tích - Việc lựa chọn tình yêu, nghề nghiệp, lối sống như thế nào là quyền được lựa chọn của mỗi người sao cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng, năng lực, sở trường.. của họ, nhất là trong xã hội hiện nay. - Chính các yếu tố: Năng lực, phẩm chất, tính cách, tâm hồn, ý chí, nghị lực.. của mỗi người bên cạnh các yếu tố như sự giúp đỡ của bạn bè, người thân sẽ quyết định không nhỏ tới cuộc sống của chính họ. Có ít nhất 1 dẫn chứng minh họa Bàn luận mở rộng - Tình yêu, nghề nghiệp, lối sống không thể quy cho số phận nhưng cũng không loại bỏ yếu tố may rủi của khách quan tác động đến cuộc sống của mỗi người. - Phê phán một bộ phận thanh niên hiện nay còn sống thụ động, trông chờ hoặc phó thác cuộc sống của mình cho người khác, một số chờ đợi sự may rủi, thiếu sự quyết đoán, thiếu ý chí nghị lực và niềm tin trên con đường đi đến tương lai. Bài học nhận thức, hành động - Luôn làm chủ bản thân, làm chủ hoàn cảnh. - Sống có bản lĩnh, có ý chí, nghị lực; luôn lạc quan và hướng tới những điều tích cực, tốt đẹp trong cuộc sống.
ĐỀ 20 Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi: Thù hận có thể khiến con người mờ mắt. Có người vì lời thề trả thù mà bất chấp cả sinh mệnh, phải trái, đúng sai. Nhưng điều đó chỉ khiến "oan oan tương báo" chẳng bao giờ dứt, hận thù sẽ chỉ nối dài bằng thù hận. "Có thù không trả không đáng mặt anh hùng" vốn chỉ là một lý luận cực đoan, hết sức cực đoan. Kẻ anh hùng thực sự thì lấy đức báo oán, vị tha, bao dung, lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, dùng ân huệ để cởi bỏ thù hận. Nếu trong tâm mãi ôm giữ mối hận, bạn chẳng thể nào mong cầu một phút bình an, hạnh phúc. Dẫu kết liễu kẻ thù, rửa nhục báo oán được chăng nữa, liệu người ta có cảm thấy thoải mái hay lại chuốc thêm một nỗi sợ hãi khác: Sợ mình sẽ lại bị trả thù. Con người nếu chỉ biết đối đãi với nhau bằng bạo lực, hận thù, liệu thế giới này sẽ đi về đâu? Chỉ có tha thứ, bao dung mới là cách hóa giải những mối hận. Bao dung, tha thứ kẻ thù, trước hết là tự cứu vớt chính mình. Tâm oán hận là một con quái vật. Càng nuôi dưỡng nó nhiều, rồi sẽ có một ngày nó quay lại làm hại chính chúng ta. Lòng bao dung có thể giải trừ nó, tưới mát những mảnh hồn trước đó đã khô cằn vì thù hận, và giúp bạn thăng hoa. (Theo: Văn Nhược - Đại kỷ nguyên, mang tới giá trị cuộc sống). Câu 1 . Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản? Câu 2 . Theo tác giả "Kẻ anh hùng thực sự" là kẻ như thế nào? Câu 3 . Theo anh/chị tác giả thể hiện thái độ và tư tưởng gì trong câu văn "Con người nếu chỉ biết đối đãi với nhau bằng bạo lực, hận thù, liệu thế giới này sẽ đi về đâu?" . Câu 4 . Anh/chị có đồng tình với quan điểm Oán thù nên cởi, không nên buộc không? Vì sao? Câu 5. Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý kiến "Tha thứ không phải là nhu nhược, mà là đặt mình ở một vị trí cao hơn". Gợi ý đọc hiểu Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận Câu 2. Theo tác giả kẻ anh hùng thự sự thường "Lấy đức báo oán, vị tha, bao dung, lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, dùng ân huệ để cởi bỏ thù hận" Câu 3. Câu văn "Con người nếu chỉ biết đối đãi với nhau bằng bạo lực, hận thù, liệu thế giới này sẽ đi về đâu?" - Thái độ: Xót xa, lo lắng, trăn trở của người viết khi hình dung về vấn đề nếu con người sống chỉ biết đối xử với nhau bằng bạo lực, hận thù thì cuộc sống sẽ có nhiều mâu thuẫn, xung đột, chiến tranh sẽ xảy ra liên miên.. - Tư tưởng: Kêu gọi mọi người cần phải hóa giải điều đó (bằng một giải pháp đó chính là sự tha thứ, bao dung) Câu 4. Học sinh có cách lý giải riêng miễn là hợp lý, thuyết phục Gợi ý: Đồng tình vì: Nếu có oán thù mà luôn buộc chặt, lúc nào cũng có suy nghĩ tiêu cực tìm mọi cách để trả thù, để hại người khác.. thì rất có thể chuốc vạ vào thân, có khi dẫn đến cảnh: Gậy ông đập lưng ông. Vì vậy nên cần cởi bỏ thù hận. Câu 5. Viết đoạn: Giải thích * Giải thích: - Tha thứ là thái độ bỏ qua, không trách cứ hay trừng phạt những người đã phạm sai lầm, làm điều có lỗi với chính mình. - "Nhu nhược" là thiếu tự chủ và bản lĩnh của mình trong mọi tình huống - >Nội dung ý kiến: Tha thứ không làm mình trở lên kém cỏi, hèn nhát, mà làm cho mình được tôn cao hơn -> Tha thứ là 1 phẩm chất tốt đẹp của con người. Phân tích - Tại sao lại cần có sự tha thứ ? Con người không có ai là hoàn hảo, ai cũng đã từng ít nhất 1 lần phạm sai lầm, gây tổn thương cho người khác. Lúc đó ai cũng mong mình được tha thứ, được xá tội. - Tại sao tha thứ không phải là nhu nhược, mà là đặt mình ở một vị thế cao hơn ? Bỏ qua lỗi lầm cho người khác không có nghĩa là mình mềm yếu, không có những phản ứng khi cần thiết và không phải là không hiểu, không biết chuyện gì đang xảy ra hoặc đang dung túng tội lỗi, để người khác lợi dụng mình, bỏ qua không có lí do chính đáng.. mà mình muốn cho người khác cơ hội sửa chữa những sai sót, khuyết điểm, từ đó vươn lên. - Tha thứ cho người khác làm cho tâm người tha thứ trở nên thanh thản, góp phần làm cho mọi người hiểu nhau hơn, yêu thương, gắn bó tạo thành một cộng đồng đoàn kết. (có ít nhất 1 dẫn chứng) Bàn luận mở rộng - Tha thứ là tốt, nhưng không phải lúc nào cũng có thể tha thứ, chúng ta chỉ có thể tha thứ khi thấy được sự ăn năn, hối hận của người mắc lỗi. Tha thứ cũng không đồng nghĩa với sự dung túng, bao che. - Tha thứ phải xuất phát từ trái tim, từ tấm lòng nhân hậu, sự vị tha không đi kèm những điều lệ ràng buộc. - Phê phán những người sống không chịu mở lòng với người khác, sống trong hận thù.. Bài học nhận thức, hành động - Tha thứ là món quà cho người khác cũng chính món quà ta dành cho chính mình giúp nâng cao vị thế của mình trong cuộc sống - Vì thế mỗi người cần trau dồi, tích lũy những phẩm chất tốt đẹp để giá trị của mình ngày được khẳng định hơn. Xem tiếp trang bên: Bộ Đề Đọc Hiểu Ngữ Văn 12 – Ngữ Liệu Mới Page 3