Bộ đề đọc hiểu Ngữ văn 12 – Ngữ liệu mới

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 20 Tháng một 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    Bộ đề đọc hiểu Ngữ văn 12 – Ngữ liệu mới

    Xin giới thiệu tới quý thầy cô và các em học sinh bộ Đề đọc hiểu Ngữ văn 12 mới được biên soạn là các ngữ liệu mới – chủ yếu là các đoạn trích được trích dẫn từ những cuốn sách kĩ năng sống được độc giả đón đọc nhiều trong thời gian gần đây: Không nỗ lực, đừng tham vọng, Bạn càng mạnh mẽ, thế giới càng công bằng, Nếu biết trăm năm là hữu hạn,.. và một số đoạn thơ, câu chuyện chưa xuất hiện hoặc ít xuất hiện trong các đề đọc hiểu trước đó.

    Mỗi đề đọc hiểu có 5 câu, bao gồm 4 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Trong đó, câu 5 của phần đọc hiểu có thể tách làm câu nghị luận xã hội của phần làm văn trong cấu trúc đề của Bộ Giáo dục – Đào tạo.

    Bộ đề có 3 trang, mỗi trang 10 đề, có gợi ý trả lời.

    Mong nhận được sự góp ý của quý thầy cô cùng các em học sinh ở phần bình luận Facebook để bộ đề trở nên hoàn thiện hơn.

    [​IMG]

    ĐỀ 1

    Đọc hiểu: Bạn càng mạnh mẽ, thế giới càng công bằng

    Đọc đoạn trích sau:

    Tôi rất thích khẩu hiệu của Chương trình học rèn luyện sức khỏe Keep: "Không ai sinh ra đã được như vậy, đó là kết quả của kiên trì mỗi ngày."

    Vì sao tôi phải nhắc tới điều này, bởi vì tôi thấy xung quanh mình có rất nhiều người đang sống thiếu phương hướng, đến giờ còn không biết bản thân thực sự muốn gì, mỗi ngày đều làm những việc nhìn thì tưởng như là rất nỗ lực nhưng thực ra lại rất thụ động. Những nỗ lực thiếu tính mục tiêu hầu hết đều là lãng phí thời gian.

    Vì vậy, tôi khuyên các bạn trước tiên hãy lập ra một kế hoạch, tìm một công việc mà mình thực sự thích, thực sự muốn làm và kiên trì, nỗ lực thực hiện nó. Hãy tranh thủ lúc này còn có nhiều thời gian, còn ít mối phiền lo mà cố gắng làm cho cuộc sống của mình trở nên phong phú hơn, bồi dưỡng khả năng kiểm soát tiết tấu cuộc sống của mình.

    Chớ có xem nhẹ việc sắp xếp thời gian, đây là một năng lực cực kì quan trọng. Cùng một khoảng thời gian, cùng một độ tuổi mà người khác có thể khiến mỗi ngày của họ trở nên thật ý nghĩa, còn cuộc sống của bạn lại chẳng khác gì một mớ hỗn độn, lúc nào cũng vội vàng, gấp gáp nhưng thực ra đã làm thời gian thất thoát mất rồi.

    Ngày ngày kiên trì làm một việc sẽ kích thích khả năng cảm nhận của chúng ta đối với cuộc sống, tuyệt đối đừng đánh mất lòng nhiệt tình đối với cuộc sống khi bạn chỉ mới bắt đầu.

    (Trích Bạn càng mạnh mẽ, thế giới càng công bằng, Bạn Học Hoài Tả, Ngọc Anh dịch)

    Thực hiện yêu cầu:

    Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

    Câu 2. Tác giả đã "thấy xung quanh mình" những người như thế nào? Từ đó, tác giả đưa ra những lời khuyên nào cho "các bạn"?

    Câu 3. Anh/chị hãy lí giải vì sao việc sắp xếp thời gian là một năng lực cực kì quan trọng?

    Câu 4. Theo anh/ chị, lòng nhiệt tình đối với cuộc sống có ý nghĩa như thế nào?

    Câu 5. Hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về tầm quan trọng của việc quản lí thời gian.

    Gợi ý:

    Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

    Câu 2.

    - Tác giả đã "thấy xung quanh mình" những người: Sống thiếu phương hướng, không biết bản thân thực sự muốn gì, mỗi ngày đều làm những việc nhìn thì tưởng như là rất nỗ lực nhưng thực ra lại rất thụ động, lãng phí thời gian.

    - Từ đó, tác giả đưa ra những lời khuyên nào cho "các bạn" : Lập kế hoạch, tìm công việc yêu thích, kiên trì thực hiện nó; sắp xếp thời gian hợp lý.

    Câu 3. Việc sắp xếp thời gian là một năng lực cực kì quan trọng vì:

    - Nếu có năng lực sắp xếp thời gian một cách hợp lí thì công việc sẽ thuận lợi, hiệu quả, không bị lãng phí thời gian.

    - Nếu thiếu năng lực sắp xếp thời gian thì ngược lại, quá trình giải quyết công việc sẽ trở nên rối rắm, không khoa học, dẫn đến lãng phí thời gian, công việc không hiệu quả.

    Câu 4. Lòng nhiệt tình đối với cuộc sống có ý nghĩa:

    - Thôi thúc con người sống đẹp, sống có ích.

    - Giúp con người cảm nhận được vẻ đẹp, ý nghĩa của cuộc sống.

    - Giúp con người biết phấn đấu cho thành công của bản thân và đóng góp cho xã hội.

    Câu 5. Tầm quan trọng của việc quản lí thời gian.

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 23 Tháng năm 2023
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    ĐỀ 2

    Đọc đoạn trích sau:

    Có lẽ chúng ta rất quen với cảnh tượng này: Trong phòng họp, mọi người ngồi quanh bàn họp. Sếp hỏi: "Ai có ý kiến khác không?" Sau đó là một sự im lặng khó xử. Vài phút sau, cuối cùng cũng có người phá vỡ sự im lặng, mọi người bắt đầu chộn rộn, một số bắt đầu phụ họa: "Ờm, tôi đồng ý", "Phải, tôi cũng nghĩ như vậy."

    Những cảnh tượng quen thuộc này thường tái diễn trong các văn phòng. Rất nhiều người có tâm lí số đông rất mạnh, việc gì họ cũng lấy hành vi của đa số làm nguyên tắc, từ đó cố gắng làm cho tư tưởng, lời nói hoặc hành vi của bản thân trở nên thống nhất với số đông. Theo thời gian, sự khác biệt thời niên thiếu dần dần biến mất, thay vào đó là làm theo số đông và phục tùng số đông. Làm theo số đông là một hiện tượng tâm lí phổ biến. Trẻ em từ nhỏ đã được giáo dục là ở nhà phải nghe lời phụ huynh, ở trường phải nghe lời giáo viên, ở đơn vị phải nghe lời lãnh đạo, vậy là phục tùng trở thành nguyên tắc cơ bản của rất nhiều người, về lâu dài họ sẽ rất dễ đánh mất ý kiến riêng của bản thân. Không có chính kiến của bản thân, người khác nói sao mình nói vậy, như vậy sẽ vô hình bóp chết năng lực suy nghĩ độc lập trong chính không khí vui vẻ hòa thuận đó.

    Thực ra, trong thực tế có rất nhiều người thường phạm sai lầm mù quáng chạy theo số đông như vậy. Ví dụ, khi chúng ta đưa ra một suy nghĩ, những người xung quanh luôn đưa ra đủ các ý kiến khác nhau, có thiện ý, có ác ý, có ý kiến là kinh nghiệm của họ, có ý kiến lại thuần túy chỉ là "thùng rỗng kêu to". Đối mặt với tình huống này, nếu chúng ta không thể suy nghĩ độc lập, cứ mãi bận tâm tới quan điểm và sự bàn luận của người khác mà do dự không quyết thì thường sẽ lỡ mất thời cơ. Con người phải học cách suy nghĩ độc lập, không thể nước chảy bèo trôi, vào thời khắc quyết định phải kiên trì giữ vững quan điểm của mình.

    (Trích Không có đường cùng, chỉ có người không biết rẽ lối khác, Hoàng Chí Kiên, Chu Ứng Mai, Dịch: Phương Linh)

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

    Câu 2. Đoạn trích bàn về hiện tượng tâm lí gì và lời khuyên mà tác giả là đưa ra là gì?

    Câu 3. Theo tác giả, nguyên nhân vì sao con người dần mất đi ý kiến riêng của bản thân? Hậu quả của quá trình đó là gì?

    Câu 4. Theo anh/chị, quan điểm cho rằngCon người phải học cách suy nghĩ độc lập và quan điểm coi trọng tính hợp tác trong tập thể có mâu thuẫn với nhau không? Con người cần phải ứng xử như thế nào cho phù hợp?

    Câu 5. Hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về tác hại của tâm lý đám đông.

    Gợi ý:

    Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

    Câu 2. Đoạn trích bàn về hiện tượng nhiều người có tâm lí số đông, mất dần chính kiến riêng. Lời khuyên mà tác giả đưa ra là Con người phải học cách suy nghĩ độc lập, không thể nước chảy bèo trôi, vào thời khắc quyết định phải kiên trì giữ vững quan điểm của mình.

    Câu 3.

    - Theo tác giả, nguyên nhân con người dần mất đi ý kiến riêng của bản thân: Trẻ em từ nhỏ đã được giáo dục là ở nhà phải nghe lời phụ huynh, ở trường phải nghe lời giáo viên, ở đơn vị phải nghe lời lãnh đạo, vậy là phục tùng trở thành nguyên tắc cơ bản của rất nhiều người, về lâu dài họ sẽ rất dễ đánh mất ý kiến riêng của bản thân.

    - Hậu quả: vô hình bóp chết năng lực suy nghĩ độc lập

    Câu 4. Quan điểm cho rằngCon người phải học cách suy nghĩ độc lập và quan điểm coi trọng tính hợp tác trong tập thể không mâu thuẫn với nhau mà bổ sung cho nhau. Con người cần phải vừa hợp tác với tập thể, vừa có những suy nghĩ độc lập.

    Vì: Hợp tác sẽ tạo nên sức mạnh đoàn kết, sẽ huy động được trí lực của số đông, làm cho tập thể vững mạnh; còn suy nghĩ độc lập là để phát huy cá tính, phát huy sự sáng tạo cá nhân; từ đó đem những sáng tạo cá nhân ấy đóng góp cho tập thể.

    Câu 5. Tác hại của tâm lý đám đông

    Thực tế có rất nhiều người thường phạm sai lầm mù quáng chạy theo số đông mà ít nhận thức được hậu quả. Tâm lý đám đông là lấy hành vi, quan điểm của đa số làm nguyên tắc, nhất nhất nghĩ theo, làm theo mà không có ý kiến riêng, quyết định riêng. Tâm lý đám đông không phải không có mặt tích cực, như giúp con người kết nối với nhau; bắt kịp trào lưu, xu hướng để tránh lạc hậu.. Nhưng con người chỉ duy trì duy trì suy nghĩ, cách hành xử, quyết định công việc theo đám đông mà không có chính kiến thì thật nguy hại. Trước hết là nguy hại đối với chính bản thân: Nó làm con người dần mất đi khả năng suy nghĩ độc lập. Mất đi năng lực suy nghĩ độc lập thì sự sáng tạo trong tư duy, phương pháp giải quyết vấn đề đồng thời cũng mất theo. Như vậy làm sao có được thành công trong công việc, cuộc sống. Thử hỏi tập thể, xã hội mà ai cũng như ai, không ai có sáng tạo, lối đi riêng thì xã hội làm sao có thể phát triển? Tâm lý đám đông nhiều khi còn để lại hậu quả khó lường, nhất là khi đám đông bị điều khiển bởi những ý đồ xấu, bởi mục đích cá nhân ích kỷ. Thực tế có biết bao nhiêu người bị sỉ nhục, rơi vào bế tắc chỉ vì sự công kích của đám đông đó thôi. Vậy nên, sống trong tập thể, con người cần lựa chọn cách hành xử đúng đắn, hòa nhập nhưng không hòa tan. Lắng nghe ý kiến tập thể nhưng cũng phải có chính kiến riêng của mình.

    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 20 Tháng một 2022
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    ĐỀ 3

    Đọc đoạn trích sau:

    Quen thói suy nghĩ vấn đề theo "cách thức có sẵn" trong một thời gian dài là hiện tượng phổ biến trong hoạt động tâm lí của con người. Giống như người công nhân mà Charlie Chaplin diễn, do suốt ngày siết đai ốc, tất cả những thứ gần giống đai ốc, thậm chí cúc quần áo, trong mắt anh ta cũng đều thành đai ốc, anh ta sẽ dùng cờ-lê để siết. Người như vậy thường sẽ nhìn nhận rất nhiều vấn đề vốn không giống nhau thành cùng một loại vì giữa chúng có một số điểm chung nào đó, và giải quyết bằng cùng một cách.

    "Cách thức có sẵn" hình thành do suy nghĩ một loại vấn đề nào đó lặp đi lặp lại thường rất dễ cản trở và trói buộc tư duy. Nếu một người đã hình thành một cách thức tư duy nào đó, trí não họ sẽ bất giác đi theo một quỹ đạo quán tính. Nó sẽ khiến con người lún sâu vào cái khung cố định của mô thức tư duy cũ, khó mà tiến hành được những tìm tòi và khám phá mới, vì thế cũng khó nảy sinh những ý tưởng mới.

    Khi chúng ta xử lí những việc thường ngày hoặc các vấn đề thông thường, cách thức tư duy rất có lợi với chúng ta. Nhưng khi cần sáng tạo, cách thức tư duy không chỉ kém hiệu quả mà ngược lại còn gây phản tác dụng. Giống như trồng trong chậu có thể cung cấp rất nhiều điều kiện sinh trưởng ưu việt cho hoa, giúp nó nở ra những đóa hoa đẹp, nhưng "chậu nhỏ không trồng được cây cổ thụ", cây cổ thụ phải phá vỡ giới hạn của chậu mới có thể trở nên cao lớn.

    Phương thức tư duy của con người thường chịu hạn chế của kiến thức và kinh nghiệm đã có, rất khó thoát ra khỏi phương thức tư duy để suy nghĩ và nhìn nhận vấn đề. Đại đa số mọi người đều rất khó đột phá hay đạt được thành công lớn lao, trong đó có một nguyên nhân không thể coi thường chính là không thể thoát khỏi sự trói buộc của cách thức tư duy.

    (Trích Không có đường cùng, chỉ có người không biết rẽ lối khác, Hoàng Chí Kiên, Chu Ứng Mai, Dịch: Phương Linh)

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

    Câu 2. Trình bày cách hiểu của anh/chị về "cách thức có sẵn" mà tác giả đề cập đến trong đoạn trích?

    Câu 3. Theo tác giả, "cách thức có sẵn" có lợi và có hại trong những hoàn cảnh nào?

    Câu 4. Anh chị hãy lí giải vì sao mọi người khó đột phá hay đạt được thành công là do không thể thoát khỏi sự trói buộc của cách thức tư duy?

    Câu 5. Từ nội dung phần đọc hiểu, hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về tác hại của tư duy lối mòn.

    Gợi ý:

    Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

    Câu 2. "Cách thức có sẵn" mà tác giả đề cập đến trong đoạn trích có thể hiểu là suy nghĩ, nhìn nhận vấn đề theo lối mòn, lặp đi lặp lại, không có sự đổi mới, sáng tạo.

    Câu 3. "Cách thức có sẵn" có lợi khi chúng ta xử lí những việc thường ngày hoặc các vấn đề thông thường. Nhưng khi cần sáng tạo, cách thức tư duy không chỉ kém hiệu quả mà ngược lại còn gây phản tác dụng.

    Câu 4. Mọi người khó đột phá hay đạt được thành công là do không thể thoát khỏi sự trói buộc của cách thức tư duy. Vì sự trói buộc của cách thức tư duy sẽ làm cho con người không phát huy được sự sáng tạo, không mạnh dạn tìm tòi suy nghĩ mới, nhận thức mới, cách thức mới vì vậy không thể có đột phá hay thành công.

    Câu 5. Tác hại của tư duy lối mòn.

    Tư duy lối mòn có thể hiểu là suy nghĩ, nhìn nhận, giải quyết vấn đề theo thói quen được định hình sẵn, lặp đi lặp lại, không có sự đổi mới, sáng tạo. Kiểu tư duy lối mòn chỉ có lợi khi chúng ta xử lí những việc thường ngày hoặc các vấn đề cần kinh nghiệm hay sự quen tay. Còn trong nhiều tình huống, tư duy lối mòn không chỉ kém hiệu quả mà ngược lại còn gây phản tác dụng. Tại sao vậy? Thứ nhất, tư duy lối mòn sẽ khiến con người cảm thấy thoải mái vì đã quen dần với chúng. Dần dần, chúng sẽ biến thành một thói quen nhàm chán, làm mất dần sự hứng thú với cuộc sống. Bạn sẽ chẳng bao giờ thấy bản thân tích cực nếu bị nó xâm lấn. Cuộc sống mà chỉ là những vòng tròn lặp lại hết ngày ngày sang ngày khác, chẳng phải buồn chán lắm sao? Thứ hai, tư duy lối mòn không kích thích khả năng sáng tạo. Không có sáng tạo sẽ không có đột phá, không có thành công trong công việc và vì thế cũng chẳng có những phát minh, sáng kiến đóng góp cho cộng đồng. Tư duy lối mòn càng lan rộng trong xã hội thì xã hội càng lạc hậu, trì trệ. Những tiến bộ của loài người đều xuất phát từ sự sáng tạo bứt phá khỏi cái bình thường. Chỉ luẩn quẩn trong vòng chật hẹp của giới hạn có sẵn, con người chẳng thể có được niềm vui, niềm hạnh phúc từ những trải nghiệm mới mẻ ngoài con đường mòn cũ kĩ ngày nào cũng lặp đi lặp lại hành trình cũ kĩ. Vì vậy, mỗi người cần phải dũng cảm vượt thoát khỏi tư duy lối mòn, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm để vươn tới những vùng trời mới.

    Xem tiếp bên dưới...
     
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    ĐỀ 4

    Đọc đoạn trích sau:

    Tất cả những người cáu gắt một cách vô tác dụng đều là bởi coi việc cáu gắt như một biện pháp để đạt được mục đích mà quên đi mất ý nghĩa sâu sắc đằng sau của hành động này. Bởi nếu vì thực lực của bản thân không đủ sức lấn át đối phương mà cáu giận thì sự cáu gắt ấy chỉ là một màn biểu diễn của âm thanh và sắc thái, thể hiện bạn bên ngoài thì mạnh mồm nhưng bên trong lại yếu đuối, và cũng chỉ là lấy mình ra làm trò cười mà thôi.

    Những người thực sự biết cáu giận là những người sử dụng sự cáu giận như một cách thức để tuyên bố về thực lực của bản thân, hòng mang nghĩa cảnh cáo. Cáu giận là một dạng cảm xúc tiêu tốn nhiều năng lượng, trong các mối quan hệ cá nhân thì cáu giận có tính hủy diệt. Vì thế mỗi khi tức giận hãy hiểu rõ bản chất của sự tức giận chứ nhất định không được tùy ý. Những sự cáu giận vô dụng chỉ làm hại đến sức khỏe chứ không mang lại lợi ích gì.

    Khi cáu giận, hoặc thậm chí là cả khi cãi nhau, điều mà hai bên cần chứng tỏ đó là thực lực của bản thân chứ không phải là âm lượng của giọng nói. Những yếu tố tạo nên thực lực nội tại của một người không phải chỉ có tiền của, thân phận, gia thế, địa vị và học thức..

    (Trích Đời có thật nhạt nhẽo hay do ta vô vị, Nhiếp Hướng Vinh; Dịch: Nguyễn Hạnh)

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

    Câu 2. Theo tác giả, sự khác nhau giữa những người thực sự biết cáu giận và những người cáu gắt một cách vô tác dụng là gì?

    Câu 3. Theo anh/chị, vì sao mỗi khi tức giận hãy hiểu rõ bản chất của sự tức giận?

    Câu 4. Anh/chị có đồng tình với quan điểm cả khi cãi nhau, điều mà hai bên cần chứng tỏ đó là thực lực của bản thân chứ không phải là âm lượng của giọng nói không? Vì sao?

    Câu 5. Anh/chị hãy viết đoạn vưn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về cách để kiểm soát sự cáu giận.

    Gợi ý:

    Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận

    Câu 2. Theo tác giả, sự khác nhau giữa những người thực sự biết cáu giận và những người cáu gắt một cách vô tác dụng là:

    - Người thực sự biết cáu giận là những người sử dụng sự cáu giận như một cách thức để tuyên bố về thực lực của bản thân, hòng mang nghĩa cảnh cáo.

    - Người cáu gắt một cách vô tác dụng coi việc cáu gắt như một biện pháp để đạt được mục đích mà quên đi mất ý nghĩa sâu sắc đằng sau của hành động này.

    Câu 3. Mỗi khi tức giận hãy hiểu rõ bản chất của sự tức giận vì:

    Hiểu rõ bản chất của sự tức giận sẽ tức giận một cách khôn ngoan, tức giận bằng cách chứng tỏ thực lực bản thân chứ không phải bằng âm lượng của giọng nói. Sự tức giận khôn ngoan sẽ lấn át được đối phương, sự tức giận xuất phát từ không hiểu rõ bản chất của tức giận sẽ chỉ là sự biểu diễn của âm thanh, sắc thái, ngoài mạnh mồm nhưng trong yếu đuối.

    Câu 4. Đồng tình với quan điểmkhi cãi nhau, điều mà hai bên cần chứng tỏ đó là thực lực của bản thân chứ không phải là âm lượng của giọng nói . Vì:

    - Chứng tỏ được thực lực của bản thân, đối phương sẽ tâm phục khẩu phục mà chịu thua.

    - Khuyếch trương sự tức giận bằng giọng nói, chỉ càng làm cho tình hình căng thẳng và không thể thuyết phục được đói phương.

    Câu 5. Cách để kiểm soát sự cáu giận.

    Cuộc sống với bộn bề lo toan và các mối quan hệ phức tạp khiến mỗi ngày ta phải đối diện với sự cáu giận của chính mình. Cáu giận là cảm xúc nảy sinh bởi trăm ngàn lí do khác nhau: Do hỏng việc, do bị chèn ép, do bất đồng quan điểm, do không đạt được nguyện vọng.. Mỗi ngày có bao nhiêu thứ khiến ta phải cáu giận, nếu không biết kiểm soát, thì cuộc sống thực sự trở nên rất tệ. Vậy kiểm soát sự cáu giận bằng cách nào? Trước những tác động có nguy cơ khiến ta cáu giận, ta hãy hít thở thật sâu, cố gắng giữ bình tĩnh, luôn trấn an mình bằng những câu thần chú như: "Phải thật bình tĩnh". Sau đó, ta có thể tìm đến một không gian khiến ta lấy lại sự cân bằng cảm xúc: Trước một nhành hoa, một bể cá, một bầy con nít đang chơi đùa.. Tin tôi đi, cách này thực sự rất hữu ích. Hoặc nếu có thể, bạn hãy tìm đến một người bạn thật hài hước, bạn ấy sẽ thổi bay cơn tức giận trong bạn và bạn sẽ lại cảm thấy tràn đầy năng lượng tích cực. Một cách để làm tiêu tan cơn cáu giận hiệu quả là hãy mở một bản nhạc sôi động, hay xem một video vui nhộn. Cũng có người tìm đến các hoạt động thể thao, giải trí, thiền định.. Nhìn chung là có rất nhiều cách giúp bạn kiểm soát sự cáu giận. Điều quan trọng là bạn có muốn cơn cáu giận ấy lập tức tiêu tan hay để mặc cho nó nuốt chửng bạn trong "màn biểu diễn của âm thanh và sắc thái". Theo tôi, bạn nên học cách kiềm chế cơn tức giận để không bao giờ phải thốt lên hai tiếng "Giá như".

    Xem tiếp bên dưới...
     
  5. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    ĐỀ 5

    Đọc đoạn trích sau:

    Tuổi trẻ, thường có nghĩa là tự do.

    Nhưng tự do ở đây không phải chỉ việc bạn "ngủ nướng" không cần biết đến thời gian hay "cày phim", chơi game thoải mái, mà là chỉ chúng ta còn trẻ, có quyền tự do theo đuổi ước mơ của mình và lựa chọn cuộc sống mình mong muốn.

    Nhớ lại hồi học cấp ba, thầy chủ nhiệm từng nói với tôi: "Nếu em nỗ lực thì đến lúc thi đại học, em sẽ có quyền lựa chọn trường; còn nếu không nỗ lực thì chỉ biết ngồi đó cầu nguyện có trường chọn mình." Nhưng chúng ta thường có xu hướng bỏ qua kinh nghiệm của những người đi trước, chỉ sau khi bị thực tế giáng cho một đòn đau thì bản thân mới hiểu được cái gì gọi là "một phân cố gắng, một phân thành quả".

    Chúng ta muốn được tự do, nhưng "tự do thực sự" trước nay đều phải do tự mình đem lại, muốn sống cuộc sống như thế nào thì chúng ta phải bỏ ra nỗ lực tương xứng mới có thể giành được
    .

    (Trích Bạn càng mạnh mẽ, thế giới càng công bằng, Bạn Học Hoài Tả, Dịch: Ngọc Anh)

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

    Câu 2. Vấn đề được bàn luận trong đoạn trích là gì?

    Câu 3. Theo tác giả, tự do của tuổi trẻ là gì? Tự do đó phụ thuộc vào ai?

    Câu 4. Anh chị hãy làm rõ mối quan hệ giữa tự do và sự nỗ lực.

    Câu 5. Anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ về thành quả của sự nỗ lực.

    Gợi ý:

    Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Nghị luận

    Câu 2. Vấn đề được bàn luận trong đoạn trích là quyền tự do của tuổi trẻ.

    Câu 3. Theo tác giả, tự do của tuổi trẻ là tự do theo đuổi ước mơ của mình và lựa chọn cuộc sống mình mong muốn.

    Tự do đó là do bản thân tự tạo ra.

    Câu 4. Mối quan hệ giữa tự do và sự nỗ lực:

    Muốn có tự do thực sự, con người cần phải nỗ lực. Càng nỗ lực, chúng ta càng có quyền quyết định cuộc sống của chính mình, nghĩa là càng tự do sống theo những điều bản thân mong muốn. Ví dụ, khi nỗ lực, ta có quyền tự do chọn công việc yêu thích vì ta có năng lực; còn khi không nỗ lực, khả năng hạn chế thì quyền tự do ấy sẽ rất hữu hạn, thậm chí không dành cho ta.

    Câu 5. Thành quả của sự nỗ lực.

    Không gì đáng giá lại đến dễ dàng. Con đường chúng ta đi luôn tồn tại những chướng ngại vật. Vì thế, hành trang của chúng ta nhất thiết phải có sự nỗ lực. Nỗ lực là luôn luôn cố gắng, kiên trì theo đuổi mục tiêu bằng ý chí, quyết tâm bền bỉ. Nỗ lực có vai trò quan trọng đối với thành công của mỗi người. Nó giúp ta hoàn thiện bản thân mình; giúp ta vượt qua khó khăn, thử thách; giúp ta có thể đạt được những thành tựu bền vững; chạm đến ước mơ; được tận hưởng thành quả ngọt ngào mà thành công mang lại. Nỗ lực giúp xây dựng một tương lai vững chắc, giúp con người có đủ sức mạnh để đương đầu với sóng gió cuộc đời. Nỗ lực còn góp phần nâng tầm giá trị bản thân, khẳng định vị trí của bạn trong mắt mọi người. Cuộc sống của người biết nỗ lực cũng sinh động, nhiều màu sắc hơn, có ý nghĩa hơn. Những tấm gương như Nguyễn Ngọc Ký, Nick Vujick, Hellen Keller.. là minh chứng sinh động cho thành quả của sự nỗ lực. Có thể nói, nỗ lực là chìa khóa để mở ra cánh cửa đưa ta đến thành công và tương lai tươi sáng. Vì vậy, dù khó khăn, thậm chí thất bại, hãy nắm chắc chiếc chìa khóa ấy nhé.

    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 15 Tháng tư 2022
  6. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    ĐỀ 6

    Đọc đoạn trích sau:

    Cảm hứng tới từ tình yêu tha thiết và sự theo đuổi. Thực lòng yêu tha thiết một sự vật nào đó, có hứng thú với nó, từ đó tập trung tất cả tâm trí vào nó, như vậy mới có thể có được cảm hứng sau khi ngày nhớ đêm mong, cuối cùng giành được thành tích, thậm chí là đột phá lớn trong một lĩnh vực nào đó.

    Khi thật sự yêu thích một ngành nghề, chúng ta sẽ có sự nhiệt tình vô hạn đối với nó, chúng ta sẽ thấy dường như cảm hứng dâng mãi không cạn, từ đó có thể phát huy tiềm lực giải quyết vấn đề một cách sáng tạo. Khi tràn đầy nhiệt huyết, con người có thể tăng cường sự tập trung, làm phong phú trí tưởng tượng, tăng thêm khả năng lí giải, từ đó sinh ra một thôi thúc sáng tạo mạnh mẽ không gì ngăn trở được. Vì vậy, trong cuộc sống và công việc thường ngày, tuyệt đối đừng giết chết sự nhiệt tình và tình yêu chớm nở trong lòng chúng ta.

    (Trích Không có đường cùng, chỉ có người không biết rẽ lối khác,

    Hoàng Chí Kiên, Chu Ứng Mai, Dịch: Phương Linh)​

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

    Câu 2. Theo tác giả, cảm hứng được sinh ra từ đâu?

    Câu 3. Đoạn trích đề cao vai trò của yếu tố nào đối với cuộc sống và công việc của mỗi người?

    Câu 4. Theo anh/ chị, nhiệt huyết đối với công việc có khả năng tăng cường sự tập trung, làm phong phú trí tưởng tượng, tăng thêm khả năng lí giải và thôi thúc sự sáng tạo không? Vì sao?

    Câu 5. Anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về vấn đề: Nếu bạn không chọn con đường mình muốn được đi.

    Gợi ý:

    Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Nghị luận.

    Câu 2. Theo tác giả, cảm hứng được sinh ra từ tình yêu tha thiết và nhiệt tình theo đuổi.

    Câu 3. Đoạn trích đề cao vai trò của các yếu tố: Sự nhiệt tình và tình yêu trong lòng chúng ta.

    Câu 4. Nhiệt huyết đối với công việc có khả năng tăng cường sự tập trung, làm phong phú trí tưởng tượng, tăng thêm khả năng lí giải và thôi thúc sự sáng tạo.

    Vì: Khi có nhiệt huyết với công việc mà mình yêu thích, ta sẽ đặt hết tâm trí, tài năng, sức lực vào công việc, sẽ cố gắng hết mình để hoàn thành công việc một cách hiệu quả nhất, vì vậy ta sẽ tập trung vào công việc, không bị sao nhãng, sẽ đào sâu tư duy, phát huy được trí tưởng tượng và sự sáng tạo. Còn khi làm việc không có nhiệt huyết, còn người sẽ không quan tâm đến hiệu quả công việc, vì vậy không kích thích được tư duy, sáng tạo.. Nhiệt huyết chính là động lực tinh thần tạo nên những năng lượng tích cực khác.

    Câu 5. Anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về vấn đề: Nếu bạn không chọn con đường mình muốn được đi.

    "Ta là một, là riêng, là thứ nhất!" - đúng vậy, cuộc sống của ta là do chính bản thân ta quyết định. Trên hành trình cuộc sống, có rất nhiều con đường cho ta lựa chọn: Chọn đi theo con đường mình muốn đi và chọn đi theo con đường ai đó muốn mình đi. Bạn chọn con đường nào? Dĩ nhiên, ai cũng muốn tự mình lựa chọn hướng đi cho cuộc đời mình. Nhưng cũng có người, vì hoàn cảnh, vì thiếu quyết đoán, mà không dám chọn con đường mình muốn được đi. Vậy khi đó, cuộc sống của họ sẽ ra sao? Không chọn con đường mình muốn được đi hiểu theo nghĩa sâu xa, vượt ra ngoài câu chữ là không chọn theo đuổi ước mơ, sở nguyện của bản thân mình. Lựa chọn ấy sẽ khiến bạn phải đối diện với nhiều điều tiếc nuối. Ước mơ, khát vọng giống như hoa tiêu định hướng cuộc đời bạn, nếu bạn không theo đuổi nó, bạn có thể sẽ lạc hướng và cảm thấy hoang mang vô định vì không có mục tiêu rõ ràng. Không chọn con đường mà mình muốn được đi, bạn sẽ không có được ngọn lửa nhiệt huyết, ý chí đủ lớn để làm những điều mà bạn đang làm. Ai có thể tận tâm, tận huyết với điều mà mình không mong muốn chứ? Vì thế, hệ lụy kéo theo là bạn khó có thể đạt được thành tựu. Và day dứt, tiếc nuối, đau khổ thậm chí chán nản, bế tắc.. là những cảm xúc tiêu cực hoàn toàn có thể đến với bạn nếu bạn không được sống với những lựa chọn mà mình mong muốn. Cuộc sống của bản thân khi ấy, còn ý nghĩa không? Còn niềm vui, hạnh phúc không? Chẳng phải từng có một anh Chí Phèo phải kết liễu cuộc đời vì không còn con đường trở về với xã hội loài người đó sao? Chẳng phải có một Trương Ba phải lựa chọn cái chết vì không được sống với những điều mà mình mơ ước đó sao? Trong xã hội thực tế, cũng có biết bao bi kịch của biết bao con người không được sống, được chọn con đường mà mình muốn đi. Như vậy, dù lựa chọn có khó khăn, mỗi người hãy dũng cảm đấu tranh với nghịch cảnh, với chính mình để bước trên con đường mà mình mong muốn. Bởi chỉ có lựa chọn sáng suốt đó, ta mới cảm nhận trọn vẹn niềm vui, niềm hạnh phúc mà cuộc sống mang lại.

    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 4 Tháng ba 2022
  7. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    ĐỀ 7

    Đọc đoạn trích sau:

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Rất nhiều lúc, thành công chỉ cách chúng ta một bước chân, song tại sao có nhiều người đã đến gần thành công như vậy nhưng không giành được những gì họ mong đợi? Đó là vì họ chịu khuất phục trước khó khăn, họ lựa chọn từ bỏ chứ không quyết tâm cố gắng đến cùng. Chỉ cách đỉnh vinh quang một chút nữa thôi, nhưng họ từ bỏ và trở về vạch xuất phát, phí hoài biết bao công sức phấn đấu từ trước tới giờ. Tại sao trong xã hội có rất ít người thành công vang dội, mà phần lớn mọi người cuối cùng đều quay về làm con người bình thường? Đó là vì họ thiếu đi tinh thần chiến đấu đến cùng, không bao giờ từ bỏ. Có thể mọi người đều có tư chất giống nhau, đều có khao khát thành công như nhau, nhưng khi gặp phải khó khăn, trở ngại hay bị đả kích, ý chí của bản thân sẽ khiến họ đưa ra những quyết định cuối cùng không giống nhau. Người lựa chọn từ bỏ, cứ như thế mọi ước mơ và mục tiêu đã đặt ra cuối cùng sẽ bị tiêu tan, trở thành người thua cuộc mà thôi.

    Xã hội cần những người có ý chí vững vàng, không bao giờ từ bỏ. Khi doanh nghiệp lâm nguy, những người đó vẫn có thể dốc hết sức mình để giúp cho cả tập thể thoát khỏi cảnh khốn cùng. Khi công việc của bản thân gặp phải trở ngại, họ sẽ không nản lòng mà xốc lại tinh thần, tiếp tục tiến lên phía trước. Đó là những nhân tài mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn có, bất cứ xã hội nào cũng cần có.

    Đúng là trong cuộc sống, có những lúc chúng ta cũng cần biết cách buông tay từ bỏ, song đó là khi phía trước không còn con đường để đi nữa, khi ấy chúng ta mới nên dứt khoát quay đầu, xác định lại hướng đi mới cho mình. Đó cũng là một lựa chọn vô cùng sáng suốt. Nhưng nếu đa phần những mục tiêu trong cuộc đời mình, chúng ta đều chọn cách từ bỏ dễ dàng như vậy, chọn thất bại để kết thúc mọi việc, vậy thì cuộc đời bạn chắc chắn sẽ tràn đầy hối tiếc, bạn sẽ chìm trong mớ cảm xúc rối ren, tiêu cực. Hãy học cách giành lấy cơ hội cho mình, học cách chịu trách nhiệm với những việc mình làm và đừng bao giờ từ bỏ bản thân, có như vậy cuộc sống mới có hi vọng, hi vọng đó mới có thể khiến cho cuộc sống của bạn trở nên rực rỡ sắc màu.


    (Trích Kỷ luật làm nên con người, Lý Kiệt, dịch Lệ Thu)​

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1.
    Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

    Câu 2. Vì sao có nhiều người đến gần thành công nhưng lại không giành được những gì mình mong đợi?

    Câu 3. Theo tác giả, yếu tố nào chi phối quyết định khác nhau ở mỗi người khi gặp phải khó khăn, trở ngại?

    Câu 4. Anh/ chị có đồng tình với quan điểm cho rằng, cần phải có tinh thần chiến đấu đến cùng nhưng cũng có lúc cần biết cách buông tay từ bỏ không? Vì sao?

    Câu 5. Anh/ chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về vấn đề: Nếu đa phần những mục tiêu trong cuộc đời mình, chúng ta đều chọn cách từ bỏ dễ dàng.

    Gợi ý:

    Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận.

    Câu 2: Nhiều người đến gần thành công nhưng lại không giành được những gì mình mong đợi, vì họ chịu khuất phục trước khó khăn, họ lựa chọn từ bỏ chứ không quyết tâm cố gắng đến cùng.

    Câu 3: Theo tác giả, yếu tố chi phối quyết định khác nhau ở mỗi người khi gặp phải khó khăn, trở ngại là: Ý chí.

    Câu 4: Đồng tình. Vì:

    - Có tinh thần chiến đấu đến cùng, chúng ta mới có được thành công mong đợi.

    - Đôi khi cũng cần phải biết buông tay từ bỏ, đó là khi nhận thấy con đường ta lựa chọn là sai lầm, không phù hợp, hoặc khi không còn cách giải quyết nào tối ưu. Khi ấy, buông tay từ bỏ, chọn hướng đi khác là một lựa chọn sáng suốt để tránh lặp lại những sai lầm ngu ngốc.

    Câu 5:

    Con đường chinh phục thành công không bao giờ là con đường thẳng tắp đầy hoa thơm trái ngọt. Nó luôn khúc khuỷu gập ghềnh và sẵn sàng trút xuống đời ta nhiều trái đắng. Người có ý chí, kiên trì theo đuổi đến cùng sẽ đi đến đỉnh vinh quang. Người dễ dàng chấp nhận thất bại, quay đầu về điểm xuất phát sẽ chẳng bao giờ có được thành công mong đợi. Phần thưởng ngọt ngào chỉ dành cho những ai biết cố gắng, nỗ lực theo đuổi mục tiêu đến cùng. Còn nếu đa phần những mục tiêu trong cuộc đời mình, chúng ta đều chọn cách từ bỏ dễ dàng, thì cuộc sống của chúng ta sẽ thật tệ. Tiếc nuối sẽ đeo bám, tâm lý thất bại sẽ bủa vây, nỗi buồn vì không đạt được nguyện vọng sẽ hủy hoại những điều tốt đẹp.. Dễ dàng từ bỏ mục tiêu còn khiến giá trị còn người bạn không được nhìn nhận, không được mọi người tin tưởng giao phó những việc quan trọng, bạn cũng chẳng có được đóng góp lớn lao cho cộng đồng. Bạn sẽ chẳng có được gì ngoài một cuộc đời nhàn nhạt, đơn điệu sắc màu. Vậy nên, biết buông bỏ những mục tiêu không phù hợp nhưng nhất thiết phải theo đuổi đến cùng những mục tiêu quan trọng làm nên giá trị con người bạn. Chỉ kiên trì theo đuổi mục tiêu đến cùng, chúng ta mới có được thành công và cuộc sống mới thực sự ý nghĩa.

    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 10 Tháng năm 2023
  8. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    ĐỀ 8


    Đọc đoạn thơ sau:

    [...] Bao cái chết nối dài cơn hồng thuỷ

    Biết nói sao đây, mây cũng trắng màu tang

    Mùa thu ơi, lòng ta trĩu nặng

    Hết Rào Trăng lại đến Hướng Phùng!

    Những đêm trắng nối dài đêm trắng

    Mặt lũ soi trắng bệch mặt người

    Đất trắng nước, người trắng tay ngồi đợi

    Mặt trời lên, sao chửa thấy mặt trời?

    Ta nghe quặn tiếng rừng thét gọi

    Ai giàu lên vùn vụt bởi máu cây

    Máu đời đấy, những kiếp người lẩy bẩy

    Sống bao nhiêu cũng không hết khổ nghèo!

    Lại rùng mình nghĩ những quả bom treo

    Xả chìm ngập, lo âu vào xóm mạc

    Người trách trời bạc ác

    Sao chẳng trách người nhá bẩn non sông?

    Miền Trung ơi, thương lắm miền Trung

    Đẫm nước mắt trôi qua mùa bão lũ

    Ai khắc khoải đợi mùa lau nhú

    Vẫn ân tình mỗi bát cơm chia...


    (Nguyễn Hữu Quý, Trích "Viết từ tâm lũ", tháng 10-2020)​

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1.
    Xác định thể thơ, phương thức biểu đạt chính sử dụng trong đoạn thơ.

    Câu 2. Chỉ ra và phân tích tác dụng của 02 biện pháp tu từ được sử dụng trong ba dòng thơ sau:

    Những đêm trắng nối dài đêm trắng

    Mặt lũ soi trắng bệch mặt người

    Đất trắng nước, người trắng tay ngồi đợi


    Câu 3. Theo tác giả, những nguyên nhân gây nên thảm cảnh lũ lụt cho con người là gì?

    Câu 4. Anh/ chị hãy đề xuất một số giải pháp cơ bản để giảm thiểu thảm họa thiên tai ấy.

    Câu 5. Câu thơ cuối của đoạn thơ trong phần đọc hiểu trên khiến anh/chị liên tưởng đến truyền thống tốt đẹp gì của nhân dân ta? Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn khoảng 200 chữ về ý nghĩa của truyền thống đó.

    Gợi ý:

    Câu 1. Thể thơ: Tự do

    Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm

    Câu 2. Phép điệp: Điệp từ "trắng" / Phép ẩn dụ: "Đêm trắng" (đêm không ngủ), "trắng tay" (mất hết)

    - Tác dụng của phép điệp, phép ẩn dụ:

    + Nhấn mạnh tình cảnh lao đao, khốn đốn của người dân vùng lũ và cảm xúc nghẹn ngào, đau xót.. của tác giả

    + Làm tăng nhạc điệu và sự sinh động, hấp dẫn.. cho đoạn thơ.

    Câu 3. Nguyên nhân:

    - Chặt phá, khai thác rừng bừa bãi (ai giàu lên vùn vụt bởi máu cây)

    - Xả lũ bừa bãi (Lại rùng mình nghĩ những quả bom treo/xả chìm ngập, lo âu vào xóm mạc)

    Câu 4. Giải pháp:

    - Bảo vệ rừng, trồng rừng

    - Xả lũ hợp lí

    - Có chế tài pháp luật nghiêm minh, xử lí những kẻ chặt phá rừng...


    Câu 5. Viết đoạn văn:

    Hai câu cuối của đoạn thơ mang đến hình ảnh thật đẹp về truyền thống tương thân tương ái - một trong những nét đẹp văn hóa tạo nên bản sắc tâm hồn con người Việt Nam. Tương thân tương ái là mọi người cùng yêu thương, đùm bọc, sống hòa thuận, nhân ái với nhau bằng tình thương giữa con người với con người. Khi con người đối với nhau bằng tình yêu thương, lòng nhân ái, cuộc sống sẽ thật đẹp biết bao. Người trao đi yêu thương sẽ cảm thấy hạnh phúc, thanh thản, người nhận được yêu thương cũng ấm áp trong lòng. Không những vậy, những nghĩa cử cao đẹp xuất phát từ tấm lòng tương thân tương ái còn giúp kết nối con người với nhau tạo thành khối đoàn kết cộng đồng vững chắc, giúp con người vượt qua hoạn nạn, thiên tai, giúp xã hội trở nên văn minh tốt đẹp. Có những thứ trao đi là mất, nhưng chỉ có yêu thương trao đi là luôn đong đầy, không bao giờ vơi cạn. Bởi yêu thương sẽ tạo nên yêu thương. Mình yêu thương mọi người thì cũng sẽ nhận được tình yêu thương mọi người trao lại. Trong thực tế, có rất nhiều tấm gương về tinh thần tương thân, tương ái. Đó là những tập thể, hoặc cá nhân có điều kiện kinh tế, có tấm lòng "lá lành đùm lá rách". Họ không chỉ bỏ thời gian, tiền bạc, công sức của chính bản thân mình để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, mà còn huy động những người cùng có điều kiện như mình để chia sẻ phần nào sự khổ đau của những người dân nghèo khổ, hoạn nạn. Những chương trình "Cặp lá yêu thương", "Trái tim cho em" hay những cuộc vận động quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt.. là minh chứng cho nhiều tấm lòng đáng quý ấy. "Người với người sống để yêu nhau", vì vậy hãy sống bằng tấm lòng sẻ chia, nhân ái để cuộc sống mãi rực rỡ sắc màu.


    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 4 Tháng ba 2022
  9. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    ĐỀ 9

    Đọc bài thơ:

    Sông Hồng chảy về đâu
    Sông Gianh sẽ về đâu
    Cửu Long biết về đâu
    Nếu một ngày Tổ quốc không còn biển

    Con sóng mặn ngàn đời như dải lụa đào thơm
    Chít eo thon mùa xuân em trẩy hội
    Lóng lánh vẩy rồng Lạc Long Quân thẳng lưng nguồn cội
    Hải đảo nhấp nhô khát vọng hòa bình

    Đứng lên mau
    Bước đi mau
    Nếu một ngày Tổ quốc không còn biển
    Ưỡn ngực Trường Sơn lăn đá lấp Vạn lý trường thành
    Dải lụa đào nhuộm máu người hóa thành vuông khăn trắng
    Hỡi kẻ thù, ai không có tình yêu ?
    Mẹ ngóng con về
    Vợ tiễn chồng đi
    Anh đợi tin em
    Tàn hơi khản giọng
    Hỡi kẻ thù, ai không có quê hương ?
    Ta tự hào vùi thân đắp nấm mồ dòng giống
    Mãi mãi các ngươi phơi xác xứ người

    Đứng lên mau
    Bước đi mau
    Nếu một ngày Tổ quốc không còn biển
    Mọi dòng sông chung tên gọi Bạch Đằng
    Mỗi chúng ta là một ngọn chông
    Trái tim vót nhọn lửa căm hờn


    (Tổ quốc không thể nào mất biển – Trịnh Sơn)

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1.
    Xác định thể thơ, phương thức biểu chính đạt được sử dụng trong bài thơ.

    Câu 2. Tìm trong bài 2 câu thơ biểu đạt sự hi sinh của người dân Việt Nam để bảo vệ biển.

    Câu 3. Xác định 2 biện pháp tu từ được sử dụng trong bài thơ, phân tích tác dụng.

    Câu 4. Anh/chị hiểu 2 câu thơ: "Nếu một ngày Tổ quốc không còn biển/ Mọi dòng sông chung tên gọi Bạch Đằng" như thế nào? Hai câu thơ khơi dậy truyền thống gì của dân tộc?

    Câu 5. Từ bài thơ phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày trách nhiệm của bản thân nếu một ngày Tổ quốc không còn biển.

    Gợi ý:

    Câu 1.

    - Thể thơ: Tự do

    - Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm

    Câu 2. Hai câu thơ biểu đạt sự hi sinh của người dân Việt Nam để bảo vệ biển:

    Dải lụa đào nhuộm máu người hóa thành vuông khăn trắng

    Ta tự hào vùi thân đắp nấm mồ dòng giống


    Câu 3. Hai biện pháp tu từ được sử dụng trong bài thơ:

    - Phép điệp:

    + Điệp cấu trúc:

    Cấu trúc "Nếu một ngày Tổ quốc không còn biển" lặp lại 3 lần.

    Cấu trúc "Đứng lên mau/ Bước đi mau" lặp lại 2 lần.

    Tác dụng:

    * Tạo nhịp điệu khi da diết, khi hào hùng, hối hả cho lời thơ.

    * Nhấn mạnh giả thiết đau lòng về sự mất chủ quyền biển đảo, đồng thời khiến cho lời kêu gọi, hiệu triệu thêm giục giã, cấp thiết – đánh thức ý thức trách nhiệm của nhân dân với đất nước.

    + Ẩn dụ: "Sông Hồng chảy về đâu/ Sông Gianh sẽ về đâu/ Cửu Long biết về đâu"

    Tác dụng:

    * Mượn hình ảnh những dòng sông không biết chảy về đâu, tác giả muốn nói đến tình cảnh vô định, mất phương hướng.. của con người nếu một ngày chủ quyền biển đảo, cũng là chủ quyền đất nước không còn.

    * Khiến lời thơ thêm hàm súc, gợi nhiều liên tưởng sâu xa.

    Câu 4.

    - Hai câu thơ: "Nếu một ngày Tổ quốc không còn biển/ Mọi dòng sông chung tên gọi Bạch Đằng" có thể hiểu: Nếu một ngày không còn chủ quyền biển đảo, mỗi dòng sông đều sẽ hóa thành dòng sông Bạch Đằng hào hùng trong lịch sử thời Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Quốc Tuấn. Hai câu thơ khẳng định ý chí quyết tâm chiến đấu bảo vệ chủ quyền của dân tộc ta.

    - Hai câu thơ khơi dậy truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc.

    Câu 5. Trách nhiệm của bản thân nếu một ngày Tổ quốc không còn biển.

    - Mỗi chúng ta cần phải có những suy nghĩ đúng đắn, hành động thiết thực để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam, bảo đảm quốc phòng – an ninh trên biển: Dũng cảm, mưu trí, chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường, sẵn sàng hy sinh xương máu, kiên quyết đứng lên bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đặc biệt là đối với thế hệ trẻ là lực lượng kiểm ngư; hay thanh niên ở các địa phương ven biển, huyện đảo tích cực tham gia vào lực lượng dân quân tự vệ để vừa tham gia sản xuất, khai thác hải sản, vừa làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự trên biển.

    - Bên cạnh việc bảo vệ chủ quyền, mỗi chúng ta cần phải tiếp tục gìn giữ và phát triển những tiềm năng của biển đảo Việt Nam, để Việt Nam có thể làm giàu từ biển, mạnh về biển, củng cố vị trí của Việt Nam giữa các quốc gia trên thế giới để sớm đưa đất nước ngày càng phát triển mạnh mẽ, sánh vai với cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn.

    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 4 Tháng ba 2022
  10. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908
    ĐỀ 10


    Đọc bài thơ:


    Nếu anh không về trong buổi chiều nay

    Em đừng buồn và âu lo quá nhé

    Nhớ đón con và động viên cha mẹ

    Bởi Tổ quốc cần, anh chẳng thể ngồi yên!

    Bao nhiêu người cũng rất muốn đoàn viên

    Nhưng covid đang tràn lan đất nước

    Anh không thể, nghĩ tình riêng mình được

    Khi các bạn anh, bạc tóc, hao gầy!

    Ai cũng mong cho đất nước mỗi ngày

    Không còn tin, người nhiễm thêm ca mới

    Thương Tổ quốc, em ở nhà hãy đợi

    Hết dịch rồi, anh sẽ lại về thôi!

    Sáng nay tin từ nước Ý xa xôi

    Mấy ngàn người đã không còn sự sống

    Thương Iran, muôn trái tim lay động

    Hơn nghìn người trong tuyệt vọng, ra đi!

    Tây Ban Nha, rồi Đại Lục - Trung Hoa

    Cả thế giới chìm một mầu tang tóc

    Lo quê nhà, trái tim anh chợt khóc

    Sợ dịch đến mình, sợ mất một người thân!

    Anh không về, vì dân tộc đang cần

    Chào em yêu, đồng đội anh đang đợi

    Nếu ngày mai, anh mãi xa vời vợi

    Đừng khóc nghe em.. Anh chẳng yên lòng!


    (Nếu anh không về... - Tác giả: Vũ Tuấn)

    Thực hiện các yêu cầu sau:

    Câu 1: Xác định thể thơ, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt chính của bài thơ.

    Câu 2: Tìm trong bài thơ 3 câu thơ nói lên sự khốc liệt của dịch bệnh.

    Câu 3: Những câu thơ sau gợi cho anh/ chị suy nghĩ gì về vẻ đẹp phẩm chất của con người trong cuộc chiến chống dịch bệnh:

    "Bởi Tổ quốc cần, anh chẳng thể ngồi yên!"

    "Anh không thể, nghĩ tình riêng mình được",

    "Anh không về, vì dân tộc đang cần"

    Câu 4: Bài thơ gợi cho anh/ chị suy nghĩ gì về trách nhiệm của bản thân trong việc chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh?

    Câu 5: Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vai trò ý thức cộng đồng.

    Gợi ý:

    Câu 1.

    Thể thơ: Tự do

    Phong cách ngôn ngữ: Nghệ thuật

    Phương thức biểu đạt: Biểu cảm

    Câu 2: Ba câu thơ nói lên sự khốc liệt của dịch bệnh:

    Mấy ngàn người đã không còn sự sống

    Hơn nghìn người trong tuyệt vọng, ra đi!

    Cả thế giới chìm một mầu tang tóc

    Câu 3: Những câu thơ:

    "Bởi Tổ quốc cần, anh chẳng thể ngồi yên!"

    "Anh không thể, nghĩ tình riêng mình được",

    "Anh không về, vì dân tộc đang cần"

    Gợi suy nghĩ về lòng yêu nước, tinh thần tự nguyện hi sinh, cống hiến vì dân tộc, vì đất nước. Khi dịch bệnh chưa yên, khi Tổ quốc cần, có những con người sẵn sàng gạt tình riêng để đi làm nhiệm vụ chống dịch..

    Câu 4: Bài thơ gợi những suy nghĩ về trách nhiệm của bản thân trong việc chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh:

    - Thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch, vì giữ an toàn cho bản thân cũng là giữ an toàn cho cộng đồng

    - Tuyên truyền, nhắc nhở mọi người cùng có ý thức phòng dịch..

    - Có tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ đồng bào trong những khu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch.

    Câu 5: Đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vai trò của ý thức cộng đồng.

    Con người không giống với bất cứ giống loài nào khác bởi con người có ý thức, không chỉ là ý thức cá nhân mà còn là ý thức cộng đồng. Nếu ý thức cá nhân là nhận thức của riêng một cá thể về chính mình, thì ý thức cộng đồng lại là phần nhận thức về các giá trị chung, theo chuẩn mực đạo đức, mà mọi người có trách nhiệm tuân thủ, hướng đến một xã hội văn minh tốt đẹp. Ý thức cộng đồng có vai trò vô cùng quan trọng, bởi trước hết nó thể hiện phẩm chất đạo đức, trí tuệ và trình độ văn hóa của một con người. Người có ý thức cộng đồng, biết hướng đến cái chung, lợi ích chung của tập thể sẽ khẳng định được giá trị bản thân ở phương diện hiểu biết và văn hóa. Người có ý thức cộng đồng sẽ nhận được sự yêu mến của mọi người, từ đó có nhiều mối quan hệ hữu ích, sẽ học hỏi được nhiều điều trong cuộc sống, và hơn hết họ sẽ thấy tâm hồn mình được an nhiên, tự tại, thấy cuộc sống thật nhiều niềm vui.. Không chỉ có ý nghĩa đối với cá nhân, ý thức cộng đồng còn có ý nghĩa xã hội. Bởi mỗi cá nhân không phải là một thực thể riêng rẽ, mà là một tế bào của xã hội. Hành động, việc làm của mỗi người, ít nhiều sẽ tác động đến cộng đồng, tập thể. Nếu mỗi người đều có ý thức vì cộng đồng thì sẽ đem lại những điều tốt đẹp cho mọi người xung quanh. Trong bối cảnh hiện tại, khi dịch bệnh đang lan tràn và chưa có dấu hiệu kết thúc, mỗi người đều có ý thức thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch như tuân thủ quy định giãn cách, đeo khẩu trang đến nơi công cộng, trung thực khai báo y tế, tự cách li khi đi đến những vùng có nguy cơ về... thì sẽ giúp ích rất nhiều trong công cuộc chống dịch, giúp dịch bệnh được kiểm soát, giúp mọi người quanh ta được an toàn... Ngược lại, chỉ cần số ít người không có ý thức vì cộng đồng, thì có thể sẽ gây nên những hậu quả khó lường cho rất nhiều người. Hiện tượng cô gái mang tên Hồng Nhung - bệnh nhân số 17 là một vị dụ điển hình. Không chỉ trong mùa dịch, mà trong bất cứ hoàn cảnh nào, nâng cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng cũng là điều cần thiết. Xã hội có văn minh, đất nước có phát triển – một phần không nhỏ phụ thuộc vào ý thức cộng đồng của mỗi cá nhân.

    Xem tiếp trang bên: Bộ Đề Đọc Hiểu Ngữ Văn 12 – Ngữ Liệu Mới | Page 2
     
    Chỉnh sửa cuối: 4 Tháng ba 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...