Binh Thư Yếu Lược - Trần Hưng Đạo

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Dương Thần, 12 Tháng mười một 2018.

  1. Dương Thần

    Bài viết:
    76
    Quyển 1:

    VI: Quân lễ



    "Bấm đọc nha"
    Trị quân phải theo lễ, mà quyền bính ở mình.

    Trị quân mà đối với người trẻ người lớn đều có lễ, thì biết là người đủ làm được việc. Trị quân mà không theo lễ, thì tướng nhỏ có thể lấn được tướng súy, tướng súy có thể lấn được thiên tử, họa loạn do đó mà sinh ra. Quyền lớn không thể không ở mình được, nếu quyền dời xuống người dưới, trên dưới thế ngang nhau, trên không sai khiến được dưới, dưới không bẩm báo lên trên, đó là quyền lớn không ở mình vậy. Thời Hậu Đường quân sĩ giết tiết độ sứ, rồi nhân lấy chức của người bị giết ấy mà trao cho. Gần đây như họ Trịnh mất quyền thống ngự, quân sĩ sinh kiêu (1), đến nỗi loạn vong, thì cũng giống thế.

    Tuốt gươm đứng dậy, giết trâu khao quân để yên ủi khuyến miễn, thì sĩ khí phấn khởi lên nhiều.

    Nên trọng thưởng ở nơi biên cảnh. Khi quân Di Địch lấn cõi, bọn đại gian thì mưu can phạm đạo thường, bề tôi giỏi thì vâng mệnh đi đánh để giữ vương quốc, siêng việc vua mà lập công lớn. Binh pháp nói: Công lao không việc nhỏ nào mà không chép để thưởng.

    Ở quân thì đi đứng cứng cáp; khi đi mau thì quả quyết; mặc binh phục thì không lạy; ngồi xe binh thì không chào; qua cửa thành không rảo bước; gặp việc nguy không nhường ai. Cho nên lễ với pháp là ngoài với trong, văn với võ là tả với hữu(2) .

    Khi xe vua đến, tôi con nên giết trâu lọc rượu để đãi trăm quan, há dám đem quân giặc mà biếu cho vua cha đâu?

    Quân (đi thú) đi sau tướng lại(3) mà đến sau chỗ đại tướng một ngày thì cha mẹ vợ con cùng bị tội hết (4) ; quân trốn về nhà một ngày mà cha mẹ vợ con không bắt hay nói ra thì cũng đồng tội. Đánh trận mà quân sĩ bỏ trốn và tướng lại bỏ sĩ tốt mà chạy một mình thì đều chém. Lại trước bỏ quân mà thua chạy, sau lại hay chém được mà cướp nắm lấy quân thì thưởng. Ba quân đại chiến, nếu đại tướng chết mà quan lại đi theo 500 người trở lên không hay liều chết với địch được thì chém, những lính theo gần ở tả hữu đại tướng khi ra trận cũng đều chém hết; còn dư sĩ tốt nào có quân công thì đoạt một cấp, không có quân công thì đi thú ba năm. Đánh trận mà mất người trong ngũ và người trong ngũ chết mà không lấy được xác, thì các người đồng ngũ đều bị đoạt hết công, lấy được xác thì đều tha tội.. Dùng phép mà ngăn cái tệ trốn về và cấm binh bỏ trốn, đó là điều thắng thứ nhất của quân. Thập và ngũ cùng liến nhau và khi chiến đấu quan binh cùng cứu nhau, đó là điều thắng thứ hai của quân. Tướng hay lập uy, quân giữ kỷ luật, hiệu lệnh thì tin, đánh giữ đều được, đó là điều thắng thứ ba của quân.

    Phép ra lệnh cấm quân sĩ (5) .

    Phụ: Thưởng phạt.

    Thái công nói: Tướng lấy việc giết được người lớn làm uy; thưởng cho người nhỏ thì sáng. Vì giết người quý trọng đương có quyền là hình gia lên trên hết, thưởng đến những kẻ chăn trâu, nuôi ngựa, nấu bếp là thưởng đến dưới cùng. Do đó mà uy tín của tướng có thể lập được.

    Quân chưa gần gũi mà đã trừng phạt thì họ không phục, không phục thì khó dùng; quân đã gần gũi mà không thi hành trừng phạt thì không thể dùng được. Cho nên khi ra lệnh thì dùng văn, mà thi hành thì dùng võ thế mới gọi là tất lấy được. Lệnh đó quen thi hành, đem ra dạy dân thì dân hẳn phục, đem dùng với quân thì cũng theo.


    "Chú thích"
    1. Tức là loạn Kiêu binh đời Lê Cảnh Hưng ở nước ta.

    2. Đoạn này đã có chép ở trên chương "Tướng đạo", dẫn lời Võ kinh .

    3. Tướng lại: Tướng là người cầm quân, chỉ huy, lại là người giữ việc giấy má sổ sách trong quân.


    4. Đoạn này chép ở Võ kinh, chương 24 "Binh lệnh hạ". Võ kinh trực giải quốc ngữ ca dịch câu này là: "Đi thú giữ sau tướng viên, một ngày thì cũng tội liền vợ con".

    5. Chương này chép ở Hổ trướng khu cơ, ở đây bỏ, xin xem Hổ trướng khu cơ ở sau.
     
    giangpvc thích bài này.
  2. Dương Thần

    Bài viết:
    76
    Quyển 1:

    VII: Tuyển người làm việc dưới trướng

    "Click here"
    Sách Võ kinh:

    Thiên văn 2 người, giữ việc xem sao và xem lịch, xem gió, chọn ngày giờ, xét tai dị; địa lợi 2 người, tra xét hình thế lợi hại, xa gần, khó dễ; binh pháp 2 người, giảng bàn binh pháp, luyện tập quân sự; thư toán 4 người, biên ghi lương thực, quân số khí giới; y sĩ 2 người, điều trị cho quan và quân; du sĩ 5 người, phòng làm gián điệp tuần thám; từ trát 4 người, để thảo giấy tờ và việt chương tấu.

    Sách Kinh thế:

    Sẵn quân mười vạn, nếu không có vài nghìn tử sĩ xông pha vào nơi hung hiểm thì không thề dùng kỳ (1) được. Hành quân đi nghìn dặm, nếu không có vài lũ gián điệp xuất quỷ nhập thần thì cũng không thể dùng kỳ được. Ta xem những nhà chuyên dùng kỳ, có người mưu sẵn đã thành mà lâm trận thì thua. Há chẳng phải là tử sĩ thì chỉ giúp tướng cao sang (2) , gián điệp chỉ là do trưởng công bằng sao! Động bằng ơn, kết bằng nghĩa, còn sợ không được, huống chi tướng không có chuyên quyền, mà lương không có để dùng lúc bất thần; trong hội đầu cơ, chớp mắt không kịp, tuy muốn dùng kỳ, nhưng không biết tự đâu mà dùng được.

    Nhà vua có chân tay tai mắt; đại tướng có lông cánh tán tương, cho nên quân đội dùng nhân tài, cũng ngang với triều đình. Có trí sĩ như tham mưu, hay tán hoạch, hay mưu lược, chủ dùng ở nơi màn trướng mà quyết định việc quân cơ, động có việc gì là hỏi; có dũng sĩ như kiêu tướng, hay kiện tướng, hay mãnh tướng, chủ việc quyết chiến để xung đột, dẫn quân tiến lên; có thân sĩ, như tướng riêng, như tướng cầm tay, như tướng nanh vuốt, chủ việc hộ vệ tả hữu, để mà tuyên lệnh và cầm nắm binh cơ; có thức sĩ, hiểu thế trận, biết biến hóa, xem khí tượng, nghiệm gió mưa, hiểu hết thế đất, rõ tình hình địch, xem xét những điều nhỏ nhặt, giữ việc tiến chỉ của cả quân; có văn sĩ biết suốt xưa nay, hiểu thấu nguồn gốc, giữ nghi tiết, rộng bàn bạc, thảo hịch viết sớ, sửa soạn từ chương; có thuật sĩ tính về thời nhật, xét lẽ âm dương, xem bói toán, giữ đi về, luyện mồi thuốc độc, khiến việc quyền nghi nên chăng, lợi mình hại giặc; có số sĩ, biết vận nước, đón cơ hội, nhằm đánh úp đặt phục, tính lương cỏ, chép vật dùng, ghi công trạng, giữ sổ quân, biên hết tài năng, tính sổ nhiều ít; có kỹ sĩ như kiếm khách, đâm tử sĩ, khinh trộm cắp, úp thuyết khách, xét gián điệp, khiến ra vào đồn địch, xem cơ mà đặt mưu; có nghệ sĩ, sáng chế đồ dùng, quy hoạch ngòi hồ, sửa đồ xấu hỏng, chế vật mới lạ, đảo lớn nhỏ, rút xa gần, đổi trên dưới, lật nặng nhẹ, theo phép cổ, soạn sách mới, trang bị binh vật, để chu toán việc đánh giữ. Ngoài ra còn có các tài khác, như kịch, như múa, như cười, như mắng, như hát, như nhảy, như vượt, như bay, như vẽ, như nấu nước uống, như nhuộm màu nhuộm bùn, như mượn đồ vật, như nhanh chân đi giỏi, tóm lại không sao kể hết tên được, nhưng đều là kỹ năng đủ dùng để làm việc và gỡ rối. Tất phải kén chọn tinh tế khiến mọi người đều giỏi việc mình phụ trách, để cho việc gì cũng có người chuyên, mà trong quân không có việc gì không làm được. Đến như hiến mưu định sách thì chẳng chọn người, thình lình mà gặp, tuy một người lính thường cũng cần nhấc lên, lời nói chỉ có tiến mà không cự tuyệt, dù chẳng hay cũng chẳng phạt, như thế thì người anh hùng đều về. Đó là hình tượng các ngôi sao trong vũ lâm vậy. Trời sinh ra người, khí trụ ở trong lòng thì trí tuệ, khí tan ra chân tay thì chất phác. Chất phác thì sức nhiều; trí tuệ thì yếu nhiều. Trí dũng đều gồm được thì đời ít có. Cho nên tài người nào có thể vượt một trăm người thì làm trưởng trăm người, vượt được một nghìn người thì làm trưởng nghìn người, vượt qua nghìn người thành một quân thì có thể đối phó cơ sự ở một mặt, có thể đảm đương sức chống ở một mặt, đủ làm trưởng cả quân. Quân có lúc có, thì tướng cần có thể dùng một mình, cho nên người khéo dùng tài thì những chức thiên tì (3) cũng đều là đại tướng cả.

    "Chú giải"
    1. Dùng binh lẻ.

    2. Tướng cao sang, có quyền lớn của nhiều để thưởng to nên người ta cam liều chết để lấy thưởng.

    3. Thiên tì: Tức thiên tướng và tì tướng.
     
  3. Dương Thần

    Bài viết:
    76
    Quyển 1:

    VIII: Đồ dùng của binh

    "Bấm vô coi"
    Cuốc xẻng để làm đất; rìu búa dao cưa để làm gỗ; thợ vàng thợ sắt để làm đồ ngũ kim; trâu ngựa để chuyên chở; gà chó để xem ngày giờ; thợ may để chế quần áo; thuốc men để chữa bệnh; chông sắt để phòng đón đường; giày da để phòng chạy xông; lương khô đề phòng lúc hết ăn.

    Phàm voi thấy đồ hỏa khí và tiếng súng thì chạy, khi chạy thì người không thể giữ nổi, khó bề rèn tập cho quen; phải đào một cái hố to có thể cho voi đủ đứng được, bề sâu chừng 5 thước, đuổi voi xuống đó, rồi sau đem đồ hỏa khí để tập, lúc đó voi dầu có sợ hãi cũng không thể chạy được.

    Phép nhử lấy ngựa của giặc.

    Xưa Sử Tư-minh nhà Đường làm phản, có ngựa tốt nghìn con, hằng ngày cho ra bến sông để tắm, rồi cho đi quanh về để tỏ là có nhiều ngựa. Lý Quang-bật (1) sai tìm ngựa cái ở trong quân được 500 con, cho đem buộc ở trong thành, chờ khi ngựa giặc ra hết bến sông, ngựa cái cứ hí mãi lên, ngựa giặc lội qua sông chạy sang, bấy giờ đuổi vào trong thành hết thảy.

    Phép nuôi ngựa.

    Mỗi tháng cứ đến ngày dần đầu tiên, đem muối cho ngựa ăn thì ngựa không bệnh.

    Hỏa tiễn (tên lửa).

    Sách Binh lược:

    Tên lửa thế mạnh, quân địch sợ hơn cung nỏ. Người khéo chế có thể bắn xa được 6, 7 trăm bước. Mỗi một cái tên lửa phải giọt ước 3 vạn dùi mới thành. Trên đầu dùng thuốc súng Hồi-hồi (2) ước 2 phần 10. Vì tên lửa sức lớn mà chiếu buồm mỏng bắn qua không cháy lên được, như sợ nó thấu qua thì ở dưới chỗ miệng lửa cách một hai tấc, dùng mảnh tre gài chéo chữ thập để ngăn lại. Ở chỗ tre và sắt tiếp nhau thì dùng dây gân buộc lại và sơn đi. Cái vè ở mũi tên cũng phải sơn cho nó chịu gió mưa và khí ẩm. Tên lửa ở phương Nam chế hay để tụ hàng mấy chục hay trăm cái vào một cái lòng, gọi là ổ tên, hay là lồng lửa. Chín cái gọi là lồng cửu long. Hạng nhỏ thì gọi là tên vọt, ngồi trên ngựa cũng có thể bắn được.


    Chông sắt đánh bẫy ngựa.

    Đào một cái hố sâu rộng vuông vừa 4 thước, đem chông sắt đặt vào trong, trên gác cây nhỏ, rồi lấy cỏ và đất phủ bằng đi, tự nhiên như chỗ đất hoang, nếu giặc xông vào dinh ta thì người ngựa tất sập xuống hố mà bị thương. Quân phục vùng dậy mà bắt sống.

    Súng.

    Binh bộ chúng tôi kính cẩn tâu về việc bàn giảm nguyên lệ được dùng thuốc súng cho các hạng súng, kính đóng thành tập dâng tâu, ngửa mong nhà vua soi xét. Nay đã vâng sắc: Lần này thí nghiệm súng Chấn uy đại tướng quân, lệ cũ dùng 10 cân, nay chỉ dùng 8 cân mà tiếng bắn ra vang dội, như vậy thuốc súng mới giã này mạnh hơn trước nhiều lắm. Vậy giao cho Binh thương đồng với bọn hộ vệ cảnh tất, bàn tính bớt cân lạng cho được thỏa đáng, và thông sức cho các địa phương, hết thảy tuân theo. Nay bộ thần đã vâng mệnh hội đồng với bọn loan giá, chiếu theo lệ cũ dùng thuốc cho các hạng súng, bàn bạc chước định. Trừ các hạng súng xung tiêu diễn bắn các đạn chấn địa lôi, liên châu, lan can, thì lâm thời chiếu theo xa, gần mà lượng dùng thuốc, không thể ấn định được, ngoài ra các thứ súng đồng, gang, sắt và các súng thần công, thần cơ, đều là bắn đạn chì, đạn gang, nay xin chiếu theo sức thuốc thêm bớt thế nào, hễ là thuốc cũ thử bắn chỉ 2 độ hay 3 độ thì xin y theo lệ cũ mà làm, còn súng nào dùng thuốc mới thì xin nên tinh giảm 2 phần 10, cho độ số được thích nghi. Bọn chúng tôi đem tình tiết tính bàn giảm bớt thuốc súng và mỗi hạng súng dùng thuốc bao nhiêu, theo khoản liệt kê ra sau. Như được ơn chuẩn cho, xin cung chép cho địa phương tuân theo mà làm. Kính tâu:

    Kê khai:

    Các hạng súng đồng, gang, sắt. (Như bắn ở trường bắn, lấy 1 tấc đường kính nòng súng và đạn bắn đến 100 trượng làm độ, quá thì sợ sai).

    Súng 5 tấc 2 phân – (Đích bắn 520 trượng). Lệ cũ thuốc đạn, mỗi phát 20 cân, nay lệ mới mỗi phát 16 cân. Độ bắn hơn 600 trượng, nhảy thêm ngoài 100 trượng.

    Súng 5 tấc 1 phân – (Đích bắn 510 trượng). Lệ cũ thuốc đạn 19 cân 8 lạng, nay lệ mới 15 cân 9 lạng 6 tiền. Độ bắn hơn 580 trượng, nhảy thêm 100 trượng.

    Súng 5 tấc – (Đích bắn 500 trượng). Lệ cũ 19 cân. Lệ mới 15 cân 3 lạng 2 tiền. Độ bắn 560 trượng, nhảy thêm 90 trượng.

    Súng 4 tấc 9 phân – (Đích bắn 490 trượng). Lệ cũ 18 cân 8 lạng, lệ mới 14 cân 12 lạng 8 phân. Độ bắn 540 trượng, nhảy 80 trượng.

    Súng 4 tấc 8 phân – (Đích bắn 480 trượng). Lệ cũ 18 cân, lệ mới 14 cân 6 lạng 4 tiền. Độ bắn 520 trượng, nhảy 70 trượng.

    Súng 4 tấc 7 phân – (Đích bắn 470 trượng). Lệ cũ 17 cân 8 lạng, lệ mới 14 cân. Độ bắn hơn 500 trượng, nhảy 60 trượng.

    Súng 4 tấc 6 phân – (Đích bắn 460 trượng). Cũ 17 cân, mới 13 cân 9 lạng 6 tiền. Độ bắn hơn 490 trượng, nhảy thêm 50 trượng.

    Súng 4 tấc 5 phân – (Đích bắn 450 trượng). Cũ 16 cân 8 lạng, mới 13 cân 3 lạng 2 tiền. Độ bắn hơn 480 trượng, nhảy 40 trượng.

    Súng 4 tấc 4 phân – (Đích bắn 440 trượng). Cũ 16 cân, mới 12 cân 12 lạng 8 tiền. Độ bắn hơn 470 trượng, nhảy 35 trượng.

    Súng 4 tấc 3 phân – (Đích bắn 430 trượng). Cũ 15 cân 8 lạng, mới 12 cân 6 lạng 4 tiền. Độ bắn 460 trượng, nhảy 30 trượng.

    Súng 4 tấc 2 phân – (Đích bắn 420 trượng). Cũ 15 cân, mới 12 cân. Độ bắn 450 trượng, nhảy 25 trượng.

    Súng 4 tấc 1 phân – (Đích bắn 410 trượng). Cũ 14 cân, mới 11 cân 3 lạng 2 tiền. Độ bắn hơn 440 trượng, nhảy 20 trượng.

    Súng 4 tấc – (Đích bắn 400 trượng). Cũ 13 cân, mới 10 cân 6 lạng 4 tiền. Độ bắn hơn 435 trượng, nhảy 15 trượng.

    Súng 3 tấc 9 phân – (Đích bắn 390 trượng). Cũ 12 cân, mới 9 cân 9 lạng 6 tiền. Độ bắn hơn 430 trượng, nhảy 10 trượng.

    Súng 3 tấc 8 phân – (Đích bắn 380 trượng). Cũ 11 cân, mới 8 cân 12 lạng 8 tiền. Độ bắn hơn 425 trượng, nhảy trên dưới 10 trượng.

    Súng 3 tấc 7 phân – (Đích bắn 370 trượng). Cũ 10 cân, mới 8 cân. Độ bắn hơn 420 trượng, nhảy trên dưới 9 trượng.

    Súng 3 tấc 6 phân – (Đích bắn 360 trượng). Cũ 9 cân, mới 7 cân 3 lạng 2 tiền. Độ bắn hơn 415 trượng, nhảy trên dưới 7, 8 trượng.

    Súng 3 tấc 5 phân – (Đích bắn 350 trượng). Cũ 8 cân, mới 6 cân 6 lạng 4 tiền. Độ bắn hơn 410 trượng, nhảy trên dưới 6, 7 trượng.

    Súng 3 tấc 4 phân – (Đích bắn 340 trượng). Cũ 7 cân 8 lạng, mới 6 cân. Độ bắn hơn 408, 9 trượng, nhảy trên dưới 5, 6 trượng.

    Súng 3 tấc 3 phân – (Đích bắn 330 trượng). Cũ 7 cân, mới 5 cân 9 lạng 6. Độ bắn hơn 407, 8 trượng, nhảy trên dưới 5, 6 trượng.

    Súng 3 tấc 2 phân – (Đích bắn 320 trượng). Cũ 6 cân 8 lạng, mới 5 cân 3 lạng 5 tiền. Độ bắn hơn 406, 7 trượng, nhảy trên dưới 5, 6 trượng.

    Súng 3 tấc 1 phân – (Đích bắn 310 trượng). Cũ 6 cân, mới 4 cân 12 lạng 8 tiền. Độ bắn 405, 6 trượng, nhảy trên dưới 5, 6 trượng.

    Súng 3 tấc – (Đích bắn 300 trượng). Cũ 5 cân 8 lạng, mới 4 cân 6 lạng 4 tiền. Độ bắn 404, 5 trượng, nhảy trên dưới 4, 5 trượng.

    Súng 2 tấc 9 phân – (Đích bắn 290 trượng). Cũ 5 cân, mới 4 cân. Độ bắn hơn 403, 4 trượng, nhảy trên dưới 4, 5 trượng.

    Súng 2 tấc 8 phân – (Đích bắn 280 trượng). Cũ 4 cân 8 lạng, mới 3 cân 9 lạng 6 tiền. Độ bắn hơn 402, 3 trượng, nhảy trên dưới 4, 5 trượng.

    Súng 2 tấc 7 phân – (Đích bắn 270 trượng). Cũ 4 cân, mới 2 cân 3 lạng 2 tiền. Độ bắn 400 trượng, nhảy trên dưới 3, 4 trượng.

    Súng 2 tấc 6 phân – (Đích bắn 260 trượng). Cũ 3 cân 8 lạng, mới 2 cân 12 lạng 8 tiền. Độ bắn trên dưới 390 trượng, nhảy trên dưới 3, 4 trượng.

    Súng 2 tấc 5 phân – (Đích bắn 250 trượng). Cũ 3 cân, mới 2 cân 6 lạng 4 tiền. Độ bắn trên dưới 380 trượng, nhảy 3, 4 trượng.

    Súng 2 tấc 4 phân – (Đích bắn 240 trượng). Cũ 2 cân 12 lạng, mới 2 cân 3 lạng 2 tiền. Độ bắn trên dưới 370 trượng, nhảy 3, 4 trượng trở xuống.

    Súng 2 tấc 3 phân – (Đích bắn 230 trượng). Cũ 2 cân 8 lạng, mới 2 cân. Độ bắn trên dưới 360 trượng.

    Súng 2 tấc 2 phân – (Đích bắn 220 trượng). Cũ 2 cân 4 lạng, mới 1 cân 12 lạng 8 tiền. Độ bắn trên dưới 350 trượng.

    Súng 2 tấc 1 phân – (Đích bắn 210 trượng). Cũ 2 cân, mới 1 cân 9 lạng 6 tiền. Độ bắn trên dưới 340 trượng.

    Súng 2 tấc – (Đích bắn 200 trượng). Cũ 1 cân 12 lạng, mới 1 cân 6 lạng 4 tiền. Độ bắn trên dưới 330 trượng.

    Súng 1 tấc 9 phân – (Đích bắn 190 trượng). Cũ 1 cân 8 lạng, mới 1 cân 3 lạng 2 tiền. Độ bắn trên dưới 320 trượng.

    Súng 1 tấc 8 phân – (Đích bắn 180 trượng). Cũ 1 cân 4 lạng, mới 1 cân. Độ bắn trên dưới 310 trượng.

    Súng 1 tấc 7 phân – (Đích bắn 170 trượng). Cũ 1 cân, mới 12 lạng 8 tiền. Độ bắn hơn 300 trượng.

    Súng 1 tấc 6 phân – (Đích bắn 160 trượng). Cũ 14 lạng, mới 11 lạng 2 tiền. Độ bắn trên dưới 280 trượng.

    Súng 1 tấc 5 phân – (Đích bắn 150 trượng). Cũ 10 lạng, mới 9 lạng 6 tiền. Độ bắn trên dưới 260 trượng.

    Súng 1 tấc 4 phân – (Đích bắn 140 trượng). Cũ 10 lạng, mới 8 lạng. Độ bắn trên dưới 240 trượng.

    Súng 1 tấc 3 phân – (Đích bắn 130 trượng). Cũ 8 lạng, mới 6 lạng 8 tiền. Độ bắn trên dưới 220 trượng.

    Súng 1 tấc 2 phân – (Đích bắn 120 trượng). Cũ 6 lạng, mới 4 lạng 8 tiền. Độ bắn trên dưới 200 trượng.

    Súng 1 tấc 1 phân – (Đích bắn 110 trượng). Cũ 4 lạng, mới 3 lạng 2 tiền. Độ bắn trên dưới 180 trượng.

    Súng 1 tấc – (Đích bắn 100 trượng). Cũ 3 lạng, mới 2 lạng 4 tiền. Độ bắn trên dưới 160 trượng.

    Súng 9 phân – (Đích bắn 90 trượng). Cũ 2 lạng 5 tiền, mới 2 lạng. Độ bắn trên dưới 140 trượng.

    Súng 8 phân – (Đích bắn 80 trượng). Cũ 2 lạng, mới 1 lạng 4 tiền. Độ bắn trên dưới 120 trượng.

    Súng 7 phân – (Đích bắn 70 trượng). Cũ 1 lạng 5 tiền, mới 1 lạng 2 tiền. Độ bắn trên dưới 100 trượng.

    Súng 6 phân – (Đích bắn 60 trượng). Cũ 1 lạng, mới 8 tiền. Độ bắn trên dưới 80 trượng.

    Súng 5 phân – (Đích bắn 50 trượng). Cũ 8 tiền, mới 6 tiền 4 phân. Độ bắn trên dưới 70 trượng.

    Súng 4 phân – (Đích bắn 40 trượng). Cũ 5 tiền, mới 4 tiền. Độ bắn trên dưới 60 trượng.

    Súng 3 phân – (Đích bắn 30 trượng). Cũ 1 tiền 8 phân, mới 1 tiền 6 phân. Độ bắn trên dưới 50 trượng.

    Súng Thần công – Cũ 1 lạng, mới 8 tiền. Độ bắn hơn 80 trượng hay hơn 60 trượng.

    Súng Thần cơ – Cũ 6 tiền, mới 4 tiền 8 phân. Độ bắn hơn 50 trượng hay hơn 45 trượng.

    Bài ca tập hỏa pháo (3)

    Quân tựu trường tập,

    Nghe ba hồi kiểng.

    Chính phụ bày hàng,

    Treo cửa châu mai.

    Cắm cờ, mang bầu thuốc lại.

    Tháo máy móc hậu, kéo súng vô.

    Chắn hậu, đặt đòn ngáng lấy nút.

    Chờ giở vung ngòi, nút gió.

    Giơ tay chắn lỗ ngòi, gõ ba cái,

    Giở nắp bầu thuốc, vào thuốc,

    Ấn thuốc, nạp thuốc một lần.

    Lấy đạn, nạp đạn ba lần.

    Đậy vung ngòi về nạp.

    Cất đòn ngáng, tháo máy móc hậu, kéo súng ra.

    Hai dây quàng đốc.

    Hai đòn cầm xe.

    Giở vung ngòi, lay ngòi thăm thuốc.

    Lấy bầu, giở nắp bầu, dỗ thuốc ngòi.

    Đậy nắp bầu, cà thuốc.

    Rút bầu, bỏ sau lưng.

    Đậy vung ngòi, nhắm làn,

    Hoặc thiên tả, hoặc thiên hữu,

    Hoặc lấy cao lấy thấp, hoặc lấy làn ngay.

    Lấy có, thổi hỏa mai.

    Cất đòn xe, tháo dây.

    Giữ quàng đốc.

    Giở vung ngòi, châm.

    Diễn hải pháo, hai người.

    Kiểng hồi, quân tựu trường tập.

    Chính phụ bày hàng,

    Treo cửa châu mai.

    Tháo máy móc hậu, kéo súng vô.

    Chánh phụ đều chực mà chắn hậu.

    Chánh đặt đòn ngáng lại, chắn lỗ ngòi,

    Phụ lấy nút lên, mà chực nút gió.

    Chánh phụ đều về.

    Chánh lấy thuốc lên, xé bao vào thuốc.

    Phụ cầm nắp mà ướm một chày.

    Chánh ra lấy đạn, vào đạn rồi,

    Lại chắn lỗ ngòi.

    Phụ nặp đạn ba chày.

    Chánh đậy vung ngòi, ra đòn ngáng.

    Phụ về nạp, tháo hậu móc máy.

    Chánh phụ đều kéo súng ra,

    Hai dây máy bỏ đường xà.

    Chánh phụ đều về.

    Chánh lấy bầu ngòi mà vào.

    Phụ lấy lồng đèn mà vô.

    Chánh giở vung, lay ngòi, thăm thuốc.

    Lấy bầu, giở nắp bầu, dỗ thuốc ngòi.

    Đậy vung lên. Chánh phụ đều về.

    Chánh treo bầu ngòi.

    Phụ treo lồng đèn.

    Chánh lấy cò vào mà chực.

    Nhắm làn cao thấp.

    Phụ thì giở vung ngòi ra.

    Chánh kêu: "Tổng, bắt, cậy", truyền chắn bắn.


    Thao diễn bắn súng quá sơn.

    Phép truyền tập bắn quá sơn.

    Hỏa liên cũng một phép nay rõ ràng.

    Tua noi (4) hiệu lệnh cho hòa.

    Lập tức nghe ba hồi trống đã vang.

    Súng đặt có hàng, binh đóng chỉnh nghiêm.

    Thứ nhất tiếng kiểng dóng lên,

    Thảy trong hàng ngũ đều yên xứ ngồi.

    Thứ hai lại một tiếng bồi,

    Lấy nút nút gió, chắn ngòi lại thăm.

    Trước vào thuốc nạp một lần,

    Sau vào đạn nạp là xong ba chày.

    Tiếng thứ ba lay ngòi dỗ thuốc,

    Rồi lấy vung đậy lên.

    Tiếng thứ tư cầm cò thổi lửa,

    Vung liền giở ra.

    Thứ năm hai tiếng liền hòa bắn đi.

    Thể lệ định phân số hộc phương thuốc súng.

    Trong 100 cân cần dùng diêm tiêu 75 cân 10 lạng, lưu hoàng 11 cân 4 lạng, than 13 cân 2 lạng. Giã chày nước 5 ngày đêm, thành thuốc 94 cân 11 lạng, trừ ngoài phi hao mất 5 cân 5 lạng. Giã bộ 6 ngày, thành thuốc 94 cân 8 lạng, trừ phi hao 5 cân 8 lạng. Thí nghiệm cho đúng thức hạng lớn 3 độ; hạng vừa 4 độ; hạng nhỏ 5 độ. Năm Tự Đức thứ 12 Binh bộ tâu xin 3 độ phải được 5 độ, 4 độ phải được 6 độ, 5 độ phải được 7 độ. Giã bộ 6 ngày, đổi làm 7 ngày. Kính vâng đã được chuẩn cho tại án.

    Lại tra xét đến cách chế tạo ống phun lửa. Một ống cần dùng diêm tiêu 9 lạng 3 tiền 3 phân 4 ly, lưu hoàng 2 lạng 6 tiền 6 phân 6 ly. Than 1 lạng. Đến như thuốc đạn và phi hao thì không có định lệ. Mỗi một ống cần dùng 3 tờ giấy định, 5 sợi mây, 1 tờ giấy đại chia làm sáu ống, để trang thuốc ngòi, 1 tờ giấy trung làm ngòi, chia làm hai ống để bọc thuốc ngòi, giấy bản nhỏ 4 tờ để bọc ngoài ống, gạo trắng một bát để nấu hồ, phất giấy bọc 130 ống. Mỗi một ống đạn 5 lạng 9 phân, thuốc bắn 1 lạng 3 tiền 7 phân, thuốc phun 6 lạng 5 tiền 4 phân.

    Thuốc ngòi: Diêm tiêu 1 lạng 2 tiền 5 phân, lưu hoàng 3 tiền 5 phân, than 3 phân.

    "Chú thích"
    1. Lý Quang bật: Người đời Đường, làm tiết độ sứ đời Đường Túc tôn, bình loạn An Sử.

    2. Thuốc súng Hồi-hồi: Tức là thuốc hỏa được dùng để bắn súng, vì đầu tiên do người Hồi-hồi, tức người A-rập đem vào Trung Quốc nên gọi là thuốc súng Hồi-hồi.

    3. Bài ca này và hai bài sau đều chép bằng chữ Nôm.

    4. Tua noi: Tiếng xưa nghĩa là nên theo.
     
  4. Dương Thần

    Bài viết:
    76
    Quyển 1:

    IX: Hiệu lệnh

    "Bấm vô, bấm vô"
    Nghiêm . Hiệu lệnh mỗi khi phát ra, ba quân run sợ. Nghe trống thì tiến lên; nghe chiêng thì dừng lại; nghe súng thì đứng dậy; nghe kiểng thì đi ăn; nghe thanh la thì hăng lên; vẫy cờ thì chạy; mưa không tránh vào nhà; nóng không cởi áo giáp; nhọc không được bỏ khí giới; thấy khó không lùi; gặp lợi không lấy; hãm thành không giết càn; có công không được khoe khoang; đi nhanh không nghe tiếng; địch xung mà không động; địch chấn mà không kinh; bị úp mà không chạy; bị cắt mà không chia. Thế mới là nghiêm.

    Tài miệng lưỡi . Thánh hiền lấy không có tài miệng lưỡi mà miễn lỗi. Binh pháp lại lấy tài miệng lưỡi làm có công. Cho nên người giỏi dùng binh lừa dối cũng làm, phải trái dùng tài, có khi phạm đến việc trời, có khi phạm đến tục cấm, có khi giả làm quỷ thần, có khi thác làm mộng mị, có khi đưa vật kì quái, có khi đặt lời sấm dao (1) , cử động mỗi khi mỗi khác, tiếng nói tùy lúc trái nhau, cổ lệ lòng quân, đập tan khí giặc, khiến người không thể lường được; khi thì cấm làm càn, rồi lại dùng làm càn, bởi vì lời nói càn dối, về việc chính đáng thì không đủ cậy, mà về sự giả thác thì lại có thừa.

    Con gái . Đại tướng đời xưa, đôi khi có nhờ con gái. Gái dùng về văn để cho giặc vui thích chơi đùa; gái dùng về võ để tiến đánh, ruổi xe, giải nguy, gỡ nạn, dùng cơ ứng biến, đều có lợi cả.

    Văn . Võ cố nhiên chỉ bàn về dũng. Nhưng tờ văn tờ hịch, có khi nhân một lời mà nước phục quân hàng. Sĩ tốt có hơi biết chữ thì cưỡi ngựa ngâm thơ, đi đường hát lái. Điều lệ cấm lệnh, khi rỗi thì khiến học tập cho quen, hiểu rõ được nghĩa, làm nhà binh quân tử sư nho (2) thì cũng không hại gì.

    Người ta do lòng mà định lời nói, định lời nói để phát ra lệnh. Cho nên cần phải cổ vũ lòng hùng dũng, nói ra lời cứng rắn, mài sắc lòng sắt đá, nghiêm giữ khí phong sương, phát ra hiệu lệnh, nêu rõ phép quân.

    Trước 3 ngày treo lệnh ở cửa quân (Treo mệnh lệnh trước 3 ngày rồi mới thi hành, để cho mọi người đều biết), sai quân chính đánh mảnh gỗ đi tuyên bố ở trong sáu quân. Ai phạm lệnh thì sai quân chính theo lệnh tập họp quân nhân, rồi sau mới hành hình, khiến cho sáu quân đều biết cả.

    Đại tướng đã chịu mệnh, nắm giữ quyền đánh dẹp, khao quân ở đồng nội, rồi mới xuống lệnh. Ai không theo lệnh thì giết. Phàm nghe trống mà không tiến, nghe chiêng mà không dừng, cờ cất mà không đứng dậy, cờ hạ mà không phục xuống, thế gọi là quân trái; như thế thì chém.

    Gọi tên không thưa, vời mà không đến, đi về trái hẹn, hành động trái luật, thế gọi là quân lờn; như thế thì chém.

    Đêm giữ đánh kiểng, lười mà không đánh, giờ canh không đúng, khẩu hiệu không rõ, thế gọi là quân lười, như thế thì chém.

    Nói nhiều lời oán, giận không được thưởng, chủ tướng sai khiến thì ương bướng khó trị, thế gọi là quân ngang, như thế thì chém.

    Oang oang cười nói như không có người, trên ngăn cấm không thôi, thế gọi là quân kiêu, phải chém.

    Giữ đồ khí giới, dây cung thì đứt, tên không có vè có mũi, gươm giáo han rỉ, cờ xí rách nát, thế gọi là quân dối, phải chém.

    Nói vu nói dối, bày chuyện quỷ thần, giả thác mộng mị, lừa dối quan quân, thế gọi là quân yêu, phải chém.

    Hễ đến nơi nào là lấn áp cư dân, thông dâm phụ nữ, thế gọi là quân gian, phải chém.

    Nhanh mồm lém lưỡi, tranh cãi phải trái, gây oán với quan quân, lệnh xuống không chịu theo, thế gọi là quân báng, phải chém.

    Lấy trộm của người để làm của mình, cướp thủ cấp của người để làm công mình, thế gọi là quân trộm, phải chém.

    Hoặc nghe bàn mưu kế và hiệu lệnh, đem nói ra ngoài, để địch nghe biết, thế gọi là quân bội, phải chém.

    Khi sai làm việc, ngậm miệng không thưa, gục đầu cúi mình, nét mặt khó khăn, thế gọi là quân nhát, phải chém.

    Ra vượt hàng ngũ, tranh trước rối sau, bàn nói om sòm, không theo lệnh cấm, thế gọi là quân rối, phải chém.

    Thác đau ốm để trốn khó nhọc, thế gọi là quân trá, phải chém.

    Cầm giữ tiền thưởng, trong khi ban thưởng thì thiên vị người thân, khiến cho quan quân kết oán, thế gọi là quân sai, phải chém.

    Xem giặc không rõ, thám giặc không tường, đông mà nói không đông, không đông mà nói đông, nhiều mà nói ít, ít mà nói nhiều, thế gọi là quân lừa, phải chém.

    Trong khoảng dinh trại, không có việc khao thưởng mà vô cớ uống rượu, thế gọi là quân cuồng, phải chém.

    Lệnh này đã lập, quan quân có ai phạm, theo quân pháp mà chém ngay.

    Không dè dặt lời nói thì mưu phải tiết lộ; không có lệnh nghiêm thì việc hẳn rối; không ban thưởng thì quân sĩ hẳn lười; hàng ngũ rối loạn do ở ám muội, phải xem xét rõ ràng để chữa đi; đêm hôm sợ hãi, cần phải nghiêm túc mà ngăn ngừa.

    Quân địch vào sâu đất ta, thành quách không bền, lương cỏ thiếu thốn, giữ thì không lợi, ở ta cần hẹn cho giặc là phải đánh. Kẻ nào nhát lùi thì bảo cho là tất chết, kẻ nào đánh bắt được giặc thì bảo cho là tất thưởng. Trong lúc đem quân ra trận, kẻ nào quay lại sau thì chém. Đánh địch mà mình không định, mắt thường lấm lét, thì phải chém. Có sắc lo buồn mà xoăn xoe, nhìn nhau mà chập chừng mắt, bỏ chiêng trống mà không đánh, đều phải chém cả. Được một thủ cấp thì cũng hậu thưởng. Như thế thì có thể dùng thế tán địa (3) mà đánh.

    Đại tướng dùng lễ để thi hành thưởng phạt thì quân sĩ không oán và người ta đều có lòng sợ.

    Các điều quân lệnh, phải nghiêm ở trước khi xuất quân, khiến cho tai mắt thấm nhuần, tránh không dám phạm.

    - Giả làm vẻ đau ốm mà trốn đi đánh và đi nửa đường mà trốn đánh thì chém.

    - Cướp bóc tài vật của dân và hiếp dâm phụ nữ thì chém.

    - Đào trộm mồ mả để lấy của cải thì chém.

    - Nói chuyện riêng với địch để tiết lộ quân cơ thì chém.

    - Tự tiện vào nhà dân ngủ trọ, lìa bỏ hàng ngũ, để mất trật tự thì chém.

    - Đêm hôm vô cớ mà tiếng to ầm ĩ, làm kinh động quân, thì chém.

    - Đêm hôm phát cháy, vì không cẩn thận mà cháy thì chém.

    - Canh giữ và đi tuần sơ hở, kẻ địch thừa dịp hoạt động, thì chém.

    - Tự tiện giết tướng tốt đầu hàng thì chém.

    - Tướng tốt đầu hàng thì cha con, vợ chồng không được khiến họ chia lìa, làm trái thì chém.

    - Đánh nhau vì tư thù mà đến chết thì chém, người cai quản cũng bị phạt.

    - Làm hại tài vật của dân gian và trêu cợt vợ con của dân thì phạt trượng nặng.

    - Chửi nhau riêng làm mất quân lễ thì phạt trượng.

    - Trên dưới tranh giành nhau làm mất trật tự thì phạt trượng.

    - Nhận riêng cơm rượu của người khác, để đến nỗi ăn lầm phải thuốc độc của địch, người cai quản bị tội nặng.

    - Riêng cùng bọn phù thủy cùng người xem số, xem bói làm phiến động bằng việc họa phúc để cho quân tình ngờ vực, thì phạt trượng.

    - Say rượu nói xằng làm mất trật tự, sau khi tỉnh thì phạt trượng.

    - Phá rỡ nhà cửa của dân và chặt cắt hoa quả, thì phạt trượng.

    Phát khẩu hiệu.

    Buổi chiều, các viên cai án ở trong quân đều hầu quan tham tán, biên lãnh khẩu hiệu, mỗi canh đổi một khẩu hiệu, mỗi khẩu hiệu hai chữ, hỏi một chữ, đáp một chữ, thí dụ hỏi chữ "vũ" thì đáp chữ "cường", hỏi chữ "dũng" thì đáp chữ "yên".

    Sách Kinh thế:

    Quân đi không có phép chung, thì phần chia không thể hợp được, phần xa không thể ứng được, chỗ này chỗ kia làm sao hiểu được nhau, đó là đường thất bại vậy. Nhưng chung mà không kín, lại bị mưu địch thì hỏng. Cho nên không những phải dùng cờ vàng, ngựa chạy, lệnh tiễn, lửa đốt, khói bốc để báo tin cần kíp, mà hai quân gặp nhau nên kết ám hiệu, đi xa nghìn dặm nên dùng thư trắng viết không thành chữ, làm văn vô hình, làm thẻ không giấy để cho người đem đi không biết, người bắt được cũng không thấy gì, thực là thần vậy. Nhưng nếu cách địch khó đi, xa mà không tới được, thì lại xem cơ mà làm.

    Sách Võ kinh:

    Võ vương hỏi: Ví như đem quân ta chia ra làm mấy nơi, muốn cho đúng hẹn về họp thì làm thế nào?

    Thái công nói: Phàm phép dùng binh, ba quân đông đúc tất phải biến, khi phân khi hợp, đại tướng nên định trước nơi chiến và ngày chiến, rồi sau truyền gửi hịch thư cho các tướng lại, hẹn kỳ đánh thành vây ấp, đều họp ở một nơi để bảo rõ ngày đánh và từng giờ từng khắc. Đại tướng đặt dinh bày trận, dựng cây đo bóng ở trước trại quân, dẹp đường mà đợi. Các tướng lại tới đó, so xem ai trước ai sau, người đến trước hẹn thì thưởng, người đến sau hẹn thì chém. Như thế thì xa gần chạy họp, ba quân đều đến góp sức góp sức hợp đánh.

    Vương hỏi: Ông giở sách Cấm thư (4) xem ngũ âm thắng bại thế nào? – Thưa rằng: Phàm phép dùng binh, hiệu lệnh là tai mắt, dùng binh mà không rõ hiệu lệnh, như người mù đi đêm. Tôi xét trong kinh nói việc dùng binh, chuyên lấy hiệu lệnh làm gốc (5) .



    "Chú thích"
    1. Lời ca dao đồng dao có điềm tốt xấu về tương lai.

    2. Nghĩa là người quân nhân mà biết chữ thông văn thì cũng không hại gì.


    3. Thế tán địa là địa thế của quân đánh giặc ở trên đất của mình.

    4. Cấm thư: Tức là binh thư, xưa là sách cấm.

    5. Xem Võ kinh trực giải , phần "Lục thao".

     
  5. Dương Thần

    Bài viết:
    76
    Quyển 2:

    I: Hành quân

    "Click here"
    Trộm nghe luật quân rất nghiêm, nhà binh cần phải giữ vững. Cho nên nói "Tội lớn thì giết, tội nhỏ thì răn", vì muốn khiến lòng quân sợ tướng hơn là sợ địch. Một khi quân lệnh đã ra thì nghiêm như sương mùa thu, chẳng ai dám phạm. Do đó nên ngày xuất quân phải vời hết những người quản suất đến để bảo cho những hiệu lệnh ước thúc, cho sao chép lại để khiến mọi người đều biết. Có bao nhiêu điều kể rõ ở sau:

    - Phàm quân đi phải dùng người hướng đạo, vẽ đồ, vẽ các sông núi, nơi hiểm nơi dễ, thế thì như trông thấy giặc ở trước mắt. Trước hết kén những người am tường đường sá làm đội du binh (hoặc 2, 3, 4, 50 người, có ngựa thì càng hay). Trong đội phái ra mỗi đạo 9 người, chia làm ba thứ, mỗi thứ 3 người (các ngã đường cũng vậy, đây là theo phép bát quái thám kị), mỗi thứ cách nhau ước một tầm trông, sai người nhìn xem, hoặc lên cao mà trông, hoặc leo cây mà trông, thấy rõ quân địch nhiều hay ít, hoặc dừng, hoặc đi, kíp xuống, chuyển về trình báo. Nếu thám báo không thực thì cứ luật nghiêm trị; thám báo được đúng thì ghi tên khen thưởng.

    - Mỗi một chi binh chia làm 3 toán, trung, tiền, tả, hữu, hậu đều thế (hoặc 1 đội làm một toán, 2 đội làm một toán), có chánh toán, có phó toán, khiến nương tựa lẫn nhau.

    - Định đến ngày nào ra quân thì truyền trước cho quản suất đều biết, để chuẩn bị lương thực, súng đạn, chông sắt cùng các hạng đồ sắt, mọi thứ đầy đủ (chông sắt để đặt ở đồn mà tự vệ, các hạng đồ sắt dùng để đẵn cây lấy gỗ làm đồn).

    - Đến ngày, trước hết đánh ba hồi trống lớn, các quân họp cả. Phái người (hoặc thân hành thì hơn) kiểm điểm số quân, khí giới và chông sắt đồ sắt các thứ cho đủ. Đến giờ lành, trước lấy tù và thổi ba hồi thì quân cầm khí giới; 1 tiếng chiêng thì quân đều bày hàng ngồi. Trống lớn tiên nghiêm đánh 3 tiếng (tiếng thứ nhất thì lắng nghe, tiếng thứ hai thì động tay, tiếng thứ ba thì đứng dậy), 3 tiếng la đồng thì mở cờ (đến tiếng thứ ba quân đều dựng cờ). Trống lớn 2 tiếng đánh cặp nhíp, quân đều cầm khí giới. Trống lớn 3 tiếng thì đi. Như đi thong thả thì trống lớn đánh 3 tiếng mmotj mà thưa, đi kíp thì đánh mau. Như sắp đến nơi dừng nghỉ thì trống đánh 3 tiếng rất gấp. Đã đến nơi đỗ thì trống điểm 2 tiếng gấp, quân đi trước dừng lại. Trống đánh mau 6 tiếng thì quân đi sau đến hết. Lại đánh 3 tiếng trống gấp thì quân đều hạ khí giới, 3 tiếng là đồng thì gác khí giới, quân đều nghỉ ngơi. (Quân tuy nghỉ ngơi mà khí giới tùy thân, ngồi đâu thì ngồi đấy, không được om sòm to tiếng và bỏ hàng vượt thứ. Trước hết du binh thay đổi nhau dò xét cẩn thận và lên cao trông xa bốn phía).

    - Phàm quân đi, trừ quân tiền du dò đường, còn phải y theothứ tự tiền, tả, trung, hữu, hậu mà mỗi toán cách nhau ước khoảng một tầm tên, không được quá xa, cũng không được quá gần. Lính nấu bếp đều phải theo sau toán quân của mình, để chiếu cố nhau. Quân đi hàng đôi mà tiến, gươm súng xen nhau, dài ngắn cùng tiếp. Không được nói cười huyên náo và bỏ hàng mất thứ tự, ai trái thì theo quân luật trị tội.

    - Phàm quân đi, đã có du binh để thăm dò, thấy giặc thì về báo, hoặc gấp quá không kịp về thì bắn súng hay đánh một hồi thanh la để chuyển báo. Ở trung quân đại tướng tức thì cho đánh một hồi thanh la, truyền hiệu cho các toán biết có gặp giặc, mọi người đều chỉnh bị súng ống nạp thuốc đạn để chờ đợi. Tùy theo số giặc nhiều hay ít, giặc nhiều thì sai ba toán trước tiến lên bày trận đối địch, ít thì sai một toán trước đối địch, hai toán làm tiếp ứng. (Phép dùng cờ ngũ phương sai đi, tiền quân thì cờ đỏ, tả quân cờ xanh, hữu quân cờ trắng, trung quân cờ vàng, hậu quân cờ đen. Lệnh tiễn sai các tiểu chi cũng chiếu theo năm sắc năm phương làm chuẩn, không được trái lệ). Lại sai hai toán binh tả hữu, một toán tả một toán hữu tìm đường tất phải tiến đánh, như thế hai sừng trâu, gọi tên là trận Huyền vũ; sai một toán tả một toán hữu tìm thế ẩn để phục binh. Chánh toán tả, chánh toán hữu đều theođịa phận làm tả hữu ứng cứu. Lại sai hai chánh toán hậu với hai phó toán hậu làm hậu phục. Chánh toán hậu thì chỉnh binh để phòng sau, phòng quân địch đánh tập hậu. Như tiền binh đắc thắng thì không nên đuổi xa, hậu binh và tả hữu binh cũng vậy, vì vậy binh quý ở vạn toàn. Đắc thắng thì cấm các hạng quân nhân không được tham lấy tài vật của địch, sợ bị địch nhử mồi. Quân địch đã trốn xa, thì đánh 2 tiếng trống lớn hẹn binh, 3 hồi chỉnh binh thành hàng. Đánh 1 tiếng la đồng thì quân đều chỉ súng và khí giới về trước, quay mặt về đằng sau. Đánh 3 tiếng trống thong thả thì thu quân về nơi cũ. Quân đã thắng trận càng nên cẩn thận hơn khi chưa thắng trận, vì sợ quân thắng thì sinh kiêu, điều đó nhà binh rất kỵ.

    - Phàm quân đi, đến nơi nào có sông ngòi nhỏ thì phái du binh, hoặc chặt tre làm cầu, làm bè, hoặc quăng dây thừng sang trước, đi một dặm để thăm dò, về báo không có giặc, rồi sau phái binh, một phần nghiêm binh phòng giữ, một phần đẵn tre chém cây làm cầu làm bè, giăng dây để sang, đừng nên nóng vội. Như gặp sông lớn thì sức trước cho thuyền ghe chờ đợi, phái du binh sang trước, đi xa 1, 2 dặm, thăm dò xem có giặc hay không. Như có giặc thì đừng sang sông, sợ giặc nhân ta sang nửa chừng mà đánh. Như thấy nước nông và trên thượng lưu có ngăn nước thì cũng đừng sang, sợ địch phá nước ngăn, như kế Hàn Tín đánh úp Long Thư1 . Nếu báo quả không có giặc, thì phải cho ba toán tiền chi sang trước, cách chừng một tầm trông, bày binh sắp hàng để phòng ngự không ngờ, rồi sau mới theo thứ tự tả, tiền, trung, hữu, hậu mà sang. Đường sau cũng phái du binh thám xét, sợ quân giặc nhân ta sang nửa chừng mà đánh úp hậu binh ta, không thể không cẩn thận được. Khi đã sang xong thì mới vời du binh mặt sau sang theo sau. Binh xuống thuyền sang sông, thì y theo đơn vị, giữ súng và khí giới, hoặc gặp sóng gió cũng không kinh động, thế thì không có sự lo bất ngờ.

    - Phàm quân đi, gần đến giới phận rừng núi thì trước phái du binh và người địa phương lén vào rừng rậm, hoặc lên cao, hoặc trèo cây, hoặc tìm hang sâu bụi rậm, xem có quân giặc hay không, rồi về báo. Nếu có giặc thì ta giành trước lấy nơi cao hay nấp chỗ rậm, rồi sau theo phép trận "song đầu", bày hai hàng gươm súng xen nhau, vừa bắn vừa tiến, như lăn vòng tròn, gọi là trận "Ngô công cuốn đất". Nếu không có giặc, thì cũng y theo hai hàng mà chuyển qua, giữ cho không ngại vì việc binh phải giữ gìn, không thể không cẩn thận được.

    Sách Ngô tử:

    Phàm binh nổi lên là vì năm cớ:

    1) Tranh danh; 2) Tranh lợi; 3) Tính ác; 4) Loạn trong; 5) Nhân đói.

    Lại có năm tên là: 1) Nghĩa binh; 2) Cường binh; 3) Cương binh; 4) Bạo binh; 5) Nghịch binh. Trừ bạo cứu loạn là nghĩa binh, cậy đông mà đánh là cường binh, nhân giận mà dấy binh là cương binh, bỏ lễ tham lợi là bạo binh, nước loạn người khổ mà nổi lên là nghịch binh. Muốn phục năm hạng binh ấy đếu phải có phép. Làm cho nghĩa binh phục thì dùng lễ. Làm cho cường binh phục thì dùng khiêm tốn. Làm cho cương binh phục thì dùng lời lẽ. Làm cho bạo binh phục thì dùng biến trá. Làm cho nghịch binh phục thì dùng quyền biến(2)

    Đời xưa quân có thập và ngũ; xe có hàng lối; trống khua cờ vẫy, người lên thành trước phần nhiều là những quốc sĩ giỏi cả, người chết trước cũng thường là người quốc sĩ giỏi. Tổn địch một người mà tổn ta đến hàng trăm người, đó là giúp địch và hại ta, thế tướng (3) không hay cấm được. Đánh giặc chia quân mà trốn về hay lâm chiến mà vỡ chạy thì hại lắm, thế tướng không hay cấm được. Giết người ngoài trăm bước là cung tên; giết người trong 50 bước là giáo mác. Tướng đã đánh trống mà sĩ tốt cứ ồn ào, bẻ tên, bẻ mác, ôm kích, sau khi thấy có lợi mới đánh, có mấy hạng người ấy thì tự thua ở trong rồi, thế tướng không hay cấm được. Quân sĩ lỗi thậpngũ, mất xe, hao binh tổn tướng mà chạy, đại chúng cũng chạy, thế tướng không hay cấm được. Phàm tướng có thể cấm được bốn điều ấy thì núi cao cũng sập, nước sâu cũng lấp, trận bền cũng phá. Nếu không cấm được bốn điều ấy thì cũng như mất thuyền lái mà cách sông ngòi, không thể được vậy.

    Khi lấn vào đất giặc, gặp chốn đồng bằng nội rộng, thì nên kết trận. Nếu gặp núi sông hiểm trở thì kíp sai kiêu kỵ du binh dò thăm trước sau. Hễ thấy núi cao rậm rạp, hang hốc ghồ ghề, thì tiền quân từ từ mà tiến để đợi hậu quân, rất không nên cách xa gián đoạn, đó là yếu lược để giữ hiểm phòng nguy vậy.

    Khi lấn vào bờ cõi địch mạnh, dẫu rằng có đường, nhưng phải tiến trộm, cũng sai du binh lên gò cao, xem xét kĩ càng cả trước sau tả hữu, nếu thấy nơi nào có đàn chim sợ bay, chồn vượn chạy rối, hay cỏ cây không có gió mà động và đất bụi lầm trời, thì dưới hẳn có quân phục, phải trở về báo với chủ tướng, dừng quân kết trận mà đóng lại để chờ xem cơ giặc thế nào. Đó là yếu lược để xét quân ẩn phục vậy.

    Vào sâu đất địch, gần tới khoảng đường trọng yếu, chợt thấy sắc cỏ mới khô héo thì ở dưới hẳn có sự trá ngụy, xem xét kĩ càng rồi hãy đi; nếu gặp cầu, trước hãy đem vật nặng đè lên, rồi sau sẽ đi, không làm thế thì sợ có vạ sa sụp. Đó là yếu lược cẩn thận về đất và cầu vậy.

    Sách Yên thủy thần kinh:

    Phép sang sông.

    Phàm sang sông, trước hết phải chuẩn bị cầu phao bè gỗ, dự sai du binh sang trước, dò thăm những nơi trọng yếu, quả không có quân phục, thì tới nơi rộng rãi, bày mở thế trận để đợi, rồi sau mới cho đại quân sang.

    Phép gặp ngòi.

    Phàm quân đi gặp ngòi rộng 5, 3 trượng, trước kia đã có cầu nhỏ, thì bỏ ngựa lại, sai ba quân mỗi người bó một bó củi để bỏ xuống đó, ngựa và người có thể sang qua.

    Phép lạc đường.

    Phàm quân đi gặp rừng núi, trời chiều lạc đường, thì thả một con ngựa già đi trước rồi theo sau thì có thể gặp đường, vì ngựa già có thể biết đường.

    Sách Tôn tử:

    Phàm phép dùng binh, xe ruổi(4) nghìn cỗ, xe da nghìn cỗ, quân mặc giáp 10 vạn Người giỏi dùng binh thì việc phu phen binh lính không đòi gọi hai lần, chở lương không bắt đến ba lần. Lấy dùng ở trong nước và nhân lương của địch, cho nên quân có đủ ăn. Nước nghèo thì lương quân phải vận tải xa, vận tải xa thì trăm quân khổ. Gần chỗ quân đóng thì bán đắt, bán đắt thì trăm họ hết của, của hết thì sưu dịch ở làng xóm cũng lúng túng. Sức cạn của hết, trong nước nhà cửa đều rỗng không; trăm họ hao phí, 10 phần mất 7; nhà nước hao phí, nát xe mệt ngựa, giáp trụ, cung tên, mâu thuẫn, sào chèo, trâu to xe lớn, 10 phần mất 6. Cho nên người trí tướng cốt tìm ăn ở địch; ăn ở địch, một chung đỡ cho ta 20 chung, một thạch đỡ cho ta 20 thạch. Cho nên giết địch là vì tức giận, lấy của địch là vì lợi ở của cải. Cho nên khi đánh nhau bằng xe, được 10 cỗ trở lên thì thưởng cho người được trước, rồi thay đổi cờ xí, xáo trộng xe mà ngồi, binh lính thì khôn khéo mà nuôi. Thế gọi là thắng địch để làm mạnh thêm cho ta. Cho nên việc binh quý thắng mà không quý lâu. Cho nên tướng giỏi là người giữ tính mệnh của dân, là người chủ an nguy của nhà nước vậy (5) .

    Nghìn dặm chở lương, phí tổn trong ngoài, tiêu dùng tân khách, vật liệu như keo sơn, đồ đạc như xe giáp, mỗi ngày phí nghìn vàng, rồi sau mỡi cử vạn quân được.

    Sách Kinh thế:

    Đi . Khi đi vào chỗ hiểm nên ngại có quân, sang sông cũng rất ngại bị xẻ nước. Đi ban ngày sợ có quân xông đến. Nghỉ ban đêm lo có địch quấy rối. Đã chặt đứt thì nối liền; khó nhanh chóng thì đi cuốn(6) . Một chỗ không phòng thì lỗi sơ suất. Trước vẽ địa hình để xem đại thế; lại tìm người thổ trước để dẫn đường. Dù cho một bụi rậm, một suối nước cũng phải biết hết, rồi sau mới có thể hành quân.

    Đi nhanh . Quân đi quý, đi thong thả, để nuôi sức. Chỉ khi nhân lúc người ta không phòng bị và lợi ở đánh gấp thì nên gấp đường đi nhanh. Ban ngày đi nhanh thì cuốn cờ nghỉ trống, ban đêm đi nhanh thì cuốn giáp ngậm tăm. Đi nhanh một ngày thì sức mệt. Đi nhanh cả ngày và đêm thì tinh thần uể oải. Một ngày đi nhanh được một trăm mấy chục dặm đường; ngày đêm đi nhanh được hai ba trăm dặm đường. Đi đường gần thì đứt không thành hàng, quân khó đến hết, đi gồm đường xa thì bỏ đại quân mà tiến, cho nên đại quân ở xa lại sau, người không kịp ăn, ngựa không kịp nghỉ, nhọc mà ít người theo kịp. Nếu không phải cậy vào sức đánh bền giỏi, sức địch đã nhụt gẫy và hình thế núi sông đã hiểu suốt, thì sao dám làm như thế? Cho nên không phải toàn lợi mà không hại. Cẩn thận chớ cho quân đi nhanh là giỏi vậy!

    Sách Võ kinh:

    Thái công nói (7) : Phàm phép cầm quân nên trước cho quân đi thăm dò xa, cách địch 200 dặm, biết rõ chỗ quân địch đóng; nếu địa thế không tiện thì lấy xe vũ xung của ta làm lũy mà đi tới trước và đặt hai lớp án binh ở sau, lớp xa thì cách 100 dặm, lớp gần thì cách 50 dặm. Phải có quân cảnh cấp để trước báo cho nhau biết. Quân ta thường được vững bền, hẳn không thương tổn.

    Núi quanh ở đường, không nên đi càn vì sợ có quân phục ở trước vậy. Núi phục ở sau thì nên đi cho chóng qua, kíp lấy binh giữ đàng sau, sợ có giặc đánh cắt đường sau vậy. Nước cạn mà có khi đầy thì đừng lội, vì sợ có mưu túi cát lấp ngăn. Nước đứng mà bờ có bùn lầy thì đừng lội, vì có nạn sa lầy. Nước ở nơi hiểm yếu của địch mà không thấy có quân đội canh phòng, chưa nên lội ngay, trước hết phải sai tinh binh dò xét những chỗ hang núi gồ ghề, vì sợ có quân phục vậy.

    Sách Kinh thế:

    Binh nặng thì trệ mà không nhanh, binh nhẹ thì tiện mà nhiều lợi. Nặng mà có thể chia ra thì lợi gấp bội. Đóng dinh mà chia ra, để phòng đánh úp; bày trận mà chia ra, để ngừa giặc xông vào; đi mà chia ra, sợ bị chặn cắt; đánh mà chia ra, sợ bị cướp đánh; quân lẻ mà chia ra để đón lúc sơ; quân nhiều thì có thể chia để dùng làm binh kỳ; quân ít cũng có thể chia để biến hóa. Binh không nên giao việc nặng; cũng không cho đi làm việc xa. Khí giới hiếm thì chậm phát. Hợp quân cho mạnh uy, chia quân ra để nắm thắng. Tay cầm mấy mươi vạn quân mà không bị ứ đọng là vì biết phép chia quân vậy.

    Quân đi phải trương thế ra, xếp đặt cờ trống, rộng khua trông chiêng, lấy nghìn làm vạn, lấy ít làm nhiều, lấy yếu làm mạnh, lấy thắng giả mà làm ra thắng; cương tất thắng nhu, thực tất thắng hư, lớn tất nuốt nhỏ. Đó là lẽ tất nhiên vậy.

    Đại quân chưa tiến, uy dũng phải trương ra trước. Ở phép dùng du binh ư? Tất hai bên tả hữu phải lập đội đầu và đội thứ nhì, do tướng giỏi thống ngự, làm như trương hai cánh mà tiến lên. Một là có thể thăm dò quân địch đi đứng thế nào; một là có thể xem xét quânđịch có mai phục hay không; một là có thể chợt gặp địch thì giúp đại quân ta mà đánh. Đội đầu thì đi trước mà xem xét, đội nhì thì dựa hai bên cánh tả hữu quân ta mà đi. Khi đội đầu đã đi tuần đến, thì ví như ở nghìn dặm mà lập dinh. Kịp khi quân đến dinh, thì đội nhì lại đi trước mà xem xét, đội đầu lại dựa hai bên cánh tả hữu mà đi. Đội nhì lại đi tuần đến ví như ở nghìn dặm mà lập dinh; đội đầu lại theo như phép cũ mà đi. Cứ lần lượt vòng quanh, nối nhau không dứt, thì du binh tả hữu tuy chỉ có hai đội, mà quân đi nghìn dặm đều có cánh vậy. Vả một lần đi một lần xét, thay đổi mà tiến, càng không lo mỏi mệt.

    Phép hành quân, mới ra đi cần phải nghiêm túc, chỉnh tế hàngngũ, khiến ba quân như một người, để tới thành công vậy. Đặt đàn hai tầng, trên lễ ngũ đế ngũ tướng (Ngũ đế là năm vị thần chủ năm phương: Trung ương Hoàng đế, Đông phương Thanh đế, Tây phương Bạch đế, Nam phương Xích đế, Bắc phương Hắc đế. – Ngũ tướng là năm vị thần sao là Thiên-mục, Văn-xương, v. V.), dưới lễ các danh tướng cổ kim và các sao tướng tinh. Khiến tướng quân mặc đồ nhung phục, cầm cờ kiếm, các viên biệt tướng, tham tri, đốc thị, tề chỉnh làm lễ. Trước kén một viên mẫn cán ở trung quân cho đeo ấn tiên phong, đem một chi quân bản lãnh tiến đi trước, gặp nước thì bắc cầu, gặp núi thì phá đá, cắt trừ gai góc, cho tiện quân đi. Phàm gặp sông to, núi lớn, miếu thiêng thì làm lễ. Quân đi một ngày 30 dặm thì nghỉ, để ngừa sự chẳng ngờ. Chỉ trông quân là biết ngay được thua. Khi dừng thì vững như núi không thể chuyển, khi tiến thì nhanh như gió không thể theo. Trông như mây liền nước chảy. Như có một trăm quân đi trước, chợt đến nơi hiểm địa, bị giặc vây trước sau, tức thì ở mặt trước sai quân tinh nhuệ đặt đồn lũy để cố giữ, thay đổi nhau mà bắn để làm thế hoãn chiến, đợi đại quân đến, thấy quân giặc rối loạn thì đánh ngay.

    Sách Võ bị chế thắng chí:

    Quân sĩ chưa xuất phát, trước 3 ngày hạ lệnh cho các quân thu xếp hành trang, lương khô, giày dép và các vật tùy thân cho đủ, nghe lệnh thì đi.

    Như lúc hành quân, đem 100 quân đi tiên phong, trung quân còn ở xa, bất thình lình gặp giặc thì chia làm 5 toán, 2 toán làm chính, 3 toán làm kỳ. Như gặp địch đem binh chính tiến vào, thì đặt quân phục, giả cách chạy; ba toán làm binh kỳ giữ vẹn hai bên tả hữu; quân khinh vệ đánh đàng trước; như thấy quân địch rối loạn thì báo ngay cho trung quân tiếp chiến.

    Không biết sông núi hiểm trở thì không thể hành quân. Có người hướng đạo, trước phải biết chỗ đi chỗ nghỉ, đường thẳng đường cong, thì mới có thể tiến binh; và nên đề phòng những loại hướng dẫn không thực. Đường nhỏ hẹp hiểm trở, núi cao trại lớn, mười người giữ nghìn người không qua được, nên trước sai người giả làm dân làng đi kiếm củi mà nhòm ngó, không có việc gì thì hãy đi qua cho mau.

    Đi qua những nơi quan sơn hiểm ải thì sai du binh đi tiên phong trước, lên nơi cao nhất, trông khắp bốn mặt, sợ có quân giặc phục chặn. Như gần đó có rừng núi, cây cỏ um tùm, che kín người ngựa, phải xem xét, không có gì thì về báo chủ tướng ngay, sẽ theo thứ tự mà cho người ngựa qua. Trước hết cho quân bản bộ qua, sau cho đội quân thứ nhất qua, ở nơi rộng rãi đất bằng, sắp hàng đứng ở hai bên, rồi hậu độitheo thứ tự mà qua. Đội thứ nhất đến trước bày hàng đứng, chờ chủ tướng qua, người ngựa sang hết, bấy giờ mới cho đội thứ nhất đi lên, theo thứ tự, cứ y hàng ngũ mà đi. Tiền đội đã được nghỉ nhiều, theo thứ tự mà đi trước, hậu đội không đến nỗi khổ sở vội vàng, nếu có giặc đến đánh thì cũng dễ đối phó.

    Qua chỗ hiểm ải, không được kêu gọi ồn ào, sợ giặc nghe biết. Tuy là đi chóng, nhưng đội ngũ vẫn đầu đuôi tiếp nhau, không đến nỗi đứt quãng.

    Hành quân qua nơi hiểm mà tiền đội gặp ngựa giặc, tức thì sai người ngựa tiền đội đi chân mà chiếm lấy nơi cao phẳng, đứng yên đó, rồi truyền báo tin cho chủ tướng biết, lấy cờ trắng để tương ứng với hậu đội mà không sai người chạy về báo lại nữa. Nếu đàng trước có việc thì cũng truyền báo ngay như thế. Trong khi vội không nên rối động. Nếu người và ngựa không rối loạn thì ứng phó với địch cũng dễ.

    Quân cưỡi ngựa trắng đi đường, cho cầm cờ năm sắc mỗi sắc một lá, cờ thêu một lá, phải định theo sắc của mỗi phương. Việc cần truyền báo thì cứ theo từng đội mà truyền như trên kia, lần lượt mở một lá cờ để ứng, truyền đến hậu đội. Như đàng trước gặp rừng lớn thì mở cờ xanh, gặp nước thì mở cờ đen, gặp binh mã thì mở cờ trắng, gặp núi hiểm thì mở cờ vàng, gặp khói lửa thì mở cò đỏ, gặp thành ấp thì mở cờ hoa, theo từng đội, lâm thời mà một sắc cờ để ứng, truyền đến người sau cho đều biết để phòng bị.

    Các nơi đặt cờ không cho phạm với hiệu cờ của chủ tướng..

    Quân đi qua sông, trước sai thủy thủ đi trước, thăm dò nông sâu thế nào. Như nước sâu mà không có bè, thì dùng mấy sợi dây thừng to buộc vào cây rừng ở hai bờ, hoặc là đóng cọc mà buộc chắc, khiến người vin dây mà lội sang sông. Gươm giáo thì cứ mười cái buộc làm một bó, ở chỗ cận tiện chặt tre gỗ làm mảng, dưới xếp gươm giáo, trên trải áo giáp, rồi dùng một cái dây thừng, xỏ vòng lớn vào dây, cho người sang sông trước đứng ở trên bờ mà kéo qua sông; hoặc có thể dùng chum to, buộc lại làm cái bè chum; hoặc là dùng da dê lột cả con làm cái túi da, thổi hơi vào trong rồi thắt các miệng túi lại, mỗi túi có thể trở 2 người; hay là dùng mấy túi buộc lại thành bè, cũng có thể trở người sang được. Đội ngũ qua sông y theo phép vượt núi vậy.

    Quân đi chỗ bùn lầy rất sâu, người ngựa khó tiến, dùng cây cỏ rải trên mặt đường, sau dùng đất kho rải lên, rộng hẹp tùy thời, người ngựa đều có thể qua được.

    Quân đi có xe vận tải, hay phải khuân vác các vật lương thảo nhẹ nặng, thì đều đi ở giữa đường, bị mưa thì dùng giáp đội yểm hộ, sợ bị hại lương thảo của ta.

    Quân đi gặp nước mà lấy múc nấu cơm, nên sai người bị tội chết hay con vật sắp bỏ uống thử nước ấy trước xem, sợ có người thả thuốc độc vào, người ngựa uống có khi bị chết. Qua sông cũng thử như thế.

    Đi đường bùn lầy, trước sai người thăm qua, sợ có thả chông gai và đào hố sâu ở trong bùn, hay có ngăn tháo nước ở thượng lưu. Ngày xưa người Man Di là Trí Cao (8) thả chông ở trong bùn và Hàn Tín đã xẻ tháo nước ngăn mà chém Long Thư.

    Thuyền sang sông lớn, trước hết sai người dò xét, sợ quân giặc trước dùi ngầm lỗ để làm chìm đắm quân ta.

    Quân đi vào nơi rừng núi rậm rạp, phải đề phòng có phục binh. Trước nên chọn quân khỏe mạnh 2, 3 trăm người lẻn đi vào nơi hiểm trở không có phòng bị để chẹt giữ đường ra; lại chọn người mạnh dạn đi tìm tòi ở đường, hoặc từ ngọn cây hay núi cao sai người trông xa, biết rõ không có quân ẩn phục, thì chia binh trước sau để làm chiêu (9) , rồi sau mới cho xe cộ và những người già nhỏ đi trước, quân bộ kế tiến. Qua sông cũng như thế.

    Quân đi, gặp rãnh hố rộng dăm ba trượng, người ngựa không thể qua được, thì sai trong quân mỗi người cầm một cái cọc gỗ và một bó cỏ hay củi, chuyền nhau lấp đi, thế thì có thể qua được ngay.

    Răn sự tiết lộ . Phàm ra quân đi đánh dẹp, chỉ sai thu nhặt hành trang, không cho biết sai đi nơi nào, sợ có kẻ gian dò thám cho giặc biết trước mà phòng bị, lại đánh chặn quân ta. Như muốn đi sang phía đông-nam để đánh úp giặc, thì giả nói là đi tây-bắc, khiến quân địch không thể phòng bị, để đánh bất ngờ.

    Cẩn thận việc đi . Nếu giặc ở ngoài 30 dặm, phàm qua nơi hiểm trở, báo truyền lại xin cho quân qua hiểm, báo xong, trước cho gia đinh và tinh binh ở trung quân chạy đến chỗ hiểm để mai phục, xong thì cử hiệu pháo một tiếng, đánh trống, cho binh sĩ qua hiểm. Phàm hành binh thì trung quân ủy riêng một viên quan biết rõ đích xác, cùng đi với quân tiền tiên, cấp cho một số cờ ngũ phương. Có việc thì mở cờ ra, gặp rừng cây mở cờ xanh, gặp sông chằm mở cờ đen, gặp binh ngựa mở cờ trắng, gặp núi hiểm mở cờ vàng, gặp khói lửa mở cờ đỏ, qua các vật thấy đó rồi thì cuốn cờ lại. Phàm chiêu dao (10) , như đường có thể đi một hàng một thì dựng một lá, hàng đôi thì dựng hai lá hay đi hàng ba thì dựng ba lá, đi hàng bốn thì bốn lá, ở chỗ dinh đi được thì mở năm lá. Hậu đội miệng truyền dần ở trước là sắc cờ gì, chiêu gì. Trung quân nổ ngay pháo hiệu đổi dinh và chuẩn bị hiệu lệnh.

    Dẹp đường trước . Quân đi qua đâu thì báo trước cho nhân dân sở tại, bốn mặt đều cách 3 dặm, cấm tuyệt người và súc vật; xe thuyền trên cạn dưới nước đều phải sửa soạn. Nguhậu (11) và du binh hẹn cho địa giới quân đi qua trước 20 dặm phải dẹp đường.

    Dẹp hàng ngũ . Đội ngũ hành dinh lúc đi đường cần phải minh bạch nghiêm túc. Nhưng có khi bày hàng không đều, thò sau, thụt trước, thưa dày khác nhau đứt quãng không liền, đi rảo rối loạn, tự bỏ đội ngũ, đánh trống không đi, nghe chiêng không dừng, hạ cờ không nấp xuống, cất cờ không đứng dậy, mở cờ không tiếp, được lệnh không truyền, truyền lệnh không rõ, đường sá nghẽn tắc, nói cười ồn ào, đều phải trị bằng quân pháp, lâm địch thì chém ngay.

    Thu nuôi lính ốm . Phàm quân đi, gặp có người hay ngựa bị ốm, không thể đi được, khi lên đường thì bẩm chủ tướng ngay, cấp cho tín phiếu, cho sai người áp đưa đến thành quách phủ châu huyện dinh trại đồn sở ở địa phương gần đấy nhận về điều trị, đồng thời có những người quen biết của người ốm ở trong hàng ngũ thì lưu lại 2, 3 tên để chờ người ốm. Những người lưu lại đó trông coi thuốc thang, bệnh khỏi thì đưa ngay về bản dinh. Địa phương ấy phải làm tờ cam kết tra xét bệnh tình đã khỏi. Như bệnh khỏi mà không đưa về bản dinh thì sở tại bị lấy luật hậu kì (trễ kì hạn) mà xử. Nếu có người chết ở chỗ hành quân, thì bản đội ngũ đào mộ mà chôn, rồi lập tiêu chí, tướng lãnh đem các đầu mục đưa thức ăn uống đem theo đến cúng. Làm trái thì xử theo luật cố khí(12) . Xong việc sẽ trở lại lấy đem về.

    Cẩn thận đồ rơi . Phàm quân đi ở đường, có đồ khí giới, đồ vật sót mất, ai trông thấy thì thu nhặt ngay, đem về nơi đóng ngủ đưa cho quân, gọi người đến nhận lãnh, người mất của và người được của sẽ chiếu cách thưởng phạt; ai ẩn giấu không báo thì trị tội; cũng không được đưa riêng cho nhau.

    Gặp vật quái dị . Quân đi gặp thấy chim muông kì dị, thần quỷ quái vật vào trong dinh lũy, hay là bắt được, thì phải đợi báo cho chủ tướng. Nếu không báo mà tự quyền bày ra, họp chúng làm rầm rĩ lên, đều chiếu phép quân trong lúc lâm trận mà xử.

    Hiểu rõ quân cơ . Phàm có người báo tin, hay quan và binh nghe được tin tức của giặc, đều không cho đón chặn ở giữa đường mà hỏi đáp nhau, phải ngậm miệng đi chóng đến chỗ chủ tướng mà bày tỏ, khi cho được tuyên bố với quân chúng thì mới có thể nói với các quan bả tổng(13) . Nếu trước khi gặp chủ tướng mà dám ở giữa đường nhân có người hỏi mà nói ra, dù chỉ một người biết trước chủ tướng cũng coi là tiết lậu quân cơ, người hỏi người đáp đều xử theo quân pháp. Cho đến cả đối với các tổng tiêu (14) và bè bạn trong bản dinh cũng không cho tiết lộ trước. Lại hoặc có người biết sau chủ tướng, đã được dặn dò không cho truyền nói nữa, không cho tiết lậu nữa, mà còn dám cố hỏi, thì cho người bị hỏi bẩm lại, đều phải trị tội nặng cả.

    Tập rèn mang nặng . Phàm quân đi đều phải mặc áo giáp đội mũ, cầm khí giới, ngõ hầu tới khi đánh địch thì mình nhẹ. Như đường xa trời nóng, được lệnh mới được thay đổi.

    Chuẩn bị lương khô . Khi bình thường mỗi người lính đem 2 cân gạo, sao vàng 1 cân, giã nhỏ làm bột 1 cân, bọc riêng 5 cáp, lấy 5 cáp dùng dầu thơm làm bánh hấp chín, 5 cáp dùng rượu ngon tẩm phơi khô, khi nào tẩm không thấm nữa mới thôi, nghiền nhỏ bọc riêng, 5 cáp dùng muối hòa dấm tẩm phơi, cũng không thấy thấm nữa mới thôi, nghiền nhỏ, bọc riêng. Trong khi hành quân, không bị giặc vây rất khẩn thì không cho dùng, ra quân phải mang theo, quên đeo thì cũng bị tội như mất binh khí.

    Định dặm đường . Quân đi 30 dặm vào cõi khác, càng gần với giặc, nếu chợt gặp giặc, thì quân có thể đánh không hại gì, vì gân sức chưa suy. Nếu như vượt đường xa, người ngựa mệt mỏi mà thình lình gặp giặc, mười người không địch nổi một người, thì nên bố trí nghỉ ngơi như không có việc, thì mới có thể giao phong được. Phàm từ giờ dần đến giờ tuất, mỗi ngày đi được 60 dặm, cứ 10 dặm thì lại tề chỉnh nghỉ ngơi, 30 dặm thì họp lại ăn lương khô.

    Đi đường núi hiểm . Núi sâu đường hiểm, ngựa không được đi cùng hàng, người không được đi liền vai, sợ có quân phục của địch ở nơi đường hiểm, hoặc xô vào trước ta hay xông vào giữa ta, hay chặn đứt sau ta. Dù có quân đi tuần ngựa thám thính, sợ có khi tìm xét không đến, quân địch đánh lúc ta không ngờ, hay là quân tuần ngựa thám nhầm sấn vào giữa nơi quân phục của địch, bị hãm ở đó, không kịp báo, nếu ta mạo hiểm mà tiến, muôn một gặp địch ở đường độc đạo, nó có phòng bị đợi ta không phòng bị, núi hiểm cách trở, đầu đuôi khó ứng viện nhau, trong khoảng trăm bước trước sau chẳng cứu được nhau, nếu không phòng bị trước thì làm thế nào được! Nay dùng phép "liên châu đảo quyển" (15) hay thế "phi thiên ngô công" (16) . Đại ước: Nay quân ở dinh có 1.000 người, chia làm 10 đại tiêu, mỗi 100 người làm một tiêu, cứ trong mỗi tiêu thì dùng 2 lá cờ tiêu trưởng, 2 lá cờ trưởng hiệu, từ một tiêu bắt đầu đến 10 tiêu thì thôi. Tiêu thứ nhất đi trước đến quãng đường thứ nhất, ngựa thám báo quãng đường thứ nhất không có sự gì, tiêu thứ nhất xem tiêu binh đến trước cầm lá cờ sắc gì, tức thì ngả xuống theo chữ định hàng ngũ là hình núi, thì chiếu hình ấy mà lập dinh, rồi lại cho ngựa tiến lên trước. Tiêu thứ hai lại lộn cuốn lên đoạn đường thứ hai ở trước, báo cũng như thế. Tiêu thứ hai lại xem tiêu binh cầm cờ sắc gì, chiếu hình mà lập dinh. Đến tiêu thứ ba, tiêu thứ tư, cho đến tiêu thứ mười cũng đều như thế. Nếu có tin báo có giặc, tức thì phải đem tiêu mình hơi lui về chỗ cửa đường ở giữa khoảng hai bên lập dinh của ta, nhằm thế bọc núi liền đồng mà lập trú dinh, thu những lính tiêu và ngựa thám về yên bài để giết giặc. Như giặc ở giữa đánh ra thì hai bên núi đã có quân ta lập dinh trước, nó mở quân không được, sao dám đánh ở giữa! Như nó dám đến đánh giữa ta, thì hai bên núi ta ra quân giáp đánh. Nó đánh ở dinh tả thì dinh hữu ra quân cứu viện; nó đánh ở dinh hữu thì dinh tả ra quân cứu viện. Nó lui thì ta theo ngay sau. Dinh hậu lại như phun châu mà ra; lại tiếp nhau hạ dinh; đổi phiên nhau lui và đánh. Giặc mệt ta nghỉ. Thế thì giặc không có thể đến đàng trước để đánh ta được. Nếu giặc phục binh từ trung gian vụt dậy mà ra, thì quân ta hai đầu đóng ngay ở núi hiểm, các dinh trung gian của ta đều có thế liên châu, đánh tả thì hữu đến, đánh hữu thì tả đến. Quân ta ở trước chỗ đất cao để chờ địch, nó cũng không thể thi hành kế gì khéo hơn được. Quân ta trước đã lập dinh, hết thảy những địa lôi, bàn đinh, chông sắt, chông chà đều có thể bố trí được, mà hết thảy các súng ống đều quay ra ngoài để đợi địch đến. Lòng quân thống nhất, không dám chạy tán, tự thấy hành dinh như sao, đây đó làm viện cho nhau, tới đâu cũng là có nhà, người trông thấy đều tự hăng hái, còn sợ gì địch nữa. Quân địch muốn xông vào giữa ta cũng không thể làm gì được. Nếu địch chặn đứt sau ta, thì lấy lui làm tiến, quân tiêu sau quay làm quân tiêu trước, cuốn ngược mà quay về, địch cũng khó mà chạy được. Như gặp chốn sông lớn, đường hẹp thì ta nên trước cho quân canh giữ, há lại khinh tiến để cho không có đường về hay sao? Xét xưa nghiệm nay, trong cuộc hành quân để đánh trận hiểm, muôn điều không hơn thế được.

    Vượt ngòi rãnh thì có cầu bay; sang sông lớn thì có đường Thiên hoàng. Nước thượng lưu xẻ xuống thì có biển Bột hải.

    Phàm thế lực của ta ngang với thế lực của địch, thì chia quân làm ba nơi: Tiền quân thì ở chỗ hào sâu lũy cao, dựng cờ đánh trống, phòng thủ cho bền chắc; hậu quân thì chứa lương cỏ, không cho địch biết là mình định đánh, cho quân nhuệ sĩ của ta ngầm úp ở trong, đánh vào lúc không ngờ, tức có thể thu công vạn toàn vậy. Hoặc sai tiền quân ta ngày ra khiêu chiến, quấy cho địch phải mệt nhọc, lại sai những người già yếu đánh trống qua lại, khi ở phía tả, khi ở phía hữu, làm cho nó phải nhọc, quân nó phải sợ. Sai quân cảm tử của ta, hoặc đánh ở trong, hoặc đánh ở ngoài, quân địch tất phải thua.

    Phàm phép ra quân, trước hết cho đi dò xét ở xa, cách 200 dặm để biết địa thế và địch tình; lại đặt quân tiếp ứng ở sau ước 50 dặm. Như có sự khẩn cấp thì trước sau báo cho nhau.

    "Chú thích"
    1. Kế Hàn Tín đánh Long Thư: Thời Hán Cao tổ, Hàn Tín đem quân đánh Tề, Tề cầu cứu với Sở, Sở sai Long Thư đem 20 vạn quân đến cứu Tề. Đánh nhau ở Duy-thủy, Tín sai quân lính đêm làm hơn 1 vạn cái túi chứa đầy cát đem ngăn chặn dòng nước bên trên, không cho chảy xuống, rồi đem quân sang nửa sông đánh nhau với Long Thư. Tín giả cách thua, chạy về, Long Thư đem quân lội qua sông để đuổi. Tín sai người dỡ túi cát, nước chảy xuống mạnh, quân Long Thư quá nửa không qua được sông, Tín đánh gấp, giết được Long Thư.

    2. Ngô tử , thiên I.

    3. Thế tướng: Ông tướng tầm thường ở đời.

    4. Xe nhẹ thắng bốn ngựa.

    5. Tôn tử , thiên II.

    6. Đi cuốn: Tức đi theo phép Ngô công cuốn đất nói ở trên.

    7. Bổ sung theochương 39 "Tuyệt đạo" của sách Võ kinh trực giả quốc ngữ ca.

    8. Tức là Nùng Trí Cao.

    9. Làm chiêu, tức là chia binh và cờ ở dọc đường để dùng hiệu cờ mà báo tin cho nhau.

    10. Chiêu dao, nghĩa đen là gọi và vẫy, ở đây là dùng hiệu cờ để báo tin cho người đi sau

    11. Lính đi tuần.

    12. Bỏ người bạn cũ.

    13. Bả tổng là chức quan võ cao cấp ở bậc cuối cùng chỉ huy một dinh hay một ti (đời Minh).

    14. Tổng tiêu là chức quan võ chỉ huy một tiêu.

    15. Như xâu ngọc lộn cuốn.

    16. Như con rết bay lên trời.
     
  6. Dương Thần

    Bài viết:
    76
    Quyển 2:

    II: Hướng đạo

    "Click here"
    Không dùng người hướng đạo thì không biết được địa lợi. Cho nên việc binh lấy trá mà làm, lấy lợi mà động, lấy phân hợp mà làm biến hóa. Cho nên khi nhanh chóng thì như gió, khi thong thả thì như rừng, khi lấn cướp thì như lửa, khi không động thì như núi; khó biết được ngầm, động như sấm dậy; cướp làng chia quân, mở đất phân lợi, theo quyền biến mà hoạt động.

    Biết được núi sông, suối ngọt, cỏ nước, nhà ở, đường sá cong hay thẳng, thì thưởng hậu, được người như thế thì hậu đãi, gọi là binh hướng đạo.

    Ngựa già khéo biết đường.

    Phàm dùng quân sĩ, hoặc bắt tù làm hướng đạo, nên phòng mưu giặc ngầm thi kế gian, bị nó dụ dỗ lừa phỉnh. Tất phải xem sắc mặt, xét ý tình, so sánh lời của mấy người, uốn nắn ráp nhau, rồi mới có thể tin dùng. Nên ban thưởng cho hậu, trao cho tước trật. Nên kén những người tâm phúc khôn ngoan, chgo theo cùng đi. Nên đề phòng cẩn mật họ hai lòng. Nhưng không bằng lấy những người dùng được đã nuôi sẵn mà thường quen hiểu đường đi; cũng bất tất cứ phải người bản thổ. Như ở giữa đồng không, bốn phía không phân biệt được, lại gặp đêm tối, thì nên trông sao Bắc thần(1) và ngắm sao Trung tinh (2) làm chính.

    1. Ngôi sao sáng ở đuôi sao Bắc đẩu, tức Estoile polaire.

    2. Chòm sao trong nhị thập bát tú ở giữa trời.
     
  7. Dương Thần

    Bài viết:
    76
    Quyển 2:

    III: Đồn trú (1)

    "Click here"
    Dời đi. Quân không nhất định đóng ở đâu, cũng không nhất định đi đâu. Nhưng phải xem cơ nghi; mùa xuân mà cỏ cây khô cằn thì dời; mùa hạ mà suối chằm mưa ngập thì dời; phục ở rừng rậm, gió quá thì dời; có tiện thì đến, có lo thì dời; có lợi thì ở, không lợi thì dời; địch yếu thì ở, địch bền thì dời; đây mạnh kia yếu, đây hoãn kia gấp thì dời; đây khó kia dễ thì dời.

    Đóng. Phàm đóng quân thì phải dùng nơi sau cao trước thấp, trông ra hướng sáng, quay lưng hướng tối; nuôi sống ở đủ, nước lửa không lo, vận tải tiếp tế không trở ngại; tiến có thể đánh, lui có thể giữ, chằm cỏ suối nước, lấy củi, chăn súc đều đạt được cả. Đó là nơi có thể đóng được. Nhưng số sản vật không đầy đủ cả, mỗi phương một khác, cho nên khi tạm đỗ thì phải chọn nơi thích hợp với việc quân; ở lâu thì phải dùng địa thế.

    Dẹp giữ thóc lúa. Người Tần cắt lúa mạch mà Hoàn Ôn (2) vỡ; Triệu Thù (3) dời lương mà Hoàng Sào thua; Khấu Chuẩn (4) chôn thóc mà quân địch sợ; Duy Phụ (5) đốt thóc mà quân Kim thiếu ăn; Vu Khiêm (6) bỏ kho không mà giặc mạnh phải tiều tụy. Nhưng có khi dụ mà không nghe, lệnh mà không theo, một vì trong cõi không nơi tích trữ, một vì nhà nước vay mượn khó khăn. Vậy phải lấy ngay những nơi đất công ở trong thành hoặc chùa quán để làm kho chứa, sai dân tự coi giữ, mà tự trao đổi bán chác, quan đi qua cũng không hỏi đến. Thuyền vận tải không hết thì sau nhà nước mới đong vào. Thóc chỉ có vào thành mà không có ra thành. Dùng gạo đổi tiền thì dân ở thành tiện. Ta no thì địch đói, làm một việc mà tiện lợi được ba. Nếu cấp bách quá không kịp thì cho chôn hay đốt đi.

    Thu dẹp súc vật. Phàm tiện nhất cho sự cướp bóc không gì bằng súc vật, không phiền vận tải, hễ đuổi thì đi. Chưa hề đánh nhau mà địch đã thỏa mãn dục vọng rồi. Thế nên Lý Mục nghiêm lệnh giữ gìn mà rợ Hồ chẳng dám nhòm biên, Trần Tuấn (7) đem quân thu cướp mà giặc tự phải tan chạy. Ở gần thành thì cho tụ vào thành mà giữ, ở xa thành thì làm lũy vách mà thu vào. Thi hành ở nơi biên tái thì kế càng cần thiết.

    Thu dẹp rơm cỏ. Địch nhờ ngựa mà mạnh, ngựa nhờ cỏ để ăn. Tướng sĩ giữ biên, mỗi khi về tháng thu cỏ khô thì ra cửa ải xa mấy trăm dặm, phóng lửa đốt cháy. Lưu Nhân Cung (8) lấy đó mà chống được Khiết-đơn; Tư Ma lấy đó mà đối phó với Tiết Diên Đà. Như Nguyên Hiệu (9) nước Tây-hạ đối với người Liêu, thì lui quân ba xá (10) , mỗi lần lui đều đốt đất cho trụi, do đó dụ được giặc mà thắng được; như người Kim giữ cỏ ở gò Mâu-đà mà Biện-kinh bị vây; như Vu Khiêm bỏ không trại chăn nuôi ở cận giao mà quân kỵ của địch phải rút. Vậy thì rơm cỏ chứa đầy chỉ để làm quà cho địch, việc trước nên soi.

    Thu dẹp suối nước. Địch nhờ vào, không cỏ thì nước. Người Tần đánh thuốc độc ở thượng lưu sông Kinh để làm đói quân Tấn. Tướng Tùy đánh thuốc độc vào suối ở trong cõi làm cho giặc bị bệnh. Lưu Ỷ đánh thuốc độc vào sông Dĩnh (11) để khốn quân địch, đánh thuốc độc vào cỏ để khốn ngựa địch.

    Thu dẹp nhà ở và đồng nội ngoài thành. Phàm gần thành, trong 3 trượng mà có nhà thì giặc có thể hoặc phục ở trong để bắn, hoặc lấy xà cột để làm thang, hoặc thuận gió đốt cháylan, hoặc lợi dụng nền mà tung khói. Đó đều là khiến thành không thể giữ được. Vậy nghiêm xuống lệnh dỡ đi, gấp thì đốt đi. Phàm phía ngoài hào hơn một dặm nên bỏ đồng trống, vì có thôn xóm thì địch giữ mà đóng; có đài thấp thì địch giữ mà nhòm xa; có gò đống thì địch nhờ để lấp hào đặt súng; cỏ đầm cỏ ngòi lạch thì giặc có thể ẩn nấp; có cây to và tre gỗ kho đạn thì đều là khí cụ để đánh thành, phải hoặc triệt đi, hoặc cấm, hoặc vận vào thành; có bè ở dưới nước ngoài trăm dặm thì tạm dời sang kênh nhỏ mà giấu đi. Ai làm trái thì dùng quân pháp mà trị. Năm điều ấy làm được thì ngoài nội trống hết, ta có thể hại địch mà địch không có thể hại ta. Như vậy thì việc phải làm trước không thể kể xiết. Tuy thế, sự giữ thành thì có hạn mà sự không thể giữ đồng nội thôn xóm thì vô hạn. Vậy nên phải nương. Tựa lẫn nhau, đều cùng nhau gìn giữ, không có đồn trại nào giữ tốt hơn thế được (12) .

    Nghiêm cấm cướp đêm. Sánh Kinh thế nói: Mỗi khi hạ dinh ban đêm, phàm có đường hẻm có thể qua có thể vượt được, đều nên đặt đồn canh. Binh lính canh đồn nên cẩn thận chăng một chiếc dây lớn, dòm xét kỹ càng. Như có giặc thì nổ súng làm hiệu. Quan binh ở dinh thì không cho cởi áo ngủ say, áo giáp mở ra cùng với đồ binh khí để một bên, mỗi phòng lều giao một người thay nhau canh gác.

    Một khi có tin động, không được nói to, đánh thức ngay đồng đội, mặc giáp, cầm khí giới, ngồi im chờ giặc. Khi giặc đến gần thì nổ súng bắn cung. Cần nhất là không được chạy động. Nếu chạy động tức là giặc, bắn giết ngay. Tóm lại, gặp khi đêm có báo động, nếu mọi người bình tĩnh không động, không tiếng ho hắng, thì địch dù là quân mạnh giỏi đến đâu cũng chỉ ở nơi xa mà reo không, quyết không dám tới gần dinh lũy của ta. Và khi đêm tối giặc đến cướp dinh, hoặc xâm phạm dinh lũy, phương đông, phương tây, phương nam, phương bắc, thì dinh đương bị cùng với dinh khác chưa bị đều cùng yên tĩnh giới nghiêm, không được động càn, đều giữ dinh lũy, đến chết chẳng dời, thế mới vạn toàn. Nếu dinh đông không giữ mà bỏ chạy sang dinh tây, chẳng những dinh tây không động, mà dinh đông lại gặp súng tên của dinh tây bắn chết.

    Dựng nêu. Mỗi dinh đã đặt xong rồi, tức thì xem hình thế đất bốn phương đông tây nam bắc đều dựng nêu cờ, mỗi nêu đặt phu bắt, nhiều thì hai chục tên, ít thì hơn mười tên, có đủ cung tên đao súng để canh giữ. Những binh lính hái củi, lấy nước, chăn súc đều không được thiện tiện vượt ra ngoài chỗ nêu cờ. Ai phạm thì phải xiên tai để cảnh cáo mọi người. Lại hiểu dụ cho những binh lính tuần phòng cần thận giữ trông, hễ có người nào vượt qua nêu thì bắt ngay. Nếu tư tình buông thả thì phép quân xử nặng không tha.

    Cẩn thận phòng bị. Mùa đông khi rét, mỗi khi sương tuyết đầm đìa, ban ngày tối như ban đêm, giặc thường nhân lúc đó đánh ta. Quân ta gặp lúc như thế, cần phải nghiêm cấm canh phòng, ban đêm lại càng cần thiết. Binh lính lên cao canh giữ, nửa bước cũng không lìa chỗ mình đứng, chính là sợ một khi trông coi không rõ ràng, ngộ bị quân địch thừa cơ đến đánh thì nguy. Thiết tha nhớ lấy.

    Chòi canh. Binh lính ngồi chòi canh, mỗi ngày từ sáng sớm lên chòi, phải ngồi chờ cho đến tối có binh lính canh đêm đến, bấy giờ mới cho về dinh. Binh lính canh đêm đến sáng, phải chờ người canh ngày đến, mới được về dinh. Ai dám chậm trái, không đợi lính này lính kia thay đổi cho nhau mà tự tiện bỏ chòi về dinh, phải đem tới đinh để tướng biền trị tội. Như ban đêm mưa gió, tướng biền thì yên ngủ ở trong phòng lều, không nghĩ đến nỗi khổ của người ngồi đêm ở chòi, mà đến khi trời sáng lại không sớm sai lính lên chòi để thay đổi, thì nên lấy phép quân trị nặng. Nếu binh lính lên cao nhìn xa thấy có giặc đến, tức thì nổ súng làm hiệu, chỉ cờ về phương ấy, cho tiện việc trong quân tiếp ứng.

    Nhắc rõ lệ kiếm củi và chăn ngựa. Mỗi ngày giờ tý thổi 3 tiếng ốc, bắt một tên lãnh cờ, lãnh đem binh lính năm dinh 25 tên ra gác cầu để dòm trông các dinh, còn lính dư và người thuê thì đều đi kiếm củi chăn ngựa, vụ đủ dùng trong một ngày. Giờ ngọ lại thổi 3 tiếng ốc, đều trở về dinh, kẻ nào trái lệnh thì bắt xét trị nặng. Mỗi ngày bọn lính và người làm thuê đi chăn ngựa kiếm củi lấy nước ở ngoài, hễ nghe có tiếng súng ở trong dinh và tiếng báo của chiêng hiệu thì không kể xa gần; tức tốc về dinh, người nào trái lệnh thì xiên tai.

    Phải đặt dinh làm cho giặc sợ. Mới đầu đặt bàn dinh, ở trong làm mấy tầng cũng không sao cả. Nếu một ngày không thấy giặc động tĩnh, đến chiều rút một tầng ở ngoài kẽ nách, rồi đặt một dinh; ngày thứ hai không thấy động tĩnh gì, lại rút một tầng ở ngoài, rồi lại đặt một dinh. Giặc hẳn cho rằng sức quân ta ngày càng thêm thì lòng nó càng mau nản. Đó là phép biến thực làm hư, biến hư làm thực vậy.

    Sách Tôn tử:

    Phàm phép dùng binh, tướng phải chịu mệnh với vua, họp quân tụ chúng.. Địch ở nơi cao chớ nghển lên mà đánh; địch dựa vào gò chớ đón mà đánh (13).. Đất tuyệt không nên ở; đất vây thì lập mưu; đất chết thì đánh.. Đường có khi không đi; quân có khi không đánh; thành có khi không phá; đất có khi không tranh; mệnh vua có khi không chịu. Cho nên làm tướng có suốt được điều lợi của chín biến (14) mới là biết dùng binh. Nếu tướng không biết điều lợi của chín biến thì dù có biết địa hình cũng không nắm được địa lợi. Cầm binh mà không biết cái thuật chín biến thì dù có biết được năm điều lợi cũng không thể được người mà dùng. Thế nên người khôn lo nghĩ, tất có lẫn với lợi hại, lẫn với lợi thì sự chuộng của mình đạt được, lẫn với hại thì mối lo của mình giải được. Thế cho nên lấy hại mà đè chư hầu, lấy nghiệp mà sai chư hầu, lấy lộc mà khiến chư hầu xô đến. Cho nên trong phép dùng binh đừng cậy là giặc không đến mà cậy ở ta sẵn có cái để đón chờ; đừng cậy là giặc không đánh mà cậy ở ta sẵn có cái cho nó không đánh được. Cho nên làm tướng có năm điều nguy: Liều chết thì có thể bị giết; ham sống thì có thể bị bắt được; nóng giận thì có thể bị khinh nhờn; trong sạch thì có thể bị làm nhục; yêu dân thì có thể bị quấy rầy. Năm điều ấy chính là lỗi của người làm tướng, và tai vạ của việc dùng binh. Bại quân chết tướng chỉ vì năm điều đó, không thể không xét kỹ vậy (15) .

    Phàm đóng quân và xét giặc, vượt núi và dựa thung lũng, thì trông nắng mà ở chỗ cao; địch ở trận cao thì đừng lên. Đó là đóng quân ở trên núi. Vượt nước tất phải xa nước; địch vượt nước mà đến thì chớ đón ở trong nước, để nó sang nửa chừng mà đánh thì lợi. Người muốn đánh đừng dựa nước mà đón địch. Trông nắng mà ở chỗ cao, đừng đóng quân ở trên nước. Vượt đất trũng thì đi gấp, đừng ở lại. Nếu đánh nhau ở nơi đất trũng thì phải nương nhờ nước cỏ mà dựa lưng vào cây cối. Đó là đóng quân ở nơi đất trũng. Nơi cạn bằng thì đóng ở chỗ dễ, bên hữu thì dựa cao, trước thấp sau cao. Đó là đóng quân ở nơi cạn bằng. Theo bốn phép đóng quân ấy, Hoàng đế có thể thắng được bốn phương.

    Phàm đóng quân, ưa cao mà ghét thấp, quý dương mà ghét âm, nuôi sống mà ở chắc. Quân không ốm đau, thế là tất thắng. Gò núi đê điều thì phải ở về phía mặt trời mà dựa về phía hữu. Ấy là cái lợi của binh nhờ sự giúp của đất vậy. Phàm đất có tuyệt giản, thiên tỉnh, thiên la, thiên hãm (16) thì cần phải bỏ đi, chớ nên gần đấy. Ta xa đi thì địch gần lại, ta đón lấy thì địch bỏ đi (17) .

    Dò la nơi xa . Đời xưa gọi là du trinh, gián điệp, tế tác, la khiếu, tên không giống nhau mà đều là quân đi dò xét ở bên địch.


    "Chú thích"
    1. Tham khảo Võ bị chế thắng chí , quyển 3.

    2. Hoàn Ôn: Người thời Tấn, làm chinh tây đại tướng quân. Tấn Minh đế sai đi đánh Tần Bồ Kiện (con Bồ Hồng, bác Bồ Kiện). Ôn cậy có thóc của Tần sắp chín, Kiện sai người cắt hết lúa, quân của Ôn không có lương ăn phải lui về.



    3. Triệu Thù: Người thời Đường, giỏi cưỡi ngựa bắn cung. Khi Hoàng Sào khởi ngiã, Thù làm thứ sử Trần-châu, chứa lương cỏ, làm kế giữ lâu. Sau phá được quân của Hoàng Sào - dời lương ở đây, tức là dời lương nơi khác vào thành.

    4. Khấu Chuẩn: Người Tống, đời Tống Cao tôn đánh phá được quân Khiết-đơn ở Chiên-uyên.



    5. Duy Phụ: Tức là Lưu Duy Phụ thời Tống. Khi người Kim đánh Hy-hà, Duy Phụ làm mã bộ quan phó tổng quản ở đây, sắp bỏ chạy, thấy trong thành còn chứa nhiều thóc, sợ người Kim lợi dụng được, sai đốt hết đi.

    6. Vu Khiêm. Người thời Minh, khi Dã Tiên (thái sư của Ngõa Hạt) tiến quân sát đến Kinh sư, Cảnh đế cho Khiêm làm đề đốc quân mã; đánh lui được quân của Dã Tiên.


    7. Trần Tuấn: Người thời đông Hán, làm quận lại, theo Quang-vũ đi đánh Đồng-mã, chém được tướng của địch.



    8. Lưu Nhân Cung: Người thời Hậu Đường (Ngũ đại), làm tiết độ sứ ở Lư-long.

    9
    . Nguyên Hiệu: Tức là Triệu Nguyên Hiệu, vua nước Tây-hạ, người Tống, phản nhà Tống.

    10. Mỗi xá 30 dặm.

    11. Lưu Ỷ bỏ thuốc độc vào sông Dĩnh. Đời Tống Cao tôn, Kim thái tử Ngột Truật đem quân sang đánh thành Thuận-xương. Ỷ sai người bỏ thuốc độc xuống dòng trên sông Dĩnh. Quân và ngựa của Kim uống phải nước sông ấy mỏi mệt, bị Lưu Ỷ đánh cho thua.



    12. Nghĩa là có đồn trại ở ngoài thành mà giữ cũng không bằng dùng kế "đất không nhà trống" như trên.

    13. Tôn tử , thiên VII.

    14. Chín biến là chín việc quyền biến nói ở trên.



    15. Tôn tử , thiên VIII.

    16. Xem giải về thế đất ở sau.



    17. Tôn tử , thiên IX.
     
  8. Dương Thần

    Bài viết:
    76
    Quyển 2:

    III: (Tiếp theo)

    "Bấm vào xem"
    Cẩn thận đồn canh và hiệu lửa . Mỗi một đồn canh để 5 người, mỗi trống canh 2 người, một người đi một người ở. Khi thấy quân phi lâu (1) đánh mõ ứng tiếng, thì quân la khiêu cầm một mồi lửa giơ lên làm hiệu; mỗi canh đổi một hiệu lửa, ví như canh một thì hiệu lửa chỉ trời, canh hai thì chỉ bên tả v. V..

    Đặt đài chứa lương thực và rơm cỏ . Binh lấy ăn làm gốc, ăn đủ thì binh mới mạnh. Đặt quan tào vận để giữ lương thực, gạo và thóc đều phải chứa. Gạo cần thiết mà dễ mục, thóc vỏ cứng có thể để lâu, lúc hoãn lúc cấp đều chứa cả. Đời sau chỉ để gạo, cho nên lâu thì không ăn được.

    Phép thần cơ làm lũy tạm (2)

    Nơi đóng quân (3) . Nước sâu trong mà chảy xiết, ăn tốt nhất. Nước chảy có lẫn cát vàng, ăn tốt thứ nhì. Nước chảy mà đen, ăn được nhưng không tốt lắm. Ví có nước đứng mà không chảy, đừng ăn. Nước chảy mà trên nguồn có giặt ở, đừng ăn. Nước chảy mà trong đó có xác lợn đen chết không trôi đi thì đừng ăn, ăn thì chết. Nước lẫn nhiều cứt đừng ăn, ăn thì ốm. Nước có xác chó chết đừng ăn. Như không có nước ăn được, thì đào giếng ở bên mà lấy nước. Quân sĩ đóng dinh cần có nước, nghỉ tạm cần có nước.

    Người giỏi dùng binh phải phòng loạn từ khi chưa loạn, phòng gấp từ khi chưa gấp. Khi làm dinh xong, nên cho những người mạnh dạn vây ở ngoài, những người yếu nhất thì phụ theo. Đó là phép lo lắng về đêm tối.

    Sai đi coi và ngắm đo thế đất cho bằng phẳng, có sẵn cỏ nước, rồi kết dựng vách thành, đốn cây làm sào, chở đất làm lũy, đào đất làm hào, chế mộc mã (4) , tạo phi lâu, làm xích hậu, chia đặt dinh trại cho bền vững, đặt đàn lễ cáo thần minh sở tại, thu canh tan canh, phát khẩu hiệu, đặt quân do thám, đó đều là việt cần kíp về đóng quân. Thế núi ngặt mà chặn ở gần thì đừng đóng dinh, sợ có quân phục ở bên. Núi âm u quanh quất thì đừng đóng dinh, sợ bốn bề có quân phục. Tả hữu trước sau đều có núi mà hơi xa, thì ta đóng quân ở giữa, phải xem kỹ đường lối đi lại và các đường tắt, phái quân phòng giữ.

    Tôn tử nói: Bên chỗ quân đóng mà có ao hồ, rừng cây ngăn trở, lau sậy um tùm, thì phải cẩn thận lùng xét kỹ càng, đó là chỗ quân phục quân gian nấp náu (5) .

    Phàm quân đi qua đâu, không đốt kho tàng của người, không phá nhà cửa của người; cây ở đền, cây ở xã không được đẵn; kẻ đã hàng không được giết; người đã bắt được không được đánh; là để tỏ rõ nhân nghĩa, thi hành ơn đức, cho thiên hạ hòa phục.

    Võ vương hỏi: Quân ta đóng đồn ở trong khoảng rừng sâu cỏ rậm, địch nhân ở trên gió đốt cả trước sau thì ta làm thế nào? Thái công thưa: Phàm quân đóng đồn ở rừng, phải dùng thang và chòi mà trông cả tả hữu trước sau, nếu thấy lửa thì ta đốt cả chung quanh cho cháy còn trơ đất đen mà cứ ở yên, thế thì địch không thể làm hại được(6) .

    Phàm đóng đồn ở rừng, thì bốn chung quanh đồn phải chặt hết cây cỏ rộng 3 hay 5 trượng. Nếu địch đến đốt, thì ta cũng đốt trước ở ngoài bốn phía của ta. Lửa nó đốt cháy vào lửa ta chảy ra, hai lửa gặp nhau, ắt là phải tắt(7) .

    Thủ-chân họ Lê nói:. (8)

    Khi chọn đất đặt dinh, không thể không cẩn thận. Cho nên người trí tướng đóng dinh, phải chọn địa lợi. Ví như trước có đường nước, vận tải lưu thông, bên tả có núi cao, bên hữu có đồng ruộng, thì có thể đóng quân. Nếu sông hồ khe suối bốn mặt quanh co thì không nên kết trại, sợ có quân giặc chặn đứt mất đường yếu lộ mà tiến lui không thông. Cho nên người trí tướng hành binh không bao giờ trông vào gò cao, trở lưng ra nước. Trước có nước thì không tiến, sau có khe thì không lại; hoặc mé nước bên hữu kề liền với gò bên tả, hay một bên là gò núi sông hồ thì đều kiêng, sợ đất ấy ba mặt chịu địch, người trí tướng không thể không cẩn thận. Đó là điều cốt yếu để chọn đất đặt dinh vậy.

    Nếu lập trại vào mùa xuân mùa hạ, thì không nên gần nơi cỏ cây xanh tốt, sợ giặc tiện dùng hỏa công. Như về tiết thukhông nên sát núi cao và khe suối, sợ quân giặc thừa thế tự xa lại mà bắt quân ta. Cho nên hành binh không thể không cẩn thận. Đó là điều cốt yếu trong sự cẩn thận về thiên thời vậy.

    Phép hạ trại. Phàm khi hạ trại, phải chọn nơi đất lành, sẵn có nước, tiện việc kiếm củi chăn ngựa. Trại phải có điếm canh để phòng kẻ gian tế.

    Phép cướp trại. Phàm quân địch đêm đến cướp trại, thì cho quân ra ngoài mai phục bốn mặt, trong trại hư trương lửa và trống. Quân địch xông vào thì vùng dậy mà đánh. Sẽ thắng to
    .

    Sách Võ bị chế thắng chí:

    Phép dinh vuông của Lý Tĩnh . Như gặp đồng bằng chằm rộng, không có thế hiểm trở, thì phải làm dinh hình vuông. Như xem có 2 vạn người thì chia ra làm 7 quân, trung quân 4.000 người, tả hữu tiền hậu bốn quân, mỗi quân đều 2.600 người, ngu hậu 2 quân, mỗi quân 2.800 người. Quân tả hữu và quân ngu hậu tả hữu chia làm 3 dinh, 6 quân làm 18 dinh. Trung quân làm một đại dinh(9)
    .

    Phép dinh Yển nguyệt của Lý Tĩnh . Phàm gặp dải đất không hiểm trở lắm, nên làm dinh bán nguyệt. Dinh thì mặt trông ra nơi bằng, lưng quay ra chỗ hiểm mà hai cánh cũng quay về chỗ hiểm, như hình mặt trăng lưỡi liềm. Mỗi dinh cách nhau thưa dày và xếp đặt đội ngũ thì theo như phép trước. Còn cửa thì lâm thời sẽ tình. Đến như binh và ngựa nhiều ít cùng đặt lều rạp thì tùy nghi mà làm, đó là nói đại yếu thôi. Khi có báo động thì súc vật đều cất giấu sau dinh.

    Phép lập dinh bằng giáo . Phàm quân đóng không lâu, có thể tạm thời dựng giáo làm dinh, giáo xen với củi cho đều. Chập tối thúc trống cho mọi người đem giáo đến, dứt hồi trống thì cắm giáo xong, quân sĩ canh giữ không được ra ngoài dây chăng, rồi dập tắt khói lửa. Ở ngoài dinh đặt phô canh(10) ; ở ngoài lại cho một người nấp nghe. Như ngoài dinh có động, người ở phô không được nói to; chỉ khua giáo truyền qua bốn mặt, tức thì biết là có động mà đề phòng.

    Phép lập dinh bằng củi . Phàm làm dinh bằng củi, thì củi nên xếp dày khít, không để người đi qua được. Ở khe hở thì đóng đinh, lại lấy đất đắp lên. Xe để hàng ngang cho đều, khi cần kíp thì xoay xe, có thể làm thành được. Nếu ở lâu trong dinh thì đặt một cái cột để trông xa.

    Phép đào hào lập dinh . Phàm đào hào dựng giáo thì phải chăng dây làm mức. Đáy hào rộng 1 trượng 2 thước, sâu 1 trượng, miệng rộng 1 trượng 5 thước. Đất thì đổ vào trong, đắp bờ đất cao 4 thước 5 tấc, phải chắc cho khỏi lở, mặt trong xén thẳng như thành, trên mặt người có thể đi được. Hào đào xong thì tạm bắc cầu phao, khi gấp thì chặt đi ngay. Cứ cách 2.000 bước thì đặt một chiến lâu. Lấy cánh cửa và ván lát tạm mà chế mui hào. Ở ngoài lại đào một lớp hố sập ngựa rộng 2 bước.

    Phép xây thành lập dinh . Phàm đắp thành làm dinh, thân thành cao 5 thước, rộng 8 thước, nữ tường cao 4 thước, rộng 2 thước; mỗi trăm bước đặt một chiến lâu; 50 bước đặt một cỗ súng toàn phong; cách 3 thước ở trong thì đặt một cái cùm, phản và giá khí giới của phô canh. Cách thành 50 bước thì dựng lều rạp. Trong thành đặt một cây cột cao 70 thước. Ngoài thành đặt một lớp tường dê ngựa; ngoài đào một lớp hào, ngoài nữa cách chừng 3 bước dựng một lớp rào gỗ; ngoài rào gỗ lại bày một lớp thành gai; ngoài lớp gai lại có một lớp hố sập ngựa.

    Phép làm rào gỗ . Phàm làm rào gỗ là vì địch ở sát gần, không kịp đắp thành lũy, hay vì núi sông thế hiểm, nhiều đá, ít đất, không tiện xây đập, phải dựng cây làm rào. Vuông tròn cao thấp tùy tiện. Chôn sâu gốc gỗ, lớp này lớp khác, chắp vá chỗ thiếu. Trong thì trồng cọc ngắn làm đường gác, ngoài trồng một lớp cột, nhô lên 4 thước để làm nữ tường. Đều phải trát bùn cả. Ngoài rào đào một lớp hào, rộng 2 trượng sâu 1 trượng. Trong rào mỗi một trăm bước thì làm một chiến lâu, ở trong đó đặt vọng lâu để trông xa.

    Chọn đất đóng dinh.

    - Không đóng quân ở nơi cửa thung lũng bốn mặt bị địch, người ngựa dễ bị xung đột, đó gọi là đất hang trời (thiên kháo).

    - Không đóng quân ở núi cao, phòng có người ngựa đi quanh núi mà lại phá dinh trại của ta. Trước mặt là thế hiểm, bị giặc bền giữ, thì ta không có lối ra vào, đó gọi là đất đầu rồng.

    - Không đóng đất chết, nghĩa là lập dinh không ở vào nơi nhiều mồ mả, người ngựa ban đem hay sợ hãi; ở lâu quân lính hay bị đau ốm.

    - Không đóng ở đất như hình trụ, nghĩa là dưới thấp giữa cao, đất ấy trên mặt rộng phẳng, khoảng giữa có gò như hình cái chậu úp, nếu lập dinh ở trên thì tám mặt lộng gió, chung quanh bị địch.

    - Không đóng ở đất ngục, tức là ở dưới cao nguyên, đất rộng rãi bằng phẳng trong đó có đất hình như cái chậu ngửa, nếu đặt dinh ở đấy thì bốn mặt bị địch ở trên cao đánh xuống, ta ở giữa tất phải thua;

    - Không đóng ở nơi núi rừng cây cối um tùm, mùa xuân mùa hạ cành lá rậm tốt; không trông thấy người ngựa, sợ giặc xuyên qua đường lạ mà lại đánh dinh trại ta; mùa thu mùa đông cỏ cây khô héo, sợ địch ở đầu gió phóng lửa mà nhân đánh cướp trại ta, khó bề tránh mà đối phó.

    - Không đóng ở nơi hồ sông khe suối quanh quất, sợ địch giữ vững nơi yếu hại thì ta không có đường tiến thoái, và ngoài không giao tiếp được, khó bề cứu nhau.

    - Không đóng ở trong sông to hiểm hóc, bị địch đóng chẹn ở nơi đường nhỏ, nếu quân cứu viện không đến thì ta không có đường tiến lui để đối phó.

    - Không đóng ở bờ sông hồ và bên núi lớn, ba mặt bị địch, sau không có đường lui tới. Nhưng nếu trong đó lại có thuyền ghe bè mảng, bên bờ có đường vận lương, thượng lưu có quân ứng cứu, thì có thể đóng dinh được.

    - Nếu ở bờ sông ngòi, đóng dinh ở trên mặt nước, thì nên đề phòng hỏa thuyền ở thượng lưu buông xuống mà đánh hỏa công và giặc lặn ở dưới nước đục thuyền cho đắm.

    - Không đóng ở chỗ bốn mặt có sông dài quanh quất, bốn mặt địch lại đánh ta, ngoài không có quân cứu viện, thì bị khốn.

    - Nên ở nơi lưng cao mặt thấp, trước có sông chảy, sau có đường vận lương, bốn mặt không có núi cao lũng lớn, dù ở xa cũng không có hại.

    - Quân dinh đóng ở núi mà trên núi có nước, thì nạn tháo nước làm ngập, không thể yên dinh được.

    - Tên đất xấu cũng không thể đóng dinh, ví như loại đất đầu chó, mồm trâu v. V..

    - Không uống nước tù, nước tù là nước không chảy, như đóng dinh ở đấy mà ăn uống nước thì không được.

    Dinh qui.

    - Quân lính khi đóng dinh rồi, trước hết sai hai đội đào chungmột hố xí.

    - Khi dinh lũy đã định rồi, thì những người hàng thịt, buôn bán, nhất thiết cấm chỉ; trong dinh giao dịch với nhau thì không cấm.

    - Cửa dinh có chia cho các tướng hiệu ở gần coi giữ, các chức tạp sắc cũng được chia riêng một cửa ra vào, không được lẫn lộn, phải ghi nhận rõ ràng để phòng kẻ gian tế.

    - Những người bị thua đến xin theo về thì nên cho làm các công việc khác, đừng cho theo việc quân, sợ họ mượn dịp, nên phải đề phòng.

    - Vào cõi khác mà đặt dinh nấu cơm, đi kiếm củi không nên đi xa; nên dùng ngựa tuần trông xa bốn mặt, thấy giặc thì trở về gấp.

    - Như ở bên dinh không có nước, thì xét nơi nào mọc lau sậy hay cỏ nước và có mối đùn thì dưới đó hẳn có suối ngầm, có thể đào giếng được. Lại tìm đường lối dã thú đi lại, gần đấy tất có nước. Như quân đi đánh, nên có nước đem theo, có thể đựng ở trong túi da dê, hay bầu lớn, ống tre đều được.

    - Hái củi, cứ 3 ngày một lần, chính giữa giờ tị, sau bữa cơm sáng, cho một người chưởng hiệu ở trung quân cầm lá cờ chữ "tiều" cùng ra, một tên đội trưởng lãnh đi, hạn 2 giờ thì về ngoài dinh để chờ. Bẩm với 2 người chưởng hiệu ở trung quân, các quân lại tới bên thành gỗ, súng ống như cũ, rồi mới mở hai cửa đông tây cho đi, còn cửa khác thì không được.

    - Những người đi nhà xí, theo các hố xí, do các cửa dinh, đem thẻ bài của mình treo ở trước cửa thì mới cho mở cửa mà ra hố xí. Xong việc rồi về ngay, tự nhận lấy thẻ bài mà về dinh. Như ban đêm không cho ra ngoài dinh thì tùy tiện đi ở bênrạp, sáng dậy quét dọn cho sạch đổ ra hố xí. Ai làm trái thì chiếu theo phép lấy nước mà xử.

    - Ở trung quân mỗi khi buổi chiều thúc ba hồi trống xong, các dinh tức thì dập lửa, cấm làm ồn, không cho người đi lại. Làm trái thì đội trưởng cũng bị trị như binh lính. Đội trưởng mà phạm luật đi tuần, nhất luật phạt 30 côn.

    - Sai người phục ở bên đường, mỗi một ngày đêm đổi ban một lần, cứ xong bữa cơm sáng thì sai đi, khi người kia đến thay cho người này về thì người về phải tới ngay trung quân mà báo cáo.

    - Ban đêm có người đến phục sự, đến cách ngoài cửa chừng 20 bước thì bắt đứng lại. Người giữ cửa nhận tiếng nói, nếu là người nha khác sai đến, phải hỏi lai lịch của nha ấy, như có thư thiếp giấy tờ thì bảo đem thư thiếp giấy tờ ấy ném xuống đất, cho người truyền giữ ở ngoài dinh nhặt lấy, để do thành gỗ mà đưa vào trung quân. Trung quân có lệnh tiễn cho vào mới được mở cửa cho vào. Không có lệnh tiễn thì không cho. Nếu có kẻ dùng dằng không đi, cùng là không tuân điều cấm mà cứ sấn tới dưới thành gỗ, thì cho bắn, chết cũng không tội.

    - Gặp có báo động, phải nghiêm tĩnh giữ các phần đất, đóng cửa thành gỗ, nghe lệnh ra quân; như ai có nói to chạy bậy thì theo phép quân trị nặng.

    Dinh đêm.

    Mao tử (11) nói: Ban đêm thì khó đề phòng, cần phải thám phục ở xa, canh phòng rõ ràng để biện kẻ gian dối. Phép của các nha sẽ bày ở sau:

    - Phàm quân dinh đóng xong, thường phải phòng ngự ở trước dinh.. Ngày đêm nghiêm phòng, dù có mưa gió cũng không rút quân ở đội; quan cũng không được lìa đội. Mỗi dinh để ngựa 5 con đóng sẵn yên cương thả cho ăn để phòng có báo động gấp thì chạy đi báo ngay.

    - Ngoài việc cảnh bị của quân dinh, mỗi quân phải đặt riêng xích hậu. Một quân định rút chiến sĩ 30 hay 50 người. Ở những đường yếu hại cách 3, 5 dặm ở ngoài bốn mặt, ban đêm đặt phô ra ngoài, mỗi phô cấp ba cái trống đem theo. Như trong đêm có giặc phạm đại dinh, phô ngoài thấy giặc giao chiến với đại dinh thì ở sau phải nổi trống và hò hét để đánh ở sau giặc, nhân được cơ tiện lợi thì hẳn có thể thắng được.

    - Phàm quân dinh đóng xong, ban đêm thì đặt riêng quân thám ở ngoài, mỗi dinh dùng quân xung đột và quân dũng cảm lần lượt thay phiên, mỗi mặt 4 người, mỗi người lãnh 5 lính cưỡi ngựa đi tuần ở bốn mặt dinh, cách dinh ngoài 10 dặm, để phòng sự bất thường. Như có báo động thì chạy về báo trung quân. Hay sai quân cưỡi ngựa cứ đến trống canh thì giơ lửa để hưởng ứng. Giặc trông thấy hiệu lửa không dám cướp dinh nữa.

    - Phàm quân dinh, ban đêm lại nhằm con đường trọng yếu giặc có thể đến mà lấy quân thám kỵ để đặt phô ngầm(12) , mọi người đều cầm bó đuốc mà giấu sẵn lửa(13) lần lượt ứng tiếp với nhau. Lại phục người ở trong cỏ hai bên đường, hay cho lên cây cao mà trông xa, biết là có giặc thì chạy báo cho ngựa phô giơ lửa, phô trước ứng theo rồi thì chạy tới đại quân. Đại quân cũng đặt người trông hiệu lửa.

    - Phàm mỗi đêm lúc đặt phô, mỗi phô sai chứa 5 cây đuốc và một bó cỏ khô, lại sai giữ lửa. Nếu có báo động thì mỗi phô đều cứu nhau, không được đi cách. Lại phải giơ đuốc lên để soi. Trung quân tức thì đánh trống, khiến các dinh đều biết. Tướng sĩ đều mặc áo giáp, cầm cung tên, thấy ai chạy thì bắn, tự nhiên phải đứng lại. Quân giặc nếu hơi nhiều thì trung quân kíp ra cứu viện. Nghe dinh bị cướp có tiếng quân kêu nhiều thì nên xét để phân biệt.

    Phàm ban ngày có giặc phạm dinh thì dinh bị phạm phải đánh trống gấp. Các dinh thúc trống để hưởng ứng rồi dinh không có giặc thôi trống, duy dinh bị giặc đến phạm, nếu giặc không tan, thì cứ thúc trống mãi. Các quân đều mặc áo giáp, cầm binh khí, nhìn cờ hiệu ngũ phương của đại tướng chỉ về đâu, tức là đường ấy giặc đến, chỉnh đồn binh giáp, ra trước bày hàng, chưa nên hoạt động, đều chờ quân đến cứu, theo lệnh đại tổng quản mà tiến hay dừng.

    Phàm quân dinh lo bị giặc phạm thì ở ngoài dinh phải thường đặt một đội riêng để phòng hộ, rút ở chiến đội thường của dinh mà sung vào; cách lều tướng 30 bước (14) bày đội phục sẵn. Nếu giặc đến, đội phòng hộ mà không địch được thì trong dinh mới ra quân giúp, không được để giặc phạm vào đại dinh.

    Phàm quân dinh bị giặc đến phạm thì đại tổng quản phải tự đem quân ra cứu, thường trước đã cùng với các tướng ngầm hẹn rằng binh sĩ đeo lục lạc ở mình làm hiệu, dinh bị giặc xâm phạm nghe thấy tiếng lục lạc tức biết là quân đại tổng quản đến, hoặc lục lạc hoặc đạc đều không thể định trước, vì sợ quân giặc ăn cắp mật hiệu.

    Phàm quân dinh đóng lâu thì ở chốn thung lũng trên đường giặc đi nên đào hào cắt đứt rộng 3 trượng sâu 2 thước, rồi lấy cát nhỏ và đất rời lấp bằng đi, mỗi ngày kiểm xét và quét cho sạch sẽ, hễ quân gian ra vào và quân ngựa qua lại đều có thể thấy hết.

    Phàm chỗ quân đóng, ở trong binh kỳ (15) nên kén những người cứng rắn quả quyết, am hiểu đường sá sông núi, và ở lâu trong quân, cùng với lính phô đã làm việc với nhau lâu ngày, cho nấp chờ ở ngoài nơi kín đáo, dùng phép bắt sống mà bắt những người lấy củi chăn ngựa dò thám cho giặc, điệu về đề tra hỏi công việc trong giặc; khi làm thì đừng cho binh du địch (16) biết.

    Phàm trong quân ban đêm cứ khoảng một trăm bước thì để hai người nghe, mỗi canh đổi nhau một lần, để làm việc nghe rình vặt. Như ban đêm ở dinh địch có tiếng ngựa hí thì biết mưu nó chuẩn bị đi đánh cướp đêm, lấy đó mà suy, để đề phòng sự không ngờ. Còn lo dò thăm không được xa, cho nên sai người thính tai ít ngủ, nằm gối vào cái hồ lộc không để nghe, hồ lộc thì dùng da lợn rừng mà chế, phàm người ngựa đi ngoài 30 dặm, đông tây nam bắc đều có thể nghe được tiếng vang. Mỗi dinh thì đặt 1, 2 sở, nơi quan trọng thì đặt 3, 4 sở. Các phô lẻ và nơi rào phên trấn giữ cũng đều đặt một sở để nghe, nghe rồi đổi đi nơi khác, không nhất định để một chỗ.

    Phàm đánh ban đêm, phần nhiều do quân địch đến đánh úp lũy quân ta, bất đắc dĩ mà phải đánh. Phép đánh là ở chỗ lập dinh. Phép lập dinh cũng như phép lập trận, cho nên Binh chí nói: Quân đỗ thì làm dinh, quân đi thì làm trận. Vì là trận lớn bọc trận nhỏ, dinh lớn bọc dinh nhỏ, các quân trước sau tả hữu đều tự có dinh. Dinh đại tướng ở giữa, các dinh bao chung quanh, gốc cạnh liền nhau, chỗ gãy đối nhau, xa không quá 100 bước, gần không quá 50 bước, đường sá thông suốt, để ra vào, đôi bên vách lũy cùng trông nhau, đủ để dùng cung nỏ mà cứu nhau được.

    Phàm cửa đường qua lại, phải lập bảo nhỏ, trên chất củi đào lỗ làm đường ngầm; dùng thang Hồ (17) bắc lên khiến người đứng trông. Hễ đêm nghe tiếng trống thì dậy ngay, tức thì đốt đuốc lên, quân giặc đêm vào cửa dinh, nhìn quanh bốn phía thấy đều có dinh nhỏ giữ vững cả, không biết đánh vào chỗ nào. Lúc đó trong dinh đại tướng hoặc các dinh nhỏ biết trước là quân giặc đến, cứ nên đóng quân không động, để cho quân giặc vào hết rồi sau mới đánh trống, các dinh đồng thời ứng phó, các bảo đều đốt lửa soi vào, quân sĩ các dinh đều đóng cửa lên thành mà la hét xuống quân địch, nỏ cứng cung khỏe bốn mặt đều bắn. Nếu địch đi lén vào một dinh thì dinh bị đánh đốt lửa, cho quân ra đứng vây quanh và ra hiệu lệnh trong dinh không được rối động. Trong khoảng chốc lát, thiện ác tự sẽ chia ngay. Nếu kẻ nào chạy ra thì đều vương lưới cả. Ngày nay lập dinh rộng rãi thông suốt, nếu ban đêm có giặc đến đánh, thì trong quân của dinh bị đánh không ai là không rối sợ. Dù có đặt nhiều thám thính, nghiêm việc phòng bị, trong khi đêm tối cũng chẳng phân biệt được ai, dù có tốn nhiều công cũng chẳng được gì.

    Phàm đánh vỡ giặc rồi, thì phát thẻ cho binh đi tuần đêm để biết rõ sự canh phòng. Mỗi đội phát treo một chiếc đèn trên cờ hiệu, mỗi tiêu phải treo hai đèn ở trên cờ hiệu, mỗi ti phải treo ba đèn ở trên cờ hiệu, nhưng cờ chính thì dùng một đèn; cần phải treo cao thấp cho đúng cách thức. Ban đêm các dinh đều chiếu theo số đèn đã định, các dinh thì trông đèn ở trung dinh, các bả tổng thì trông đèn của dinh mình, các tiêu thì trông đèn của đại ti, các cơ thì trông đèn của tiêu mình, các đội thì trông đèn của cơ mình, các binh thì trông đèn của đội mình; đêm trông đèn cũng như trông cờ ban ngày. Đèn thì chuẩn bị trước, trông theo hiệu lệnh ở trung quân; treo lên đèn lồng, đều có ám hiệu ở trên, không cho trùng. Lại cứ cách bản dinh ngoài 30 bước thì phải đốt một đống củi, để ta có thể trông thấy giặc, giặc không thể trông thấy ta được. Người đốt lửa và mỗi người đứng canh gác ở cột cờ đều phải xin ám hiệu mà đi.

    Phàm mỗi ngày, đến giờ dậu ngu hậu phải tới mạc phủ đại tướng quân xin hiệu. Sổ viết hiệu đóng giấy 24 tờ, mỗi tờ chia làm 15 dòng, ở trục đầu dòng thì viết 6 hiệu quân và năm tháng ngày nào; sau giờ tị là giờ ra hiệu ở sổ, đại tướng quân tùy ý mình, theo một dòng mà viết chữ, chữ trên là chữ hét hỏi, chữ dưới là chữ đáp lại, mỗi đêm viết một dòng. Quyển sổ có 24 tờ cộng là 360 dòng, hết một năm thì hết sổ, phải đổi sổ khác; như gặp năm nhuận thì đóng thêm 2 tờ. Chữ hiệu không được phạm chữ húy của nhà nước và chữ húy của đại tướng quân, nguyên súy, đô thống.. Những ngu hậu đi tuần và các ngu hậu của chư tướng, khi đại tướng quân ra hiệu phải phân minh biên rõ lấy. Phàm những chữ hét hỏi và đáp lại đều là các hiệu đại cương thôi, đến khi có báo động, hoặc sợ địch ăn cắp, hoặc sợ có nội ứng thì không chuyên theo một hiệu đã định, nên gặp việc thì thay đổi, hoặc qua mặt giờ thì đổi, hoặc đến sáng thì đổi. Ban ngày lấy tấm giấyngũ sắc làm hiệu, giấy cũng nên thay đổi hàng ngày. Như khi chia đi đánh úp hay đặt quân phục, ban ngày hoặc lấy cờ dựng ở cửa làm nêu, lấy màu làm hiệu, chiều tối và ban đêm thì thổi còi hay đánh trống nhỏ, đánh chậu đồng, gõ tấm gỗ v. V.. những tiếng ấy có thể đi xa hơn một dặm, hay sai người kêu to làm ứng nghiệm, việc đó tùy theo đại tướng quân lâm thời xếp đặt.

    Phàm đặt phô, mỗi ngày giờ tuất (8, 9 giờ tối), giờ thìn (8, 9 giờ sáng), phải đánh trống nghiêm, ngu hậu lãnh các đội giáp sĩ, dựng cờ xí lập khẩu hiệu, đi tuần ở trong quân và trên thành, ngoài dinh thì đi tuần ở đồng, đặt phô bí mật: Kẻ ngồi canh hét hỏi: "Ai?", người đi trả lời. "Ngu hậu tổng quản Mỗ". Người ngồi hét: "Làm gì?", người đi trả lời: "Đặt phô", như thế ba lần hét ba lần trả lời, rồi người ngồi nói: "Ngu hậu tổng quản đi".

    Phàm dinh canh đêm, mỗi phô 10 người, mỗi canh 1 người, theo khắc lậu mà đánh hiệu. Một người chuyên nghe vặt, dù việc người nằm mê khiến người ta kinh hoảng cũng nên cảnh giác. Lâm thời hoặc thêm trống hiệu, hay dùng cung tên để ứng. Như thế thì quân gian không thể làm gì được. Sách Miếuchú ( ) chép rằng chỗ đặt phô canh, nên đặt cả phô chó nữa, vì khi đóng quân ở trong cõi giặc, tướng sĩ đi xa mỏi mệt, nhờ chó để báo động cho.

    Phàm các dinh ban đêm phải chiếu theo lệ định đèn đuốc làm hiệu. Đều trông xem đèn lồng mà theo, các tiêu thì trông đèn trung quân, các đội thì trông đèn của tiêu mình, các binh sĩ thì trông đèn của đội mình, nếu lầm thì xử theo quân pháp, so với ban ngày nặng hơn một bậc. Nếu gặp mưa to gió lớn thì trông bó đuốc.

    Phàm ở cạnh nơi đặt dinh, hoặc chọn địa lôi, hoặc dùng mộc pháo, treo máy ở đường, khi địch đến, máy động lửa rơi, pháo tức thì nổ, chẳng những làm cho quân địch sợ mà cũng có thể báo động cho quân ta phòng bị.

    Phàm ở ngoài tám mặt nơi đặt dinh, cách dinh 1, 2 dặm thì đốt lửa sáng, có quân giật máy chực đấy, để địch ở chỗ sáng mà mình thì ở chỗ tối. Một khi trông thấy bóng giặc thì ngầm phát cung tên và đại pháo mà giết. Nếu đối lũy với địch thì mỗi đội đốt một đống lửa.

    Phàm ban đêm có giặc phạm vào đại dinh, thì quân kỳ và quân phục đặt ở xa thấy giặc giao chiến với đại dinh phải trích dùng vài chục hảo hán cho hò hét đằng sau để làm cho giặc ngờ, thừa cơ cũng có thể đánh thắng được, mà nơi đóng thì đã ở trong khoảng rừng cây núi đá, nên buộc thuốc súng và củi cỏ, hoặc chủ tướng sai người đặt máy móc để lâm thời đốt lên, như thế có thể khiến đại dinh biết là có địch, và làm cho quân địch hoảng sợ, ngỡ là quân phục của ta nhiều lắm.

    Dinh ngầm.

    Mao tử nói: Việc quân có hư thực, không khó ở thực, mà khó ở hư. Việc trong thiên hạ đều thế cả. Nếu không có phép để làm thì muốn khiến cho nghìn muôn người không tiếng không hình, có thể được không? Cho nên phải đón nghe lời của Thích tướng quân(18) như sau:

    Phàm chỗ đóng quân kín, đến lúc thì mới truyền cho biết, phải nổi ám hiệu đề truyền lệnh ước thúc, không được dùng lệnh phiếu mà dùng đi tuần để xem. Khi mới bốc đi hay khi mới đóng thì trong quân không động xe, động cờ, không khua trống, không phóng pháo, không thổi đánh gì, tức phải dùng ám hiệu.

    Muốn hạ dinh ngầm thì các dinh đem đèn lồng châm lên; dùng chén đèn có chụp để hết ở đất, không thể không chuẩn bị, khi cần đến thì đốt lên, nếu để một lúc mà làm thì không thể kịp.

    Trung quân trước hết dùng hai cái lệnh tiễn truyền cho tướng các dinh được biết, rồi thông truyền cho các đội trưởng một lượt, rồi lại chuyển cho tiền tiêu. Người đội trưởng thứ nhất cởi lấy một cái, giao cho bả tổng ti thứ nhất(19) thu xét, và truyền trả một cái trở về. Lệnh truyền hạ ám dinh thế là mọi người đều biết. Chờ truyền một cái tên nhỏ ngắn để giao cho tiêu (20) làm bí mật. Trước đã có sai quan ở đó, hỏi ám hiệu đúng thì cho họ điều độ mà bí mật hạ dinh. Nếu đặt dinh có cái gì sai thì cho một người bí mật đi, sẽ nói để sửa đổi, không cho nhiều người kêu to. Làm trái thì xử theo quân pháp.

    Quân ta mỗi ngày đi đường bao nhiêu, địch có thể dự tính được cả, nhưng chỗ quân ta đặt dinh thời giặc không thể dự biết được. Chỗ đặt dinh có núi hiểm để phục binh và chỗ kiếm củi lấy nước phải đến, giặc đều có thể biết được. Vả quân ta tất phải theo đường quanh núi, nếu thuận tiện theo cây xanh rậm rạp, thì núi không có đường cũng có thể theo tắt vượt hiểm mà đi. Ở những nơi dinh ta gần kề núi hiểm, thì địch có thể tốp 3 tốp 5, ngày nấp đêm dậy, nổ súng reo hò, dụ quân ta ra khỏi dinh, để chúng bắt kéo vào nơi cỏ rậm, trộm bắt người và súc vật như thế để làm kế quấy phá, khiến ta ngờ sợ không dám ở lâu. Ta thì trong lúc chưa dời quân, hãy trước đem người hướng đạo tìm lấy nơi đặt dinh rồi sau mới dời. Khi đến nơi ấy thì xem thế hiểm để củi nước, tìm chỗ có thể đặt phục được thì giữ lấy trước mà đặt phục để chờ giặc đến, như thế thì tay trên đã thuộc về ta. Còn phép dời dinh và đặt quân phục ở đường thì nhẩn nha mà làm, không nên làm cho quân chán phiền mệt nhọc.

    Phân biệt gian tế.

    Phàm binh lính các xứ lui về đều có phiếu văn của nha môn văn võ chắp chiếu, khi họ tản về dân gian không thu lại được. Lúc bình thời hành quân ở nơi dinh dã, nếu có bọn gian cầm được phiếu văn ấy nói là xin đầu quân để mưu điều biến trá, thì không hỏi là thực hay giả, đều xem là gian tế, bắt chuyển ngay giao về cho người có trách nhiệm trong quân để tra xét định đoạt.

    Phàm quân đi đến thôn xã nào nên dừng lại, thì phải đóng quân ở ngoài, đừng vào vội, trước gọi phụ lão trong thôn và lý dịch văn thân mấy người đến, vui vẻ hỏi han vỗ về như thường, xét thấy tình dân hướng thuận, bấy giờ mới có thể đóng quân. Sức cho lý dịch trong làng đem đinh tráng canh phòng các ngả đường, lưu các phụ lão văn thân ở lại nói chuyện, rồi sau chia binh ra bốn mặt phòng giữ; đều bày rào tre và chông tre để tự vệ. Ngoài thì đặt quân tuần và quân canh. Đêm thì chứa củi đốt lửa để soi quân gian. Những binh phòng thủ và binh sách ứng, cũng theo như phép đóng đồn. Binh pháp nói "Nhiều thì chia ít thì nhóm", thế cho nên quân chia làm nhiều toán để đóng đồn, cùng nương tựa nhau, cùng cứu ứng nhau, có phòng bị thì không phải lo vậy.

    Phàm đông quân ở nơi rừng núi đầm bãi, nên chia chiếm đóng các gò đống cao, cùng các chỗ khe suối đầm bãi; lại chia ra các ngả đường đi lại, nên lấy gỗ đá chặn lấp làm cửa lũy. Cũng phái nhiều quân tuần quân canh đề phòng ở ngoài. Quân canh thì đốt lửa cháy to, ngồi ở trong tối nhìn ra. Binh pháp nói "Giữ được nơi cao trước thì thắng", vì rằng núi cao lên được trước thì có thể phòng được nước độc. Cho nên khe suối nên giữ. Đến như gặp địch, thì hiệu lệnh cũng y như phép đóng đồn, không phiền nói nữa.

    Phàm đóng đồn ở nơi đồng rộng, thì y theo các thức đồn như bát quái, lục hoa, ngũ phương, thất tinh, tùy nơi mà phân bố, liệu thế gần xa rộng hẹp mà nương tựa nhau, hoặc như thế trường xà, đầu đuôi nhìn nhau, tả hữu giúp nhau. Duy đại tướng ở trung quân thì thiết lập đài cao hay lầu thang, ngày đêm phái người trông xa. Đồn lũy ở ngoài nên làm khuất khúc, trong ngoài đào hào, cổng ngõ che lấp. Quân tuần quân canh cũng y như trước, duy mật phái nhiều người cẩn tín ngầm đi dò xét, sợ bọn gian nhân sơ hở lẻn vào. Gần đấy có rừng rậm thì phải đặt quân ngày đêm thay đổi canh phòng cẩn thận, không nên trễ tràng, như thế thì địch không dám phạm.

    Phàm quân đi tới nơi nào nên dừng lại ngủ đêm, phải đến giờ thân thì dừng, không nên đi đến tối. Trước hết phái lính cưỡi ngựa mật truyền cho quân các toán biết, để sức cho du binh đi trước tìm tòi, và phái người hiểu biết công việc cưỡi ngựa đi trước mà xem xét địa thế hiểm dễ và các đường đi lại khuất khúc thế nào, vẽ tạm một bản đồ dâng trình. Toán nào nên ở chỗ nào, đều truyền báo trước. Trung quân thì đại tướng ở giữa; y theo tiền hậu tả hữu các toán phân bố bốn bên. Giao cho binh các toán đóng ở ngoài để hộ vệ trung quân; tùy địa thế mà ở, đều theo đội ngũ, không được lấn vượt nhau. Ở ngoài thì phái du binh đi tuần các phía để dò xét. Các ngả lại đặt binh xích hậu để giữ các đường yếu lộ. Chất củi khô ở xa trước xích hậu cách 4, 5 trượng đốt sáng để soi phía trước, khiến quân gian không thể náu hình. Lính canh thì ở trong chỗ tối mà rình, ở tối nhìn ra sáng rất dễ. Lính trú thì cần phải im hơi tiếng, để nghiệm việc tuần xét. Nhân khẩu của dân thì cử lý dịch sở tại khai nhận số người, bất thình lình xét hỏi để phòng bọn gian lẻn vào dòm nghe. Năm canh đều phái người đi tuần phòng và cho khẩu hiệu. Cấm binh và dân không được giao tiếp chuyện trò, sợ tiết lộ binh cơ.

    "Chú giải"
    1. Phi lâu: Chòi bắc trên cao.

    2. Mục này trích ở sách Hổ trướng khu cơ , ở đây xin bỏ, xem Hổ trướng khu cơ ở sau.

    3. Tham khảo Võ bị chế thắng chí , quyển 3 chương XX "Dinh địa".

    4. Mộc mã: Tức ngựa gỗ, cũng gọi là cự mã mộc, tức là cái cản gỗ chống ngựa, người ta dùng để chống ngựa và voi.

    5. Tôn tử , thiên IX.


    6. Xem Võ kinh trực giải , phần "Lục thao".

    7. Hổ trướng khu cơ cũng chỉ nói nếu giặc đốt thì ta cũng đốt ở xung quanh ta, lửa của giặc đến thì lửa của ta đã tắt, ta nhắm chỗ đất đen là chỗ đã đốt cháy mà đóng thì lửa của giặc không làm gì được, chứ không nói hai lửa gặp nhau.

    8. Từ đây trở xuống trích ba chương của sách Hổ trướng khu cơ , đây xin bỏ, xem Hổ trướng khu cơ ở sau.

    9. Trở xuống 9 mục đều xem thêm Võ kinh tổng yếu , Tiền tập, quyển 6, chương "Chế độ III".

    10. Phô canh là khoảng bày quân canh phòng ở quanh dinh.


    11. Tức là Mao Nguyên Nghi, tác giả sách Võ bị chí .

    12. Phô ngầm, tức là phô canh bí mật.

    13. Đuốc chưa đốt, nhưng giấu sẵn lửa để địch khỏi thấy và khi cần thì đốt đuốc ngay được.

    14. Võ bị tổng yếu , Tiền tập, quyển 5, mục "Cảnh bị" chép là 20 bước.

    15. Binh lẻ, đối với binh chính.


    16. Tức binh đi tuần.

    17. Thang của người Hồ không rõ hình chế thế nà
    o.

    18. Tức là Thích Kế Quang, người đời Minh, giỏi binh pháp, có sách Kỷ hiệu tân thư, Võ bị tân thư.

    19. Ti ở dưới dinh.


    20. Tiêu ở dưới đinh và ti, ở trên cơ và đội. [
    /SPOILER]
     
    Chỉnh sửa cuối: 16 Tháng mười một 2018
  9. Dương Thần

    Bài viết:
    76
    Quyển 2:

    IV: Tuần canh

    "Click here"
    Phàm quân đi, ngủ đêm và đóng đồn ngủ đêm, cần phải năm canh tuần phòng canh giữ cho đến sáng rõ (địch thường nhân lúc buổi tối và khoảng trống canh tư trống canh năm mà đánh úp, nên phải giữ cẩn thận). Phép canh thì mỗi đội nguyên có 4 thập, 1 viên suất đội, 4 đội viên trưởng, mỗi canh mỗi thập 2 tên, cộng là 8 tên. Canh một thì suất đội đốc coi, canh 2, 3, 4, 5, mỗi canh một người đội trưởng đốc coi. Mỗi thập 2 người canh thì một người cầm giáo, một người cầm súng, một người đứng, một người ngồi, luân phiên thay đổi, một người trông ngoài để phòng kẻ gian, một người xem trong để xét ở trong. Hoặc có người lính nằm mơ sợ hãi, thì người lính canh một mặt bưng giữ lấy miệng một mặt đánh thức người nằm mơ ấy tỉnh dậy, đừng để kêu to. Nếu lính canh không giữ miệng và thức tỉnh người mơ để đến nói bậy làm kinh động thì người lính canh phải xử chém, người lính nằm mơ thì giảm một bực mà trị. Trong năm canh phái nhiều quân đi tuần (theo binh pháp có 1000 người thì lấy 500 người làm sách ứng, 500 người chia đóng giữ, đóng đồn, canh giữ, đi tuần, để phòng có bạo động ban đêm và phái quân tiếp ứng).

    Đại tướng ban đêm lấy còi gọi quân đi tuần (ở mặt trận, mỗi canh một lần đi tuần, lúc bình thường thì vào khoảng canh ba, canh tư, thổi còi đi tuần cho nghiêm việc phòng bị). Khi nghe trung quân thổi còi thì người lính canh gọi người lính nằm tỉnh dậy, đều cầm gươm súng, y theo chỗ của mình mà chờ đợi, sẵn sàng chiến đấu. Nghe một hồi còi rồi thì lặng ngồi mà nghe. Như có việc chiến đấu thì đợi được lệnh truyền, như không có việc lại nghe có 3 tiếng còi nữa là thôi, người canh đổi canh, người nằm vẫn nằm. Phép khẩu hiệu, như ở mặt trận thì mỗi canh một lần đổi, như bình thường thì năm canh đổi một khẩu hiệu, sợ khẩu hiệu tiết lộ ra ngoài. Như hỏi: chiến , trả lời: thắng , hỏi: yên , trả lời: không , ba lần như thế. Ám hiệu bằng hỏa mai thì một cây chỉ về trước, hoặc về bên tả, hay 2, 3 cây không nhất định. Việc binh thuộc về âm, nên chủ im lặng. Ban đêm, kẻ nào nói to làm kinh động, thì chém không tha.

    Phàm đồn quân ra vào, nên đi quanh mà không nên đi thẳng. Ngoài đặt bình phong che cửa (hoặc bằng đất hoặc bằng gỗ, tùy dụng) để phòng súng đạn và xung phong. Hai bên tả hữu thì chứa nhiều gạch đá để phòng ném xuống. Hoặc có vôi bột hay tro nóng thì rất tốt, để phả vào mắt người. Hai bên cửa lại trồng cột cao để treo bó đuốc, khi có việc đốt lên cho sáng. Thân lũy dài thì cách 2, 3 trượng treo một cây đuốc để phòng soi đêm. Hai bên cửa đều đặt súng lớn, bắn xa nạp đạn chiến, bắn gần nạp đạn ria, đạn hột đậu. Lính canh giữ cửa thì phái một đội quân, 1 suất đội; 4 đội trưởng, 40 tinh binh (trừ hỏa binh ra), súng chim 20 khẩu; bên tả cửa thì đội trưởng 1 người, lính 10 người (súng chim 5 cây giáo nhọn 5 cây), bên hữu cửa cũng thế, để hộ vệ súng lớn và hai bên cửa; suất đội 1 người, đội trưởng 2 người, lính 20 người (súng chim 10 cây, giáo nhọn 10 cây) canh giữ cửa chính. Ngoài lũy thì trồng tre nhọn 3 trượng để phòng sự xung phong của địch. Khi có việc thì không kỳ ngày đêm, đều theo bổn phận của mình mà phòng giữ, tùy theo trường hợp nhẹ nặng, phái quân sách ứng, tiếp đến phụ chiến. Ở trong đồn lũy thì lập đài thang để trông xa. Quân canh giữ không được lìa chỗ, người ngoài không được lẻn vào, trái thì chém.

    Thu và tan canh.

    Phàm cuối giờ dậu thì thu canh, đầu giờ dần thì tan canh. Đến giờ thu canh, tướng hiệu ở trong đồn bày đặt chiêng, thanh la, trống, ba khẩu súng. Thổi còi một lượt để cho ba quân nghiêm sự nhìn nghe. Quân sĩ đều nghiêm túc ở trại mình. Trống, chiêng, la đều đánh một tiếng, mõ ứng theo 3 tiếng, đều ba lượt như thế với 3 tiếng lẻ, rồi bắn 3 tiếng súng lệnh. Khi tan canh cũng y như thế, mà miễn đánh mõ. Lúc thu thì tiếng hơi thưa, lúc tan thì tiếng hơi dày.


    V: Quân tư



    "Bấm vô coi"
    Lương . Phép trù lương, đại ước tính hằng năm thì nên lập đồn, tính hằng tháng thì nên vận chở, tính hằng ngày thì nên lưu cấp. Đường đi nghìn dặm thì việc vận chở và lưu cấp phải cùng làm, mà khi dời đổi không thường thì việc chuyển dời và lưu cấp cũng phải cùng làm. Nhưng khi cấp bách quá, không kịp dùng chảo nồi thì dùng lương khô. Bằng lấy được lương của địch, cùng là không mà làm ra vẻ có, rỗng mà làm ra vẻ đầy, đường vận tải đứt mà bị vây lâu, phải tìm trăm thức để nuôi sống, thì đó chỉ là cách cứu nhất thời, chứ không thể làm thường xuyên được. Việc ăn là việc gốc của dân, là việc tính mệnh của binh, tất phải mưu sao cho không hết, chở sao cho có luôn, hộ vệ sao cho chu đáo, tiêu dùng sao cho có chừng.

    Sách Yên thủy thần kinh:

    Phép dùng khi không có nước . Phàm gặp chỗ đóng dinh không có nước, thì tìm nơi nào có nhiều lau sậy mọc và có lỗ mối đùn, ở dưới tất có suối ngầm; hay tìm đường có dấu chân thú đi, theo đó không xa hẳn là có nước.

    Phép cướp lương . Phàm quân địch xông lại cướp lương thì mũi nhọn tất hăng, quân lương của ta ít, nên lánh mũi nhọn ấy đã, đợi khi chúng trở về, vai mang hẳn nặng, trong bụng tất sợ ta, ta sai quân phục ở đường trọng yếu, vùng dậy đánh là lấy được lương.

    Sách Võ bị chế thắng chí 1 :

    Đem lương . Phàm nghìn dặm đem lương, quân có sắc đói, kiếm củi hái rau rồi sau mới nấu cơm, thì quân không được ngủ no. Huống chi đi sâu vào đất địch, xe chở lương không thông được, phải đánh úp địch để lấy lương. Tuy nói lấy lương ở địch, nhưng cũng lo nó làm cách vườn không nhà trống để chờ mình. Vậy nên mỗi người phải đem vài đấu lương khô có thể dùng được vài tuần. Nếu rút quân ở đường, cách cõi còn xa, lương chứa thiếu thốn, tức phải chọn những trâu ngựa gầy còm để cho quân ăn, ngõ hầu giữ được sức người, không bị giặc làm khốn. Dùng gạo một thạch, đem chưng chín lên, rồi bỏ vào nước tương mà ngâm, dùng lửa sấy khô, lại chưng lại sấy, làm thế mươi lần, có thể được độ 2 đấu. Mỗi lần lấy ăn chỉ một lẻ to, trước lấy nước nóng mà ngâm, đợi cho trương lên, rồi sau đem nấu ăn, mỗi người có thể ăn được 50 ngày.

    Muối 3 đấu, đem trộn với gạo, bỏ vào trong nồi, dùng than lửa rang, làm cho săn lại không tan, mỗi người có thể ăn được 50 ngày, đem đi tháng hè thì hợp.

    Vải to một thước, lấy một thăng giấm chua tẩm đem phơi khô, hễ giấm hết thì thôi, mỗi khi ăn, cắt lấy một tấc mà nấu, có thể ăn được 50 ngày.

    Lấy bột tiễu mạch gói một tấm bánh chưng, tẩm vào một đấu giấm, đem phơi khô, bao giờ hết giấm thì thôi, mỗi lần ăn, lấy bằng 2 quả vông mà nấu, một người có thể ăn được 50 ngày.

    Lấy 3 đấu đậu, giã ra như cao, thêm vào 5 đấu muối, nắm làm bánh, phơi khô để ăn, to bằng hột táo, để thay tương, mỗi người có thể ăn được 50 ngày.

    Như lúc gay go lắm thì các đồ quân trang bằng da cũng có thể nấu ăn để cứu đói được.

    Trên đường hành quân thì tước lấy vỏ cây thông, mỗi 10 đấu vỏ thông thì cho vào 5 lẻ gạo để nấu, sai nấu chín nhừ ra, nửa đấu một người có thể ăn được một ngày.

    Mỗi người đem đi nửa cân vừng, gặp lúc khát thì nhấm 30 hột là khỏi khát ngay; cũng có thể đem ô mai hay tương quả; mỗi người mang theo một quả bầu hay ống tre, túi da, có thể chứa độ 2 cân, liệu nước ở đường trước mà đựng nước đem theo. Quân ngựa thì mỗi người đem tương khô cho ngựa, sợ ngựa khát.

    Đời gần đây lính biên phòng đi xa thì có các thứ bánh bột, cơm nắm, túi miến. Bánh bột dùng bội gạo làm miến, hòa vào nước sôi làm thành bánh, dày một phân, đợi nguội cắt vòng như con cờ, phơi khô cất đi, như ở dinh trại thì dùng nước nóng ngâm mà ăn, như đi đường và trong chiến trường thì ăn khô, vị ngon mà khỏi khát, hơn các thứ bánh tạp. Còn cơm nắm túi miến thì đều làm theo phép thường, duy phải phơi cho rất khô, để có thể đem đi và để lâu.

    Tìm nước . Trong khi hành quân, nên trước chọn suối nước. Theo phép cũ thì quân đi trước và quân đi sau phải trông coi việc cỏ nước, giữa đường gặp nước thì nên kéo cờ đen để báo cho mọi người.

    Phàm quân đến đâu thiếu nước, thì xem chung quanh đấy thấy có dấu đường ngựa bò đi, thì tìm xem dấu đến đâu, hẳn là có nước.

    Phàm ngoài đồng thấy nơi nào chim muông tụ họp hay nơi có loài chim nước họp thì đấy phải có nước.

    Phàm chỗ đất mọc lau sậy cỏi lác và có đống mối đùn thì ở dưới hẳn có suối ngầm.

    Có thuyết nói lạc đà hay biết chỗ có nước, khi đi đường bị khát, thì nó quỳ xuống trên cát, đào dưới đấy thì có mạch nước.

    Đại phàm quân đi về tháng mùa đông, mỗi người đều mang một cục nước đá, trời lạnh không tan được, cũng có thể phòng khát.

    Phàm suối nước ở cách dốc núi thì lấy ống trúc lớn, chọc thủng mắt đi, để ngọn ống này đút vào gốc ống kia, rồi lấy dâu và vôi hay sáp ong gắn liền cho khỏi chảy nước, đẩy đầu ống trúc cắm vào trong nước tới 5 thước, rồi ở cuối ống đốt củi thông hay cỏ khô, khiến cho hơi ở trong ống trúc ngầm thông vào nước, thì nước từ trong chảy ngược lên.

     
    Chỉnh sửa cuối: 16 Tháng mười một 2018
  10. Dương Thần

    Bài viết:
    76
    Quyển 2:

    VI: Hình thế

    "Click here"
    Sách Kinh thế:

    Xem nơi đóng quân.

    Phàm tiến quân đánh địch, trước hết phải xem hình thế đất địch: Mười dặm thì có hình thế mười dặm, trăm dặm thì có hình thế trăm dặm, nghìn dặm hay mấy nghìn dặm đều có hình thế cả; tức trong khoảng mấy nghìn dặm, một dinh một trận cũng đều có hình thế. Một hình thế tốt có họng, có lưng, có hông hữu, hông tả, có chỗ căn cơ yếu hại, mà có thể cậy được là cậy ở núi, cậy ở sông, cậy ở thành vách, cậy ở quan ải hiểm trở, cỏ cây rậm rạp, đường sá lẫn lộn. Đánh địch thì phải biết đường nào nên tiến, chỗ nào nên đánh, đất nào nên tới, chỗ hở nào nên lợi dựng, núi nào nên đặt phục, đường lối nào nên qua, chỗ hiểm nào nên giữ, để tiện cho quân kỵ, quân bộ, tiện cho đoản binh trường binh, tiện cho trận ngang trận dọc; đã tính toán rồi thì sau mới có thể chẹt họng hay vỗ lưng, hoặc xuyên hông, hoặc nắm nơi căn cơ yếu hại. Cậy núi thì tìm phép để vượt qua núi; cậy sông thì tìm phép để sang qua sông; cậy thành vách, quan ải, đường sá, cỏ cây, thì tìm cách bạt thành, phá vách, vượt quan qua ải; đốt cây trừ cỏ, khảo xét những đường to ngõ tắt. Thế ở ngoài thì đừng khinh suất mà vào sẽ như cá trong nồi, khó mà thoát khỏi. Thế ở trong thì đừng đi quanh lượn, sẽ như hổ tìm dê trong chuồng, không thể ăn được. Cho nên thành mà không có quân phục thì khó đánh; quân mà không có hướng đạo thì khó tiến; núi sông nhờ người ngựa mà giữ bền, nếu người có thể chống cự được thì núi sông có hiểm gì đâu?

    Đất có hình thế ở nước Thục không đâu bằng núi Điếu-ngư. Xin kết với chư hầu, nếu dúng được người và chứa thóc mà giữ thì có thể giỏi hơn 10 vạn quân nhiều lắm. Ba Thục không đủ giữ được.

    Trước có người bạn hỏi ta rằng: Địa lý thế nào? (1)

    Sách Tôn tử:

    Hình đất có nhiều thứ, có thông, có quải, có chi, có ải, có hiểm, có viễn. Ta có thể đi, địch có thể lại, thì gọi là thông . Hình đất thông ta chiếm trước, lấy được chỗ cao sáng, lợi đường vận lương, đánh thì có lợi. Có thể đến dễ mà trở về khó, thì gọi là quải (vướng). Hình đất quải hễ địch không phòng thì ra đánh thắng được, bằng địch có phòng thì ra đánh không thắng được, khó trở về, không lợi. Ta ra mà không lợi, nó ra cũng không lợi, thì gọi là chi (cầm). Hình đất chi, địch tuy lấy lợi nhử ta, ta không ra, đem quân bỏ đi, để địch ra nửa chừng mà đánh thì lợi. Hình đất ải (hẹp) mà ta đến ở trước rồi thì phải đóng chặn cửa ải mà chờ địch. Như địch đến ở trước, nếu nó đóng chặn cửa ải thì ta không theo vào, không đóng chặn thì ta theo vào. Hình đất hiểm mà ta ở trước thì phải đóng trên cao để chờ địch. Như địch ở trước thì ta bỏ đi không theo vào. Hình đất viễn (xa) thì thế đều nhau, khó mà khiêu chiến, chiến thì không lợi. Phàm sáu hình đất ấy là đạo lý về đất, người làm tướng gánh vác không thể không xét kỹ (2).

    Trong phép dùng binh, có đất tán, có đất khinh, có đất tranh, có đất giao, có đất cù, có đất trọng, có đất dĩ, có đất vi, có đất tử. Nước chư hầu tự đánh ở đất mình, gọi là đất tán (tan). Lấn vào đất người mà không được sâu, gọi là đất khinh (nhẹ). Ta được thì lợi, họ được cũng lợi, gọi là đất tranh (giành). Ta có thể đi, họ có thể đến, đó gọi là đất giao (xen nhau). Đấtchư hầu kề liền ba nước, đến trước mà được quân của thiên hạ giúp thì gọi là đất cù (đường thông). Vào sâu đất người, quay lưng lại nhiều thành ấp, thì gọi là đất trọng (nặng). Rừng núi hiểm trở lầy lội, đường sá khó đi, thì gọi là đất dĩ (lún). Lối đi đến thì hẹp, lối về thì cong, họ ít có thể đánh ta nhiều, thế gọi là đất vi (vây). Đánh gấp thì còn, không đánh gấp thì mất, thế gọi là đất tử (chết). Cho nên đất tán thì không nên chiến đấu; đất khinh thì không nên dừng quân; đất tranh thì không nên đánh; đất giao thì không nên bỏ dứt; đất cù thì giao kết; đất trọng thì cướp lấy; đất dĩ thì đi tới; đất vithì lập mưu; đất tử thì đánh. Gọi là người giỏi dùng binh đời xưa biết làm cho địch. Trước sau không tiếp kịp nhau, nhiều ít không cậy nhau, sang hèn không cứu nhau, trên dưới không giúp nhau; binh tan mà không hợp, binh hợp mà không đều; hợp với lợi thì động, không hợp với lợi thì dừng(3).

    Cải biến của chín đất, cái lợi của sự co duỗi, cái lẽ của tình người, không thể không xét. Phàm đem quân vào đất người, ở chỗ sâu thì phải chuyên, ở chỗ cạn thì phải tán. Bỏ nước vượt bờ cõi mà mang quân đi, đó là ở đất tuyệt; bốn mặt đều có đường thông, đó là đất cù; đi vào sâu là đất trọng; đi vào cạn là đất khinh; trở lưng ra nơi vững, trước mặt thì chật hẹp, đó là đất vi; ở vào nơi không thể tiến được, đó là đất tử. Thế cho nên ở vào nơi đất tán thì ta phải một lòng; ở vào nơi đất khinh thì quân phải liên tiếp; ở vào đất tranh thì ta ruổi đi sau; ở vào đất giao thì ta giữ cẩn thận; ở vào đất cù thì ta kết cho chặt; đất trọng thì ta phải tiếp lương thực; đất dĩ thì ta phải tiến lên (cho mau) ; đất vi thì ta đóng chặn chỗ hở; đất tử thì ta tỏ là không cần sống. Cho nên tình của binh, địch vây thì chống, không được thì đánh, nó qua thì theo (4).

    Quân đi, thích chỗ cao mà ghét chỗ thấp, quý chỗ sáng mà rẻ chỗ tối(5) . Phàm hình đất các nơi đều có khác nhau, gọi là tuyệt giản, thiên tỉnh, thiên lao, thiên la, thiên hãm, thiên khích(6) . Quân đi gặp những hình đất ấy thì kíp xa ngay mà đừng có tới gần. Ta lánh xa cho địch tới gần, ta hướng vào đấy cho địch dựa vào đấy(7) . Thế cho nên hành quân nên xa sau chỗ hại đó.

    Người đánh giỏi vì có đất mà mạnh, vì có thế mà thắng; như chuyển nghìn hòn đá ở trên núi nghìn nhẫn (8) , chỉ nhờ có địa thế. Binh vì có đất mà mạnh; đất vì có binh mà hay. Người giỏi dùng binh thì (địch ở) núi cao chớ nghển (lên mà đánh, địch) dựa vào gò chớ đón (mà đánh) (9), quý chỗ sáng mà rẻ chỗ tối, nuôi lấy sống mà ở chỗ chắc(10) , thế thì không có hại gì hết.

    Xưa Cao tổ giữ đất Quan-trung, Quang-vũ giữ đất Hà-nội, đều là nơi rễ sâu gốc bền để chế thiên hạ, tiến có thể thắng được địch, lui có thể đủ giữ bền, cho nên dù có khi khốn bại mà sau cùng thành được nghiệp lớn. Tướng quân vốn lấy Duyện-châu làm đầu.. và Hà Tế(11) là đất trọng yếu của thiên hạ.. đó cũng là Quan-trung, Hà-nội của tướng quân, không thể không dẹp trước.. (12) . Nay địa thế không có lợi, chưa thấy có nơi nào dùng được. Nên chọn gò cao để giữ, khiến địch không thắng được. Địch giữ chỗ hiểm lấy làm bền, trước mặt là núi cao, sau lưng là thành dài, quân ta ở trên núi đánh xuống hẳn phải vỡ.

    Sách Hồng vũ đại định:

    Phép địa lợi ở trên núi cao đánh xuống thấp: Địa thế ở trên núi cao lợi, xông đánh xuống thấp thì thắng; lợi dùng cán thương, không lợi dùng lá chắn. Ta tới trận địa, trước phải nhằm nơi gò cao mà giữ, khiến địch ở dưới thấp; hay ở nơi gò cao chằm lấy, thì ta nên đến trước gò cao khiến địch ở dưới thấp.

    Lời quân sấm nói:

    Đất nổi gò cao, đến chiếm ào ào.

    Núi không cỏ cây, nước không sông dài,

    Lợi cao đánh thấp, không lợi ẩn nấp.

    Từ cao đánh hăng, giặc không dám đương.


    Đó là nói lợi cao đánh thấp. Nếu giặc đã chiếm giữ làm kế lâu dài thì ta không đánh.

    Sách Võ kinh:

    Thái tôn nói: Thái công nói lấy bộ binh và quân xa kỵ để đánh tất phải dựa vào gò mả hiểm trở, mà Tôn tử lại nói rằng chỗ đất thiên khích và nơi gò mả thành cũ, quân không nên ở là thế nào?

    Tĩnh nói: Việc dùng binh là ở một lòng; một lòng là cấm giới rõ ràng, bỏ sự ngờ vực. Nếu chủ tướng có chỗ nghi kỵ thì quân tình lay động; quân tình lay động, thì địch thừa hấn mà đến. Đóng dinh giữ đất chỉ tiện cho quân sự mà thôi. Đến như những nơi giản, tỉnh, hãm, khích (13) và các chỗ lao, la (14) thì nhân sự không tiện, cho nên nhà binh phải bỏ mà lánh đi, để phòng địch thừa thế đánh ta. Gò mả thành cũ không phải là nơi hiểm tuyệt, ta được nơi đó mà lợi thì sao lại bỏ mà đi? Lời Thái công nói là điều chí quan yếu cho nhà binh vậy(15) .

    Sánh Kinh thế:

    Người giỏi dùng binh cần phải lượng thế. Ở vào một góc, mà thiên hạ lung lay, không ai ở yên được, là vì nắm được chỗ tay trên vậy. Lấy ít chọi nhiều mà bền sắc phải tránh phải vỡ, không ai dám tranh, là vì chẹt được nơi trọng yếu vậy. Phá một dinh mà mọi dinh đều tan, được một xứ mà các xứ đềutheo, là vì triệt được chỗ họ nhờ vậy. Trận chẳng đợi phải giao hợp, ngựa chưa phải dùng roi cương, địch trông bóng cờ mà đã vội vàng thua chạy, là vì làm nhụt khí nó vậy. Biết xem thế đặt, biết lập thế quân, khéo dùng kỹ thuật, đánh không đâu là không lợi.

    Chế người ta ở lúc nguy nan, chẹt người ta ở chỗ sâu hẳm, nhử người ta vào chỗ phục binh, trương máy đặt cạm, tất tính là địch không thể thoát thì mới phát, vì phát sớm thì địch trốn, mà phát chậm thì lỗi thời. Cho nên người giỏi dùng binh đưa người ta vào chỗ không biết. Cái đạo hành binh, quý nhất là biết địa lợi, địa lợi không rõ thì rất khó ra quân kỳ đặt quân phục. Đến chỗ nào thì tướng và quân coi dinh trước hết phải đem hình thế hiểm dễ của sông núi vẽ thành đồ bản, non non, nước nước, không thể lẫn lộn, mà không cần tô điểm trang hoàng cho đẹp mắt, nhưng phải chủ thích rõ ràng quân ta nên do đường nào mà tiến, nơi nào nên giữ, nơi nào nên đặt phục, nơi có hay không dấu chia đường, nơi nào có thể hợp quân, nơi nào có thể quyết chiến, quân giặc tất do nơi nào mà đến, nơi nào nó có thể mai phục, nơi nào nó có thể chặn sau lưng ta, bằng đối địch thì quân ta nên đóng nơi nào để có địa lợi, nơi nào núi hiểm hang sâu, có rừng rú hay không, trong ấy rộng hay hẹp, nơi nào có thể phục binh được bao nhiêu tên, nhất thiết ghi rõ, dâng lên cho đại tướng, lại thêm ý kiến của mình châm chước kỹ càng.

    "Chú thích"
    1. Đoạn này trích ở Hổ trướng khu cơ, đây xin bỏ, xem Hổ trướng khu cơ ở sau.

    2. Tôn tử, thiên X.

    3, 4. Tôn tử , thiên XI.

    5. Tôn tử , thiên IX.

    6. Mai Nghiêu Thần, một nhà chú giải sách Tôn tử (Tôn tử thập gia chú ) chú rằng: Trước sau hiểm dốc, nước chảy ngang ở giữa là tuyệt giản (suối ngăn) ; bốn mặt đều có suối khe chảy về là thiên tỉnh (giếng trời) ; ba mặt cách tuyệt, dễ vào khó ra là thiên lao (cũi trời) ; cỏ cây chằng chịt, gươm mác khó trở là thiên la (lưới trời) ; thấp lội trơn bẩn, xe ngựa chẳng thông là thiên hãm (bẫy trời) ; hai núi chạm nhau, đường hang chật hẹp là thiên khích (khe trời)

    7. Xem Tôn tử , chương IX.

    8. Nhẫn: Đơn vị để đo chiều cao đời xưa.

    9. Xem Tôn tử , chương VII.

    10. Xem Tôn tử , chương IX.

    11. Duyện châu là miền tây-nam tỉnh Hà-bắc và miền đông-bắc tỉnh Sơn-đông.

    Hà Tế là sông Hoàng-hà về tỉnh Hà-bắc và sông Tế-giang về tỉnh Sơn-đông.

    12. Trích Tam quốc chí, Ngụy thư , "Tuân Húc truyện". Đây là Tuân Húc nói với Tào Tháo.

    13, 14. Thiên giản, thiên tỉnh, thiên hãm, thiên khích, thiên lao, thiên la: Xem chú giải ở trên.

    15. Võ kinh trực giải , phần "Lý Vệ công vấn đối"
    .

     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...