'Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa chỉ căm tức chưa xả thịt, lột da uống máu quân thù.' Những lời văn như dao cắt tim của Trần Hưng Đạo trong Hịch Tướng Sĩ đã kích thích hàng triệu trái tim yêu nước của dân tộc ta. Nay Dương Thần xin được phép gửi đến các bạn một tuyệt phẩm về binh pháp của chính ông Tên Tác phẩm: Binh Thư Yếu Lược Nguồn: NXB Khoa Học Xã Hội Việt Nam Năm sản xuất: 1977 Hiệu đính: Đào Duy Anh Binh Thư Yếu Lược gồm có 4 quyển, với các chương như sau: – Quyển I gồm 9 chương: Thiên tượng, Kén mộ, Chọn tướng, Đạo làm tướng, Kén luyện, Quân lễ, Tuyển người làm việc dưới trướng, Đồ dùng của binh lính, Hiệu lệnh. – Quyển II gồm 10 chương: Hành quân, Hướng đạo, Đồn trú, Tuần canh, Quân tư, Hình thế, Phòng bị, Điểm về việc binh, Phép dùng gián điệp, Dùng cách lừa dối. – Quyển III gồm 7 chương: Liệu thế giặc, Quyết chiến, Đặt cờ, Dã chiến, Sơn chiến, Thủy chiến, Lâm chiến. – Quyển IV gồm 7 chương: Đánh thành, Giữ thành, Công thành, Xông vây – ứng cứu, Lui đánh, Thắng và đặt phục, Phép nhận hạng.
Quyển 1: I: Thiên tượng (Hình tượng của trời) (1) Sách Võ bị chí (2) "Bấm vào xem" Gặp khi đất trời mịt mờ tối tăm, gió thổi cát mù, cờ xí không cắm được, chiên trống không nghe được thì không nên ra quân. Nếu có quân giặc nhân khi tối tăm mà đem kỵ binh mạnh đến đánh, ta phải ra lệnh, nhắc đi nhắc lại, ước thúc ba quân, Bền giữ đinh trận, không được rối động, chỉ lấy lá chắn để đỡ tên đạn, dùng cung khỏe, nỏ cứng, cứ ngồi mà bắn, chờ khi quân định trễ tràng thì đem quân nhanh mạnh, nhân lúc rối loạn không ngờ, ngầm cho hậu quân đón chặn con đường yếu hại địch dùng mà tới để đánh thì có thể bắt được ngay. Gặp khi trời đất gió mưa đen tối mịt mờ bốn bể, thì không nên tiến quân, không nên hành dinh, cứ bền giữ dinh trại, phòng quân sỹ sinh biến và phòng giặc ngoài đến đánh. Gặp khi gió to mưa lớn, rét lớn, nắng lớn, không nên cho quân đi đánh, phải nên vỗ về quân sỹ mà bền giữ dinh trại. Tất nhiên giặc cũng chẳng ra quân. Nếu quân ta đi đường thình lình thấy giặc, thì nên gấp đóng dinh trại, đợi cho nó ngày chiều thế kém mà dùng kế sách khác. Sách Tam lược nói: Xét tính thiên thời, rình chỗ sơ hở. Gặp khi tuyết lớn bay mù, trong khoảng trăm bước mà chẳng trông thấy người ngựa, địch hay đặt quân kỳ (3) quân phục ở nơi đường hiểm để đánh vào chỗ ta không ngờ. Nếu ta cho tướng nhỏ ra ứng đối thì nó giả thua chạy, mong ta đuổi đánh, để dẫn ta vào chỗ phục binh. Nếu ta thấy cơ trời như thế, thì nên sớm sai 5, 7 viên tướng nhỏ, vài mươi đội kỵ giỏi, chờ giặc từ tả hữu trước sau đem quân đến nhử ta, nếu giặc dùng quân kỵ giỏi để xung đột quân ta, thì ta cho ngay hai viên tướng ra sau quân, bàn định thăm dò, cho quân và ngựa đi quanh quất tìm xét, liệu tính đường về của giặc, rồi nhắm các nơi hiểm ải, dò thăm xem có phục binh hay không, nếu có thì nên chia binh ra làm hai ba nơi thay đổi nhau mà đánh, như thế thì chúng phải thua chạy, mà kẻ đến đánh ta trước kia đầu đuôi không thấy được nhau. Quân ta đã đuổi quân phục của địch, dùng binh giỏi lộn lại làm quân đón triệt, thì bọn giặc đến để đánh ta đó không biết quân phục ở chỗ kia hiện đã tan chạy. Vả quân ta đã sai kỵ binh giỏi đến, một đạo tiến, một đạo lùi, thay đổi nhau đuổi đánh, chờ khi nó vào nơi có quân phục của ta thì đầu đuôi cùng ứng, có thể bắt gọn cả quân. Đấy là nói đại khái, chứ hoàn toàn là phải biến thông ở lúc lâm thời, để đối phó trong lúc hoãn cấp. Còn như người Khiết đơn thì không thế. Thấy có tuyết lớn thổi mù thì cung cứng, ngựa mạnh, người khỏe họ coi là thường không việc gì mà cứ đi săn bắn, huống chi trong lúc hai quân đánh nhau thì ta nhân đó mà thắng sao được? Họ ở phía Tam Quan (4), phía bắc Đại Hà (5), trong khoảng Tức ký (6), đất phẳng như đá mài, quân lính tiện được đường rộng, sau khi tuyết lớn, họ biết rằng quân bộ của ta khó tiến, họ bèn dùng mưu lạ, đặt nhiều kỵ giỏi ở trước sau tả hữu dinh lũy của ta, khêu nhử quân ta, hoặc dùng kỵ giỏi đi đi lại lại xông đánh quân ta, hòng quân ta ra thì chia quân tản ra bốn phía để đầu đuôi đánh lại, một mặt đánh dinh trại ta, một mặt chặn lương thảo ta, khiến cho quân ta đầu đuôi không cứu được nhau. Như thế thì quân ta bền giữ chẳng đi, đợi cho quân họ xông lại thì ta mới dùng cung khỏe, nỏ cứng và nỏ bàn (7), một cái trên, một cái dưới mà bắn ra. Giặc đã mất thế thì không còn ý chí chiến đấu nữa. Có thể bắt gọn cả quân. Gặp cơn gió to, thổi bay bụi cát, không nên tiến binh đi đánh. Như đương ở giữa đường thì nên dừng chân mà tìm nơi thuận tiện yên nghỉ. Như đường trước gặp quân phục đón chặn, hay có trận lớn, thì đó là cái điểm trời chưa thuận vậy. Như gặp lúc đương ở dinh dã thì nên ra lệnh dặn đi dặn lại ba quân bền giữ dinh trại, phòng quân giặc nhân gió thuận mà đến để dò hoặc cướp, xông đánh trại ta. Như lúc trận quân vừa mới bố trí mà thấy có gió thì cũng không nên đánh, phải bền giữ. Khi hành quân ở đường hay đương ở dinh mà gặp có gió to mưa to, tuyết lớn mù lớn, mờ tối không thể tiến quân để đánh, thì nên vỗ về quân sĩ, cố giữ là hơn . Chú giải: Bấm để xem (1) : Chương này phần nhiều nói đến những điều hoang đường mê tín về thiên văn xưa, chúng tôi bỏ không dịch, chỉ dịch một mục trích ở sách Võ Bị Chí chép về thời tiết mà thôi. (2) : Võ bị chí: Tác phẩm của Mao Nguyên Nghi đời Minh, 19 quyển. Xem Võ bị chế thắng chí, quyển 6, chương "Thẩm thời" (3) : Quân lẻ để đánh thình lình (4) : Ba cửa quan ở phía Bắc Trung Quốc: Cửa Nhạn môn, Cửa Vũ Ninh, Cửa Thiên đầu (5) : Tức sông Hoàng Hà (6) : Tức là khoảng tỉnh Hà Nam, Ký là khoảng tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc. (7) : Nỏ bản: Nỏ lớn đặt lên bệ mà bắn một phát nhiều tên.
Quyển 1: II: Kén mộ "Bấm vô coi" Đặt ba khóa để kén mộ tráng sĩ: Từ thuộc lại trở xuống, mỗi người đều cử người mình biết, tốt nhất là loại ăn cướp, sau đến loại hay đánh người và trộm cắp, rồi đến loại không nghề nghiệp. Sai thu 300 cỗ ngựa của các tướng, để cho quân cảm tử tình nguyện dùng, dù không phá được địch, cũng có thể làm nhụt nhuệ khí của địch. Cái đạo mạnh binh để chiến thắng cốt yếu có 5 điều: 1. Sửa sang binh khí. 2. Có đủ quân lính và xe cộ. 3. Súc tích nhiều. 4. Rèn luyện quân sĩ tốt. 5. Kén được tướng giỏi. Năm điều ấy được đầy đủ thì mới có thể mạnh quân. Kén lính: Quân cần giỏi không cần nhiều. Nên chọn người khoẻ mạnh mà dùng, không lấy nhiều người nhỏ yếu để thêm số lượng. Nên kén, người nhiều anh em, người không bố mẹ, người độc thân mà đã có con kế tự, người nghèo đói mà sức vóc khoẻ mạnh. Có những người không nên kén là.. (1) Chú thích :(1) Nguyên văn thiếu 1 đoạn
Quyển 1: III: Chọn tướng "Bấm từ từ thôi nha" Sách Võ kinh: Phương pháp xem người có tám điểm: 1. Hỏi bằng lời nói xem trả lời có rõ ràng không. 2. Gặn gùng bằng lời lẽ xem có biến hóa không. 3. Cho gián điệp thử để xem có trung thành không. 4. Hỏi rõ ràng tường tận để xem đức hạnh thế nào. 5. Lấy của mà thử để xem có thanh liêm không. 6. Lấy sắc đệp mà thử để xem có đứng đắn không. 7. Lấy việc khó khăn mà thử để xem có dũng cảm không. 8. Cho uống rượu say để xem có giữ được thái độ không. Có tướng dũng và tướng trí, nên dùng thế nào cho phải? Rằng tướng dũng có thể giúp được việc đánh thành hãm trận; nhưng liệu tính việc địch, chia đặt quân kỳ, lam cơ ứng biến, nếu không có tướng trí thì không được. Mà kẻ dũng thì thường kém kẻ mưu. Cho nên đời xưa đăng đàn, đắp đài, đẩy xe (1), phải tìm tướng mưu trí để giúp cho kẻ có sức mạnh. Người làm tướng không nên lấy giỏi cung đao cưỡi bắn làm tài, mà phải lấy thông suốt cổ kim làm giỏi. Xem giỏi ở chỗ nào? Muốn biết tướng giỏi hay tồi cần phải kích thích để xem động hay không động. Kích thích mà động đó là tướng ngu. Tướng ngu thấy lợi thì động, khinh địch thì động. Nên dùng hai phép dụ thì bắt được ngay: Kẻ thấy lợi mà dụ bằng mồi là bắt được; kẻ khinh địch thì uy hiếp là bắt được. Kích thích mà không động là tướng hiền. Tướng hiền thì trí chu đáo nên không động, phép chu đáo nên không động. Nên dùng hai phép để nắm. Đấu trí với nhau, không ai thắng ai, phải dùng phép để nắm chỗ sơ hở của trí, nhằm một chút hở của trí mà đánh vào. Đấu phép với nhau, không ai chịu ai, phải dùng tí để nắm chỗ biến hóa của phép, nhân chỗ ngẫu nhiên sơ hở của phép mà đánh vào. Sách Binh chí (2) nói "đánh mưu" là thế đó. Hai bên giao chiến với nhau mà muốn biết tình hình thực hư ở trong quân, trước hết là mình phải biết người ta mà đừng để người t biết mình. Biết được tình hình hư thực của người rồi thì đánh chỗ mềm mà không đánh chỗ cứng. Sách Binh chí nói đánh chỗ cứng thì mềm phải cứng, đánh chỗ mềm thì chỗ cứng phải mềm, chính là thế. Đi sâu vào đến chỗ vô hình, giấu kỳ ở chính, giấu chính ở kỳ, lấy kỳ làm chính, lấy chính làm kỳ. Sách Binh chí nói: Phàm đánh trận dùng chính mà hợp, dùng kỳ mà thắng, muốn chiến thắng không ngoài kỳ với chính, kỳ chính biến hóa không biết thế nào là cùng, kỳ chính cùng sinh ra nhau, nh ư cái vòng tròn không có đầu mối. Xét được hư thực, rõ được mềm cứng, hiểu được kỳ chính, đó là ba điều báu của phép dùng binh vậy. Lại nói: Biết mình biết người, trăm trận tăm thắng (3). Nuôi khí dân, định chí quân, thế gọi là biết mình; xét rõ tình hình địch, thế gọi là biết người. Đó là ba điều thiết yếu. Ba điều thiết yếu cũng như ba điều căn bản, tại sao? Vì đạo làm tướng coi quân, khoan và nghiêm dùng không nhất định, mà phải lấy nghiêm làm gốc, cho nên binh gia với hình gia và danh gia phối hợp với nhau; động và tĩnh không có hình thế thường, mà phải lấy tĩnh làm chủ, cho nên binh gia và âm dương gia (4) giúp đỡ nhau. Hình gia và danh gia không cần kiêm làm binh gia, mà binh gia thì phải kiêm hình gia và danh gia; âm dương gia thì không cần kiêm làm binh gia, mà binh gia thì phải kiêm âm dương gia. Bởi thế mới nói ba điều thiết yếu cũng là ba điều căn bản. Nhân được những điều hay của bốn nhà mà lợi dụng lấy thì phương lược làm tướng có thể đủ được. Đạo dùng tướng là thế nào? Trước hết phải cho có quyền: Tướng nói dân có thể dùng thì dùng. Tướng nói dân không thể dùng thì đừng dùng. Tướng nói quân có thể động thì động. Tướng nói quân không thể động thì đừng động. Tướng nói địch có thể đánh được rồi thì đánh. Tướng nói địch không thể đánh được thì đừng đánh. Như thế thì phép không rối, cơ không ngừng. Nhưng người giỏi dùng tướng trước hết phải giỏi chọn tướng. Người giỏi chọn tướng thì trước hết phải giỏi biết tướng. Ba điều giỏi ấy, cái tinh vi của người dùng tướng dùng quân đều ở cả đó. Tuy thế, Tôn Võ và Ngô Khởi thì đã giỏi trong lĩnh vực ấy rồi, nhưng theo lời của Mạnh Tử, Tuân Tử thì cho là chưa được. Vì sao mà nói thế? Vì bảo rằng kế căn bản chưa có. Vậy thì Tôn Võ, Ngô Khởi chỉ là cái rìu búa đẽo nước mà thôi, bệnh ở ngoài mà hại ở trong, mất nước có thể kiễng chân mà chờ đến. Ngô Khởi (5) nói: Phàm điều cốt yếu ở trong việc chiến trận, trước nhất phải xem người tướng và xét tài của tướng, rồi nhân hình thế mà dùng quyền biến thì không khó nhọc mà thành công. Tướng ngu hay tin người thì dùng cách dối mà lừa; tướng tham khinh danh vọng thì dùng của mà đút; tướng coi thường sự biến mà không mưu thì làm cho vất vả mà phải khốn; người trên giàu mà kiêu, người dưới nghèo mà oán, thì dùng cách chia cho lìa nhau; tiến thoái đa nghi, quân sĩ không nương tựa được, thì làm cho hoảng sợ mà chạy; quân khinh thường tướng mà có ý muốn về nhà, thì chẹn đường dễ mở đường khó, có thể đón mà bắt được; đường tiến dễ, đường lui khó, thì nên săn ở phía trước; đường tiến khó đường lui dễ, thì nên đến sát mà đánh; đóng quân ở nơi thấp, nước không có chỗ thông, mà hay mưa dầm, thì nên tháo nước vào cho ngập; đóng quân ở nơi chằm hoang, cây cỏ um tùm, gió thổi lồng lộng, thì nên đốt mà tiêu diệt; quân đóng mãi một nơi, tướng sĩ trễ nải, quân không đề phòng, thì nên lẻn mà đánh úp. Sách Kinh thế (6): Có nho tướng, có dõng tướng, có cảm tướng, có xảo tướng, có nghệ tướng. Nho tướng hay mưu; dõng tướng hay đánh; cảm tướng nhiều can đảm; xảo tướng giỏi chế tác; nghệ tướng thì tài năng; gồm cả thì không gì không thần, đủ cả thì không gì không lợi. Hòa mục có công hiệu rất lớn cho cuộc trị an. Hòa ở trong nước thì ít phải dùng binh; hòa ở ngoài biên thì không sợ báo động. Bất đắc dĩ mới phải phạt kẻ làm xằng, càng quý hòa mục. Vua tôi hòa mục thì dùng được người tài; tướng văn tướng võ hòa mục thì làm nên công nghiệp; tướng sĩ hòa mục, trong lúc thưởng sẽ nhường nhịn nhau, gặp nguy nan sẽ cứu giúp nhau. Đó, hòa mục là đạo rất hay cho việc trị nước hành binh, không thay đổi được. Sách Bảo giám (7): Khí lượng của tướng, lớn nhỏ khác nhau. Tướng mà che điều gian, giấu điều họa, không nghĩ đến điều quân chúng oán ghét, đó là tướng chỉ huy mười người. Tướng mà sớm dậy khuya nằm, lời lẽ kín đáo, đó là tướng chỉ huy được trăm người. Tướng thắng mà biết lo, mạnh mà giỏi đánh, đó là tướng chỉ huy nghìn người. Tướng mà ngoài mặt hăm hở, trong lòng ân cần, biết người khó nhọc, thương kẻ đói rét, đó là tướng chỉ huy được vạn người. Tướng mà gần người hiền, tiến người tài, ngày thường cẩn thận, thành thực rộng rãi, giỏi việc dẹp loạn, đó là tướng chỉ huy được mười vạn người. Tướng mà dùng nhân ái dvoi kẻ dưới, lấy tín nghĩa phục nước láng giềng, trên biết thiên văn, dưới biết địa lí, giữa biết việc người, coi bốn biển như một nhà, đó là tướng chỉ huy được cả thiên hạ, không ai địch được.. Ra trận mà đổi tướng, điều đó nhà binh rất kiêng. Nên chờ ngày tháng để buộc cho thành công. Bấm để xem (1) Chỉ việc phong tướng (2) Hiện nay chưa tìm ra sách này. (3) Tông Tử, thiên II nói: Biết mình biết người, trăm trận không nguy. (4) Binh gia, hình gia, danh gia, âm dương gia là những học phải của Trung Quốc ở thời Chiến quốc. (5) Tôn tử, thiên IV (6). Sách Kinh thế bát loại toản biên, "Binh tào", quyển 63-68 (7). Chúng tôi không tìm ra sách Bảo giám .
Quyển 1: III: Chọn tướng (Phép lập đàn phong tướng) (1) Bấm để xem Phụ: Trao quyền cho tướng. Thái công (2) nói: Nhà nước yên hay nguy, quan hệ ở một người tướng. Bèn sai quan thái sử ăn chay ba ngày, đem rùa bói ngày lành, ra Thái miếu để trao cho phủ việt (3) – Vua vào cửa miếu, đứng trông mặt về phía tây; tướng đứng trông mặt về phía bắc. Vua thân cầm cái việt, giữ lấy lưỡi mà trao chuôi cho tướng, nói: "Từ đây lên tới trời là quyền của tướng quân". Vua lại cầm cái phủ, giữ lấy chuôi mà trao lưỡi cho tướng, nói: "Từ đây xuống tới vực là quyền của tướng quân". Tướng nhận lấy, lạy mà đáp lại vua rằng: "Thần nghe: Nước không thể tự bên ngoài mà trị; quân không thể tự bên trong mà chế; kẻ hai lòng không thể thờ được vua; kẻ phân chí không thể đánh được giặc. Thần đã vâng mệnh, chuyên cầm uy phủ việt, thần không dám mong được sống mà về. Xin vua rủ bảo cho thần một lời. Vua không hứa với thần thì thần không dám làm tướng". Đó là trên không nệ thời trời, dưới không nệ thế đất, trước không biết có địch, sau không nệ mệnh vua (4). Sách Kinh thế: Đời sau dùng người không như thế. Nói bàn thì một người, làm việc thì một người, do đó người nói không biết việc của người làm là khó, mà thường đề cao thuyết của mình. Người làm thì muốn vâng thì ý của người bàn mà không hợp với cơ nghi; thậm chí làm việc chỉ có một người, mà bàn nói thì có đến mấy mươi người, trong đó hiền gian lẫn lộn, yêu ghét mỗi người một lòng. Người được yêu thì mưu kế dù kém cũng phụ hội, mà người bị ghét thì mưu kế dù hay, cũng cố tìm cách để ngăn trở. Không lường tình thế giặc mạnh yếu thế nào, mà cứ cho là đánh nhỏ thì được nhỏ, đánh lớn thì được lớn; không hỏi thời thế khó hay dễ, hễ đóng quân là bắt tội dùng dằng, bền giữ là kết tội nhút nhát. Người làm việc thì trông tả nhìn hữu, muốn đánh muốn giữ, hoặc tiến hoặc lui, đều không thể tự chủ được, đến nỗi mười cỗ xe của nguyên nhung chưa đi, mà chức quan nói đã dâng giấy đàn hặc dồn dập (5) ; chỉ huy ở trong màn trướng (6) mới định mà quan tú y (7) đã có lệnh thúc giục rồi; dâng quân cho địch, dâng tướng cho địch, đều là do kẻ bàn nói mà đến nỗi. Các triều Đường, Tống, Minh bị thua, đều vì cớ đó, mà nhà Tống quá tệ, nhà Minh lại càng tệ hơn. Người luận về việc nhà Tống thì cho rằng bàn bạc nhiều mà thành công ít; người luận về việc nhà Minh thì cho rằng nhà Minh mất nước, không mất ở giặc cướp mà mất ngay từ trong cổng ngõ, không mất ở bờ cõi mà mất ngay từ lời can của đài quan (8), cái tệ là ở chỗ không bàn lấy người làm được việc, mà chỉ bàn lấy người không biết làm việc, bàn bạc rối bời như tơ khó gỡ. Xem xét xưa nay thì chỉ có vua Tuyên đế nhà Hán dùng Triệu Sung-quốc (9) là đúng phép dùng tướng thôi. Chú thích 1. Chương này trích ở sách Hổ trướng khu cơ, ở đây xin bỏ, xin xem Hổ trướng khu cơ ở sau 2. Xem Võ kinh trực giải, phần "Lục thao", chương 20. 3. Hai thứ búa lớn và búa nhỏ dùng để đánh chém, tiêu biểu cho uy quyền. 4. Võ kinh trực giải diễn nghĩa ca, chương 20 dịch là: Ở sau thì đã chịu mệnh vua rồi 5. Nghĩa là tướng được sai đi đánh chưa xuất quân mà chức quan ngự sử có trách nhiệm ăn nói đã dâng sớ lên nhà vua dồn dập để vạch lỗi của tướng, chỉ cái tệ người làm thì ít, người nói thì nhiều. 6. Màn trướng, chữ Hán "duy ốc" là chỗ làm việc của vua. 7. Tú ý trực là chức quan thị ngự sử đời Hán. 8. Đài quan: Tức quan ngự sử, có trách nhiệm nói bàn. 9. Triệu Sung-quốc: Tướng nhà Hán, đời Vũ đế đánh Hung-nô, đời Tuyên đế đánh Tây-khương, tức Tiên-ty, lập được nhiều chiến công, Hán Tuyên đế chuyên nghe kế hoạch của Sung-quốc nên thành công.
Quyển 1: IV: Đạo làm tướng "Bấm nhẹ tay thôi nha :D" Sách Võ kinh: Phàm cái nguồn để biến đổi quân kì quân chính là ở chỗ đến việc thì không nói, dùng binh thì bí mật, cho nên việc thì nắm trước, động thì lặng im, dùng thì người ta không ngờ, mưu thì người ta không biết. Phàm muốn thắng thì trước tỏ cho địch biết là ta yếu rồi mới đánh, cho nên quân ít mà công nhiều. Chưa thấy thắng mà đã đánh, quân tuy nhiều cũng thua. Người đánh giỏi thì bình tĩnh mà không rối, thấy thắng thì đánh, thấy không thắng thì dừng. Sách Kinh thế: Đời xưa, người giỏi dùng binh, ý muốn như thế mà làm không như thế, khiến họ lại ngờ rằng ý muốn không như thế, là để làm đúng ý mình muốn như thế. Đó là phép tinh vi để phá quân bắt tướng, hàng thành phục ấp vậy. Nay thì ý muốn không như thế, cho nên làm như thế, khiến họ lại ngờ là ý muốn không như thế, để làm ý muốn như thế. Đó là phép tinh vi để phá quân bắt tướng, hàng thành phục ấp. Cái làm chỉ là cái bóng; làm mà không nghĩ thế chỉ là cái bóng ở trong bóng thôi, như hai cái gương treo đối nhau, thực là huyền ảo mà càng huyền ảo. Cái mưu làm cho địch khốn1 là tính cái lợi ở chỗ ta có thể làm hóa ra không được, thế thì trí của mất chỗ dùng. Mộ lính khống cho nó ập đánh khống, làm đất khống cho nó tiến đánh khống, xuất phát khống, phô sức khống, dùng vật khống để dụ nhử khống; hoặc lấy hư để khốn nó2 , hoặc lấy thực để khốn nó. Chỉ có hư mà không có thể thực, thì lừa dối không thể thành công; chỉ có thực mà không có thể hư thì đến việc không biết biến hóa. Vận hành ở khoảng giữa không và có. Xoay chèo ở lúc đầu chưa làm; mịt mịt mờ mờ, địch vốn có trí mà không thể nghĩ vào đâu, địch vốn có mưu mà không thể tính vào đâu; thực là biến hóa thần kì ở trong chỗ hư không vậy.. Người tướng quên mình để báo ơn vua mà không làm cho lòng sĩ tốt cũng như mình thì tướng ấy chưa phải là tướng lập công giỏi. Cùng sĩ tốt cùng ăn uống, thì sau sĩ tốt quên được nỗi đói khát ở trên cật ngựa; cùng sĩ tốt cùng lên đài đi giày3 , thì sau sĩ tốt quên được nạn chông gai ở ngoài quan ải; cùng sĩ tốt cùng dậy cùng nghỉ, thì sau sĩ tốt quên được nỗi lao khổ của chiến chinh; lo cái lo của quân lính, đau cái đau của quân lính, thì sau quân lính quên được vết thương vì gươm tên. Việc đã quen mà tình lại chu đáo, nên lấy đánh giặc làm thiết yếu, lấy đau chết làm phận sự, lấy xông pha tên đạn làm việc gốc, mà không biết mình ở vào chỗ gian nguy. Quên mình thì ở chỗ hiểm như ở đất bằng, ăn mùi đắng như nhai đồ ngọt. Cái oai vận dụng ở nơi thiên hạ chưa kịp biết; khống chế ở nơi thiên hạ không dám động; đánh vào nơi thiên hạ không thể giữ; chẹt vào nơi thiên hạ không thể xông; chạy đến những nơi thiên hạ không thể đỡ; lìa bỏ những nơi thiên hạ không thể tụ. Cái oai vận dụng, chưa dùng binh đao mà địch đã sợ trước rồi; đã dùng binh đao thì không ai địch nổi; một thời thì sợ người, nghìn năm thì sợ tinh thần. Tiến lên hay lui giữ do ở ta thì hẳn thắng; do ở ta thì ta khống chế địch, do ở địch thì ta bị địch khống chế. Bị khống chế không những riêng ta không muốn, mà địch cũng không đành chịu bị động, tức địch cũng không muốn bị khống chế. Nhưng ta có thể khống chế nó thì không thể không làm thế. Theo tính tự nhiên, không cái gì là không thế. Bắt đầu quen ở một việc mà ra, lâu rồi nhân đó mà thành tự nhiên, cho nên người khéo dùng binh, thấy gì cũng là việc binh, bàn gì cũng là chiến lược, làm gì cũng dùng cách gián hành biến hóa, cho nên khi có việc xảy đến, không đợi phải xếp đặt bàn tính mà không việc gì là không thích hợp với kinh điển. Trời tự nhiên cho nên xoay vần, đất tự nhiên cho nên đông lại; việc binh tự nhiên cho nên không trận nào là không thắng. Dùng trí để phục thiên hạ, mà thiên hạ phải phục trí, nhưng trí vẫn không thắng; dùng phép để chế thiên hạ, mà thiên hạ phải theo phép, nhưng phép cũng không thần. Vậy trí với phép không phải là cái hay ở trong cái hay đâu. Bậc thánh võ trị đời, đánh ở chỗ không có thành, công ở chỗ không có lũy, chiến ở chỗ không có trận, nhẹ nhàng như mưa rơi trên không, dựng lên cuộc đời vô sự. Sách Võ kinh (4) : Vua Thái tôn (nhà Đường) hỏi: Các tướng súy hiện nay duy có Lý Tích, Đạo-tông, Triết Vạn-triệt (5). Trừ Đạo-tông là thân thuộc, ngoài ra còn ai là người có thể dùng được? – Tĩnh thưa (6) : Bệ hạ thường nói Đạo-tông dùng binh không đại thắng cũng không đại bại, Vạn-triệt nếu không đại thắng tức phải đại bại. Thần vụng nghĩ lời thánh nói: Chẳng cầu đại thắng mà cũng chẳng để đại bại, đó là quân có tiết chế; muốn thắng to có thể thua to, may mà thành công. Cho nên Tôn Võ nói rằng: Người đánh giỏi trước làm thế địch không thể thắng để đợi thế địch mà mình có thể thắng (7). Tiết chế ở mình mà thôi. Thái tôn hỏi: Theo Binh pháp (8) , cái gì là sâu nhất? Tĩnh thưa: Thần đã từng chia làm ba bậc, để cho học giả đi dần mà tới vậy. Một là đạo, hai là trời đất, ba là tướng pháp. Kể về đạo thì rất tinh vi. Kinh Dịch bảo rằng: Thông minh duệ trí, thần võ mà không giết người, chính là thế. Nói về trời thì có âm dương, nói về đất thì có thế hiểm thế dễ, người khéo dùng binh thì có thể lấy âm mà đoạt dương, lấy hiểm mà đánh dễ. Mạnh Tử bảo thiên thời địa lợi chính là thế. Nói về tướng pháp thì cốt dùng người và dùng khí. Sách Tam lược (9) bảo rằng: Được quân sĩ thì tốt. Quản Trọng bảo rằng: Đồ binh khí tất phải bền sắc, chính là thế. Nội dung HOT bị ẩn: Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
Quyển 1: IV: (tiếp theo) "Click Here" Thái tôn nói: Phải. Ta cho rằng không đánh mà khuất phục được quân người, đó là cao nhất; trăm đánh trăm thắng, đó là bậc giữa; hào sâu lũy cao để tự giữ, đó là thấp nhất. Lấy đó mà so lường thì Tôn Võ (1) làm sách đều đủ có ba bậc. – Tĩnh nói: Xem lời văn xét việc làm, cũng có thể phân biệt được. Như Trương Lương(2) , Phạm Lãi(3) , Tôn Võ, vượt hẳn lên cao không biết đâu mà lường, nếu không biết đạo thì sao làm được thế? Nhạc Nghị(4) , Quản Trọng(5) , Gia-Cát Lượng(6) , chiến thì thắng, giữ thì bền, nếu không biết xét thiên thời địa lợi thì làm sao được thế? Thứ đến Vương Mãnh(7) giữ Tần, Tạ An(8) giữ Tấn, nếu không biết dùng tướng chọn tái, cố giữ cho bền, thì làm sao được thế? Cho nên những nhà rèn tập quân lính, trước hết phải do bậc thấp rồi mới đi đến bậc giữa, do bậc giữa rồi mới đi đến bậc cao, thế thì dần dần mới sâu được, không thế thì, chỉ để lời nói suông mà ghi đọc, không đủ dùng vậy. Thái tôn nói: Đạo gia kiêng ba đời làm tướng. Không nên truyền xằng mà cũng không thể không truyền được. Khanh nên cẩn thận nhé. Tĩnh lạy hai lạy mà ra, đem hết sách truyền cho Lý Tích. Sách Võ kinh: Phàm nơi chiến trường là chỗ để chứa xác; ai quyết chết thì sống, cầu sống thì chết. Người tướng giỏi như ngồi trong thuyền thủng, nấp dưới nhà cháy, khiến trí không kịp mưu, mạnh không kịp giận, cứ việc mà để cho đánh. Cho nên nói cái hại trong việc dùng binh thì do dự là lớn nhất, tai vạ của ba quân sinh ra bởi sự hồ nghi(9) . Cho nên làm tướng cần có năm điều: Một là lí, hai là bị, ba là quả, bốn là giới, năm là ước. Lí (trị lí) tức là trị nhiều quân cũng như trị ít quân; bị (phòng bị) thì ra khỏi cửa như đã thấy địch; quả (dũng cảm) là lâm địch thì không nghĩ đến sống; giới là tuy đã thắng vẫn cẩn thận như khi mới đánh; ước là pháp lệnh đơn giản mà không nhiễu(10) . Vâng mệnh rồi thì chẳng từ giã người nhà, đánh địch thua rồi mới trở về, đó là lễ của người làm tướng. Cho nên trong ngày ra quân thì chỉ có chết vinh mà không có sống nhục. Phàm việc binh có bốn cơ: Một là khí cơ, hai là địa cơ, ba là sự cơ, bốn là lực cơ. Ba quân đông đúc hàng trăm vạn người, mà quyền xếp đặt nhẹ nặng là ở một người, thế gọi là khí cơ; đường sá hẹp hòi, núi cao ải lớn, mười người chống giữ, nghìn người khó qua, thế gọi là địa cơ; khéo dùng gián điệp, cho khinh binh qua lại, chia tán thế quân của địch, khiến cho vua tôi nó oán nhau, trên dưới nó đổ lỗi cho nhau, thế gọi là sự cơ; xe bền trục bánh, thuyền tốt lái chèo, lính thạo chiến trường, ngựa quen rong ruổi, thế gọi là lực cơ. Biết đủ bốn điều ấy thì có thể làm tướng. Phàm trống chiêng là để làm uy cho tai, cờ xí là để làm uy cho mắt, cấm lệnh hình phạt là để làm uy cho lòng. Tai sợ uy tiếng, tiếng không thể không trong; mắt sợ uy sắc, sắc không thể không sáng; lòng sợ uy hình, hình không thể không nghiêm. Ba điều ấy không dựng lên được thì tuy có nước cũng phải thua địch. Cho nên nói rằng: Tướng phất cờ thì không ai là không theo, tướng chỉ cờ thì không ai là không liều chết(11) . Người làm tướng trên không bị chế bởi trời, dưới không bị chế bởi đất, giữa không bị chế bởi người; lòng khoan thai không thể khích bằng giận, lòng trong sạch không thể khiến bằng của. Phàm lòng điên, tai điếc, mắt lòa, lấy ba điều lầm lẫn ấy mà chỉ huy người ta thì thực khó lắm. Đại phàm quân đội cần lao, tướng phải đem mình làm trước. Khi nắng thì không giương dù, khi rét thì không mặc áo kép, gặp chỗ hiểm trở thì đi bộ; giếng quân đáo xong rồi mới uống sau; cơm quân nấu chín rồi mới ăn sau; lũy quân đắp xong rồi sau mới làm nhà ở. Nhọc hay nghỉ, mình phải cùng với quân lính. Như thế thì quân dù ở lâu cũng không đến nỗi già mỏi. Kể ra dân không bao giờ có hai lòng, sợ ta thì khinh địch, sợ địch thì khinh ta. Bị dân khinh thì thua; dân sợ uy thì thắng. Phàm tướng giỏi thì quan phải sợ tướng, mà quan sợ tướng thì dân phải sợ quan, dân sợ quan thì địch phải sợ dân. Thế nên muốn biết được hay thua, trước hết phải biết cân nhắc xem dân khinh hay là dân sợ. Kể ra kẻ không đẹp lòng ta thì ta không dùng, kẻ không sợ bụng ta thì ta không cất nhắc; yêu do ở người dưới thuận theo, uy do ở người trên mà có; yêu thì không có hai lòng, uy thì không dám xúc phạm. Cho nên người tướng giỏi chỉ cần ở yêu và uy mà thôi. Uy ở chỗ không thay đổi; ơn ở chỗ biết nhân thời ứng việc thì có cơ; trị khí để mà chiến; tỏ ý để mà công; bố trí bề ngoài để mà thủ; không quá ở chỗ theo độ số; không khốn ở chỗ có dự bị; thận trọng từ cái nhỏ; mưu trí ở việc lớn; trừ hại thì quả quyết được lòng dân vì nhún nhường; bị khinh rẻ vì hay ngờ vực; ác nghiệt vì hay chém giết; thiên lệch vì nhiều lòng riêng; không tường tất vì ghét nghe lỗi mình; không tiết độ vì hao phí của dân; không sáng suốt vì nghe lời dèm pha; không chắc chắn vì nhẹ dạ; quê mùa vì bỏ người hiền; mắc vạ vì ham lợi lộc; bị hại vì gần tiểu nhân; mất nước vì không gìn giữ; nguy khốn vì không tỏ hiệu lệnh. Bấm để xem 1. Tôn Võ : Người nước Tề (thời Xuân Thu), giỏi về binh pháp, có sách Tôn tử 13 thiên, Ngô vương Hạp-lư dùng làm tướng, phá nước Sở, uy chế nước Tề, làm bá chủ chư hầu. 2. Trương Lương : Người nước Hàn, làm quan đại phu nước Hàn, Tần diệt Hàn, Lương báo thù cắp dùi đánh Tần Thủy hoàng ở Bác-lãng; sau về với Hán Cao tổ, bàn mưu kế giúp Hán Cao tổ nên nghiệp đế, rồi thì tịch cốc nói thác là đi theo Xích-tùng tử. Lương tên tự là Tử Phòng, phong Lưu hầu. 3. Phạm Lãi : Người nước Sở (thời Xuân Thu) làm quan giúp Việt Câu-tiễn, diệt được nước Ngô, rồi không làm quan nữa, đi chơi ngũ hồ, thay đổi họ tên, sau đến đất Đào, tự đặt hiệu là Đào Chu công. 4. Nhạc Nghị : Người nước Yên (thời Xuân Thu), làm khanh nước Yên, đem Yên, Triệu, Sở, Hàn, Ngụy năm nước đánh Tề, hạ được hơn 30 thành. 5. Quản Trọng : Người nước Tề (thời Xuân Thu), tên là Di-ngô, tự là Trọng, cũng gọi là Kinh Trọng, làm tướng giúp Tề Hoàn công, nước giàu quân mạnh, làm bá chủ chư hầu. 6. Gia-Cát Lượng : Người Lang-da (Thục Hán), tự là Khổng Minh, giúp Lưu Bị lấy Kinh-châu, Ích-châu và Hán-trung, dựng nên nước gọi là Thục, giỏi binh pháp, có lập ra Bát trận đồ. 7. Vương Mãnh : Người Bắc-hải (thời Tấn), làm quan với Tần Bồ Kiên, giúp Tần được cường thịnh. 8. Tạ An : Người Hà-dương (thời Tấn), làm tư mã cho Tấn Hoàn Ôn, khi Tần Bồ Kiên sang đánh Tấn, An cử cháu là Tạ Huyền đi đánh, phá được 10 vạn quân của Bồ Kiên. 9, 10. Ngô tử, thiên III. 11. Ngô tử, thiên IV.
Quyển 1: IV. (tiếp theo) "Click here" Phàm binh không đánh thành không lỗi, không giết người không tội. Kể ra giết cha anh người ta, cướp của cải người ta, bắt con cái người ta, đó đều là trộm cướp. Cho nên binh là để giết bọn bạo loạn và cấm điều bất nghĩa. Bình đến đâu thì người cày không bỏ ruộng, người buôn không bỏ hàng, sĩ đại phu không bỏ chức. Vì quyền bàn bạc về võ chỉ ở một người, cho nên mũi gươm không giây máu mà người trong thiên hạ đều thân yêu cả. Phàm giết người là để cho sáng tỏ oai võ vậy. Giết một người mà ba quân sợ, giết một người mà vạn người mừng, thì cứ giết. Giết cốt ở giết người có tội lớn; thưởng cốt ở thưởng người có công nhỏ. Đáng giết, thì dẫu người quý trọng cũng giết, đó là hình thì xét ngược cả lên trên; thưởng thì thưởng cho cả những trẻ chăn trâu, người giữ ngựa, đó là thưởng thì trôi xuống cả dưới vậy. Kể ra có thể hình xét ngược lên trên, thưởng trôi xuống dưới, thì đó là oai võ của người tướng. Cho nên nhà vua phải trọng tướng. Kể ra tướng trên không bị hạn chế bởi trời, dưới không bị hạn chế bởi đất, giữa không bị hạn chế bởi người. Cho nên binh là đồ hung khí, tranh nhau là việc trái đức, mà tướng là thần chết, bất đắc dĩ mới phải dùng. Ở trên không nệ trời, ở dưới không nệ đất, ở sau không nệ mệnh vua, ở trước không biết có địch. Binh của một người như hùm như sói, như mưa như gió, như sấm như sét, rầm rầm rộ rộ, thiên hạ đều kinh. Binh thắng giống như nước. Kể ra nước là vật rất mềm yếu, nhưng có thể làm cho gỗ núi sụt lở, không có gì lạ đâu, vì tính chuyên nhất mà cảm xúc ngay thực. Nay lấy gươm giáo sắc bén, giáp da tê bền, ba quân đông đúc, có cả kỳ chính, thì thiên hạ không thể nào địch lại được. Cho nên nói rằng: Cất người hiền dùng người tài, không kể ngày giờ nào mà việc đều lợi; sáng pháp luật tỏ hiệu lệnh, không phải bói toán mà được tốt lành; quý người có công, nuôi người khó nhọc, chẳng cầu đảo mà được phúc. Lại nói: Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợ không bằng nhân hòa. Thánh nhân đời xưa, cẩn thận việc người mà thôi. Người tướng, ngày chịu mệnh quên cả nhà; ra bày quân nằm ở đồng thì quên cả cha mẹ; vén áo bào mà đánh trống thì quên cả mình. Ngô Khởi khi ra trận, người tả hữu dâng gươm, Khởi nói: "Tướng chỉ chuyên cầm cờ trống mà thôi. Lâm nạn quyết đánh, vẫy gươm chỉ giáo là việc của tướng, dùng một thanh gươm không phải là việc của tướng. Cho nên người biết đạo trước hết phải dự tính đến sự thất bại vì không biết chỗ dừng. Có phải là chỉ tiến mới nên công đâu! Khinh tiến mà cầu đánh thì địch sẽ mưu dừng lại, nếu ta tiến đi ta sẽ bị địch đánh. Cho nên Binh pháp nói: Tiến mà theo, thấy thì đánh, nhà vủa không dám đương mà cứ lấn vượt, như thế thì sẽ mất quyền. Lời nói không cẩn thận thì bị lấn; lấn át không chừng mực thì bị phá. Nước tràn sét đánh, ba quân rối loạn. Nếu muốn yên được nguy, trừ được nạn, thì lấy trí mà quyết đoán, xem lời bàn ở lang miếu (1) là cao, xem lời nói khi chịu mệnh là trọng. Lời bàn vượt cõi phải cho sắc bén, như thế thì có thể thắng phục nước địch. Binh có năm điều rất quan trọng: Làm tướng quên nhà, vượt cõi quên cha mẹ, đánh giặc quên mình, quyết chết thì sống, gấp thắng thì thua. Đâm chết được trăm người, có thể hãm hàng rối trận. Đâm chết được nghìn người, có thể bắt địch giết tướng. Đâm chết được vạn người, có thể hoành hành trong thiên hạ. Chuyên nhất thì thắng, lìa tan thì thua; mặt trận kín thì vững bền; mũi nhọn thưa thì địch dễ đến. Quân sợ địch hơn sợ tướng thì thua. Sở dĩ biết sự được thua, là do cân nhắc tướng với địch. Địch với tướng như cái cân vậy, yên tĩnh thì trị, gấp vội thì rối. Người xưa đuổi chạy không quá trăm bước, rút lùi không quá hai xá (2) , đó là để bày tỏ điều lễ. Không ép uổng người bất năng, thương xót người đau ốm, đó là để bày tỏ điều nhân. Thành hàng rồi mới khua trống, đó là để bày tỏ điều tín. Tranh lấy nghĩa mà không tranh lấy lợi, đó là để bày tỏ điều nghĩa. Lại hay tha người quy phục, đó là để bày tỏ điều dũng. Biết sau biết trước, đó là để bày tỏ điều trí. Sáu đức ấy theo từng thời mà dạy, để làm đạo dựng kỉ cương cho dân, đó là chính trị từ xưa vậy. Pháp luật của nước không dùng cho quân, kỉ luật của quân không dùng cho nước. Kỉ luật của quân đem dùng cho nước thì dân đức phải bỏ, pháp luật của nước đem dùng cho quân thì quân đức phải yếu. Cho nên ở nước thì lời nói mềm mại ôn tồn; ở triều thì cung kính nhún nhường, sửa mình để đối đãi với người, vua không triệu thì không đén, không hỏi thì không nói, khó tiến dễ lui; ở quân thì khi đứng cứng cát, khi đi thì mau mà quả quyết, mặc giáp trụ thì không lạy, ngồi xe quân thì không chào, qua cửa thành thì không rảo bước, gặp việc nguy thì không nhường ai. Cho nên lễ với pháp là trong với ngoài, văn với võ là tả với hữu. Lòng tướng lòng quân đều là lòng cả. Ngựa trâu, xe cộ, quân lính nghỉ ngơi no nê, đều là sức cả. Dạy thì làm trước, đánh thì theo tiết. Tướng quân ví như mình, quân đội ví như tay chân, hàng ngũ ví như ngón tay ngón chân. Phàm chiến tranh phải có thiên, có tài, có mỹ. Thời giờ không thay đổi, quân đi phải bí mật, đó gọi là thiên; quân chúng cứ nẩy ra ý hay, đó gọi là tài; quân lính tập trận giỏi, mọi vật đều dự bị đầy đủ, đó gọi là mĩ. Sách Bảo giám: Cho nên khi chưa ra quân thì yên lặng như cô gái chưa chồng; khi địch đã đến thì như con thỏ sổng, khiến địch không kịp chống cự. Mọi người cứng rắn, lời nói nóng hổi. Xe thì kín là chắc, quân thì ngồi là chắc, áo giáp nặng thì bền, binh khí nhẹ thì hơn. Thư từ tin tức phải dứt, thế gọi là dứt sự trông ngóng. Chọn nơi tốt để đóng quân, thế gọi là thêm mạnh cho người. Bỏ gánh đội nặng mà ăn hà tiện, thế gọi là mở ý cho người. Đó là chính trị từ xưa vậy. Nhạc Vũ-mục (3) nhà Tống nói: Cái thuật dùng binh, các điều nhân, tín, trí, dũng, nghiêm, thiếu một điều là không được(4) . Đại thể hành binh có ba điều: Một là trời, hai là đất, ba là người. Thế trời là mặt trời mặt trăng trong sáng, năm ngôi sao đúng độ, sao chổi sao bột không hiện, hơi gió điều hòa. Thế đất là thành cao bờ thẳm, sông to nghìn dặm, cửa đá hang sâu, đường ruột dê quanh co. Thế người là vua thánh tướng hiền, ba quân giữ lễ, sĩ tốt vâng lệnh, giáp bền lương đủ. Người tướng giỏi nhân được thời trời, dùng được thế đất, nương được lợi người, thì tới đâu cũng thắng, đánh đâu cũng được vạn toàn. Tướng có năm tài và mười lỗi. Năm tài là: Dõng, trí, nhân, tín, trung. Dõng thì không ai phạm được; trí thì không cái gì làm rối được; nhân thì yên dân; tín thì không lừa dối; trung thì không hai lòng (5) . Mười lỗi là: Có dõng mà khinh chết; có gấp mà muốn mau; có tham mà ham lợi; có nhân mà không nỡ giết; có trí mà lòng nhút nhát; có tín mà hay tin người; có liêm mà không yêu người; có trí mà lòng chần chờ; có cương nghị mà tự ohuj; có nhu nhược mà thích dùng người. Dõng mà khinh chết thì có thể dùng bạo lực mà đối phó; gấp mà muốn mau thì có thể đẻ lâu; tham mà ham lợi thì có thể đút của; nhân mà không nỡ giết thì có thẻ làm cho nhọc; trì mà lòng nhút nhát thì có thể làm cho quẫn; tín mà hay tin người thì có thể nói dối; liêm mà không yêu người thì có thể khinh nhờn; trí mà lòng chần chờ thì có thể đánh úp; cương nghị mà tự phụ thì có thể trị được; nhu nhược mà thích dùng người thì có thể lừa được. Cách sử dụng người trí, người dõng, người tham, người ngu: Người trí thích dựng được công; người dõng ham đạt được chí; người tham chạy theo lợi; người ngu không nghĩ đến chết. Lấy chí tình mà dùng, đó là điều màu nhiệm của nhà binh vậy. Đạo làm tướng có tám điều tệ là: 1. Lòng tham không chán. 2. Ghen người hiền, ghét người tài. 3. Tin lời gièm, ưa lời nịnh. 4. Xét người không xét mình. 5. Do dự không quả quyết. 6. Say đắm rượu và sắc đẹp. 7. Thích xảo trá mà lòng nhút nhát. 8. Nói dối mà không theo lễ. Làm tướng có trách nhiệm nguy, là bởi trách nhiệm nặng thì nguy. Cho nên tướng giỏi thì không cậy mạnh, không cậy thế, được yêu cũng không mừng, bị nhục cũng không sợ, thấy lợi không tham, rượu ngon không đắm, đem mình hi sinh cho nước, chỉ có một lòng mà thôi. Có bốn điều muốn là: 1. Đánh thì muốn dùng kì binh. 2. Mưu thì muốn làm bí mật. 3. Quân chúng thì muốn yên tĩnh. 4. Lòng thì muốn chuyên nhất. Người tướng giỏi, cứng không thể bẻ được, mềm không thể uốn được. Cho nên lấy yếu để chế mạnh; lấy mềm để chế cứng. Mềm cả yếu cả, thì thế phải kém; cứng cả mạnh cả, thì thế phải mất. Không cứng không mềm, đó là đạo thường. Tướng không nên kiêu, kiêu thì thất lễ; thất lễ thì người ta lìa bỏ; người ta lìa bỏ thì quân chúng làm phản. Tướng không nên biếng, biếng thì không thưởng công; không thưởng công thì quân sĩ không chịu hi sinh; quân sĩ không chịu hi sinh thì quân không có công; quân không có công thì nước trống rỗng; nước trống rỗng thì giặc đến. Khổng tử nói: Nếu có tài giỏi như Chu công mà có tính kiêu và lận, thì cái khác cũng không đủ kể nữa. Có tiết cao có thể khuyến khích phong tục; có hiếu đễ có thể nêu danh về sau; có tín nghĩa có thể kết bạn; có rộng yêu có thể thu phục quân chúng; có sức mạnh có thể lập công. Đó là năm đức tốt của người làm tướng. Có mưu mà không biết tính điều phải trái, có lễ mà không biết dùng hiền lương, chính trị mà không biết làm đúng hình pháp, giàu có mà không biết giúp người nghèo thiếu, trí khôn mà không biết ngừa từ việc chưa xảy ra, lo nghĩ mà không biết phòng từ việc rất nhiệm nhặt, việc xa không biết suy mà biết, khi thua không thể không có gièm chê. Đó gọi là tám điều xấu. Kinh thư nói: Khinh nhờn người quân tử thì không thu được lòng người. Khinh nhờn kẻ tiểu nhân thì không dùng hết được sức người. Mấu chốt việc hành binh, cốt nhất phải nắm được lòng người anh hùng, nghiêm sự thưởng phạt, tóm được đạo văn võ, gồm được thuật cứng mềm, trải những thuyết lễ nghĩa, trước trọng đức rồi sau dùng sức lực. Tĩnh thì như cá lặn; động thì như rái chạy; làm vỡ chỗ liền; bẻ gãy chỗ mạnh; dùng cờ xí làm cho hoa mắt; dùng chiêng trống làm cho núng lòng; rút lui thì như núi dời; tiến lên thì như mưa gió; cất quân thì như lèn đổ; hợp lại thì như cọp đánh nhau. Cưỡng ép mà rộng dung; lấy lợi mà dụ dỗ; lấy lễ mà giữ gìn; nó kém thì khiến cho kiêu; nó thân thì làm cho lìa; nó mạnh thì làm cho yếu. Có người nguy thì làm cho yên; có người sợ thì làm cho vui; có người phản thì cưu mang trở lại; có người oan thì cho họ được thân; kẻ mạnh thì nén xuống; kẻ yếu thì đỡ lên; người có mưu thì gần gũi; người gièm pha thì đánh đổ đi; được của cải thì chung nhau; không cậy sức mà khinh địch; không ngạo của mà khinh người; không vì được yêu lâu mà làm sai. Tính trước rồi sau mới hành động; biết có thể thắng rồi sau mới chiến. Được ngọc lụa không để riêng mình dùng; được con trai con gái không để riêng mình sai khiến. Như thế mà phát chính ra lệnh thì người ta nguyện chiến đấu ngay, mũi gươm chưa giây máu mà địch tự thua vậy. Người làm tướng phải có lòng dạ, phải có tai mắt, phải có nanh vuốt. Không có lòng dạ thì như người đi đêm không có đuốc; không có tai mắt thì như người ở trong xó tối; không có nanh vuốt thì như người đói ăn phải vật độc; không trường hợp nào là không chết. Cho nên người tướng giỏi phải có người nghe rộng biết nhiều để làm lòng dạ, người xét sâu kín đáo để làm tai mắt, người dũng cảm giỏi đánh để làm nanh vuốt. Kể ra dùng người ngu mà thắng người trí là nghịch; dùng người trí mà thắng người ngu là thuận; dùng người trí mà thắng người trí là cơ. Cơ có ba đường: 1. Cơ về việc, 2. Cơ về thế, 3. Cơ về tình. Cơ về việc, khi đã xảy mà không có thể ứng phó thì không phải là trí. Cơ về thế, khi đã động mà không có thể khống chế thì không phải là hiền. Cơ về tình, ốm mà không gắng làm được thì không phải là dõng. Người tướng giỏi tất nhân cơ mà giữ phần thắng. Quân đi ra phải có luật, trái luật là dữ. Luật có 15 điều: 1. Lo nghĩ, có gián điệp để sáng tỏ. 2. Nói chuyện, lời nói phải cận thận. 3. Dõng, địch với mọi người mà không nao. 4. Liêm, thấy lợi thì nhớ nghĩa. 5. Bình, thưởng phạt công bằng. 6. Nhẫn, khéo nhịn trong sỉ nhục 7. Khoan, hay dung nạp mọi người. 8. Tín, hay xem trọng lời hứa. 9. Kính, có lễ với người hiền tài. 10. Minh, không nghe lời gièm 11. Cẩn, không trái lễ. 12. Nhân, khéo nuôi quân sĩ. 13. Trung, đem mình hiến cho nước. 14. Phận, biết thôi và đủ. 15. Mưu, tự liệu về mình trước rồi sau mới liệu địch. Vả nước lấy binh làm gốc, binh lấy tướng làm gốc, quân lấy tướng làm chủ. Cho nên muốn binh mạnh để chiến thắng thì cần ở sự dùng tướng được người, rồi sau mới có thể uy phục được thiên hạ và các rợ xung quanh. Đó là gốc lớn để trị nước. Phàm tướng hay dùng chính mà không dùng kì là tướng giữ gìn; hay dùng kì mà không dùng chính là tướng chiến đấu; kì chính đều dùng cả, đó là tướng giúp nước vậy. Dấy binh ra quân, bày binh phá trận, xem dáng cờ xí, hiểu tiếng chiêng trống, đo bóng định giờ để quyết lành dữ; theo sự chuyển vận của ngũ hành, ra vào ứng theo thần vị; lấy biến mà dùng binh, khiến kẻ địch không lường biết tự đâu mà đến; lấy thần mà dùng binh, khiến quân ta không biết ta làm gì; động có mực; tĩnh có phương; được thua ở trong tay; thấy trước mà sẽ được lòng của trời đất quỉ thần để yên lòng quân chúng; đó gọi là thiên tướng vậy. Ở trong bốn cõi, những việc của trăm họ do tướng văn chịu trách nhiệm; ở ngoài bốn cõi, những việc đối với nước địch do tướng võ chịu trách nhiệm. Tục ngữ nói: Tướng võ tướng văn sáng suốt thì nhà nước không có việc binh. Khi mềm thì cứng, khi co thì duỗi, sáng mà có dũng, hùng mà có mưu, tròn mà hay chuyển, vòng mà biết mối, trí trùm khắp muôn vật, mà đạo cứu cả thiên hạ, người có cả tám điều ấy thì đủ gọi là đại tướng. Cho nên bảo rằng tướng là người giúp nước; giúp được chu đáo thì nước có thể mạnh; giúp mà sơ hở thì nước hẳn yếu. Dùng tướng phải xem diện mạo, xét thần thái mà biết được lòng. Vua đối với tướng, chọn người hiền mà trao cho quyền bính, cất lên mà không ngờ vực gì, thì tướng tất trong đáp ứng bằng ngay thẳng, ngoài phục vụ bằng thuận tòng. Đáp ứng bằng ngay thẳng thì luật quân nghiêm; phục vụ bằng thuận tòng thì tiết bề tôi vững. Cử tướng như thế mà ngăn giặc thì có lo gì phải chở xe xác về đâu. Quân được hay thua do ở người tướng. Có phải bởi tướng làm nên đâu, chỉ do sự dùng của tướng mà thôi. Trí địch muôn người, không dùng được muôn người thì cũng như người ngu vậy; dũng nhất ba quân, nếu không dùng được ba quân thì cũng như người nhát vậy. Người tướng giỏi đứng đắn mà hay biến hóa, cứng cát mà hay thương người, nhân từ mà hay quyết đoán, dũng cảm mà hay tường tất, lấy sách lược mà chế ngự quan và quân, chưa thấy ai như thế mà không dựng được công nghiệp để dẹp yên họa loạn bao giờ. Nhà nước hành quân trao luật, cái quyền sinh sát do đại tướng làm chủ. Làm lòng dạ của nước, nắm sinh mệnh của ba quân, có thể không thận trọng sự lựa chọn hay sao! Nếu muốn phong tướng, trước phải lấy tinh thần mà xét nên chăng về bốn điều: 1. Diện mạo; 2. Lời nói; 3. Cử động; 4. Việc làm. Sách Vạn cơ chí (6 ) : Dẫu có một trăm vạn quân và một tướng có khí nuốt địch, phỏng đem hết vũ khí của cả nước trao cho, nếu không dùng được người thì làm gì được? Tướng lớn và nhỏ đều có bốn bậc, tướng nào mà không dự ở cả trong tám bậc ấy, thì không thể gọi là tướng được. Bốn bậc tướng lớn là: 1) thiên tướng, 2) địa tướng, 3) nhân tướng, 4) thần tướng. Bốn bậc tướng nhỏ là: 1) uy tướng, 2) cường tướng, 3) mãnh tướng, 4) lương tướng. Quân đến nơi nào, cũng phải xét kĩ địa lí. Núi chằm, xa gần, rộng hẹp, hiểm dễ, rừng rú dày mỏng, khe suối sâu nông, nếu xem như ở trên bàn tay, thì khi chiến thắng, sau trước không ngăn trở, tả hữu không ngưng trệ, quân bộ quân kị đi lại đều tiện, giáo mác sử dụng được hợp, chỉ huy tiến thoái đều thuận tình, người ngựa không bị bức nghẽn, đánh giữ thì được lợi về lương chứa, phát quân thì được đủ về nước cỏ, người ngựa không bị đói khát, hãm vào đất chết mà có thể sống, lâm vào chỗ mất mà có thể còn, đất nghịch mà dùng thuận được, đất thuận mà dùng nghịch được, không chọn khó dễ, đều có thể yên mà sau động, động mà quyết thắng, thế gọi là địa tướng(7) . Bấm để xem 1. Lang miếu: Triều đình. 2. Quân đi 30 dặm là một xá. 3. Tức là Nhạc Phi. 4. Võ kinh tổng yếu , Tiền tập, quyển 1, gọi là ngũ tài. 5. Võ kinh tổng yếu , thay Trung bằng Nghiêm . 6. Chúng tôi không tìm ra sách Vạn cơ chí . 7. Thiên tướng đã nói ở trên, nên đây chỉ nói địa tướng thôi.
Quyển 1: IV: (tiếp theo) "Click Here" Thanh liêm về của cải, tiết kiệm về tiêu dùng, lơ là về rượu, giữ mình theo lễ, thờ bề trên lấy trung, vui lo cùng quân lính, lấy của địch mà không tích trữ, bắt phụ nữ địch mà không giữ riêng, nghe mưu mà dùng người, gặp ngờ thì phán đoán, dùng mà không lấn người, nhân mà không bỏ phép, giấu tội nhỏ răn lỗi lớn, phạm lệnh không kể là thân, thưởng công không nghĩ đến thù, người già thì nâng đỡ, người trẻ thì vỗ về, người sợ thì làm cho yên dạ, người lo thì làm cho vui lòng, có kiện thì xử đoán, có lạm thì xét minh, có giặc thì đánh dẹp, kẻ mạnh thì nén xuống, kẻ nhát thì che chở, kẻ dũng thì sai khiến, kẻ ngang ngược thì giết, kẻ phục tùng thì tha, người mất thì cho được lại, người quên thì nhắc bảo cho, người quy thuận thì cho tước, người hung bạo thì trấn trị, gần người mưu trí, xa người gièm pha, lấy thành không phải đánh, lấy đất không phải giữ, địch nông cạn thì chờ sinh biến, địch dối trá thì bắt tuân theo, thế trái phải chờ xem, thế thuận thì quyết đánh, thế gọi là nhân tướng. Lấy thiên tướng làm ngoài, lấy địa tướng làm trong, lấy nhân tướng ở giữa, gồm cả sở trường của ba tướng thì gọi là thần tướng. Trong khi hành quân, không nệ thiên thời, không nệ địa lợi; dùng người không kì gan hay nhát, nghe có địch thì đi ngay mà không lo ngờ, kẻ nào phạm lệnh thì không kể tội lớn hay nhỏ, buộc ngay vào hình pháp, nghe tiếng là phải sợ, chống lại là phải đánh, thế gọi là cường tướng(1) . Quân không kì nhiều hay ít, địch không kì mạnh hay yếu; ba quân theo lệnh, như cánh tay khiến ngón tay, đi lại muôn cách thay đổi, đánh lúc địch chẳng ngờ, cử động như thần, một ngựa một gươm gạt mũi nhọn mà tiến vào trước, khiến quân địch lúng túng, sợ mà lánh xa, thế gọi là mãnh tướng. Lấy uy tướng làm ngoài, lấy mãnh tướng làm trong, lấy cường tướng ở giữa, gồm cả sở trường của ba tướng thì gọi là lương tướng. Nhà nước dùng tướng, được thiên tướng có thể chống được giặc trái trời, được địa tướng có thể chống được giặc trái đất, được nhân tướng có thể chống được giặc trái người, được thần tướng có thể chống được giặc cả thiên hạ, tính toán không sót điều gì. Uy tướng có thể phụ với thiên tướng, cường tướng có thể phụ với địa tướng, mãnh tướng có thể phụ với nhân tướng, lương tướng có thể giữ bốn phương. Tuy nói mãnh và cường có sự lợi dụng nhanh chóng, nhưng đều không thể dùng riêng được. Đó là thể của đạo tướng vậy. Tướng khi ra trận, không hỏi vợ con, là tỏ ra đã dâng mình cho nước. Vua khi sai tướng không dám khinh thường việc lễ, là tỏ ra tôn trọng việc dùng người. Tướng khi ở ngoài có quyền không theo mệnh vua, chỉ nhằm tiện của nhà nước mà phục vụ, giữ mình trong sạch, quý trọng quân sĩ. Cho nên tướng mà cự lời can ngăn thì người anh hùng trở về nhà; không theo chước hay thì kẻ mưu sĩ cũng bỏ đi; coi thiện ác ngang nhau thì hiền ngu lẫn lộn; thưởng phạt rối loạn thì kỉ cương tan tành; mừng nhiều thì không có uy; giận nhiều thì lòng người lìa; nói năng nhiều thì cơ lộ; ham thích nhiều thì trí lầm; rộng rãi thì quân trễ nải; bạo ngược thì quân oán hờn. Tướng tự chuyên thì người dưới đổ lỗi cho; tướng tự khen mình thì người dưới không chịu lập công; tướng nghe lời gièm thì người ngay bỏ đi; tướng ăn của đút thì quân lính gian tham; tướng ham việc trong buồng thì quân lính dâm đãng; không tham tài mê sắc thì giữ mình được trong sạch; biết lánh hiềm xa ngờ thì uy tín được tăng thêm; tính kĩ lo xa cho nên không hỏng việc; theo thời thuận biến cho nên lập được công; thương yêu người dốc lòng làm, cho nên được yêu mến; nghe lời phải xa kẻ gièm cho nên người xa lại; tính trước rồi sau mới làm, để phòng biến cố; trước có tín rồi mới nói cho nên thu phục được người dưới; tội thì trị công thì thưởng cho nên uốn nắn được người; xem gương việc xưa sáng suốt việc nay cho nên soi sáng được quân chúng; nhũn nhặn trọng người nên được lòng người; bỏ tư theo công nên giữ được nước. Tinh thần cho ngay thẳng, hình thể cho đoan trang, động phải như gió, đứng phải như núi, chiến đấu phải như sấm sét, cơ mưu phải như quỷ thần, lo nghĩ phải thấu như ánh sáng, mệnh lệnh phải nghiêm như sương tuyết. Có được như thế mới có thể đương được mệnh lớn của nhà nước. Trong quân có người ốm, tướng phải thân hành đem thuốc điều trị; quân có người chết, tướng phải khóc thương; quân đi thú xa thì sai vợ con đến nhà thăm hỏi; phàm có khao thưởng thì chia đều cho quan và quân; khi có hành động thì phải họp cả tướng tá để bàn, mưu đã định thì sau mới đánh. Cho nên tường với binh có cái ơn hòa rượu(2) và hút máu(3) . Cho nên quân sĩ có những cuộc vui thui trâu bày rượu và cái khí ném đá; yêu mến như con em theo cha anh, như chân tay đỡ đầu mắt, không ai ngăn được. Nếu hà khắc là cho họ đau đớn, bắt làm lụng nặng nề, thì những tiếng thù oán nghe không xiết! Tướng súy coi quân sĩ như cỏ rác thì quân sĩ coi tướng súy như cừu thù, cầu họ làm bộ hạ thì cũng là khó, còn mong gì họ gắng sức liều chết để đánh địch nữa. Đó là đại lược về phép tướng súy vỗ về quân sĩ vậy. Sách Binh lược(4) : Tướng giỏi cầm quân không vì quân ta nhiều mà kiêu, không vì quân ta ít mà nản chí. Kể ra mạnh không gì bằng hổ dữ, nhưng bắt lợn ở chuồng bị nhân dân đuổi thì cũng phải quặp đuôi mà chạy không dám nhìn lại. Như thế mới biết lấy nghĩa thì có thể sai khiến người ta. Tướng kiêu có thể đánh bại. Làm tướng không nên cậy trí dũng mà kiêu với người. Tống Nghĩa(5) có thể khống chế được Hạng Lương, Bạch Khởi(6) có thể giết được Triệu Quát(7) là vì thế. Khâm Phúc triều Minh đi đánh nước Bản-nhã-thất-lý, vì cậy dũng mà cả quân tan vỡ; Liễu Thăng vào nước Nam ta, vì chí kiêu mà đổ quân mất mạng, là thế đó. Khích phát sĩ khí, hoặc lấy quả cảm mà khích, như Lưu Ỷ nhà Tống(8) giữ Thuận-xương, quân Kim lấn xuống Nam, Ỷ cho đục thuyền để bảo cho giặc biết là ý mình quyết không bỏ đi, rồi chứa củi để đốt; hoặc lấy trung nghĩa mà khích, như Trương Tuần8 đặt tượng vua Đường rồi khóc lạy để trách sáu tướng, do đó sĩ khí thêm hăng; hoặc lấy lòng chí thành mà khích, như Trương Tuần thề chết mà tướng sĩ đau lòng, đánh giặc cả vỡ, như vua Đường Đức-tôn biết nhận lỗi mình mà quần thần ra sức liều chết để giúp vua; hoặc lấy lợi hại mà khích, như Dương Khánh giữ Thành-đô, mộ quân sĩ cấp cho nhiều lương, dân nước Thục cầm dao phay và gậy không đến giúp quan quân, binh Man cả thua, như Lý Mục nhà Tống đóng giữ Dục-châu, có được vật gì thì cho hết quân sĩ, như Hoàng Thạch công nói: Được của chia cho quân lính thì quân lính hết sức liều chết, Lý Mục làm đúng như thế. Sách Võ kinh: Thần nghe nhà vua có đạo tất thắng, cho nên có thể bao gồm rộng lớn mà thống nhất chế độ, như thế thì thiên hạ biết uy. Tất cả có 12 điều: 1) Liên hình, bắt cả đội ngũ cùng giữ và phải tội cùng nhau; 2) Địa cấm, tức là cấm chỉ đường đi để săn bắt kẻ gián điệp; 3) Toàn quân, các giáp thủ cùng phụ với nhau, ba người năm người đồng nhau kết liền cho chặt chẽ; 4) Khai tái, tức là chia đất có giới hạn, nơi nào thuộc người nào thì đều chết theo trách nhiệm mà bền giữ; 5) Phân hạn, tức là tả hữu giữ nhau, trước sau đợi nhau, lấy xe làm tường để đón để giữ; 6) Hiệu biết, tức là hàng trước phải tiến để cách hàng sau, không được giành trước làm mất trật tự; 7) Ngũ chương, tức là tỏ rõ hàng lối cho trước sau khỏi rối; 8) Toàn khúc, tức là khúc đoạn theo nhau đều có phần riêng; 9) Chiêng trống, tức là phấn khởi người có công, giúp đỡ người có đức; 10) Trận xa, tức là tiếp liền hàng đầu, ngựa che bên mắt; 11) Tử sĩ, tức là trong quân lính có người tài trí cưỡi trên chiến xa, trước sau ngang dọc, trổ mưu chống địch; 12) Lực tốt, tức là nắm toàn bộ và khúc đoạn, không vẫy cờ thì không động. Mười hai phép ấy dạy xong, phạm lệnh không tha thì quân yếu có thể làm cho mạnh, chức thấp có thể làm cho cao, phép tồi có thể làm tốt lại, dân xa có thể làm gần lại, người đông có thể trị được, đất rộng có thể giữ được, xa nhà nước không ra khỏi thành, giải áo giáp không ra khỏi túi, mà uy phục được thiên hạ vậy(10) . Phàm sai quân, pháp lệnh ở mình gọi là chuyên, cùng với người dưới sợ phép gọi là pháp. Việc quân không nghe lời vặt, ra trận không cầu lợi vặt thì nên. Làm việc tinh vi là đạo. Kể ra, tướng là chí, ba quân là khí. Khí dễ động mà khó chế. Do tướng chế mà trấn tĩnh thì sợ hãi có thể định, phản trắc có thể yên, trăm vạn quân có thể tiêu diệt được. Chí ngay thẳng mà mưu có một, khí phấn khởi mà dũng gấp đôi thì thắng. Thấy địch yếu thì mình tiến; thấy địch mạnh thì mình dừng; đừng lấy ba quân đông đúc mà khinh địch; đừng lấy chịu mệnh làm trọng mà liều chết; đừng lấy mình làm quý mà rẻ người; đừng lấy ý kiến riêng mà trái quân chúng; đừng xem lời biện thuyết là tất đúng; quân sĩ chưa ngồi thì đừng ngồi, quân sĩ chưa ăn thì đừng ăn, nắng rét cùng chịu. Như thế thì quân sĩ hẳn hết lòng liều chết. Việc của một người, không tiết lộ cho hai người; việc làm ngày mai, không tiết lộ hôm nay; suy xét cho kĩ càng, đừng để hở sợi tóc; bí mật ở công việc sợ tiết lộ ra lời nói; bí mật ở lời nói sợ tiết lộ ra nét mặt; bí mật ở nét mặt sợ tiết lộ ở tinh thần; bí mật ở tinh thần sợ tiết lộ trong mơ mộng. Có việc làm cần giấu đầu mối, có việc dùng phải cấm không nói. Nhưng cũng có điều nên nói trước để tỏ lòng tin, giữ, thành thực. Việc của người làm tướng, lặng lẽ cho kín, ngay ngắn cho yên, có thể làm tối tai mắt của quân sĩ, khiến họ không biết đổi việc làm; thay mưu kế, khiến người ta không biết; đổi chỗ ở, dời đường đi, khiến người ta không lo lắng. Đến kì dấy quân thì như lên cao mà bỏ thang đi; quân tiến sâu vào đát chư hầu mà phát động binh cơ cũng như đuổi đàn dê cho chạy đi chạy lại, chẳng biết đi đâu, tập họp ba quân đông đúc mà đưa vào chỗ hiểm. Đó là việc của người làm tướng. Bàn việc thì đời xưa không bằng đời nay; việc nhiều thì phép cũng nhiều; thời đổi thì lí cũng đổi. Cho nên người biết đọc binh thư xưa thấy chỗ không nên thì biết là câu nệ, thấy lời nói bậy thì biết là sai, thấy điều chưa đủ thì biết là thiếu. Xét chỗ huyền để tìm ra thực; thấy viển vông phô trương thì phải gạt đi; thành bị cướp thì phải làm thế nào để thoát(11) ; thấy kiêng mà có khi cứ làm; thấy răn mà vẫn ra quân; xét chỗ hở mà thấy chỗ khít; do chỗ lệch mà đến chỗ toàn; lật chính thay kì, hóa cơ làm biến; người ta câu nệ ở phép mà ta thì làm ra phép; người khéo dùng phép thì lấy thần trí mà xem phép. Xét tính mệnh để biết lẽ sâu của việc binh; xem cổ sử để tìm dấu vết của việc binh; xét tượng số để biết hết điềm triệu về binh; hiểu thời vụ để thấu suốt chính sách về binh; khảo khí cụ để sửa sang vật dùng của binh. Khi tĩnh thì đặt các việc vô hình để bày mưu trước. Khi động thì lấy những điều đã nghĩ để kinh lý thiên hạ. Tướng mùa đông không mặc áo da, mùa hè không dùng quạt, trời mưa không che lọng, gọi là lễ tướng; không tự mình theo lễ thì không biết quân lính rét nóng thế nào. Ra cửa ải gặp chỗ bùn lầy, tướng nên xuống đi bộ, thế gọi là lực tướng; không tự mình ra sức thì không biết quân lính vất vả thế nào. Phàm khi hành quân, quân đã định được nơi đóng thì tướng mới đến nhà ở; cơm nấu chín rồi thì tướng mới đi ăn; quân không đỏ lửa thì tướng cũng không đỏ lửa; thế gọi là ngăn lòng muốn. Tướng không ngăn lòng muốn thì không thể biết quân lính no đói thế nào. "Chú giải" 1. Nguyên văn chép sót đoạn giải thích về uy tướng . 2. Hòa rượu: Sách Hoàng Thạch công nói xưa có một vị tướng giỏi gặp người biếu một vò rượu, ông đem đổ xuống sông, rồi bảo các tướng sĩ đón dòng nước mà uống, ba quân do đó mà liều chết đánh. 3. Hút máu: Ngô Khởi giỏi dùng binh, một người lính có nhọt, Khởi ghé mồm hút mủ, làm cho người có nhọt ấy cảm khích mà ra sức. 4. Chúng tôi không tìm ra sách Binh lược . 5. Tống Nghĩa: Lệnh doãn cũ của nước Sở, theo Hạng Lương đi đánh Tần, phá được quân Tần, Lương có vẻ kiêu căng, Nghĩa can rằng đánh được giặc mà tướng kiêu căng, quân lười biếng, tất phải thua. Lương không nghe, sau bị tướng Tần đánh cho thua. 6. Bạch Khởi: Người Tần (thời Chiến quốc), giỏi dùng binh. Thời Tần Chiêu vương phong là Vũ an quân, phá nước Triệu, chôn quân đầu hàng của Triệu hơn 40 vạn người. 7. Triệu Quát: Người nước Triệu (thời Chiến quốc), khi còn ít tuổi học binh pháp, nói việc hành quân tự cho là thiên hạ không ai bằng; sau làm tướng thay cho Liêm Pha, đổi hết ước thúc và đổi đặt quân lại; cuối cùng bị tướng nước Tần là Bạch Khởi bắn chết. 8. Lưu Ỷ: Thời Tống Cao-tôn, Lưu Ỷ đánh phá thái tử Kim là Ngột Truật ở Thuận-xương. 9. Trương Tuần: Người Nam-dương, thời Đường Huyền-tôn, An Lộc Sơn làm loạn, Tuần và Hứa Viễn giữ thành Thư-dương đánh nhau với An Lộc Sơn. 10. Xem Võ kinh trực giải , phần "Tư mã giáp", chương 22. 11. Chữ Hán là "thành đoạt vụ thoát", chúng tôi dịch thế này, nhưng thấy nghĩa câu này không được thông mạch lạc với văn trên dưới mấy.
Quyển 1: V: Kén luyện "Bấm vô coi" Sách Võ kinh: Võ vương hỏi: Đạo luyện quân là thế nào? – Thái công thưa: Trong quân có những người rất dũng lược, liều chết, không sợ đau đớn bị thương, họp thành một toán gọi là quân mạo nhẫn (1) . Có những người vọt xa nhảy cao, nhẹ chân chạy nhanh, họp lại thành một toán gọi là quân quán binh (2) . Có những người bầy tôi thất thế muốn lập lại công danh, họp lại một toán gọi là quân tử đấu (3) . Có những người là con em của tướng chết trận, muốn vì tướng mình mà trả thù, họp lại một toán gọi là quân căm thù. Có những người nghèo đói bực dọc muốn cho thỏa chí, họp làm một toán gọi là quân tất tử (4) . Thái tôn hỏi: Gia-cát Lượng bảo rằng quân có tiết chế mà không có tướng tài cũng không thể thua được, mà quân không có tiết chế dù có tướng tài cũng không thể thắng. Trẫm ngờ lời bàn ấy không được thực đúng. – Tĩnh nói: Lời bàn của Võ hầu (5) có tính chất khích động. Thần xét sách Tôn tử nói rằng: Dạy tập không rõ ràng, quan và quân không thường, bày binh ngang dọc, thế gọi là loạn. Từ xưa loạn quân tự thua không thể chép hết. Kể ra, dạy tập không rõ ràng, là nói sự huấn luyện không theo phép đời xưa; quan và quân không thường là nói tướng thần trao nhiệm không giữ chức lâu; loạn quân tự thua là nói tự mình tan vỡ chứ không phải bị địch đánh mà tan vỡ. Thế nên Võ hầu nói quân có tiết chế thì dù tướng tầm thường cũng chưa thua. Nếu quân tự loạn thì tuy tướng giỏi cũng nguy, còn ngờ gì nữa. Thái tôn nói: Phép dạy tập thực là không thể bỏ qua. – Tĩnh nói: Dạy tập đúng phép, thì quân sĩ vui dùng; dạy tập không đúng phép thì dù sớm chiều đôn đốc cũng không ích gì. Thần vì thế mà chăm chắm theo phép xưa, đều đã chép thành đồ, ngõ hầu mới thành quân có tiết chế được. Vua Thái Tôn nói: Trẫm cùng Lý Tích bàn binh pháp nhiều chỗ giống thuyết của khanh, nhưng Tích không xét xuất xứ. Khanh chế "Lục hoa trận pháp" do đâu mà ra? – Tĩnh nói: Thần căn cứ ở phép Bát Trận của Gia-cát Lượng, trận lớn bọc trận nhỏ, dinh lớn bọc dinh nhỏ, góc cạnh liền nhau, chỗ cong chỗ gãy đối nhau, phép xưa như thế, thần nhân đó mà vẽ đồ; cho nên ở ngoài thì vạch vuông, ở trong thì vòng tròn, mà thành "Lục hoa trận pháp", tục gọi là thế. – Thái tôn nói: Trong tròn, ngoài vuông, là nghĩa gì? – Tĩnh nói: Vuông sinh ở bước, tròn sinh ở kỳ, vuông để bước được đúng, tròn để quanh được đều. Thế là số bước theo hình đất, đi quanh theo hình tròn. Bước đúng, quanh đều. Thì biến hóa không rối. Bát trận là phép cũ của Võ hầu vậy. – Thái tôn nói: Vẽ vuông để xem phép bước, vẽ tròn để xem phép binh khí. Bước là phép dạy chân, binh [khí] là phép dạy tay, tay chân tiện lợi, thế là được quá nửa công việc. – Tĩnh nói: Ngô Khởi có nói: Dứt mà không lìa, lùi mà không tan, đó là phép bước vậy. Dạy quân sĩ cũng như bày con cờ trên bàn cờ, nều không vạch đường thì con cờ dùng sao được? Tôn tử nói: Đất sinh ra đo, đo sinh ra lường, lường sinh ra số, số sinh ra cân, cân sinh ra thắng. Cho nên quân thắng như lấy dật (nén) mà cân với thù(6) , quân bại như lấy thù mà cân với dật. Đều bắt đầu tự đo lường vuông tròn cả. – Thái tôn nói: Lời nói của Tôn tử sâu sắc lắm, không đo đất xem xa gần, xem hình rộng hẹp, thì lấy gì mà chế được tiết. – Tĩnh nói: Người tướng tầm thường ít biết được tiết. Người đánh giỏi thì thế hiểm mà tiết liền. Thế ví như dương nỏ, tiết ví như phát nẩy nỏ. Thần trình bày thuật như sau: Phàm lập đội, đều cách nhau 10 bước, đội trú cách đội sư 20 bước, Cứ cách một đội thì dựng một đội chiến. Tiến thì 50 bước làm một tiết. Khi thổi một tiếng tù và thì các đội đều tan ra, đứng ở trong vòng 10 bước. Đến tiếng tù và thứ tư, thì lồng thương mà ngồi quỳ xuống. Bấy giờ đánh trống, cứ 3 tiếng trống thì 3 tiếng dạ, đi từ 30 đến 50 bước, để chế thế biến của địch. Quân ngựa theo sau tiến ra, cũng đi 50 bước, rồi đến lúc thì dừng lại. Quân chính dừng trước, quân kì dừng sau. Xem tình hình địch thế nào, lại nổi hiệu trống để đổi dùng quân kì trước dùng quân chính sau để đón địch đến, tìm chỗ sơ hở mà đánh. Đó là trận pháp "Lục hoa", đại khái đều thế(7) . Thái tôn nói: Năm lá cờ máu ngũ phương làm chính ư? Vẫy cờ phan vào đánh làm kỳ ư? Khi phân khi hợp thay đổi nhau thì số đội làm sao cho đúng được? -Tĩnh nói: Thần tham dùng phép xưa; hễ 3 đội hợp lại thì cờ dựa nhau mà không giao nhau, 5 đột hợp lại thì 2 cờ giao nhau, 10 đội hợp lại thì 5 cờ giao nhau. Khi thổi tù và và mở 5 lá cờ giao nhau ra thì một đội tản ra làm 10; mở 2 lá cờ giao nhau thì một đội tản ra làm 5; mở cờ dựa nhau không giao nhau thì một đội lại tản làm 3. Quân tản thì lấy hợp làm kỳ, quân hợp thì lấy tản làm kỳ. Ra lệnh 3 lần, trình 5 lần, tan 3 lần, hợp 5 lần thì lại trở về chính. Thế thì phép bốn đầu tám đuôi(8) có thể dạy được. Đó là điều đội pháp lên làm. Thái tôn khen phải. Thái tôn nói: Sách Thái công chép rằng: Đất vuông hoặc 600 bước, hoặc 60 bước để nêu rõ 12 vị trí địa chi, phép ấy làm như thế nào? - Tĩnh nói: Vạch đất vuông 2.200 bước theo hình khai phương, mỗi bộ chiếm 20 bước vuông đất, chiều ngang cứ 5 bước đứng một người, chiều dọc cứ 4 bước đứng một người, gồm là 2.500 người, chia làm 5 phương, để bốn chỗ đất không gọi là chứa trận ở trong trận vậy. Khi Võ vương đánh Trụ, quân Hổ bí đều cầm 3.000 người, mỗi trận(9) có 6.000 người, cộng là 30.000 quân. Đó là phép vạch đất của Thái công vậy. - Thái tôn nói: Phép "Lục hoa trận" của khanh, thì vạch đất bao nhiêu? - Tĩnh nói: Xét cả khu đất này vuông 1.300 bước, nghĩa là sáu trận, đều chiếm đất 400 bước, chia làm hai hướng đông và tây để đất không 1.200 bước làm nơi dạy đánh. Thần từng dạy 30.000 người, mỗi trận 5.000 người, lấy một trận làm nơi đóng đinh, còn 5 trận thì theo hình trận vuông, tròn, cong, thẳng, nhọn, mỗi trận năm lần biến, phàm 25 lần trở lên. - Thái tôn nói: Trận "Ngũ bành" là thế nào? - Tĩnh nói: Vốn nhân theo màu sắc của năm phương mà đặt tên ấy. Còn vuông, tròn, cong, thẳng, nhọn là do địa hình mà làm. Phàm quân mà không quen tập năm cái ấy thì đánh giặc làm sao được? Binh là nghề biến trá, cho nên tạm gọi tên là Ngũ hành để mượn cải nghĩa thuật số tương sinh tương khắc mà tô điểm thêm. Thực ra thì tượng của binh là nước, tùy theo địa thế mà chảy. Chính là ý ấy(10) . Sách Ngô tử: Phàm người ta thường chết vì không hay, bị thua vì điều mình không giỏi, cho nên phép dùng binh phải lấy sự dạy răn làm trước. Một người học chiến(11) dạy thành mười người, mười người học chiến dạy thành trăm người, trăm người học chiến dạy thành nghìn người, nghìn người học chiến dạy thành vạn người, vạn người học chiến dạy bành ba quân. Lấy gần đợi xa, lấy nhàn đợi nhọc, lấy no đợi đói; tròn mà chợt vuông, ngồi mà chợt chạy, đi mà chợt dừng, tả mà chợt hữu, trước mà chợt sau, chia mà chợt hợp, thắt mà chợt cởi, mỗi một cách biến đều phải tập rồi mới trao cho cầm binh. Đó gọi là việc của người làm tướng (12) . Sách Kinh thế: Binh lính ngày thường đắm ở nơi yên ổn, không tập khó nhọc, nay nghĩ chữa tính trễ biếng ấy, rèn luyện gân cốt cho cứng rắn, thì không gì bằng dạy cho một phép đi vây. Xét ra từ trước đến nay các đốc phủ, đề trấn ở trực tỉnh đều có lệ đi vây cả: Mỗi năm ở trong buổi mùa thu mùa đông thì cử hành 2, 3 lần để tập quen khó nhọc, mà cổ động sĩ khí, phép ấy hay lắm. Thần trước ở dinh Đề đốc Tứ-xuyên cũng đã từng làm, rất là có ích. Đến nay hơn 30 năm, không những chưa hề cử hành, mà nếu đem phép đi vây hỏi bọn thuộc viên thì cũng mù mịt không biết gì, thực phép chỉnh đốn quân đội không phải như thế. Thần chịu ơn đặc biệt của Hoàng thượng giao cho việc trọng ở chốn biên cương, phàm việc có ích cho võ bị không điều gì là không hết lòng trù hoạch, mong được thực hiện. Nay thần định trong ba tháng mùa đông năm nay, việc làm ruộng đã xong, xét theo lệ trước, ở miền sát Thành-đô, chọn một nơi không gần ruộng vườn, dựa kề gò núi, rộng không quá 100 dặm, dẫn quan binh đến để đi vây săn. Trong mấy ngày đi về sẽ tự làm việc huấn luyện, dạy cho phương chia hợp tiến lui và phép đóng đinh đỗ ngủ, để cho cưỡi ngựa rong ruổi, quen việc kỵ xạ, quân bộ thì đuổi chạy ngoài đồng nội, rèn lấy sức chân. Trước ngày thì nhắc rõ hiệu lệnh, nghiêm buộc quân lính, không cho rối động, cốt khiến binh dân cùng giữ yên. Tập rèn như thế mỗi năm ba lần, lấy làm lệ thường, thì binh lính quen việc khó nhọc, rồi hẳn ngày tinh mạnh, kỵ binh bộ binh, kỹ nghệ tự nhiên thuần thục. Lại khiến tập biết phép phân hợp tiến lui, và phép lập dinh đỗ ngủ. Binh và ngựa sẽ khỏe mà có tiết độ, hàng trận sẽ được chỉnh tề. Đối với dinh ngũ các tỉnh biên thùy rất là có ích. Giáo lệnh của quân: Chia dinh định trận, có ai tiến lui trái lệnh thì ghép vào tội phạm giáo; hàng trước thì hàng trước dạy, hàng sau thì hàng sau dạy, hàng tả thì hàng tả dạy, hàng hữu thì hàng hữu dạy, giáo cử 5 người, ai đứng đầu là có thưởng. Người nào không dạy thì cũng tội như người phạm giáo, phải đi quanh dưới đất để tự nêu tội với hàng ngũ; trong hàng ngũ người nào tự đứng ra nêu tội thì cho miễn tội. Phàm một ngũ ra trận, nếu có một người không tiến ra liều chết với địch, thì người dạy cũng bị tội như người phạm pháp. Phàm thập phải giữ cả thập, nếu mất một người mà 9 người không liều chết với địch, thì người dạy cũng tội như người phạm pháp. Từ thập trở lên cho đến tì tướng, có kẻ nào không theo pháp lệnh thì người dạy cũng tội như người phạm pháp. Người ngũ trưởng dạy 4 người, lấy miếng ván làm trống, lấy mảnh sành làm chiêng, lấy gậy làm cờ; đánh trống thì tiến, phất cờ thì bước nhanh, đánh chiêng thì lùi, vẫy sang tả thì sang tả, vẫy sang hữu thì sang hữu, chiêng trống đồng đánh thì người xuồng. Ngũ trưởng dạy xong, hợp lên tốt trưởng; tốt trưởng dạy xong, hợp lên bá trưởng; bá trưởng dạy xong, hợp lên binh úy; binh úy dạy xong, hợp lên tì tướng; tì tướng dạy xong, hợp lên đại tướng; đại tướng dạy xong, bày trận ở giữa nội. Đặt nêu lớn cách 300 bước một cái. Bày trận xong thì bỏ nêu đi, cứ 100 bước đi thong thả, 100 bước rảo mau, 100 bước chạy bay. Tập đánh cho thành tiết, theo đó mà thưởng phạt. Sách Võ kinh: Đờì xưa dạy dân, phải lập đấng bậc sang hèn, khiến không lấn nhau; đức nghĩa không vượt qua nhau, tài nghệ không che lấp nhau, sức mạnh không xâm phạm nhau, cho nên phương hướng cùng theo mà ý hòa hợp. Đời xưa pháp luật của nước không đem dùng với quân, mà kỷ luật của quân không đem dùng với nước, cho nên sức không bao giờ vượt nhau. Phàm trống, có trống đi với trống, có trống đi với cờ, trống đi với xe, trống đi với ngựa, trống đi theo, trống đi với binh khí, trống ở đầu, trống ở chân, đó là bảy thứ trống, phải gồm cho đủ. Phàm quân nhiều cũng như ít, quân thắng cũng như không. Binh khí không bảo là sắc, áo giáp không bảo là bền, xe không bảo là vững, ngựa không bảo là tốt, quân không tự cho là nhiều, thế cũng chưa nắm được đạo. Phong . Ở ngoài tám trận Thiên Địa Phong Vân Long Hổ Điểu Xà ra, lại lập chín quân, chia làm sức xung phong của trận: 1. Thân quân là những người trai tráng trong làng, tôi tớ trong nhà để hộ vệ đại tướng. 2. Phẫn quàn là quân phục thù chuộc tội, nguyện đi hàng đầu. 3. Thủy quân là quân có thể xông pha sóng gió, cướp lái lật thuyền. 4. Hỏa quân là quân có thể phóng hỏa cầu hỏa lôi từ xa tới trận địa. 5. Cung nỗ quân là quân có thể nấp ở dương cung, muôn tên đều bắn, chống địch ở ngoài trăm bước. 6. Xung quân là quân sức lay núi non, khí vung cờ xí, có thể hãm trận bắt giặc. 7. Kỵ quân là quân khỏe mạnh phi thường, bay chạy ở trong khoảng hai hàng trận, đuổi đánh đến nơi xa xôi. 8. Xa quân là quân sức vóc nhanh nhẹn, tiến thì không sợ tên đạn, lui thì ngăn được ngựa chạy, khiến địch không thể xông đến được. 9. Du quân là quân dò thăm tình hình - cơ nghi để giúp đỡ ba quân, cử động đều rất quan hệ, thoăn thoắt như vượn leo, sói tuột, rắn bò, chuột rúc, qua chỗ hiểm vượt chỗ sâu, trèo thành khoét vách. Trong chín quân ấy, thân quân thì hộ vệ ở trung quân, còn dư thì chia tám góc, góc nào thì ngăn giữ góc ấy, khi hợp thì đều tiến ra, lúc co lúc duỗi, khiến cho trong khoảng một trận như huyết mạch liền nhau, nhờ đó mà thông suốt được. Kết . Ba quân đông đúc, duy hiệp theo từng người mà cố kết thôi. Người trí thì cho được phát triển; người dũng thì cho được dùng sức; ai có lòng muốn thì cho được thỏa; ai bất khuất thì cho vươn lên, cho hả được giận, cho trả được thù. Thấy người đau ốm cũng như mình đau ốm; giết kẻ có tội thì lòng không nỡ; người có công thì dù nhỏ cũng thưởng; người đắc lực thì ban thưởng cho nhiều; được gì thì chia đều; làm vất vả thì đãi hậu; thành thực yêu quân chúng; bắt địch ít giết hại. Được như thế, chẳng những ba quân thấy vẫy cờ là theo, mà khắp thiên hạ cũng nghe tiếng là theo về. Ngự . Việc binh không phải là việc lành. Tài lợi cũng dùng, tài hại cũng dùng; người võ thì hay giết, người dũng thì hay ác, người trí thì hay dối trá, người mưu thì hay tàn nhẫn, việc binh không bỏ sót người võ, người dũng, người trí, người mưu, tức là không bỏ sót người hay giết, người độc ác, người dối trá, người tàn nhẫn. Cho nên khéo chế ngự thì dùng lấy tài năng mà bỏ điều hung ác, thu điều ích mà ngăn điều tổn. Thế thì thiên hạ không ai là không tài; quân thù cũng có thể vời được; quân giặc cũng có thể vỗ về; trộm cướp cũng có thể dùng; cho đến kẻ dám khinh nhờn pháp luật, bỏ đi theo địch, cũng đều có thể sai khiến được. Luyện . Ý phấn khởi mà sức nhút nhát, ấy là người khí suy; sức khỏe thừa mà lòng sợ sệt, ấy là người mật vỡ, khí suy mật vỡ thì trí dũng hết mà không thể dùng được. Cho nên cần phải lập thế để mà luyện khí, khinh thắng để mà luyện mật, bày lòng để mà luyện tình, thống nhất phép dạy để mà luyện trận. Lệ . Cái phép khuyến khích quân sĩ, đừng cậy ở pháp lệnh. Cho danh thì kẻ cứng mạnh cũng phấn khởi; dụ lợi thì người nhẫn nghị cũng phấn khởi; bị hãm vào chỗ nguy, nếu lấy thuật mà lừa thì người nhu nhược cũng phấn khởi: Tướng hay dùng cả ân uy thì ai nấy đều hiệp, chước gì cũng nên, sĩ tốt trong ba quân, ai cũng như hùm bay rồng uốn, gặp địch là đánh được. Nếu lại lập thế đề giúp uy, đủ tiết để hộ khí, thì dù thua cũng chẳng nhụt được khí, dù nguy cũng chẳng núng được lòng; thế thì lại không người nào và không lúc nào mà không khiến phấn khởi được. Lặc . Kìm ngựa thì phải dùng dàm khóa, kìm binh thì phải dùng pháp lệnh. Cho nên người lấy được thiên hạ không bỏ phép. Nhưng ơn nặng cũng có thể thi hành trừng phạt; trừng phạt thi hành rồi sau mới có uy. Thế nên người giỏi dụng binh, lấy sự được mất mà làm công tội, rõ sự đánh chạy để mà cưu thương. Giết một người mà mọi người sợ; giết kẻ nhát, chém kẻ thua, mà quân sĩ càng phắn khởi; đứng thì như núi, động thì như lở, khiến quân sĩ không dám khinh pháp lệnh, cho nên chỉ có được mà không có thua. Tuất . Trời sinh ra nhân tài rất là khó. Kẻ sĩ tri mưu, mang trách nhiệm giúp mà không thấy được dùng, muốn đi với địch thì ta chống. Kẻ làm tướng phải mở rộng lòng mà hỏi han, không để cho người ta không được tri ngộ. Đó là một điều thương kẻ sĩ. Những kẻ sĩ mang giáp trụ, phơi sương nằm nội, chịu đói chịu rét, đau đớn thân thể mà không kêu khổ, trải bao khó khăn mà không kêu nhọc. Cho nên người giỏi dùng binh không để cho họ bị hãm với địch và không giết càn. Đó là hai điều thương kẻ sĩ. Nhuệ . Nuôi uy quý ở ngày thường; xem biến quý ở mưu trí. Hai quân sát nhau, một tiếng hô mà phấn khí lên, chỉ là có nhuệ khí mà thôi. Mọi người không dám ra mà mình dám ra là nhuệ. Quân địch đông xông lại, mình ít mà dám xông ra là nhuệ. Ra vào giữa quân địch, đi lại xông pha là nhuệ. Làm mạnh, làm khỏe, dũng cảm mãnh liệt là nhuệ. Như gió, như mưa, như non lay núi lở là nhuệ. Tướng vụt mà tiến lên, quân ùa mà xông vào, quân và tướng đều là nhuệ cả. Chỉ nhuệ không thì vấp ngã, không nhuệ thì suy. Có mưu trí mà chu tất, phát ra mà thu lại được, thì nhuệ hay vô cùng. Trận . Nói về trận, thì có vài mươi nhà, ta gồm hết mà tóm lại. Hình trận dáng như chữ nhân 人 gọi tên là Nhân trận . Thuận cũng là chữ nhân , nghịch cũng là chữ nhân , tiến cũng là chữ nhân , thoái cũng là chữ nhân , hợp lại cộng làm một người, tan ra cũng làm một người. Một người làm một trận, nghìn muôn người sống làm một trận, nghìn muôn người hợp làm một trận, nghìn muôn người động làm một người. Nhuệ binh ở trước, trọng binh ở sau, phong quân để xông mà du quân để đi quanh. Ở trong chia làm âm, dương, hư, thực, đương, thụ, xả, xung(13) , khi bay, khi nấp, khi thổ, khi nạp(14) , khi động, khi tĩnh, khi nhóm, khi trương. Đấu mà không thể loạn, lùi thì dựa nhau, không dựa thì nguy. Người không tự loạn, loạn thì chỉnh ngay; người có thể tự dựa và phải dựa người, loạn làm sao được? Cao cao thấp thấp tùy theo thế, dài ngắn rộng hẹp biến theo hình. Trận chữ nhân thật thần vậy. "Chú thích" 1. Mạo nhẫn: Xông liều vào chỗ nhọn sắc, tức quân cảm tử. 2. Quán binh: Quân quen thạo. 3. Tử đấu: Đánh nhau đến chết. 4. Tất tử: Quyết phải chết. – Sách Võ kinh trực giải , phần "Lục thao", chương 53. 5. Tức Gia-cát Lượng, phong Vũ hương hầu. 6. Thù là 1 phần 24 của lạng. 7. Dịch theo Võ kinh trực giải quốc ngữ ca . 8. Bốn đầu tám đuôi là phép Bát trận đồ. 9. Cả thảy 5 trận. 10. Trở lên, đoạn Thái tôn hỏi Lý Tĩnh đáp là chép ở sách Võ kinh trực giải , phần "Lý Vệ công vấn đối". 11. Học chiến: Học phép đánh trận. 12. Ngô tử , thiên IV. 11. Đương, thụ, xả, xung: Lúc chống giặc, lúc chịu giặc, lúc bỏ, lúc xông. 12. Khi thổ, khi nạp: Khi nhả ra, khi nuốt vào .