Theo dữ liệu của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, cập nhật đến chiều 27/7/2022, hiện thế giới có hơn 19 nghìn ca bệnh đậu mùa khỉ, ghi nhận tại 76 quốc gia và vùng lãnh thổ. Báo đài và các trang thông tin truyền thông ở nước ta cũng đưa ra rất nhiều thông báo cảnh báo về sự hiện diện của loại bệnh này. Vậy đậu mùa khỉ là gì, và chúng có thực sự đáng sợ và có thể ảnh hưởng đến toàn thế giới như cái cách mà Covid-19 đã làm hay không? Hãy cùng mình tìm hiểu nhé. 1. Lịch sử căn bệnh Năm 1970, bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên được xác định ở người tại Cộng hòa Dân chủ Congo, đây là khu vực đã không còn bệnh đậu mùa vào năm 1968, do đó các nhà khoa học đã nhanh chóng xác định được loại bệnh mới và đặt cho nó cái tên đậu mùa khỉ. Kể từ đó, căn bệnh được phát hiện và báo cáo lại trên khắp Trung và Tây Phi. Năm 2003, đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên bên ngoài châu Phi là ở Mỹ. Các bệnh nhân đầu tiên được cho là có tiếp xúc với những con chó đồng cỏ bị nhiễm bệnh từ việc được nuôi chung với chuột túi Gambian và đã được nhập khẩu vào Mỹ từ Ghana. Đợt bùng phát này đã dẫn đến hơn 70 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Mỹ. Ở Vương quốc Anh: Bệnh đậu mùa khỉ cũng đã xuất hiện từ những du khách từ Nigeria đến Vương quốc Anh vào tháng 9 năm 2018, tháng 12 năm 2019, tháng 5 năm 2021 và tháng 5 năm 2022. Ở Singapore vào tháng 5 năm 2019 có ca bệnh liên quan khách du lịch từ châu Phi. Vào tháng 5 năm 2022, nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được xác định ở một số quốc gia không lưu hành (châu Âu, Úc, Mỹ) và lan ra trên phạm vi toàn thế giới. 2. Nguyên nhân Bệnh đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm do virus gây bệnh đậu mùa khỉ có thể xảy ra ở một số động vật bao gồm cả con người. Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây lan từ việc xử lý thịt rừng , vết cắn hoặc vết xước của động vật, chất dịch cơ thể, vật nhiễm bẩn hoặc tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm bệnh. Virus này được cho là thường lưu hành trong một số các loài gặm nhấm ở Châu Phi. Cách xác định bệnh là kiểm tra vùng bị thương do bị cắn, xước hay kiểm tra vị trí tiếp xúc với nguồn bệnh để tìm kiếm DNA của virus. 3. Triệu chứng Thời gian ủ bệnh: 6 - 13 ngày: Người nhiễm không có triệu chứng và may mắn thay, không có khả năng lây nhiễm. Không giống như Covid-19 vẫn có khả năng lây nhiễm trong thời gian ủ bệnh. Giai đoạn khởi phát: Từ 1 - 5 ngày: Các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Đây là giai đoạn bệnh nhân bắt đầu có thể truyền nhiễm virus cho người xung quanh. Giai đoạn toàn phát: Thường gặp sau sốt từ 1 - 3 ngày: Đặc trưng của giai đoạn này là xuất hiện phát ban trên da với các tính chất sau: Vị trí: Phát ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ban cũng có thể gặp ở miệng, mắt và cơ quan sinh dục. Tiến triển ban: Bệnh nhân gặp phải tình trạng từ rát (tổn thương có nền phẳng) đến sẩn (tổn thương cứng hơi nhô cao), sau đó thành mụn nước (tổn thương chứa đầy dịch trong), mụn mủ (tổn thương chứa đầy dịch vàng), đóng vảy khô, bong tróc và sau cùng có thể để lại sẹo. Kích thước tổn thương da: Trung bình từ 0, 5 - 1cm. Số lượng tổn thương da trên một người có thể từ vài nốt cho đến dày đặc. Trường hợp nghiêm trọng các tổn thương có thể liên kết với nhau thành các mảng tổn thương da lớn. Đặc điểm này hoàn toàn giống với người bị bệnh đậu mùa. Giai đoạn hồi phục: Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh khỏi hết các triệu chứng lâm sàng và không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác. Tuy nhiên các vết sẹo trên người thì vẫn còn đó và ảnh hưởng trực tiếp về vấn đề thẩm mĩ đến người bệnh. Các bạn có thể tra thêm thông tin về người bệnh đậu mùa để dễ hình dung. 4. Lây nhiễm Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây trực tiếp khi tiếp xúc với máu, chất lỏng trong cơ thể, giọt bắn đường hô hấp, vết thương trên da hoặc niêm mạc của người bệnh hoặc của động vật mắc bệnh. Ngoài ra, ăn thịt động vật bị nhiễm bệnh, tiếp xúc với các vật dụng của người bệnh như chăn gối, khăn lau, quần áo hoặc tiếp xúc với các tổn thương da của người bệnh. Vì thế, nếu sống chung với người đang mắc bệnh đậu mùa khỉ thì khả năng nhiễm bệnh thường khá cao. Ngoài ra, căn bệnh này cũng có thể lây từ mẹ sang thai nhi và dẫn đến bệnh đậu mùa khỉ bẩm sinh. Trẻ sơ sinh tiếp xúc gần với mẹ trong quá trình sinh nở và sau khi sinh cũng có nguy cơ nhiễm bệnh cao nếu mẹ đang mắc bệnh. Đây cũng là một phần lý do tại sao trong giai đoạn đầu, đối tượng nhiễm bệnh chủ yếu là trẻ em. Về việc căn bệnh này có lây lan qua đường tình dục hay không, các chuyên gia vẫn chưa có kết luận chính thức, cần phải có các nghiên cứu thêm. Tuy nhiên khi xảy ra quan hệ tình dục, dù cho đường tình dục có lây nhiễm hay không thì những người tham gia cũng sẽ có những tiếp xúc gần khác, do đó người có quan hệ tình dục với bệnh nhân cũng có nguy cơ rất cao bị lây nhiễm. 5. Chữa trị Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có phương pháp hay thuốc đặc trị cho bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, người bệnh không nên quá lo lắng bởi bệnh có thể thuyên giảm và tự khỏi mà không cần điều trị giống như đa số các bệnh truyền nhiễm liên quan đến virus khác. Một số loại thuốc được cho là có thể điều trị đậu mùa khỉ có thể kể đến như: Thuốc kháng vi rút cidofovir, thuốc kháng vi rút mới tecovirimat, thuốc nghiên cứu brincidofovir (CMX001). Đây là các loại thuốc có hoạt tính chống lại virus đậu mùa trên khỉ. Tuy nhiên, hiện chưa có loại thuốc nào được nghiên cứu hoặc sử dụng trong các vùng dịch để điều trị bệnh đậu mùa khỉ mà chỉ áp dụng các phác đồ điều trị bằng cách giảm triệu chứng thôi. Đặc biệt, ở người bệnh từng tiêm vaccine ngừa bệnh đậu mùa thì vẫn có nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ. Tuy vậy, các triệu chứng bệnh thường nhẹ hơn, không diễn tiến nặng và ít nguy cơ để lại biến chứng, hầu như không cần can thiệp. 6. Phòng bệnh Dù chưa ghi nhận các ca bệnh đậu mùa khỉ tại Việt Nam nhưng việc phòng ngừa bệnh vẫn nên được chú trọng. Một số biện pháp có thể áp dụng để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh đậu mùa khỉ cũng như các loại virus lây nhiễm khác bao gồm: Tránh tiếp xúc với động vật có nguy cơ nhiễm virus gây bệnh đậu mùa khỉ (động vật bị bệnh, động vật chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa khỉ, động vật nghi ngờ nhiễm bệnh). Thực hiện ăn chín, uống sôi. Chỉ ăn các loài động vật rõ nguồn gốc xuất xứ, đã qua kiểm định. Tránh tiếp xúc với người có nguy cơ mắc bệnh. Không chạm vào các vật dụng của người có nguy cơ nhiễm bệnh. Cách ly người có triệu chứng bệnh/có nguy cơ nhiễm bệnh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng dung dịch vệ sinh tay có chứa cồn, đặc biệt là khi vừa tiếp xúc với người khác. Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa. Chưa có vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ nhưng việc tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa có thể làm giảm đến 85% nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ. Nâng cao ý thức phòng tránh dịch bệnh. Thường xuyên cập nhật các thông tin bệnh. Sau khi WHO tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước châu Âu ghi nhận số ca mắc tăng nhanh, Chính phủ và các Bộ, Ngành liên quan đã đưa ra các phương án phòng dịch như tăng cường kiểm dịch y tế, sàng lọc sơ bộ tại các cửa khẩu, tăng cường truyền thông trong cộng đồng về bệnh và phương pháp phòng chống. Với những thành tựu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong việc phòng chống dịch đậu mùa khỉ. Mọi người hãy thường xuyên cập nhật thông tin, làm theo hướng dẫn và khuyến cáo của Bộ Y tế về các biện pháp phòng dịch để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cho cộng đồng.