Anh có thương chàng trai làng biển? Thể loại: Đam mỹ Tác giả: WooWooMagicshop (ChaLa) Văn án: Link thảo luận góp ý: [Thảo Luận - Góp Ý] Dành Cho Các Tác Phẩm Của WooWooMagicshop
Chương 1: Ngày đó. Bấm để xem Giữa buổi trưa hè oi bức, cái Tí vẫn đang mải mê ngồi trước sân nghịch mấy hòn sỏi nhỏ. Năm nay cái Tí đã tròn 5 tuổi, chuẩn bị sang năm là vào lớp một. Ba má nó đi làm xa, bỏ nó ở nhà cho ông bà ngoại nuôi, mỗi tháng má Huệ của nó lại gửi về cho ít bánh sữa và tiền. Bà ngoại Tí vẫn còn mạnh lắm, sáng sáng vẫn ra đồng đều đặn. Nhưng ông ngoại thì không, ông hay bị ho và khó thở, bác sĩ nói ông bị bệnh lao, ban đầu còn đi lại được đến sau này ông yếu quá chỉ có thể nằm một chỗ. Tí đang mải mê nghịch sỏi, thì nghe tiếng ông ngoại ho khan không dứt, nó lật đật gom mấy hòn sỏi sang để ở gốc cây rồi chạy vào xem ông thế nào. Ông ngoại thấy nó liền cố gắng nín nhịn, kìm cơn ho xuống. Tí ngồi kế bên ông, vuốt mái tóc muối tiêu nửa bạc nửa đen y như cách bà hay dỗ nó mỗi khi nó khó chịu trong người. Ông ngoại cười trừ, những nếp nhăn cứ thế xô vào nhau hằng rõ dấu ấn của thời gian, đôi môi khô bong cả da môi bị kéo căng rớm ít máu. Nhìn nó chút lâu, ông khẽ hỏi nó với chất giọng khàn đặc yếu ớt. "Tí có muốn nghe ông kể chuyện xưa cũ không?" Cái Tí ngẩn ngơ, hỏi ông chuyện xưa cũ là chuyện gì, có biển thì Tí mới nghe, Tí thích biển lắm. Ông xoa đầu Tí ôn tồn đáp: "Là chuyện của ông.." Đêm hôm đó trăng tròn vành vạch và sáng long lanh, soi bóng xuống mặt biển động nhè nhẹ lơn tơn vài con sóng nhỏ. Bầu trời đêm quang đãng đầy sao sáng. Tại một căn chòi nhỏ ở làng chài ven biển có một cậu nhóc 15 tuổi ngồi trên nóc nhà, phóng tầm mắt nhìn xa xăm về phía biển cả về đêm. Anh có đôi mắt của một chú cáo, một chú cáo nhỏ rất xinh đẹp, tròng mắt long lanh như có nước. Nội anh nói số anh đào hoa lận đận là do đôi mắt ướt lệ này. "Đây là đài tiếng nói nhân dân, phát thanh từ Hà Nội thủ đô nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Sau đây là chuyên mục 'tiếng hát tân thời'.." Tiếng dò đài phát ra rè rè từ chiếc máy cassette đã cũ ở đầu giường của bà nội. Cứ mỗi tối, sau khi giăng mùng xong, nội sẽ mở máy cassette lên, dò đài rồi nghe đến khi chìm vào giấc ngủ. Lúc còn sống cái máy là của ông nội, ông cũng hay mở nghe vào buổi tối. Rồi khi ông mất, bà không bỏ cái máy, mỗi đêm bà vẫn mở lên nghe như thể đang nghe cùng ông. Rồi đó cũng sớm thành lệ của nhà, mỗi tối mà không nghe tiếng dò đài là cứ thấy thiếu cái gì đó. "Kỳ à, vào ngủ con ơi." Nghe tiếng nội gọi, cậu nhóc lật đật thu đôi mắt mơ màng, leo xuống đất chạy u vào nhà, phủi phủi chân rồi leo lên giường nằm kế nội. Lớn tồng ngồng thế rồi mà vẫn còn ngủ với nội. Chẳng là nhà chỉ có ba người: Cha, bà nội và anh; cha thì đã đi biển, nhà chỉ còn nội, sợ bà buồn mỗi khi cha đi anh không dọn ra ngủ riêng, từ bé đến lớn ngủ với nội cũng quen rồi. Tiếng máy cassette cứ rè rè lúc rõ lúc chập, sóng ở đây không được tốt, đôi lúc không bắt được đài. Nhưng hôm nay trời đẹp nên cũng không đến nổi nào. Đài đang phát chương trình 'tiếng hát tân thời', dạo gần đây có ca sĩ mới nổi, suốt hơn tuần nay cứ nghe anh ta hát hoài một bản hit. Ấy mà giọng hát cũng không tệ, tuy là giọng đại trà nhưng rất có kỹ thuật. "Nằm nghe sóng vỗ từng lớp xa Bọt tràn theo từng làn gió đưa Một vầng trăng sáng với tình yêu chúng ta Vượt ngàn hải lý cũng không xa.." Sóng ngoài biển rì rào đểu đều vỗ vào biển, gió biển cũng nhè nhẹ man mát. Giọng ca êm ái có chút ấm của chàng ca sĩ trong máy cassette như ru ngủ. Cậu nhóc chìm dần vào cơn buồn ngủ rồi thiếp đi từ khi nào. Mãi hôm sau khi mặc trên người chiếc áo trắng học sinh mới thấy cái tên thêu bằng chỉ đỏ bên ngực trái: Mẫn Doãn Kỳ. Ngót tầm ba năm trôi qua, anh Kỳ giờ cũng đã 18 tuổi. Người làng bảo Kỳ trổ mã đẹp trai sáng láng lắm, cái tướng tuy không lớn xác bằng trai làng nhưng suy cho cùng cũng cao ráo, có da có thịt. Sinh ra ở vùng biển, Kỳ cũng sở hữu nước da ngăm khỏe khoắn đặc trưng. Những đứa con trai trong làng chài khi tầm 16-17 đã theo người lớn tập tành từng chút một ra biển cả. Không đi nhiều nhưng mỗi lần đi phải rút được kinh nghiệm để sau khi đủ 18 tuổi sẽ chính thức vào nghề. Nghề chài lưới ở miền biển như một cái tục, đến tuổi sẽ truyền dạy cho con cháu, đời sau nối nghiệp đời trước. Bởi dân biển mà, họ ở đây quanh năm suốt tháng, từ lúc lọt lòng cho đến khi già cỗi rồi chết đi cũng chỉ ở đây, ở với biển. Mà ở biển thì chỉ có thể làm nghề chài lưới, đi biển đánh cá, ít thì để ăn hoặc bán lẻ, còn lúc may mắn được 'Ông' (cá Ông) cho mẻ cá lớn thì buôn sỉ cho thương lái. Dân ở đây là vậy, suốt đời cũng vậy, cha mẹ là vậy, con cháu cũng vậy sống về biển chết cũng về biển. Nếu họ không theo nghề chài lưới thì còn theo nghề nào được nữa. Có câu 'Đàn ông đi biển có đôi', ngư dân quan niệm một chiếc thuyền phải có từ hai người, chủ thuyền và người làm công trên thuyền. Những người làm công được gọi là 'bạn' và người 'bạn' này chỉ nhất nhất đi cùng với một người chủ, có thể gắn bó cả đời với người chủ thuyền khi còn làm nghề. Đợt này Kỳ cũng chuẩn bị theo cha ra biển. Dưới cái nắng nhẹ ban sáng, gió biển thổi những sợi tóc bay lòa xòa trước trán. Nắng mai chiếu nhẹ lên vai người thiếu niên khoẻ khoắn đang sửa sang lại cánh buồm đã cũ trên thuyền nhà mình. Doãn Kỳ với đôi tay thoăn thoắt, thoáng cái đã làm xong. Buộc lại dây căng xong Kỳ đứng thẳng dậy, vươn người nhìn ra biển lớn trong lòng có chút kiêu hãnh pha chút mong chờ. Vì sắp tới đây sẽ là lần ra biển chính thức cho việc anh vào nghề, xác định với cái nghề trong tay Kỳ cũng có chút hồi hộp dù trước đây cũng đã từng đi biển cùng cha. Dời tầm mắt vào phía bờ, đôi mắt cáo lanh lợi chợt híp lại. Từ xa có hai người đàn ông một thấp một cao đang dần tiến về phía này. "Đến đây rồi chắc là anh sẽ tìm lại được cảm hứng thôi nhỉ?" Người thấp hơn người còn lại mở lời trước. Cậu ta nhìn tướng thôi cũng biết không phải khá giả cũng là người nổi tiếng. Từ quần áo, giày dép đến tóc tai đều khiến người ta phải chú ý vì sự hào nhoáng. Bộ comple đắt đỏ đến từ thương hiệu D&G, đôi Chelsea boot cổ cao nâu đỏ bắt mắt, người thoang thoảng nước hoa Lanvin hàng hiệu khiến người kế bên nhăn nhó mãi. Tóc đen vuốt ngược bóng loáng, điển trai ưu tú vô cùng. "Cậu có thôi xịt mấy cái lọ nước hoa kia đi không Phác Chí Mân, khó chịu chết đi được." Người kế bên vừa cằn nhằn chính là nhạc sĩ họ Trịnh, tên Hiệu Tích. Ngược với Mân, Tích cao hơn hẳn một cái đầu nhưng lại ốm đến phát hờn. Do thường xuyên thức đêm sáng tác nên trông gã chẳng khác gì một tên nghiện. Tuy vậy vẫn ra dáng nghệ sĩ phong trần bụi bặm lắm. Tóc kiểu 'cá đối' đuôi sói, phần tóc hai bên không cạo mà vuốt ra sau dợn sóng, đuôi tóc để dài đến cầu vai tỉa so le giống như sói trông rất lãng tử. Gương mặt nhìn kỹ rất anh tuấn, rất nghệ. Đơn giản hơn Mân, gã chọn cho mình chiếc sơ mi xanh ngọc, quần jean ngắn tới gối màu trắng, đi đôi sandal cao su màu đen. Trên vai có đeo theo cây đàn ghi ta thân thuộc và giấy bút. Hai người sóng bước một chút thì đến gần thuyền của Doãn Kỳ. Kỳ từ trên thuyền phóng xuống, đi từng bước bì bõm vào bờ. Thân một áo phông trắng đã cũ đến nổi ngã vàng, bờ vai có rách vài lỗ nhỏ, cái quần tây của ông nội để lại đã cũ ngã từ đen sọc sang xám không còn thấy nổi sọc đâu. Kỳ vác theo bao đồ nghề sửa chữa, trán có chút mồ hôi làm mấy cọng tóc mái bị ướt dính chặt. Gió vẫn thổi, Kỳ quẹt mồ hôi đi cho tóc mái sang bên để hứng từng đợt gió, đôi mắt nhíu lại, miệng mỉm cười nhẹ hài lòng vì mát. Tất cả hành động cử chỉ đó điều được thu vào đôi mắt của Hiệu Tích, in sâu vào trí nhớ của gã. Gã tin đó chính là cảm hứng, chính là lẽ phải, dường như đã làm tim gã hẫng đi một nhịp. "Mân cậu nói đúng. Tôi đã tìm lại được cảm hứng."
Chương 2: Bên nhau có chút tình. Bấm để xem Ấy thế mà người đi nhanh quá, thoắt cái đã khuất bóng. Tích lủi thủi đến ngồi cạnh Mân đã yên vị trên tảng đá nhỏ gần đó vì mỏi. Lôi giấy bút ra viết gì đó không rõ rồi ôm đàn ghi ta đánh vu vơ vài giai điệu. Hiệu Tích trong lòng cứ xốn xang, tim nãy giờ cứ đập nhanh mãi, đôi mắt cứ láo liên ngó cứ như đang tìm kiếm điều gì đó. Tay gã hơi run, bấm trật nốt hết thảy hơn 20 lần, đó là điều gây khó chịu cho người nghe kế bên. "Bộ thiếu rượu hay sao mà run tay dữ. Lần đầu thấy anh sai nốt đấy." Đến chiều khi về lại căn nhà nhỏ, Kỳ đã thấy nội và cha ngồi đợi cơm. Lúc sửa xong buồm, Kỳ có sang nhà nhỏ Nụ phụ nó gở cá, ướp cá rồi phơi khô. Nụ nhỏ hơn anh một tuổi, dễ thương, dễ mến nói chuyện có duyên và thân với Kỳ nhất, coi nhau như anh em trong nhà. Loay hoay phụ nhỏ Nụ một chút mà đã xế chiều, Kỳ tranh thủ về sớm ăn cơm với nội và cha. Trước khi về Nụ kịp dúi vào tay Kỳ cái khăn màu hồng có thêu tay một nụ hoa mai, rồi bẽn lẽn chạy vào trong. "Cho mấy người nè." * "Bây với con Nụ thương nhau phải không?" Nghe nội hỏi, Kỳ đang nuốt muỗng cơm liền bị sặc. Ai đã nói cho nội nghe chuyện gì mà nội lại hỏi vậy. Kỳ cố nuốt xuống muỗng cơm, rồi từ từ trả lời nội. Anh nói Nụ với anh như anh em trong nhà, thương yêu gì đâu mà nội hỏi vậy. Thế là nội lôi ra cái khăn tay màu hồng có thêu nụ hoa mai. Kỳ điếng hồn vội xin lại, lúc đang rửa mặt rửa tay Kỳ sơ ý làm rớt rồi không để ý mà bỏ đi luôn. Vậy mà nội nhặt được rồi tưởng hai đứa thương nhau. Nhưng dù có nói thế nào, nội vẫn đinh ninh Nụ sẽ sớm làm cháu dâu nhà mình. "Dạ cho hỏi, có ai ở nhà không ạ?" Tiếng gọi ở trước nhà vọng vào, Kỳ nghe vậy buông đôi đũa với chén cơm xuống. Chiết cái đèn dầu ra một cái đèn dầu khác rồi bước ra ngoài xem là ai. Vì trời lúc này cũng đã sẫm tối, khó nhìn rõ mặt, phải một lúc sau mới nhìn rõ là hai người đàn ông một thấp một cao đi du lịch lúc sáng. Phía đối diện cũng sững sờ khi thấy Kỳ. Tích đã ngây người ra nhìn Kỳ như người bị hóa đá. Chí Mân đẩy gã nhạc sĩ ra sau rồi nhẹ giọng hỏi xin tá túc. Vì trời đã tối mà hai người vẫn chưa tìm được chỗ ở nên Kỳ cũng đồng ý cho họ vào. Sẵn nhà đang ăn cơm, Kỳ cũng lấy thêm chén đũa cho hai người đàn ông cùng dùng bữa với gia đình. Bà nội cũng nhiệt tình tiếp đãi, nhà tuy nghèo nhưng bà không phải dạng kiệt sĩ, có gì ăn nấy. Riêng cha của Kỳ cứ như không vừa ý Tích và Mân. Ông không thích người lạ vào nhà, ngày xưa cũng vì chính người lạ vào nhà mà mẹ của Kỳ đã bị người ta bắt đi biệt tích. Ánh mắt chán ghét cứ hằn học nhìn về phía hai người đàn ông xa lạ phát ra từ cha Kỳ khiến cả nhà có chút ngượng. Ăn uống xong, Kỳ tìm trong xó ra cái chiếu manh cũ đã lâu không dùng đưa cho hai người Tích và Mân. Cho họ ngủ ở cái chõng tre trước hiên nhà. Không có dư mùng, anh phải sang nhà Nụ mượn tạm. Nhà cũng chỉ còn dư một cái chăn duy nhất nên cả hai phải đắp chung. Đành chịu vậy, ở nhờ nhà người ta mà đòi hỏi sao coi được. Sắp xếp mọi thứ xong cũng là giờ đi ngủ, Kỳ vẫn ngủ với nội. Hiệu Tích và Mân cũng bắt đầu ngả lưng. Nằm ở ngoài nhà, chỉ với chiếc mùng mỏng manh, gió biển cứ thổi vào lạnh lẽo. Gió cứ thổi từng cơn buốt giá, với chiếc chăn duy nhất cả hai cũng không thể tránh được cái lạnh thấu xương. Nằm kế bên mà Chí Mân cứ cứ sột soạt mãi, lăn qua lăn lại rồi thở dài. Tự nhiên cậu ta bật dậy tức tối vò đầu bức tóc. "Về thành phố đi! Em không thể chịu nổi cảnh này nữa." "Chú mày làm sao đấy?" "Ngoài trời thì gió cứ thốc vào, chăn thì mỏng, không có gối kê đầu còn chiếu thì ẩm mốc. Anh nghỉ coi sao mà em chịu được. Kêu anh đến khách sạn thì không chịu, cứ nhất quyết đòi đi tìm nhà tá túc. Rồi giờ thì sao, khổ chứ sao nữa." Trút hết nỗi uất ức, Chí Mân như con nít chùm chăn lên đầu thở dài hờn dỗi. Tích cũng thở dài, tại gã mà cậu ca sĩ vốn ăn sung mặc sướng này phải chịu khổ. Gã đắp lại chăn cho Mân rồi bỏ ra gốc dừa cạnh nhà ngồi. Châm một điếu thuốc, gã ngồi đó suy tư. Những đợt khói thuốc phả vào không khí trắng phau phau nhanh chóng bị gió cuốn đi mất. Gã lại rít một hơi thuốc, đầu thuốc đỏ cháy ăn dần lên gốc thuốc, đầu lọc bị cháy xém đen một chút gã mới buông điếu thuốc. Nhã đợt khói cuối gã tìm đến cây ghi ta, chơi vài điệu đơn giản. Ngồi mãi mê đánh đàn, gã không hay biết Kỳ đã ngồi kế bên tự lúc nào. Đến khi nhận ra thì cả hai đã cùng một nhịp, kẻ đàn người nghe, cùng hướng về phía biển rì rào đầy sao trên cao, mặt trăng vẫn vậy sáng soi cho đôi trẻ. "Sáng mai hai anh đi sớm hay sao?" "Chắc là vậy, chúng tôi đến đây để tìm cảm hứng viết nhạc. Chắc sẽ ở đây vài hôm nhưng nếu gia đình không tiện thì sáng mai chúng tôi xin đi sớm." "Sáng mai tôi và cha sẽ đi biển. Khuya nay sẽ vác dầu, nước ngọt và trang thiết bị xuống tàu." Gã nhạc sĩ nghe Kỳ nói nhưng không còn phản hồi. Gã ôm lấy cây đàn vừa đàn vừa hát vu vơ một đoạn. "Em không biết vẽ gì trong mắt anh Về tạm cơn mưa, nắng trong lành." Khuôn mặt lãng tử phiêu theo từng nốt nhạc. Gã buông cây đàn chợt nắm lấy đôi bàn tay thô ráp vì lao động chân tay của Kỳ. Mắt sáng rở như bắt được vàng. "Em cho tôi theo với." Vậy là khuya đó Hiệu Tích và Chí Mân được chấp thuận làm 'bạn' trên tàu của cha con Doãn Kỳ. Ông Mẫn cha Kỳ ban đầu còn hằn học, hai người xa lạ tự phương nào tới, đã cho ở nhờ nay lại đòi đi theo tàu cá. Nhưng nghĩ lại trên tàu chỉ có ông và Doãn Kỳ, ông bấm bụng cho họ theo nhưng nhất quyết thỏa thuận hai người kia sẽ không được chia bất cứ mẻ cá nào sau khi về lại bờ. Sau khi ổn định xong mọi việc trên tàu, bà nội và ông Mẫn chuẩn bị ngay bàn cúng nhỏ, cầu cho sóng yên biển lặng, cầu cho con cháu bình an, cầu Ngư Ông cho mẻ cá lớn để cả nhà có cái tết ấm no, cầu thần Nam Hải bảo hộ cho thuyền đi rồi về an toàn. Cúng xong, ông Mẫn châm một điếu thuốc hút vội cho tỉnh táo. Lúc này đã là năm rưỡi sáng, quăng tàn thuốc xuống nền cát, chà chà đế dép cao su cho tắt hẵn lửa, ông Mẫn hào hứng hô 'bạn' lên tàu rồi nhanh chóng ra khơi. Tàu chạy đã khá xa bờ, bầu trời hừng đông ló dạng trước mắt cả bốn người. Thứ ánh sáng mới mẻ mỗi sáng thức dậy ửng hồng ửng cam, có mấy đám mây trắng nhạt và mặt trời tròn vạnh đỏ cam rực cháy. Sương sớm còn đọng trên gác mái tàu lành lạnh, mùi biển cả cứ phả vào khoang lái của ông Mẫn khiến ông ngất ngây. Ông yêu cái nghề này lắm, cảm giác vẫn như những ngày đầu theo ông nội của Kỳ ra biển. Đôi mắt ông Mẫn thư giãn, gọi mấy đứa ra boong tàu ngắm bình minh. Anh Kỳ thân một áo sơ mi trắng đã sờn cũ, chiếc quần tây ống đứng màu đen đi đôi dép lê đã mòn gần bằng cái lưỡi lam đang ngồi ngắm bình minh phía trước. Mái tóc theo gió bay một cách rối bời, mặt hơi hướng lên như đang tận hưởng gió biển. Một chàng thiếu niên thanh nhã, giản dị nhưng đẹp đến nao lòng tưởng chừng chỉ cần chạm nhẹ là sẽ vỡ vụn. Gã nhạc sĩ không ngồi cạnh Kỳ mà bẻn lẻn ngồi phía trong. Gã muốn thu trọn nhân ảnh mỹ miều kia, nhìn anh một cách say đắm. Có lẽ Hiệu Tích đã không còn chỉ đơn thuần là yêu cái đẹp từ Doãn Kỳ mà gã đã yêu luôn con người anh. Phía bên đây, Kỳ vẫn lặng im như đang hưởng gió nhưng không hẳn, anh đang lắng tai nghe nhạc sĩ Trịnh chơi từng bản nhạc êm tai, có lẽ chỉ có anh mới hiểu được tâm tư gã gửi trong từ nốt nhạc. Tàu đã đến ngư trường cách bờ khoảng chừng 60 hải lí, Doãn Kỳ và cha bắt tay vào việc nhanh chóng. Chí Mân vẫn ngủ li bì, cậu ta vẫn hờn vì tối qua không được ngủ thẳng giấc. Nhạc sĩ Trịnh cũng loay hoay phụ những việc vặt rồi lại cầm giấy bút viết vẽ gì đó trong rất thú vị. Đến tối muộn, sau khi xử lý mớ cá tôm hồi chiều bắt được, ông Mẫn lấy vài con ra xiên qua que rồi nướng. Ông ôm một bầu rượu vớ lấy một con cá nướng. "Tao lên buồng lái, tụi mày ăn uống xong thì dẹp dọn rồi ngủ đi, mai còn vào việc." Anh Kỳ bảo hai người đàn ông cứ ăn tự nhiên còn anh sẽ ra boong ngồi ăn. Thế mà có một người bỏ bạn ngồi ăn một mình, lật đật ôm theo cây ghi ta chạy theo Doãn Kỳ ra boong. "Tôi nghe nói anh là nhạc sĩ?" "Ừ, tôi yêu những giai điệu và muốn mang chúng đến với khán giả." "Anh vẫn chưa cho tôi biết tên nhỉ?" "Trịnh Hiệu Tích, 35 tuổi." "Anh hơn tôi tận 17 tuổi. Tôi tên Mẫn Doãn Kỳ. Còn người kia thì sao?" "Cậu ta là Phác Chí Mân, nhỏ hơn tôi một tuổi, là ca sĩ đó nha." "Tôi nghe giọng anh ta rất quen, tên cũng quen nữa." Hiệu Tích có vẻ hiểu ra gì đó. Ôm lấy cây guitar, vừa hát vừa nhìn Kỳ bằng ánh mắt chứa chan. "Nằm nghe sóng vỗ từng lớp xa Bọt tràn theo từng làn gió đưa Một vầng trăng sáng với tình yêu chung ta Vượt ngàn hải lý cũng không xa.." Thì ra bài hát năm 15 tuổi mà có một khoảng thời gian tối nào Kỳ cũng nghe đó là bài 'Biển tình'. Người hát trong chiếc máy cassette là Chí Mân, người đệm nhạc cho Mân và cũng là nhạc sĩ phối khí hòa khí cho bài này lại là Hiệu Tích. Hiệu tích có nhiều bài nổi tiếng nhưng từ dạo đó gã gần như cạn ý tưởng, mỗi bài mới được phát hành hay những bài hợp tác do gã hòa âm phối khí lại hao hao giống nhau và cũng không thật sự nổi bật. Suốt ba năm trong bế tắc, Chí Mân đột nhiên lại đề nghị nên đi đâu đó và cơ duyên đã đưa đẩy cho gã tìm lại được lý tưởng khi mới bước vào làm nhạc. "Vợ con anh đâu?" "Ha ha ha.. Một gã nhạc sĩ lông bông như tôi thì làm gì có được vợ em hỡi." Gã nhìn anh nữa trêu đùa nữa thành thật. Từ trước đến nay chỉ có âm nhạc mới làm tim gã xao động, chưa có một ai có thể khiến gã ngất ngây, rung động. Trừ ngay lúc này, người trước mắt với đôi mắt cáo mỹ miều, đôi mày thanh tú, mũi cao thẳng, môi mỏng e thẹn, tóc cứ bay nhè nhẹ. "Anh đàn cho tôi hát được không?" Làm sao gã có thể từ chối được lời đề nghị từ tình yêu của gã. Vui mừng phấn khích thử bấm vài nốt lấy nhịp. Doãn Kỳ hát, gã đệm theo nhịp của anh. Cả hai không hẹn trước mà hài hòa tuyệt đối. Bản nhạc chưa soạn giai điệu chưa có lời trước, nay lại làm xao xuyến lòng người, hai trái tim cùng chung một nhịp tự khi nào. "Em không biết vẽ gì trong mắt anh Về tạm cơn mưa, nắng trong lành Về con thuyền, sóng cả đang lấp lánh Hay thôi về lại chút chân thành."
Chương 3: Rồi chút tình có hóa vô tình? Bấm để xem Đợt đi biển kéo dài 15 ngày, suốt khoảng thời gian nhỏ đó Kỳ và gã nhạc sĩ đã ngầm xác định đối phương nhưng không thổ lộ. Có chút sợ, sợ đối phương không chấp nhận tình cảm của mình, sợ người xa lánh ghê tởm với mảnh tình đồng giới tính. Sau khi lên bờ Hiệu Tích và Mân nán lại làng biển thêm năm ngày nữa. Ngày cuối cùng, Tích hẹn Kỳ đi dạo bờ biển. Họ đi bên nhau không nói gì và cũng không biết nói gì. Dừng lại bên tảng đá nhỏ Tích mở lời. "Sáng mai tôi đi rồi, em buồn không?" Kỳ không đáp lời gã. Có chút xao động trong đáy mắt nhưng anh chọn không nói ra, anh sợ người kế bên biết tình cảm khác lạ của mình. Chỉ lẳng lặng hơi cúi mặt. Hiệu Tích đến phút này còn không chịu hiểu sao, một lần rồi thôi, gã mạnh dạng nắm lấy bàn tay Kỳ, hai tay đan vào nhau. Xích gần anh hơn, thoang thoảng bên gã là mùi của biển cả nhưng thoải mái khiến tâm gã như quên đi mọi rào cản. Chàng trai bên cạnh làm gã say đắm đến không còn tâm trí, lần đầu tiên gã được trải nghiệm cảm giác yêu thích một người nhiều đến thế. "Em có tin không nếu tôi nói tôi yêu em nhiều đến quên mình là ai?" Kỳ vẫn im lặng. Anh bất động, vẫn cúi mặt. Tim đột nhiên đập mạnh như muốn nổ tung. Tưởng chừng tình cảm của gã không được hồi đáp thì Kỳ bỗng đan tay vào tay gã rồi siết lấy. "Em tin." Chỉ một câu nói đó đã xác định hai con người xa lạ thuộc về nhau. Họ khác biệt với mọi người nhưng tình yêu của họ thì không. Yêu chỉ đơn giản là yêu, họ chọn sống vì yêu vì đối phương mà sống tiếp. Hiệu Tích bị mê hoặc bởi người bên cạnh. Mọi thứ xung quanh như rơi vào điểm mù, chỉ có anh trong mắt gã. Gã lấy hết can đảm khẽ hôn lên má anh. Một nụ hôn vội vã nhưng đủ làm đỏ mặt người nhỏ hơn, đủ làm họ nhung nhớ, đủ làm họ muốn thêm nữa nhưng cũng đủ làm họ thỏa mãn tình yêu rực cháy. Mà nụ hôn vội đó cũng đủ làm tan nát một trái tim nhỏ bé khi nhìn thấy. Màn đêm đã buông xuống, đêm nay sẽ là đêm cuối. Gã nhạc sĩ đang dọn dẹp và soạn đồ để ngày mai về lại thành phố thì em người yêu của gã bước ra. Mang một ly nước mát cho gã, ánh mắt dịu dàng có chút buồn. Tình yêu mới chớm nở nay lại chia xa. "Mà Chí Mân đi đâu mãi giờ này chưa về?" Vừa sáng bảnh mắt đã không thấy cậu ta đâu, không biết đi đâu mà lần. Hai người Kỳ Tích ngồi thêm một lúc thì thấy Chí Mân chạy như ma đuổi vào nhà. Cậu ta ghé vào cạnh chum nước, múc từng ráo tạt vào mặt có vẻ tức tối lắm. Quần áo xộc xệch lôi thôi, còn có cả mùi rượu. Tên này đó giờ đào hoa phong nhã có thể gọi là phóng túng nhưng sao hôm nay lại làm ra bộ dạng như vừa thất tình. Mân im lặng không nói không rằng lên giường quay lưng vào vách ngủ. Kỳ cũng thôi không nán lại, chỉ biết im lặng rồi vào nhà. Rạng sáng hôm sau, sợ Doãn Kỳ buồn nên gã nhạc sĩ lên đường đi sớm mà không một lời từ biệt. Khi anh ra ngoài đã thấy chiếu gấp gọn, có một đôi giày cao su quai hậu màu đen đặt gọn cạnh thành giường kèm theo một tờ giấy 'cho em Kỳ'. Kỳ ôm lấy đôi giày rớm nước mắt, vội lau đi rồi trở vào trong nhà. Ba tháng sau khi Tích về lại thành phố, Doãn Kỳ ở lại cứ thơ thẩn mãi. Anh không thể tập trung một trăm phần trăm vào công việc của mình. Cha anh thấy lạ nên ông hay để ý đến con trai, ông thấy con mình hay ngồi trên có chõng tre trước nhà nơi hai thằng ất ơ từng tá túc. Ông thấy anh hay đem đôi giày quai hậu ra ngắm nghía, hỏi thì anh bảo có người cho. Bà nội thì nói với cha rằng anh đã yêu, chắc là yêu con bé Nụ, đôi giày chắc cũng là của con Nụ vì lần trước Nụ cũng đã tặng Kỳ một chiếc khăn tay. Ông Mẫn cũng thôi nghi ngờ, vui vẻ dặn dò thằng con mới lớn. "Bây yêu ai thì cứ việc yêu. Mà nhớ không được làm người ta buồn đó nghe không con." Mấy tháng nay không thấy nhỏ Nụ đâu nữa, nó không còn qua nhà Kỳ chơi, không còn gọi Kỳ sang nhà như trước. Bà nội cũng thấy lạ, sẵn ông Năm cha của Nụ nói còn dư mấy cây gỗ tốt kêu nhà Kỳ sang lấy mà dùng, bà nội liền bảo Kỳ sang đó lấy. Kỳ đến nhà ông Năm thì thấy Nụ đang phơi cá khô, mấy tháng không gặp, Nụ có vẻ mập mạp ra hẳn. Anh vui vẻ tính chạy lại nói chuyện thì Nụ hốt hoảng chạy vào nhà, thấy anh như thấy tà làm anh chẳng hiểu gì. Mấy hôm sau gặp Nụ ngoài chợ, nó mặc áo kín mít, khăn trùm đầu như bị mề đay. Thấy Kỳ nhỏ Nụ lập tức bỏ chạy, lần này không để nó chạy nữa Kỳ nhanh chóng nắm thóp nó. "Sao Nụ lại trốn anh? Nụ có chuyện gì sao?" Nụ như bị nói trúng tim đen, nó mềm yếu dựa vào ngực Kỳ khóc. Mọi người đi ngang cứ tưởng Kỳ chọc ghẹo con nhỏ làm nó khóc. Kỳ đưa Nụ ra bờ biển ít người, hỏi xem đã có chuyện gì xảy ra. Nó uất ức kể trong từng cơn nấc nghẹn. Thì ra mấy tháng nay Nụ trốn Kỳ vì biết Kỳ yêu người khác mà người đó lại là đàn ông. Thật ra Nụ thích Kỳ đã lâu nhưng đó không phải là lý do chính. "Em có thai rồi anh Kỳ ơi, ba tháng rồi." Kỳ nghe như sét đánh ngang tai. Vội hỏi người nào đã làm Nụ ra nông nổi này. Nghe nó trả lời mà anh xây xẩm mặt mày, chính là Phác Chí Mân cậu ca sĩ đào hoa. "Em có nói với ông Năm chưa?" "Em không có nói với cha chuyện mang thai. Nhưng em hỏi nếu chồng em là ca sĩ thì cha có chấp nhận không?" "Rồi ông Năm nói sao?" "Cha nói xướng ca vô loài, nói em mà dắt cái loại đó về nhà là cha chặt gãy chân. Bây giờ phải làm sao đây anh Kỳ?" Cái bụng của Nụ thì càng ngày càng lớn, sớm muộn gì ông Năm cũng sẽ biết chuyện. Nụ nói nó muốn đi tìm Mân, dù có ra sao thì con nó cũng phải có cha. "Nhưng Nụ ơi, biết tìm ở đâu bây giờ?" Nó nói chắc là nhạc sĩ Trịnh sẽ biết Mân ở đâu, chỉ cần tìm được Tích thì sẽ tìm được Mân. Câu nói ngây thơ của Nụ làm Kỳ đứng hình, chính Kỳ cũng không hỏi rõ địa chỉ chính xác của Hiệu Tích, chỉ biết gã ở Sài Gòn thôi. Kỳ nhìn Nụ khổ sở trong lòng cũng có chút buồn, anh để Nụ dựa vào vai mình rồi suy nghĩ gì đó. Lát sau anh đưa Nụ đi đến căn chòi của thầy Hai để hốt thuốc bổ dưỡng thai cho Nụ, rồi đưa nó về nhà. Đến trước nhà Kỳ nói Nụ đưa mình vào gặp ông Năm. "Thưa bác, cháu.. có chuyện muốn nói với bác." "Bây sao vậy, thường bửa thấy bây nói có thèm xin đâu, nay bày vẻ vậy con. Có gì cứ nói." "Dạ, con.. lỡ làm bé Nụ có thai ba tháng rồi." Ông Năm điếng người khi nghe tin động trời, mắt trợn lên, đôi lông mày tướng nhíu lại giận dữ, mặt đỏ gay đứng phắt dậy. Ông điên tiết quơ lấy cây roi mây đánh vào lưng Kỳ tới tấp. Cái tội làm con gái ông chưa chồng mà có chửa, cái tội giấu đến giờ này mới chịu nói, làm nhục gia phả nhà ông. Nụ không ngờ Kỳ lại nhận bừa cái thai trong bụng, càng thấy thương Kỳ vô cùng. Nụ chạy đến đở cho Kỳ thì bị ông Năm xô ra, nó quỳ lạy ông Năm bớt giận. Chuyện nhanh chóng tới tai ông Mẫn, ông và bà nội tức tốc chạy sang nhà Nụ nói chuyện. Thấy nhà người ta cũng sang, ông Năm mới thôi đánh Kỳ. Hai bên gia đình ngồi nói chuyện, dù sau gạo cũng nấu thành cơm, ông Năm cũng dịu lại rồi cùng bàn chuyện cho Kỳ và Nụ lấy nhau để thiên hạ không phải dòm ngó. Nụ hỏi tại sao Kỳ lại làm vậy. Kỳ nói sẽ đưa Nụ đi tìm cha cho đứa bé, nhưng nếu không tìm được thì người ta cũng biết Nụ không phải chửa hoang mà cha của đứa nhỏ là Kỳ. Ít ra trên khai sinh sau này cũng có cha có mẹ đầy đủ. Nghe anh nói vậy Nụ cảm kích vô cùng, nó không ngờ trên đời vẫn còn có người quan tâm chịu hy sinh vì nó. Mấy hôm kế tiếp, Kỳ và Nụ lén lút chuẩn bị hành trang lên thành phố. Mấy nay anh dọn hẳn ra chiếc chõng tre trước nhà ngủ, vì lớn rồi không thể ngủ với nội mãi và cũng sẽ dễ hành động. Đêm trước ngày đi, Kỳ trằn trọc mãi không ngủ được, anh lo lắm không biết sau khi lên thành phố có tìm được cha đứa nhỏ không. Nhưng anh vẫn quyết phải đi vì Nụ vì đứa nhỏ và cũng vì anh muốn gặp lại Tích, người đàn ông mà anh vẫn luôn nhung nhớ.
Chương 4: Anh có nhớ hay đã quên? Mối tình tan còn thổn thức (Hoàn) Bấm để xem Lúc này đã là một giờ sáng, Kỳ lồm cồm bò dậy, ôm giỏ đồ nhỏ trong góc cẩn thận để không phát ra tiếng động. Kỳ xỏ vào chân đôi giày quai hậu mà Tích tặng, lòng thầm mong nó sẽ đưa mình tìm được người ấy. Rón rén chạy thật nhanh, Kỳ bỏ xa ngôi nhà nhỏ đã gắn bó với anh từ tấm bé, nơi có người cha già và người bà hiền hậu, bỏ lại cái chài cái lưới con tàu nhỏ, để đi tìm một chân trời mới. Kỳ dắt tay Nụ đi thật nhanh ra thị xã, ở đó sẽ có bến xe khách. Đường ra thị xã xa lắm, phải đi tầm ba tiếng hơn mới đến, phải đi sớm khi đến là vừa tới giờ xe chạy. Lúc đã yên vị trên xe, Kỳ vẫn còn run, tay nắm chặt tay Nụ chấn an cô. Nụ mệt mỏi nên cũng nương vào vai anh mà ngủ thiếp đi. Chuyến xe khởi hành lúc tờ mờ sáng, ra khỏi địa phận Đại Lãnh - Khánh Hòa. Cứ vậy mà xe bon bon đi xa, mang theo Kỳ cùng tình yêu và nỗi nhớ đến nơi có Hiệu Tích. Bình minh phía trước như báo hiệu một tương lai mới, âm u giăng đầy mây đen, có lẽ sẽ có một cơn mưa lớn kéo đến. Xe đi không biết đã bao lâu, nhưng khi lơ xe thông báo đến nơi thì trời lúc này đã tối muộn. Lúc bước khỏi xe khách là lúc cuộc đời Kỳ và Nụ chính thức bước sang trang mới. Từ khi còn bé cho đến bây giờ đã 18 tuổi, Kỳ chưa từng nghĩ sẽ có ngày mình đi ra khỏi vùng biển quê hương để đến một nơi xa lạ như vậy. Nơi gọi là 'hòn ngọc Viễn Đông' lúc bấy giờ là như vậy sao? Buổi đêm đèn đường vẫn sáng như thể ban ngày, người xe qua lại như đi hội, không khác ban ngày là mấy. Hai bên đường hàng quán vẫn hoạt động, có mười hàng quán thì hết năm hàng còn mở cửa. Những ngôi nhà sang sát, tráng lệ kiểu Tây có, xưa cũ cũng có. Đứng trước sự hào nhoáng, xa hoa, đông đúc và hoa lệ khi về đêm của thành phố thuộc hàng bậc nhất Nam Kỳ khi ấy, Kỳ và Nụ hoàn toàn bị choáng ngợp. Phút chốc cảm thấy lạc lõng và vô định, cả hai hoang mang không biết mình sẽ đi về đâu, ngày mai phải sống ra sao. Doãn Kỳ và Nụ đang đứng ở khu Chợ Lớn của người Hoa tại Sài Gòn. Đâu đâu cũng thấy giấy đỏ chữ tàu, đèn lồng đỏ treo khắp nơi. Kỳ không biết tiếng Hoa, cứ nghĩ họ không thể nói tiếng mình nên cứ loay hoay mãi không dám hỏi nhờ sự giúp đỡ. May sao một bác phu xe xích lô thấy hai người cứ lóng nga lóng ngóng, biết chắc dưới quê mới lên nên đi lại hỏi chuyện. Bác phu xe cũng là người Hoa, bác nói ở đây ai cũng biết tiếng mình nhưng cũng tuỳ độ sành sỏi, có người nói rõ ràng có người lơ lớ bị pha giọng. Biết cả hai mới từ quê lên, đang tìm người thân mà chưa có chỗ ở, bác cũng nhiệt tình chỉ giúp. Theo lời bác phu xe, Kỳ và Nụ tìm đến một hẻm nhỏ, vào sâu một chút thì gặp một căn nhà hai tầng. Kỳ vừa giọng gọi cửa, lát sau thì có người đi ra. "Khuya rồi còn đến tìm ai." Đó là một người phụ nữ trung niên có mái tóc ngang vai có mấy cái lô cuốn vẫn còn cài trên tóc để giữ nếp. Phụ nữ tân thời họ chuộng những kiểu tóc xoăn nổi loạn, phải theo kịp xu hướng bên Tây. Còn có mấy ai chịu nuôi tóc dài, dưỡng cho suôn mượt rồi búi củ tỏi. Họ cho rằng chỉ có người già mới để kiểu đó. "Cho hỏi chị có phải là chủ trọ Quỳnh Quỳnh không?" "Ừ, là tôi. Tìm tôi có chuyện gì?" Sau khi kể rõ sự tình, chị Quỳnh cũng hiểu. Thấy trời thì tối mà vợ chồng nhà này từ quê vừa lên đây nên chị cũng có chút thương. Chị dẫn cả hai đến nhận trọ, dặn dò vài điều rồi trao lại chìa khóa phòng. Thấy Nụ đang mang bầu, chị Quỳnh mang sang cho hai người ít đồ ăn lúc chiều nhà ăn không hết, bảo cả hai ăn để lấy sức. Chị bảo chị cũng là tay anh chị có máu mặt ở khu Chợ Lớn nhưng không làm việc trái đạo đức. Nghe Kỳ nói đang tìm người, chị cũng nhiệt tình hỏi rõ ngọn ngành. "Thế chú mày có ảnh hay thông tin gì của người đó không?" "Dạ ảnh thì em không nhưng em biết anh ta là ca sĩ tên Phác Chí Mân." "Xời! Chú mày ở vùng sâu vùng xa mà cũng biết thằng đó à? Nổi tiếng đến độ đó sao? Không biết là vì giọng ca hay vì cái khác đây." "Chị nói vậy là sao?" "Chắc chú mày mới nghe giọng nó nên mê rồi tìm tới chứ gì. Cả đất Sài thành này ai mà không biết danh nó. Đẹp trai có, tài năng có, giàu có chẳng thua ai. Mà người ta nói lắm tài nhiều tật, Chí Mân phong lưu đa tình số hai thì chả ai dám số một. Nhìn thế mà cặp với nhiều cô lắm. Vậy mà mới đây, cha mẹ bắt lấy vợ, nó lấy hẳn hai cô. Chật!" Nghe tới đây, Nụ không còn đứng vững được nữa. Thấy Nụ như sắp xỉu, chị Quỳnh thúc Kỳ đưa cô vào trong nghỉ ngơi. "Thôi khuya rồi, chắc nó mệt thêm bầu bì nữa. Chú mày lo mà chăm nó có gì sáng nói." Dìu Nụ vào trong, Kỳ cũng không thôi ngỡ ngàng trước thông tin chị Quỳnh cho biết. Anh không ngờ Mân lại là người như vậy, lúc ở quê thấy Mân cũng đâu đến nổi. Chợt anh nghĩ đến Hiệu Tích, anh hy vọng Tích sẽ không như vậy, nếu không anh sẽ không bao giờ tha thứ cho Tích. Tận hai tuần sau Kỳ mới có thời gian đi tìm nhà Chí Mân vì phải lo liệu cho Nụ, sắp xếp mọi thứ ổn thỏa, nơi đất khách quê người cũng rất khó khăn cho hai người. Kỳ phải tìm việc làm trước, anh biết để sống ở đây không phải dễ mà tiền trong người cũng đến lúc cạn kiệt, phải lo liệu bản thân trước. Như thông tin chị Quỳnh cung cấp, Kỳ đã tìm đến nhà họ Phác. Anh không cho Nụ theo vì sợ Nụ xúc động ảnh hưởng tới đứa bé. Trước mắt anh lúc này là một căn biệt phủ cực kỳ sang trọng, kiến trúc nữa Tây nữa ta trông rất lạ. Kỳ do dự không dám nhấn chuông, đúng lúc thấy ai đó đi ra. Trùng hợp thay lại là Phác Chí Mân, thấy Mân là máu nóng trong người Kỳ sôi sùng sục. Anh đấm cho Mân một đấm trời giáng. Cậu ta xây xẩm ngã xuống đất, vệ sĩ của Mân lập tức vây lấy Kỳ, khống chế anh. Chí Mân lồm cồm bò dậy, gương mặt điển trai bỗng trở nên xấc láo tính lao vào đánh trả nhưng chợt khựng lại. "Em là.. Doãn Kỳ nhỉ?" "Im đi đồ tồi, anh không có tư cách gọi tên tôi." "Này tôi làm gì em chứ?" "Tôi thì không sao nhưng mà Nụ thì có sao đấy." Nghe đến Nụ, mặt Chí Mân tối sầm lại, hốt hoảng nắm cổ áo Kỳ ra xa nói chuyện. Cậu ta hỏi Nụ thế nào, trông cũng có vẻ quan tâm đến cô. Kỳ thấy thiện ý trong lời của Mân nên cũng nhẹ giọng kể lại mọi chuyện và yêu cầu Mân nhanh chóng giải quyết. Trái với suy nghĩ Mân sẽ chối bỏ đứa con trong bụng Nụ thì cậu ta lại thừa nhận và đồng ý nuôi hai mẹ con. Kỳ mừng rỡ khôn xiết, tức tốc quay về báo tin cho Nụ. "Anh cứ ngỡ tên khốn đó sẽ chối bỏ. Nhưng ít ra hắn cũng còn chút lương tâm." Thế là mẹ con Nụ được gia đình nhà họ Phác mang về nhà chăm sóc. Kỳ cũng thở phào vì cuối cùng cũng lo cho Nụ yên bề gia thất. Lúc này mới kịp nghĩ đến Tích, không gã có hay tin Kỳ đã đến Sài thành hay chưa? "Anh có biết ban sáng em gặp ai không?" "Là Mẫn Doãn Kỳ." Nghe được cái tên quen thuộc, tim Hiệu Tích đập mạnh liên hồi. Hình ảnh người được nhắc tên liền ùa về trong tâm trí khiến gã đau nhói. Ly cà phê đen đậm thường ngày vẫn uống nhưng ngay lúc này vị nó bỗng đắng lạ thường. Thu vội ánh mắt chất chứa yêu thương, gã nhạc sĩ lạnh nhạt như không có chuyện gì xảy ra. "Thì thế nào?" "Không phải anh thích.." "Lúc đó khác bây giờ khác." Lời tuyệt tình đó Hiệu Tích đành đoạn thốt ra hay sao? Nhưng việc gì cũng có lý do của nó. Cách ba ngày kể từ ngày Doãn Kỳ đặt chân lên thành phố, Hiệu Tích đã tìm đến nhà anh. Gã đã ngoài ba mươi và gia đình đang rất mong có cháu, yêu cầu gã phải cưới cô ca sĩ tên Jennifer nổi tiếng của rạp hát Thanh Hoa. Gã kiên quyết cự tuyệt, bày tỏ lòng mình cho cha mẹ biết nhưng đổi lại là những trận đòn roi. Cha mắng gã lớn từng này, gần tứ tuần rồi mà còn bày trò bệnh hoạn, ép gã phải cưới cô ca sĩ kia. Gã uất giận, không khuất phục, gã nhớ đến Doãn Kỳ nhớ đến lời hứa sẽ quay lại đón anh. Nửa đêm gã gom hết tài sản của mình rồi bỏ trốn đi tìm người thương. Nhưng nào ngờ khi tìm đến nơi, Kỳ đã không còn ở đó. Bà nội kể cho Tích nghe mọi chuyện về việc Kỳ lúc này coi như đã cưới Nụ và Nụ đã có thai ba tháng, có lẽ vì cuộc sống ở đây khắc nghiệt nên hai đứa đã dắt nhau bỏ đi rồi. Gã nhạc sĩ như chết đi sống lại, gã không tin. Nhưng nội nói chính miệng Kỳ cũng đã thừa nhận đứa con trong bụng Nụ là của mình nên dù muốn dù không Hiệu Tích cũng phải tin. Doãn Kỳ nào có hay kể từ đó Trịnh Hiệu Tích như một kẻ điên. Ngày rượu đêm say, không khi nào gã có thể tỉnh táo. Gã muốn uống thật nhiều cho say để quên đi nhưng càng uống lại càng tỉnh, càng nhớ về anh. Đến khi cha một lần nữa tìm đến, gã mới thật sự buông bỏ. Gã hận anh, gã muốn trả thù bằng cách cưới Jennifer, để anh thấy rằng không có anh gã vẫn sống tốt. Anh đã phản bội gã thì việc gì gã phải chung thuỷ một mình anh. Gã không nói với Chí Mân việc mình quay lại làng chài tìm Doãn Kỳ. Ngược lại Mân cũng không cho Tích biết về việc của Nụ. Điều đó càng đẩy mọi thứ đi xa không thể kiểm soát và Kỳ sẽ người hứng chịu nó. "Em đã tìm được đến đây rồi sao? Vậy cũng tốt, tôi sẽ để em nếm mật nằm gai, trả giá cho những gì em đã làm với tôi." Sau khi Nụ về nhà họ Phác, Doãn Kỳ tập trung vào công việc và hỏi thăm về Hiệu Tích. Hiện tại anh đã xin vào làm lao công cho nhà hát Thanh Hoa và lí do là Hiệu Tích thường có giao dịch tại đó. Những người biết đến gã thông qua những bài hát hay danh tiếng của gã thì sẽ không biết chỗ ở cụ thể của gã. Kể cả chị Quỳnh cũng chỉ biết được vài địa điểm gã hay lui tới chứ không rõ nơi gã ở. Trong số đó có nhà hát Thanh Hoa. Qua nhiều ngày làm việc tại Thanh Hoa, Doãn Kỳ cũng tìm được khá nhiều thông tin từ người trong nhà hát. Đặc biệt vui mừng khi bài hát mới nhất của nhạc sĩ Trịnh hiện đang rất được ưa chuộng. Tối hôm nay cũng là ngày biểu diễn lại ca khúc ấy, Kỳ nghe được đều này trong tâm rất vui sướng. Anh cố xin người quản lý cho mình trực dọn dẹp phía khán đài vào giờ đó để có thể thưởng thức bản nhạc do người thương sáng tác. Khi đèn nơi khán đài giảm xuống, đèn từ sân khấu lại bừng sáng rực rỡ. Một chàng nhạc sĩ ôm cây đàn guitar ngồi bên cánh trái đàn một khúc dạo đầu. Khoảng cách không quá xa để Doãn Kỳ nhìn rõ người bên trên. Người mà đã lâu không gặp, người mà đã làm con tim non nớt của anh không thôi thổn thức từng đêm vì thương nhớ. Gã vẫn vậy, phong thái đầy phong lưu, chất nghệ hiện rõ trên từng cử chỉ hành động, gương mặt lãng tử phiêu theo nhịp điệu. Hỏi người bên trên có hay rằng có một người con trai bên dưới đang khóc vì vui khi nhìn thấy mình không? Từ cánh bên phải, một người con gái vô cùng xinh đẹp, bước đi thanh thoát nhẹ nhàng. Cả khán đài vỗ tay trước sự xuất hiện của cô ấy. Cầm trên tay chiếc micro, cô gái cất tiếng hát trong trẻo. "Em không biết vẽ gì trong mắt anh Về tạm cơn mưa, nắng trong lành Về con thuyền, sóng cả đang lấp lánh Hay thôi về lại chút chân thành?" Lời bài hát khiến Doãn Kỳ ngỡ ngàng, đây chính là bài mà anh cùng Hiệu Tích hát khi còn ở trên tàu ngoài ngư trường. Khoảng thời gian đó ùa về trong tâm trí, anh cười mỉm hạnh phúc. Thì ra Hiệu Tích vẫn còn nhớ. Anh lẩm nhẩm hát theo, vừa bồi hồi vừa trộm nhìn gã nhạc sĩ vẫn đang say sưa đệm đàn. Sau tiếc mục đó thì cũng đã tối muộn, khán giả về gần nửa, chỉ có vài người chờ tiếc mục cuối của rạp mới ở lại. Lúc này Doãn Kỳ cũng hết ca trực, anh không về thẳng nhà mà nán lại trước cổng nhà hát để chờ Hiệu Tích. Vừa mừng vừa lo, không biết gã có nhận ra anh không. Trời về đêm lạnh lẽo, chàng trai trẻ người non dạ tha hương đến nơi đất khách quê người. Không có người thân, chỉ trông chờ vào người thương, mong chờ vào những lời hứa hẹn xưa cũ. Anh ngây thơ không biết người ta đã thay lòng mất rồi. Từ phía trong nhà hát bước ra là gã nhạc sĩ Trịnh, nhân hình lúc này rõ hơn. Doãn Kỳ xúc động không thôi, chỉ muốn chạy đến ôm lấy người thương nhớ trước mắt. Nhưng từ đâu, cô ca sĩ khi nãy đã lao đến trước, khoác lấy tay Hiệu Tích nũng nịu tình tứ. Doãn Kỳ như chết lặng, vội nép vào xó nhìn lén hai người bọn họ, một cao lãnh một yêu kiều sóng đôi bước vào xe. Trái tim như vụn vỡ, Kỳ lúc này như kẻ thừa thãi, anh hoang mang trong vô định. Không còn nhớ nổi lý do tại sao bản thân lại ở nơi này, anh đến đây làm gì trong khi người cần tìm đã không còn nhớ đến mình. Chàng trai trẻ ngây thơ trong trẻo như con chim nhỏ vẫn đang hài lòng trong chiếc lồng son của chính nó. Rồi từ đâu có người đến nói cho chú chim nhỏ về cuộc sống thú vị bên ngoài, hứa hẹn nhiều điều khiến chú chim tin tưởng và mơ mộng. Nhưng khi chiếc lông được mở, chú chim nhỏ hào hứng tung cánh bay nhưng người đó đã đi mất, để lại chú chim với cuộc sống muôn ngàn nguy hiểm. Doãn Kỳ dò hỏi mấy đợt thì hay được vài ngày nữa Hiệu Tích sẽ cưới cô ca sĩ Jennifer và sẽ cùng nhau sang Pháp định cư. Giờ thì cũng đã rõ ngọn ngành, tình yêu đầu đời ngọt ngào nhưng lại chóng tàn, có chăng đó cũng chỉ là những cảm xúc bồng bột tuổi mới lớn. Có chăng lần đầu rung động lại ngộ nhận là tình yêu vĩnh hằng. Hôm nay là ngày Hiệu Tích kết hôn, cũng là ngày Doãn Kỳ đau lòng nhất. Kẻ yên vui hạnh phúc, người dằn vặt đau khổ, Doãn Kỳ đã uống rất nhiều rượu. Tự nhốt mình trong phòng trọ, cứ như thể cậu trai đang tuổi nổi loạn, chỉ hôm nay anh xin một lần được sống với bản ngã. Suốt bốn tháng tiếp theo, Kỳ như người mất hồn. Anh vẫn ở lại Sài Gòn, nhờ chị Quỳnh giúp đỡ mà anh có được công việc tốt hơn. Cứ vậy mà sống cuộc sống bình thường, tâm Kỳ đã hóa đá không còn biết thương nhớ, đôi lúc nhớ lại chỉ thấy chua xót. Mấy tháng nay không nghe tin về Nụ, có chút lo lắng những nghĩ lại nhà họ Phác giàu có vậy chắc sẽ lo chu toàn cho cô thôi. Kỳ không định sẽ trở về làng chài, vì Nụ không về, anh về thì khác nào làm tổn hại tham danh nhà Nụ. Anh nhớ nội, nhớ cha, nhớ cái chòi lá đơn sơ, nhớ cái chài cái lưới, nhớ con tàu nhỏ, rồi lại nhớ đến Hiệu Tích. Từ khi nào trong ký ức miền biển lại có thêm gã nhạc sĩ làm anh đau. Tối nọ, sau một ngày làm việc mệt mỏi, Kỳ trở về phòng trọ ngã lưng. Đang nằm nghỉ thì bên ngoài truyền vào tiếng đập cửa dồn dập. Anh mở cửa thì một thân thể đổ rạp xuống. Đó là Nụ, sao cô lại ở đây vào lúc này. "Nụ em sao vậy? Sao lại ở đây giờ này?" "Anh ơi cứu em.. họ muốn giết em." Đưa Nụ vào trong, sau khi chấn an Nụ thì được biết rằng mấy tháng qua Nụ đã sống trong địa ngục. Sở dĩ Phác Chí Mân đưa cô về chỉ là để lấy đứa con trong bụng cô. Họ bắt cô phải làm việc quần quật từ sáng đến tận tối khuya, hầu hạ hết thảy mọi người trong nhà như một người ở. Họ bàn tính với nhau đợi sau khi cô sinh xong, đứa con sẽ trở thành con của người vợ cả của Mân. Còn về phần Nụ sẽ được xử lý tận gốc để tránh hậu họa về sau. Nụ biết được dự tính của nhà họ nên tìm cách bỏ trốn nhưng không thành, họ không cho cô ra khỏi nhà dù chỉ một bước, không cho cô đụng đến chiếc điện thoại bàn ở phòng khách. Tất cả mọi đường dây liên lạc ra bên ngoài đều cắt hết. Hôm nay nhân lúc nhà họ Phác đang mở tiệc ăn mừng cậu hai nhà họ tức là em trai của Chí Mân đỗ đại học. Khách mời đến chung vui đông đúc, cửa cổng mở liên tục, khó khăn lắm Nụ mới trốn thoát ra ngoài. Giờ này chắc họ cũng đã phát giác và đang truy lùng cho bằng được Nụ. Bế tắc ập đến, Doãn Kỳ không biết phải tính sao thì Nụ vỡ nước ối sắp sinh. Cô đau đớn quằn quại, mồ hôi tuôn như tắm. Kỳ hốt hoảng không biết phải làm gì liền nhớ đến chị Quỳnh, liền tức tốc sang nhà nhờ chị giúp đỡ. Chị Quỳnh đúng là cứu tinh của Nụ và Kỳ. Nhờ có chị và mọi người trong xóm trọ mà mẹ con Nụ được mẹ tròn con vuông. Đó là một đứa bé gái, giống y như Nụ. Chị Quỳnh nghe chuyện của Nụ thì nóng nảy lắm, muổn ra tay cho gia đình kia một bài học thì Kỳ ngăn lại. Họ cũng là người giàu có tiếng tăm và quan hệ, dây vào chỉ sợ chị Quỳnh thiệt thòi. "Giờ hai em tính như thế nào?" "Tụi em cũng chưa biết, ở lại đây thì không được." "Giờ em đưa Nụ sang nhà chị ở tạm tháng đầu cho em bé cứng cáp chút. Còn em thì cố gắng lo tiền bạc, chị có một căn nhà cũ ở dưới Bạc Liêu, hai đứa dọn về dưới đó sống đi. Chị chỉ có thể giúp em được tới đó, mọi sự còn lại là do em." Thật ra Kỳ và Nụ phải mang ơn chị Quỳnh suốt đời, lúc nguy cấp luôn có chị đứng ra giúp đỡ. Kỳ cố gắng làm ngày đêm không nghỉ, trong một tháng gom được ít tiền đi xe về Bạc Liêu. Chị Quỳnh đã giúp thì giúp cho trót, chị cho Nụ mấy cái vòng xuyến phòng thân, có cần thì đem bán lấy tiền xoay sở. Một tháng sau, Kỳ và Nụ cũng phải từ biệt nhà chị Quỳnh và xóm trọ tình nghĩa. Rời Sài Gòn đến một nơi xa lạ khác, Kỳ cảm thấy có chút bế tắc. Cuộc đời đưa đẩy hai số phận nhỏ bé đã xa quê hương nay lại còn đi xa hơn. Nhưng nghĩ lại đứa bé, Kỳ phấn chấn hẳn. Bây giờ anh không lo cho hai mẹ con Nụ thì còn ai lo. Kỳ đã làm giấy khai sinh cho đứa trẻ, lấy họ Mẫn đặt tên Dương Huệ. Và anh cũng chính thức thành cha của đứa trẻ. Thoáng nghĩ về Tích, không biết giờ này gã thế nào. Dù sao gã cũng đã hạnh phúc cùng Jennifer, giờ thì Kỳ cũng đã làm cha. Thôi thì đành buông tay, chấp nhận sống cho hiện tại, tình cảm này xin gửi lại miền ký ức về biển và thuyền. Ở nơi đó vẫn có người con trai đang chờ chàng nhạc sĩ dưới ánh nắng nhè nhẹ và gió biển thổi rì rào. * Ông ngoại khép đôi mắt lại, tay buông thõng. Nước mắt cứ thế lăn dài. Giọt nước mắt cuối cùng dành cho người mãi xa. Bé Tí thấy ông nhắm mắt, đoán rằng ông đã ngủ, nó lấy cây quạt nhẹ nhàng hát ru cho ông ngủ. Nó hát bài mà ông thích nhất về biển và thuyền, nhưng Tí chỉ thuộc mỗi đoạn cuối. "Em không biết vẽ gì cho tình ta Khi nắng mùa thu đã sắp tàn, Bức tranh ngày ấy cũng chẳng đáng Giữ lại làm gì mảnh tình tan.."