Tác phẩm: 451 Độ F Tác giả: Ray Bradbury Tên người review: Phạm Đức Bảo Tín Đối với độc giả nước ngoài thì chắc chắn không ai là không biết đến Ray Bradbury, ông là một trong những nhà văn viết về khoa học viễn tưởng hay nhất mọi thời đại. Dù rằng yếu tố khoa học trong tác phẩm của ông không mang nặng tính kỹ thuật và khó hiểu như các tác phẩm của Isaac Asimov, Robert Heinlein.. nhưng khả năng nhân hóa và tính ẩn dụ của Ray Bradbury phải nói đã vượt qua tất cả những nhà văn khác cùng thể loại. Và tác phẩm "451 Độ F" là một minh chứng rõ ràng cho kỹ năng bút pháp của ông. "451 Độ F" là câu truyện về một xã hội giả tượng trong tương lai, nơi mà nhân loại đã đạt đến đỉnh cao của sự tiến bộ về mặt vật chất, nhưng buồn thay lại quá nghèo nàn về mặt tinh thần. Đó là một thế giới mà nghề lính cứu hỏa bị thay thế bởi lính phóng hỏa, ngay đoạn đầu chi tiết này đã được tác giả thể hiện như sau: "Đốt là một cái thú. Được thấy thứ này thứ nọ bị ngốn ngấu dần, thứ này thứ nọ bị đen đi và bị biến dạng, đó là một cái thú đặc biệt. Với cái đầu vòi bằng đồng nắm chặt trong tay, với con mãng xà khổng lồ phun thứ nọc độc dầu hỏa lên thế giới, mạch máu giật giật trong đầu anh, và tay anh là tay của một nhạc trưởng kỹ tuyệt nào đấy đang chơi tất tật các bản giao hưởng của bùng cháy và thiêu đốt hầu làm cho rụi hẳn những mảnh vụn và tàn dư than củi của lịch sử." Dưới vòi lửa của lính phóng hỏa, đã biết bao nhiêu sách đủ thể loại từ văn học, triết học, khoa học.. đã bị thiêu rụi và biến mất hoàn toàn khỏi lịch sử nhân loại. Và những người nào bí mật giấu sách trong nhà thì sẽ bị phóng hỏa ngay lập tức. Kể cả những công việc từ giáo viên, giáo sư.. cũng không còn được chính phủ dùng đến nữa. Tất cả người dân chỉ còn sử dụng truyền hình là phương thức duy nhất để đón nhận thông tin. Trong khi cả nhân loại bị dắt mũi bởi truyền thông thì cũng có những người sẵn sàng đứng lên để tìm lại vẻ đẹp về mặt tinh thần tưởng chừng đã mất đi của thế giới. Đó là những người như Guy Montag, nhân vật chính của tác phẩm, người lúc đầu cũng là một lính phóng hỏa cho đến khi anh ta nhìn thấy hình ảnh một người phụ nữ bị thiêu rủi cùng với căn phòng trồng đầy sách, đó là lúc anh ta hiểu rằng có gì đó sai trong nhận thức của mọi người. Nhưng người góp phần giúp anh ta nhìn ra vẻ đẹp của tạo hóa lại chính là Clarisse McClellan, một cô gái hàng xóm thích đi bộ trong mưa và phân tích những chi tiết của cuộc sống. Mọi người coi cô có vấn đề về thần kinh và luôn tìm cách tránh xa cô, nhưng thật sự Clarisse mới là người hiểu rõ nhất vấn đề của xã hội lúc này. Rồi chúng ta có nhân vật giáo sư Faber, người giúp Montag có đủ can đảm để đấu tranh cho lý tưởng của mình, đồng thời cũng là để giúp chính ông hoàn thành mong muốn bấy lâu nay. Ngoài những nhân vật đó ra, thì chúng ta cũng sẽ có những con người bị chìm đắm trong cuộc sống vô vị, không cảm xúc. Có thể kể đến Mildred, vợ của Montag. Cô luôn ru rú trong nhà, đeo tai nghe và chăm chú vào các kênh truyền hình để tận hưởng thú vui ngắn hạn của mình. Một đoạn văn sau đây miêu tả về Mildred đủ để ta hiểu được con người của cô: "Mặt cô giống như một hòn đảo phủ tuyết trên đó mưa có thể rơi, song nó không cảm nhận được mưa, trên đó mây có thể lướt bóng qua, nhưng cô không cảm nhận được cái bóng nào. Chỉ có tiếng hát của những con ong bắp cày – những cái radio bé như đê khâu trong đôi tai lèn kín của cô, mắt cô trong suốt như thủy tinh, và hơi thở đi ra đi vào, nhẹ, yếu, ra vào hai lỗ mũi cô, và cô không bận tâm nó đến hay đi, đi hay đến." Có thể thấy Mildred là một người phụ nữ vô cảm, cô thậm chí còn không nhớ được lần đầu tiên cô gặp chồng mình là khi nào và họ yêu nhau như thế nào. Hay thậm chí họ có bao giờ yêu nhau hay không? Nhân vật mà để lại ấn tượng nhất đối với tôi vẫn là đội trưởng lính phóng hỏa, Beatty. Thoạt đầu xuất hiện, ta thấy ông như một con người căm ghét văn chương và những chủ đề mang tính trừu tượng. Nhưng bản chất thật của Beatty chỉ bộc lộ khi ông ta dùng chính kiến thức về văn chương của mình để đấu khẩu lại với Montag. Sâu bên trong, Beatty là một con người yêu văn học và thích suy ngẫm về thế giới, nhưng cái xã hội này lại khước từ những mong muốn của ông. Và để hòa nhập với thế giới này thì ông phải tìm cách xóa bỏ đi những gì mình yêu thích nhất. Khi càng phải đốt nhiều sách hơn thì chính Beatty cũng cảm thấy đau đớn. Những lời ông ta nói sau đây với Montag không phải chỉ để thuyết phục anh mà còn để tự thuyết phục chính mình rằng sách là thứ vô nghĩa: "Nếu anh không muốn cho ai đó xây nhà, hãy giấu đinh và gỗ đi. Nếu không muốn cho ai đó bị mất vui vẻ về mặt chính trị, đừng cho anh ta hai mặt của cùng một vấn đề khiến anh ta bận trí; hãy cho một mặt thôi. Tốt hơn nữa là đừng cho mặt nào hết. Hãy để anh ta quên mất có một thứ gọi là chiến tranh. Nếu chính phủ không làm việc hiệu quả, đầu tư quá tay, khùng điên vì thuế, thì thà cứ để như thế còn hơn để người ta bận tâm về chuyện đó. Bình an, Montag ạ. Hãy cho thiên hạ những cuộc thi mà họ thắng bằng cách nhớ được lời những bài hát ai cũng thích hoặc tên thủ phủ các bang hoặc năm ngoái vụ ngô ở Iowa thu hoạch được bao nhiêu. Hãy nhồi đầy đầu họ những dữ liệu không bắt cháy, hãy tọng cho họ đầy ứ sự kiện đến nỗi họ thấy tức thở nhưng tuyệt đối sáng láng nhờ có thông tin. Rồi thì họ sẽ cảm thấy mình đang suy nghĩ, họ sẽ có cảm giác mình đang chuyển động trong khi không chuyển động. Đừng cho họ bất cứ thứ gì khó nắm bắt như là triết học hay xã hội học để cho họ cột các thứ vào nhau. Làm vậy thì chỉ có phiền não thôi. Bất cứ người nào có thể tháo một bức tường tivi ra rồi lại lắp vào, mà hầu hết ai cũng làm được cả, ngày nay là vậy, thì cũng đều hạnh phúc hơn bất cứ kẻ nào cố gắng tính toán, đo đạc và đặt phương trình cho thiên hạ, bởi vì anh không thể đo lường hay đặt phương trình cho thiên hạ mà không thể thấy mình cô độc và thú vật." Thật sự mà nói thì "451 Độ F" không phải cuốn sách tôi quá yêu thích về mặt nội dung. Nhưng về khả năng sử dụng ngôn từ thì tác phẩm này thật sự rất tuyệt vời và để lại ấn tượng cho tôi. Suy cho cùng thì văn hay luôn luôn phải có những phân đoạn đáng nhớ, dù cho nó có thuộc thể loại văn nào đi chăng nữa. Giống như nhân vật Faber từng nói rằng: "Văn hay thường xuyên chạm vào đời sống. Văn tầm tầm chỉ phớt qua đời sống. Văn tồi thì hãm hiếp đời sống rồi bỏ nàng đó cho ruồi."