Truyện Ngắn Xa Nhà - Nguyễn Yên Du

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Nguyễn Yên Du, 18 Tháng mười 2018.

  1. Nguyễn Yên Du

    Bài viết:
    2
    Tên tác phẩm: Xa nhà

    Tên tác giả: Nguyễn Yên Du

    Văn án: Truyện gửi đến tất cả những ai đã và đang xa nhà, có thể bạn đi làm xa nhà, hoặc phổ biến hơn là sinh viên đi học xa nhà, đi du học.. Tôi chỉ muốn nói rằng mỗi khi cảm thấy nhớ nhà, bạn hãy đọc câu chuyện này nhé! (thân)

    * * *

    Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, nó thi trượt đại học, đó là cú sốc đầu đời của nó, nó buồn chán và phải mất một khoảng thời gian để nó quên đi được điều đó. Nó không muốn là gánh nặng cho bố mẹ nên quyết định đi làm.

    Bố mẹ nó thương nó, không muốn nó đi làm sớm, khuyên nó thi lại năm sau nhưng thấy nó kiên quyết thì cũng chiều ý nó.

    - Con định đi làm ở đâu? – Bố nó bảo

    - Con muốn ra thành phố xin việc

    Từ nhỏ nó lớn lên ở quê, bảo nó đi mò, bắt còng, bắt cáy còn được chứ đằng này ra thành phố đi làm, lạ nước lạ cái, nghe nó nói thế thì bố nó cũng hơi lo. Nhưng tuổi trẻ mà, mà tính nó lại cứng đầu, khó bảo, nên bố nó mua cho nó một cái xe máy cũ để có cái đi lại.

    Một vấn đề khác nảy sinh là nó chưa đi xe máy bao giờ, cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở do trường gần nhà nên nó đi bộ, lên cấp phổ thông xa nhà thì nó đạp xe đạp đến trường, thấy vậy anh nó bảo:

    - Chiều nay anh nghỉ làm, mày đi với anh, anh dạy mày đi xe máy

    Buổi chiều anh nó dẫn nó ra chỗ cống cổng Đông, đoạn đường ra cánh đồng, ngày trước đoạn đường này là đường đất nhưng bây giờ được đổ bê tông sạch sẽ và rất rộng. Rồi anh nó thuyết giảng cho nó đâu là nút đèn pha, đâu là nút xin nhan..

    - Cái nút vàng này là còi nhé, dưới này là chân phanh em nhớ chưa

    Rồi anh nó bảo nó ngồi trước, còn anh nó ngồi sau, cứ thế, nó theo hướng dẫn của anh nó thì cái xe cuối cùng cũng chuyển động. Đi đến đầu đường, anh nó dạy nó quay xe

    - Em phải dựng chân chống xuống, quay theo chiều kim đồng hồ thì dễ quay mà không mất nhiều sức

    Cứ thế, nó chở anh nó lượn mấy vòng quanh làng, đến chiều tối thì hai anh em về.. Thế là xong một việc

    Hôm sau mẹ nó gọi nó dậy sớm để chuẩn bị đồ đạc, ít gạo tẻ, mẹ nó gấp mấy bộ quần áo rồi cho vào ba lô lọ dầu gió và mấy vỉ thuốc đề phòng ban đêm lạnh có đau bụng, hay bị sốt, rồi mẹ nó đưa cho nó ít tiền làm tiền đi đường

    - Tháng đầu chưa có lương, con cầm lấy để mà chi trả tiền sinh hoạt

    Nó xin vào làm nhân viên phục vụ của một quán ăn, lương vài triệu đồng, nó chưa biết như thế nào nhưng nó tạm thời nó sẽ làm ở đây một thời gian rồi tính tiếp. Hôm đó là cuối tuần, nó xin chủ nhà hàng sang tuần mới bắt đầu đi làm để thu xếp chỗ ở.

    Nó đi vào từng nhà để hỏi xem có còn phòng trống để cho thuê hay không nhưng đều không có, dãy nhà trọ thì cũng chật kín đám sinh viên năm hai và năm ba

    Mà phần đông tâm lý người dân là người ta không muốn cho người lạ ở cùng nhà.

    Tính nó cũng hơi kỳ lạ, bình thường thì đa số sẽ tìm người để ở ghép với mục đích giảm tiền sinh hoạt nhưng nó thì khác, nó chỉ muốn ở một mình, có thể nó ở quê quen rồi, ý là quen cái cuộc sống yên ả, cái không gian thanh bình nên nó muốn ở trọ một mình, và cái tiêu chuẩn chọn nhà trọ của nó cũng không vượt ra khỏi cái ranh giới của hai từ "yên bình".

    Từ sáng đến trưa nó vẫn chưa tìm được nhà trọ nào, nó ghé vào một quán nước ven đường vì nó cảm thấy hơi khát. Qua vài câu chuyện chào hỏi và sau khi nó ngỏ ý chưa tìm được nhà trọ thì bà chủ quán cho nó biết là nhà bà vẫn còn một phòng trống chưa có ai thuê, nó vào xem thì ưng ý ngay. Căn phòng không xây liền với nhà chính mà nằm riêng ra – là nhà ngang đã cũ bà chủ quán không dùng đến. Căn phòng nối ra đường bằng một con ngõ nhỏ, vì do cách mặt đường nên hoàn toàn yên tĩnh và không hề có tiếng xe cộ, trước cửa nhà là dàn gấc, có gió thổi vào rất mát.

    - Thế nào? Cháu có vừa ý không?

    - Vâng, còn giá thuê nhà sao ạ?

    - Bác nhìn cháu chắc vẫn còn đang đi học nên bác lấy giá sinh viên thôi, tiền thuê nhà năm trăm nghìn một tháng, điện nước cháu dùng bao nhiêu cháu tự trả

    Vậy là nó đã thuê được nhà, một quãng thời gian tuổi trẻ của nó sẽ gắn bó ở nơi đây.. Nó để đồ đạc lên giường, đi tắm rồi ngủ một giấc đến chiều

    Buổi chiều nó tranh thủ đi xem phố phường cho quen đường thuộc lối, nó lại là đứa mù đường, từ nhỏ nó chưa đi xa nhà bao giờ, phạm vi di chuyển của nó chỉ là quanh làng, lớn lên nó học trường cấp ba dưới huyện thì nó cũng chỉ biết đường từ nhà xuống huyện. Cũng may chỗ nó trọ gần chợ nên cũng tiện mua đồ ăn, thức uống. Từ chỗ nó trọ đến chỗ làm đi mất khoảng mười năm phút..

    Ngày đầu tiên đi làm cũng không có gì, mọi việc đều êm xuôi, công việc thì phải luôn chân luôn tay thì mới kịp bê đồ ăn ra cho khách, nhất là sáng sớm và chiều tối, lúc đó khách vào ăn đông..

    Ngày đi làm thứ hai, nó bê đĩa thức ăn từ trong bếp ra bàn cho khách chẳng may vướng vào sợ dây của cái rèm cửa sổ

    Choang..

    Bà chủ quán chạy ra nhìn nó với ánh mắt tức giận, hoàn toàn không hài lòng về cậu nhân viên mới. Bỗng nhiên nó cảm thấy có rất nhiều ánh mắt đang nhìn nó, phải, tất cả khách vào quán ăn đang nhìn nó, nó mấp máy môi chưa kịp giải thích, một cái gì đó rất nhanh, nó cảm thấy má bên trái của nó đau rát.

    - Nhanh dọn dẹp rồi cho vào thùng rác không chẳng may khách dẫm vào

    Nó khắc phục hậu quả vừa xảy ra, một cảm giác xấu hổ, buồn tủi pha lẫn tức giận, chán nản.

    Buổi tối tan làm nó lấy xe lững thững đi về, về đến nhà trọ nó mở cửa vo gạo cắm cơm, rồi trong lúc chờ cơm chín nó lấy quyển truyện ngắn nó mang theo ở nhà ra đọc, bẵng đi một lúc đã hết mấy chương truyện, nồi cơm vẫn chưa sôi, nó ngó qua thì do lỏng phích cắm nên điện không vào. Bực mình nó lấy xe đi ra ngoài ăn cơm. Thành phố về chiều tối đã bắt đầu lên đèn, đi ngoài đường gió thổi vào da mát rượi, nó ghé vào một quán cơm bên vỉa hè, gọi suất cơm hai mươi lăm ngàn, suất cơm chỉ có vẻn vẹn một lưng cơm, một ít rau, vài ba miếng thịt. Nó đưa đũa và miếng cơm, một cảm giác khô cứng, nghẹn ứ trong cổ họng, nó ăn đến miếng thứ ba thì không thể nuốt được, nó gọi thêm bát canh để chan cho dễ nuốt, bát canh chỉ có vẻn vẹn vài cái rau, nó bất giác nhớ tới bát canh cáy nấu với rau mùng tơi của mẹ nó mà nó vẫn thường hay chê là không ngon.

    Màn đêm bắt đầu buông xuống, nó đi về thẳng nhà trọ, tắm rửa rồi lên giường nằm, nó cảm thấy hơi khó ngủ, không phải là vì lạ chỗ mà có lẽ là vì những việc đã trải qua và vì cái yên tĩnh của ban đêm là chất xúc tác để nó suy nghĩ nhiều hơn, nó suy nghĩ về gia đình, về tương lai, về những việc đã xảy ra và cách nó phản ứng. Nó cảm thấy tủi thân, bây giờ nó mới hiểu bố mẹ nuôi nó vất vả như thế nào, rất nhiều cảm xúc bên trong nó nhưng có lẽ lớn nhất và mãnh liệt nhất lúc này là cảm giác nhớ nhà. Có lẽ tình cảm là thứ không bao giờ hiện hữu, nó vẫn luôn ở tận sâu trong suy nghĩ của mỗi chúng ta mà chỉ chực đợi mỗi khi chúng ta yếu lòng thì mới thực sự bộc phát..

    Thêm một ngày.. hai ngày.. ba ngày.. Nó vẫn làm việc với cái tâm trạng đó, rồi thì tuần làm việc đầu tiên cũng trôi qua, cuối tuần nó về nhà, được ăn cơm cùng bố, mẹ, anh trai, rồi những câu chuyện vui vẻ trong bữa cơm, nó hiểu được ý nghĩa thực sự của bữa cơm gia đình, khác hoàn toàn suất cơm hai mươi lăm ngàn mà nó ăn. Gia đình luôn là một cái gì đó rất dịu dàng và yên bình mà dù người ta có đi xa bao nhiêu chăng nữa thì vẫn muốn quay về..

    Ăn xong bữa tối, nó ngồi vào bàn uống nước xem thời sự, bố mẹ hỏi nó về tình hình công việc, nó trả lời nhưng đã biết cách giấu đi những chuyện không vui vì nó không muốn làm bố mẹ phiền lòng.

    Nó tâm sự với bố nó:

    - Từ bé đến lớn bố đã bao giờ đi xa nhà chưa ạ?

    - Có chứ, sao con lại hỏi vậy?

    - Vì con muốn biết thôi

    - Năm bố mười tám tuổi bố đi bộ đội làm nghĩa vụ bên campuchia, rồi khi mẹ con sinh anh con bố đi làm ở nông trường cách nhà ba trăm cây số

    - Vậy bố có nhớ nhà không?

    Nghe nó hỏi như vậy thì bố nó cười, dường như bố nó cũng hiểu vì sao nó lại hỏi như vậy

    - Những lúc đi xa bố rất nhớ gia đình, nhớ mẹ và các con, cả tuần làm việc chỉ mong đến cuối tuần để được về nhà, đó là tình cảm gia đình.

    - Vậy công việc bố làm ở nông trường có vất vả không?

    - Khi con làm việc thì con không thể tránh được những chuyện không như ý muốn, nhưng con không nhất thiết phải mang theo những muộn phiền đó vào trong bữa cơm gia đình. Sau này khi con trở thành trụ cột gia đình, trước những muộn phiền đó con cần phải mạnh mẽ hơn, vì nếu bản thân con không đủ mạnh mẽ, con sẽ không thể bảo vệ những người mà con yêu thương.

    Nghe bố nó nói vậy thì nó cảm thấy rất nhẹ lòng, những âu lo, muộn phiền và những cảm xúc tiêu cực mà tuần vừa rồi nó phải trải qua không còn nữa, đi làm cả tuần và cuối tuần về với gia đình giống như là một phần thưởng vậy, rất ngọt ngào. Nó biết bản thân nó cần phải mạnh mẽ hơn, nó hiểu ra vấn đề, nó sẽ và phải trở thành trụ cột gia đình, để trở thành trụ cột gia đình nó cần một công việc ổn định, nó cần thay đổi bản thân và trước tiên nó cần sửa đổi cái tính bướng bỉnh của mình, bất giác nó nói:

    - Bố ạ, năm sau con sẽ thi lại đại học

    Bố nó lại nhìn nó rồi khẽ cười..

    Hết
     
    Aki Re thích bài này.
    Last edited by a moderator: 18 Tháng mười 2018
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...