Một Chiều Trên Bến Hương Giang Một chiều trên bến Hương Giang Ngó em tôi bước xuống nhầm "thuyền ni" Em cười "Sao hỉ?" mà chi "Rứa răng" gửi lại còn gì hồn tôi! Bây chừ mây trắng xa xôi Thuyền sang bến nớ biết nơi mô tìm? Huế 1994 (Tập thơ Hoa sứ trắng - NXB Đà Nẵng 1997) Thanh Trắc Nguyễn Văn Lời tác giả: Sông Hương hay Hương Giang (Hán Nôm 香江) là con sông chảy qua thành phố Huế thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, miền Trung Việt Nam. Nghe ca Huế trên sông Hương là một loại hình nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam. Bài thơ viết tặng cho một cô gái Huế khi tác giả nghe ca Huế trên sông Hương.
Biệt Khúc (Khóc bạn thơ Nguyệt Thảo) Tạm biệt nhé Vành trăng ngoan của cỏ Áo mỏng em bay tha thướt về trời Ta ở lại với nỗi buồn của gió Mãi lang thang tìm từng mảnh sao rơi. Mong manh thế? Những vần thơ nạm ngọc Bỗng vỡ tan trong bão táp vô thường Thiên thần hát Hay thiên thần bật khóc? Cung đàn trầm lấp lánh những hạt sương. Em đi mãi Với nụ cười trong mắt Dẫu nhánh cỏ thơm sớm gãy vụn xa lìa Bóng nguyệt ấy sáng nay vừa lặn tắt Sẽ lại sáng bừng Nửa quả đất Phía bên kia... 2008 (Tập thơ Giọt lệ trăng - NXB Văn nghệ 2010) Thanh Trắc Nguyễn Văn Lời tác giả: Biệt khúc là khúc hát để diễn tả cảnh chia tay, từ biệt. Bài thơ viết tặng bạn thơ Nguyệt Thảo, tuổi còn rất trẻ không may mất sớm. Một người tuy đã mất nhưng vẫn sống trong nỗi nhớ của bạn bè.
Nụ Tầm Xuân Trèo lên cây bưởi hái hoa Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân (Ca dao) Người về tìm nụ tầm xuân Thương màu hoa bưởi trắng ngần chợt tan Mây buồn từ dạo lang thang Vườn cà thuở ấy cũng hoang phế sầu. Hỏi gì khi cá cắn câu Khi chim xanh đã nhốt vào lồng son Tiếc câu thề biển hẹn non Nước chưa chảy, đá đã mòn. Ly tan. Người ta cau bạc trầu vàng Nên tơ chỉ thắm để nàng sang sông Trầu tôi một mớ ba đồng Ngẩn ngơ đem thả ngược dòng ca dao. 1996 (Tập thơ Hoa sứ trắng - NXB Đà Nẵng 1997) Thanh Trắc Nguyễn Văn Lời tác giả: Cây tầm xuân mọc thành bụi, hoặc có gai giúp chúng leo lên các cây khác. Cây có thể cao 1 - 5m. Toàn cây có nhiều gai. Cây có cành màu nâu sẫm. Tầm xuân mọc thành chùm ở đầu cành. Hoa 5 cánh, đường kính khoảng 4 - 6cm. Cánh hoa rộng 1 x 1,5cm. Những bông hoa rất thơm. Màu hoa chuyển từ hồng nhạt sang hồng đậm và cuối cùng là trắng. Bài thơ viết sau khi tác giả nghe một bài hát có nhắc đến "nụ tầm xuân" Bài thơ viết tặng thầy Chí, giáo viên văn Võ Thị Sáu đã nghỉ hưu.
Rạch Miễu Anh phải về Đành giã biệt quê em Giã biệt dòng phù sa đỏ ngầu mùa nước nổi Cô gái xứ dừa chợt cúi đầu bối rối Nghe gió sông Tiền lồng lộng những hàng cây... Rạch Miễu xa rồi bàng bạc bóng mây bay Em vẫy nón nhìn theo cánh chim trời rong ruổi Ăn miếng bưởi quê em nghe mát lòng vị bưởi Uống nước dừa xiêm sao thương da diết hương dừa? Thì thôi em về kẻo phương ấy trời mưa Cho anh hát bài Lý Qua Cầu qua rạch nhỏ Một mai về lại bên sông Hồng nước đỏ Con sóng bỗng thì thầm: Rạch Miễu em ơi! Bến Tre 1996 (Tuyển tập thơ Thơ tìm người thơ – NXB Văn hóa Dân tộc 2001) Thanh Trắc Nguyễn Văn Lời tác giả: Rạch Miễu là một thị tứ ở bờ phía Bến Tre. Phà Rạch Miễu là một tuyến phà nằm trên quốc lộ 60 nối liền 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, với bờ phía Tiền Giang đặt tại phường 6, thành phố Mỹ Tho, và bờ phía Bến Tre đặt tại xã Tân Thạch, huyện Châu Thành. Thủy trình qua sông Tiền của phà Rạch Miễu dài khoảng 3,2 km, đi vòng qua cồn Phụng và cồn Thới Sơn. Thời gian vượt sông của phà loại 100 tấn khoảng 25-30 phút, phà tốc hành 50 tấn khoảng 13-14 phút và phà 60 tấn gần 20 phút. Khi cầu Rạch Miễu đưa vào sử dụng vào ngày 19 tháng 1 năm 2009, bến phà Rạch Miễu chính thức ngừng hoạt động. Bài thơ viết tặng một cô gái tên Nguyên nhà ở Rạch Miễu. Cô gái này ở Sài Gòn mướn nhà trọ của thầy Tùng, giáo viên lý trường Võ Thị Sáu.
Ngày Xưa Nhớ Tuổi Học Trò Ngày xưa nhớ tuổi học trò Những chiều tan học thập thò đợi nhau Nhớ gì trong gió lao xao Em cười trong mắt mà sao thẹn thùng. Sau em, tôi cũng ngượng ngùng Từng màu hoa phượng ngập ngừng rụng rơi Bài thơ đã viết hết lời Muốn trao lại ngại, ngại rồi không... trao! Để mùa hạ ấy qua mau Để chiều kỷ niệm đi vào tháng năm Để giờ em đã xa xăm Còn đây trong gió tiếng thầm thì xưa... 1994 (Tập thơ Hoa sứ trắng - NXB Đà Nẵng 1997) Thanh Trắc Nguyễn Văn Lời tác giả: Sau năm 1975, nữ sinh không còn mặc nhiều áo dài như trước. Niên khóa 1983-1984, lần đầu tiên chiếc áo dài trở thành đồng phục nữ sinh của Trường Hồ Thị Kỷ (Cà Mau). Sau đó chiếc áo dài dần được khôi phục lại tại các trường học trong nước. Một phiên bản khác của bài thơ Ngày xưa nhớ tuổi học trò đã đăng trên báo Áo trắng: Ngày xưa nhớ tuổi học trò Những chiều tan mình chờ đợi nhau Nhớ gì trong gió lao xao Em cười trong mắt mà sao ngượng ngùng. Sau em, tôi cũng ngập ngừng Từng màu hoa phượng thẹn thùng rụng rơi Bài thơ đã viết hết lời Muốn trao lại ngại, ngại rồi không trao! Để mùa hạ ấy qua mau Để rồi kỷ niệm đi vào tháng năm Để giờ em đã xa xăm Còn đây trong gió tiếng thầm thì xưa... Bài thơ viết tặng các em học sinh lớp 12, lớp tác giả chủ nhiệm.
Phiếm Luận Về Yêu Khi yêu Tôi bỗng thành người lớ ngớ Mọi người cười tôi Nhưng họ cũng đều lớ ngớ Khi yêu! Có nhiều người càng yêu Càng lớ ngớ! Và càng lớ ngớ Họ càng yêu! Sỏi đá bỗng dỗi hờn Khi bỗng lớ ngớ Bỗng yêu! Quỷ sứ cũng hiền như nai Khi cũng yêu Cũng lớ ngớ! Nhưng coi chừng Bạn sẽ là người lớ ngớ Nếu không yêu! Cũng đừng quá vội yêu Kẻo thành người lớ ngớ! 1997 (Tập thơ Hạ nhớ - NXB Tổng hợp Đồng Nai 1999) Thanh Trắc Nguyễn Văn Lời tác giả: Tình yêu là gì? Tình yêu là cảm xúc mà mỗi con người đều có nhưng rất khó định nghĩa. Trong thơ văn đã có rất nhiều định nghĩa về tình yêu... "Văn chương vỉa hè" đã từng có câu: Yêu là khổ Không yêu thì lỗ Thà chịu khổ chứ không chịu lỗ... Bài thơ viết tặng cho một cô bạn sau khi cùng nhau tranh luận về chủ đề "yêu". Bài thơ viết tặng cho một cô bạn sau khi cùng nhau tranh luận về chủ đề "yêu".
Làm Quen Người ta tan học có đôi Sao bé tan học mồ côi một mình? Ta chào bé cứ làm thinh Ta cười bé giận mắt nhìn đâu đâu... Hỏi tên, bé bỗng lắc đầu Hỏi nhà, bé chỉ mây cao... trên trời! Xe ta sao bé chẳng ngồi? Ta buồn lẽo đẽo... Mồ côi hai mình! 1994 (Tập thơ Hạ nhớ - NXB Tổng hợp Đồng Nai 1999) Thanh Trắc Nguyễn Văn Lời tác giả: Tình yêu tuổi học trò đứng giữa hai giai đoạn, đồng thời còn là trẻ con và cũng đã là người lớn, tạo nên một loại tình yêu trong trẻo và tuyệt vời. Chuyện tóc ngắn và tóc dài khi tan trường: - Mình làm quen nha em? - Em bà nội mầy, chứ em! Vậy mà có ai ngờ sau này họ vẫn quen nhau... Bài thơ viết từ câu chuyện kể của một em nữ sinh lớp 12, lớp tác giả chủ nhiệm.
Mưa Phố Huế Trời mưa ướt áo trời mưa Chiều nay tan học ai đưa em về Sao em cắt ngắn tóc thề Để buồn giọt nắng, dầm dề giọt mưa? Huế 1994 (Tập thơ Hạ nhớ - NXB Tổng hợp Đồng Nai 1999) Thanh Trắc Nguyễn Văn Lời tác giả: Thừa Thiên - Huế là vùng có lượng mưa trong năm cao nhất (2.700-4.000mm), số ngày mưa cũng kéo dài nhất (200-220 ngày) và tất nhiên độ ẩm cao nhất nước (83-87%). Ai đó đã nói rất đúng rằng, đến Huế mà chưa được thăm lăng tẩm Hoàng cung thì coi như chưa đến Huế. Tôi vẫn muốn nói thêm, đến Huế mà chưa được rong ruổi trên các con đường để tắm mình trong những cơn mưa rả rích, dìu dịu, lâm thâm... thì cũng coi như chưa một lần đến Huế. Bài thơ viết từ một buổi chiều mưa đợi bạn trước cổng trường Quốc Học - Huế.
Hạ Nhớ Tặng Minh Thu Là nhớ gì không nhỏ? Ngày ấy em rời trường Nắng chiều vương trong mắt Ngập ngừng và mông lung. Ta ngẩn ngơ lặng ngắm Cánh phượng hồng rụng rơi Sân trường mùa hạ thắm Bóng em xa, xa rồi... Là thấy gì không nhỏ? Sao vội vàng quay lưng Đầu cành ve nức nở Chiếc lá sầu rưng rưng. Bước giày em thầm lặng Bỗng chốc hóa xa vời Ta về qua cửa lớp Bụi phấn còn rơi rơi. Là xa rồi đấy nhỏ Kỷ niệm những ngày thơ Người em xưa áo trắng Hình bóng giờ trong mơ. Trời xanh kia thăm thẳm Mùa hạ biết còn không Mùa thu sao đến chậm Để buồn ta mênh mông? 1994 (Tập thơ Hạ nhớ - NXB Tổng hợp Đồng Nai 1999) Thanh Trắc Nguyễn Văn Lời tác giả: Mùa hạ là mùa kết thúc một niên học của các em học sinh và cũng là mùa hạ cuối cùng, từ giã mái trường của các em học sinh. Mùa hè của năm học lớp 12 được những học trò cuối cấp gọi là mùa hè cuối cùng. Đây là mùa hè có nhiều cảm xúc nhất, những cảm xúc khó nói thành lời, lòng bồi hồi không nỡ rời xa những năm tháng học trò. Bài thơ viết tặng cho một nữ sinh của trường THPT Võ Thị Sáu tên Minh Thu sau khi tốt nghiệp lớp 12 và ra trường.