[Sức khỏe Tâm thần] Những Lầm Tưởng Và Sự Thật Về Trầm Cảm

Thảo luận trong 'Sức Khỏe' bắt đầu bởi katelyn.dawn, 15 Tháng một 2022.

  1. katelyn.dawn LIFE IS ABOUT BEING AND BECOMING

    Bài viết:
    24
    NHỮNG LẦM TƯỞNGSỰ THẬT VỀ TRẦM CẢM

    PHẦN I - 09 LẦM TƯỞNG VỀ TRẦM CẢM

    [​IMG]

    Chắc hẳn giờ đây ai cũng đã ít nhất một lần nghe đến cụm từ "trầm cảm". Đây chắc chắn là một trong những "từ khóa" được nhắc đến và bàn tán nhất nhì trong đời sống, từ người lớn đến trẻ em, đàn ông đến phụ nữ, mọi tầng lớp xã hội, màu da và chủng tộc.. Song, không phải ai cũng có nhận thức đủ rõ ràng về dạng khó khăn tâm lý này. Hãy cùng mình khám phá sự thật đằng sau những lầm tưởng về trầm cảm mà chúng ta thường gặp nhé!

    Lầm tưởng số 1: Nỗ lực làm việc sẽ đánh bại trầm cảm.

    [​IMG]

    Cố làm việc quá sức rất có thể là một dấu hiệu của trầm cảm bệnh lý (Nguồn ảnh: Webmd.com)

    Gần như cứ sáu người thì có một người bị ảnh hưởng bởi trầm cảm vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống, vì vậy nên những "giải pháp truyền miệng" và những sự thật nửa vời mà người ta còn hay gọi là "một nửa sự thật" về chứng bệnh tâm lý phổ biến này là rất nhiều. Ví như có nhiều người cho rằng: Cứ quăng mình vào công việc rồi tự nhiên sẽ cảm thấy tốt hơn thôi. Thật ra thì đối với trường hợp trầm buồn thông thường thì cách này thực sự có thể giúp ích, nhưng trầm cảm thì không nằm trong số đó. Làm việc quá sức rất có thể là một dấu hiệu của trầm cảm bệnh lý, nhất là ở nam giới.

    Lầm tưởng số 2: Đây không phải là một căn bệnh thực sự.

    [​IMG]

    Bệnh trầm cảm liên quan mật thiết đến sự hoạt động bất thường của các đường dẫn truyền thần kinh ở những vùng não có chức năng điều chỉnh tâm trạng
    (Nguồn ảnh: Webmd.com)

    Trầm cảm thực sự là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng - và là nguyên nhân hàng đầu gây nên các vấn đề khuyết tật ở người Mỹ trưởng thành. Tuy nhiên, nó vẫn thường bị lẫn lộn với cảm giác buồn bã thường gặp. Chứng bệnh này có nhiều bằng chứng sinh học từ các nghiên cứu về di truyền, hóc môn trong cơ thể, các thụ thể của tế bào thần kinh và chức năng não bộ. Các đường dẫn truyền thần kinh ở những vùng não có chức năng điều chỉnh tâm trạng của một người cho thấy sự hoạt động bất thường khi họ mắc bệnh trầm cảm.

    Lầm tưởng số 3: Trầm cảm thật ra chỉ là sự thương hại/ tiếc nuối/ không hài lòng về bản thân.

    [​IMG]

    Trầm cảm là một tình trạng bệnh - một vấn đề sức khỏe liên quan đến những thay đổi xảy ra trong não bộ (Nguồn ảnh: Webmd.com)

    Văn hóa của chúng ta ngưỡng mộ và đề cao nghị lực, ý chí kiên cường và sự dẻo dai tinh thần, song nhanh chóng gán nhãn cho bất cứ ai bị chùn bước là một "người đánh cá" - ý nói một người luôn than vãn, ca thán. Nhưng những người mắc trầm cảm bệnh lý không đơn giản chỉ là "lười biếng" hay thấy tiếc thương cho bản thân. Cũng như họ không thể chỉ cần dùng "ý chí" để làm cho trầm cảm biến mất. Chúng ta cần nhìn nhận rằng trầm cảm là một tình trạng bệnh - một vấn đề sức khỏe liên quan đến những thay đổi xảy ra trong não bộ. Và cũng như các loại bệnh khác, nó thường sẽ được cải thiện khi đi đôi với việc điều trị phù hợp.

    Lầm tưởng số 4: Đi tìm sự hỗ trợ sẽ đồng nghĩa với việc uống thuốc suốt đời.

    [​IMG]

    Liệu pháp "trò chuyện/ đối thoại" mang lại hiệu quả lâu dài trong điều trị trầm cảm (Nguồn ảnh: Webmd.com)

    Bất chấp những luồng ý kiến trái chiều về cuốn sách nổi tiếng "Prozac Nation", thuốc chỉ là một trong nhiều công cụ có thể sử dụng để cải thiện chứng trầm cảm. Việc tìm sự trợ giúp chuyên nghiệp không nhất thiết đồng nghĩa với việc bác sĩ/ nhà trị liệu cho thuốc uống, dù thuốc thực sự có thể rất hữu ích với một số dạng trầm cảm nặng. Bên cạnh đó, các nghiên cứu khoa học đã cho thấy liệu pháp "trò chuyện/ đối thoại" cũng mang lại hiệu quả tương đương như việc dùng thuốc để trị liệu trầm cảm ở mức độ nhẹ đến trung bình. Song, ngay cả khi bạn có sử dụng thuốc chống trầm cảm thì điều này cũng sẽ không kéo dài suốt đời mà bạn sẽ được trợ giúp để xác định thời điểm thích hợp để ngưng thuốc.

    Lầm tưởng số 5: Người mắc trầm cảm khóc rất nhiều.

    [​IMG]

    Cảm xúc khi đó có thể là "trống rỗng" và cảm thấy bản thân vô giá trị hoặc vô dụng (Nguồn ảnh: Webmd.com)

    Thật ra thì không phải mọi trường hợp đều như vậy. Có những người sẽ không khóc hay thậm chí không hề có những biểu hiện cho thấy sự buồn bã hay khổ sở. Thay vào đó, cảm xúc của họ là "trống rỗng" và họ có thể cảm thấy mình vô giá trị hoặc vô dụng. Song ngay cả khi không có triệu chứng trầm trọng nào thể hiện ra bên ngoài, nếu không được điều trị thích hợp thì trầm cảm sẽ gây nhiều cản trở cho một cuộc sống trọn vẹn, và gây ảnh hưởng tiêu cực lâu dài cho gia đình.

    Lầm tưởng số 6: Trầm cảm là một phần của tiến trình lão hóa.

    [​IMG]

    Nhiều người có thể xoay sở trước những thử thách của tuổi già mà không trải qua trầm cảm hay chỉ lướt qua mà không nhận ra (Nguồn ảnh: Webmd.com)

    Hầu hết mọi người có thể tìm ra cách xoay sở trước những thách thức của tuổi già mà không trải qua trầm cảm. Nhưng một khi nó có xảy ra thì rất có thể cũng bị lướt qua mà không được nhận ra. Người lớn tuổi có thể che giấu nỗi buồn của mình hoặc có các triệu chứng mơ hồ khác, như: Không còn cảm giác ngon miệng, những cơn đau nhức trở nên tệ hơn và nếp ngủ bị thay đổi. Ngoài ra, các vấn đề sức khỏe khác có thể kích hoạt bệnh trầm cảm, và ngược lại, trầm cảm có thể làm chậm quá trình hồi phục ở người cao tuổi, như sau cơn đau tim hoặc sau một ca phẫu thuật.

    Lầm tưởng số 7: Nói chuyện sẽ làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

    [​IMG]

    Bước đầu tiên cần làm là dấn thân, tham gia vào cuộc đối thoại với một chuyên gia về sức khỏe tâm thần (Nguồn ảnh: Webmd.com)

    Từng có một thời người ta thường khuyên không nên "chăm chú" vào các vấn đề khó khăn bằng cách nói về chúng. Thế nhưng ngày nay, đã có nhiều bằng chứng đáng tin cậy cho thấy rằng việc cùng bàn luận với một chuyên gia sẽ giúp cho mọi thứ tốt lên rất nhiều. Các phương thức khác nhau của tâm lý trị liệu sẽ mang lại giá trị cho việc điều trị trầm cảm bằng cách tìm ra và xử lý những mẫu hình suy nghĩ tiêu cực, những cảm xúc từ vô thức hay những trở ngại trong các mối quan hệ. Bước đầu tiên là dấn thân, tham gia vào cuộc đối thoại với một chuyên gia về sức khỏe tâm thần.

    Lầm tưởng số 8: Sự buồn bã, bất mãn ở tuổi thanh thiếu niên là điều tự nhiên.

    [​IMG]

    Sự buồn bã u sầu hay cáu kỉnh, khó chịu kéo dài dai dẳng sẽ là không bình thường đối với thanh thiếu niên (Nguồn ảnh: Webmd.com)

    Mặc dù nhiều thanh thiếu niên có tâm trạng dễ thay đổi, hay tranh cãi và thường bị kích thích, thu hút bởi những "mặt tối", thì sự buồn bã u sầu hay việc cáu kỉnh, khó chịu mà kéo dài dai dẳng cũng sẽ không là sự việc bình thường đối với độ tuổi này. Khi tình trạng trầm uất kéo dài liên tục hơn hai tuần thì đó có thể là một dấu hiệu của trầm cảm (cứ khoảng 11 người thì có 1 người mắc phải). Một số dấu hiệu khác cho thấy có khả năng một thiếu niên đang cần được trợ giúp gồm có: Buồn bã liên miên hoặc dễ cáu giận ngay cả với bạn bè, không còn hứng thú với các hoạt động từng yêu thích hoặc đột ngột sa sút điểm học tập.

    Lầm tưởng số 9: Trầm cảm rất khó để điều trị.

    [​IMG]

    Hầu hết tất cả những ai có hành động thiết thực để cải thiện chứng trầm cảm của mình thì đều trở nên tốt hơn (Nguồn ảnh: Webmd.com)

    Trên thực tế, hầu hết tất cả những ai có hành động thiết thực để cải thiện chứng trầm cảm của mình thì sẽ đều trở nên tốt hơn. Bên cạnh đó, theo một nghiên cứu của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ (NIMH), 70% người mắc trầm cảm sẽ hết triệu chứng thông qua các loại thuốc chuyên dụng - mặc dù không phải lúc nào cũng là liều thuốc được đề xuất vào lần đầu tiên. Các nghiên cứu cho thấy rằng phương pháp điều trị tốt nhất đối với trầm cảm thường là sự kết hợp giữa thuốc và liệu pháp đối thoại trong Tâm lý trị liệu.

    (Còn tiếp Phần II - Hãy kéo xuống dưới nhé)

    * * *

    Katelyn. Biên dịch từ nguồn: Myths and Facts About Depression - WebMD.

    Lưu ý: Việc chia sẻ tài liệu hoàn toàn được hoan nghênh để phổ biến kiến thức đáng tin cậy về Tâm Lý Học. Tuy nhiên, khi chia sẻ cần Tôn trọng - Trân trọng người viết/ người dịch. Đề nghị có trích dẫn đầy đủ nguồn. Đó cũng là một cách "Giáo dục" sự Tử Tế và Liêm Chính. Chân thành cảm ơn!
     
    Chỉnh sửa cuối: 16 Tháng một 2022
  2. Đăng ký Binance
  3. katelyn.dawn LIFE IS ABOUT BEING AND BECOMING

    Bài viết:
    24
    NHỮNG LẦM TƯỞNG VÀ SỰ THẬT VỀ TRẦM CẢM

    PHẦN II - 09 SỰ THẬT VỀ TRẦM CẢM

    [​IMG]

    Tiếp nối phần trước khi đã điểm qua một loạt những lầm tưởng phổ biến về trầm cảm, tới đây, chúng mình hãy cùng nhau tiếp tục khám phá về những sự thật thú vị xoay quanh một loại trở ngại tâm lý mang tên "Trầm cảm" - cũng là một khái niệm được nhiều người săn đón nhé!

    Sự thật số 1: Khó phát hiện trầm cảm ở nam giới.

    [​IMG]

    Đa số nam giới có xu hướng giận dữ, bốc đồng khi mắc trầm cảm (Nguồn ảnh: Webmd.com)

    Đối với trường hợp là giới nam thì dù là người thân cận hay thậm chí cả bác sĩ của anh ta cũng có thể không nhận ra được sự hiện diện của bệnh trầm cảm ở anh ấy. Đó là vì cánh đàn ông thường ít nói về cảm xúc của họ hơn so với phụ nữ, và một số người nam khi mắc trầm cảm thì họ không tỏ ra buồn bã hay thất vọng. Thay vào đó, họ có thể cáu kỉnh, tức giận hoặc hay bồn chồn. Thậm chí họ còn có thể có hành vi đả kích người khác. Một số người khác thì tìm cách đối phó với trầm cảm bằng những hành vi liều lĩnh, hay rượu bia, ma túy.

    Sự thật số 2: Bất cứ ai cũng có thể mắc trầm cảm.

    [​IMG]

    Bất kỳ ai cũng đều có nguy cơ mắc trầm cảm (Nguồn ảnh: Webmd.com)

    Nhà thơ hay vận động viên, nhút nhát hay cởi mở, bất cứ ai thuộc bất kỳ sắc tộc nào cũng đều có thể mắc trầm cảm. Chứng bệnh này phổ biến hơn ở giới nữ, gấp đôi so với nam giới. Tuy nhiên, so với cánh đàn ông thì dường như nữ giới có xu hướng đi tìm cho họ những sự trợ giúp chuyên nghiệp hơn. Thường thì có thể nhận biết những dấu hiệu khởi phát của trầm cảm ở giai đoạn cuối vị thành niên hoặc độ tuổi 20, song một "giai đoạn trầm cảm" có thể tiến triển ở bất kỳ độ tuổi nào. Những trải nghiệm khắc nghiệt đôi khi có thể "châm ngòi" cho trầm cảm phát triển ở những người trong nhóm nguy cơ. Hoặc cũng có khi nó cứ thế phát triển từ những chuỗi nỗi buồn dai dẳng ở bất kỳ ai.

    Sự thật số 3: Trầm cảm có thể ngấm ngầm xâm lấn theo từng ngày.

    [​IMG]

    Trầm cảm có thể chậm rãi "leo thang" từng chút một theo thời gian (Nguồn ảnh: Webmd.com)

    Trầm cảm có thể chậm rãi "leo thang" từng chút một theo thời gian, điều này khiến việc xác định nó khó hơn rất nhiều so với một căn bệnh quen thuộc khác khi nó bất ngờ xảy đến. Một ngày dài tồi tệ dần trở thành lối mòn tẻ nhạt mà bạn bị kẹt lại và bắt đầu bỏ mặc công việc, trường học và các sự kiện xã hội. Có một dạng của trầm cảm được gọi là dysthymia: Mức độ nhẹ và kéo dài trong nhiều năm như một bệnh mãn tính - một sự bất ổn âm thầm làm suy giảm sự nghiệp và chất lượng các mối quan hệ của bạn. Mặt khác, trầm cảm có thể trở thành một tình trạng bệnh nghiêm trọng và vô hiệu hóa các chức năng xã hội của bạn. Với việc điều trị phù hợp, nhiều người mắc trầm cảm sẽ thấy tốt lên đáng kể sau 4 đến 6 tuần.

    Sự thật số 4: Lịch sử gia đình không phải là số mệnh.

    [​IMG]

    Có người thân từng mắc trầm cảm không có nghĩa là bạn cũng sẽ mắc phải (Nguồn ảnh: Webmd.com)

    Nếu trầm cảm đã từng xuất hiện trong hệ gia phả của gia đình bạn, thì có vẻ như bạn cũng có khả năng mắc phải nó. Nhưng rất nhiều khả năng là không. Những người có tiền sử gia đình từng mắc bệnh sẽ có thể theo dõi và phát hiện sớm các triệu chứng của trầm cảm cũng như kịp thời có hành động can thiệp thích hợp - đó có thể là áp dụng các phương pháp giảm căng thẳng, tăng cường thể dục, hay tham gia vào dịch vụ tham vấn hoặc cách thức trị liệu chuyên nghiệp khác.

    Sự thật số 5: Trầm cảm có nhiều điểm tương đồng với bệnh Sa sút trí tuệ (Dementia).

    [​IMG]

    Trầm cảm có thể là nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề về trí nhớ, lẫn lộn, và trong một số trường hợp là ảo tưởng (Nguồn ảnh: Webmd.com)

    Ở người cao niên, trầm cảm có thể là nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề về trí nhớ, lẫn lộn, và trong một số trường hợp là ảo tưởng. Người chăm sóc của họ và nhiều bác sĩ có thể nhầm tưởng những vấn đề này là dấu hiệu của bệnh sa sút trí tuệ, hoặc chứng suy giảm trí nhớ do cao tuổi. Việc điều trị phù hợp sẽ gỡ bỏ được rất nhiều gánh nặng cho phần lớn người già bị trầm cảm. Trong đó, tâm lý trị liệu là một phương pháp hiệu quả cho chứng trầm cảm ở người cao tuổi - người mà có thể phải đương đầu với sự mất mát, bệnh tật và nhiều biến chuyển khác trong cuộc sống.

    Sự thật số 6: Những suy nghĩ tích cực thực sự có giúp ích.

    [​IMG]

    Từ lời khuyên quen thuộc đến liệu pháp tâm lý hữu hiệu: Liệu pháp Nhận thức - Hành vi (CBT) (Nguồn ảnh: Webmd.com)

    Từ trước đây rất lâu, hàm ý "làm bật lên tính tích cực" đã là một kiểu lời khuyên rất đỗi quen thuộc. Đến nay, phương thức này đã được phát triển thành hẳn một phương pháp thực hành khoa học mang lại hiệu quả cho những ca trầm cảm. Cách tiếp cận đó có tên: Liệu pháp Nhận thức - Hành vi (CBT). Thông qua liệu pháp này, người khách hàng dần hình thành được lối suy nghĩ và hành xử mới. Những hành vi và tiếng nói nội tâm theo hướng tiêu cực, méo mó sẽ được xác định và thay thế bởi những suy nghĩ hợp lý, cân bằng hơn về bản thân và thế giới xung quanh. CBT có thể được kết hợp song song với việc điều trị bằng thuốc hoặc không, và phù hợp với rất nhiều đối tượng.

    Sự thật số 7: Thể dục thể thao là một "phương thuốc" tốt.

    [​IMG]

    Tập thể dục đều đặn sẽ cải thiện được các triệu chứng của trầm cảm (Nguồn ảnh: Webmd.com)

    Những nghiên cứu chất lượng ngày nay đã cho thấy việc tập thể dục đều đặn với cường độ vừa phải, phù hợp sẽ có thể cải thiện được các triệu chứng của trầm cảm và mang lại hiệu quả tương đương với một số loại thuốc chuyên dụng cho người bị trầm cảm mức độ nhẹ đến trung bình. Từ đó, áp dụng việc tập thể dục thường xuyên với một nhóm bạn hoặc tập cùng một người bạn tốt sẽ gia tăng nguồn lực hỗ trợ xã hội - một yếu tố tăng cường khác giúp thúc đẩy tâm trạng đi lên.

    Sự thật số 8: Nhiều trường hợp chúng ta có thể "tưởng" là trầm cảm.

    [​IMG]

    Không phải lúc nào cũng là trầm cảm (Nguồn ảnh: Webmd.com)

    Có những biến cố trong cuộc sống chắc chắn sẽ gây ra nỗi buồn và thất vọng, nhưng chúng không trở thành trầm cảm lâm sàng (bệnh lý). Sự đau buồn là hệ quả bình thường, tự nhiên và khỏe mạnh khi ta buộc phải trải qua những mất mát đau thương như chia ly, ly hôn, mất việc hoặc nhận chẩn đoán về một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Một manh mối quan trọng cho thấy một người nào đó cần tìm đến trị liệu là: Nỗi buồn của họ kéo dài dai dẳng ngày này qua ngày khác và chiếm hầu hết thời gian trong ngày. Nếu một người đang tự vượt qua thời điểm khó khăn của mình theo một diễn tiến hợp lý, thì nỗi buồn của họ thường có thể bị ngắt quãng và xen vào đó sẽ là niềm vui ở những khoảng thời gian ngắn bất kỳ.

    Sự thật số 9: Niềm hy vọng về những ngày tháng tốt đẹp hơn sẽ trở thành sự thật.

    [​IMG]

    Sự tuyệt vọng chỉ là một phần của sự thật (Nguồn ảnh: Webmd.com)

    Trong những thời điểm tồi tệ nhất của trầm cảm, người ta có thể nghĩ rằng không thể có tia hy vọng nào cho một cuộc sống tốt đẹp hơn được. Tuy nhiên sự tuyệt vọng đó chỉ là một phần của căn bệnh, chứ không phải sự thực. Thông qua quá trình trị liệu, những suy nghĩ tích cực sẽ dần thế chỗ cho những suy nghĩ tiêu cực. Giấc ngủ và khẩu vị sẽ được cải thiện một khi tâm trạng trầm uất trước kia bắt đầu khởi sắc. Và những ai duy trì tiến trình tham vấn với liệu pháp đối thoại sẽ trang bị được cho bản thân những kỹ năng đương đầu tốt hơn để có thể giải quyết ổn thỏa những căng thẳng có khả năng kéo tâm trạng ta chùng xuống trong cuộc sống hằng ngày.

    (Hết)

    * * *

    Katelyn. Biên dịch từ nguồn: Myths and Facts About Depression - WebMD.

    Lưu ý: Việc chia sẻ tài liệu hoàn toàn được hoan nghênh để phổ biến kiến thức đáng tin cậy về Tâm Lý Học. Tuy nhiên, khi chia sẻ cần Tôn trọng - Trân trọng người viết/ người dịch. Đề nghị có trích dẫn đầy đủ nguồn. Đó cũng là một cách "Giáo dục" sự Tử Tế và Liêm Chính. Chân thành cảm ơn!
     
    Chỉnh sửa cuối: 16 Tháng một 2022
  4. katelyn.dawn LIFE IS ABOUT BEING AND BECOMING

    Bài viết:
    24
    Tóm lại, trầm cảm không phải là dấu hiệu của sự tủi thân, yếu đuối hay lười biếng.. Đó là một tình trạng y tế mà trong đó các cấu trúc, chức năng và các chất hóa học trong não bị ảnh hưởng tiêu cực (bởi các yếu tố môi trường hay sinh học).

    *vno 57*
     
  5. Pretty Women

    Bài viết:
    2
    Chứ không phải cứ buồn buồn chán chán hay bị cho leo cây là ngồi than "chầm kẽm quá chị ơi" như ai kia phải không haha

    *yoci 67*
     
  6. katelyn.dawn LIFE IS ABOUT BEING AND BECOMING

    Bài viết:
    24
    Chị này.. đã đúng còn nói to =)) suỵt suỵt

    *yoci 88*
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...