Truyện Ngắn Lễ Vu Lan Kinh Hoàng - Hồi Ức Second

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Hồi Ức second, 13 Tháng một 2022.

  1. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    Tên Truyện: Lễ Vu Lan Kinh Hoàng

    Tác giả: Hồi Ức

    Thể loại: Truyện Tâm Linh

    [​IMG]

    Văn án: Lộc (tên ở nhà là Sắn) là một cậu bé có lanh lợi và có lòng trắc ẩn. Vào một đêm tháng bảy, khi ra chùa cướp lộc, Sắn đã gặp một cậu bé lạ. Từ đây những chuyện dị thường bắt đầu xảy ra. Không chỉ Sắn mà cuộc sống của người dân trong làng liên tiếp xảy ra những điều bất ổn. Câu chuyện sẽ diễn biến như thế nào mời các bạn đón đọc trong "Lễ Vu Lan Kinh Hoàng" - tác giả Hồi Ức
     
    Last edited by a moderator: 14 Tháng một 2022
  2. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    chương 1

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tháng bảy chào đón lũ trẻ chúng tôi bằng những trận mưa rào bất tận, nhưng không ngăn được những trò nghịch ngợm, quậy phá tưng bừng đã làm nên thương hiệu của "trẻ trâu thôn thượng". Bọn tôi đội mưa, đội gió giồng rắn nối đuôi nhau chạy quanh làng xem nhà ai có trái cây rụng thì mang bao ra nhặt về, hoặc lén vào vườn chuối nhà người ta trộm tàu lá, tuốt thành súng bắn nhau, cười đùa ầm ĩ. Có vài đứa còn nhân lúc trời mưa đi bắt cá rô đồng lóc lên mé bờ mang về cho mẹ nấu canh rau ngót.

    Tháng bảy mưa bay

    Trời hay giông bão

    Đêm nằm mơ hão

    Được lên trời cao

    Ai ngờ xuống ao

    Thành con ma đói

    Đi hỏi thầy bói

    Cứu giúp con tôi

    Thầy cho nắm xôi

    Tỉnh ngay tắp lự

    Bọn trẻ chúng tôi vừa chạy dưới mưa vừa đọc váng lên bài đồng ca đó. Người lớn ở trong nhà nhìn ra chỉ biết lắc đầu, chép miệng nhưng tuyệt nhiên chẳng ai la mắng hay cấm cản vì đơn giản họ cũng đã từng trải qua một tuổi thơ như thế- một tuổi thơ ngọt ngào như thế! Chúng tôi tắm mình trong những cơn mưa, lớn lên như những mầm xanh vô lo vô nghĩ.

    Hôm nay là ngày tạnh ráo đầu tiên sau vài ngày mưa dầm đầu tháng, lũ trẻ như thường lệ ăn cơm tối xong lại tụ tập bên gốc đa ngoài đình chơi trốn tìm, bịt mắt bắt dê, và đánh trận giả. Còn người lớn thì ngồi dưới mái hiên hay ghế đá mà hong tóc, nói chuyện. Cả sân đình chẳng mấy chốc mà đông đúc, huyên náo vô cùng. Đang chơi đánh trận rất hăng thì thằng Tũn ở đâu chạy xộc tới, kéo áo tôi thở hồng hộc nói:

    - Mau, mau ra chùa, các già cúng cô hồn xong đang phát lộc ở đấy, đông lắm, mau ra cướp kẹo nhanh không hết.

    Phải cắt nghĩa cho các bạn hiểu là ở làng tôi, vào tháng 7, lễ cúng cô hồn diễn ra từ ngày mùng 2 đến ngày 15 âm lịch, vì theo quan niệm của các cụ từ ngày mùng hai Diêm Vương sẽ mở cửa địa ngục cho quỷ đói được trở lại dương gian, theo tục lệ mọi người phải cúng gạo, muối, cháo, bánh kẹo để quỷ đói không đến quấy nhiễu sinh hoạt thường ngày. Sau khi nghe thằng Tũn nói, tôi hô lớn:

    - Ra chùa chúng mày ơi, ra chùa cướp oản nhanh không hết!

    Bọn trẻ chúng tôi ù té chạy, có đứa nhanh trí còn đi xin vài cái túi bóng để chốc nữa nhặt được bánh trái, kẹo, oản.. sẽ nhét vào đấy mang về. Cả lũ trẻ con cứ như một đám ruồi bâu mật, vây xung quanh cái bàn phát lộc, lui cui nhặt mọi thứ mà các già ném ra. Ních đầy hai túi quần kẹo và thạch, tôi lấy áo ra để đựng tiếp cho tới khi không còn chỗ nào có thể nhét nữa thì thôi. Ngẩng lên tôi thấy con Huê đang cãi nhau với một đứa con trai nào đấy đứng rất gần tôi, giọng con bé nghe chua loen loét:

    - Mày làm cái gì đấy, cái này tao nhặt trước cơ mà. Giả tao đây.

    Con bé giật phắt lấy cái thạch trong tay thằng kia, đưa lên miệng thổi phù một cái rồi bỏ đi, để mặc cho thằng đó đứng chết trân, không nói năng được gì. Đáng lẽ ra tôi sẽ chẳng để ý đến sự việc đó vì còn đang hào hứng với chiến lợi phẩm thu được. Thế nhưng, dáng vẻ tội nghiệp của thằng con trai, cộng thêm bộ quần áo bẩn thỉu và khuôn mặt lạ hoắc của nó đã thu hút tôi. Tôi lại gần cầm lấy một cái oản cho nó và bảo:

    - Kệ nó đi, rõ là đồ đàn bà (tôi bắt trước giọng người lớn, ra vẻ ta đây trưởng thành rồi), này cầm lấy đi, cậu không nhặt được cái nào à?

    Thằng bé nhìn tôi không chớp mắt, "có lẽ nó đang cảm kích vì hành động nhân nghĩa của lão gia ta lắm đây" tôi nghĩ thầm trong bụng như vậy, lòng càng nổi máu anh hùng, tôi làm vẻ dễ dãi, sanh áo nó ra trút vào đó nửa số bánh kẹo tôi lượm được rồi mỉm cười bỏ đi.

    - Ê, con trai con đứa mà lại đi dành kẹo với con gái thế à?

    Tôi ngẩng lên, thì ra là ông anh trai quý hóa của tôi. Ông này là chuyên gia tọc mạch chuyện của tôi rồi bơm đểu với mẹ. Tôi bực bội gắt:

    - Ai bảo anh em dành kẹo với con Huê?

    - Chính mắt tao vừa nhìn thấy nó cãi nhau với mày, đòi mày kẹo, mới đây mà đã trối rồi.

    - Anh có bị khùng không hả anh Lợi? Con Huê đòi kẹo của thằng bé đứng cạnh em, chứ có phải đòi em đâu. Thằng đó nó còn đứng kia kìa!.. ơ đâu rồi nhỉ?

    Tôi quay lại tìm thằng đó thì nó đã đi đâu rồi. Ông anh tôi vẫn không buông tha:

    - Mày bịa chuyện cũng vừa vừa thôi chứ. Nãy giờ tao đứng đây tao nhìn, có mỗi mày với con Huê ở chỗ ấy, chả có thằng nào khác cả. Vừa tranh đồ ăn với con gái vừa bịa chuyện nói dối, tao về mách mẹ cho mày ăn đòn.

    Ông anh tôi dọa dẫm, tôi tức lắm mà không làm gì được, tôi gân cổ:

    - Anh đi mà mách, em không nói dối sao em phải sợ.

    Nói rồi tôi bỏ đi, trong lòng hậm hực "đúng là cái đồ tọc mạch", tôi không sợ bị mẹ đánh đòn, vì mẹ chả bao giờ đánh tôi vì mấy việc cỏn con vặt vãnh, cơ mà chuyện bị nghe dân ca và nhạc cổ truyền cả tuần thì có thể lắm.

    Ra tới cồng chùa, thằng Tũn như đã chờ sẵn ở đấy, nó gọi tôi:

    - Ê Sắn! (sắn là tên ở nhà của tôi, người lớn vẫn dặn, đêm tháng bảy chớ gọi tên nhau, nhưng chúng tôi có gọi tên cúng cơm của nhau đâu mà sợ)

    - Gì thế? – tôi hỏi

    Thằng Tũn ghé sát tai tôi thì thầm. Mắt tôi sáng rực như đèn pha ô tô, gật đầu lia lịa, miệng cười toe toét. Tôi trút hết kẹo vào cái túi bóng Tũn cho, dấu vào hốc cây si già rồi ù té chạy cùng nó. Ra tới gần cánh đồng, thằng Tẹo đã đợi sẵn, tay nó dấu ở trong áo nhìn chúng tôi cười ranh mãnh. Tôi hỏi:

    - Mày có cái gì đấy hả Tẹo?

    - Mày đoán xem nào?

    - Chắc là kẹo chứ còn cái gì nữa- tôi nói.

    - Cái đầu mày chỉ nghĩ được thế thôi hả Sắn?

    Tẹo nhìn tôi diễu cợt rồi lấy ra một cái chai nhựa, bên trong đựng đầy đom đóm, con nào con nấy thi nhau phát sáng. Tôi và Tũn cùng đồng thanh mà thốt lên:

    - Wa.. o! Đẹp quá!

    - Chu choa, thằng này ngon gớm bay, mày bắt ở đâu mà lắm thế? - tôi hỏi

    Thằng tẹo không trả lời mà hất đầu, bảo tôi cùng thằng Tũn:

    - Đi thôi!

    Ba thằng chúng tôi thẳng hướng cánh đồng mà tiến. Hôm nay trời trong sau mấy ngày mưa dầm, các cặp đôi trong làng tha hồ hẹn hò chim chuột, tán tỉnh nhau. Họ hẹn nhau ở ngoài ruộng, trên đê hoặc ở vài vườn chuối nào đó. Mục tiêu của chúng tôi hôm nay là ruộng ngô của nhà bà bảy. Tiến gần tới chỗ cái chòi canh ngô, tôi đi trước, hai thằng kia bám sát theo sau. Căn chòi phát ra những tiếng rúc rích, tiếng thì thầm lúc to lúc nhỏ, tôi cố lắng nghe rồi bụm miệng cười cố không để phát ra tiếng động. Hai thằng kia thấy vậy cũng chúc đầu lại gần nghe ngóng. Một đôi chim cu đang tỉ tê tâm sự, mà lạ.. họ tâm sự bằng tay hay bằng mồm không biết nữa, chỉ thấy chốc chốc người con gái lại gắt nhẹ: "Đừng, đừng mà" sau đó là hàng loạt những tiếng sột soạt nổi lên nghe mà nổi da gà. Tôi nháy mắt ra hiệu với hai thằng kia. Thằng tẹo hiểu ý, lập tức rút cái chai nhựa ra, mở nắp và đút cổ chai qua cái khe bên hông chòi. Chỉ một lát, tiếng hét rung chuyển cả căn chòi lá. Chúng tôi lập tức nấp vào bụi dậm nhìn ra, thấy anh trai chạy ra trước, còn chưa kịp kéo quần, dép thì chiếc còn chiếc mất. Tôi nhận ra ngay là anh Kiên Quyết (anh tên Kiên, còn bố anh tên Quyết nên mọi người hay gọi là anh Kiên Quyết). Chiếc xe đạp của anh thì dựng ở bên đường, lúc này nằm chỏng trơ mà chủ nhân của nó thì đã chạy bán sống bán chết rồi. Chị Gái chạy ra sau, chẳng ai xa lạ chính là chị Mùi con nhà bác Ngò. Chị Mùi vừa chạy theo anh Kiên vừa gọi: "Đợi em với, đợi em", nhưng soái ca của chị không cả quay đầu nhìn lại!

    Chúng tôi chui ra khỏi bụi cỏ, nhìn theo hai bóng người kia mà cười không nhặt được mồm, thằng Tũn lăn lộn dưới đất, ôm bụng cười sằng sặc như con heo bị chọc tiết. Tôi lấy chân vờ đá vào người nó vài cái rồi bảo:

    - Ông dậy đi ông tướng, đi tiếp ra bãi sông, nhanh còn được xem nhiều phim hay.

    Chúng tôi lại hành quân tới bãi sông, đến chỗ bụi lách rậm rạp mà tôi biết vài cặp tình nhân vẫn hay ra đó ngồi hóng mát, tôi quay lại đưa ngón tay lên môi khẽ suỵt ra hiệu cho hai thằng kia ý bảo: "Đã phát hiện mục tiêu". Bụi lau rung lên bần bật, nhưng tôi không để ý cặp đôi kia đang làm gì, tôi chỉ để ý đống quần áo họ chất thành đống mà thôi. Tôi nhìn hai thằng kia rồi chỉ chỉ vào đó. Thằng Tẹo nhanh nhẹn vớ ngay được cành củi khô ra sức kều đống quần áo. Đang hành động thì chúng tôi bị phát hiện, thằng tẹo chỉ kịp vơ được một cái quần không biết của nam hay nữ rồi cả bọn chạy toán loạn. Anh trai kia vùng lên toan đuổi theo nhưng hai chân anh ta còn đang xỏ vào cùng một ống quần đùi, anh chạy được vài bước thì ngã nhào xuống đất, miệng không ngừng chửi bới chúng tôi:

    - Mẹ bố chúng mày, ông mà bắt được, ông bóp cổ cho chúng mày chết.

    Ba thằng tụi tôi chạy về tới nghĩa địa mới dám dừng lại để thở rồi lại ôm bụng cười ngặt ngoẽo. Cả ba đứa cười tới nỗi nước mắt nước mũi giàn dụa. Tới lúc mở được mắt tôi mới giật mình vì nhận ra có bóng người đang lấp ló sau một ngôi mộ nhìn lén chúng tôi, tôi gọi to:

    - Ai đấy?

    Không có ai trả lời, thằng Tẹo và thằng Tũn thấy tôi đột nhiên quát lớn thì ngưng lại hỏi:

    - Gì đấy mày?

    - Có đứa nào đang nhìn lén tụi mình- tôi thì thầm.

    Thằng Tũn nghe vậy thì hướng về phía tôi chỉ rồi nheo mắt nói:

    - Ai đấy? Ra đây xem nào? Làm gì mà lén lút như ăn trộm thế!

    Không đợi kẻ kia trả lời, tôi tiến lại gần ngôi mộ rồi thốt lên:

    - À, thì ra là cậu này à?

    Đó chính là thằng bé lúc nãy tôi gặp trong chùa, bị con Huê giật mất thạch và được tôi bù lại cho cả đống bánh kẹo. Nhìn bộ dạng lấm lét của nó tôi hỏi:

    - Cậu làm gì ở đây một mình thế? Sao bọn tớ gọi lại không thưa?

    Thằng này không trả lời tôi mà hỏi ngược lại:

    - Các cậu đang chơi trò gì đấy? Cho tớ chơi với!

    Hai thằng bạn tôi nhìn nó từ đầu tới chân rồi hỏi:

    - Ê Sắn, thằng nào đây? Mày quen nó à? Sao trông lạ thế?

    Tôi hỏi nó:

    - Cậu tên là gì? Con nhà ai mà sao tớ trông cậu lạ quá vậy?

    - Tớ tên là Trung, cháu ông Thành ở xóm dưới. Các cậu tới hỏi ông Thành bán cá vàng ai cũng biết.

    - À, ra vậy

    Tôi ra vẻ đã biết chứ thực ra tôi chả gặp ông Thành bán cá bao giờ, cũng ít khi nào qua xóm dưới chơi vì không có bạn ở bên ấy. Tôi bảo nó:

    - Giờ bọn tớ về sân đình chơi đây, cậu có chơi thì đi theo bọn tớ.

    Nói rồi chúng tôi lũ lượt kéo về lại đình làng, lúc này bọn cùng xóm vẫn đang nô nghịch váng trời. Tôi tụ tập chúng lại rủ nhau cùng chơi trốn tìm. Sau khi oản xù xì, người phải đi tìm những đứa khác là thằng Hòe Phương. Nó đếm từ một đến 20, còn chúng tôi nháo nhào đi tìm chỗ nấp. Không may cho tôi khi chạy ra sau đình thì chân dẫm phải gai, mà thằng Hòe thì đang tìm tới nơi, mặc dù trước đó định trèo lên cây trốn nhưng tình hình này chắc lại phải nấp vào đống rơm, mà nấp ở đống rơm là dễ bị phát hiện nhất vì chúng tôi đã quá quen rồi.

    Thằng Hòe đi qua đống rơm chỗ tôi nấp, ngó nghiêng một hồi, tôi nìn thở vì tiếng bước chân sột soạt của nó đang đến gần, mặc dù đã lấy rơm phủ lên người nhưng có lẽ tôi khó lòng mà thoát. Cơ mà hôm nay không hiểu nó bị đui hay trời tối quá, hay số tôi hên, mà thằng Hòe đã gần chạm được vào tôi rồi thì nó lại bỏ đi. Tôi thở phào nhẹ nhõm, còn chưa kịp vui mừng thì tôi lại một phen bị dọa cho chết khiếp vì thằng Trung không hiểu đã ở sau tôi từ lúc nào, nó thở nhè nhẹ vào gáy tôi những hơi lạnh buốt. Tôi giật mình suýt thì hét to, nhưng nó đã chặn tay lên miệng tôi mà nói khẽ: "Suỵt". Tôi gật gật đầu với nó, ở yên trong đống rơm với thằng Trung rất lâu mà thằng Hòe không tìm ra được, cũng không thấy nó "tha cóc" cho tôi, cứ thế, tôi ngáp dài ngáp ngắn rồi ngủ quên lúc nào không biết.
     
  3. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    chương 2

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi mở mắt khi mà có những âm thanh náo nhiệt bủa vây, tiếng người ta hô ầm ĩ:

    - Đây rồi! Nó ở đây này! Giời ơi là giời! Cái thằng giời đánh thánh vật. Mày nằm đây cả đêm làm mẹ mày đi tìm khắp nơi kia kìa, bố mày đang ở dưới ao mò mày đấy thằng quỷ sứ.

    Tôi mở tròn mắt chẳng hiểu gì. Chẳng phải tôi đang chơi trốn tìm hay sao? Sao lại thành ra ngủ ở đây cả đêm? Tôi còn đang lơ ngơ mắt tròn mắt dẹt thì mẹ tôi chạy đến, áo quần sộc xệch, đầu tóc rũ rượi, hai mắt đỏ ngầu giống như vừa mới vật vã khóc than ở chốn nào về. Bà ôm trầm lấy tôi mà nức nở:

    - Ôi giời ơi, con ơi là con, con làm mẹ lo quá! Con có bị làm sao không? Có đau ở đâu không? Sao cả đêm không về hả con.

    Bố tôi cũng vừa tới nơi, người ngợm ướt rượt, nước còn đang chảy ròng ròng, mắt ông long lên sòng sọc, ông rít răng:

    - Tiên sư bố cái thằng mất dạy. Mày biết tội chưa? Mày về đây tao cho mày rũ xương.

    Ông lao về phía tôi, bàn tay hộ pháp cầm lấy cẳng tay tôi mà lôi đi xềnh xệch. Mặt tôi méo xệch, phen này tôi chết chắc. Về tới nhà bố trói tôi vào cột, lấy ra cái roi mây cứ thế vụt vào chân tôi không thương tiếc. Mẹ tôi, sau cơn xúc động vì tưởng mất đi thằng con yêu quý thì giờ này cũng lấy lại bình tĩnh và nổi cơn thịnh nộ cùng với bố. Hai ông bà, người đánh, người chửi, hôm ấy tôi thê thảm vô cùng.

    Buổi tối, bọn bạn nghe tin tôi bị đánh thì kéo sang hỏi han, an ủi. Bọn nó nói:

    - Hôm qua mày trốn chỗ méo nào mà kĩ thế? Thằng Hòe tha cóc cho mày mấy lần mà không thấy mày ra, cứ nghĩ là mày đã về nhà rồi cơ.

    - Tao nào có trốn ở đâu đâu- tôi nói giọng buồn thiu- tao trốn ngay đống rơm cùng với thằng Trung đó.

    Thằng Hòe nghe vậy thì nhảy dựng lên:

    - Điêu, ông điêu nó vừa thôi, tôi lục muốn tung đống rơm mà có thấy đứa nào chứ đừng nói là hai đứa? Trừ khi ông nhảy tận lên trên đống thì tôi chịu. Mà thằng Trung là thằng nào thế?

    - Nó là cháu ông Thành bán cá vàng ở xóm dưới. – thằng Tũn trả lời hộ tôi.

    - Thấy thằng này lạ quá, chẳng gặp nó bao giờ mấy ông ợ.

    Một thằng khác lại nói:

    - Ai chứ ông Thành thì tôi lạ gì, vẫn mua cá của ông ấy về chơi miết, nhưng có thấy ông ấy có đứa cháu nào đâu.

    Bọn nó cứ nhao nhao lên nói mỗi đứa mỗi câu, còn tôi thì mải suy nghĩ, cái thằng Trung chết tiệt đó, hôm qua, nó chốn cùng tôi một chỗ, vậy mà tôi ngủ quên nó cũng không thèm gọi một tiếng cho tôi về nhà ngủ, báo hại tôi bị bố mẹ dần cho một trận nhừ tử. Cay cú thật đó! Tôi thề là tối mai mà gặp nó tôi phải cho nó một trận, nếu không thì cũng cho nó "nốc ao" khỏi cuộc chơi luôn.

    Tối hôm sau, mặc kệ cái chân đau, tôi vẫn lết xác ra sân đình như mọi khi, nhìn thấy thằng Trung lấp ló bên gốc cây đa, máu nóng trong người tôi nổi lên, tôi định sổ ra một tràng tổng xỉ vả.. nhưng thằng Trung đã đập tan cơn giận của tôi bằng nụ cười trìu mến nhe chiếc răng khểnh đến duyên của nó. Chưa kịp để tôi lên tiếng, thằng Trung chìa ra một cái lọ có đến bốn, năm con cá vàng. Nó bảo:

    - Cho cậu đấy.

    Tôi kinh ngạc cầm lấy cái lọ và thốt lên:

    - Cho tớ á? Thật không?

    Thằng Trung gật đầu, tôi thích thú ngắm nghía bọn cá vàng một cách say mê, như thể đây là lần đầu nhìn thấy.

    - Cậu thích không?

    - Thích – tôi đáp. Mắt vẫn không dời bọn cá. Vậy là bao nhiêu hờn giận trong tôi trước đó đã không cánh mà bay. Thằng Trung lại nói:

    - Cậu mà thích hôm nào tớ sẽ cho cậu vài con nữa đẹp hơn! Ông tớ cho tớ nhiều lắm.

    Từ đằng xa, bọn thằng Tũn, thằng Tẹo nhìn thấy tôi thì gọi thật to:

    - Ê Sắn! Đang làm gì đấy! Ra đây!

    Tôi chạy nhanh lại chỗ bọn nó để khoe cá, bọn nó nhìn thấy thì cũng trầm trồ không ngớt:

    - Ù uây, đẹp dữ mày! Ở đâu ra đấy?

    - Thằng Trung cho tao! - tôi nói- chắc nó muốn đền bù cho tao vụ hôm qua.

    Rồi tôi quay đầu lại gốc đa toan gọi thằng Trung thì nó không còn ở đấy nữa. Tôi làu bàu: "Bố khỉ, cái thằng này cứ như ma vậy". Hai thằng bạn thân nhìn cá của tôi với ánh mắt thèm thuồng, thằng Tũn bảo:

    - Cá này chắc đắt lắm, hôm nọ tao được đi phố, xin mãi mẹ tao mới mua cho một con mười lăm nghìn mà không đẹp như này đâu.

    Đã là bạn thân có phúc cùng hưởng có họa cùng chịu, nghĩ vậy nên tôi chia cho hai thằng kia mỗi thằng một con, còn tôi giữ lại ba con đem về nuôi, tôi bảo:

    - Yên tâm, thằng Trung bảo mấy nữa lại cho tao tiếp, đi theo lão gia, tụi bay tha hồ mà hưởng phước. – tôi nói giọng tự đắc.

    Tũn và Tẹo nhìn tôi vẻ thán phục lắm. Vậy là từ nay tôi có thêm một thằng đệ ruột là thằng Trung. Tôi hớn hở mang cá về nhà, lục tìm trong đống chai lọ của mẹ một cái hũ thủy tinh mà bà đang ngâm mơ hay mận gì đấy, tôi trút hết xuống ao, rửa sạch hũ rồi bỏ cá vào, tôi còn vớt cả rong đuôi mèo thả chung cho đẹp. Xong xuôi tôi đặt hũ cá ở đầu giường ngắm nghía cho tới khi ngủ quên lúc nào không biết, trong giấc mơ tôi thấy lũ cá vàng bơi lội quanh mình, chúng quệt đuôi vào mặt tôi, còn cười với tôi nữa!

    - Dậy, dậy đi học mày! Sáng bảnh mắt rồi!

    Tôi không mở mắt, tiếp tục ôm chăn lăn một vòng. Ông anh quý hóa nhảy lên giường đá đít tôi vài cái, tôi vẫn mặc kệ kiên quyết không nhúc nhích. Nhưng cái giọng chát chúa đáng ghét cùng giọng cười chế nhạo vang lên khiến tôi chột dạ:

    - Á à, mày nuôi cá hả Sắn, để xem nào!.. ha ha ha, cá của mày đây sao? Ối giời ơi, tôi chết mất, ha ha.. chết mất.. ai cho tôi viên thuốc giảm đau nào, tôi cười sắp bể bụng mà chết thôi!

    Tôi bật dậy, nhảy chồm lên chỉ vào ông anh khốn nạn đang cầm hũ cá của tôi mà cười sặc sụa:

    - Giả cho em đây! Giả đây!

    Nhưng ông ấy vẫn chẳng thèm đếm xỉa gì tới tôi, chỉ ôm bụng cười bò. Tôi điên tiết nhảy xuống đất toan giằng lấy hũ cá. Chưa kịp hành động thì mẹ tôi vào:

    - Đứa nào hôm qua lấy hũ mơ của mẹ ngâm mà đổ đi?

    Chết rồi! Tôi tái mặt, mẹ tôi có nhiều hũ ngâm như vậy mà vẫn phát hiện bị mất một hũ, đúng là tinh như cú vọ. Phen này tôi lại ốm đòn rồi.

    - Không phải con- ông anh tôi lên tiếng. Mẹ lập tức nhìn tôi bằng ánh mắt hình viên đạn. Tôi nhìn lại mẹ với vẻ mặt ngây thơ vô số tội, cố nở một nụ cười cầu hòa, dễ thương nhất có thể. Mẹ bảo:

    - Chắc đang nghĩ tại sao mẹ lại biết chứ gì? Ăn vụng không biết chùi mép, làm việc xấu mà vẫn để lại dấu vết, chứng cứ dành dành trên bờ ao kia kìa!

    Thôi bỏ mẹ, chắc chắn là hôm qua lúc đổ mơ xuống ao, tôi lỡ làm rơi mấy quả ở trên bờ, sáng nay kiến bâu nên mẹ tôi mới nhìn thấy. Cay thật! Còn chưa kịp nói gì để chống chế thì ông anh giơ hũ cá của tôi lên trước mặt mẹ khoe:

    - Mẹ nhìn cá của thằng Sắn này!

    Vừa nói ông ấy vừa đưa tay lên che miệng, còn mẹ tôi thì vừa nhìn thấy đã phì cười, cứ thế hai người ấy làm tôi vừa bực vừa khó hiểu. Tới lúc tôi nhìn kĩ lại cá của tôi thì hỡi ôi, chính tôi cũng phải há hốc mồm ngạc nhiên, tôi lao tới giật phắt hũ cá xoay tới xoay lui rồi thọc tay vào trong nước và vớt lên.. ba con cá giấy! Tôi hướng về anh trai mà gào lên:

    - Trả cá cho em! Anh chơi xấu em đúng không?

    - Ơ hay, thằng này, mày làm sao thế? Tao thèm vào lấy mấy con cá giấy của mày!

    - Chỉ có anh thôi! - tôi vẫn tiếp tục kiện- chính anh đánh tráo cá của em, mau trả cho em, trả mau!

    Chúng tôi đuổi nhau vòng quanh mẹ, anh Lợi hét lên:

    - Mẹ, cứu con.. cái thằng này, điên à!

    Mọi chuyện chỉ chấm dứt khi mẹ tôi dậm chân và hô:

    - Hai đứa dừng lại! Không đuổi nhau nữa mau xuống bếp ăn sáng còn đi học, muộn học bây giờ!

    Tôi tức muốn ói máu mà không làm gì được, cũng không có bằng chứng là anh Lợi tráo cá nên không kiện lên mẹ được. Tôi lườm anh cháy mặt rồi lững thững ra bể múc nước rửa mặt đánh răng. Nhưng trong cái rủi có cái may đó là mẹ tôi hình như đã quên mất vụ đổ mơ lấy hũ của tôi rồi.
     
  4. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    chương 3

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi vừa dựng xe vào lán thì thằng Tũn cũng vừa tới nơi. Nhìn thấy tôi nó hấp tấp hỏi ngay:

    - Ê mày, cá của mày sao rồi?

    - Sao răng gì, lão Lợi chơi đểu đánh tráo hết rồi. – tôi nói giọng buồn rười rượi

    Thằng Tũn vẻ mặt tức tối nói:

    - Cá của tao thì biến thành giấy rồi!

    Tôi nhìn nó mắt trợn lên đầy kinh ngạc:

    - Biến.. thành giấy á? Thật không?

    Thằng Tũn gật đầu xác nhận:

    - Tối hôm qua về tao thả luôn vào bể kính, cùng với 3 con cá trước của tao, sáng nay ra xem thì chỉ thấy con cá giấy nổi lập lờ trên mặt nước. Không hiểu gì luôn á!

    Tôi á khẩu, miệng méo xệch, không nói năng được gì, vậy là không phải anh Lợi tráo cá, mà cá biến thành giấy thật. Mất vài phút đồng hồ tôi mới nuốt nước bọt mà bảo Tũn:

    - Cá của tao cũng thành giấy mày ạ. Đợi thằng Tẹo đến xem tình hình của nó thế nào!

    Và khi Tẹo đến, chúng tôi nhận được thông tin không thể đắng hơn: Cá của Tẹo cũng cùng chung số phận với cá của hai đứa tôi, chả nhẽ thằng Trung lại một lần nữa chơi đểu tôi, thằng này khốn nạn thật, nhưng tôi vẫn không thể nào tin nổi:

    - Ê, hôm qua chính chúng mày cũng thấy mấy con cá ấy là thật đúng không?

    - Thì đúng mà! - hai thằng gật đầu như búa bổ xác nhận.

    - Hay là thằng Trung nó chơi trò ảo thuật gì đó hả tụi bay? - thằng Tẹo nói.

    Tôi với tũn nhìn nhau khó hiểu. Chả có nhẽ lại thế! Nếu vậy thằng Trung này chơi ác quá! Cái đồ thích thể hiện đây mà! Ba đứa tôi cùng đồng tình thằng Trung làm thế là không đẹp. Nhất định phải dạy cho nó một bài học!

    Nhưng tối hôm sau và tối hôm sau nữa tôi cũng không gặp lại nó, không hiểu nó bốc hơi đi đâu rồi. Tò mò, tôi rủ thằng Tẹo tan học cùng tôi qua xóm dưới tìm nhà thằng Trung. Hỏi han mấy người thì được chỉ vào ngôi nhà tận cuối làng, đi vòng vèo bao nhiêu lâu mới tới.

    Vào trong sân, chúng tôi thấy một ông lão đang xúc cát trộn xi măng chắc là để chát bể cá. Đoán là ông Thành, tôi dựng xe lễ phép chào:

    - Cháu chào ông ạ!

    Ông lão ngẩng lên nhìn hai đứa tôi ừ một tiếng. Tôi nhanh nhảu nói:

    - Dạ, ông cho cháu hỏi, bạn Trung có nhà không ạ?

    Tôi thấy vẻ mặt ông ta hơi sững lại rồi đỏ lên, tôi nghĩ chắc ông ta đang sợ chúng tôi là bạn xấu đến rủ cháu ông đi chơi lêu lổng nên vội vàng giới thiệu tiếp:

    - Chúng cháu là bạn của Trung, hai hôm nay không thấy bạn ấy ra đình chơi nên đến hỏi thăm ạ.

    Nghe tôi nói xong câu ấy, thằng Tẹo liếc tôi với vẻ mặt không thể hãm hơn, kiểu như muốn nói: "Điêu vừa thôi ông ạ", còn ông Thành thì đột nhiên nổi giận. Ông quát lớn:

    - Tiên sư chúng mày.. cút, cút ra khỏi nhà tao, mất dạy!

    Tôi với thằng Tẹo hoảng hồn, chẳng hiểu là tôi đã nói sai điều gì làm ông ấy phật lòng, tôi lắp bắp:

    - Chúng cháu có làm.. làm gì đâu ạ!

    Nhưng ông Thành không nói thêm gì nữa mà vớ ngay lấy cái gậy gần đấy toan vụt chúng tôi. Tôi và Tẹo quay đầu xe chạy bán sống bán chết ra khỏi nhà ông Thành, mấy con chó ở các nhà xung quanh thấy chúng tôi thì sủa ran lên. Khi đã ra đến đầu ngõ, chắc chắn ông ấy không đuổi theo, tôi mới đi chậm lại vừa thở vừa nói như mếu:

    - Tao có nói gì sai không hả Tẹo?

    - Có đấy- thằng Tẹo đáp- ai bảo mày nói điêu, rõ ràng mày tới hỏi tội cháu ông ấy mà dám bảo là tới hỏi thăm.

    Đang lúc hoang mang còn bị thằng bạn xỏ xiên tôi điên tiết giơ cẳng định đạp cho nó một cái thì Tẹo né được, tôi chửi:

    - Thằng chó, mày có còn là bạn tao nữa không, lúc nào rồi mà còn đùa.

    Để sửa lỗi với tôi thằng Tẹo đưa ra ý kiến.

    - Ông Thành này có vẻ khó tính, không hỏi được ông ấy thì đi hỏi hàng xóm nhà ông ấy, tao thấy cái nhà này kì cục sao ấy, nhưng mà nó làm tao tò mò.

    Đúng vậy, đúng là kì cục thật, thằng Trung biến mất và thái độ giận giữ của ông nó khi nãy vô cùng kì lạ. Tôi chưa kịp nói gì với Tẹo thì nó tạt vào một nhà bên đường hỏi:

    - Bà ơi, bà cho cháu hỏi một tí ạ, trong ngõ này có một ông tên là ông Thành, bà có biết không ạ?

    - Cháu hỏi ông Thành bán cá hả? Hàng xóm láng giềng ai chả biết.

    - Thế có phải ông ấy bị điên không ạ?

    Câu hỏi của thằng Tẹo khiến tôi suýt nữa thì phụt nước miếng. Cái thằng này, không hiểu nó nghĩ cái gì mà đi hỏi câu đó, tôi đứng như chôn chân xuống đất chỉ biết trợn mắt đứng nhìn, bà hàng xóm lắc đầu mà rằng:

    - Không, ông ấy bình thường mà cháu, có điên loạn gì đâu!

    - Vậy mà ban nãy cháu vào tìm hỏi cháu ông ấy thì ông ấy lại nổi đóa lên đuổi đánh chúng cháu đấy bà ạ.

    Thằng bạn tôi cứ vậy mà liến láu. Bà già nhìn nó ngạc nhiên hỏi lại:

    - Ông Thành ở một mình làm gì có cháu nào hả cháu. Ông ấy chỉ có một đứa cháu nội nhưng chết cách đây 3, 4 năm nay rồi.

    Chúng tôi há hốc mồm kinh ngạc, đồng thanh hỏi:

    - Nó tên là gì hả bà?

    - Tên gì nhỉ, tên gì mà tự nhiên lại quên. Già rồi trí nhớ kém lắm cháu ạ. Chỉ biết ông ấy hay gọi nó là thằng khoai, gọi riết thành quen nên chả nhớ tên thật là gì.

    Ngưng một lát bà lại bảo:

    - Cháu ông Thành chết vì ngày trước nó theo ông ấy ra ao, ông ấy mải vớt cá không để ý nó bị rơi xuống nước. Thế là thằng bé chết đuối.

    Chúng tôi im lặng, không hỏi thêm gì nữa, giờ thì tôi hiểu vì sao ông Thành lại nổi giận khi chúng tôi đến tìm cháu ông ta, đơn giản vì chúng tôi vô tình chạm vào nỗi đau đớn, dằn vặt của ông ấy bao năm nay. Chắc chắn ông Thành luôn tự trách bản thân vì đã lỡ để đứa cháu chết oan. Hai đứa tôi nhìn nhau rồi lí nhí chào bà cụ ra về. Trên đường đi tôi bảo thằng Tẹo:

    - Hay là nhầm nhà rồi mày ơi!

    - Nhưng chả nhẽ lại có hai ông Thành bán cá hả mày?

    Thằng Tẹo nhăn nhó hỏi tôi. Tôi chỉ biết trầm ngâm suy nghĩ, nếu như chúng tôi tìm đúng nhà, thì có nghĩa là chúng tôi đã gặp ma, đã chơi với ma suốt tối hôm ấy. Còn nếu nhầm nhà thì ắt phải có ông Thành thứ hai cũng bán cá vàng. Nhưng tìm ở đâu ông Thành cá thứ hai đây!

    Vụ thằng Trung thật là oái oăm và quái gở, nhưng vụ đó nhanh chóng bị chìm bởi những vụ hót hơn ở làng. Hôm ấy tôi vừa đi học về thì mẹ tôi gọi vào và bảo:

    - Sắn ơi, mẹ bạn Hiếu vừa sang nhà mình bảo mẹ đưa cho con túi bánh này, mẹ bạn Hiếu nói là túi bánh này của con, bạn Hiếu lỡ ăn mất mấy cái, giờ trả lại cho con đấy!

    Tôi cầm túi bánh hơi ngờ ngợ rồi mắt sáng lên:

    - A đúng rồi, túi bánh của con đây mà, hôm trước ở chùa con lượm được rồi bỏ quên ở gốc cây, nhưng sao bạn Hiếu biết của con mà đem trả hả mẹ?

    - Mẹ cũng không biết, chỉ biết mẹ bạn ấy bảo bạn ấy nhờ đem trả cho con.

    Ông anh tôi nghe chuyện thì nhảy vào bàn luận:

    - Sao có người tốt thế nhỉ? Nhặt được của rơi đem trả tận nhà.

    - Khổ, có mấy cái bánh thôi có gì to tát đâu, mẹ bảo là không cần đem trả, nhưng cô Chi cô ấy không chịu. Đấy, các con phải nhìn gương ấy mà học tập nhớ chưa? Mình phải thật thà, không phải của mình thì không được lấy.

    Rồi ngưng một chút mẹ lại tiếp:

    - Mà thằng Hiếu nó đang bị ốm sao đó, Sắn.. con có biết không?

    - Dạ, con không biết, con có chơi với nó đâu!

    - Khổ, không biết ốm đau ra sao mà mẹ nó bảo nó không ăn uống được gì cả mấy ngày nay. Tối nay mẹ phải sang thăm xem thế nào!

    Tôi không để ý tới những lời mẹ nói, chỉ chăm chăm vào túi bánh, bóc ăn ngấu nghiến.

    * * *

    Gần đây cả xóm tôi đồn ầm lên vụ con Huê và thằng Hiếu bị mắc bệnh lạ, chúng nó không ăn không uống được gì suốt mấy ngày trời, đi khám thì không ra bệnh, nhưng cứ nhìn thấy thức ăn thì buồn nôn. Đỉnh điểm là có một hôm đói quá không chịu được, con Huê được mẹ pha cho một bát mì, nhắm mắt ăn xong thì lại nôn ra một bối giun. Mẹ nó kinh hãi, khóc lên khóc xuống vì con mình cứ ngày một xanh xao, gầy còm. Thằng hiếu cũng không khá hơn là mấy, mặc dù được vợ chồng cô Chi cho đi khám đông tây y nhưng chả ăn thua gì, bấy giờ cả làng đồn đoán chúng nó bị ma hành. Lũ trẻ chúng tôi nghe xong mà sợ rúm cả người.

    Vụ con Huê và thằng Hiếu còn chưa lắng xuống thì xóm tôi lại một phen náo loạn vì có đứa bị ngã xuống giếng nước ngoài đình, suýt chết đuối! Chẳng là thằng Minh theo các anh lớn đi bắt chuồn chuồn, mải mê thế nào mà trượt chân ngã xuống giếng, may sao có một bác đi gánh nước về đun, nhìn thấy nó chới với giữa đàng mới hô hoán người đến cứu. Lúc vớt nó lên nó mềm nhũn như sợi bún, người ta phải vác nó chạy mấy vòng quanh giếng, với cả hô hấp nhân tạo đủ kiểu nó mới hồi lại, nhưng tới giờ vẫn ở bệnh viện chưa được về.

    - Còn chuyện này nữa mới ghê- thằng Tẹo nhìn tôi và Tũn với vẻ nghiêm trang. - chúng mày biết gì không?

    - Chuyện gì nói mau xem nào, úp mở phát ghét! - tôi gắt với Tẹo.

    - Thằng Lâm "bạo chúa" ấy- Tẹo tiếp tục kể- đợt này bị trời đày, hai tay nổi đầy mụn cóc, lại còn lở loét ghê ơi là ghê. Bố nó đang cho nó lên tận Hà Nội chữa đấy. Phen này á, hết dám tinh tướng lên mặt với anh em ta.

    Tũn nghe vậy thì vỗ đùi cái đét nói:

    - Cho nó chết, thằng đó là chúa chơi bẩn, chơi đá banh toàn đẩy ngã người đội bạn, chơi gì cũng toàn chèn ép người ta. Hôm nọ đi nhặt lộc ở chùa nó còn ăn chặn bánh kẹo của đứa khác nữa. Rõ là bị trời phạt.

    Tôi trầm ngâm không nói gì, bất giác tôi nhớ tới Trung, đã nhiều ngày nay nó không còn xuất hiện!

    * * *

    Buổi tối hôm ấy, bọn trẻ trong xóm rủ nhau đi thăm con Huê, thằng Hiếu và cái chính là để xem nhà thằng Hiếu làm lễ trừ tà. Nghe đâu hôm nay hai nhà Huê Hiếu sẽ làm lễ chung cho chúng nó ở nhà thằng Hiếu. Ba đứa chúng tôi đến nơi thì sân nhà thằng Hiếu đã chật kín người từ già trẻ lớn bé. Chật vật mãi để chen vào bên trong, tôi thấy con Huê, thằng Hiếu đang quỳ trên cái đệm ngồi ở trong một vòng tròn lớn vẽ bằng vôi xung quanh là những ngọn nến đang dần được thắp lên, trước mặt tụi nó là cái bàn làm lễ đựng đầy hoa quả, bánh trái, ở giữa cắm hương. Cụ Đình ở tận Thát Đoài đã được mời sang, bố mẹ hai đứa kia thì cũng bắt đầu quỳ xuống hai bên. Tôi nhìn chăm chăm vào con Huê với cả thằng Hiếu, thấy chúng nó mặt mày tái nhợt, hốc hác, người gầy sọp đi, ánh mắt lờ đờ. Khiếp thật, chúng nó bị cái gì vật mà trông lại kinh thế! Tôi tự hỏi như vậy rồi đưa mắt vô thức nhìn quanh một lượt, chợt tôi nhận ra thằng Trung đang đứng bên kia từ lúc nào, đối diện với tôi, nó vẫn mặc bộ quần áo cũ rích hôm nào, tay cầm cây kẹo mút, mút lấy mút để. Thấy tôi, nó nhoẻn miệng cười, tôi huých vai thằng Tẹo hất hàm:

    - Ê mày, thằng Trung kìa!

    Thằng Tẹo nhìn theo hướng tôi chỉ, đúng lúc ấy, một tiếng "phụt" vang lên, cùng đó là làn khói xanh bốc cao rồi ngọn lửa đỏ bùng lên nơi chậu đốt mã mọi người ồ lên, ai nấy né ra sau.. thầy Đình đã bắt đầu làm lễ. Một tay thầy cầm bó hương khói tỏa nghi ngút hua hua trước mặt hai đứa kia, vẻ mặt vô cùng quỷ dị, tay kia thầy cầm cái chuông bạc đưa lên cao rung lắc thật nhiệt tình, miệng lầm rầm đọc những câu thần chú bọn tôi nghe mà chẳng hiểu mô tê gì. Thầy đi vòng quanh hai đứa trẻ, hai tay múa may như người ta múa lân múa rồng, tôi nhìn sang phía đối diện, thằng Trung vẫn đứng đó.. nở nụ cười bí hiểm.

    Nhìn nó cười tôi bỗng thấy gai gai. Thằng này thật là quái quỷ, chẳng giống những đứa trẻ bình thường, mười lần tôi gặp nó thì chín lần tôi thấy nó mặc bộ quần áo đó, nhất là không bao giờ thấy nó đi dép. Bọn tôi cũng hay đi chân đất nhưng ít ra vào buổi tối nô nghịch sợ dẵm vào gai chả đứa nào dám để chân trần mà chạy, mặt mũi thằng nhóc thì lúc nào cũng lấm lem, đầu tóc thì bù xù. Mà hai lần nói chuyện với nó, nó cũng chỉ nhắc đến ông nó còn bố mẹ nó đâu? Chả nhẽ đã chết cả rồi?

    Mắt tôi bắt đầu cay xè vì khói hương và khói đốt mã. Nào là ông ngựa, nào là áo mũ, dép guốc, tiền vàng.. đều lần lượt được bố mẹ con Huê, thằng Hiếu bỏ vào chậu đốt. Còn thầy Đình thì cầm một cốc nước gì đó đưa lên miệng uống rồi phun phì phì vào mặt hai đứa kia, tôi nhìn mà muốn buồn nôn. Có lẽ đó là nước phép. Nhưng thầy vừa định phun ngụm thứ hai thì thằng Hiếu bỗng như hóa điên, nó đứng phắt dậy la hét chói tai rồi chạy tới lật đổ bàn tế lễ. Khung cảnh bỗng chốc trở nên hỗn loạn, mọi người quá bất ngờ về sự việc xảy ra không ai bảo ai đều đứng dạt cả về phía sau. Vợ chồng cô Chi thì vội vàng tới ôm chặt con, nhưng thằng Hiếu ốm o gầy mòn tự nhiên lấy đâu ra sức lực phi thường gạt phắt cô Chi ngã chỏng trơ, nó thoát khỏi vòng tay bố nó tiếp tục phá phách. Thầy Đình đã lấy lại được bình tĩnh, cầm túi gạo nếp ném thật lực vào người thằng Hiếu, bấy giờ nó mới ôm thân mình quằn quại. Không hiểu sao lúc ấy tôi lại thấy nó không phải thằng hiếu mà khuôn mặt đột nhiên hao hao thằng Trung đến lạ. Chậu máu chó ở đâu được mang tới tạt thẳng vào người nó khống chế nó ngay tắp lự. Thằng bé rùng mình, tôi thấy lẫn trong đám khói đang bốc lên ở chậu đốt mã vừa bị hất tung, một bóng dáng bé nhỏ bay ra từ người thằng Hiếu, tôi dụi mắt nhìn thật kĩ và há hốc mồm kinh ngạc! Cả thân thể tôi như bị đông cứng, chân tay lạnh toát, thằng Tẹo phải lay người tôi mấy lần tôi mới tỉnh, tôi lắp bắp: "Thằng Trung!"

    Tối hôm ấy về, tôi sốt li bì, mẹ phải thức cả đêm trườm mát cho tôi. Ngày hôm sau vì ốm nên tôi được mẹ đặc cách cho nghỉ học ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe. Nếu như là những lần khác tôi đã nhảy cẫng lên vì sung sướng, nhưng lần này nghe "chiếu chỉ" của mẹ tôi lại nằm im không nhúc nhích. Mẹ lại gần sờ trán tôi lo lắng hỏi:

    - Con có thấy đau ở đâu không? Trán thì đỡ nóng rồi đấy! Mẹ nấu cháo để ở dưới bếp, một lát dậy thì ăn nhé! Mẹ đi làm đây.

    Tôi vâng một cách yếu ớt. Chưa bao giờ thằng con trai tướng quỷ của mẹ tôi lại yếu đuối như vậy. Mẹ đi rồi, tôi vùng ngồi dậy! Tôi muốn tìm ra sự thật. Thằng Trung kia là ai? Là người hay ma? Tại sao nó lại nhập vào người thằng Hiếu? Liệu việc những đứa trẻ trong làng bị gặp nạn có phải do nó gây ra không? Tại sao nó lại làm thế? Hàng loạt câu hỏi hiện ra trong đầu tôi mà không có câu trả lời. Tôi ra ngoài đánh răng rửa mặt rồi đạp xe sang nhà thằng Trung thăm nó, chẳng biết nó ra sao rồi.

    Tới nơi, tôi cất tiếng gọi:

    - Cô Chi ơi, cô có nhà không? Cháu là Lộc, cháu sang thăm bạn Hiếu ạ.

    Bà nội thằng Hiếu từ trong nhà đi ra, miệng móm mém nhai trầu, bà nhìn thấy tôi thì hiền từ bảo:

    - Lộc con mẹ Hoa à? Vào đây cháu!

    Tôi bước vào bên trong nhà, bà nội dẫn tôi tới chỗ thằng Hiếu đang nằm, bà bảo cô Chi đang đi sắc thuốc bổ cho nó uống. Thằng Hiếu nằm bất động, mắt nhắm nghiền, môi khô và tái nhợt, nước da xanh bủng, chân tay gầy gò nổi cả gân cốt lên. Tôi nhìn nó mà thương bạn vô cùng. Tuy trước nay không chơi thân với nó, nhưng bạn bè trong xóm, tối tối đánh khăng đánh đáo chơi trận giả chả bao giờ thiếu nó. Tôi bỗng thấy mắt mình cay cay, chỉ dám nhìn nó một chút nữa rồi tôi cũng chào bà nội ra về. Nhưng tôi không về luôn nhà mà đi thẳng xuống xóm dưới tìm tới tận nhà ông Thành bán cá, lần này không ngu như lần trước nữa, trong đầu tôi đã nảy ra một mưu..
     
  5. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    chương 4

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Vào trong sân nhà ông Thành, tôi gọi ông giả vờ hỏi mua cá. Đúng như tôi đoán, hôm nay ông ấy không nhận ra tôi vì tôi mặc áo khác, đội một cái mũ phớt thật ngầu và lại chỉ đi một mình. Kể cả ông ta có nhận ra tôi đi chăng nữa thì đã sao, hôm nay tôi đến mua cá cơ mà, không lẽ ông này lại đuổi khách. Ông ấy hỏi tôi muốn mua cá gì? Cá vàng, mây chiều, hay là "hắc mu ni"? Tôi bảo ông:

    - Cháu mua mỗi loại một ít.

    Nói cho sang mồm chứ tôi vừa sực nhớ một việc quan trọng, tôi có mang tiền đâu cơ chứ. Cơ mà thôi kệ, lát nữa bảo ông ấy "cháu quên tiền" là xong. Tôi vờ bảo ông là muốn đi ngắm cá, ông làm gì thì cứ làm lát mua con nào sẽ nhờ ông vớt cho con ấy. Ông Thành hôm nay khác hẳn hôm trước, thấy tôi hứng thú với cá thì tận tình giới thiệu cho tôi từng loại cá một và dạy cách nuôi. Ban đầu cứ nghĩ là chỉ giả vờ thôi, ai dè tôi bị cuốn hút vào mấy con cá thật. Tới lúc sực nhớ ra chuyện cần làm tôi vờ xin ông cốc nước. Ông bảo tôi nước ở trong nhà, muốn uống bao nhiêu thì uống. Chỉ chờ có thế tôi chạy một mạch vào trong, ngẩng lên ban thờ tôi như chết lặng, ngoài ảnh của các cụ nhà ông Thành thì còn một di ảnh nữa không của ai khác mà chính là thằng Trung với đôi mắt to tròn, lông mày đậm rõ nét, sống mũi dọc dừa. Tôi thấy hơi xây xẩm mặt mày. Vậy là thằng Trung đã chết thật và kẻ mà chúng tôi chơi cùng mấy ngày qua chỉ là một hồn ma. Chuyện ma mãnh mà người lớn trong làng hay kể để hù dọa chúng tôi ra là có thật.

    Từ nhà ông Thành trở về, tôi lại nghe được tin thằng Hiếu lên cơn co giật đang gọi xe cấp cứu để đưa đi viện. Tôi đạp xe thục mạng qua nhà nó, nhìn mẹ nó vật vã khóc lóc mà nước mắt tôi bất giác chảy ra. Khổ thân thằng Hiếu, khổ thân mẹ nó. Một đứa trẻ như tôi, phải làm sao để giúp bạn bây giờ khi mà tôi biết kẻ nào đã gây ra chuyện. Theo tôi suy đoán, chắc chắn là thằng Thành ghi hận chuyện con Huê cướp lộc hôm ở chùa nên trả thù nó, còn thằng Hiếu thì có lẽ cũng đã làm gì đó động chạm tới nó khiến nó lên cơn thịnh nộ. Nhớ lại vẻ mặt ranh mãnh quỷ dị của nó hôm qua mà tôi lại nổi da gà. Hỏi tôi có sợ không ư? Đương nhiên là tôi sợ, hỏi tôi là tôi có căm tức không? Đương nhiên là tôi có! Các bạn tôi dù đã làm ra chuyện gì cũng vẫn chỉ là những đứa trẻ mà thôi, sao lại khiến chúng ra nông nỗi như vậy.

    Tôi vò đầu bứt tai không biết phải làm thế nào bây giờ. Chuyện này tới người lớn cũng phải bó tay thì một đứa trẻ như tôi có thể làm gì được chứ. Nghĩ đi nghĩ lại tôi quyết định tối nay sẽ gặp hồn ma thằng Trung để hỏi cho ra nhẽ. Mặc dù trong lòng sợ lắm, nhưng bên cạnh tôi còn hai thằng bạn chí cốt nữa cơ mà, chắc chắn chúng nó sẽ không bỏ mặc tôi đâu, hơn nữa cho tới giờ này thằng Trung cũng chưa làm gì tôi cả.

    Cũng may bây giờ chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn học hè, chỉ học buổi sáng thôi, còn buổi chiều thì nghỉ. Khoảng hơn 10h trưa, tôi đứng đợi bọn thằng Tẹo, Tũn đi học về. Nhìn thấy tụi nó từ xa tôi đã gọi giật giọng:

    - Ê hai thằng kia!

    Hai đứa nhìn thấy tôi thì mừng rỡ phanh xe cái "kít". Chúng nó hớn hở hỏi:

    - Ơ, mày khỏe rồi à? Bọn tao đang định mang nải chuối sang thắp hương mày.. à quên.. hỏi thăm mày.

    Thằng Tẹo chọc cho tôi cười, nhưng tôi không có tâm trạng nào mà hưởng ứng câu đùa của nó. Tôi nói với vẻ nghiêm trọng:

    - Có chuyện này cần nói với tụi mày đây!

    - Chuyện gì? Nói đi! - thằng Tũn thấy vẻ mặt tôi thì thu lại nét cười.

    Tôi ghé sát tụi nó thì thầm:

    - Chuyện thằng Trung! Ra gốc đa ngoài sân đình rồi nói.

    Khi ba đứa đã yên vị dưới bóng cây đa già cổ thụ, tôi bắt đầu câu chuyện:

    - Hôm nay chúng mày biết tao đã đi đâu không?

    Hai đứa kia nhìn tôi mắt hau háu kiểu như muốn nói: "Ông nội đi đâu làm sao tụi tui biết được".

    - Tao tới nhà thằng Trung! - tôi nói- tụi bay biết tao thấy gì không?

    Hai đứa lắc đầu quầy quậy.

    - Tao thấy di ảnh thằng Trung trên ban thờ!

    Hai đứa kia trợn mắt, tay bịt lấy miệng cho khỏi hét lên. Thằng Tẹo vội vàng hỏi:

    - Mày có chắc không?

    Tôi gật đầu:

    - Trăm phần trăm.

    Hai đứa kia lại nhìn nhau vẻ mặt không để đâu hết kinh ngạc. Một lát thằng Tẹo vẻ như không thể tin nổi những gì tôi nói, nó bảo:

    - Chả có nhẽ mấy tối hôm ấy bọn mình là chơi với ma à?

    Tôi lại gật đầu xác nhận:

    - Đúng là bọn mình đã chơi với ma đấy.. mày có nhớ hôm qua lúc bọn mình sang nhà cô Chi xem trừ tà không? Lúc cụ Đình đổ máu chó lên người thằng Hiếu chính mắt tao nhìn thấy vong hồn thằng Trung từ đó bay lên. Chính là nó nhập vào thằng Hiếu rồi phá phách.

    - Vậy.. vậy là nó đã hại thằng Hiếu, con Huê phải không? - thằng Tũn lắp bắp hỏi.

    - Không những thằng Hiếu, con huê mà cả thằng Minh, thằng Lâm không biết chừng cũng là do nó hại. – tôi nói.

    - Thế bây giờ phải làm thế nào? Nhỡ trẻ con trong xóm bị nó hại hết thì phải làm sao? - thằng Tũn lại lo lắng hỏi.

    - Cho nên bây giờ bọn mình phải gặp vong hồn thằng Trung hỏi cho ra nhẽ!

    - Gặp hồn ma á? Mày đừng có đùa chứ- Thằng Tũn sửng sốt nói.

    - Chẳng phải mày đã gặp nó từ hôm nọ đó sao, giờ còn bày đặt sợ nữa. - tôi cố trấn an Tũn.

    - Nhưng lúc ấy chưa biết nó là ma. Còn bây giờ biết rồi, gặp nó để mà nó bóp cổ à? - Tũn cãi lại.

    - Tẹo, mày nghĩ sao? – tôi quay sang Tẹo-hi vọng cuối cùng của tôi. Nhưng nó cũng lắc đầu im lặng.

    Tôi nhìn chúng nó hồi lâu, không có đứa nào lên tiếng. Tôi nói giọng trùng xuống:

    - Nếu không làm gì, trẻ con trong xóm sẽ lần lượt bị nó hại chết. Nếu chúng mày sợ.. thì để tao.

    Tôi nói rồi đứng lên, phủi quần quay lưng bước đi, bỏ mặc hai thằng bạn ở lại vẫn còn đang phân vân, lưỡng lự.

    Nhưng có vẻ mọi chuyện không đơn giản như tôi nghĩ, hai tối liền tôi ra đình đợi mà không thấy thằng Trung xuất hiện, tôi ra chùa, chỗ lần đầu tiên tôi gặp nó.. cũng không thấy, thằng Trung biến mất thật rồi! Giờ tôi phải làm sao? Tính mạng các bạn tôi đang tính bằng giây bằng phút.

    Không gặp được thằng Trung, tôi thơ thẩn như người mất hồn, cứ vò đầu bứt tai, ra ngẩn vào ngơ! Ông anh quý hóa của tôi lại được thể mà trêu chọc:

    - Hôm nay mày làm sao đấy Sắn? Bị em nào nó bắt mất hồn rồi à? Có cần anh gọi hồn về cho không? Đợi tí nhá! E hèm..

    Ông anh tôi nói là làm, ông ấy vớ ngay lấy cái cốc mà gõ leng keng, vừa đi vòng quanh tôi vừa bắt trước cụ Đình khua khoắng chân tay trông hệt một con loăng quăng:

    - A.. ba hồn bẩy vía thằng Lộc ở đâu thì về.. hú hồn.. hú hồn..

    Đầu tôi chợt lóe lên một sáng kiến, tôi vỗ đùi cái đét rồi ôm chầm lấy anh trai mà hét lớn:

    - Ơ – rê- ca! Đã tìm thấy, đã tìm thấy!

    Tôi vụt chạy đi, phóng xe ra khỏi nhà giữa trưa nắng. Ông anh thì lớn tiếng gọi với theo:

    - Đi đâu đấy, nhớ về sớm nấu cơm nghe chưa?

    Tôi lao đi như tên thẳng hướng Thát Đoài. Tới nhà cụ Đình, tôi dắt xe vào trong thật chậm, ngó nghiêng quan sát xem nhà cụ có nuôi chó không rồi cất tiếng gọi:

    - Cụ Đình ơi, cụ có nhà không cụ Đình?

    Một lát mới có tiếng mở cửa, cụ Đình bước ra, tay cầm cái quạt mo trứ danh, cụ nheo mắt hỏi:

    - Đứa nào đấy? Gọi gì cụ giữa trưa thế này?

    - Dạ, cháu là con mẹ Hoa ở thôn thượng, cháu có việc đến hỏi cụ ạ!

    Cụ Đình đã bước hẳn ra sân, nhìn tôi từ đầu tới chân. Cụ ngạc nhiên vì một thằng con nít vắt mũi chưa sạch, đứng chưa đến nách cụ mà dám tới nhà cụ quấy quả thế này. Tôi sợ bị cụ đuổi về nên vội vàng thưa ngay:

    - Dạ cháu tới vì việc thằng Hiếu ạ. Cháu biết kẻ nào đã làm nó bị như thế!

    Cụ Đình nghe câu này thì ánh mắt liền thay đổi. Cụ nhìn ngang dọc hai bên rồi vẫy tay ra hiệu cho tôi: "Vào đây".

    Khi đã vào trong nhà, cụ rót cho tôi cốc nước mát rồi hỏi ngay:

    - Cháu nói cháu biết kẻ nào làm hai thằng Hiếu hả? Là kẻ nào, kể đầu đuôi cụ nghe!

    Tôi hớp một ngụm nước to, quệt mồ hôi trên trán rồi bắt đầu kể thật chậm, vì khá hồi hộp cho nên tôi kể có phần hơi lộn xộn, nhưng đại khái là từ chuyện tôi gặp thằng Trung ra sao, tới chuyện tôi cùng nó ở trong đống rơm hôm đó như thế nào, rồi chuyện con cá vàng biến thành giấy chỉ sau một đêm, cuối cùng là chính mắt tôi trông thấy hồn ma của nó bay lên khi cụ Đình đổ máu chó lên người thằng Hiếu, cả chuyện tôi sang nhà ông nó rồi thấy di ảnh nó trên ban thờ. Cụ Đình ngồi lắng nghe không sót câu nào, sắc mặt lúc tái xanh, lúc tím ngắt. Có vẻ cụ cũng đang lo lắng lắm. Cụ Đình suy nghĩ lung lắm, một hồi cụ nói:

    - Có vẻ phức tạp rồi đây! Cái vong này hẳn là có oán niệm với trần gian cho nên không siêu thoát, cứ luẩn quẩn mãi ở dương gian, tháng bảy này âm khí nặng nề, trẻ con càng dễ bị ma quỷ xâm hại. Thế cháu có còn gặp được nó không?

    - Dạ không, cháu không còn gặp được nó hai hôm nay kể từ hôm cụ làm lễ ở nhà cô Chi. Chính vì thế mà cháu sang đây nhờ cụ gọi hồn nó lên giúp cháu, để cháu nói chuyện khuyên nhủ nó tha cho bạn cháu.

    Cụ Đình vuốt chòm râu bạc, gật gù cái đầu búi tóc củ hành mà rằng:

    - Khá khen cho cháu còn nhỏ tuổi mà đã biết lo cho bạn. Biết nghĩ được như cháu là hiếm lắm đấy.

    - Vậy cụ giúp cháu nhé! - tôi nói giọng reo vui

    - Giúp thì ta sẽ giúp, nhưng mà..

    Cụ Đình ngập ngừng, tôi chột dạ nghĩ hay là cụ đòi tôi tiền lễ, tôi nín thở chờ đợi từng chữ phát ra từ miệng cụ, nhưng có vẻ tôi đã nghĩ quá nhiều rồi! Cụ Đình làm tôi yên tâm trở lại bằng câu nói:

    - Ta cần biết ngày sinh tháng đẻ của thằng nhóc đó, ngày tháng năm nó mất hoặc ít nhất phải có một đồ vật gì đó của nó lúc sinh thời.. có vậy mới gọi hồn nó lên được.

    Thấy tôi nhăn trán, cụ Đình lại hỏi:

    - Cháu có biết ngày sinh tháng đẻ, ngày mất, năm mất của nó không?

    Tôi lắc đầu. Cụ Đình thở dài:

    - Thế thì sao mà làm được.

    Sợ cụ thay đổi ý định không giúp nữa, tôi vội vàng nói:

    - Cháu sẽ đi tìm hiểu!

    - Cháu làm được không? - cụ nheo mắt nhìn tôi!

    - Được, cháu nhất định làm được- tôi quả quyết.

    - Vậy cháu về tìm thông tin ngay đi, ngay khi cháu có được tin tức, ta lập tức lập đàn chiêu hồn nó. Càng nhanh càng tốt, để lâu bọn trẻ càng khó sống.

    Tôi chào cụ ra về, tuy ban nãy quả quyết với cụ như vậy, nhưng thật ra chính bản thân tôi cũng chưa biết phải bắt đầu thế nào. Chả nhẽ lại tới nhà ông Thành sỗ sàng hỏi ngày sinh tháng đẻ rồi ngày mất năm mất của cháu ông? Có mà ông ấy lại chẳng cầm xẻng xúc tôi hất ra khỏi nhà. Đang mải nghĩ mưu hèn kế bẩn đối phó với ông Thành thì tôi đã tới cổng nhà mình từ lúc nào và ngạc nhiên chưa, hai thằng bạn chí cốt của tôi đã đang ở đó vẻ như đợi tôi lâu lắm rồi. Tôi mừng rỡ hỏi:

    - Chúng mày đi đâu đấy!

    - Đi tìm mày chứ còn đi đâu!

    - Tìm tao có việc gì không?

    - Có đấy- Tũn và Tẹo nhìn nhau cười

    - Đến tìm mày xem mày có cần giúp gì không?

    Tôi hơi sững lại một chút, gãi gãi đầu tôi nói:

    - Nếu là chuyện thằng Trung thì chúng mày không cần bận tâm đâu. Tao đã có cách rồi. Càng ít người tham gia càng tốt, tao cũng không muốn chúng mày gặp nguy hiểm.

    Không hiểu ai mớm cho mà tôi lúc ấy lại có thể nói được những câu người lớn như thế! Giờ nghĩ lại mà tôi cũng thấy phục mình quá xá. Thằng Tũn và Thằng Tẹo không làm tôi thất vọng khi bảo:

    - Mày vì mấy đứa trong xóm mà không ngại va chạm với thằng Trung, chả nhẽ chúng tao lại bỏ mặc mày một mình, thế thì còn gì là bạn bè nữa!

    Tôi cảm động quá ôm chầm lấy cả hai đứa nó, mắt tôi rơm rơm. Tôi chợt nhận ra, dạo này tôi yếu đuối quá rồi thì phải.
     
  6. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    chương 5

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ba đứa tôi ngồi sát lại gần nhau ngay ngoài cổng nhà. Lúc này đường làng ngõ xóm vắng tanh nên chẳng có ai nhòm ngó chúng tôi bàn chuyện đại sự cả. Tôi trình bày cho hai đứa kia nghe kế hoạch gọi hồn thằng Trung mà cụ Đình hứa sẽ giúp, chỉ có điều phải tìm ra ngày sinh tháng đẻ và ngày tháng năm mất của thằng Trung, ngoài ra nếu có thêm đồ vật của nó nữa thì càng tốt. Nghe xong thằng Tẹo nhếch mép cười:

    - Tưởng gì, chuyện nhỏ!

    Tôi nhìn nó nghi ngờ:

    - Mày có cách gì à?

    - Cách thì không thiếu.. bây giờ nghe tao phân công đây..

    Tôi và Tũn ngồi im nghe kế hoạch của Tẹo, miệng há hốc như chim đớp mồi. Thằng Tẹo không hổ danh là kẻ lắm mưu nhiều kế, lanh lợi nhất trong đám con nít chúng tôi. Theo kế hoạch của nó, tôi và Tũn lập tức ra nghĩa địa chung của hai thôn Thượng, Hạ để tìm mộ thằng Trung. Còn nó thì tới nhà ông Thành..

    Tôi và Tũn ra tới nghĩa địa, tìm kiếm một hồi, mồ hôi chảy lút mặt, nắng chiều vàng như mật rót xuống đầu chúng tôi. Hai đứa vừa đi vừa bẻ lá khoai dại đội lên đầu cho mát. Khoảng một giờ đồng hồ thì tôi nhận ra mộ thằng Trung nhỏ bé nằm chơ vơ, lọt thỏm giữa những ngôi mộ to hơn ở rìa đống. Tôi bảo Tũn:

    - Ê Tũn, mày đọc bia rồi ráng mà ghi nhớ thông tin nghe mày!

    Tũn gãi đầu gãi tai:

    - Ờ.. ờ.. hay là mày nhớ ngày sinh, còn tao nhớ ngày mất nhé.

    Tôi vỗ nhẹ vào đầu nó:

    - Thằng khỉ, chỉ nhớ giờ về ăn cơm là nhanh!

    Chúng tôi cố ghi nhớ mọi thông tin ghi trên bia mộ rồi nhanh chóng quay về nhà tôi đợi thằng Tẹo. Từ xa, chúng tôi đã thấy bóng dáng gầy gầy quen thuộc cùng cái mũ lưỡi chai màu bò của Tẹo dưới giàn hoa giấy trước cổng nhà tôi, Tẹo hành động còn mau lẹ hơn cả hai đứa tụi tôi. Tôi reo lên với Tũn:

    - Thằng Tẹo kìa, nó về trước cả mình!

    Thấy bọn tôi Tẹo cười rất tươi hất hàm hỏi:

    - Thế nào rồi?

    Tôi tự tin đáp:

    - Đã xong!

    - Tao cũng thế! – Tẹo vui vẻ nói.

    Lúc này tôi mới nhận ra Tẹo đã mặc một bộ quần áo khác, tôi nhìn Tẹo ngờ ngợ hỏi:

    - Ê, bộ quần áo này của mày không phải bộ hồi nãy mày mặc, đừng nói với tao là..

    Tẹo nhìn tôi hừ mũi:

    - Không phải! Tao phải về nhà thay bộ quần áo khác đấy. Thôi, lên đường đi, vừa đi tao vừa kể cho nghe!

    Tôi chạy vào nhà nói với anh Lợi là có việc đi sẽ về muộn sau đó chúng tôi đạp xe tới nhà cụ Đình, Tẹo kể: Nó tới nhà ông Thành vờ hỏi mua cá, lúc đi cùng ông Thành ra tới ao nó giả vờ ngã xuống ao ướt hết quần áo, ông Thành liền đem quần áo cũ của cháu ông ấy ra cho nó mặc. Xong xuôi nó mua đại vài con "hắc mu ni" rồi chuồn. Nó nói:

    - Tao phải phi như bay về nhà để thay bộ khác đấy, mặc đồ của cháu ông ấy hãi vãi đái ra.

    Tôi và thằng Tũn nghe nó nói cũng phải phì cười. Chúng tôi tới nhà cụ Đình lúc đã xế chiều. Cụ đã ở ngoài cổng đón chúng tôi từ bao giờ, chiếc quạt mo trên tay vẫn không ngừng phe phẩy. Thoáng thấy bóng chúng tôi từ xa, cụ đưa quạt lên vẫy vẫy:

    - Mấy đứa nhanh vào nhà đi!

    Chúng tôi lặng lẽ theo cụ vào nhà. Lần lượt từng đứa báo cáo như những tình báo viên báo cáo với sếp vậy:

    - Thằng Trung tên đầy đủ là Lê Thành Trung, sinh ngày 18 tháng 6 năm 2008 mất ngày.. - tôi còn chưa nói xong thì Tũn đã vội cướp lời!

    - Mất ngày 17 tháng 8 năm 2016 tức ngày 15 tháng 7 năm bính thân ạ!

    Lúc này Tẹo mới bước lên đưa cho cụ Đình bọc quần áo:

    - Đây là quần áo của thằng đó lúc còn sống thưa cụ!

    Cụ Đình vuốt vuốt chòm râu bạc khẽ gật đầu hài lòng. Đoạn cụ lấy giấy đỏ ra ghi lại tên tuổi năm sinh năm mất của Trung, sau đó nói với chúng tôi:

    - Việc gọi hồn với ta giờ không khó, có điều, các cháu là trẻ nhỏ, làm gì cũng nên hỏi bố mẹ. Hơn nữa việc này đối với người lớn thì không sao, với các cháu có phần hơi mạo hiểm. Ta nghĩ các cháu nên về nhà nói với bố mẹ, bảo bố mẹ đến đây ta nói chuyện. Nhất là các cháu liên hệ với bố mẹ thằng Hiếu, cái Huê..

    Tôi kéo hai thằng bạn ra một chỗ khẽ bàn bạc:

    - Nếu nói với bố mẹ, thể nào bọn mình cũng bị gạt ra khỏi vụ này cho xem. Mẹ tao là chúa hay lo, còn lâu mới cho tao tham gia vào cái vụ gọi hồn này. Mà nếu không nói chuyện được với thằng Trung, coi như công sức của tụi mình bỏ ra thành công cốc.

    Hai đứa bạn gật gù đồng ý với tôi, Tẹo nói:

    - Bố mẹ mà biết, đừng nói tới việc chất vấn thằng Trung mà ngay cả việc tới xem thôi.. cũng còn lâu mới cho.

    Tũn cũng nói:

    - Sau vụ Thằng Hiếu, con Huê, bố mẹ tao đã gắt lắm rồi, thiếu điều buổi tối muốn nhốt tao ở nhà thôi. Giờ mà biết chuyện chắc phải sợ mất mật.

    Chúng tôi quay lại nói với cụ Đình:

    - Cụ ơi, hay là chuyện này cụ cứ làm đi, đừng cho bố mẹ chúng cháu biết ạ!

    - Sao lại thế? - cụ Đình hỏi

    - Vì bố mẹ chúng cháu sẽ không cho chúng cháu tham gia đâu ạ. Mà mấy ngày trước thằng Trung lại chơi với cháu, nó sẽ chỉ nghe cháu thôi (tôi cố tình nói thế để tăng thêm phần quan trọng của bản thân lên).

    Cụ Đình ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:

    - Vậy ta tính như này, để ta bàn với bố mẹ thằng Hiếu cái Huê đã. Gọi hồn thằng Trung lên nói chuyện và khuyên nhủ nó. Nếu nó đồng ý tha cho bọn trẻ thì coi như xong.. còn nếu nó không đồng ý, lúc ấy sẽ nhờ tới tụi cháu giúp sức. Được chưa?

    Ba đứa tôi nhìn nhau tiu nghỉu. Thế là công sức coi như bị cụ Đình chiếm trọn. Nhưng không còn cách nào khác, chúng tôi đành phải đồng ý với điều kiện là ngày gọi hồn cụ sẽ cho chúng tôi ở góc khuất mà xem.

    Hôm sau là chủ nhật, buổi chiều hôm ấy, ba đứa tôi lại tới nhà cụ Đình. Chúng tôi nói dối là tới nhà nhau học nhóm để bố mẹ yên tâm. Cụ cho chúng tôi mỗi đứa một cái bùa trấn ma đã được cụ làm phép, bảo chúng tôi ngồi yên ở gian trái, còn cụ thì làm lễ cùng cô chú Chi, cô chú Quỳnh (bố mẹ Huê, Hiếu) ở gian giữa.
     
  7. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    chương 6

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Những cây đèn cầy lại được thắp lên trong không gian đầy ma quái. Mùi hương Trầm thơm ngát lan tỏa khắp nhà. Trên bàn tế lại được bày biện đủ các thức như bánh trái hoa quả, còn có cả một con gà luộc ngậm hoa hồng, xôi, giò, vàng mã đủ cả. Chúng tôi nhìn mà thèm chảy nước miếng. Cụ Đình tay cầm bó hương huơ huơ trong không khí, miệng lẩm nhẩm đọc chú gọi hồn, các cô chú đứng hai bên thì quỳ rạp mà khấn vái lia lịa. Nhưng hơn mười phút trôi qua mà chẳng thấy thằng Trung xuất hiện, cụ Đình ngưng đọc chú, lấy tay lau mồ hôi đang vã ra trên trán. Trước con mắt đầy nghi hoặc của bố mẹ Huê Hiếu, cụ Đình nóng mặt nói:

    - Ở đây không ai hợp vía nó nên nó không lên được.

    Rồi cụ nhìn vào trong buồng chỗ chúng tôi nấp mà gọi to:

    - Mấy đứa ra đây!

    Biết cụ gọi chúng tôi, cả ba đứa nhìn nhau rồi cùng bước ra. Cụ thu hồi vòng trấn ma rồi nói:

    - Các cháu cũng quỳ ở đây luôn đi! Ta làm lại!

    Chúng tôi hồi hộp làm theo lời cụ, quỳ xuống cạnh các cô chú, nín thở chờ đợi lần gọi hồn kế tiếp. Cụ Đình lại lầm rầm khấn vái và đọc chú. Chưa đầy hai phút sau, một cơn gió ùa vào lạnh toát, chúng tôi co rúm cả người lại, rèm cửa tung lên phần phật. Cụ Đình lấy quạt che cho nến khỏi tắt, một tay vẫn chắp trước ngực, và miệng vẫn đọc chú. Tôi cảm nhận rõ rệt thằng Tũn bên cạnh tôi rùng mình một cái khá mạnh, tay nó bỗng buông thõng. Linh tính mách bảo tôi có sự thay đổi nơi thằng bạn của mình, tôi lay lay Tũn gọi:

    - Tũn.. tũn ơi! Mày làm sao thế tũn ơi! Tỉnh lại đi mày! Chết rồi, thằng Tũn nó trúng gió rồi mọi người ơi!

    Tất cả quay sang nhìn thằng Tũn, nhưng lúc này Tũn đã ngẩng đầu lên, đôi mắt nó sáng quắc lạ thường, khóe miệng nó nhếch lên. Tôi nhìn cụ Đình, cụ Đình nhìn tôi với ánh mắt sắc lạnh rồi khẽ gật đầu. Tôi bừng hiểu ra, tránh xa khỏi thằng bạn. Tôi kéo Tẹo đi theo và thì thầm "thằng Trung đó, nó nhập vào thằng Tũn rồi". Tôi đến đứng cạnh cụ Đình tìm kiếm sự an toàn rồi nhìn chăm chăm về phía Tũn lúc này là Trung. Trung nhận ra tôi thì cười hiền lành nói:

    - Cậu gọi tớ lên à? Có việc gì không?

    Quá bất ngờ với câu hỏi của nó, tôi ấp úng mãi không thốt nên lời, cụ Đình phải nhắc:

    - Ai có điều gì muốn hỏi vong thì hỏi đi. Chỉ có 10 phút thôi.

    Lúc này bố mẹ Huê Hiếu mới chắp tay mà lạy rối rít. Cô Chi nói trong nức nở:

    - Lạy vong, xin vong tha cho Huê, Hiếu, chúng nó còn nhỏ chưa hiểu chuyện, có làm gì tổn hại đến vong mong vong tha thứ!

    Thằng Trung giường như vẫn không để ý đến lời nói của cô chi, nó chỉ nhìn tôi rồi lại hỏi:

    - Hôm nọ tớ bảo thằng Hiếu trả bánh kẹo cho cậu, cậu đã nhận được chưa?

    Tôi lúc này đã lấy lại được bình tĩnh bèn nói:

    - Sao mày lại hại thằng Hiếu, con Huê. Chúng nó có làm gì mày đâu?

    Thằng Trung nghe tôi nói thế thì sắc mặt liền thay đổi, nó có vẻ tức giận:

    - Ai bảo thằng Hiếu theo dõi rồi ăn cắp bánh kẹo của người khác. Trên đời này tao ghét nhất mấy thằng ăn cắp. Còn con Huê là đứa chanh chua, đanh đá, ích kỉ, chỉ biết đến bản thân mình, loại người đó cũng đáng chết lắm.

    - Vì mấy cái kẹo mà mày hại chết người ư? Mày đáng sợ quá đấy Trung ạ! – tôi bắt đầu gay gắt.

    - Lúc tao còn sống, cũng chỉ vì đói, ăn vụng mấy cái tóp mỡ mà bị mẹ đánh cho thừa sống thiếu chết. Thằng em tao, ăn cắp tiền của mẹ rồi đổ thừa cho tao, tao cũng bị đánh đến bò đi không được. Lúc ấy có ai thương tao không? Lúc sống, chỉ vì đói mà tao dành một cái bánh của thằng em, bị mẹ phát hiện, tao cũng bị bỏ đói mấy ngày, sao không có ai bênh vực tao?

    Tất cả những người có mặt ở đó bị lời nói của thằng Trung làm cho đầu óc rối bời, không nói được điều gì. Một lát, tôi mới nuốt nước bọt mà nói tiếp:

    - Thế còn thằng Lâm, thằng Minh, có phải do mày hại không? Chúng nó làm gì nên tội?

    - Thằng Lâm với thằng Minh cũng đều là người xấu- Trung nói- chúng nó không cho tao chơi cùng, còn tính bày mưu chơi xấu tao, trêu chọc tao, nói tao là đứa cù bất cù bơ! Chúng nó cũng đáng chết.

    Tôi rối quá không biết phải hỏi gì tiếp nên nhìn cụ Đình, cụ hất hất cằm ra hiệu, tôi vừa nhìn cụ vừa nói theo những gì mình suy nghĩ:

    - Thế tại sao hôm nhà cô Chi làm lễ cúng tạ tội với mày thì mày lại phá? - – cụ Đình gật gật đầu, tôi biết là mình đã làm đúng nên tiếp tục, giọng gấp gáp:

    - Phải làm thế nào mày mới tha cho bạn tao?

    Thằng Trung nói:

    - Bố mẹ thằng Hiếu làm lễ cúng tao mà không gọi tên tao, lại cúng toàn là ngựa, quần áo, giày dép, mũ nón của các quan thì làm sao mà tao dùng được. Hơn nữa chưa kịp lấy thì đã bị người ta dành giật hết. Bảo tao có nên phá hay không?

    Nghe nó nói tất cả mọi người hiểu ra. Tôi liền bảo:

    - Vậy mày tha cho bọn trẻ, mọi người sẽ cúng mày những thứ mày muốn!

    - Muộn rồi! Giờ tao không cần những thứ ấy nữa. Từ giờ tới rằm, các già còn cúng nhiều, tao tha hồ mà lấy đồ lễ.

    - Chứ mày muốn gì mới tha cho bạn tao? – tôi gần như không giữ được bình tĩnh nữa!

    - Tao chỉ cần chúng mày chơi với tao mà thôi!

    - Được, mày muốn chơi thế nào? Tao sẽ chơi với mày! – máu anh hùng trong tôi nổi lên, lúc này tất cả mọi người nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên lẫn biết ơn và nể phục. Thằng Trung nói:

    - Rằm này cũng là ngày giỗ của tao, mày tập hợp bọn trẻ trong xóm lại, 12h đêm ra ngoài nghĩa địa chơi chốn tìm- trò mà chúng mày vẫn hay chơi đó. Trong vòng một cây nhang, chỉ cần một đứa sống xót thì tất cả sẽ được tha, còn nếu không, hằng năm cứ vào tháng bảy, trẻ con trong xóm sẽ có đứa xuống âm phủ làm bạn với tao!

    - Được! Tao chơi với mày! – tôi trả lời mà không nhìn Tẹo đang há hốc mồm nhìn tôi còn thằng Trung thì nở nụ cười ma mị đầy thách thức. - nếu chúng tao thắng từ nay trở đi mày không được quấy phá làm càn, ngoan ngoãn đi đầu thai kiếp khác, không bao giờ được trở lại nơi này nữa!

    - Tao đồng ý với mày! – trung nói! - coi như đã lập giao kèo, kẻ nào nuốt lời lập tức gánh hậu quả!

    Đúng lúc này Tũn bỗng rùng mình một cái rồi đổ ập xuống, cụ Đình và mọi người lao tới đỡ nó. Mắt Tũn nhắm nghiền. Cụ Đình phải lấy nước phép vẩy vào mặt nó, cô Chi thì lấy lọ dầu xoa khắp mình mẩy cho nó ấm lại vì quả thật giờ đây người nó lạnh quá. Cụ Đình giải thích vì vong ma ở trong cơ thể nó lâu khiến âm khí nhất thời tăng mạnh, đợi một lát nữa âm khí tiêu tan Tũn sẽ trở lại bình thường.

    Trong khi chờ đợi Tũn tỉnh lại, mọi người bàn bạc về giao kèo của tôi với Trung ban nãy. Cụ Đình nói:

    - Giờ đâm lao thì phải theo lao thôi. Vong ma này oán khí với nhân gian nặng nề không dễ mà dụ dỗ nó đâu.

    - Vậy làm thế nào bây giờ hả cụ. Nó là ma, chúng cháu là người, chơi với nó đúng là không cân sức- Tẹo nói!

    - Đúng vậy, nhưng các cháu đừng quên còn có ta nữa! Ta sẽ yểm trợ cho các cháu, trong cuộc chơi này thắng thua vẫn là 50-50.

    - Chúng tôi có thể giúp gì cụ và các cháu được không? - bố thằng Hiếu lên tiếng.

    - Tôi nghĩ trong thời gian từ giờ tới lúc ấy, anh nên tìm cách đến nhà ông Thành nói chuyện, để ngày ấy, ông ấy làm cho một cái lễ dâng lên chùa cúng siêu độ cho cháu ông ấy. Nếu mà ông ấy đồng ý thì hôm đó ta sẽ giúp một tay.

    Rồi cụ nhìn sang chúng tôi nói:

    - Giờ các cháu cứ về, việc chuẩn bị thế nào ta sẽ lo, hôm ấy tất có an bài cho các cháu.

    Nghe cụ Đình căn dặn xong xuôi, chúng tôi ai về nhà nấy, mỗi người đều theo đuổi một suy nghĩ riêng!

    * * *

    Ngày hôm sau cái tin xóm tôi bị vong trẻ con quấy nhiễu đã bị đồn lên ầm ĩ, tôi tụ tập bọn trẻ con lại để nói về việc thằng Trung chính là một vong hồn đã chết trà trộn vào đám chúng tôi để chơi cùng hằng đêm, cũng chính nó là thủ phạm gây ra bệnh tật, tai nạn cho mấy đứa còn lại. Bọn trẻ nghe tôi nói mà vẻ mặt vô cùng lo lắng, tới khi tôi nói ra cái yêu cầu của Trung vào đêm rằm tháng 7 này, mặt đứa nào đứa nấy cắt không còn giọt máu, chúng nó nhao nhao:

    - Thì ra thằng Trung là hồn ma, thảo nào tao thấy người nó lúc nào cũng lạnh toát.

    Một đứa khác nói:

    - Thật quá lắm. Đã vậy mình đi tìm thầy pháp về đánh cho nó hồn siêu phách tán luôn đi!

    Tôi lắc đầu:

    - Cụ Đình còn phải kiêng dè thì con ma này không dễ chơi đâu.

    Lúc này một đứa trong bọn mới lên tiếng:

    - Thằng Trung này hình như tao biết. Nó là cháu nội ông Thành ở thôn Hạ, nhà nó ở cùng xóm với nhà ông ngoại của tao. Hồi nhỏ, lúc đến nhà ông ngoại, tao hay theo anh họ sang nhà ông Thành chơi, thấy một thằng nhỏ cứ đứng khép nép dưới chân ông ấy. Nghe người lớn nói bố mẹ nó bỏ nhau từ lúc nó mới lên 3, sau đó thì bố nó cưới vợ mới. Ở cùng bố nó một thời gian trên thành phố thì nó về quê ở với ông Thành, ở được đâu một năm thì nó ngã xuống ao mà chết.

    - Thế tại sao nó ở thôn hạ mà lại qua thôn Thượng của bọn mình nhỉ? – một đứa thắc mắc.

    - Chắc tại bên đó họ chỉ cúng cô hồn vào ngày 15 thôi, không như thôn mình cúng đều đặn từ hôm mùng 2 – đứa khác giải thích.

    Thì ra là vậy! Giờ thì tôi đã hiểu rồi! Bố mẹ thằng Trung bỏ nhau từ lúc nó còn nhỏ xíu, phải trải qua một tuổi thơ cay đắng, cơ cực bên người mẹ kế độc ác mà nó cứ ngỡ là mẹ ruột, về ở với ông nội chưa được bao lâu thì nó đã chết ngay tại nơi mà nó nghĩ là an toàn và bình yên nhất. Chả trách nó lại đâm ra hận dương gian đến thế! Trong phút chốc, tôi lại thấy thương thằng Trung quá! Trong khi chúng tôi được bố mẹ ông bà hết mực yêu thương, chăm sóc đủ đầy, thì ngoài kia còn biết bao mảnh đời cơ cực, bị ruồng rẫy ngay trong chính căn nhà của mình. Bị những người mang danh làm cha làm mẹ hằng ngày hắt hủi, bạo hành! Chúng lớn lên bằng những bữa cơm chan nước mắt, tắm đòn roi mà trưởng thành! Đáng thương thay!

    Tôi suy nghĩ miên man rồi chợt giật mình vì cái vỗ vai của thằng Tẹo, tôi nhận ra mình vừa rơi nước mắt, trái tim non nớt của tôi như vừa bị rạch một đường và đang rỉ máu. Tôi kìm nén cảm xúc, giõng dạc nói với bọn trẻ:

    - Trước mắt là phải chấp nhận lời thách đấu của thằng Trung, chỉ có như vậy mới cứu được thằng Hiếu, con Huê, thằng Minh, thằng Lâm. Và nếu thắng thì từ nay về sau sẽ không còn đứa nào gặp nguy hiểm nữa!

    Bọn trẻ im lặng, tôi tiếp:

    - 12h đêm hôm rằm tháng này sẽ là ngày đấu với thằng Trung. Hôm đó mọi người tụ tập tại đình làng rồi cùng ra nghĩa địa. Trận này nhất định phải đấu và phải thắng đó! Nếu không tất cả sẽ chết!

    Tôi nhấn mạnh 4 chữ "tất cả sẽ chết" để bọn nó hiểu về tầm nghiêm trọng của sự việc. Không đứa nào lên tiếng phản đối, một đứa nói:

    - Chuyện này cũng phải cho bố mẹ biết chứ!

    - Bọn mày khỏi lo- Tẹo ngồi vắt vẻo trên một cành đa nói xuống- bọn mình ở đây thì người lớn cũng đang họp ở nhà ông trưởng thôn rồi. Họ cùng cụ Đình đang bàn cách giúp chúng mình đêm hôm đó!
     
  8. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    chương 7

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Quả là như vậy, tại nhà ông trưởng thôn, không khí họp bàn đang cực kì căng thẳng, ai nấy đều tỏ ra lo lắng lẫn tức giận, cũng có không ít người hoài nghi về tính chân thật của câu chuyện. Họ cho rằng những chuyện xảy ra trong xóm chỉ là một sự trùng hợp và có người cố ý thêu dệt để nó trở thành một câu chuyện tâm linh. Khó trách bởi vì họ không chứng kiến thì sao mà bắt họ tin đây! Cô Chi đứng ra khẳng định:

    - Chuyện này là có thật! Chính tôi đã nhìn thấy vong thằng bé kia, nó thách thức đám trẻ trong xóm này! Xin mọi người hãy giúp con tôi, cũng là giúp đỡ chính con các vị, vì nếu đêm rằm mà bọn trẻ không ra nghĩa địa thì lời nguyền của thằng bé kia sẽ reo rắc cái chết lên tất thảy trẻ con trong xóm từ nay về sau!

    Không khí trong phòng im ắng lạ thường, không một con muỗi nào bay, một con thạch thùng nào tặc lưỡi. Một phút, hai phút rồi năm phút đồng hồ trôi cuối cùng một phụ huynh lên tiếng:

    - Thôi được, nếu đã vậy tôi đề nghị thế này đi!.. còn 3 ngày nữa là rằm, lúc ấy ngoài chùa cũng sẽ tổ chức lễ vu lan báo hiếu cùng lễ xá tội vong nhân, chúng ta cùng nhau ra đó làm lễ cầu nguyện đồng thời giám sát lũ trẻ để chúng không gặp nguy hiểm. Thời gian chơi là một cây nhang, cũng không lâu đâu! Chơi cũng chết mà không chơi cũng chết, vậy thì chi bằng để chúng chiến đấu một phen!

    Một người khác bèn nói:

    - Quá nguy hiểm, chẳng lẽ không còn cách nào khác hay sao? Tại sao không mời thầy cao tay về đánh cho nó hồn siêu phách tán đi!

    Cụ Đình lúc này mới hắng giọng:

    - Con ma này chết mấy năm nay mà hồn chưa siêu thoát, oán nghiệp nhân gian nặng nề, tích tụ lâu dần mà thành quỷ, những cách trừ ma diệt quỷ thông thường khó lòng mà thắng được. Trong dân gian xưa có lưu truyền một cổ thuật trừ tà bằng cách đem vàng tán thành bột trộn cùng máu của pháp sư đồng tử chân truyền rồi ném lên người của quỷ giống như một nghi thức tế lễ, con quỷ nhận lễ vật và máu sẽ đi hồi sinh chuyển kiếp.. nhưng ngày nay, pháp sư đồng tử chân truyền thì lấy đâu ra.

    Im lặng một lúc cụ lại tiếp:

    - Mà đánh nó cũng không phải cách hay, nhất là trong tháng 7 này, âm khí rất mạnh, ta dùng bạo lực để trị nó càng làm tăng oán khí của nó mà thôi. Nếu lỡ không thành công thì chẳng phải là hi vọng cứu con các vị tan thành mây khói sao. Mọi người đừng quên là trận pháp và cách thức yểm trợ cho lũ trẻ tôi cũng chuẩn bị hết rồi, trò chơi này nhất định phải thắng! Con các vị nhất định được an toàn, chỉ cần các vị hợp tác là được.

    Cuộc họp kết thúc, ai nấy trong lòng đều hoang mang lo lắng. Nhưng tất cả đã an bài! Mọi chuyện đành thuận theo ý trời.

    * * *

    Mẹ tôi trở về từ cuộc họp với vẻ mặt âu lo hiếm thấy ở bà. Mẹ gọi tôi ra, xoa đầu tôi mà âu yếm:

    - Cu sắn hôm nay muốn ăn gì để mẹ nấu nào! Chỉ mải đi chơi thôi, con xem người đen nhẻm cả đi rồi!

    Tuy mẹ không nói ra, nhưng tôi hiểu những điều đang chất chứa trong lòng bà. Bà sợ sẽ mất đi đứa con trai mà bà nhất mực yêu thương và quý hơn tính mạng mình. Cả tôi và anh lợi, một trong hai mà xảy ra chuyện gì đều trở thành cú sốc tinh thần lớn dành cho mẹ. Suốt cả bữa ăn mẹ cứ nhìn tôi mà sùi sụt, anh Lợi mắt cũng đỏ hoe. Bố thì đi công tác xa nhà, chỉ còn ba mẹ con nên mẹ càng áp lực. Anh Lợi thôi không còn trành chọe với tôi nữa, có gì ngon hay đẹp anh đều nhường cho tôi. Nhưng tôi chẳng quen với chuyện này, tôi lại thích được tranh dành với anh hơn. Việc cả mẹ và anh đều quan tâm tôi hơn hẳn mọi khi làm tôi thấy khó chịu, giống như kiểu tử tù được đối xử tốt trước khi lên đoạn đầu đài vậy!

    Chỉ còn hai hôm nữa là đến ngày thách đấu, cụ Đình tới hỏi han và dặn dò chúng tôi rất nhiều chuyện. Trong xóm trừ mấy đứa bệnh, thì có tất thảy 21 đứa trẻ trong độ tuổi từ 8 tới 11 tuổi. Một vài đứa hiện không có mặt tại địa phương, còn lại là 17 đứa sẽ tham gia trò chơi hôm đó.

    Trước đêm rằm, tôi nằm trằn chọc không sao ngủ nổi. Ánh trăng sáng vằng vặc chiếu qua cửa sổ như muốn nói với tôi: Đêm nay có thể là đêm ngắm trăng cuối cùng trong cuộc đời, hãy mau mau mà tận hưởng. Một làn gió nhẹ hiu hiu thổi, tôi bỗng thấy ông nội hiện về, râu tóc bạc phơ. Tôi ngồi bật dậy gọi to:

    - Ông nội, ông nội!

    Ông nội móm mém nhìn tôi hiền từ, ông vuốt vuốt chòm râu bạc, âu yếm đến bên xoa đầu tôi. Tôi nhìn ông òa khóc:

    - Ông ơi, cháu nhớ ông lắm!

    - Ông cũng rất nhớ cháu! Bởi cho nên hôm nay ông về thăm cháu đây!

    - Ông ơi ông chưa đi đầu thai sao? - tôi ngây ngô hỏi

    Ông vuốt tóc tôi cười hiền từ:

    - Cháu ông chưa trưởng thành, ông sao có thể yên tâm đi đầu thai được!

    - Ông ơi, nếu cháu chết cháu có được ở cùng ông không?

    - Cháu còn bé, làm sao mà chết được?

    - Nhưng cháu sợ lắm! Ngày mai cháu phải chơi trò chơi với một con ma đấy ông ạ, nếu thắng, cháu mới được sống tiếp.

    Ông lại nhìn tôi cười, khẽ phe phẩy quạt cho tôi:

    - Cháu ngốc của ông, cháu làm sao mà chết được. Con cháu của cụ Hồ Đen làm sao có thể chết dưới tay ma quỷ!

    - Cụ Hồ Đen là ai thế ạ? - tôi ngây ngốc hỏi. Ông nội liền giải thích:

    - Cụ Hồ Đen là cụ tổ của dòng họ chúng ta. Cụ làm pháp sư dưới triều Trần, bao phen giúp vua trấn yểm những nơi xung yếu. Thời đó giặc dã, cháu học lịch sử cũng biết triều Trần là triều đại phải chiến đấu với giặc ngoại xâm nhiều như thế nào rồi chứ? Khi ấy, người chết vô số, những pháp sư như cụ Hồ Đen luôn phải ra tay trừ ma giệt quỷ, đưa tiễn những vong linh xấu số về nơi cực lạc tránh oán nghiệp chồng chéo đời đời kiếp kiếp. Danh tiếng cụ lúc ấy vô cùng lẫy lừng. Ngày nay cháu vào nhà thờ tổ sẽ thấy một bức vẽ chân dung cụ cưỡi trên con ngựa tía vua ban, tay cầm kiếm bạc oai phong lẫm liệt.

    - A, cháu nhớ ra rồi, lúc vào nhà thờ tổ cháu đã thấy bức vẽ cụ Hồ, nhưng khi cháu hỏi, mọi người chỉ nói đó là cụ tổ của họ mình mà thôi.

    - Đấy, chính vì thế, trong huyết quản của cháu đang chảy dòng máu của vị pháp sư lẫy lừng ngày ấy, nên cháu sẽ được phù hộ. Cháu đừng lo nhé!

    - Vâng, cháu hiểu rồi ạ. Cháu sẽ chiến thắng hồn ma kia, sẽ bình an trở về!

    Ông nội gật đầu, vuốt vuốt tóc tôi. Ông bảo tôi nhắm mắt lại rồi ngâm thơ ru tôi ngủ. Ông ngâm:

    Ba ngôi nhà nhỏ khang trang

    Thấy người mang nước chớ toan uống vào

    Đến nơi gió thổi rì rào

    Xuôi theo chiều gió đừng mong đường về

    Tìm nơi nước chảy lê thê

    Mò lên đĩa bạc nhà trời đánh rơi

    Chớ lo nghĩ quá ai ơi

    Bình an âu cũng duyên trời ban cho.

    "Nhớ nhé.. nhớ lời ông dặn.. nhớ nghe sắn"

    Những câu nói cuối cùng của ông vang vọng trong óc tôi trước khi tôi thực sự chìm vào giấc ngủ. Sáng hôm sau, khi vừa mở mắt tôi đã thấy mẹ ngồi cạnh giường nắm tay tôi. Giường như mẹ đã thức trắng đêm qua. Tôi ngồi dậy lay lay mẹ:

    - Mẹ, mẹ, sao mẹ lại ngủ gật ở đây thế này?

    - À, ờ.. mẹ dậy sớm, định gọi con dậy nói chuyện, nhưng thấy con ngủ ngon quá nên lại thôi. Con dậy thì đánh răng rửa mặt, mẹ nấu bữa sáng cho.

    Tôi vâng dạ rồi chạy ra bể múc nước rửa mặt. Ngồi vào mâm cơm tôi nói với mẹ:

    - Đêm qua con nằm mơ thấy ông nội về. Ông bảo ông rất nhớ con mẹ ạ! Ông nói sẽ phù hộ cho con, nên mẹ đừng lo nhé!

    Mẹ tôi rơm rớm nước mắt gắp thức ăn cho tôi, ăn xong mẹ lấy trong túi áo ra một cái bùa bình an đeo vào cho tôi rồi dặn dò:

    - Đêm nay, con phải cẩn thận, nhất định phải trở về! Mẹ và mọi người luôn ở bên các con.

    Tôi gật đầu lia lịa, vòng tay ôm lấy mẹ thật chặt. Đúng 7h tối hôm ấy, khi màn đêm buông xuống xóm làng, hầu hết khắp các thôn xóm chùa chiền người ta đều tưng bừng tổ chức lễ vu lan, xá tội vong nhân.. đèn hoa đăng sáng rực sông, hồ. Mẹ cầm tay tôi đến nơi tập kết như đã hẹn. Cụ Đình phát cho chúng tôi mỗi đứa một chiếc vòng hạt cườm đã được làm phép, cụ nói:

    - Mỗi chiếc vòng có tất cả 17 hạt. Mỗi hạt tượng chưng cho một nhân mạng. Một người bị bắt, một hạt sẽ thôi phát sáng, hai người bị bắt là hai hạt thôi phát sáng. Các cháu phải nhớ chạy càng xa khu nghĩa địa càng tốt, và đừng co cụm một chỗ với nhau, tách nhau ra mà trốn. Ta ở đây sẽ lập đàn làm phép làm giảm năng lực con ma, các cháu sẽ dễ bề thoát hiểm hơn. Kéo dài thời gian hết một cây nhang là được.

    Trong lúc đó người lớn lo chuẩn bị chu đáo lễ vật cúng cô hồn, cốt để lôi kéo hết bọn quỷ đói đến đây, hòng dẹp đường cho chúng tôi từ trước.

    Đúng 12h, lũ trẻ chúng tôi có mặt tại nghĩa địa. Chúng tôi xếp thành một vòng tròn quanh ngôi mộ của thằng Trung. Tay tôi cầm đĩa gà nguyên con, phía trên thắp một cây nhang, chúng tôi vừa đi vòng quanh vừa đọc bài đồng dao quen thuộc:

    Tháng bảy mưa bay

    Trời hay giông bão

    Đêm nằm mơ hão

    Được lên trời cao

    Ai ngờ xuống ao

    Thành con ma đói

    Đi tìm thầy bói

    Nhờ giúp con tôi

    Thầy cho nắm xôi

    Tỉnh ngay tắp lự

    Bài đồng dao vừa dứt, tôi vất ụp đĩa xôi gà xuống đất hô "chạy". Tất cả lũ trẻ bắt đầu buông tay nhau và chạy toán loạn, dưới mặt đất bỗng đâu những thân xác quắt queo trơ xương trồi lên thi nhau vồ lấy đĩa xôi gà. Tôi vừa chạy vừa quay đầu nhìn lại và thất kinh trước khung cảnh ấy. Giữa một đống lộn xộn, tôi thấy bóng dáng nhỏ bé của thằng Trung đang bị bủa vây bởi quỷ đói, nó bị mắc kẹt nên chưa thể đuổi theo chúng tôi được. Tôi chạy bán sống bán chết ra khỏi nghĩa địa mà không biết là mình đã tới đâu. Đến khi trông thấy một người đang đốt mã bên cạnh một ngôi mộ thì tôi dừng lại. Có người dù sao cũng bớt sợ hơn. Tôi thở hổn hển vì vừa chạy một quãng đường dài và bỗng thấy cổ họng khô khốc, chắc là do khát nước. Tôi nhẹ nhàng tiến lại gần người kia và chào:

    - Cháu chào bác, bác đang thăm mộ người thân ạ?

    Người đó quay ra nhìn tôi, hơi ngạc nhiên rồi bảo:

    - Cháu là con cái nhà ai? Sao giờ này cháu lại ở đây? Không sợ ma bắt hay sao?

    - Dạ.. cháu..

    Tôi định nói tôi đang chơi trò chốn tìm nhưng lại thôi. Tôi ngập ngừng hỏi:

    - Bác cho cháu ở cùng bác một lúc được không?

    - Ừ, cháu lại đây!

    Tôi đến ngồi cạnh người đó, lấy hai tay ôm thân người vì tôi thấy hơi lạnh mặc dù gần đó đống mã vẫn còn đang đốt dở bốc cháy đùng đùng. Thấy tôi nhìn chằm chằm vào chai nước để trên mâm cúng, người kia bèn lấy và bảo tôi:

    - Khát hả? Uống đi!

    Tôi đưa tay run run cầm lấy chai nước, mở nắp và đưa lên môi, nhưng chợt tôi khựng lại vì chạm phải ánh mắt người kia- ánh mắt ấy lóe sáng một cách lạ lùng, tôi đưa mắt nhìn sang bên cạnh và giật mình nhận ra, ở đây không chỉ có một ngôi mộ mà có tới tận ba. Chúng nằm cách nhau một khoảng không xa. Trong óc tôi hiện về hai câu thơ của ông nội tôi đêm qua:

    Ba ngôi nhà nhỏ khang trang,

    Thấy người mang nước chớ toan uống vào.

    Tôi bỏ chai nước xuống, vặn nắp và trả lại. Người đó nhìn tôi chằm chằm hỏi:

    - Sao lại không uống?

    - Dạ.. cháu không khát.. thôi cháu xin phép cháu về đây ạ- tôi nói rồi lập tức đứng lên định rời đi. Nhưng một giọng nói lạnh buốt vang lên sau gáy tôi khiến tôi nổi da gà:

    - Không khát cũng phải uống!
     
  9. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    chương 8

    Bấm để xem
    Đóng lại
    tôi quay đầu nhìn lại thì kinh hoàng tột độ vì người kia bỗng nhiên hóa thành một con ma tóc dài, mặt mũi trắng toát, hốc mắt đen ngòm, lưỡi đỏ lòm đang giơ đôi bàn tay trơ toàn xương xẩu về phía tôi. Cả người run lên bần bật nhưng tôi vẫn cố gắng hết sức chạy thoát ra khỏi nơi đó.. chạy mãi chạy mãi cuối cùng tôi dừng lại ở một ruộng ngô, chui vào bên trong đó ẩn nấp. Tôi thở dốc cố gắng kìm nén để nước mắt không chảy ra. Tôi cầm lá bùa bình an đeo trên cổ nắm thật chặt, miệng nhẩm đọc nam mô quan thế âm bồ tát như lời mẹ tôi dặn. Tôi bỗng nhớ mẹ, nhớ bố, nhớ anh trai, nhớ cả ông bà nội.. họ nói sẽ ở bên tôi, giờ này chắc họ đang lo cho tôi lắm. Nghĩ vậy, tôi vội gạt nước mắt nhủ thầm: Mình sẽ sống, mình phải sống! Mẹ sẽ không mất con đâu! Đoạn tôi nhìn xuống cái vòng tay hạt cườm mà cụ Đình đã cho, một vài hạt đã tắt lịm không còn sáng nữa. Thế có nghĩa là đã có vài nhân mạng bị thằng Trung tóm được. Trên đầu tôi, lá ngô reo xào xạc như những lớp sóng trào, tôi bỗng thấy mi mắt nặng nề, có phải là tôi đang buồn ngủ không? Tôi tự hỏi mình như vậy, tôi lắc lắc đầu cho tỉnh táo rồi nhủ thầm, phải ra khỏi đây, nếu mình ngủ gật sẽ bị thằng Trung bắt mất. Nghĩ vậy nên tôi lần ra khỏi ruộng ngô thẳng hướng thôn Mỹ mà chạy. Tôi chạy rất nhanh vì xuôi chiều gió. Giữa đường tôi gặp thằng Tẹo, tôi mừng như bắt được vàng. Tôi ôm chầm lấy nó mà reo:

    - Ơn trời, vậy là mày chưa bị bắt.

    Thằng Tẹo nói:

    - Đi theo tao, qua cánh đồng này là tới chùa làng Mỹ rồi. Nấp ở đó thằng Trung không bắt được đâu.

    Tôi nhìn lại cái vòng tay, hạt cườm đã tắt quá nửa. Tôi lo lắng bảo:

    - Đừng vào chùa, nơi an toàn nhất chính là nơi nguy hiểm nhất đó. Mày không biết đêm hôm nay là đêm quỷ dữ được đi lại khắp mọi nơi trên nhân gian à? Cụ Đình đã dặn càng nơi đông người càng không được đến. Mày quên rồi sao?

    Thằng Tẹo lại nói:

    - Đừng lo, chạy tới chùa làng mỹ thì thằng Trung đuổi tới nơi nhang cũng cháy hết. Trò chơi kết thúc.. bọn mình sẽ sống.

    Tôi hơi lưỡng lự vì phân tích của Tẹo nên cứ đứng tần ngần, làm theo lời Tẹo có nghĩa là làm trái với lời dặn của cụ Đình. Một làn gió mạnh thốc tới khiến bụi bay mù mịt, trên cao vầng trăng vẫn tròn to vằng vặc chiếu sáng con đường loang lổ những bóng cây, Tẹo tiến lại kéo tay tôi thật mạnh và giục:

    - Đi thôi!

    Tôi luống cuống chạy theo bạn, tẹo chạy trước, tôi chạy sau, nhưng trong phút chốc tôi thay đổi quyết định, tôi chạy chậm dần bỏ xa thằng Tẹo. Thấy tôi không chạy theo nữa, tẹo quay lại giọng bực dọc:

    - Mày còn không nhanh lên, thằng Trung đuổi đến nơi rồi!

    Tôi bình tĩnh hỏi thằng Tẹo:

    - Vòng hạt cườm của mày đâu?

    Mặt Tẹo hơi tái, nhưng nó đáp ngay:

    - Ban nãy chạy vội nên tao đánh rơi rồi.. mà mày làm sao thế? Đừng nói là chỉ vì một cái vòng mà mày giận tao nhé. – Tẹo vừa nói vừa tiến lại gần tôi.

    - Ừ, chắc chắn là không phải vậy đâu.

    Tôi đáp rồi tung một nắm bột trừ ma vào thẳng người nó. Thằng Tẹo giẫy lên quằn quại, lột xác thành một con ma chỉ có đầu mà không có thân, theo sau nó là một đống ruột bầy nhầy, tôi lập tức quay đầu mà chạy, bước chân nặng nề và khó nhọc vì ngược gió. Tôi chạy một mạch ra đến bờ sông, chui vào trong đống cỏ lau mà ẩn thân và nghỉ mệt. Tôi thở hồng hộc vừa sợ vừa mỏi chân. Tôi nghĩ lại tình huống ban nãy, những lời ông nội dặn đã kịp thời thức tỉnh tôi đúng lúc, suýt nữa thì tôi mắc bẫy một con ma lai. Lúc ấy, sau khi chạy theo thằng Tẹo giả kia một đoạn, thì tôi nhớ đến câu thơ của ông nội:

    Đến nơi gió thổi xì xào

    Xuôi theo chiều gió đừng mong đường về

    Tìm nơi nước chảy lê thê

    Mò lên cái đĩa nhà trời đánh rơi

    Tôi dừng lại, nhìn chằm chằm vào thằng bạn ở phía trước, nó không giống bạn tôi chút nào, thằng Tẹo mà tôi biết không bao giờ tự ý hành động mạo hiểm và cẩu thả như vậy, trái lại nó làm gì cũng rất kín kẽ và thông minh. Những lời cụ Đình nói nó sẽ là đứa ghi nhớ và thực hiện đầu tiên. Nhớ có lần, cô giáo ở trường giao cho chúng tôi làm vệ sinh lớp học, dọn nhà vệ sinh và nhặt cỏ sân vườn. Là lớp trưởng nhưng tôi lại rất lười, không có cô giáo ở đó tôi chỉ đạo cho lũ bạn làm quấy quá cho xong chuyện, nhà vệ sinh cũng không thèm rửa, nhưng thằng Tẹo đã kiên quyết bắt tôi và bọn trong lớp hoàn thành công việc cho bằng được, nó nói:

    - Mày làm bẩn, cô giáo kiểm tra mà thấy là mày no đòn nghe con. Mày thân lớp trưởng, mày chết đầu tiên.

    Tôi cãi:

    - Mày cứ lo hão. Mày xem mấy đứa lớp kia nó cũng làm vớ vẩn cho xong rồi đi ăn kem, có đứa nào làm cẩn thận đâu.

    - Kệ chúng nó- Tẹo kiên quyết- cẩn tắc vô áy náy, cô dặn sao thì cứ làm vậy đi. Nếu không cẩn thận, lúc chết lại đổ tại số.

    Hôm đó lớp chúng tôi làm sạch sẽ nhất và được ban giám hiệu hoan nghênh trước toàn trường. Tôi vì thế mà nở mày nở mặt trước cô giáo chủ nhiệm. Cũng sau lần ấy lòng tôi khắc ghi sâu sắc "công lao" của Tẹo.

    Chính vì cái lẽ đó mà tôi nghi ngờ ngay cái thằng Tẹo giả, còn một chi tiết nữa giúp tôi khẳng định luôn đó không phải Tẹo vì thằng này.. không có bóng. Chỉ có ma mới không có bóng mà thôi, bà nội tôi lúc còn sống thường hay nói thế. Nhưng cái này tôi mới chỉ để ý lúc chất vấn con ma mà thôi.
     
  10. Hồi Ức second

    Bài viết:
    57
    chương 9: Kết

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Liệu đến đây tôi đã được bình yên chưa nhỉ? Ông nội dặn tôi tới nơi có nước chảy, vậy thì con sông này chính là nơi ông nói tới rồi. Nhưng cái câu "mò lên cái đĩa nhà trời đánh rơi" thì có ý nghĩa gì tôi vẫn còn chưa hiểu. Đang vắt óc suy nghĩ thì tôi nghe trong bụi lách gần đấy có tiếng động. Tôi hơi chột dạ, cố nép mình kĩ hơn vào đám khoai dại. Mắt vẫn không ngừng hướng về nơi đang sột soạt. Tôi chợt bật cười khi nghĩ rằng có một đôi chim cu nào đấy đang hẹn hò nhau ở đây làm chuyện kia. Nhưng hôm nay mà dám rủ nhau ra đây thì thật là gan to bằng trời. Hơn nữa, giờ đây, lúc này lại vô cùng nguy hiểm nữa. Tôi muốn cảnh báo cho họ, muốn họ quay trở về nhà nếu không lại xảy ra chuyện. Tôi dón rén đi tới thật khẽ khàng vạch đám lau lách cao quá đầu người ra, mặt tôi hơi đỏ lên sau đó quay đi vì thấy cảnh mà trẻ con cấm nhìn. Một người nam thanh niên áo quần sộc xệch, đang hì hụi cúi người mà hôn cô gái ở bên dưới, anh ta làm nhiệt tình tới nỗi không ngẩng lên giây phút nào. Tôi cầm hòn đất ném mạnh vào người anh ta, tôi tính rằng sẽ trêu đôi này để họ mất hứng mà bỏ về, còn mình sau đó sẽ tháo chạy như mọi lần..

    Sau cú ném trúng phóc của tôi, người thanh niên tạm dừng hoạt động. Anh ta ngưng lại vài giây rồi từ từ ngẩng đầu lên, dưới ánh trăng vằng vặc, tôi nhìn rõ một khuôn mặt trắng bệch với cái miệng nhoe nhoét máu. Tôi kinh hãi chợt hiểu kia không phải là đôi chim cu như tôi nghĩ, mà là một con quỷ đang ăn thịt sống. Tôi kinh hoàng bạt vía nhoài người ra khỏi vùng cỏ rậm rạm mà chạy bán sống bán chết, trong lúc hoảng loạn tôi mắc sai lầm đó là lỡ hét lên. Tôi chạy không được bao xa thì vấp ngã phải một mô đất, đầu tôi đập trúng hòn đá tảng khiến máu chảy ra ướt đẫm cả mặt, nhưng vì quá sợ hãi nên tôi chỉ lấy tay mà lau đi rồi lại cắm đầu chạy. Tôi nhìn xuống chiếc vòng, từng hạt cườm đang tắt lịm rất nhanh, dần dần chỉ còn lại một hạt sáng duy nhất, vậy là chỉ còn lại tôi chưa bị bắt mà thôi. Cụ Đình có dặn rằng, nếu hết giờ mà một trong số chúng tôi sống sót, những hạt cườm sẽ tự động sáng lại. Đó là dấu hiệu để tất cả trở về. Xung quanh tôi gió thốc lạnh buốt. Linh cảm thấy điều gì chẳng lành, tôi ngoái lại đằng sau và thấy rất nhiều đốm lửa ma chơi đang đuổi theo mình. Chúng bay rất nhanh, chẳng mấy chốc đã đuổi kịp tôi, tôi chạy ra cây cầu cũ bắc qua sông và hết đường để chạy vì cây cầu đã gẫy, thằng Trung đứng trước mặt tôi cười lớn:

    - Con cá cuối cùng đây rồi! Trò chơi sắp kết thúc! Đợi mà chung số phận với đám bạn ngu ngốc của mày đi! Mày còn điều gì chăng trối nữa hay không?

    Tôi quệt máu vẫn đang chảy trên mặt, mở to mắt nhìn thằng Trung, xung quanh nó những đám lửa ma chơi phập phù xanh đỏ bay lượn. Nó nói:

    - Nhìn đi! Bạn mày đấy! Mười sáu đứa tất cả, bây giờ, sẽ đến lượt mày!

    - Không đâu Trung ạ! Mày sẽ không bao giờ bắt được tao đâu!

    Tôi nhìn nó bằng ánh mắt sắc lạnh và cố gằn từng tiếng. Nói rồi tôi nhìn xuống dòng sông lấp lánh ánh vàng, vầng trăng lúc này như càng to lớn thêm in bóng xuống đáy nước như một chiếc mâm vàng. Những con sóng lăn tăn gợn đều trên mặt nước làm tôn thêm vẻ huyền hoặc, diễm lệ của dòng sông. Thằng Trung vừa kịp hiểu ra điều tôi sắp làm thì một tiếng "tùm" rất lớn vang lên, thằng Trung vươn cánh tay ma quỷ muốn tóm lấy tôi nhưng lạ chưa, nó chỉ vừa chạm vào tôi thì đã bị kéo ngã cùng xuống dòng nước, hai đứa tôi một người một quỷ trôi bồng bềnh về hai phía: "Vĩnh biệt mẹ, vĩnh biệt mọi người! Ông nội ơi, ông đến đón cháu đi".

    Thân thể tôi nhẹ chìm dần vào đáy nước, tôi thấy trước mặt, hồn phách thằng Trung đang bị vô vàn những tia sáng chiếu xuyên qua, rồi bị đâm thủng lỗ chỗ như một tờ giấy rách và dần dần tan biến vào những con sóng lấp lánh ánh vàng. Ý thức tôi dần mơ hồ rồi tắt lịm.

    * * *

    Tôi mở mắt và lắng nghe tiếng chim hót ríu rít chuyền cành, những áng mây trắng lượn bay bồng bềnh trước mặt, có phải tôi đã đến miền cực lạc rồi hay không?

    - Tỉnh dậy rồi hả nhóc?

    Một giọng nói trầm ấm cất lên! Rồi một khuôn mặt đen xạm hiện ra trước mặt tôi che khuất những đám mây trắng muốt bồng bềnh. Lẽ nào đây là ông thiên lôi trong truyền thuyết? Tôi mở tròn mắt nhìn thật kỹ và không nói câu gì. Ông kia thấy vậy thì vỗ vỗ vào má tôi mà bảo:

    - Ngồi dậy xem nào! Đừng nói là chú mày bị đơ rồi đấy!

    Tôi chớp chớp mắt nhúc nhắc cái đầu nhìn kỹ xung quanh mới phát hiện ra đây không phải là miền cực lạc nào hết mà chỉ là một căn chòi rách nát, rách đến nỗi mái che cũng bị thủng toang để lộ cả một khoảng trời! Tôi ngồi dậy ngơ ngác hỏi:

    - Em còn sống ạ?

    - Không, chú mày chết rồi đấy! - anh kia nói- đùa thôi! Chú mày sẽ chết thật nếu như hôm qua không có anh đây..

    Tôi thấy đau đau trên trán nên sờ lên, anh thanh niên bảo:

    - Đừng sờ vào, anh đắp thuốc và băng bó cho chú rồi.

    Anh thanh niên tên là Bắc kể lại, đêm hôm qua, anh ấy đi thả lưới đến đoạn sông có cây cầu gẫy thì thấy có bóng người, rồi lại nghe có tiếng "ùm" rất lớn, linh cảm là vừa có người nhảy sông nên cũng nhảy theo trục vớt. Vốn rất giỏi bơi lội cùng với đêm qua mặt sông rất sáng nên anh không khó để tìm được người.

    - Chú may mắn lắm đấy. Không có anh đây thì hôm nay là ngày giỗ của chú! Mà làm sao lại tiêu cực đến nỗi đi nhảy sông thế hả em. Bị bố mẹ đánh đập nên uất ức quá hả? Thôi đừng buồn, để anh dẫn về nói với bố mẹ cho!

    Anh ấy cứ liến thoắng làm tôi á khẩu, muốn giải thích cũng không được.

    - Sắn ơi.. ơi.. Lộc ơi..

    Có tiếng gọi từ xa vọng lại:

    - Là mẹ em đang đi tìm em đấy! – tôi nói, giọng không tránh được chút hồi hộp và vui mừng. Nhưng anh Bắc lại tưởng là tôi đang hốt hoảng nên trấn an:

    - Sợ gì, yên tâm, anh sẽ nói đỡ cho chú.

    Tôi lao ra khỏi chòi hô lớn:

    - Mẹ ơi.. con ở đây!

    Tôi cố nhảy lên thật cao và hua tay thật lực cho mẹ tôi và mọi người nhìn thấy. Chúng tôi lao ùa về phía nhau, mẹ tôi ôm tôi khóc như mưa gió. Vừa khóc mẹ vừa nói:

    - Tạ ơn giời phật, con tôi đây rồi! Tất cả các bạn trở về chỉ còn một mình con không thấy đâu làm mọi người lo lắng đi tìm cho tới bây giờ.

    Tôi quay lại anh Bắc giới thiệu cho mẹ và mọi người biết chính anh là người cứu tôi hôm qua. Mẹ cảm ơn anh rối rít và mời anh về nhà làm cơm thiết đãi, nhưng anh từ chối rồi tạm biệt chúng tôi chèo thuyền đi đánh cá.

    Trở về nhà tôi được mọi người kể lại rằng, trong lúc chúng tôi đi chốn mọi người đều tập trung trong chùa làm lễ, ông nội thằng Trung được cụ Đình thuyết phục cũng có mặt ở đó cầu siêu cho thằng Trung. Lúc cây nhang gần hết chỉ còn khoảng nửa đốt tay thì chiếc vòng suôn 17 hạt cườm trên tay cụ Đình vụt tắt hoàn toàn sau đó vài giây lại lập tức sáng trở lại. Mọi người reo hò ầm ĩ vì vui sướng, cụ Đình bấm đốt tay và biết rằng linh hồn thằng Trung đã không còn ở dương gian nữa rồi nhưng lý do là gì thì cụ không hiểu được. Cụ nói:

    - Thật là tài tình. Cứ như là thằng Trung đã đi đầu thai kiếp khác rồi vậy! Tài tình, quá tài tình! Chứ thể như theo lý thuyết thì chỉ có cách hiến tế máu đồng tử pháp sư cùng rắc bột vàng mà dẫn thì nó mới chịu siêu sinh. Không hiểu là chuyện gì đã xảy ra nữa!

    Mọi người đều xôn xao, mỗi người nói một câu bàn ra tán vào, người vui mừng kẻ thắc mắc. Nhưng dù sao mọi chuyện cũng kết thúc rồi! Và điều gì đã xảy ra chỉ có tôi mới hiểu được!

    Ngày hôm ấy, ông nội thằng Trung làm lễ đưa cháu nội ra chùa nương nhờ cửa phật, mong cho nó sớm được siêu thoát, buông bỏ oán nghiệp nơi trần gian. Ông kể lại câu chuyện của nó làm ai nấy nghe xong đều không cầm được nước mắt. Thằng Trung dẫu sao cũng chỉ là một đứa trẻ tội nghiệp mà thôi. Chúng tôi ra mộ của nó sửa sang lại cho đẹp đẽ gọn gàng, thắp cho nó nén hương và cầu mong những điều tốt đẹp sẽ đến với nó ở kiếp sau!

    HẾT
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...