Đề thi giữa kì 2 môn Ngữ văn 6 – Kết nối tri thức với cuộc sống - Có ma trận, đáp án

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 21 Tháng mười hai 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Bộ đề thi giữa kì II môn Ngữ văn 6Kết nối tri thức với cuộc sống

    Có ma trận, đáp án

    Xin được giới thiệu tới các thầy cô và các em học sinh tài liệu Bộ đề thi giữa kì II môn Ngữ văn 6 – Kết nối tri thức với cuộc sống bao gồm các đề thi, đề kiểm tra tham khảo.

    Mỗi đề có 3 phần: Ma trận đề/ Đề thi/ Đáp án, biểu điểm, hướng dẫn chấm.

    Các câu hỏi trong đề thi, đề kiểm tra bao quát kiến thức của cả ba phân môn: Văn học, Tiếng Việt, Làm văn.

    Các câu hỏi trong đề thi, đề kiểm tra bao gồm 4 cấp độ: Nhận biết, Thông hiểu, Vận dụng, Vận dụng cao.

    Cấu trúc đề gồm 2 phần: Đọc hiểu và Làm văn. Ngữ liệu phần Đọc hiểu dẫn từ Sách giáo khoa hoặc ngoài Sách giáo khoa.

    ĐỀ 1

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ THI GIỮA HỌC KỲ II

    MÔN NGỮ VĂN 6

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

    Đọc đoạn trích sau:

    Bạn có thể không thông minh bẩm sinh nhưng bạn luôn chuyên cần và vượt qua bản thân từng ngày một. Bạn có thể không hát hay nhưng bạn là người không bao giờ trễ hẹn. Bạn không là người giỏi thể thao nhưng bạn có nụ cười ấm áp. Bạn không có gương mặt xinh đẹp nhưng bạn rất giỏi thắt cà vạt cho ba và nấu ăn rất ngon. Chắc chắn, mỗi một người trong chúng ta đều được sinh ra với những giá trị có sẵn. Và chính bạn, hơn ai hết, trước ai hết, phải biết mình, phải nhận ra những giá trị đó.

    (Trích Nếu biết trăm năm là hữu hạn.. - Phạm Lữ Ân)​

    Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 1 (0.5 điểm). Văn bản trên thuộc loại văn bản nào trong các loại văn bản sau: Truyện kể, nghị luận, kí. (Chọn 01 đáp án đúng).

    Câu 2 (0.5 điểm). Kiểu câu được sử dụng trong 4 câu đầu có kết cấu giống nhau như thế nào?

    Câu 3 (1.0 điểm). Trong 4 câu đầu, người viết đã sử dụng biện pháp tu từ gì? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ này.

    Câu 4 (1.0 điểm). Trong 4 câu đầu, người viết nêu ra những gì bạn không có và những gì bạn có? Tác giả lập luận như vậy để đi đến sự kết luận nào?

    Câu 5 (1.0 điểm). Em hãy nhận xét điểm giống nhau về ý nghĩa nội dung của đoạn văn trên và văn bản "Xem người ta kìa" (Lạc Thanh).

    Câu 6 (1.0 điểm). Em đã "nhận ra" những giá trị gì của bản thân? Em hãy chia sẻ những điều đó bằng đoạn văn 5 – 7 câu.

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    Em hãy đóng vai nhân vật người em kể lại một phần mà em thấy thú vị nhất trong truyện cổ tích Cây khế .

    3. Đáp án, biểu điểm

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

    Câu 1 (0.5 điểm).

    Văn bản: Nghị luận

    Câu 2 (0.5 điểm).

    Kiểu câu trong 4 câu đầu giống nhau: Đều là câu ghép quan hệ đối lập có cặp quan hệ từ: có thể ... nhưng; (tuy) không ...nhưng

    Câu 3 (1.0 điểm). Mỗi ý đúng 0.5 điểm:

    - Biện pháp tu từ điệp ngữ: bạn, không, nhưng, có ...

    - Tác dụng:

    + Nhấn mạnh nội dung biểu đạt: con người có thể không giỏi lĩnh vực này nhưng lại giỏi ở lĩnh vực khác, điều đó tạo nên giá trị riêng của mỗi người.

    + Giúp lời văn tăng tính nhạc, thêm sinh động, hấp dẫn, thuyết phục hơn.

    Câu 4 (1.0 điểm). Mỗi ý đúng 0.5 điểm:

    - Những thứ bạn không có: không thông minh, không hát hay, không gỏi thể thao, không xinh đẹp. Những thứ bạn có: chuyên cần, không trễ hẹn, có nụ cười ấm áp, nấu ăn, thắt cà vạt giỏi, ...

    - Tác giả lập luận như vậy để đi đến kết luận trong câu tiếp theo: Chắc chắn, mỗi một người trong chúng ta đều được sinh ra với những giá trị có sẵn.

    Câu 5 (1.0 điểm). Nhận xét điểm giống nhau về ý nghĩa nội dung của đoạn văn trên và văn bản "Xem người ta kìa" (Lạc Thanh): Thế giới là muôn màu muôn vẻ, mỗi người có một sở thích, sở trường khác nhau. Điều đó tạo nên giá trị riêng của mỗi người, và tất cả đều đáng quý.

    Câu 6 (1.0 điểm).

    Yêu cầu nội dung: viết được những sở trường của bản thân (0.75 điểm)

    Yêu cầu hình thức: đoạn văn 5 – 7 câu không sai lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu ... (0.25 điểm)

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    Yêu cầu:

    - Được kể từ người kể chuyện ngôi thứ nhất. Người kể chuyện đóng vai nhân vật người em.

    - Khi kể có tưởng tượng, sáng tạo thêm nhưng không thoát ly truyện gốc; tránh làm thay đổi; biến dạng các yếu tố cơ bản của cốt truyện ở truyện gốc.

    - Cần có sự sắp xếp hợp lí các chi tiết và bảo đảm có sự kết nối giữa các chi tiết, sự việc. Nên nhấn mạnh, khai thác nhiều hơn các chi tiết tưởng tượng, hư cấu, kì ảo.

    - Có thể bổ sung các yếu tổ miêu tả, biểu cảm để tả người, tả vật hay thể hiện cảm xúc của nhân vật.

    Mở bài
    (0.5 điểm).

    Nhân vật tự giới thiệu về mình và phần câu chuyện được kể.

    Thân bài (3.0 điểm).

    Trình bày diễn biến của (phần) câu chuyện bằng cách bám sát truyện gốc.

    Kết bài (0.5 điểm).

    Nêu kết thúc (phần) truyện và suy nghĩ của bản thân mình.

    Tiêu chí bổ sung (1.0 điểm).

    - HS biết dùng ngôi thứ nhất để kể lại một truyện cổ tích đã biết. HS biết chọn nhân vật kể chuyện, điểm nhìn thích hợp; sử dụng lời kể phù hợp; biết cách kể lại truyện đảm bảo nội dung của truyện gốc. (0.25 điểm)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong lựa chọn chi tiết, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Kể, tả, biểu cảm trong bài viết. (0.5 điểm)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25 điểm)

    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 17 Tháng một 2022
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 2

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ THI GIỮA HỌC KỲ II

    MÔN NGỮ VĂN 6

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

    Đọc đoạn trích sau:

    Trọng Thủy nhận dấu lông ngỗng mà đuổi. Vua chạy tới bờ biển, đường cùng không có thuyền qua bèn kêu rằng: "Trời hại ta, sứ Thanh Giang ở đâu mau mau lại cứu." Rùa Vàng hiện lên mặt nước, thét lớn: "Kẻ nào ngồi sau ngựa chính là giặc đó!" Vua bèn tuốt kiếm chém Mị Châu, Mị Châu khấn rằng:

    "Thiếp là phận gái, nếu có lòng phản nghịch mưu hại cha, chết đi sẽ biến thành cát bụi. Nếu một lòng trung hiếu mà bị người lừa dối thì chết đi sẽ biến thành châu ngọc để rửa sạch mối nhục thù."

    Mị Châu chết ở bờ biển, máu chảy xuống nước, trai sò ăn phải đều biến thành hạt châu. Vua cầm sừng tê bảy tấc, Rùa vàng rẽ nước dẫn vua đi xuống biển.

    (Trích Truyện An Dương Vương, Mị Châu và Trọng Thuỷ, truyền thuyết)​

    Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 1 (1.0 điểm). Theo em, nhân vật có liên quan đến lịch sử được nhắc đến trong đoạn trên là nhân vật nào? Nhân vật đó được kể trong hoàn cảnh đặc biệt gì?

    Câu 2 (1.0 điểm). Em hãy tìm những chi tiết kì ảo trong đoạn trên, nêu tác dụng của những chi tiết kì ảo đó.

    Câu 3 (1.0 điểm). Mị Châu rắc lông ngỗng để Trọng Thủy (là chồng, là con trai của giặc) đuổi theo, vậy nên khi Rùa Vàng kết tội, vua An Dương Vương đã chém đầu con gái Mị Châu. Chi tiết này thể hiện nhà vua là người như thế nào?

    Câu 4 (1.0 điểm). Em hãy so sánh hình ảnh Thánh Gióng bay về trời trong truyện "Thánh Gióng" và hình ảnh vua An Dương Vương đi xuống biển trong truyện "An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thủy".

    Câu 5 (1.0 điểm). Xác định nghĩa của từ "đường cùng" trong đoạn trên. Em hãy tìm một từ (cụm từ) khác có nghĩa tương tự?

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    Em hãy đóng vai nhân vật Lý Thông kể lại một phần mà em thấy thú vị nhất trong truyện cổ tích Thạch Sanh .

    3. Đáp án, biểu điểm

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

    Câu 1 (1.0 điểm).

    - Nhân vật có liên quan đến lịch sử được nhắc đến trong đoạn trên là nhân vật vua An Dương Vương.

    - Nhân vật đó được kể trong hoàn cảnh đặc biệt: Giặc đuổi sát sau lưng, cùng đường phải cầu cứu Rùa Vàng. Rùa Vàng hiện lên kết tội Mị Châu là giặc, vua chém đầu Mị Châu rồi theo Rùa Vàng xuống biển.

    Câu 2 (1.0 điểm).

    - Những chi tiết kì ảo trong đoạn trên: Nhân vật Rùa Vàng, máu Mị Châu chảy xuống biển trai sò ăn phải hóa thành trai ngọc, An Dương Vương theo Rùa Vàng xuống biển.

    - Tác dụng của những chi tiết kì ảo đó:

    + Thể hiện thái độ của nhân dân đối với nhân vật Mị Châu (bao dung, tha thứ) ; và thái độ của nhân dân đối với vua An Dương Vương (đề cao sự bất tử của nhà vua).

    + Giúp câu chuyện thêm sinh động, hấp dẫn.

    Câu 3 (1.0 điểm).

    Chi tiết vua An Dương Vương đã chém đầu con gái Mị Châu thể hiện nhà vua là người công bằng, phân minh. Nhà vua đã đứng về phía công lí để trừng trị kẻ có tội với đất nước dù đó là con gái yêu quý nhất của mình.

    Câu 4 (1.0 điểm).

    So sánh cách kết thúc truyện "Thánh Gióng" và kết thúc truyện "An Dương Vương, Mị Châu, Trọng Thủy" :

    - Giống nhau: Cả hai nhân vật chính đều đi vào cõi bất tử của thần linh.

    - Khác nhau: Thánh Gióng bay về trời trong chiến thắng; Vua An Dương Vương đi xuống biển trong chiến bại. Vậy nên hình ảnh Thánh Gióng huy hoàng, rực rỡ hơn ...

    Câu 5 (1.0 điểm).

    - Nghĩa của từ "đường cùng" trong đoạn trên: "đường cùng" có nghĩa là không còn lối đi, lối thoát nào khác.

    - Từ (cụm từ) khác có nghĩa tương tự: hết đường, không còn đường thoát ...

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    Em hãy đóng vai nhân vật Lý Thông kể lại một phần mà em thấy thú vị nhất trong truyện cổ tích Thạch Sanh.

    Yêu cầu:

    - Được kể từ người kể chuyện ngôi thứ nhất. Người kể chuyện đóng vai nhân vật Lý Thông.

    - Khi kể có tưởng tượng, sáng tạo thêm nhưng không thoát ly truyện gốc; tránh làm thay đổi; biến dạng các yếu tố cơ bản của cốt truyện ở truyện gốc.

    - Cần có sự sắp xếp hợp lí các chi tiết và bảo đảm có sự kết nối giữa các chi tiết, sự việc. Nên nhấn mạnh, khai thác nhiều hơn các chi tiết tưởng tượng, hư cấu, kì ảo.

    - Có thể bổ sung các yếu tổ miêu tả, biểu cảm để tả người, tả vật hay thể hiện cảm xúc của nhân vật.

    Mở bài (0.5 điểm).

    Nhân vật tự giới thiệu về mình và phần câu chuyện được kể.

    Thân bài (3.0 điểm).

    Trình bày diễn biến của phần câu chuyện được kể bằng cách bám sát truyện gốc.

    Kết bài (0.5 điểm).

    Nêu kết thúc truyện và suy nghĩ của bản thân mình.

    Tiêu chí bổ sung (1.0 điểm).

    - HS biết dùng ngôi thứ nhất để kể lại một truyện cổ tích đã biết. HS biết chọn nhân vật kể chuyện, điểm nhìn thích hợp; sử dụng lời kể phù hợp; biết cách kể lại truyện đảm bảo nội dung của truyện gốc. (0.25 điểm)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong lựa chọn chi tiết, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Kể, tả, biểu cảm trong bài viết. (0.5 điểm)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25 điểm)

    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 5 Tháng một 2022
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 3

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ THI GIỮA HỌC KỲ II

    MÔN NGỮ VĂN 6

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

    Đọc văn bản sau:

    1. Ngày xưa, có hai mẹ con nhà nọ sống trong một túp lều nơi xóm vắng. Người chồng mất sớm, nên mẹ con làm lụng vất vả lắm mới đủ ăn. Hằng ngày, gà chưa gáy sáng, bà mẹ đã phải dậy làm việc cho đến mãi tận đêm khuya.

    Một hôm, gà gáy lâu lắm rồi mà vẫn chưa thấy mẹ dậy. Cô bé thức giấc vội đến bên mẹ, cô biết là mẹ đã ốm rồi! Làm thế nào bây giờ, giữa nơi hoang vắng và cảnh nghèo túng này? Cô chỉ còn biết đắp chiếc áo ấm độc nhất của mình cho mẹ, rồi ngồi đấy chăm sóc mẹ. Mẹ cô thỉnh thoảng hé đôi mắt khô héo lên nhìn con.

    Một buổi chiều, khi ánh nắng chiếu qua khe liếp, bà mẹ chợt tỉnh lại. Bà cất tiếng thều thào:

    – Con ơi! Con đi mời thầy thuốc về đây. Mẹ thấy trong người khó chịu lắm.

    2. Cô bé vội vã ra đi. Vừa đi cô vừa lo cho mẹ. Được một đoạn đường dài, cô gặp một cụ già tóc bạc phơ. Thấy cô bé đi một mình, cụ liền hỏi:

    – Cháu đi đâu mà vội thế?

    – Thưa cụ, cháu đi tìm thầy thuốc. Mẹ cháu ốm đã lâu, mà bệnh tình mỗi ngày một thêm nặng.

    Tự nhận là thầy thuốc, cụ bảo em dẫn về nhà để xem bệnh giúp. Về đến nhà, xem mạch cho người ốm xong, cụ quay lại hỏi cô bé:

    – Chỉ có hai mẹ con cháu ở đây thôi ư?

    – Thưa, vâng ạ!

    – Từ hôm mẹ ốm, cháu chăm sóc mẹ như thế nào?

    – Thưa cụ, cháu chỉ biết quanh quẩn bên giường làm vui lòng mẹ cháu.

    – Mẹ cháu bị bệnh nặng lắm. Ta sẽ cố chữa cho mẹ cháu khỏi. Bây giờ cháu cần đi đến gốc đa đầu rừng, hái cho ta một bông hoa trắng thật đẹp, mang về đây để ta làm thuốc.

    3. Bên ngoài trời rất lạnh. Cô bé chỉ có mỗi một chiếc áo mỏng trên mình. Cô lẳng lặng bước đều trong gió rét. Vừa đi cô vừa lo cho mẹ. Cô đi mỏi chân mới đến gốc đa đầu rừng. Quả nhiên cô thấy trên bụi cây trước mặt có một bông hoa trắng rất đẹp. Cô ngắt bông hoa, tay nâng niu với tất cả tấm lòng tha thiết, cầu mong cho mẹ tai qua nạn khỏi. Bỗng cô nghe như văng vẳng bên tai tiếng cụ già tóc bạc ban nãy lại khuyên nhủ cô:

    – Cháu hãy yên tâm, mỗi cánh hoa trên bông hoa sẽ là một ngày mẹ cháu được sống thêm.

    Cô bé cúi xuống nhìn hoa, cô đếm: "Một, hai, ba, bốn, rồi hai mươi. Trời ơi! Còn có hai mươi ngày nữa thôi ư?."

    Suy nghĩ một lát, cô rón rén chạy ra phía sau cây đa. Cô nhẹ tay xé mỗi cánh hoa ra thành nhiều sợi. Bông hoa trở nên kì lạ. Mỗi sợi nhỏ biến thành từng cánh nhỏ dài và mượt, trắng bong như tấm lòng ngây thơ trong trắng của cô. Những cánh hoa mọc thêm ra nhiều không sao đếm được! Cô bé nâng niu trên tay bông hoa lạ đó. Trời ơi! Sung sướng quá! Cô vùng chạy về. Đến nhà, cụ già tóc bạc bước ra cửa tươi cười đón cô và nói:

    – Mẹ cháu đã khỏi bệnh! Đây chính là phần thưởng cho tấm lòng hiếu thảo của cháu đấy!

    Từ đó hàng năm, về mua thu, thường nở những bông hoa có nhiều cánh nhỏ dài mượt, trông rất đẹp. Đó chính là bông hoa cúc trắng.

    (Phỏng theo Truyện cổ tích Nhật Bản)


    Trả lời câu hỏi:

    Câu 1 (1.0điểm). Văn bản trên lí giải sự ra đời của một loài hoa. Dựa vào nội dung được kể, em hãy thử đặt nhan đề cho câu chuyện trên.

    Câu 2 (1.0 điểm). Em hãy chỉ ra 3 dấu hiệu để nhận biết đây là một truyện cổ tích?

    Câu 3 (1.0 điểm). Những chi tiết nào trong truyện thể hiện tấm lòng hiếu thảo của cô bé đối với mẹ? Phần thưởng cho tấm lòng hiếu thảo ấy là gì?

    Câu 4 (1.0 điểm). Sự vất vả, tần tảo của người mẹ trong câu văn: "Hằng ngày, gà chưa gáy sáng, bà mẹ đã phải dậy làm việc cho đến mãi tận đêm khuya." khiến em liên tưởng đến câu thành ngữ nào? em hãy viết câu thành ngữ ấy.

    Câu 5 (1.0 điểm). Viết đoạn văn khoảng 5 – 7 câu về bài học rút ra từ câu chuyện trên.

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    Viết bài văn thuật lại một lễ hội mà em được tham dự.

    3. Đáp án, biểu điểm

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

    Câu 1 (1.0điểm). Nhan đề: Sự tích bông cúc trắng (Sự tích hoa cúc trắng/ Câu chuyện bông cúc trắng/ Chuyện kể bông cúc trắng...)

    Câu 2 (1.0 điểm). 3 dấu hiệu để nhận biết đây là một truyện cổ tích :(1 dấu hiệu: 0.25đ; 2 dấu hiệu: 0.75đ)

    - Dấu hiệu thời gian: ngày xưa (thường mở đầu các truyện cổ tích)

    - Dấu hiệu về yếu tố kì ảo: nhân vật kì ảo - cụ già; sự vật kì ảo – bông cúc; sự việc kì ảo – người mẹ khỏi bệnh...

    - Dấu hiệu về kết thúc có hậu: người mẹ không cần dùng thuốc mà khỏi, nhờ tấm lòng hiếu thảo của con.

    (Hoặc dấu hiệu về mô típ nhân vật: nghèo khổ nhưng hiếu thảo, tốt bụng. Dấu hiệu về hành trình vất vả đi tìm vật báu...)

    Câu 3 (1.0 điểm).

    - Những chi tiết trong truyện thể hiện tấm lòng hiếu thảo của cô bé đối với mẹ (0.75đ)

    + đắp chiếc áo ấm độc nhất của mình cho mẹ,

    + chăm sóc mẹ,

    + quanh quẩn bên giường làm vui lòng mẹ,

    + đi tìm thầy thuốc,

    + đi tìm bông hoa trắng trong giá rét,

    + xé cánh hoa thành nhiều mảnh để mẹ được sống lâu hơn.

    - Phần thưởng cho tấm lòng hiếu thảo ấy là mẹ cô bé đã khỏi bệnh. (0.25đ)

    Câu 4 (1.0 điểm). Thành ngữ: thức khuya dậy sớm (hoặc đầu tắt mặt tối, một nắng hai sương)

    Câu 5 (1.0 điểm). HS có thể viết đoạn văn theo ý: bài học đó là gì? biểu hiện? ý nghĩa...

    Ví dụ: Qua câu chuyện trên, em rút ra bài học cho mình là phải biết hiếu thảo với cha mẹ. Đó là trách nhiệm cần có, cũng là tình cảm tự nhiên của người làm con. Bởi cha mẹ là người vất vả sinh thành và nuôi dưỡng, yêu thương chúng ta vô điều kiện. Phận làm con phải biết nghe lời dạy dỗ, chỉ bảo của cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ,... Có như vậy, mẹ cha mới vui lòng...

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    Mở bài (0.5 điểm).

    Giới thiệu được lễ hội mà em tham dự, nêu được bối cảnh không gian và thời gian.

    Thân bài (3.0 điểm).

    - Sơ lược về sự tích liên quan đến lễ hội.

    - Thuật được diễn biến chính của lễ hội, sắp xếp các sự việc theo một trình tự hợp lí.

    - Tập trung vào một số sự việc, chi tiết tiêu biểu, hấp dẫn, thu hút được sự chú ý của người đọc.

    Kết bài (0.5 điểm).

    Nêu được cảm nghĩ, ý kiến của người viết về lễ hội đó: ý nghĩa của lễ hội, cảm xúc khi tham dự lễ hội...

    Tiêu chí bổ sung (1.0 điểm).

    - Xác định rõ người tường thuật tham gia hay chứng kiến sự kiện và sử dụng ngôi tường thuật phù hợp ((0.25 điểm).

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Kể, tả, biểu cảm trong bài viết. (0.5 điểm)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu... (0.25 điểm)

    Xem tiếp bên dưới...
     
    Chỉnh sửa cuối: 5 Tháng hai 2022
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 4

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ THI GIỮA HỌC KỲ II

    MÔN NGỮ VĂN 6

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

    Đọc đoạn thơ sau:

    Ngẫm trong cổ tích ngày xưa

    Ẩn điều đạo lý ai chưa tỏ tường?

    Rằng là những kẻ bất lương,

    Lừa người phản bạn tìm đường vinh thân.

    Giàu sang có được lúc gần,

    Về sau quả báo nhận phần tai ương.

    Những người trung thực hiền lương,

    Giúp người chẳng ngại đâu lường hiểm nguy

    Sang hèn chẳng thiết so bì,

    Tâm hồn thanh thản xá gì tử sinh.

    (Trích "Thạch Sanh, Lý Thông", Duong Thanh Bach)​

    Thực hiện yêu cầu:

    Câu 1
    (1.0 điểm). Đoạn thơ trên được làm theo thể thơ nào? Căn cứ xác định thể thơ đó là gì?

    Câu 2 (1.0 điểm). Nội dung của đoạn thơ trên là gì? Đoạn thơ khiến em nhớ đến truyện cổ tích nào đã học?

    Câu 3 (1.0 điểm). Đoạn thơ đề cập đến hai kiểu người đối lập nhau, tìm hai câu thơ nhắc đến hai kiểu người đó. Theo đạo lý dân gian, người độc ác sẽ phải nhận quả báo, người hiền lành thì được hưởng hạnh phúc. Đạo lý đó được thể hiện trong truyện "Thạch Sanh" mà em đã học như thế nào?

    Câu 4 (1.0 điểm). Cụm từ "những người trung thực hiền lương" thuộc cụm từ loại gì? Phân tích cấu trúc của cụm từ này.

    Câu 5 (1.0 điểm). Em hãy tìm 2 thành ngữ dân gian có liên quan đến đoạn thơ trên.

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    Em hãy đóng vai nhân vật chim thần kể lại một phần mà em thấy thú vị nhất trong truyện cổ tích Cây khế .

    3. Đáp án, biểu điểm

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

    Câu 1 (1.0 điểm). Mỗi ý đúng 0.5 điểm:

    - Thể thơ: Lục bát

    - Căn cứ: Câu trên 6 tiếng, câu dưới 8 tiếng.

    Câu 2 (1.0 điểm).

    - Nội dung: Đoạn thơ trên thể hiện suy ngẫm của tác giả về đạo lý dân tộc được gửi gắm trong truyện cổ tích: Ở hiền thì gặp lành, ở ác thì gặp ác.

    - Đoạn thơ khiến em nhớ đến truyện cổ tích: Thạch Sanh

    (Mỗi ý đúng 0.5 điểm).

    Câu 3 (1.0 điểm). Mỗi ý đúng 0.5 điểm:

    - Hai câu thơ:

    "Rằng là những kẻ bất lương"

    "Những người trung thực hiền lương"


    - Liên hệ truyện Thạch Sanh: Thạch Sanh thật thà, hiền lành, sẵn sàng cứu giúp người khác nên thần linh giúp đỡ, có được năng lực tuyệt vời và sau nhiều hoạn nạn cuối cùng đã được sống hạnh phúc bên công chúa, trở thành người có công diệt giặc, được nhân dân tôn kính. Lý Thông lừa bạn, hại bạn để cầu vinh hoa, cuối cùng phải chịu trừng phạt.

    Câu 4 (1.0 điểm). Mỗi ý đúng 0.5 điểm:

    - Cụm từ "Những người trung thực hiền lương" thuộc loại cụm danh từ.

    - Cấu trúc: "Người" - danh từ trung tâm ; "những" - thành phần phụ trước; "trung thực", "hiền lương" - thành phần phụ sau, bổ sung rõ nghĩa cho danh từ trung tâm.

    Câu 5 (1.0 điểm). Mỗi ý đúng 0.5 điểm:

    - Ở hiền gặp lành.

    - Ác giả ác báo (hoặc: Gieo nhân nào gặp quả nấy)

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    Mở bài (0.5 điểm).

    Giới thiệu nhân vật kể chuyện và câu chuyện được kể.

    Thân bài (3.0 điểm).

    Trình bày diễn biến của câu chuyện bằng cách bám sát truyện gốc.

    Kết bài (0.5 điểm).

    Nêu kết thúc truyện và suy nghĩ của bản thân mình.

    Tiêu chí bổ sung (1.0 điểm).

    - HS biết dùng ngôi thứ nhất để kể lại một truyện cổ tích đã biết. HS biết chọn nhân vật kể chuyện, điểm nhìn thích hợp; sử dụng lời kể phù hợp; biết cách kể lại truyện đảm bảo nội dung của truyện gốc. (0.25 điểm)

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong lựa chọn chi tiết, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Kể, tả, biểu cảm trong bài viết. (0.5 điểm)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25 điểm)

    Xem tiếp bên dưới...
     
  5. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 5

    1. Ma trận đề

    [​IMG]

    2. Đề thi

    ĐỀ THI GIỮA HỌC KỲ II

    MÔN NGỮ VĂN 6

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

    Đọc đoạn văn sau:

    Giặc đã đến chân núi Trâu Sơn. Thế rất nguy, ai nấy đều hoảng hốt. Vừa lúc đó thì sứ giả đem ngựa sắt, áo giáp sắt, roi sắt đến. Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái, bỗng biến thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ bước lại, vỗ vào mông ngựa. Ngựa hí vang lên mấy tiếng. Tráng sĩ mặc áo giáp vào, cầm roi, nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa, phi thẳng đến nơi có giặc đóng. Tráng sĩ xông vào trận đánh giết, giặc chết như rạ. Bỗng roi sắt gãy. Tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan vỡ. Đám tàn quân giẫm đạp nhau mà trốn thoát. Tráng sĩ đuổi đến núi Ninh Sóc. Nhưng đến đấy, không biết vì sao, Người một mình cưỡi ngựa lên đỉnh núi, cởi giáp sắt bỏ lại, rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay lên trời, biến mất.

    (Ngữ văn 6 - Tập 2, Kết nối tri thức với cuộc sống)

    Thực hiện các yêu cầu:

    Câu 1 (1.0 điểm). Đoạn trích trên được trích trong văn bản nào, văn bản đó thuộc thể loại gì? Em hãy xác định vị trí của đoạn trích trong tác phẩm.

    Câu 2 (1.0 điểm). Những từ "chú bé", "tráng sĩ", "Người" trong đoạn trích dành để nói về ai? Đây là những từ loại gì? Việc sử dụng những từ đó thể hiện sự chuyển biến của nhân vật như thế nào?

    Câu 3 (1.0 điểm). Chi tiết Chú bé vươn vai trở thành một tráng sĩ oai phong, lẫm liệt thể hiện suy nghĩ và ước mơ gì của nhân dân về người anh hùng cứu nước?

    Câu 4 (1.0 điểm). Chỉ ra ý nghĩa của chi tiết sau: Tráng sĩ đánh giặc xong, cởi giáp sắt bỏ lại và bay thẳng lên trời.

    Câu 5 (1.0 điểm). Nếu trong truyện trên, Thánh Gióng thắng trận bay về trời thì trong truyền thuyết "An Dương Vương và Mị Châu, trọng Thủy", vua An Dương Vương thua trận, phải bỏ chạy thoát thân. Nhà vua chạy đến bờ biển thì cùng đường, bèn cầu cứu Rùa Vàng. Rùa Vàng hiện lên rẽ nước đưa nhà vua xuống biển.

    Em hãy chỉ ra điểm giống và khác nhau trong ý nghĩa của hai chi tiết này.

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    Viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện (hoặc một sinh hoạt văn hóa)

    3. Đáp án, biểu điểm

    PHẦN I. ĐỌC HIỂU (5.0 điểm)

    Câu 1 (1.0 điểm).

    - Đoạn trích trên được trích trong truyền thuyết Thánh Gióng (0.5 điểm).

    - Vị trí của đoạn trích trong tác phẩm: Phần cuối, khi Thánh Gióng thắng giặc bay về trời (0.5 điểm).

    Câu 2 (1.0 điểm).

    - Những từ "chú bé", "tráng sĩ", "Người" trong đoạn trích dành để nói về Thánh Gióng. Đây là những đại từ (0.5 điểm).

    - Việc sử dụng những từ đó thể hiện sự chuyển biến của nhân vật: Từ một chú bé trở thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ đánh tan giặc, trở thành thần thánh bay về trời (Người trong văn bản là cách gọi tôn vinh thần thánh) (0.5 điểm).

    Câu 3 (1.0 điểm).

    - Chi tiết Chú bé vươn vai trở thành một tráng sĩ oai phong, lẫm liệt thể hiện suy nghĩ của nhân dân về người anh hùng: Người anh hùng là người phi thường, sự sinh ra, lớn lên cũng không giống người thường (0.5 điểm).

    - Chi tiết đó còn thể hiện ước mơ của nhân dân về người anh hùng: Người anh hùng của dân tộc là người có sức mạnh phi thường, sẵn sàng chống ngoại xâm (0.5 điểm).

    Câu 4 (1.0 điểm). Ý nghĩa của chi tiế: Tráng sĩ đánh giặc xong, cởi giáp sắt bỏ lại và bay thẳng lên trời.

    - Chi tiết trên thể hiện sự bất tử của Thánh Gióng (0.5 điểm).

    - Đồng thời thể hiện thái độ ngợi ca, tôn vinh của nhân dân đối với người anh hùng (0.5 điểm).

    Câu 5 (1.0 điểm).

    Điểm giống và khác nhau trong ý nghĩa của hai chi tiết:

    - Giống nhau: Cả hai chi tiết đều thể hiện sự bất tử của những người anh hùng và đều thể hiện thái độ tôn kính của nhân dân đối với nhân vật.

    - Khác nhau: Một người tháng trận bay lên trời, một người thất trận đi xuống biển. Cùng đi vào cõi bất tử nhưng hình ảnh về trời Thánh Gióng có phần oai phong, rực rỡ hơn. Một người ngước lên là nhìn thấy, một người phải cúi xuống mới thấy. Điều đó cũng góp phần thể hiện thái độ của nhân dân đối với chiến thắng của Thánh Gióng và việc để mất nước của vua An Dương Vương.

    PHẦN II. LÀM VĂN (5.0 điểm)

    Mở bài (0.5 điểm).

    Giới thiệu được sự kiện cần thuật lại, nêu được bối cảnh không gian và thời gian.

    Thân bài (3.0 điểm).

    - Thuật được diễn biến chính, sắp xếp các sự việc theo một trình tự hợp lí.

    - Tập trung vào một số sự việc, chi tiết tiêu biểu, hấp dẫn, thu hút được sự chú ý của người đọc.

    Kết bài (0.5 điểm).

    Nêu được cảm nghĩ, ý kiến của người viết về sự kiện.

    Tiêu chí bổ sung (1.0 điểm).

    - Xác định rõ người tường thuật tham gia hay chứng kiến sự kiện và sử dụng ngôi tường thuật phù hợp((0.25 điểm).

    - Diễn đạt mạch lạc, sáng tạo trong diễn đạt, dùng từ, đặt câu, biết sử dụng kết hợp các phương thức: Kể, tả, biểu cảm trong bài viết. (0.5 điểm)

    - Trình bày rõ ràng, đủ ba phần, không sai nhiều lỗi chính tả, cấu tạo câu.. (0.25 điểm)

    Xem tiếp bên dưới...
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...