[Sách] Bí Ẩn Của Nhân Loại – Minh Anh

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Nyanko, 27 Tháng mười một 2021.

  1. Nyanko

    Bài viết:
    380
    Bí Ẩn Của Nhân Loại

    [​IMG]
    Tên sách: Bí ẩn của nhân loại

    Tác giả: Minh Anh biên soạn

    Thể loại: Khoa học - Kỹ thuật, Văn hóa - Xã hội

    Thế giới chúng ta đang sống quả thực vô cùng rộng lớn và hàng ngày vẫn luôn xảy ra các sự kiện, hiện tượng mà khoa học chưa thể giải thích được. Ví dụ: hiện tượng thần giao cách cảm, hiện tượng trực giác, kỹ thuật ướp xác của người xưa, bí ẩn về những tảng đá biết đi, những dị vật trong cơ thể con người hay sự huyền bí trong các ngôi nhà ma, bí ẩn về sự tái sinh các cơ quan trong cơ thể ở động vật.

    Hiếu kỳ là bản lĩnh tự nhiên của con người, vì hiếu kỳ mà phải tìm tòi, từ tìm tòi đến khám phá, và nhờ khám phá mà phát hiện. Trăm ngàn năm nay, chính nhờ sự tìm tòi, khám phá không mệt mỏi của con người mà nhân loại thực hiện được bao mộng tưởng vĩ đại, thúc đẩy văn minh không ngừng tiến lên phía trước. Những điều kỳ diệu của thế giới chính nằm ở những thay đổi vô cùng tận và vô vàn những điều thân bí muôn màu sắc quanh mình. Biết bao điều thần bí chưa được giải đáp thu hút sự hiếu kỳ, kích thích lòng ham hiểu biết của con người.

    Cuốn sách: "Bí ẩn của nhân loại" tổng hợp rất nhiều sự kiện bí ẩn chưa lời giải đáp, những hiện tượng đa dạng phức tạp trên rất nhiều lĩnh vực như thăm dò Trái đất, bí mật thế giới tự nhiên, bí mật ngoài vũ trụ...được trình bày một cách khoa học và tri thức nhân văn liên quan được lồng ghép trong đó cũng giúp các bạn tìm hiểu, phân biệt sự thực và hư vô bằng con mắt khoa học, từ trong quá trình phát hiện không ngừng những vấn đề mới và từng bước phá giải những bí mật mà thu lượm tri thức của nhân loại.

    Mời các bạn đón đọc!


    Mục Lục

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Lời nhà xuất bản
    PHẦN 1: CON NGƯỜI – THẾ GIỚI KỲ BÍ NHẤT TRONG VŨ TRỤ
    1. NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ CƠ THỂ CON NGƯỜI
    2. BÍ MẬT CỦA HIỆN TƯỢNG SIÊU TRÍ NHỚ
    3. NGỦ LỊM HÀNG CHỤC NĂM – MỘT HIỆN TƯỢNG CHƯA ĐƯỢC GIẢI THÍCH
    4. HIỆN TƯỢNG "NGƯỜI LƠ LỬNG"
    5. NGƯỜI HOÁ SÁP MỠ VÀ CÁI CHẾT BÍ ẨN
    6. BÍ MẬT VỀ HIỆN TƯỢNG ẢO GIÁC
    7. CÁC HỌA SĨ TẠO ẢO GIÁC TRÊN TRANH NHƯ THẾ NÀO?
    8. BƯỚC VÀO THẾ GIỚI BA CHIỀU TRONG CÁC TÁC PHẨM THỜI KỲ PHỤC HƯNG
    9. ÂM NHẠC TRONG TÁC PHẨM HỘI HỌA THỜI KỲ PHỤC HƯNG
    10. CUỘC GẶP GỠ Ở CHIỀU KHÔNG GIAN THỨ TƯ
    11. CON NGƯỜI CÓ CON MẮT THỨ BA?
    12. SỰ THẬT VỀ HIỆN TƯỢNG NGƯỜI TỰ BỐC HOẢ
    13. HIỆN TƯỢNG CHẾT LÂM SÀNG: TRÁI TIM NGỪNG ĐẬP – CÒN SỐNG HAY ĐÃ CHẾT?
    14. THẦN GIAO CÁCH CẢM, THỰC VÀ HƯ
    15. SỨC HÚT CỦA NỖI SỢ
    16. VÌ SAO CHÚNG TA SỢ?
    17. BÍ MẬT CỦA "ẢNH GƯƠNG"
    18. TRỰC GIÁC ĐẾN TỪ ĐÂU?
    19. GIẢI MÃ NHỮNG BÍ MẬT CỦA THIỀN ĐỊNH
    20. GIẢI MÃ NHỮNG GIẤC MƠ
    21. THIÊN TÀI VÀ NHỮNG CĂN BỆNH BÍ ẨN
    22. HIỆN TƯỢNG "NGƯỜI SIÊU PHÀM"
    23. CÓ MỘT NHÀ BÁC HỌC TRONG MỖI CHÚNG TA
    24. TÌM HIỂU NÃO BỘ KẺ GIẾT NGƯỜI HÀNG LOẠT
    25. THẾ GIỚI BÍ ẨN CỦA NHỮNG NGƯỜI "NGHE" MÀU
    26. NHỮNG BÓNG MA "ĐỀU NẰM TRONG TÂM TƯỞNG"
    27. VÌ SAO THẦY BÓI LUÔN NÓI ĐÚNG?
    28. LỜI NGUYỀN – TRUYỀN THUYẾT HAY ĐIỀU CÓ THẬT ĐÃ ĐƯỢC MÃ HOÁ
    29. TẤM VẢI LIỆM CỦA CHÚA JESSUS
    30. CON NGƯỜI MẤT KHẢ NĂNG ĐÁNH HƠI NHƯ THẾ NÀO?
    31. BÍ ẨN HIỆN TƯỢNG ƯỚP XÁC TỰ NHIÊN Ở COLOMBIA
    32. KỸ THUẬT BÍ ẨN GIỮ XÁC ƯỚP NGUYÊN VẸN SAU 70 NĂM
    33. ƯỚP LẠNH CƠ THỂ – HÀNH TRÌNH GIAN NAN ĐI TÌM SỰ BẤT TỬ
    34. TRẺ EM GIẢI THÍCH THẾ GIỚI NHƯ THẾ NÀO?
    35. GIẤY GIÁN TƯỜNG GIẾT CHẾT NAPOLEON
    36. BÍ ẨN TRONG SỰ "HOẠ VÔ ĐƠN CHÍ"
    37. NGƯỜI RỪNG Ở VIỆT NAM, HUYỀN THOẠI VÀ SỰ THẬT
    38. SỰ THẬT VỀ QUÁI VẬT ĐỘC NHÃN CYCLOPE
    39. DỊ VẬT KỲ LẠ TRONG CƠ THỂ NGƯỜI
    40. SỰ LỰA CHỌN BÍ ẨN CỦA TỰ NHIÊN
    41. SỌ PHA LÊ - PHÁT HIỆN BÍ ẨN NHẤT THỂ KỶ XX
    42. NHỮNG BÍ ẨN XUNG QUANH HIỆN TƯỢNG ĐA PHU
    43. THUYẾT ƯU SINH VÀ MẢNG TỐI CỦA DI TRUYỀN HỌC
    PHẦN 2: VŨ TRỤ VÀ NHỮNG HIỆN TƯỢNG KHOA HỌC CHƯA ĐƯỢC GIẢI MÃ
    1. NHỮNG CƠN GIẬN CỦA VŨ TRỤ
    2. SỰ VA ĐẬP CỦA THẾ GIỚI
    3. ĐIỆU NHẢY CHẾT NGƯỜI
    4. LÀM SÁNG TỎ BÍ MẬT NỬA THẾ KỶ CỦA MẶT TRĂNG
    5. SỨC MẠNH NÀO TẠO NÊN NHỮNG CHIẾC HỐ BÍ ẨN Ở ARGENTINA?
    6. SÓNG HẠ ÂM TẠO NÊN SỰ HUYỀN BÍ TRONG CÁC NGÔI NHÀ MA
    7. LỐC XOÁY – HIỆN TƯỢNG THIÊN NHIÊN BÍ ẨN
    8. VÌ SAO ĐẠN SÚNG THẦN CÔNG BỐC CHÁY KHI ĐƯA LÊN MẶT BIỂN?
    9. GIẢI ĐƯỢC BÍ ẨN CỦA NHỮNG BÓNG SÁNG KỲ LẠ
    10. SAO KIM QUAY NGƯỢC CHIỀU
    11. LỬA VŨ TRỤ VÀ VỤ CHÁY BÍ ẨN Ở CHICAGO
    12. BÍ ẨN NHỮNG TẢNG ĐÁ BIẾT ĐI
    13. TAI HỌA BÍ ẨN Ở SIBERIA KHÔNG PHẢI DO THIÊN THẠCH
    14. VẬT THỂ BAY BÍ ẨN KHIẾN NÔNG DÂN ẤN ĐỘ KHIẾP SỢ
    15. VẬT THỂ LẠ XUẤT HIỆN Ở SRI LAN KA
    16. LỜI GIẢI CHO NHỮNG VÒNG TRÒN BÍ ẨN TRÊN CÁNH ĐỒNG
    17. ÁNH SÁNG VĨNH HẰNG TRÊN MẶT TRĂNG
    18. TÌM THẤY HIỆN VẬT CỦA NGƯỜI HÀNH TINH KHÁC?
    19. ĐẰNG SAU TAI HỌA BÍ ẨN Ở SIBERIA
    20. LỜI GIẢI CHO SỰ MẤT TÍCH BÍ ẨN CỦA HẠT NEUTRINO
    21. BÍ ẨN CỦA SÉT HÒN
    22. SÉT HÒN VẪN LÀ KHOẢNG TỐI TRONG KHOA HỌC
    23. LỜI GIẢI CHO NHỮNG VÒNG ĐÁ BÍ ẨN TRÊN BẮC CỰC
    24. BÍ MẬT CỦA NHỮNG CON SÔNG MA
    25. VÌ SAO TRỤ SẮT DELHI KHÔNG GỈ?
    26. BÍ ẨN XUNG QUANH CUỐN DI CẢO VOYNICH THẾ KỶ XIII
    27. GIẢI MÃ BÍ ẨN TAM GIÁC QUỶ BERMUDA
    28. VÌ SAO TRỨNG LUỘC QUAY TRÊN ĐẦU NHỎ?
    PHẦN 3: NHỮNG ĐIỀU KỲ LẠ CỦA THẾ GIỚI ĐỘNG THỰC VẬT
    1. THẦN GIAO CÁCH CẢM Ở LOÀI VẬT
    2. GIẢI MÃ CƠ CHẾ BAY CỦA THẰN LẰN CỔ ĐẠI
    3. CÁ KÌNH THÍCH NHẠI TIẾNG
    4. PHÁT HIỆN CHIM KHƯỚU MUN TẠI RỪNG ĐĂKRÔNG
    5. BƯỚM TỪNG ĐỒNG HÀNH VỚI KHỦNG LONG
    6. HƯƠU CAO CỔ KHÔNG PHẢI LÚC NÀO CŨNG CAO CỔ
    7. GIẢI MÃ NGÔN NGỮ CỦA LOÀI VOI
    8. BÍ ẨN VỀ SỰ TÁI SINH CÁC CƠ QUAN Ở ĐỘNG VẬT
    9. NHỮNG GIẢ THUYẾT VỀ VIỆC ĐÁNH MẤT KHẢ NĂNG TÁI SINH
    10. TRUNG QUỐC XÔN XAO VỀ GIỐNG NGỰA CÓ "MỒ HÔI MÁU"
    11. VÌ SAO LOÀI DÚI CÓ HAI RĂNG CỬA VẬN ĐỘNG ĐỘC LẬP NHAU?
    12. NHẬN DIỆN MÙI HƯƠNG LÀM GIẢM HỨNG TÌNH
    13. KIẾN CHÚA THỰC THI QUYỀN LỰC NHƯ THẾ NÀO?
    14. HOA MỞ "HỘP ĐÊM" MỜI CHÀO BỌ HUNG
    15. TÔM GIAO TIẾP BẰNG ÁNH HUỲNH QUANG
    16. XƯƠNG RỒNG MEXICO "PHỤ TÌNH" DƠI ĐỂ THEO CHIM
    17. NHỆN SÓI KHÔNG QUÊN NGÀY "HẸN HÒ" ĐẦU TIÊN
    18. ĐÔI MẮT – VŨ KHÍ SĂN TÌNH CỦA RUỒI ĐỰC
    19. CHIM MOA CÁI ƯA CÁC CHÀNG TÍ HON
    20. MÓN QUÀ TÌNH YÊU ĐỘC ĐÁO CỦA BỌ ZEUS
    21. MẶT HỒNG HẤP DẪN HƠN MẶT TRẮNG
    22. THÂN THIỆN – BÍ QUYẾT ĐỂ LINH CẨU ĐỰC LỌT MẮT XANH CON CÁI
    23. SẺ BIỂN QUYẾN RŨ NHAU BẰNG MÙI QUÝT
    24. ÁNH SÁNG PHÂN CỰC TRÊN CÁNH BƯỚM HẤP DẪN BẠN TÌNH
    25. ĐOM DÓM TỎA ÁNH SÁNG ĐỂ THU HÚT BẠN TÌNH
    26. MỎ CÀNG SÁNG, CHIM ĐỰC CÀNG KHỎE, CÀNG HẤP DẪN
    27. CÁ GAI ĐỰC TRANG HOÀNG TỔ ĐỂ QUYẾN RŨ BẠN TÌNH
    28. KHỈ CÁI THÍCH LÀM BẠN VỚI NHAU HƠN LÀ CON ĐỰC
    29. ĐỘNG VẬT NHỜ THỰC VẬT GỌI HỘ BẠN TÌNH
     
    Chỉnh sửa cuối: 11 Tháng mười hai 2021
  2. Nyanko

    Bài viết:
    380
    Lời nhà xuất bản

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Thế giới chúng ta đang sống quả thực vô cùng rộng lớn và hàng ngày vẫn luôn xảy ra các sự kiện, hiện tượng mà chúng ta chưa thể giải thích được bằng những hiểu biết hiện có. Trải qua bao nhiêu thế kỷ với khả năng hiểu biết ngày càng mở rộng, con người đã phần nào hiểu được thế giới tự nhiên xung quanh mình. Nhưng tỉ lệ thuận với nó, những điều kỳ lạ không ít hơn mà ngày càng nhiều, càng thách thức trí tuệ và kiến thức của nhân loại.

    Với mong muốn cung cấp cho bạn đọc những thông tin về các sự kiện, hiện tượng kỳ bí đang diễn ra xung quanh cuộc sống của con người, được giải thích trên cơ sở khoa học, Nhà xuất bản Từ Điển Bách Khoa xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc cuốn "Bí ẩn của nhân loại". Hy vọng cuốn sách sẽ là nguồn tài liệu bổ ích, hấp dẫn đối với những bạn đọc.

    NXB TỪ ĐIỂN BÁCH KHOA
     
  3. Nyanko

    Bài viết:
    380
    PHẦN 1:
    CON NGƯỜI – THẾ GIỚI KỲ BÍ NHẤT TRONG VŨ TRỤ


    1. NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ CƠ THỂ CON NGƯỜI

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cơ thể con người là một trong những bộ máy kỳ diệu nhất. Chúng ta biết rằng quả tim của mỗi người phải làm việc suốt 70-80 năm trời không một giây phút ngừng nghỉ, thì mới thấy hết được sự kỳ diệu đó. Dù là chủ sở hữu, nhưng không mấy ai trong chúng ta hiểu hết những gì đang xảy ra trong cơ thể mình.

    - Trong suốt một đời người, quả tim đập 3 tỷ lần và bơm 48 triệu gallon máu.

    - Mỗi ngày, máu thực hiện một cuộc hành trình dài 95.540km trong cơ thể chúng ta.

    - Bộ não trung bình của một người có 100 tỷ tế bào thần kinh.

    - Các xung động thần kinh truyền đến não và từ não truyền đi với vận tốc 274 km/giờ.

    - Không bao giờ bạn có thể hắt hơi mà không phải nhắm mắt.

    - Khi bạn hắt hơi, mọi chức năng của cơ thể đều ngưng hoạt động kể cả trái tim.

    - Dạ dày của bạn cần phải tạo ra một lớp màng nhầy mới cứ sau hai tuần lễ, nếu không, nó sẽ tự "tiêu hoá" nó.

    - Cần có sự tương tác của 72 cơ bắp khác nhau để tạo thành tiếng nói của chúng ta.

    - Tuổi thọ trung bình của mỗi chiếc gai lưỡi là 10 ngày.

    - Tiếng ho văng ra khỏi miệng chúng ta với vận tốc 96 km/giờ.

    - Đứa trẻ sinh ra không có xương bánh chè. Phải chờ khi chúng được từ 2 đến 6 tuần tuổi thì bộ phận này mới xuất hiện.

    - Chúng ta sinh ra với 300 khúc xương, khi trưởng thành, chỉ còn 206 khúc xương.

    - Đứa trẻ lớn nhanh hơn vào mùa xuân so với các mùa khác.

    - Trong suốt một đời người, phụ nữ chớp mắt nhiều gần gấp 2 lần đàn ông.

    - Một người nháy mắt trung bình 6.205.000 lần mỗi năm.

    - Người còn một mắt chỉ bị mất khoảng 1,5 thị lực, nhưng mất toàn bộ cảm giác về chiều sâu.

    - Từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành, mắt của chúng ta vẫn không thay đổi, trong khi đó, tai và mũi không ngừng phát triển cho đến lúc cuối đời.

    - Trung bình một đời người, chúng ta đi bộ trên một quãng đường dài bằng 5 lần đường xích đạo.

    - Da đầu mỗi người trung bình chứa 100.000 sợi tóc.

    - Hộp sọ con người được cấu tạo bởi 29 mảnh xương khác nhau.

    - Tốc độ mọc dài ra của móng tay tương ứng với chiều dài ngón tay. Móng tay của ngón giữa mọc nhanh nhất. Móng tay mọc nhanh gấp đôi móng chân.

    - Tóc và móng tay có cùng một chất liệu cấu tạo như nhau.

    - Khi con người chết đi, cơ thể khô lại, tạo ảo giác là móng tay và tóc còn tiếp tục mọc thêm sau khi chết.

    - Diện tích bề mặt ruột là 200 m2.

    - Diện tích bề mặt da người là 2 m2.

    - Một người trung bình bị thay đi hơn 18 kg da trong một đời người.

    - Cứ mỗi giây đi qua, có 15 triệu tế bào máu bị tiêu huỷ trong cơ thể.

    - Mỗi năm qua đi, có khoảng 98% nguyên tử trong cơ thể bị thay thế.

    - Quả tim con người tạo ra một áp suất đủ để đẩy máu đi xa 9 m.

    - Xương đùi của con người cứng hơn bê tông.

    - Dưới lớp da mỗi người có 72 km dây thần kinh.

    - Mỗi 2,5 cm2 da người chứa 6 m mạch máu.

    - Cứ 24 giờ, một người trung bình thở 23.040 lần.
     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng mười một 2021
  4. Nyanko

    Bài viết:
    380
    2. BÍ MẬT CỦA HIỆN TƯỢNG SIÊU TRÍ NHỚ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Năm 20 tuổi, cô gái Elina Markand (người Đức) bị tai nạn. Khi tỉnh dậy, Elina bỗng nói tiếng Italy rất thông thạo, mặc dù trước đó cô chưa từng học một ngoại ngữ nào. Cô còn tự nhận mình là Rozetta Caste Liani, công dân Italy và được yêu cầu được trở về thăm quê hương.

    Về tới "nhà", Elina mới biết rằng người có tên là Rozetta Caste đã mất từ năm 1917. Đón cô là một bà già lụ khụ, xưng là con gái của Rozetta Caste. Elina chỉ tay vào bà già, nói: "Đây là Fransa, con gái tôi!". Lúc ấy, tất cả mọi người đều giật mình, vì người đàn bà quả thực tên là Fransa, đúng như Elina gọi.


    Câu chuyện của Elina Markand đã trở thành đề tài đầy hấp dẫn cho khoa học. Thực tế, trong lịch sử từng có không ít trường hợp tương tự và hiện tượng "nhớ về quá khứ" không nhất thiết phải bắt đầu từ một chấn thương nào đó, như trường hợp của Elina Markand.

    Vào thập niên trước, một cô gái nhỏ người Anh đã biến thành "một người xa lạ" sau khi thức dậy vào một buổi sáng. Em không nhận ra mẹ và người thân của mình, không nói được tiếng mẹ đẻ trong khi lại thông thạo tiếng Tây Ban Nha và lúc nào cũng tỏ ra sợ sệt.

    Các bác sĩ đều có kết luận giống nhau: Em bé 10 tuổi này không có biểu hiện gì về bệnh lý hoặc tâm thần, sức khoẻ tốt. Em nhận mình là người Tây Ban Nha và sống ở thành phố Toledo. Em kể lại rằng một người cùng phố do ghen ghét và đố kỵ đã đâm chết em năm em 22 tuổi. Cảnh sát Tây Ban Nha đã thẩm tra lại câu chuyện kỳ quặc về "tiền kiếp" của em và kết luận, đúng như lời em kể. Ở số nhà đó trong thành phố Toledo từng có một cô gái 22 tuổi bị hãm hại. Những người hàng xóm đã tìm thấy xác cô ngay trong nhà. Câu chuyện càng sáng tỏ hơn khi hung thủ (lúc này đã già) tự đến gặp cảnh sát để thú tội.

    Các nhà khoa học còn tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp khác. Chẳng hạn có một người đột nhiên "biến thành" công dân La Mã cổ đại, với bằng chứng khó chối cãi là anh ta biết sử dụng thứ ngôn ngữ "nguyên thuỷ" của mình, mà không còn ai hiểu được. Tương tự như vậy, có người châu Âu bỗng nói tiếng Ai Cập, mất hẳn khả năng nói tiếng mẹ đẻ. Rồi anh ta mô tả chính xác cảnh vật ở sông Nile và tự nhận có nguồn gốc Ai Cập.

    * "Trí nhớ gene"

    Một số nhà khoa học đã thử đưa ra một lý thuyết giải thích hiện tượng trên với khái niệm "trí nhớ gene": Nếu các vùng "ngủ" trong ADN bị kích thích, con người có thể trở về tiền kiếp". Họ bỗng nhớ lại nguồn gốc La Mã hoặc Ai Cập từ xã xưa. Cũng do ảnh hưởng bởi tiền kiếp mà nhiều người có thói quen xoa râu quai nón, mặc dù trên mặt không hề có râu. Người khác lại có thói quen nhấc vạt áo vét, y như động tác vén váy dài đang mặc khi vượt qua vũng nước của phụ nữ.

    Như ở cô Elina người Đức và bé gái người Anh thì rõ ràng không hề có quan hệ nào về "gene di truyền" với người mà mình hoá thân, có nghĩa là trường hợp của họ không thể giải thích bằng "trí nhớ gene". Vậy nghĩa là thế nào? Những người theo đạo phật rất quen thuộc với thuyết luân hồi cho rằng thể xác con người – tức là cái "bề ngoài" – luôn thay đổi. Còn cái "bên trong thể xác" – tức linh hồn – là vĩnh cửu. Theo thuyết luân hồi, cuộc sống không khởi đầu bằng sự sinh ra và cũng không kết thúc bằng sự mất đi. Cuộc sống cứ trôi vô tận. Linh hồn ở mỗi "kiếp" lại nhập vào một thân xác mới. Vì thế, sẽ không lạ khi cô Elina và bé gái người Anh đột nhiên nhớ lại kiếp trước của mình.

    * Thuyết về kết cấu "phách"

    Lại có một số nhà vật lý và sinh học đưa ra cách giải thích vấn đề trên bằng "kết cấu phách". "Phách" ở đây tất nhiên không phải là "phách" trong âm nhạc, mà là một khái niệm chỉ "phần bất biến" của con người, còn được hiểu là "phần năng lượng tách ra dưới dạng sóng". Khi người chết, "phách" liền tan vào vũ trụ. Vì thế, "phách" có thể hiểu là một loại "trường sóng hạt cơ bản nhẹ, hoặc là "tập hợp những năng lượng thông tin cá thể".

    Theo các nhà khoa học này, thuyết về phách có thể lý giải được như đa phần hiện tượng thần đồng (trong âm nhạc, thi ca, khoa học...). Ở tuổi rất trẻ, những thần đồng này đã tích tụ được lượng kiến thức khổng lồ mà người bình thường cả đời dù học tập chăm chỉ cũng khó có được. Theo thuyết này, "phách" của các thiên tài là sản phẩm của hàng vạn kiếp trong quá khứ dồn lại trong một cơ thể hiện hữu. Nói cách khác, "trường sóng hạt cơ bản nhẹ" hay những "tập hợp thông tin cá thể" đã tập trung vào cơ thể họ theo một quy luật nào đó.

    Nhiều nhà khoa học đã mạnh dạn đề cập tới những khái niệm rất mới về hiện tượng "nhớ về quá khứ". Họ đã lập ra một quy trình công nghệ" cho phép bằng thực nghiệm đưa con người vào trạng thái giữa mơ và thực. Ở trạng thái lơ lửng kỳ ảo này, người tham gia thực nghiệm vẫn nhìn thấy những gì quanh mình, nhưng trong tiềm thức, họ lại thấy cả quá khứ. Phương pháp thực nghiệm này đã được áp dụng để chữa một số bệnh tâm thần và đem lại kết quả.

    Mặc dù đã có những thành tựu nhất định, nhưng đến nay, những chuyện về "siêu trí nhớ" gần như vẫn nằm ngoài vòng nghiên cứu của khoa học chính thống. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là nhân loại chịu bỏ cuộc để rơi tự do vào vòng "bất khả tri", các nhà khoa học vẫn đang tìm cách để nghiên cứu những điều khó giải thích nhất.
     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng mười một 2021
  5. Nyanko

    Bài viết:
    380
    3. NGỦ LỊM HÀNG CHỤC NĂM – MỘT HIỆN TƯỢNG CHƯA ĐƯỢC GIẢI THÍCH

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Do bị tưởng nhầm là đã chết, cô bé Nazira Rustemova (4 tuổi, người Kazakstan) từng bị chôn sống. Được đưa ra khỏi mộ, Nazira chìm vào một giấc ngủ dài 16 năm rồi mới đây bỗng nhiên tỉnh giấc. Cơ thể của cô (vốn thay đổi rất ít trong thời gian hôn mê) bỗng lớn lên từng ngày để nhanh chóng trở thành cơ thể một thiếu nữ trưởng thành.

    Đó là một trong những trường hợp mắc chứng hôn thuỵ, cho đến nay vẫn là một bí ẩn đối với khoa học. Những người bị chứng hôn thuỵ có thể ngủ hàng tháng trời, thậm chí vài chục năm. Trong thời gian đó, cơ thể họ hầu như không có sự thay đổi. Sau khi tỉnh giấc, quá trình trao đổi chất được tăng tốc khiến cho cơ thể lớn nhanh trông thấy, y như trong truyện cổ tích. Ở một số bệnh nhân còn xuất hiện nhiều khả năng kỳ lạ mà trước khi hôn mê họ chưa hề có. Nazira Rustemova là một trường hợp điển hình.

    Lúc mới sinh, Nazira là một cô bé khoẻ mạnh, cơ thể phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Gần đến sinh nhật lần thứ 4, đột nhiên cô bé bị đau đầu dữ dội, không thuốc nào làm giảm được. Sau mỗi cơn đau, cô bé lại lịm đi. Một buổi sáng, khi vào đánh thức con, cha mẹ của Nazira thấy cô bé nằm bất động trên giường. Các bác sĩ ở bệnh viện huyện khẳng định Nazira đã chết mà không rõ nguyên nhân.

    Sau khi mai táng cho Nazira, ông và bố cô bé nằm mộng thấy có người bảo rằng Nazira chưa chết mã đã bị chôn sống. Người cha trở lại nghĩa địa, lật ván áo quan lên để kiểm tra. Ông sửng sốt nhận thấy xác con gái đã nằm sát vào một góc chứ không ở vị trí chính giữa như lúc hạ huyệt. Lớp vải liệm quấn quanh cô bé bị nhàu và đôi chỗ có vết cào xước. Ông vội vàng bế con về nhà.

    Hai tuần liền. Gia đình Nazira tìm mọi cách để đánh thức cô bé nhưng vô hiệu. Khi biết tin, Bộ Y tế Liên Xô đã chuyển Nazira lên Matxcơva để nghiên cứu. Cô bé được đặt trong lồng kính suốt 16 năm cho đến ngày tỉnh lại.

    "Suốt thời gian đó, tôi không hề ngồi dậy lần nào" – Nazira nhớ lại – "Mặc dù nằm bất động nhưng tôi vẫn nhận biết được mọi chuyện xảy ra xung quanh mình. Thậm chí có lần tôi còn ngửi thấy hương thơm thoang thoảng đặc trưng của vùng thảo nguyên quê tôi. Một hôm, tôi nghe thấy tiếng chuông điện thoại réo rất lâu. Mãi mà không có ai nhấc máy; thế là tôi quyết định đứng dậy để nói chuyện điện thoại..." Sau khi tỉnh giấc, Nazira được các bác sĩ giữ lại để tiếp tục kiểm tra sức khoẻ trong mấy tháng rồi mới trở về nhà.

    Trong 16 năm ngủ lịm, người Nazira chỉ dài thêm 30 cm mặc dù vẫn tiếp nhận thức ăn qua hệ thống ống dẫn nối với dạ dày. Tuy nhiên, khi tỉnh lại, cơ thể cô phát triển nhanh như thổi. Chỉ trong một thời gian rất ngắn từ một cô bé, Nazira đã có một cơ thể phát triển như mọi cô gái 20 tuổi khác.

    Trong mấy ngày đầu, Nazira đã phục hồi khả năng khẩu ngữ, có thể giao tiếp với mọi người mà không quên từ nào. Thậm chí, cô còn nói được 4 ngoại ngữ, trong đó có tiếng Latinh (một ngôn ngữ hiện nay rất ít người biết) và tự nhấc mình khỏi mặt đất nhẹ nhàng như bay. Tuy nhiên, sau đó mấy năm, những khả năng này biến mất. Nazira quên cả tiếng mẹ đẻ (tiếng Kazakstan), chỉ còn nhớ duy nhất tiếng Nga.
     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng mười một 2021
  6. Nyanko

    Bài viết:
    380
    4. HIỆN TƯỢNG "NGƯỜI LƠ LỬNG"

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Quá trưa, Subbayah Pullivar ra chào chúng tôi và cho biết đã thực hành yoga được gần 20 năm.

    Khi nghi lễ lơ lửng bắt đầu, nhà yoga Ấn Độ này đi vào một cái lều. Vài phút sau, vách lều được nâng lên, cho thấy ông đang lơ lửng giữa vòng tròn nước". Đó là lời kể của P.Y.Plunkett, một người bạn tận mắt chứng kiến màn biểu diễn ngày 6/6/1936.


    Nhiều khán giả đến gần kiểm tra để xem có sự gian dối nào không. Subbayah Pullivar như trong trạng thái lên đồng, lơ lửng trên không, cách mặt đất khoảng 1 mét. Ông dựa vào một cây gậy, hẳn là chỉ để giữ thăng bằng, Plunkett và bạn bè đến kiểm tra xung quanh nhà yoga: chẳng có dây hay trò ma mãnh nào cả.

    Sau đó, cái lều được phủ xuống và Pullivar hạ xuống đất. Plunkett chứng kiến sự hạ xuống này qua một cái khe trên vách lều mỏng. "Sau một phút, nhà yoga có vẻ lắc lư. Ông bắt đầu hạ xuống từ từ, vẫn trong tư thế nằm ngang như lúc đầu. Phải mất 5 phút để chạm xuống đất. Lúc ấy, các đệ tử đưa ông ra giữa khán giả, yêu cầu mọi người thử bẻ tay bẻ chân ông. Nhưng dù có nhiều người, chúng tôi vẫn không thể làm được. Subbayay Pullivar được xoa bóp bằng nước lạnh hơn 5 phút sau khi rời khỏi trạng thái lơ lửng và lại cử động tay chân bình thường".

    Trong nhiều trường hợp lơ lửng khác, khán giả chú ý đến chuyển động lắc lư và tư thế nằm ngang. Cảnh tượng diễn ra tại Thuỵ Sĩ, ở trường của nhà yoga Maharishi Mahesh, một học viên môn thiền siêu việt học kể lại: "Chúng tôi lắc lư, lúc đầu chậm, sau nhanh dần. Kế đó, chúng tôi bắt đầu nhấc mình lên khỏi mặt đất. Phải thực hành bài tập trong tư thế ngồi xếp bằng. Người ta sẽ bị đau đớn nếu để hai chân buông thõng. Lúc hạ xuống là một cú sốc. Vì thế cần phải ngồi trên nệm. Sau đó chúng tôi biết cách kiểm soát và bài tập trở nên thật thích thú".

    Liệu một ngày nào đó tất cả mọi người đều có thể biết lơ lửng không? Theo những người học thiền siêu việt, điều đó là có thể, với điều kiện phải rèn luyện tinh thần rất tích cực.

    * Trạng thái bán trọng lực

    Cũng có một cách lơ lửng đang được bàn cãi, là đặt một người trong trạng thái bán trọng lực. Người ấy ngồi trên ghế, xung quanh là 4 người thí nghiệm. Bốn người này xếp hai bàn tay trên đầu người kia (nhưng không chạm nhau), rồi tập trung tư tưởng trong 15 giây. Sau đó, họ nhanh chóng đặt ngón trỏ lên khuỷu tay và đầu gối của những người ngồi trên ghế. Thế là người ấy được nâng khỏi mặt đất. Làm sao có thể giải thích được hiện tượng đó? Sự tập trung tư tưởng của 4 người có dự tính chính xác liệu có thể giải phóng một sức mạnh bí ẩn của nghị lực, giúp thoát khỏi các định luật của trọng trường không? Nhiều câu hỏi chưa có lời giải thích thỏa mãn.

    Bennett là nhà sư. Ông nhẹ nhàng đến mức có thể tự mình nâng lên như một chiếc lá, tựa như đã thoát khỏi trọng lực. Tuy nhiên, hiện tượng lơ lửng dường như không cao được bao nhiêu: đối tượng thường chỉ lên được 1 - 2 m là tối đa. Nhưng biết đâu các dân tộc thời cổ đại đã có "chìa khoá" cho khả năng bay bổng cao hơn. Như thế, họ có thể thực hiện những công trình vĩ đại, chẳng hạn như các hình vẽ trong sa mạc Nazca ở Peru mà người ta chỉ có thể thấy rõ từ trên cao. Nhiều truyền thuyết của người Celte cũng kể về các pháp sư có khả năng bay được. Phải chăng đó là sự hoá thân của linh hồn, hay là sự lơ lửng thật sự của cơ thể.

    Trong nhiều trường hợp ngoại lệ, sự lơ lửng dường như có liên quan đến một trạng thái đặc biệt, tiếp thu được sau một quá trình luyện tập lâu dài. Lúc ấy, cơ thể bất chấp các định luật hấp dẫn thông thường nhờ một sức mạnh bí ẩn. Năm 1657, một thiếu niên Anh 12 tuổi, Henry Jones, bỗng dưng bay lên đến trần nhà, đặt hai bàn tay lên trần. Hiện tượng này chỉ kéo dài trong 1 năm, và sau này cậu ta mất khả năng đó.
     
  7. Nyanko

    Bài viết:
    380
    5. NGƯỜI HOÁ SÁP MỠ VÀ CÁI CHẾT BÍ ẨN

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Ngày 27/9, tại bảo tàng Mutter, Philadelphia, Mỹ, người ta đã tiến hành chụp cắt lớp một thi thể kỳ lạ: xác ướp của một phụ nữ mập mạp đã biến đổi gần như hoàn toàn thành chất sáp mỡ. Người đàn bà này là ai? Bà ta mất vào thế kỷ XVII, XVIII hay XIX? Vì sao thân thể bà ta lại có thể hoá sáp?. Các nhà khoa học hy vọng sớm có câu trả lời từ thiết bị quét mới, máy scan CT.

    Thi hài người phụ nữ này, với biệt danh "Soap Lady", đã nằm trong tủ kính của bảo tàng Mutter hơn một thế kỷ. Thời gian qua bà luôn là mẫu thực nghiệm lý tưởng cho các sinh viên y khoa và bây giờ xác bà đang hấp dẫn du khách như một trường hợp lý thú trong y học.

    Bằng máy chụp CT, các nhà khoa học đã quan sát thấy một số mô nội tạng. Họ hy vọng sẽ trả lời được nghi vấn lâu nay: Bà ấy chết như thế nào? Gerald Conlogue, Giáo sư Đại học Quinnipac và các cộng sự đang tìm kiếm một miếng vỏ quan tài được làm từ thứ chất xà phòng này bị rơi ra ngoài môi trường. Từ đó, họ sẽ hiểu rõ hơn về sự xà phòng hoá - hiện tượng chuyển hoá chất béo thành chất sáp mỡ. Trong tự nhiên, trường hợp này rất hiếm gặp vì quá trình xà phòng hoá phụ thuộc vào nhiều nhân tố, như độ ẩm, nhiệt độ, quần áo và hoạt động của vi khuẩn. Người càng béo, khả năng bị xà phòng hoá càng lớn.

    * Đi tìm tung tích Soap Lady

    Lần thí nghiệm chụp cắt lớp là lần đầu tiên Soap Lady được đưa khỏi bàn trưng bày, kể từ năm 1874. Một nhà giải phẫu nổi tiếng của Đại học Pennsylvania, Joseph Leidy, đã tặng thi hài này cho bảo tàng. Leidy khẳng định Soap Lady mất vào khoảng cuối thế kỷ XVII. Theo mẩu chú thích gắn kèm với giá trưng bày, "Người đàn bà này, có tên Ellenbogen, đã mất năm 1792 tại Philadenlphia vì bệnh sốt vàng và được chôn gần đường Fourth và Race".

    Nhưng, lời giải thích của Leidy chỉ đứng vững tới năm 1942, khi Tiến sĩ Joseph McFarland, người quản lý bảo tàng đã xác định Soap Lady mất vào thế kỷ XVIII và tên của bà đã bị quá khứ lãng quên. Theo ông, không có ai qua đời vì bệnh sốt vàng ở Philadenphia vào năm 1792. Chỉ có một trường hợp xảy ra vào 1793, nhưng tên không phải là "Ellenbogen". Hơn thế, chưa hề có một nghĩa địa gần đường Fourth và Race.

    Năm 1987, người ta đã chụp tia X trên xác ướp này và phát hiện thấy có 2 cái ghim thẳng và 2 chiếc khuy 4 lỗ được sản xuất vào thế kỷ XIX. Một quan chức bảo tàng nói: "Đến đây, tung tích của người đàn bà này lại càng mờ mịt hơn".
     
  8. Nyanko

    Bài viết:
    380
    6. BÍ MẬT VỀ HIỆN TƯỢNG ẢO GIÁC

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Một lần, bạn đang trả lời một người hỏi đường, thì đột nhiên, hai người lạ mặt khênh một cánh cửa đặt giữa bạn và vị khách. Bạn hơi ngạc nhiên một chút, nhưng sau đó hai kẻ bất lịch sự kia đã vội vã khênh cửa đi. Sau đó, bạn vẫn tiếp tục nói mà không nhận thấy một điều kỳ lạ đã xảy ra...

    Người khách hỏi: "Chị thấy gì lạ không?". Bạn nhăn trán... hình như bạn cảm thấy có gì đó khác lạ nhưng lại không hiểu là gì. Người khách lại hỏi: "Chị thử nhìn tôi kỹ hơn xem nào!" Bạn nhìn rất sâu vào mắt người khách, rồi bạn để ý tới giọng anh ta nói, tới áo quần anh ta mặc... Hồi lâu... "A!" Bạn bỗng hét lên. Đứng trước mặt bạn là một người đàn ông hoàn toàn khác chứ không phải người đã hỏi đường bạn... Một lúc sau, người lạ mặt này giải thích cho bạn biết rằng, anh ta là một trong hai người đàn ông khênh cánh cửa và đã tráo đổi vị trí với người khách hỏi đường trong thời gian ngắn ngủi khi họ dừng lại giữa hai người...


    Trên đây là một ví dụ tiêu biểu về hiện tượng ảo giác, một hiện tượng kỳ lạ và khó hiểu nhất thường gặp trong thực tế. Người làm thí nghiệm này là Giáo sư Daniel Simons, Đại học Havard, Mỹ. Ông đã tiến hành thí nghiệm này trên hàng trăm trường hợp khác nhau và kết quả thật kỳ lạ: Trên 50% các trường hợp, người chỉ đường vẫn tiếp tục nói chuyện với vị khách hỏi đường đã bị đánh tráo mà không nhận ra điều gì lạ, mặc dù hai nhân vật này hoàn toàn khác nhau, từ hình dáng, giọng nói tới quần áo.

    * Nhận biết có lựa chọn

    Hiện tượng trên còn có tên khoa học là "mù thoáng qua" (change-blindness). Cùng với các kết quả thí nghiệm khác, đầu những năm 90, hiện tượng này dẫn tới một giả thuyết gây ra nhiều cuộc tranh luận dữ dội: Cái chúng ta thực sự nhìn thấy ít hơn nhiều so với cái chúng ta tưởng rằng đã nhìn thấy. Điều đó có nghĩa là, chúng ta luôn sống trong ảo giác bởi niềm tin được tạo ra. Trong thí nghiệm trên, người chỉ đường luôn tin rằng mình đang nói chuyện với cùng một người hỏi đường, nên hoàn toàn không nhận thấy anh ta có sự thay đổi gì sau khi đã bị đánh tráo.

    Ông Simons giải thích: "Nếu bạn quan sát một khung cảnh với những hiện tượng xảy ra trong đó, thường bạn chỉ có thể nhận biết một số chi tiết nhất định. Những chi tiết này sẽ được bổ sung thêm nhờ khả năng nhớ lại hoặc trí tưởng tượng của bạn, để cho ra một hình ảnh tổng quát về cái mà bạn đã nhìn được và ghi lại trong não bộ".

    * Mắt có vai trò như một ống kính

    Trong hệ thống ghi chép và lưu giữ hình ảnh, mắt đóng vai trò như một ống kính video. Nó liên tục quét các hình ảnh để đưa vào trung tâm xử lý của não bộ. Tại đây, hình ảnh sẽ được phân tích rất nhanh. Thông tin không quan trọng sẽ bị loại bỏ và chỉ có những chi tiết quan trọng nhất giúp con người ứng xử trong hoàn cảnh nhất định mới được giữ lại trong não bộ.

    "Nhờ việc lựa chọn giữa những chi tiết quan trọng và không quan trọng nên con người mới có thể tồn tại được", Triết gia Danial Dennett đã khẳng định như vậy trong một cuốn sách có tiêu đề "Kiến giải về ý thức". Theo đó, hình ảnh lưu trữ trong bộ não lâu ngày đã chiếm quá nhiều bộ nhớ nên nó chỉ ghi lại những gì đã thay đổi và giả định rằng, tất cả những thứ khác vẫn giữ nguyên như vậy.

    * Chuyện về một con vượn chạy qua...

    Daniel Simons lại tiếp tục làm một thí nghiệm nữa để chứng minh rằng, thực tế chúng ta luôn bỏ sót những chi tiết nhất định. Ông cho mời 40 người đàn ông tới xem một trận bóng rổ và yêu cầu họ đếm tất cả các đường chuyền của hai đội. Những người đàn ông đều tập trung hết sức vào các pha chuyền bóng. Đột nhiên xuất hiện một con vượn chạy đi chạy lại qua sân bóng đến 5 giây đồng hồ. Sau đó, Simons đã hỏi tất cả 40 người đàn ông này về con vượn và họ đều trả lời là không nhìn thấy gì cả.

    "Thường thì người ta không bao giờ nhìn thấy rừng xanh giữa đám cây cối rậm rạp", Simons nói. Điều đó đôi khi rất nguy hiểm. Các chuyên gia nghiên cứu giao thông cho biết, phần lớn các tai nạn ôtô đều có liên quan tới hiện tượng "mù thoáng qua". Trong thí nghiệm trên, những người đàn ông chúi mắt vào các quả bóng có thể so sánh với người tài xế đang lái xe chạy trên đường và mải mê nghĩ về một chuyện gì đó, còn con vượn giống như người qua đường. Thế là xảy ra tai nạn.

    * Giải mã nụ cười của nàng Mona Lisa

    Nụ cười của Mona Lisa cũng gây ảo giác. Càng nhìn lâu vào khuôn mặt nàng, bạn càng thấy đôi mắt ấy đang cười, rất kiêu sa và rất mãn nguyện. Nhưng chỉ cần nhìn xuống khoé miệng một chút bạn sẽ thấy khuôn mặt người thiếu nữ nghiêm nghị kỳ lạ. Đột nhiên, bạn không hiểu nàng đang vui hay buồn, thanh thản hay lo lắng.

    Trong phần trước chúng ta đã đề cập tới hiện tượng "mù thoáng qua", giải thích vì sao đôi mắt thường bỏ sót một số chi tiết nhất định khi ta quan sát một khung cảnh nào đó. Hoạ sĩ, triết gia, nhà khoa học thiên tài người Italia Leonard de Vince đã "vô tình" lợi dụng hiện tượng này để sáng tạo ra nụ cười bí hiểm có một không hai trên khoé miệng Mona Lisa.

    "Điều khiến chúng ta yêu thích Mona Lisa chính là bộ mặt cô ấy luôn thay đổi mỗi khi chúng ta nhìn, khiến cho cô ấy dường như sống động", Margaret Livingstone, nhà sinh học – thần kinh học tại Đại học Harvard (Mỹ) nhận xét như vậy, sau mỗi thời gian nghiên cứu hoạ phẩm nổi tiếng của Leonardo de Vince.

    Tuy nhiên, bà cho rằng thực tế bộ mặt Mona Lisa không đổi, bản chất chính là sự thay đổi trong mắt người xem chứ không phải ở màu sơn. Theo bà, thị giác trung tâm của con người bắt giữ những chi tiết nhỏ rất tốt, trong khi thị giác ngoại biên chỉ xử lý những chi tiết lờ mờ gọi là tần số không gian thấp. Nhưng nụ cười của Mona Lisa lại được vẽ bằng tông màu êm dịu, rơi vào tần số thấp. Livingstone nói: "Bạn không thể nhìn nụ cười này bằng thị giác trung tâm mà phải bằng thị giác ngoại biên khi nhìn từ miệng của Mona Lisa".

    Hiệu quả tương tự được quan sát trên những tác phẩm cuối thế kỷ XIX của những người theo kỹ thuật chấm màu (pointillist), cũng như trên các bức hoạ chân dung hiện đại của Chuck Close và tranh ghép mảnh của Robert Silvers (thường dùng trong quảng cáo). Livingstone nhận xét: "Mỗi khi nhìn, bạn nhìn những chấm riêng rẽ, nhưng thị giác ngoại biên thì tập hợp chúng lại với nhau và trộn lẫn màu sắc, vì thế bạn chuyển động mắt xung quanh và tạo ra những thay đổi trong khi nhìn". Cách giải thích này có lẽ làm ngạc nhiên những hoạ sĩ của kĩ thuật chấm màu, bởi họ nghĩ rằng tác phẩm của mình là sự trộn lẫn màu sắc.

    Tuy nhiên, Livingstone lại cho rằng Leonard không hiểu được điều thú vị từ bức tranh của ông: "Ông ấy viết nhiều điều nhưng không bao giờ viết điều này ra và cũng không vẽ lại một bức hoạ nào như Mona Lisa. Tôi cho rằng ông cũng nhìn thấy điều tuyệt vời trong nụ cười của Mona Lisa, nhưng cũng nhiều người, lại không thể phân tích được tại sao nó lại như vậy".
     
  9. Nyanko

    Bài viết:
    380
    7. CÁC HỌA SĨ TẠO ẢO GIÁC TRÊN TRANH NHƯ THẾ NÀO?

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trong kiệt tác Ấn tượng Mặt trời mọc của Claude Monet, mặt trời dường như hút hết sinh lực của thiên nhiên để toả sáng rực rỡ. Nhưng thực ra, độ sáng của nó không hề lớn hơn những điểm xám trên nền trời xung quanh. Thì ra, Claude Monet đã khai thác một đặc điểm thị giác của mắt người để tạo nên ảo giác đó.

    Nhà thần kinh học Margaret Livingstone, Đại học Y khoa Harvard (Mỹ), đã công bố công trình nghiên cứu này tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội khoa học tiến bộ Mỹ, đang diễn ra tại Denver.

    Livingstone đã sử dụng những kiệt tác hội hoạ để minh chứng cho sự khác biệt giữa nhận thức về màu sắc và độ sáng của não người. Trong một chuyến thăm tới Pais gần đây, bà có dịp kiểm tra bức tranh Ấn tượng Mặt trời mọc vẽ bến cảng Le Harve của Monet. Tâm điểm của bức tranh là hình ảnh mặt trời, xuất hiện như một quả cầu lửa nhô lên trên nền trời mây mù xanh xám, phản chiếu ánh sáng xuống mặt nước, nơi những con tàu đánh cá đang buông neo. Tuy nhiên, trái với cảm nhận thông thường của chúng ta, Livingstone cho biết mặt trời trên bức tranh không hề sáng hơn so với nền trời xanh xám ở quanh đó.

    Bà nói: "Lý do là hệ thống thị giác của chúng ta bị phân đôi rõ rệt: Một bên cảm nhận về màu sắc và bên kia là về độ sáng (cường độ phản xạ ánh sáng). Giữa chúng không hề có mối ràng buộc với nhau. Khi đánh giá màu sắc bức tranh, não ta đã vô tình coi mặt trời như là một loại cấp sáng và vì thế ta tưởng rằng mặt trời chói loá hơn hẳn cảnh vật xung quanh".

    Việc đánh giá sẽ công bằng hơn, nếu tất cả đều ở dạng đen trắng, khi đó mọi vật thể có độ sáng như nhau đều xám cùng một cấp. Livingstone đã chứng minh điều này bằng cách chụp lại ảnh đen trắng của bức Ấn tượng Mặt trời mọc. Với bức ảnh đó, bằng mắt thường mặt trời biến mất, nói đúng hơn là hoà vào màu xám của nền trời, do nó có độ sáng bằng với độ sáng của nền trời xung quanh.

    "Các hoạ sĩ thiên tài như Monet hiểu rõ hệ thống thị giác của con người phân đôi như thế nào và đã khai thác nó một cách tinh tế để tạo ra ảo giác về màu sắc và không gian". Livingstone giải thích. Hai phần thị giác đó đôi khi còn được gọi là hệ thống "Where" (ở đâu) và "What" (cái gì). Hệ thống "Where" tồn tại ở động vật có vú, cho phép chúng ta có thể thấy được sự vật trong không gian 3 chiều, và nhận ra những vật thể di động, nhưng không thấy màu sắc. Ngược lại, hệ thống "What" chỉ tồn tại ở loài động vật bậc cao, trong đó có con người, cho phép ta nhìn thấy màu sắc, phân biệt được các khuôn mặt cũng như đánh giá mặt biểu hiện hoặc thái độ.

    Cũng bằng thủ pháp tạo hiệu ứng ảo giác, Leonard de Vince đã khiến cho nụ cười của nàng Mona Lisa trở nên nhẹ nhàng mà huyền bí. Livingstone cho biết: khi chăm chú nhìn vào đôi mắt của Mona Lisa, bạn chỉ "khoanh" được một khu vực rất nhỏ bên lông mày và gò má. Vì vậy, bạn không nhìn thấy toàn bộ khuôn mặt và không gian đằng sau bức tranh. Khi đó, các nét mờ trên gò má Mona Lisa sẽ hiện lên khá rõ, khiến bạn có cảm giác khoé môi của người phụ nữ này cũng được kéo nhếch lên và tô đậm hơn. Kết quả, bạn thấy người phụ nữ cười. Ngược lại, khi bạn nhìn vào miệng nàng thì hiệu ứng này cũng lập tức biến mất cùng với nụ cười ấy. Thì ra nụ cười này vừa thật, vừa ảo. Có điều, khi sử dụng "mẹo" ảo giác này, Leonard de Vince có lẽ đã không vận dụng đến kiến thức khoa học mà dựa vào kinh nghiệm của một nghệ sĩ nhiều hơn.

    * "Mắt thần"

    Bài nghiên cứu của Giáo sư Itzhk Fried, Đại học California (Mỹ) đăng trên tạp chí khoa học The Lancet năm 1992 khẳng định: "Để nhận biết hình ảnh, con người cần rất ít thực tế". Đây là một kết luận thật khó hiểu. Để tìm hiểu xem Fried nói gì, một lần nữa, chúng ta lại phải quay lại... với bức tranh Mona Lisa.

    Fried cho mời 100 người đàn ông tới một cuộc thử nghiệm. Ông chia họ làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất được nhìn thấy bản sao của Mona Lisa treo trên tường, còn nhóm thứ hai tới một căn phòng trống trơn để nghe kể về bức tranh. Sau đó ông mời hai nhóm tới một căn phòng khác và đề nghị họ miêu tả lại bức tranh. Trong khi những người này miêu tả, Fried dùng một phương pháp đặc biệt để đo các hoạt động trong não bộ của họ. Kết quả thật kỳ lạ: Não bộ của những người này đều vận động các tế bào giống hệt nhau và "bức tranh" mà họ kể lại khá giống nhau: Chúng đều là sản phẩm của rất ít thực tế và rất nhiều tưởng tượng.

    "Điều quan trọng không phải là chúng ta nhìn thấy bức tranh thật hay chỉ ngồi tưởng tượng. Mỗi người đều có một con mắt thần – bộ phận lưu giữ các hình ảnh tưởng tượng – giúp chúng ta có thể tổng hợp hình ảnh và trình bày một khung cảnh nhất định", Fried nói.

    * Thực tế và ảo giác

    Tại sao bạn luôn có cảm giác rằng bạn có một bức tranh đầy đủ và thực tế về cuộc sống hiện thực này? "Bởi vì rất hiếm khi bạn gặp được ai đó chỉ cho thấy điều ngược lại!", các nhà nghiên cứu hành vi giải thích.

    Não bộ của bạn luôn được thu nạp và xử lý một số hình ảnh mà mắt bạn "quét" được từ thực tế, nhưng nó còn thu nhận một khối lượng lớn hơn nhiều các hình ảnh từ kho kinh nghiệm và trí tưởng tượng của bạn. Mặt khác, việc não bộ của bạn lựa chọn "thực tế" nào là do trí tưởng tượng quyết định. Ví dụ, mắt bạn "quét" được toàn cảnh một cánh đồng gồm nhiều bươm bướm và chuột, nhưng nếu trí tưởng tượng của bạn chỉ "thích" bươm bướm chẳng hạn, thì não bộ sẽ tự động xoá những con chuột ra khỏi bức tranh. Kết quả là bạn chỉ nhớ được một bức tranh có toàn bươm bướm. Tóm lại, bức tranh tổng thể về thế giới của bạn phần nhiều là tưởng tượng chứ không phải thực tế. Có thể nói, một số hình ảnh về thế giới chỉ do ảo giác của con người mà có được.

    Các nghiên cứu mới nhất về khoa học thần kinh cho biết, không ai có thể cùng một lúc nhìn thấy tất cả những chi tiết của một bức tranh. Mỗi vật thể, dưới con mắt của mỗi người sẽ có một hình thù khác nhau. Các nhà khoa học giả thuyết: "Nhìn và lựa chọn hình ảnh là một quá trình sáng tạo, y hệt như hình vẽ một bức tranh vậy. Sản phẩm của nó chỉ vô tình trùng lặp với thế giới của những hiện tượng vật lý mà thôi".

    * Chuyện chọn áo nhầm màu trong siêu thị

    Nếu giả thuyết trên được ủng hoặc kiểm chứng thì đó sẽ là một tin mừng lớn với nhà vật lý Isaac Newton. Cuối thế kỷ XVII, Newton đã có ý tưởng cho rằng: mọi vật tự nó đều không có màu sắc nếu không có sự hiện hữu của ánh sáng. Tuy vậy, não bộ của chúng vẫn cố gán cho chúng màu sắc nào đó.

    Hai nhà sinh học thần kinh Dale Purves và Beau Lotto, Đại học Duke (Anh), cho biết: "Màu sắc là sản phẩm của cảm nhận chứ không phải thực tế". Theo đó, con người có thể thu nạp hình ảnh dựa trên tưởng tượng và kinh nghiệm một cách khá chính xác. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng như vậy. Nhiều trường hợp, người mua hàng chọn một chiếc áo theo màu ưa thích trong siêu thị, nhưng khi về nhà mới phát hiện ra nó có màu không như ý muốn. Nguyên nhân là khi ở cửa hàng, người đó đã chọn màu theo tưởng tượng và kinh nghiệm chứ không phải theo màu thực do mắt "quét" được.

    * Vấn đề nhân chứng

    Nếu các hình ảnh lưu giữ trong não bộ không có liên hệ gì rõ ràng với thế giới hiện hữu, thì ai có thể khẳng định rằng, cái anh ta nhìn thấy là "thật sự đã xảy ra", hay đó chỉ là "ảo giác". Trong lần thí nghiệm ở phần thứ nhất, người phụ nữ đã nói chuyện mấy phút liền với khách hỏi đường mà không nhận ra anh ta đã bị tráo đổi. Vậy thì lời kể của nhân chứng trong một sự kiện chỉ diễn ra chớp nhoáng có thể tin được hay không? Hơn nữa, ở thời điểm xảy ra sự kiện, nhân chứng thường khá thờ ơ, thậm chí anh ta đang chú tâm vào một việc gì đó hoàn toàn khác. Thế thì, nhân chứng có khác gì những người đàn ông xem bóng rổ, không hề nhìn thấy con vượn chạy qua.

    Nhà khoa học Stephen Kosslyn, Đại học Harvard, còn làm một thí nghiệm như sau: Ông mời 10 người xem bức ảnh của một người đàn ông. Sau đó, ông cho họ xem một bức ảnh khác cũng của người ấy với một số nét thay đổi về quần áo và kiểu tóc. Khi được mời kể lại về sự khác biệt giữa hai bức ảnh, 10 người này đã nói khác nhau, trong đó có nhiều chi tiết không hề có trong cả hai bức ảnh. Kosslyn kết luận: "Con người không thể phân biệt được đâu là thông tin khách quan (thực tế) và đâu là tưởng tượng. Bình thường, họ thu nhận hỗn hợp cả hai nguồn thông tin này".

    * Một mình giữa cõi đời

    Có lẽ sẽ rất lâu khoa học mới giải thích được mối liên hệ giữa thực tế và tưởng tượng. Tuy nhiên ngày càng có nhiều giả thiết cho rằng: Thế giới thị giác đầy đủ của chúng ta được hình thành từ một số hình ảnh cụ thể, kết hợp với một số hình ảnh chìm sâu trong kho kinh nghiệm và... rất nhiều tưởng tượng.

    Vì mỗi người đều có một trí tưởng tượng riêng, nên mỗi người đều cô độc trong một thế giới của những hình ảnh thị giác đơn lẻ. Tiến sĩ Richard Gregory, nhà tâm lý, tác giả của rất nhiều cuốn sách về tri thức thị giác đã đưa ra một tổng kết bi quan như sau: "Thế giới thị giác mà bạn đang sống là ngôi nhà riêng của bạn. Thỉnh thoảng bạn lại nuôi ảo tưởng rằng, có thể chia sẻ nó với một người nào đó. Nhưng thực tế, chẳng ai có thể chia sẻ với bạn. Bạn chỉ có một mình mà thôi... Một mình giữa cõi đời này".
     
    Chỉnh sửa cuối: 3 Tháng mười hai 2021
  10. Nyanko

    Bài viết:
    380
    8. BƯỚC VÀO THẾ GIỚI BA CHIỀU TRONG CÁC TÁC PHẨM THỜI KỲ PHỤC HƯNG

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Microsoft đã phát triển kỹ thuật giúp người yêu hội họa tiếp cận thế giới của những họa sĩ bậc thầy thời Phục Hưng. Bằng một chuyến du lịch ảo, khách tham quan có thể thâm nhập vào mọi góc cạnh của bức tranh Chúa chịu phạt của danh họa Piero della Francesca, đi bên các tông đồ hoặc đứng cạnh Chúa Jesus.

    Các nhà nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của Microsoft ở Cambridge. Anh, đã xây dựng các thuật toán để tạo ra toàn bộ khung cảnh hoặc từng phần của bức họa, cho phép các nhà nghiên cứu nghệ thuật phân tích hình khối và vị trí của từng vật thể. Kỹ thuật này còn có thể giúp tái tạo không gian ba chiều của toàn bộ bức họa.

    Antonia Criminisi, một trong những nhà nghiên cứu, cho biết: "Bạn sẽ cảm thấy mình như hiện diện trong bức tranh và thậm chí được đứng ngay cạnh Chúa Jesus".

    Người ta hy vọng công nghệ chụp hình mới này sẽ đưa thế giới nghệ thuật và khoa học máy tính tiến lại gần nhau hơn. Nó cũng góp phần cải tiến hình thức tham quan bảo tàng thông qua một chuyến du lịch ảo, không còn bị giới hạn trên những bức tường.
     
    Chỉnh sửa cuối: 3 Tháng mười hai 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...