Truyện Ngắn Chuyện Một Người - Miênn

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Miênn, 9 Tháng tám 2021.

  1. Miênn Sịnn

    Bài viết:
    11
    Tên truyện: Chuyện Một Người

    Tên tác giả: Miênn

    Thể loại: Truyện Ngắn

    Chương: ?

    Link thảo luận- góp ý: [Thảo luận - Góp ý] - Các tác phẩm của Miênn

    Văn án:

    Chuyện Một Người

    Một đời người rốt cuộc gặp gỡ bao nhiêu người, trải qua bao nhiêu chuyện?

    Một đời người rốt cuộc bao nhiêu lần hạnh phúc, bao nhiêu lần đau khổ, bao nhiêu cuộc chia ly?

    Chuyện một Người rốt cuộc có bao nhiêu sự kiện xảy ra, bao nhiêu con người xuất hiện?

    Ai sẽ được nhắc tên, ai rồi sẽ hóa hư không và ai sẽ ở bên ta trong chuyện một người..

    [​IMG]
     
  2. Miênn Sịnn

    Bài viết:
    11
    Chương 1

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Việt, cuối tuần này có về không con"

    "Dạ có bố ạ"

    "Thứ hai lại đi à con"

    "Dạ vâng ạ, sao không bố"

    "Công việc ổn cả chứ"

    "Dạ cũng tạm ổn ạ"

    "Vậy nghỉ một, hai ngày có được không con"

    "Được bố ạ, sao vậy bố"

    "Vào nam với bố một chuyến"

    Tôi nhận được cuộc điện thoại bất ngờ của bố vào lúc nửa đêm, một cuộc gọi khá xa lạ bởi lẽ nó dường như chưa từng xảy ra trước đây, ít nhất trong tiềm thức của tôi là như vậy và trong tiềm thức đó tôi cũng không thể nhớ được một dáng vẻ cùng với giọng nói trầm trầm như trong cuộc gọi ban nãy.

    Tôi và bố đang chiến tranh lạnh, cuộc chiến này dù nằm trong dự đoán của tôi nhưng thời gian bắt đầu vượt ngoài dự tính ban đầu.

    Chuyện là tôi mới ra trường và có ý định lập nghiệp ở thành phố cách nhà 2 tiếng chen chúc trên xe khách, nó là lý tưởng, là mục tiêu mà tôi hằng ao ước, phấn đấu nhưng lại là điều bố tôi không mấy mong muốn, ông hy vọng tôi về quê phát triển, gần gia đình hàng xóm láng giềng.

    Tôi biết vậy nhưng không ít lần đặt vấn đề, cuối tháng trước cũng vậy. Về nhà sau một chuyến xe chật chội ồn ào, tôi mang một quyết tâm nói rõ nguyện vọng của mình và mong nhận được sự ủng hộ dẫu nó khá mong manh. Cả buổi ngày hôm ấy tôi thấp thỏm không yên không biết lựa lời sao cho bố tôi xuôi. Tôi và bố tôi tính khí chính xác như mẹ tôi thường bảo là nhà có hai cục nam châm cùng dấu suốt ngày đẩy nhau, đặc biệt là những chuyện mang tính lựa chọn như thế này, vì thế mà mối quan hệ cha con không tốt lắm. Tôi đã soạn biết bao câu trả lời, bao lời biện hộ cùng lời khẳng định nhưng tất cả những gì tôi nhận được là một chữ "không". Lúc đó tôi nhận ra dù cho tôi có nói gì đi nữa thì điều bố tôi muốn nhận lại chỉ là điều bố tôi hy vọng chứ không phải một sự đảm bảo nơi tôi, nói thật, điều đó khiến tôi tự ái vô cùng rồi dần dần trở nên mất kiểm soát:

    "Không, không, không, tại sao lúc nào cũng là không, thời đại của bố khác của con lắm rồi, nó không còn phù hợp nữa, sao bố không thử đi theo con nơi thành phố, ở đấy biết bao nhiêu cơ hội, biết bao nhiêu thứ để phát triển chẳng phải tốt hơn ở đây ngàn lần hay sao?"

    Tôi thả chén cơm đang ăn dở, vùng vẫy đòi bỏ đi. Không để tôi kịp đứng dậy, bố tôi đã lên tiếng:

    "Không để thừa thức ăn, muốn đi thì ăn cho hết đi rồi hẵng đi"

    Bằng vẻ mặt lạnh lùng bình thản mà tôi chẳng bao giờ có thể chống cự được.

    Kể từ đó, tôi một câu cũng chưa nói lại với bố mà bố cũng chẳng chủ động nói chuyện với tôi, im lặng như thế cũng gần 1 tháng cho đến hôm nay.

    Cuối tuần tôi về nhà như dự định, mọi thứ vẫn thế thôi, vẫn căn nhà qua vài ba lần sửa chữa, vẫn mấy món ăn mẹ tôi hay nấu mà bố luôn chê dở, vẫn là sự im lặng của bố trong những câu chuyện bên mâm cơm của mẹ.

    Ngày hôm sau tôi cùng bố lên tàu vào nam, suốt cả dọc đường, ngoài những lúc cần thiết bố tôi chỉ ngồi lặng lẽ ngắm nhìn cảnh vật lướt qua từ ô cửa sổ như chìm vào một thế giới riêng mà không một ai có thể bước vào.

    Bố tôi năm nay cùng đã gần sáu mươi, mái tóc đã bạc đi vài phần, xương quai hàm lộ rõ vẻ gầy gò so với thân hình cao gần mét tám cùng với đôi mắt luôn xa xăm.

    Những năm tháng tôi trưởng thành, hình ảnh bố tôi luôn là sự nghiêm khắc đến đáng sợ, là sự cần cù chịu khó là đôi khi im lặng đến khó hiểu. Chuyện của bố, tôi chẳng biết gì nhiều, mẹ tôi cũng vậy. Những câu chuyện về bố tôi mẹ tôi cũng được nghe kể lại từ những người anh em, hàng xóm. Bố tôi rất thích đông anh em bởi lẽ bố tôi là con một, sinh ra trong một gia đình kiểu mẫu đông con thiếu thốn vật chất những năm cuối cách mạng chống Mĩ, bằng một cách tâm linh nào đó, bố tôi chứng kiến cảnh anh chị em mình lần lượt qua đời trong cơn đói, bệnh tật và năm bốn tuổi, bố tôi biết thế nào là không nơi nương tựa cũng thấu hiểu sâu sắc sự cô đơn, lạc lõng cùng với cái đói quằn quại theo từng cơn mà bất kì một đứa trẻ mồ côi nào đều phải trải qua. Bốn tuổi, chẳng phải quá nhỏ hay sao?

    Vẻ cô đơn đấy bố tôi thật tài giấu diếm, hai mấy năm qua chẳng lần nào nhìn thấy, chỉ là có một lần, lần đó tôi mới vào lớp một, mới học được bài thơ Ông em mà hớn hở chạy về quán, mặc cho bố tôi vẫn đang chuyên chú công việc, tôi vẫn tíu ta tíu tít:

    "Ông em tóc bạc

    Trắng muốt như tơ

    Ông em kể chuyện

    Ngày xửa ngày xưa."

    Cùng với đó là ngàn thắc mắc:

    "Bố ơi ông có tóc bạc, râu dài"

    "Bố ơi bà có đẹp lão như bà tiên"

    * * *

    Sửa nốt con xe cuối, thu dọn đồ đạc rồi đóng quán đã nha nhem chiều, đỡ tôi lên con xe tám mốt, tiếng xe nổ chẳng còn mấy êm bành bạnh chạy trên con đường bê tông lồi lõm hòa cùng với tiếng đọc thơ ngân nga "Ông em tóc bạc/ Trắng muốt như tơ.."

    "Bố, ông bà mình cũng đẹp lắm nhỉ?"

    "Ừm, chắc đẹp lão lắm.."

    Tiếng bố tôi trả lời bất ngờ khiến tôi chuyển dời ánh mắt, ngước lên nhìn, xương quai hàm gầy góc cạnh, bố tôi vẫn đang chuyên chú lái xe, một gương mặt xa lạ mà tôi không hề biết trong sắc vàng cam của chiều muộn, lúc đó, tôi không hiểu được những suy nghĩ hay tâm trạng của bố tôi, chỉ có thể cảm nhận một bầu không khí ngượng ngập xen lẫn chút buồn man mác.

    Giả như lúc đó không phải là tôi của năm sáu tuổi, có lẽ tôi sẽ nhận ra ở nơi đáy mắt bố tôi không phải là hình ảnh người người tấp nập đường về nhà mà là một khoảng không vô định, mơ hồ, như cố gắng truy tìm lại một chút hình ảnh của đấng sinh thành trong kí ức non nớt của cậu nhóc bốn tuổi, như cố gắng hình dung khuôn mặt bố mẹ mình khi về già mà trả lời cho câu hỏi của tôi hoặc là khẳng định cho câu trả lời mà mình đã đưa ra chăng.

    Đường đã lên đèn, cả tôi và bố tôi đều không ai nhận ra điều đó, bố tôi vẫn đang nắm chắc tay lái, còn tôi vẫn chăm chú nhìn ngắm khuôn mặt đó, để tìm ra chút gì đó có thể giải đáp ngàn thắc mắc đang chạy dài trong đầu tôi, dẫu đến cuối những thắc mắc kia chưa có thể phá giải nhưng khuôn mặt cô đơn lạ lẫm đó trở nên sâu đậm trong trí nhớ của tôi mãi sau này.

    Tôi cũng hiểu điều đó dần trở thành một sự cấm kị trong gia đình tôi mà đặc biệt, đối với bố tôi nó như một mũi tên cắm chốt vào ngực, không thể rút ra mà điều chúng tôi có thể làm là không động chạm vào nó.

    Năm mười tuổi, bố tôi được nhận nuôi bởi một người anh em xa, điều kiện cũng chẳng khấm khá gì, lại thêm mối quan hệ vợ đầu, con riêng, bố tôi trở thành cái gai trong mắt vợ con của ông âu cũng là điều dễ hiểu, thứ duy nhất níu kéo bố tôi ở lại căn nhà đó chắc cũng chỉ có tình thương ông dành cho bố mà thôi.

    Ông cho bố tôi ăn học đến lớp mười hai, bố được ông tìm thầy dạy nghề, vốn liếng mở quán cũng là tiền ông dành dụm cho tuổi già, được ông đứng ra đại diện bên nội chu toàn cho đám cưới, ngày mẹ đẻ chị tôi, cũng là ông chăm sóc như mẹ ruột, chị tôi lớn hơn một chút, cũng là ông chăm nom để mẹ rảnh rang làm việc.

    Điều khiến tôi ghen tị nhất với chị tôi không chỉ là cảm nhận hơi ấm của tình ông cháu mà còn là việc chị được ông đặt cho một cái tên rất hay, Thanh Tâm, ông bảo ông hy vọng chị tôi cả đời sống với cái tâm thanh thuần, không vướng bận. Ông tôi thuần nông, gia tài cũng chỉ là vài ba mảnh đất từ tổ tiên để lại, từ con ruột đến con riêng của vợ đầu, vợ hai, đến dâu rể ai cũng có phần, mảnh đất nhà tôi đang ở cũng là một trong những tải sản của ông.

    "Công sinh không bằng công dưỡng dục", quả thật bố tôi đã sống rất đúng cho câu nói đó. Mẹ kể, từ ngày mẹ về làm dâu, chưa một lần thấy bố cãi lời hay thái độ thất lễ gì với ông, mặc dù tính ông có hơi gia trưởng, nghiêm khắc nhưng bất kể ông yêu cầu gì bố tôi cũng cố gắng đáp ứng tốt nhất có thể. Cả cuộc đời ông tính ra có một đứa con trai ruột, một đứa con trai riêng của vợ hai, hai đứa con gái nhưng những năm cuối cùng ông lại ở bên cạnh gia đình tôi.

    Năm mẹ tôi sinh tôi vừa được vài tháng ông qua đời sau một lần ngã, kể từ đó bố tôi đảm nhận chuyện thờ cúng, ngoài những ngày rằm, đầu tháng ra, cứ sáng ba mươi Tết, bố tôi cũng các bác lại sang nhà ông dọn dẹp bàn thờ, bày biện hoa quả, bánh trái, cùng với một bao thuốc lào mà ông thích, đến tối giao thừa và sáng mồng một cả nhà chúng tôi cùng nhau thắp hương, cầu nguyện về năm mới, đều đặn như thế, mười tám năm.

    Ngày con trai cả về thăm quê, chẳng một lời bàn bạc cứ thế đưa ông vào nam để lo chuyện thờ cúng, mọi thủ tục xong xuôi, bố tôi một lời cũng chẳng nói, cứ thể nhẫn nhịn, chịu đựng. Có lẽ đây là điều duy nhất khác biệt giữa con ruột và con nuôi trong suốt bao mươi năm làm con ông mà bố tôi nhận ra được một cách rõ ràng và đau đớn đến thế.

    Ông đi, căn nhà và mảnh đất cuối của ông cũng bị con trai cả đem bán rẻ cho cháu ngoại, nhà nhanh chóng phá đi và xây dựng phòng trọ mới. Mỗi lần đi ngang qua, ai trong chúng tôi cũng không kìm được lòng mà hướng vào xem, mảnh đất đó chứa đựng tuổi thơ đội nắng trốn đi hái nhãn, bứt na, bứt ổi của chị em chúng tôi, chưa đựng tuổi thanh xuân, chân ướt chân ráo về làm dâu nhà người của mẹ tôi và cả cuộc đời của bố tôi, chỉ duy có bố tôi không đi con đường ấy nữa, mỗi lần đi đánh cờ đều cố tình đi đường vòng hay việc chúc tết hàng xóm lân cận đó đều để mẹ tôi làm.

    Ông đi, cảnh cũng chẳng còn nhưng kí ức thì khó phai, hình ảnh chị tôi ngồi trong giỏ xe đạp già Thống Nhất cùng ông vi vu quanh xóm hay ra quán bố tôi thậm chí lên nhà ông bà ngoại cách nhà gần hai cây số luôn được mẹ tôi nhắc về mỗi khi mưa gió, cả nhà quay quần bên rổ khoai, rổ ngô mới luộc..

    Có lẽ mẹ tôi cũng không muốn thời gian lãng quên một người tuyệt vời như ông cùng với những điều tuyệt vời mà ông đã làm cho gia đình tôi bởi thế mà cho dù tôi và hai đứa em không hề biết mặt ông cũng luôn dành cho ông một sự trân trọng và yêu thương vô cùng.
     
    Chỉnh sửa cuối: 14 Tháng chín 2021
  3. Miênn Sịnn

    Bài viết:
    11
    Chương 2

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Lần này vào Nam cũng là để đến thăm ông.

    Sau gần một ngày vật vã trên chuyến tàu lửa SE5 từ một rưỡi sáng hôm qua, chúng tôi cập bến tàu Phan Thiết, Bình thuận lúc mười một giờ mười lăm phút đêm. Tay xách nách mang một đống đồ ra tới cửa, tôi đã thấy bác Phi cùng với anh Hùng đứng đấy chờ sẵn, chúng tôi di chuyển đến nhà bác ngay sau đó, vào đến nhà việc đầu tiên bố tôi làm là thắp cho ông một nén hương, nhìn gương mặt ông trên tấm ảnh thờ, tấm ảnh mà tôi ngày còn nhỏ luôn cố nhìn vào mỗi khi thắp hương để tưởng tượng ra người ông mà mẹ tôi vẫn hay kể, tôi thấy sống mũi mình cay cay, có lẽ lòng dạ tôi cũng vô tình như thời gian đang lặng lẳng trôi qua, lẳng lặng quên đi những câu chuyện về ông, về gương mặt mà bố tôi không dám nhìn thẳng vào. Bố tôi cúi gằm mặt xuống bàn thờ, không hề nhìn lên lấy một lần, nhỏ nhỏ lên tiếng:

    "Ông, hôm nay tôi về thăm ông"

    Sau đó nhìn về phía tôi:

    "Con cũng thắp cho ông nén hương đi"

    Câu nói đó kéo tôi về thực tại, nhanh chóng cầm lấy nén hương đang cháy từ bố. Xong xuôi chúng tôi nhanh chóng nghỉ ngơi. Ba, bốn giờ sáng, cổ tôi khát khô, có lẽ tôi chưa thể quen cái nóng nực khô khan nơi đây, mò dậy vào phòng bếp, đi qua nơi gian khách, tôi bỗng thấy bố tôi đứng cạnh mép bàn thờ mà thủ thỉ, nhỏ thôi, tôi lại gần mới nghe thấy

    "Ông đã quen chưa, cũng gần bốn năm rồi đấy, ở đây có hợp không, không hợp thì tôi đưa ông về lại, tôi cũng đỡ vất vả vào thăm ông, ông có uống hợp rượu đây không, thuốc lào nữa, à ông đợi tôi tí, tôi có mang vào cho ông một ít đấy"

    Tôi vội nấp vào bình nước, bóng dáng cao gầy, nghiêm nghị ấy giờ lại như một đứa con nít vội khoe thành quả mà mình mới làm được ấy, rất nhanh đã chạy ra

    "Đây nè, rượu này là của con ông Thất nấu đấy, tay nghề cũng không kém hơn cha là bao, còn đây là thuốc lào Hải phòng chuẩn đấy nhá, tôi mang vào tận năm bịch luôn đấy.."

    Lén lén lúc bố đang say sưa, tôi lẻn về phòng, lúc đi ngang qua bố, tôi nghe được tiếng thở dài:

    "Không có ông, tôi cũng buồn lắm chứ.."

    Về tới phòng tôi không nào ngủ được, năm, sáu giờ sáng tôi vẫn văng vẳng trong đầu những câu nói ban nãy của bố tôi. Một đời người dài như thế, rốt cuộc bố tôi mấy lần được kêu tiếng "bố"?

    Hôm nay nhân chúng tôi vào thăm ông, bác cả cùng các anh chị quầy quần về làm vài ba mâm cơm hàn huyên, chúng tôi trải chiếu ra ngồi quanh sân, đây là lần đầu tiên tôi vào đây, bỡ ngỡ là không thể tránh khỏi giả như tiếng miền nam lai lái của bác cả, như món ăn ngòn ngọt của thím hay những câu chuyện đâu đâu tôi chả biết bao giờ, ấy thế mà bố tôi dường như chả mấy xa lạ, hòa vào những cuộc nói chuyện, thăm nhau chén rượu rất mượt.

    Ngày hôm sau chúng tôi tạm biệt mọi người để ra về. Trước khi đi chúng tôi lại thắp cho ông một nén hương, lần này bố tôi không còn cúi mặt xuống nữa mà nhìn lên ông:

    "Thôi, tôi đi đây, ông ở lại"

    Quay sang nhìn tôi mà nói:

    "Chào ông đi con, mình đi"

    "Dạ, con chào ông con đi"

    Lên xe khách trong sự ngơ ngác, tôi liền hỏi bố

    "Không phải giờ mình về ạ"

    "Công việc có ổn không?"

    "Dạ vẫn ổn con xin nghỉ phép ba ngày mà"

    "Ừm, bố có chút công chuyện ở Sài Gòn"

    Sau khoảng bốn tiếng đồng hồ, chúng tôi lại bắt taxi đến nghĩa trang thành phố, đúng vậy là nghĩa trang, tôi cũng không khỏi bất ngờ, cữ ngỡ là nghe nhầm nhưng giọng nói rõ ràng, chắc chắn của bố tôi hoàn toàn phủ nhận điều đó.

    Dừng chân nơi cổng nghĩa trang, chúng tôi được một người trạc tuổi bố ra đón, vẻ mặt hớn hở nhưng nhánh chóng ổn định lại cảm xúc cho phù hợp:

    "Anh Nam, phải anh đấy không, lâu quá, lâu quá rồi, dạo này khoẻ không, mần ăn ra sao, sao nhìn gầy hơn thì phải"

    "Ừa, lâu quá, vẫn khoẻ chứ, đây con trai tôi, mới ra trường đang chạy việc lấy kinh nghiệm thôi" bố tôi đáp lại lời bằng thứ tiếng miền nam tôi nghe chưa quen, tôi bần thần đáp lại

    "Dạ chào chú ạ"

    "Đây chú Hào, bạn bố, đang kinh doanh vật liệu xây dựng đấy"

    "Chà, giống nhau quá, hệt như anh ngày trẻ, chắc cũng giỏi giang không kém"

    "Dạ, cháu vẫn đang phải học hỏi nhiều ạ"

    "Thôi anh dẫn tôi đi"

    "Vâng, anh theo em"

    Theo chân chú Hào, chúng tôi dừng lại trước bia mộ còn mới, trên đó ghi chú tên "Lô Thị May" sinh ngày 20 tháng 1 năm một 1965 mất ngày 8 tháng 6 năm 2020, hưởng dương năm lăm tuổi cùng với một tấm ảnh đen trắng khuôn mặt người con gái dịu dàng với một nụ cười rất tươi, điều gì đó mách bảo tôi đây chắc hẳn là một người phụ nữ quan trọng với bố tôi.

    Mất ngày mùng tám tháng sáu? Chẳng phải là hôm bố tôi gọi điện cho tôi đấy sao? Chú Hào bất chợt vẫy vẫy tôi, rồi vừa đi vừa bắt chuyện dẫn tôi lánh sang một nơi khác

    "Mới ra trường chắc chưa quen công việc đâu nhỉ, có dự định gì chưa"

    "Dạ cháu cũng đang tính phát triển ở Vinh đấy ạ, ngặt nỗi bố cháu chưa xuôi lắm"

    "Thế à, qua được ải anh Nam là thành công lớn đấy"

    "Dạ, chú quen bố cháu như nào ạ, bố cháu chẳng mấy khi kể chuyện về mình"

    "À, quen ở trường đại học, sau rồi ở cùng trọ, cùng nhau đi làm, chà, nhanh thật đấy, mới đó mà.."

    "Đại học ấy ạ? Bố cháu từng học đại học ạ?"

    "Ừm, nhưng bỏ dở đi làm rồi, nghĩ lại, hồi đấy khó khăn quá"

    "Thế chú sao giờ lại kinh doanh ạ"

    "Ừm, chú cũng bỏ học theo bố con, hai người bọn chú chắc phải nói là nghèo nhất thời đấy, nhờ có bố con mà giờ chú mới được như bây giờ"

    "Chú kể chi tiết cho cháu nghe được không ạ"

    "Được chứ, khi nào có dịp, bây giờ mình quay lại nào, mải nói chuyện mà đi xa quá"

    "Vâng"

    Đầu tôi ngổn ngang bao thứ, nguồn tin này ập đến nhanh quá, tôi không kịp sắp xếp, hóa ra bố tôi từng có một khoảng thời gian sống ở đây, lại còn là sinh viên Đại học, chuyện gì khiến bố tôi bỏ dở việc học? Chuyện gì khiến bố tôi về lại quê lập nghiệp?

    Thật sự có quá nhiều điều thắc mắc, tôi ôm một mớ thắc mắc ấy trở lại gặp bố, bố vẫn đang đứng đấy, lặng nhìn ngôi mộ, thấy chúng tôi quay về liền như sực tỉnh:

    "Thôi chúng ta về thôi, cảm ơn chú"

    "Anh cứ khách sáo làm gì, mọi người đang đợi anh đấy"

    "Này, chú đừng nói với tôi chú thông báo với mọi người nha"

    "Em biết anh không thích nhưng mọi người bao năm qua ai cũng trông ngóng anh quay lại, một bữa ăn thôi mà"

    "Thôi được rồi, ta đi con" bố tôi đập vai tôi, khiến tôi ngơ ngác kêu lên một tiếng

    "Ta đi"

    "Dạ" tôi quay lưng bước đi, không nhịn được quay đầu lại một cái, ánh mắt đập vào bông hoa bằng lăng tím nằm lẻ loi bên cạnh nụ cười của cô gái..
     
    Chỉnh sửa cuối: 14 Tháng chín 2021
  4. Miênn Sịnn

    Bài viết:
    11
    Chương 3

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Chúng tôi tiếp tục di chuyển đến địa điểm mới, lần này dừng chân tại cổng trường đại học mà bố tôi từng theo học, có vẻ như bố tôi không tình nguyện trở lại lắm nhưng nể tình chú Hào mà đành im lặng ngầm chấp nhận.

    Tới nơi, có thêm hai người ra đón, mọi người ai cũng niềm nở, chào hỏi nhiệt tình. Qua lời giới thiệu của bố và tự giới thiệu của họ tôi mới biết đây đều là những người ở cùng một dãy trọ với bố tôi và học cùng khoa sư phạm của trường cũng là những người theo suốt quãng thời gian bố tôi ở đây.

    Chúng tôi vào thăm trường, mọi người ai cũng không khỏi suýt xoa sao thời gian trôi qua nhanh quá, sao cảnh vật thay đổi nhiều, đi mãi đi mãi chúng tôi dựng lại nơi hội trường chính, ở đó treo đầy những bức ảnh mang đậm dấu ấn lịch sử của trường từ những năm mới thành lập đến bây giờ.

    Ánh mắt tôi dừng lại nơi bức ảnh kỉ niệm năm mươi năm thành lập trường, một gương mặt mà tôi vừa mới nhìn thấy, chỉ khác là gương mặt này đã in dấu thời gian. Cô Hoa tiến lại gần tôi, tôi nhanh chóng hỏi:

    "Cô Hoa, đây có phải cô May không ạ."

    "Ừm, đúng rồi, là cô ấy đấy, trong đám người bọn cô chỉ có cô ấy bền bỉ theo đuổi ngành này nhất, cô ấy giỏi lắm, ra trường còn được nhà trường giữ lại, không như cô nhanh chóng lấy chồng sinh con rồi bỏ ngang việc học, tiếc là."

    Cô Hoa vừa nói vừa ngắm nhìn bức ảnh

    "Tiếc là.."

    "Tiếc là tài hoa thì bạc mệnh, sự nghiệp thăng hoa thì tình duyên lận đận, kết hôn nhưng không hạnh phúc, chồng bây giờ đang ngồi tù còn con cái thì hư hỏng, chẳng chịu tu chí làm ăn, có lẽ cũng túng quẫn quá mà nên mới suy nghĩ cực đoan như thế.."

    Tiếng thở dài não nề, tiếc thương cho một kiếp người long đong.

    "Ô, còn có cả ảnh đây này, cháu xem xem, đây là chú Thắng này, chú Hào nữa, bố con đây, cô May và cô, bọn cô bao giờ cũng dính lấy nhau như thế, thấy một đứa là thấy cả đám."

    Nhìn theo hướng chỉ tay của cô, tôi nhanh chóng nhận ra bố tôi, quả thật tôi đúng như lời cô chú nói tôi rất giống bố tôi thời trẻ, bố tôi cười rất tươi, tự nhiên khoác vai chú Hào, chú Thắng bên cạnh, phía trái là cô May, cô Hoa, tôi nhìn ai cũng thấy rực rỡ tuổi trẻ, cũng nhiệt huyết với đời.

    Có lẽ thời gian vô tình hơn chúng ta tưởng, không chỉ là những đổi thay trên nét mặt hay sức khoẻ mà còn lấy đi sức sống của đời người. Khi mà bước sang cái tuổi an tĩnh thì dường như con người ta lại khao khát được vươn ra va chạm với cuộc sống như cách mà ta đã làm mà không ngừng hoài niệm về một thời oanh liệt của chính mình.

    Mọi người nhìn mãi vào bức ảnh đen trắng đấy, chăm chú nhớ lại mình ngày trước, bố tôi cũng vậy. Phải chăng bức ảnh đó đã gợi lại chút ít kỷ niệm còn sót lại mà bố tôi vốn cất giấu rất lâu? Hay có chăng sự tồn tại của bức ảnh đó là minh chứng phản biện lớn nhất cho những phủ nhận trước kia khiến bố tôi không thể di dời ánh mắt sang một nơi khác.

    Hôm nay là thứ 2, mặc dù đang nghỉ hè nhưng vẫn có một vài sinh viên, giáo viên đến trường, trong đó có một người cứ len lén nhìn tôi mãi, đúng lúc đi ngang qua tôi, tay ôm một chồng tập vở, tôi liền lại giúp đỡ một chút.

    "Cảm ơn anh ạ."

    "Không có gì, đem đi đâu đây."

    "Dạ, phiền anh đi theo em ạ."

    Vừa đi cô sinh viên vừa giải thích:

    "Mấy tài liệu này đều của cô em để lại trước khi nghỉ hưu, cô có nhờ em vứt hộ nhưng về quê nên chưa làm được, nay lại nghe được tin cô mất nên e muốn đốt chúng đi mong đến được với cô coi như là một chút tưởng niệm."

    "Ồ, thế để tôi giúp."

    "Được không ạ, không lỡ việc chứ ạ, trông anh không giống sinh viên ở đây."

    "Ừm, tôi theo bố đến thăm trường cũ ấy mà."

    "À, thì ra là vậy."

    Chúng tôi hỏi thăm nhau thêm đôi chút rồi mới biết cô ấy cùng quê, thứ tiếng quê hương khiến tôi thấy dễ chịu hơn một chút.

    "Ơ, có lá thư." Cô ấy vừa nói vừa đưa cho tôi xem

    Một lá thư dán tem đầy đủ, đề tên người gửi "Lô Thị May" và người nhận, bố tôi, "Trần Văn Nam", kèm với địa chỉ nhà cũ của ông tôi

    "Em lấy ở đâu vậy."

    "Nó kẹp vào trong cuốn sổ này nè anh."

    Tôi cầm cuốn sổ trong tay, bất giác run nhẹ mở ra, đọc sơ qua vài dòng rồi nhanh chóng quyết định giữ lại. Tôi không biết điều gì khiến tôi suy nghĩ nhanh đến vậy, là sự tò mò của bản thân mình chăng?

    "Em chắc thân thiết với cô lắm nhỉ, nên cô mới nhờ vả em thế này."

    "Dạ, chắc cũng tại cùng quê, em thấy nể phục cô lắm, thỉnh thoảng 2 cô cháu cũng tâm sự qua lại, cô đưa ra lời khuyên cho em nhiều lắm vậy mà một lời cảm ơn cho cô em cũng chưa kịp nói, không ngờ cũng không có cơ hội để nói.."

    Tôi vừa nói vừa cố gắng di dời câu chuyện sang một vấn đề khác vừa kẹp lá thứ vào cuốn sổ rồi giấu sau lưng, đốt được nửa số sách vở, tôi canh cho lúc cô sinh viên chăm chú rồi kiếm cớ mắc việc mà rời đi, tất nhiên cùng với cuốn sổ ấy.

    Tôi liền vội ra xe, sau khi cất gọn nó trong balo mới khiến tôi dễ thở hơn một chút, cái cảm giác hệt như hồi nhỏ trốn bố mẹ ngủ trưa đi hái ổi, hái na bên ông ấy nhưng nó dữ dội hơn nhiều bởi tôi biết hậu quả không chỉ đơn giản là cài ba trận đánh đòn của bố.

    'Ơ đây rồi, đây rồi "tiếng chú Hào

    " Các cô chú thăm quan trường xong rồi ạ, cháu nóng quá nên ra xe đợi trước ạ. "

    " Ừm, bây giờ anh muốn đi đâu không? "

    " Thôi, tôi cũng không muốn đi đâu cả đâu. "

    " Cháu thì sao? "

    " Dạ cháu theo cô chú ạ. "

    " Vậy thì em đưa anh với một người đến một nơi. "

    Đó là cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng của chú Hào. Quả là một cửa hàng rất to nằm gần ngã tư trung tâm thành phố, theo lời chú kể, đây chỉ mới là nơi tiếp đón, làm hợp đồng với khách chính, còn vài ba cửa hàng nhỏ lẻ khác nằm rải rác toàn thành phố cũng như một vài tỉnh lân cận, bên cạnh đó còn một vài xưởng để chứa đồ, sản phẩm.

    Chú dẫn chúng tôi đến xưởng chính, nhân công khá nhiều, xe tải chở hàng tập nập ra vào ra, ở đây đều có những sản phẩm phổ biến trên thị trường mang những đậm dấu ấn trong lòng người Việt và cả những mặt hàng mới du nhập một vài năm gần đây. Đối với một đứa đang ấp ủ mở một của hàng như thế, thì đấy quả là thiên đường mà tôi vừa mới khám phá được, đây đích xác là những gì mà tôi đã tưởng tượng được trong đầu và luôn mong ngóng ngày biến nó thành sự thật

    " Sao, thấy thế nào? "

    " Dạ, quả thật rất tuyệt ạ. "

    " Đúng không, đây đều là những gì mà bố cháu đã làm đấy. "

    " Dá, cái gì ạ. "

    " Đây đều là những gì bố cháu gây dựng nên đấy. "

    " Không, chú đừng nói thế, tôi chỉ là góp một công nhỏ thôi, những gì có ngày hôm nay là công sức của chú cả đấy chứ. "

    " Anh cứ nói thế, nếu ngày đó anh không về quê, giao lại cửa hàng cho em thì có khi cửa hàng này bây giờ còn phát triển hơn. "

    " Thôi chuyện qua rồi, chú thành công như này là tôi mừng rồi. "

    Cuộc hội thoại ban nãy khiến tôi không khỏi há hốc miệng ngạc nhiên, cửa hàng này, công xưởng này và cả những cơ sở khác nữa đều có công sức của bố tôi ư? Những thứ mà tôi mới chỉ nghĩ trong đầu, những điều tôi chỉ mới dám tưởng tượng thậm chí con từng thấy bản thân mình rất tài giỏi, vậy mà đã trở thành hiện thực với bố tôi hơn 30 năm về trước. Điều này khiến tôi bất giác trở nên ngờ vực bản thân, nhớ lại câu nói lúc nóng giận cãi nhau với bố mà tự cảm thấy hổ thẹn vô cùng.

    Chúng tôi ăn trưa ở một nhà hàng gần đó mà chú Hào đặt trước, mọi người ai cũng vui vẻ kể lại chuyện xưa, tôi cũng hào hứng được nghe lại những chuyện nhiều năm về trước, chỉ có bố tôi vẫn thế, vẫn cố gắng chèo lái câu chuyện về hiện tại, kiểu như thế này:

    " Anh Nam em mời anh một chén, cuộc đời em may mắn nhất là gặp được anh, không có anh ngày đó, bố em lâm bệnh nặng, buộc phải bỏ học, chính anh là người cùng em bán đồng hồ, bán xe đạp cả chú Thắng bán luôn cả cây đàn chung vốn làm ăn.. "

    " Được rồi, được rồi, tôi mời chú. "

    " Việt, cửa hàng mà cháu thấy, ban đầu chỉ là một cái quán nhỏ rộng chỉ đủ một cái giường đơn, với một cái bàn ghế nhỏ để làm việc thôi, chú với bố cháu cả ngày vầy và ở đấy trong nắng nóng bốn mấy độ không có nổi một cái quạt để mời gọi khách, không có khách thì đêm đến chạy xe ôm trả tiền mặt bằng, có khách rồi thì lại chạy từ xưởng của chủ cũ là bác Năm lấy vật liệu rồi chở qua cho khách, vất vả thế hơn một năm mới có tiền thuê xưởng riêng rồi mới có tiền vốn lấy hàng, mà suốt khoảng thời gian đó chủ yếu là một tay bố cháu lo liệu, chú phải chăm bố bệnh chỉ bỏ vốn ra được một cái đồng hồ đó thôi, thế mà nói đi là đi.. "

    " Thôi được rồi, ăn đi. "

    " Anh phải để em nói, bố cháu nói phải về quê một chuyến, một chuyến mà bao nhiều năm trời, rồi chỉ một lá thư phó thác là xong, cái May cũng chẳng biết gì, đau khổ một thời gian dài.. "

    Chú Hào đã ngà ngà say, nói năng bắt đầu mát kiểm soát, chỉ thao thao bất tuyệt lờ đi khuôn mặt dần khó coi của bố tôi và bầu không khí khó xử lúc này.

    " Thôi, thôi chú hào say rồi đấy, ăn đi, đây tôi gắp cho anh. "

    Chú Thắng lên tiếng

    " Đúng rồi, ăn đi, các anh cứ toàn uống thôi, chẳng chịu ăn gì cả."

    Tiếng cô Hoa phụ họa

    Cuộc nói chuyện đứt đoạn khiến tôi không khỏi chút thất vọng, hơn ai hết tôi là người mong mỏi được biết chút ít thông tin về bố tôi những năm tự lập nơi đất khách càng mong mỏi hơn sao cho bữa tiệc này nhanh chóng kết thúc để tìm chút manh mối từ cuốn sổ kia.
     
    Chỉnh sửa cuối: 14 Tháng chín 2021
  5. Miênn Sịnn

    Bài viết:
    11
    Chương 4

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tầm 10 giờ đêm, sau khi ăn uống và đi dạo một chút, chúng tôi đưa chú Hào về nhà, mặc cho chú mời mọc đủ cách để giữ chúng tôi lại nhưng kết quả đều bị bố tôi từ chối, chúng tôi thuê một khách sạn gần ga để mai di chuyển cho tiện. Trên đường về, mệt mỏi nhắm mắt một chút, tôi bỗng nghe tiếng nói chuyện của chú Thắng:

    "Anh cũng đừng giận gì cái Hào, nó mấy năm qua cũng day dứt nhiều.."

    "Tôi có giận gì chú ấy đâu."

    "Từ khi anh đi, nó một mình xoay xở hết chuyện cửa hàng, chạy chỗ này chỗ kia đến tối mịt, em biết nó vẫn đang đợi anh về, nhận bức thư anh giao cửa hàng lại cho nó, lần đầu tiên em thấy nó vùng vằng như một đứa con nít bị mẹ sai làm việc nhà, vậy mà hôm sau cũng là nó thay anh quán xuyến, nhất quyết làm theo những đề án mà anh đề ra trước đó, có lẽ nó cũng không muốn công sức của anh và nó biến mất một cách oan uổng như thế.."

    Tôi không nghe được tiếng bố tôi đáp lại, chỉ là tiếng thở dài làm bầu không khí trở nên ngột ngạt, khó thở, chuyện đã qua lâu nhưng dường như sức nặng của nó không đổi, đeo bám mãi lấy quá khứ, hiện tại và có thể là tương lai mỗi khi lay động tới.

    Qua một ngày đi lại khắp nơi, bố tôi hẳn rất mệt mỏi, nhanh chóng tắm rửa rồi lên giường đi ngủ, tôi cũng mệt nhưng ý chí tôi thì vẫn luôn cố căng gồng để tỉnh táo.

    Chờ cho tiếng thở của bố dần dần vào quỹ đạo, tôi mới lấy cuốn sổ từ trong balo ra. Đó là một cuốn sổ kiểu cũ, dòng chữ "giáo án" ánh vàng nổi bật trên nền bìa cứng màu mận đỏ đã chẳng còn mấy thẳng có lẽ vì giở đi giở lại nhiều, lật trang đầu tiên, một dòng chữ viết tay rất đẹp nơi lề phải: "Thân tặng giảng viên có thành tích xuất sắc nhất năm 2001". Tôi lật tiếp trang sau cũng là trang mà tôi đọc nhanh được vài dòng khi ở trường, dần chìm vào những dòng chữ đó lúc nào không hay..

    "Nam, anh đi cũng được hơn 2 tuần rồi đấy, 2 tuần này em chẳng làm được gì cả, cứ ngồi thẫn thờ nhớ anh để cho cái Hào nó suốt ngày mắng. Đây là lần đầu tiên mình xa nhau lâu đến thế, kể từ cái ngày gặp anh ở nghĩa trang thị trấn, cũng bao năm rồi anh nhỉ, 12 năm.

    Ngày đó em mới chỉ là đứa con nít 9, 10 tuổi cô đơn lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình mà suốt ngày ra mộ mẹ khóc lóc gặp anh đang lọ mọ nhổ hết đám cỏ quanh quanh hai ngôi mộ. Anh đúng là lạnh lùng từ nhỏ, em khóc cả một buổi chiều đấy mà anh cũng chẳng dỗ dành một câu lấy lệ, vẫn chăm chăm làm việc của mình, cũng là em bắt chuyện hỏi anh trước anh chỉ trả lời:" dọn nhà cho bố mẹ, thay vì khóc lóc ". Vì câu nói đó mà em chẳng những liền nín khóc mà cũng lao vào nhổ cỏ. Tuần sau em lại gặp anh, tuần sau nữa, đều đều như thế mấy tuần liền, em lúc đó cứ nghĩ sự im lặng kia của anh là thay cho lời đồng ý mà theo anh luồn lách qua từng khu mộ, cùng nhau chờ đợi mùa hè đến có nắng cháy da cháy thịt, có mưa to xối xả phải lấy lá chuối che đầu, có cả hoa bằng lăng nở tím trời mà chúng mình hay với hái đặt lên mồ bố mẹ, loài hoa thuỷ chung của những tình cảm trong sáng, thanh thuần, của chia ly, vĩnh biệt người thương.

    Anh hơn em có một tuổi thôi, vậy mà em nhìn đâu cũng thấy trưởng thành, em còn nhớ, hôm đấy anh thẫn thờ nhìn vào một khuôn mộ mới sửa, to và đẹp anh nhỉ, em suýt xoa mãi không thôi mà anh lúc đó chỉ nói" sau này anh cũng sẽ xây nhà cho bố mẹ như thế này ". Con nít luôn hơn so thiệt kém, em cũng chẳng muốn mẹ mình chịu thiệt thòi mà nói theo" em cũng muốn ". Rồi chúng mình lại đi nhổ cỏ thuê, cuốc đất mướn, ai kêu gì làm đấy, cố gắng dành dụm tiền đến nỗi một cái bánh gai khi bụng đói cồn cào cũng chẳng dám mua.

    Chúng mình đã quen như thế rồi, ngay từ nhỏ đến thời sinh viên, cái cảnh bụng đói cồn cào ấy, thế mà em giờ đây lại thèm được cảm nhận lại cảm giác đó. Cạnh anh, em cảm thấy mình cũng được trưởng thành lên bao nhiêu, không còn khóc nhè bên cạnh mộ, ngày bố vào đây đi làm cũng chẳng mếu máo, biết tự lập, biết cố gắng. Em từng cho rằng bản thân mình vốn dĩ là như thế nhưng nghĩ lại chắc có lẽ ở cạnh anh em thấy an toàn, dũng cảm hơn dẫu cho anh chỉ im lặng đứng bên mà điều em cần chắc cũng chỉ có thế.

    Có thể anh không biết, em chỉ cần một người trầm lặng như anh, như luôn hiện hữu như vô hình.

    Anh đi rồi cuộc sống em vẫn thế thôi, vẫn sáng đi học chiều đi dạy kèm gia sư, vẫn buổi tối dưới mái hiên trọ đón những cơn mưa đầu tiên còn vương mùi nắng của mùa hạ trong tiếng hò

    " Hò ơi! Ơi hò! Chiều mưa phố buồn.

    Chiều mưa phố xưa u buồn

    Có ai mong đợi một người biền biệt nơi mô.

    Để nhớ với thương một người.

    Chiều nay mưa trên phố Huế.

    Biết ai đã quên ai rồi.

    Hạt mưa rơi vẫn rơi, rơi đều cho lòng u hoài.

    Ngày xưa mưa rơi thì sao?

    Bây chừ nghe mưa lại buồn.

    Vì tiếng mưa, tiếng mưa trong lòng làm mình cô đơn.. Hò ơi! Ơi hò! "

    Nghe sao mà da diết qua chiếc cassette báu vật của bác chủ trọ. Lần nào nghe cũng buồn, lần này buồn không kìm được nước mắt.."

    * * *
     
    Chỉnh sửa cuối: 15 Tháng chín 2021
  6. Miênn Sịnn

    Bài viết:
    11
    Chương 5

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Nam, em tốt nghiệp rồi, cuối cùng em cũng làm được điều mà em ao ước bao đêm. Đây cũng là điều anh mong mỏi, phải không?

    Ngày em còn phân vân không biết có nên theo đuổi nghề giáo chẳng phải anh nói anh thấy nó hợp với em sao?

    Câu nói đó giúp em kiên trì đến tận bây giờ, dù cho anh và Hào nghỉ học đi làm kiếm tiền, dù cho Hoa lập gia đình sớm, em vẫn luôn cố gắng bám trụ bởi em tin vào con mắt của anh cũng tin vào năng lực của bản thân.

    Hôm nay, cầm tấm bằng trên tay, em vui lắm nhưng chắc sẽ vui hơn nếu như có anh chúc mừng em một tiếng, không thì ở bên cạnh em lúc này thôi cũng được còn hơn là một mình lẻ loi như này. Hội cái Hoa cũng đến chúc mừng nhưng sao có cảm giác gì đó không trọn vẹn, phần vì cái Hoa bầu bí khó đi lại, Hào với Thắng thì bận chuyện cửa hàng, gia đình, em cũng không trách, cũng không giận hờn gì có lẽ vì người em mong chờ nhất không phải là bọn nó.

    Tấm bằng này là điều mà chúng ta hướng tới từ những ngày chân ướt chân ráo đặt chân lên đất Sài Gòn. Ngày vào đây chắc cả đời em khó quên được. Đang sướt mướt trên tàu khi rời làng xóm, bạn bè, nghe được tiếng nói bất ngờ của anh có lẽ là điều an ủi duy nhất mà em có lúc đó, em cữ ngỡ anh ở lại quê học nghề như lời bác nói, ngỡ xa anh nên buồn bã không thôi, cũng thất vọng vô cùng khi tưởng anh không đến tiễn em đi. Ôm choàng vào lòng anh mà nức nở như một đứa con nít sà vào lòng mẹ sau khi bị bố đánh đòn, mặt mũi tèm lem như thế không khỏi khiến anh bật cười, em cũng vui vẻ cười tươi.

    Trong suy nghĩ lúc đó chỉ có niềm hạnh phúc xen vào chút an tâm mà quên đi mất rằng hẳn anh vừa có một trận cãi nhau to với bác, điều mà anh chẳng làm bao giờ.

    Sai lầm nào mà chẳng phải trả giá, đáng lẽ ra chúng ta không nên cố gắng thay đổi những gì đã được sắp đặt bởi không có gì thắng nổi số phận, những năm tháng sinh viên kia có lẽ vốn dĩ không nên có bóng dáng của anh, chí ít để em không phải nhớ về khi cầm tấm bằng này, cái cảm giác chua xót này cũng không tràn ngập nơi lồng ngực khiến em khó chịu đến thế.

    Rốt cuộc, em đã cố gắng vì cái gì? Vì ai? Vì em ư? Để trở thành một người như anh mong muốn?"

    * * *

    "Nam, em đi làm rồi đấy, dù chỉ mới là trở giảng thôi nhưng việc được trường giữ lại công tác cũng khiến em muốn gặp anh ngay lúc này để nhận được một lời khen quý giá. Đến trường với một vai trò khác, một tâm thế khác không khỏi khiến em hồi hộp, lúc này em cần lắm một một cái nhìn tin tưởng như anh hay nhìn em mỗi khi cần đưa ra quyết định gì ấy. Bây giờ em mới hiểu cái áp lực mà anh đã chịu khi đi làm rồi đấy, nghĩ lại, chắc hồi đó nhiều thứ khiến anh chán nản lắm nhỉ.

    Ngày anh bỏ học để đi làm thêm giờ ở quán bác Năm, nhà trường hết lòng khuyên nhủ, bạn bè dè bỉu, khinh thường coi đó như là một điều hiển nhiên không sớm thì muộn cũng xảy ra còn em lúc đó thì bận hờn dỗi, bận ích kỉ suy nghĩ cho bản thân trước quyết định của anh. Mãi sau này cái Hào nói em mới biết vì bố Hào ốm mà không có đủ tiền trả phòng trọ, cũng cần một khoản tiền lớn chữa trị mà anh cố gắng làm thêm và có khi nào vì em mới mổ ruột thừa, cần nhiều chi tiêu và thời gian hay như Thắng nói đây cũng là một trong những dự định của anh bởi chẳng ai nghĩ anh mặn mà với nghề gõ đầu trẻ dù rằng anh thật sự xuất sắc trong lĩnh vực này. Nhiều lần em toan hỏi nhưng lại thôi, cũng không biết khi nào mới hỏi được.

    Bao lần em đã mơ về ngày này, ngày em rời nơi bục giảng, chạy qua chợ nấu vài món ngon chờ anh đi làm về, tối lượn lờ qua vài ba con phố ngắm Sài Gòn về đêm lên đèn sáng rực rỡ, tiếng loa đài phát thanh:

    " Đây là tiếng nói nước Việt Nam – phát thanh từ Sài Gòn. Truyền thanh trên làn sóng trung bình, 345m, tức là: 870 KHz, từ 0g đến 6 giờ, và trên các làn sóng 345m – 49m – 41m - 31m và 25m, tức là: 870 KHz, 6165 KHz, 7175 KHz, 9620 KHz, và 11950 KHz, từ 6 giờ đến 24 giờ trên hệ thống A đài Sài Gòn. Kính chào quý thính giả.. "khắp mỏi nẻo đường chen chúc.

    Vậy mà giờ đây văng vẳng trong đầu em chỉ tiếng hò huế buồn não lòng mà bác chủ trọ vẫn hay bật

    " Hò ơi, ơi hò, chim xa cây còn thương nhớ cội

    Chứ người xa người tội lắm người ơi

    Ơi hò, xa anh rồi em như người mất trí

    Đêm đêm về em như người mộng du

    Chờ mong bóng ai mịt mù.. "

    Mơ ước thế thôi, chứ hiện thực mấy khi như ta ước muốn, phải không anh? Có lẽ đây là bài học đầu tiên mà em học được khi anh đi.

    Giờ này chắc anh ngủ rồi nhỉ? Liêu có lúc nào trong mơ anh thấy em?"

    * * *

    "Nam, em sẽ kết hôn, vào thứ tư tuần sau, chắc anh cũng biết anh ấy, anh ấy có cái cửa hàng bán đồ gỗ gần trường mình đấy. Anh ấy theo đuổi em suốt một năm qua rồi, cũng rất yêu chiều và hiểu em nữa, ở cạnh anh ấy tuy không có cảm giác an toàn như anh mang lại nhưng em thấy dường như mình tồn tại trong tâm trí và trái tim của anh ấy.

    Điều này em không chắc tìm được ở anh thì phải. Lúc anh ấy ngỏ lời cầu hôn, ở ngay sân trường ấy, với một bó hoa hồng đỏ, trong tiếng reo hò của sinh viên, giáo viên, cảnh đẹp như thế em cũng đã nghĩ tới nhiều lần, cũng vài lần cố ý nhắc nhẹ cho anh nghe, em còn nhớ em từng nói khi anh hỏi ngược lại:

    " Chỉ cần làm như vậy là em đồng ý à? "

    " Vâng, như thế thì có cô gái nào mà không đồng ý cơ chứ "

    Anh bảo em là dễ dãi nhưng anh đâu biết ngay từ khi gặp anh, em đã luôn nghĩ người ở dưới sân trường ấy đợi chờ lời đồng ý nơi em là anh. Chắc là do em nghĩ nhiều, nghĩ nhiều quá nên nghĩ kiểu gì cũng thành ra anh cũng thích em, thế mà ôm mộng tưởng suốt bao năm.

    Bây giờ thì em thông suốt rồi, em không muốn cuộc đời dính chặt mãi lấy anh như thể trời mưa phải có ô, giờ em mới biết hóa ra đi dưới mưa cũng không phải là một loại cảm giác khó chịu như mình đã nghĩ khi nép vào lưng anh, nghe tiếng lốp đốp mưa rơi trên đỉnh đầu băng qua con phố quen trên đường về trọ, qua chợ cóc hay đến trường.

    Mưa cứ thế vẫn rơi, chẳng vì ai ướt mà dừng lại. Em vẫn cứ sống thế thôi, chẳng vì xa anh mà buông bỏ cuộc đời.

    Chỉ là..

    Chỉ là em đi lấy chồng rồi anh có chúc phúc cho em không?

    Có trở lại Sài Gòn qua một ngày bon chen chật chội trên tàu lửa?

    Hay lại im lặng chờ người đến đón em đi? Chắc là sẽ là vế cuối rồi, đúng không, em hiểu anh nhất mà..

    Em dọn về ở với bố và mẹ kế rồi, là để chuẩn bị cho đám cưới, cũng là để thôi bớt nghĩ suy. Có lẽ anh nói đúng, đôi khi im lặng là buông bỏ, là chia xa. Lúc trả chìa khóa phòng cho bác chủ trọ, bác ấy nhìn em mãi, nửa muốn nói lại thôi, chỉ trở vào nhà mở cassette, tiếng hò Huế lại nghe sao da diết, bước chân bỗng ngập ngừng khó cất, chút bâng khuâng khó nói thành lời.

    Thật buồn cười là em giờ chẳng muốn báo tin cho anh biết, em sợ anh lại im lặng nhìn em trong tay người khác, em sợ anh trách cứ chẳng chịu chờ anh về, em sợ một ngày nào đó anh trở lại nói lời yêu thương khi đó nhiều thứ như dây đậu biếc quấn chặt em không cho em bước tới.

    Thà rằng anh đừng biết, cũng đừng quay lại làm gì, từ nay anh đón gió Lào nắng oi ả, không khí lạnh tràn về khi đông gõ cửa, em quanh năm tràn ngập nắng vàng, mưa ngâu, không mong ngày gặp lại, càng chẳng thể nên duyên lứa đôi, bởi giữa chúng ta đâu chỉ là hơn một ngày xe tàu chạy mà còn cả một đời người đằng đẵng.

    Thôi hẹn anh kiếp sau, em vẫn sẽ theo anh theo theo từng bước chân, chỉ cần anh ngoảnh lại sẽ thấy em rạng rỡ nụ cười cùng lời yêu anh.."
     
    Chỉnh sửa cuối: 14 Tháng chín 2021
  7. Miênn Sịnn

    Bài viết:
    11
    Chương 6

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Nam, em nghe tin anh chuẩn bị kết hôn rồi à?

    Chúc mừng anh, cuối cùng thì cũng yên bề gia thất.

    Em tò mò không biết cô gái ấy là người như thế nào, ngũ quan ra sao, chắc hẳn cũng xinh đẹp và tốt bụng lắm và có lẽ là phù hợp với anh hơn em. Em từng nghĩ chỉ có em mới nấu được món cá mắm mặn chát đúng vị anh thích, biết anh ghét nhất là bày bừa quần áo lung tung không gọn gàng, hiểu được sự im lặng của anh cũng chỉ có em chấp nhận bên cạnh một người chẳng kéo ăn nói như anh nhưng có lẽ em nhầm, anh như là đại dương bao la, rộng lớn và sâu thẳm bao người ngày đêm khám phá, ôm ước mơ chinh phục mà em chỉ là một ngư dân khờ khạo mới bắt được một mẻ cá đã nghĩ có được trái tim anh, nghĩ rằng vì em ở bờ mà anh đêm ngày bền bỉ sóng đánh dạt dào, lấp lánh ánh trăng, rạng rỡ bình minh.

    Âu cũng là duyên phận, lẽ ra không nên gặp anh sớm như thế hay lẽ ra anh không nên tuyệt vời như thế có thể giờ em sẽ đến gặp anh trong hôn lễ, ngắm nhìn anh bảnh bao trong bộ vest, tay cầm tay cô vợ xinh đẹp cùng bộ váy cưới dài chạm đất, đứng chào hai bên gia đình nội ngoại, bạn bè, nói lời đồng ý thủy chung bên cạnh dù là trong lúc thịnh vượng hay gian nan, trong lúc ốm đau cũng như mạnh khỏe; cũng như bao người đến tham dự mà vỗ tay chúc mừng, nâng ly cạn chén chung vui.

    Ngay cả điều này, một đứa em cạnh anh mười mấy năm như em cũng không làm được.

    Liệu còn điều gì đau đớn hơn chăng?

    Em có viết cho anh một bức thư, cũng chỉ là vài ba lời hỏi thăm và báo bình an đơn giản mà cũng mất 2 ngày mới xong, câu chữ vẫn giản đơn thế thôi nhưng hình như tâm tình chẳng còn được thế.

    Em đã dán tem, vẫn ghi địa chỉ nhà cũ của anh, mọi thứ xong xuôi cả rồi nhưng em chần chừ mãi không dám cho nó vào hòm thư rồi quyết định để lại sau khi nghe tin anh lấy vợ.

    Giây phút đó em hiểu, có những thứ vốn nên để phai nhòa theo thời gian, càng cố nắm lấy thì càng không thể quay về, có cố gắng cũng vô dụng, hệt như lá xanh thu đến cũng buộc phải úa vàng, hệt như mưa rồi cũng phải ngừng rơi, hệt như hoa bằng lăng cũng rơi dần qua gió thổi cho dù đó là những chuyện mà em nghĩ rằng suốt đời mình chẳng thể nào quên..

    * * *

    Tôi vội cẩn thận lấy bức thư, từ tốn đọc:

    " Anh thân mến,

    Lâu rồi không liên lạc với anh, cũng chẳng biết chút ít gì tin tức của anh khiến em mãi day dứt trong lòng.

    Ngày anh đi, em chỉ kịp nhìn bóng anh chen chúc hòa vào dòng người tấp nập ngược xuôi lên xuống tàu xe mà bất lực gọi tên anh trong vô vọng.

    Giá như lần đó anh nghe được tiếng gọi của em, có khi nào em có cơ hội nói câu xin lỗi, câu từ biệt cho tử tế và cả lời hẹn gặp lại.

    Anh có khoẻ không? Tình hình bác đã ổn hơn chưa?

    Anh và bác đã làm lành chưa? Anh ăn uống đầy đủ chứ?

    Công việc ở ngoài đấy như nào rồi?

    Anh có còn giận em không?

    Em vẫn khoẻ, em tốt nghiệp đúng kì hạn lại còn được nhà trường giữ lại làm việc, em cũng quen với môi trường mới, mọi chuyện đều rất thuận lợi lên chức thành giảng viên chính thức, em cũng kết hôn được một năm rồi, con trai cũng được vài ba tháng tuổi.

    Mọi thứ đều rất tốt, em đang sống cuộc sống mà mọi người thường nói là viên mãn, em không biết có đúng vậy không nhưng em thấy thế này là đủ mặc cho đôi lúc vẫn không khỏi nghĩ về anh.

    Em mong mọi thứ cũng nhẹ nhàng đến với anh như thế, càng mong mỏi hơn nếu mình giữ được liên lạc thường xuyên, trao đổi về những công việc xảy ra thường ngày.

    Nhận được thư, nhờ anh chuyển lời hỏi thăm sức khoẻ đến bác và anh chị giúp em.

    Mong nhận được lời hồi đáp của anh.

    Sài gòn, ngày 20 tháng 6 năm 1997

    Em gái của anh

    May. "

    Tôi lật giở sang trang tiếp theo, đó không còn là lời tâm sự thường ngày mà thay vào là bài hát" Hoa Bằng Lăng ", tiếng hát của Jimmii Nguyễn như dần xâm chiếm lấy tâm hồn tôi, dẫn dắt tôi vào từng khung bậc cảm xúc rồi hòa vào câu chuyện xưa:

    " Nhà bên đang đón dâu rộn tiếng cười vui

    Tôi làm thân khách đến chúc phúc mà thôi

    Quà tôi mang đến trao chỉ mỗi hoa Bằng Lăng

    Bởi mình nghèo nên chỉ đứng nép ngoài sân

    Ôi tình xưa đã phai nay bàn tay nàng đan với ai

    Em giờ đây nỡ quen mối tình giàu

    Thôi đành mang đớn đau cho người vui trọn đến kiếp sau

    Riêng mình tôi ôm lấy ngàn nỗi đau.."

    Một hôn lễ, một sự bắt đầu cũng là một sự kết thúc, bắt đầu cho một cuộc sống mới của một đôi tình nhân, kết thúc cho một mối tình đơn phương khó buông bỏ.

    Hai hôn lễ, em không thấy anh đến rước em về nhà, anh không nghe được câu đồng ý từ em, ta chẳng cùng nhau uống chén rượu hồng.
     
    Chỉnh sửa cuối: 14 Tháng chín 2021
  8. Miênn Sịnn

    Bài viết:
    11
    Chương 7

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Lật giở trang tiếp theo, những dòng chữ chẳng còn giữ được sự nề nếp như trước, có chút lộn xộn và khó đọc..

    "Nam, anh biết hôm nay em đã gặp ai không?

    Là cái Ninh, em gặp nó ở chợ cóc gần trường mình đấy, trên con xe cúp xanh nhạt mà anh nhịn sáng mấy tháng trời mới có được.

    Nói thật em có chút bất ngờ, nhưng đi sau đó là một tiếng thịch nơi lồng ngực. Nó không giống như tiếng tim đập liên hồi khi em nhìn thấy anh đèo Ninh đi qua cổng trường em đang đợi anh đến đón. Bất ngờ, hụt hẫng, thất vọng, tức giận, những trạng thái đó khiến em với anh đã có một trận cãi nhau lần đầu tiên cũng là lần duy nhất thật to.

    Em điên loạn bao nhiêu, anh im lặng bấy nhiêu. Em đòi hỏi nơi anh một đáp án, anh mong muốn nơi em sự thấu hiểu. Một mối tình chưa có câu trả lời chính thức, không phải người yêu cũng không phải bạn bè đơn thuần, nó tồn tại nhưng có thể tan biến bất cứ lúc nào và ranh giới mong manh lúc ẩn lúc hiện, không có một sự đảm bảo, không có một sự khẳng định, cả hai chúng ta đều đang loay hoay để đối mặt với nó nhưng càng loay hoay càng rối rắm rồi không thể thoát ra.

    Nhiều lần em tự hỏi, sẽ thế nào đó không phải là Ninh - một cô gái vốn nhiều tai tiếng ăn chơi đàn đúm và hay qua lại sạp bán hàng quần áo của mẹ ở gần cửa hàng bọn anh, liệu em có trở nên mất kiểm soát và xấu xí đến nỗi không còn nhận ra mình như thế.

    Thật ra em biết, dẫu là ai thì em cũng sẽ xù lông gai góc thôi bởi chính em chẳng có đủ tự tin với bản thân mình, em luôn lo được lo mất, sợ sệt bắt lỗi anh từ những điều nhỏ bé, tham lam đòi hỏi những điều vô ý, tình yêu dành cho anh đã dần biến em thành một con nhím ghê gớm, đáng thương luôn cố gồng mình gánh lên vai một danh phận vô hình mà không ai công nhận cũng chẳng ai nhờ vả..

    Lúc đó, em và cả anh nữa đều đã nhận ra hình như ta chẳng hiểu nhau như mình vẫn nghĩ, cũng chẳng thể dung hòa như ta vẫn ảo tưởng.

    Trên đời này, ngu ngốc nhất của con người chính là ảo tưởng mà lúc đau đớn nhất cũng là lúc biết được rằng đó vốn chỉ là sự ảo tưởng.

    Em thôi không còn ồn ào, anh thôi không còn giải thích.

    Trớ trêu thay, em lại nghe được lời giải thích từ Ninh, sau bao năm, muộn thật.

    Chào tạm biệt nó, trong đầu em chỉ toàn là những câu nói mới đây, nó bảo anh bán xe cho nó, nó bảo anh chỉ chở nó về nhà nó để bàn giao xe rồi đi bộ về, nó nói nhiều lắm, mà em không tìm được lỗi sai nào của anh mà thay vào đó là một nỗi chua xót khó tả..

    Chẳng hiểu sao, em lại đứng trước cửa trọ, tần ngần một lúc tính quay về thì tiếng hò huế lại kéo bước chân em lại. Tiếng hò huế vẫn vậy, mượt mà, da diết, bóng bác chủ trọ lầm lũi xách chiếc đài cassette báu vật ra trước sân nhà, nằm trên chiếc võng đung đưa ngân nga theo giai điệu.

    Bất chợt, em như trở về những năm trước, trở về trọ sau một buổi dạy thêm, trên tay xách cơ man là đồ ăn mới mua, hội cái Hùng, Hiên nhanh chóng chạy ra giành giật, bác chủ trọ sẽ mắng vài câu ồn ào lấy lệ, hay những khi len lén bác đi vắng mà tắt đài để nghe Thắng đàn bài hát sinh viên cùng tiếng ca ngọt ngào, dễ thương của cái Hoa, đôi khi là sự mặc cả đòi đổi bài vì quá cao so với cái giọng khàn khàn như ngậm đờm của Hào và còn cả những lần mưa to xối xả chúng mình thật nhanh về trọ.

    Đúng vậy, trọ từng là nơi để trở về.

    Em xoay lưng toan đi, nhưng bác chủ trọ thấy em liền gọi lại. Bác chẳng còn được như trước, mái tóc có chút bạc, khuôn mặt có chút buồn. Chúng em chẳng nói gì nhiều, vài ba câu hỏi thăm là hết chuyện. Lúc em chào bác ra về, bác đưa em một bao thuốc lá, rồi lặng lặng trở lại bật đài.

    Lần này tiếng hò huế không giữ nổi chân em. Chạy nhanh qua ngõ, bàn tay em run run mở bao thuốc lá ấy, em biết đó là của anh. Bao thuốc vẫn còn nhiều, chỉ thiếu đúng 2 điếu, vừa đúng 2 lần em thấy anh hút, cũng là 2 lần em cấm cản anh không được hút thuốc nữa, nhưng miếng giấy bạc không còn phẳng phiu nữa, nó ghi kín tên em..

    Em vẫn chưa trở về nhà, chỉ chưa muốn về nhà, dừng chân nơi sân ga trong mờ mịt những nỗi tơ vò ngổn ngang trong đầu. Tiếng thông báo tau vào ga vang lên giục giã. Con tàu mang biển số D13E-751 ấy em chả còn xa lạ, dòng người tấp nập lên xuống, em bất giác mang một cảm xúc hồi hộp đến nôn nao, em gặp biết bao gương mặt lạ lẫm, nhìn thấy bao cuộc hội ngộ sau xa cách, bao cuộc chia li đầy nước mắt nhưng lại chẳng thể thấy bóng dáng quen thuộc.

    Em ngốc thật, chuyến tàu này đầu chở anh về đâu, thế mà vẫn đứng ngóng trông mãi cho đến khi tàu lăn bánh rời ga.

    Sài Gòn lại vào mùa mưa rồi đấy, hoa bằng lăng lại rơi rụng sau mỗi cơn mưa, như em trơ trọi một mình trong chiều tàn gió thổi.."
     
    Chỉnh sửa cuối: 19 Tháng chín 2021
  9. Miênn Sịnn

    Bài viết:
    11
    Chương 8

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Nam, anh không biết đâu, em vừa trở về sau một chuyến thăm quê mình. Em về để lo công chuyện của mẹ, em đã đưa mẹ về gần bố để tiện chuyện thờ cúng, chăm sóc.

    Cũng là trên con tàu D13E-751 ấy, em mới hiểu cảm giác của anh thuở đó.

    Đặt chân xuống mảnh đất thân thương, qua thêm 2 tiếng xe khách chạy nữa em mới được trở về nhà. Dường như quê mình chẳng đón chào em nữa, cái lạnh cắt da cắt thịt kia khiến em đau rát cổ họng và nổi lên những đốm đỏ li ti khắp người.

    Nơi đầu tiên em đến là mộ mẹ. Mộ mẹ em vẫn thế, nằm nhỏ bé lẻ loi trong những ngôi mộ khang trang xung quanh, có khác chỉ là hình như đất hơi hơi lún xuống và cỏ cây có tốt hơn.

    Nó có chút khoảng cách so với ngôi mộ bên cạnh, to và đẹp như anh từng khẳng định, râm mát dưới bóng cây bằng lăng cao lớn đang vươn mình ôm vào lòng che chở 2 ngôi mộ qua từng đợt gió rít gào rét buốt.

    Em phải mất hơn ba mươi năm để giữ được lời hứa của mình, còn anh, anh mất bao năm vậy?

    Lo công chuyện cho mẹ xong, em có ghé qua chợ Chiều, chợ Đình, hồ Mây nằm giữa trung tâm thị trấn, lên thăm lại trường cũ, em đi rất nhiều, rất nhiều nơi quen xưa.

    Những con đường dù có được sửa sang, những dãy nhà hai ba tầng dù có thế chỗ cho căn nhà xiêu vẹo cũ, sao quê mình vẫn giữ được một vẻ bình yên đến thế mặc dù vẫn có chút gì xa cách.

    Ban đầu, em cũng chẳng hiểu điều gì khiến mình cảm thấy lạ lẫm, nhưng rồi nhanh thôi khi con trai em ngơ ngác không thể bắt kịp tiếng nói đặc trưng quê mình mà hỏi ngược lại, em đã lúng túng như khi bị cô giáo hỏi bài cũ, chẳng thể cho nó một đáp án hoàn chỉnh bởi chính em cũng đang giống như nó.

    Sự không ăn nhập với câu chuyện cùng hội Hương, Lam; những tiếng cười, tiếng khóc của đám cháu nhỏ mà em không quen biết mỗi khi nghe thấy giọng nói lơ lớ hai miền trung nam, món thịt chua đặc sản dân tộc Thái ngày bé chờ cả năm đến Tết mới được ăn cũng hành dạ dày em một tối và cả sự khách sáo của họ hàng máu mủ ruột rà, những điều đó đã khẳng định cho một sự thật rằng em không còn thuộc về nơi đây như đã từng.

    Quê mình vẫn đẹp lắm, nhưng nét đẹp đó có chút khách khí và xã giao, nó không còn là vẻ đẹp thấm nhuần từ những điều bình dị đời thường, nét đẹp xuất phát từ bản chất cuộc sống lam lũ của con người dân dã, hệt như một mâm cơm đầy đủ, thơm ngon chỉ được bày ra ngày có khách tới chơi, em đang loay hoay trong chính nơi mình lớn lên.

    Em vô tình gặp được vài người bạn cũ, có đứa thành công, có đứa hạnh phúc, cũng có đứa vẫn đang cố gắng đạt được những điều đấy. Em còn gặp được cả thầy Thành chủ nhiệm mình năm cấp 3, việc thầy vẫn nhớ đến em làm em như được an ủi đi ít nhiều.

    Em muốn cho con trai em biết nơi em chào đời và trải qua những ngày thơ ấu cho nên mặc cho cái lạnh khiến nó ốm mãi không khỏi em đưa nó đi khắp ngóc ngách có dấu vết xưa cũ. Quê mình thế mà rộng thật đấy, đi mãi đi mãi đi hết cả một buổi chiều mà vẫn không vô tình thấy được anh..

    Lên tàu vào Nam, em có chút không nỡ bởi em biết chứ, chuyến đi này có khi là lần cuối em được nhìn thấy quê mình xinh đẹp như thế nào, thấy bạn bè mình thành đạt, giỏi giang ra sao và bởi em biết chuyến đi này lãng phí cơ hội duy nhất được gặp lại anh.

    Hóa ra khoảng cách địa lý không phải là lý do chúng ta chia ngả mà là một khi đã có những ngăn cách trong lòng cho dù chúng ta có ở gần nhau thì nói không gặp nhau nghĩa là không gặp nhau, nói xa nhau nghĩa là xa nhau.

    Tiếng tàu thúc dục em nhanh bước cho kịp, nhưng đầu thì bất giác ngoảnh lại ngó nghiêng kiếm tìm, đáp lại em chỉ là những cánh tay chào tạm biệt, nụ cười gượng gạo dần khuất tầm nhìn.

    Thế là hết một chuyến về thăm quê."

    * * *

    "Nam.

    Lâu rồi em mới nhớ tới anh, nhưng cái cảm giác ấy chưa bao giờ nguội lạnh, nó vẫn thôi thúc em viết vài dòng nghĩ suy.

    Bệnh tuổi già bắt đầu đeo bám em rồi đấy, em bắt đầu nhớ nhớ quên quên lắm thứ.

    Nó khiến em bận rộn hơn một chút khi chật vật làm cái này cái kia. Mắt cũng cần phải đeo kính lão, tai cũng nghễnh ngãng đi đôi chút và chữ cũng chẳng con đẹp được bằng lúc trước.

    Thời gian trôi nhanh thật anh nhỉ, thoáng cái hết một đời người. Quen anh từ ngày 9, 10 tuổi đến bây giờ cũng ngót nghét bốn mấy năm. Đáng buồn thay số năm xa anh còn lớn hơn số năm mình bên nhau. Em đọc lại những dòng mình viết, bất ngờ cũng bâng khuâng lắm.

    Hơn ba mươi năm làm nghề giáo, bao nhiêu bài giảng em soạn sửa mà cuộc đời em lại theo gót chân anh luồn lách qua từng ngôi mộ từ ngày bé tí; theo anh những năm đi học dép đứt quai, những trưa hè cuốc cỏ thuê, trồng ngô mướn; cùng anh bước vào cổng trường đại học đầy hứa hẹn; nghe anh theo đuổi ước mơ; nghe anh ở lại kiên trì với ngành gõ đầu trẻ.

    Em đã qua lần sinh nhật thứ 55, vậy mà vẫn như cô bé nhỏ nhắn gặp anh lần đầu tiên, ngây ngô và dễ bảo như anh từng nói.

    Cuộc đời dài rộng như nào em chẳng biết, chỉ biết cuộc đời em sẽ có tên anh được nhắc tới rất nhiều, rất nhiều lần.

    Vậy, liệu rằng em có được nhắc tên tới khi ai đó hỏi về cuộc đời anh dù chỉ là một chút?

    Ngày mai em không còn là giảng viên ở đây nữa.

    Em đã kiên trì suốt ba bảy năm qua, em đã sống hết mình cho ước mơ em theo đuổi cũng đã cống hiến hết mình cho nghề cao quý này. Em may mắn được gặp gỡ những con người tài giỏi, học hỏi thêm bao điều hay, chứng kiến những đổi thay từ trong suy nghĩ đến hiện thực của từng lớp trẻ, lớp sống.

    Thời gian có trôi chảy, ngành giáo có không còn là sự lựa chọn duy nhất nữa nhưng nó vẫn luôn là niềm tự hào, niềm kiêu hãnh của xã hội, của mọi người và của chính em nữa.

    Và một điều nữa, anh có biết, đối với em, nó còn là điều duy nhất mà em có thể ngẩng cao đầu để đến gặp anh, có thể là ở kiếp khác.

    Kiếp này, niềm may mắn nhất là có sự hiện diện của anh, được biết đến anh, học tập từ anh và yêu anh.

    Kiếp này chúng ta chỉ mới ghé qua đời nhau, hy vọng dù muộn chút cũng có thể kế bên anh đến hết kiếp sau.

    Thôi, em chào anh.

    Mong rằng sẽ gặp anh sớm

    Sài Gòn, 1 tháng 6 năm 2020."
     
  10. Miênn Sịnn

    Bài viết:
    11
    Chương 9

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi không khỏi ngỡ ngàng khi đọc đến dòng cuối, những chữ cái kia đang minh chứng cho cột mốc cuối cùng của thứ tình cảm trong trẻo, bền bỉ theo năm tháng đó.

    Một tuần sau khi cuốn sổ bị bỏ lại nơi phòng làm việc, cô ấy ra đi theo một cách đau đớn và ngột ngạt đè nén nơi lồng ngực trong căn nhà vốn đã lâu không còn tiếng nói cười từ những bữa cơm gia đình sum vầy.

    Cô quạnh.

    Không một ai biết được chính xác điều gì khiến cô ấy đi đến lựa chọn xám xịt ấy, là từng vết thương róc rách máu chảy không ngừng qua thời gian đã vắt kiệt sức lực của trái tim; là ngàn kí ức vồ vập ùa về làm lá phổi trở nên căng tràn, bí bách; là những bi ai từ bao giờ đã chăng đầy mạng nhện khiến cho đầu óc mù mịt mà khi ánh sáng duy nhất lay lắt tắt, cô ấy cũng chẳng còn hứng thú với đời.

    Nhưng dù là gì, cô ấy chẳng phải đã sống một kiếp kiên cường với ước mơ, miệt mài công việc, giữ mãi lòng mến mộ thanh thuần tuổi trẻ hay sao?

    Dẫu cuộc sống không mấy theo ý mình mong muốn, chẳng tiếc thương khi vùi dập năm lần bảy lượt, cô ấy vẫn dịu dàng đón nhận mọi thứ mà sống cho mình, cho đời.

    Một người như thế, liệu có còn đáng trách khi mà đôi chân đã không còn sức, nụ cười trở nên xấu xí và tâm trí bảo rằng hay dừng lại?

    Hay ta nên dành một lời an ủi, một cái cúi đầu thành kính hoặc chỉ đơn giản là một ánh nhìn nhẹ nhàng thôi bởi chúng ta chắc gì biết rằng lựa chọn xám xịt kia lại là lối thoát sau cùng của tâm hồn qua bao lần nghiêng ngả bão về.

    Sài Gòn có lẽ chuẩn bị vào mùa mưa, ngoài trời vài giọt bắt đầu tí tách theo gió thổi mà rơi vào hành lang ban công, chậu cây cảnh, mí mắt và những trang giấy cuốn sổ ánh vàng dòng chữ "giáo án".

    Tôi đóng cửa sổ lại, trở vào phòng, bố vẫn đang say giấc, có chút lạnh mà trùm chăn kín bưng, ngủ một giấc thì mai sẽ đến nhanh thôi, rồi mấy chốc sẽ rời xa chốn này mà trở lại với nhịp sống cũ nhưng sao tôi chẳng thể chìm vào cơn mơ, như những hạt mưa kia cứ rơi xuống mà chẳng biết sẽ đáp đến đâu, lòng tôi vẫn mãi trăn trở dù chẳng biết câu trả lời.

    Tôi bất ngờ bật dậy, nhanh chóng tìm bật lửa, mang theo di vật mà cô May để lại vào phòng vệ sinh, xé dần từ trang gần nhất đến khi dòng chữ "thân tặng giảng viên có thành tích xuất sắc nhất năm 2001" chìm trong ánh lửa vàng rồi hóa thành tro vụn, tôi mới thấy lòng mình nhẹ nhàng đi đôi chút, mọi việc có lẽ nên để thời gian vùi lấp, tôi cũng nên đem trao trả lại những hồi ức thiêng liêng này về với chủ nhân của nó.

    Quay lại giường tầm 2 giờ sáng, tôi chui người vào trong chiếc chăn đã thấm mùi hương của bố, mùi hương này lâu rồi tôi mới ngửi thấy, có cả mùi thuốc bổ mẹ hay sắc cho bố uống xen lẫn mùi dầu nhớt công nghiệp nơi quán sửa xe nhỏ nuôi sống gia đình tôi, tôi thấy lòng mình bay bổng đến lạ, tôi thấy tôi đang ngồi trên con xe tám mốt ngày xưa, tíu tít đọc bài thơ mới thuộc trong vòng tay vững chãi của bố, cảnh vật lúc chiều tà nắng đổ từ từ chạy qua, mắt thấy xa xa là nhà.

    Sáng mai chú Hào đến đón chúng tôi sớm, tới ga là gần năm giờ đã thấy chú Thắng và cô Hoa trên tay túi to túi nhỏ. Tiếng tàu vào ga, tiếng nhắc nhở đứng sau vạch kẻ của nhân viên khiến cho mọi người trở nên vội vã hơn, chú Hào ngày thường vui vẻ, hớn hở là thế nay sao lại rơm rớm nước mắt, chú Thắng cũng chẳng giấu được nét buồn trên khuôn mặt, bàn tay cô Hoa thì nắm chặt bố con tôi không rời.

    "Nào, không có gì muốn nói với tôi nữa à, sao im lìm vậy."

    Bố tôi cất tiếng.

    "Anh nhớ ăn uống điều độ, bây giờ có tuổi rồi phải để ý đến sức khoẻ, nghe không?"

    Cô Hoa dặn dò.

    "Nhớ liên lạc thường xuyên nha anh, có số điện thoại cả rồi đấy."

    "Anh, anh có vào thăm tụi em nữa không, một năm à không 2 năm cũng được vào thăm bọn em một chuyến nhé, bọn em nhớ anh nhiều lắm.."

    Nói đến đây chú Hào chẳng còn giữ nổi giọt nước mắt chực trào mà òa khóc.

    "Thôi nào, năm mấy tuổi rồi đấy, đầu hai thứ tóc rồi đấy, sao mà như con nít thế này, tôi còn khoẻ là tôi vào thăm, các chú cũng phải đến chỗ tôi cho biết quê Bác chứ."

    "Tụi em nhất định sẽ ra thăm anh mà, đây, anh và cháu cầm ít thức ăn lót dạ, đường tàu xa đừng để bị đói, Việt, cầm hộ cô, đây nữa, có chút quà cô tặng cho mọi người ở quê, con chịu khó xách về giúp cô nhé."

    "Vâng ạ, cô chú giữ gìn sức khoẻ, con cũng cảm ơn cô chú mấy ngày qua nhiều."

    "Thằng nhỏ này, ơn huệ cái gì không biết."

    "Thôi, ở lại mạnh giỏi, có gì liên lạc sau, tôi đi đây."

    "Tới nơi thông báo cho bọn em liền nha anh."

    "Ừ, ừ, biết rồi, biết rồi, đi con.."

    Bố tôi xua xua tay mà quay đầu bước đi.

    Ổn định chỗ ngồi, chúng tôi lại giữ một khoảng im lặng, ngắm nhìn Sài Gòn đang còn ngái ngủ, tĩnh lặng giữa tờ mờ sương sớm. Độ 5 phút sau, bỗng bố tôi nói:

    "Chuyến đi này vất vả cho con rồi."

    "Có gì đâu bố, học hỏi được nhiều lắm ạ."

    "Ừm, đi một ngày đang học một sàng khôn mà.. có lẽ con nói đúng, thời đại của bố không còn phù hợp với bây giờ, máy bay thay cho tàu lửa, công nghiệp thay cho cày cấy, bố có lẽ cũng nên thay đổi định kiến của mình, hơi muộn nhưng con hãy thông cảm cho bố."

    Tôi nào dám trách cứ gì bố đâu.

    Đến cái tuổi này, con người ta đã mất đi sự liều lĩnh, gai góc thuở trước, không còn muốn đi đây đi đó lắm nơi mà dần thu mình trong ngôi nhà nhỏ của mình, bố tôi không phải ngoại lệ.

    Con cái đối với họ là một thứ gì đó đảm bảo cho những lo sợ họ đang đối mặt, niềm an ủi cho những lúc trái gió trở trời cơn đau lưng mỏi gối bất ngờ ập đến, cũng là trái ngọt mà bao năm qua họ vun trồng, chăm bẵm, vậy nên, chẳng ai muốn để đứa con rời xa khỏi tầm mắt cho dù biết bản thân đang ích kỉ nhưng thà rằng giữ sự ích kỉ đấy còn hơn là thấp thỏm lo âu cho một ngày đi theo ông bà tổ tiên không kịp nói lời chào.

    Thấy tôi chần chừ muốn nói lại thôi bố tôi lên tiếng:

    "Có gì muốn nói cứ nói đi, bố con với nhau mà ấp úng cái gì."

    "Dạ.. bố, ngày bố bỏ hết tất cả lên tàu về quê, bố có thấy hối hận không?"

    "Không, không hối hận, được lựa chọn mới thấy hội hận, bố chỉ thấy tiếc.."

    "Vì gì ạ."

    "Vì những gì mình cố gắng đó vốn không nằm trong đường ray mà bố được lựa chọn.

    Thật ra, bố từng nghĩ cuộc đời này mình có quyền được làm chủ tất cả, chẳng gì có thể ảnh hướng đến quyết định ngoài chính mình. Sau đêm trước khi trở về đó, bố mới ngộ ra rằng thứ ta chỉ có thể làm chủ ngoài bản thân thì những điều khác đều không nằm trong khả năng.

    Trưởng thành, nói sao nhỉ, nó giống như việc con lên một con tàu một chiều, ở đó con sẽ gặp được những người cùng chung bến đỗ, có người thành tri kỉ, có người chỉ thoáng qua bỗng vướng tương tư, người vì ta mà tình nguyện thay đổi lộ trình, nhưng cũng sẽ gặp những kẻ cướp nhân đạo không chỉ lấy đi tiền của mà còn để lại vài bài học đắt giá.

    Tàu vẫn sẽ chạy qua bao cảnh đẹp đẽ nhưng cũng sẽ qua bao hầm tối, cán qua bao vật cản, con dù muốn đi nhanh hay chậm hơn một chút cũng không được càng không thể xuống giữa chừng, điều con nên làm là cố gắng chiêm ngưỡng, tận hưởng khung cảnh đang bày ra trước mắt, đón nhận mọi sự kiện, biến cố bằng sự lạc quan, trân trọng, bởi tàu chỉ đi qua một lần và dừng hẳn nơi đến bến cuối cùng, con khi đó không còn cần ai chỉ nước, biết mình có gì và làm gì nhưng vé tàu đổi bằng mồ hôi, nước mắt, có khi là máu và những mất mát, tiếc nuối, ai cũng thế không có sự phân biệt, đó là điều công bằng nhất ở trên đời này."

    "Vậy, bố đã tới đến bến tàu cuối chưa?"

    Bố có vẻ khá bất ngờ trước câu hỏi của tôi, suy nghĩ một chút rồi mới trả lời:

    "Sắp rồi, còn mấy tiếng nữa thôi.. tàu của bố cũ rồi, con đừng lên nữa, đi tìm một con tàu khác nhanh và chắc chắn hơn, nha con."

    Ánh sáng nơi nét cười khoé mắt của bố dường như soi rọi tâm hồn tôi rộng mở, một khí thế hừng hực nhanh chóng ùa vào nơi lồng ngực, bừng lên một khát khao chinh phục không thể cản nổi, còn có một niềm hạnh phúc vô bờ bởi tôi may mắn biết bao khi có gia đình làm đôi cánh tiếp thêm sức lực.

    Cuộc đời dài rộng khó nói, mỗi người mỗi số phận nhưng đâu đó luôn xen kẽ, gắn kết với nhau, dù lựa chọn gắn bó với nơi chôn rau cắt rốn hay rời quê hương lập nghiệp ở phố phường đông đúc, chúng ta đều đang sống cho những điều ta theo đuổi, quá khứ trẻ dại, tương lai thành nhân, đi tìm đáp án cho ngàn câu hỏi..

    Một đời người rốt cuộc gặp gỡ bao nhiêu người, trải qua bao nhiêu chuyện?

    Một đời người rốt cuộc bao nhiêu lần hạnh phúc, bao nhiêu lần đau khổ, bao nhiêu cuộc chia ly?

    Chuyện một người rốt cuộc có bao nhiêu sự kiện xảy ra, bao nhiêu con người xuất hiện?

    Ai sẽ được nhắc tên, ai rồi sẽ hóa hư không và ai sẽ ở bên ta trong chuyện một người..

    Chúng tôi chuyển mắt ra nơi của sổ, tàu đang đi xuyên qua núi, thứ ánh sáng lấp lánh phía cuối hầm khiến bao người trông ngóng dù biết sẽ không khỏi khiến mình chói mắt.

    Tàu rồi sẽ đi qua thêm vài ba con đèo, con núi, qua thành phố náo nhiệt, cánh đồng phủ bóng diều bay, con sông sóng gợn ra biển.

    Tàu đang đưa chúng tôi về nhà với mâm cơm mà bố hay chê dở nhưng luôn sạch đĩa; với rổ khoai, ngô mới luộc cùng câu chuyện về ông mẹ thường kể ngày mưa gió; về với mảnh đất nóng rát gió Lào thổi, rét đậm rét hại khi không khí lạnh tràn về sau mỗi lần thu ghé ngang cùng thứ tiếng quê hương nặng tình nặng nghĩa; câu hát ví dặm chan chứa, gọi mời "anh về xứ Nghệ"; với những tình cảm xuất phát từ điều giản dị thường ngày, của con người không cần phải cùng chung máu mủ huyết thống.

    Loáng thoáng tiếng chim đâu hót, dòng chữ nhấp nháy xanh đỏ "kính chào quý khách", xe máy chạy tan tầm trên con đường bỗng trở nên quen thuộc, đồng ngô, đồng lúa xa xa bên cạnh con sông Lam ì ạch chảy, lấp ló những ngôi mộ đan xen nhau từng lớp từng hàng..

    Hình như chúng tôi sắp cập bến.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...