Chú ý Quy tắc chính tả tiếng việt chuẩn

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Smod, 10 Tháng tám 2018.

  1. Smod Đến từ nơi vui vẻ

    Bài viết:
    84
    Để một văn bản của bạn được đánh giá chuẩn, ưa nhìn và gây ấn tượng cho người đọc các bạn cần lưu ý một số quy tắc soạn thảo văn bản cơ bản như sau:

    1. Phân biệt thế nào là 1 kí tự, 1 từ, 1 câu, 1 dòng và khoảng cách như nào được coi là 1 đoạn.

    - Kí tự: Tất cả những kí tự có trên bàn phím và một số kí tự có sẵn trong phần mềm.

    - Từ:

    + Nhiều kí tự (khác kí tự khoảng trắng) ghép lại với nhau được gọi là 1 từ.

    + Các từ phân biệt nhau bởi dấu cách (khoảng trắng hay Space).

    - Câu:

    + Nhiều từ ghép lại tạo thành câu.

    + Các câu phân biệt nhau bởi dấu chấm ( ).

    - Đoạn:

    + Nhiều câu (có nội dung liên quan tới nhau) tạo thành 1 đoạn.

    + Khi muốn viết 1 đoạn khác sử dụng phím Enter để xuống dòng.

    QUY CHUẨN CHÍNH TẢ TRONG
    Tiếng Việt

    Việc viết đúng chính tả tại diễn đàn một phần có thể rèn luyện cho các bạn, cũng góp phần khiến độc giả hài lòng hơn đối với tác phẩm của các bạn. Vì vậy, hãy giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt ngay từ hôm nay nhé!

    Hạn chế tối đa các lỗi chính tả Tiếng Việt sau:

    - Dùng ngôn ngữ chat, cố tình sửa từ ngữ tiếng Việt, teencode. Ví dụ: Hk, hok, j,... (nhìn chung là các từ khó đánh vần và gây khó chịu cho người đọc).

    - Sử dung tiếng địa phương có lỗi chính tả, ví dụ nhầm lẫn chữ "l" (phát âm đúng: "lờ") và "n" (phát âm đúng: "nờ").

    - Viết tiếng Việt không dấu.

    - Viết hoa cả câu. Tiêu đề bài viết nếu toàn chữ in hoa cũng là vi phạm.

    - Đầu câu không viết hoa. Tiêu đề bài viết không mở đầu bằng chữ hoa cũng là vi phạm. Cuối câu không có dấu kết câu.

    - Sử dụng dấu câu bừa bãi.

    Đối với các tác phẩm mắc quá nhiều lỗi nêu trên, BQT sẽ chuyển vào Thùng Rác - Tái Chế và yêu cầu thành viên sửa bài. Với những thành viên không chịu sửa bài sẽ bị xóa bài và nhận cảnh cáo.

    Các lỗi sai cơ bản

    1. Đặt thừa, thiếu khoảng trống trước dấu câu.

    Các bạn cần nắm được các nguyên tắc cơ bản sau:

    - Các dấu phân cách câu, phân cách ý (phẩy, chấm, chấm cảm, chấm lửng, chấm hỏi, hai chấm) đứng liền sát với nội dung phía trước và có khoảng trống với nội dung tiếp theo.

    - Khi sử dụng các cấu ngoặc, nội dung cần liền sát với cả ngoặc đóng và mở.

    - Khi dùng dấu gạch ngang cần có khoảng trống cả trước và sau dấu. Chú ý phân biệt với dấu gạch nối.

    - Chú ý không có dấu gạch dưới _ trong viết văn.

    2. Sử dụng số đếm.

    Ngoại trừ số đếm là danh từ và chỉ thời gian (VD: Lớp 12B, năm 2018) thì mọi số đếm khác đều cần được viết dạng chữ.

    3. Viết tắt.

    Phổ biến là viết tắt về thời gian (VD: 12h) và các số đo cơ bản (VD: 15 cm, 60 kg).

    Những kiểu viết trên chỉ sử dụng khi làm toán, còn ta viết văn thì phải viết đúng cách đọc.

    VD: 12h bạn sẽ đọc là "mười hai giờ" chứ không phải "mười hai h" nên bạn buộc phải viết là "mười giờ" hoặc "12 giờ". Tương tự cho các trường hợp khác.

    4. Không thống nhất trong cách đánh dấu phân biệt lời thoại và lời dẫn.

    Hiện có 2 cách là dùng ngoặc kép và dùng gạch ngang. VD:

    "Anh yêu em." Anh nói.

    - Anh yêu em. - Anh nói.

    Khi sử dụng ngoặc kép thì không cần dấu gạch ngang phân cách nữa. Nhiều bạn dùng cả 2.

    CHUẨN VỀ CHÍNH TẢ

    Dấu câu

    Tiếng Việt sử dụng 16 dấu (trong đó có 10 dấu câu) : Dấu cách! (), : ;? [] { }" "

    Về dấu cách, trước và sau mỗi dấu câu, chúng ta tuân theo một quy ước:

    1. Với các dấu câu chỉ có một thành phần như dấu phẩy ( ), chấm ( ),... thì dấu câu đứng liền kí tự phía trước, sau dấu câu là một khoảng trống.

    2. Với dấu câu gồm hai thành phần như ngoặc đơn ( ), ngoặc kép " ", ngoặc nhọn < >, ngoặc vuông [ ] thì bên ngoài của dấu sẽ là khoảng trắng, nội dung bên trong liền sát với dấu.

    3. Giữa hai dấu câu không có dấu cách, trừ khi chúng thuộc hai câu khác nhau. Luật 3 này có giá trị hơn hai luật trên.

    Về dấu ngoặc kép, cần lưu ý rằng chúng ta dùng cặp dấu " ".

    Xem chi tiết TẠI ĐÂY

    Số

    * Dùng dấu phẩy là dấu thập phân. Thí dụ: 5,25.

    * Dùng dấu chấm để phân nhóm. Thí dụ 1.200.000.

    Đơn vị

    Giữa số và đơn vị luôn có một dấu cách phi dãn (no-break space - NBSP).

    Một vài thí dụ: 5,67 cm, 16 GB..

    Trường hợp % vẫn viết liền với chữ số vì đây không phải đơn vị mà chỉ là kí hiệu cho phép toán thể hiện tỉ lệ.

    Ngày tháng

    * Ngày tháng dạng dài: Thứ hai, ngày 29 tháng 10 năm 2018.

    * Ngày tháng dạng ngắn: 29/10/2018.

    * Giờ dạng dài: 00 giờ 01 phút 02 giây.

    * Giờ dạng ngắn: 00:01:02.

    Chính tả

    Bạn có thể kiểm tra mình viết đúng chính tả hay không (dấu hỏi hay ngã, ch hay tr, l hay n,... bằng cách tra từ điển. Tiện lợi nhất là bạn có thể tra trực tiếp tại google, đối với các bạn đã rất thân thuộc.

    Vị trí dấu thanh

    1. Gặp một chữ có 1 nguyên âm chứa dấu mũ, dấu ngoắc như Ă, Â, Ê, Ô, Ơ, Ư, thì đánh dấu lên đó. Thí dụ: "Thắm", "sập", "huyền". Nếu có hai (như ƯƠ), thì đánh dấu lên nguyên âm sau (Ơ). Thí dụ: "hường", "được".

    2. Gặp một chữ có phụ âm cuối, thì đánh dấu lên nguyên âm chót. Thí dụ: "hoàng", "hoạt", "toán", "coóng". Nếu không có thì đánh dấu lên nguyên âm áp chót. Thí dụ: "họa", "hòe", "hủy". (Dĩ nhiên gặp một chữ chỉ có một nguyên âm thì chỉ còn cách là đánh dấu lên nguyên âm đó thôi).

    Viết hoa

    1. Viết hoa vì phép đặt câu: Viết hoa sau các dấu câu (dấu chấm câu, dấu chấm than, dấu chấm lửng);

    2. Viết hoa danh từ riêng chỉ tên người;

    3. Viết hoa tên địa lí;

    4. Viết hoa tên cơ quan, tổ chức: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết của các thành tố chỉ tên loại, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức;

    5. Tên chức vụ, học vị chung không viết hoa. Thí dụ: Tổng thống, chủ tịch, tổng bí thư, đại sứ, thái thú, tổng đốc, tiến sĩ, cử nhân, viện sĩ,...

    "i" hay "y"

    1. Trường hợp đứng sau 6 phụ âm: H, k, l, m, s, t; về cơ bản, cũng đã hình thành một thói quen: Viết i ngắn khi là từ thuần Việt; viết y dài khi là từ Hán Việt.

    2. Nguyên âm đứng một mình (âm tiết độc lập) thì sẽ viết i ngắn nếu là từ thuần Việt : Ỉ (eo), ì (à) ì (ạch), (béo) ị, (ầm) ĩ,... và y dài, nếu là từ Hán Việt: Ý (kiến), (lưu) ý, y (sĩ), (chuẩn) y,...

    3. Nguyên âm đứng đầu âm tiết, có tổ hợp nguyên âm hoặc nguyên âm đôi, viết y dài: Yêu (quý), yểu (điệu), yến (tiệc), yêng (hùng), hùynh hụych,...

    4. Trong các âm tiết nửa mở, có nhiều trường hợp thể hiện bằng hai con chữ i, y nhưng thực chất có sự khác biệt (do sự nhầm lẫn chính tả). Nếu là tổ hợp nguyên âm [wi], như trong các từ quy (tắc), (thâm) thúy, (ma) túy, (xương) tủy, quỵ lụy,... thì viết y dài. Nếu là tổ hợp nguyên âm [ui], như trong các từ cúi (đầu), túi (quần), tủi (hổ), xúi (bẩy), (tàn) lụi,.... thì viết i ngắn.

    Lưu ý: Tốt nhất bạn vẫn nên tra từ điển để tránh gây nhiều tranh cãi.

    Tất nhiên nếu bạn đặt sai dấu hay viết tắt trong bài thì đa phần độc giả cũng vẫn hiểu. Nhưng đó không phải là một bài viết chất lượng, cũng như tạo thói quen xấu cho chính bạn và độc giả. Thực tế không chỉ trong sáng tác mà trong những văn bản bình thường như đơn bài tập, bài thi,... bạn dùng sai chính tả đã gây sự phản cảm rất lớn cho người đọc. Trong những vấn đề quan trọng như xin việc hay văn kiện, báo cáo thì nó gây hậu quả còn lớn rất nhiều.
    Trong sáng tác văn học bạn lại càng phải chú ý - nhất là với những bạn mong muốn tác phẩm mình được xuất bản. Nếu bạn không muốn sau này mất nhiều thời gian để sửa lại hàng chục tác phẩm bạn đã viết khi có đề nghị xuất bản thì tốt nhất bạn sửa lại sao cho viết đúng chính tả ngay từ bây giờ.
     
    Last edited by a moderator: 28 Tháng bảy 2020
  2. Tinh Tổng Bạch Cốt Tinh kinh nhất diễn đàn!!!

    Bài viết:
    454
    Các dấu câu trong tiếng Việt


    Tài liệu được tổng hợp từ nhiều nguồn.

    Dấu câu là phương tiện ngữ pháp dùng trong chữ viết. Tác dụng của nó là làm rõ trên mặt chữ viết một cấu tạo ngữ pháp, bằng cách chỉ ranh giới giữa các câu, giữa các thành phần của câu đơn, giữa các vế của câu ghép, giữa các yếu tố của ngữ và của liên hợp. Nói chung, nó thể hiện ngữ điệu lên trên câu văn, câu thơ. Cho nên, có trường hợp nó không phải chỉ là một phương tiện ngữ pháp, mà còn là phương tiện để biểu thị những sắc thái tế nhị về nghĩa của câu, về tư tưởng, về cả tình cảm, thái độ của người viết. Dấu câu dùng thích hợp thì bài viết được người đọc hiểu rõ hơn, nhanh hơn. Không dùng dấu câu, có thể gây ra hiểu lầm. Có trường hợp vì dùng sai dấu câu mà thành ra sai ngữ pháp, sai nghĩa.

    Cho nên, quy tắc về dấu câu cần được vận dụng nghiêm túc.

    Tuy vậy, cũng có trường hợp vận dụng quy tắc dấu câu cũng ít nhiều có tính chất linh hoạt. Nói chung, đó là khi mà dù không dùng dấu câu, ranh giới cũng đã rõ, và không gây ra lầm lẫn.

    Hiện nay, tiếng Việt dùng mười dấu câu.

    1. Dấu chấm (.)

    1.1. Dấu chấm dùng ở cuối câu tường thuật.

    Ví dụ:

    Diễn đàn Việt Nam Overnight là diễn đàn giải trí tổng hợp.

    1.2. Khi đọc, phải ngắt đoạn ở dấu chấm. Dấu chấm là chỗ có quãng ngắt tương đối dài hơn, so với dấu phẩy, dấu chấm phẩy.

    2. Dấu chấm hỏi (?)

    2.1. Dấu hỏi dùng ở cuối câu nghi vấn.

    2.1.1. Thường gặp là trường hợp dấu hỏi dùng trong đoạn văn đối thoại, có người hỏi, có người đáp.

    Ví dụ:

    - Bạn biết đến diễn đàn VNO từ đâu?

    - Tôi biết đến diễn đàn từ Google.

    2.1.2. Có trường hợp tự đặt ra câu hỏi và tự trả lời, trong lời đối thoại nghệ thuật.

    2.1.3. Có trường hợp, một vế của câu ghép được cấu tạo theo kiểu câu nghi vấn nhưng không phải để hỏi mà để nêu lên tiền đề; trong trường hợp này không dùng dấu hỏi.

    2.2. Khi đọc, phải ngắt đoạn ở dấu hỏi, và nói chung, có lên giọng.

    2.3. Dấu hỏi có thể đặt trong dấu ngoặc đơn ( ) để biểu thị thái độ hoài nghi đối với một lời trích thuật. Nếu dấu chấm (hay tương đương) ngắt câu ở cùng chỗ, thì dấu này đặt sau dấu chấm.

    3. Dấu cảm (!)

    3.1. Dấu cảm dùng:

    - Ở cuối câu cảm xúc.

    - Hay ở cuối câu cầu khiến.

    3.2. Khi đọc, phải ngắt đoạn ở dấu cảm và có thể hoặc lên hoặc xuống giọng, tùy hoàn cảnh.

    3.3. Dấu cảm có thể đặt trong dấu ngoặc đơn :( ), để biểu thị thái độ mỉa mai; hay dùng kết hợp với dấu hỏi rồi đặt trong dấu ngoặc đơn :(?), để biểu thị thái độ vừa hoài nghi.

    Những dấu này cũng thường đặt sau dấu chấm, nếu có dấu chấm (hay tương đương) ngắt câu ở cùng chỗ.

    4. Dấu lửng (...)

    4.1. Dấu lửng dùng ở cuối câu (hay giữa câu, hay có khi ở đầu câu) để biểu thị rằng người viết đã không diễn đạt hết ý.

    4.2. Dấu lửng còn được dùng:

    4.2.1. Để biểu thị bằng lời nói bị đứt quãng vì xúc động, hay vì lí do khác.

    4.2.2. Để biểu thị một chỗ ngắt đoạn dài giọng với ý châm biếm, hài hước.

    4.2.3. Để ghi lại một chỗ kéo dài của âm thanh.

    4.3. Khi đọc, phải tùy trường hợp mà ngắt đoạn. Nói chung, ở dấu lửng, sự ngắt đoạn kéo dài..

    4.4. Hiện nay có cách dùng dấu lửng trong ngoặc đơn :(), để chỉ ra rằng người trích dẫn có lược bớt câu văn trích dẫn.

    5. Dấu phẩy (,)

    5.1. Dấu phẩy được dùng để chỉ ranh giới bộ phận nòng cốt với thành phần ngoài nòng cốt của câu đơn và câu ghép.

    Thành phần ngoài nòng cốt có thể là các thành phần than gọi, chuyển tiếp, chú thích, tình huống, khởi ý.

    Lưu ý:

    - Khi thành phần tình huống đặt ở đầu câu, dấu phẩy có thể được lược bớt, nếu thành phần đó là một danh ngữ có cấu tạo đơn giản dùng để chỉ thời gian, nơi chốn.

    - Khi thành phần ấy là do động từ hay tính từ đảm nhiệm và đặt ở cuối câu thì rất cần dấu phẩy giữa nó và nòng cốt.

    5.2. Dấu phẩy dùng để chỉ ranh giới giữa các yếu tố trong liên hợp, nhất là liên hợp qua lại.

    Lưu ý:

    - Giữa các yếu tố của một liên hợp song song, khi đã dùng kết từ thì thường lược bớt dấu phẩy.

    - Giữa các yếu tố của một liên hợp song song có tính chất ổn định hóa, dấu phẩy cũng thường được lược bớt.

    5.3. Dấu phẩy dùng để chỉ ranh giới giữa các vế trong câu ghép (song song hay qua lại).

    Lưu ý:

    Khi có dùng kết từ trong câu ghép song song hay qua lại thì có thể lược bớt dấu phẩy giữa các vế.

    5.4. Dấu phẩy có thể dùng để chỉ ranh giới giữa phần đề và phần thuyết trong những trường hợp sau đây:

    - Khi phần đề làm thành một đoạn khá dài.

    - Khi lược bớt động từ là trong câu luận.

    - Khi phần thuyết được đặt trước phần đề

    Ngoài những trường hợp vừa kể thì giữa phần đề và phần thuyết của nòng cốt câu đơn, nói chung, không dùng dấu phẩy.

    5.5. Dấu phẩy còn dùng vì lẽ nhịp điệu trong câu, nhất là khi nhịp điệu có tác dụng biểu cảm.

    5.6. Khi đọc, phải ngắt đoạn ở dấu phẩy. Nói chung, quãng ngắt ở dấu phẩy tương đối ngắn, so với những dấu đã nói trên.

    6. Dấu chấm phẩy (;)

    6.1. Dấu chấm phẩy thường dùng để chỉ ranh giới giữa các vế trong câu ghép song song, nhất là khi giữa các vế có sự đối xứng về nghĩa, về cả hình thức.

    Trong câu ghép song song mà vế sau có tác dụng bổ sung cho vế trước, cũng có thể dùng dấu chấm phẩy giữa hai vế.

    6.2. Dấu chấm phẩy cũng có thể dùng để chỉ ranh giới giữa các yếu tố trong một liên hợp song song bao gồm những ngữ.

    6.3. Khi đọc, phải ngắt đoạn ở dấu chấm phẩy; quãng ngắt dài hơn, so với dấu phẩy, nhưng ngắn hơn, so với dấu chấm.

    7. Dấu hai chấm (:)

    7.1. Nói chung, dấu hai chấm dùng để báo hiệu một điều trình bày tiếp theo sau và có tác dụng thuyết minh đối với một điều đã trình bày trước.

    - Điều thuyết minh là một lời thuật lại theo lối trực tiếp hoặc gián tiếp.

    - Điều thuyết minh có tác dụng bổ sung, giải thích một từ hay một vế ở trước.

    7.2. Khi đọc, phải ngắt đoạn ở dấu hai chấm, và cần có ngữ điệu thích hợp đối với điều thuyết minh.

    8. Dấu gạch ngang (-)

    8.1. Dấu ngang dùng để chỉ ranh giới của thành phần chú thích.

    8.2. Dấu ngang còn dùng để:

    - Đặt trước những lời đối thoại.

    - Đặt ở đầu những bộ phận liệt kê, mỗi bộ phận trình bày riêng thành một dòng.

    - Đặt ở giữa hai hay ba, bốn tên riêng, hay ở giữa con số để ghép lại, để chỉ một liên danh, một liên số.

    - Cần phân biệt dấu ngang là một dấu câu với dấu gạch nối không phải là dấu câu.

    Dấu gạch nối, hiện nay, thường được dùng trong những trường hợp phiên âm tên người, tên địa phương nước ngoài.

    Dấu gạch nối cũng còn được dùng trong những từ chung phiên âm từ tiếng nước ngoài, ví dụ: Pô-pơ-lin,...

    Cho nên, có khi, cần phân biệt dấu ngang với dấu gạch nối bằng độ dài của dấu đó (dấu ngang dài hơn).

    Ví dụ:

    Chủ nghĩa Mác – Lê-nin

    9. Dấu ngoặc đơn ( )

    9.1. Dấu ngoặc đơn cũng dùng để chỉ ranh giới của thành phần chú thích.

    9.2. Sự khác nhau giữa dấu ngang và dấu ngoặc đơn có khi không được rõ; theo thói quen, người dùng dấu này, người dùng dấu kia, đối với thành phần chú thích.

    Tuy vậy, cũng có thể nhận thấy giữa hai loại dấu đó có sự khác nhau sau đây:

    Khi thành phần chú thích có quan hệ rõ với một từ, một ngữ ở trước nó, thì thường dùng dấu ngang; nếu quan hệ đó không rõ thì thường dùng dấu ngoặc đơn.

    Một trường hợp đáng chú ý là dấu ngoặc đơn có thể dùng để đóng khung cho một từ hay một ngữ có tác dụng chú thích cho một từ không thông dụng (từ cổ, từ địa phương).

    Một loại dấu đôi nữa, có mở ra rồi có đóng vào giống như dấu ngang và dấu ngoặc đơn, và cũng được dùng để chú thích thêm trong một số trường hợp đặc biệt, là dấu móc: [ ].

    Trong trường hợp nhắc lại một văn bản, mà cần chú thích, đồng thời lưu ý người đọc rằng chú thích đó là ở ngoài văn bản thì dùng dấu móc.

    9.3. Khi đọc, phải ngắt đoạn ở dấu ngoặc đơn và cũng như trong trường hợp dấu ngang, ngữ điệu phải thích hợp đối với thành phần chú thích.

    10. Dấu ngoặc kép (" ")

    10.1. Dấu ngoặc kép dùng để chỉ ranh giới của một lời nói được thuật lại trực tiếp.

    Có khi, ý hoặc lời được thuật lại là một danh ngôn, một khẩu hiệu,...

    10.2. Dấu ngoặc kép còn dùng để dẫn lại với thái độ mỉa mai, một từ hay ngữ do người khác dùng. Trong trường hợp này, dấu ngoặc kép còn được gọi là dấu "nháy nháy".
     
    Last edited by a moderator: 28 Tháng bảy 2020
  3. G3mini Tập viết

    Bài viết:
    1
    Rất tỉ mỉ và cụ thể. Tuy nhiên không biết cách soạn văn bản bằng điện thoại như thế nào nhỉ
     
    Tuyettuyetlanlan thích bài này.
  4. lamvuthon

    Bài viết:
    65
    Theo mình hiểu thì đoạn này đang muốn nói đến "âm tiết" cấu tạo nên "từ" hay Tiếng Việt mình gọi là "tiếng" ạ.

    "Từ" là đơn vị cấu tạo nhỏ nhất của ngôn ngữ và có một đặc điểm tiên quyết làm nên "từ" là nó có nghĩa hoàn chỉnh. Ví dụ "xịn sò" là 1 từ ghép, nhưng "xịn" đứng riêng là 1 từ có nghĩa, còn "sò" ở đây đứng riêng không phải là từ vì nó không có nghĩa ạ,

    Một từ có thể cấu tại từ 1, hoặc 2, hoặc là nhiều tiếng. Ví dụ: "Anh" là 1 tiếng và là 1 từ, nhưng "lảnh lót" là 2 tiếng nhưng cũng chỉ là 1 từ thôi ạ.

    Nên nếu định nghĩa "Từ" như trên thì có vẻ không được phù hợp lắm với tiếng Việt.

    Trong việc đếm độ dài văn bản mình thấy phổ biến sử dụng là số lượng "chữ" trong văn bản. Ví dụ "hãy viết đoạn văn 1000 chữ", dùng "viết đoạn văn 1000 từ" là cách dùng sai sẽ dễ gây hiểu lầm ạ.

    Nên mình nghĩ ở chỗ này có thể chỉnh lại thành "âm tiết" hoặc "tiếng" hoặc "chữ" cho phù hợp không ạ?

    Cảm ơn bạn đã đọc bài
     
    Đậu Anh TửPim Pim thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 7 Tháng tám 2021
  5. Đậu Anh Tử

    Bài viết:
    134
    Hoàn toàn đồng ý với bạn, mình cũng đang định gửi ý kiến điều chỉnh phần đó. Theo mình thì nên sửa là "chữ".

    Nhiều kí tự (khác kí tự khoảng trắng) ghép lại với nhau được gọi là 1 chữ.

    Một hoặc nhiều chữ ghép lại thành 1 từ. Từ thì có từ đơn từ ghép, đa âm tiết..

    Cảm ơn bài viết chi tiết của tác giả <3
     
  6. Tiểu nô nô

    Bài viết:
    151
    Dùng thì biết dùng, nhưng sao cái lúc đọc hướng dẫn và giải thích, vẫn thấy mông lung kiểu như đọc sách trời ấy. Cái này mà bảo đi dạy tiếng việt cho mấy bạn nước ngoài thì nghe cũng khó lắm à.
     
    Đậu Anh Tử thích bài này.
  7. Đậu Anh Tử

    Bài viết:
    134
    Chuyện này giống như khi bạn dùng thì hoàn toàn là vì thói quen và thấy nó đơn giản, nhưng khi đọc hướng dẫn sử dụng một cách chi tiết thì thấy khá phức tạp và dài dòng ấy. Nhưng nói chung là khi nào cảm thấy băn khoăn hoặc chưa chắc về cách dùng nào đó thì tham khảo lại hướng dẫn là được bạn ạ.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...