Tại sao uống siro ho lại ho nhiều hơn?

Thảo luận trong 'Sức Khỏe' bắt đầu bởi Koko6868, 27 Tháng sáu 2021.

  1. Koko6868

    Bài viết:
    61
    Tại sao uống siro ho lại ho nhiều hơn?

    Khi trẻ bị ho, các bà mẹ thường cho bé uống siro ho để làm giảm nhanh các cơn ho. Thế nhưng nhiều bé sau khi uống siro ho lại càng ho nhiều hơn. Vậy tại sao uống siro ho lại ho nhiều hơn? Phải chăng mẹ đã cho bé uống sai thuốc? Đi tìm lời giải đáp cho thắc mắc này qua những thông tin sau nhé.

    [​IMG]

    Nguyên nhân trẻ ho nhiều hơn sau khi uống siro ho

    Ho là cơ chế phòng vệ tự nhiên của cơ thể nhằm tống các vật thể lạ ra khỏi đường hô hấp. Trẻ nhỏ thường dễ bị ho hơn người lớn do khả năng đề kháng chưa ổn định. Nhưng cơn ho ở trẻ không khó điều trị như nhiều người vẫn nghĩ, nếu bé vừa chớm ho thì chỉ cần chăm sóc vài ngày là có thể hồi phục.

    Trường hợp ho dai dẳng thì có thể cho trẻ dùng thuốc, thông thường là các loại siro ho vì nó có vị ngọt dễ uống và mang lại hiệu quả nhanh chóng. Thế nhưng nhiều bé sau khi uống siro ho lại ho nhiều hơn khiến các bà mẹ vô cùng lo lắng.

    Trên thực tế việc trẻ em ho nhiều hơn sau khi uống thuốc khá phổ biến và có thể là do một trong những nguyên nhân sau:

    Mẹ tự ý mua thuốc cho bé

    Trẻ nhỏ thường sẽ ho khan và ho có đờm, mỗi trường hợp sẽ có loại thuốc đặc trị riêng. Thế nhưng nhiều bậc phụ huynh lại vội vàng áp dụng các mẹo dân gian hoặc mua siro ho cho trẻ uống dù chưa xác định rõ triệu chứng ho. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc điều trị ho ở trẻ.

    Bên cạnh đó khi bố mẹ tự ý mua thuốc và siro ho cho bé mà chưa được bác sĩ chỉ định cũng có thể gây ra tình trạng dùng sai thuốc. Cụ thể:

    - Cho bé bị ho khan dùng thuốc long đờm: Thuốc và siro long đờm sẽ khiến đờm tiết ra nhiều hơn. Khi tác dụng của thuốc không còn sẽ gây tắc nghẽn ở họng khiến bé bị ho nhiều hơn.

    - Cho bé bị ho có đờm uống thuốc ức chế cơn ho: Khi sử dụng các loại thuốc này thì lượng đờm tích tụ trong khoang mũi và họng sẽ ngày càng nhiều hơn do không được loại bỏ ra ngoài. Lúc này các bé sẽ cảm thấy khó chịu và khó thở hơn, tình trạng bệnh cũng trở nặng thêm.


    [​IMG]

    Dùng siro ho sai liều lượng

    Cho bé uống siro sai liều lượng cũng là một trong những nguyên nhân khiến bé ho nhiều hơn. Thông thường các loại thuốc kháng sinh hay siro đều có liệu trình sử dụng cụ thể. Thế nhưng các ông bố bà mẹ thường có thói quen cho bé ngừng thuốc khi nhận thấy các triệu chứng vừa thuyên giảm, khiến bệnh dễ tái phát và triệu chứng ho sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.

    Tác hại của việc bé uống thuốc không đủ liều là gây ra tình trạng kháng thuốc. Tức là nếu bé lại mắc bệnh thì phải dùng thuốc liều cao hoặc sử dụng các loại thuốc khác, dễ phát sinh tác dụng phụ.

    Không kiêng khem cho bé

    Khi trẻ bị ho và đang trong thời gian điều trị nếu không kiêng khem các loại thực phẩm như: Món ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay, thực phẩm có chất bảo quản, nước ngọt có ga, kem, các loại đồ uống lạnh.. sẽ ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.

    Bên cạnh đó với mỗi loại thuốc điều trị cần cho trẻ kiêng một số thực phẩm nhất định, chẳng hạn như thịt gà, sữa, thực phẩm có mùi tanh. Bởi vì các loại thực phẩm này có thể cản trở quá trình và khả năng hấp thụ thuốc của cơ thể.

    Phải làm gì khi trẻ bị ho nhiều hơn sau khi uống thuốc?

    Khi trẻ uống siro ho lại ho nhiều hơn thì người mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ ngay, đồng thời chăm sóc bé đúng cách để tình trạng ho nhanh chóng thuyên giảm. Cụ thể:

    Đưa bé đến khám bác sĩ

    Khi trẻ có dấu hiệu ho nhiều và nặng hơn sau khi sử dụng siro ho thì các bố mẹ hãy nhanh chóng đưa bé đi khám bác sĩ. Bố mẹ hãy trao đổi với bác sĩ về tình trạng bệnh của bé trước và sau khi uống thuốc để bác sĩ kê đơn thuốc thích hợp.

    Lưu ý: Các bậc phụ huynh phải tuân thủ theo đúng liều lượng được kê trên đơn thuốc và dùng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ.


    [​IMG]

    Chăm sóc trẻ bị ho đúng cách

    Với trẻ bị ho khan: Tác nhân gây bệnh thường là thời tiết, không khí hay thực phẩm. Vì thế mẹ không nên để bé tiếp xúc nhiều với tác nhân gây dị ứng như: Lông vật nuôi, bụi bẩn, phấn hoa, hóa chất; hạn chế cho bé ăn bánh kẹo, nước ngọt, thức ăn cay hay nhiều dầu mỡ. Đồng thời nên thường xuyên vệ sinh mũi, họng, tay, chân của bé để phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh.

    Với trẻ bị ho có đờm: Nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi thì mẹ có thể dùng biện pháp vỗ long đờm để giúp bé đẩy đờm ra ngoài nhanh chóng. Với bé lớn hơn thì mẹ có thể dùng dung dịch nước muối sinh lý để vệ sinh mũi cho bé. Đồng thời mẹ nên cho bé gối cao đầu khi nằm ngủ để tránh bị tắc nghẽn đờm giúp bé ngủ ngon hơn.

    Không để bé nằm trong phòng có điều hòa 24/24. Cần cho bé mặc quần áo ấm áp khi trời chuyển lạnh; đặc biệt cần giữ ấm tay, chân, bụng, ngực, cổ, tai. Mang khẩu trang cho bé khi đi ra ngoài. Cho bé ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như rau xanh, trái cây tươi. Nên cho bé ăn các loại thức ăn mềm hoặc dạng lỏng để dễ tiêu hóa.

    Qua đây chắc hẳn các bậc phụ huynh đã biết được tại sao uống siro ho lại ho nhiều hơn cũng như biện pháp để giải quyết tình huống này. Hy vọng qua bài biết các ông bố bà mẹ có thể tích lũy thêm nhiều kiến thức để chăm sóc bé tốt hơn, giúp con khỏe mạnh, chóng lớn.
     
    Thùy MinhLove cà phê sữa thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...