Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 15 Tháng ba 2021.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,906
    CÁCH VIẾT ĐOẠN VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

    Trong chương trình Ngữ văn THPT, chúng ta được làm quen với văn Nghị luận xã hội ở hai dạng chính:

    1. Nghị luận về một hiện tượng đời sống

    2. Nghị luận về một tư tưởng đạo lý.

    Những vấn đề liên quan đến cách làm hai dạng đề này khá rộng, trong phạm vi bài viết này, tôi xin chia sẻ cách làm đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ ở phương diện hẹp hơn, nhưng khả năng xuất hiện trong đề thi thì cao hơn:


    Nghị luận về một khía cạnh nhỏ trong một vấn đề lớn

    1. Phân biệt hai phạm vi nghị luận:

    1.1. Phân tích ngữ liệu:

    Đề bài 1: Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn khoảng 200 chữ bàn về sự sáng tạo .

    Đề bài 2: Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn khoảng 200 chữ bàn về vai trò của sự sáng tạo .


    Giống nhau

    - Dạng bài: Nghị luận về một tư tưởng, đạo lý

    - Hình thức: Đoạn văn

    - Dung lượng: 200 chữ


    Khác nhau

    Đề 1: Phạm vi nghị luận rộng (một vấn đề có ý nghĩa khái quát)

    Đề 2: Phạm vi nghị luận
    hẹp (một khía cạnh nhỏ trong vấn đề lớn)

    Đề 1: Đoạn văn triển khai đầy đủ
    các ý như một bài văn hoàn chỉnh được thu nhỏ trong một đoạn.

    Đề 2: Đoạn văn tập trung triển khai
    một ý , ý này chính là một đoạn khi nó được đặt trong bài văn hoàn chỉnh.

    Đề 1 phải trình bày các ý:

    - Giới thiệu vấn đề nghị luận

    - Bàn luận:

    + Giải thích: Sự sáng tạo là gì?

    + Phân tích biểu hiện của sự sáng tạo


    + Phân tích vai trò của sự sáng tạo

    + Chứng minh bằng dẫn chứng

    + Bình luận phản đề: Nếu không có sự sáng tạo.

    + Bàn luận mở rộng: VD: Ngoài sáng tạo cần có những phẩm chất khác..

    - Khái quát vấn đề nghị luận, nêu bài học nhận thức, hành động..


    Đề 2 tập trung trình bày một ý:

    + Phân tích vai trò của sự sáng tạo

    1.2. Thực hành phân biệt hai phạm vi nghị luận:


    Anh/ chị hãy phân biệt phạm vi nghị luận của vấn đề được nêu trong các đề bài sau:

    Đề 1: Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về lí tưởng sống. (phạm vi nghị luận: Vấn đề khái quát)

    Đề 2: Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về ý nghĩa của những trải nghiệm khó khăn trong cuộc sống. (phạm vi nghị luận: Khía cạnh nhỏ)

    Đề 3: Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về điều bản thân nên làm để có thể thành công trong cuộc sống. (phạm vi nghị luận: Khía cạnh nhỏ)

    Đề 4. Hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu nói: "
    Thời gian nhàn rỗi chính là thời gian của văn hóa và phát triển ." (phạm vi nghị luận: Vấn đề khái quát)

    Đề 5: Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về hậu quả của tự cao, tự đại. (phạm vi nghị luận: Khía cạnh nhỏ)


    2. Cách viết đoạn nghị luận về một khía cạnh nhỏ trong một vấn đề lớn.

    2.1. Các khía cạnh thường gặp trong đề bài:

    + Bàn về biểu hiện/ hiện trạng:

    VD: "Sống đẹp là thế nào hỡi bạn?" Anh/ chị hãy trả lời câu hỏi trên của nhà thơ Tố Hữu bằng 01 đoạn văn khoảng 200 chữ.

    + Bàn về nguyên nhân:

    VD: Theo anh/chị, những nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng bạo lực học đường/ Hãy viết về vấn đề này bằng 01 đoạn văn khoảng 200 chữ.

    + Bàn về vai trò, ý nghĩa:

    VD: Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn khoảng 200 chữ bàn về vai trò của sự sáng tạo.

    + Bàn về hậu quả:

    VD: Anh/chị hãy viết 01 đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về hậu quả của tự cao, tự đại.

    + Bàn về giải pháp, cách thức:

    VD: Hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ nêu ý kiến của anh /chị về cách thức để mỗi người hình thành tâm thái tích cực trong cuộc sống.

    2.2. Hướng dẫn cách viết đoạn

    - Tìm hiểu đề:

    + Xác định hình thức: Đoạn văn 200 chữ.

    + Xác định dạng đề: Nghị luận về một tư tưởng đạo lí hay một hiện tượng đời sống

    + Xác định phạm vi bàn luận của đề: Nghị luận về một vấn đề khái quát hay một khía cạnh nhỏ

    + Xác định khía cạnh nghị luận đó là gì?

    + Xác định các thao tác lập luận.


    - Lập dàn ý cho đoạn văn nghị luận:

    + Khái lược:

    * Câu mở đoạn: Nêu ngắn gọn vấn đề nghị luận

    * Các câu phát triển đoạn: Phân tích lí lẽ, dẫn dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.

    * Câu kết đoạn: Khái quát lại vấn đề nghị luận.


    + Định hướng cụ thể:

    * Câu mở đoạn: có thể nêu vấn đề trực tiếp, hoặc gián tiếp. Lưu ý: Ngắn gọn trong phạm vi một câu.

    VD: Với đề bài bàn về vai trò của sự sáng tạo, ta có thể mở đoạn như sau:


    Sáng tạo có vai trò vô cùng quan trọng đối với thành công của mỗi người. (trực tiếp).

    Hoặc:


    "Chọn con đường đối lập với lối mòn, bạn gần như sẽ luôn làm tốt" - câu nói này của Jean Jacques Rousseau đã khẳng định vai trò quan trọng của sự sáng tạo . (gián tiếp)

    * Các câu phát triển đoạn:

    Với đoạn văn bàn về biểu hiện/ hiện trạng: ta phân tích các biểu hiện của vấn đề, hoặc nêu hiện trạng vấn đề xảy ra trong thực tế như thế nào.

    VD1. Với đề bài: Anh/chị hãy trả lời cho câu hỏi "Sống đẹp là thế nào hỡi bạn?", ta có thể triển khai các lí lẽ:


    Sống đẹp sống có lí tưởng, mục đích sống đúng đắn. Sống đẹp có sự hiểu biết sâu rộng về khoa học và đời sống. Sống đẹp có tâm hồn phong phú, tình cảm lành mạnh. Sống đẹp sống phù hợp với pháp lí, đạo lí, góp phần vào sự phát triển xã hội và phát triển bản thân. Sống đẹp hòa nhã, chừng mực trong giao tiếp, trách nhiệm trong công việc, đoàn kết, vị tha, tương thân tương ái trong các mối quan hệ, quyết đoán, có hiệu quả trong hành động, sự lành mạnh trong lối sống..

    Sau đó, ta nêu tấm gương người tốt, việc tốt để chứng minh.

    => Với đoạn văn
    bàn về biểu hiện , ta chú ý kết cấu câu có chứa từ trọng chốt.. ..

    VD2. Với đề bài: Suy nghĩ của anh/chị về thực trạng văn hóa đọc của giới trẻ hiện nay, ta có thể triển khai các lí lẽ:


    Giới trẻ hiện nay có vẻ thờ ơ với việc đọc sách, chưa có thói quen đọc sách. Số ít người trẻ còn đọc theo phong trào, chưa có sự lựa chọn, chưa có mục đích đọc đúng đắn. Việc đọc trở nên chưa thật sự có ích. Không ít người trẻ lại lựa chọn "sách đen" để đọc, tiêm nhiễm vào đầu óc những tư tưởng thiếu trong sáng, lành mạnh. Nhiều người cho rằng đọc sách thời nay là lạc hậu vì ở thời đại thông tin phát triển như vũ bão của công nghệ mạng xã hội, lên mạng đọc nhanh và dễ hơn. Nhìn chung, giới trẻ ngày nay dường như không còn mặn mà với sách.

    Sau đó, ta lấy dẫn chứng là số liệu về số đầu sách mỗi người đọc trung bình trong 1 năm để làm dẫn chứng.

    => Với đoạn văn
    bàn về hiện trạng , ta chú ý kết cấu câu có chứa từ trọng chốt.. hiện nay, ngày nay, ..

    Với đoạn văn bàn về nguyên nhân: ta phân tích nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan dẫn đến hiện tượng.

    Ví dụ. Với đề bài: Anh/chị hãy trình bày quan điểm của bản thân về nguyên nhân dẫn đến sự mai một trong văn hóa đọc của giới trẻ ngày nay, ta có thể trình bày các lí lẽ sau:


    Nguyên nhân khách quan dẫn đến sự mai một trong văn hóa đọc của giới trẻ ngày nay là do giới trẻ nói riêng và người Việt nói chung chưa có nhiều hành động để hình thành thói quen đọc sách. Mặt khác, do sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ mạng, các kênh truyền hình đầy ắp phim ảnh, thông tin phủ sóng toàn mạng xã hội mà không ít người trẻ không có thói quen đọc sách khi lên mạng đọc nhanh hơn. Thêm nữa, sự nhộn nhịp của quán xá với bao trò chơi giải trí lôi cuốn cũng khiến giới trẻ không có thời gian để ý đến việc đọc sách. Ngoài những nguyên nhân khách quan trên, thì những nguyên nhân chủ quan như việc chưa nhận thức đúng đắn ý nghĩa, vai trò của việc đọc sách, chưa hình thành thói quen đọc sách.. của mỗi người cũng là lí do khiến sự đọc ngày nay bị mai một.

    Sau đó, ta lấy dẫn chứng chứng minh cho lí lẽ.

    => Với đoạn văn
    bàn về nguyên nhân , ta chú ý kết cấu câu có chứa từ trọng chốt.. do, lí do, bởi ..

    Với đoạn văn bàn về vai trò, ý nghĩa: ta phân tích tác động tích cực của vấn đề đối với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội, phân tích ý nghĩa nhãn tiền, ý nghĩa lâu dài của những tác động ấy.

    Ví dụ. Với đề bài: Anh/chị hãy trình bày quan điểm của bản thân về sức mạnh của niềm tin trong cuộc sống, ta có thể trình bày các lí lẽ sau:


    Niềm tin sẽ tạo ra sức mạnh tinh thần để con người vượt qua những khó khăn, trắc trở. Niềm tin vào bản thân đem lại cho chúng ta nguồn vui sống, lòng yêu đời, yêu người, hi vọng vào những gì tốt đẹp. Niềm tin vào bản thân giúp con người dần vững vàng, trưởng thành hơn qua từng chặng đường đời. Trong cuộc sống, có biết bao con người không may mắn, họ phải trải qua nhiều khó khăn, thử thách, bất hạnh. Nhưng càng khó khăn, bản lĩnh của họ càng kiên cường. Họ tin vào ý chí, nghị lực, khả năng của bản thân và họ đã vượt lên, chiến thắng tất cả. Vì cuộc đời không bao giờ lường hết cho ta những hiểm nguy, cuộc sống của chúng ta luôn trực chờ sự tổn thương nên cần có niềm tin để vượt qua. Niềm tin là nền tảng của mọi thành công: Để có được thành công, con người phải biết dựa vào chính bản thân mình chứ không phải dựa vào ai khác, khách quan chỉ là điều kiện tác động, hỗ trợ chứ không phải là yếu tố quyết định thành công. Như vậy, niềm tin chính là chìa khóa mở cho chúng ta một cuộc sống tốt đẹp với những giá trị đích thực, lâu bền.

    Sau đó, ta lấy dẫn chứng chứng minh cho lí lẽ (gương tốt)

    => Với đoạn văn
    bàn về ý nghĩa, vai trò , ta chú ý kết cấu câu có chứa từ ngữ trọng chốt.. giúp, tạo nên, đem lại ..

    Với đoạn văn bàn về hậu quả: ta phân tích tác động tiêu cực của vấn đề đối với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội, phân tích hậu quả nhãn tiền, hậu quả lâu dài của những tác động ấy.

    Ví dụ. Với đề bài: Anh/chị hãy trình bày quan điểm của bản thân về hậu quả của lối sống ỷ lại của một bộ phận thanh niên, học sinh ngày nay, ta có thể trình bày các lí lẽ sau:


    Đối với bản thân, thói quen ỷ lại sẽ khiến bản thân chúng ta càng ngày càng bị lệ thuộc vào người khác, sống không có lập trường, không tin tưởng vào năng lực của bản thân và sẽ làm ảnh hưởng tới cha mẹ, khiến cha mẹ lúc nào cũng phải canh cánh trong lòng không tin tưởng vào việc con mình làm. Sống ỷ lại không đem lại giá trị cho bản thân, không cho ta những thành công thực sự, cuộc sống vì thế cũng trở nên nhàm chán, tẻ nhạt, mất đi ý nghĩa đích thực, khiến tương lai mờ mịt, vô định, bị phụ thuộc. Đối với nhà trường, những học sinh quen ỷ lại sẽ ảnh hưởng tới thành tích của chính học sinh đó nói riêng và với lớp, trường nói chung. Nghiêm trọng hơn, những học sinh như vậy sau này bước ra xã hội sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội, dễ bị dụ dỗ lôi kéo sa vào các tệ nạn xã hội, nghiện ngập, cờ bạc.

    Sau đó, ta lấy dẫn chứng chứng minh cho lí lẽ (gương xấu)

    => Với đoạn văn
    bàn về hậu quả, ta chú ý kết cấu câu có chứa từ ngữ trọng chốt.. khiến cho, làm cho, ảnh hưởng, không đem lại ..

    Với đoạn văn bàn về cách thức, giải pháp: ta đưa ra các giải pháp cấp bách, các giải pháp lâu dài cho vấn đề.

    Ví dụ. Với đề bài: Hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ nêu ý kiến của anh /chị về cách thức để mỗi người hình thành tâm thái tích cực trong cuộc sống, ta có thể trình bày các lí lẽ sau:


    Muốn tư duy tích cực thì trước hết bạn cần nhận ra yếu tố tiêu cực nào đang nhấn chìm bạn và chấm dứt ngay việc nghĩ rằng bạn là nạn nhân của một tình huống éo le nào đó. Bởi lẽ, càng nghĩ mình là nạn nhân bạn chỉ càng thấy sự bất công mà thôi. Để hình thành tâm thái tích cực, chúng ta còn nên gặp gỡ, trò chuyện với những con người lạc quan, càng ở cạnh những người này, ta càng được lan tỏa nhiệt huyết sống, sự vui vẻ. Mặt khác, sẵn sàng giúp đỡ những người khác, tham các các hoạt động tình nguyện hay bảo vệ môi trường mỗi khi bạn bắt đầu có những suy nghĩ tiêu cực cũng là những việc làm cần thiết, bởi việc làm dù nhỏ nhưng nó sẽ tạo ra hiệu ứng vô cùng lớn giúp bạn biết trân trọng cuộc sống của mình hơn và không còn cảm thấy chán nản nữa. Thêm nữa, đọc sách, xem phim hay xem các video về sống ý nghĩa, sống vui, sống đẹp, tạo động lực hay truyền cảm hứng là một trong những cách tuyệt vời nhất để lấy lại niềm vui và năng lượng tích cực. Nếu có mục tiêu, hãy luôn hướng về mục tiêu của bạn khi bắt đầu suy nghĩ tiêu cực. Chắc chắn là bạn không thể nào gục ngã được khi vẫn còn quá nhiều thứ chưa hoàn thành và bạn luôn khát khao nó. Ngoài ra, bạn có thể dậy sớm hơn ngày thường và bắt đầu vận động. Hãy đi ra ngoài tập thể dục, hít thở không khí trong lành, dọn nhà hay tập thiền, yoga.. để cơ thể không còn "nhớ" cảm giác buồn chán khi cứ nằm mãi trên giường nữa.

    Sau đó, ta lấy dẫn chứng chứng minh cho lí lẽ

    => Với đoạn văn
    bàn về giải pháp, ta chú ý kết cấu câu có chứa từ ngữ trọng chốt.. cần, nên, cần thiết, hãy ..

    * Câu kết đoạn: Khái quát lại vấn đề nghị luận, ngắn gọn trong 01 câu.

    Ví dụ. Với đề bài: Anh/chị hãy trình bày quan điểm của bản thân về sức mạnh của niềm tin trong cuộc sống, ta có thể kết đoạn ngắn gọn:


    Như vậy, niềm tin là giá trị tinh thần cốt lõi và có ý nghĩa thực sự quan trọng đối với mỗi con người.

    Trên đây là những chia sẻ của tôi về cách viết một đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ cho phạm vi đề bài bàn luận về một khía cạnh nhỏ trong một vấn đề lớn. Theo cá nhân tôi, phạm vi nghị luận chỉ là một khía cạnh, nên chúng ta chỉ nên xoay quanh khía cạnh đó, nếu chúng ta bàn thêm về các ý khác như giải thích, phân tích biểu hiện, phản đề bàn mở rộng vấn đề.. thì những ý này nên thật ngắn gọn, nếu các bạn quá sa vào những ý này, thì bài có thể bị lệch trọng tâm, bị trừ điểm xác định không đúng vấn đề nghị luận.

    Xem tiếp bên dưới..
     
    Chỉnh sửa cuối: 18 Tháng ba 2022
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,906
    Một số đoạn nghị luận tham khảo:

    1. Đề bài: Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về vấn đề: Khi ta ngừng than vãn.

    Hạnh phúc sẽ đến khi chúng ta ngừng than vãn về những khó khăn, cuộc sống là một món quà. "Câu danh ngôn trên đã phần nào nói lên những hoa trái ngọt ngào mà chúng ta hái được khi ta ngừng than vãn. Nhân vô thập toàn, con người có ai là hoàn hảo, mười phân ven mười, nên không ít người vì những thứ mình không có được, không đạt được mà không ngừng than vãn, đổ lỗi cho hoàn cảnh, hoặc cho chính mình không được sở hữu năng lực tuyệt vời như người khác. Bạn đâu biết than vãn là sai lầm, than vãn chỉ khiến bạn làm chùn nhụt khả năng phấn đấu của chính mình, đánh mất năng lượng tích cực của bản thân, cuộc đời chìm đắm trong bóng đen của tâm lí tiêu cực, mất hết cả ý nghĩa. Bạn hãy thử dũng cảm ngừng than vãn, suy nghĩ tích cực, bạn sẽ thấy rất nhiều điều kì diệu xảy ra. Khi ngừng than vãn, bạn sẽ thấy cuộc đời còn nhiều điều tốt đẹp chứ không phải toàn một màu đen xám xịt. Cuộc sống cũng như sự vật, luôn tồn tại hai mặt đối lập, có buồn có vui, có khổ đau hạnh phúc, có thất bại, thành công; con người có xấu có tốt, có sở đoản, sở trường, có mặt yếu mặt mạnh.. Nếu chỉ nhìn vào một mặt tối, làm sao thấy mặt sáng phía sau? Khi ngừng than vãn, ta sẽ nhận lại nguồn năng lượng tích cực từ những suy nghĩ tích cực. Nguồn năng lượng ấy là động lực để ta vượt qua những điều không như ý và phấn đấu vì những điều lớn lao, tốt đẹp. Khi ngừng than vãn, đổ lỗi, ta còn nhận ra chính mình có những mặt mạnh mà không phải ai cũng có, phát huy mặt mạnh đó, ta sẽ có được thành công nhất định. Ngừng than vãn, ta sẽ không đánh mất đi những mối quan hệ xung quanh. Bởi cứ than vãn mãi, chẳng phải mọi người sẽ mệt mỏi mà tránh xa ta hay sao? Vậy nên, muốn nhìn thấy những sắc màu tươi đẹp của cuộc sống này, bạn hãy ngừng than vãn, hãy biến những điều không trọn vẹn trong cuộc sống thành" phân bón "cho cây đời thêm xanh tốt, một ngày kia ta sẽ được hái trái ngọt lành.


    2. Đề bài: Anh/chị hãy viết đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về những điều mà chúng ta có thể đánh mất nếu lựa chọn an nhàn khi còn trẻ.

    Trong bài thơ" Vội vàng ", thi sĩ Xuân Diệu từng ngậm ngùi tiếc nuối thanh xuân:

    " Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn

    Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại

    Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi.. "

    Đúng vậy, mùa xuân của thiên nhiên có thể đi qua rồi trở lại theo quy luật tuần hoàn, nhưng mùa xuân của cuộc đời thì một đi không trở lại. Sự trở về của mùa xuân đồng nghĩa với sự ra đi của tuổi xuân. Tuổi xuân của đời người vì thế vô cùng đáng quý. Tháng năm không trở lại, cơ hội chẳng đợi chờ, nếu lựa chọn an nhàn khi còn trẻ, ta sẽ thế nào? Lựa chọn an nhàn khi còn trẻ, ta sẽ để tuột khỏi tầm tay nhiều điều quý giá. Tuổi trẻ là lúc cả sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần đều sung mãn nhất, chọn an nhàn - làm sao ta có thể phát triển bản thân một cách tốt nhất? An nhàn trong học tập, tri thức chẳng đủ đầy. An nhàn trong lao động, thành quả chẳng là bao. Chọn an nhàn khi còn trẻ là bản thân đang tự đóng lại rất nhiều cánh cửa đưa ta đến thành công, đến một cuộc đời tốt đẹp. Bởi" Trên đường thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng ", an nhàn cũng là cách gọi khác của lười biếng mà thôi. Chọn an nhàn khi còn trẻ, năm mươi năm cuộc đời còn lại sẽ vất vả, nhọc nhằn. Bởi những tháng năm an nhàn ấy lấy đi của ta sức khỏe, nhiệt huyết, cơ hội, không mang đến cho ta nhiều hiểu biết và kinh nghiệm.. thì nửa đời năm mươi năm sau, chẳng phải sẽ hoang mang, vô định lắm sao?" Không ai có thể gặt hái thành công mà chưa từng gieo trồng ". Khoảng thời gian" gieo trồng "đúng mùa vụ nhất của cuộc đời con người là tháng năm thanh xuân tuổi trẻ. Hãy gieo trên mảnh đất thanh xuân những hạt mầm của sự nỗ lực, cố gắng, ta sẽ nhận về những trái chín ngọt ngào. Vậy, đừng lựa chọn an nhàn những năm tháng thanh xuân để cả đời phải ân, tiếc nuối: Ta đã làm chi đời ta vậy?


    3. Đề bài: Anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ t rình bày suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết của việc tự học .

    Có khi nào bạn từng trầm trồ ngưỡng mộ:" Thành tích học tập của bạn ấy thật xuất sắc! ", có khi nào bạn từng âm thầm ao ước:" Giá như mình học giỏi như bạn ấy! "? Chắc hẳn, ai cũng có một thần tượng là" bạn ấy "trong tâm trí. Vậy có khi nào bạn hỏi" bạn ấy "tại sao có thể học tốt như vậy? Chắc hẳn, sẽ không ít" bạn ấy "trả lời rằng: Đều là do ý thức tự học. Tự học là tự giác học tập một cách khoa học, nghiêm túc, kỉ luật. Tự học thực sự rất cần thiết đối với mỗi người. Bởi lẽ, kiến thức của nhân loại là vô cùng, vô tận, thời gian chúng ta học trên lớp chỉ là hữu hạn, tự học giúp ta bổ sung được những mảnh ghép còn thiếu mà cô thầy chưa thể chuyển tải hết. Tự học giúp con người chủ động trong suy nghĩ, tìm tòi, khám phá, từ đó hiểu và khắc sâu được bản chất bài học. Tự học không chỉ trang bị cho ta kiến thức từ thầy cô mà còn bổ sung được kho kiến thức rộng lớn từ sách báo, mạng thông tin, hoặc từ bạn bè, cuộc sống.. Kiến thức thu lượm được nhờ tự học càng khiến ta mở mang tầm hiểu biết, giúp kết quả học tập ngày càng tiến bộ, vững vàng. Tự học vì thế là tiền đề để chúng ta từng bước chiếm lĩnh thành công và có những cống hiến cho xã hội. Người có tinh thần tự học sẽ được mọi người yêu quý, ngưỡng mộ. Người có tinh thần tự học có thể lan tỏa tinh thần, ý thức ấy đến mọi người xung quanh, trở thành tấm gương để người khác học tập. Nhà văn Macxim Gorki có một thời thơ ấu gian khổ, không được đi học. Nhưng nhờ tinh thần tự học, ông đã trở thành đại văn hào Nga, được cả thế giới biết đến. Tự học chính là chìa khóa của kho tàng tri thức, là hạt giống của hạnh phúc, thành công, là cánh cửa mở ra bao điều tốt đẹp.. Vậy nên, mỗi người cần rèn luyện cho mình tinh thần tự học. Thụ động, thỏa hiệp với bản thân chỉ khiến ta ngày càng lạc hậu mà thôi.

    4. Đề bài: Anh/ chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày.

    Chúng ta đến với thế giới này là một niềm hạnh phúc lớn lao. Nhưng có được niềm hạnh phúc ấy một cách trọn vẹn lại phụ thuộc vào thái độ sống của mỗi người. Có người lãng phí đời mình một cách vô bổ, có người chọn trân trọng từng ngày được sống trên thế gian. Hẳn ai cũng nhận thức được, chỉ có trân trọng cuộc sống, mới mang đến cho chúng ta cuộc đời ý nghĩa. Trân trọng cuộc sống là trân trọng sự sống của bản thân, là biết sống đẹp để mang lại những gì hữu ích cho chính mình, cho người thân và xã hội, là không sống hoài, sống phí.. Trân trọng cuộc sống mỗi ngày là cần thiết bởi cuộc sống là vô thường. Một tai nạn bất ngờ hay một sự vô lí tình cờ nào đó có thể cắt đứt sợi dây gắn kết ta với cuộc đời này, nên nhất thiết phải trân trọng sự sống, để ta không phải hối tiếc điều gì khi rủi ro ập đến. Trân trọng cuộc sống mỗi ngày là cần thiết bởi khi sống với thái độ ấy, ta biết mình cần phải làm gì để mỗi ngày trôi qua là một ngày vui. Nhiều ngày cộng lại là một đời vui. Ai chẳng muốn bản thân sống một cuộc đời tốt đẹp! Trân trọng cuộc sống sẽ mang đến cho ta cuộc đời tốt đẹp mà ta mơ ước. Trân trọng cuộc sống như một liều thuốc tinh thần mang đến năng lượng tích cực, tạo động lực để con người vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, từng bước vươn đến đỉnh cao của thành công. Trân trọng cuộc sống còn giúp ta hoàn thiện bản thân, nhận được sự yêu thương, quý mến của mọi người. Trân trọng cuộc sống giúp lan tỏa những điều tốt đẹp đến những người xung quanh, đến xã hội.. Nick Vujicic - diễn giả nổi tiếng sinh ra thiếu hai tay, hai chân vẫn dũng cảm, mạnh mẽ để sống những ngày trọn vẹn và trở thành nhà diễn thuyết nổi tiếng truyền cảm hứng tới triệu triệu người trên thế giới. Nếu không biết trân trọng cuộc sống thì sự sống ấy chỉ là sự tồn tại đầy bi kịch mà thôi. Mỗi ngày là một món quà mà cuộc sống ban tặng cho chúng ta, vậy cớ gì, ta không trân trọng điều đó? Hãy trân trọng cuộc sống, hãy biết ơn cuộc đời bởi:".. mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương ".

    5. Đề bài: Anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về vấn đề: Nếu ta cứ chìm đắm mãi trong những thất vọng của đời mình.

    " Một suy nghĩ tiêu cực sẽ chẳng bao giờ mang lại một cuộc sống tích cực ". Chìm đắm trong những thất vọng của bản thân chính là một trong những hạt mầm tiêu cực. Khi hạt mầm ấy nảy nở trong suy nghĩ, tư tưởng của con người sẽ chỉ mang lại những cái cây èo uột, khô héo. Bởi khi ta cứ chìm đắm mãi trong những ám ảnh thất vọng về chính mình là ta đang uổng phí cuộc sống, đang lún sâu vào sự bất hạnh. Những nỗi thất vọng giống như một thứ virut độc hại ăn mòn ý chí, niềm tin. Cái cây cuộc đời chẳng thể xanh tươi khi mang trên mình thứ virut đó. Chúng có tác động xấu đến tinh thần, chúng khiến ta tự hạ thấp khả năng và làm giảm giá trị của chính mình. Khi ta mãi đắm chìm trong những thất vọng ấy lâu dần sẽ dẫn đến việc suy giảm động lực phấn đấu, thui chột ý chí vươn lên. Tác động từ những ám ảnh thất vọng vì thế khiến ta bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để chinh phục thành công, để tận hưởng một cuộc đời đáng sống. Làm sao ta có được thành quả ngọt ngào khi cứ găm vào đầu suy nghĩ" Đã quá muộn để làm bất cứ điều gì "hay" Mình mãi chỉ là kẻ thất bại"? Một cánh cửa khép lại, sẽ có muôn vàn cánh cửa khác mở ra. Nếu ta cứ đứng chôn chân mãi trước cánh cửa im ỉm đóng mà than buồn, kể khổ, làm sao ta có thể nhìn thấy những cánh cửa khác? Nếu ta cứ đắm chìm mãi trong những thất vọng về bản thân, làm sao ta có thể tư duy thông suốt để giải quyết tình huống bế tắc hiện tại, để giải phóng bản thân khỏi xiềng xích của suy nghĩ tiêu cực đang đè nặng tâm trí? Hố đen của suy nghĩ thất vọng về chính mình chỉ khiến cuộc đời con người chìm trong tăm tối. Như vậy chẳng bi thương lắm sao? Chẳng phải sống mà đang chết đó sao? Ai cũng chỉ có một cuộc đời, sao không chọn sống với những niềm tin và xúc cảm tích cực? Hãy mạnh dạn bước ra khỏi nỗi ám ảnh của những thất vọng bản thân, ta sẽ nhận ra cuộc sống còn rất nhiều điều tươi đẹp đang chờ ta phía trước. Vậy nên:

    Đừng thở dài hãy vươn vai mà sống

    Bùn dưới chân nhưng nắng ở trên đầu.
     
    Chỉnh sửa cuối: 19 Tháng sáu 2022
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,906
    6. Đề bài: Hãy viết một đoạn văn nghị luận khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết của lối sống có trách nhiệm ở mỗi người.

    Cuộc đời con người có khác chi đồng bãi, đất đai. Muốn thu hoa, hái trái, ta cần gieo lên đó những hạt mầm có thể cho ta hoa trái. Nếu không chịu gieo trồng, ta chỉ thu được cỏ dại mà thôi. Sống có trách nhiệm là một trong những hạt mầm khiến mảnh đất cuộc đời cho hoa thơm, quả ngọt. Brian Tracy từng nói "Bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về tất cả con người bạn hiện tại, tất cả mọi thứ bạn có và tất cả những gì bạn sẽ trở thành". Câu nói đó phần nào khẳng định vai trò của lối sống có trách nhiệm ở mỗi người. Sống có trách nhiệm là làm tròn nghĩa vụ bổn phận với bản thân, gia đình, xã hội.. Sống có trách nhiệm còn là dám làm, dám chịu trách nhiệm về những lời nói, hành động của chính mình.. Sống có trách nhiệm thực sự cần thiết đối với mỗi người. Vì sao vậy? Bởi lẽ, khi bạn sống có trách nhiệm với chính mình, bạn đồng thời là một người tôn trọng nguyên tắc, kỉ luật. Với những phẩm chất ấy, bạn sẽ hoàn thành tốt công việc, nhiệm vụ được giao. Bạn sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp, hoàn thiện mình, khẳng định được giá trị bản thân. Sống trách nhiệm còn góp phần định hướng hành vi, khiến bạn luôn vững vàng trước cuộc đời, không bị cám dỗ, sa đà vào những điều vô bổ. Sống trách nhiệm vì thế còn giúp bạn dần đi tới đỉnh cao của thành công và mang đến cho bạn thật nhiều niềm vui trong cuộc sống. Không chỉ vậy, khi sống có trách nhiệm với mọi người, với cộng đồng, bạn còn nhận được sự tin tưởng, quý mến của những người xung quanh, của đồng nghiệp, cấp trên. (Có khi nào ta lại tin tưởng, quý mến một kẻ sống tùy tiện, vô trách nhiệm?). Sống có trách nhiệm còn góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp đến với cộng đồng. Con người là tổng hòa của các mối quan hệ xã hội, nên khi mỗi người đều nâng cao ý thức trách nhiệm, xã hội sẽ văn minh, đất nước phát triển.. Trong thời điểm dịch bệnh đang hoành hành như ngày nay, ta càng thêm yêu mến, trân trọng những con người hết lòng vì trách nhiệm với cộng đồng. Đó là những bác sĩ ngày đêm chống dịch, những anh bộ đội chịu mưa dầm nắng dãi, nhường chiếu giường cho khu cách li... Sống có trách nhiệm thực sự là một bông hoa đẹp trong vườn hoa nhân cách con người. Vì vậy, mỗi chúng ta cần phải sống có trách nhiệm, với bản thân và với mọi người.


    7. Đề bài: Anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về vấn đề: sự biện bạch chẳng khác gì chuẩn bị cho sự thất bại.


    Có khi nào bạn nghĩ rằng "Mình thực sự rất bận" để bào chữa cho việc bạn đã không làm điều cần phải làm? Đã bao giờ bạn nghĩ rằng "Hôm nay thực sự rất mệt mỏi" để bào chữa cho việc bạn dành hết quãng thời gian còn lại của ngày để nằm dài chơi game? Bạn có biết rằng như vậy là bạn đang biện bạch? Biện bạch là tìm lí do, tìm cớ để trì hoãn, để không chịu cố gắng, không chịu làm những việc cần làm, nên làm. Bạn có biết rằng biện bạch là chuẩn bị cho sự thất bại? Vì sao lại thế? Vì biện bạch rất dễ hủy hoại một con người. Sẽ có một lúc, bạn nhận ra rằng, mỗi một lần biện bạch, hành động của bạn sẽ bị trì hoãn, trì hoãn trong học tập, trì hoãn trong công việc, và cũng là trì hoãn sự tiến bộ. Biện bạch chính là sợi xích vô hình trói con người vào sự trì trệ. Bởi tin vào những lời biện bạch do chính mình tạo ra, con người sẽ tự mình thui chột khả năng phấn đấu. Nhận thức bị đóng đinh khi lặp đi lặp lại những niềm tin tiêu cực từ sự biện bạch sẽ khiến cho vận mệnh con người ngày càng bị giới hạn, tương lai ngày càng trở nên chật hẹp. Khi biện bạch để trì hoãn hành động, bạn sẽ không biết khả năng cực đại của mình đến đâu, không biết mình có thể làm được những gì lớn lao hơn thực tại. Vì thế bạn sẽ không có được thành công mong muốn. Ví như, khi bạn cho rằng bài tập này quá khó đối với mình, bạn tin vào lí do đó và không chịu động não tìm cách làm, bạn chẳng thể có được kết quả học tập tốt. Nếu bạn viện cớ rằng thời tiết thật khó chịu, để rồi uể oải trong công việc, làm sao năng suất làm việc có thể hiệu quả? Nếu lấy lí do biển khơi nhiều sóng gió, con tàu đời bạn chẳng dám căng buồm, làm sao bạn có được những mùa cá bội thu? Như vậy chẳng phải biện bạch đang hủy hoại đời bạn đó sao? Cuộc đời bạn sẽ chẳng có gì thay đổi, nó vốn bình thường thì sẽ mãi bình thường nếu bạn để cho những lí do, những lời biện bạch cầm lái tư tưởng, hành vi của mình. Và bạn sẽ chẳng chạm tới những điều tốt đẹp nếu cứ mãi bao biện cho việc mình không làm những điều nên làm. Vậy nên, đừng chỉ biết tìm lí do, vin vào cớ để trì hoãn nữa, hãy gạt chúng sang một bên để hành động, bạn sẽ thấy bạn làm được những điều mà trước kia bạn không dám làm vì tin vào lí do bạn tự bao biện cho mình. Hãy nhớ: "Người thành công luôn tìm cách, người thất bại chỉ tìm lí do".

    8. Đề bài: Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vai trò của ý thức cộng đồng.

    Con người không giống với bất cứ giống loài nào khác bởi con người có ý thức, không chỉ là ý thức cá nhân mà còn là ý thức cộng đồng. Nếu ý thức cá nhân là nhận thức của riêng một cá thể về chính mình, thì ý thức cộng đồng lại là phần nhận thức về các giá trị chung, theo chuẩn mực đạo đức, mà mọi người có trách nhiệm tuân thủ, hướng đến một xã hội văn minh tốt đẹp. Ý thức cộng đồng có vai trò vô cùng quan trọng, bởi trước hết nó thể hiện phẩm chất đạo đức, trí tuệ và trình độ văn hóa của một con người. Người có ý thức cộng đồng, biết hướng đến cái chung, lợi ích chung của tập thể sẽ khẳng định được giá trị bản thân ở phương diện hiểu biết và văn hóa. Người có ý thức cộng đồng sẽ nhận được sự yêu mến của mọi người, từ đó có nhiều mối quan hệ hữu ích, sẽ học hỏi được nhiều điều trong cuộc sống, và hơn hết họ sẽ thấy tâm hồn mình được an nhiên, tự tại, thấy cuộc sống thật nhiều niềm vui ... Không chỉ có ý nghĩa đối với cá nhân, ý thức cộng đồng còn có ý nghĩa xã hội. Bởi mỗi cá nhân không phải là một thực thể riêng rẽ, mà là một tế bào của xã hội. Hành động, việc làm của mỗi người, ít nhiều sẽ tác động đến cộng đồng, tập thể. Nếu mỗi người đều có ý thức vì cộng đồng thì sẽ đem lại những điều tốt đẹp cho mọi người xung quanh. Trong bối cảnh hiện tại, khi dịch bệnh đang lan tràn và chưa có dấu hiệu kết thúc, mỗi người đều có ý thức thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch như tuân thủ quy định giãn cách, đeo khẩu trang đến nơi công cộng, trung thực khai báo y tế, tự cách li khi đi đến những vùng có nguy cơ về... thì sẽ giúp ích rất nhiều trong công cuộc chống dịch, giúp dịch bệnh được kiểm soát, giúp mọi người quanh ta được an toàn... Ngược lại, chỉ cần số ít người không có ý thức vì cộng đồng, thì có thể sẽ gây nên những hậu quả khó lường cho rất nhiều người. Hiện tượng cô gái mang tên Hồng Nhung - bệnh nhân số 17 là một vị dụ điển hình. Không chỉ trong mùa dịch, mà trong bất cứ hoàn cảnh nào, nâng cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng cũng là điều cần thiết. Xã hội có văn minh, đất nước có phát triển – một phần không nhỏ phụ thuộc vào ý thức cộng đồng của mỗi cá nhân.

    9. Đề bài: Anh/ chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về vấn đề: Không thể hi sinh quên mình vì người khác thì hãy làm những điều tốt nhỏ nhoi.

    Không thể hi sinh quên mình vì người khác thì hãy làm những điều tốt nhỏ nhoi. Đó là bức thông điệp nhân sinh sâu sắc, đề cao vai trò những điều tốt nhỏ nhoi trong cuộc sống. "Không thể hi sinh quên mình vì người khác" có thể hiểu là không thể làm những điều lớn lao, vĩ đại, thậm chí hi sinh cả bản thân vì người khác. Còn "điều tốt nhỏ nhoi" là những hành động, việc làm dù bé nhỏ nhưng xuất phát từ lòng tốt, từ tâm thiện lành của con người và mang đến những điều đẹp đẽ cho người khác, cho cuộc sống này. Vậy tại sao "Không thể hi sinh quên mình vì người khác thì hãy làm những điều tốt nhỏ nhoi"? Bởi lẽ, không phải ai cũng đủ điều kiện và năng lực để hi sinh quên mình vì người khác. Giống như việc bản thân bạn không biết bơi, bạn khó có thể lao vào giữa dòng lũ xiết để cứu người. Hay bạn phải chật vật với miếng cơm manh áo mỗi ngày, bạn khó có thể bỏ ra một số tiền lớn để ủng hộ chi phí điều trị cho một người bạn quen biết nào đó bị bệnh hiểm nghèo. Mặc dù, không thể có được tinh thần hi sinh vĩ đại ấy, bạn vẫn có thể làm những điều tốt nhỏ nhoi. Bởi lẽ nhiều khi những điều tốt nhỏ bé ấy lại mang lại ý nghĩa lớn lao. Làm việc tốt dù nhỏ, cũng góp phần hoàn thiện nhân cách, nâng cao giá trị bản thân. Giúp đỡ người khác dù việc nhỏ, cũng có thể mang lại niềm vui, sự ấm áp cho họ. Thường xuyên làm việc tốt dù nhỏ, còn lan tỏa giá trị sống tốt đẹp đến những người xung quanh, thậm chí định hướng suy nghĩ, hành vi của không ít người.. Và nhiều việc tốt nhỏ gom lại, sẽ thành những điều lớn lao. Ví như mỗi người một chút chung tay ủng hộ đồng bào lũ lụt, có thể giúp họ vượt qua khó khăn hiện tại.. Sự vĩ đại luôn được kết tinh từ những điều nhỏ bé trong dòng đời. Con người chỉ đáng trách khi không thể hi sinh quên mình vì người khác mà việc tốt nhỏ cũng không chịu làm. "Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại, nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ nhặt với tình yêu vĩ đại" (Mẹ Teresa), như vậy mỗi người, hãy luôn cố gắng làm những điều tốt, dù điều tốt đó là nhỏ nhoi.

    10. Đề bài: Anh/ chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của bản thân về vấn đề: làm thế nào để phát huy giá trị bản thân?

    Mỗi người đều có những đặc điểm tuyệt vời riêng, đó chính là giá trị bản thân. Giá trị bản thân sẽ giúp chúng ta khẳng định được vị thế của mình trong xã hội, trong cuộc sống. Vậy làm thế nào để phát huy giá trị bản thân? Để phát huy được giá trị bản thân, việc trước tiên của bạn là nhận thức, khám phá ra những giá trị của mình, giá trị ấy là sở trường, năng lực đặc biệt hay đơn giản chỉ là sự nhiệt thành, là tấm lòng nhân ái, là khả năng mang đến những điều tốt đẹp cho những người xung quanh. Sau đó, hãy không ngừng xây dựng, phấn đấu, bồi đắp giá trị để chúng phát triển trong chính môi trường sống và làm việc của bạn. Hãy biến sở trường của bạn thành những hành động, việc làm, sự cống hiến thực sự. Ví như, khi làm việc, bạn phải thật trách nhiệm, nhiệt huyết, dồn hết khả năng hiện có của bạn vào đó. Những giá trị nổi trội sẽ giúp ta đạt hiệu quả công việc và mở rộng con đường thăng tiến. Và khi ấy, giá trị của bạn ngày càng được khẳng định, phát huy. Ngay cả khi bạn không có tài năng đặc biệt, bạn vẫn có thể phát huy giá trị bản thân bằng sự tận tâm với công việc mà mình lựa chọn hay bằng khả năng đem đến cho chính mình và những người xung quanh những giá trị tinh thần phi vật chất như niềm vui, sự chia sẻ, tình yêu thương... Bởi giá trị bản thân không chỉ nằm ở tài năng của bạn, mà còn ở cả những điều tốt đẹp mà bạn mang đến cho cuộc đời này. Jack ma có thể khẳng định giá trị bản thân trong lĩnh vực kinh doanh, bạn cũng có thể phát huy giá trị bản thân bằng những hành động thiết thực cho cộng đồng: làm từ thiện, bảo vệ môi trường... Như vậy, bạn cần hiểu được giá trị bản thân mình là gì, từ đó hãy tìm cách khám phá và nuôi dưỡng chúng thành nét đặc trưng của mình. Hãy để giá trị của bạn là công cụ hỗ trợ đắc lực để bạn tự tin tỏa sáng.

     
    Chỉnh sửa cuối: 17 Tháng tám 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...