Áo Dài Việt Nam đi qua năm tháng

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi AH. Hoài Sa, 10 Tháng sáu 2021.

  1. AH. Hoài Sa

    Bài viết:
    8
    "Đơn sơ hai mảnh tuyệt vời,

    Thân sau vạt trước nên lời nước non."

    Sự biến thiên của lịch sử tạo ra nét đặc trưng của áo dài ở mỗi thời kì. Nhưng nói chung, thời kì nào áo dài lúc nào cũng đẹp, mang sự nữ tính và vẻ đẹp rất riêng của Phụ Nữ Việt Nam.

    Ngay từ thời Hùng Vương và những năm 40- 43 Công Nguyên, Hai Bà Trưng (Trưng Trắc- Trưng Nhị) đã từng mặc 1 dạng áo có 2 tà giáp vàng, che lọng, cưỡi voi đánh trận.

    Ngày ấy, người dân đã biết sử dụng các chất liệu tự nhiên như màu của củ nâu, lá bàng.. giã nhỏ hay lấy bùn ở dưới ao để làm màu nhuộm vải mang trang phục, từ đó tạo nên một "văn hóa mặc" dù đơn giản nhưng rất kín đáo, tôn vẻ đẹp con người.

    Áo giao lĩnh hay còn gọi là áo giao lãnh là một dạng của Áo trực lĩnh (cổ áo thẳng) phân biệt với Áo đoàn lĩnh (cổ áo tròn). Đến nay, chưa có nhà nghiên cứu nào có thể xác định chính xác lịch sử áo dài và thời điểm xuất hiện của áo dài. Theo nhận định cảm quan của người Trung Quốc thì áo dài xuất thân từ sườn xám nhưng sườn xám mới xuất hiện từ năm 1920 còn áo dài đã xuất hiện cách đây hàng ngàn năm.

    [​IMG]

    Sự xuất hiện của áo dài bắt nguồn từ áo giao lĩnh (năm 1744) – là kiểu dáng sơ khai nhất của áo dài Việt Nam. Áo giao lĩnh còn được gọi là áo đối lĩnh, được may rộng, xẻ hai bên hông, cổ tay rộng, thân dài chấm gót. Thân áo được may bằng 4 tấm vải kết hợp mặc cùng thắt lưng màu và váy đen. Đây là kiểu áo cổ chéo gần giống với áo tứ thân. Áo giao lãnh được xem là nguyên gốc của áo dài Việt Nam xưa.

    Áo dài tứ thân (thế kỷ 18 – đầu thế kỷ 20)

    Theo các nhà nghiên cứu và những hiện vật tại các bảo tàng áo dài thì để tiện hơn trong việc lao động sản xuất của người phụ nữ, chiếc áo giao lĩnh được may rời 2 tà trước để buộc vào với nhau, hai tà sau may liền lại thành vạt áo.

    [​IMG]

    Loại áo này thường may màu tối, được xem là chiếc áo mộc mạc, khiêm tốn mang ý nghĩa tượng trưng cho 4 bậc sinh thành của hai vợ chồng.

    Áo ngũ thân (1744)

    Áo ngũ thân là một loại trang phục truyền thống của người Việt Nam, ra đời năm 1744, sau cải cách trang phục đàng trong của chúa Nguyễn Phúc Khoát. Áo cho nam có cổ cao, thẳng và vuông tượng trưng cho sự chính trực của người quân tử.

    Áo có 5 cúc làm bằng kim loại, ngọc, gỗ.. chứ không phải bằng vải như sườn xám Trung Quốc. Áo ngũ thân cũng có năm nút, tượng trưng cho ngũ thường (nhân – nghĩa – lễ – trí – tín), ngũ luân (quân thần: Vua – tôi, phụ tử: Cha – con, phu phụ: Chồng – vợ, huynh đệ: Anh – em, bằng hữu: Bạn bè). Mặc chiếc áo dài ngũ thân là mang trên mình đạo làm người, không được làm những điều trái luân thường đạo lý.

    Áo có ngũ thân tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu, một thân con (nhỏ nhất, nằm trong) tượng trưng cho mình (người mặc). Tà áo không bó sát người mà rộng, càng xuống càng xòe ra. Tay áo rộng, hẹp tùy ý.

    [​IMG]

    Từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam với chế độ phong kiến, có sự phân chia giai cấp, tầng lớp của xã hội một cách khá rõ ràng. Những người phụ nữ nơi đô thành đã biết biến tấu áo tứ thân thành áo ngũ thân để thể hiện sự quyền quý, cao sang của bậc địa chủ, thượng lưu giàu có; dễ dàng phân biệt với những người thuộc tầng lớp nghèo hèn hơn.

    Từ trước 1910- 1950, người phụ nữ Việt vẫn chịu sự khắc khe của xã hội phong kiến nên trang phục không tôn được vóc dáng thướt tha vốn có mà được may rộng, phía trong còn được mặc thêm một chiếc áo ngắn. Chất liệu gấm vóc, lụa là được may cho người giàu có; áo vải thì may cho người nghèo.

    Áo dài Lemur- nhà tạo mẫu Cát Tường (1939- 1943)

    Ở miền Bắc, phụ nữ thích may thêm một cái khuy phụ bên phải cổ áo, và cài khuy cổ lệch ra. Cổ áo hở ra để lộ những chuỗi hạt trang sức nhiều vòng.

    Theo khuy hướng này, năm 1939, nhà tạo mẫu Cát Tường (Lemur- tên tiếng Pháp bà đặt cho loại áo dài này) ở phố Hàng Da- Hà Nội đã được cải tiến áo dài với những chi tiết mới mẻ và lạ lẫm như cái cổ áo khoét hình trái tim, có khi áo được gắn thêm cổ bẻ và một cái nơ ở trước cổ, vai áo may bồng, tay nối vai, khuya áo may dọc trên vai và sườn bên phải..

    Áo Lemur đã bị những người bảo thủ cho là lố lăng, dị hợm và nhận những công kích dữ dội từ báo chí, mặc dù được các phụ nữ cấp tiến hưởng ứng nhiều. Nhưng loại áo dài Lemur chỉ tồn tại đến năm 1943.

    [​IMG]

    Xã hội ngày càng phát triển, với con mắt nhìn nhận cởi mở hơn, thẩm mỹ cũng khác. Thập niên 60-70 thế kỷ trước, áo dài bắt đầu tôn lên những nét quyến rũ vốn có của người phụ nữ Việt. Khi "Eo" được may thắt lại, có người còn dùng dây quấn quanh áo phía trong ở vòng hai để eo nhỏ hơn, tà áo rộng, ngực áo rộng, gấu áo thẳng ngang, dài gần bằng mắt cá chân, làm cho người mặc có dáng "thắt đáy lưng ong".

    Áo dài cũng trở thành một loại trang phục không thể thiếu khi đi ra ngoài của phụ nữ Việt. Đặc biệt, tại Sài Gòn- nơi được ví là thành phố hoa lệ, phồn hoa và ảnh hưởng bởi phong cách nước ngoài (Mỹ) đã khiến người phụ nữ nơi đây có những chiếc áo dài đa dạng, năng động với đủ màu sắc, chất liệu, hoa văn trang trí.. Áo dài có mặt trong mọi hoạt động của phái đẹp từ tiếp khách tại nhà, đi chơi, đi đám tiệc, cưới xin hay thậm chí đi chợ..

    Áo dài Trần Lệ Xuân / Áo dài bà Nhu (1958 – đầu những năm 1960)

    Cùng trong thập niên 60, áo dài một lần nữa thay đổi ngày càng đẹp mắt và quyến rũ hơn. Với kiểu áo dài hở cổ do bà Trần Lệ Xuân (Đệ Nhất Phu Nhân VNCH) thiết kế hay thường được gọi là áo dài Bà Nhu (bà là phu nhân của cố vấn chính trị Tổng thống Ngô Đình Nhu).

    [​IMG]

    Những năm 1960, áo dài chít eo thách thức quan điểm truyền thống trở thành kiểu dáng thời thượng. Lúc này, chiếc áo nịt ngực tiện lợi đã được sử dụng rộng rãi. Phụ nữ thành thị với tư duy cởi mở muốn tôn lên những đường cong cơ thể qua kiểu áo dài chít eo rất chặt để tôn ngực.

    Áo dài Raglan (1960)

    Áo dài Raglan còn gọi là áo dài giắc lăng, xuất hiện vào năm 1960 do nhà may Dung ở Đakao, Sài Gòn sáng tạo ra. Áo dài Raglan với đặc điểm nổi bật ôm khít phần eo.

    [​IMG]

    Điểm khác biệt lớn nhất của áo dài Raglan là áo ôm khít cơ thể hơn, cách nối tay từ cổ chéo xuống một góc 45 độ giúp người mặc thoải mái linh hoạt hơn. Hai tà nối với nhau bằng hàng nút bấm bên hông. Đây chính là kiểu áo dài góp phần định hình phong cách cho áo dài Việt Nam sau này.

    Áo dài Mini- Raglan hay còn gọi áo dài chít eo (1960- 1970)

    Gần cuối thập kỷ 60, áo dài miniraglan trở nên thịnh hành trong giới nữ sinh vì sự thoải mái, tiện lợi của nó. Đây là kiểu áo dài dành riêng cho nữ sinh. Theo đó tà áo được may tới mắt cá chân, nhưng hai ống quần được phủ xòe ôm hai bàn chân. Với kiểu áo dài này, làm tăng thêm tính hồn nhiên, ngây thơ cho nữ sinh. Thời nay còn gọi là áo dài nữ sinh.

    [​IMG]

    Sau những năm 1970, đời sống đổi mới đã khiến chiếc áo dài dần vắng bóng trên đường phố. Đến những năm 90, áo dài đã trở lại, cầu kỳ hơn, thanh nhã hơn và bắt đầu được bạn bè Quốc Tế nghĩ tới như là một biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam.

    Với lịch sử phát triển qua thời gian dài như vậy, chiếc áo dài Việt Nam đã hoàn thiện hơn bao giờ hết. Áo dài trở thành biểu tượng của nền văn hóa, tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Việt. Có thể nói, áo dài không chỉ là một bộ trang phục đại diện cho cả một nền văn hóa, mà còn là cảm hứng sáng tác không dứt của nghệ thuật Việt Nam.

    [​IMG]

    Dù là áo dài ở thời kỳ nào thì cấu tạo của một bộ áo dài đều gồm các phần: Cổ áo, thân áo, tà áo, tay áo, quần.

    1. Cổ áo cổ điển cao khoảng 4 đến 5cm. Ngày nay, kiểu cổ áo dài được biến tấu khá đa dạng như kiểu trái tim, cổ tròn, cổ chữ U, trên cổ áo thường được đính ngọc.

    2. Thân áo được tính từ cổ xuống phần eo. Cúc áo dài thường từ cổ chéo sang vai rồi kéo xuống ngang hông. Từ eo, thân áo dài được xẻ làm hai tà, vị trí xẻ tà ở hai bên hông.

    3. Áo dài có hai tà: Tà trước và tà sau. Ngày xưa tà trước bằng tà sau nhưng ngày nay đã có nhiều loại áo tà trước ngắn hơn tà sau. Trên tà áo trước thường được thêu những hoa văn hay những bài thơ.

    4. Tay áo được tính từ vai, may ôm sát cánh tay, dài đến qua khỏi cổ tay.

    5. Chiếc áo dài được mặc với quần thay cho chiếc váy ngày xưa. Quần áo dài được may chấm gót chân, ống quần rộng. Quần áo dài khi xưa may bằng vải cứng cáp, nay thường được may với vải mềm, rũ. Màu sắc thông dụng nhất là màu trắng. Nhưng xu thế thời trang hiện nay thì chiếc quần áo dài có màu đi tông với màu của áo.

    Áo dài – nét đẹp truyền thống không thể phai mờ của người Việt. Áo dài Việt Nam xuất hiện trong từ điển tiếng Anh cũng vẫn là "aodai", chứng tỏ sự biểu trưng mạnh mẽ cho vẻ đẹp mang tính dân tộc của loại trang phục truyền thống này.
     
    Gill, Bút Sen, Dã Miêu1 người nữa thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 10 Tháng sáu 2021
  2. Đăng ký Binance
  3. Bút Sen

    Bài viết:
    25
    Cám ơn vì bài viết, rất tuyệt vời!
     
    AH. Hoài Sa thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...