Truyện Ngắn Hương Vị Tết Mùa Covid - Love Cà Phê Sữa

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Love cà phê sữa, 21 Tháng hai 2021.

  1. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    543
    Hương vị Tết mùa Covid

    Love cà phê sữa

    Thể loại: Truyện ngắn

    Link thảo luận góp ý: Các tác phẩm của love cà phê sữa

    Mùa đông âm u với những cơn gió bấc lạnh giá như cắt da cắt thịt cuối cùng cũng nép mình để chào đón mùa xuân trờ về. Còn đâu cái tiết trời âm u, sương mù giăng lối khắp cả con đường và cả những cơn mưa phùn như thấm sâu vào từng thớ thịt, càng khiến cho cái lạnh thêm buốt giá hơn. Giờ đây, mùa xuân trở về, nghiễm nhiên khiến mùa đông kinh sợ. Bầu trời trong xanh, ấm áp hơn, cây cối đâm chồi nảy lộc, vạn vật như được hồi sinh sau một "giấc ngủ" dài. Hương hoa cúc phảng phất, vấn vương mãi không thôi khiến ai nấy đều cảm thấy dễ chịu.

    Nga ngồi im lặng nhìn lũ em chơi vui vẻ ngoài sân, đứa nào đứa nấy đều nghịch như quỷ sứ. Cô vốn dĩ cũng chẳng muốn trông lũ trẻ này, nhưng biết làm sao được, cô là chị cả trong nhà, lại là người được mẹ và các dì, các mợ tin tưởng nhất. Tết cũng sắp về đến mọi nhà, ai nấy đều tất bật ngược xuôi, nào mua bánh kẹo, nào mua lá dong, mua đỗ, mua gạo, thịt để nấu bánh chưng, dự trữ thức ăn cho ngày Tết. Nga đã mười ba tuổi rồi, cô không còn háo hức chờ đợi tết đến, không còn có thể vui đùa như những đứa trẻ này nữa. Có lẽ, thời gian đã khiến con người thay đổi một cách chóng mặt, biến một đứa trẻ thơ thành cô thiếu niên chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa trưởng thành. Nhưng, tết với cô vẫn có gì đó vui vui, có lẽ là khoảng thời gian nghỉ tết khá dài do dịch bệnh, hoặc, cũng có thể là có nhiều thời gian hơn cho gia đình.

    Đây không phải là lần đầu tiên Nga đón Tết mùa covid, nhưng cô vẫn mong năm nay dịch bệnh sẽ chấm dứt để tết quay trở lại đúng với hương vị của chính nó. Mọi người đều tất bật nhưng ai nấy cũng đều không quên việc đeo khẩu trang ra ngoài đường. Chợ cũng không đông đúc như tết năm xưa, chỉ lác đác vài người. Có lẽ, ông Minh trưởng làng đã đến từng nhà để phổ biến sự lây lan của dịch bệnh và yêu cầu mọi người không được ra ngoài cùng lúc, người này mua xong người kia lại vào. Cũng hiểu được tầm quan trọng của dịch bệnh, Nga cũng không rủ bạn ra ngoài mua đồ Tết nữa, cô chỉ ra rú trong nhà, thỉnh thoảng bị mẹ xuống trông em, nhặt rau, nấu cơm. Cái Tết cứ trôi qua vô vị như thế. Cho đến một ngày..

    Hôm ấy, cũng như thường nhật, Nga chuẩn bị bữa cơm xong xuôi chỉ còn đợi mẹ và bố làm việc xong. Bốn ngày nữa là đến Tết nên bữa cơm nào cũng chỉ diễn ra qua loa, không có những cuộc trò chuyện. Vì thế nên Nga mau chán, cảm thấy hương vị tết ngày một phai dần, nhạt dần đến nỗi không còn chút hứng thú, hào hứng nào nữa. Mắt hướng đến ti vi, tay cầm bát cơm và nhanh vào miệng một cách buồn bã. Nga vốn không chú ý đến không khí bên ngoài của kính. Bỗng một làn gió mạnh thổi đến khiến cô giật mình ngoảnh lại phía sau, cô kinh ngạc khi nhìn thấy một người ăn xin tội nghiệp đứng ngay sau tấm cửa kính đang mở. Ông ta quần áo rách rưới, chân không đi dép, bàn tay run rẩy, gương mặt rõ khắc khổ. Nhưng, ông vẫn biết đeo khẩu trang để phòng chống dịch bệnh. Chiếc khẩu tranh ấy cũng chẳng được lành lặn. Rồi Nga hướng mắt nhìn về chiếc túi mà người đàn ông nghèo ấy đang cầm trên tay. Đó là một chiếc túi ni lông khá lớn đựng thức ăn. Có lẽ, đó là những đồ ăn thừa mà người ta cho ông. Bất thần một hồi, cô bị mẹ sai đứng dậy lấy thêm một chiếc bát mới. Nga vội vã vào bếp làm theo lời mẹ dặn. Rồi, mẹ cô múc hai thìa cơm, gắp vài miếng thức ăn vào chiếc bát ấy rồi đưa cho ông lão ăn xin tội nghiệp. Ông ta thấy vậy rối rít cảm ơn:

    "Cảm ơn cô cậu đã giúp đỡ tôi, cháu bé ngoan quá!"

    Mẹ Nga vội đáp lại:

    "Không có gì đâu bác, bác nhớ giữ gìn sức khỏe nhé, ngoài trời lạnh lắm, chiếc khẩu trang của bác rách rồi, để cháu vào lấy cho bác cái mới. Tết nhất đến nơi rồi đừng để bị bệnh bác ạ!"

    Bố Nga từ trong phòng ngủ bước ra, trên tay cầm một đôi giày, một chiếc áo bông đã cũ và cả vài chiếc khẩu trang nữa. Không biết từ bao giờ bố đã đứng dậy khỏi mâm cơm và vào phòng lấy đồ. Thấy vậy, Nga vội vàng chạy lại giúp bố đỡ đồ:

    "Bố, để con giúp bố phụ một tay!"

    "Cảm ơn con gái, con cứ ăn cơm đi, sao lại chạy ra đây!"

    "Bố cứ đưa con cầm cho, con phụ bố một tay!"

    Người ăn xin nhận lấy chiếc áo, đôi giày và vài chiếc khẩu trang, ông không khỏi xúc động, miệng nở nụ cười thật tươi, cảm ơn rối rít gia đình Nga rồi lặng lẽ đi ra. Nga nhìn theo bóng lưng ông già ấy mãi, cho đến khi bóng ông khuất dần sau màn đêm dày đặc.

    Bước vào nhà, gia đình lại tiếp tục bữa cơm, nhưng không còn im lặng như trước. Vì tò mò nên Nga chủ động hỏi bố:

    "Ông ấy là ai thế bố, ông ấy không có nhà ạ?"

    "Người ta hay gọi ông ấy là Hẩu, bố cũng chẳng biết vì sao người ta gọi ông ấy như thế nữa, có lẽ là do cha mẹ ông ấy đặt. Còn nhà ông ấy ở đâu thì bố không rõ, bố chỉ biết là ông ấy có nhà nhưng chỉ sống một mình." – Bố giải thích.

    "Chắc ông ấy cô đơn lắm!" – Nga lẩm bẩm

    Nga bỗng nhiên cảm thấy có chút thoáng buồn, một nỗi buồn vô định, rất khó nói lên bằng lời. Một nỗi buồn mà cô chưa bao giờ biết đến và bây giờ mới cảm nhận được. Cảm giác ấy, nó khác xa với nỗi buồn khi bị mẹ mắng, khi bị điểm kém, khi bị bạn bè hờn dỗi. Trên đường từ nhà đến trường, thậm chí những lúc đi chơi, đi du lịch, Nga cũng bắt gặp không biết bao nhiêu người ăn xin tội nghiệp. Mỗi người một vẻ, nhưng gương mặt họ đều toát lên vẻ khốn khổ. Cô chưa từng nhận ra mình đã vô tâm đến thế, đến bây giờ, cô mới hiểu được hoàn cảnh khó khăn của những người ăn xin. Họ nghèo khó nhưng cũng vô cùng đáng quý. Cái đáng quý tỏa sáng nơi nụ cười giản đơn thấm đượm lòng biết ơn.

    Tình hình dịch bệnh đã có phần chuyển biến theo hướng tích cực, các y bác sĩ đang dần kiểm soát được tình trạng bệnh nhân và kịp thời ứng phó trong những tình huống xấu nhất. Nga nghe được thông tin ấy từ bản thông báo tin tức trên ti vi. Cô hào hứng xin phép mẹ đưa các em ra bãi đất trống chơi. Dù sao thì mảnh đất ấy cũng chẳng có ai đến cả, cô với các em đến đó cũng không ảnh hưởng đến cộng đồng nên mẹ Nga đồng ý ngay.

    Ra ngoài đường, không khí thoáng mát hẳn, Nga ngước lên nhìn bầu trời trong xanh cao vời vợi, những làn gió nhẹ len lỏi vào từng thớ thịt khiến cô cảm thấy thích thú. Đã lâu lắm rồi cô mới được cảm nhận luồng không khí mới mẻ này. Nga ngồi gọn vào ven tường, ngắm nhìn lũ em chơi không biết mỏi mệt. Bức tường này thực chất là các căn phòng khá nhỏ xếp nối tiếp nhau theo dãy dài. Người ta hay thuê phòng ở đây để trữ đồ đạc cũ, trữ gạo hay thậm chí có người sống ở đây. Nga biết cuối dãy nhà có một ông lão chừng bảy mươi tuổi sống một mình. Người ta hay gọi ông là ông Quảng. Trước kia khi ông ngoại của Nga còn sống, ông thường hay dẫn Nga ra đó chơi, ngồi uống nước chè rồi nói đủ thứ chuyện mà Nga chẳng hề hiểu. Bây giờ, ông đã đi xa, Nga ít khi được ra ngoài chơi. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến cô dù muốn cũng chẳng thế ra khỏi nhà. Nga bỗng chạnh lòng nhớ ông.

    Thơ thẩn một hồi, Nga chợt giật mình phát hiện ra lũ trẻ con không biết đã kéo nhau đi đâu mất, cô hướng mắt nhìn ra xa, thấy lũ em đang tiến lại gần dãy nhà cuối cùng, Nga chợt nhớ ở đó có cái ao làng khá sâu. Cô bật dậy, vừa đuổi theo, vừa cất tiếng gọi:

    "Minh ơi, Lam ơi, Chi ơi, Hoa ơi, chị xin chúng mày, quay lại đây mau lên."

    Lũ trẻ mắt thấy tai nghe, tưởng chị đuổi theo chơi trò đuổi bắt, chúng càng chạy nhanh hơn, miệng cười ríu rít, đứa nào đứa nấy mặt hớn hở như bắt được vàng. Ngay sau đó, Nga đuổi kịp được chúng, cô chắn ngang trước mặt:

    "Đi đâu mà vội mà vàng mà vấp phải đá mà quàng phải tao, có dừng lại ngay không?"

    Hiểu ra vấn đề, Minh-thằng em lớn nhất chợt e rè lấy cớ:

    "Bọn em đi xin kẹo cho chị đấy thôi, em biết gần đây là nhà ông Quảng nên chạy đến."

    Nga sửng sốt:

    "Minh biết ông Quảng á?"

    "Ông cũng đưa em ra nhà ông Quảng chơi mà, có phải có mỗi chị đâu" – Minh giải thích.

    "Ok, tao hiểu rồi, giờ thì quay lại mau."

    Bất chợt có tiếng gọi từ xa vọng tới:

    "Đám cháu ông Đạo, ra đây ông bảo này."

    Nga ngoảnh lại, chợt nhận ra gương mặt quen thuộc. Đúng rồi, đó là ông Quảng, bạn thân của ông ngoại. Nhìn ông đã già đi nhiều, nhưng đôi mắt vẫn nhân hậu và hiền từ như xưa. Bắt được cơ hội, lũ em luồn lách chạy lại phía ông. Thằng Minh nhanh nhảu:

    "Con chào ông ạ!"

    "Ừ, chào cháu, lại đây ông cho quà."

    "Cháu chào ông." – Nga chạy lại, cất tiếng chào

    Ông giương mắt nhìn về phía cô, dường như ông đang cố nhớ xem người trước mặt ông là ai.

    "À, cái Nga phải không, ra đây, ra đây ông xem nào, lớn quá rồi, thành thiếu nữ rồi đấy, mấy năm không gặp, trông cháu lớn hẳn."

    "Mấy năm nay ông đi đâu thế ạ, cháu thỉnh thoảng ra đây nhưng không thấy ông."

    "Ông đi về quê ấy mà, vào nhà đi, để ông lấy kẹo cho, nhé!"

    Bước vào nhà, Nga bỗng thấy quen thuộc đến lạ. Căn nhà của ông nhỏ xíu như căn phòng của Nga, bên trong hình như có một vị khách nữa. Thoáng nhìn, Nga đã nhận ra ngay, đó là ông Hẩu, người hôm trước đã đến nhà cô xin cơm.

    "Cháu chào ông, ông vào đây chơi ạ?"

    Bọn trẻ con thấy chị chào, vội vã cất to tiếng:

    "Chúng cháu chào ông ạ."

    Ông Hẩu thấy vậy, miệng bỗng nở nụ cười thật tươi.

    "A ha, ông Quảng này, đây chính là cô bé của gia đình tốt bụng đã giúp đỡ tôi đấy."

    "Tôi biết ngay mà, nghe ông nói vậy, tôi cũng nghĩ ngay đến nhà Hạnh Tùng, con gái với con rể ông Đạo."

    Rồi, ông mang ra một gói kẹo lớn và năm bao lì xì ra, đưa cho mỗi đứa một ít, đám trẻ cảm ơn rối rít rồi lại chạy đi chơi. Nga ngồi ngoài hiên nhà ông Quảng trông lũ em. Thấy vậy, ông cất tiếng mời:

    "Vào đây mà ngồi cháu, nhà ông hơi chật, nếu cháu không phiền có thể vào đây ngồi."

    "Dạ thôi ạ, cháu còn trông lũ quỷ sứ này nữa ạ, ông đừng bận tâm đến cháu, cháu ngồi ngoài này thôi."

    "Thôi vậy, cháu nhớ trông em cẩn thận nhé, cạnh đây có cái ao khá sâu đấy!"

    "Vâng ạ!"

    Nga ngồi ngoài nhưng vẫn lắng tai nghe cuộc trò chuyện của hai ông. Hai ông vừa uống nước chè, vùa chơi chờ, trông rất thư thái. Rồi, cô nghe thấy thoang thoáng cuộc trò chuyện giữa hai ông.

    "Năm nay ông đón Tết ở đâu, chứ tôi năm nay đón tết một mình rồi." - Giọng ông Quảng cất nên tiếc nuối.

    "Ơ, ông không về quê đón Tết cùng gia đình à?"

    "Covid thế này, tôi đi sao được, vợ con tôi nghe tôi nói thế mà khóc hết nước mắt."

    "Làm ăn xa nhà khó tránh khỏi. Ông đừng thấy tội lỗi, ông đã cố gắng hết sức có thể rồi, tiền bạc kiếm ra, ông cũng có chi tiêu tốn kém đồng nào đâu. Chả bù cho tôi, đến tuổi xế chiều rồi, vẫn chưa tìm được bạn đời. Năm nào cũng đón gia thừa một mình đây. May ra, cái tết vẫn vui vì có bạn đến chơi, những người bạn như ông đấy. Năm ngoái ông đến chơi, tôi vui lắm. Cả bà Lậu, ông Hành nữa!" – Ông Hẩu an ủi.

    "Đúng là đời, thiếu gì thì thiếu nhưng không thể thiếu bạn. Tết nhất là ông chuẩn bị đến đâu rồi."

    "Nói chuẩn bị hơi quá, tôi dùng vài đồng xin người ta được đi mua cái bánh chưng, bánh tét thôi, nói là mua nhưng người ta lấy giá rẻ lắm, còn bà Từ thì cho tôi gà, ít giò, bà còn dặn hôm giao thừa đến nhà bà, bà cho tôi ít xôi thắp hương. Tôi cũng ngại lắm, nhưng chẳng biết làm cách nào nữa, đành nhận lộc của mọi người. Nhiều khi tôi cố kiếm việc để tự làm ra tiền, nhưng nào có kiếm được."

    "Bà con ở đây tốt mà, ông Đạo ấy, ông biết không? Mấy năm trước, lúc ông chưa mất, tết nào ông cũng ra nhà tôi chơi, ngồi chơi từ sáng đến chiều, lúc nào cũng mang theo cái bánh chưng hay ít đồ ăn đến nhà tôi. Tôi vui lắm, vui không phải vì đống bánh đống thịt kia mà vì ông ấy luôn nhớ đến tôi."

    "Ông Đạo cũng hay giúp đỡ tôi mà, nhưng người tốt lại không được ông trời ban phước, ông ấy mất sớm quá."

    Nghe đến đây, Nga bỗng chạnh lòng. Cô không chỉ nhớ thương ông mà còn ngưỡng mộ ông nữa. Ông luôn giúp đỡ mọi người, còn cô thì lại vô cảm, chẳng thèm chú ý đến. Hết buồn rồi lại đến xúc động, tiếc nuối, cô lại lắng tai nghe cuộc trò chuyện của hai người bạn già.

    "Ông Hẩu này, hay là, năm nay ông đón giao thừa cùng tôi."

    "Ông đừng lo, tết nhất định tôi sẽ đến nhà ông chơi"

    "Ý tôi không phải vậy, tôi muốn ông mấy ngày tết đến nhà tôi ở luôn, đằng nào thì hai gia đình nhà ông Hành cũng đến nhà tôi chơi mà. Mấy ngày tết có bạn có bè vẫn vui hơn."

    "Nhưng, như thế có phiền ông không đấy?"

    "Phiền gì mà phiền, tôi còn sợ ông chê nhà tôi chật đây."

    "Để tôi suy nghĩ đã." – Ông Hẩu băn khoăn.

    "Suy nghĩ gì nữa, đến đón tết cùng tôi. Tối giao thừa, tôi bảo nhà ông Hành với bà Lậu đến đây, đằng nào nhà ông Hành cũng có con cháu gì đâu, tết nhất có bạn có bè vẫn vui. Không cần làm cầu kì gì đâu, tôi vừa mua con gà, ít giò với cái bánh chưng, đảm bảo đủ ăn." – Ông Quảng tìm cách thuyết phục.

    "Ông nói thế tôi cũng chả biết từ chối, vậy để tôi về nhà lấy ít đồ sang đây, đem thức ăn sang đây luôn."

    "Mang quần áo sang thôi, thức ăn ông cứ giữ lại, tôi mời ông đến đây mà, ông không cần giữ ý đâu."

    "Không được, tôi phải mang sang đây, đằng nào để ở nhà cũng ôi thiu, mang sang đây ăn cùng ông có phải ngon và vui hơn không" – Ông Hẩu tỏ vẻ không bằng lòng.

    "Được rồi, thế nhé, nhớ ngày mai phải sang đây đấy, không là tôi cô đơn lắm!" – Ông Quảng hào hứng.

    "Tôi biết rồi."

    Trời đã xế chiều, nền trời được bao phủ bởi màu trắng đục, chưa hẳn là tối nhưng cũng không hoàn toàn là sáng. Nga đứng bật dậy, gọi các em đi về. Cả lũ chạy đến trước cửa chào hai ông rồi tung tăng về nhà. Vừa đi vừa nhớ lại cuộc trò chuyện của hai người bạn già, Nga thấy bồi hồi, xúc động. Thì ra, con người ta đâu cứ phải giàu có, ăn sung mặc sướng mới thấy hạnh phúc, chỉ cần ở cạnh bên những người mình yêu thương đã là niềm vui trọn vẹn lắm rồi. Nga thấy trân trọng gia đình và bạn bè của mình, Bất chợt, cô nảy ra ý nghĩ, cô quyết định sẽ dùng số tiền tiết kiệm của mình để mua ít thức ăn, vài gói bánh kẹo đem đến nhà ông Quảng. Rồi, cô nghĩ đến gương mặt bất ngờ của hai ông và nụ cười hiền hậu từ gương mặt của hai người bạn già. Vừa nghĩ đến, Nga thấy vui vui và thấy bản thân trưởng thành hơn.

    Hết.
     
    Last edited by a moderator: 27 Tháng tám 2022
  2. Bài viết ngắn nhưng truyền tải nhìu thông điệp ý nghĩa

    Câu chuyện thật cảm động, đối với mình thì ý nghĩa của câu chuyện khá sâu sắc, đọng lại trong mỗi chúng ta nhiều dư âm, khiến ta phải trăn trở suy nghĩ liệu rằng ta có đang quá vô tâm không với mảnh đời ăn xin. Những đoạn miêu tả thiên nhiên rất đặc sắc, nhưng mình nghĩ bạn đang viết hơi dài dòng, nhiều chỗ còn kể lể, nhưng dù sao thì đây cũng là một truyện ngắn hay, chúc mừng bạn!

    Hương vị Tết mùa Covid

    Love cà phê sữa

    Thể loại: Truyện ngắn

    Link thảo luận góp ý: [Thảo luận - Góp ý] - Các tác phẩm của love cà phê sữa
    [/QUOTE]
     
  3. Hoàng Ngọc Diễm

    Bài viết:
    1
    Câu chuyện vô cùng cảm động, mình rất thích lối viết giản dị của bạn, nó khiến người đọc cảm thấy dễ chịu và cảm nhận được chất thơ trong truyện ngắn. Thông điệp rất nhân văn, người viết có lẽ chưa làm chủ được ngòi bút nên còn lan man, nhưng thay vào đó là cốt truyện hay, nội dung cuốn, những đoạn miêu tả thiên nhiên, nội tâm rất đáng khen
     
  4. Tuy chỉ là một mẩu chuyện nhỏ thôi, nhưng mang lại một dư âm rất lớn. Cả câu chuyện và giọng điệu đều có chút buồn man mác nhưng vẫn mang đến một không khí đầm ấm của ngày Tết. Cốt truyện cũng rất hay, mang thông diệp rất ý nghĩa về tinh thần chống dịch của mọi người.
     
    Cute pikachuLove cà phê sữa thích bài này.
  5. Love of Ngọc

    Bài viết:
    29
    Một câu chuyện đầy ý nghĩa, thật hay và cảm động. Tuy lối viết, cách hành văn của tác giả còn hơi lan man, dài dòng nhưng bù lại bạn tạo được cốt truyện hợp lí, hài hòa, tạo mạch cảm xúc rõ nét trong lòng bạn đọc. Quả thật, một bài viết quá thành công. Xin chúc mừng tác giả❤️
     
    Cute pikachuLove cà phê sữa thích bài này.
  6. Ngudonghc

    Bài viết:
    138
    Bài viết rất cảm động và ý nghĩa. Tùy có chút buồn nhưng đầm ấm. Cảm ơn bạn đã mang đến 1 câu chuyện mang nhiêu thông điệp ý nghĩa như vậy
     
    Cute pikachuLove cà phê sữa thích bài này.
  7. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    543
    [/QUOTE]

    Cảm ơn sự góp ý của mọi người
     
    Vyl Hana, Cute pikachuThùy Minh thích bài này.
  8. Linh Yumi Không có gì để nói

    Bài viết:
    67
Trả lời qua Facebook
Đang tải...