Khóc Giữa Sài Gòn - Nguyễn Ngọc Thạch

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Maco2711, 21 Tháng mười hai 2020.

  1. Maco2711

    Bài viết:
    143
    Tác giả: Nguyễn Ngọc Thạch

    Thể loại: Tiểu Thuyết

    Biên tập: Lê Huy Vũ

    Upload bìa: Nhật Trường

    Số chương: 28

    Tình trạng: Tái bản lần 1

    [​IMG]

    Bức tranh hiện thực, với những gam màu xám lạnh về Sài Gòn của tác giả chuyên về những đề tài gai góc, Nguyễn Ngọc Thạch.

    "Tôi tin rằng ai đặt chân đến mảnh đất Sài Gòn, đều khó có thể rời bỏ nó mà không lưu luyến, vấn vương. Nó không đơn thuần là một mảnh đất, nó là ký ức, là ước mơ, là hoài bão của rất nhiều người. Nhưng, tôi cũng tin rằng những ai sống ở Sài Gòn, cũng đã từng có một lần khóc giữa Sài Gòn."

    Sáu con người giữa đất Sài Gòn.

    Phan đi tìm sự hả hê bằng chiến thắng, chinh phục những đỉnh cao xã hội.

    Nam lạc trong nỗi đau, đắm chìm trong những ảo tưởng do bản thân dựng lên.

    Tú, nhìn đời bằng con mắt lạnh lùng, am hiểu về đàn bà đến kinh khủng.

    Mễ, nghiên cứu tâm lý để rồi sợ hãi nhận ra sự thật mình tìm được.

    Thụy, chơi vơi, bấp bênh giữa hai bờ giới tính.

    Ân, sống ảo, quan tâm đến mạng xã hội hơn cảm xúc người xung quanh.

    Họ, có một điểm chung duy nhất là chọn Sài Gòn làm đất sống. Bị ám ảnh bởi bụi xe, bởi đèn Sài Gòn xanh xanh đỏ đỏ, bởi những quán café, bởi những ổ bánh mì.. bị ám ảnh bởi khát khao tìm cho được đáp án cho câu hỏi, "Tôi là ai?"

    Họ, được Sài Gòn gắn kết, sắp xếp để đan xích họ vào đời nhau, để cùng trải qua những hoan lạc, chia ly. Để rồi đến cuối cùng, lại được đứng cùng nhau, chỉ đơn giản là khóc, cho hả hê lòng, cho tan nỗi đau.

    Họ, người đi kẻ ở, nhưng vẫn tin rằng có ngày gặp lại, chỉ cần một niềm tin nhỏ nhoi đó vẫn giữ người ta chờ nhau.. chờ như chuyện Sài Gòn.

    Trích đoạn


    "Giữa Sài Gòn có một tiệm café nhỏ nằm trong hẻm, chủ quán là cô kiến trúc sư năm nay đã ngoài bốn mươi, chưa chồng. Quán tên" Chờ ", nghe khắc khoải như nỗi niềm cô mang.

    Năm đó, cô và anh yêu nhau nồng cháy, cái tình yêu đầu đời chớm nở, bừng bừng như lửa mà hai người lại thành thiêu thân lao vào, sống chết gì cũng mặc, chỉ cần được bên nhau là toại nguyện. Tình cảm chưa được bao lâu, anh nghe gia đình bỏ đi vượt biên.

    Ngày đi, anh nắm chặt tay cô, hứa là qua được bên kia rồi sẽ quay về tìm, làm đám cưới để đón cô sang ở cùng. Rồi anh cứ vậy mà đi biền biệt. Năm năm cô chờ, mười năm cô chờ, hơn hai mươi năm cô vẫn chờ, tuổi xuân trôi qua rồi, giờ ngoài bốn mươi, cô vẫn chờ.

    Ai hỏi, cô cũng cười nói," Chờ người mình yêu, xứng đáng lắm ".

    " Chờ "đầy tranh cô vẽ. Chủ thể là đàn ông. Thân hình rắn rỏi, đường nét cơ thể rõ mồn một, chỉ mỗi gương mặt tựa khói sương. Khách đến quán những buổi chiều, có lúc thấy cô ngồi bên giá vẽ, tay cầm chì hí hoáy, ai cũng hỏi," Sao chẳng có gương mặt, hay bà chủ còn nhớ mặt người ta không? "Nghe hỏi cô cười," Có bao giờ quên đâu mà còn nhớ, chẳng qua là.. muốn giữ gương mặt đó lại cho riêng mình, đàn bà tuổi này, ích kỷ lắm. "

    Và quán vẫn" chờ ", tranh cũng" chờ ", cô cũng" chờ".
     
    AmiLee thích bài này.
    Last edited by a moderator: 3 Tháng chín 2021
  2. Đăng ký Binance
  3. Maco2711

    Bài viết:
    143
    1



    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tầng hai ba tòa nhà nhìn xuống, Sài Gòn chỉ còn là những đốm sáng lấp lánh, xa vời vợi. Người đi dưới kia khoác lên mình nỗi cô đơn trầm mặc, im lặng bước, chân đưa về đâu, chắc chỉ mình mình biết.

    Sài Gòn đẹp, chưa bao giờ không đẹp, dù là từ đằng xa nhớ về, hay đang cuộn mình giữa khói bụi và lo âu. Nghĩ về Sài Gòn, người ta nhớ đến vùng đất của cơ hội, của những ước mơ đổi đời rực rỡ, dù là khi đó, họ nằm co ro trong căn phòng trọ sáu mét vuông nóng hừng hực, đưa tay vơ lấy tờ báo cũ xua mớ không khí đang hầm hập phả vào người.

    Chớp, nhấp nhoáng rồi sáng bừng một góc trời đêm, rạch không trung thành mấy mảnh tan tành. Rồi mưa, tan nát vỗ vào tấm kiếng cửa sổ nhìn xuống đường, mưa nặng hạt lắm, tiếng như vỡ lòng người ta. Đêm nay mưa rồi, sau nhiều ngày Sài Gòn nóng như uất nghẹn.

    Nam thả lỏng người trong góc phòng, nhìn màn mưa nhòe nhoẹt bên ngoài. Chai rượu vang nãy giờ đã vơi hơn nửa, lòng Nam cũng vơi hơn nửa. Một nửa vui vơi, một nửa sầu cũng vơi. Tiếng nhạc chảy dọc căn phòng.

    "I've seen the world

    Done it all, had my cake now

    Diamonds, brilliant, and Bel-Air now

    Hot summer nights mid July

    When you and I were forever wild

    The crazy days, the city lights

    The way you'd play with me like a child."

    Lần đầu tiên nghe thứ âm nhạc đó, Nam ngưng tất cả những cảm xúc đang vẫy vùng, chỉ im lặng, để nó rót vào từng mạch cảm xúc li ti. Vô thức chảy nước mắt, không buồn, không đau, không nhớ, chỉ đơn giản là đến một giai đoạn nào đó, người ta cần chảy nước mắt để cân bằng lại những chênh vênh của suốt quãng đời dài đằng đẵng vừa trải qua.

    Nam với tay, mở nắp chai thủy tinh nhỏ cạnh bên, cầm lên hít mạnh một hơi. Thứ mùi nồng nặc xộc thẳng vào khứu giác, người không quen có thể khó chịu, nhưng Nam chỉ cảm thấy sự hưng phấn đang lan tỏa dần ra từng phần cơ thể trần trụi, rã rời. Sài Gòn vẫn lấp loáng ánh đèn trong mưa, bao nhiêu người sống ở đây ám ảnh bởi những ánh đèn không tắt, bao nhiêu người vội vã chẳng kịp nhận ra đèn Sài Gòn không bao giờ tắt, và bao nhiêu người như Nam, nhìn Sài Gòn để thủ dâm.

    Chuyện thủ dâm, nghe có vẻ ghê gớm, nhưng nghĩ thoáng ra cũng chỉ là nhu cầu giải tỏa những bức xúc sinh lý của con người. Bọn con trai ở lứa tuổi dậy thì, khi có những thay đổi về giới tính, về hình thể, về tâm lý, về cả cách nhìn những đứa con gái xung quanh, chúng sẽ thủ dâm. Thậm chí, vài đứa trẻ coi chuyện đó như một trò tiêu khiển trong những ngày buồn chán chờ đợi sự trưởng thành đến, nhấc bổng mình lên thành gã đàn ông thay cho thằng nhóc đang khóa kín cửa phòng, cắm mắt vào màn hình máy tính và.. thủ dâm.

    Việc này không lạ với bọn con trai, và cũng chẳng lạ với Nam.

    Thường, bọn con trai khi ấy sẽ nghĩ đến những thân hình nóng bỏng chúng chỉ được thấy trên mấy đoạn phim rẻ tiền download về từ mạng Internet. Những đứa trải nghiệm hơn, nhớ đến cảm giác quấn quít một thân thể nào đó đã có lần lướt qua trong đời, lướt rất vội và có lẽ không thể tìm lại, vì nếu tìm lại được, chúng đã chẳng ngồi yên ở đây để "tự sướng". Một ít trong số đó nghĩ về những người cùng giới tính với mình.

    Còn Nam, Nam nghĩ về cái chết, khi linh hồn lìa bỏ thể xác cô đơn, khi mắt từ từ nhắm lại, nhận thấy hóa ra cảm giác bình yên này là thứ mình tìm kiếm bấy lâu. Nam không mắc chứng "ái tử thi", cũng không nghĩ rằng mình có hứng thú với những xác chết.. Chỉ đơn thuần, Nam hứng thú với suy nghĩ lúc bước vào cái chết, và Nam bị kích thích vì điều đó.

    Thứ hương nồng nồng kia không giữ lại những ảo tưởng dục vọng trong Nam quá lâu, chúng thoáng tan như chưa từng tồn tại. Nam lại cầm chai thủy tinh, hít một hơi dài căng lồng ngực. Sài Gòn ngoài kia bắt đầu biến chuyển. Nam nhìn về tòa nhà hình búp sen cao chọc trời đằng xa. Người ta nói đó là biểu tượng mới của Sài Gòn, của thịnh vượng, phồn vinh. Nhưng trong mắt Nam, tòa nhà đó lại là biểu tượng của sự phồn thực đầy dục vọng của giống đực.

    Sài Gòn trải dài, như gã khổng lồ lười biếng đang nằm phơi thây. Tòa nhà bắt đầu bong tróc, những ô cửa kính bắt đầu rạn nứt, rụng rơi, tả tơi. Cả tòa nhà rung lắc dữ dội, rồi từng tầng một bắt đầu sụp đổ. Cũng là lúc cả cơ thể Nam căng cứng, trút hết khoái cảm ra ngoài. Ráo hoảnh, như chưa từng tồn tại.

    Nam mệt mỏi, buông thõng người, những thứ còn sót lại của cao trào khoái cảm lăn dài trên ngực, nước mắt Nam cũng rơi nửa giọt, chẳng biết cho ai, cho đời vội vã, hay cho mình cô đơn. Tiếng nhạc vẫn còn âm âm.

    "Will you still love me when I'm no longer young and beautiful?"

    * * *

    Ở một góc khác của Sài Gòn, nơi tiếng nhạc đập vỡ tung lồng ngực, khói thuốc quyện trong mớ ảo tưởng điên cuồng và dục vọng dâng tràn.

    Phan ngồi trên bộ ghế salon cao cấp, từ trên tầng nhìn xuống đám thanh niên đang tưng bừng chao đảo phía dưới. Phan nhếch mép, chẳng phải khinh thường, chỉ là một thói quen khi thấy những gì không vừa mắt. Phan cầm ly rượu mạnh, mệt mỏi lắm nhưng vẫn phải gắng gượng nở nụ cười nghĩa vụ. Gã tổng giám đốc đang ôm eo một cô chân dài quay qua nói chuyện cùng Phan.

    - Cậu nhìn mệt mỏi quá! Hay không thích chỗ này?

    - Đâu có, cả ngày đi làm nên em thấy hơi mệt.

    - Mệt gì thì mệt, nên nhớ cậu là nguyên nhân của buổi tiệc hôm nay.

    Gã nói, cười hãnh diện, Phan vội cầm ly rượu, chào bàn một lượt rồi cố nuốt hết cho xong. Chất men cay nồng chảy dọc thanh quản, xuống bụng rồi lại hừng hực cuộn trào khiến Phan khẽ nhăn mặt. Nhưng Phan cũng chợt nhớ, mình phải quen dần với những thứ này, những thứ xứng đáng với sự cố gắng bản thân đã bỏ ra trong ngần ấy năm trời bơ vơ xứ lạ.

    Hết đại học năm hai, hai mươi tuổi, Phan xin gia đình cho sang nước ngoài du học, một bước ngoặt lớn cho cả cuộc đời. Ở đất nước người ta quen ăn hambuger thay cơm, Phan được dạy nhiều thứ, nhưng thứ quý giá nhất đem về được là câu nói của một người vô gia cư Phan từng gặp bên đường và cho ông ta mấy đồng xu lẻ, "Cậu cho tôi một đồng, là cứu sống tôi trong lúc này, và giết chết tôi ở những ngày tiếp theo." Nguyên một ngày sau đó, Phan suy nghĩ về câu nói của lão, đến nỗi ngồi trên lớp học, lời giảng của giáo viên cũng chẳng lọt được vào đầu. Cuối buổi, Phan đập bàn, hiểu được câu nói mua bằng mấy đồng bạc kia. Đúng vậy, một đồng cho lão ăn mày tại thời điểm đó giúp lão vượt qua cơn đói, nhưng cũng chính điều này tạo cho lão thói quen ỷ lại vào sự cứu giúp từ người khác, sinh ra tâm lý không muốn làm việc mà vẫn được hưởng thụ. Cuộc đời không có sự bất công như thế.

    Tốt nghiệp loại giỏi, Phan trở về Sài Gòn trong tư thế ngẩng cao đầu, bước vào phòng làm việc của những công ty lớn. Họ cần Phan, cần mớ kiến thức mùi khoai tây chiên, đồ ăn nhanh, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân Phan mang về từ bên kia đại dương. Phan đi chọn việc làm chứ không đi tìm việc. Người ta đưa cho Phan những lựa chọn, và Phan chọn cho mình thứ bản thân thấy hài lòng nhất. Ngân hàng? Không, nơi đó nồng nặc mùi tiền, mùi của bọn trọc phú muốn khoe mẽ bản thân bằng mớ giấy lộn được con người định giá. Dược? Không, bọn lợi dụng cơn bệnh của người ta để làm giàu, đạo đức gì mà phải tôn thờ, Phan cười khẩy. Buôn bán, kinh doanh? Cũng không, đơn giản vì Phan không thích những con số, những màn chào hỏi lê thê, chèo kéo, lừa phỉnh người ta về công dụng, chức năng của thứ hàng hóa được bán ra.

    Cuối cùng, Phan chọn vị trí trưởng phòng nội dung cho một tờ báo mạng đang trên đà phát triển, tên "Thiên đường". Tờ báo này lại nằm dưới quyền điều hành của một tập đoàn truyền thông lớn, chuyên về tổ chức sự kiện, cũng như các chương trình truyền hình. Phan gật đầu đồng ý chưa tới một ngày sau khi nhận được lời đề nghị, vì Phan nhìn thấy con đường dài mình sẽ đi phía trước tại "Thiên đường", và Phan đã nhìn đúng.

    Sáu tháng đầu làm việc, lượt view của "Thiên đường" tăng gấp ba lần, số lượng bài vở, chuyên mục cũng được mở rộng. Mỗi sự kiện được nêu ra trong "Thiên đường" nhận được mấy ngàn lượt chia sẻ và bình luận, bàn tán sôi nổi. Dĩ nhiên, các công ty quảng cáo sẽ chú ý đến "Thiên đường", số lượng đặt quảng cáo trên báo tăng theo cấp số nhân. Những việc này từ đầu Phan đã tính trước và nhẹ nhàng lắc đầu từ chối những đề nghị kém hấp dẫn từ các công ty quảng cáo kia. Mấy thứ như quảng cáo nhảm nhí về game online, làm hồng nhũ hoa hay phục hồi trinh tiết.. chắc chắn không được xuất hiện tại "Thiên đường". Bọn người đó ghét Phan, nhưng đều phải gật đầu công nhận, Phan là một người quá hoàn hảo để được đặt vào vị trí này.

    - Bài báo vừa rồi, tôi nhìn số lượt xem của nó tăng mà phải chóng mặt, cậu đúng là phù thủy thông tin, Phan ạ. - Gã tổng giám đốc ngà ngà say, vỗ vai Phan khen ngợi.

    - Một mình em thì chẳng làm được gì ra hồn, "Thiên đường" là công sức của rất nhiều người.

    - Nhưng vẫn phải cần một người có tầm nhìn như cậu, đừng khiêm tốn khi bản thân mình xứng đáng nhận lời khen.

    Phan gật đầu, hớp tiếp một ngụm rượu trong ly, thấy cảm giác cay sè đã hết, chỉ còn vị hài lòng chảy dọc.

    - Phải thưởng gì cho cậu mới xứng đáng?

    - Nhận lương của công ty, em chỉ làm tròn trách nhiệm của mình, anh đừng khách sáo.

    - Cậu mới là đang khách sáo. Hay là.. - Gã tổng giám đốc quay qua ả chân dài đang ngồi cạnh mình. - Tối nay cô ấy sẽ cho cậu những kỷ niệm không bao giờ quên được.

    Phan nhìn cô ả, gương mặt đang nổi tiếng trong làng người mẫu bởi làn da trắng không tì vết, đang cố cong môi, cúi người để hở ra bờ ngực trễ nải. Phan nhoẻn miệng cười, điềm nhiên trả lời:

    - Cảm ơn anh, nhưng em không có hứng thú với đàn bà.

    * * *

    Nam mở cửa sổ, bước ra ban công nhìn xuống con đường dài bên dưới, gần mười hai giờ, Phan vẫn chưa về nhà. Hồi nãy Phan gọi, giọng lọt giữa tiếng nhạc ì đùng, báo sẽ về trễ, Nam có mệt cứ ngủ trước, không cần chờ. Nam chỉ dặn Phan chạy xe cẩn thận rồi cúp máy. Nam lo, nhưng cũng hiểu Phan cần có những mối quan hệ giao tiếp bên ngoài xã hội cho bạn bè, công việc. Hai người dù có thương yêu đến mấy cũng nên hiểu đối phương cần một khoảng không gian riêng.

    Con người là thế, ngoài bộ mặt họ trưng ra hàng ngày, bên trong ai cũng có một cái tôi bí mật. Nhiều người khi yêu thường ép người yêu hòa nhập hai thế giới vào làm một, theo kiểu đi đâu cũng phải có nhau, làm gì cũng phải thông báo, cuộc vui nào nếu vắng một trong hai thì đối phương không nên tham dự. Ở giai đoạn đầu của mối quan hệ, khi tất cả lý trí bị tình cảm làm lu mờ, người ta bạo biện rằng đó là do quá yêu, quá thương nên không thể rời xa nhau dù chỉ trong thoáng chốc. Và thường thì sau thời gian đó, họ bắt đầu thấy bức bách, ngột ngạt y như bị giam lỏng trong nhà ngục màu hồng đẹp đẽ. Rồi thì họ chán, tìm cách trở lại với tự do từng bị tước đoạt, rồi thì họ giận, hành hạ nhau với ngôn từ, với hành động, rồi thì họ chia tay và họ đau.

    Nam qua rồi cái tuổi yêu để hờn giận, trách móc hay đeo bám trong mọi giây phút cuộc đời. Với Nam, tình yêu đẹp, nhưng không bào ra được để ăn khi đói, nên Nam luôn để Phan có tự do, tự do trong vòng kiểm soát. Vẩn vơ một hồi, Nam chợt nhớ gia đình, hình như cũng mấy tháng nay chưa về thăm. Suy nghĩ một lúc, Nam lấy điện thoại rồi nhấn số gọi cho mẹ.

    * * *

    Phan lái xe vào chung cư, ông bảo vệ già tỉnh dậy trong giấc ngủ chập chờn, đi đến dắt mấy chiếc xe gắn máy người ta để nhầm chỗ đỗ xe hơi ra, ái ngại nhìn Phan. Phan gật đầu, chỉ mỉm cười rồi mở cửa xe bước xuống.

    - Cậu Phan hôm nay về trễ dữ.

    - Mấy người trong công ty mời đi tiệc, không từ chối được.

    - Công việc mà cậu, nhưng chắc cậu thì nhậu rượu tây, chứ đâu phải như tụi tui, toàn đế, gò đen.

    - Rượu nào thì uống vô cũng say, đâu có gì khác nhau đâu chú. Với lại, không chừng con cũng mới uống rượu đế mà tưởng rượu tây.

    - Đúng rồi cậu, tui đọc báo thấy người ta bán rượu giả nhiều lắm, có được cái chai là hàng nhái, còn rượu bên trong toàn là hàng dởm.

    - Dân mình sính ngoại, chuộng bề ngoài, chỉ cần nhìn thấy nó sang trọng thì nghĩ bên trong nó ắt là hàng tốt.. lầm chết.

    Phan nói rồi cúi chào ông bảo vệ, không quên lấy trong túi ra tờ năm chục ngàn, gởi tặng cảm ơn mớ triết lý rượu bia vừa học được. Một mình trong thang máy, Phan chợt nghĩ về những thứ mình vừa nghe và nói xong, tự hỏi thứ rượu ban nãy có xứng đáng với mấy triệu bạc gã tổng giám đốc bỏ ra không. Mà nếu như biết rằng đó là rượu giả, gã cũng phải im miệng, ngậm bồ hòn làm ngọt, làm sao dám khoe cho người ta nghe cái ngu của mình. Phan cười khẩy, thang máy mở ra ở tầng hai ba. Phan hướng mắt về căn hộ chung cư nhỏ, nơi có Nam đang chờ.

    * * *

    Nam nghe tiếng chìa khóa lách cách tra vào ổ, bèn cúp điện thoại, đóng cửa sổ ban công rồi ra đón Phan. Từ khi về ở chung, Phan tập cho Nam nhiều thói quen, một trong số đó là chờ đợi tiếng mở cửa mỗi khi Phan về nhà, tiếng động nhỏ báo hiệu khi yêu thương về cùng nhau. Nhiều lần Nam nói, Phan về nhà cứ gọi cửa, Nam ra mở vì lúc nào Nam chẳng ở nhà, Phan chỉ cười, là do anh thích cho Nam một bất ngờ.

    Và hôm nay cũng vậy.

    - Anh biết chắc là Nam còn thức, dù ban nãy anh đã kêu ngủ sớm.

    - Biết vậy sao Phan vẫn kêu?

    - Kêu như thói quen, để Nam biết anh quan tâm Nam, và hiểu Nam cỡ nào, chứ tính Nam cứng đầu, đâu phải anh không biết.

    - Chỉ nghĩ xấu cho em.

    - Nam dọn cơm cho anh nhé, anh đói rồi.

    - Ừ, Phan vào tắm đi, chờ em hâm nóng đồ ăn đã.

    Phan gật đầu, đi vào phòng trong thay đồ, mở nước ấm xả lên cơ thể đàn ông gần ba mươi, cảm giác mệt mỏi, ngà ngà say tan biến như chưa hề tồn tại. Ngoài này, Nam cũng nhanh tay bỏ đồ ăn vào lò vi sóng, chuẩn bị bàn ăn nhỏ cho hai người.

    Hơn một năm sống chung, dù về nhà sớm hay trễ, Phan vẫn luôn ăn cơm tối cùng Nam. Với Phan, bữa cơm được ngồi bên nhau là hình ảnh ấm cúng, thân thương nhất của một gia đình. Với Phan, Nam là gia đình. Trước, Nam nấu ăn không ngon, nói đúng hơn là không biết nấu, nấu bằng nồi điện mà cơm cũng có bữa sống, bữa nhão. Phan nhai cơm, vừa ăn vừa buồn cười, nhìn nét mặt mắc cỡ pha chút hối lỗi của người yêu. Đồ ăn Nam làm hồi trước chỉ có trứng chiên hay thịt hộp, có bữa Phan đùa, ăn trứng riết giờ người anh như cái trứng rồi. Nam cắn môi, so vai, cúi đầu nén tiếng thở dài. Đến khi Phan đứng đằng sau, vòng tay ôm, rúc mặt vào cổ Nam, nói nhỏ, nhưng là Nam nấu, nên anh ăn thứ gì cũng thấy ngon, Nam mới hít một hơi dài, nói chắc nịch, Phan cho em một tháng, em sẽ đi học nấu ăn.

    Nam nói và làm thiệt, tháng đó Phan thấy Nam tha về nhà đủ thứ sách vở dạy nấu món này món nọ, rồi còn đăng ký lên nhà văn hóa Phụ nữ học cho có bài bản. Phan cũng còn nhớ mấy bữa cuối tuần được Nam lôi ra làm chuột bạch, hết thử món này đến món kia do chính Nam làm ra. Có món ngon thật, nhưng cũng có món không ngon lắm, lúc thì mặn, lúc thì hơi chua, lúc lại quá lửa, nhưng bảo đảm lúc nào cũng ngọt, vì người yêu mình nấu cho ăn, đâu có thứ gì ngọt bằng.

    Giờ, Nam mở nhà hàng cũng được, đó là Phan nói thế.

    - Nam không thắc mắc anh đi đâu về trễ à? - Phan hỏi khi đang ngồi gắp miếng sườn xào chua ngọt trên dĩa.

    - Phan đi công việc, em hỏi cũng đâu giúp ích được gì, miễn sao Phan đi rồi về với em là được.

    - Người gì ngoan dữ, hỏi sao không yêu.

    - Ăn đi, đừng có dẻo miệng, đâu phải mới quen ngày một ngày hai mà còn dụ nhau.

    Phan cười nhe răng, tiếp tục ăn cơm trong khi Nam chỉ ngồi, xoay tròn ly nước lọc trong tay, nhìn Phan ăn ngon lành.

    - Hồi nãy, em gọi điện nói chuyện với mẹ.

    - Vậy à. - Phan dừng đũa, ngước nhìn Nam. - Nam nói gì với mẹ?

    - Em hỏi thăm thôi, mẹ nói nhớ em, lâu rồi em không về chơi. Với lại, mẹ hỏi Phan, coi Phan dạo này có ăn hiếp em không.

    - Ừ, rồi Nam nói sao?

    - Em nói mẹ đừng lo, Phan thương em lắm.. hôm nào Phan rảnh, đưa em về thăm mẹ nha Phan.

    - Ừ, để anh sắp xếp công việc đã.

    Nam gật đầu, đứng dậy cất ly nước rồi lấy một quả táo trong tủ lạnh, ngồi xuống sofa gọt vỏ cho Phan ăn tráng miệng. Phan nhìn dáng Nam ngồi lọt thỏm giữa căn phòng ánh đèn vàng nhập nhòa, thấy lòng dâng lên một cảm giác khó tả.

    Phan biết, Nam vẫn còn đau.
     
    AmiLee thích bài này.
  4. Maco2711

    Bài viết:
    143
    2

    Bấm để xem
    Đóng lại


    Sài Gòn chưa bao giờ rơi vào thời kỳ hỗn độn lòng tin như lúc này, một phần rất lớn là do sự tiếp tay của mạng xã hội và các trang tin điện tử. Chỉ cần một nguồn tin nào đó nhen nhúm xuất hiện, không cần kiểm chứng, lập tức được một nhóm người vô hình thường được gom chung trong cái tên "cư dân mạng" lan truyền, chia sẻ cho nhau. Với suy nghĩ, có người nói, chắc chắn là phải đúng, dù chỉ là đúng một phần cũng được, nhấn chia sẻ một chút cũng không ảnh hưởng gì nhiều, chủ yếu cho những người chưa biết được đọc. Nhờ đó, những thông tin "rác" bắt đầu tràn lan trên mạng, không ai có thể quản lý. Và cũng biết bao câu chuyện bi hài từ đó mà ra.

    Tú mở cửa phòng trọ, mệt mỏi dắt chiếc xe máy cà tàng vào, quăng luôn cái giỏ xách đi làm xuống nệm dù biết trong đó có cả cái laptop cũ, nhưng thôi, không quan trọng. Căn phòng trọ hẹp, bốc lên thứ mùi ẩm ương chán nản, mốc meo như chính cuộc đời Tú. Tú thở hắt, lủi thủi ra khỏi phòng, đóng sập cửa, khóa lại cẩn thận rồi lững thững ra đường. Hai giờ sáng, xe đã thưa dần, khí trời lành lạnh sau cơn mưa dầm ban nãy. Tú mệt lả người, cơn đói cồn cào xồng xộc ập vào người. Tú ngó quanh, hàng quán hầu như đã tắt đèn, chỉ còn lại ánh đèn leo lét của xe hủ tiếu gõ đầu hẻm. Không suy nghĩ nhiều nữa, Tú lầm lũi đi về hướng xe hủ tiếu, chọn một chỗ yên vị.

    - Cho em một tô nước, bỏ thêm hoành thánh.

    - Hôm nay Tú đi làm về trễ dữ.

    Chị hủ tiếu mỉm cười chào khách quen rồi nhanh tay làm việc. Tú ngó thấy đồ đạc còn nhiều, nên khi chị chủ bưng tô hủ tiếu nóng bốc khói ra, bèn lân la hỏi chuyện.

    - Sao giờ này mà còn nhiều vậy chị, bình thường đã chuẩn bị dọn hàng rồi mà.

    - Nói đến chán thêm, đang buôn bán cũng khấm khá, tự dưng trên mạng có bài báo nói là hủ tiếu gõ nấu bằng trùng chỉ, chuột cống, bỏ hóa chất độc hại, làm gì còn ai dám ăn. Không phải mình chị bị, mà mấy người bán khác cũng ế y chang.

    - Báo chí gì mà viết ác vậy chị? - Tú múc muỗng nước lèo, húp xì xoạp.

    - Ăn từ từ, coi chừng nóng. - Chị hủ tiếu nhìn Tú rồi bật cười. - Chị cũng có biết báo mạng báo miếc gì đâu, làm quần quật từ sáng đến tối mịt còn không đủ ăn, thời gian đâu quan tâm. Nhưng bữa có chú kia đến ăn kể cho nghe mới biết. Mà Tú nghĩ coi, chuyện kể như cho con nít nghe mà cũng có người tin sái cổ.

    Bài báo trên mạng, đại loại viết rằng có anh phóng viên đi tác nghiệp cùng đội công an bắt cướp. Cướp bắt được rồi, nhưng tang vật vô tình văng vào thùng nước lèo xe hủ tiếu gõ. Công an yêu cầu chủ quán phải đổ thùng nước ra để lấy sợi dây chuyền cho bằng được, nào ngờ chủ quán không chịu. Cự cãi hồi lâu, đến mức phải dùng pháp luật ra hù dọa, ông chủ mới nhún nhường, cũng là lúc trong đó rớt ra năm sáu con chuột cống đã cạo lông với xác trùng chỉ lềnh bềnh trong một túi vải, hỏi ra mới biết những thứ đó dùng để làm nước lèo ngọt hơn mà không tốn tiền xương. Cảnh tượng đó ghê rợn đến mức, mấy người khách đang ngồi ăn phải gập người ói.

    - Tú nghĩ đi, mua thịt chuột làm chi, chuột cống bây giờ người ta đem bán vô mấy nhà hàng làm giả chuột đồng, giá cao lắm, hơi đâu bán cho mấy xe hủ tiếu. Chưa kể, xương chợ đầu mối có mấy chục ngàn, mua về tha hồ hầm. Muốn ngọt nữa, bỏ mía đập dập hay mực nướng vô, không thì củ cải trắng, nấu từ sáng đến chiều cũng còn thơm, ngọt. Bán hủ tiếu, một ngày khá cũng lời mấy trăm ngàn, đâu cần làm chuyện thất đức vậy. Người ta ăn lỡ có chuyện gì, mình mang tội Tú ơi. - Chị chủ quán nói một tràng dài, giọng có khi run run, đứt quãng, mắt như chực khóc tới nơi.

    - Em hiểu mà. Trước đây cũng có bài báo nói này nọ, người ta có ăn ít một thời gian, xong rồi cũng đâu lại vào đấy, không sao đâu, dân mình quên mau lắm chị. Họ chỉ cần món ăn nào ngon, rẻ lại tiện, hủ tiếu gõ là nhất rồi.

    Chị chủ gật gật đầu, đành vậy, rồi đứng dậy, chuẩn bị dọn hàng.

    - Thôi về, chứ tình hình này thì có bán tiếp cũng không ai ăn.

    Trên đường đi bộ về lại bốn bức tường tạm bợ của phòng trọ, Tú suy nghĩ nhiều về câu chuyện mới nói cùng chị hủ tiếu.

    Khu Tú trọ vào hạng không giàu, nếu không muốn nói nằm trong hạng trung bình thấp của dân lao động chân tay, dân tha hương vào Sài Gòn lập nghiệp. Nơi đó có sinh viên nghèo, có phụ hồ, mấy cô hàng rong người miền Trung ngày ngày quẩy gánh đi dọc phố đông người. Cả ngày làm lụng nhưng ăn uống cũng thắt lưng buộc bụng vì phải dành ra một mớ gởi về quê nghèo đang trông tiền như nắng hạn chờ mưa rào. Ăn uống kham khổ, họ không sợ, chỉ sợ người thân mình khổ. Có khi đi làm về trễ, nhìn quanh quất chỉ còn xe hủ tiếu gõ tù mù ánh đèn, người ta khó mà ngó lơ cơn đói.

    Mấy xe hủ tiếu gõ, đa phần cũng đều là do dân phương xa đứng ra bán. Bình thường đắt hàng dữ lắm, muốn ăn, có khi phải xếp hàng, chờ người ta kêu tính tiền là lật đật chụp cái ghế nhựa thấp lè tè, cáu bẩn, ngồi xuống gọi nhanh, "Cho em hai tô, một khô, một nước nha chị." Với Tú, ký ức Sài Gòn gắn với những xe hủ tiếu gõ như vậy, gắn luôn với tiếng lốc cốc rao hàng của mấy đêm mưa lất phất, và gắn cả với mấy miếng thịt cắt mỏng te hơn tờ giấy học trò.

    Nói hủ tiếu gõ sạch sẽ, vệ sinh, Tú sẽ phản bác. Nó không phải những món ăn bán trong nhà hàng sang trọng, mắc tiền, được kiểm dịch vệ sinh mấy chục lần một năm. Tô hủ tiếu mười ngàn, giờ cao điểm bán phải chừng mấy chục tô một lúc, đôi khi cái tô nhúng qua nước coi như đã rửa sạch là chuyện bình thường, hay thấy trên cái muỗng mới lấy ra còn dính miếng hành cũng xé tờ giấy chùi đi rồi coi như thôi. Người bán có lúc để tay không cầm cục thịt lên cắt miếng, người ăn hơi ngại nhưng rồi cũng ăn, bởi nó rẻ, nó bình dân và nó hợp với nhiều người.

    Giờ, sau cái chuyện thịt chuột trong xe hủ tiếu, thể nào những người mưu sinh nhờ thùng nước lèo cũng chịu nhiều khốn đốn. Tiếng chị bán hủ tiếu cũng còn văng vẳng bên tai, "không biết cái loại người nào viết bài, mà có thể vì chén cơm của mình đạp đổ nồi cơm của biết bao nhiêu con người."

    Tú rùng mình, thấy gió từ đâu xộc vào cơ thể, cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng. Người viết bài báo đó, là Tú.

    * * *

    Dãy phòng bệnh viện trắng xóa, mùi khử trùng tanh tưởi nồng nặc đổ vào khứu giác. Mễ nằm oằn người trên băng ca, cô y tá bình thản đẩy Mễ đi dọc hành lang vắng lặng không một bóng người. Cơn đau lại trào lên, Mễ buột miệng cất tiếng rên khẽ, cô y tá không buồn cúi đầu, chỉ liếc mắt nhìn qua một lượt, rồi lại đảo mắt lên, chân vẫn chầm chậm bước, như sợ trầy mấy viên đá hoa cương mới được thay hồi năm ngoái.

    - Lúc sướng có rên la dữ vậy không?

    Tiếng nói lạnh tanh, khô khốc, Mễ nuốt cơn đau, cơn nghẹn xuống tận sâu trong cuống họng. Cánh cửa sập bật ra rồi khép lại, tơ hơ trong mắt Mễ. Tay bác sĩ đứng nhìn Mễ đang cuộn người lại trong cơn đau, mặt không cảm xúc, tròng cái găng tay y tế trắng toát vô rồi hất hàm cho cô y tá ra khép cửa lại. Cơn đau cố nén nhịn ban nãy lại bùng lên khắp cơ thể khiến Mễ kêu lên một tiếng rồi lịm người đi trong vùng vô thức tối đen.

    * * *

    Mễ giật mình bật dậy, kéo mình ra khỏi phần quá khứ vừa trở về trong mơ, đồng hồ đang dừng lại ở bốn giờ ba mươi phút sáng. Cả cơ thể đàn bà mướt mồ hôi, hầm hập nóng dù máy lạnh vẫn phả đều đều lên da thịt. Cơn đau của những năm trước giờ hiển hiện như mới vừa hôm qua, Mễ vuốt mấy cọng tóc bết mồ hôi đang dính rịt trên mặt, thả lỏng cơ thể lẫn cảm xúc, rồi run tay lấy gói thuốc đầu giường, châm lửa rít một hơi dài, hít căng lồng ngực thứ chất trắng có khả năng giết dần giết mòn người ta.

    Nhiều năm rồi, nhưng giấc mơ vẫn còn đeo bám. Nỗi đau đàn bà quấn lấy đời Mễ như sợi thòng lọng, sơ sẩy một chút, trượt chân thì coi như chết ngộp trong đớn đau. Hồi ba mươi, ở cái tuổi đàn bà chín mọng, tràn trề, Mễ yêu một người đến điên dại, dù biết người ta đã yên bề gia thất. Đàn bà khi đã vướng vào tình cảm, chẳng ai còn tỉnh táo để suy nghĩ, Mễ là đàn bà, Mễ cũng không thoát ra được quy luật đó. Nhưng với Mễ, đó lại là thất bại lớn nhất của cả đời gom lại.

    Từ lúc còn nhỏ, Mễ đã thấy bản thân có hứng thú đặc biệt với việc đi tìm xem người ta đang suy nghĩ gì. Mễ hay đặt những câu hỏi làm người lớn khó chịu, "Chú nói vậy có nghĩa là chú đang không vui phải không?" "Cô đánh nó, nhưng thực chất cô rất thương nó mà phải không?" Lớn lên, dù gia đình cản, Mễ vẫn kiên trì theo đuổi đam mê của mình bằng việc theo học Khoa tâm lý ở một trường đại học danh giá. Mễ ra trường với tấm bằng loại ưu, cũng là lúc nhận ra thế giới xung quanh mình nhuốm một thứ màu xám u ám.

    Tâm lý con người luôn là thứ phức tạp và khó nắm bắt nhất. Có những người ngoài mặt tươi cười, thân thiết, nhưng đằng sau lưng, tay lại thủ sẵn con dao nhọn, có thể giết chết ta bất cứ lúc nào. Mễ nhìn ra được những nét cảm xúc thay đổi trên gương mặt người khác, hiểu được đằng sau nụ cười của họ là gì, phần nào đoán được những thứ họ sẽ làm tiếp theo, và càng hiểu, Mễ càng hoảng sợ. Cũng chẳng bao nhiêu người thích Mễ, vì một lẽ, ai cũng cần giữ lại cho mình một thứ gì riêng tư, sâu kín. Cảm giác bị người khác bóc trần suy nghĩ khiến người ta khó chịu, khiến người ta không yên tâm.

    Mễ trải qua vài mối tình chóng vánh, bọn đàn ông khi đó chán lắm, chúng nói dối Mễ đủ điều, "Anh sẽ yêu em mãi mãi, anh sẽ làm mọi thứ vì em..". Ừ, chúng sẽ làm mọi thứ để lôi Mễ lên giường, rồi khi xong chuyện, sẽ hiểu được "mãi mãi" của chúng chỉ được tính bằng khoảng thời gian mặc lại cái quần rồi tách khỏi đời nhau, lặn mất tăm. Cũng có vài người đàn ông tốt ghé qua, nhưng rồi họ cũng nhanh chóng bỏ Mễ mà đi, bởi họ sợ Mễ. Đứng trước Mễ, bọn đàn ông dù tốt hay xấu đều thấy sợ, vì chúng không ẩn giấu được bản thân mình. Mễ thả trôi bản thân, hoang dại và bất cần, cho đến khi chán nản với trò chơi "hiểu đàn ông" thì hắn xuất hiện, rất đúng lúc.

    Mễ trôi về phía hắn, không đắn đo suy nghĩ, chỉ nhớ được mùi nước hoa nồng nồng hương gỗ hắn hay sử dụng, khỏa lấp hết mọi giác quan. Bên hắn, Mễ không suy nghĩ gì nhiều, cũng không cố gắng đào sâu đời tư, bởi Mễ biết, càng hiểu rõ về một con người, kẻ đau lòng chỉ chính là bản thân ta. Cho đến một ngày, sau khi hai thân xác chạm vào nhau, rã rời rồi tách nhau ra, Mễ nghe tiếng kim loại rơi xuống sàn nhà đánh keng, hắn cúi xuống nhặt, lạnh lùng đeo vào ngón tay áp út. Và Mễ, nghiễm nhiên trở thành kẻ thứ ba. Người thứ ba không được quyền ghen, hiển nhiên là thế. Nhưng bản tính ích kỷ, muốn chiếm hữu trọn vẹn của con người rất khó kiềm chế. Lần này, Mễ không còn đủ sức để nhìn xem đằng sau mấy câu nói, "Gia đình không hạnh phúc, anh luôn cô đơn" của hắn có phải đơn thuần để giữ chân Mễ như một món đồ chơi hay không, Mễ chỉ biết đau đáu mỗi khi hắn đứng dậy khỏi giường, bước ra phía cửa, đóng lại những mơ mộng về một mối quan hệ tình cảm ngoài tình dục đơn thuần.

    Có lần, khi Mễ nhất quyết đòi chia tay, hắn chảy nước mắt. Mễ không nghĩ hắn khóc, vì đàn ông chỉ khóc cho một người đàn bà duy nhất họ yêu thương, Mễ thì biết hẳn không phải là mình. Nước mắt đàn ông, có người nói, là còn sót lại từ chén canh Quên lãng của Mạnh Bà dưới Âm phủ. Nên đàn ông chỉ cần chảy nước mắt, là đàn bà quên sạch những lỗi lầm, những tổn thương đàn ông từng gây ra cho mình. Mễ cũng quên sạch, để lại rúc vào vòng tay của hắn trong những tối lạnh lòng, để rồi chừng một hai tiếng sau, nằm chơ vơ một mình, nghe mùi da thịt chưa kịp ấm đã vội vã lìa xa. Hắn tàn nhẫn với Mễ, hay phải nói, Mễ chấp nhận tàn nhẫn với chính bản thân mình.

    Nhưng đến cuối cùng, khi hắn thỏ thẻ bên tai Mễ lúc hai người đang trong cao trào cảm xúc, "Hôm nào cho bạn anh tham gia với mình để thay đổi cảm giác", Mễ đã dừng lại, cho hắn một bạt tai bằng tất cả hờn căm, khinh bỉ. Trời ơi, đời Mễ đang gắn với thứ đàn ông gì vậy? Trong mắt hắn, Mễ là gì đây? Cũng chẳng cần nói nhiều, hắn im lặng và biến mất như những thằng đàn ông khác, bỏ mặc Mễ chết lịm với chút huyễn hoặc chưa kịp hình thành mang tên hạnh phúc.

    Hắn đi rồi, nhưng dấu ấn hắn để lại trong đời Mễ vẫn còn lưu. Mấy cơn nhộn nhạo, cái que thử thai hai vạch đỏ sậm quăng trong thùng rác làm Mễ biết ở cơ thể mình, một con trong đám loăng quăng hắn gởi lại đang tìm đường phát triển. Ban đầu, Mễ sợ hãi và hoang mang, có khi muốn giữ lại phân nửa giọt máu của mình, nhưng rồi lại sợ nửa giọt máu của kẻ chẳng tốt đẹp gì kia. Biết đâu khi lớn lên nó lại đi làm hại đời đàn bà người ta. Nên thôi, dù biết tàn nhẫn lắm, cũng xin để đứa nhỏ chưa kịp thành hình mãi mãi không nhìn được ánh mặt trời ló rạng đằng đông.

    Mấy viên thuốc phá thai vô vị, có chăng chỉ là vị đắng mà tự bản thân đàn bà nghiệm về số phận. Mễ uống thuốc không mảy may đắn đo, vì đã nghĩ quá nhiều về quyết định này. Nhưng chuyện không chỉ đơn giản như vậy, cơn đau dữ dội quặn thắt nơi bụng khiến ngay trong đêm đó Mễ phải nhập viện cấp cứu. Đến khi mở mắt dậy, cái đồng hồ trong bệnh viện đang dừng lại ở bốn giờ ba mươi, để rồi từ đó, dù bất cứ ngày nào, Mễ cũng thức dậy đúng bốn giờ ba mươi, để nhớ, để ám ảnh và để đau.

    Mễ dụi điếu thuốc cháy hết vào gạt tàn, hít một hơi dài rồi đứng dậy ra nhà ngoài. Căn hộ chung cư đầy tiện nghi thân quen đến lạ, có nhắm mắt Mễ cũng biết mình đang đi về đâu. Sàn nhà lạnh buốt dưới chân sau một đêm dài không hơi người. Mễ pha ly café, quay lại phòng, nhấn nút dàn âm thanh rồi nghe bài hát phát ra từ đó như một thói quen.

    "Người đàn bà đi nhặt mặt trời,

    Trên đống bỏ hoang của loài người.

    Màn đêm che lối tưởng rằng nắng tươi.

    Sương đọng trên lá ngỡ giọt nắng rơi.

    Quên hết vì đâu đời mình nên tội."

    Phố dưới kia vẫn êm đềm thở, phố không cần giật mình trong cơn đau như Mễ.

    Mễ nhấp một ngụm café không đường, nhìn về phía xa, mặt trời đang dần xuất hiện, ánh sáng dần nuốt trọn Sài Gòn. Bất giác, Mễ đưa tay lên bụng, đứa con chưa kịp thành hình chắc cũng muốn được nhìn thấy thứ ánh sáng này một lần, phải không Mễ?
     
    AmiLee thích bài này.
  5. Maco2711

    Bài viết:
    143
    3

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sài Gòn bừng tỉnh sau giấc ngủ vùi. Đường bắt đầu đông, có người phải tranh thủ dậy sớm hơn Sài Gòn để chuẩn bị cho cuộc mưu sinh của ngày mới. Đời Sài Gòn, là chuỗi ngày trải dài của mưu sinh. Bên đường, mấy chị bán bánh mì đã đẩy xe ra, nhanh tay cắt thịt, chả thành từng lát mỏng te, mỏng như đời người ta ở đất này.

    Ân tập cho mình thói quen dậy sớm, dù có đi làm hay không cũng mở mắt ngồi dậy lúc khoảng bảy giờ. Ân nghe nói, buổi sáng là thời gian đẹp nhất ngày, vậy đâu có lý do gì mà bỏ qua khoảng khắc đẹp đẽ đó để ào vào những phút giây bận rộn phía sau. Cũng như bao nhiêu buổi sáng khác, việc đầu tiên Ân làm là nhìn một lượt những gương mặt giăng khắp phòng. Có người cười, có người khóc, có người ngạc nhiên, hốt hoảng, cũng có người đang nhìn Ân, thắc mắc vì sao mình lại đang ở trong phòng cô gái này. Một làn gió lẻn vào, xõa tung cái rèm cửa trắng, mấy gương mặt người dao động, rồi lại phủ rạp xuống tường, như chưa từng có bất cứ chuyện gì xảy ra.

    Việc thứ hai Ân làm mỗi sáng, là bật vội cái điện thoại thông minh lên, vào mạng xã hội chăm chút cho gương mặt mình trên đó. Nhìn đám thông báo chạy dọc, mấy trăm người thích, bình luận rồi chia sẻ một tấm hình Ân đăng, Ân chợt thấy cảm giác an toàn bao phủ. Hóa ra mình vẫn còn được quan tâm, được chú ý và nhớ tới, dù chỉ từ những người xa lạ, chưa từng gặp mặt. Có sáng, Ân nhớ bật điện thoại lên, thấy nó leo queo vài ba bình luận gì đó, Ân buồn thật sự, chuẩn bị đi làm mà cứ thắc mắc hoài, vì sao người ta không hồ hởi với mình như trước, hay.. mình đã qua rồi cái thời kỳ được quan tâm? Đến lúc vào công ty, bật máy tính, Ân mới nhận ra nguyên nhân, tối qua tùy chỉnh thế nào lại để cho chỉ những người trong danh sách bạn bè thật sự mới có thể thấy những gì mình đăng, hèn chi chẳng có người nào chú ý.

    Ân ngồi dậy, vào nhà vệ sinh, chuẩn bị cho ngày đi làm như thường lệ. Ở khoảng thời gian này, nhiều người sẽ tranh thủ suy nghĩ xem những gì mình sắp làm hôm nay, sẽ có thể gặp gỡ ai, đối mặt với thứ gì, hay thậm chí, mơ mộng một tiếng sét ái tình nào đó đột ngột đánh thẳng vào tim. Mơ ước là quyền của con người, đâu ai cấm cản, có lúc mơ thành được thực, người ta hân hoan, có lúc mơ hoài cũng là mơ, người ta lờ đi, quên luôn cái giấc mơ của một thời. Còn Ân, những lúc chuẩn bị như thế này, Ân không suy nghĩ hay mơ ước, vì đơn giản, Ân biết ngày hôm nay của Ân cũng sẽ như ngày hôm qua và y hệt ngày mai.

    Ân làm kế toán cho báo mạng "Thiên đường", nơi mọi người tự hào gọi với cái tên "Thiên đường thông tin". Công việc kế toán như định sẵn thứ Ân đối mặt mỗi ngày chỉ là màn hình vi tính khô khan, những dãy con số chạy dài, những tờ chứng từ hóa đơn hồng lè, mấy cái dấu mộc đỏ côm cốp dập lên trên, chẳng có gì hơn. Chưa bao giờ Ân tự hỏi bản thân có thích công việc này không, cũng chưa bao giờ tự nhủ mình sẽ phải làm nó thật tốt. Con đường Ân đi, từ ngày mở mắt chào đời đã được định sẵn, gia đình Ân ở xa nhưng vẫn có một phần cổ đông trong tổng công ty truyền thông chủ quản của "Thiên đường", thế nên nghiễm nhiên Ân có một công việc trong công ty, lại nằm ngay bộ phận kiểm tra về giấy tờ, tiền bạc. Kiểu như có người nhà trong đấy người ta cũng an tâm hơn khi bỏ tiền đầu tư.

    Mười tám, nhà kêu học kế toán, Ân gật đầu. Năm hai mươi hai, nhà kêu về công ty làm, Ân cũng gật đầu, dù trong lòng chẳng có gì gọi là thích thú, ưng thuận. Đời Ân cứ đều đều trôi, nhàn nhạt như nồi canh toàn nước lã và thịt, nhìn thì ngon, đầy đủ dưỡng chất, nhưng ăn mới thấy nó nhạt nhẽo vô cùng. Cứ như vậy, Ân đi làm hơn hai năm ở công ty, chẳng khó khăn, vướng bận. Gần một ngàn ngày được lập trình như nhau, gần một ngàn đêm ngồi trong căn phòng trọ đầy đủ tiện nghi, vung tay lấy cái điều khiển chọn kênh truyền hình hay tua nhanh mấy đoạn nhàm chán trong phim bộ. Có lúc Ân thở dài, muốn ra ngoài để giải khuây, để nỗi buồn chán bị màn đêm ngoài kia nuốt chửng, để nỗi bức bối trong lòng cho gió tạt đi mất. Nhưng rồi Ân không làm được. Đi, mà đi với ai bây giờ? Ân không có nhiều bạn ở đất Sài Gòn. Đám đồng nghiệp trong công ty, người có gia đình, kẻ có niềm vui riêng, phần còn lại lúc nào cũng giữ một khoảng cách an toàn vừa đủ với "người nhà cổ đông". Có lần vô tình, Ân nghe hai bà chị trong WC nói về mình, "Thấy vậy chứ coi chừng nó giả ngu, canh tiền cho gia đình nó." Khi họ bước ra, Ân vẫn phải nhìn họ, mỉm cười rồi vội vã chạy vào một phòng trống, ngồi xuống tay chân run lẩy bẩy. "Mày có làm gì sai đâu?" Ân tự nhủ, nhưng cảm giác sợ hãi những con người vừa cười nói với mình xong, quay lưng lại đã có thể gièm pha, khinh khi mình thì khó lòng mà gạt bỏ. Từ đấy, Ân lại càng im lặng, lầm lũi một mình, không nói chuyện với họ nhiều như trước. Nên những đêm dài như vậy, Ân cũng chỉ biết quanh quẩn trong căn phòng trọ đầy đủ tiện nghi nhưng thiếu niềm vui.

    Ân nhìn lại gương mặt trong gương, mọi thứ đều đẹp, đẹp như mọi ngày vẫn đẹp. Ân lấy giỏ xách, mở tủ giày, chọn một đôi nhàm chán, đẩy vào chân rồi mở cửa phòng, khóa lại và đi xuống nhà dưới. Nhà trọ Ân mướn có hai lầu, ngoài tầng trệt ra thì mỗi lầu xây hai phòng đối diện nhau với đầy đủ tiện nghi cơ bản. Chủ nhà là bà giáo góa bụa, ngoài năm mươi, khó tính trong chừng mực nhưng vẫn hiện đại đủ để hỏi Ân, "Cái máy tính bảng nghe nói đọc báo ngon lắm hả con?", để đâu chừng ba ngày sau khi lấy tiền trọ, bà giáo mua một cái về, tự coi như quà mừng sinh nhật. Ân thương bà, coi bà như người thân trong nhà, có bữa đi làm về cũng mua bịch chè, cái bánh, dù bà giáo hay cằn nhằn, "Mập lắm nha con", nhưng rồi cũng ăn ngon lành.

    Ân xuống nhà thấy bà giáo đang lui cui cầm chổi quét nhà.

    - Hôm nay không dạy sáng hả cô?

    - Tuần này dạy buổi chiều không, mà cũng có hai, ba ngày, già rồi, nhường tiết cho đám giáo viên trẻ con ơi.

    - Sao nhà dơ vậy cô?

    - Tối qua thằng Thụy về hơi trễ, dắt xe vô nhà nên dơ. Nó có nói để sáng xuống quét, nhưng cô thấy nó làm về khuya, sáng mắc công dậy sớm, nên quét cho rồi, tội thằng nhỏ. Con đi làm đi, trễ bây giờ.

    Ân gật đầu chào bà giáo rồi rời khỏi nhà trọ, nhìn con hẻm phía trước người ta bắt đầu chảy vào dòng hối hả cơm áo gạo tiền. Đi qua căn nhà gần đầu hẻm, nghe tiếng con nít khóc, Ân dừng chân nhìn vô trong, thấy cô hàng xóm đang cố gắng kéo thằng con ra tới cửa nhà. Đứa nhỏ cứ vừa khóc vừa gào, "Con không đi học đâu!" Cô hàng xóm tay kéo con, tay vung cây roi mây, lớn giọng, "Không học rồi ngu, đi móc bọc nghe chưa!" Ân nép người nhìn thêm một chút, rồi như thói quen, đưa tay lấy điện thoại, nhấn chụp liền mấy tấm hình. Cô hàng xóm đang bực đứa con, thấy Ân nên gắt giọng, "Chụp cái gì mà chụp?" Ân hoảng hốt rảo bước đi nhanh.

    Nhà trọ cách công ty khoảng hơn cây số, Ân có xe máy, nhưng vẫn thích đi bộ hơn. Nhiều khi trên một cây số đường, Ân có dịp gặp rất nhiều những gương mặt khác nhau, những biểu cảm khác nhau. Ân vừa đi, vừa loay hoay chỉnh màu cho hai tấm hình vừa chụp trên điện thoại, rồi ghép chúng lại thành một tấm duy nhất, đăng lên trang cá nhân của mình, ghi thêm một dòng, "Ngày nhỏ, tri thức là nỗi sợ, để rồi khi lớn, nó biến thành nỗi khát khao." Từ lúc đó, điện thoại Ân bắt đầu rung bần bật với những thông báo có người thích hình ảnh vừa đăng, vừa bình luận về nó và vừa chia sẻ nó.

    Ân khẽ mỉm cười, rồi vội vàng bước đi, thấy nắng dưới chân nâng bước nhẹ tênh.

    * * *

    Điện thoại đổ chuông kéo dài, âm thanh vang dội khắp căn phòng nhỏ, Thụy nhoài người, mắt vẫn nhắm, quơ quào tìm kiếm, tự cáu gắt với bản thân vì tối qua không tắt máy hay để chế độ im lặng. Mắt nhắm mắt mở, Thụy nhìn dòng tin nhắn đổ vào điện thoại, số lạ, nội dung hỏi Thụy đã dậy chưa, có muốn đi ăn trưa cùng nhau không. Chán nản không trả lời, Thụy khóa máy rồi đưa tay lấy cái mền, quấn quanh người, lười nhác thở nhẹ.

    Tối qua ở tiệm, lão khách già bụng phệ, da dẻ nhăn nheo cứ nài nỉ xin cho được số điện thoại, Thụy cũng cho, chủ yếu vì để lát lão chịu xì ra mớ tiền tip hậu hĩnh, nhưng đâu ngờ lão dai vậy, mới sáng sớm đã đòi đi ăn uống. Đang còn uể oải, chập chờn cố gắng trở vào giấc ngủ lại, tiếng điện thoại lại réo rắt. Chắc lại là lão già, Thụy mệt mỏi nghĩ, nhưng rồi cũng cố cầm máy. À không phải lão già, là sếp gọi.

    - Thụy, hôm nay có đứa nghỉ, em làm ca tối tiếp được không?

    - Dạ thôi, hôm qua về trễ, giờ người em còn lâng lâng, tối nay dập thêm một ca nữa chắc chết, hôm nay em ca chiều thôi.

    - Ok, vậy để anh hỏi đứa khác.

    Thụy bỏ điện thoại, nheo nheo mắt nhìn nắng ngoài cửa sổ, tâm trạng để ngủ cũng không còn, thôi thì đành ngồi dậy, kiếm gì ăn cho no rồi chuẩn bị chiều lại đi làm cho khỏe. Thụy nhìn cái điện thoại nằm cạnh mình, thấy buồn cười. Con người ta bây giờ không hiểu dùng công nghệ để phục vụ bản thân, hay dần dà đang trở thành nô lệ của công nghệ. Như hôm nay, đáng lý ra Thụy có thể ngủ một giấc thoải mái bù đắp cho tối qua đi làm về khuya, vậy mà chỉ hai cú điện thoại mọi việc đã khác hẳn. Hay như ngày trước, mỗi lần hẹn hò với ai, Thụy đều đi sớm, hay tìm mọi cách để đến nơi đúng giờ, sợ trễ rồi bị giận. Giờ có điện thoại, khái niệm đúng giờ cũng bị giảm xuống đáng kể, nếu có chuyện gì, bất quá chỉ cần một tin nhắn, giải thích lý do đến muộn coi như là xong. Người ta không muốn chờ cũng phải chờ vì chuyện đã lỡ, trách thì cũng trách thầm trong bụng, vì rõ ràng là đã báo cho biết. Cứ vì vậy mà khái niệm thời gian của nhiều người, trong đó có Thụy, bị giảm đi rõ rệt chỉ vì cái điện thoại có khả năng kết nối con người mọi lúc mọi nơi.

    Thụy thay đồ xong, khóa cửa phòng rồi xuống nhà, bà giáo đang ngồi mày mò cái máy tính bảng, lướt xoèn xoẹt coi tin tức. Thấy Thụy, bà giáo hạ mắt kiếng, cười chào:

    - Dậy rồi hả con, sao không ngủ thêm chút, tối qua cô thấy bây về cũng trễ.

    - Dạ, con có điện thoại nên phải ra ngoài. Chết nữa, con quên sáng nay dậy quét cái đám đất tối qua.. con xin lỗi.

    - Thôi, lỗi phải gì, con về trễ thì thôi, cô quét một chút cũng xong, không sao đâu.

    Thụy cảm ơn bà giáo, ra khỏi nhà, nhìn con phố dài nắng chang chang trước mặt. Thời tiết Sài Gòn là vậy, mới âm u đó lại có nắng gắt ngay. Như tối qua về khuya, Thụy thấy gió lạnh thả từng cơn vô người, cứ tưởng sáng nay thể nào cũng bớt ngột ngạt, vậy mà giờ nắng nhòa mặt đường. Thở dài ngán ngẩm, Thụy lủi luôn vô quán phở đầu hẻm đang lưa thưa bóng khách.

    - Ăn sáng hay ăn trưa đây cậu? - Cô bán hàng nhận ra người quen, cười chọc.

    - Dạ, ăn buổi sáng lúc trưa luôn để tiết kiệm. Cho con một tô như mọi lần nha.

    Khi cô bán hàng bắt đầu loay hoay công việc, Thụy nhìn xuống tờ báo ai đó để trên bàn, đập vào mắt ở trang đầu tiên là tiêu đề lớn, "Không có chuyện hủ tiếu nấu bằng thịt chuột". Tò mò, Thụy lật ra đọc một lượt.

    Đại khái là sau thông tin chia sẻ trên mạng xã hội về những xe hủ tiếu dùng thịt chuột làm nguyên liệu, đời sống của một số lượng lớn người mưu sinh bằng nghề bán món ăn giá rẻ lề đường này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bài viết có cả bức hình của một chị bán hàng, gương mặt đau khổ, mắt ươn ướt, đăm đăm nhìn về phía đằng xa, sau lưng đã được xóa mờ là cái xe hủ tiếu sinh nhai. Một nhóm phóng viên của tờ báo danh giá Thanh Niên Trẻ đã quyết tâm tìm chân tướng sự thật, họ đi điều tra từ nhiều nguồn, sau đó khẳng định rằng bài báo kia là hoàn toàn không căn cứ, chỉ mang tính chất bịa đặt nhằm mục đích đẩy mạnh lượt xem nhờ dư luận. Bà con nghèo thở phào nhẹ nhõm, người bán đã được minh oan, người ăn cũng thấy trong lòng bớt nơm nớp lo sợ. Nhóm phóng viên thực hiện bài viết kia được cho là có đạo đức nghề nghiệp, kiểu như cụ Nguyễn Trãi ngày xưa từng nói trong "Ức trai thi tập" : "Con thú có thể cắn chết con người nhưng nó vẫn là con thú. Con người mang lẽ phải, có thể bị giết vì lẽ phải, nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi vẫn là thiên chức của con người".

    Người ta đọc tin, an tâm và le lói hi vọng vì thấy rằng cuộc đời này vẫn còn công bằng. Giữa bọn không đạo đức tung tin nhảm nhí hại người dân, vẫn còn có những người đạo đức hơn, sẵn sàng lên tiếng bảo vệ công đạo. Xã hội cân bằng, vốn dĩ cũng bắt nguồn từ hai thái cực tốt và không tốt như vậy.

    Thụy đọc xong, gấp tờ báo lại cũng là lúc cô bán hàng bưng tô phở ra cùng lời chúc ngon miệng. Gắp một đũa, Thụy húp thêm muỗng nước lèo, hít một hơi dài, thấy ngoài cái mùi thịt bò nồng tanh, còn có đủ thứ mùi thơm của mớ nguyên vật liệu không biết xuất xứ từ đâu. Có đợt, Thụy nhớ báo chí lên án cái chợ gì đó nhập toàn mấy thứ hóa chất độc hại về bán ra cho người dân mua về chế biến thực phẩm. Người ta giận ghê lắm, đòi dẹp chợ, đòi phạt, đòi tẩy chay, nhưng rồi thì đâu lại vào đấy, cấm đường này họ nhập đường kia, đốt chợ lớn họ tập trung qua chợ nhỏ, chủ yếu là vì mưu sinh, người ta sẽ có thể bất cứ chuyện gì.

    Thụy nhớ báo viết, cũng có thành lập tổ điều tra, thanh tra, nhưng ngặt nỗi, cứ mỗi khi nghe tin có người bên sở chuẩn bị xuống nhìn ngó xung quanh, người ta lại ngoan ngoãn, chấp hành quy định đến lạ kỳ, chứ đi rồi thì đâu lại vào đấy. Nói đâu xa, như cái spa, massage sauna Thụy đang làm cũng đã chục lần xảy ra chuyện như vậy. Mấy bữa đang trong phòng massage cho khách, Thụy nghe bên ngoài có tiếng lao nhao, rồi đám đồng nghiệp mặc vội đồ, lật đật chạy ra cửa sau của

    Tiệm, mỗi đứa tản đi một nơi, chờ điện thoại rồi lại trở về.

    Thụy cũng phải chạy trong đám đó, dù Thụy không giống họ.

    Tiệm sauna của Thụy nằm trong một con hẻm vắng, ban đầu là tòa nhà ba tầng, cung cấp dịch vụ làm đẹp, dưỡng da cho phụ nữ. Nhưng rồi tình hình kinh doanh không mấy khá khẩm, tay chủ tiệm quyết định chuyển hướng kinh doanh, phục vụ một nhóm đối tượng mới, luôn cần được nâng niu, chăm sóc, luôn cảm thấy cô đơn cần người chia sẻ, đặc biệt khi đã thích điều gì sẽ không tiếc bất cứ giá nào để đạt được. Đó là những gã đồng tính. Người dắt Thụy vào làm trước đây từng ở cùng khu trọ cũ, nghe Thụy than muốn có tiền, muốn đổi đời, hắn dẫn Thụy vào giới thiệu, vài ba ngày sau Thụy chính thức đi làm, còn hắn thì nghỉ làm, nghe đâu được một đại gia nào đó mở rộng vòng tay làm điểm tựa.

    Vào làm, mặc dù khác người, nhưng Thụy vẫn giữ nguyên tắc bản thân, không bao giờ có những màn "tới Z" với khách hàng. Ok, họ có thể thích Thụy, đó là quyền của họ, nhưng để có được Thụy, lại là chuyện do Thụy quyết định. Ban đầu, bọn làm chung chửi Thụy ngu, ngay cả quản lý cũng mấy lần càm ràm, "Đã vào đây còn bày đặt làm giá", Thụy vẫn bất chấp, chỉ mỉm cười cho xong. Khéo sao, lượng khách đổ dồn về phía Thụy ngày càng đông, khiến mọi người đều ngạc nhiên, thắc mắc. Ai hỏi, Thụy cũng chỉ cười, nói chắc do mình hiền, nên người ta thích. Đám làm chung đâu tin, xì xầm đủ chuyện, "Nó nói là vậy, chứ cánh cửa phòng massage đóng lại, biết làm tới cái gì trong đó." Thụy nghe, chỉ cười khẩy.

    Những gã đồng tính, cơ bản vẫn có một phần đàn ông trong người, mà đàn ông, nhìn chung như con nít. Cho chúng đồ chơi quá dễ dàng, chúng sẽ chán, không biết trân trọng, khôn khéo thì cứ để theo kiểu "cám treo, heo nhịn đói", vậy người ta mới thèm thuồng, mong muốn. Thụy ý thức được điều đó, áp dụng triệt để lên những gã đồng tính quanh mình. Nhưng Thụy cũng đủ khéo để không cắt đứt, không cự tuyệt một ai, vẫn cứ cái màn ỡm ờ, lần lữa cho người ta tưởng rằng mình đang có một cơ hội lơ lửng trước mặt, chỉ cần với tay chụp là có, nào ngờ, chụp hụt, lại chúi nhủi chịu đau.

    Nên dù tới giờ đã hai mươi ba, chưa từng nếm mùi đàn ông, nhưng Thụy vẫn hiểu đàn ông hơn khối kẻ, nhất là những gã đàn ông đích thực đi "thích đực".

    Thụy trút hộp tăm, lấy một cái bỏ vào miệng rồi đứng dậy, cười với cô chủ quán:

    - Tính tiền cho con đi cô!
     
    AmiLee thích bài này.
  6. Maco2711

    Bài viết:
    143
    4

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mễ chỉnh lại cái khăn choàng quanh cổ. Ngày cuối năm, Sài Gòn lạnh không báo trước, thấy người ta chở mùa đông về phố, cửa hàng lấp lánh mấy thứ trang trí trắng đỏ xanh, lòng cũng chợt gợn chút hờn ghen. Phòng tư vấn tâm lý của Mễ nằm lọt thỏm giữa con đường ngắn, nối giữa hai con đường dài. Mùa đông bỏ quên nơi này, nắng vẫn gay gắt chiếu, phủ tàn mớ rêu bám trên mấy mảng tường bong tróc. Mễ mở cửa văn phòng, thấy Thương, cô tiếp tân đã ngồi sẵn, nở nụ cười như lập trình.

    - Chị mới tới, ăn sáng chưa?

    - Nãy chị ăn ở nhà rồi, chín giờ có hẹn phải không em?

    - Dạ, sáng em có gọi để nhắc, khách nói sẽ đến đúng giờ, chắc cũng đang trên đường đi.

    Mễ gật đầu, mở cửa phòng làm việc bước vào, để giỏ xách xuống bàn, cởi bỏ chiếc khăn choàng quanh cổ, treo lên cây để đồ rồi tới trước gương, nhìn hình ảnh phản chiếu của mình một lượt rồi bỏ gói trà vào ly, rót nước nóng. Đồng hồ chỉ tám giờ bốn mươi lăm phút, tính ra cũng kịp giờ. Đồng hồ đổ nhịp dài, phòng làm việc Mễ dùng loại đồng hồ chạy điện dáng cổ, có một quả lắc đung đưa chỉ để trang trí. Nhưng quy trình lặp lại của quả lắc cuốn hút Mễ theo một kiểu rất đặc biệt. Có lúc không làm gì, Mễ dùng cả tiếng đồng hồ chỉ ngồi yên, nhìn con lắc đung đưa, thấy đời mình cũng đang tròng chành như vậy, không biết khi nào mới được dừng lại thoáng bình yên.

    Phòng làm việc của Mễ không quá rộng, được thiết kế theo kiểu một phòng khách gia đình ấm cúng với ghế nệm lớn đặt giữa phòng. Sàn lót thảm dày, loại màu tối sẫm, tiệp màu với rèm cửa sổ luôn buông thõng. Mễ không thích ánh nắng, nên dù ban ngày, căn phòng vẫn được gói trọn trong ánh đèn vàng dìu dịu tỏa ra từ mấy góc phòng.

    Chín giờ năm phút, phòng Mễ có tiếng gõ cửa, giọng Thương cười, "Chị vào đi, chị Mễ đang đợi." Cửa phòng mở, người đàn bà rụt rè bước vào, cúi chào Mễ.

    - Chào bác sĩ.

    - Chị là Khuê phải không? Tôi tên Mễ, mình cũng ngang tuổi nhau, xưng tên cho thân mật, với lại Mễ không phải bác sĩ, Khuê cũng không phải là bệnh nhân, đây chỉ là buổi nói chuyện thoải mái với nhau thôi.

    - Vâng, vâng bác sĩ.. À không, Mễ, tôi biết rồi. - Khuê gật đầu, thở hắt ra nhẹ nhõm, vẻ rụt rè đã vơi đi ít nhiều.

    - Khuê lại đây ngồi đi cho thoải mái, uống trà mật ong nhé, tôi pha luôn.

    Không chờ Khuê đồng ý, Mễ đi lại bên bàn nước trong phòng, mở gói trà rồi mở mật ong, thoáng chốc mùi thơm đã ngập phòng. Mễ đưa ly trà, Khuê đỡ lấy bằng hai tay, lí nhí câu cảm ơn trong miệng khi đã yên vị trên chiếc ghế sofa lớn giữa phòng.

    - Khuê ngồi thoải mái không, nếu cần có thể hạ ghế xuống một chút.

    - Được rồi Mễ, tôi thấy dễ chịu lắm.. không cần điều chỉnh gì đâu.

    - Nếu dễ chịu, Khuê đã ngồi thả lỏng cả cơ thể và hơi dựa người vào đằng sau, chứ không phải cong người trong tư thế phòng thủ như vậy. Tôi ở đây để làm bạn và nghe Khuê kể chuyện, tôi không biết Khuê là ai, nên Khuê có thể yên tâm rằng tôi không ảnh hưởng gì đến cuộc đời Khuê được đâu..

    Khuê hít một hơi dài, gật đầu thêm lần nữa rồi mới ngả người ra sau thành ghế sofa, tâm trạng đã thoải mái lên thấy rõ. Mễ nhìn vội về phía ngón tay áp út thuôn dài bên phải của Khuê, thấy trên đó lấp lánh ánh nhẫn vàng, bèn mở đầu câu chuyện.

    - Khuê lập gia đình đã bao lâu rồi?

    - Ba năm rồi Mễ.

    - Cuộc sống gia đình Khuê tốt chứ? Đã có con chưa?

    - Cũng.. cũng tốt, tôi và chồng chưa dự định có em bé, dù cũng muốn lắm.

    - Đàn bà hạnh phúc nhất là được làm vợ, làm mẹ Khuê nhỉ, tôi thì chưa may mắn được hai thứ đó.

    - Sao vậy? Mễ đẹp và giỏi như vậy mà.

    - Đẹp và giỏi đâu có nghĩa là sẽ có chồng đâu Khuê. - Mễ mỉm cười. - Với lại, đàn ông không thích đàn bà giỏi, vì họ sợ giỏi hơn họ, chắc vậy mà giờ Mễ còn ế.

    Khuê nghe xong cũng bật cười theo, đưa tay hớp thêm một ngụm trà ngòn ngọt vị mật ong rồi trầm ngâm, trở lại câu chuyện:

    - Nhưng có khi như Mễ mà hay. Như tôi, lấy chồng rồi, lại phát hiện ra nhiều chuyện không như mình nghĩ.

    - Hôn nhân mà Khuê, với lại, đâu phải lúc nào cuộc đời cũng như mình muốn..

    - Không phải.. không phải đâu Mễ, chuyện là.. từ phía tôi. Chứ chồng Khuê, ảnh tốt lắm.

    Khuê nói vội, rồi lại hít một hơi sâu, thở dài, vẻ mệt mỏi pha chút căng thẳng lại ùa về.

    - Tôi.. từ ngày cưới nhau đến nay, trong quan hệ gối chăn với chồng.. tôi chưa bao giờ cảm thấy mình thật sự có cảm giác hưng phấn hay thỏa mãn. Tôi chỉ nằm đó, cố gắng căng người ra để chiều ảnh.

    Khuê nói rồi vội cúi mặt, cầm ly trà ấm xoay đều trong tay, ái ngại lảng tránh ánh mắt Mễ. Mễ vẫn chăm chú nhìn Khuê, mặt thoáng chút bối rối, nhưng rồi vội vàng lấy lại vẻ trầm tĩnh cố hữu khi gặp bất kỳ bệnh nhân nào.

    * * *

    Phan đứng giữa "Thiên đường", nhìn xuống dòng người len chặt cùng xe cộ bên dưới. Thói quen thích nhìn ngắm mọi thứ từ trên cao, có lẽ Phan nhiễm từ Nam. Tách café trên tay Phan đã nguội lạnh nãy giờ, Sài Gòn dưới kia cũng héo màu nắng úa. Phan chợt cảm thấy sự mệt mỏi len vào cơ thể, chút men rượu tối qua vẫn còn sót lại. Và càng mệt mỏi hơn khi Phan nhận ra thứ đang đến gần mình là gánh nặng về tuổi tác và sức khỏe.

    Vài năm trước, khi còn chưa qua cái tuổi ba mươi lưng chừng dốc, những cuộc vui thâu đêm, tận ba bốn giờ sáng đối với Phan chỉ là chuyện nhỏ. Sáng hôm sau Phan vẫn có thể dậy lúc tám giờ, đến trường làm báo cáo cuối kỳ một cách tỉnh táo vô cùng. Vậy mà giờ.. Phan tự mỉm cười cay đắng, đúng là tuổi già, chẳng thằng nào thoát được.

    Phan hay nghe người ta than trời trách đất rằng cuộc sống không công bằng. Phan thấy buồn cười, vì thường những người không nhìn đời từ đủ góc độ mới có nhận định như thế. Cuộc sống vốn dĩ rất công bằng, chỉ có con người vì nhiều mục đích nên mới hành động bất công với nhau.

    Điển hình đơn giản nhất, chính là thời gian. Mỗi người sinh ra và cho đến lúc chết đi, dù là vĩ nhân hay kẻ ăn mày, đều có đúng hai mươi bốn tiếng một ngày, không hơn không kém và ai ai cũng phải trải qua bốn giai đoạn sinh lão bệnh tử trong đời. Người thành công là người biết tận dụng hai mươi bốn giờ của mình một cách khéo léo và thông minh để sinh ra lợi ích cho bản thân. Kẻ thất bại là kẻ lãng phí thời gian đó để oán thán sao đời bất công. Phan thành công, vì biết dùng mỗi giây phút cuộc đời mình để suy nghĩ, tư duy và phát triển. Như trong cái lúc đứng nhìn phố, cầm ly café, Phan vẫn đang suy nghĩ về cuộc gặp tiếp theo của mình cùng đồng nghiệp. Có tiếng gõ cửa phòng, Phan hít một hơi dài, chỉnh lại cravat rồi nói vọng ra:

    - Vào đi, tôi đang đợi.

    Tú đi vào, kịp thấy Phan bỏ ly café xuống rồi ngồi vào chiếc ghế lớn sau bàn làm việc.

    - Tú ngồi đi, tôi cũng chờ Tú nãy giờ. Có việc gì không mà cần gặp tôi gấp vậy?

    - Hôm qua em mới nhận được lương tháng này, thấy có chút vấn đề nên muốn hỏi anh. - Tú trả lời sau khi đã ngồi đối diện Phan.

    - Có vấn đề gì?

    - Ngoài lương ra, em còn nhận được một khoản khá lớn.

    - Có khi nào là kế toán chuyển nhầm không, sao Tú không qua đó hỏi?

    - Em nghĩ họ không nhầm đâu.. còn anh là người hiểu về vụ này nhất.

    Phan mỉm cười, nhìn sự bối rối pha chút căng thẳng trên gương mặt Tú, chợt nhớ về lần đầu tiên cậu trai trẻ này ngồi đối diện mình khi phỏng vấn xin việc làm.

    - Tú còn nhớ lần đầu tiên phỏng vấn, tôi hỏi Tú câu gì không?

    - "Vì sao cậu muốn đi làm", em chưa bao giờ quên.

    - Và câu trả lời của Tú?

    - Vì tiền.

    - Đúng, và đó là lý do tôi gật đầu đồng ý tuyển Tú vào làm việc ngay mà không hỏi thêm bất cứ thứ gì khác.

    Phan chống tay xuống bàn, hai bàn tay đan xen vào nhau, che nửa gương mặt đang mỉm cười. Tú ngồi bất động, cảm giác áp lực y chang lần phỏng vấn xin việc đầu tiên. Con người ngồi đối diện Tú hình như sinh ra để lãnh đạo và trấn áp tinh thần người khác, từ ánh mắt, giọng nói cho đến nụ cười mỉm quen thuộc.

    - Số tiền ngoài lương Tú nhận được là do tôi đề nghị lên trên. Nó xứng đáng với những gì Tú đã làm được cùng loạt bài năm con chuột chết trong xe hủ tiếu gõ. Còn ngạc nhiên chứ?

    - Em.. em không nghĩ lương tâm của mình lại được trả nhiều như vậy.

    Phan bỏ tay, ngồi dựa ra thành ghế, rồi bật cười thành tiếng:

    - Trời ạ! Đến giờ mà Tú vẫn còn lăn tăn suy nghĩ về cái gọi là lương tâm đó à. Tôi cứ nghĩ sau những gì tôi chứng minh cho Tú thấy, Tú đã dừng những suy nghĩ kiểu trẻ con đó chứ.

    Ba tuần lễ trước, cũng trong căn phòng này, Tú đã ngồi cùng Phan, chấp nhận thử thách đầu tiên khi bước vào công ty mà Phan dành cho mình.

    - Tú có hai lựa chọn, hoặc là tạo ra cho tôi một chuyên mục thu hút tất cả mọi người quan tâm, hoặc là dừng công việc này lại. Tú chọn đi.

    Tú cần tiền, nên dĩ nhiên không thể bỏ việc.

    - Thứ tôi muốn Tú tạo ra là một làn sóng thông tin ngầm, khiến cho tất cả mọi người đều hoang mang, bắt nguồn từ những thứ thân quen nhất mà họ gặp hàng ngày. Nhiệm vụ của Tú là phải đảo lộn chúng, khoác lên cho chúng sự nguy hiểm rình rập, làm cho con người bắt đầu hoài nghi lẫn nhau.

    Bài báo về hủ tiếu gõ ra đời, đúng những gì Phan yêu cầu, làm mọi người hoang mang, nhưng đồng thời cũng dấy lên nguy kịch cho những người lao động nghèo mưu sinh bằng xe hủ tiếu. Bài viết càng thành công, độ lan tỏa, bàn tán về nó càng rộng, Tú lại càng thấy hoảng sợ, đây là lần đầu tiên Tú phải đối mặt với lương tâm, giữa công việc và đạo đức.

    - Đạo đức thực ra chỉ là thứ thuận theo sự đồng tình của số đông. Ví dụ như khi Tú ăn một con chó, nhiều người sẽ lên án, sẽ coi rằng đó là vô đạo đức, nhưng nếu Tú ăn một con gà, sự việc lại bình thường hơn rất nhiều. Cốt lõi của vấn đề cũng chỉ là việc một động vật bậc cao ăn thịt động vật bậc thấp hơn mình, nhưng con chó trong cuộc sống nó gắn liền với con người hơn, được yêu thương và tin tưởng hơn. Nếu Tú cần đạo đức, tôi sẽ trả đạo đức lại cho Tú, để Tú có thể nhẹ lòng với cái lương tâm của mình. Nhưng tôi muốn Tú nhớ, đạo đức không bào ra ăn được khi đói đâu.

    Bài báo sau, Tú dùng bút danh khác, gởi trực tiếp đến tờ Thanh Niên Trẻ, minh oan cho câu chuyện về xe hủ tiếu gõ, và từ đó, bút danh đó cũng được người ta trọng vọng, ngưỡng mộ đến kinh hồn. Thật ra, cũng chỉ là cùng một người dựng nên tất cả. Và người đó giờ đây đang ngồi trong văn phòng, tìm hiểu vì sao mình lại có thêm một khoản tiền trong tháng này.

    - Nói Tú đừng buồn, lương tâm của Tú trong mắt tôi không có giá trị. Tiền mà Tú nhận là khả năng của Tú đáng nhận. Đừng suy nghĩ nhiều nữa, tập trung tinh thần để cho tôi một cột mốc mới trong sự nghiệp đi. Nếu tin tức sắp tới tốt hơn, phần của Tú sẽ còn cao hơn nữa.

    Tú nhìn sâu vào mắt Phan, thoáng chút hoang mang, rồi khẽ gật đầu.

    * * *

    Mễ ra khỏi phòng làm việc, thấy đồng hồ đã bốn giờ chiều, Thương đang ngồi chơi game chém trái cây trên điện thoại, mặt căng thẳng pha chút bực mình vì mới lỡ tay chém trúng trái bom màu đen. Thấy Mễ đi ra, Thương vội vàng tắt máy, ngước lên tươi cười.

    - Hôm nay hết lịch hẹn rồi chị.

    - Chị biết mà. Nếu không còn gì làm, em về sớm đi.

    - Dạ, vậy em tắt máy rồi về nhé, mai gặp lại chị. - Nói rồi Thương vội đứng dậy, bỏ đồ vô túi xách, mỉm cười bước nhanh ra khỏi văn phòng như thể sợ Mễ bất thình lình đổi ý.

    Cánh cửa kính của văn phòng nhẹ khép sau khi Thương đi khỏi, bỏ lại Mễ trong không gian kín bên trong, im lặng đến rợn người, chỉ còn tiếng điều hòa rè rè chạy, phả thứ hơi lạnh giả tạo xuống da thịt. Mễ quay trở lại phòng mình, lấy giỏ xách, khăn choàng, tìm chìa khóa, khóa cửa rồi ra về.

    Sau khi trở về từ khóa học ở nước ngoài, Mễ mở văn phòng tư vấn tâm lý như một cách để khai thác những góc sâu nhất trong mỗi con người. Tiền kiếm không nhiều, nhưng cũng không thành vấn đề, những khoản đầu tư vào tài chính khác đủ đảm bảo cho Mễ an nhàn ngồi nghe bệnh nhân than vãn về đủ thứ chuyện trên đời. Có khi là ghen tuông, hờn giận, trách móc người yêu, có khi là chia tay, chán nản muốn tìm đến cái chết, cũng có khi là mấy bậc phụ huynh đến nhờ Mễ chữa "căn bệnh đồng tính" của con họ. Có lần một ông bố đến nhờ Mễ "Làm sao để con gái tôi yêu con trai như bình thường?"

    Mễ lắc đầu từ chối, vì bản thân không muốn vướng vào những người thiếu kiến thức. Mễ cũng không phải người có thể cung cấp đủ kiến thức cho họ hiểu bản chất xu hướng tính dục của con họ là gì. Nhưng đến khi nghe được câu nói, "Nếu cần, tao cho người cưỡng hiếp mày để mày hết bệnh" Mễ đã không ngăn được mình, giáng cho người đàn ông kia một bạt tai, "Tôi nghĩ người cần đi khám tâm lý là ông chứ không phải con ông." Sự việc sau đó ra sao Mễ cũng không quan tâm, chỉ cần biết mình đã làm hết những gì bản thân có thể.

    Nguyên tắc của một người làm tư vấn tâm lý, Mễ nhớ rất rõ. Chủ yếu là tạo cho người cần tư vấn một không gian thoải mái, để họ có thể kể câu chuyện của mình, chia sẻ với một người xa lạ trong mấy lần gặp mặt đầu tiên. Người tư vấn chỉ nên cho lời khuyên trong lúc cần thiết, hoặc sau khi đã chắc rằng mình hiểu được hoàn cảnh và tâm lý của người cần tư vấn. Nhưng đó là bước đi của những lần gặp mặt sau này, còn ở những lần đầu tiên, đơn giản chỉ là ngồi nghe câu chuyện của họ.

    Nhu cầu được chia sẻ luôn luôn là nhu cầu cấp thiết của con người. Tuy nhiên, trong xã hội hiện tại, với áp lực của việc kiếm tiền và cuộc sống, người ta thường lãng quên sự cần thiết của việc chia sẻ cảm xúc. Đến khi thật sự mỏi mệt, con người lại loay hoay không biết trút nỗi lòng cùng ai. Vì nhiều lý do, họ không thể tâm sự với người thân, nhất là cha mẹ hay anh chị em trong gia đình. Một cô gái không thể tâm sự, xin ý kiến của mẹ mình rằng vì sao sau khi trao cái ngàn vàng cho cậu bạn trai xong, cậu ta lại lạnh nhạt, không nồng ấm với mình như xưa. Một cậu con trai cũng không thể nói chuyện với ba mình rằng con thấy nhớ anh lớp trưởng, đặc biệt là nụ cười của anh ấy. Cũng có khi, con người không thể tâm sự, chia sẻ với bạn bè thân vì sĩ diện. Chia tay người yêu, người ta vẫn thích ngồi một mình và khóc hơn là bù lu bù loa trước mặt bạn bè, vì không muốn sau này bạn bè nhìn ra được lúc yếu lòng mình đã xấu xí đến thế nào. Chính vì vậy, mỗi khi cần tâm sự, con người ta lại hay đi kiếm một kẻ xa lạ.

    Thời gian còn học bên nước ngoài, trang cá nhân của Mễ cũng khá đông bạn bè. Có nhiều người bạn Mễ chưa từng gặp bên ngoài, nhưng mỗi khi có chuyện, họ lại vào tìm Mễ tâm sự. Chính xác hơn là tìm Mễ nghe họ nói, vì Mễ thường chỉ im lặng. Khi được hỏi vì sao chọn Mễ, một người xa lạ để kể chuyện, họ chỉ trả lời, "Vì cảm thấy an toàn."

    Cũng đúng, với người lạ, người ta cần đề phòng một, thì với người thân, lại cần đề phòng gấp mười. Và vì biết người ta cần một người lạ để tâm sự, Mễ quyết định mở phòng tư vấn tâm lý này, tự biến bản thân thành cái thùng rác cảm xúc của người khác.

    Thường sau mỗi lần tư vấn, Mễ sẽ ghi lại trong hồ sơ bệnh nhân rồi để đó, không nhớ nhiều, nhưng cuộc trò chuyện với Khuê sáng nay tới giờ vẫn còn đọng lại trong tâm trí Mễ. Cũng đúng, cái cảm giác khó chịu nhất chính là phải đi giải quyết rắc rối của người khác, trong khi chính bản thân mình cũng đang trong tình trạng tương tự và loay hoay không biết làm sao để thoát ra.

    Từ ngày bỏ đứa con, từ ngày cơn đau phủ kín mọi giác quan.. Mễ cũng chẳng còn đạt được khoái cảm trong chuyện ân ái cùng đàn ông.
     
    AmiLee thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...