Cảm Nhận Thơ Tiếng Gọi Nơi Hoang Dã - Jack London

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Mạc Vấn, 5 Tháng chín 2018.

  1. Mạc Vấn

    Bài viết:
    157
    [​IMG]

    Nước Mỹ, từ lúc khai nước đến nay, chưa được hai trăm năm mươi năm, nhưng những đóng góp cũng như những ảnh hưởng của họ lên thế giới thì không ai có thể phủ nhận. Xét riêng về khía cạnh văn học, mười một công dân Hoa Kì đã đoạt giải Noben văn chương, trong đó Ernest Hemingway (đạt giải năm 1954) thường được coi là một trong những nhà văn có ảnh hưởng nhất thế kỉ XX. Tuy nhiên, nếu nói về mức độ gần gũi với bạn đọc Việt, thì Jack London có lẽ là người được biết đến nhiều hơn cả. Thường khi nhắc tới ông, mọi người sẽ nghĩ ngay tới Tiếng gọi nơi hoang dã- tác phẩm được nhiều người đọc nhất, và được xem là hay nhất của ông.

    Cuốn tiểu thuyết mở đầu với một bài thơ ngắn, có thể coi đây là lời đề tựa cho tác phẩm của nhà văn. Người viết không biết trong nguyên bản thì bài thơ là như thế nào, nhưng qua sự chuyển ngữ của dịch giả thì thấy bốn câu thơ này rất thích hợp với câu chuyện của chúng ta. Chỉ bốn câu thôi, nhưng có lẽ nó đã điểm qua hầu hết những ý chính trong tác phẩm này – tất nhiên, đó là khi bạn đọc và so sánh, chứ nếu chỉ đọc bốn câu thơ này không, thì làm gì có ai hiểu cái mô tê gì!

    Ôi khát vọng xưa đất trời rộng bước

    Giận thói thường xích chặt tựa lao tù

    Đêm đông lạnh từ giấc nồng mộng ước

    Lại bừng sôi huyết thống của hoang vu

    Lần theo bốn câu thơ, tác phẩm được chia làm bảy chương: Vào cõi nguyên thủy, Luật của dùi cui và răng nanh, Con thú nguyên thủy thống soái, Kẻ đã đạt tới quyền lực, Lao khổ trên vệt đường mòn, Vì tình yêu thương đối với một con người, và Tiếng gọi, lần lượt kể về hành trình của một chú chó, tên là Bấc, từ lúc sống cuộc sống thượng lưu ở nhà thẩm phán Milơ trên vùng Kanta Clara thơ mộng, cho đến những tháng ngày rong ruổi làm chân kéo xe, kinh qua nhiều đời chủ, (mà người cuối cùng là Giôn Thoóc tơn), và kết thúc khi người chủ cuối cùng chết, còn Bấc thì trở về với "tiếng gọi của hoang dã" của mình.

    Câu chuyện, nếu nói đơn giản, thì cũng rất đơn giản, chỉ đơn thuần là câu chuyện về việc phiêu lưu của một chú chó, không hơn không kém. Chính vì vậy dung lượng câu chuyện cũng không dài, và các tình tiết xảy ra cũng với một tiết tấu khá nhanh. Nhưng, câu chuyện, nếu nói phức tạp, thì cũng rất phức tạp. Mà cái phức tạp nhất ở đây, có lẽ chính là "tiếng gọi". Nguyên bản tiếng Anh tên tác phẩm là "The call of the wild". Dịch sang tiếng Việt thành "tiếng gọi nơi hoang dã" nghe vần hơn, hay hơn, nhưng nếu nói một cách chính xác thì phải là "tiếng gọi của hoang dã". Tiếng gọi này len lỏi trong Bấc, qua các cuộc hành trình, ngày một lớn lên, cho đến lúc ở bên Giôn Thoóc Tơn thì tiếng gọi này trở lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cao trào của câu chuyện, theo thiển ý của người viết, không phải là lúc Bấc bị khuất phục bởi "luật của dùi cui và răng nanh", không phải là lúc Bấc hạ Xờ pít để thành kẻ đứng đầu lũ chó, cũng không phải là lúc Bấc cứu Thoóc Tơn giữa dòng nước xoáy, mà là lúc Bấc chạy theo tiếng gọi, chạy theo "người bạn đồng hành", nhưng vẫn còn một cái gì đó lưu luyến với Thoóc Tơn, để níu nó lại với con người. Cái gì đó, có lẽ không gì khác ngoài tình yêu thương. London đã dùng cả một chương số sáu để nói về cái tình yêu thương này. Nhưng chỉ sai thời điểm một chút, tất cả đã muộn, chính khi Bấc, không kiềm chế được bản năng nguyên thủy trong mình, mất nhiều ngày để săn một con nai, thì khi trở về nó phải đối diện với cái chết của Thoóc Tơn. Bi thảm cho Thoóc Tơn, bi thảm cho Bấc, và bi thảm cho cả lũ người Y-hét. Thoóc Tơn không còn, tình yêu thương đã mất, sợi dây ràng buộc cuối cùng của nó với con người đã đứt, Bấc trở lại với bản tính nguyên thủy của mình.

    Câu chuyện là chuỗi dài những sự tranh đấu, thích nghi, bên cạnh cả những sự bất công, xấu xa, đồng thời cũng là bản tình ca về lòng yêu thương, không chỉ con người với con người, mà cả con người với con vật (ở đây là loài chó).. Bản năng nguyên thủy trở lại, khó mà cản được, nhưng có lẽ nếu Thoóc Tơn còn sống, điều đó biết đâu có thể thay đổi. Điều đó có thể thấy qua việc Bấc mỗi năm đều tới bên mộ anh. Tiếc thay, lũ người Y hét giết anh, cũng đã tự đào mộ chôn mình, và làm sống dậy một hung thần nguyên thủy. Tiếc thay!

    Tiếng gọi nơi hoang dã, Jack London chấp bút những năm đầu thế kỉ XX, xuất bản lần đầu năm 1903, đến nay đã hơn một thế kỉ trôi qua. Phải nói rằng, cái kết của câu chuyện làm người viết cứ cảm thấy tiếc nuối mãi, nhưng, có lẽ chính vì lẽ đó, mà trên hết, tác phẩm này, vẫn mãi là một quyển sách rất đáng đọc, không chỉ để giải trí mà còn để suy ngẫm!
     
    Last edited by a moderator: 30 Tháng chín 2018
  2. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Cuốn này thực sự hay lắm luôn mọi người. Chuyện về vật nhưng thật ra lại nói về người. Câu chuyện vào trong Thế giới hoang dã của chú chó Bấc có biết bao nhiêu bài học đáng giá, những triết lý vô cùng sâu xa. Cuốn tiểu thuyết không chỉ dành cho lứa tuổi học sinh mà thực ra là phù hợp với mọi lứa tuổi. Tưởng rằng, một cuốn sách xoay quanh câu chuyện của một chú chó rất đơn giản, hồn nhiên nhưng không, đó là cả một sự khám phá lớn của Jack London. Bấc- một chú chó lai đang hưởng thụ cảnh sung sướng trong ngai vàng của mình tại biệt thự của ngài thẩm phán Miller bỗng nhiên bị hất cẳng ra khỏi xã hội văn minh và bị đá vào vùng đất Bắc cực lạnh lẽo, nơi ấy chỉ có quy luật của dùi cui và răng nanh, một là sống, hai là chết. Mình có rút ra được một thông điệp sau khi đọc xong cuốn sách "Kẻ thích nghi với điều kiện khắc nghiệt nhất là kẻ sống sót cuối cùng". Hãy thử hòa mình vào cuộc hành trình của chú chó Bấc, hãy lắng nghe giai điệu của tiếng gọi man rợn nơi rừng sâu, bạn sẽ hiểu được thế nào là bài ca của loài sói! Cảm ơn tác giả của bài review này!
     
    LieuDuong thích bài này.
  3. Nguyễn Thị Linh

    Bài viết:
    337
    Cảm ơn bạn vì bài review rất hay nhé. Lúc bé mình rất sợ những con sói nhưng mình đã thay đổi thái độ khi đọc xong tác phẩm. Vẫn có những đặc tính như xảo quyệt, tàn nhẫn nhưng cũng phải hiểu sói là động vật ăn thịt, lại sống trong điều kiện khắc nghiệt nên nó phải tìm mọi cách để tồn tại. Tuy nhiên, sói vẫn là loài động vật trung thành, kiên định, bền bỉ rất đáng để chúng ta học tập. "Tiếng gọi nơi hoang dã" là một tác phẩm kinh điển, dù tình tiết ngày càng gay cấn và khắc nghiệt nhưng vẫn có những khoảng êm đềm như để người đọc nghỉ ngơi cùng Bấc. Và như đúng tên gọi của truyện, cuối cùng Bấc quay về thiên nhiên nghe theo "tiếng gọi nơi hoang dã", một cái kết vô cùng ám ảnh, ấn tượng mà để lại nhiều suy nghĩ trong lòng người đọc. Đây là cuốn sách mình từng đọc nhiều lần nhưng lần nào cũng xúc động.
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...