Phong thủy an gia

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Thiện vũ long, 15 Tháng hai 2019.

  1. Thiện vũ long

    Bài viết:
    1
    Tự Thuật​

    Học thuật cổ. Tinh hoa ngàn năm, cổ nhân góp nhặt từ trong đại dương bao la kiến thức gây dựng nên các môn học thuật. Đạo - Dịch - Tượng - Y - Lý - Số.

    Thuật truyền các đời thánh hiền xuất thế giúp nước, kẻ sĩ bang vua hiền gây dựng nghiệp đế vương.

    Cái tài đức đó muôn ngàn năm lưu giữ, Thánh hiền trăm năm xuất thế, nhân tài đời nào cũng có.

    Địa linh nhân kiệt, tử xuất dĩ lai. Nước Việt ta lãnh thổ tuy nhỏ nhưng có thế đất hiểm trở, dễ thủ khó công. Long mạch cuộn dài, nối liền không dứt. Đất lành chim đậu, dân hiền chất phác.

    Vua tôi tài đức vẹn toàn, vi dân lo ấm thực là phúc của muôn dân vậy.

    Các đời Vua Hùng truyền ngôi giữ nước.

    Ngô Quyền đánh quân Nam Hán.

    Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn mười hai sứ quân.

    Lê Đại Hành dẹp nội loạn, chống giặc ngoại xâm.

    Lý Thái Tổ dời đô dựng nghiệp đế.

    Lý Thường Kiệt đánh quân Tống.

    Hưng Đạo Vương giúp nhà Trần chống giặc Mông Nguyên.

    Nguyễn Trãi giúp Vua Lê đánh đuổi giặc Minh.

    Quang Trung Nguyễn Huệ đánh giặc nhà Thanh.

    Đào Duy Từ giúp Chúa Nguyễn.

    Nguyễn Bỉnh Khiêm Tiên Sinh tinh thông Đạo - Dịch - Tượng - Y - Lý - Số, sấm truyền hậu thế.

    Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh - Hoàng Hoa Thám vi nước, vi dân.

    Chủ Tịch Hồ Chí Minh nghiên cẩn bí thuật mà tìm đường cứu nước, lưu danh muôn thuở, phúc ấm muôn dân, thái bình thịnh trị, xứng là bậc Thánh Nhân vậy.

    Bắc triều các đời có Thái công Khương Tử Nha giúp nhà Chu nghiệp đế.

    Quỷ Cốc Tử Tiên Sinh truyền thuật kinh bang.

    Tôn Vũ, Tôn Tử lưu danh binh pháp.

    Tôn Tẫn - Bàng Quyên, Ngô Khởi.

    Ngũ Tử Tư trợ giúp Ngô Vương,

    Phạm Lãi trợ giúp Việt Vương.

    Phạm Tăng phò tá Sở Vương Hạng Vũ.

    Trương Lương, Tiêu Hà, Trần Bình, Hàn Tín trợ giúp Hán Cao Tổ Lưu Bang.

    Thời tam quốc Khổng Minh Gia Cát Tiên Sinh phò trợ Lưu Bị dựng Thục Hán, phân tam thiên hạ.

    Lưu Bá Ôn giúp Chu Nguyên Chương dựng nhà Minh.

    Lão Tử truyền Đạo Gia.

    Khổng Tử truyền Nho Gia.

    Mạnh Tử truyền Pháp Gia.

    Học thuật cổ là tinh hoa của đất trời, người hữu duyên chuyên cần nghiền ngẫm, thông tỏ thiên văn, thấu tường địa lý, nắm rõ lòng người. Hòa cùng thiên địa, ngột rửa hồng trần.

    Đọc Kinh Dịch - Đạo Dịch: Để thấu tỏ âm dương, ngũ hành vạn vật quy luật tự nhiên, thấu hiểu đạo của trời, đức của đất, lý của người, tượng của hình, nghĩa của số, ý của mệnh. Thiên khí bao la, nhật nguyệt xoay vần, tinh tú dịch chuyển, gió mây vần vũ, bốn mùa luân giao. Địa vận xoay chuyển, bốn phương tám hướng, long mạch kết hình, sông núi giao hòa, vạn vật sinh huy. Nhân mệnh tương giao, âm dương tinh kết, sinh lão bệnh tử, sang hèn thọ yểu.

    Xem Thái Ất - Kỳ Môn: Để biết thiên tượng khí số, địa vận phong thủy, tìm minh chúa, mệnh thiên tử, biết thánh nhân, thấu nhân tài, bày binh bố trận, hiến mưu thuyết kế. Kinh bang tế thế.

    Ngẫm Sử Ký, Tứ Thư, Ngũ Kinh: Để hiểu thế thời thịnh suy, mở mang hiểu biết, thấu rõ nhân tình, dưỡng đức nuôi mình, lễ nghi văn hóa.

    Quan Binh Pháp - Phong Thủy: Để biết xem thế đất mà bày binh, trại, xem thế đất địa hình mà đặt quân phục kích, xem sông núi, địa hình mà liệu thế địch ta, xem thế đất mà biết sự hưng suy của địa vận. Thiên văn bí thuật, Địa lý bí thuật (phong thủy), Nhân mệnh bí thuật (tướng thuật, bát tự (tử vi - tử bình), tính danh thuật (phép đặt tên), toán độn (bấm quẻ, gieo quẻ, độn quẻ (toán lành dữ, sự vật, sự việc trước sau).

    Đạo - Dịch - Tượng - Y - Lý - Số: Đọc quan suy ngẫm, tu thân tề gia trị quốc, tu đạo, dưỡng đức, giúp người, giúp mình.

    Đạo học tinh hoa muôn ngàn lối, tinh thông Y - Lý - Số: Có thể dưỡng mình, chọn lành tránh dữ, hành y tế thế.

    Tinh thông Sử học - Tứ thư - Ngũ kinh: Có thể ra đời trị khu, làm quan một phương, giúp dân lo đủ.

    Tinh thông Sử học - Binh thư: Có thể ra đời làm tướng, điều quân bày trận, ra kế luận mưu.

    Trên thông thiên văn - Dưới tường địa lý - thấu rõ nhân hòa: Có thể an bang trị quốc bình thiên hạ.

    Gom góp hạt ngọc châu trong đại dương mênh mông kiến thức của cổ nhân, hướng dẫn cho những ai yêu thích đam mê tìm hiểu môn học thuật cổ. Mỗi môn mỗi phái đều có ưu điểm và nhược điểm, nhưng đều có điểm chung đó là hướng con người tới những điều tốt lành, an đức vi dân, hành thiện công đức. Long mỗ mạo muội soạn ra sách này, trích dẫn lời cổ nhân, gom góp châu ngọc tinh hoa của bậc thánh hiền, răn mình, khuyến khích người bỏ xấu, theo tốt. Vi điều thiện, tránh điều ác, tìm ra chân lý con đường vận mệnh. Sinh thời đọc sách xưa thấm thía thế thời, nghiệm lẽ đúng sai, thán phục ý chí cổ nhân, tài đức vẹn toàn, nhìn xa trông rộng, sấm truyền hậu thế.

    Thiện vũ long kính bút!

    Phúc Lương, Tháng 4/ Nhâm Thân

    Thiện Vũ Long

    Tự Vô Ngôn​

    Phần I - Dịch Lý Cơ Bản

    1 – THUYẾT ÂM DƯƠNG

    [​IMG]

    Vô cực sinh Lưỡng nghi (âm và dương), Lưỡng nghi sinh Tứ tượng (Thái dương, Thiếu âm, Thiếu dương, Thái âm), Tứ tượng sinh Bát Quái (Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài), Bát quái sinh vạn vật.

    Vô cực (chỉ sự hỗn độn của vũ trụ) trải qua quá trình phân hợp, tác động qua lại, sinh ra thái cực gồm âm và dương (nhị khí). Nhị khí âm dương hình thành ở sự đối lập, ước chế lẫn nhau. Thái dương (khí dương) xuất hiện ban ngày, mang lại ánh sáng cho muôn vật, vào mùa xuân (thiếu dương), khí trời trong mát, mưa gió hòa thuận là bởi vì khí âm ở cực thịnh nên suy, khí dương nhân đó mà sinh ra, khiến cho gió trời trong mát, mưa phùn âm u, khí dương mạnh dần, cực thịnh ở mùa hạ (Thái dương), nên khí trời nóng gắt, nắng nhiều mưa ít là bởi vì dương thịnh âm suy, khí dương yếu dần vào mùa thu (thiếu âm), nên khí trời mùa thu lúc nắng gắt, lúc âm u, bão thường hay xuất hiện, đó là bởi vì dương thịnh sinh âm, âm dương tranh đấu mà gây nên vậy và khí dương suy nhược ở mùa đông (thái âm), nên lúc này khí trời lạnh giá, nhiều mây ít nắng, ngày lạnh, đêm giá. Thái âm (khí âm) xuất hiện vào ban đêm, khí trời mát và lạnh. Khí âm sinh ở mùa thu, cực thịnh ở mùa đông, yếu ở mùa xuân, nhược ở mùa hạ.

    [​IMG]

    Lại nói: "Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật" Đạo gồm tam tài, tứ đức, đạo là nguyên lý của tự nhiên, thế giới quan nhân sinh.

    Nhất là: Một thể duy nhất của đạo, là thiên nguyên thái cực.

    Nhị là: Một âm, một dương.

    Tam là: Âm dương giao hòa theo nguyên lý của tự nhiên, nhờ sự giao hòa đó mà vạn vật được sinh ra.


    Âm dương thịnh suy thể hiện qua 12 thần

    [​IMG]

    - Thiếu dương sinh ở giờ dần thịnh ở giờ mão suy ở giờ thìn.

    - Thái dương hiện ở giờ tỵ thịnh ở giờ ngọ suy ở giờ mùi.

    - Thiếu âm sinh ở giờ thân thịnh ở giờ dậu suy ở giờ tuất.

    - Thái âm hiện ở giờ hợi thịnh ở giờ tý suy ở giờ sửu.


    Âm dương thịnh suy thể hiện qua bốn mùa

    Thiếu dương (mùa xuân) - thái dương (mùa hạ) - thiếu âm (mùa thu) - thái âm (mùa đông). Mùa xuân: Thiếu dương sinh ở giêng, thịnh ở tháng 2, suy ở tháng 3.

    Mùa hạ: Thái dương hiện ở tháng 4, thịnh ở tháng 5, suy ở tháng 6.

    Mùa thu: Thiếu âm sinh ở tháng 7, thịnh ở tháng 8, suy ở tháng 9.

    Mùa đông: Thái âm hiện ở tháng 10, thịnh ở tháng 11, suy ở tháng 12.


    [​IMG]

    Âm dương luận lý (Quy luật âm dương)

    A - Đối lập lẫn nhau: Mâu thuẫn và chế ước lẫn nhau ví như:

    Âm - Dương

    Mặt trăng - Mặt trời (Sáng - Tối, Ban ngày - Ban đêm)

    Mùa đông - Mùa hạ

    Nữ - Nam

    Thấp - Cao

    Nước - Lửa

    [​IMG]

    B - Âm dương tương hỗ:

    Tức là sự nương tựa lẫn nhau, tuy hai mặt âm dương đối lập lẫn nhau nhưng phải nương tựa vào nhau mới tồn tại được, mới có ý nghĩa, hai mặt đó không thể thừa cũng không thể thiếu, bất cập hay thái quá đều không được.

    Là sự thể hiện đối lập nhưng lợi dụng lẫn nhau: Giúp nhau tranh đấu, giúp nhau phát triển, giúp nhau tiêu trừ.

    Đông y cho rằng: "Âm sinh ở dương, dương sinh ở âm.

    Điều đó nói sự thống nhất giữa hai mặt đối lập của âm dương để mà tồn tại:

    Không có âm thì không có dương và ngược lại.

    Lại nói:" Sự sống ở gốc, gốc ở âm dương "," âm dương tách rời, tinh khí mất hết ", có nghĩa là từ lúc mạng sống bắt đầu tới lúc kết thúc là một quan hệ âm dương tương hỗ trong quá trình tồn tại. Nếu như âm dương mất đi mối quan hệ, mạng sống sẽ ngừng quay. Quan điểm này được gọi là âm dương tương hỗ".

    C - Âm dương tiêu trưởng:

    Là sự biểu thị quá trình: Sinh trưởng, phát triển, cực thịnh, bình, suy hóa, tiêu vong của sự vật, không thể đơn độc tách rời ra vậy.

    Nó còn phản ánh sự biến hóa không ngừng khi âm thịnh sinh dương, dương thịnh sinh âm, bốn mùa tuần hoàn "xuân sinh, hạ trưởng, thu thu, đông tàng", hay sinh lão bệnh tử quy luật tự nhiên.

    Nhiệt cực sinh hàn, hàn cực sinh nhiệt.

    D - Âm dương đồng hành:

    Hai mặt âm dương tuy đối lập, vận động không ngừng, nhưng luôn luôn lập lại được thế cân bằng, thế quân bình giữa hai mặt.

    Sự mất thăng bằng giữa hai mặt âm dương biểu hiện cho sự phát sinh bất cập hay thái quá, tích cực hay tiêu cực, thịnh hay suy.

    Do vậy âm dương bình hành còn được hiểu là "Âm ở trong dương và dương ở trong âm".

    Âm dương đối ứng thập thiên can - Thập nhị địa chi

    • Thập thiên can :(10 can)

    Dương
    Giáp Bính Mậu Canh Nhâm

    Âm Ất Đinh Kỷ Tân Quý

    • Thập nhị địa chi :(12 chi)

    Dương
    Tý Dần Thìn Ngọ Thân Tuất

    Âm Sửu Mão Tỵ Mùi Dậu Hợi

    • Bát quái phân âm dương

    Dương Càn Ly Cấn Tốn

    Âm Khôn Khảm Đoài Chấn

    II - Ngũ hành luận

    [​IMG]

    [​IMG]

    Ngũ hành tương đồng

    Thủy gặp thủy Mộc gặp mộc Hỏa gặp hỏa Thổ gặp thổ Kim gặp kim

    Ngũ hành chế hóa

    1 Ngũ hành Thái quá

    A. Mộc (Dương mộc) – Khuếch tán khí ôn hòa quá sớm làm cho vạn vận sớm phát dục.

    B. Hỏa (Dương hỏa) – Khuếch tán khí cường liệt, làm cho vạn vật đốt cháy chẳng yên.

    C. Thổ (Dương thổ) – Có khí nồng hậu rắn chắc trở lại làm cho vạn vật không thể thành hình.

    D. Kim (Dương kim) – Có khí cứng cỏi làm cho vạn vật ngay thẳng.

    E. Thủy (Dương thủy) – Có khí đầy tràn, làm cho vạn vật phiêu lưu không thể về chỗ cũ.

    2 Ngũ hành Bất cập

    A. Mộc (Âm mộc) – Không có khí ôn hòa, làm cho vạn vật rũ rượi không phấn chấn.

    B. Hỏa (Âm hỏa) – Ít khí ấm áp làm cho vạn vật ảm đạm không sáng.

    C. Thổ (Âm thổ) – Không có khí sinh hóa, làm cho vạn vật yếu đuối không có sức.

    D. Kim (Âm kim) – Không có khí cứng cỏi, làm cho vật mềm giãn không có sức đàn hồi.

    E. Thủy (Âm thủy) – Không có khí phong tàng làm cho vạn vật khô héo.

    3 Ngũ hành Bình khí

    A. Mộc – Nó phân bố ra khí ôn hòa, làm cho vạn vật tươi tốt.

    B. Hỏa – Sáng chói mà có cái khí thịnh trưởng, làm cho vạn vật dồi dào.

    C. Thổ – Đầy đủ khí sinh hóa vạn vật, làm cho vạn vật được đầy đủ hình thể.

    D. Kim – Phát ra khí yên tĩnh hòa bình, làm cho vạn vật kết quả.

    E. Thủy – Có khí tĩnh mịch hòa thuận, làm cho vạn vật bế tàng.

    4 Sinh khắc thái quá - bất cập

    Sinh:


    A. Thổ sinh kim, thổ nhiều thì kim bị vùi – kim nhiều thì thổ yếu.

    B. Hỏa sinh thổ, hỏa nhiều thì thổ tiêu rụi – thổ nhiều thì hỏa tối.

    C. Mộc sinh hỏa, mộc nhiều thì hỏa không cháy – hỏa nhiều thì mộc cháy.

    D. Thủy sinh mộc, thủy nhiều thì mộc trôi – mộc nhiều thì thủy cạn.

    E. Kim sinh thủy, kim nhiều thì thủy tràn – thủy nhiều kim chìm.

    Khắc:

    A. Kim khắc mộc, mộc nhiều kim cùn – kim nhiều mộc gãy.

    B. Mộc khắc thổ, thổ nhiều mộc gãy – mộc nhiều thổ nghiêng đổ.

    C. Thổ khắc thủy, thủy nhiều thổ trôi – thổ nhiều thì thủy ứ.

    D. Thủy khắc hỏa, hỏa nhiều thủy cháy – thủy nhiều hỏa diệt.

    E. Hỏa khắc kim, kim nhiều hỏa ngưng – hỏa nhiều kim tiêu.

    III - Âm Dương Ngũ hành của Can Chi và phương vị

    1/ Âm dương ngũ hành phối ngẫu thiên can

    [​IMG]

    Bốn mùa

    - Mùa xuân sinh khí bắt đầu động lên, cây cỏ đâm chồi nẩy lộc, đông phương, can thuộc giáp dương mộc, ất âm mộc, màu xanh.

    - Mùa hạ sinh khí tiếp thu hỏa khí vạn vật sinh trưởng biến hóa nhờ hỏa, nam phương, can thuộc bính dương hỏa, đinh âm hỏa, màu đỏ.

    - Mùa thu vạn vật đổi thay hình dạng, vẻ buồn bã âm thầm lặng lẽ, tây phương, can thuộc canh dương kim, tân âm kim, màu trắng.

    - Mùa đông vạn vật ẩn náu, có vẻ như khiêm nhường như nước chảy nhũn nhặn, như là mai phục, thực là đứng đầu ngũ hành, bắc phương, can thuộc nhâm dương thủy, quý âm thủy, màu đen. - Thổ trung ương, nơi xuất tinh khí ra để nuôi dưỡng vạn vật và thu khí về làm cho vạn vật vẻ như bị tiêu diệt. Ngôi vị ở giữa ý như thông suốt mọi việc, can thuộc mậu dương thổ, kỷ âm thổ, màu vàng.

    2/ Âm dương ngũ hành phối ngẫu địa chi

    - Đông phương: Dần thuộc dương mộc, mão thuộc âm mộc

    - Phương đông nam: Thìn thuộc dương thổ

    - Nam phương: Tỵ thuộc âm hỏa, ngọ thuộc dương hỏa

    - Phương tây nam: Mùi thuộc âm thổ

    - Tây phương: Thân thuộc dương kim, dậu thuộc âm kim

    - Phương tây bắc: Tuất thuộc dương thổ

    - Bắc phương: Hợi thuộc âm thủy, tý thuộc dương thủy

    - Phương đông bắc: Sửu thuộc âm thổ

    [​IMG]

    3/ Ngũ hành thiên can hợp hóa phối ngẫu hà đồ

    [​IMG]

    4/ Ngũ hành địa chi lục hợp

    Theo Hiệp Kỷ Biện Phương Thư nói: Ngũ tinh gia lại lấy Dần hợp Hợi thuộc Mộc, Mão hợp Tuất thuộc Hỏa, Thìn hợp Dậu thuộc Kim, Tí hợp Sửu vì ở dưới nên thuộc Thổ, Ngọ hợp Mùi lại ở bên trên nên Ngọ là Thái Dương còn Mùi thuộc Thái Âm.

    [​IMG]

    5/ Ngũ hành tam hợp

    [​IMG]

    Thân Tí Thìn hợp Thủy cục, Hợi Mão Mùi hợp Mộc cục, Dần Ngọ Tuất hợp Hỏa cục, Tỵ Dậu Sửu hợp Kim cục.

    Mối quan hệ sinh khắc trong tam hợp

    Thân - Tý - Thìn: Thân (kim) / Tý (thủy) / Thìn (thổ).

    => Thìn (thổ) sinh Thân (kim)

    => Thân (kim) sinh Tý (thủy)

    => Thìn (thổ) khắc Tý (thủy)

    Hợi - Mão - Mùi: Hợi (thủy) / Mão (mộc) / Mùi (thổ).

    => Hợi (thủy) sinh Mão (mộc)

    => Mão (mộc) khắc Mùi (thổ)

    => Mùi (thổ) khắc Hợi (thủy)

    Dần - Ngọ - Tuất: Dần (mộc) / Ngọ (hỏa) / Tuất (thổ).

    => Dần (mộc) sinh Ngọ (hỏa)

    => Ngọ (hỏa) sinh Tuất (thổ)

    =>Dần (mộc) khắc Tuất (thổ)

    Tỵ - Dậu - Sửu: Tỵ (hỏa) / Dậu (kim) / Sửu (thổ).

    => Tỵ (hỏa) sinh Sửu (thổ)

    => Sửu (thổ) sinh Dậu (kim)

    =>Tỵ (hỏa) khắc Dậu (kim)

    6/ Lục hại Lục hại sinh ra từ Lục hợp nghĩa là không hòa thuận.

    Tý hợp với Sửu mà Mùi lại xung Sửu, nên Tý Mùi hại nhau.

    Sửu hợp với Tí mà Ngọ lại xung Tí, nên Sửu Ngọ hại nhau.

    Dần hợp với Hợi mà Tỵ lại xung Hợi, nên Dần Tỵ hại nhau.

    Mão hợp Tuất mà Thìn lại xung Tuất, nên Mão Thìn hại nhau.

    Thìn hợp với Dậu mà Mão lại xung Dậu, nên Mão Thìn hại nhau

    Tỵ hợp với Thân mà Dần lại xung Thân, nên Tỵ Dần hại nhau.

    Ngọ hợp với Mùi mà Sửu lại xung Mùi, nên Ngọ Sửu hại nhau.

    Mùi hợp với Ngọ mà Tí lại xung Ngọ, nên Mùi Tí hại nhau.

    Thân hợp với Tỵ mà Hợi lại xung Tỵ, nên Thân Hợi hại nhau.

    Dậu hợp với Thìn mà Tuất lại xung Thìn, nên Dậu Tuất hại nhau.

    Tuất hợp với Mão mà Dậu lại xung Mão, nên Tuất Dậu hại nhau.

    Hợi hợp với Dần mà Thân lại xung Dần, nên Thân Dần hại nhau.

    7/ Tứ hành xung khắc

    Tý - Ngọ, Mão - Dậu Dần - Thân, Tỵ - Hợi Thìn ất, Sửu - Mùi.

    Chú giải tứ hành xung khắc

    Nhiều tài liệu không giải thích rõ sự sinh, khắc của thiên can, địa chi nên nhiều bạn đọc giả sai lầm khi cho rằng tứ hành xung bao gồm cả:

    - (Tý - Ngọ - Mão - Dậu), - (Dần - Thân - Tỵ - Hợi), - (Thìn - Tuất - Sửu - Mùi).

    Làm cho kiến giải trong quá trình xem mệnh đúng sai lẫn lộn.

    Chúng ta có thể nhận thấy

    Tý - Ngọ - Mão Dậu :(Mối quan hệ sinh khắc)

    Trục bắc nam thể hiện địa chi Tý thuộc dương thủy phương bắc đối lập với nó là địa chi Ngọ thuộc dương hỏa. (Cho nên nó thuộc tính ngũ hành xung khắc lẫn nhau, phương vị cũng đối lập nhau).

    Tương tự địa chi Mão thuộc âm mộc phương đông đối lập xung khắc với địa chi Dậu thuộc âm kim phương tây. Nhưng xét lẫn nhau thì: Dậu kim sinh Tý thủy Tý thủy sinh Mão mộc Mão mộc sinh Ngọ hỏa

    => Vậy cho nên tứ hành xung là chỉ hai cặp xung đột lẫn nhau chứ không phải là bốn địa chi xung đột lẫn nhau. Nên ngẫm kỹ sự sinh khắc này để tránh nhầm lẫn.

    Dần - Thân - Tỵ - Hợi :(Mối quan hệ sinh khắc)

    Dần dương mộc đối lập xung khắc với Thân dương kim

    Tỵ âm hỏa đối lập xung khắc với Hợi âm thủy

    Dần - Tỵ tuy thuộc lục hai nhưng xét ngũ hành lại là tương sinh vì: Dần dương mộc sinh Tỵ âm hỏa.

    Dần - Hợi hợp hóa mộc, xét ngũ hành: Hợi âm thủy sinh Dần dương mộc.

    Thân - Tỵ hợp hóa thủy, xét ngũ hành: Tỵ âm hỏa khắc Thân dương kim

    Thân dương kim sinh Hợi âm thủy.

    => Bởi vì âm dương ngũ hành tương sinh lại càng thêm tốt vì trong đó có cả âm và dương tương hỗ.

    => âm dương ngũ hành tương khắc: Thì sự khắc là tuy khắc nhưng kiềm chế lẫn nhau, chứ không phải phá hoại lẫn nhau, có sự tương trợ lẫn nhau trong đó.

    Dương - Dương, Âm - Âm sinh khắc: Thái quá, bất cập đều không tốt cả vậy.

    Thìn - Tuất - Sửu - Mùi: Thìn - Tuất: Bởi vì đều là dương thổ nên chúng xung khắc lẫn nhau.

    Sửu - Mùi: Đều là âm thủy nên chúng bài xích lẫn nhau.

    => Do vậy một âm một dương thì sẽ không bài xích lẫn nhau, dù có xung khắc thì đó cũng là kiềm chế lẫn nhau, nhưng lại ngầm tương trợ.

    IV - BỐN MÙA NGŨ HÀNH VƯỢNG TƯỚNG

    Mùa Xuân: Mộc vượng; Hỏa tướng; Thủy hưu; Kim tù; Thổ tử.

    Mùa Hạ: Hỏa vượng; Thổ tướng; Mộc hưu, Thủy tù; Kim tử.

    Mùa Thu: Kim vượng; Thủy tướng; Thổ hưu; Hỏa tù; Mộc tử.

    Mùa Đông: Thủy vượng; Mộc tướng; Kim hưu, Thổ tù; Hỏa tử.

    Tứ quý: Thổ vượng; Kim tướng; Hỏa hưu; Mộc tù; Thủy tử.

    Luật tương sinh: Tương sinh có nghĩa là giúp đỡ nhau để phát triển, đem ngũ hành liên hệ với nhau thì thấy 5 hành có quan hệ xúc tiến lẫn nhau, nương tựa lẫn nhau. Trong luật tương sinh của ngũ hành còn bao hàm ý nữa là hành nào cũng có quan hệ trên hai phương diện: Cái sinh ra nó và cái nó sinh ra, ứng dụng vào y học còn gọi là mẫu và tử.

    Luật tương khắc: Tương khắc có nghĩa là áp chế lẫn nhau, sự tương khắc có tác dụng duy trì sự cân bằng, nhưng nếu tương khắc thái quá thì làm cho sự biến hóa trở thành bất thường.

    Trong tương khắc, mỗi hành cũng lại có hai mối quan hệ: Cái khắc nó và cái nó khắc.

    Từ quy luật tương khắc, bàn rộng thêm ta có tương thừa (nghĩa là khắc quá đỗi) và tương vũ (nghĩa là khắc không nổi mà bị phản phục lại).

    Trong mối quan hệ Sinh thì Mộc sinh Hỏa; Hỏa sinh Thổ; Thổ sinh Kim, Kim sinh Thủy, Thủy sinh Mộc. Trong mối quan hệ Khắc thì Mộc khắc Thổ, Thổ khắc Thủy, Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc.

    KIM sinh từ THỔ, THỔ nhiều KIM lấp – cần MỘC khắc bớt THỔ, khiến KIM dễ hiển hiện.

    THỔ sinh từ HỎA, HỎA nhiều THỔ cháy – cần THỦY chế ngự bớt HỎA, khiến THỔ được tư nhuận.

    HỎA sinh từ MỘC, MỘC nhiều HỎA lụi – cần KIM khắc bớt MỘC, khiến HỎA được cháy sáng.

    MỘC sinh từ THỦY, THỦY nhiều MỘC trôi – cần THỔ chế ngự THỦY, khiến MỘC được sinh trưởng.

    THỦY sinh từ KIM, KIM nhiều THỦY đục – cần HỎA khắc chế KIM, khiến THỦY được trong sạch.

    KIM sinh ra THỦY, THỦY nhiều KIM chìm

    THỦY sinh ra MỘC, MỘC thịnh THỦY suy

    MỘC sinh ra HỎA, HỎA nhiều MỘC cháy

    HỎA sinh ra THỔ, THỔ nhiều HỎA lụi

    THỔ sinh ra KIM, KIM nhiều THỔ rỗng.

    KIM khắc được MỘC, MỘC cứng KIM mòn – dùng KIM đốn MỘC

    MỘC khắc được THỔ, THỔ dày MỘC gãy – dùng MỘC tiêu bớt THỔ

    THỔ khắc được THỦY, THỦY nhiều THỔ lở – dùng THỔ ngăn chặn THỦY

    THỦY khắc được HỎA, HỎA mạnh THỦY bay – dùng THỦY dập bớt HỎA

    HỎA khắc được KIM, KIM nhiều HỎA tắt – dùng HỎA nung chảy KIM.

    KIM suy gặp HỎA, sẽ bị nung chảy – dùng THỔ tiết khí của HỎA, tương sinh cho KIM

    HỎA suy gặp THỦY, sẽ bị dập tắt – dùng MỘC tiết khí của THỦY, tương sinh cho HỎA

    THỦY suy gặp THỔ, sẽ bị ứ trệ – dùng KIM tiết khí của THỔ, tương sinh cho THỦY

    THỔ suy gặp MỘC, sẽ bị sạt lở – dùng HỎA tiết khí của MỘC, tương sinh cho THỔ

    MỘC suy gặp KIM, sẽ bị đốn chặt – dùng THỦY tiết khí của KIM, tương sinh cho MỘC.

    KIM mạnh gặp THỦY, sẽ bị cùn mòn

    THỦY mạnh gặp MỘC, sẽ bị hao tổn

    MỘC mạnh gặp HỎA, sẽ bớt độ cứng

    HỎA mạnh gặp THỔ, sẽ bớt độ mạnh

    THỔ mạnh gặp KIM, sẽ bị ức chế.

    KIM vượng gặp HỎA, sẽ thành đồ dùng

    HỎA vượng gặp THỦY, sẽ được ứng cứu

    THỦY vượng gặp THỔ, sẽ thành ao hồ

    THỔ vượng gặp MỘC, mới được tơi xốp

    MỘC vượng gặp KIM, mới thành rường cột.

    Hiện tượng tương sinh, tương khắc không tồn tại độc lập với nhau.

    Trong tương khắc luôn có mầm mống của tương sinh, trong tương sinh luôn có mầm mống của tương khắc. Do đó vạn vật luôn luôn tồn tại và phát triển.

    Dịch Lý: "Trích dẫn cổ nhân"

    Dịch là sự biến đổi, tức là tùy thời mà biến đổi để theo Đạo. Nó bao trùm tất cả vạn vật, rộng lớn, đầy đủ, hầu để thuận theo lẽ tính mệnh. Thông đạt cõi u minh, thấu hiểu tình trạng muôn vật mà bảo cho mở mang các vật. Thánh nhân lo cho đời sau như thế, có thể gọi là tột cùng vậy. Nay cách đời cổ chưa xa, sách xót hãy còn, nhưng thế nhân bỏ ý để truyền lời, kẻ hậu học thì đọc lời mà quên ý. Dịch đã thất truyền từ lâu. Dịch có bốn điều thuộc về Đạo của thánh nhân: Để nói thì chuộng lời, để hành động thì chuộng sự biến thông, để quan sát thì chuộng hình tượng, để chiêm đoán thì chuộng lý mệnh. Cái lẽ lành dữ, cái Đạo tiến lui, được mất, có đủ ở lời, suy ở ý, lý ở mệnh. Suy lời xét quẻ, hình của tượng, ý của lời, số của mệnh. Có thể biết sự biến đổi thì sự chiêm đoán tự nhiên vẹn toàn ở trong đó vậy. Quân tử khi yên thì coi hình, tượng và ngẫm lời lẽ của nó, khi hành động thì coi sự biến đổi mà suy đoán ý của nó. Hiểu lời mà thông đạt ý của nó, thì vẹn toàn, hanh thông. Rất huyền vi là lý, rất tỏ rõ là tượng, tĩnh thì bất biến, động thì biến thông, sự của nó trong tĩnh có động, trong động có tĩnh, xem sự hanh thông mà thi hành điển lễ của nó, thì lời không có gì không đủ. Cho nên kẻ khéo học Dịch, tìm kiếm về lời, phải tự chỗ gần trước đã, nếu mà khinh rẻ chỗ gần thì không phải kẻ biết nói Kinh Dịch, còn sự do lời mà biết ý thì cốt ở người vậy.

    Hà đồ - Lạc thư

    Sông Hà hiện đồ, sông Lạc hiện thư, thánh nhân bắt chước các thứ đó, lại nói: "Trời một đất hai, trời ba đất bốn, trời lăm đất sáu, trời bảy đất tám, trời chín đất mười. Số của trời là lăm, số của đất là lăm". Ngôi< lăm> tương đắc với nhau mà số nào số ấy lại có sự hội họp với nhau cả, thì số của trời là hai mươi lăm, số của đất là ba mươi. Cộng cả số của trời đất là lăm mươi lăm. Đó là cái để làm thành sự, biến hóa mà thông hành => Ấy là số của Hà đồ. Lạc thư thì theo ở hình tượng của con Rùa, nên có số của nó: Đội bằng chín, dẫm lên một, phía tả ba, phía hữu bảy, hai và bốn làm vai, sáu và tám làm chân. Lại nói: Nét của Hà đồ: Bảy trước sáu sau, tám ở tả, chín ở hữu. Nét của Lạc thư: Chín trước, một sau, ba ở tả, bảy ở hữu, bốn ở phía tả đằng trước, hai ở phía hữu đằng trước, tám ở phía tả đằng sau, sáu ở phía hữu đằng sau. Bởi vì tròn là số của của Hà đồ, vuông là số của Lạc thư. Trong khoảng trời đất, chỉ có một vật là khí chia ra làm hai, một Âm, một Dương; năm hành gây dựng, muôn vật trước sau, đều bị cai quản ở đó. Cho nên ngôi của Hà đồ: Một và sáu cùng tông, mà ở về phương Bắc. Hai và bảy làm bạn mà ở về phương Nam, ba và tám đồng đạo mà về phương Đông. Bốn với chín thành lứa mà về phương Tây, năm và mười giữ đạo lẫn nhau mà ở chính giữa.

    Nghĩa của nó chẳng qua là một chẵn một lẽ, một Âm, một Dương để làm gấp đôi năm hành mà thôi. Gọi là trời, tức dương nhẹ trong, ngôi ở bên trên; gọi là đất tức khí âm nặng đục, ngôi ở bên dưới. Số Dương lẻ, cho nên một, ba, năm, bảy, chín đều thuộc về trời: Đó là số của trời có lăm. Số Âm chẵn, cho nên hai, bốn, sáu, tám, mười đều thuộc về đất, đó là số của đất có lăm. Số của trời và đất, đàng nào theo đàng ấy, mà tìm lẫn nhau. Ngôi "Năm" tương đắc với nhau là thế. Trời lấy số một mà sinh hành Thủy, đất lấy số sáu mà làm cho thành; đất lấy số hai mà sinh hành Hỏa, trời lấy số bảy mà làm cho thành; trời lấy số ba mà sinh hành Mộc, đất lấy số tám mà làm cho thành; đất lấy số bốn mà sinh hành Kim, trời lấy số chín mà làm cho thành; trời lấy số năm mà sinh hành Thổ, đất lấy số mười mà làm cho thành. Đó là các số đều có sự hợp thành nhau. Tại sao ngôi và số của Hà đồ, Lạc thư không giống nhau? Đáp rằng: Hà đồ dùng lăm số sinh, tóm lăm số thành, cùng ở một phương, ấy là nêu cái hình, tượng để nói về lời dẫn ý tượng số vậy. Lạc thư dùng lăm số lẻ tóm bốn số chẵn, mà số nào số ấy ở riêng chỗ nhau, đó là chủ về Dương để tóm Âm, mà gây cái dụng của sự biến. Lại hỏi: Tại sao Hà đồ, Lạc thư đều cho số lăm ở giữa? Đáp rằng: Các số lúc đầu, chỉ là một Âm, một Dương mà thôi, tượng của Dương tròn, tròn thì đường kính một phần, chu vi ba phần; tượng của Âm vuông, vuông thì đường kính một phần, chu vi bốn phần. Chu vi ba phần thì lấy một làm "một", cho nên nhân với một Dương mà thành ra ba. Chu vi bốn phần thì lấy số hai làm "một", cho nên nhân với một Âm mà thành ra hai. Đó là nhân ba với trời, nhân hai với đất vậy. Hai và ba hợp lại, thì thành ra lăm, vì vậy Hà đồ, Lạc thư đều lấy số lăm làm giữa. Nhưng mà Hà đồ thì lấy số sinh làm chủ, cho nên ở giữa phải lăm, cho đủ tượng của lăm số sinh; một chấm ở dưới là tượng số một của trời, một chấm ở trên là tượng số hai của đất, một chấm phía tả là tượng số ba của trời, một chấm phía hữu là tượng số bốn của đất, một chấm chính giữa là tượng số lăm của trời. Lạc thư thì lấy số lẻ làm chủ, cho nên ở giữa phải lăm, cho đủ tượng của lăm số lẻ: Một chấm ở dưới cũng là tượng số một của trời, một chấm phía tả cũng là tượng số ba của trời, một chấm chính giữa cũng là tượng số lăm của trời, một chấm phía hữu cũng là tượng số bảy của trời, một chấm phía trên là tượng số chín của trời. Số và ngôi của hai thứ đó ba chỗ giống nhau, hai chỗ khác nhau, là vì Dương không thể đổi, mà Âm thì có thể đổi, số "thành" tuy thuộc về Dương, nhưng cũng là Âm của số "sinh" vậy. Lại hỏi: "Lăm" ở chính giữa, đành là tượng của lăm số, thế thì cái số của nó ra sao? Đáp rằng: Nói về số, thì suốt trong một "đồ" đều có những số tích thực có thể ghi chép, nhưng một, hai, ba, bốn của Hà đồ đều ở bên ngoài bốn phương, chốn của lăm tượng, và sáu, bảy, tám, chín thì lại nhân có số lăm mà được cái số của nó để phủ phía ngoài phương chốn của lăm tượng, mà hai, bốn, sáu, tám, lại số nào nhân loại số ấy để phụ vào cạnh số lẻ. Bởi vì ở trong là chủ, ở ngoài là khách, ở giữa là vua, mà ở bên cạnh là tôi, đều có nghành ngọn, không thể trái lầm. Lại hỏi: Bên nhiều, bên ít là cớ làm sao? Đáp rằng: Hà đồ chủ về hoàn toàn, nên nó cùng cực đến số mười, mà ngôi lẻ, ngôi chẵn của nó đều xét về sự tích thực, thì sau mới thấy chẵn thừa lẻ thiếu. Lạc thư chủ về biến đổi, nên nó cùng cực đến số chín mà ngôi vị và thực chất của nó, đều lẻ thừa, chẵn thiếu. Ắt đều để trống ở giữa rồi sau số của Âm Dương mới đều hai mươi. Lại hỏi: Thứ tự của nó không giống nhau sao? Đáp rằng: Hà đồ nói về thứ tự sinh ra, thì bắt đầu từ dưới lên trên, đến tả, đến hữu, vào giữa rồi lại bắt đầu từ dưới; nói về thứ tự vận hành, thì từ Đông, đến Nam, đến giữa, đến Tây, đến Bắc theo tả mà xoay một vòng, rồi lại bắt đầu từ Đông; trong các số sinh ở trong, số Dương ở dưới về phía tả, số Âm ở trên về phía hữu, trong các số Thành ở ngoài: Số Âm ở dưới về phía tả, số Dương ở trên về phía hữu.

    Thứ tự của Lạc thư thì số Dương bắt đầu từ Bắc đến Đông, đến giữa, đến Tây, đến Nam; số Âm bắt đầu từ Tây Nam, đến Đông Nam, đến Tây Bắc, đến Đông Bắc; hợp lại mà nói thì bắt đầu từ Bắc đến Tây Nam, đến Đông, đến Đông Bắc, cuối ở Nam. Còn sự vận hành của nó thì Thủy khắc Hỏa, Hỏa khắc Kim, Kim khắc Mộc, Mộc khắc Thổ, theo phía hữu mà xoay một vòng, rồi Thổ lại khắc Thủy. Lại hỏi: Tại sao những số bảy, tám, chín, sáu của hai thứ lại không giống nhau? Đáp rằng: Các số sáu, bảy, tám, chín của Hà đồ đã phụ ở ngoài số sinh rồi, đấy là phần chính của Âm Dương, già, trẻ, tiến, lui, thừa, thiếu. Số chín của nó tức là mấy số một, ba, lăm trong số sinh tích lại mà thành ra, cho nên nó phải từ Bắc sang Đông, từ Đông sang Tây, để làm cho thành phía ngoài của số bốn, số sáu của nó tức là hai số hai, bốn trong số sinh tích lại mà thành ra, cho nên nó phải từ Nam sang Tây, từ Tây sang Bắc để làm cho phía ngoài của số một, số bảy tức là số chín từ Tây sang Nam, số tám tức là số sáu từ Bắc sang Đông. Đó là sự biến đổi của các số Âm Dương, già trẻ đắp đổi ở "nhà" của nhau. Lạc thư ngang dọc mười lăm mà bảy, tám, chín, sáu đắp đổi tiêu, lớn, bỏ trống số lăm, chia sẻ số mười, mà số một ngậm số chín, số hai ngậm số tám, số ba ngậm số bảy, số bốn ngậm số sáu, thì lăm, ba lộn góp, tới đâu cũng gặp số hợp vì vậy mà sự biến hóa vô cùng mới thành ra sự huyền diệu. Lại hỏi: Thế thì thánh nhân bắt chước ra sao? Đáp rằng: Hà đồ thì bỏ trống giữa, Lạc thư thì tóm thực tượng: Hà đồ bỏ trống số lăm, số mười, đó là Thái cực; số lẻ hai mươi, số chẵn hai mươi, ấy là hai Nghi, lấy một, hai, ba, bốn, làm lăm, sáu, bảy, tám. Đó là bốn Tượng; chia số "hợp" của bốn phương để làm Kiền, Khôn, Ly, Khảm, bù chỗ trống của bốn góc để làm Đoài, Chấn, Tốn, Cấn. Đó là tám quẻ. Cổ nhân làm ra Kinh Dịch khéo léo không thể nói hết được, số của Thái Dương là chín, số của Thiếu Âm là tám, số của Thiếu Dương là bảy, số của Thái Âm là sáu. Nguyên lai tất cả có mưởi số, Thái Dương ở ngôi một, trừ đi số của bản thân thì còn chín số, Thiếu Âm ở ngôi hai, trừ đi số của bản thân thì còn tám số, Thiếu Dương ở ngôi ba, trừ đi số bản thân thì còn bảy số, Thái Âm ở ngôi bốn, trừ đi số bản thân thì còn sáu số.

    Dịch có Thái cực sinh ra hai Nghi, hai Nghi sinh ra bốn Tượng, bốn Tượng sinh ra tám quẻ. Dịch tức là cách tính ngược: Kiền một, Đoài hai, Ly ba, Chấn bốn, Tốn lăm, Khảm sáu, Cấn bảy, Khôn tám đều là những quẻ chưa sinh, như kể ngược thứ tự bốn mùa vậy. Thái cực là tên của bầu "Tượng số chưa hiện hình mà lý lẽ đã đủ vậy". Và là mục của đám "hình khí đã đủ" mà lý lẽ thì chưa có mầm mống. Ở Hà đồ, Lạc thư, nó đều là tượng trống rỗng ở giữa. Thái cực tách ra, mới sinh một lẽ, một chẵn, thành ra hai cái vạch, ấy là hai Nghi, số của nó thì Âm một, mà Dương hai, ở Hà đồ, Lạc thư là chẵn với lẻ. Phía trên hai Nghi, mỗi đàng lại sinh thêm ra một chẵn, một lẻ nữa, thành ra bốn cái "hai vạch" ấy là bốn Tượng, ngôi của nó là: Thái Dương một, Thiếu Âm hai, Thiếu Dương ba, Thái Âm bốn, số của nó thì Thái Dương chín, Thiếu Âm tám, Thiếu Dương bảy, Thái Âm sáu. Nói về Hà đồ thì sáu là số một được số lăm, bảy là số hai được số lăm, tám là số ba được số lăm, chín là số bốn được số lăm. Nói về Lạc thư thì: Chín là số thừa của mười trừ một, tám là số thừa của mười trừ hai, bảy là số thừa của mười trừ ba, sáu là số thừa của mười trừ bốn. Phía trên bốn Tượng, mỗi thứ lại sinh thêm một chẵn, một lẻ nữa, thành ra tám cái "ba vạch" thế là tam Tài tạm đủ, mà có cái tên tám quẻ "Bát quái". Ngôi của nó, Kiền một, Đoài hai, Ly ba, Chấn bốn, Tốn lăm, Khảm sáu, Cấn bảy, Khôn tám. Ở Hà đồ thì, Kiền, Khôn, Ly, Khảm, ở bốn chỗ thực, Đoài, Chấn, Tốn, Cấn, ở bốn chỗ hư. Ở Lạc thư thì, Kiền, Khôn, Ly, Khảm ở giữa bốn phương, Đoài, Chấn, Tốn, Cấn ở ra bốn góc. Lại hỏi: Dịch có Thái cực, sinh hai Nghi, hai Nghi sinh bốn Tượng, bốn Tượng sinh tám quái, thế là thế nào? Đáp rằng: Chữ Thái cực đó là nói về sự vạch quẻ, trước khi còn chưa vạch quẻ, Thái cực chỉ là cái nghĩa một bầu hỗn độn, ở trong bao hàm các thứ, Âm, Dương, mềm cứng, lẻ, chẵn, không gì không có. Tới khi vạch ra một lẻ, một chẵn, ấy là sinh ra hai Nghi, rồi trên vạch lẻ, vạch thêm một vạch lẻ, đó là Dương ở trong Dương, trên vạch lẻ vạch thêm một vạch chẵn, đó là Âm ở trong Dương, trên vạch chẵn vạch thêm một vạch lẻ, đó là Dương ở trong Âm, trên vạch chẵn vạch thêm một vạch chẵn, đó là Âm ở trong Âm, ấy là bốn Tượng. Trên một Tượng có hai quái, mỗi Tượng lại thêm một lẻ, một chẵn, thành ra tám quẻ. Một vạch là Nghi, hai vạch là Tượng, ba vạch là quẻ, bốn Tượng như Xuân, Hạ, Thu, Đông; Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, Đông, Tây, Nam, Bắc, không gì không thể suy ra. Trời đất định ngôi, núi chầm thông khí, sấm gió xát nhau, nước lửa không phạm nhau, tám quái mài nhau. Kể cái đi rồi là thuận, biết cái sắp tới là nghịch. Kiền nam, khôn bắc, Ly đông, Khảm tây, Chấn đông bắc, Đoài đông nam, Tốn tây nam, Cấn tây bắc: Từ Chấn đền Kiền là thuận, từ Tốn đến Khôn là nghịch.

    Cảm ơn quý bạn đã đọc và yêu thích Phong Thủy An Gia.. Các bạn yêu thích hãy đọc tiếp bài Thực Hành nhé
     
    phamlinh, Hắc LiênLangCa thích bài này.
    Last edited by a moderator: 5 Tháng mười 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...