Huyền Ảo Trăng Trôi Về Đâu - W. J. E. Catan

Discussion in 'Chờ Duyệt' started by wonjieon, May 2, 2025.

  1. wonjieon W.J.E CATAN

    Messages:
    0
    Chương 20: Bí mật của tôi (9) - Tiểu thư Carreen

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tôi ngồi dưới vọng lâu mọc đầy hoa hồng, cố gắng lấy lại nhịp thở sau khi đã điên dại khóc lóc trong cái phòng như nhà ngục. Bà già vừa đi qua trước mặt tôi, đang ngắm hoa và dạo quanh khu vườn cùng mấy chị hầu đã bị bà ta đánh ban sáng. Người đàn bà đó không còn là người đàn bà đã chịu đựng sự bạo hành và khinh rẻ trong ngôi nhà nông trang tầm thường kia nữa. Nhìn bà ta được chăm chút xinh đẹp, mặc trang phục xa hoa và cười mãn nguyện ở nơi này làm tôi thấy bực mình quá.

    Có tiếng vó ngựa đang chạy về hướng này. Tôi trông tầm mắt ra phía cổng, thì ra anh chăn bò Tom đánh con xe ngựa hôm qua đến, hẳn là để dẫn tôi đi chịu tội ở cái nơi mà tôi còn chẳng biết nó là nơi nào. Anh chất hành lý lên xe, cho ngựa ăn cà rốt và nói chuyện phiếm với mấy người làm vườn. Lát sau, một chị hầu đi ra từ trong lâu đài, nói gì đó với anh ta và chỉ tay về phía vườn hoa. Anh ta đi theo chị và nhìn thấy tôi, liền vẫy tay chào vô cùng nồng nhiệt. Tôi cười nham nhở cho có lệ. Tôi mệt và chẳng còn hơi sức đâu diễn tiếp vai diễn này.

    Hôm nay anh chăn bò mặc bộ trang phục gọn gàng và lịch sự hơn hẳn lần đầu chúng tôi gặp nhau càng làm nổi bật thân thể gầy nhom ốm yếu. Anh ngả mũ chào tôi nhưng vẫn vô tư bắt chuyện bằng cái giọng tràn đầy lạc quan và năng lượng.

    "Thế nào rồi nhóc? Ý anh là.. ừm.. cậu Greywood. Khi nào thì chúng ta khởi hành?"

    "Con Lucy của anh đâu?" Tôi hỏi, cố tình đánh mắt nhìn xa xăm chứ không tập trung vào người đối diện.

    "Tôi gửi nó ở doanh trại rồi. Quãng đường quá xa thì dùng ngựa sẽ tốt hơn." Anh ta vẫn trả lời một cách bình thản. "Cậu đã chào phu nhân chưa? Chắc là bà ấy quyến luyến không cho cậu rời đi đúng không? Chậc! Phu nhân yêu thương chăm sóc cậu đến nỗi tôi tưởng hai người là mẹ con. Hóa ra không phải. Vậy còn -"

    "Anh này," tôi cắt lời, "Greywood là gì thế?" bằng cái giọng đều đều không cảm xúc, tôi hỏi anh.

    "Sao cơ?" Anh ta kinh ngạc hỏi lại tôi.

    "Ngài thống soái bảo rằng em là một Greywood và cả linh hồn, thể xác, máu thịt em đều thuộc về Hemeti. Rốt cuộc Greywood là cái gì thế? Tại sao em phải chết chỉ vì là Greywood?"

    "Ai nói cậu phải chết?" Khuôn mặt anh ta ngày càng hoang mang rõ rệt. "Tôi được lệnh đưa cậu về Rừng Xám vì đó là lãnh địa của gia tộc cậu, chỉ thế thôi. Thề với linh hồn các bậc Quân vương trên cao, tôi lấy đầu mình ra bảo đảm không có bất kỳ kẻ nào trên đất Hemeti này dám cả gan chạm vào một sợi tóc của cậu chứ đừng nói đến việc khiến cậu phải chết."

    Tôi thở dài ngao ngán, tỉ mỉ kể lại sự tình đã diễn ra sau bữa ăn trưa. Kết thúc câu chuyện, tôi nói rõ suy nghĩ của mình.

    "Em không phải người Hemeti, em không phải Greywood gì gì đó. Em không đi Rừng Xám! Hoặc anh trả em về Làng Ngã Ba hoặc anh giúp em về Keria. Có thế thôi!"

    "Này, tôi nhận ra vấn đề của cậu rồi đấy." Nói rồi anh ta định ngồi xuống cạnh tôi theo thói quen nhưng ngập ngừng một lát lại thôi. "Tôi không biết ở những lãnh địa khác thì thế nào, nhưng ở Cathail chối bỏ đất nước là trọng tội. Cậu may mắn được mang trong mình dòng máu Greywood thì cậu phải có trách nhiệm bảo vệ đất nước này. Vậy mà cậu lại ra khỏi khu rừng và lạc đến tận đây. Cậu không biết tý gì về gia tộc mình hay lịch sử đất nước, và cậu luôn miệng nói mình không phải người Hemeti. Greywood ấy hả? Tôi không biết cách phân biệt một Greywood vì cả đời một tên đầy tớ như tôi đã có vinh hạnh được gặp họ bao giờ đâu. Nhưng các vị đứng đầu mười một đại gia tộc như ngài thống soái thì chắc chắn biết. Chính ngài ấy đã dặn tôi chăm sóc cậu và sai người chuẩn bị hành trang kỹ càng để đưa cậu về. Để rồi cuối cùng cậu phủ nhận gốc rễ của mình, cậu bịa đâu đó một cái tên giả để chứng mình rằng cậu không có nghĩa vụ. Nếu đó không phải cách người Greywood đang sống thì cậu khiến tôi thất vọng quá."

    Lời phán xét ấy khiến lỗ tai tôi lùng bùng và hơi nóng phừng lên đỉnh đầu.

    "Em không hề bịa đặt! Anh không biết về Keria không có nghĩa là nó không tồn tại. Anh hạn hẹp và ngu dốt nên mới chưa từng thử phóng tầm mắt ra thế giới bên ngoài và nghe đến cái tên đó. Sao anh không nghĩ xem em nói dối để được lợi gì, để bị chặt đầu và lót đường như một tên phản gián hả? Khi thì Wilmot khi thì Rhodes khi thì Greywood, em có phải món đồ chơi của các người đâu mà cứ thích ném em vào đâu thì ném. Em cũng có nhà có gia đình, em muốn được về nhà với gia đình mình là sai sao? Hay anh muốn em đi lang thang giống anh và chờ đợi người ta ban phát một con bò rồi uống sữa qua ngày cho đỡ đói?"

    Cái đầu anh chăn bò cũng bắt đầu tăng nhiệt. Anh ta đá văng chậu cây dưới chân vọng lâu trong bộ dạng mặt sưng mày xỉa, môi mím chặt như thể cố không bật ra tiếng chửi thề.

    "Cậu đừng có quá đáng!" Anh ta gằng giọng.

    Tôi cũng đâu có muốn làm to chuyện. Rõ ràng là bọn họ ép tôi trước rồi lại nói tôi quá đáng. Tôi hậm hực đứng lên bỏ đi về phía cổng, nơi có đội gác canh mặc áo choàng xám sẵn sàng làm gỏi tôi bất cứ lúc nào. Tôi sợ chết nhưng tôi không muốn ở lại đây nữa. Cả một tòa lâu đài chẳng có nổi một ai bình thường thì làm sao tôi có thể tin được việc mình sẽ toàn thây mà trở về nhà cơ chứ.

    "Thưa ngài, tiểu thư gửi đến ngài lời mời dùng trà trước giờ lên đường."

    Một chị hầu không biết từ đâu đột nhiên vụt qua và đứng chắn trước mặt tôi. Nhìn kỹ lại tôi mới nhận ra đó là chị hầu thân cận luôn theo sát cô tiểu thư từ lúc tối muộn ở sảnh lớn hôm qua đến tận bữa ăn trưa nay. Chị dắt tôi vào lâu đài, lên cầu thang, xuôi theo con đường tôi đã đi hôm tối. Thì ra phòng tôi nằm cách phòng vị tiểu thư ấy chỉ một hành lang.

    "Lúc nãy có vẻ em không ăn được nhiều, chắc là không hợp vị. Đây là trà xô thơm [1] và mứt sơn trà, một loại quả đặc trưng ở vùng đất này có công dụng làm ấm người khi trời lạnh. Chắc là em sẽ thích đấy." Vừa nói tiểu thư Carreen vừa rót cho tôi thứ nước có màu xanh nhạt từ chiếc ấm bạc, thơm thoang thoảng và dễ chịu.

    Tôi nhấp một ngụm, quả thật vị hơi đắng nhẹ hòa cùng vị ngọt chua tạo ra sắc thái mê hoặc khó cưỡng. Tôi nhấp thêm một ngụm, rồi khi hết tôi lại xin thêm. Chẳng mấy chốc chị hầu đã phải thay trà và châm thêm nước.

    "Tiểu thư Carreen," tôi ngại ngùng mân mê chiếc tách khi đã uống quá nhiều mà vẫn chưa nghe thấy cô tiểu thư nói thêm câu nào, "tiểu thư có việc gì cần căn dặn?"

    Cô tiểu thư mỉm cười. "Em không cần phải câu nệ như thế. Ta chỉ tò mò về em. Em biết đấy, cha và ta đã có những suy đoán, và thật bất ngờ khi chúng không phù hợp với lời của phu nhân Rhodes và em. Điều đó khiến ta tự hỏi, nếu chỉ giữa hai chúng ta, nếu chỉ là chị gái và em gái, liệu có thể giúp em mở lòng và thẳng thắn với nhau hơn chăng?"

    Tôi nhìn chị ấy, ánh mắt khẽ dao động khi chị nhắc đúng vào cốt lỗi vấn đề.

    "Làm sao.. làm thế nào mà tiểu thư biết-?"

    "Em có thể gọi ta là Carreen." Chị ấy ngồi xuống cạnh bên và đặt tay lên vai tôi. "Biết việc em không phải người nhà Rhodes hay việc em là con gái?"

    "Cả hai ạ." Tôi lại nhấp một ngụm trà để tranh thủ sắp xếp lại suy nghĩ của mình. "Nếu chị Carreen đã biết vậy bà phu nhân cũng biết rồi ạ?"

    Chị ấy lắc đầu. "Không hẳn. Với tình trạng bà ấy hiện tại ta không chắc bà ấy có đủ minh mẩn để phát hiện ra hay không. Nhưng nếu ta không lầm, và có vẻ như em chưa từng kể với ai, thì việc em là con gái vẫn là bí mật của hai ta, à, cả Betty, người đang chăm sóc em vì chị ấy cũng là thị nữ của ta. Sẽ rất phiền phức cho em nếu giới tính em bị lộ. Ở Cathail, một đứa bé trai đi lạc là một cuộc phiêu lưu dũng cảm. Một đứa bé gái thì khác."

    Tôi nhìn chiếc lá xô thơm non xanh trôi dập dềnh trên mặt nước trà mà suýt phát khóc. Ngoài Fig và gia đình bác Paul, đã lâu rồi không ai nhận ra tôi là một đứa con gái nên tôi hơi cảm động, hơi ngượng ngùng, lại có chút khổ sở không biết phải làm ra vẻ mặt gì. Chị Carreen đưa tôi một mẫu bánh kem trứng sữa [2] mà chị đã cắt nhỏ từ ổ bánh lớn cho vừa miệng tôi. Rồi chị lau vụn bánh còn sót lại trên những ngón tay tôi bằng chiếc khăn mùi xoa thơm mùi hoa nhài của chị. Tôi lau vội giọt nước mắt đang chực chờ rơi nơi khoé mắt và khẽ nhích đến gần hơn, đoạn chạm nhẹ tay chị, hỏi.

    "Ngài thống soái nói em là Greywood. Có phải đó là lý do khiến chị đoán rằng em không phải con trai bà phu nhân?"

    "Theo những gì ta biết thì đúng vậy, không phải sao?"

    "Chỉ một nửa thôi. Em không phải Greywood. Em không mang họ Greywood."

    "Thế thì thật kỳ diệu! Đôi mắt em, chúng là sự hòa trộn của một vườn tử đinh hương với đủ mọi sắc thái. Khi còn nhỏ ta đã từng được dịp diện kiến Quân vương Greywood và binh lính của họ ở Tháp Danh Vọng, tất cả bọn họ đều mang cùng một màu mắt với nước da trắng sứ và mái tóc như được nhuộm với thạch anh. Nhà Greywood có truyền thống kết hôn cùng tộc nên chưa bao giờ ta nghe nói có người ngoại tộc nào mang dáng vẻ thần kỳ như thế."

    "Vậy ra đó là cách mà ngài thống soái đã gán định danh tính cho em. Ngài không nghe em giải thích, cũng chẳng thèm nhìn kỹ em chút nào." Nói rồi tôi cởi chiếc khăn che mái đầu đã nhú chân, sờ vào có cảm giác hơi gai gai nhồn nhột. "Chị xem, tóc em có phải màu thạch anh đâu. Da em cũng không trắng như sứ. Mắt thì em không biết, nhưng vốn dĩ nó có màu đen tuyền chứ không phải màu tử đinh hương như chị nói. Vậy nên em không phải Greywood."

    Chị Carreen đặt bàn tay lên đầu tôi và cười khúc khích như cách Fig hay cười và Berry sủa ăng ẳng khi lỡ va phải cái bàn cào mèo di động này.

    "Nếu chị cần chải len [3] thì em có thể cho mượn."

    Thì ra tôi cũng có khiếu hài hước đấy chứ, vì tiểu thư Carreen vốn chẳng có mối quan hệ gì lại đang cười rất duyên dáng dễ thương. Giữa những âm thanh khúc khích sôi nổi, chị đặt vấn đề.

    "Vậy thật ra em là ai? Tại sao lại theo phu nhân Rhodes đến đây?"

    "Tên em là Ann. Em chỉ là một đứa nhóc chăn cừu bình thường thôi. Nếu chị muốn nghe toàn bộ câu chuyện dài của em và bà phu nhân thì chị phải giúp em dừng anh Tom lại đã." Rồi tôi chỉ tay ra cửa sổ, nơi anh chăn bò đã ngồi chễm chệ trên con xe ngựa và đang ngúng nguẩy cọng cỏ lau trong miệng chờ tôi xuống. Con ngựa kéo xe cũng dậm chân và thở hì hục bực mình như thể nó thèm chạy lắm rồi.

    Tôi về phòng mình ăn phô mai và trái cây trong lúc chị Carreen ra ngoài. Một lúc lâu sau khi chị quay lại với khuôn mặt rạng rỡ, vừa trông thấy chị đi ngang cửa tôi đã chạy ào ra, chui tọt vào phòng chị. Nhờ đó mà buổi tối tôi được ngủ trên cái giường đẫm mùi hoa nhài, cạnh một nữ thần giữa không gian lấp lánh ánh bạc như những vì sao phương Bắc.

    - - Chú giải --

    [1] Trà xô thơm: Thực chất là nước ngâm lá xô thơm tươi với công thức đơn giản, không phải lá trà khô có nguồn gốc từ Trung Quốc mà chúng ta thường dùng.

    [2] Bánh kem trứng sữa: Tìm hiểu thêm về Custard Tart. Thời trung cổ loại bánh này to như cái mâm để dễ phục vụ trên bàn tiệc chứ không bé bằng lòng bàn tay như hiện nay.

    [3] Chải len: Một công đoạn của kỹ thuật quay tơ se sợi. Lông cừu sau khi cắt sẽ được cho lên bàn chải len có hàng ngàn đinh nhọn, mục đích vừa tách sợi vừa chải thẳng sợi lông, sau đó lông sẽ được cho vào bộ quay tơ để tạo thành sợi len thô trước khi tiến hành công đoạn dệt.
     
    Last edited: May 3, 2025
  2. wonjieon W.J.E CATAN

    Messages:
    0
    Chương 21: Bí mật của tôi (10) - Đích đến thứ hai

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Có tiếng lộp cộp của thứ gì đó va vào tường càng lúc càng mạnh khiến tôi không ngủ được. Tôi mở mắt ra, xung quanh là thứ ánh xanh le lói liên tục nhấp nháy và không ngừng phát ra tiếng côn trùng kêu rin rít. Nguồn sáng không tụ lại một điểm mà dàn trải, từng hạt kết vào nhau bởi liên kết vô hình, tạo thành kén tròn bọc lấy tôi giữa không gian đen đặc. Mỗi một lần va đập là thứ ánh sáng đó lại rung lên, nhảy nhót và nhấp nháy như đang tìm cách truyền tín hiệu ra bên ngoài. Tiếng rin rít của đám côn trùng càng lúc càng lớn.

    Tôi nuốt khan, cảm giác có thứ gì đó nồng đậm trộn lẫn trong không khí, dù cố đến mấy cũng không thể nào đưa được ô-xi vào trong buồng phổi. Tôi đưa tay bịt mũi và cố hớp hơi bằng miệng, nhưng chẳng khá khẩm hơn tý nào. Dường như bọn côn trùng đã bọc kín nơi này và đang tìm cách luồn cái vòi vào trong đẻ trứng, vì những hạt sáng khi chạm vào có gai, từ những ngọn gai tiết ra thứ dính nhớp đen ngòm gớm ghiếc.

    Lại một loạt âm thanh ầm ầm kinh động, cái kén vỡ một lỗ nhỏ trên trần làm ánh sáng bên ngoài tràn vào, đỏ lòm và hôi tanh mùi máu. Những hạt sáng nhanh chóng di chuyển để bít cái lỗ, nhưng sự tổn thương liên tục được sinh ra do những cú va chạm làm quần thể của chúng suy giảm nhanh chóng. Cho đến khi chẳng thể lấp được những vết nứt vỡ ngày càng nhiều, chúng co lại làm thu hẹp cái kén. Không khí bị nén chặt ép vào tôi, đau đớn và ngột ngạt đến mức tôi ngã gục xuống những chiếc gai bên dưới, dòng chất lỏng tuôn ra tanh tưởi chẳng còn biết được đó là thứ gì.

    Tiếng va chạm đinh tai nhức óc cuối cùng làm cái kén rung lên và vỡ ra trong tíc tắc. Ánh sáng đỏ nuốt chửng lấy tôi, che lấp tôi bởi thứ nhầy nhụa tàn dư của cái kén. Cố mở con mắt duy nhất còn có thể cử động, xuyên qua thứ chất nhầy, xuyên qua ánh sáng đỏ, tôi trông thấy thứ gì đó đang lao đi vun vút trông không trung. Thoáng chốc, cái đầu gấu bay lên văng xa khỏi ngai vàng vừa được tắm máu, nơi thân thể con hươu bị xiên vào cọc chĩa một bên sừng uy vệ của nó thẳng lên trời.

    Kẻ mặc bộ đồ hề cười khoái trá. Hắn ngồi gác chân trên ngai vàng như một con nhền nhện và nhảy khỏi đó như một con ếch. Cái mũ ba chóp không ngừng lắc lư như cái lục lạc treo trên nôi đứa trẻ, hào hứng và vui nhộn y như cái cách hắn nhe hàm răng ám đỏ và đôi con mắt quỷ quyệt lướt qua hai cái xác.

    Hắn tặc lưỡi, rồi lại lắc đầu. Đoạn hắn quay đầu về phía tôi, dường như hắn biết rõ tôi vẫn luôn ở đó. Thứ chất nhầy tởm lợm nhanh chóng trôi tuột khỏi cơ thể tôi ngay khi hắn làm một hành động như thể lôi tôi ra bằng một tác động vô hình. Điều cuối cùng tôi còn nhìn thấy bằng con mắt đó là nụ cười của hắn, cử động môi tạo thành khẩu hình:

    "Khế ước đã ký."

    Rồi hắn buông tay.

    Và tôi rơi tự do trong không gian không đáy.

    Choàng tỉnh, tôi tưởng mình đã bị ném vào hố sâu địa ngục. Hơi thở gấp gáp. Tim đập dồn dập. Cổ họng căng cứng. Mồ hôi vã ra như tắm. Thì ra đó chỉ là mơ, một giấc mơ vô cùng quái dị. Đưa mắt nhìn ra cửa sổ, trời vẫn còn chưa sáng và chị Carreen bên cạnh vẫn đang say giấc nồng. Tôi ngồi dậy châm đèn, lặng lẽ đẩy cửa ra hành lang tìm đường đi vệ sinh.

    Hành lang vắng hoe tối như hũ nút. Chỉ có le lói vài ánh đèn vàng vọt hắt những chiếc bóng đen ngòm dị hợm lên mặt đá, không ngừng chao đi lượn lại như thể thứ quỷ quái ghê rợn trong giấc mơ đang ẩn nấp cuối con đường.

    Tôi hít một hơi thật sâu, cố dằn nỗi khiếp đảm xuống đáy lòng, từng bước từng bước nhích chân men theo bờ tường mà tiến tới. Tôi lớn rồi. Người lớn thì sợ gì. Nhưng bất chợt, tiếng xào xạc đáng ngờ của những nhánh cây cọ vào nhau ngoài cửa sổ đã khiến quả tim đang treo chơi vơi trên sợi dây tĩnh mạch hẫng đi một nhịp.

    Giữa cành lá sum suê của cây cổ thụ đối diện cửa sổ hành lang là một thứ quả phát quang. Nhìn giống hai hạt hạnh nhân biển [1] nhiễm phóng xạ mọc ra ở nơi không liên quan gì đến chúng. Không. Gió nổi lên và chúng không hề lay động. Cái linh cảm ma quái rằng chúng đang dõi theo từng cử động của tôi khiến gai ốc toàn thân dựng ngược.

    Lại có tiếng nói rì rầm phát ra từ bụi rậm ngay bên dưới. Chỉ là một anh lính kéo cái quần xộc xệch bước ra.

    Đánh mắt trở lại đám lá cành. Hai hạt hạnh nhân biển kia đã biến mất, chỉ trong tích tắc.

    Trong lúc tôi vẫn đang mắc kẹt trong cảm giác vừa hãi hùng vừa nghi hoặc thì một ánh đuốc từ xa tiến đến gần chỗ anh lính. Anh ta đưa tay chào. Người vừa mới tới, với vũ trang toàn thân, khoác chiếc áo choàng xám cùng chiếc mũ có sừng, đáp trả bằng một cử chỉ tay. Ám hiệu đó trông như đang gọi điện thoại, nhưng thay vì đặt lên tai, người kia lại đặt lên ngực và lắc lắc. Phải sau này khi hỏi anh Tom tôi mới biết hành động chào có nghĩa là "Tình hình thế nào?". Và khi đáp lại bằng ám hiệu "điện thoại", điều đó có nghĩa là "Trong tầm kiểm soát."

    Nhưng đó là việc sau này. Vào lúc vẫn chưa hiểu ý nghĩa của nó, tôi đã nín nhịn nhu cầu đi vệ sinh cấp bách của mình và chui tọt vào phòng, phiền não và quằn quại như con giun bị giày xéo dưới lớp chăn. May sao tôi đã tìm thấy một thứ đồ để xả có nắp đậy hẳn hoi được để trong hốc tường. Thế nên ít nhất tôi cũng có thể nằm thẳng chân để nỗi sợ hãi thỏa sức quấy rối giấc ngủ của mình cho đến khi trời sáng.

    Ấy thế mà khi mặt trời đã nằm vắt vẻo trên ngọn cây chiếu rọi thứ ánh sáng nóng rẫy lên mặt, tôi mới uể oải bước xuống giường.

    Trên bàn đã chuẩn bị sẵn bữa ăn trưa hôm đó. Một cốc sữa, chút thịt cừu xông khói, một bát súp, một ổ bánh mì và một ít mứt dâu rừng ăn kèm với nó.

    "Cô dậy trễ quá. Mọi người đã dùng bữa xong cả rồi."

    Bằng điệu bộ có phần lạnh lùng nhưng không còn quá xa cách, chị hầu Betty nói rồi vắt nước chiếc khăn để giúp tôi vệ sinh cá nhân. Xong việc, tôi cảm ơn chị và bảo chị ngồi xuống ăn cùng, nhưng chị từ chối.

    "Nhiều lắm ấy! Nếu chị từ chối nghĩa là chị đã cho thứ gì kỳ lạ vào nên chị mới không ăn đúng không?" Tôi mè nheo giả vờ nghi ngờ chị.

    Chị Betty vẫn giữ nét mặt không cảm xúc, cố giải thích đôi ba câu nhưng mãi mà tôi vẫn khoanh tay tỏ vẻ không chịu. Bất lực, chị kết thúc bằng một lời bàng quan nhưng lại có vẻ hơi hờn trách.

    "Không tin thì cô cho gọi thầy bào chế lên kiểm chứng. Tối qua ông ấy vừa đến lâu đài đấy."

    Tôi cảm thán, "Chị biết là em sẽ nghi ngờ nên đã chuẩn bị trước cả người bào chế cơ á? Không được rồi. Đúng là không nên ăn thứ mật ngọt chết ruồi này mà."

    "Trời ơi, cô nghĩ tôi có mấy cái đầu mà cả gan làm chuyện đó! Tối qua phu nhân Rhodes bị ngã khi lên cầu thang nên ngài thống soái đã cho gọi ông ấy đến ngay trong đêm đấy."

    Đề tài được chuyển có đôi chút bất ngờ. Không kịp nghĩ nhiều, tôi hỏi lại.

    "Thế ạ? Ôi, mải chơi nên em quên khuấy người ấy mất! Bà bị thương có nặng lắm không chị?"

    "Làm sao mà tôi biết được. Tôi là người hầu của cô chứ có phải người hầu của phu nhân đâu."

    Một trong những điểm tôi thích ở chị Betty là tính cách bộc trực cả về giao diện lẫn tấm lòng. Vậy nên vào một khoảnh khắc khi chị thiếu tự nhiên vì một lời nói dối, tôi có thể dễ dàng phát giác ra ngay. Nhưng không cần phải lật tẩy điều đó làm gì. Tôi trèo xuống ghế, gấp khăn ăn đặt tại chỗ vừa ngồi, trao lại con dao phết mứt vào tay chị. Đoạn tôi nói trước khi chậm rãi bước ra khỏi cửa.

    "Thế này không được. Em phải qua xem xem thế nào. Nếu chị không muốn ăn thì cứ để đó. Em sẽ về nhanh thôi."

    Đôi bàn chân trần vừa bước được hai bước trên hành lang đã phải lập tức quay đầu. Chị Betty kiên quyết giữ tôi lại thay quần áo, đội khăn, mang giày cho đàng hoàng. Tôi lại hỏi đùa chị có định bôi nước hoa mùi hoa nhài cho tôi không vì hôm qua tôi đã tắm đâu. Vậy mà chị định làm thật. Vừa lúc bóng chị khuất sau hành lang chỗ mấy chị hầu của tiểu thư Carreen, tôi vội lẻn về hướng ngược lại băng qua tòa tháp khu phòng cho khách.

    Mấy chị hầu ở cửa đang đùn đẩy nhau xem ai mới là người mang chậu nước vào, trông thấy tôi khiến cơ mặt họ giãn ra một chút. Tôi bảo sẽ vào cùng họ, tốt nhất là nên vào ngay bây giờ và chuẩn bị trước, vì trưa lắm rồi mà còn đợi bà già tỉnh giấc thì tôi không chắc các chị ấy có còn yên ổn bước ra hay không. Họ lưỡng lự bàn bạc một lúc rồi đồng ý.

    Đặt tay lên nắm cửa, tôi mở hé và trông thấy bà già vẫn nằm đắp chăn trên giường. Tôi vào trước và các chị hầu theo sau. Bằng cách nhẹ nhàng và yên lặng nhất có thể, các chị ấy mang theo trang phục, bữa ăn trưa, giỏ hoa đầy ấp những bông păng xê [2] và khay thuốc đậm mùi thảo mộc. Sau khi các chị ấy đã xong, tôi kéo một chị ra góc và nói nhỏ.

    "Em nghe nói bà ấy vừa bị ngã. Có nghiêm trọng lắm không ạ?"

    Chị hầu thì thầm. "Chúng tôi đã bôi thuốc cho người rồi nhưng vẫn phải đều đặn bôi trong vài ngày tới mới có thể giảm sưng."

    "Thế ạ? Chị có thuốc nào để bôi sẹo và vết thương hở không? Để phòng hờ thôi nhưng cứ mang cho em một ít nhé. À, em sẽ gọi bà ấy dậy nên tạm thời các chị cứ ra ngoài trước đi nhé."

    Chị hầu vâng lệnh và lui ra ngoài. Khi chỉ còn tôi và bà già, tôi nhẹ nhàng đánh thức bà ấy dậy. Bà già nhăn mặt và than vãn về cái lưng bị thương không thể ngồi dậy được. Tôi lau mặt và vệ sinh cá nhân cho bà như cách chị Betty đã làm. Rồi tôi xoa bóp cho bà đỡ đau hơn. Trông bà già mệt mỏi lắm. Tôi bưng bát súp ngồi xuống cạnh giường, cẩn thận kê đầu bà lên hai chiếc gối và bón từng thìa chỉ còn hơi âm ấm.

    Tôi nghĩ mọi thứ đã diễn ra hết sức mượt mà. Đúng như suy đoán, bên dưới lớp áo ngủ là đôi cánh tay chằng chịt vết sẹo, tất cả hiện ra khi cổ tay áo rơi xuống lúc bà trìu mến xoa đầu tôi. Tôi nhìn chằm chằm chúng một lúc lâu. Không biết bà già nghĩ gì về điều đó, nhưng dường như bà cố phớt lờ chúng đi như thể chúng chưa từng tồn tại. Tôi bảo để tôi bôi thuốc cho bà bằng món thuốc mà chị hầu vừa đem đến. Rồi tôi lại xoa bóp cho bà, dù rằng tôi biết hành động đó chẳng thể tác dụng mấy đến những vết thương đã được hình thành từ rất lâu, thậm chí là những vết thương lòng cũng chẳng thể nào chạm đến. Sự tiếp xúc tử tể và thật tâm đó trong giây lát đã khiến tôi chùn bước. Nhưng rồi tôi tự nhủ, sự chuẩn bị này là cần thiết để kết màn cho một vở kịch đã kéo dài quá lâu.

    "Mẹ," trong lúc trò chuyện, tôi bắt đầu nêu ra ý định của mình, "sắp tới con sẽ đi Học viện Nội Các."

    Đó không phải là một lời nói dối suông. Chị Carreen đã hứa sẽ thưa chuyện với ngài thống soái để anh Tom đưa tôi về làng, rồi chị sẽ hỏi thăm tin tức về Kerian và viết thư cho tôi được hay. Mong ước lớn nhất của tôi là được về nhà, cả Fig và Berry sẽ về cùng tôi. Tôi không có sức đâu mà lo lắng cho người khác nữa khi lúc nào cũng phải nom nớp lo sợ cho mạng sống ở một nơi không thuộc về mình. Về nhà tôi sẽ được đi học. Fig sẽ được đi học. Chúng tôi tự do trưởng thành dưới một mái nhà, không phải vất vả tìm kiếm cái ăn và giữ ấm khi trời trở lạnh. Một cuộc sống bình yên như thế, tôi chỉ muốn được về nhà với vòng tay ba mẹ mà thôi.

    Bà già không trả lời. Tôi lại tiếp.

    "Có lẽ sẽ rất lâu nữa mẹ con ta mới gặp lại nhau. Mẹ cứ yên tâm ở lại đây nhé! Ngài thống soái và tiểu thư Carreen rất quý mẹ đấy."

    Bà già suy nghĩ một lát rồi mỉm cười, hai bàn tay siết lấy tay tôi.

    "Đi. Ta sẽ đưa con đi."

    "Không được. Mẹ ở lại đây. Con còn phải đi đây đi đó.. ừm.. mua sách và dụng cụ.. rất mất thời gian. Để mẹ về một mình con không yên tâm. Lưng mẹ đau đi lại cũng bất tiện nữa."

    "Ôi con yêu, ta không nề hà chuyện đó. Chăm sóc con là nghĩa vụ của một người mẹ. Làm sao ta có thể để con một mình ở nơi xa lạ ấy được?"

    "Không sao đâu," vừa nói tôi vừa xoa bàn tay nhăn nheo của bà trong bàn tay nhỏ xíu của tôi, "con lớn rồi, con có thể tự chăm sóc cho mình."

    Những lời dối trá cứ tiếp tục tuôn ra khiến tôi cảm thấy thật tội lỗi.

    "Con sẽ về thăm mẹ. Con hứa đấy."

    Bà già rơi nước mắt. Và tôi cảm thấy sao mà mình hèn hạ quá. Nếu ngay từ đầu tôi không nói dối thì có lẽ giờ đây tôi đã không phải đắn đo tìm cách rút chân khỏi câu chuyện về người đàn bà kỳ lạ này. Bà ta cứ khóc mãi. Bà bảo tôi đi chơi đi để bà từ từ suy nghĩ. Tôi biết làm gì hơn ngoài việc vâng lời. Bỏ lại cánh cửa phòng khách phía Tây sau lưng, tôi bước đi mà trong lòng nặng trĩu.

    Trong lúc tha thẩn khắp các tầng của lâu đài với một mớ bòng bong trong đầu, tôi bắt gặp tiểu thư Carreen vừa bước ra từ trong phòng sách. Tôi hỏi chị có thể cho tôi mượn một quyển sách nào đó viết về lịch sử Hemeti không. Chị rút ra một cuốn trong hằng hà những quyển sách bọc da đầy kín trên kệ và đưa cho tôi. Lật trang đầu tiên xem vài dòng rồi tôi mới nhớ, tôi vẫn chưa thể đọc được đoạn dài nên tôi đã hỏi chị có thể kể cho tôi nghe được không. Chị Carreen là một tiểu thư tốt bụng. Chị ấy dành cả buổi chiều và buổi tối hôm đó, bỏ dở luôn cả giờ học cưỡi ngựa để giúp tôi xem quyển sách này.

    Theo trong sách, thuở xa xưa, vùng bán đảo phía nam dãy núi Mù Sương này từng chìm trong biển máu. Hàng chục bộ lạc lớn nhỏ tranh giành lẫn nhau, đẩy dân chúng vào vòng xoáy áp bức, bạo lực giết chóc phải đi tha hương cầu thực. Sự trỗi dậy nhanh chóng của Cựu vương Greywood đã nhận được sự chúc phúc của nhân dân - lớp người đã khóc than ai oán cho một thời dịch nô và máu đổ.

    Bằng sức mạnh và cả quyền phép bí ẩn, Cựu vương đã thống nhất bán đảo, khai sinh đất nước Hemeti cổ đại. Ngài đặt nền móng cho hệ thống chính trị lấy mười (có một dấu gạch và sửa thành "mười một" tại chỗ này) Đại Gia Tộc làm trung tâm, trong đó các gia tộc sẽ thay phiên nhau trị vị đất nước.

    Để bảo toàn cán cân quyền lực, Cựu Vương Greywood đã thề sẽ từ nơi đỉnh núi cao nhất vương quốc phía Đông Nam, dõi theo biên cương và trấn giữ toàn bộ vùng lãnh thổ. Hậu duệ Greywood được căn dặn không tranh giành ngôi báu, không rời khỏi Rừng Xám, phải trở thành phòng tuyến và hậu phương vững chắc, hỗ trợ các kỳ nghị sự tối cao. Chỉ có như thế mới bảo vệ được vương quốc này, nhất là khi các thế lực bên ngoài luôn nhăm nhe dòm ngó.

    Đã từng có thời toàn thể dân chúng Hemeti tôn thờ người Greywood như những vị thần, bởi những nơi họ đi qua không còn đói nghèo và bạo lực. Những tưởng hàng ngàn năm đã trôi qua, cùng với lối sống khép kín sẽ khiến những câu chuyện về họ chỉ còn là thần thoại. Nhưng chưa bao giờ người Hemeti quên đi nguồn gốc của mình, sự thịnh vượng này là do ai mang đến. Tương truyền dòng máu Greywood chứa đầy ma thuật có thể lật đổ cả một đế chế. Vì vậy, sự kính sợ mà thần dân giành cho Greywood đã hóa thành đức tin - một huyền thoại không điều gì có thể thay thế được.

    Về phần mười (một) Đại Gia Tộc, họ là những người đứng đầu các bộ lạc cổ xưa, với quy mô lãnh thổ lớn, số lượng dân áp đảo, mang những đặc điểm hoàn toàn riêng biệt phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng.

    Ở biên giới phía Bắc, nơi giáp với vùng núi đá mù sương ngăn cách Hemeti và Rammabit, gia tộc Cathail nhận trách nhiệm trấn giữ biên giới với thể trạng mạnh mẽ và kỹ năng leo dốc điêu luyện. Họ được ví như những con dê của núi đá, vì vậy mà gia huy của Cathail có hình tượng con dê màu xám.

    Bên dưới Cathail, cai quản bờ biển phía Tây là gia tộc Vann với tài đi biển và cực kỳ hiếu chiến. Suốt thời kỳ nhà Vann nắm giữ hoàng tộc, lãnh thổ Hemeti đã vượt qua cả một vùng biển Tây rộng lớn và kiểm soát hoàn toàn khu vực mà hiện tại được gọi là một phần của Đế quốc Erika. Biểu tượng của Vann là cá voi, với lá cờ dát vàng rực rỡ như ánh mặt trời soi rọi trên mặt biển.

    Nhờ có sự hỗ trợ về quân sự của Vann mà gia tộc Upiteur, chủ sở hữu một cảng giao thương cực lớn ở phía Tây Nam ngày càng phát đạt. Họ không những giỏi buôn bán mà còn xây dựng được nhiều làng thủ công mỹ nghệ có giá trị cao. Người Upiteur không ăn bạch tuộc và sử dụng màu hồng tím để đánh dấu những người xuất thân từ gia tộc mình.

    Phía Nam của Hemeti, giáp với biển hồ Arragus là gia tộc Fliou - những con rái cá màu trắng rất giàu kinh nghiệm trong việc nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, và cạnh đó là gia tộc Ratigan - những con bò được dùng để cày cấy trên cánh đồng và kéo xe thu hoạch trên khắp các vườn quýt chín cam mọng.

    Ngăn cách Ratigan với Greywood là khu rừng Xám dày đặc cây cối không cách nào có thể chen chân vào được. Người ta luôn tự hỏi với hai bề là rừng và hai bề là vách núi cao dựng đứng, các lãnh đạo nhà Greywood làm sao có thể đến được Thủ Phủ vào những kỳ họp trọng đại ở Tháp Danh Vọng. Thậm chí từng có một tin đồn xuất phát từ hai vương quốc phía bên kia biển Arragus, rằng sự tồn tại của Greywood chỉ là một sự dối trá. Cho đến khi cuộc Chiến tranh Vùng Vịnh nổ ra và không một tên giặc ngoại bang nào có thể đặt chân lên lãnh thổ phía nam Hemeti, tin đồn đó mới được kiểm chứng. Trong một lá thư thu được từ một tên lính què - nhân chứng đã tận mắt chứng kiến những con sói cài hoa lao ra từ cánh rừng trên vách đá, mang trên mình ngọn lửa và hàm răng sắc nhọn sẵn sàng vật chết cả một đội thuyền, bọn ngoại bang mới tin rằng Greywood là có thật. Những lá cờ xanh màu lá chưa bao giờ ngừng phấp phới nơi vách núi báo hiệu cái chết cho những kẻ cả gan tiến gần.

    Nằm lọt thỏm giữa Rừng Xám phía Nam, thung lũng Loha ở phía Đông và Cathail ở phía Bắc là gia tộc Whelihan. Nhờ trời phú cho tài nguyên dồi dào và không khí yên bình, Whelihan chăn nuôi gia súc với đa dạng chủng loại và năng suất cực kỳ cao. Người Whelihan luôn lạc quan yêu đời cho dù họ thường bị trêu trọc vì những lá cờ bay không nổi. Ngược lại họ càng tự hào về những con cừu với nước da hồng hào, những tấm da được sơ chế theo công thức đặc biệt và may trực tiếp lên vải mà vẫn không bị teo tóp hay mất màu dù có trải qua nắng gió.

    Vùng trung tâm Hemeti là nơi tập trung tri thức và trí tuệ. Ba gia tộc Blanchill, Laudeuric, Astier bao bọc lấy Thủ Phủ, là nguồn cung dồi dào nguồn nhân lực biết sử dụng cái đầu trong bộ máy chính trị. Số trường học ở Blanchill nhiều bằng tổng số lượng trường học ở những lãnh địa khác, nổi bật nhất phải kể đến Học viện Nội Các Blanchill với truyền thống lâu đời và phần lớn Chánh quan xuất thân từ đây đang giữ chân trong Nội Các. Những con tinh tinh biết cầm bút, người ta thường nói đùa như thế về người Blanchill bởi diện mạo và năng lực không ăn nhập gì với nhau. Và mỗi khi nghe thế, người Blanchill hoặc sẽ cười cho qua hoặc sẽ hất mực đen về phía đối phương. Dù sao thì mực đen ở Blanchill đâu có thiếu gì.

    Về phần Laudeuric, dù được đánh giá rất thông minh và đầy triển vọng trong việc giành lấy ngôi vương, nhưng số lượng các triều đại được nắm giữ bởi gia tộc Laudeuric chỉ đếm trên đầu ngón tay. Người Laudeuric không thích vương quyền, hay nói đúng hơn họ không cần đến chúng. Bởi lẽ bản thân Laudeuric khi đứng một mình cũng đủ xây dựng được một vương quốc phồn thịnh cho riêng mình. Những con quạ có thể nhìn thấy tương lai, họ tự gọi mình như thế. Ánh tím ma mị từ những chiếc áo choàng luôn thu hút ánh nhìn vào những cuộc cuộc họp và sự kiện tại Tháp Danh Vọng, nơi dân đen chỉ có thể khao khát ngắm nhìn từ bên dưới khán đài.

    Astier có tấm lòng bao dung rộng lớn hệt như những cánh đồng thuốc quý của họ vậy. Nổi mụn nhọt khắp người, hãy hỏi người Astier. Nôn mửa và tiêu chảy, hãy hỏi người Astier. Nhiễm trùng và phải cắt chân, hãy hỏi người Astier. Chế độ mẫu hệ chính là chìa khóa để sự tận tâm và giàu tình cảm của họ luôn được truyền lại qua các đời. Và những con hươu với bộ sừng vững chải như tán cây trên nền màu xanh dương của biển sâu thăm thẳm đã nói lên điều đó.

    Đến đây, nhiều trang giấy được đính vào một cách lả lơi, vừa nhìn là biết những trang viết tay vốn không nằm trong quyển sách đó. Chi chít trên mặt giấy là những dòng chữ và ký hiệu cực kỳ chi tiết. Chị Carreen không đi sâu vào giải thích chúng, nhưng tôi có thể nhận ra đây là một bản phân tích cực kỳ chi tiết về một gia tộc nhờ những từ vụn vặt nằm len lõi giữa chúng như "tốc độ", "vũ khí", "binh lính", "lâu đài", "gia phả". Đặc biệt nhất là cái tên được khoanh tròn:

    "Jonathan Kerney"

    Những con gấu nhà Kerney, những kẻ đã cướp đất từ tay Cathail, đã trỗi dậy trong cuộc Chiến tranh Núi Mù Sương. Với binh lực trẻ khỏe, ngông cuồng và tàn bạo, từ một gia tộc nhỏ nhoi nằm ở rìa lãnh địa Upiteur, Kerney đã lao lên như những con quái vật từ lòng đất, tắm máu quân thù trên mọi nẻo đường Astier và Blanchill, để rồi điềm nhiên được phân chia một phần lãnh thổ phía Bắc như một chiến lợi phẩm thu được từ những kẻ thất trách mang màu áo xám. Cờ của Kerney không tự dưng mà đỏ. Chúng là những lá cờ được nhuộm bằng xương bằng máu, một hành động vũ nhục giặc thù vô cùng ngạo nghễ.

    Tôi phải nuốt khan khi đọc đến đây, một cảm giác khó chịu cồn cào trong dạ dày. Kerney, Kerney, tôi vẫn còn nhớ cái tên đó. Có thực sự rằng người Kerney bạo tàn hay không, vì chính tôi đã từng được được gặp người đứng đầu nơi đó và trải nghiệm đó hoàn toàn khác hẳn. Tôi không rõ. Hay chính tôi đã bị che mắt bởi thứ gọi là "ấn tượng ban đầu", bởi đồng vàng và bởi mảnh áo choàng bọc giỏ trái cây mà tôi đã không nở vứt. Tôi không rõ. Tôi mụ mị. Điều đó khiến tôi đâm ra buồn chán.

    Khi buồn chán tôi nói vẩn vơ nhiều. Tôi không ý thức được mình đã hỏi gì cho đến khi nghe được bên tai những cái tên quen thuộc: Ngài thống soái Cathail và bà phu nhân Rhodes.

    Nhà Rhodes đã luôn là cánh tay đắc lực hỗ trợ quân đội Cathail trong nguồn cung lương thực và nhu yếu phẩm. Ít nhất là cho đến trước khi họ hoàn toàn sụp đổ sau sự kiện chiến tranh Núi Mù Sương. Không một dấu hiệu cảnh báo, cái chết của vị Trưởng gia tộc kéo theo một loạt tội trạng bị phanh phui: Phản quốc, buôn bán thuốc phiện, che giấu tội phạm, gian lận thuế má.

    Chính tay ngài Cựu thống soái Cathail đã phải bêu đầu tàn dư nhà Rhodes, kể cả người em gái ruột của ngài. Con trai ngài - tân thống soái Cathail - dù luôn tin rằng tất cả đều bắt nguồn từ một âm mưu chính trị hiểm độc nhằm làm lung lay thành trì phương Bắc này, nhưng mọi mắt xích về sự kiện nhà Rhodes luôn đứt đoạn và rời rạc, chưa bao giờ có thể tạo thành bức tranh toàn cảnh lý do cho sự lụi bại của cả một gia tộc.

    Hậu duệ duy nhất còn sót lại của Rhodes là cô con gái dòng chính đã được gả cho một kẻ giàu có ở lãnh địa Vann. Chính sự xa xôi cách trở và điều luật cấm can thiệp quân sự lẫn nhau đã bảo toàn mạng sống cho bà, nhưng đồng thời đã tạo ra bi kịch cuộc đời của hai con người vô tội.

    Dòng thông tin tuôn như suối chảy, nếu không ghi chép lại, tôi sợ mình sẽ để tất cả trôi dạt từ tai này sang tai kia mất. Nhưng khi cầm trên tay chiếc bút lông ngỗng tôi lại lưỡng lự. Có nhất thiết phải ghi nhớ hay không, bởi sớm thôi tôi chẳng còn liên can gì đến họ nữa.

    Tôi trả lại chiếc bút vào đầu cắm trên bàn rồi theo chân chị Carreen vào phòng ăn tối. Bữa tối không như hôm qua, chỉ có tôi và tiểu thư Carreen dùng bữa vì ngài thống soái và con trai ngài vẫn ở doanh trại chưa về.

    Bữa ăn khá đơn giản. Ăn xong chúng tôi về phòng chị Carreen xem chị cắm hoa. Chị cài một nhành hoa tím lên vành tai tôi và khen tôi dễ thương quá. Tôi thì thấy thật quen thuộc làm sao. Cảnh tượng này dường như tôi đã được trải qua ở đâu rồi.

    Ráng hết sức để lôi ra dù chỉ là một chút hình ảnh nhỏ xíu trong ký ức nhưng không tài nào nhớ nỗi, ngược lại càng khiến tôi nhanh chóng tiêu hóa hết những gì đã ăn khi nãy. Chỉ một lúc sau là đôi cửa sổ tâm hồn tôi không thể nào mở thêm được nữa. Tôi vẫn được ngủ ở phòng chị. Nhưng từ trên chiếc giường thơm mùi hoa nhài vẫn nhìn ra được cây cổ thụ to bên ngoài cửa sổ, và hai hạt hạnh nhân biển phát quang vẫn ở tại vị trí cũ nhìn tôi chằm chằm. Tôi sợ và tôi nằng nặc đòi chị phải đóng cửa sổ. Rồi khi trốn trong chăn không hiểu sao hai hàng nước mắt đột nhiên rơi xuống làm ướt cả mặt gối. Tôi không muốn chị ấy biết. Tôi chỉ khóc chút thôi. Sau đó tôi sẽ trả lại gối cho chị, rời khỏi giường chị, trở về vị trí vốn dĩ thuộc về mình.

    Chị Carreen, tôi yêu chị quá. Giá như mọi con người từng lướt qua đời tôi cũng nhân hậu và tử tế như chị thì tốt biết mấy.

    * * *

    **Chú thích:

    [1] Hạnh nhân biển (Sea almond), tên thường gọi là cây Bàng, chỉ mọc ở vùng nhiệt đới.

    [2] Hoa păng xê (Viola tricolor hoặc Pansy), tên thường gọi là hoa Bướm hoặc hoa Tím Tam Sắc.
     
Trả lời qua Facebook
Loading...