Hiện Đại Gió Qua Miền Nhiệt Đới - Vương Linh

Thảo luận trong 'Truyện Của Tôi' bắt đầu bởi Vương Linh, 20 Tháng chín 2023.

  1. Vương Linh

    Bài viết:
    10
    Chương 30. Làm mẹ - 1

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nghe chị Bình nói cũng có lý, dạo này thấy mình hay thèm ngủ, thèm chua, không thích ăn đồ mỡ. Có khi có em bé thật. Thế là Trúc mua que về thử. Để mai xem có đúng không đã rồi mới kể với anh sau. Đêm ngủ cũng cảm thấy hồi hộp. Sáng hôm sau, dạy phát là chui ngay vào toilet, thử nước tiểu. Trúc nhìn chằm chằm vào cái que, nước tiểu ngấm lên cái que, vạt màu hồng hiện ra rồi kéo lên đúng hai vạch, nét căng. Ôi trời, đúng thật rồi. Hoang mang, làm gì bây giờ nhỉ, còn chưa kịp nghĩ, chưa chuẩn bị tinh thần gì cả. Hít sâu, thở ra từ từ nào.. Vừa mở cửa thì anh đã đứng ngoài cửa:

    - Làm gì trong ý lâu thế?

    Trúc giơ cái que ra, giọng hơi lo lắng:

    - Em có thai rồi.

    Anh mỉm cười tươi rói, ôm Trúc và nhấc bổng lên:

    - Thật hả, anh vui lắm.

    Trúc vẫn chưa cảm thấy vui gì cả. Làm mẹ thế nào nhỉ. Có vui thật không, nghĩ đến mấy bà chị ở cơ quan, mấy cái hồ than thở ý, có thấy kể vui bao giờ đâu nhỉ. Ây dà, liệu mình có làm người mẹ tốt được không hay suốt ngày mặt nhăn như bị rách. Trúc bắt đầu thấy lo lắng, cũng hơi tò mò, không biết con gái hay trai nhỉ. Bắt đầu phi vào tra google, ngày trước học mà cũng không để ý lắm. Rồi lẩm nhẩm tính ngày, cũng sắp đến kỳ, vậy chắc cũng được gần 5 tuần rồi. Trúc gọi ngay cho đứa em chơi thân:

    - Thủy ơi, Chị có em bé rồi.

    - Thật á, nhanh thế.

    Nó cười khùng khục:

    - Máy hịn đấy. Mà chị đã tiêm phòng chưa?

    - Tiêm cái gì? Chưa tiêm gì cả. Giờ phải tiêm gì?

    - À, tiêm trước 3 tháng cơ, tiêm mấy vaccin phòng cúm các kiểu, giờ thì thôi. Đến tháng 5 thai kỳ mới tiêm phòng uốn ván. Vậy chắc chị được 5 tuần rồi hử?

    - Ừ.

    - Đi siêu âm xem thai vào tử cung chưa, cho yên tâm, tim thai thì tuần thứ 7 mới có cơ.

    - Ừ, nếu nó chưa vào thì sao?

    - Vào rồi, chị cưới hai tuần rồi còn gì, nếu không vào thì phải bỏ.

    - Siêu âm ở đâu nhỉ?

    - Ra viện em, em đưa đi. Anh ở viện em siêu âm tốt lắm, em toàn làm chỗ anh ý.

    - Sáng mai nhé?

    - Okie.

    Trúc lật đật chuẩn bị lên trường. Vừa tới phòng giáo viên, bà Bình đã tủm tỉm cười:

    - Thử chưa?

    Trúc gật đầu, mặt nghiêm túc:

    - Chị nói chuẩn thật.

    Bà ý cười phá lên:

    - Chúc mừng em nhé, nhạy hơn cả máy Nhật.

    Bà Hiền mắt tròn mắt dẹt:

    - Nó nhiều tuổi mà nhanh gớm nhỉ, hàng Việt chất lượng cao đấy.

    Cả phòng cười ầm lên. Trúc mỉm cười thẹn thùng, vẫn thấy hơi lo lắng, chưa biết phải làm gì cả.

    Chị Hiền hỏi:

    - Có bị nghén không?

    - Em chưa thấy gì cả, chỉ thèm ngủ nhiều hơn, cứ tưởng cưới xin đi lại mệt thôi.

    - Mua sữa bầu mà uống.

    - Vâng, uống loại gì được chị?

    - Nhiều loại, em thử từng loại xem, Similac cũng được đấy.

    - Vâng.

    Trúc cũng đi mua uống thử, thử loại này loại kia, sao cứ thấy có vị như thuốc kháng sinh nhỉ, dù sao cũng không thích uống sữa, thế là thôi, khỏi uống. Mà tài, toàn thèm ăn vặt, đi ăn linh tinh cả, đến bữa thì no mất rồi. Cứ đủ chất là ổn, ăn gì chả được. Con đầu lòng nên Trúc cũng cẩn thận, lên tận Hà Nội siêu âm vào mấy mốc quan trọng. Nghĩ cũng đúng là có duyên số, khoa học thì nói là do cơ địa từng người. Lúc gần 2 tháng thấy đau bụng dưới suốt, mẹ chồng mua ngải cứu giã uống tươi cả mấy.. mớ thấy cũng đỡ, sau đi khám bác sĩ lại dặn không được dùng, đặc biệt 3 tháng đầu, bảo nó gây co bóp tử cung tăng nguy cơ sảy thai. Theo cổ truyền thì lại an thai, thật chả hiểu. Dù sao cũng không sao rồi, cũng may.

    Từ ngày bụng to, anh không rủ đi chơi nhiều nữa, anh đi một mình, đàn ông thật ích kỷ. Mà bọn gen Y này thật biết giở mặt. Ngày xưa không thấy bia rượu, bóng bánh gì mấy. Giờ thấy phô ra đủ cả, đi làm về là lượn mất mặt, cơm tối không ăn, suốt ngày đàn đúm nhậu nhẹt rồi bóng đá xem đến khuya mới về. Bực, chán chả thèm nói. Kệ xác. Hỏi ra thì lắm lý do. Nay sinh nhật ông này, mai đầy tháng con thằng kia, ngày mốt thì có ông bạn hẹn, lâu lắm không gặp nhau. Bạn bè thì cả đàn, ông nào cũng lâu lắm mới gặp, mà tối nào cũng đi nhậu, không hiểu kiểu gì. Về nhà hôm nào cũng mùi rượu. Đúng lũ điên.

    Mấy tháng cuối, Trúc đòi đi bộ cho dễ sinh, anh ta cũng tận 9h tối mới về, cứ 2 thằng bắt đầu dắt nhau đi bộ thì gặp mọi người từ công viên đi bộ về. Thế là hai đứa bao trọn công viên luôn. Bây giờ thì Trúc cũng thành cái mương than thở, chắc rồi cũng nâng cấp lên hồ than thở trong tương lai.

    - Mày không sợ nó ngoại tình à? Chị Hiền ái ngại.

    - Em kệ thôi, đỡ phải phục vụ, em lo thân em đã. Đúng là bọn hai mặt. Trước khi cưới thì rõ tử tế. Chị biết không, tối nào cũng đến, không bao giờ thấy nhậu nhẹt gì, bóng đá còn không xem. Em hỏi thì bảo chúng nó đá quanh năm, xem lúc nào chả được, thế đấy.

    Bà Hiền với mấy chị lăn ra cười:

    - Thằng nào chả thế, chứ không sao bọn nó lấy được vợ.

    - Các chị biết không, tối á, người ta đi bộ xong rồi, về đi ngủ, lão ý mới đưa em đi bộ, điên thế, đường vắng tanh vắng ngắt luôn. Lão ý lại còn cười, bảo thế ít xe, cho an toàn.

    Mấy bà lại nhăn răng cười. Trúc chưa hết bực:

    - Em bực quá, đòi đi bộ sớm, thế là lão ý bảo em ăn tối trước, lão ý về tắm xong lai em ra quán nhậu luôn. Quán nhậu ngay trong Nhà thi đấu, lão cứ nhậu còn em cứ ôm bụng đi bộ quanh Nhà thi đấu.

    - Thế á.

    Các bà ý lại nhăn nhở cười, kiểu không tin lắm. Trúc kể tiếp:

    - Em đi mỏi chân, lão ý gọi vào ngồi, bảo uống hớp bia cho đỡ khát, nghỉ tí rồi lại đi. Cứ như trêu ngươi. Em cũng mệt, lại tò mò xem bọn lão nói chuyện gì, thế là ngồi luôn. Tưởng gì, các ông ý toàn buôn chuyện linh tinh. Đến đoạn các con sâu đã ngấm rượu, ông nào cũng nói, chả ông nào nghe. Thật là vớ vẩn.

    - Thế mày đi làm gì, ở nhà cho khỏe.

    - Thì em biết đâu, tưởng lão lai em ra đấy, đi bộ trong ý cho an toàn, ai biết được hẹn nhậu ở đấy. Mà lão ý còn bảo với lũ bạn là tao có con gái đầu lòng thôi. Xong mấy ông kia còn cười phá lên, bảo có con là tốt rồi, cưới muộn thế là may rồi, đầy thằng còn méo đẻ được kìa. Cạn lời.

    Nói chung sau vụ đi bộ sớm ý, Trúc cũng chả dám đi theo anh ta nữa. Lúc về tim đập chân run, Trúc về đến nhà mới dám thở. Lão ý nhất định đòi lai về, bảo chưa say nhưng đi như tàu lượn. Biết thế khỏi lấy chồng, mệt cả người.
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng hai 2024
  2. Vương Linh

    Bài viết:
    10
    Chương 31. Làm mẹ - 2

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mấy hôm sau, anh lại gọi điện hỏi:

    - Có đi bộ ở Nhà thi đấu nữa không? Tối anh về đón?

    Nghĩ lại đã thấy bực mình, định trêu ngươi mình à:

    - Thôi khỏi, tối nay em đi sinh nhật bạn, khỏi cần anh.

    Anh hơi ngạc nhiên:

    - Hâm à, bụng như cái trống, sinh nhật sinh nhẽo gì, người ta cười cho.

    Trúc tủm tỉm:

    - Đương nhiên là cười vui rồi, em bụng to vẫn nhiệt tình đến nhậu, bạn bè chả cảm động quá ý chứ.

    - Thế đi đâu để anh chở?

    - Không cần, em đi taxi. Thế nhé.

    Nói xong, cúp máy cái rụp luôn. Hehe, tưởng mình không có ai rủ đi chơi à. Tối thấy le te về sớm mới sợ chứ. Chắc bị cảm rồi.

    - Thế sinh nhật ai?

    - Sinh nhật bạn.

    - Bạn nào?

    - Anh không biết đâu, lâu lắm.. không gặp nhau. Trúc hơi dài giọng cuối câu nói, trêu ngươi cho bõ tức.

    - Thôi, ở nhà đi, bụng to thế kia rồi, tí đi bộ ra công viên rồi về ngủ sớm, nhé?

    - Không, hẹn rồi, đã bảo lâu lắm không gặp. Mà mấy tháng em không đi đâu chơi rồi, giờ có người rủ, em phải đi chứ, ở nhà chán lắm rồi. Anh hôm nào chả đi, sao lại cấm em.

    Anh có vẻ hơi đơ tí, xong tặc lưỡi:

    - Thế để anh chở đi.

    Mặc cái váy bầu đi xuống, anh nhòm nhòm:

    - Không trang điểm tí à?

    - Không, em vẫn xinh mà, sao phải phí tiền, mất thời gian.

    Anh chỉ biết nhe răng cười: - Đến chịu em thật.

    Anh chở đến cổng rồi về luôn, bảo lát anh đón. Lũ bạn tưởng Trúc nói đùa, vậy mà ra thật, chúng nó đã ra nhà hàng, oánh chén được một lúc rồi, thấy Trúc khệ nệ bước vào, bọn nó hét ầm lên, vỗ tay đôm đốp. Cái Thảo chạy ra đưa tay kiểu đỡ lấy cái bụng Trúc, nhăn nhở cười:

    - Vẫn ham vui gớm nhỉ, thế còn chê anh ý.

    - Chê đâu, tao chỉ phản ánh sự thật.

    Trúc cầm cái túi áo sơ mi dúi vào anh Toàn, chủ nhân bữa tiệc:

    - Chúc mừng sinh nhật anh zai nhé.

    Ông anh cười tươi rói:

    - Cảm ơn 2 mẹ con nhé. Em ăn gì nào? Để anh phục vụ?

    - Thôi khỏi, em tự lo được, không phải gọi thêm đâu. Bụng to thế này, làm gì còn chỗ mà ăn chứ. Trúc hơi nhăn nhở cười.

    Lâu không đi chơi, vui thật. Cả lũ tám chuyện, ăn xong cafe, hát hò ầm ĩ. Đang phấn khích chọn bài để hét thì chuông điện thoại. Anh gọi:

    - Gì anh?

    - Ra đi, anh đợi ở cổng rồi.

    - Gì chứ, còn chưa đến 9h. Anh về trước đi, lát em gọi taxi.

    Tắt máy. 5 phút sau lại gọi lại. Giọng anh có vẻ hơi bực mình:

    - Về đi, muộn rồi, nhanh lên, muỗi đốt sưng người rồi, nóng chết đi được.

    - Ờ, đợi em tí.

    Trúc ra chào mọi người rồi về. Cái Thảo chạy theo:

    - Chị về luôn á?

    - Ừ, chị về không lão chồng lại cùn lên.

    Nó có vẻ không yên tâm, đi cùng Trúc xuống tầng 1 rồi mới quay lại.

    Anh mỉm cười:

    - Sinh nhật Thảo à?

    - Không, sinh nhật anh Toàn còi. Từ từ để em lên xe đã, bảo xong rồi mới đi nghe chưa? Anh lại uống rượu à?

    - Uống có cốc bia thôi.

    Trúc thở dài, ì ạch vắt chân trèo qua yên cái xe máy. Anh vừa đi vừa hút thuốc.

    - Anh lại hút thuốc nữa, vứt đi, em hít vào bây giờ.

    Anh nhăn nhở cười:

    - Tập dần cho quen, có tí khói chứ sao đâu.

    Trúc gằn giọng:

    - Còn không vứt đi?

    - Đây.

    Anh cố hít một hơi nữa rồi mới ném điếu thuốc đi. Về đến nhà, anh tủm tỉm cười:

    - Đi bộ nữa không?

    - Không, chết mệt. Mai đi.

    Nhìn Trúc nằm lăn ra giường, cái bụng thật đồ sộ. Anh cứ nhìn nhìn rồi cười hỏi:

    - Sao bụng em to thế nhỉ? Có ăn nhiều quá không?

    - Gì, thế là còn bé đấy, nhiều đứa tăng cân phi mã trông còn gớm hơn.

    - Nhưng cái Vân ở cơ quan anh cũng 7 tháng mà không to thế.

    - Giờ lại tò mò thắc mắc cơ đấy, vợ anh lùn với lại còn tùy vị trí rau bám tử cung ông ạ, nên to nhỏ sao giống nhau được.

    Anh có vẻ hơi lo lắng:

    - Thế lúc đẻ phải to lắm nhỉ, căng đét như quả bóng, cũng tài thật, sao có thể to khiếp vậy, mấy thằng sâu bia cũng không to đến thế.

    - Ôi giời ơi. Trúc không nhịn được cười:

    - Anh hôm nay uống ít mới để ý bụng em à? Nó to ra dần dần chứ có phải như quả bóng thổi phát to ngay được đâu mà lo vỡ.

    Trông cái mặt anh đần ra, nhìn đến ngộ.

    - Thôi ông đi tắm đi, mệt với ông quá.

    Trúc nhoay nhoáy bật tivi chọn kênh.

    Anh tắm xong đi vào nhăn nhó:

    - Lại phim bạo lực, em xem mãi không chán à, xem lắm thế rồi sau con nó nghịch ngợm lại kêu.

    - Tính sau, xem mấy phim kia em đoán được diễn biến, chả có gì hấp dẫn cả.

    Anh bật cười:

    - Em thật kỳ cục, lúc thì phim bạo lực, lúc thì phim hoạt hình.

    Trúc quay ra nghiêm túc:

    - Nói chuẩn đi, phim hành động không phải bạo lực, xem để tăng tốc độ suy nghĩ, phim hoạt hình để duy trì sự trẻ trung và nhân văn. Mấy cái phim anh xem, em bỏ vài tập cũng chả thấy có gì mới, mà xem phim bộ như anh mất thời gian lắm, phim gì máu không cần lên não vẫn hấp thụ được, sốt cả ruột.

    - Ngủ sớm đi, đừng xem khuya quá.

    - Vầng.

    Một buổi tối anh về sớm hơn, hai vợ chồng đi dạo ra công viên như thường lệ. Ngang đường gặp chị San, phố bên cạnh, nghe nói vợ bạn anh, cùng hội chơi với nhau từ bé. Dáng người chị nhỏ nhắn, gọn gàng như thanh niên, trắng trẻo. Khéo ăn khéo nói, lại xinh gái, nghe anh khen chị ấy đảm lắm, lo toan mọi việc đâu vào đấy, nhà cửa lúc nào cũng ngăn nắp, sạch sẽ. Nói chung là khen hết lời. Trúc thì không rõ thế nào, chỉ mới gặp vài lần nên không dám đánh giá. Nhìn chị mặc một cái sooc bò ngắn tũn, cái áo hai dây trễ cổ, không thể trễ hơn nữa, làn da trắng càng nổi bật dưới cái áo ôm sát màu đen ấy. Trúc buột miệng:

    - Chị ấy gần 40 rồi mà mặc như thanh niên ý nhỉ?

    - Ừ, gái phố nó thế.

    Trúc hơi bất ngờ, hay cho câu gái phố nó thế, ăn với mặc, con thì lớn tướng rồi, trông chả đàng hoàng gì cả:

    - Vâng, gái phố, ngực hở đến một nửa.

    Anh vẫn cố bênh:

    - Người ta đẹp người ta mới khoe ra.

    Trúc không nhịn được cười phá lên. Không thể hiểu được tư duy logic của bọn đàn ông.

    - Thế sao không cho em mặc thế? Hơi trễ một tí đã gầm lên.

    - Em có đẹp bằng người ta đâu mà đòi?

    Trúc cười to hơn:

    - Khổ thân nhỉ, chọn gần 40 năm mà không được như ý, sao không lấy mấy đứa đẹp hơn, mấy cô tiếp bia ở quán ý, cả đống nhan nhản ra đấy thôi, nó lại biết nhậu cùng, đỡ phải ra quán.

    Anh chắc hơi tức, cau mày không nói gì.
     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng ba 2024
  3. Vương Linh

    Bài viết:
    10
    Chương 32.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hai tháng cuối lại đúng vào nghỉ hè, cũng may mắn, được nghỉ ngơi suốt. Nhưng bụng to nên cũng chả dám đi đâu, suốt ngày ngồi ôm cái Tivi, ngày ngủ nhiều, đêm lại thức khuya xem phim. Chẳng có trò gì vui cả. Có con thật vất vả. Mấy tháng cuối đã mệt thì chớ, không ăn được nhiều, tí là no rồi. Mà cũng không dám ăn nhiều, tám tháng nó đã ba cân tư rồi, to quá lại không đẻ nổi. Đã thế, thai chèn vào bàng quang, buồn tiểu liên tục. Nằm ngửa khó chịu, nằm nghiêng khó chịu, ngồi cũng khó chịu nốt. Mỗi khi giở người lại phải lấy hai tay đỡ bụng lên. Đến mệt. Chỉ mong nhanh đến ngày, con nó chui ra cho nhẹ người. Thế mà mấy bà ở trường còn bảo, giờ nó ở trong bụng mày còn sướng đấy, muốn bê nó đi đâu thì đi, làm gì thì làm, nó chui ra rồi, phải theo ý nó hết. Trúc hoang mang, còn khổ hơn nữa cơ à..

    - Em ngủ đi, cứ lục sục thế?

    - Em dậy đi vệ sinh.

    - Đi gì mà mấy lần 1 đêm thế. Người ta uống 5-6 lon bia cũng không đến nỗi thế.

    - Anh thử có thai xem nào. Đã không phải mang thai còn thắc mắc nhiều. Ngủ đi. Sao mình không là đàn ông nhỉ, phụ nữ thật là khổ.

    Đi vệ sinh xong, định vào ngủ tiếp thì thấy nước ối chảy dọc theo chân, thôi xong rồi. Chắc sắp sinh rồi. Trúc hốt hoảng gọi anh dậy:

    - Anh ơi, vào viện thôi, nó sắp chui ra rồi

    Anh ngóc đầu dậy, nhìn đồng hồ rồi lại nằm xuống lầm bầm:

    - Mới có 12h đêm, ai vào viện sớm thế. Em ngủ thêm tí nữa đi, vội gì, chưa sinh được đâu.

    - Ô hay, thế tí nữa không kịp thì anh đỡ hử?

    Anh vẫn bình tĩnh hỏi:

    - Sao em biết là sắp sinh?

    - Nước ối chảy ra đây này.

    - Có chắc không? Nước tiểu thì sao?

    - Hâm à, có cả tí máu này, bụng em, em phải rõ chứ, dạy gọi xe đi.

    Thế là lục tục kéo nhau vào viện. Bà mẹ chồng vẫn ngủ say không biết gì. Mà tài thật, anh chưa đẻ bao giờ mà nói chuẩn kinh. Đến tận 6-7h sáng mới bắt đầu xuất hiện cơn đau. Đau khủng khiếp. Bác sĩ bắt đi lại khắp hành lang cho dễ đẻ. Thế là anh một bên, bà chị dâu một bên. Trúc cứ khoác 2 tay vào vai hai người, cơn đau đến là cả người run lên bần bật, đau khủng khiếp, cảm giác kéo cả người xuống mới đỡ đau nên Trúc cứ như tập đu xà, 2 người to vật cố gồng đứng thẳng mà vẫn bị níu cả xuống. Trúc nước mắt nước mũi tùm lum, hét ầm ĩ. Y tá còn quát:

    - Không được hét, mất sức tí rặn sao được.

    - Ôi giời, đau chết mất còn không cho kêu.

    Mấy bà già đi đợi con đẻ động viên:

    - Đau thế kia là sinh được, không phải mổ rồi, tốt đấy.

    Nhưng cũng lạ, cơn đau cứ vài phút xuất hiện xong lại biến mất, lại nhẹ tênh như không. Cứ như giả vờ vậy. Khóc xong lại ráo hoảnh, ăn cháo giữa các hiệp lấy sức. Đau đến tận trưa, bác sĩ khám vài lần mới tiêm Oxytocin gây co bóp tử cung để thúc đẻ. Cuối cùng tận gần 5h chiều, đau vật vã vẫn không đẻ được, tử cung mở hết cỡ rồi, bụng lại dồn ngược lên. Con bé đạp tung bụng lên rồi, cơn đau càng lúc càng dồn dập hơn. Trúc kiệt sức hơi lả đi, thều thào:

    - Mổ đi bác ơi.

    - Gần đẻ được rồi, còn mổ gì.

    - Cháu mệt lắm rồi, có đẻ được đâu.

    Bà bác sĩ như bị ma ám, lúc này nhớ ra mới cho đi siêu âm xong phán xanh rờn:

    - Ngược thai, đầu nằm chếch 30 độ rồi, rau quấn cổ. Phải mổ cấp cứu thôi.

    Xong hớt hải sang gọi người nhà. Trúc bắt đầu lả đi, thấy họ bê lên cáng đùn đi ầm ầm, mắt mơ màng nhắm tịt. Bác sĩ lại đập vào người:

    - Không được ngủ đâu, không được ngủ đâu..

    Thấy họ lật nghiêng người bắt nằm cong như con tôm, tiêm gây mê vào thắt lưng rồi họ gõ vào đâu đấy, chắc là chân:

    - Có đau không, có cảm giác gì không?

    - Không ạ, cháu ngủ được chưa?

    - Chưa ngủ được đâu.

    Nghe cái rẹt một phát ngang bụng, cảm giác khá dài, bé con bị lôi ra, khóc oe óe.

    - Con gái nhé cháu.

    Trúc không nhìn thấy gì nữa, thều thào: - Cháu ngủ nhé?

    - Ừ, ngủ đi.

    Trúc lịm đi, tự nhiên thấy nhẹ bẫng. Không rõ bao lâu, nghe tiếng mẹ, tiếng anh, tiếng ồn ào xung quanh nhưng người như bất động, không cử động được, không mở nổi mắt nữa. Cố gắng mở mắt nhìn con nhưng không nổi.. rồi lại lịm đi..

    Lại tỉnh thức, cố gắng mãi mới hé được mắt ra. Vậy là mình còn sống, tưởng ngỏm rồi cơ. Trúc thều thào:

    - Mẹ ơi mẹ?

    - Con đói không? Ăn tí cháo nhé?

    - Cho con nhìn con bé.

    Bà ngoại bế ra sát Trúc, nó đang ngủ, mặt nó nhăn nheo như bà lão, mũi mốc trắng, trông đen sì, lơ thơ mấy sợi tóc. Trán dô, mũi tẹt dí. Trúc thều thào, thất vọng:

    - Sao nó xấu thế?

    Mẹ chồng lườm cho phát, giằng lấy bế, giọng kéo dài ra:

    - Cháu tôi chỉ có vậy thôi.

    Trúc lại ngất lịm đi.
     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng ba 2024
  4. Vương Linh

    Bài viết:
    10
    Chương 33. Làm quen nhé?

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Hôm sau, cuối cùng Trúc cũng tỉnh dậy, thấy y tá đang vén hết cả váy lên để rửa vết mổ, xấu hổ cũng phải chịu. Nằm ở cái phòng có đến 6 cái giường bệnh, một lô một lốc người nhà bệnh nhân khắp phòng, chuyện trò ầm ĩ. Lại đúng ngày nghỉ lễ. Người đẻ rồi, kẻ chờ đẻ, nhốn nháo như cái chợ. Phòng bệnh cũng chẳng bao giờ sạch được như trên ti vi, giầy dép, kẻ đi người lại tấp nập. Nghĩ phụ nữ cái xứ nhiệt đới này cũng thật siêu phàm, vẫn ra viện ngon lành, chẳng mấy ai bị nhiễm trùng sau sinh cả, cũng có thể do đã được tống kháng sinh dự phòng hết rồi. Trẻ lọt lòng, trộm vía cũng tráng kiệt, vừa chui khỏi cái ổ ấm thì hết người này bế người kia thơm, cũng không dị ứng với ai cả, kỳ lạ thật. Tinh thần thăm hỏi của bà con họ hàng mới thật mãnh liệt. Thấy cứ nườm nượp vào ngó thành viên mới rồi hỏi han tíu tít. Các bà mẹ trẻ vừa vượt cạn xong, sức cùng lực kiệt, nằm cũng không yên, tí lại thấy ngóc đầu dậy chào hỏi và cố nở một nụ cười cho phải phép. Mở mắt ngó khắp bốn xung quanh mà chóng hết cả mặt, Trúc thều thào mấy câu mới thấy bà trả lời.

    - Mẹ, mẹ ơi, mẹ..

    - Tỉnh rồi hả? Uống cốc sữa nhé?

    - Con không đói, con ngủ bao lâu rồi?

    - Hai ngày rồi, cố ăn tí đi mới hồi sức được. Bác sĩ còn dặn nếu tỉnh lại là phải tập đi lại vận động ngay đấy, cho đỡ dính ruột.

    - Con chịu, cho con ngồi dậy tí, ê hết cả người rồi.

    - Con xem có sữa về chưa?

    Chưa kịp trả lời, bà già đã ấn ấn rồi nói luôn:

    - Vẫn chưa căng, phải ăn vào mới nhanh có sữa được.

    Nói xong bà đi ngâm hộp Ensure nước vào cốc nước nóng rồi dí con bé vào lòng Trúc:

    - Bế con đi, mẹ pha sữa cho nó, chắc nó cũng sắp đói rồi đấy.

    - Từ từ, để con lựa tay đã, sao nó bé thế nhỉ?

    - Không bé, được 3 cân mốt.

    - Ủa, trước siêu âm lúc 8 tháng được 3 cân tư rồi cơ mà, sao thế nhỉ, nó gầy đi rồi, chắc tại con ăn ít. Thảo nào da dúm cả vào.

    - Nói ít thôi, sau sinh không nên nói nhiều đâu.

    - Vâng.

    Chưa dứt câu, con bé đã ngọ nguậy, nó lắc lắc cái đầu rồi mở đôi mắt ti hí ra nhìn ngơ ngác. Trời, mắt nó bé tí, lại còn một mí. Nó không nói nhiều, nhắm mắt lại luôn rồi ngoạc miệng ra khóc. Miệng nó rộng khiếp luôn, nhưng nó cũng không khóc nhiều, e e mấy tiếng rồi lại nín, lại e e.. cứ như kiểu thăm dò, báo hiệu là nó đã dạy và đói rồi.

    - Sữa đây rồi, đây rồi, bà mang đến đây.

    Bà tất tả mang bình sữa ra, nhỏ thử lên mu bàn tay kiểm tra độ nóng rồi đặt xuống cạnh tủ đầu giường.

    - Để mẹ cho cháu ăn, con uống sữa của con đi, ấm rồi đấy.

    Bà bế nó rồi vừa cho nó ăn vừa nhí nhá nựng nó. Trúc đổ lọ sữa vào mồm, ngao ngán nhìn khắp phòng, tiếng trẻ con khóc, tiếng người lớn nói chuyện, nhức hết cả đầu. Xa xa, phía cuối giường, mấy bà mẹ trẻ khệ nệ bám thành giường tập đi lại. Ngoài hành lang là tiếng hét, tiếng khóc, tiếng chửi.. chồng của mấy bà mãi chưa đẻ được. Thật là loạn. Chợt thấy anh tươi rói bước vào.

    - Em còn đau không?

    - Nằm im thì không đau mấy, không còn phòng à anh? Ở đây ồn quá.

    - Không, bệnh viện đang sửa nên không nhiều phòng.

    Ngồi mãi cũng chán, con bé ăn được tí rồi lại lăn ra ngủ, chả có việc gì, có tí dinh dưỡng rồi, cũng cố dậy đi lại vậy.

    - Anh đỡ em đi vệ sinh với.

    Đứng dậy đúng là cả một vấn đề, hai cái chân mấy ngày không dùng đến thôi mà nó run lên như muốn khuỵu xuống. Giờ thì vết mổ bắt đầu đau hơn, chắc do vận động nó co kéo. Đi toilet thôi mà như phim quay chậm, rề rệt mãi mới lết ra được cái giường. Ngồi nghỉ tí đã. Thở một lúc xong, Trúc lại bắt anh dắt ra hành lang, hai chân dạng ra, lê từng bước một, cái áo rộng thùng, cái váy như cái giẻ lau, vừa lùng bùng vừa màu trắng đục, nhăn như mặt Trúc. Trông không khác gì đống rơm di động.

    Thấy hai đứa ẻo lả lướt thướt đi qua đi lại, có bà phòng bên còn thân thiện hỏi:

    - Sắp đẻ chưa cháu?

    Anh hớn hở:

    - Vợ cháu đẻ rồi.

    Bà lão cười nhạt:

    - Thế à, vậy mà bụng vẫn to nhỉ.

    Ôi, tâm trạng thật hết nước chấm. Bực cả mình, thôi về, đi thế thôi.

    Một lúc sau, ngực bắt đầu căng tức, chế độ bò sữa đã khởi động, thật thần kỳ. Nhưng bị tắc, con bé mút toát mồ hôi không được tí nào, nó bực mình khóc ầm lên. Lại phải pha tạm sữa. Một lúc sau đã thấy thông tin lan truyền, anh lập tức mang vào mấy cái lá Mít đã hơ nóng, mẹ chồng bảo cầm day xung quanh ngực. Cũng may là hiệu quả, một lúc sau con bé đã ti được. Tình mẹ con bắt đầu thân thiết hơn. Con bé cũng quấn mẹ hơn, nó đánh hơi qua mùi sữa chứ cũng chẳng thèm nhìn ngắm mẹ gì cả. Trông nó thật ngộ ngĩnh, nó ngủ suốt, lăn lóc.

    Chiều hôm sau anh vào, dắt thêm em bé hàng xóm. Thằng bé con ngay cạnh nhà, hai tháng cuối may có nó trò chuyện tâm sự nên đỡ buồn. Nó khá đẹp trai và nam tính dù mới 4 tuổi. Nó thích nói chuyện với Trúc, nó nói đủ thứ chuyện ở nhà nó, rồi cả chuyện thần tượng và giấc mơ sau này của nó, nó muốn giỏi tennis như Novak Djokovic. Thằng bé rất tò mò về em bé trong bụng cô Trúc nên đòi đi xem em bé. Tay cầm chặt gói Bim bim. Nó có vẻ hồi hộp, nhìn mặt hơi căng thẳng, anh nhấc nó lên ngồi cạnh em bé. Nó nhìn chăm chú con bé một hồi lâu rồi nhỏ nhẹ nhưng dõng dạc:

    - Anh Hiếu chào em bé.

    Rồi nó quay sang Trúc:

    - Cháu mang bim bim cho em bé.

    Mọi người bật cười làm thằng nhỏ hơi ngơ ngác. Anh vội giải thích:

    - Cảm ơn anh Hiếu, em bé chưa có răng nên chưa ăn được, chỉ ti mẹ được thôi.

    Thằng bé có vẻ hơi thất vọng, nó liếc nhìn em bé rồi ráo hoảnh:

    - Vậy cháu ăn, khi nào em có răng, cháu sẽ cho em ăn cùng.

    Trúc mỉm cười gật đầu, thằng bé thật dễ thương.

    - Cô Trúc ơi, sao em bé lại bé thế? Sao em bé cứ ngủ thế? Sao em bé không nói gì?

    - Em bé chưa biết nói chuyện, em sẽ lớn nhanh thôi.

    - Bao giờ thì em bé đá bóng được ạ?

    - Cô chưa biết, cháu sẽ dạy em đá bóng nhé?

    - Vâng, em bé tên là gì ạ?

    Trúc hơi ngơ ra, chưa nghĩ đặt tên là gì. Anh trả lời:

    - Cô chú đang nghĩ tên cho em, bây giờ cứ gọi là em bé thôi.

    Thằng bé ngồi ngắm con bé, nó giơ ngón tay trỏ khẽ chạm vào má con bé, có vẻ vẫn rất lạ lẫm rồi lại hỏi hàng loạt câu hỏi tại sao: Em bé là con trai hay con gái? Sao con gái lại tóc ngắn thế, sao mũi em bé lại trắng?

    Trúc ngồi cười đau cả bụng. Anh thấy vậy liền bảo thằng bé:

    - Hiếu ơi, về đi thôi. Mai em bé về nhà lại sang chơi với em nhé.

    Nó gật đầu rồi chào từng người, không quên chào cả em bé. Còn em bé thì vẫn ngủ lăn lóc.
     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng ba 2024
  5. Vương Linh

    Bài viết:
    10
    Chương 34.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sau 5 ngày, Trúc ra viện, hồi phục khá nhanh. Xin về ngoại luôn mà không được, mẹ chồng bảo phải đầy tháng đã. Vậy là chia tay bà ngoại từ đây.

    Về nhà thật thoải mái. Khỏi kiêng khem gì, bẩn chết được, chui luôn vào nhà tắm làm quả sạch từ đầu đến chân luôn. Đã sang tháng 9 dương lịch nhưng trời vẫn oi, điều hòa chẳng ăn thua vì không dám để lạnh quá sợ em bé ốm. Ban ngày mẹ con nhẫn nhịn chỉ để 29-30 độ, nhưng đến tối, anh về không chịu được, hạ luôn xuống 26 độ. Lại cãi nhau chí chóe:

    - Anh để lạnh, con ốm đấy.

    - Lạnh gì trời này, đắp thêm cái chăn mỏng cho con là được, để 29 độ ai mà ngủ được.

    Rút cục, anh vẫn đúng, tài thật. Con bé về nhà bắt đầu thể hiện đẳng cấp. Nó ngủ khìn khịt suốt ngày và đến 23h mới bình minh rồi lục sục cho đến 6h sáng mới lại ngủ được. Khổ thân, bé tí đã mất ngủ, người già nào đọ được với nó. Cả đêm chỉ có ăn, chơi, ị, tè. Thỉnh thoảng nó chắc cũng thấy nhàm nên sẽ khóc oe oe vài tiếng cho náo nhiệt. Sợ cả nhà mất ngủ, Trúc bế nó lên, nó biết luôn mới tài chứ, con bé ngừng khóc ngay. Chắc nó nằm lâu cũng khó chịu. Nó mở đôi mắt bé xíu, e dè nhìn nhìn Trúc, không biết nó có nhìn rõ không, nghe bảo bọn trẻ sơ sinh giống kiểu cận thị do ảnh hưởng tầm nhìn hạn chế trong bầu ối. Tranh thủ nó trật tự, Trúc vừa ôm con vừa ngồi ngủ.

    Một lát sau, nó ngọ nguậy ra vẻ khó chịu, chắc nó nhận ra mẹ nó không được tỉnh táo, sao lại thiếu tôn trọng nhau thế, đang chơi với mẹ thì mẹ lại ngủ.

    Nó nhăn mặt rồi lại định hét lên. Trúc đành phải vác bạn ý đứng lên đi lại, trong ánh đèn bàn lờ mờ, cũng tài, làm sao mà nó cũng phát hiện ra sự thay đổi của trần nhà khi di chuyển, nó háo hức ngắm và nín bặt luôn. Hai mẹ con nhẹ nhàng như ninja, di chuyển khắp trong phòng rồi ra hành lang, không dám bật đèn sợ làm bà thức giấc. Thế nên hàng xóm cũng chả ai biết nó thức đêm ngủ ngày. Mắt nó mở thao láo nhìn trần nhà không biết chán. Cứ tầm gần 2 tiếng, nó xơi một lần, xong nó ị, nó tè rồi nó lại xơi. Bao giờ thì nó biết tự ăn, tự ị nhỉ. Trúc nhìn nó ngao ngán. Cứ mỗi khi đêm về, Trúc như một con rô bốt, chạy một chương trình duy nhất để phục vụ nó.

    Bà nội nó cũng định thể hiện, nằng nặc đòi hỗ trợ trông cháu. Được đúng một đêm thì bà nó khiếp, bỏ chạy thẳng về phòng. Rút cục, chỉ có 2 mẹ con ôm nhau.

    - Sữa sẵn trong người rồi, cần pha đâu mà phải hỗ trợ. Chỉ việc vạch áo ra rồi nó no nó tự nhả, mẹ ngủ con ngủ.

    Bà nó bảo vậy. Mặc dù được trải nghiệm một đêm với tư cách quan sát viên không thường trực, nhưng bà nó tính hay quên, nghĩ ai cũng được ngủ như mình. Cứ 6h sáng, bà nó dạy sang đập cửa:

    - Sáu giờ rồi, dậy thôi Trúc ơi.

    Vừa đặt được người xuống, cảm giác não không còn trong đầu nữa. Chả hiểu dậy để làm gì. Thấy không ý kiến gì, bà lại réo. Anh thò đầu ra:

    - Giờ cháu nó mới ngủ, bà đừng gọi nữa.

    Được cái nhiệt tình với vụ ăn uống, anh đi làm xong, 7h bà đã bê bát canh đầy thịt với bánh đa ụ lên, gọi cửa ời ời. Thấy con bé hơi giật mình vặn vẹo, Trúc bật dậy, mở cửa, hốt hoảng:

    - Bà nói nhỏ thôi, cháu nó dậy bây giờ.

    - Gớm, cho nó dậy.

    Bà ngồi quan sát nó, lấy tay bám vào lưng nó, lay lên lay xuống, cười hinh hích:

    - Ngủ gì mà ngủ gớm ngủ ghê.

    Thế là nó vặn vẹo nhưng cũng không thèm dậy luôn. Lay không dậy, cứ ngủ lăn lóc, đôi lúc dậy ti, ti xong lại ngủ, chả tốn cái bỉm nào. Nó thật là siêu nhân ngủ. Ban ngày, trông nó thật đáng yêu.

    Thỉnh thoảng có người vào chơi, khen nó ngoan, nó vẫn ngủ, đôi lúc nó khẽ mỉm cười hài lòng.

    Con nhỏ, mệt mỏi, ngủ là đam mê duy nhất của Trúc nên ngoại hình chẳng còn quan trọng. Nhờ con ti cộng thêm chườm muối rang nên bụng co lại khá nhanh. Nhưng ăn ngủ không giờ giấc, không chịu tập thể dục nên vẫn béo ị. Tóc đã lâu không cắt, người vẫn như cái chum nên cũng không mặc được đồ cũ, đồ mới sắm không đủ, nó tè ra, sữa chảy ra ướt liên tục, thế là mặc tạm đồ của.. bà ngoại. Toàn vải lanh với đũi, thật dễ chịu. Nhưng trông lôi thôi như mẹ sề thật.

    Sau 2 tháng, con bé thức dậy sớm hơn nên nó đi ngủ sớm hơn được hai tiếng, 2 tháng tiếp nó lại điều chỉnh sớm tiếp được 2 tiếng. Vậy là lúc Trúc bắt đầu phải đi làm thì nó bắt đầu đi ngủ lúc 2h sáng, con bé thật tâm lý. Có con khiến cho cuộc sống và tâm tư của Trúc chỉ xoay quanh nó, quên luôn sự có mặt của bố nó. Bố nó lúc này chẳng là gì cả. Có thân tự lo. Thế nên được thể, đi luôn đến đêm mới về, khỏi ăn tối ở nhà luôn. Đúng là bản tính khó dời, ăn chơi đã ngấm vào máu.

    - Anh làm gì mà giờ mới về?

    - Đi uống mấy cốc bia chứ làm gì.

    - Không về mà bế con, đi cả ngày đến đêm. Chó không thấy mặt chủ.

    - Có biết bế đâu, nó toàn khóc, anh làm gì có sữa mà dỗ được.

    - Hay thật đấy.

    Bà nội nó thấy ầm ĩ, thò đầu vào xem, nghe ngóng rồi nhả từng lời vàng ngọc:

    - Nó đi làm cả ngày vất vả thì cũng phải để nó đi chơi chứ.

    - Thế bà nghĩ con đi làm cả ngày thì không vất vả à?

    - Nó làm ngân hàng mới vất vả chứ mày làm giáo viên thì có gì mà vất vả.

    - Vâng, thế mà ngân hàng chưa nuôi được giáo viên đâu, vẫn tự làm tự ăn đấy mẹ ạ. Còn đẻ con chăm con nữa cơ.

    - Thế mày là mẹ, mày đẻ ra không chăm thì ai chăm? Mới có một đứa con mà đã ầm lên kêu ca.

    - Vâng, con chắc tự đẻ được không cần chồng. Thôi mẹ về phòng đi. Cháu khóc rồi đây này.

    Anh chẳng thèm lên tiếng.

    Đêm đến, nhìn con ngủ, tủi thân, hối hận vì chọn nhầm người, về nhầm nhà.
     
    Chỉnh sửa cuối: 14 Tháng năm 2024
  6. Vương Linh

    Bài viết:
    10
    Chương 35.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    - Alo?

    - Thủy ơi, em biết mua tấm lót sữa ở đâu không?

    - Sao chị không vắt ra, để con bé uống?

    - Nó không uống kiểu đấy, không thích đồ đông lạnh.

    - Ờ, chị ra hàng đồ sơ sinh chỗ phố bán vải ý. Nhiều sữa thế à?

    - Ừ.

    - Thế con bé uống gì lúc chị đi làm

    - Nó chẳng chịu uống gì cả, sữa mẹ hâm lại cũng không, sữa bột cũng không, nó nhịn, đợi chị về, nên hết giờ là phi về, chẳng dám đi đâu.

    - Thế khó nhỉ, chị đổi sữa bột xem?

    - Chị đổi mấy loại rồi, từ Mỹ sang Hàn quay lại Việt Nam, chả uống loại nào cả, điên thế.

    - Thế thì khó đi xả stress rồi, chị phải tập cho nó đi.

    - Chịu, bà pha nó không uống lại đi nấu bột, chả bảo được, bất lực với cả họ nhà nó.

    - Hahaha..

    Từ ngày có con nhỏ, tốc độ đi xe máy của Trúc đã tăng lên từ 20-30km/h lên 40-60km/h. Thật ngưỡng mộ bản thân. Có lần đi tắt qua đường, ngược chiều mất 2-3 mét đường, bị hai chú cảnh sát đuổi theo cả đoạn cũng không biết:

    - Sao tôi gọi mãi mà chị không dừng lại?

    - Ủa, anh biết tên em à? Sao em không nghe thấy nhỉ?

    - Không, tôi ra hiệu cho chị dừng lại lúc chị vừa sang đường ý, chị cũng không dừng.

    - Thế à, em không để ý.

    - Chị làm gì mà đi như ma đuổi thế?

    - Anh nhìn thấy cả ma cơ à?

    - Thôi, cái chị này, chị cho xem giấy tờ xe đi.

    - Sao lại xem giấy tờ của em?

    - Chị đi ngược chiều chỗ cổng trường Dược, vi phạm luật giao thông.

    - Thế ạ? Chỗ cổng trường em là ngã tư mà?

    - Không, cổng trường chị nằm qua dải phân cách nên không được rẽ sang.

    - Qua có 2-3m thôi cũng không được ạ?

    - Không. Đề nghị chị xuất trình giấy tờ.

    - Đây ạ.

    - Giấy đăng ký xe của chị đâu?

    - Không có trong túi đấy ạ?

    - Không, đây chị xem, chỉ có giấy phép lái xe, bảo hiểm và căn cước..

    - Thế em không mang rồi, nó ở đâu nhỉ?

    - Thế chị theo chúng tôi về đồn nhé, tôi sẽ chở chị. Tạm giữ xe, chị về mang giấy tờ ra rồi lấy xe về.

    - Hic, em vội về, đi làm từ sáng, con em nó không uống sữa bò, chỉ dùng của người thôi, cháu khóc khản cổ rồi, anh ghi phiếu phạt giúp em với?

    - Đã có con rồi cơ à? Sao lấy chồng rồi không đeo nhẫn hả?

    Ô hay, hai ông này chuyển ngạch sang cảnh sát điều tra à.

    - Đeo nhẫn lúc thay bỉm nó dính linh tinh anh ạ, rồi rửa tay mãi mà không hết mùi, hóa ra nó tàng hình trong nhẫn nên không đeo được, báo cáo hai anh thế ạ.

    Hai chú cảnh sát trẻ phì cười rồi tha cho một mạng, còn dặn đi chậm chậm thôi nữa chứ. Đáng yêu ghê. Cứ tưởng tội vượt quá tốc độ cơ, hóa ra mình đi cũng chưa nhanh lắm nhỉ, vẫn bị bắt kịp.

    Về đến nhà, thấy bà đang vội vàng lấy cái khăn lau bàn lau mồm cho nó. Trúc hốt hoảng:

    - Sao bà lại dùng khăn lau bàn lau mồm cho cháu thế? Giấy ăn đầy kia thôi.

    - À, thì tiện, vội không sữa nó chảy ướt cổ, nó cứ nhè ra không chịu uống.

    - Vâng, nhưng lần sau bà dùng giấy ăn nhé hoặc khăn của cháu, thế kia mất vệ sinh quá.

    Bà lườm xéo, mặt đanh lại:

    - Gớm, có làm sao, khăn sạch để lau bàn chứ có gì đâu..

    Con bé nghe thấy mẹ về, nó nhao ra, mặt mày rạng rỡ, hét lên vui mừng, nhào ngay vào lòng mẹ. Nhìn thấy ánh mắt, nụ cười của nó, bầu trời như bừng sáng sau cơn mưa. Trúc chưa từng thấy ai cười dễ thương như nó. Ở cái nhà này, chỉ mỗi con bé là đáng yêu. Nó ti xong, cười sảng khoái, niềm vui tràn ngập trên gương mặt. Trúc mà về nhà là con bé không dời, nó như cảnh sát, theo dõi Trúc mọi lúc, mọi nơi. Nó ngồi chơi thế thôi nhưng đôi lúc lại ngó ra nhìn xem mẹ đang làm gì, có trong tầm mắt của nó không. Chỉ cần ra khỏi thị trường của nó là nó nhớn nhác ngay, ngó trước ngó sau không thấy là sẽ kêu ầm lên. Đi vệ sinh cũng không yên với nó. Thật đáng sợ. Nhưng con bé yêu Trúc vô điều kiện, Trúc mặc đẹp hay không, béo hay gầy, thơm tho hay đầy mùi mồ hôi, mùi khói bụi, mặt Trúc đang nhăn hay đang cười.. nó chẳng bận tâm, lúc nào cũng rạng rỡ rồi nhao vào lòng, ôm mẹ, hít hà, cười rinh rích. Nếu không có nó, Trúc sẽ chẳng bao giờ biết được thứ tình cảm như thế.

    - Mẹ ạ?

    - Mai được nghỉ không? Bố mẹ lên chơi với cháu.

    - Con có ạ.

    Sáng hôm sau, ông bà ngoại lên chơi, vác theo một túi rau to bự với 2 con cá cùng hoa quả trong vườn.

    - Ông bà mang gì nhiều thế? Bà nội nó đon đả ra đón.

    - À, tôi mang cho bà với chúng nó ít rau củ sạch, nhà trồng với con cá sông.

    - Ôi dào, mang gì cho vất vả, rau nào chả rau sạch, cá sông trên này chợ bán đầy.

    Ông ngoại quay ra nhìn bà ngoại, cả hai cùng im lặng. Thấy không khí ngượng ngùng, Trúc vội hỏi:

    - Bố mẹ có mệt không?

    - Không, đi xe bus tí là đến, cũng nhanh mà. Linh ra bà bế nào.

    Hai ông bà xúm lại chơi với con bé, bà nội nó thì sang hàng xóm chơi. Đến gần trưa thì ông bà ngoại đòi về, nhất định không ở lại ăn cơm. Nghĩ mà tức, cũng chẳng biết động viên bố mẹ thế nào. Chả trách không ai thích đẻ con gái. Trúc lúc biết có con gái cũng hơi thất vọng chút, thực ra không phải là tư tưởng trọng nam khinh nữ mà nghĩ con gái sau này khổ hơn con trai. Làm gì cũng khó hơn bọn đàn ông, đến thanh xuân cũng ngắn ngủi hơn, không lấy chồng cũng khổ mà lấy chồng thì càng khổ. Có những việc chẳng thể nào bình đẳng được, sinh con hay chăm con chẳng hạn. Truyền thống ở với nhà nội chẳng hạn, bố mẹ chồng ốm thì phải có mặt luôn mà bố mẹ mình ốm thì chưa chắc đã về chăm được. Đúng là nuôi con mới biết lòng cha mẹ. Nếu con cái hạnh phúc thì về già được thanh thản chứ nó mà vất vả thì cứ nghĩ thương con thôi cũng sinh bệnh. Trúc sẽ dạy con thế nào nhỉ, để nó có thể tạo lập cuộc đời hạnh phúc? Nghĩ thôi cũng đã thấy mệt.
     
    Chỉnh sửa cuối: 14 Tháng năm 2024
  7. Vương Linh

    Bài viết:
    10
    Chương 36

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Bà nội con bé nghe nói mất cha mẹ với anh em sau nạn đói năm 1945. Lúc ý bà may mắn được một bà cô trong làng nhận nuôi và cho ăn để giúp việc nhà, lúc mồ côi bà nó mới có 5 tuổi nên không nhớ được mấy. Sau đó bà được hai bác nuôi đến lớn, lấy chồng, sinh con, rồi lên thành phố sống cùng chồng sau khi ông nội nó mua được nhà. Mọi người bảo hồi trẻ bà giỏi giang hoạt bát, buôn bán mau mắn lắm, mà cái thời còn bao cấp, bà vừa làm nhà nước vừa làm thêm bên ngoài, nuôi đến 6 người con. Nghe bà bảo ông nội con bé chẳng được tích sự gì, chỉ vểnh râu đi làm, lương không đưa cho bà, còn đòi hỏi ăn mâm riêng, ăn trước cả nhà cơ. Bà cứ mỗi lần nhắc tới ông là không quên chửi đổng vài câu.

    - Bác nhặt rau gì lạ vậy? Có hoa vẫn ăn được ạ?

    - À rau cải ngồng.

    Bà nó thủng thẳng, nhìn Trúc, mặt vênh lên, hơi nhếch khóe miệng:

    - Nhà quê nhà mày làm gì có rau này mà ăn bao giờ.

    Trúc hơi ngạc nhiên, sửng sốt trước câu nói của bà. À, vậy là chê con dâu nhà quê. Thấy vậy, bác Dung xuề xòa:

    - Vâng, đúng quê nhà cháu không ăn rau này bao giờ thật.

    Trúc suýt không nhịn được cười, chẳng phải quê chị ấy cũng là quê bà sao. Lúc sau thấy chị Dung bê khay cơm nhỏ lên.

    - Mợ ăn cơm trước đi, bà đi có việc, về muộn nên ăn sau

    - Ủa, hôm nay bà không đi chợ hả chị? Hết thức ăn ạ?

    Nhìn vào đĩa thức ăn có vỏn vẹn 3 miếng thịt nhỏ, Trúc hơi ngạc nhiên.

    - Tôi bảo thật, bà chỉ gắp có vậy thôi, bà bảo chồng nó đưa tiền thế thì cho ăn thế thôi. Mợ bảo cậu đưa thêm tiền sinh hoạt cho bà.

    - Vâng

    Trưa anh về, Trúc hỏi rồi kể lại câu chuyện.

    - Anh đưa thêm cho bà hay để em đưa? Chứ ăn vậy lấy đâu sữa cho con, nó đã không ăn sữa ngoài rồi.

    - Ừ.

    - Sao bà không bảo thẳng em hay anh một câu nhỉ. Hóa ra em vẫn là người ngoài, con em là con người dưng.

    Anh chẳng nói gì thêm nữa.

    Trưa hôm sau, đi làm về, vội vàng cho con ti rồi ăn vội, chiều còn đi làm. Vừa ăn, bà vừa thủng thẳng:

    - Trưa mày trông con đi, để bác Dung bác ý ngủ, trưa bác ý không ngủ là đau đầu, chiều mệt không làm được cái gì cả.

    - Nhưng chiều con đi làm, với lại chiều cháu nó toàn ngủ, hai bác cháu cùng ngủ chứ có việc gì đâu mẹ?

    Bà gắt lên:

    - Chiều còn bao nhiêu việc, nhà cửa, dọn dẹp, nó có ngủ mãi đâu, nó dạy thì chẳng phải trông à? Mà không ti mẹ, nó ngủ sao được mà ngủ. Mẹ con mày ôm nhau mà ngủ, có gì mệt mà phải kêu. Có mỗi đứa con đã than thở, người ta còn 5-6 đứa con kìa, ai sướng như chúng mày bây giờ. Ăn còn chẳng có mà ăn, còn lo làm bỏ mẹ ra, làm gì có thời gian mà ngủ với nghỉ.

    Trúc không nói gì nữa. Anh cũng im lặng. Bà nói xong lên phòng đi nghỉ.

    - Mình thuê người để trông con, giờ em trông cả, chiều nó ngủ đến 3 giờ thì 4 giờ em đã về rồi, vậy thuê làm gì?

    - Thôi em trông chút, đằng nào chả cho con ti.

    - Nhưng đến lúc nó ngủ được thì em phải đi làm luôn rồi, còn nghỉ ngơi gì nữa.

    - Thôi đi nghỉ đi, anh phải nằm tí.

    Trúc thở dài, con bé vẫn nằm ê a, mắt nhìn mẹ cười tít. Thôi vậy, bao giờ con lớn, đi mẫu giáo thì mình sẽ nhàn thôi. Trúc tặc lưỡi cho qua ngày. Chiều ra trường, vừa nhìn thấy, bà Hiền đã nhào vào túm lấy Trúc ngay hành lang, vừa đi vừa thì thầm:

    - Này, Trúc, cái Minh nó ly hôn đấy, đang làm thủ tục rồi.

    - Ủa, nó đang đi học cao học mà?

    - Học hay không thì liên quan gì.

    - Vậy ạ, em dạy xong là về luôn, chẳng nói chuyện với ai nên không biết. Thế đứa nhỏ ai nuôi hả chị?

    - Nó đòi nuôi con, hai mẹ con lên ở với ông bà ngoại luôn, bố mẹ nó chuyển nhà lên Hà Nội rồi.

    - Thế cũng tốt.

    Trúc buột miệng. Bà Hiền nhìn nó hơi ngạc nhiên.

    - Chị nhìn gì em?

    Trúc bật cười. Bà Hiền cũng cười theo:

    - Ôi, con bé này.

    - Chứ sao, không chịu được nữa thì thôi, cố làm gì, chẳng thấy có tí ánh sáng nào cuối con đường cả, chuyển sang lối khác có khi gặp cả vườn hoa.

    Trúc thở dài. Bà Hiền lại nhìn chằm chằm nó:

    - Mày lại sao thế? Trúng thầu được hồ than thở rồi à?

    - Vâng, được hẳn hồ than thở đóng băng luôn. Em cũng chẳng biết thế nào nữa, có mấy tháng mà như cả thế kỷ, không biết kỷ băng hà kéo dài đến bao giờ.

    - Ừ, nhìn bà ý sát thủ thế cơ mà, trông mặt đã thấy gớm.

    - Sao ngày trước em không nhìn kỹ mặt bà trước khi quyết định nhỉ, cận đúng là thảm họa.

    - Lúc ý mày mờ mắt vì thằng kia rồi.

    Bà Hiền bật cười khanh khách. Trúc uể oải:

    - Mờ éo gì, em còn chẳng muốn cưới. Kiểu gì ý, không thể hiểu được. Xui thật. Chắc kiếp trước em nợ nhà đấy một mạng.

    Bà Hiền cười to hơn, vang cả dãy hành lang.

    Nghĩ lại, mọi việc chớp nhoáng như một giấc mơ, không, phải là như một cơn bão, giờ ở tâm bão rồi, chạy đi đâu bây giờ. Trúc không dám nghĩ tới tương lai, cố đóng băng mọi dữ liệu không liên quan, chỉ mở một tập tin duy nhất có tên con bé, tương tác duy nhất có ý nghĩa là của Trúc với nó, như vậy mới giúp Trúc có động lực để chiến đấu.
     
    Chỉnh sửa cuối: 10 Tháng sáu 2024
  8. Vương Linh

    Bài viết:
    10
    Chương 37.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Một ngày, lớp trưởng cấp 3 của Trúc báo tin bố một bạn trong lớp mất, hẹn cả lũ đi viếng. Trúc lò dò đi bộ ra nhà thằng kia, nhà nó gần nhà chồng Trúc bây giờ, ngay phố bên cạnh. Bất ngờ nghe thằng Hải còi gọi, giọng nó vẫn y còi như ngày xưa, nó cười toe toét, tay vẫy vẫy liên tục, mắt híp lại trông rất nhăn nhở:

    - Ê, Trúc Trúc, lại đây lại đây.

    Trúc tiến lại gần, bất giác nhìn thấy thằng Thắng ngồi bên cạnh thằng còi, mặt nó thậm chí còn trắng hơn cả ngày xưa, nó mỉm cười nhìn Trúc:

    - Ủa, đi bộ hả?

    - Ừ, nhà phố bên cạnh, tiện đi bộ luôn.

    - Mặc áo ngắn tay thế không rét à?

    - Có hơi hơi nhưng có mỗi cái áo này màu đen.

    Thằng Còi buột miệng:

    - Đâu cần phải áo đen đâu, vẫn bảo thủ như thế. Con lớn chưa?

    - Được 8 tháng rồi. Sao ngồi đây, không vào đám à?

    - Đợi mấy đứa nữa, vội gì, uống cốc nước chè nóng cho ấm nhá?

    - Ừ.

    - Đúng gái một con. Thằng còi nhăn nhở cười quay sang thằng Thắng:

    - Nhỉ?

    Thằng kia cũng nhăn nhở cười.

    - Cười méo gì, khen gì hay chê gì nói luôn, mệt.

    Hai thằng vẫn tủm tỉm cười, không thèm trả lời. Trúc thấy vậy nhăn nhở:

    - Vậy tôi hiểu là khen nha.

    Lát sau thằng Còi như sực nhớ ra, nó đập vai thằng Thắng:

    - Này, hóa ra bà Trúc lấy chú của vợ thằng Cảnh, thế nghĩa là thằng Cảnh phải gọi Trúc là cô đấy.

    Thằng còi nói xong cười khùng khục. Nghe cái giọng là biết chúng nó cà khịa mình lấy chồng già. Sao chúng nó biết mà mình không biết nhỉ.

    - Ông bới đâu ra cái tin vịt đấy thế?

    - Bà không biết à? Về hỏi chồng bà ý.

    Nó quả quyết gớm nhỉ, chắc cháu họ, nhà lão ý lắm anh em họ hàng, mình chưa biết hết thật. Không ngờ chúng nó vẫn quan tâm mình vậy, không biết vác ra buôn bao cuộc rồi, biết cả cháu họ nhà chồng, sợ thật.

    Thằng Thắng tự nhiên ngó Trúc trân trân rồi quay sang thằng Còi:

    - Này, lúc nào nhậu, mày rủ Trúc đi nữa?

    - Mày điên à, Trúc uống được đâu, rủ chồng nó à?

    Nói xong nó lấy chân đá đá vào chân thằng Thắng, thằng này như sực tỉnh, phì cười:

    - Ừ, ừ nhỉ.

    Thêm mấy đứa nữa, đủ bộ, vậy là rồng rắn kéo nhau vào viếng. Lúc bê vòng hoa vào, thằng Còi còn quay lại dặn anh em:

    - Chúng mày nhớ cấm cười đấy, cái mặt rầu rầu tí vào.

    Đang nghiêm mặt, nghe nó nói, tí nữa thì có đứa phì cười. Lúc về, thằng Còi còn nói với theo:

    - Lúc nào họp lớp nhớ đi nhé, bà Trúc.

    - Ừ, tôi về đây.

    Thế mà rồi qua mấy lần họp lớp Trúc có đi được đâu, chẳng rời được con mà thật ra cũng chẳng ai trông cho mà đi. Chán, chúng nó nhắn mấy lần không đi nên chẳng thèm gọi nữa, chỉ có đám hiếu nào ở thành phố là đi được. Gặp bạn bè chóng vánh, ngồi café được tầm 30 phút rồi cũng lại về với con. Lớp Trúc chuyên tự nhiên, chỉ có 3 đứa con gái, toàn con trai và nghịch như giặc. Mỗi lần gặp gỡ như vậy, kỷ niệm lại ùa về. Chút tâm tư vẫn còn vấn vương, luyến tiếc. Bọn con trai đa phần vẫn chưa lập gia đình, chúng nó chững chạc hơn, thành đạt hơn và hay tụ tập.. nhậu hơn. Như chúng nó bảo, vui là nhậu, nhậu là vui. Đến chịu.

    Trúc thích ngắm con lúc nó ngủ và rồi.. ngồi nghĩ thẩn thơ. Nghĩ hôn nhân thật là kỳ lạ, người ta say đắm nhau, muốn về một nhà, rồi lại ngứa mắt mỗi khi nhìn thấy nhau. Chỉ chưa đầy hai năm, Trúc đã thấy anh vô hình, dường như Trúc cũng vô hình trước mặt anh. Nhiều lúc overthinking, cảm giác say mê chỉ là nhất thời, tình yêu thật như bong bóng. Có lẽ anh là một cậu bé mãi không trưởng thành, hoặc đơn giản, anh lấy vợ về cho có, cho xong nghĩa vụ, có vợ con rồi, càng yên tâm đi nhậu hơn. Hoặc có thể Trúc đòi hỏi quá nhiều, cầu toàn quá, hoặc có thể Trúc thật ngớ ngẩn, thiếu thực tế, cứ cho rằng chồng sẽ thực sự là người bạn đời, là tấm chân tình, là người tri kỷ.. Cuộc đời thật vô thường, giờ ở giữa dòng nước rồi, biết đâu là bờ đây. Chỉ có con bé con là thật. Nó lớn lên từng ngày, từng ngày trôi qua thật chậm nhưng Trúc lại không có chút cảm giác rõ ràng nào về thời gian cả.

    Mỗi khi trở về ngôi nhà ý, một cảm giác nặng nề, như chiến binh cô độc, lại dâng lên. Trúc dần câm lặng, không muốn chuyện trò với ai ngoài con bé nữa.

    - Con chào bà.

    Bà già không trả lời, đang nhìn ra cửa, thấy Trúc về, lập tức quay mặt vào trong, mặt vênh lên khó chịu:

    - Về mà trông nhau, tè ướt cả chục cái quần rồi, còn tiếc cái bỉm.

    - Con chẳng nói với bà rồi mà, con không tiếc, nhưng cháu nó bị hăm với mẩn mụn, khổ thân nó, trời nóng thế này.

    - Gớm, có mình con nhà mày dùng bỉm. Đóng bỉm đứa nào chả hăm một tí, có sao đâu. Nhà thì toàn mùi nước tiểu.

    - Bà không xót nhưng con xót, trẻ con thì tránh sao được, lát con lau nhà một lượt là sạch thôi.

    Trúc thở dài, bế con lên gác rửa ráy cho mát. Bà nó ngồi ghế, gườm gườm nhìn theo cho đến khi hai mẹ con khuất dạng. Hai bà cháu nó thật giống nhau, theo dõi Trúc suốt ngày, lên cầu thang cũng nhìn theo, xuống cầu thang cũng nhìn theo, đi ra cửa cũng nhìn với theo, xách cái cặp vào cũng nhìn theo. Tài thật.

    Một hôm, Trúc đi mua dưa chua của bà đầu phố. Bà này chơi thân với bà già dù chỉ hơn con bà già vài tuổi. Bà ý trả lại tiền thừa xong thủ thỉ:

    - Mày đi đâu về thì chào bà nhà mày một câu. Bà ý cứ than thở là nó láo lắm, nói là cãi, giả gioi, về nhà chẳng thèm chào hỏi ai, về là lên phòng nằm.

    Trúc cười ngao ngán. Chả lẽ chào không nghe thấy, mình lại tưởng khinh người không thèm giả nhời. Mình cãi gì mà bảo láo nhở. Mà mình trông con chứ có chơi đâu mà nằm với chả ngủ. Chả hiểu.

    Hôm sau Trúc đi làm về, chào bà, không thấy trả lời, Trúc hắng giọng chào lại, to hơn. Bà già quay ngoắt ra, gầm lên:

    - Ô hay, tao có điếc đâu mà mày phải hét lên thế.

    - Thế ạ, thế sao con chào bà, bà lại không ý kiến gì, con tưởng bà không nghe thấy.

    Bà lườm xéo qua người Trúc, mặt hằm hằm. Trúc thấy bất lực thật sự. Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng. Không hiểu bà khó chịu cái gì, lúc nào mặt cũng hằm hằm như sắp lăn xả vào nuốt chửng con dâu.

    Tối hôm sau, thấy bà gọi cả hai vợ chồng rồi bảo:

    - Dạo này hàng họ cũng chậm mà con bé cũng ngoan, mẹ nó đi làm có nửa ngày, tao tính không thuê bác Dung nữa, để tao trông cháu cho.

    Anh nghĩ ngợi tí rồi gật đầu.

    Sáng ra, luẩn quẩn dọn dẹp, gần đến giờ đi làm, thay đồ xong, Trúc bế con xuống, tìm mãi không thấy bà đâu, lại phóng xe đạp đi đâu mất rồi.

    Trúc đi ra đi vào, sốt hết cả ruột gan. 7 giờ kém 5 rồi, thế này làm sao kịp vào lớp. Đến trường cũng mất 15 phút. Hic, phát điên mất. Không thấy bà về, Trúc đành báo lớp nghỉ. Vừa dứt cuộc gọi thì bà lù lù xuất hiện.

    - Sao giờ bà mới về? Muộn thế này con làm sao kịp vào lớp?

    - Thì tao tranh thủ mày còn ở nhà, chạy ra đây tí không lát không đi được.

    - Thế thì bà cũng để ý đồng hồ chứ, con đi làm chứ có phải đi chợ đâu mà sớm muộn cũng được. Con vừa phải báo nghỉ xong, chán thế.

    - Thì giờ mày gọi chúng nó bảo lại học.

    - Con chịu bà, có phải trẻ con đâu mà lúc có lúc không. Người ta đuổi việc cho đấy.

    - Thì làm sao mà tao biết được, hôm mày đi sớm, hôm mày đi muộn

    - Qua con chả bảo bà nay con đi sớm còn gì.

    - Tao không để ý, mày bảo lúc nào nhỉ?

    - Ôi trời ơi.
     
    Chỉnh sửa cuối: 10 Tháng sáu 2024
  9. Vương Linh

    Bài viết:
    10
    Chương 38. Gửi trẻ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    - Chắc phải nhờ bà ngoại lên thôi anh ạ. Bà nội trông được nhưng giờ giấc cứ không để ý thế này, em không đi làm đúng giờ được.

    - Có một hai lần vậy thôi, em nhắc bà là được.

    - Nếu thế thôi thì đã không nói. Mấy hôm trước, em có 3 tiết, vừa dạy xong một tiết thì bà gọi bắt em về ngay. Bà bị đau bụng do táo bón thôi mà cứ rối lên, bảo không chịu được, xong em bảo nhờ hàng xóm bế hộ chút mà bà bảo nó không nghe, bắt em về ngay. Hôm nó sốt, nó quấy chút cũng bảo phải về vì cho nó uống thuốc không được. Lúc nào cũng mày phải về ngay. Em điên mất.

    - Thế bà ngoại lên thì lại 2 bà có mỗi đứa cháu, mà vất vả bà ra, ông ở nhà ai lo?

    - Em sắp xếp đổi lớp dồn lịch liên tục vào 3 ngày trong tuần, bà lên mấy hôm đấy thôi.

    - Thế tùy em vậy.

    Vậy là thực hiện theo kế hoạch, nhưng bà chỉ bắt xe bus lên sáng rồi tối về chứ không ở lại. Bà nội nó xem ra không vừa ý nhưng cũng không làm thế nào được. Được vài ngày thì bà ngoại góp ý:

    - Mẹ cố trông cháu cho con hết tháng này thôi

    - Sao vậy ạ? Nó quấy quá ạ?

    - Không phải, nó ngoan mà, bà nội nó giành làm hết, có việc gì đâu, bà nó trông được, cứ để bà nó trông.

    - Ây dà, lại thế nữa. Bà nội nó cứ lúc nọ lúc kia đấy, không được lâu đâu. Thôi mẹ trông giúp con 1 tháng nữa, cho hết học kỳ này đã. Không tin được bà nội nó đâu, lắm chiêu lắm.

    Cuối kỳ học, giờ giảng ít hơn, một số khóa lớp kết thúc trước nhưng còn vài lớp chưa xong nên Trúc vẫn phải lên trường, tuy lịch giảng đã thoáng hơn, ngày chỉ 2-3 tiếng vắng nhà.

    - Chiều nay con dạy đến 4h mới xong. 12h40 con phải đi rồi, mẹ lại trông cháu giúp con nhé?

    - Lại đi à, sao bảo xong rồi, bà ngoại mới về?

    - Con vẫn còn 2 tuần nữa mà còn 3 lớp thôi.

    - Thế sao không bảo bà ngoại mày trông nốt cho, giờ lại khiến tao?

    - Thì con đã thưa chuyện với mẹ rồi còn gì, đợt trước con bận hơn, sợ bà vất vả mới nhờ bà ngoại hỗ trợ, giờ đỡ hơn thì bà trông cháu giúp con là được mà.

    - Tao nói cho mày nghe nhé, mày cứ rách việc nọ kia, có mỗi đứa trẻ, nó cũng ngoan, sao phải hai bà trông, bà mày lên cũng có việc gì đâu, ngồi xem ti vi suốt đấy chứ.

    - Vâng, thế con mới bảo bà về, thôi bà trông cháu giúp con nhé.

    Trúc thở dài. Bà thì lườm xéo, bĩu môi nguýt dài một tiếng. Đến mệt, kiểu gì cũng nói được, không nhờ thì tự ái, nhờ thì cành cao cành thấp. Nó còn bé quá, chứ không chắc cũng tính đường đi gửi trẻ. Sang học kỳ mới, Trúc định cho con bé đi mẫu giáo.

    - Bà bảo không trông nữa à? Bố nó thắc mắc.

    - Bà chả bảo gì nhưng em muốn gửi cho chủ động công việc.

    - Nhưng nó bé quá, đi mẫu giáo khổ con ra. Thế để anh bảo bà hỏi xem trong ngõ có ai trông ở nhà không thì gửi.

    Hôm sau đã có kết quả, vậy là con bé lên đường đi bộ đội, bố nó gọi như vậy, bảo rèn luyện có kỷ luật.

    - Ủa, bà không cho cháu đi sang nhà bà Mai à?

    - Không, nó ngủ dạy muộn, cho ở nhà sáng nay. Trưa mày bế nó sang.

    Túm lại là có buổi trưa, bà cần nghỉ đúng giờ, không dỗ nó ngủ được nên nhất định buổi trưa là nó phải vắng mặt. Có hôm thì chiều bà ngủ dạy, đã vào đón cháu, cháu còn chưa dạy. Được vài hôm, bà Mai góp ý:

    - Vợ chồng mày gửi nó thì gửi đúng giờ, đón đúng giờ, cứ lộn xộn thế này, cô không giúp được đâu.

    Thế là phải có kỷ luật. Mùa hè, 4h30 chiều vào đón đã thấy con bé tươm tất, tắm rửa xong xuôi. Có một thằng nhỏ, lớn hơn con bé chút, hôm nào đưa đến đón về cũng thấy trong cũi, ngay giữa nhà, đứng xem ti vi. Bà Mai bảo nó nghịch lắm, nó ra khỏi cũi thì tung nhà, chạy lung tung không trông nổi. Nghĩ bọn trẻ cũng tội, nghịch quá cũng khổ. Thứ 7, chủ nhật cho con bé nghỉ. Có điều Trúc không hiểu, từ ngày gửi trẻ, nó rất sợ tắm, mãi mới nịnh được nó ngồi vào thau tắm. Mà trước đây nó rất thích tắm. Hỏi nó chẳng nói gì nên Trúc nghĩ đơn giản nó mải chơi, không muốn tắm thôi. Có hôm được nghỉ, vào đón sớm, thấy con bé đang được bà Mai tắm cho, đứng giữa nhà tắm khóc, bà Mai cầm vòi sen phun nước từ trên đầu xuống, vừa gội vừa tắm như thanh niên luôn, Trúc vội vàng vào hỗ trợ, thấy nước lạnh ngắt. Trúc hỏi:

    - Ủa, bà tắm nước lạnh cho cháu ạ?

    - Thì mùa hè, nóng thế này, tắm thế cho mát, nó nô mồ hôi mồ kê đầm đìa kìa.

    Khổ thân con bé, thảo nào nó sợ tắm. Mình còn không dám tắm nước lạnh, càng không dám dội từ trên đầu xuống thế kia. Rút cục, gửi được gần hai tháng thì lại xin cho con bé nghỉ. Lại phải nịnh nọt bà nội nó trông hộ nốt học kỳ đấy. Thôi, qua mùa đông này là được 2 tuổi rồi, cho nó đi mẫu giáo vậy. Có một đứa trẻ đã thấy loạn rồi. Bao giờ mới dám sinh đứa nữa chứ.
     
    Nghiên DiHạt đậu xanh thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 15 Tháng tám 2024
  10. Vương Linh

    Bài viết:
    10
    Chương 39.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Vậy là mùa thu tựu trường, con bé bắt đầu đi mẫu giáo. Lớp nó bé bé, chắc khoảng 50m2, khoảng 30 cháu, nhìn chúng nó chạy qua, chạy lại thôi cũng hoa cả mắt. Vậy mà có 2 cô trông. Giỏi thật. Cái bọn lóc chóc chỉ cho đi vệ sinh thôi, 30 đứa cũng hết ngày, còn dạy dỗ thế nào nữa. Có lần sang đón con bé sớm, cuối giờ chúng nó chơi tự do nên thích, lại bắt mẹ đợi. Ngồi một lúc thôi mà ong hết cả thủ. Cô đưa cái quần của nó.

    - Trưa nay cháu ị, em giặt rồi nhưng phơi chưa kịp khô chị ạ.

    - Cảm ơn cô

    Con bé lanh lợi lắm, đến mức nó chả bao giờ nhớ cô dặn gì. Nhưng sau chắc cũng mưa dầm thấm đất, nó nhất định phải ị ở nhà trước khi đến lớp, nó bảo cô dặn vậy. Tưởng nó bày trò không muốn đến lớp cơ, sau thấy bà hàng xóm có cháu gửi mẫu giáo cũng bảo vậy. Rồi con bé cứ đi một tuần lại nghỉ một tuần vì ốm, mùa đông rét mướt thật đáng sợ..

    Vài tháng sau, nó bắt đầu quen nên ít ốm hơn, lại thích đi nhà trẻ. Có hôm nó về, tắm cho nó thấy lưng đầy đốm đỏ nhỏ li ti như xuất huyết mà không phải, trông giống muỗi đốt, cũng không phải, muỗi sao lại chỉ đốt ở lưng, mà sao chi chít như vậy. Hỏi nó bảo con không biết, cũng chịu. Mấy hôm sau, nó líu lo:

    - Mẹ ơi, hôm nay lớp con có cô giáo mới, cô Ninh hiền lắm, không đánh các bạn.

    - Thế cô có đánh con không?

    - Không, cô kia thì hay đánh hơn.

    - Sao cô lại đánh các con?

    - Tại các bạn cứ chạy, cô bảo ngồi một chỗ không nghe.

    - Cô đánh bằng gì?

    - Cô có cái que dài lắm, cô ngồi một chỗ mà vẫn vụt được vào lưng các bạn.

    - Thế à, que bé tí phải không?

    - Đúng rồi, sao mẹ biết?

    Trúc bật cười:

    - Lưng con đầy nốt đấy thôi, con cũng chạy nên bị vụt hử?

    Nó chỉ cười, gật gật.

    - Có đau không?

    - Không, đau tí thôi mẹ ạ. Nói chuyện còn đau hơn, cô dán băng dính vào mồm, lúc bóc ra đau lắm mẹ ạ.

    Trúc thở dài, cái khó ló cái.. chiêu. Chẳng trách các phụ huynh chỉ thích gửi tư nhân, lớp ít bé, các con được chăm nhiều hơn. Trúc cũng định vậy mà bác nó góp ý, bảo gửi tư nhân, các cô chưa chắc được đào tạo chuẩn, các cô chỉ làm hợp đồng, chỉ trông thôi, chả dạy dỗ gì mấy đâu, cũng không có gì ràng buộc, nếu chẳng may xảy ra sự cố, thường nghiêm trọng hơn. Trường tư thì phải chọn trường tốt hẳn, mà lại xa. Nghe cũng có lý, nên theo bác nó.

    Chưa được 3 tuổi, con bé phải sang ngủ với bà vì sắp có thêm em. Nó nghịch ngợm, nhảy nhót trên giường rồi ngã cả vào bụng mẹ, đập chân tay vào bụng mẹ là chuyện cơm bữa, nó còn có sở thích ngồi lên bụng mẹ đung đưa, nó chẳng hiểu sao lại có em bé trong bụng, nó có nhìn thấy đâu nên nó không quan tâm lắm. Mấy hôm đầu, nó cũng khó chịu nhưng được cái bà nó cũng cho nó ngồi trên bụng nghịch ngợm, bụng bà nó to, dập dềnh, nó thích lắm, bảo êm hơn bụng mẹ.

    Thêm một tuổi, thêm mệt mỏi khó chịu. Có đứa thứ 2 cảm giác khác hẳn, lại còn dọa sảy, Trúc phải nghỉ gần 1 tháng lúc có dấu hiệu nguy hiểm. Cũng chẳng bận tâm giới tính của con là gì, chỉ sợ mất nó rồi không có lại nữa. Có bầu mà lo ngay ngáy. Lúc 10 tuần thì yếu người, cảm thấy lạnh mà anh nhất định phải bật điều hòa không thì nóng không ngủ được, đi nhậu về mà, lúc ý cũng vào hè, trời cũng bắt đầu nóng. Sáng hôm sau, người như con tôm luộc, toàn thân phát ban như rubella vậy. Hai hôm sau mới đi khám được thì đã hết triệu chứng. Nhất định phải khám nhà bác sĩ Cường, siêu âm xem có sao không.

    - Bác ơi, có sao không ạ? Tai nó có sao không?

    - Tôi làm sao mà nhìn thấy tai con nhà chị có sao không.

    Ông ý quát lên. Mà nghĩ cũng đúng, nhìn làm sao được. Không thấy ông ý nói gì nên cũng yên tâm một chút. Anh thì chả lo lắng gì, bảo có bầu, nóng nên ai chả bị vậy. Chắc do hay lo nên cứ hơi cảm giác khác lạ là Trúc lại đi siêu âm. Không thấy con đạp cũng phải đi ngay, nó đạp kiểu gì mà bụng trồi lên một cục cứng và to như quả chanh cũng lại đi kiểm tra ngay. Trúc cẩn thận lắm, đi xe máy thì chậm như người ta đi xe đạp, trời mà mưa là đi taxi ngay.

    Rồi cũng đến 38 tuần, tự nhiên một đêm tào tháo đuổi liên tục dù chả ăn linh tinh gì, thế là sáng hôm sau phi luôn lên viện Sản Trung ương.

    - Không sao cả, được 3.4 kg rồi, cũng hơn 38 tuần rồi, có thể mổ được rồi đấy.

    - Vâng.

    Trúc về nhà trọ tầng 2, ở ngay cổng viện, cứ phân vân mãi, muốn đủ 39 tuần cho con cứng cáp hơn. Gọi cho anh:

    - Bác sĩ bảo mổ được thì mổ luôn em ạ, chứ ăn ở chờ đợi thế cũng không tốt, cơm quán cũng không đảm bảo mà bà ngoại ở đấy suốt cũng vất vả.

    - Vầng, thế vậy, thế anh có xem giờ sinh không hay em gọi luôn cho bác sĩ để anh ý xếp lịch?

    - Ừ, để anh nhờ xem qua giờ nhé.

    Đến chiều thì anh gọi, vậy là chốt lịch hôm sau mổ luôn. Nhập viện, ngồi đợi gần 2 tiếng đồng hồ vẫn chưa đến lượt.

    - Anh ơi, sắp đến em chưa ạ? Sắp qua 9 giờ rồi?

    - Em ơi, không đúng giờ như em muốn được đâu, hôm nay đông lắm, còn chưa có bàn mổ đâu, phải đợi nhé.

    Giọng anh bác sĩ hơi quát lên. Trúc đành im lặng chờ đợi thêm hơn hai tiếng nữa mới tới lượt. Đói cồn cào mà không được ăn. Cuối cùng cũng được gọi vào khu vô trùng. Ngồi với khoảng chục mẹ nữa, các mẹ thì thào nói chuyện, cứ một lát lại có một em bé được bế ra, đặt vào xe đẩy ở hành lang, các mẹ lại xì xào nhận xét. Xe đẩy 2 tầng, mỗi tầng đặt được 4 bé.

    - Buồn cười nhỉ, đứa khóc đứa ngủ, chả liên quan gì, hi hi

    - Trông khác nhau nhỉ, đúng là giỏ nhà nào quai nhà ý, thế này nhầm sao được nhỉ.

    Các mẹ có vẻ yên tâm hơn. Mà đúng thật, đứa to đứa bé, đứa béo đứa vừa, có đứa trắng phốp, có đứa lại đỏ đỏ, có đứa da lại ngăm ngăm, có đứa sạch tinh nhẵn nhụi, có đứa còn đầy màng trắng bám trên da, có đứa da nhăn nheo lại có đứa căng mịn. Đấy là còn chưa nói tới tóc. Có bé chỉ lơ thơ vài cái tóc, có đứa thì tóc đen rậm, có đứa như hói vậy. Trông chúng thật ngộ nghĩnh. Đứa thì khóc oe óe, đứa thì gào lên, có đứa lại vênh mặt lên ngủ như không nghe thấy những ồn ào xung quanh. Đa phần các mẹ toàn đẻ mổ nên không nghe thấy tiếng gào khóc của các mẹ, chỉ có tiếng của trẻ lọt lòng và tiếng đẩy xe, tiếng đi lại của y tá dọc hành lang.
     
    Nghiên DiHạt đậu xanh thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 4 Tháng mười 2024
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...