Hiện Đại Gió Qua Miền Nhiệt Đới - Vương Linh

Thảo luận trong 'Truyện Của Tôi' bắt đầu bởi Vương Linh, 20 Tháng chín 2023.

  1. Vương Linh

    Bài viết:
    10
    Tên truyện: Gió Qua Miền Nhiệt Đới

    Tác giả: Vương Linh

    Thể loại: Hiện đại


    [​IMG]

    Giới thiệu:

    Phải chăng số phận là có thật? Người ta gặp đúng là người ta cần gặp; Bất cứ điều gì xảy ra thì nó cũng là điều phải xảy ra? Nên vui hay nên buồn? Sau cùng, tất cả chỉ như những cơn gió qua miền nhiệt đới, ấm hay lạnh, chỉ riêng ta biết, do ta cảm nhận. Hãy luôn là chính mình và sống tích cực hơn nhé. Hãy để ngày mai luôn là một ngày mới.
     

    Đính kèm:

    Chỉnh sửa cuối: 15 Tháng tám 2024
  2. Vương Linh

    Bài viết:
    10
    Chương 1. Trải nghiệm mới - 1

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đã lâu lắm không có giảng viên trẻ về trường nên khi nhận hai cô bé vừa chân ướt chân ráo ra trường, Hiệu trưởng cũng phấn khởi ra mặt, đồng ý tu sửa ngay khu tập thể cho giảng viên từ mấy phòng kho cũ gần ký túc xá. Trúc là một trong hai cô bé đó. Dáng người nhỏ nhắn, nước da trắng với khuôn mặt tròn tròn. Nhìn mặt Trúc, nói tích cực thì là thật thà, nói thực tế thì là ngô ngố, ngoài học ra chả biết mù tịt gì cả. Mới về, để không mất lòng đồng nghiệp nên cứ gặp người hơn tuổi là nó lại chào anh, chào chị, chào chú, chào cô hết lượt. Chị Hiền thấy chào liên tục nên hỏi:

    - Em quen à?

    - Không ạ, ủa, vậy cô ý không phải giảng viên ạ?

    - Không, haha, sinh viên tại chức đấy.

    Ngày hai buổi đến trường, đi sớm về đúng giờ. Hằng ngày, nó đến sớm tầm mười, mười lăm phút, rửa ấm chén, đun nước, pha trà, quét phòng và dọn dẹp bàn làm việc. Làm viên chức, nhân viên mới là phải như vậy mới hợp lẽ thường, nói vậy chứ chưa có gia đình, buổi sáng không có việc gì thì đến sớm giúp đỡ mọi người chút cũng là việc nên làm. Vì thế Trúc cũng không lăn tăn gì, so với đi học thì sướng chán rồi. Các anh chị sáng nào cũng tất bật, người đi chợ, người đưa con đi học, thật là vất vả.

    Những ngày đầu cảm giác phiêu phiêu, cứ lẫn lộn, không hiểu mình là giảng viên hay sinh viên. Nhiều đêm giật mình thức giấc. Chết rồi, sáng mai thi mà chưa học gì cả. Mất đến mười phút để định thần. Không đúng, sáng mai đi coi thi thôi, là cô giáo rồi mà, giật cả mình, lại nằm xuống ngủ tiếp. Có đêm lại mơ thi trượt gì đấy, khóc cả trong mơ. Sáng dậy còn thấy mắt ướt, hoang mang mất mấy phút mới tỉnh hẳn, rồi lại cười khùng khục.

    Cảm giác cuộc sống thật nhẹ nhàng và dễ chịu, có lẽ Trúc hợp với nghề này. Không bon chen, không tính toán, cứ an phận và yên lặng mà sống. Thật thảnh thơi.

    Mặc dù là trường chuyên nghiệp nhưng đa phần giảng viên rất giản dị, một số ăn mặc không giống người thành phố chút nào, cứ như ở quê vậy, thậm chí độ diện dàng thua xa giáo viên cấp một. Vậy tốt, dù sao Trúc cũng không thích diêm dúa, lòe loẹt.

    Hôm nay Trúc xin dự giờ chị Duyên, chị mới chuyển từ kinh doanh sang được hơn một năm thì đi học thạc sĩ, giờ đã học xong, lại về lên lớp. Chị hơn Trúc tận mười mấy tuổi nhưng khá trẻ so với tuổi. Không cao nhưng dáng người nhỏ nhắn, lúc nào cũng mặc váy liền thân và đi giày cao gót, trông rất thanh nhã. Trúc rất thích phong cách của chị, nhưng thật khó mà bắt chước được, nhất là khoản mang giày cao gót tới mười phân, đau chân chết mất, xấu cũng chấp nhận vậy. Chị Duyên có bàn tay rất đẹp, ngón tay thon dài búp măng, móng tay để dài và được chăm chút rất cẩn thận. Nghe nói chị ra trường là lập gia đình luôn, anh chị học cùng nhau hồi phổ thông, chị học Dược nhưng lại về làm trợ lý ở công ty của chồng suốt gần chục năm.

    Sau khi có chuông báo, Trúc nhẹ nhàng vào cửa sau, xin được ngồi ké hai sinh viên bàn cuối, mỉm cười thỏ thẻ:

    - Hai bạn cho mình ngồi cùng nhé?

    Hai sinh viên nhìn Trúc, cau mày, một đứa vênh mặt lên, giọng quyền lực:

    - Lên bàn trên ngồi đi, bàn này của bọn tớ rồi, chật thế này ngồi sao được, lần sau đi học với lớp khác thì đi sớm đi nhé.

    Trúc cười lúng túng, chưa kịp giải thích thì chị Duyên nhẹ nhàng giới thiệu và đi xuống giải nguy. Hai em sinh viên có vẻ không thoải mái lắm, tò tò đi lên bàn trên ngồi.

    Mỗi khi đi dự giờ, căng thẳng hơn cả sinh viên vì phải nghe và nhớ hết cách trình bày, cách lấy ví dụ, cách tổ chức lớp học.. Nên chỉ dự giờ một tiết thôi là phải xin phép chuồn ngay, không là tẩu hỏa nhập ma mất.

    Môn Trúc dạy có cả thực hành nên khá bận. Mỗi giảng viên sẽ dạy hai tổ trong một buổi. Sinh viên sẽ dồn phòng đầu giờ nghe giảng và hướng dẫn. Hai phòng dồn vào một nên chật ních, ngồi vây quanh bàn thực hành. Đó là một cái bàn dài gần hết phòng, xây ở giữa phòng, rộng tầm một mét hai và được ốp đá hoa trắng tinh. Sinh viên ở một tổ khác phải cầm ghế sang tổ bạn, chậm chân là phải ngồi vòng ngoài, không có bàn để viết. Có đứa đi muộn chút, đến ngồi ngay sau lưng Trúc, gõ vào vai, thì thầm:

    - Này, cậu đi thực tập bù à? Cho tớ mượn lưng đặt vở để ghi bài nhé?

    Trúc chưa kịp phản hồi, con bé kia đã hồn nhiên thực hiện. Lát sau nó lại đề nghị ngồi im cho nó viết.

    Lúc sau, Anh Hoàng giảng xong, lũ sinh viên được rời về tổ, tự do thực hành, chúng nó bảo nhau cười khúc khích, em sinh viên kia cúi đầu ngượng đỏ mặt. Trúc thì uể oải, ê cả lưng, đứng quan sát sinh viên làm thí nghiệm mà thấy phấn chấn lạ. Oài, thật là dễ chịu, không phải lo thi cử học hành nữa, hehe..

    Dự giờ anh Hoàng là vất vả nhất, anh ý thích giảng giải, thích hỏi sinh viên, theo qui định chỉ hướng dẫn đầu giờ khoảng ba mươi đến bốn lăm phút nhưng hầu như bài nào anh cũng phải nói đến hơn tiếng, mà anh này có khả năng kỳ lạ, đấy là làm cho mọi thứ như trở thành mê cung, ung cả thủ. Mệt vãi, lần sau không dự giờ đại ca nữa, ngu gì.
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng chín 2023
  3. Vương Linh

    Bài viết:
    10
    Chương 2. Trải nghiệm mới - 2

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Sau khi dự giờ hai ngày đầu tuần, Trúc được chỉ định một ca thực tập cuối tuần để giảng, sẽ là ca mà chú Chương dạy. Trước khi giảng, phải học thuộc tất cả những gì định nói, không được học vẹt kiểu sinh viên nữa, phải thả hồn vào nhân vật, như kiểu diễn viên tập thoại trước gương. Sau đó là tập viết bảng và trình bày trên bảng. Khốn khổ, chữ viết giấy không xấu nhưng viết bảng không quen, lượn lên lượn xuống, chữ to chữ nhỏ như bọn tiểu học. Mất thời gian với món này quá. Lần đầu tiên nói trước đám đông, cảm giác hồi hộp kinh khủng, tim đập thình thịch, hơi thở mờ hết cả kính cận. Cũng may sinh viên ngồi im lặng chứ lúc ý là không nhìn thấy ai nữa rồi, cứ nói theo kịch bản thôi. Cuối cùng cũng xong.

    - Các bạn có thắc mắc gì không nhỉ? Vậy chúng ta bắt đầu làm nhé.

    Xong, tranh thủ lúc bọn kia còn gấp giấy cân và tranh nhau cân hóa chất, Trúc lẽo đẽo theo chú Chương về phòng bộ môn, hồi hộp đợi nghe nhận xét.

    - Có run không? Anh Lam hỏi.

    Trúc vẫn thở hơi gấp, chưa hết hồi hộp:

    - Có ạ, em vẫn tim đập nhanh này.

    Chú Chương cười:

    - Thế à, nhưng chú thấy không run nhé, run nội tâm thôi. Phong thái khá tốt, nói năng mạch lạc lắm, nhưng nói chậm hơn chút nhé.

    - Dạ, cháu cảm ơn chú.

    Sinh viên chính qui ngoan lắm, gặp là chào, không dạy chúng nó cũng chào, học hành nghiêm túc. Tác phong nề nếp cẩn thận. Sinh viên hồi đó vẫn phải thi đầu vào nên chất lượng khá ổn. Nhưng lớp tại chức thì mệt thật, rất nhiều đứa yêu quái. Nhất là mấy đứa tầm tuổi Trúc. Lớp Trúc dạy ngày hè là các anh chị từ một tỉnh miền núi xuống học thực hành, lý thuyết đã học tại tỉnh họ. Lớp có hai tên tầm tuổi Trúc, một tên người đậm đậm, nhìn lì lì, tên Lâm. Một hôm, Trúc gọi tên này lên bảng, nó không thuộc bài. Hôm sau lại gọi, nó vẫn lại không thuộc bài. Trúc bực quá:

    - Cuối giờ tôi sẽ hỏi lại anh toàn bộ quy trình và kiểm tra thành phẩm, nếu không đạt hoặc không trình bày được, anh sẽ phải thực tập lại.

    Lâm bình thản trả lời:

    - Cô thông cảm, em người dân tộc, học hành kém lắm, cô đừng kiểm tra em nữa. Ở nhà em chỉ chuyên làm "bùa yêu" cũng đủ sống nhưng mà vợ em cứ bắt phải đi học thêm cái nghề này.

    Xong nó đi qua nói nhỏ:

    - Tốt nhất cô đừng hỏi em, không thì cô phải lên bản em, cô mới giải được bùa yêu đấy.

    Nói xong nó tủm tỉm về chỗ. Trúc hơi sốc. Ơ, thằng này láo nhỉ, lại dám dọa cả cô à. Để xem mày làm thế nào. Trúc nhìn xoáy vào nó, nhẹ nhàng thách thức:

    - Vậy à, để xem bùa yêu của anh có giúp anh thi qua môn không nhé, tôi cũng khá tò mò đấy. Buổi sau lại lên bảng nhé.

    Trúc nhe răng cười khiêu khích.

    Thằng bé tắt điện, cúi gằm mặt vào quyển sách. Thằng ngồi bên cạnh, chắc đồng minh của thằng Lâm, ra xin thêm giấy cân rồi ra vẻ bí hiểm:

    - Cô ơi, bùa yêu của nó làm chuẩn lắm, em từng đặt hàng rồi, cô có làm không, em bảo nó tính rẻ thôi?

    À, hóa ra chúng bay cùng một bọn à, được rồi, túm một mẻ luôn. Trúc nghĩ xong hắng giọng:

    - Tôi nghĩ anh tư vấn nhầm người rồi, tôi còn đang định thuê người trông xe đấy. Mà anh tên gì thế, trông mặt mũi sáng sủa thông minh thế này, không gọi hơi phí. Mai lên bảng đầu giờ nhé anh.

    Lũ sinh viên hi hí cười:

    - Bạn ý tên Tùng cô ạ.

    Thằng Tùng nhăn nhở cười theo rồi trật tự hẳn. Nhìn mặt hai thằng có vẻ căng thẳng, trông đến buồn cười. Trúc thấy hay hay, đi ra bên cạnh trêu cho nghẹt thở luôn:

    - Ô, anh Tùng chưa cân được gì à?

    - Dạ, em nhường các bạn cân trước.

    - Ôi, anh thật ga lăng, nhưng mà đừng đợi cân điện tử nữa, trước mặt anh có cân đĩa kìa. Anh cân đi, không là không kịp đâu, không xong phải thực tập lại đấy.

    Không thấy nó ý kiến gì, Trúc lại vặn:

    - Ủa, sao còn chưa cân, đừng nói là đến hôm nay mà anh vẫn chưa biết sử dụng cân đĩa nhé, tôi báo cáo trưởng bộ môn cho anh thực tập lại hết đấy?

    Thằng bé hốt hoảng kéo cân ra, hí hoáy điều chỉnh, vặn ra vặn vào, thấy mãi không thăng bằng được cân, Trúc cười tủm tỉm, thì thầm đủ để nó nghe thấy:

    - Tác dụng phụ của bùa yêu đấy hả?

    Nó đỏ mặt, lúng túng quay ra:

    - Hic, cô về phòng uống nước nghỉ ngơi đi, lát cô sang em sẽ cân xong ngay, em hứa với cô luôn.

    Trúc quay sang thằng Lâm:

    - Anh Lâm hướng dẫn anh Tùng nhé, cuối giờ tôi kiểm tra cả hai anh đấy.

    Thằng Lâm gật gật, mặt như cái bị rách. Trúc suýt không nhịn được cười. Quay ra đe cả lũ:

    - Các anh chị chú ý phải sử dụng cả cân đĩa thành thạo nhé, đi thi có chấm điểm thao tác đấy ạ. Tôi sang uống nước chút, có vấn đề gì cứ sang hỏi, không thì lát tôi lại sang hỗ trợ ạ.

    - Vâng cô.

    Dặn dò xong, Trúc đi ra, còn nghe loáng thoáng giọng mấy đứa con gái:

    - Thấy chưa, còn trêu cả cô, ngu chưa, làm bọn tao vạ lây thì cho chúng mày ăn đòn.
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng chín 2023
  4. Vương Linh

    Bài viết:
    10
    Chương 3. Em trai Napoleon

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Mọi người đang ngồi uống nước chè tán gẫu tại phòng bộ môn, giải lao chút sau giảng đầu giờ thực hành. Còn mỗi anh Hoàng là chưa thấy giảng xong. Bỗng thấy hình như người mình hơi rung rung nhẹ, còn chưa kịp định thần thì thấy rầm rập bước chân như rung chuyển cả tòa nhà. Thầy Hoàng dẫn đầu nhóm sinh viên chạy ầm ầm qua cửa phòng xuống tầng một. Chị Hiền hơi choáng:

    - Ơ, thằng Hoàng dẫn sinh viên chạy đi đâu thế?

    Nói xong, cả bộ môn cùng nhào ra hành lang nhòm xuống. Chú Chương, trưởng bộ môn giọng hơi hốt hoảng:

    - Thầy Hoàng ơi, có chuyện gì thế?

    - Thầy Chương ơi, vừa có động đất mà, sao mọi người còn ở trên đấy?

    Thầy Hoàng đứng giữa đám sinh viên lố nhố, ngước lên thuyết phục:

    - Các thầy cô cũng xuống đi cho an toàn.

    - Để xem thế nào đã, tôi thấy không có dấu hiệu rung chấn nữa rồi.

    Sinh viên các phòng thực hành khác cũng đang đứng đầy ở hành lang, ngay cửa các phòng thực hành nhưng chưa dám xuống vì chưa được giảng viên đồng ý. Thầy Chương quay ra hỏi:

    - Mọi người có thấy gì không? Hết rồi nhỉ?

    Mọi người lắc lắc rồi lại gật gật, có vẻ hơi ngơ ngác.

    - Ổn rồi đấy, thầy cho sinh viên về phòng thực hành đi thôi.

    Thế là đội quân lại kéo nhau lên. Anh Hoàng chỉ cao tầm Napoleon, dáng người đậm, bụng hơi phệ. Một thời làm phó khoa Dược bệnh viện huyện nên tác phong chỉn chu. Anh Hoàng khá vui tính nhưng khi lên lớp là anh như Napoleon ra trận, anh là nỗi khiếp sợ của sinh viên. Dự giờ anh cũng khá vất vả, anh có chất giọng hùng tráng, chỉ có điều anh cứ lên tone rồi lại xuống tone liên tục làm căng cả óc ra cũng không nghe được hết lời anh nói, mà khổ cái là cứ mấy từ quan trọng là lại xuống tone như thì thầm. Sinh viên im thin thít, không đứa nào dám lơ là chứ đừng nói là ngủ gật. Thêm vào đó, thỉnh thoảng anh lại hỏi mấy câu bất thình lình mà đến đồng nghiệp cũng bó tay vì hoặc không hiểu hoặc không trả lời đúng đáp án của anh được. Không trả lời được thì chưa bị đuổi về chứ nếu mà to gan bảo thầy nhắc lại câu hỏi là ăn đòn ngay. Thầy Hoàng sẽ trợn mắt lên:

    - Chị không nghe tôi giảng bài à?

    Nếu có đứa nào không rõ trời cao, thích trượng nghĩa nhắc hộ thì cả hai sẽ được thầy cho nghỉ có phép luôn, hôm sau đi thực hành bù. Thế nên sinh viên nào chả hãi.

    Lúc sau anh Hoàng trở lại phòng bộ môn, nhăn nhở cười:

    - Hóa ra mỗi mình sợ chết.

    Chú Chương động viên:

    - Hoàng phản xạ nhanh thật, có kỹ năng thoát hiểm tốt đấy.

    Anh Lam tủm tỉm:

    - May mà tần số bước chạy của đội quân thầy Hoàng chưa cộng hưởng với độ rung của tòa nhà đấy.

    Cả bộ môn lại được trận cười vỡ bụng. Bàn tán xôn xao về động đất. Một lúc sau, Chú Chương nhắc khéo mọi người sang giám sát sinh viên thực hành, động viên các em về ôn bài, tuần sau thi cho tốt.

    Trúc mới về trường, đây là lần đầu Trúc coi thi, mỗi ca lại được chú Chương chỉ định coi thi với một đồng nghiệp khác. Coi thi với chú Chương và anh Lam phải quan sát nhiều hơn vì hai thầy đều dễ tính nên không để ý nhiều, nhưng các lỗi nghiêm trọng thì các thầy đều phát hiện ra hết. Vậy là Trúc rút ra được bài học, phải chú ý quan sát sinh viên ở những pha quyết định, như thế cũng đủ để đánh giá rồi, không cần quá tiểu tiết. Thế nhưng coi thi với anh Hoàng thì khác. Anh coi rất chặt chẽ, nhất là giai đoạn đầu tiên, cân và lấy hóa chất, rồi cả quy trình, đôi mắt trông như gấu trúc của anh không bỏ qua bất cứ chi tiết nào. Mắt anh tinh thật. Mỗi khi phát hiện sinh viên sắp lạc lối, anh nhẹ nhàng, thoắt ẩn thoắt hiện ngay bên cạnh, rồi buông một câu khi sự đã thành:

    - Chị cân thế kia à, đọc lại hóa chất vừa cân xem có đúng khối lượng như công thức không? Định làm thuốc giả hử?

    Cô sinh viên sợ toát mồ hôi, mặt méo xệch, rơm rớm nước mắt:

    - Thầy ơi, thầy cho em cân lại, tại em run quá, thầy ơi..

    - Về..

    Thầy Hoàng hơi gắt lên, kéo dài giọng rồi lại nhẹ nhàng động viên tình cảm:

    - Về đi mà học lại cho kỹ, làm thuốc giả thì đỗ sao được, về sớm đi mà ôn môn khác.

    Cả tổ sợ sệt nhìn thầy rồi nhìn cô bạn đang nước mắt lưng tròng, vai run lên.

    - Ơ, cái chị này, định ăn vạ ở đây à, có để các bạn làm bài không hử?

    Cô bé thút thít chào thầy cô rồi thất thểu ra về. Trúc hơi cảm thán nhưng không dám ý kiến gì, nói ra có khi còn bị mắng cho ý chứ. Thấy thương sinh viên nên chịu khó đi qua đi lại xem có bạn nào chuẩn bị nhầm không thì nhắc. Thấy sinh viên chuẩn bị pha chế sai quy trình, vội vàng đến nhắc:

    - Em cho nhiều dung môi thế? Vậy sao phản ứng xảy ra được?

    Nó cãi ngay:

    - Đâu cô, em đang tráng dụng cụ mà.

    - Ủa, em vừa tráng rồi thôi.

    - Em tráng lại cho sạch.

    Trúc tiu nghỉu ngậm tăm luôn. Anh Hoàng tủm tỉm cười:

    - Em phải để cho hành động diễn ra xong, chúng nó mới không cãi được, nhắc làm gì, không học thì trượt cho mà nhớ.

    Công nhận, anh Hoàng thật cao minh.
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng chín 2023
  5. Vương Linh

    Bài viết:
    10
    Chương 4. Thất vọng một chút.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Giảng thực hành nhàn hơn lý thuyết, sau giảng và hướng dẫn đầu giờ, giảng viên sẽ chỉ phải quan sát sinh viên mà không cần phải nói gì nữa cả. Sinh viên chỉ cần làm theo hướng dẫn, quy trình cũng đã có sẵn trong giáo trình. Thỉnh thoảng các anh chị lại về phòng bộ môn buôn chuyện chút. Bộ môn có ba thầy và ba cô, thêm hai chị kỹ thuật viên chuẩn bị dụng cụ và hóa chất. Chị Duyên đang hoàn tất luận văn sau bảo vệ thạc sĩ nên ít lên lớp. Có chị Diệu và chị Hiền là thấy thân nhau, suốt ngày chụm đầu thì thầm to nhỏ. Hai chị có vẻ đều không thích chị Duyên lắm.

    - Hôm nay cháu dạy hộ chị Duyên à?

    Trúc gật đầu. Chị Hiền giọng có vẻ không hài lòng:

    - Tuần có ba, bốn buổi thực hành mà nay nhờ người này, mai nhờ người kia, chắc lại ốm, đi làm tí là lại ốm.

    Trúc vội giải thích:

    - Dạ, chị ấy bảo bận đi Hà Nội có việc, không phải ốm chị ạ.

    Mọi người bàn tán rôm rả về chị Duyên. Chú Chương hỏi anh Lam, chị Diệu xem tình hình chị Duyên thế nào, không biết thủ tục ly hôn đã xong chưa vì chú thấy nghi ngờ lắm. Chú kể có lần đi qua, nghe lén thấy điện thoại cho chồng vẫn ngọt nhạt anh anh em em thế, lại thấy khoe chụp ảnh cả nhà đi chơi du lịch với nhau thì bao giờ mới xong được.

    Chị Diệu còn kể chị Duyên sướng lắm, từ bé đã chả phải làm gì nên bây giờ cũng không biết làm gì. Chị Diệu hơi bĩu môi:

    - Móng tay cứ để dài như thế thì làm được gì, nhìn là biết.

    Không như chị Diệu, vẫn phải ở cùng bố mẹ chồng, bụng thì to mà mọi việc trong nhà đều phải lo từ A đến Z. Chị Diệu thở dài, đi sang phòng thực hành.

    Chị Hiền giọng thì thào:

    - Khổ thân cái Diệu, bụng to như thế mà mẹ chồng không cho giặt máy sợ tốn điện tốn nước, hôm nào cũng chậu quần áo to đùng.

    Anh Lam tủm tỉm cười:

    - Thôi thôi, mấy cái hồ than thở, để cho em nó còn lấy chồng, cứ dọa thế nó sợ đấy.

    Mà Trúc sợ thật, nghe cũng chả muốn chồng con gì nữa, lắm chuyện thật. Cứ đâm đầu vào xong lại kêu ca. Thật chả hiểu ra làm sao. Ngày nào cũng than thở được, sao không nói chuyện thẳng với chồng, với mẹ chồng, cứ mang ra cơ quan giải thích làm gì. Cuối cùng, chẳng giải quyết được việc gì cả. Người khác nghe cũng thấy mệt.

    Một hôm, sau khi giảng đầu giờ cho sinh viên, Trúc về phòng bộ môn uống chút nước. Bỗng nghe tiếng chị Diệu oang oang từ hành lang:

    - Trúc ơi, em hướng dẫn sinh viên sai hết rồi.

    Trúc ngước lên, thấy chị Diệu đã đi đến cửa phòng, giọng vẫn như loa phường, lặp đi lặp lại câu ý.

    - Sai thế nào ạ? Em chưa hiểu.

    - Đây, em sang phòng thực hành chị chỉ cho.

    Nói xong, chị Diệu cau mặt, phăm phăm đi trước, Trúc theo sau. Công nhận, bà chị khỏe thật. Bụng to vượt mặt mà đi cứ ngoăn ngoắt. Đến phòng thực hành, chị Diệu tiếp tục điệp khúc, giọng vẫn tone cao, nghe rất chi là nghiêm trọng:

    - Các em ấy đang làm sai hết rồi, sao lại ngâm gelatin mà không đun lên, thế là sai rồi, sai hết rồi.

    Sinh viên ngơ ngác, Trúc cũng ngơ ngác:

    - Vâng ạ, gelatin phải ngâm chứ, sao lại đun được ạ? Trong giáo trình cũng nói phải ngâm mà chị?

    - Em chả chịu đọc giáo trình gì cả, em về xem lại đi.

    Trúc không nói gì, hơi hoang mang, chả lẽ lại nhầm được. Chú Chương thấy ầm ĩ liền sang gọi hai chị em về phòng bộ môn. Về đến nơi, chị Diệu vẫn giọng nguy hiểm:

    - Nó chả chịu đọc giáo trình gì cả, hướng dẫn sai hết cả.

    Trúc không nói gì, mở giáo trình ra, tìm lại rồi đọc cẩn thận một lượt, thấy mình nhớ không nhầm chút nào nên mang ra cho chú Chương:

    - Chú Chương, giáo trình của bộ môn đây ạ, không hề nói gelatin phải đun lên. Giáo trình của Đại học cũng nói gelatin không được đun lên vì cấu trúc không bền với nhiệt, cháu không hiểu cháu sai ở đâu?

    Chị Diệu vẫn cố chấp:

    - Phải đun chứ, từ trước đến giờ vẫn phải đun, em xem kỹ lại giáo trình đi.

    - Đây, giáo trình đây chị, chị ra mà xem.

    - Không thể nào, em cứ đọc kỹ đi.

    Chị Diệu vẫn quả quyết nhưng nhất định không kiểm tra lại hướng dẫn trong giáo trình. Chú Chương thấy căng thẳng nên giải thích:

    - Đúng là gelatin không bền với nhiệt nhưng đun cách thủy dưới sáu mươi độ thì không sao. Thực hành thôi mà, đun thế cho nhanh trương nở cháu ạ. Chứ để ngâm cho nó tự trương nở ở nhiệt độ thường thì lâu lắm, hai tiếng chưa trương nở hết, sinh viên không kịp làm mất.

    - Vậy ạ, thế thì làm sao cháu biết được ạ, giáo trình của bộ môn không nói phải đun. Giáo trình đại học cũng nói không bền với nhiệt. Bọn cháu học cũng không thấy đun như thế bao giờ.

    Chị Diệu không nói gì, bỏ sang phòng thực hành. Trúc thấy khó chịu, lụng bụng:

    - Chị Diệu nói thế, sinh viên không hiểu lại tưởng cháu dạy sai.

    Anh Lam an ủi:

    - Em kệ chị Diệu, chị ấy có bao giờ đọc giáo trình đâu. Thôi em sang bảo sinh viên bật nồi cách thủy lên cho nhanh, không đợi đến bao giờ bọn nó mới làm xong, sau này còn thi nữa cơ mà, có mà đến tối chưa được về.
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng chín 2023
  6. Vương Linh

    Bài viết:
    10
    Chương 5. Nghi ngờ - 1

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Một hôm, buổi tối, đang ngồi soạn bài ở phòng tập thể gần ký túc xá sinh viên thì thấy ông tướng Tùng và ông tướng Lâm thập thò, gõ cửa. Trúc lịch sự đi ra hỏi chuyện dù cửa vẫn đang mở. Tùng ra vẻ bẽn lẽn nhưng mặt rất tươi:

    - Dạ, bọn em xuống xin lỗi cô.

    Kinh đấy, Trúc hơi ngạc nhiên, chắc vụ Bùa yêu đây. Tùng chìa cái giỏ mây ra, bảo mua ít hoa quả biếu cô, không biết cô thích loại nào nên mỗi loại mua một ít. Nó tự tay chọn từng quả, đảm bảo luôn. Mỗi loại chỉ có một hoặc hai quả thật, bày khá đẹp mắt. Bên trên còn cài mấy bông hồng đỏ thắm. Trúc hơi lúng túng, còn chưa biết nói gì. Thằng Tùng xách giỏ quả ra cuối bàn rồi nói thẳng luôn:

    - Cô ơi, hôm nọ bọn em đùa thôi, không có bùa yêu gì đâu cô ạ.

    Trúc bật cười rồi hỏi han qua loa. Chỉ có thằng Tùng liến thoắng:

    - Bọn em làm ở viện ạ. Em thì mở thêm quán cafe, tranh thủ làm thêm buổi tối cô ạ, em pha chế sinh tố trái cây ngon lắm, tiếc là không có dụng cụ với nguyên liệu ở đây để làm cho cô thưởng thức.

    - Anh Tùng giỏi vậy à, thế tốt đấy.

    - Bạn Lâm có vợ con rồi cô, vất vả lắm, không học được mấy đâu cô ạ. Em thì chưa có ai nên cũng mệt lắm.

    Trúc phì cười:

    - Anh chưa có gia đình thì mệt cái gì?

    - Ôi cô ơi, suốt ngày phải nhắn tin trả lời, nghe điện rồi đi uống nước với các fan hâm mộ, em không có thời gian học ý. Mà chảnh thì em ế mất.

    Thằng Tùng vẫn giọng hoang tưởng, cứ luyên thuyên nhức cả đầu, chẳng cần phải hỏi thêm gì, nó cứ phát như MC. Tay chân múa may, mặt vênh lên nhìn tự phụ, ghét thế. Lâm thì ngồi im nghe, không thấy nói thêm câu nào. Ngồi nghe nó ba hoa, Trúc bắt đầu quan sát nó. Kể ra cũng có tí nhan sắc đấy. Mặt mũi khôi ngô, cao ráo, trắng trẻo. Hôm nay lại sơ mi đóng thùng, trông lịch lãm như đi dự tiệc, nhìn khác hẳn với cái vẻ lôi thôi, đầu bù tóc rối trên lớp. Sau một hồi chàng ta huyên thuyên cũng biết kha khá về hoàn cảnh của mấy anh chị xuống đây học và biết nó không phải người dân tộc, thằng Lâm cũng không phải. Vậy Bùa yêu ở đâu ra, vớ vẩn thật. Trúc thấy nó nói cũng nhiều rồi nên đuổi về:

    - Cũng muộn rồi đấy, hai anh về đi, thấy tin nhắn cứ liên tục kìa, về trả lời không ế bây giờ.

    Hai thằng cười cười xong xin phép về. Lát cái Thảo ở phòng bên cạnh, đi chơi về, thấy giỏ quả, le te hỏi:

    - Chị lại có quà à? Của sinh viên hay của anh nào? Em đi gọt nhé. Kinh đấy, có cả hoa hồng cài trên giỏ, ai mà cẩn thận thế?

    - Ông Tùng lớp tại chức

    - À, em có dạy tổ ông ý, trông đẹp trai phết nhỉ, ăn nói cũng khéo.

    - Ừ, mà hơi hoang tưởng thôi.

    Cái Thảo cười nhăn nhở:

    - Haha.. Là sao chị?

    - À, nó nghĩ nó hoa khôi, tự khen khiếp. Thôi dọn đi còn đi ngủ.

    - Vâng, nhưng công nhận anh ý đẹp trai thật, mà không phải thích chị đấy chứ?

    Cái Thảo cứ thắc mắc, sợ nó nghĩ vớ vẩn nên Trúc phải tường thuật lại vụ bùa yêu. Hai chị em còn đang tám chuyện thì Trúc nhận được tin nhắn từ người lạ. Hóa ra lại thằng Tùng, nó nhắn tin hỏi han xem hoa quả ăn vừa miệng không, có bị chua không, rồi chúc ngủ ngon.

    Hôm sau trời mưa lúc tan trường, sáng Trúc mặc nguyên cả bộ quần áo trắng, giày trắng nên cứ phải rón rén từng bước, sợ nước bẩn bắn vào. Mắt thì cận, cứ phải ngó nghiêng tìm chỗ đi tránh các vũng nước đọng trên sân. Lại gặp thằng Tùng với lũ bạn. Nó dừng lại đứng nhòm nhòm Trúc, thấy nó đứng ngây ra, bọn con gái đi cùng léo nhéo trêu nó, cười rinh rích:

    - Tùng ra cõng cô Trúc kìa.

    Trúc coi như không nghe thấy, đi thẳng về khu tập thể. Lại mệt rồi. Không ngoài dự đoán, tí về đến phòng đã thấy nó nhắn tin hỏi thăm. Thôi kệ nó, trả lời lại tưởng hay. Lúc mở điện thoại đã thấy cả chục tin nhắn, phiền chết mất, Trúc không đọc, chỉ nhắn lại icon mặt cười.

    Mấy hôm sau điện thoại có vẻ im im, chắc chán rồi hoặc bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng vì chưa bị ai không thèm trả lời bao giờ. Mình đã thành công.

    Chiều thứ hai, nó lại xuất hiện với một túi Táo mèo, bảo quà quê nhà, gửi hai cô ăn thử. Không gặp Trúc, nó đưa cái Thảo xong chuồn luôn mất. Nhắn tin cảm ơn. Nó im lặng, không nói gì. Kinh nhỉ, tự nhiên lại kéo khóa mồm, chắc lại có biến.

    Mấy hôm sau thi thực hành, thế nào mà Trúc lại bắt thăm coi phải tổ nó, thằng này mà không coi tài liệu thì mình cứ bé bằng con kiến. Mà có điều kỳ lạ ở mấy lớp tại chức này là sinh viên trẻ thì không chịu học nhưng mấy cô chú có tuổi lại rất chăm chỉ. Khổ thân nhất là một bác gần về hưu rồi, lại bắt thăm phải bài khó, phải dùng đến đèn cồn nhiều, thấy bác ý căng thẳng, tập trung đến mức mặt đỏ phừng phừng. Trúc sợ bác ý lên cơn tăng huyết áp thì nguy, coi thi mà đi qua chỗ bác ý là đi nhanh, nín thở, không thi mà cứ thấy nơm nớp lo sợ ghê.

    Lượn bắt hết tài liệu của cả tổ nó mà không túm được nó, tài thật. Chả lẽ nó học hành tử tế thật? Vậy tốt đấy.

    Tối về thằng Tùng lại nhắn tin:

    - Cô thấy em giỏi không?

    Trúc tò mò:

    - Công nhận giỏi, tôi rình mãi mà không túm được anh, anh giấu tài liệu ở đâu thế?

    Nó nhắn lại:

    - Kaka.. Cô làm sao mà bắt được, lũ dốt kia cứ đút túi áo rồi lấy ra bỏ vào, đương nhiên là bị phát hiện. Em dán luôn ở hộp hóa chất, cô đi vào em xoay mặt dán tài liệu vào trong, cô đi ra em lại xoay ra đọc, đàng hoàng ngồi làm, chả phải lén lút gì cả.
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng chín 2023
  7. Vương Linh

    Bài viết:
    10
    Chương 6. Nghi ngờ - 2

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Trúc phì cười, nhắn lại:

    - Giỏi.

    Nó phấn khích nhắn một lũ biểu tượng, Trúc thấy hay hay lại trêu cho sợ chết luôn:

    - Anh còn môn nữa chưa thi nhỉ, để tôi bảo cô Thảo chút kinh nghiệm coi thi anh.

    Thằng Tùng ngay lập tức gọi điện. Biết ngay mà, cứ thích đùa với cô, chả sợ dúm vào, cho chừa thói tinh vi. Trúc không nghe máy, lát sau nó nhắn tin nịnh nọt:

    - Cô ơi, em tin tưởng cô thế, cô nỡ lòng lại đi tố cáo em, cô cứ kệ đi, cho tùy duyên, em bị túm thì em chịu, cô nhé?

    Trúc chả bảo sao, nó được thể nhắn lại:

    - Im lặng là đồng ý rồi nhé, chốt kèo rồi đới.

    Xong nó bắt đầu tuôn trào diễn văn, kể lể rằng ngày xưa nó trượt đại học vì mải xem bóng đá, bố mẹ nó khóa cửa phòng nó trên tầng hai, nó ra lan can, đu cây trèo xuống rồi ra quán xem, chẳng ai biết. Tại mải chơi, chứ nó cũng thông minh lanh lợi lắm, nhưng mà nó không hối hận vì nó vẫn kiếm được tiền để ăn chơi, chả phải xin bố mẹ nên bố mẹ nó cũng không mắng nó được. Bây giờ, ở quê nhà, nó cũng sống đàng hoàng, tử tế, không cờ bạc gì, rượu thì đàn ông ai chả uống. Ai cũng muốn gả con gái cho nó nhưng nó chưa ưng ai.

    Trúc nhắn lại trêu nó:

    - À hóa ra đu cây nhiều nên anh cao thật đấy, tiêu chuẩn chọn rể ở miền núi là đu cây giỏi à? Kỹ năng thoát hiểm khi có lũ?

    Thấy Trúc cười không nhặt được mồm. Cái Thảo tò mò giật lấy điện thoại:

    - Đưa em xem nào, nói chuyện với anh nào mà cười gớm thế hử?

    Cái Thảo cũng lăn ra cười với màn marketing của nó. Một lúc sau nó lại nhắn tin:

    - Em nói thật sao hai cô lại cười?

    Trúc giật mình:

    - Mày ra cửa ngó ra sân xem có đứa nào lượn lờ không?

    Thảo chạy ra rồi lại chạy vào bảo không có ai, hai đứa nhìn nhau cùng buột miệng:

    - Sao nó biết nhỉ?

    Thế mà thằng Tùng dỗi thật, nó không nhắn tin nữa hoặc đơn giản là nó lại có phi vụ khác. Thôi kệ xác nó. Trúc tự nhủ, dù sao cũng không nên thân thiết quá với sinh viên.

    Sang phần thực tập của kỳ hai, thằng Tùng ăn mặc chỉn chu hơn, trên lớp nó ra vẻ nghiêm chỉnh đĩnh đạc lắm, chẳng nói năng gì cả. Gớm, cứ giả vờ giả vịt, bản chất thì thay đổi sao được. Chắc gì đã nghe được chữ nào vào đầu. Một hôm, chú Chương có việc bận cuối giờ nên nhờ Trúc giám sát và tổng kết bài cả tổ nó, tò mò, thế là test thử cuối giờ, cố tìm lọ thuốc của nó làm trong đống sản phẩm trên bàn. Nhìn qua cái nhãn thuốc, nét chữ tròn trịa, thằng này lại vớ vẩn rồi. Thế là gọi nó lên hỏi quy trình vừa làm xong. Quả nhiên cu cậu gãi đầu gãi tai, bọn kia mớm mãi mới trả lời được.

    - Đây là sản phẩm của anh à. Tên anh này. Nhãn thuốc của anh là ai viết?

    - Dạ em ạ.

    - Nói dối, đây mà là chữ anh à? Anh viết lại cái nhãn khác tôi xem.

    Nó luýnh quýnh rồi lấp liếm:

    - Em có viết thật mà nhưng chữ em to, cái nhãn bé tí, không đủ chỗ nên em nhờ bạn.

    Nó còn ra vẻ hiểu biết, bảo rằng chỉ cần biết nội dung cần ghi là được chứ dược sĩ đâu cần phải làm nhãn, có bộ phận thiết kế riêng chứ. Trúc cau mày:

    - Anh giỏi lý luận nhỉ, anh nói đúng, nhưng mà mấy hôm nữa thi kỳ hai, anh phải tự làm cho sản phẩm của mình. Nếu anh đi thuê thiết kế thì anh mất hai điểm. Anh rõ chưa nhỉ?

    Trúc tủm tỉm cười. Chắc nó tức lắm.

    Cuối giờ, chú Chương về, đi theo là một anh lạ hoắc, người nhỏ nhỏ, chắc cao hơn Trúc vài phân, trông mặt mũi cũng khôi ngô, hiền hiền. Thấy cả bộ môn có vẻ phấn khởi, tay bắt mặt mừng, chào hết người nọ đến người kia. Chị Hiền cứ tủm tỉm cười. Chú Chương quay ra giới thiệu:

    - Đây là anh Cường, cũng thạc sĩ dược, đang làm bên Bảo hiểm, gia đình cơ bản, nhà ở trung tâm thành phố, nhà có hai chị em thôi, chị đã có gia đình rồi, bố mẹ chỉ mong anh Cường nhanh lập gia đình nữa là mãn nguyện.

    Rồi chú quay sang giới thiệu Trúc. Thảo nào bà Hiền cứ tủm tỉm cười. Trúc sực nhớ ra, hình như hôm nào đó chú có nói về việc mai mối này thì phải. Trúc ngồi im thăm dò, hỏi câu nào trả lời câu ý. Anh ta có vẻ khá tự tin, nhìn có cốt cách con nhà lành, hình như cả bộ môn không ai lạ gì. Vậy chắc cũng chỗ tin tưởng, kể cũng ngại, Trúc không thích mấy kiểu giới thiệu thế này, mất tự nhiên, cảm giác lại như sắp ế ý.

    Nhưng cũng không thể làm mọi người mất hứng, với người ta quý người ta mới giới thiệu, bố Trúc bảo vậy. Thế nên cũng nhất trí thôi. Thêm bạn bớt người lạ, cũng được mà. Sau đó, chú Chương khéo léo bảo hết giờ làm rồi, phải về để bảo vệ họ còn khóa cầu thang lên tầng hai. Thế là anh Cường ngỏ lời muốn xuống thăm khu tập thể Trúc đang ở. Trúc đành đồng ý.

    Cũng khá xa, phải đến năm sáu trăm mét từ bộ môn tới ký túc xá, anh Cường cứ dắt xe máy đi bộ theo Trúc. Bảo đi trước mà gửi xe ở ký túc thì không, ương cơ, cho đi bộ, làm Trúc lại phải đợi ở cổng ký túc, chờ anh ta gửi xe rồi băng qua sân ký túc, sân thể dục mới tới khu tập thể của Trúc. Xuống chơi một chút rồi Trúc lấy lý do phải đi chợ nấu cơm tối, thế là anh Cường xin phép về.

    Tối đến, đang ăn cơm với cái Thảo thì thằng Tùng lại nhắn tin:

    - Cô có anh trai ạ?

    Khổ, ăn cũng không yên với nó.
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng chín 2023
  8. Vương Linh

    Bài viết:
    10
    Chương 7. Cafe muỗi.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Anh Cường sau hôm ý cứ cách ngày lại vào chơi. Hôm nào cơm nước xong cũng thấy anh xuất hiện ở cửa, quần kaki đóng thùng, cứ như đi công tác vậy. Cái Thảo thì hay đi chơi, nó nhiều bạn, tối hay lượn ra phố. Anh Cường cứ ỏn à ỏn ẻn, như kiểu xấu hổ, mà tài là nếu có ai đó khác trong phòng thì nói chuyện rất rôm rả, nếu chỉ có mình Trúc là méo thèm nói gì, kỳ cục. Không nói thì thôi, Trúc cũng chơi trò im lặng, bày sách ra soạn bài hoặc chấm bài kiểm tra. Phòng chật, kê được mỗi cái bàn uống nước với cái giường, cái tủ quần áo nữa là hết chỗ. Trúc ngồi bàn làm việc là anh ý phải ra giường ngồi. Sợ không dám làm phiền nên anh Cường cứ đến chơi và cứ lục sách trên giá để đọc. Hết hôm này sang hôm khác. Thỉnh thoảng không chịu được sự im lặng, anh mở sách ra đọc rồi hỏi Trúc như sinh viên hỏi bài cô giáo. Chết cười với ông anh. Thảo nào mãi không lấy được vợ. Thấy cũng khổ thân, nên có lần Trúc không giả bận nữa, ngồi nói chuyện, hỏi han, thấy có vẻ phấn khởi. Nói chuyện mới biết ông này còn thật thà hơn mình.

    - Chị gái anh lập gia đình lâu chưa?

    - Chị anh à, ờ, cũng lâu rồi, được hai cháu rồi.

    Rồi anh Cường có chủ đề, cứ kể về gia đình thôi. Anh kể bố anh hơn mẹ anh tận mười tuổi, chị anh lấy chồng cũng hơn chị mười tuổi, cũng lập gia đình muộn, giờ anh gặp em, cũng hơn em mười tuổi. Thật trùng hợp.

    Trúc nhe răng cười:

    - Có vẻ như truyền thống gia đình anh nhỉ. Thế bố mẹ anh nghỉ hưu chưa ạ?

    Anh Cường giọng hồ hởi, kể rằng ông bà nghỉ hưu lâu rồi, bố anh lập gia đình muộn nên giờ ông nhiều tuổi rồi, cũng yếu rồi, răng rụng hết cả, chỉ ăn được cháo mẹ anh nấu thôi. Rồi anh kể anh đang ở cùng bố mẹ nhưng cũng tích cóp mua được miếng đất rồi. Anh cũng đi làm trình dược lâu rồi nên cũng có chút tích lũy. Trúc nghe vậy hơi bất ngờ:

    - Anh hiền vậy mà cũng làm trình được ạ? Anh giỏi thế.

    Anh Cường lại cười ỏn ẻn:

    - Giỏi gì đâu, thấy anh thật thà nên các anh chị thương, cũng giúp đỡ nhiều, với lại toàn chỗ anh em quen biết cả.

    Nhớ lại chuyện anh Lam kể, Trúc nửa đùa nửa thật hỏi thẳng:

    - Sao anh Lam kể với em, anh ý chở anh đến tận nhà một chị, giới thiệu cho anh, anh lại bỏ về khi đến cổng nhà người ta? Anh chưa có kế hoạch lập gia đình à?

    - Anh cũng không biết, tự nhiên đến nơi, cứ thấy kỳ kỳ xấu hổ kiểu gì ấy, không thích nữa nên bỏ về.

    Trúc phì cười, nhìn anh Cường vẫn hơi cúi mặt, chắc anh ý vẫn đang xấu hổ, cứ ngồi đan ngón tay vào nhau. Trúc tiếp tục khai thác thêm thông tin, cứ hỏi gì, anh Cường trả lời đấy. Chán thật đấy, không biết đường mà hỏi lại. Một đống tuổi rồi mà cứ như gái mới về nhà chồng.

    Thôi, bật tivi xem vậy. Trúc bật tivi cho xem, không khí yên lặng trở lại. Anh ý chăm chú xem cứ như nhà không có tivi vậy. May quá, không khí đang gượng gạo thì cái Thảo về, thế là anh em nó tíu tít nói chuyện. Cái Thảo mau mắn, mồm cứ như tép nhảy. Trúc kệ xác, đi ra sân đi bộ chút cho thoải mái.

    Không biết trò chuyện thế nào, hôm sau đã thấy ông Cường vác cái bàn gập vào cho Trúc để ngồi trên giường soạn bài cho tiện, đỡ muỗi. Xong còn rủ hai chị em đi uống nước. Kinh, được chuyên gia Thảo tư vấn có khác. Đến chơi cả tuần không thấy mời đi uống nước bao giờ. Gặp em Thảo cái là được mở mang chiến lược ngay. Cái Thảo ý tứ bảo bận không đi được.

    Chở đi lòng vòng, còn quay lại hỏi em thích uống nước ở đâu. Ơ, ông này kỳ ghê, ai mà biết được, quán nào đẹp thì vào chứ.

    - Anh cũng ít đi uống nước nên không biết nhiều quán.

    - Vậy hả, thế anh lượn đi, xem quán nào yên tĩnh thì vào, em không thích ầm ĩ.

    Tối về cái Thảo đã le te chạy ra đón, anh Cường về là nó phỏng vấn ngay:

    - Thế nào rồi chị?

    - Thế nào là thế nào?

    Thảo cười nhăn nhở:

    - Thì có vui không chứ gì nữa, cái bà này.

    - Muỗi đốt gần chết, chả thấy vui gì cả. Đợi tao bôi dầu cái đã, ngứa quá.

    Trúc thì vẫn chưa hết khó chịu vì muỗi đốt. Người đâu mà ấm ớ, rủ đi chơi nhưng không biết đi đâu, vào cái quán thì ngoài cafe với nước cam ra chả có cái mịa gì. Lại còn tối om, mắt thì cận, leo cầu thang suýt ngã, quán thì vắng teo, toàn bị muỗi xơi thịt, cứ như mình đến hiến máu ý. Điên thế không biết. Thấy Trúc làu bàu, cái Thảo cứ ngồi cười.

    - Thật á?

    - Chứ sao nữa. Tao bảo chín rưỡi là về, không là bảo vệ đóng cổng, thế là cứ nhìn đồng hồ liên tục. Mà đã không uống được cafe còn bày đặt vào quán cafe, uống xong còn kêu chắc đêm nay anh mất ngủ, chả uống bao giờ.

    Hôm sau lại thấy vào chơi, giờ thì hay rồi, tối nào cũng vào luôn. Hôm nào cũng thấy xách theo túi hoa quả trông như đi thăm người ốm.
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng chín 2023
  9. Vương Linh

    Bài viết:
    10
    Chương 8. Duyên hay nợ - 1

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Khổ thân tôi, tối nào cũng đến đọc sách hoặc xem thời sự thế này, đây có phải cái thư viện đâu, đến điên mất. Đang sắp điên thì người đẹp đi công tác, trước khi đi, đến tận phòng báo cáo đàng hoàng:

    - Mai anh đi công tác, cuối tuần mới về.

    Còn đang hỉ hả, chưa kịp hỏi thì em Thảo đã háo hức:

    - Thế ạ, anh đi công tác ở đâu vậy?

    - Anh đi Móng Cái.

    - Ở đấy có gì không nhỉ?

    Hai anh em nó cứ tíu tít như sắp đi hội. Tài, hợp nhau thế sao không cưa nó đi, chả hiểu kiểu quái gì. Người ngoài vào chắc không nghĩ Trúc mới là mục tiêu. Không thể hiểu được cái ông này. Thấy mất trật tự quá, đau cả đầu, Trúc nhắc nhở:

    - Anh Cường về sớm chuẩn bị đồ đi, mai vội sao kịp.

    - Ừ, anh đi làm về, ăn tối xong là đến đây luôn, chưa kịp chuẩn bị gì cả.

    Thấy anh ta phấn khởi lắm, chào rồi về luôn, chết mịa, khéo lại tưởng mình quan tâm quá. Cả tối mình nói có một câu chứ mấy. Về còn không đi chuẩn bị đồ, còn nhắn tin nọ kia, cảm ơn em đã nhắc anh, đến mệt.

    Chủ nhật, đang phơi quần áo trên tầng thì nghe tiếng bố réo:

    - Trúc ơi, xuống có bạn đến chơi này.

    - Dạ, vâng.

    Không biết đứa nào đến chơi mà không gọi trước nhỉ, vô kế hoạch thế. Thế là tò mò, cứ quần đùi áo cộc phi xuống, chạy cầu thang huỳnh huỵch. Ló mặt ra, trời, người đẹp xuống tận nhà mới chết chứ. Hỏng rồi, bắt đầu tấn công vào thành lũy cuối cùng đây.

    - Hi, em chào anh, đợi em lát nhé.

    Trúc vội vàng đi thay sang một bộ đồ.. ở nhà khác nhưng dài tới.. đầu gối. Đi ra đã thấy ông già đang rót nước mời khách, chuyện trò rôm rả, đang hỏi han khảo sát sơ bộ đối tượng chưa gặp một lần.

    - Ủa, sao anh biết nhà em vậy?

    - À, anh chỉ biết dưới thị trấn, xuống đây anh hỏi thôi, em nổi tiếng thật đấy, hỏi ai cũng chỉ được nhà luôn.

    Trông mặt hắn phấn khởi thế nhỉ. Phải dọa cho trận mới được, cho chừa cái tội không hỏi mà làm, ai cho phép mò xuống tận nhà chứ, vớ vẩn thật. Làm thế nào nhỉ, à, nghĩ ra rồi:

    - Vậy à, em cũng có tí thành tích cá nhân hồi bé, có được lên loa một lần nên chắc mọi người cũng biết chút.

    Anh Cường có vẻ hơi hoảng hốt, hỏi đầy nghi ngờ:

    - Thành tích gì vậy em?

    Bố Trúc mau mắn trả lời đầy tự hào:

    - Nó được giải nhất tỉnh hồi lớp sáu.

    Anh kia được thể xuýt xoa, trông mặt như kiểu Acsimet vừa phát hiện ra lực đẩy từ nước:

    - Em giỏi thế.

    Trúc đành cười trừ, quay sang nói với bố:

    - Bố ra mẹ hỏi gì đấy.

    Ông già tưởng thật, le te chạy xuống hỏi xem nóc nhà gọi gì. Chán không, đang định bảo em đánh nhau làm gãy tay một thằng cùng lớp thì ông già lại nhanh hơn cả mình. Không bảo bố đi chỗ khác chơi thì chắc cõng rắn cắn gà nhà mất. Cứ thấy thằng nào đến chơi là sáng mắt ra, vồn vã vào hỏi. Mình đã ế đâu chứ, mệt thế. Mà sao bảo cuối tuần mới đi công tác về cơ mà, Trúc hỏi cho có chuyện:

    - Sao anh bảo cuối tuần mới về mà?

    - Anh về tối qua, gọi điện không thấy em nghe máy, nhớ em nên tìm xuống.

    Ô, Trúc giật mình trợn mắt lên, giỏi đấy, đi công tác tập huấn về cái gì không biết, ăn nói gớm thế nhỉ. Anh Cường chỉ tủm tỉm cười. Loằng ngoằng chuyện được một lúc phải đuổi về ngay, bảo tí em đi ăn cưới bạn bây giờ. Chậm tí, vớ vẩn ông bà già lên ngồi buôn lại mời ở lại ăn trưa thì chết dở. Người này mời là nhận lời luôn chứ thắc mắc gì.

    Vừa dưới quê lên, em Thảo đã lôi tuột vào phòng nó chỉ một lố tất với khăn các loại màu. Chưa kịp thắc mắc gì thì cái Thảo đã reo lên:

    - Anh Cường mua cho chị nhiều tất với khăn chưa này, đủ các loại màu nhé. Sáng anh ấy mang vào, em bảo chị về quê rồi nên anh ý để ở phòng em.

    Ôi giời, đi bao giờ mới hết cái lố tất kia. Khăn mỗi ngày quàng một cái à, bảy sắc cầu vồng, trông khác gì con vẹt. Trúc làu bàu. Cái Thảo lại cười xong chỉ trích:

    - Người ta quan tâm thế còn gì, cũng sắp mùa đông, chu đáo thế còn chê, chị kiêu vừa thôi.

    Trúc hơi chột dạ, khéo anh ý nghĩ mình thích nhưng còn giả bộ kiêu thì chết. Thế này phải nói thẳng thôi, mất lòng còn hơn mất thời gian, tội nghiệp người ta. Nghĩ là làm, Trúc nhắn tin bảo thẳng, vô cùng cảm ơn anh đã dành thời gian và tâm tư cho mình nhưng thực sự không thấy hợp, mấy tháng rồi mà có nói chuyện được với nhau đâu. Xong Trúc động viên đi lấy vợ đi, đừng mất thời gian với mình làm gì. Đâu còn trẻ nữa. Thấy im im, khổ thân, không biết có khóc không.

    Tưởng ngon rồi, hôm sau lại xuất hiện, cứ như không có chuyện gì, có vẻ còn phấn khởi hơn mới chết chứ. Lần này đổi chiến thuật, không mua hoa quả nữa, chuyển sang mua kẹo ngậm Alpenliebe – ngọt ngào như vòng tay âu yếm của bạn (quảng cáo trên tivi nói vậy). Thôi xong. Cái Thảo cầm túi kẹo bóc ăn luôn, khỏi cần hỏi, vừa ăn vừa khen:

    - Ngọt ngào như vòng tay âu yếm của bạn

    Ông Cường cười tít mắt. Con điên này, chốc mày chết với tao.
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng chín 2023
  10. Vương Linh

    Bài viết:
    10
    Chương 9. Duyên hay nợ - 2

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cái Thảo còn gọi cả hai đứa giảng viên mới về sang ăn cùng, cứ ngồi tán gẫu, cười nói như có tiệc. Trúc chả ăn cũng chẳng bảo sao, mở tủ lấy lô tất với khăn ra xếp trước mặt anh Cường:

    - Anh mang về cho bác với chị dùng, em có nhiều lắm rồi, không dùng đến đâu anh ạ.

    Anh Cường chỉ cười, bảo anh mua cho mỗi người một lố như em rồi, với lại anh mua cũng rẻ, không đáng bao tiền, bảo em cứ dùng, không phải ái ngại gì cả. Trúc vẫn nài nỉ:

    - Nhưng em không dùng đến thật mà, anh mang về cho ai thì cho.

    - Thôi chị dùng đi, anh ấy chọn từng đôi tất từng cái khăn đấy.

    A cái bọn này, nối giáo cho giặc, chị em tốt đấy. Chúng nó còn xúm xít lại khen khăn đẹp kẹo ngon rồi còn bóc kẹo mời Trúc ăn. Trúc tức lắm, mặt xị ra. Lát ông kia về, cái Thảo ra hỏi nhỏ:

    - Chị dỗi à? Chị định không dùng thật hả?

    - Ừ.

    - Thế bọn em chia nhau dùng nhé? Bỏ đi phí chị ạ.

    Trúc hơi bất ngờ, đúng là lọt sàng xuống nia, chỉ bọn nó là hưởng lợi, Trúc chán nản:

    - Tùy chúng mày, dù sao tao cũng không động đến.

    Thế là chúng nó hồ hởi phấn khởi bóc ra chia nhau hết cái mớ tất với khăn đấy. Chúng nó còn tranh nhau màu nọ màu kia. Vừa chia nhau vừa cười trêu Trúc, bảo chị không dùng thì thiệt. Mấy cái khăn có tội gì đâu.

    Trúc chẳng biết làm thế nào với anh ấy. Tình yêu vốn chẳng cần lý do, thì không yêu cũng chẳng cần lý do. Biết là anh ấy rất tốt nhưng chẳng có chút cảm giác nào thì làm sao mà đi đến hôn nhân được. Anh ấy cũng nhiều tuổi rồi, đồng ý là cưới liền tay chứ chơi bời gì tầm này nữa. Mà Trúc thì chưa muốn nghĩ đến hôn nhân tí nào, sợ lắm, lại như mấy cái hồ than thở kia, ngày nào cũng uất ức với mẹ chồng, sống thế còn gì vui nữa.

    Thế rồi có một anh đồng nghiệp mới về cũng đang lâm vào hoàn cảnh tương tự. Anh Toàn nhờ Trúc sang phòng chơi vì có một cô giáo cấp hai, tối nào cũng vào phòng anh ý chơi, bạn ý quấn quá mà anh Toàn thì không thích:

    - Dở hơi à? Nó oánh vỡ đầu em thì sao?

    - Gớm, ai dám làm gì em. Chỉ sang ngồi chơi là được, có gì anh nhắn tin, mang điện thoại sang nhé.

    - Thôi, vô duyên chết, không chơi.

    Anh Toàn hơi gắt lên: - Có giúp không thì bảo.

    Trúc tỉnh bơ: - Bảo rồi còn gì.

    Anh Toàn lại xuống giọng năn nỉ:

    - Hộ tí đê, xong vụ này có gì cần anh hỗ trợ, anh tình nguyện ngay.

    Nghĩ bụng có quái gì mà nhờ anh chứ, đi phá duyên thế này hay ho gì. Ơ, mà chẳng phải mình cũng giống thế, Trúc thay đổi thái độ ngay, niềm nở:

    - Nhất trí, xong anh phải giúp lại em, lúc nào em bảo thay đồ đi chơi là phải đi ngay, chỉ cần đưa em ra cổng thôi, rồi anh đi đâu thì đi, không thắc mắc, nhận lời thì chốt kèo?

    - Chốt luôn.

    Anh em gặp nhau như bắt được vàng, còn chờ gì mà không liên thủ. Thế là như truyện hài, anh Cường đến phòng Trúc nói chuyện với cái Thảo, Trúc sang phòng anh Toàn nói chuyện với anh Toàn và bạn gái anh ý. Hôm nào cô giáo kia không đến thì hai anh em giả vờ hẹn nhau đi uống cafe, bỏ lại anh Cường. Trông cứ buồn rũ, nhìn tội ghê.

    Nghĩ cũng dã man nhưng chẳng còn cách nào khác, bảo nhẹ nhàng thì ương, không nghe, mãi không giác ngộ, cứ lẩn quẩn ở chỗ em thì bao giờ mới lấy được vợ. Già mất thôi.

    Rồi anh Cường không đến thường xuyên nữa, cô giáo kia cũng không đến luôn. Anh Cường đến, Trúc chỉ im lặng, không cười không nói, Trúc không dám nhìn anh ý. Trông buồn lắm, tội nghiệp, chẳng biết nói gì, làm thế nào được, em đã cố rồi, em xin lỗi.

    Không phải nói điêu chứ Trúc cũng cố thật nhưng chả có cảm giác rung động quái gì cả. Bố mẹ Trúc cũng thích anh ý lắm, cũng động viên đấy nhưng chịu thôi. Một hôm, anh ý gọi điện, bảo đi uống nước lần cuối với anh rồi anh không làm phiền nữa.

    - Uống nước ở đâu anh?

    - Cafe trên tòa nhà gần quảng trường, tầng 7, không có muỗi đâu em, ngắm thành phố, đẹp lắm.

    Trúc tủm tỉm cười:

    - Dạ.

    Tối anh ý đến như thường lệ, vẫn một lố Alpeliebe. Anh chở đi, không nói gì. Lúc vào thang máy, chỉ có hai anh em:

    - Cho anh ôm em một cái nhé.

    Nói chưa dứt câu, anh ý bất ngờ hành động rồi buông ra luôn khi thang máy mở cửa.

    - Anh xin lỗi, anh không kìm lòng được. Đi thôi em.

    Trúc còn đang lơ ngơ thì anh ý kéo tay đi. Hôm đó anh ý nói nhiều thật, nói như mở lòng, nói nhiều quá làm Trúc cũng không nhớ hết là nói những gì nữa. Đại loại là mấy hôm nay anh nghĩ nhiều, anh buồn lắm, cả ngày chẳng làm được gì cả; anh chẳng biết làm thế nào để em hiểu tình cảm của anh, anh không giỏi ăn nói, anh cũng không được nhanh nhẹn như những người đàn ông khác nhưng anh thật lòng. Thấy Trúc cứ im lặng, anh Cường nài nỉ:

    - Cho anh thời gian, cho anh một cơ hội nữa thôi, được không em?

    Trúc như sực tỉnh:

    - Em nói rồi mà, anh cũng nói là lần này gặp nữa rồi thôi mà, anh phải giữ lời hứa chứ. Với lại, anh không phải lo, anh là người tốt, anh sẽ gặp được hạnh phúc của mình thôi.

    Lúc về thấy anh hơi rơm rớm nước mắt. Hic, buồn quá, tí nữa thì Trúc khóc theo. Anh chở về, nhìn bóng lưng anh rời đi tự nhiên lại có chút luyến tiếc. Liệu mình có bỏ qua một người đàn ông tốt hay không nhỉ? Sau đấy, anh Cường làm đúng như lời hứa, không đến, không gọi điện, không nhắn tin. Vài tuần sau, sáng sớm mở điện thoại thấy tin nhắn gửi đi lúc nửa đêm:

    - Anh nhớ Trúc lắm, mình cưới nhau đi em.
     
    Chỉnh sửa cuối: 3 Tháng mười 2023
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...