Truyện ngắn: Lời thì thầm của mùa thu Tác giả: Cỏ Độ dài: Năm chương (khoảng gần bảy nghìn từ) Giới thiệu: Đây có thể coi là phần hai của truyện ngắn Vị của mùa hè . Tiếp tục câu chuyện xoay quanh hai nhân vật Kim và Tú nhưng khác với phần một, bối cảnh chủ yếu của phần hai là những mẩu chuyện nhỏ về đời sống sinh viên của Kim cùng những người bạn của cô. Trích: Lại có những đoạn một bên là sông, Kim nhớ máng trên bản đồ hình như là sông Đà. Có đoạn nước cạn, con trâu bơi bì bõm nhô mỗi cái đầu đen ngòm như con thủy quái, bên kia triền núi cao những bụi chuối rừng rậm rạp, anh Hoàng vẫn kể vào mùa hạ hoa chuối nở đỏ rực rất đẹp. Phía dưới chân núi, chỗ mấy bãi đất bằng và trống, có những nếp nhà tranh nho nhỏ, không hẳn là một làng, chỉ là một khu tự phát sinh sống, Kim đoán như thế, vì chỉ có vài mái nhà nhấp nhô lẫn trong những cây cối mới trồng. Nền đất hanh khô bụi mù mịt. [..] Anh Hoàng về quê rồi, xóm lại vắng hoe, sương như đặc quánh tỏa vào lớp không khí cũ mòn. Cái cảm giác trống trải khi biết rằng một người nào đó sẽ không bao giờ trở lại, không thể mong chờ, không thể có thời hạn để hẹn ngày gặp lại thật khiến người ta thấy nao lòng. Chúc bạn có những phút giây thư giãn, vui vẻ khi đọc truyện Thân ái - Cỏ
Chương 1: Sinh viên năm ba Bấm để xem Những cơn mưa rào cuối cùng đuổi mùa hạ về cuối trời, lũ ve sầu ngừng kêu rỉ rả, lá bắt đầu chuyển màu. Thu sang, thu sang thật rồi. Kim tay xách nách mang khệ nệ đủ thứ đồ bắt chuyến xe sớm cùng Tú lên trường chính thức trở thành sinh viên năm ba. Dù cho Kim đã giải thích có thể tự mình về phòng trọ nhưng Tú nhất định đưa Kim về rồi mới về nhà. Nhà Tú ngay trong thành phố, phố phường nhỏ bé vậy mà hai đứa mãi chẳng bao giờ gặp nhau cho đến mùa hè rồi. Ba Tú là kĩ sư nên đi suốt, gần thì vào Nam ra Bắc, xa thì Lào, Thái, Trung Quốc. Có lần đi đến nửa năm mới về, có lẽ đó cũng lí do khiến mẹ Tú quyết định li hôn. Phụ nữ sợ nhiều thứ, trong đó có cô đơn. Phụ nữ yếu đuối và cần bờ vai để dựa vào những lúc đau lòng, hay chỉ là những lúc trời trở sang thu, gió hiu hiu thổi se sắt như thế này. - Chị mới lên đấy à? – Doanh hỏi. Doanh là sinh viên trường luật như Kim, sau Kim một khóa, ở ngay phòng sát bên. - Ừ, em lên lâu chưa? - Em mới thôi, ai đấy? - À bạn chị ấy mà. - Bạn trai mới á hả? – Doanh vừa nói vừa cười khúc khích. Kim bỏ đồ vào phòng, sắp xếp dọn dẹp qua loa rồi mang mấy cái bánh gio từ quên chia cho mọi người. Bánh gio này được bà nội gói cẩn thận từ gạo nếp thơm, ngâm qua với nước tro, bánh được đun qua đêm, khi chín bánh mềm, dẻo hạt gạo quyện vào nhau màu cánh gián, khi ăn thêm chút mật ong hoặc đường. Hồi nhỏ Kim thích ăn lắm. Trước khi đi bà cứ dúi vào ba lô bảo Kim mang đi chia cho mọi người trên ấy. Kim tạt ngang phòng anh Hoàng, phòng anh cạnh cây xoài cụt. Gọi là xoài xụt vì nó có hai nhánh mà bị chặt mất một chỉ còn một nhánh vươn cao lên xòe rộng như cái ô lớn. Kim gõ cánh cửa đang mở, anh Hoàng đang lúi húi khều khều thứ gì đó trong gầm tủ. Thấy tiếng gọi anh Hoàng ngẩng khuôn mặt đầy bụi, Kim hỏi: - Anh Hoàng làm gì đấy? Anh Hoàng vỗ lên trán cái đét, nói: - Tôi hồ đồ mất rồi. Anh Hoàng tên đầy đủ là Đinh Nguyễn Huy Hoàng, bạn bè anh gọi là Hoàng "mát". Nhìn gương mặt anh thì đúng là Huy Hoàng. Da anh trắng, khối cô gái phải ghen tị với da anh, mũi cao thẳng tắp, mắt bồ câu, đôi môi đỏ ửng dù chẳng dưỡng bao giờ. Lần đầu nhìn anh đứa nào trong xóm trọ cũng phải thốt lên khen anh đẹp, quá đẹp. Khuôn mặt phải nói là hoàn hảo, nhất là khi anh đứng im không làm gì cả. Câu cửa miệng của anh là "Tôi hồ đồ mất rồi". Hè rồi, chẳng biết anh ăn ở ra sao mà hết hai tháng, bao nhiêu chuột cha, chuột con nó cứ nhè phòng anh mà chui vào. Nó ăn uống, sinh hoạt và đẻ con luôn trong ấy. Anh đã dọn dẹp một mẻ mà họ hàng nhà chuột vẫn trốn đâu đó trong góc nhìn trộm anh rồi kêu rinh rích khiêu khích anh. Anh lấy làm bực mình lắm. Tính anh vốn ưa sạch sẽ. Anh quyết tâm săn bằng được lũ phá hoại này, anh lên bách hóa vác ngay một cái bẫy chuột về, loay hoay nghiên cứu cả một buổi chiều lắp mồi, thử bẫy anh yên trí để vào một góc. Nhưng rủi thay lũ chuột nhà anh nó ăn gì mà khôn quá, mồi thì mất mà bẫy vẫn còn nguyên. Anh lấy làm tức lắm. Chẳng có nhẽ học thức như anh lại thua con chuột. Thế là anh sài chiêu khác ngay, anh nghe lời bà chủ bách hóa mua bốn năm miếng dính. Thấy bà chủ bảo không dính không lấy tiền. Về lại nghiên cứu một hồi rồi mới mở bẫy. Thế mà sáng hôm sau bẫy còn, chuột cũng còn nguyên trong ổ. Anh lẩm bẩm: - Tôi hồ đồ mất rồi. Tưởng anh làm thế nào, ai dè anh nghiên cứu đường đi nước bước của lũ chuột rồi mang treo lên xung quanh tường như yểm bùa, chuột nó thấy chắc sợ quá nằm yên trong ổ chẳng con nào ra nữa. Thế là Kim và Doanh hạ xuống giúp anh, mang bẫy để ngay cạnh bếp nấu ăn. Hôm sau đã có mấy con ham ăn nằm còng queo trong ấy. Sáng nay Kim đến trường, nhỡ dậy muộn quá, trễ giờ nên Kim không đi xe buýt mà mượn con "chiến mã" của anh Hoàng đến trường, thấy anh bảo đây là xe đạp đua, đắt lắm. Trong xóm chả đứa nào tin nhưng vẫn mượn xe anh đi suốt. Thời tiết đẹp quá, gió thổi hiu hiu, hàng cây hai bên đường thi nhau tháy áo mới. Kim đạp chầm chậm, tiếng lá rơi xào xạc, mấy cô gái váy áo xúng xính, tung lá chụp ảnh lách tách. Cô lao công cũng cặm cụi quét từng nhát, chổi kêu sàn sạt trên mặt đất. Đến trường, Kim cẩn thận khóa con chiến mã cho đàng hoàng trong nhà để xe, sinh viên mà, nhỡ mất một cái tiền đâu mà đền. Chơi cả mùa hè, trở lại trường cảm giác đối với Kim chưa được quen lắm. Nó lướt qua mấy hiệu sách mua giáo trình như thầy cô dặn, mùi sách mới rất dễ chịu. Kim thích không khí của hiệu sách, khá yên tĩnh không ồn ào như ngoài phố. Có lần nó ngồi lì trong trong ấy cả mấy tiếng, chị chủ hiệu cũng chẳng nói gì, chị rất đáng yêu. Chị bảo vì ước mơ muốn được đọc sách và thấy những bạn trẻ đọc sách mà chị mới từ bỏ công việc văn phòng về đây mở hiệu sách này. Nó tên là gì nhỉ, à đúng rồi hiệu sách "Hoàng tử bé" [1] . Chiều nào anh Hoàng cũng ngồi thiền, cái giường anh kê giữa phòng, bạn thân anh tên Kì Phú qua chơi, anh Phú biết xem cả phong thủy. Thấy cái giường anh đặt cập kênh trong góc thì bảo anh để thế không được. Phải kê ra gần cửa học hành công việc mới thuận lợi hanh thông được. Anh nghe lời mang cái giường kê sát cửa, thành ra từ phòng Kim nhìn sang thẳng vào giường anh. Cứ chiều đến anh lại mở cửa ra, ngồi thiền. Anh thiền nhưng chuyện gì anh cũng nghe, cũng biết hết. Nhưng mỗi lần gọi anh đều không thưa, anh nghe thấy không thì chỉ anh mới biết. Mấy lần Kim và Doanh đi chợ chiều mua cái bánh cái quà cho anh, anh toàn nhắm mắt khua tay chỉ chỉ ra hiệu cho hai đứa đặt lên bàn. Đấy là người ta gọi anh không thưa chứ anh gọi mà không đứa nào thưa là anh lại dỗi. Anh bảo anh thích được đáp lại, nếu không nghe được tiếng đáp lại là anh lo lắng bất an cả ngày. Kim cũng tững gặp những người như anh rồi, họ sợ nỗi cô đơn lắm. Họ khao khát được người khác quan tâm, người khác để ý tới mình, dù chỉ là lời chào đáp thôi cũng đủ để họ an lòng hơn một chút. [1] Hoàng tử bé là tên một cuốn sách được xuất bản năm 1943, là tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nhà văn và phi công Pháp Antoine de Saint - Exupéry. Tác phẩm đã được dịch sang hơn 250 ngôn ngữ (bao gồm cả tiếng địa phương) và cho đến nay đã bán được hơn 200 triệu bản khắp thế giới, trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất của mọi thời đại. Theo wikipedia
Chương 2: Đêm trung thu Bấm để xem Ở xóm trọ, toàn là sinh viên. Nhưng mỗi người một quê, cho nên ngày lễ tết hay có ai về quê là anh chị em lại được liên hoan toàn những món đặc sản quê hương. Ví như Doanh mỗi lần về quê là nó mang toàn là bánh đậu xanh. Bánh được lấy từ những cơ sở truyền thống nên mùi vị rất đặc biệt. Đậu xanh thơm, béo ngậy, bỏ một miếng vào miệng, miếng đậu xanh tan ra ngọt lịm. Trời lạnh nhâm nhi với một tách trà nóng thì chẳng còn gì thi vị hơn. Còn anh Hoàng nữa, mỗi lần anh về là cả xóm đợi chờ trông ngóng. Quê anh có nhiều món lạ lắm những món Kim chưa được thưởng thức bao giờ. Nào là xôi trứng kiến, nào là thịt muối chua, nào là trám muối. Kim nhớ lần anh mang cho túi trám muối, những quả trám đen bở, bùi, thơm lắm được chọn cẩn thận bỏ vào túi thêm ít gia vị đặc trưng, hít hà mùi vị là đã thèm vô cùng. Kim hứng khởi lắm, nó thử một miếng rõ to nhưng vừa nhai thì chao ôi, mặn. Thì ra món đó là để ăn kèm với cơm trắng. Vào ngày trời mưa hoặc se se lạnh như thế này thì tốn cơm lắm. Còn món thịt muối chua, Kim thích món này lắm, nó được làm từ thịt lợn lạc, được nêm nếm gia vị rất vừa miệng, thịt màu hồng đựng trong hộp thủy tinh trong bịt kín, khi mở ra thơm mùi gia vị, ăn lần đầu thấy vị ná ná như nem chua nhưng vị đặc trưng hơn, ăn một lần là nhớ mãi. Năm nay rằm háng tám rơi vào giữa tuần. Sinh viên xa nhà, mỗi người một quê mấy chị em chẳng ai về nhà được vì lịch học kín mít. Chiều tan học, anh Hoàng đèo Doanh ra chợ mua ít đồ về nấu nướng. Kim ghé bách hóa mua một cặp bánh trung thu. Tú mang cho nó một cái đèn kéo quân có hình đám cưới chuột. Kim thắp nến, chiếc đèn xoay từ từ, những con chuột cưỡi ngựa chạy vòng vòng. Mấy đứa con gái đứa nào cũng thích lắm. Duy chỉ có anh Hoàng nhìn thấy chuột là không được vui cho lắm. Cả xóm trọ cùng liên hoan một bữa, cùng ăn uống hát hò, chụp vài tấm ảnh kỉ niệm. Mỗi khoảnh khắc trong cuộc đời đều đáng quý, nhưng đáng quý nhất có lẽ là khoảng khắc hiện tại. Sau này, chúng ta có thể có những chiếc bánh lớn hơn, những bữa tiệc to hơn, nhưng những người chúng ta gặp bây giờ, cảm giác bây giờ và những âm thành vui vẻ của hiện tại mãi mãi chẳng bao giờ có được lần nữa. Xóm trọ có một khoảng sân ở giữa, tán cây xoài cụt che mất một phần, còn lại để lộ khoảng không đủ rộng để nhìn ngắm bầu trời đêm trung thu lấp lánh đầy sao, vầng trăng tròn đầy như chiếc bánh, hình cây đa chú cuội hiện lên in thành những vệt đen ngoằn nghoèo như người ta vẽ mực tàu lên một cái mâm xôi. Ánh sáng hắt xuống sân mát dịu. Tú nhìn cây đèn kéo quân hỏi: – Kim có nhớ lúc bé mình làm đèn này không? Chẳng phải trung thu cũng làm, mang ra thắp mà mấy con vật nó không có chạy. – Hôm nay rằm Tháng Tám, mẹ thắp đèn kéo quân, khi đèn vừa cháy sáng, bao bóng người chạy quanh [2] – Kim thong thả đọc bài thơ thuở bé. – Một lũ ăn mày, một lũ quan, quanh đi quẩn lại cũng một đoàn, đến khi dầu hết đèn thôi cháy, chẳng thấy ăn mày chẳng thấy quan ! [3] – Anh Hoàng đế vào. – Anh Hoàng nay có cả thơ nữa à? – Doanh vừa hỏi vừa khúc khích. – Mới học của Kì Phú, bạn anh [4] . Cả xóm vừa ăn uống xong xuôi thì đoàn rước lân cũng vừa đi tới, mấy anh chị em lại rủ nhau ra ngõ hòa vào đám đông. Chú lân nhảy tưng tưng theo nhịp trống, ông địa bụng phệ cầm quạt vừa đi nghênh ngang vừa múa kế bên, rộn ràng theo tiếng nhạc bài "Chiếc đèn ông sao", "Tùng rinh rinh, rùng tùng tùng rinh rinh.." [5], đến là nhộn nhịp. Mười giờ hội mới tan, ai lại về nhà lấy. Trước khi về, Tú không quên hẹn Kim hôm nào rảnh sẽ dẫn đi xem người ta làm đèn kéo quân. Sáng sớm, Kim bị đánh thức bởi tiếng ồn ào. Kim vùng dậy hé cửa phòng cho đỡ chói, mọi người đang xúm xung quanh Doanh. – Có chuyện gì thế? – Kim khều anh Hoàng hỏi. – Doanh nó mất máy tính rồi. – Mất khi nào anh? – Chắc tối qua, lúc mình ra ngõ, sáng nay nó mới tìm để đi học thì không thấy, mọi khi vẫn để dưới ngăn bàn. Doanh khóc sướt mướt, nhà nó không được khá giả, mẹ Doanh đơn thân nuôi con, từ khi sinh nó không hề biết mặt bố. Giờ mất lấy gì học, chắc nó cũng chẳng dám xin tiền mẹ mua lại nữa, mẹ nó đã lo lắng nhiều rồi. Doanh thất thểu bước thấp bước cao, lau nước mắt đến trường. Buổi tối Kim sang an ủi Doanh, mọi người trong xóm đã thống nhất góp mỗi đứa một ít cho Doanh mượn mua máy tính học trước, khi nào đi làm thêm có tiền gửi lại lần lượt mọi người sau. Nhưng góp mấy hôm vẫn chưa đủ. Sinh viên tháng bố mẹ cho cũng chỉ đủ tiêu, đứa nào đi làm thêm thì dư giả đôi chút nhưng cũng không nhiều, đóng góp cũng chỉ được phần nào. "Cộc cộc". Anh Hoàng gõ vào cánh cửa đang mở. – Anh mua được máy tính cho em rồi đây. – Anh lấy đâu ra tiền? – Doanh hỏi Anh Hoàng cười khì khì rồi trả lời câu chẳng liên quan – Máy tính tuy cũ nhưng vẫn dùng vẫn tốt, cứ dùng đi bao giờ có tiền trả anh cũng được. – Em không dám nhận đâu, em làm biết bao giờ mới đủ. – Họ không cho trả lại đâu, em không dùng anh cũng vứt xó à, anh để đây, hai chị em tâm sự đi, anh về đi ngủ. Anh Hoàng bán con xe đạp đua, anh rước một con xe khác, là xe cũ theo như anh bảo thì là hạng "thường dân". Anh chẳng đi mấy, nhưng anh cứ mua vứt đấy xóm có đứa nào cần thì đi. Đúng là "anh hồ đồ mất rồi". Chú thích: [2] Bài thơ về đèn kéo quân cho các bé, nguồn Thi viện. [3] Bài thơ Vịnh đèn kéo quân của tác giả Nguyễn Quý Tân. [4] Kì Phú: Nhân vật sẽ xuất hiện trong một truyện khác của Cỏ. [5] Chiếc đèn ông sao của nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Chương 3: Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím * * Một bài ca dao dân gian Bấm để xem Thời gian cứ rong ruổi trôi, thong thả, chẳng chút vội vàng, chỉ có con người bị hối thúc đến quay cuồng. Kim vừa đi vừa nghĩ đến kì thi cuối kì nữa sắp đuổi tới nơi. Nó vào hiệu sách nhặt vài cuốn lên đọc lướt lướt. Dưới đống sách cũ có một cuốn đập vào mắt Kim, nó nhặt lên mở đại một trang, lẩm nhẩm đọc "Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím, em lấy chồng rồi trả yếm cho anh, hoa cúc vàng nở ra hoa cúc xanh, yếm em em mặc yếm gì anh anh đòi [6]" . Nó mỉm cười nghĩ đến con gấu Hải Anh tặng vẫn nằm trong góc va li mà nó không biết vô tình hay cố tình vẫn cứ mang theo. Chuông điện thoại reo, Kim vội đặt cuốn sách về chỗ cũ, ra ngoài nghe. Là Tú, Tú khoe bố mới đi công tác về mua nhiều thứ hay ho cho Tú lắm. Bố Tú là người tâm lí, ông thương Tú nhưng không nói, từ ngày mẹ Tú đi ông càng ít nói hơn nhưng đi đâu cũng dặn dò Tú cẩn thận, hình như ông muốn bù đắp cho những tháng ngày cô đơn của Tú và cả của mẹ Tú nữa. - Tú đợi ở ngõ nha. – Tú kết thúc cuộc điện thoại. Tự nhiên Kim thấy vui trong lòng, Kim cười tủm tỉm một mình, háo hức đợi chuyến xe buýt tiếp theo như ngày bé đợi Tết. Xuống xe nó rảo bước về phòng, một bóng lưng đứng ngay trong ngõ. Nó khựng lại, không phải Tú. - Hải Anh? – Kim cất lời. - Cậu về rồi à? Mình đợi cậu một lúc rồi. Mình muốn nói chuyện với cậu. Hải Anh nói như thể sợ Kim sẽ không để cậu ta nói hết câu. - Mình, mình chia tay rồi. - Ừm. Kim trả lời ngắn gọn. Cả hai cùng im lặng, một lúc sau Kim cất lời: - Cậu có chuyện gì muốn nói với tớ nữa không? - Tớ.. Tớ.. Vừa đúng lúc Tú cũng tới. Thấy Hải Anh, gương mặt hớn hở của Tú hơi chùng xuống giây lát, rồi Tú mỉm cười hỏi: - Đây là? - À, quên chưa giới thiệu với Tú, đây là.. Hải Anh. – Kim nói Tú "à" lên một tiếng, xòe tay: - Xin chào, mình là Tú, bạn từ thời cởi truồng tắm mưa với Kim. Hải Anh bắt tay Tú: - Chào cậu, chắc mọi người bận rồi, vậy khi khác tớ lại đến, mình nói chuyện sau nhé Kim. Hải Anh lẳng lặng rời đi, trong đầu Kim không hiểu sao cứ văng vẳng mấy câu ca dao nó vừa đọc "Hoa cúc vàng nở ra hoa cúc tím, em lấy chồng rồi trả yếm cho anh..". Tú hình như hiểu những lộn xộn trong lòng nó, Tú vội dúi vào tay Kim một miếng vải vuông, thì thầm vào tai Kim. - Đây là bùa hộ mệnh, tặng Kim, giữ cẩn thận nhé. Tú đi đây. Nhìn theo bóng Tú, Kim thấy trong lòng bối rối, Kim không hiểu được lòng mình. Đối với nó sự xuất hiện của Hải Anh vừa rồi như một tiếng sấm giữa trời quang. Khi tất cả trong lòng đã bình yên trở lại. Hải Anh lại làm nó xao động, dù sao đây cũng là mối tình đầu của nó. Thấy người ta bảo mối tình đầu sẽ làm người ta khắc ghi cả đời. Nhưng rồi nếu không thể đi cùng nhau được nữa người ta vẫn phải quên đi chứ? - Chị Kim ơi, bận gì không? – Doanh ngó vào cửa, hỏi. - Có chuyện gì thế? - Bà anh Hoàng mất rồi. Anh Hoàng đang chuẩn bị về quê chịu tang bà nội. Bà anh đột quỵ mất đêm qua. Bố anh mất sớm, mẹ anh đi lấy chồng khác, từ nhỏ anh sống với bà. Bà vừa là cha vừa là mẹ của anh. Anh không khóc chỉ lẳng lặng sắp xếp đồ. Mặc cho anh cản, bắt ở lại học, Kim và Doanh vẫn nhất quyết nghỉ một hôm về thắp cho bà nội anh một nén nhang rồi mới lên. Từ đây về nhà anh phải bắt tới ba chuyến xe với quãng đường gần hai trăm cây số, hai chị em ngồi xe khách đến ê ẩm. Đi lại hơi bất tiện, vậy mà mỗi lần về anh vẫn tha lôi lỉnh kỉnh biết bao nhiêu thứ quà bánh, mang đến nơi lại đi chia cho từng phòng, từng đứa, đúng là "anh hồ đồ thật". Cả quãng đường dài anh Hoàng không nói. Gương mặt đăm chiêu mọi khi của anh giờ như giãn ra, nhìn tĩnh lặng như mặt hồ, nhưng Kim biết dưới mặt hồ yên ả ấy sóng đang cuộn từng cơn dồn dập. Khi người ta lớn thật khó để khóc thành tiếng nhưng tiếng khóc lại vỡ ra trong lòng. Đó là tiếng khóc rất khó để lau khô hay an ủi. Giá như anh có thể khóc ngay lúc này, nước mắt sẽ làm vơi đi phần nào vết thương đang đúc lại thành khối nơi trái tim rỉ máu. Làm gì có nỗi đau nào lơn hơn nỗi đau mất đi người thân, lại là người thân duy nhất. Giá như Kim là con trai biết đâu nó đã có thể nắm tay hay ôm anh thật chặt nhưng ngặt nỗi nó lại là con gái, cả Doanh cũng thế, nên càng chẳng biết làm gì để anh bớt thấy đau lòng. Vậy là ba anh em cứ im lặng như thế suốt quãng đường về nhà. Kim ngồi dựa lưng vào ghế, nhìn ra ngoài cửa kính, nó tu ực ực lọ thuốc say xe. Quãng đường ngoằn nghoèo hình sin nằm vắt vẻo lên lưng chừng núi. Một bên là đồi bát úp thoai thoải người ta trồng bạt ngàn cây lá bài, nắng chiều chiếu vào lấp la lấp lánh. Mổ bên là vực núi nhìn mãi xuống dưới cũng chỉ thấy toàn lá với cây dại không thấy đáy. Lại có những đoạn một bên là sông, Kim nhớ máng trên bản đồ hình như là sông Đà. Có đoạn nước cạn, con trâu bơi bì bõm nhô mỗi cái đầu đen ngòm như con thủy quái, bên kia triền núi cao những bụi chuối rừng rậm rạp, anh Hoàng vẫn kể vào mùa hạ hoa chuối nở đỏ rực rất đẹp. Phía dưới chân núi, chỗ mấy bãi đất bằng và trống, có những nếp nhà tranh nho nhỏ, không hẳn là một làng, chỉ là một khu tự phát sinh sống, Kim đoán như thế, vì chỉ có vài mái nhà nhấp nhô lẫn trong những cây cối mới trồng. Nền đất hanh khô bụi mù mịt. Kim khẽ nhắm mắt, xe lắc khiến Kim hơi chóng mặt và buồn ngủ. Đến nơi Doanh khẽ lay Kim dậy, nhà anh Hoàng đây ư. Nó khác quá so với những gì Kim tưởng tưởng khi đi qua những khung cảnh vừa rồi. Nhà anh nằm ngay đầu làng, xuống xe chỉ cần chỉ đi bộ thêm một quãng ngắn, đường được lát bê tông nhẵn mịn. Đó là một gian nhà sàn năm gian rộng rãi, được dựng bằng gỗ lim ta rất đẹp, sơn đỏ. Xung quanh cũng có một vài nhà như thế. Anh bảo đây là nhà ở quê, trên phố huyện nhà anh còn một căn nữa. Nhưng trước đây căn nhà này là nơi cả gia đình anh sinh sống, bà con họ hàng cũng ở đây cả cho nên chú bác anh em quyết định đưa bà về đây an táng. Bà chỉ có mình bố anh, giờ anh phải thay bố làm tròn đạo. Anh lẳng lặng bước lên bậc thang, Kim và Doanh lẽo đẽo theo sau. Chú thích: [6] Bài ca dao có nhiều giả thuyết khác nhau về nghĩa và cách hiểu. Nhưng điểm chung nhất ở đây chính là chàng trai trong bài ca dao muốn lấy lại kỉ vật của mình trước đây tặng cho cô gái (chiếc yếm), nhưng cô gái lại muốn giữ lại làm kỉ vật tình yêu dù đã đi lấy chồng. Ý chỉ tình cảm sâu sắc lưu luyến chưa dứt.
Chương 4: Người đồng hành Bấm để xem Anh Hoàng ở lại quê tận năm ngày. Vắng anh xóm buồn tênh, chiều chiều không được thấy anh hì hục chọc chuột vừa lầm bẩm "tôi hồ đồ quá, tôi hồ đồ mất rồi". Anh ghét nhất là bọn chuột. Nhất là mấy con chuột cống lông bong tróc từng mảng, chạy nhông nhông từ dưới cống lên, trông đến khiếp. Bây giờ chúng nó chạy khắp trong xóm, mấy đứa con gái nhớn nhác cả lên. Kim không sợ chuột nhưng nhìn chúng cũng không thiện cảm gì. "Không biết chừng nào anh Huy Hoàng mới xuất hiện đây". Kim ngồi nhìn ra khung cửa nghĩ ngợi. Chủ nhật, Kim không về quê. Nó đã hẹn cùng Tú đến chỗ người thợ làm đèn kéo quân, hai đứa chăm chú xem. Tú muốn học làm đèn, mẹ Tú sắp về thăm, mẹ Tú thích nhất xem đèn kéo quân. Tú muốn tặng mẹ một cái tự làm. Tú cẩn trọng làm theo từng chỉ dẫn của người nghệ nhân. Kim ngồi bên cạnh, nhìn ánh mắt chăm chú và đôi tay vụng về của Tú trong lòng tự nhiên thấy vui vẻ. Tú lúc nào cũng thế, quan tâm người khác từ những điều nhỏ nhặt. Kim bất giác mỉm cười. Buổi chiều Tú chở Kim đi vòng vòng quanh phố. Những con đường tấp nập nhộn nhịp, mênh mông là người. Giờ tan tầm ai ai cũng hối hả trở về tổ ấm của mình. Trời se se lạnh, Tú bất giác nói với Kim: - Tháng Tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhỉ? Từ độ người đi, thương nhớ âm thầm [7] Kim không đáp lại, Tú nhìn phố phường rộn ràng, Kim thấy được sự cô đơn trong lòng Tú. Cái cô đơn trống trải khi một gia đình không còn đủ đầy nữa. Cái cô đơn siết chặt vào con người ta, nhất là khi tiết trời trở lạnh, thèm những bữa cơm nóng hổi đầm ấm với những tiếng cười nói giòn tan vang lên không trung. Buổi tối Kim về phòng gọi điện cho ba mẹ, thằng cu em Kim nói thỏ thẻ vào máy hỏi chị Kim có ăn bánh trung thu nữa không, quà của cơ quan bố mẹ cho, rồi bệnh nhân của bố cho thừa quá trời. Bố bảo Kim phải chịu khó nấu ăn, mẹ dặn Kim rảnh thì về chơi với em. Kim cười vui vẻ, tiếng cười mà chỉ khi bên những người thân yêu nhất đời mới có thể bật ra được, đó là âm thanh của bình yên. Chiều hôm ấy, Kim vừa tan, mùi hoa sữa nồng quá, Kim sợ mùi hoa sữa nhưng vì Hải Anh thích mà trước đây hai đứa luôn hẹn hò ở tiệm trà sữa gần trường. Bây giờ không còn lí do gì để yêu thương cái mùi này nữa. Kim chọn một đường khác, đi vòng qua. Nó dự định sẽ xin làm thêm, lần này Kim không muốn làm ở tiệm cà phê nữa, nó muốn xin làm trong hiệu sách. Bỗng có chuông điện thoại, là Hải Anh. "Thật trùng hợp, vừa nghĩ đến cậu ta". Kim tự nhủ nhưng rồi nó tắt điện thoại, bỏ vào túi, chùm cái mũ áo khoác gió mỏng lúi cúi sang đường. Bỗng nhiên nghe tiếng gọi giật giọng từ phía sau: - Kim, Kim Kim ngoảnh đầu lại, Hải Anh đã đợi nó ngay gốc cây hoa sữa. Kim định coi như không thấy cứ bước đi nhưng Hải Anh lại gọi tới. Nó chẳng còn cách nào đành quay lại. - Tớ gọi mà cậu không nghe? - Hải Anh này, tớ nghĩ chúng ta còn gì để nói chuyện nữa đâu. - Ừm, tớ biết cậu còn giận, nhưng.. - Tớ xin lỗi vì cắt ngang, nhưng.. tớ không còn giận cậu nữa rồi. Thú thật lúc cậu nói chia tay và tớ bắt gặp cậu và cô gái đó tớ có giận nhưng cảm giác tức giận không lớn bằng cảm giác thua cuộc. Tớ đã nghĩ suốt mấy tháng, tớ đã thông rồi. Thực ra tình yêu không thể phân thắng thua được, nó không phải một cuộc đua, nó là một cuộc đồng hành, đã là đồng hành người ta hoàn toàn có thể lựa chọn người đi cùng trong năm tháng cuộc đời mình. Cảm ơn cậu vì đã chọn tớ cũng như tớ đã chọn cậu đồng hành cùng nhau suốt hai năm, đến lúc chúng ta không thể đi cùng nhau được nữa, chúng ta.. nên chấm dứt những dùng dằng này để cả hai được vui vẻ. - Cậu.. cậu thực sự nghĩ như vậy sao? Vậy.. chúng ta.. tiếp tục làm bạn được chứ? Kim bắt chuyến xe buýt cuối trở về, cuộc gặp với Hải Anh làm nó không còn tâm trạng đến tiệm sách. Nó nhìn hàng cây bên đường, lá đã ngả vàng. Gió lay khe khẽ làm tán cây run lên từng đợt rồi rùng mình một cái làm những chiếc lá vàng trút xuống. Phải rồi, hàng cây năm nào cũng thay lá, mỗi lần như thế mầm non lại nhú lên xanh mơn mởn. Con người cũng cần gột rửa tâm trạng để tâm hồn được mới mẻ trở lại, tươi mát hơn, dễ chịu hơn. Về xóm trọ, thấy phòng anh Hoàng mở của, Kim ngó qua thấy anh nằm cuộn khoanh như con cuốn chiếu [7] . Những con đại bàng dù là vua của bầu trời nhưng khi mất mẹ chúng cũng trở nên yếu đuối và dễ thành con mồi của những loài thú khác. Con người dù chẳng thể trở thành con mồi nhưng tâm can lại trở nên dễ tổn thương hơn cả. Kim không đánh động đến anh mà lẳng lặng đi về phòng. Buổi tối Kim và Doanh nấu cơm, Doanh mang cho anh một phần để trên mặt bàn. Sớm nay Kim có tiết một, trở dậy trời vẫn còn đầy sương, làn sương mù giăng kín cả lối đi cách vài chục mét là không còn nhìn thấy gì. Còi xe lại bật lên inh ỏi, ánh đèn xe chiếu mờ mờ. Kim ngồi thu người trên băng ghế, chiếc xe buýt chầm chậm bò tới. Mấy hôm nay nó không gặp Tú cũng không liên lạc, không biết mẹ Tú đã về chưa? Kim lấy điện thoại bấm tạch tạch "Chiều Tú rảnh không?". Không thấy Tú nhắn lại, Kim cất điện thoại vào ba lô. Hết mỗi tiết học nó đều bỏ điện thoại ra xem nhưng cũng không thấy Tú nhắn lại. Chiều tan học, Kim gọi điện cho Tú. Một giọng nói uể oải nhấc lên từ đầu bên kia. Kim hỏi: - Tú ổn không? Kim bắt một chiếc xe, mua một ít bánh quy Tú thích. Tú ngồi trong phòng, ba Tú vẫn chưa về. - Giờ mới biết phòng Tú ngăn nắp ghê nha. Tú nhoẻn miệng cười gượng. Mẹ Tú về nước cùng một người đàn ông nữa, có lẽ hai người đã có tình ý từ lâu. Hôm rồi, mẹ Tú dẫn người đàn ông đến gặp Tú. Tú không nói nhưng Kim biết Tú đau lòng. Cảm giác này giống như cảm giác bị vứt bỏ, trở thành người thừa. Bất cứ đứa con nào đối với cha mẹ chúng, chúng cũng chỉ là đứa trẻ. Một đứa trẻ luôn khao khát được vòng tay ba mẹ yêu thương và ôm lấy kể cả khi chúng đã trưởng thành. [7] Lời bài hát có phải em mùa thu Hà Nội của nhạc sĩ Trần Quang Lộc, Thơ Tô Như Châu
Chương cuối: Trời thu trong xanh Bấm để xem Kim ngồi yên lặng bên Tú, có những sự an ủi không cần thiết phải biểu đạt bằng lời. Có những âm thanh người ta có thể nghe bằng trái tim. Đôi khi im lặng cũng chính là lời nói hữu hiệu nhất để chữa lành vết thương lòng. Trở về phòng trọ, Kim nhắn cho Tú "Đừng ăn bánh ngọt đêm, sâu răng đó". Tú nhắn lại "Kim về là Tú ăn hết luôn, không cần để tới đêm". Kèm theo một cái mặt cười. Doanh gõ cửa "cộc, cộc", rồi bước vào phòng - Chị Kim ơi, anh Hoàng sẽ nghỉ học đấy, anh sẽ về quê. - Nghỉ mấy hôm? - Nghỉ hẳn đó chị. Kim hơi bất ngờ, không rõ lí do gì mà anh quyết định như vậy. Nó ngó sang phòng anh, thấy anh đã đóng cửa. Bẵng đi mấy hôm nó cũng quên, dạo gần đây việc học hơi bận rội. Hơn nữa Kim lại muốn tìm việc làm thêm vào những ngày rảnh rỗi, thế là nó đi suốt. Hôm nay cũng thế, nó đạp con xe của anh Hoàng đi vòng vòng, không biết mấy ngày nay anh đi đâu toàn đóng cửa, tối mịt mới về. Kim lang thang trên phố, nó thích làm thêm trong hiệu sách. Vừa hay tiệm sách Hoàng Tử Bé nó hay lui tới cũng vừa đề biển tuyển người. Chiều tối, Doanh gọi điện bảo Kim đừng về muộn quá, dạo này cái cột đèn đường trong xóm bị hỏng, chưa ai sửa nên cái ngõ vốn đã tối om nay lại còn tối hơn nữa. Đã thế dạo gần đây lại có một tên biến thái hay xuất hiện ngay con ngõ, tên đó dọa mấy đứa con gái sợ chết khiệp. Kim cũng hơi rợn, Cái ngõ về hơi nhỏ, một bên là bức tường dày của nhà nào đó, một bên là cái ao bèo bẩn thỉu toàn rác, lối đi chỉ có một, chẳng có ngõ ngách, lại có một cây trứng cá to trình ình rậm rạp, tán lòa xòa. Kim đã định bụng về sớm nhưng cứ dùng dằng chẳng tìm được chỗ nào ưng thành ra cũng sắp đến đêm, Kim nhìn đồng hồ đã sắp mười giờ, nó đạp vội về phòng. Nhưng người ta nói rồi nếu một ngày xui xẻo tìm đến, thì nhất định sẽ xui đến trót. Kim đạp đến ngã tư thì con chiến mã bất ngờ đình công, có vẻ như nó bị xì hơi rồi, trời thì tối nó không biết làm sao đành xuống dắt bộ. Mấy cái đèn đường rọi lờ mờ, con ngõ dẫn về xóm trọ tối om, vắng ngắt. Kim gọi điện cho Doanh nhờ bác chủ nhà đừng đóng cửa. Về đến ngõ, nhớ đến lời Doanh, Kim hơi chùn bước, nó ngập ngừng một lúc cuối cùng cũng đi vào. Đột nhiên thấy một cái bóng đen đứng ngay cây trứng cá, cái bóng đen đang tiến về phía Kim, Kim hoảng hồn buông con xe đạp chạy theo hướng ngược lại, vừa chạy vừa ngoái lại nhìn, cái bóng đuổi theo Kim gọi với: - Kim, Kim, anh mà. Kim định thần lại, chạy chậm dần, ngoái cổ nhìn, gần đến đoạn có bóng đèn sáng Kim mới dừng lại thở hổn hển. - Anh Hoàng. - Ừ thấy Doanh bảo em về muộn, chỗ này nguy hiểm nên anh đón. Người như anh lạ thật đấy, toàn làm những việc hồ đồ. Anh cứ đau buồn, cứ cấu xe nỗi đau của mình cũng được đâu cần phải bình thản mang nỗi đau của mình cất đi rồi lại lo lắng cho người khác được chứ. Anh Hoàng khoe Kim cái côn cầm theo, đợt trước anh mượn của anh Kì Phú mà chưa dùng. Nay anh kẹp vào nách như biết múa côn thật vậy. Anh còn khua khua trước mặt Kim. Nhìn anh nếu không biết trước thì ai nghĩ rằng vừa trải qua một nỗi mất mát lớn. Hôm sau, anh Hoàng đến trường sớm, rút hồ sơ và nộp đơn xin thôi học. Tan học Tú đợi Kim ở cổng trường, biết Kim sợ mùi hoa sữa, Tú đã đứng sẵn ở hướng đối diện. Hai người cùng đến hiệu sách "Hoàng tử bé". Chị chủ giới thiệu công việc phải làm cho Kim, chủ yếu là phân loại sách và sắp xếp chúng lên giá, thời gian rảnh có thể đọc sách thoải mái. Chị chủ hỏi Kim vài câu rồi bảo Kim đi làm vào thứ ba tới, vào ngày Kim được nghỉ, Kim rất thích công việc này, nó nhận làm hai buổi trên tuần. Trên đường về, Tú bảo Kim: - Kim có biết tại sao gọi là mùa thu không? - Tại sao? - Vì mùa này là mùa người ta thu tiền điện, tiền nước, tiền nhà rồi tiền học, đến tiền lương của mấy ông chồng cũng bị vợ thu nốt. Kim bật cười, không phải vì câu chuyện cười nhạt nhẽo Tú vừa kể mà vì Tú đã có thể vui vẻ trở lại. Kim cũng thấy vui lây, cả hai đi vòng vòng qua phố rồi rẽ vào một quán quen, Kim thích món ăn vặt ở đây. Đối với Kim đồ ăn là cách thức tốt nhất để xoa dịu tâm hồn nếu gặp phải chuyện không vui. Hôm nay anh Hoàng thu dọn đồ đạc để về quê. Thì ra mấy hôm anh đi chào khắp bạn bè một lượt. Trước hôm về anh gọi mấy đứa trong xóm, sách vở anh gom lại đứa nào thích quyển gì anh cho, còn lại mấy quyển không ai lấy anh mới gói vào ba lô mang về. Chiếc xe đạp anh mới vừa mua cũng để lại cho xóm, đứa nào cần thì đi. Anh cũng không quên dặn dò Doanh không phải băn khoăn chiếc máy tính anh mua. Anh đùa chừng nào đi làm hoặc lấy chồng giàu rồi trả cho anh cũng được. Nhưng Doanh nắm tay anh chắc nịch hứa sẽ trả cho anh sớm nhất. Anh cười khì khì nói "Anh có tiêu gì đến tiền đâu". Hai đứa đòi tiễn anh ra bến xe nhưng anh không cho, anh bảo sợ nhìn thấy hai đứa lại không nỡ nghỉ học nữa. Anh Hoàng về quê rồi, xóm lại vắng hoe, sương như đặc quánh tỏa vào lớp không khí cũ mòn. Cái cảm giác trống trải khi biết rằng một người nào đó sẽ không bao giờ trở lại, không thể mong chờ, không thể có thời hạn để hẹn ngày gặp lại thật khiến người ta thấy nao lòng. Chiều nay, Kim đến trường Tú đưa cho cậu ấy ít bánh quy, nó mới nhận lương tuần làm việc đầu tiên. Kim đứng đợi bên một gốc cây, nó di di chân xuống đất chỗ có chiếc lá vàng đang bị gió thu thổi, chiếc lá nửa như muốn bay nửa như muốn ở. Kim thấy lòng phấn chấn, có lẽ vì ở đây không có cây hoa sữa nào chăng? Tú xuất hiện ở phía xa, vẫy tay gọi nó. Kim vui vẻ như con chim sáo, giơ cả túi bánh lên mà vẫy vẫy. Hai đứa lại đi vòng vòng, nghe gió mùa thu thổi vào hàng cây xào xạc. Trong tiếng gió, có cả tiếng trái tim đang lành, trái tim lại đập thổn thức như chưa từng có những tổn thương. Kim bất giác mỉm cười, trời thu xanh và trong, nó cũng đẹp như chính cuộc đời vậy. Anh Hoàng cũng vui vẻ ở quê rồi, anh về ở luôn căn nhà trên phố huyện, đó là một tiệm vàng to nhất phố huyện. Trước đây bà nội anh làm chủ, thuê nhiều nhân viên lắm giờ bà anh mất rồi không ai tiếp quản. Anh Hoàng đành phải về làm tiếp công việc khó khăn này. Bây giờ thì đứa nào cũng tin câu anh nói, anh cần gì đến tiền đâu. - Hết - Cảm ơn bạn vì đã đọc đến đây, tác giả rất mong nhận được sự góp ý từ bạn