1. Đám Cưới Mùa Xuân Ngày ửng hồng sau màn sương gấm mỏng, Nắng dát vàng trên bãi cỏ non xanh. Dịp cầu xa lồng bóng nước long lanh, Đàn cò trắng giăng hàng bay phấp phới. Trên cành cây, bỗng một con chim gọi Lũ người đi lí nhí một hàng đen Trên con đường cát trắng cỏ lam viền Họ thong thả tiến theo chiều gió thổi, Dưới bầu trời trong veo không mảy bụi, Giữa cánh đồng phơn phớt tựa màu nhung. Một cụ già râu tóc trắng như bông, Mặc áo đỏ, cầm hương đi trước đám. Dăm sáu cụ áo mền bông đỏ sẫm, Quần nâu hồng, chống gậy bước theo sau. Hàng ô đen thong thả tiến lên sau. Kế những chiếc mâm đồng che lụa đỏ. Bọn trai tơ mặt mày coi hớn hở, Quần lụa chùng, nón dứa áo sa huê. Một vài bà thanh lịch kiểu nhà quê, Đầu nón nghệ, tay cầm khăn mặt đỏ. Bà lão cúi lom khom bên cháu nhỏ, Túi đựng trầu chăm chăm giữ trong tay. Thằng bé em mẹ ẵm, má hây hây, Đầu cạo nhẵn, áo vàng, quần nâu sẫm. Cô bé để cút chè người xẫm mẫm, Đi theo bà váy lĩnh, dép quai cong. Một chị sen đầu đội chiếc khăn hồng, Đặt trên cái hòm da đen bóng lộng. Người cô dâu hôm nay coi choáng lộn. Vành khuyên vàng, áo mớ, nón quai thao. Các cô bạn bằng tuổi cũng xinh sao, Hai má thắm, ngây thơ nhìn trời biếc. Dăm bảy cô phủ mình trong những chiếc Áo đồng lầm, yếm đỏ, thắt lưng xanh. Một lúc sau đi tới chỗ vòng quanh, Nếp chùa trắng in hình trên trời thắm, Thì cả bọn dần đần cùng khuất lẩn Sau trái đồi lấp lánh ánh sương ngân. Chỉ còn nghe văng vẳng tiếng chim xuân Ca ánh ỏi trên cành xanh tắm nắng. Đoàn Văn Cừ Lời người sưu tập: Đoàn Văn Cừ (25/3/1913 - 27/6/2004) sinh ở thôn Đô Đò, xã Nam Lợi, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định trong một gia đình nông dân. Trước Cách mạng tháng Tám, ông dạy học, tham gia phong trào công nhân Nhà máy sợi Nam Định năm 1936. Ông tham gia phong trào Thơ mới với bút pháp tả chân mang đậm chất lãng mạn, sở trường viết về cảnh trí và đời sống thôn quê. Bài thơ Chợ Tết của ông được Hoài Thanh – Hoài Chân giới thiệu trong Thi nhân Việt Nam .
2. Một Chút Hương Thời Gian Cơn gió mùa xưa về gõ cửa Cho lòng ta nhớ Tết thế này Em đến mà sao trời nóng quá Đâu còn một chút mưa xuân bay? Em đến cùng ta xin ngồi lại Treo một cành lan trong lặng im Nhịp guốc nào quen xin gõ nhẹ Đã nghe êm ả - gió qua thềm. Ta không xuống phố đi tìm Tết Áo gió - xập xình nhạc phương Tây Ở lại cùng ta em bé nhỏ Nhớ chút hoa đào lác đác bay. Tết của riêng lòng ta giữ lại Những thằng cu áo đỏ lon ton Tết của riêng lòng ta giữ lại Chiếc thuyền lan cũ hội chùa Hương. Ta không ra phố đi tìm Tết Chiều cuối năm rồi - nắng đỉnh cây Phố đông trả những người con gái Tóc tém không còn thả gió bay... Đỗ Trung Quân Lời người sưu tập: Đỗ Trung Quân sinh ngày 19-1-1955 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông được mẹ là bà Đỗ Thị Hảo nuôi lớn đến năm 15 tuổi thì mẹ mất. Ông tiếp tục mưu sinh và sau khi tốt nghiệp Tú tài, ông vào học tại Viện Đại học Vạn Hạnh, là Hội viên hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1997. Đỗ Trung Quân tham gia Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1976 đến năm 1980, sau đó về công tác tại báo Tuổi trẻ. Ngoài sáng tác văn học, Đỗ Trung Quân còn trình bày bìa sách, minh hoạ sách báo. Nhiều bài thơ của ông được phổ nhạc và được nhiều người yêu thích như Hương tràm, Quê hương, Phượng hồng.
3. Chào Ngày Mới Tôi chào ngày mới Giọt nắng đầu ngày Tung tăng nhún nhảy Tươi màu cỏ cây. Xin chào chiếc lá Ngọt ngào hơi sương Xanh cùng trời biếc Long lanh bên đường. Xin chào dòng sông Lững lờ nước bạc Con thuyền thức giấc Theo sóng bềnh bồng. Xin chào khúc nhạc Ai vừa ca vang Niềm vui hội tụ Rộn rã cung đàn. Xin chào đôi mắt Không còn xa xăm Mùa xuân chợt đến Trong gió thì thầm. Vẫy chào ngày mới Thấy mới bao điều Ngủ ngoan em nhé Đêm dài rong rêu. Thanh Trắc Nguyễn Văn Lời người sưu tập: Thanh Trắc Nguyễn Văn tên thật là Nguyễn Văn Tạo, sinh ngày 8/1/1962 tại Nam Định, là giáo viên vật lý tại Trường THPT Võ Thị Sáu, TP Hồ Chí Minh. Các bút danh khác: Hà Thanh Chương, Nguyễn Thuận Thảo. Ông là hội viên Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, hội viên Câu lạc bộ Thơ Việt Nam. Tập thơ riêng: - Hoa sứ trắng (NXB Đà Nẵng, 1997) - Hạ nhớ (NXB Tổng hợp Đồng Nai, 1999) - Cỏ hoa thì thầm (NXB Thanh niên, 2002) - Quà tặng mùa đông (NXB Văn nghệ, 2007) - Giọt lệ trăng (NXB Văn nghệ, 2010) - Huyền thoại người lái đò (NXB Hội Nhà văn, 2013) - Nghêu ngao ca (NXB Hội Nhà văn, 2018) - Bóng hồng phố cổ (chưa in) (theo trang Thi Viện) Ghi chú: thật ra Thanh Trắc Nguyễn Văn sinh tại Sài Gòn còn Nam Định là quê quán - còn nhiều chi tiết sai chính tả khác, người sưu tập tôn trọng trang Thi Viện nên giữ nguyên)
4. Đón Giao Thừa Em đun từng que củi Anh tiếp nước vào nồi Lửa hồng hừng hực cháy Nồi bánh sùng sục sôi Mẹ đang ngồi muối thịt Bố sắp đặt bàn thờ Chỉ còn vài tiếng nữa Là đến phút giao thừa Mẹ bảo: - Hãy ngủ đi Đến giao thừa mẹ gọi. Hai đứa cứ nằn nì Ráng chờ thêm tuổi mới Phút giao thừa đã tới Rộn ràng quá đi thôi! Chương trình mừng năm mới Truyền hình đi khắp nơi Trên bàn thờ tổ tiên Hương trầm bay nghi ngút Ôi giây phút thiêng liêng Ba vội vàng khai bút Xin chia tay năm cũ Rước năm mới vào nhà Đầu xuân mai bừng nụ Trong tiếng cười thiết tha. Nguyễn Lãm Thắng Lời người sưu tập: Nguyễn Lãm Thắng vừa là bút danh vừa là tên thật, ngoài ra còn có các bút danh danh khác là Lãm Thắng, Lam Thuỵ và các bút danh viết cho thiếu nhi: Nguyễn Trần Bảo Nghi, Du Lãm, Nhật Quang... Anh sinh ngày 14.8 năm 1973 (Quý Sửu), quê tại làng Tịnh Đông Tây (Hà Dục), Đại Lãnh, Đại Lộc, Quảng Nam. Tốt nghiệp cử nhân văn-hoạ Trường Đại học Sư phạm Huế năm 1998, hiện là giảng viên Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Huế, là hội viên Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, trưởng Gia đình Áo trắng Huế.
5. Mời Vợ Uống Rượu Mỗi năm tết có một lần mời em ly rượu tay nâng ngang mày Vợ cười chưa uống đã say ngọt ngào thì nổi đắng cay thì chìm Gót chân ăn vẹt bậc thềm quanh năm tất bật đi tìm ngày xuân Tóc loay hoay bạc bạc dần mỗi năm tết có một lần thôi em Tết con Gà, 1993 Nguyễn Duy Lời người sưu tập: Nguyễn Duy tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ (sinh ngày 07/12/1948) tại xã Đông Vệ, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa (nay thuộc phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa). Năm 2007, nhà thơ Nguyễn Duy được nhà nước trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.
6. Mùa Xuân Về Đà Nẵng người bao giờ trở lại? tình ngày xưa đi mãi trời vào xuân mưa bay lòng mình xanh mấy bãi. trán nào phơi dĩ vãng mắt nào hong tủi hờn cúi đầu đi quên lãng đốt thuốc ngồi cô đơn. vẫn đau từng tiếng nói xót xa cả nụ cười con chim chiều cánh mỏi mùa xuân vàng đôi nơi. về thăm em lần này con đường xưa đã lạ bờ sông nước đã đầy với tay, lòng nổi gió. đêm giao thừa mưa bụi một mình trong quán xưa nhớ thuở còn hai đứa chung nhau từng nụ cười. tôi về đây đêm nay kỷ niệm đầy mắt cay mùa xuân còn im tiếng cho hồn mình mưa bay. 1965 Tần Hoài Dạ Vũ Lời người sưu tập: Tần Hoài Dạ Vũ tên thật là Nguyễn Văn Bổn, sinh năm 1946 tại Giao Thuỷ, Quảng Huế, Đại Lộc, Quảng Nam. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm và cử nhân Văn khoa Huế.
7. Với Xuân Hà Nội Mùa cốm xa rồi hương còn đây Sâm cầm về đâu cánh nghiêng trời Biếc xanh tà áo em qua ngõ Gói cả sông hồ thương nhớ ai. Heo may về phố cho khăn áo Lũ lượt xuống đường đón gió mai Em đi về phía xuân đang chớm Ta ngẩn ngơ tìm phía nắng phai. Trễ chuyến giao thừa không về kịp Ta hái đóa quỳnh khuya lẻ loi Đi từ năm cũ sang năm mới Hoa lỡ thì mà người đâu hay. Hoa đào qua phố rao xuân chín Áo đào qua ngõ gọi thầm nhau Hà Nội chừng như thôi trở rét Đóa quỳnh chợt thức giữa chiêm bao. Mường Mán Lời người sưu tập: Mường Mán (sinh ngày 20 tháng 5 năm 1947) là một nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch người Việt Nam. Ông tên thật là Trần Văn Quảng, quê ở làng An Truyền (làng Chuồn) huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bút danh Mường Mán lần đầu xuất hiện với hai bài thơ ngắn là "Thiếu thời" và "Mùa hạ mới" trên tạp chí Văn năm 1965. Ý nghĩa bút danh lấy từ truyện ngắn cùng tên của Tô Thùy Yên
8. Tết Xưa Hồi xưa tết thiệt là vui Ta trong trẻo đến khóc cười cũng trong Tim theo nhịp quết bánh phồng Chiều ba mươi gánh nước sông đổ tràn. Chợ quê ngày Tết thiệt sang Mùi bông vạn thọ trĩu làn gió bay Mẹ bày bánh mứt ra khay Trẻ con như cánh bướm bay khắp đường Đêm giao thừa ngủ thấy thương Anh đem pháo đốt bên đường mới hay Sáng mùng một nhặt cành mai Thi nhau xem đứa nào may mắn nhiều Hoa dù rộng lượng bao nhiêu Khó đem may mắn chia đều chúng ta Tết ngày xưa giờ đã xa Con ta giờ chẳng lấy hoa làm trò Bốn mùa áo mới nào lo Hoa cũng khác huống chi trò trẻ con. Lặng nghe gió hát về nguồn Đốt nhang nhờ khói nhắc hương thuở nào Thôi thì còn chút nao nao Mở trang nhật kí ghi vào: Tết xưa... Thu Nguyệt Lời người sưu tập: Nhà thơ Thu Nguyệt sinh ngày 2/8/1963, quê quán Mỹ Ngãi, Cao Lãnh (nay là phường 11, thành phố Cao Lãnh), hiện là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Đồng Tháp, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
9. Chào Mùa Xuân Mới Xuân về lộc biếc, chồi non Đào, Mai khoe sắc, Lay ơn thắm hồng Hoa Lan khoe sắc, trổ bông Để chàng Quân tử say lòng, ngẩn ngơ Tinh khôi những nhánh hoa Mơ Hương thầm duyên dáng ven hồ lung linh Nụ Hồng e ấp nhỏ xinh Ngậm sương lóng lánh rung rinh nõn nà Làm duyên là đóa Hồng Trà Một màu tím đỏ mặn mà, thủy chung Hoa Bòng trắng muốt toả hương Thoảng thơm ngào ngạt một vùng thôn quê Ngàn hoa thắm nở lối về Cho lòng xao xuyến, say mê, mơ màng Bóng em thấp thoáng đường làng Trong tà áo mới, dịu dàng nét xuân Nguyễn Minh Hiếu