Phân tích nhân vật Chí Phèo trước khi đi tù

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lagan, 4 Tháng mười hai 2022.

  1. Lagan

    Bài viết:
    635
    Chí Phèo của nhà văn Nam Cao luôn là nguồn đề tài, nguồn nghiên cứu của rất nhiều người yêu thích và say mê văn học. Chí Phèo là "quỷ dữ", nhưng nếu như thật hiểu về Chí, ta còn được biết. Trước khi làm quỷ, Chí cũng từng là một con người lương thiện. Lương thiện đến chẳng thể lương thiện hơn.

    Vậy thì hôm nay, hãy cùng mình tìm hiểu, sự lương thiện thủa ban đầu của Chí Phèo nhé!

    [​IMG]

    Phân tích nhân vật Chí Phèo trước khi đi tù?

    Có ý kiến cho rằng: "Nếu không viết Chí Phèo, Nam Cao đã để lại cho văn học Việt Nam một khoảng trống lớn". Thật vậy! Chí Phèo là tác phẩm đầu tay của Nam Cao trình làng với bạn đọc. Ngay từ khi xuất hiện, nó đã trở thành một kiệt tác của văn học hiện thực. Tác phẩm viết về người nông dân, bởi nhờ có nó mà người đọc hiểu thế nào là tận cùng của nỗi khổ của người nông dân Việt Nam trước cách mạng tháng tám. Và tác phẩm đã phản ánh cuộc đời của Chí Phèo trước khi đi tù.

    Chí Phèo được in lần đầu năm 1941. Đây là thời kì mà xã hội Việt Nam sau những năm dài nô lệ, đất nước với những thảm họa đen tối nhất. Chiến tranh thế giới thứ hai lan tràn đến xứ thuộc địa nghèo, bị vơ vét kiệt sức. Nông thôn xơ xác như bị tàn phá bởi một cơn bão lớn, người dân thành thị thì điêu đứng trước nạn thất nghiệp. Đời sống tinh thần của xã hội như một vũng bùn tù đọng. Có thể nói, xã hội đang lên cơn sốt để chờ người lột xác. Bản thân Nam Cao sinh ra ở làng Vũ Đại (Đại Hoàng) một miền quê nghèo, bọn cường hào ác bá thì chia bè cánh, đục khoét, bóc lột người dân. Ông thấm thía hơn bao giờ hết số phận của những người nông dân nghèo khổ. Và từ những cảnh đời cụ thể, Nam Cao đã ghi chép, chắt chiu, đào sâu vào đời sống thực tế để khái quát nên bức tranh nghệ thuật về nông thôn Việt Nam trước 1945. Khi mới ra đời, Nam Cao đặt tên cho tác phẩm là "cái lò gạch cũ" vì nó gắn với hình ảnh mở đầu và kết thúc của tác phẩm nhưng với nhan đề này thì tác giả thể hiện cái nhìn có phần bi quan về số phận của người nông dân. Sau đó, nhà xuất bản tự đổi tên thành "đôi lứa xứng đôi" để thu hút sự chú ý của công chúng đương thời. Đến năm 1946 khi in lại trong tập Luống Cày thì Nam Cao đặt tên là "Chí Phèo"

    Trong hồi ức của Chí Phèo, tác giả giới thiệu cho chúng ta về nguồn gốc và lai lịch của nhân vật "một anh đi thả ống lươn, một buổi sớm tinh sương thấy hắn trần truồng và xám ngắt trong một váy đụp để bên cái lò gạch bỏ không" Anh ta nhặt hắn về cho một bà lão góa mù, bà bán anh ta cho bác Phó Cối không con và khi bác chết, Chí bơ vơ. Ngay từ nhỏ, Chí đã trở thành một món đồ rẻ rúng để người ta có thể nhặt được đem cho và đem bán. Đồng thời, Chí còn là một đứa trẻ mồ côi vô thừa nhận, bị bóp chẹt đường sống ngay từ khi mới chào đời.

    Người ta cố tìm cách để truy tìm ai là cha đẻ của Chí Phèo. Có người cho rằng, chính Bá Kiến là cha đẻ của Chí và mẹ của Chí Phèo chính là vợ Binh Chức. Thiết nghĩ, có thể người ta dựa vào câu nói của Bá Kiến trong lần Chí Phèo đến nhà Bá Kiến để trả thù: "Ai chứ anh với nó còn có họ kia đấy" nếu quả thật Bá Kiến là cha đẻ của Chí thì hắn thật là độc ác và tàn nhẫn, dám vứt bỏ con đẻ của mình vì sợ mang tiếng. Nhưng Bá Kiến vốn là tên gian xảo, biết dùng lí lẽ ngọt nhạt để xoa dịu cơn giận của Chí. Những lời hắn nói chưa đủ cơ sở để khẳng định hắn là cha đẻ của Chí Phèo và có những người cho rằng cha mẹ của Chí Phèo là một cặp nam nữ nào đó. Nếu đúng như vậy thì nó thể hiện sự suy đồi, mai một của những nét văn hóa truyền thống. Nam Cao vừa cố tình đề cập tới xuất xứ của Chí vừa cố tình mờ hóa cái gốc gác của con người nhằm khẳng định giá trị con người rẻ rúng và xã hội nông thôn Việt Nam đang đứng trước biết vực của sự tan rã.

    Chí Phèo cứ thế lớn lên như cỏ dại. Năm mười tám đôi mươi thì làm canh điền cho nhà Bá Kiến. Thực chất Chí Phèo phải bán sức lao động của mình, trở thành công cụ làm giàu, bị bóc lột sức lao động bởi nhà Bá Kiến. Còn gì lương thiện hơn khi người ta dùng chính sức lao động của mình để kiếm sống. Cũng giống như bao người nông dân lương thiện khác, Chí cũng có ước mơ giản dị: "Có một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua dăm ba sào ruộng làm". Đây là một ước mơ trong tầm với của Chí Phèo.


    [​IMG]

    Đặc biệt là khi bị bà Ba - con quỷ cái nhà Bá Kiến gọi lên bắt bóp chân, xoa bụng thì Chí Phèo chỉ thấy nhục chứ yêu đương gì. "Hai mươi tuổi người ta không là gỗ đá nhưng cũng không phải hoàn toàn sắt thịt, người ta không thích những gì người ta khinh, huống hồ lại sợ." Đến nỗi nói gần nói xa không được, bà mắng xơi xơi vào mặt: "Chả nhẽ tao gọi mày vào chỉ để bóp chân thôi ư?" Dù nghèo, dù không được giáo dục nhưng Chí Phèo phân biệt được đâu là đúng sai, phải trái, tình yêu, dục vọng. Đó là văn hóa sống lương thiện, là lòng tự trọng đủ mạnh để giúp Chí chế ngự phần bản năng tầm thường. Thử hỏi, nếu đặt vào hoàn cảnh của Chí lúc đó, mấy ai vượt qua cám dỗ lúc này. Làm người lương thiện thì ai cũng muốn nhưng lương thiện được như Chí thì khó có ai bằng. Và chính Bá Kiến đã phải thừa nhận "Chí Phèo hiền như đất". Vậy mà Chí Phèo đẹp đẽ là thế, trong sáng lương thiện là thế nhưng chỉ vì bà ba bắt bóp chân khiến Bá Kiến ghen mà Chí đã bỏ dở ước mơ của mình để đi tù ở bảy tám năm sau mới trở về. Và chính bản thân Bá Kiến cũng muốn tất cả trai trẻ vào tù hết. Thì ra cái xã hội ấy, lẽ phải, pháp luật và quyền lực đều nằm trong tay giai cấp thống trị.

    Bằng ngòi bút lạnh lùng mà ấm nồng của mình, Nam Cao đã để Chí hiện ra thật trong sáng và đẹp đẽ. Vậy nên mới nói, cái ác không tự nhiên mà sinh ra, chẳng ai muốn mình thành kẻ ác và với Chí, "con quỷ dữ" ấy thật đáng thương, đáng quý biết nhường nào. Ngôn ngữ Nam Cao sử dụng để miêu tả Chí thực đời thường, nhưng chính cái đời thường ấy lại lột tả hết mọi giác cảm về Chí, thể hiện thái độ và những giá trị nhân văn sâu sắc và cao đẹp của chính Nam Cao với một "sản phẩm lỗi" ở đời. Đồng thời, ngôn ngữ và hình ảnh mà Nam Cao thể hiện càng giản dị, quen thuộc bao nhiêu, nó càng khẳng định được cái hay, cái tài của một ngòi bút tuyệt hảo trong nền văn học Việt Nam.

    Cuộc đời của Chí là một thiên bi kịch, bi kịch từ lúc sinh ra đến khi chết đi. Nam Cao với ngòi bút đầy máu và nước mắt của mình đã vẽ lên ở Chí những phẩm chất đáng quý của người nông dân Việt Nam lương thiện. Với những giá trị nhân đạo và hiện thực cao quý, Chí Phèo vẫn luôn và sẽ luôn là một trong những vì sao sáng nhất trong nền văn học Việt Nam, là một trang sách hay thấm đượm tình người.
     
    Chỉnh sửa cuối: 15 Tháng mười hai 2022
  2. Đăng ký Binance
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Bài viết tốt nè! Em bổ sung thêm ý nghệ thuật nữa nhé!

    Viết nốt đoạn Chí Phèo bị cự tuyệt tình yêu đi em, thêm phần này nữa là đủ bộ.
     
  4. thumai227

    Bài viết:
    20
    May quá. Đúng lúc mình cần.

    *yoci 118*
     
  5. Lagan

    Bài viết:
    635
    Em đã bổ sung ạ!
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...