Cách Xử Sự Bấm để xem Nếu bạn đối xử với một người như thế nào thì anh ta sẽ trở thành người như thế ấy. - Johann Wolfgang von Goethe Cách xử sự chính là chìa khóa khiến cho mọi việc êm trôi. - Ralph Waldo Emerson Cách xử sự là sự ý thức một cách nhạy bén về cảm xúc của người khác. Nếu bạn có được ý thức này tức là bạn biết cách xử sự, bất kể bạn đang làm gì. - Emily Post Những người biết xử sự luôn can đảm đối xử với người khác một cách thẳng thắn và cởi mở, dù đôi khi, điều đó có thể gây bất lợi cho họ. Nhưng bù lại, bên cạnh những lợi ích khác thì ích lợi to lớn nhất là họ luôn giữ cho lương tâm mình được thanh thản. Trong tiếng Anh cũng như trong mọi ngôn ngữ khác đều có vô số từ nghe chẳng êm tai tí nào. Nhưng như thế không có nghĩa là bạn có quyền làm tổn thương người khác bằng những lời lẽ không hay của mình. - Napoleon Hill * * * Con người thường thể hiện rõ bản chất thông qua cách xử sự với cuộc sống và những người xung quanh. Những người khôn ngoan luôn đối xử với người khác thẳng thắn, cởi mở và khéo léo. Họ hiểu rằng, chính cách xử sự này đã giúp họ sống một cuộc đời thanh thản và hạnh phúc. Khi xử sự đúng mực và lịch sự, bạn sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người khác, từ đó, các mối quan hệ của bạn sẽ trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Không những thế, nụ cười rạng rỡ hoặc thái độ lịch lãm của bạn còn có thể tạo nên sự khác biệt cho cuộc sống của những người xung quanh. Khi đặt mình vào vị trí người đối diện, bạn sẽ hiểu rõ hơn cảm giác của họ, đồng thời sẽ thận trọng hơn trong cách giao tiếp, ứng xử thường ngày của mình. Ralph Waldo Emerson đã nói: "Hãy tin tưởng mọi người, và họ sẽ chân thật với bạn; hãy đối xử cao thượng với người khác, và họ sẽ cao thượng với bạn". Người biết xử sự luôn chu đáo và khéo léo trong quá trình giao tiếp với người khác. Tuy nhiên, sự chu đáo và khéo léo đó phải xuất phát từ lòng chân thành chứ không phải là sự giả tạo. Một khi bạn thật lòng đối xử tốt với người khác, chắc chắn bạn sẽ nhận về nhiều hơn những gì đã cho đi. Bất kỳ ai cũng có thể mang đến sự khác biệt cho cuộc sống của người khác bằng sự quan tâm và cách xử sự đúng mực của mình. Hãy học cách quan tâm đến mọi người và hình thành cho mình thói quen tốt đẹp này. Hãy bắt đầu bằng những hành động nho nhỏ với những người mà bạn thương yêu, đồng thời hãy thể hiện bản chất tốt đẹp nhất của bạn, bất kể bạn đang làm gì hay đang ở đâu. Tôi tin đây chính là sự đầu tư khôn ngoan và bạn sẽ không bao giờ hối tiếc vì sự đầu tư này.
Lời Cảm Ơn Bấm để xem Đôi khi, chúng ta cũng nên tự nhắc nhở mình rằng, lòng biết ơn quả là một giá trị cao quý. - William J. Bennett Sự đầu tư hiệu quả nhất là câu nói thể hiện một thái độ lịch sự: "Xin cảm ơn". Một cửa hàng tạp hóa sẽ dễ dàng thu hút khách hàng quay trở lại nếu nhân viên của cửa hàng đó biết nói lời cảm ơn. Hãy thử tìm hiểu những người thành công trong kinh doanh, bạn sẽ thấy rằng đó là những người biết thừa nhận và trân trọng công lao của người khác. Một trong những người thành công nhất nước Mỹ là người biết cảm ơn tất cả những ai cần gặp anh ta, kể cả những người thu tiền hóa đơn hằng tháng. Anh ta cảm ơn bất cứ ai gọi điện thoại cho mình. Và khi trò chuyện với vợ qua điện thoại, anh luôn nói: "Hôm nay giọng em nghe ngọt ngào quá". Chắc chắn vợ anh sẽ cảm thấy vô cùng phấn khởi. Khi ra phố đánh giày, anh ta cũng không quên ngợi khen cậu bé đánh giày đã làm tốt công việc của mình. Khi đó, nét mặt của cậu nói lên rằng, những lời khen ngợi ấy đã thôi thúc cậu làm việc tốt hơn và khiến cậu cảm thấy yêu thích công việc của mình hơn. Một người biết trân trọng những gì người khác làm cho mình sẽ nhận được vô vàn lợi ích khác nhau chỉ từ câu nói "cảm ơn" anh ta đã trao đi. - Napoleon Hill * * * Thói quen cảm ơn người khác là một trong những thói quen tốt nhất mà bạn nên có. Hãy thử nghĩ xem, đã bao giờ bạn thấy khó chịu khi nhận một lời cảm ơn từ người khác? Hay đã bao giờ việc nói lời cảm ơn khiến bạn cảm thấy mình ti tiện, hèn kém đi? Nếu chưa thì hãy tập thói quen nói lời cảm ơn. Chắc không cần phải giải thích bằng lời những cảm xúc của bạn mỗi khi bạn biết ơn ai đó. Một khi đã có thói quen biết ơn thì bạn sẽ chung sống với nó một cách vô thức. Những người biết mang ơn người khác thường thể hiện qua ánh mắt và thái độ của họ thói quen đó. Đó là phẩm chất dễ nhìn thấy nhất mà cũng dễ lan truyền nhất. Nếu bạn phải tiếp xúc với một người lạnh lùng, chỉ biết làm việc như cái máy thì tôi khuyên bạn một điều: Đừng quên nói lời cảm ơn! Lời cảm ơn có tác dụng tạo nên sự phấn khích cho cả người nghe lẫn người nói. Nó có khả năng làm thay đổi cục diện vấn đề. Ngày sẽ đẹp hơn lên, mọi người sẽ trở nên bình đẳng với nhau hơn và mọi chuyện sẽ suôn sẻ hơn, nếu mỗi người đều có ý thức nuôi dưỡng lòng biết ơn. Hãy tập thói quen nói lời cảm ơn bằng cách thừa nhận công sức của người khác, bất kể đó là ai – cô thư ký của bạn, anh tiếp viên trong nhà hàng, bạn bè hay chồng/ vợ bạn. Và cho dù việc họ làm có bình thường đến mấy, bạn cũng đừng bao giờ quên nói lời cảm ơn với nụ cười tươi. Đó là một sự đầu tư có lợi.
Thói Quen Bấm để xem Nếu bạn để cho thói quen điều khiển mình thì hãy nuôi dưỡng những thói quen tốt. - Elbert Hubbard Đúng như người ta thường nói, chúng ta tạo ra thói quen, và thói quen làm nên chúng ta – bất kể đó là một thói quen tốt như đọc sách mỗi ngày, tập thể dục đều đặn hay thói quen hút thuốc lá. Những thói quen ấy có ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống của ta. Dù là thói quen tiêu cực hay tích cực, cũng đều bắt nguồn từ sự chọn lựa của mỗi người mà thôi. - Don M. Green, Giám đốc điều hành Quỹ Napoleon Hill Đầu tiên chúng ta tạo ra thói quen, rồi sau đó, thói quen định hình chúng ta theo cách mà nó muốn. Hãy chinh phục những thói quen xấu, nếu không, một ngày nào đó, chúng sẽ chỉ huy bạn. - Rob Gilbert Những người hay suy nghĩ lan man không bao giờ cố gắng kiểm soát tư tưởng mình, và họ cũng không phân biệt được sự khác biệt giữa những suy nghĩ tích cực và tiêu cực. Họ cho phép tâm trí mình bận rộn với bất kỳ ý nghĩ nào chợt đến trong đầu. Những người có thói quen suy nghĩ lan man như thế chắc chắn cũng sẽ lan man trong những lĩnh vực khác. Thái độ tích cực là yếu tố đứng đầu trong danh sách 12 phẩm chất quý giá nhất. Chỉ những ai biết sử dụng thời gian một cách cẩn trọng và có thói quen kỷ luật tự giác thì mới có thể đạt được phẩm chất đó. Cho dù bạn dành bao nhiêu thời gian cho công việc của mình đi chăng nữa, nếu bạn không có thái độ, tinh thần tích cực thì hiệu quả công việc cũng chẳng là bao. - Napoleon Hill * * * Thói quen là những hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần. Từ cái nháy mắt vô thức cho đến mọi chuyển động của vũ trụ đều chịu sự tác động của quy luật thói quen. Cuộc sống là một chuỗi các thói quen nối tiếp nhau. Những thói quen tốt sẽ mang đến cho bạn những lợi ích thiết thực. Ngược lại, những thói quen xấu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống sinh hoạt của bạn, và thậm chí, khiến bạn phải trả giá đắt. Thói quen có thể giúp bạn làm nên sự nghiệp nhưng cũng có thể phá tan cơ đồ của bạn, như nhà tự nhiên học người Pháp Jean Baptiste Lamarck đã nói: "Thói quen làm nên bản chất thứ hai của mỗi người". Thói quen được hình thành qua cơ chế "lặp đi lặp lại hành động" và không có đánh giá đạo đức nào đối với chúng. Thói quen chỉ có tốt hoặc xấu mà thôi. Nhưng điều đáng chú ý là trí não của con người lại hoạt động dựa trên quy luật thói quen nên việc kiểm soát thói quen là hết sức quan trọng. Điểm khác biệt giữa người lãnh đạo và những người hài lòng với vị trí của một nhân viên chính là khả năng kiểm soát tư tưởng. Trong khi người lãnh đạo luôn tìm cách kiểm soát suy nghĩ của mình thì những người còn lại thường cho phép tâm trí mình theo đuổi lan man hết ý nghĩ này tới ý nghĩ khác. Ý nghĩ là thứ duy nhất bạn có thể kiểm soát hoàn toàn nếu bạn muốn. Não bộ của bạn sẽ ghi dấu một hành động nào đó khi bạn thực hiện nó lần đầu, sẽ trở thành nếp trong lần thứ hai và sẽ xuất hiện một con đường mòn trong lần thứ ba. Việc hình thành thói quen cũng giống như việc tiết kiệm tiền. Bạn có thể biến những đồng xu nhỏ hôm nay thành một gia sản kếch sù vào ngày mai, nếu biết cách tiết kiệm. Tương tự, những hành vi nhỏ nhất cũng có thể trở thành thói quen nếu chúng được lặp đi lặp lại nhiều lần. Khi bạn hành động theo tiêu chí tích cực ngày qua ngày thì sẽ đến lúc, điều đó trở thành thói quen và nếp sống của bạn. Hãy kiểm soát suy nghĩ để tiến đến làm chủ thói quen của mình.
Ý Thức Trách Nhiệm Bấm để xem Không phải bỗng chốc mà người ta có thể vươn tới những tầm cao đáng khâm phục và trở thành những con người vĩ đại. Sở dĩ họ đạt được điều đó là vì trong lúc bạn đang say giấc nồng thì họ miệt mài làm việc suốt canh thâu. - Henry Wadsworth Longfellow Thật không còn gì đúng bằng câu nói của Emerson: "Hãy làm việc, rồi anh sẽ trở nên mạnh mẽ". Những lời vàng ngọc ấy đúng trong mọi trường hợp và trong bất cứ mối quan hệ nào của con người. Người ta chỉ có thể trở nên mạnh mẽ và nắm được quyền lực trong tay khi họ thật sự có ích cho cuộc sống. Bạn đừng tin vào những câu chuyện về những người nhờ thân thế mà nắm giữ được các vị trí quan trọng. Có thể ban đầu họ cũng nhờ có thân thế thật, nhưng – bạn hãy tin tôi – để tồn tại và đứng vững ở vị trí ấy, họ phải biết tự thân vận động mà vươn lên. - Napoleon Hill * * * Ansalus de Insulis vĩ đại từng viết: "Hãy học tập không ngừng như thể bạn sẽ trường sinh bất tử; nhưng hãy sống nhiệt thành như thể bạn không còn cơ hội nữa ngày mai". Mỗi chúng ta đều có một sứ mệnh trong cuộc đời này và phải nỗ lực hết mình để hoàn thành nó. Sứ mệnh đó bắt đầu từ khi bạn sinh ra và sẽ theo bạn cho đến hơi thở cuối cùng! Sứ mệnh đó được cụ thể hóa bằng trách nhiệm trong mỗi giai đoạn hoặc thời kỳ của cuộc đời mỗi người. Trách nhiệm là yếu tố cơ bản làm nên một con người đích thực. Trách nhiệm điều chỉnh hành động của con người theo những nguyên tắc nhất định. Dù bạn là ai hay vị trí hiện tại của bạn là gì thì việc tỏ ra có trách nhiệm trong những việc mình làm là điều rất cần thiết. Trong tất cả những trách nhiệm mà bạn phải gánh vác thì trách nhiệm với chính bản thân là cao cả và nặng nề nhất. Nếu bạn tỏ ra hèn kém hoặc nghi ngại ngay trong chính suy nghĩ và quyết định của mình thì sớm muộn gì, bạn cũng sẽ thất bại. Hãy sống dấn thân và thực hiện những mục tiêu mình đã đề ra. Nhưng quan trọng hơn, hãy sống với tinh thần trách nhiệm cao nhất, không chỉ với gia đình, công việc mà còn với chính bản thân. Khi làm bất kỳ việc gì, bạn hãy nỗ lực hết mình và biết chịu trách nhiệm với từng lời nói, hành động của mình. Bạn nên hiểu rằng, tiền bạc hay địa vị không phải là thứ có thể mang đến một cuộc sống hạnh phúc đích thực. Chỉ có những quyết định mang tính trách nhiệm mới có thể giúp bạn có được cuộc sống như bạn khao khát.
Lập Kế Hoạch Bấm để xem Không gì có thể giúp cho tinh thần ổn định bằng một mục tiêu cố định, vì nó hướng tâm trí bạn về một phía. - Mary Wollstonecraft Shelley Thứ kỷ luật tốt nhất – và có lẽ cũng là thứ kỷ luật duy nhất có tác dụng – là kỷ luật tự giác. - Walter Kiechel III Trên đời này không có gì là cho không cả. Cái gì cũng có cái giá của nó. Để có được cái bạn muốn thì bạn phải sẵn lòng trả giá, và thường là phải trả trước. Bạn cũng có thể làm theo kiểu "trả góp" – dễ dàng hơn – nhưng phải trả xong hết thì bạn mới được toàn quyền sở hữu cái mà bạn muốn. Hãy thường xuyên đặt ra những kế hoạch và mục tiêu trong tâm trí sáng suốt của bạn. Hãy luôn nghĩ đến chúng, kể cả lúc ăn, lúc ngủ, dù bạn ở bất cứ nơi đâu. Nên nhớ rằng nếu bạn làm được như thế thì tiềm thức của bạn cũng có thể được tác động, và do vậy vẫn tiếp tục hoạt động khi bạn đang ngủ say. Hãy loại bỏ khỏi tâm trí những điều bạn không muốn và chỉ tập trung nghĩ đến những điều bạn chú trọng, cho đến khi mục tiêu của bạn biến thành một khát khao cháy bỏng. Xin nhắc lại, bạn có thể làm được bất cứ điều gì mà bạn tin là mình làm được, một khi tâm trí bạn nhất mực hướng đến. - Napoleon Hill * * * Để đạt được một mục tiêu nào đó, bạn có hai việc cần làm: Thứ nhất là lập ra kế hoạch hoàn chỉnh, thứ hai là bắt tay vào hiện thực hóa nó. Trong quá trình thực hiện, có thể bạn sẽ phát hiện ra những sai lầm hoặc thiếu sót trong kế hoạch của mình, nhưng đừng vì thế mà nản lòng. Thay vì bỏ cuộc giữa chừng, bạn hãy kiên nhẫn bổ sung, chỉnh sửa nó và nếu cần, hãy lên kế hoạch mới hoặc kêu gọi sự giúp đỡ của những người xung quanh. Victor Hugo từng nói: "Nếu bạn biết lập kế hoạch cho những việc cần làm trong ngày và thực hiện theo đúng kế hoạch đó thì bạn sẽ tìm thấy được ngọn đèn soi đường để vững vàng tiến bước". Quả thật, người thành công là người biết lập kế hoạch cho công việc và cuộc sống của mình cũng như không ngừng nỗ lực để hoàn thành chúng. Nếu thất bại, họ hiểu rằng thất bại đó chỉ mang tính tạm thời chứ không phải hoàn toàn. Nó báo cho họ biết rằng kế hoạch của họ chưa hoàn hảo và đang cần được chỉnh sửa. Chỉ khi nào bạn từ bỏ và không muốn cố gắng nữa thì khi đó, bạn mới thật sự thất bại. Hàng triệu người trên thế giới này đã sống trong cảnh cực khổ và nghèo khó bởi họ thiếu một kế hoạch đúng đắn để có thể tạo dựng thành công và tích lũy được tiền bạc cho mình. James. J. Hill, người đã xây dựng những đường xe lửa vĩ đại nhất trong lịch sử, đã gặp thất bại đầu tiên khi nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn cho dự án tuyến xe lửa từ Đông sang Tây nước Mỹ. Nhưng rồi ông đã chuyển bại thành thắng nhờ các kế hoạch mới của mình. Hugh Chalmers, xuất thân là một nhân viên văn phòng, đã trở thành tổng giám đốc một công ty sản xuất máy tính tiền tầm cỡ quốc gia của Mỹ cũng nhờ bí quyết tương tự. Ông luôn lập kếhoạch rõ ràng cho từng mục tiêu của mình và không ngừng nỗ lực thực hiện chúng. Thời gian bạn dùng để suy nghĩ và lập kế hoạch về những việc cần làm, cũng như sắp xếp chúng theo một trật tự hợp lý chính là thời gian đầu tư sinh lợi. Một nhà lãnh đạo tài ba phải là người biết lập kế hoạch cho công việc của mình và phải thực hiện bằng được những kế hoạch đó. Người lãnh đạo làm việc chỉ dựa theo cảm tính mà không có kế hoạch thực tế, cụ thể thì chẳng khác nào con tàu không có bánh lái - sớm muộn gì cũng đâm vào vách đá mà thôi. Đó là lý do vì sao mà để xây được một tòa nhà kiên cố, trước hết bạn phải có một bản vẽ thật chi tiết về kết cấu của ngôi nhà. Hãy lên kế hoạch cho cuộc sống của mình và nỗ lực không ngừng để thực hiện nó. Thành quả của bạn lớn đến đâu phụ thuộc vào mức độ đúng đắn, tỉ mỉ trong kế hoạch của bạn.
Tinh Thần Quốc Tế Bấm để xem Đoàn kết là sức mạnh. - Aesop Hãy nhớ rằng khi bạn được thừa hưởng những ích lợi từ các triết lý sống do những người đi trước truyền lại trên trang giấy này, cũng có nghĩa là bạn cần phải đáp lại bằng cách làm một điều gì đó có ích cho thế hệ mai sau. Sự phồn thịnh của đất nước này cần phải được duy trì và phát triển; mức sống của người dân cần phải được nâng cao hơn nữa; nền dân chủ của chúng ta cần phải được gìn giữ; trường học cần phải được bảo đảm an toàn - vì lợi ích của các thế hệ mai sau, giống như cha ông chúng ta đã từng làm như thế. - Napoleon Hill Được sống trong thế giới hiện đại ngày nay là một đặc ân mà các thế hệ cha ông đã ban cho chúng ta, bằng cách đánh đổi mồ hôi, xương máu - để mưu cầu một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con cháu. - Don M. Green, Giám đốc điều hành Quỹ Napoleon Hill * * * Tinh thần quốc tế là ước mơ của con người trong mọi thời đại. Tinh thần quốc tế chính là tình yêu thương và sự tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong một tổ chức hoặc cộng đồng, hay giữa các quốc gia với nhau. Nó giúp con người tin tưởng, thân thiết và đoàn kết với nhau hơn. Chiến tranh, khủng bố, bạo động, biểu tình.. đều là hậu quả tất yếu đến từ việc thiếu vắng tinh thần quốc tế. Chắc chắn thế giới của chúng ta sẽ trở nên tốt đẹp và yên bình hơn nếu mọi quốc gia đều đề cao tinh thần quốc tế và hành động vì lợi ích chung của nhân loại. Trong phạm vi hẹp, tinh thần quốc tế được thể hiện bằng tình yêu thương và đoàn kết của các cá nhân trong một tổ chức nào đó. Sẽ chẳng có cuộc đình công nào xảy ra nếu mọi công ty lấy tinh thần quốc tế làm tiêu chí hành động của mình. Trong văn phòng làm việc của Tổng thống Mỹ có hai chữ cái rất to được in đậm và đóng khung trang trọng: U. S. Hai chữ cái này có thể là ký hiệu viết tắt của nhiều cụm từ khác nhau. Nhưng cũng có thể nói, trong tất cả các cụm từ đó, Universal Spirit – Tinh thần quốc tế – mới là cách hiểu đúng nhất. Tinh thần quốc tế không chỉ được thể hiện đối với những người cùng thời đại với bạn mà còn với cả thế hệ đi trước và sau bạn. Khi được thừa hưởng một triết lý hay lợi ích nào đó từ thế hệ đi trước thì bạn phải có trách nhiệm truyền nó lại cho lớp con cháu sau này. Suy cho cùng, tất cả chúng ta đều có chung một mục tiêu cơ bản: Sự tiến bộ của nhân loại, sự phồn thịnh của đất nước và hạnh phúc của con người. Chính mục tiêu này sẽ kết nối con người lại với nhau, làm nên những cuộc đời hữu ích. Để có được tinh thần quốc tế, bạn nên nhớ bản thân mình chính là thành phần cấu tạo nên hạnh phúc của cộng đồng. Và quan trọng hơn, "tinh thần quốc tế" chính là sự hợp tác và trân trọng tất cả mọi người.
Hãy Kiên Trì Bấm để xem Kẻ bỏ cuộc không bao giờ chiến thắng. Người chiến thắng không bao giờ bỏ cuộc. - Napoleon Hill Bạn có thể thấy rằng, tạo hóa hết sức tỉ mỉ và chu đáo trong mọi việc. Ngài sáng tạo ra muôn loài không phải cho xong việc mà là dựng nên một thế giới trù phú, giàu có để giải quyết những tình trạng cấp bách, và lại còn thêm cả những nguồn dự trữ để bảo đảm sự an sinh của vạn vật. Hãy nhìn sự bừng nở của cây trái vào mùa xuân. Tạo hóa có thể cho phép bão tố hay những đợt sương giá bất thường hủy hoại những chồi lộc mới, nhưng sự hủy diệt đó cũng nằm trong giới hạn và phải dừng lại đúng lúc để có thể duy trì sự sống. Tạo hóa đã chu đáo tạo ra muôn vàn các loại hoa để thu hút loài ong. Đến lượt mình, loài ong cần mẫn làm nhiệm vụ trước khi hưởng thụ. Kết quả là cây đơm trái và loài ong được an sinh. - Napoleon Hill Hầu như ai trong chúng ta cũng có những vấn đề cần giải quyết và những nhiệm vụ không thể không hoàn tất đúng hạn. Nhưng nếu chăm chỉ tiến hành - và làm tốt - từng việc một thì dần dà, chúng ta sẽ làm được những việc cần làm tiếp theo. Cứ như thế chẳng mấy chốc mà núi công việc ấy sẽ vơi dần. - Don M. Green, Giám đốc điều hành Quỹ Napoleon Hill * * * Có một nghịch lý là khi nói về bí quyết thành công, con người ta thường nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thất bại. Quả thật, thất bại là nền tảng của thành công, là tiền đề vững chắc cho những thành tựu mà bạn sẽ đạt được sau đó, nếu bạn biết cách rút ra cho mình những bài học bổ ích. Những người vĩ đại không bao giờ từ bỏ ước mơ của mình. Họ luôn cố gắng san bằng mọi trở ngại để đạt được điều mình khao khát. Thomas Edison ước mơ về một bóng đèn có thể thắp sáng bằng điện và ông đã bắt tay vào việc hiện thực hóa ước mơ đó. Thế nhưng, ông phải tốn hơn mười ngàn lần mới tìm được nguyên liệu phù hợp để làm sợi dây tóc. Về phát minh này, T. Edison đã nói: "Tôi đã trải qua 10.000 lần thử nghiệm khác nhau mới tìm ra được kết quả cuối cùng, nhưng tôi không nghĩ rằng mình đã thất bại 10.000 lần. Tôi không hề thất bại lần nào. Tôi đã thành công trong việc chứng minh rằng, có gần 10.000 chất liệu không thể dùng để chế tạo dây tóc bóng đèn. Và một khi đã loại bỏ dần những chất không phù hợp, cuối cùng tôi cũng đã tìm ra nó !". Nếu bạn đang hướng đến một mục tiêu quan trọng nhưng cảm thấy thất vọng sau thất bại đầu tiên và muốn bỏ cuộc thì hãy tạm dừng lại. Hãy suy nghĩ về những điều bạn vừa trải qua. Hãy nghĩ về con đường thành công của các vĩ nhân và học tập tính kiên trì của họ. Kiên trì là yếu tố cần thiết để biến mọi khát khao thành các giá trị vật chất tương đương. Hẳn bạn từng nghe câu tục ngữ "Nước chảy đá mòn". Giọt nước tuy bé nhỏ nhưng có thể làm mòn phiến đá nhờ vào tính bền bỉ của mình. Cũng vậy, bạn sẽ đạt được thành công như mong muốn nếu luôn kiên trì thực hiện mục tiêu. Thành công không phải là thứ mà bạn có thể thừa kế như tiền bạc hay các giá trị vật chất thông thường. Thành công chỉ đến khi bạn dám chấp nhận thất bại và kiên trì theo đuổi mục tiêu đã đề ra. Bất kể mơ ước của bạn là gì chăng nữa, điều bạn cần làm đầu tiên là hãy san bằng mọi trở ngại và tiến về phía trước với tất cả nghị lực của mình.
Sự Đơn Điệu Bấm để xem Nếu bạn cứ tiếp tục làm những gì đang làm hôm nay thì mười năm nữa, bạn sẽ đi đến đâu, sẽ ra sao? - Napoleon Hill Đôi khi do hoàn cảnh đẩy đưa, bạn có thể trôi tuột ra khỏi phạm vi của dòng chảy thành công và bị cuốn về phía bờ thất bại. Nhưng nếu có một mục đích rõ ràng, cộng với niềm tin sắt đá và quyết tâm cao độ, bạn sẽ mau chóng thoát khỏi dòng chảy ấy. Ý chí của bạn sẽ đủ sức đưa bạn trở lại bến bờ thành công – nơi thật sự thuộc về bạn. Bạn nên biết rằng, sự thất bại chỉ mang tính tạm thời – vì đó là cách mà thiên nhiên dạy cho chúng ta bài học về tính khiêm tốn, sự khôn ngoan, sự sẻ chia, thông cảm. Bạn cũng nên biết rằng, bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào cũng có mặt tích cực riêng của nó. - Napoleon Hill * * * Chúng ta đều biết "Thất bại là mẹ thành công". Thế nhưng, một số người, vì lo sợ thất bại hoặc không chịu cố gắng suy nghĩ và mở rộng tầm nhìn, đã phải vất vả bươn chải trên lối mòn duy nhất suốt cuộc đời họ. Có thể nói, học cách xóa bỏ sự đơn điệu, nhàm chán là một trong những bài học quan trọng nhất đối với con người. Quả thật, nếu chấp nhận sự đơn điệu nghĩa là bạn đã tự triệt tiêu khả năng sáng tạo của mình. Khi đó, bạn chỉ còn là cái bóng của chính mình và luôn cảm thấy mỏi mệt, buồn chán. Bạn sẽ mất đi khả năng làm việc độc lập và trở nên lạc hậu so với mọi người. Não bộ của con người hoạt động tốt nhất khi nó ở trạng thái hưng phấn. Do đó, hãy làm phong phú cuộc sống của bạn bằng những ý tưởng mới mẻ. Hãy chịu khó suy nghĩ và sáng tạo. Hãy đọc sách để có thể tận dụng trí tuệ và học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Bằng cách dung nạp vào trí óc nguồn tri thức bổ ích mỗi ngày, bạn sẽ tránh được nhiều sai lầm đáng tiếc. Hãy dũng cảm thay đổi môi trường sống cũng như môi trường làm việc nếu nó khiến bạn cảm thấy nhàm chán. Sự thay đổi đó sẽ tạo nên cảm giác hưng phấn và kích thích sự sáng tạo trong bạn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên mở rộng các mối quan hệ của mình. Hãy gặp gỡ những gương mặt mới và tìm hiểu nét thú vị ở những người dám nghĩ dám làm. Hãy tự hỏi, nếu cứ tiếp tục làm những việc bạn đang làm hôm nay thì mười năm nữa, bạn sẽ đi đến đâu và sẽ ra sao? Hãy luôn trong tư thế sẵn sàng đổi mới!
Sai lầm Bấm để xem Sai lầm lớn nhất trong cuộc đời là sợ mắc phải sai lầm. - Elbert Hubbarb Nếu kế hoạch thứ nhất bất thành thì lập một kế hoạch khác; nếu kế hoạch thứ hai thất bại thì lại lập một kế hoạch khác nữa, và cứ tiếp tục cho đến khi nào bạn thành công. Đa số những người thất bại gặp nhau ở một điểm: Thiếu sự kiên trì trong việc tạo ra những phép thử mới để thay thế những phép thử sai. - Napoleon Hill Rút ra bài học từ sai lầm của chính mình chỉ đơn giản là cách chúng ta nhìn nhận sự việc. Một kết quả không mong đợi có thể trở thành lý do để người này bỏ cuộc, nhưng với người khác, nó có thể trở thành bước đệm giúp anh ta tiến lên phía trước. Chấp nhận sai lầm như một bài học là động lực để chúng ta tiếp tục phấn đấu. - Don M. Green, Giám đốc điều hành Quỹ Napoleon Hill * * * Sai lầm là một phần tất yếu trong cuộc sống. Không ai toàn diện đến mức không bao giờ phạm sai lầm. Nhưng điều đáng nói là chúng ta học được điều gì từ những sai lầm mình đã mắc phải. Cách nhìn và ý chí của từng người dẫn đến các ứng xử khác nhau trước sai lầm. Với người này, sai lầm để lại những bài học bổ ích, những kinh nghiệm quý giá. Với người khác, sai lầm lại trở thành vỏ ốc để họ thu mình trong đó, không dám mạo hiểm lần nữa. Hãy biết chấp nhận sai lầm như một động lực để bạn tiếp tục phấn đấu. Nếu kế hoạch đầu tiên của bạn không mang lại hiệu quả thì hãy lập một kế hoạch khác; nếu vẫn thất bại, hãy thảo ra một kế hoạch khác nữa.. Chinh phục thành công là hành trình không có điểm dừng. Hãy tiếp tục vững bước cho đến khi bạn đạt tới khát khao. Một lần, sau khi cha Henry Ward Beecher thuyết giáo tại giáo đường Plymouth ở Brooklyn, một chàng trai trẻ đến gặp ông và nói: - Thưa cha Beecher, cha có biết rằng trong bài thuyết giáo của cha sáng nay có một lỗi ngữ pháp hay không? Beecher đáp: - Chỉ một lỗi thôi ư? Ta nghĩ phải hàng chục lỗi cơ chứ. Rõ ràng, 50 phần trăm sức mạnh của Beecher toát ra từ chính những lỗi lầm mà ông đã mắc phải. Chúng chứng tỏ ông vẫn là một con người trần tục như bao người khác. Điều khác biệt ở đây là ông dám thừa nhận sai sót để tự hoàn thiện bản thân. Con người thường mắc phải một trong hai loại sai lầm sau đây: Một loại sai lầm do thiếu hiểu biết và một loại sai lầm do bất cẩn. Trong khi những sai lầm do thiếu hiểu biết có thể được khắc phục bằng quyết tâm học hỏi không ngừng thì sai lầm do bất cẩn thường khiến con người trở nên yếu đuối và nhu nhược. Những người thường xuyên mắc phải loại sai lầm này luôn phải đối diện với thất bại vì họ đã lãng phí bầu nhiệt huyết và nguồn năng lượng của mình. Một trong những điều tốt đẹp mà bạn có thể làm mỗi ngày là hãy nỗ lực hết mình, và không sợ phạm sai lầm. Đừng chối bỏ, cũng đừng thất vọng nếu bạn mắc phải một sai lầm nào đó. Hãy tìm hiểu về chúng và rút ra những bài học hữu ích để tiếp tục tiến về phía trước!
Tự Vấn Bấm để xem Hãy tự vấn "Tôi là người thành công hay thất bại?". Nếu bạn là kẻ thất bại thì không có bất cứ lời giải bày nào có thể thay đổi được câu trả lời. Người đời luôn mong muốn thành công, tôn thờ thành công, và không muốn phí phạm thời gian cho thất bại. Cách duy nhất có thể làm cho người ta nguôi ngoai thất bại là gọt tỉa tính cách của mình, và bằng kỷ luật tự giác lèo lái con thuyền của mình đến bến bờ thành công. Sẽ thật tuyệt vời nếu bạn có thể ngồi xuống một cách trầm tĩnh để trò chuyện chân thành và cởi mở với chính mình, bởi chắc chắn bạn sẽ có những khám phá hữu ích về bản thân, cho dù những khám phá ấy có thể gây chấn động trong tâm hồn bạn. Bạn sẽ chẳng làm nên trò trống gì nếu suốt ngày chỉ biết mong ước, mộng mơ và hy vọng. Tự hiểu mình sẽ giúp bạn thoát ra khỏi những mộng tưởng đó. Không một ai có thể đạt được một điều gì đó mà không cần hành động, mặc dù trên thực tế, có rất nhiều người muốn thế. Những gì đáng giá trên đời này đều có cái giá riêng của nó, và nếu bạn muốn sở hữu thì bạn phải trả giá – nhất thiết phải như vậy. - Napoleon Hill Nếu ta sẵn lòng trả giá thì bất kỳ thứ gì ta muốn cũng đều có thể đạt được – từ chuyện giảm cân, kiếm tiền đến những cột mốc quan trọng hơn mà ta muốn vươn tới. Chúng ta chỉ có thể đạt được những điều đó nếu bằng lòng trả giá. Kỷ luật là một điều kiện cần để đạt được những mục đích đáng để ta bỏ công sức và thời gian. Nhưng đừng bao giờ mong đợi bạn sẽ đạt được những gì mong muốn mà không cần phải trả giá. Nguyên tắc này thật đơn giản mà lại vô cùng quan trọng. - Don M. Green, Giám đốc điều hành Quỹ Napoleon Hill * * * Chúng ta thường lãng phí rất nhiều thời gian và công sức vào những việc "đầu voi đuôi chuột" chỉ vì không xác định rõ mục tiêu trước khi bắt tay vào việc. Đây là một sai lầm mà bất kỳ ai cũng có thể khắc phục bằng cách đặt câu hỏi "Tại sao?" trước khi làm một việc gì đó. Khi bắt đầu bằng câu hỏi "Tại sao?", bạn sẽ xác định được mục tiêu và chiều hướng phát triển của mình. Bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và năng lượng của bản thân. Hãy tự vấn bản thân bằng những câu hỏi như: "Tại sao mình cần phải làm (hoặc từ chối) điều này?", "Tại sao mình lại lãng phí thời gian như vậy?", "Tại sao mình lại không biết biết ơn cuộc sống?", "Tại sao mình không dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, bạn bè?", "Tại sao mình lại cứ lo lắng về những điều chưa xảy đến?".. Khi đó, bạn sẽ tìm thấy câu trả lời cho những trăn trở của mình cũng như sẽ thận trọng hơn khi đưa ra quyết định tiếp theo. Đặc biệt, khi dành thời gian để trò chuyện với chính mình một cách trung thực và cởi mở, bạn sẽ có thêm nhiều khám phá hữu ích và thú vị về bản thân. Dù có thể những khám phá ấy sẽ gây xáo trộn tâm hồn và cuộc sống của bạn nhưng nó cũng sẽ mang đến cho bạn cơ hội để hiểu rõ hơn về mình. Khi tổng kết những gì bạn đã làm trong thời gian qua cùng với câu hỏi "Tôi là người thành công hay thất bại?", bạn sẽ hiểu hơn chặng đường mình đã đi qua cũng như định hình được hướng đi sắp tới. Không bao giờ là sai lầm hay thất bại hoàn toàn! Nếu nhận thấy những gì mình đã làm chứa đựng nhiều sai lầm, bạn hãy tự rèn luyện tính kỷ luật tự giác để có được những thay đổi tích cực hơn. Tất cả chúng ta đều mong muốn thành công và chắc chắn, chẳng ai muốn phí phạm thời gian cho thất bại. Knute Rockne từng nói: "Cả thế giới đều yêu mến người chiến thắng và chẳng ai nhòm ngó đến kẻ thất bại". Đánh giá đúng năng lực của bản thân sẽ giúp bạn thoát ra khỏi những mộng tưởng hão huyền và tạo dựng được một cuộc sống như mong muốn. Hãy hình thành cho mình thói quen hỏi "Tại sao?" trong mọi tình huống. Nhưng thay vì đưa ra những lời ta thán đầy luyến tiếc, bạn hãy nghĩ đến những giải pháp tích cực và tự đi tìm câu trả lời bằng chính nghị lực của bản thân. Khi làm được như vậy, bạn sẽ không phải hối tiếc về những gì mình đã làm hoặc không làm.