VỌNG Tác giả: Nhất Diệp Y Sương Thể loại: Tự sự, cổ đại. Cảm tác nhân vật Diệp Bửu trong phim Phượng Khấu (Một phi tần của vua Minh Mạng) * * * Đêm hôm trước, Ngọc Kiều đến tìm ta. Cô ta nói cho ta một bí mật: "Chính Đức Thái Hoàng đã ra tay hãm hại ta, đẩy ta vào Diên Hi Đường bốn năm về trước." Ta tỏ ra ngạc nhiên, cô ta nghĩ ta tin là thật. Nhưng thật ra ta chẳng hề tin tưởng. Sống trong cung bao nhiêu năm, trải qua muôn vàn sống gió dập dờn, ta nào còn có tâm tình thiếu nữ ngây thơ đó. Sự thật thế nào phải tự ta tra xét rõ ràng, đến lúc đó mới coi là thật. Chỉ là lúc này, ta không thể làm gì khác hơn là phải giả vờ tin. Ta nói với cô ta: "Nếu như cô đưa ta ra khỏi đây, Diệp Bửu nhất định sẽ vì cô mà ra sức." Qua làn cửa gỗ khóa chặt, ta nghe tiếng cô ta cười. Nụ cười có vẻ đắc thắng lắm. Cô ta nói: "Được!" Rồi rời đi. Trong bóng đêm tịch liêu, ta lại cười. Nụ cười của ta còn ngông cuồng hơn của cô ta nhiều. Bởi lẽ một chữ "Được" kia, ta biết chắc rằng cô ta sẽ tìm cách đưa ta ra ngoài. Cô ta có sắc đẹp làm vua mê đắm, nhưng chẳng có một cái đầu thông minh, mưu lược. Cô ta cần ta và cần cái bí mật ta đang nắm giữ. Cái bí mật này, cô nghĩ rằng ta sẽ dễ dàng cho cô toại nguyện? Diệp Bửu ta xưa giờ ngay thẳng, lại phải chịu oan uổng lìa con. Dòng Hương kia có dịu dàng đến mấy cũng phải vì ta mà nổi sóng phong ba. Con người ta, ân đền oán trả. Nếu cô không nợ ta, thì ta không tính toán với cô. Nhưng nếu cô nợ ta, thì dù chỉ một phân ta cũng phải đòi về, không lỏi một cắc. Đêm nay, ta thao thức không ngủ. Theo như ta đoán thì chỉ hết ngày mai, ta sẽ được ra ngoài. Chiều nay phần cơm của ta đã được cải thiện không ít, những tên thái giám thường ngày tỏ ra cứng rắn, xem thường một phi tần thất sủng như ta, hôm nay cũng tỏ vẻ e dè, kiêng nể. Thật nực cười, ta chẳng bao giờ xem bọn chúng vào mắt. Cái lũ "chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng" thì không đáng cho ta ra tay dạy dỗ, chỉ tổ làm bẩn tay ta. Cũng coi như bọn chúng có phúc. Trăng hôm nay sáng quá. Phủ bụi vàng lên khắp mọi vật, xuyên qua khung cửa dán giấy dầu, phủ hết lên cả thân ta. Đã rất lâu rồi, trăng và ta đã trở thành tri kỷ. Nơi này vắng lặng tịch liêu, không ai thăm hỏi. Chỉ có ánh trăng vàng là không phân biệt sang hèn, luôn luôn dịu dàng ủi an ta. Mỗi tháng một lần trăng tròn, chẳng bao giờ thất hẹn. Nhìn ánh trăng vàng phủ trên áo, lòng ta lại mềm ra. Ta nhớ các con và những ngày tháng còn ở Đoan Trang viện. Nơi đó ta chăm bốn mùa hoa lá xanh tươi. Những bụi cúc vàng nở rộ dưới nắng thu trong, những chậu hoa Lan, hoa Minh Hương, hoa Quế Chi, hoa Phấn Yên Chi thì nở quanh năm, chẳng hề tàn lụi. Mai Địa Thảo nở tràn ra đất, cánh hoa mỏng manh bám gót người. Đụng tới thì trơn mịn như nhung, cánh hoa lay động như nũng nịu, làm duyên. Những cây Mai, cây Đào, cây Bách và Hồng Hạnh được ta trồng ở bốn góc trong của viện. Thân cây cao lớn mọc phủ mái nhà. Xuân đến thì cho hoa, cho cành ủ hương trong phòng. Hè thì che mát, thu tránh gió lồng, đông lại treo cành xuyến trăng tạo nên thi cảnh. Ngày ngày ta chăm cây cỏ, lại làm thơ viết văn, dạy con đọc sách. Con cái ta sinh ra đều thông minh nhanh trí, có tấm lòng lương thiện, yêu thích văn chương. Đều giữ cho mình cốt cách nho nhã, khiêm cung. Cuộc sống của ta rất an nhàn, tự tại. Cùng con cái quay quần mỗi ngày ngâm vịnh thơ ca. Chim muôn ngoài sân cũng tụ hợp, cùng nhau hát xướng. Khi đó, ta cũng như chúng, hiền lành, lương thiện. Dù ở bậc Tứ Giai Phi nhưng cũng không vì thế mà kiêu ngạo. Cùng chẳng màng tranh sủng, đấu đá, ghen tuông. Ta chỉ muốn yên phận để nuôi dạy con ta, để giúp chồng an tâm lo việc nước. Thế mà những kẻ lòng lang dạ sói đã làm gì? Chỉ vì mưu cầu danh lợi của bản thân, ước vọng "đội đá vá trời" mà hại ta phải gánh hàm oan. Bốn năm bị giam cầm, xa lìa con cái, hỏi sao ta chẳng hận? Đoan Trang Viện của ta, bốn năm có còn không? Những hoa, trái thiếu vắng người chăm nom, chúng có còn xanh tươi, hay tàn lụi? Bao nhiêu kỉ niệm đẹp đẽ của ta và các con ta đều vì hàm oan mà hư nát cả. Ta nhớ Tĩnh Hòa lúc đó hãy còn nhỏ, vẫn còn bám áo mẹ mỗi ngày, thế mà ta phải xa lìa con. Chẳng biết nó giờ này thế nào? Đã cao bao nhiêu? Có còn nhớ mẹ nữa hay không? Vĩnh Trinh, Trinh Thận ngày đó khóc lóc thảm thương, chúng chỉ mới hơn mười tuổi đầu đã phải chứng kiến cảnh mẹ bị người khác lôi đi, bắt nhốt. Chị em phải sống nương tựa nhau, qua tay người khác dậy dỗ săn sóc, mang mặc cảm trong lòng mẹ mình có tội. Có đáng thương không? Còn Miên Thẩm, đứa con trai lớn nhất của ta. Con đã quỳ ở ngoài điện bao lâu để xin cho mẹ? Ở Diên Hy đường mẹ nghe tin con quỳ đến ngất mà lòng mẹ đau đớn, xót xa. Mẹ dạy con nhân nghĩa ở đời, công minh chính trực là thế mà nay con phải quỳ gối, kêu xin để mong giảm án cho mẹ vì tội ăn cắp vàng. Dù lòng biết mẹ bị oan, con vẫn phải chịu tiếng người khác cười chê, mai mỉa. Xúc phạm này mẹ luôn ghim vào tận đáy lòng. Không thể nào quên được. Mẹ thật sự rất nhớ các con, thật sự rất nhớ, các con của mẹ! "Boong.. Boong.. Boong.." Tiếng chuông ngoài Hoàng Thành đã điểm rồi. Trời đã sắp sáng, ta đi đến trước bàn thờ Phật châm nến, dâng hương. Trên mặt ta vẫn còn những giọt nước mắt chưa khô, ta lấy tay áo lau đi mà lòng đắng nghẹn. Ta nhìn Phật, nhìn đến những vật dụng trên bàn thờ này, từng món một. Ngày mai ta sẽ rời khỏi đây, ta không còn là tội nhân nữa. Nhưng ta nguyện mang Phật đi theo. Chỉ xin Ngài cho ta biết rõ nguồn cơn. Trị người đúng tội. Luôn có Phật tính trong tâm, không sa tội nghiệt sau này. Cây đèn Hoa trong góc. Ta đã đúc nó từ khi được tin Tiên Đế băng hà. Ta đúc nó để lên bàn thờ Phật. Để mỗi lời kinh ta đọc đều hồi hướng cho Ngài mau siêu thoát anh linh, sớm lên cỏi Phật. Mặc dù nói trắng ra.. Ngài rất bạc với ta. Nhưng "Phận tóc dài trôi theo mệnh nước non". Ngài là vua, là chồng và là trời của ta. Dù có thế nào ta cũng không thể hận. Có trách chỉ trách ta không làm được sủng phi của Ngài mà thôi. Trăng ngoài kia đã dần tàn rồi. Bình minh cũng sắp ló dạng. Ta nghiêm mình trước mặt Đức Phật. Tiếng mõ lại vang lên.. Nam.. mô.. a.. di.. đà.. phật.. HẾT