Truyện ngắn: Ước mơ trọn vẹn Tác giả: Soigiagianac Hoàn thành - Ver 1 (26.01.2022) Chỉnh sửa - Ver 1 25.03.2022 [Thảo Luận - Góp Ý] Các Tác Phẩm Của Soigiagianac Mở đầu: Con đường rợp bóng cây xanh ngăn cách khu nhà hàng trên đồi bên phải và hồ bên trái, nơi mà bố con nó thường đến, là một địa điểm bơi lội cho dân bản xứ Hải Phòng. Nó, một đứa bé ba tuổi, mặt nhem nhuốc, búng hơi sữa, hỉ mũi chưa sạch và mặc quần thủng đít. Hôm đó, nó ngồi sau yên xe bố đi trên con đường hồ đó. Bố nó là người tật nguyền, ông bị cụt cả hai chân đến tận đầu gối. Ông ăn mặc rách rưới, trên người chỉ có chiếc áo bộ đội sờn cũ và chiếc quần đùi. Nhưng ánh lên trong ánh mắt ông là nghị lực vô bờ bến. Nhờ chiếc xe tự chế, với bàn đạp bằng ống nối với khớp chân, ông có thể chở nó đến địa điểm hai bố con "làm việc". Lọc cọc, lọc cọc. Ông gồng mình đạp xe. Nó lơ đãng ngồi ở đằng sau. Nhìn những người mặc quần áo bơi lột lòe loẹt ngồi cạnh khu hồ bên trái, những khuôn mặt kênh kiệu, và những con người lạ lùng, nó chợt buồn vì một tương lai mù mịt cho hai bố con nó. Đến gần ngã tư, bố nó dừng xe lại. Ông chống hai tay và lập bập xuống khỏi chiếc xe tự chế. "Xuống đi con" Ông nói. Sau khi xuống được dưới đất, ông buộc chiếc xe vào gốc cây ở vỉa hè, đội chiếc nón lá vào, rồi chống hai tay ra sau, vất vả bước đi từng bước trên đôi bàn tay. Quãng đường từ gốc cây đến ngã tư nơi có tấm biển báo chỗ hai bố con nó ngồi ăn xin chỉ có vài chục mét và dường như dài vô tận. Ngã tư đó là nơi bố con nó vẫn ngồi, con đường bên trái dẫn đến khu trường học, con đường bên phải dẫn vào khu công viên, và khu nhà hàng trên đồi bên phải. Đến gần nhà hàng sang trọng trên đồi bên phải. Có đường cống chạy từ nhà hàng ra, kéo dài tới vỉa hè. "Cẩn thận, cống bẩn con" Ông cảnh báo, rồi lúi húi tránh đường cống. Nó nhìn thấy bên đống rác gần nắp cống là một chiếc bánh bao người ta vứt đi. "Bố ơi, con đói!" Nó nói. Bố nó dừng lại, lấy ra trong ngực áo một chiếc bánh sủi cảo hấp, đưa cho nó. "Đây, ăn đi con" Ông đưa cho nó chiếc bánh duy nhất. Nó cầm lấy cái bánh sủi cảo hấp rồi mở ra. Nhưng vì không quen với gói bánh nó làm rơi xuống đất. Nó nhìn miếng bánh rơi xuống vết nứt trên mặt xi măng vỉa hè, ngồi xuống và nhặt nó lên. "Đừng! Bẩn con" Người cha quay lại thì nhìn thấy nó đang nhặt miếng bánh lên, liền nói lớn. Nhưng khi ông nói vậy nó đã đưa miếng bánh dưới đất vào mồm. Ánh mắt của ông nhìn nó một cách đau đớn. Nhưng rồi ông quay đi, hướng về phía tấm biển báo. Chợt, trong khóe mắt nó nhìn thấy hai chị em ở phía đằng sau, một đứa tầm tám tuổi và một đứa tầm bốn tuổi, dường như cũng là ăn xin, nhìn cũng rất nghèo túng, đang cúi xuống nhặt chiếc bánh bao cạnh đống rác bên cống lên mà ăn. Khi chạm ánh mắt với hai đứa trẻ, không hiểu sao nó liền vội vàng quay đi. "Đừng nhìn họ con. Có gì đâu mà nhìn. Họ cũng như mình thôi." Bố nó nói, không quay lại, vẫn chống hai tay hướng về tấm biển báo. Nó lon ton chạy theo sau. Một ngày của hai bố con nó trôi qua như thế. Bước ngoặt: Rồi những ngày tháng khó khăn cũng dần qua. Nó lớn lên và đã mười lăm tuổi. Nó đi làm thuê ở khu nhà hàng gần hồ. Công việc là bốc dỡ hàng hóa và thức ăn. Nó thấy nó phù hợp với công việc đó. "Công việc có phù hợp không con?" Bố nó thường hỏi nó như vậy. Ngày tháng dần trôi. Bố nó gần đây rất yếu. Ông không thể đi lại trên hai đôi bàn tay như xưa nữa. Ông nằm liệt giường. Nhiều khi ông mê sảng. Trong cơn mê, ông gọi nhiều cái tên mà nó không biết. Đôi lúc, ông gọi cả tên nó. Nó buồn lắm. Không biết làm gì, nó chỉ biết cố gắng làm việc và mua sữa cho ông. Nó nhớ những lúc ông thoát khỏi cơn mê, nụ cười hiền và những lúc nó chăm sóc cho ông mang đến cho nó động lực sống. Nhưng rồi đến một ngày, bố nó không tỉnh dậy nữa. Bố nó mất. Nhiều người mặc áo lính đến viếng đám tang bố nó. Đến hôm nay, nó mới được những người lính bạn bố cho biết rằng bố nó là chiến sĩ trận Quảng Trị, bị dính bom nổ mất cả hai chân. "Bố cháu là một chiến sĩ can trường" Những người bạn của bố nó nói với nó như vậy. Ngày bố nó được chôn ở nghĩa trang làng, nó khóc nức nở, khóc như chưa bao giờ được khóc. Rồi những ngày sau ngày bố nó mất, nó thường ra mộ, khóc thương ông. Đoạn kết: Nỗi đau cũng dần nguôi theo thời gian. Nó đã lớn. Nhờ có sức khỏe, nó làm việc không biết mệt. Nó thường ra khu hồ bơi. Nó bơi rất giỏi. "Nghĩa! Có phải Nghĩa con bố Thanh không cháu?" Một ngày, khi đang ngồi bên bờ hồ, nó nghe thấy tiếng người đàn ông quen thuộc cất lên. Ai vậy? Ai mà lại biết tên nó? Nó chợt nghĩ. Nó quay đầu lại. Đó là một người đàn ông trung niên, với khuôn mặt làm nó ngờ ngợ đến một người bạn của bố mà nó đã gặp. "Bác Bang bạn bố cháu đây mà. Cháu lớn quá. Bác không gặp cháu kể từ ngày bố cháu mất. Cháu dạo này sao rồi?" "Dạ cháu ổn" Nó nói. "Ừm. Cháu đi bơi à?" Người đàn ông hỏi. "Vâng" Nó nói. "Bác có tham gia hội bơi của quận. Họ đang tổ chức một cuộc thi bơi trong cộng đồng. Sao cháu không đăng ký tham gia?" Nó cười cười. Đối với nó, những đồng tiền xương máu mà nó làm được với công việc vất vả còn quý giá hơn nhiều tấm huy chương vàng. Nhưng dù sao thì.. "Vâng. Để cháu thử đăng ký xem" Rồi nó gật đầu nói. * * * "Và bây giờ. Là giải ba của cuộc thi. Xin mời lên nhận giải. Anh Lê Đức Nghĩa" Ban tổ chức thông báo. Ngày nó đoạt giải ba cuộc thi bơi, không có ai đến chúc mừng nó. Nó lên nhận giải, mà lòng thầm nghĩ về bố nó. Ông đã hy sinh tất cả cho tổ quốc, rồi cho nó. Nó hy vọng nơi chín suối, ông tự hào về nó. Vì nó là ước mơ trọn vẹn của ông. Hết. 26.01.2022