Tuyển tập Truyện dân gian Trạng Quỳnh

Thảo luận trong 'Dân Gian' bắt đầu bởi Thanh Trắc Nguyễn Văn, 1 Tháng tám 2021.

  1. [​IMG]

    Nhà thờ Nguyễn Quỳnh ở Hoằng Lộc, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

    Lời bàn của Thầy đồ VNO: "Miệng kẻ sang có gang có thép - Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm" thật ra là 2 câu đối đã có trong dân gian từ lâu. Như chúng ta đã biết Trạng Quỳnh là người không có thật trong lịch sử nước nhà, đó chỉ là một nhân vật được những người dân thấp cổ bé họng, bị bóc lột trong thời phong kiến tạo ra, để người dân được "thỏa mãn cái đam mê" là chửi vỗ mặt bọn quan lại bất tài; là để xỉa xói lũ quan chức tham ô hống hách luôn nhũng nhiễu nhân dân.

    Trong truyện, ông quan hầu như không có biểu hiệu xấu gì để bị Quỳnh phải đối xử như vậy. Có thể là do người soạn truyện đã quá chủ quan nên thiếu tinh tế. Đáng lẻ người soạn truyện phải có thêm một vài dòng tiểu sử về viên quan này như: Ông ta làm quan nhưng chỉ luôn hứa suông, nói một đàng làm một nẻo, luôn giải thích lấp liếm cho qua chuyện; ông ta làm quan nhưng lại bòn rút của công, luôn tìm mọi cách móc túi của dân lành, có học vị nhưng lại phát biểu những câu ngu dốt... thì lúc ấy câu đối của Quỳnh sẽ khiến người đọc "đã" hơn, và tên quan sẽ đáng bị xấu hổ hơn.


    Tìm trong Wikipedia Thầy đồ có tìm được một nhân vật lịch sử có thể được xem là Trạng Quỳnh

    Nguyễn Quỳnh (1677–1748) là một danh sĩ thời Lê – Trịnh (vua Lê Hiển Tông - vua cha của công chúa Ngọc Hân, cha vợ của hoàng đế Quang trung)), từng thi đỗ Hương cống nên còn gọi là Cống Quỳnh. Ông nổi tiếng với sự trào lộng, hài hước tạo nên nhiều giai thoại nên trong dân gian vẫn thường gọi ông là Trạng Quỳnh dù ông không đỗ Trạng nguyên.

    Ông còn có tên Thưởng, hiệu Ôn Như, thụy Điệp Hiên, quê tại làng Bột Thượng, trấn Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, nay thuộc thôn Hưng Tiến, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Thân sinh ông là ông Nguyễn Bổng và bà Nguyễn Thị Hương.

    Thuở nhỏ, ông học với ông nội và cha (vốn là giám sinh ở Quốc Tử Giám). Năm 1696, Quỳnh thi đỗ Giải nguyên; nhưng đi thi Hội nhiều lần bị hỏng.

    Về sau, triều đình bổ nhậm ông làm giáo thụ các huyện Thạch Thất, Phúc Lộc (Sơn Tây), tiếp đến làm huấn đạo phủ Phụng Thiên ở kinh thành Thăng Long. Năm 1718, đỗ khoa Sỹ vọng được bổ làm tri phủ Thái Bình, rồi về làm Viên ngoại lang ở Bộ Lễ; sau bị giáng xuống chức Tu soạn ở Viện Hàn lâm.

    Tuy không đỗ đại khoa, Quỳnh vẫn nổi tiếng là người học hành xuất sắc. Đương thời đã có câu: "Nguyễn Quỳnh, Nguyễn Nham, thiên hạ vô tam" (nghĩa là thiên hạ không có người thứ ba giỏi như hai ông).

    Sách Nam Thiên lịch đại tư lược sử đã nhận xét về ông: ".. Nguyễn Quỳnh văn chương nổi tiếng ở đời, nói năng kinh người, thạo quốc âm, giỏi hài hước..".

    Tác phẩm còn lại của Nguyễn Quỳnh, gồm một số bài ký, văn tế mẹ, văn khóc em (vốn tài hoa, nhưng chết yểu ở tuổi 14) và hai bài phú chép trong tập Lịch triều danh phú. Lịch triều danh phú là tuyển tập của các danh sĩ thời bấy giờ, tất cả đều đỗ đại khoa, chỉ có hai người đỗ Hương cống là Nguyễn Quỳnh và Đặng Trần Côn (tác giả Chinh Phụ Ngâm được nữ sĩ Đoàn Thị Điểm dịch thành Chinh Phụ Ngâm Khúc).

    Tương truyền ông là bạn thơ của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.

    Do tính cách trào phúng nên dân gian thường đồng hóa ông vào nhân vật Trạng Quỳnh – một ông Trạng dân gian nổi tiếng với tính trào lộng.

    Để tôn vinh ông, Nhà nước Việt Nam đã cho xây dựng nhà lưu niệm Trạng Quỳnh tại quê hương ông.
     
  2. [​IMG]

    8. Phơi Sách, Phơi Bụng

    Gần nhà Quỳnh có một lão trọc phú. Lão này đã dốt lại thích học làm sang, thỉnh thoảng mò đến nhà Trạng, đòi mượn sách. Tất nhiên lão có mượn được sách về thì cũng biết gì đâu đọc. Quỳnh bực lắm, một bận, thấy lão lấp ló đầu cổng, Quỳnh vội vác ngay chiếc chõng tre ra sân, cởi áo nằm phơi bụng. Lão trọc phú bước vào, thấy lạ, hỏi:

    - Thầy làm gì thế?

    Quỳnh đáp:

    - À! Có gì đâu! Hôm nay được cái nắng tôi đem phơi sách cho khỏi khô mốc

    - Sách ở đâu?

    Quỳnh chỉ vào bụng:

    - Sách chứa đầy trong này!

    Biết mình bị đuổi khéo, trọc phú lủi thủi ra về.

    Bận khác, lão cho người mời Quỳnh đến nhà. Để rửa mối nhục cũ, lão bắt chước, đánh trần, nằm giữa sân đợi khách...

    Quỳnh vừa bước vào, lão cất giọng con vẹt, bắt chước...

    - Hôm nay được cái nắng tôi nằm phơi sách cho khỏi mốc

    Bất ngờ Quỳnh cười toáng, lấy tay vỗ bình bịch vào cái bụng phệ mà nói;

    - Ruột nhà ông toàn chứa những của ngon chưa tiêu hết phải đem phơi, chứ làm cóc gì có sách mà phơi!

    Lão trố mắt kinh ngạc:

    - Sao thầy biết?

    Quỳnh lại cười toáng lên, lấy tay lắc lắc cái bụng béo ụ ị của lão:

    - Ông nghe rõ chứ? Bụng ông nó đang kêu "Ong óc" đây này! Tiếng cơm, tiếng gà, tiếng cá, lợn... Chứ có phải tiếng chữ, tiếng sách đâu. Thôi ngồi dậy, mặc áo vào nhà đi.

    Lão trọc phú lủi thủi làm theo lời Quỳnh, và ngồi tiếp khách một cách miễn cưỡng.

    Lời bàn của Thầy Đồ VNO:

    Những người giỏi chữ ngày xưa thường tự hào là đã học hết Tứ thư Ngũ kinh. Tứ thư gồm 4 quyển: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử. Ngũ Kinh gồm 5 tác phẩm Kinh thi, Kinh thư, Kinh lễ, Kinh dịch và Kinh Xuân Thu. Đó là những tác phẩm kinh điển của nho học. Các cụ vẫn thường nói đùa: "Văn chương, chữ nghĩa đầy một bụng"! Do đó việc Trạng Quỳnh nằm phơi bụng nói là phơi sách cũng là việc bình thường.

    Cái bất bình thường đáng nói ở đây là sự ngu dốt của lão trọc phú. Trọc phú là từ dùng để chỉ những kẻ giàu có nhưng không có học thức, giàu mà không sang, phú mà không quý. Tự nhận thức được trình độ yếu kém của mình, lão trọc phú giả vờ sang nhà Trạng Quỳnh mượn sách để ra vẻ ông ta cũng là một người am hiểu chữ nghĩa. Trạng Quỳnh bất bình ông ta mượn sách nhiều lần về nhà mà không đọc nên mới bày ra việc "phơi bụng" để "phơi sách".

    Cứ tưởng lão trọc phú sẽ biết xấu hổ, không ngờ lão cũng giống như con khỉ thích bắt chước Trạng Quỳnh, cũng đua đòi nằm "phơi sách". Nhưng bụng lão làm gì có sách, chỉ toàn phân mà thôi!

    Đọc truyện Trạng Quỳnh xưa ngẫm lại thời nay, có nhiều vị dù có bằng cấp cao (bằng giả chắc luôn), có chức có quyền nhưng cứ mở miệng ra là bị nhiều người khác chửi. Chẳng hạn như: "Xăng mà giảm giá nhiều quá sẽ khiến nhiều người sẽ bị sốc", "Dịch Covid 19 lây lan nhanh là do người nghèo, cần phải cách li người nghèo ra khỏi nơi ở của người giàu", "Gái Việt chỉ nên lấy chồng Tây. Trai Việt vừa ở dơ, vừa làm biếng", "Bánh mì không phải là thực phẩm", "Phí vé tham quan chùa tuy cao như vậy nhưng nhà chùa vẫn bị lỗ", "Ngô Quyền đã 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông", "Sách giáo khoa cần tăng giá cao hơn nữa để tránh cho nhà xuất bản không bị phá sản"... Trong đầu họ làm gì có kiến thức, làm gì có văn hóa cũng chỉ toàn chứa những cái không được sạch sẽ lắm mà Thầy Đồ không tiện nói ra...
     
  3. [​IMG]

    9. Lỡm Quan Thị

    Có một ông quan thị đại nịnh thần, được chúa Trịnh yêu lắm. Ông ta thường đến chơi nhà Quỳnh, thấy sách thì cũng mượn xem, mà ít khi trả. Quỳnh ghét cay ghét đắng, định chơi xỏ một trận cho chừa. Quỳnh bèn lấy giấy trắng đóng thành quyển sách để sẵn. Một hôm. Thấy bóng quan thị đằng xa, Quỳnh giả vờ cầm sách xem, đợi khi ông ta đến nơi thì giấu đi. Quan thị thấy Quỳnh giấu, ngỡ là sách lạ, đòi xem, Quỳnh bảo:

    - Sách nhảm có gì mà xem.

    Quan thị năn nỉ mãi cũng không được, về tâu với chúa. Chúa đòi Quỳnh sang hỏi, Quỳnh đoán chắc là đòi về chuyện quyển sách, mới lấy bút viết mấy câu vào sách bỏ vào tráp khoá lại, rồi sang hầu. Quả nhiên như thế. Quỳnh tâu:

    - Không có sách gì lạ, chắc thị thần tâu man với Chúa đó.

    Chúa thấy Quỳnh chối, lại càng tin là Quỳnh có sách lạ, bắt phải đem trình. Quỳnh sai người về đem tráp sang, mở ra, chỉ thấy có một quyển sách mỏng, Quỳnh rụt rè không dám đưa. Chúa bảo:

    - Cứ đưa ra. Chúa mở ra xem chỉ thấy có mấy câu:

    - "Chúa vị thị thần viết: Vi cốt tứ dịch, vi cốt tứ dịch. Thị thần quy nhị tấu viết: Thần phùng chỉ phát, thần phùng chỉ phát".

    Chúa ngẫm nghĩ đi lại không biết nghĩa ra làm sao, bảo Quỳnh cắt nghĩa thì Quỳnh rụt rè tâu:

    - Sách ấy là sách nhảm nhí của tiểu thần chỉ xem khi buồn, sợ cắt nghĩa ra, rác tai chúa!

    Chúa nhất định không nghe, bắt Quỳnh cắt nghĩa cho được.

    Quỳnh vâng lệnh tâu với chúa, câu ấy nghĩa là: " chúa hỏi thị thần rằng:

    Làm xương cho sáo, làm xương cho sáo, thì thần quỳ mà tâu rằng: Tôi may ngón tóc, tôi may ngón tóc"

    Quỳnh cắt nghĩa, nhưng chúa cũng chưa hiểu ra lại hỏi:

    - Đã đành nghĩa đen là thế, nhưng mà ý tứ thế nào?

    Quỳnh cười tủm tỉm không dám nói. Chúa và quan thị đứng hầu bên càng gặng hỏi.

    Quỳnh mới tâu:

    - Xin chúa đọc đảo ngược lại thì ra nghĩa, nhưng mà tục lắm.

    Bấy giờ chúa với quan thị mới biết Quỳnh lỡm, bảo Quỳnh mang sách về.

    Quỳnh ra, quan thị chạy theo trách Quỳnh nhạo cả chúa, thực là vô phụ, vô quân. Quỳnh đáp lại:

    - Ngài nói tôi vô phụ, vô quân thì bọn thập thường thị đời Hậu Hán là gì? Tôi đã giấu mà ngài cứ nịnh để đòi ra cho được thì lỗi tại ai?

    Quan thị tịt mất.
     
    Chỉnh sửa cuối: 18 Tháng tám 2021
  4. [​IMG]

    Lời bàn của Thầy Đồ VNO:

    Quan thị là những quan chức nhỏ có thể xem như đồng nghĩa với giám quan, quan hoạn, tự nhân, yên nhân, trung quan, nội quan, hoạn quan...

    Công bằng mà nói trong lịch sừ nước nhà cũng đã từng có những danh nhân kiệt xuất xuất thân từ quan thị như Thái úy Lý Thường Kiệt, Tả quân Lê Văn Duyệt... Nhưng phần đông quan thị (phim Trung Quốc thường gọi là Công Công) đều thích lối sống an nhàn và có thói quen rất xấu là ưa luồn cúi, xu nịnh vua và các bà hoàng hậu, phi tần trong cung để được hưởng lợi.

    Khi viên quan thị chạy theo Trạng Quỳnh và trách Trạng Quỳnh là vô phụ, vô quân (coi thường cha, coi thường vua, cố ý khép Trạng Quỳnh vào trọng tội "khi quân" bất kính với vua chúa)

    Thập Thường Thị là mười hoạn quan có tầm ảnh hưởng lớn trong triều đình của Hán Linh Đế (168-189) thời Đông Hán. Trên thực tế có 12 người và tất cả đều giữ chức Trung Thường Thị. Bọn này đã áp chế vua và hoàng hậu, nổi loạn ở hậu cung, giết chết tướng quân Hà Tiến, tạo điều kiện cho bọn Đổng Trác sau này có cớ đem quân vào cung dẹp loạn. Đổng Trác tiếm quyền, phế bỏ vua cũ lập vua mới, khiến triều đại nhà Hán hơn 400 năm phải suy sụp.

    Trạng Quỳnh cũng đã tỏ ra rất đanh thép khi nhắc lại chuyện "thập thường thị", ý nói những tên quan thị xu nịnh chỉ là bọn hại dân hại nước, rồi sẽ có ý làm phản hại vua hại chúa như thời hậu Hán thôi. Tên quan thị hoảng sợ phải bỏ chạy. Đúng là vỏ quýt dầy có móng tay nhọn.

    Thời nay, không cần là quan hoạn, những kẻ xu nịnh vẫn có mặt ở khắp mọi nơi trong công ty, trong cơ quan nhà nước. Có nhiều chuyện tiếu lâm cười ra nước mắt để kể về những tên đại nịnh thời bốn chấm không.

    Truyện thứ nhất, trong một buổi họp phê bình và tự phê bình, một nhân viên đã đứng lên phê bình giám đốc công ty của mình như sau: "Đồng chí giám đốc có rất nhiều ưu điểm nhưng vẫn có một khuyết điểm duy nhất cần phải khắc phục đó là đồng chí lo làm việc quá sức, không lo vui chơi, không để ý đến sức khỏe của mình. Đề nghị đồng chí giám đốc cần phải khắc phục khuyết điểm này để các nhân viên trong công ty bớt lo lắng cho sức khỏe của đồng chí!"

    Truyện thứ hai, một nhân viên nhà nước gặp thủ trưởng tại nhà vệ sinh đã thốt lên: "Trời ạ, thủ trưởng ngày quên ăn đêm quên ngủ để lo cho nước cho dân, thế mà cũng phải phí thời gian để đi làm việc tầm thường này sao?"
     
    Tiên Nhi, tmcxinhdep, Rilee10 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng tám 2021
  5. [​IMG]

    9. Đá Gà Với Quan Thị

    Bọn quan thị, nơi phủ chúa "Gà" thật không có mà lại cứ hay đá gà. Chúng bỏ ra nhiều tiền, lùng cho được những con gà hay đem về nuôi rồi đem ra đá độ với nhau. Nghe nói Quỳnh chọi gà với sứ Tàu thắng, họ liền mang gà đến nhà Quỳnh, đá thử một vài cựa chơi. Quỳnh vốn ghét bọn quan thị, từ chối nói là không có gà, nhưng họ nhiễu mãi, phải ừ và hẹn đến mai đi bắt gà về chọi. Bên láng giềng có một con gà trống thiến, Quỳnh liền qua mượn mang về.

    Sáng sớm, mở mắt dậy, đã thấy quan thị đem gà lại rồi. Quỳnh sai bắt gà trống thiến đem ra chọi. Tất nhiên, vừa so cựa được một vài nước, thì gà quan thị đá cho gà trống thiến một cựa lăn cổ ra chết ngay còn gà bọn hoạn quan thì vỗ cánh phành phạch lấy uy, gáy vang cả sân nhà. Bọn chúng khoái chí vỗ tay reo:

    - Thế mà đồn rằng gà của Trạng hay, chọi được gà Tàu, giờ mới biết đồn láo cả!

    Quỳnh chẳng cãi lại, chỉ ôm gà trống thiến mà rằng:

    - Các ngài nói phải, trước con gà này đá hay lắm, nhưng từ khi tôi thiến nó đi, thì nó đốn đời ra thế!

    Rồi ôm gà mà than thở: "Khốn nạn thân mầy, gà ôi! Tao đã bảo phận mày không dái thì chịu trước đi cho thoát đời, lại còn ngứa nghề là gì cho đến nỗi thế này! Thôi mày chết cũng đáng đời, còn ai thường nữa, gà ôi!".

    Các quan thị nghe thế, xấu hổ, ôm gà cút thẳng.

    Lời bàn của Thầy Đồ VNO:

    Người đọc Trạng Quỳnh có lẽ sẽ thắc mắc vì sao Trạng Quỳnh (nhân vật hư cấu đại diện cho tiếng nói của nhân dân bị bóc lột thời phong kiến) lại luôn tỏ ra ghét cay ghét đắng các quan thị? Như đã nói ở truyện trước, thời xưa các quan thị chủ yếu được chọn vào hầu hạ các ông vua bà chúa trong cung cấm. Do được gần gũi những người có quyền cao tối thượng nên những quan thị bất tài phải thường xu nịnh, ton hót chủ nhân để được hưởng lợi. Khúm núm với bề trên nhưng các quan thị lại luôn hống hách với nhân dân.

    Sự khinh bỉ đối với bọn quan thị đã được dân gian gửi gắm qua Truyện Trạng Quỳnh Đá Gà Với Quan Thị. Câu cà khịa sâu cay của Trạng Quỳnh ở cuối truyện cũng đã nói lên phần nào lòng căm ghét của nhân dân đối với bộ phận quan lại bất tài vô dụng nhưng lại luôn được ăn trên ngồi trước trong thời phong kiến
     
    Tiên Nhi, tmcxinhdep, Rilee10 người khác thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 25 Tháng tám 2021
  6. [​IMG]

    Đền thờ bà Chúa Liễu

    10. Chúa Liễu Mắc Lỡm

    Lúc Quỳnh còn là học trò nhà nghèo, phải ra đền Sòng xin cấy rẽ. Đền Sòng quê ông là nơi thờ Bà Chúa Liễu nổi tiếng rất linh thiên, không ai là không kinh sợ. Chúa Liễu có nhiều ruộng và bà cũng cho cấy rẽ để lấy lợi. Lần ấy, Quỳnh vào đền khấn mượn đất xong thì khấn quẻ âm dương hỏi Chúa là bà lấy gốc hay lấy ngọn trong vụ thu hoạch tới. Lần đầu Chúa bảo lấy ngọn, thế là vụ ấy Quỳnh trồng khoai lang. Đến khi khoai đã có củ, đào khoai xong, Quỳnh đem hết củ về nhà còn bao nhiêu dây khoai Quỳnh đem để đền bà chúa.

    Lần thứ hai, xin âm dương, Chúa đòi lấy gốc để ngọn cho Quỳnh. Mùa ấy Quỳnh liền trồng lúa. Đến mùa gặt, Quỳnh cắt hết bông và đem gốc rạ trả cho Bà Chúa!

    Chúa Liễu hai lần bị Quỳnh lừa, tức giận lắm xong đã trót hứa rồi, không biết làm thế nào được. Lần thứ ba, Quỳnh đến xin thì Chúa bảo lấy cả gốc lẫn ngọn, còn khúc giữa cho Quỳnh, Quỳnh giả vờ kêu ca:

    - Chị lấy thế em còn gì được nữa!

    Khấn đi khấn lại mãi, Chúa nhất định không nghe, Quỳnh về trồng ngô, đến kỳ bẻ ngô bao nhiêu bắp Quỳnh giữ lạ, còn ngọn với gốc Quỳnh đem nộp cho Chúa.

    Chúa mắc mưu Quỳnh ba lần, đòi lại ruộng, song trong ba vụ ấy, Quỳnh đã kiếm cũng được cái vốn kha khá rồi.

    Lời bàn của Thầy Đồ VNO: Theo tư liệu từ nhiều nguồn mà Thầy Đồ thu thập được thì Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một trong những vị Thánh quan trọng của tín ngưỡng Việt Nam. Bà còn được gọi bằng các tên: Bà Chúa Liễu, Liễu Hạnh, Mẫu Liễu Hạnh hoặc ở nhiều nơi thuộc vùng Bắc Bộ bà được gọi ngắn gọn là Mẫu Liễu.

    Theo truyền thuyết trong dân gian Việt Nam, Mẫu Liễu Hạnh là một trong bốn vị thánh Tứ bất tử. Bà vốn là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng đế, 3 lần giáng trần. Bà đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều Sắc, tôn phong là "Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn dân", "Chế Thắng Hòa Diệu đại vương" và cuối cùng quy y cửa Phật theo lối bán tu rồi thành đạo là Mã Vàng Bồ Tát.

    Bà chính là vị Thánh Mẫu đứng đầu hệ thống Tam phủ, Tứ phủ thờ đạo Mẫu. Nhiều làng xã và các đô thị ở phía bắc Việt Nam đều có đền thờ bà.

    Trong truyện Chúa Liễu Mắc Lỡm chúng ta dễ dàng nhận thấy Trạng Quỳnh không hề kiêng nể một ai dù đó là thánh thần. Trạng Quỳnh gọi bà Chúa Liễu là "chị" (đáng lẽ phải gọi là Mẹ - Thánh Mẫu mới đúng). Truyện cũng cố ý mô tả Chúa Liễu như một bà địa chủ có nhiều ruộng đất, chuyên bóc lột công sức những người nông dân mướn đất.

    Truyện Chúa Liễu Mắc Lỡm có thể không làm vừa ý những người tôn kính bà Chúa Liễu, nhưng truyện cũng nói lên khát vọng của những người tay lấm chân bùn chân chính là đả phá quyết liệt vào những hủ tục, mê tín dị đoan, buôn thánh bán thần do những kẻ núp bóng tín ngưỡng tạo nên để dễ bề hưởng lợi.
     
  7. [​IMG]

    11. Ăn Trộm Mèo

    Nhà vua có nuôi một con mèo tam thể quý lắm, xích bằng xích vàng và cho ăn toàn những đồ cao lương mỹ vị.

    Quỳnh vào chầu, trông thấy, liền tìm cách bắt trộm về, cất xích vàng đi buộc bằng xích sắt, nhốt lại. Đến bữa đợi cho con mèo thật đói, Quỳnh để hai cái đĩa, một đĩa cơm trộn thịt cá và một đĩa cơm trộn rau. Mèo nhà vua quen ăn miếng ngon chạy đến chỗ thịt cá chực ăn. Quỳnh cầm sẵn roi, hễ ăn thì đánh. Mèo đói quá, phải ăn đĩa cơm rau. Dạy như vậy được một thời gian, mèo quen dần, không bao giờ dám gì ngoài rau nữa mới thả ra. Vua mất mèo, tiếc quá, cho người đi tìm, thấy nhà Quỳnh có một con mèo tam thể giống như hệt, nghi lắm, bắt Quỳnh mang mèo vào chầu. Vua xem mèo, hỏi:

    - Sao nó giống mèo của Trẫm thế? Hay khanh thấy mèo của Trẫm đẹp bắt về, nói cho thật!

    - Tâu bệ hạ, bệ hạ nghi cho hạ thần bắt trộm, thật là oan, xin bệ hạ đem ra thử thì biết.

    - Thử thế nào? Nói cho Trẫm nghe.

    - Muôn tâu bệ hạ, bệ hạ phú quý thì mèo ăn thịt ăn cá, còn hạ thần nghèo túng thì mèo ăn cơm trộn với đầu tôm, rau luộc. Bây giờ để hai bát cơm ấy, xem nó ăn bát nào thì biết ngay.

    Vua sai làm thử. Con mèo chạy thẳng đến bát cơm rau, ăn sạch. Quỳnh nói:

    - Xin bệ hạ lượng cho, người ta phú quý thì cao lương mỹ vị, bần tiện thì cơm hẩm rau dưa. Mèo cũng vậy, phải theo chủ.

    Rồi lạy tạ, đem mèo về.

    Lời bàn của Thầy Đồ VNO: Dĩ nhiên ta thấy truyện có nhiều điểm cực kì vô lí, mèo vua nuôi ở trong cung cấm đâu phải ai muốn bắt là bắt được. Muốn vào cung vua chỉ có thái giám và cung nữ. Trạng Quỳnh đâu phải là thái giám? Với lại bắt được mèo rồi thì làm cách nào để Trạng Quỳnh đưa mèo ra ngoài cung cấm được trót lọt?

    Thật ra chủ ý của truyện chỉ là muốn đề cao trí thông minh của Quỳnh và chỉ trích thói tôn trọng thú cưng của vua quan thời phong kiến, trong khi nhân dân đang phải còng lưng đói khổ vì sưu cao thuế nặng.

    Riêng chi tiết trong truyện, tập cho mèo ăn cơm rau của Trạng Quỳnh, là có cơ sở khoa học đàng hoàng, được môn sinh vật gọi là phản xạ có điều kiện. "Phản xạ có điều kiện là phản xạ được hình thành trong đời sống cá thể, là kết quả của quá trình học tập, rèn luyện và rút kinh nghiệm" (Sách Giáo Khoa sinh lớp 8)

    Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, đoàn quân đang bị khát nước khi đi ngang qua sa mạc, Tào Tháo liền nói "Phía trước có rừng mơ". Ai mà từ nhỏ chẳng ăn mơ, thế là nước bọt trong miệng tuôn ra, giúp cho quân sĩ đỡ khát.

    "Cao thủ" hơn nữa là một truyến thuyết có nói về một Thái tử phi. Mỗi khi cho cá ăn ở hồ sen cung điện mình, cô đều hô thật lớn "Hoàng thượng cát tường". Khi vua đến thăm thái tử, chỉ cần cô Thái tử phi này hô "Hoàng thượng cát tường", thế là cá nổi lên đầy mặt hồ cứ như chào đón nhà vua, khiến nhà vua vô cùng đẹp dạ.

    Vận dụng khoa học vào chính trị một cách điêu luyện đúng là chỉ có mấy anh "bạn vàng khè" Trung Quốc!
     
    Chỉnh sửa cuối: 9 Tháng chín 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...