Tuyển tập Truyện dân gian Trạng Quỳnh

Thảo luận trong 'Dân Gian' bắt đầu bởi Thanh Trắc Nguyễn Văn, 1 Tháng tám 2021.

  1. [​IMG]

    1. Đầu To Bằng Cái Bồ

    Chuyện kể rằng lúc Quỳnh còn nhỏ, mới bảy tám tuổi, Quỳnh đã tỏ ra thông minh đỉnh ngộ nhưng cũng là một đứa trẻ chúa nghịch. Hồi ấy bọn trẻ thường chơi trò xước xách, lấy tàu chuối làm cờ, lá sen làm lọng. Trong trò chơi, Quỳnh bao giờ cũng lấn lướt.

    Một đêm mùa thu, trăng tháng tám sáng vằng vặc, đang chơi với đám trẻ ở sân nhà, Quỳnh bảo:

    - Chúng bay làm kiệu cho tao ngồi, rồi tao đưa đi xem một người mà cái đầu to bằng cái bồ!

    Lũ trẻ tưởng thật, liền tranh nhau làm kiệu rước Quỳnh đi vòng vòng quanh sân, mệt thở muốn đứt hơi. Xong, chúng nhất định bắt Quỳnh phải giữ lời hứa. Lúc ấy trăng đã mờ, Quỳnh bảo:

    - Tụi bây đứng đợi cả ở đây, tôi đi đốt lửa soi cho mà xem!

    Bọn trẻ nhỏ hơi sợ, không dám ở lại, chỉ những đứa lớn hơn, bạo dạn đứng chờ. Quỳnh lấy lửa thắp đèn xong đâu đấy, rồi thò đầu che ngọn đèn, bảo:

    - Kìa, trông trên vách kìa. Ông to đầu đã ra đấy!

    Anh nào cũng nhìn nhớn nhơ nhớn nhác, thấy bóng đầu Quỳnh ở vách to bằng cái bồ thật. Lũ trẻ biết Quỳnh xỏ, quay ra bắt Quỳnh làm kiệu đền, Quỳnh chạy vào buồng đóng cửa lại, kêu ầm lên. Ông bố tưởng là trẻ đánh, cầm roi chạy ra, lũ trẻ chạy tán loạn.

    Lời bàn của Thầy Đồ VNO: Quỳnh từ nhỏ đã thông minh, vì thông minh nên thường bày trò chơi cho bọn trẻ và khi chơi lại cứ thích lấn lướt các bạn nên dễ gây hiềm khích với các bạn cùng lứa tuổi.

    Muốn thông minh thì phải quan sát nhiều, trong truyện Quỳnh đã quan sát và cảm nhận được một hiện tượng vật lý: Một vật chắn sáng (đầu Quỳnh) đặt trước nguồn sáng (ngọn đèn) thì sẽ cho phía sau một vùng bóng đen (kích thước lớn hơn đầu của Quỳnh nhiều) và hai vùng nửa tối (vật lý lớp 7). Đó là một thí nghiệm vật lý rất hay, rất tiếc bọn trẻ đã không biết trân trọng còn đòi đánh Quỳnh.

    Quỳnh lại thể hiện trí thông minh một lần nữa bằng cách đóng cửa và gọi ầm lên để nhờ ông bố Quỳnh can thiệp. Chơi như vậy thì ai chơi cho lại, bé Quỳnh?
     
    Chỉnh sửa cuối: 1 Tháng tám 2021
  2. [​IMG]

    2. Mẹo Trẩy Kinh

    Mùa đông năm ấy, Quỳnh có việc đi gặp người bà con đang sinh sống ở Thăng Long. Đường về kinh thì xa, cuốc bộ phải mất cả tuần, mà Quỳnh vẻn vẹn có một quan tiền giắt lưng. Mới ngày thứ ba túi đã hết nhẵn tiền, chiều xuống, trời âm u, lại điểm mưa lâm thâm, gió bấc. Đến đầu làng kia, bụng đói cồn cào, vừa may gặp một đứa bé mục đồng dắt trâu về xóm, Quỳnh mừng rỡ hỏi thăm lối vào nhà ấp trưởng.

    Ấp trưởng làng này vừa giàu sụ, vừa nổi tiếng quỷ quyệt. Qua vài lời chuyện trò với người lỡ độ đường, hắn đoán thầm khách không phải là hạng tầm thường, bèn vồn vã mời nghỉ lại và sai giai nhân làm mâm cơm thịnh soạn để thết đãi. Nhưng mấy ngày liền, khách cứ đi đi lại lại, rồi đến bữa nằm dài đợi cơm rượu hỏi đến chức danh công vụ thì cứ ậm ậm ờ ờ. Chủ nhà sốt ruột, sinh nghi. Như thường lệ, tối hôm ấy ăn xong một lúc, Quỳnh cáo lui về phòng riêng giáp với phòng ngủ của chủ nhân. Được một chập, Quỳnh tắt đèn lên giường nằm. Biết ở phòng bên có người vẫn thức rình mò mọi hành vi của mình, lát sau Quỳnh vờ thức dậy rón rén thắp đèn, sau đó cẩn thận lần dưới vạt áo, lấy ra một bọc nho nhỏ bên trong có ba gói vuông, bản bằng nhau. Khách cầm bút long chấm chấm, mút mút đầu ngòi, hí hoái viết vào từng gói như để đánh dấu cho khỏi nhầm lẫn (thực ra chẳng viết gì cả), miệng lẩm nhẩm đọc, cố ý cho kẻ đang rình bên kia khe vách vừa đủ lắng nghe: Độc dược của nhà chúa... Độc dược của bà chính cung... Độc dược của thái tử. Làm như vậy, đoạn Quỳnh đem gói chung thành một bọc như cũ, giắt vào lưng áo. Xong rồi tắt đèn, lên giường nằm trở lại. Khi phòng bên này bắt đầu tiếng ngáy đều đều, thì phòng bên vọng sang tiếng động khe khẽ. Tên ấp trưởng bí mật mở chốt cửa ra ngoài, lẻn đến chuồng ngựa.. Hộc tốc lao đi trong đêm.

    Sáng hôm sau, mới hửng sáng, quan quân từ đâu ập tới nhà ấp trưởng đông nghịt, gươm giáo tua tủa vây kín mọi phía. Quỳnh mở mắt, chưa kịp búi tóc đã bị trói nghiền lại, quẵng lên một chiếc xe có bốn ngựa kéo, trẩy về kinh.

    Trước phủ chúa, Quỳnh bị điệu ra xét xử với nhân chứng và vật chứng rành rành. Chúa đích thân tự tay mở tang vật. Té ra chẳng có gì ghê gớm! Chiếc bọc được gói kỹ lưỡng trong mấy lần mo cau, phủ ngoài bằng một vuông vải điều là chiếc bọc chứa ở bên trong mấy gói cơm khô nhỏ, Chúa lấy mũi hài đá té nắm cơm về phía Quỳnh, hất hàm tỏ vẻ khinh miệt:

    - Ta tưởng thế nào... Tài giỏi như Trạng mà cũng ăn cả cái vứt đi này à?

    - Khải chúa.

    - Quỳnh đáp lại không chút ngần ngừ, nhà chúa thừa thãi mới gọi đó là của vứt đi. Còn thần dân bên dưới đâu dám phung phí một hạt, họ gọi cơm gạo là ngọc thực.

    Nói rồi, Quỳnh trân trọng nhặt lấy mấy hạt cơm khô bỏ vào mồm nhai rào rạo. Chúa biết mình lỡ lời, đỏ bừng mặt, lại thêm một phen mắc lỡm, tức lộn ruột. Không có cớ gì buộc tội Quỳnh, chúa truyền nọc tên ấp trưởng ra, bắt lính đánh ba chục trượng vì tội nói láo và báo sai.

    Trước cảnh tượng ấy, Trạng chỉ biết mỉm cười. Mặc dầu đã được tha bổng, trước khi bái biệt bề trên, Quỳnh vẫn không quên giễu chúa bằng những câu khéo:

    - Xin chúa rộng lượng tha thứ cho ấp trưởng. Và cho thần được cảm ơn hắn cùng quan quân triều đình.

    Lời bàn của Thầy Đồ VNO: Tên ấp trưởng thuộc loại kẻ dưới quyền được việc và trung thành với nhà chúa. Hắn trung thành, được việc nhưng không khôn ngoan. Vì không khôn ngoan nên hắn mới dễ mắc lừa Trạng Quỳnh. Nếu là người khôn ngoan hắn phải điều tra cho thật kỹ rồi mới "mật tấu" lên triều đình thì lúc đó vẫn chưa muộn. Đằng này do ham lập công, ngu dốt và không có kiến thức nên hắn mới bị "phản đam".

    Trong truyện chúa Trịnh tượng trưng cho giai cấp phong kiến ăn trên ngồi trước, bóc lột nhân dân (thật ra cũng có nhiều chúa Trịnh tài giỏi giúp cho dân an cư lạc nghiệp như chúa Trịnh Cương). Trạng Quỳnh đã khéo léo nhắc nhở cho chúa Trịnh biết dân đen vẫn còn nhiều kẻ đói nghèo phải ăn cái "vứt đi", không được ăn sơn hào mĩ vị như chúa. Truyện Trạng Quỳnh chống bọn phong kiến bóc lột, sống bằng đồng thuế của người dân thâm thúy đến thế là cùng.
     
    Chỉnh sửa cuối: 8 Tháng tám 2021
  3. [​IMG]

    3. Đất Nứt Con Bọ Hung


    Từ thuở bé, ngoài tính nghịch ngợm, hiếu động, Quỳnh còn tỏ ra thông minh xuất chúng khi học rất giỏi và đối đáp hay, nhất là khi ứng khẩu.

    Trong làng cậu bé Quỳnh có một người hay chữ nhưng tính tình kiêu ngạo, đi đâu cũng khoe khoang, tên gọi là ông Tú Cát. Tất nhiên, từ nhỏ Quỳnh đã ghét những người có bản tính như vậy. Một hôm, Quỳnh đang đứng xem đàn lợn ăn cám thì Tú Cát đi qua. Đã được nghe người ta đồn đãi về thần đồng này, Tú Cát không ưa gì Quỳnh, ông ta ra vẻ kẻ cả gọi Quỳnh đến bảo:

    - Ta nghe thiên hạ đồn mày là đứa thông minh, ứng đáp rất giỏi. Bây giờ ta ra cho mày một vế đối, nếu mà không đối được thì sẽ biết tay. Nhất định ta sẽ đánh đòn cho chừa các tật láo, nghe chưa!

    Nói xong, không đợi Quỳnh thưa lại, Tú Cát liền gật gù đọc:

    - "Lợn cấn ăn cám tốn."

    Đây là một câu đối rất hắc búa bởi "Cấn" và "Cám" vừa chỉ lợn và thức ăn của lợn, lại vừa là hai quẻ trong kinh Dịch, người có học nhiều còn thấy khó. Thế nhưng, không nao núng, Quỳnh đọc lại ngay:

    - "Chó khôn chớ cắn càn."

    Quả là một vế đối vừa chỉnh vừa có ý xỏ xiên. "Khôn" và "Càn" cũng là hai quẻ trong kinh Dịch, Quỳnh lại còn ngầm ý chưởi Tú Cát là đừng có mà rắc rối. Bị thằng nhỏ hơn mình chơi lại một đòn đau, Tú Cát tức lắm, hầm hầm bảo:

    - Được để coi mầy còn thông minh đến cỡ nào. Tao còn một vế nữa, phải đối ngay thì tao phục!

    Nói xong Tú Cát đọc ngay:

    - "Trời sinh ông Tú Cát!"

    Vế vừa ra mang tính cách ngạo nghễ, phách lối. Nào ngờ, Quỳnh chỉ ngay xuống đất, dưới lớp phân heo đùn lên những ụ nhỏ mà đáp:

    - "Đất nứt con bọ hung!"

    Đến nước này thì dù tức đến hộc máu mồm, Tú Cát cũng đành cút thẳng.
     
  4. [​IMG]

    Lời bàn của Thầy Đồ VNO: Tú Cát là tên của một ông tú tên Cát. Tú nghĩa là tú tài, học vị dưới cử nhân thời phong kiến nhà Nguyễn. Nói thẳng ra tú tài nghĩa là thi rớt cử nhân, nhưng do cũng vào "sâu" qua được vài vòng thi, nên nhà nước phong kiến ban cho một cái học vị an ủi là "tú tài" - nghĩa là "xém" đậu cử nhân! Trong truyện này có khá hạt sạn to đùng, vì thời vua Lê - chúa Trịnh của Trạng Quỳnh (cách thời các vua triều Nguyễn hơn 100 năm) chưa có học vị tú tài nha các bạn!

    Các thành viên VNO (Viet Nam Overnigh) chúng ta có nhiều bạn vừa thi đậu Tốt Nghiệp Trung Học Phổ Thông - theo học vị thế kỷ 21 của nước nhà hiện nay đó chính là "tú tài". Còn các bạn nếu tốt nghiệp đại học sẽ được gọi là "cử nhân"

    Ngày xưa trong một làng số người biết chữ rất là ít, do chữ nho học rất khó. Một làng hàng trăm nhân khẩu ước chừng cũng chỉ có vài chục người là biết chữ nho. Do đó tú Cát là người biết chữ lại "xém đậu cử nhân" nên cũng có chút ít danh vọng. Nếu là một con người khiêm tốn, người ấy sẽ tự xấu hổ vì công không thành danh không toại. Còn như tú Cát vốn là một kẻ hợm hĩnh, hắn là "khoai khô xắt lát" mà cứ tưởng mình là "nhân sâm Hàn Quốc" nên luôn tự phụ, phách lối, kiêu căng và thích "khoe" chữ.

    Câu đối thứ hai của tú Cát trong truyện là một câu khá "phạm thượng": Trời sinh ông tú Cát. Nói vậy, hóa ra tú Cát là con trời, là "thiên tử", là vua ư? Ra câu đối như vậy, thời phong kiến dễ bị mang tội "phạm tội khi quân" lắm. Nhưng tú Cát vốn là kẻ cậy tài nên câu đối của hắn ngông nghênh là điều hiển nhiên.

    Không ngờ hắn lại bị một cậu bé như bé Quỳnh dạy cho một bài học nhớ đời cũng bằng nghệ thuật đối rất cân, rất chỉnh của dân tộc: Đất nứt con bọ hung.

    Sẽ có bạn hỏi tôi tại sao tú Cát tức muốn ói máu vì câu đối này? Ông tú Cát mà lại được so sánh với con bọ hung thì còn gì là thể diện. Con bọ hung là những con bọ khi nghe mùi phân thường bay đến tụ tập để "dọn sạch" đám phân cùng bọn ruồi nhặng đó các bạn.
     
    Chỉnh sửa cuối: 8 Tháng tám 2021
  5. [​IMG]

    4. Trả Nợ Anh Lái Đò

    Quỳnh đi đò ngang thường chịu tiền, lâu quá hoá nhiều, không trả được.

    Lúc anh lái đò đến đòi, Quỳnh bảo:

    - Ừ đợi đấy, mai ta trả.

    Rồi mua tre nứa, lá ngồi làm một cái nhà bè ở giữa sông, trong đề một câu:

    "Đ.... Mẹ thằng nào bảo thằng nào!"

    Và phao ầm lên rằng đó là lần yết thơ của Trạng.

    Thấy nói thơ Trạng, thiên hạ nô nức kéo nhau đi gọi đò để ra giữa sông xem. Đi đò ra đến nơi, thấy độc một câu như thế, biết đã bị lừa vừa tức giận, vừa thẹn lại đi đò về. Người khác gặp hỏi thì cáu, nếu nói thật sẽ bị ứng vào câu chửi vừa mới xem, nên chỉ trả lời:

    - Ra mà xem!

    Thế là thiên hạ càng thấy lạ, càng xô nhau ra xem. Người xem thì không thấy gì, còn bị hăm chửi nếu về nói cho người khác nghe, nên chỉ ậm ừ cho qua chuyện khi có người hỏi. Kết quả là ngày hôm đó khách nối khách chen nhau gọi đò, còn anh lái đò được dịp thu tiền khách đi đò không xuể, hơn cả những ngày hội lễ.

    Lời bàn của Thầy Đồ VNO: "Yết thơ" là gì? "Yết thơ" là dán thơ trên bảng, trên tường để thông báo cho mọi người biết. Từ xưa cũng có từ gọi là "yết thị". Lần giở các quyển từ điển cũ, Thầy Đồ có tra được định nghĩa sau: "Yết thị" là dán giấy công bố ở nơi công cộng để thông báo cho mọi người biết, "yết thị" cũng có nghĩa là bản thông báo được niêm yết.

    Thời gian trong Truyện Quỳnh, thời vua Lê - chúa Trịnh, cách chúng ta hơn 300 năm nhưng tính thời sự trong truyện không hề cũ. Người Việt chúng ta có chung một thói quen rất xấu là hiếu kì, là "tò mò" và "nhiều chuyện". Hiểu rõ được điều đó nên Trạng Quỳnh mới dùng một "chiêu lừa" nho nhỏ cũng đủ kéo cả dân mấy tổng đi xem "chuyện tào lao" ở giữa sông.

    Còn nhớ trước năm 2000, một cô gái nhảy xuống sông tự tử ỏ cầu Xóm Chỉ, quận 8, Tp.HCM. Thế là cả dân cầu Xóm Chỉ gần cả trăm người ra đứng chật cầu gỗ để chờ xem thợ lặn vớt xác cô gái và "tám" với nhau. Kết quả là cầu gỗ đã cũ không chịu nỗi sức nặng của cả trăm người nên đã gãy sập và làm rớt theo hơn 60 người khác xuống làm bạn với cô gái dưới sông.

    Than ôi, đọc truyện Trạng Quỳnh xưa và ngẫm lại những điều đã thấy ở ngày hôm nay cũng không có khác nhau gì mấy!

     
    Chỉnh sửa cuối: 3 Tháng tám 2021
  6. [​IMG]

    5. Dê Đực Chửa

    Tiếng tăm về một thần đồng nhanh chóng được truyền tụng khắp nơi, ngày càng lan rộng và đến tận kinh đô. Nhà vua muốn biết hư thực ra sao, nhưng là người chuộng nhân tài, sau khi suy nghĩ, vua bèn ban lệnh: Cả phủ Thanh Hóa, mỗi làng phải đem nộp một con dê đực đang chửa. Sau hai tháng, nếu làng nào không có sẽ bị trị tội. Cái lệnh tréo ngoe ấy tất nhiên làm dân chúng phủ Thanh Hóa hoảng hốt hoảng sợ hãi. Cả làng Quỳnh ở, ai cũng nhớn nhác lo âu. Tìm đâu ra dê đực chửa? Mà từ xưa đến giờ đã nghe ai nói cái chuyện lạ lùng ấy đâu! Thế nhưng, khi biết chuyện đó, Quỳnh nói với bố:

    - Chuyện gì chớ chuyện này xin bố đừng lo. Bố cứ bảo dân làng chuẩn bị cho con một trăm quan tiền và gạo ăn đường, con sẽ kiếm được dê đực chửa cho làng. Nghe Quỳnh nói vậy, ông bố không tin, nhưng cũng thưa lại với dân làng. Người tin kẻ nghi nhưng không còn có cách nào khác, mọi người đành làm theo yêu cầu của Quỳnh. Sáng hôm sau, hai cha con Quỳnh lên đường. Họ đến kinh đô khi nhà vua có việc đi qua cửa Đông. Quỳnh nép xuống cống sát vệ đường chờ. Khi xa giá nhà vua đến gần, Quỳnh khóc rống lên. Nghe tiếng khóc có vẻ lạ, vua sai lính lôi đứa trẻ đang khóc lên hỏi nguyên do. Quỳnh vờ như không biết đấy là vua, càng gào to, kể lể:

    - Mẹ tôi đã chết mấy năm nay, tôi nói mãi mà bố tôi không chịu đẻ em bé cho tôi bế...

    Vua nghe nói câu ấy, bật cười bảo rằng:

    - Ôi chao quả là một thằng bé đần độn. Ba mày là đàn ông mà đẻ làm sao được?

    Chỉ đợi cho vua nói vậy, Quỳnh liền nín ngay, rồi đứng chắp hai tay lại, nói thật trang nghiêm:

    - Thưa ông, vậy mà nhà vua bắt dân làng tôi phải nộp dê đực chửa!

    Nghe nói vậy, nhà vua giật mình, biết ngay đây là đứa bé thần đồng mà bấy lâu mình vẫn nghe đồn.
     
    Chỉnh sửa cuối: 4 Tháng tám 2021
  7. [​IMG]

    Lời bàn của Thầy Đồ VNO: Trước khi bàn về truyện Dê Đực Chửa của Trạng Quỳnh, Thầy Đồ xin được kể về câu chuyện Muốn Tháo Chuông Phải Tìm Người Buộc Chuông trước.

    Xưa thật xưa, có một vị hòa thượng đã hỏi các đệ tử: "Giả sử có một con hổ dữ đeo chiếc chuông vàng trên cổ, hỏi ai sẽ là người cởi được cái chuông ấy".

    Các đệ tử đều không trả lời được. Tới gần con hổ thôi là đã mất mạng rồi, nói chi là dám mò tay vào cổ của hổ để gỡ chuông?

    Lúc đó có một tiểu hòa thượng tên là Pháp Đăng đã đứng lên trả lời: "Chuyện này chẳng dễ đâu. Nhưng cứ bảo kẻ nào đã buộc chuông vào cổ con hổ thì tới tháo ra là xong."

    Hòa thượng và mọi người cùng vỗ tay khen Pháp Đăng cực kỳ thông minh.

    Tại sao tiểu hòa thượng Pháp Đăng nghĩ ra được câu trả lời thông minh như vậy? Bởi vì Pháp Đăng đã hiểu và vận dụng được một quy luật quan trọng trong nhận thức luận về quan hệ nhân quả của sự vật.

    Chúng ta hãy tưởng tượng xem, con hổ tuy là loài dã thú cực kì hung dữ, nhưng một khi trên cổ nó đã có đeo một cái chuông, thì tất nhiên là đã có một người có đủ bản lĩnh chế phục được nó, mà đó tức là cái "nhân" của sự việc. Sau khi biết được cái "nhân" thì sẽ có thể tìm ra được đáp án về cái "quả" và đáp án tức là: hãy để cho kẻ nào buộc chuông vào cổ con hổ tới tháo cái chuông ấy.

    Câu chuyện này giúp chúng ta có được gợi ý rất tốt về cách nhận thức sự vật và giải quyết mâu thuẫn.

    Trở lại truyện Dê Đực Chửa của Trạng Quỳnh. Nhà vua do muốn tìm thần đồng nên đã ra một cái lệnh thật kỳ quặc: Cả phủ Thanh Hóa, mỗi làng phải đem nộp một con dê đực đang chửa!

    Một cái lệnh cực kì vô lí nhưng không một ai ở phủ Thanh Hóa có thể tìm được biện pháp để đối phó. Trong đó biết bao quan chức, những người có học đã đỗ đạt cũng đành phải bó tay. Thế là thần đồng Quỳnh đành phải đứng ra giúp dân. Cũng như tiểu hòa thượng Pháp Đăng, bé Quỳnh đã vận dụng quy luật quan trọng trong nhận thức luận về quan hệ nhân quả của sự vật để giải quyết mâu thuẫn.

    Muốn Tháo Chuông Phải Tìm Người Buộc Chuông. Vậy ai đã buộc chuông? Nhà vua. Muốn tháo chuông thì sao? Phải tìm nhà vua để gỡ rối. Thế là bé Quỳnh đã dùng mẹo để gặp nhà vua và buộc ông ta phải tự miệng nói ra: Giống đực không thể chửa được!

    Bé Quỳnh thật hay, thật thông minh và thật sắc sảo. Phải không các bạn trong diễn đàn VNO?
     
  8. [​IMG]

    6. Ông Nọ Bà Kia

    Quỳnh có mấy người trong họ tấp tểnh công danh nay cậy mai cục nhờ Quỳnh gây dựng cho, may ra được tí phẩm hàm để khoe với làng nước. Một hôm, Quỳmh ở kinh đô về, sai người mời mấy anh ấy lại bảo:

    - Giờ có dịp may, nào các anh có muốn làm ông nọ bà kia thì nói ngay.

    Thấy Quỳnh ngỏ lời thế, anh nào cũng như mở cờ trong bụng, tranh nhau nhận trước.

    Quỳnh bảo:

    - Được các anh về nhà thu xếp khăn gói, rồi lại đây uống rượu mừng với ta, mai theo ta ra kinh đô sớm.

    Anh nào anh nấy lật đật về nhà, vênh váo, đắc chí lắm, có anh về đến cổng, thấy vợ đang làm lụng lam lũ liền bảo vợ:

    - Ít nữa làm nên ông nọ bà kia, không được lam lũ thế mà người ta chê cười cho.

    Vợ hỏi:

    - Bao giờ làm quan mà khoe váng lên thế?

    - Nay mai thôi, sắp sửa khăn gói để mai đi sớm!

    Nói xong, lại nhà Quỳnh đánh chén. Anh nào anh nấy uống say tít rồi mỗi anh nằm một xó. Đến khuya, Quỳnh sai người đem võng, võng anh nọ về nhà anh kia, anh kia về nhà anh nọ, nói dối rằng: Say rượu ngộ cảm phải bôi dầu xoa thuốc ngay không thì oan gia!

    Các "Bà lớn" đang mơ màng trong giấc mộng, thấy người gõ cửa mà nói những chuyện giật mình như thế, mắt nhắm mắt mở, tưởng là chồng, ôm xốc ngay vào nhà, không kịp châm đèn đom đóm, rồi nào bôi vôi, nào xoa dầu, miệng lẩm bẩm: "Rượu đâu mà rượu khốn, rượu khổ thế! Ngày mai lên đường mà bây giờ còn sai như thế này! Nhờ phúc ấm có làm được ông nọ bà kia thì cũng lại phiền tôi thôi!"

    Xoa bóp cho đến sáng, nhìn thì hóa ra anh láng giềng, các bà ngẩn người mà các anh đàn ông kia lại càng thẹn, vội cuối gằm mặt xuống cút thẳng. Về đến nhà, thấy vợ mình cũng đang đỏ mặt tía tai lại nói ngay:

    - Ai ngờ nó xỏ thế. Tưởng ông nọ bà kia là thế nào. Thôi từ nay kệch đến già!

    Lời bàn của Thầy Đồ VNO: Muốn làm quan thì phải có tài và có đạo đức. Phải có đủ tài đức, quan mới thật sự biết thương dân và giúp ích cho đất nước. Khi xã hội phong kiến đã thối nát thì bọn quan lại chỉ biết hè nhau bòn rút của công và hút máu người dân mà thôi. Cũng chính vì thế, ngày xưa người dân đã thể hiện sự bất bình và khinh miệt đối với bọn sâu bọ qua câu ca dao nổi tiếng sau:

    "Con ơi nhớ lấy câu này
    Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan"

    Trong truyện Trạng Quỳnh, mấy người trong họ của Quỳnh không có tài cán gì nhưng lại thích làm quan, thích làm "ông nọ bà kia".

    Quỳnh rất thâm thúy khi chỉ cần một bữa tiệc rượu nhỏ cũng đủ cho các "quan" sa bẫy. Mai này dù các "quan" có làm quan lớn đi nữa, nhưng với cái thói ham mê tửu sắc hiện tại, cũng có ngày "quan" sẽ phải mang nhục cho bản thân, cho dòng họ nếu gặp phải các nàng Thị Hến đầy bản lĩnh! Và các bà vợ của "quan" cũng chợt hiểu, nếu sau này chồng mình có làm "quan" thì người khổ nhất vẫn là mình, sẽ có lúc nửa đêm mình cũng phải đi bắt ghen như bà huyện trong vở chèo dân gian Nghêu Sò Ốc Hến mà thôi.


    Cái khôn khéo của Quỳnh cũng được tăng lên gấp bội sau màn đánh tráo các cặp đôi vợ chồng, về sau sẽ không còn một ai dám làm phiền Quỳnh về việc nhờ vả làm quan chức nữa. Làm phiền sao được, vì nếu kẻ nào còn nhắc đến đều sẽ bị "xấu thiếp hổ chàng" khi liên tưởng đến cái đêm hôm nảo hôm nào chung chạ với người lạ mà đến sáng phải "đỏ mặt tía tai"...
     
    Chỉnh sửa cuối: 6 Tháng tám 2021
  9. [​IMG]

    7. Miệng Kẻ Sang

    Bấy giờ Quỳnh đã hơi lớn, đang độ thiếu niên. Trên đường từ phủ về khát quá, Quỳnh vào một quán nước bên đường. Trong quán có một viên quan, dáng oai vệ, đang ngồi nhai trầu bỏm bẻm. Cạnh đó, có một lính vệ đứng hầu. Quan nhai xong, hách dịch vứt miếng bã trầu ra đất.

    Quỳnh đang ngồi uống nước, thấy ngứa mắt liền bước lại cuối nhặt lên, ngắm nghía như muốn tìm kiếm cái gì, rồi đút vào túi.

    Quan thấy lạ, hỏi:

    - Mày là ai? Làm gì vậy?

    Quỳnh làm bộ khúm núm đáp:

    - Bẩm, con là học trò nghèo, lâu nay thường nghe người ta nói "Miệng nhà quan có gang có thép" muốn nhặt lên đem về coi thử có đúng thế không?

    Biết mình bị xỏ, lại không biết tên học trò xấc xược này là Quỳnh, quan liền bảo:

    - Đã xưng là học trò thì người phải đối ngay câu tục ngữ mà người vừa nói đó đi, hay thì ta thưởng, dở sẽ đánh đòn. Mà nhớ là tục ngữ phải đối bằng tục ngữ, nghe chưa!

    Quỳnh giả bộ rụt rè, thưa thưa bẩm bẩm:

    - Con sợ mang tiếng xấc xược... Không dám đối.

    Tưởng anh chàng học trò đang bí, quan bảo:

    - Ta cho người cứ nói, còn đối không được thì nằm xuống để ta đánh đòn.

    - Nếu thế thì con xin đối ạ.

    - Được. Đối ngay đi, ta nghe thử!

    Quỳnh thong thả đọc vế đối:

    - "Đồ nhà khó vừa nhọ vừa thâm."

    Nghe xong, mặt quan xám lại như tro bếp. Câu đối lại đúng là câu tục ngữ, không thể bắt bẻ vào đâu được.

    Biết ngồi lâu không tiện, quan giục lính hầu ra đi, quên bẵng lời hứa thưởng tiền cho anh học trò nghèo.

    Chẳng bao lâu, chuyện ấy lan ra khắp vùng, tên quan kia thì xấu hổ vì làm miệng cười cho thiên hạ còn tiếng tăm của Quỳnh thì nổi như cồn.


    Ghi chú: Lời bàn Thầy đồ VNO truyện này nằm ở trang 2, các bạn sang tiếp trang 2 xem nhé
     
    Chỉnh sửa cuối: 8 Tháng tám 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...