Tản Văn Trên Đời Không Có Hai Chữ Giá Như - Hạ Vy

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Gió Mùa Hè, 5 Tháng năm 2022.

  1. Gió Mùa Hè Cơn gió mùa hạ mát mẻ

    Bài viết:
    18
    Trên Đời Không Có Hai Chữ "Giá Như"

    [​IMG]

    Tác giả: Hạ Vy

    Thể loại: Tản văn

    Đây là câu chuyện cuộc đời tôi, có những hồi ức đẹp, cũng có những day dứt và hoài niệm không thể quên đi.

    "Nội ơi!". Hai tiếng giản đơn ấy nhưng tôi không cách nào gọi to được nữa. Bởi lẽ, có gọi, cũng chẳng có ai đáp lời tôi, vì nội đã đi rồi, đi về một nơi rất rất xa, đến nỗi tôi có cố mấy cũng chẳng chạm tay tới nội được.

    Vậy nên trước khi quá muộn, hãy quay đầu nhin lại, để thấy những người thương vẫn đứng chờ ta..


    * * *

    Ai cũng có lý do biện hộ cho sự vô tâm của mình

    Tuổi thơ của bạn có gắn với những câu chuyện của nội, có gắn với những câu nói đầy yêu chiều của nội mỗi khi bạn bị ba mẹ la mắng không?

    Tuổi thơ tôi thì không. Bởi tôi sống với ngoại từ nhỏ vì thuận tiện cho công việc của ba, nếu có những câu chuyện, những lời bênh vực, cũng chỉ có ngoại. Tuy vậy tôi vẫn có rất nhiều kỉ niệm với nội.

    Thật ra nhà tôi cách nhà ông bà nội không xa. Ngày tôi còn nhỏ, ba tôi vẫn hay đưa tôi về thăm nội mỗi cuối tuần rảnh rỗi. Nhà ông bà nội tôi không giàu, nhưng mỗi lần tôi về, nội lại chuẩn bị rất nhiều đồ ăn ngon cho tôi, bánh kẹo, trái cây, các thức quà vặt đủ cả. Cả ông bà nội đều rất thương tôi, thương nhất trong đám cháu, vì tôi hiền lành, ngoan ngoãn và rất vâng lời.

    Tôi cũng rất thương ông bà nội, mỗi lần về tôi đều cùng ba ghé mua thức ăn đem về biếu, rồi lại líu lo cái miệng nhỏ, kể hết chuyện này chuyện kia cho ông bà nghe. Ông bà thì ngồi một bên nhìn đứa cháu nhỏ mà cười vui vẻ không thôi.

    Tôi lại lớn lên một chút, tới tuổi học hành, tôi lại dành ít thời gian hơn cho ông bà nội. Nếu lúc bé, mỗi tuần tôi về một lần, thì giờ khoảng nửa tháng tôi mới về. Tôi vẫn vậy thôi, vẫn vô tư kể đủ thứ chuyện cho ông bà nghe, còn ông bà cũng vẫn vậy, ngồi nhìn tôi kể chuyện mà nụ cười cứ thường trực trên môi.

    Rồi tôi đến cái tuổi chịu áp lực đủ thứ: Điểm số, thứ hạng. Tôi phải phấn đấu cho bằng chị bằng em, bằng con nhà người ta, nên cứ đâm đầu mà học, hết học ở trường, lại về học thêm, rồi lại thức tận khuya mà học bài, chuẩn bị bài cho ngày tiếp theo. Thời gian tôi dành cho nội lại ít dần, ít dần đi nữa. Bây giờ thì một tháng, có khi hai, ba tháng liền, có khi không nhớ mấy tháng, vì tôi bận học, ba tôi bận làm.

    Tôi cũng không biết từ lúc nào mình ít nói hơn, trầm tĩnh hơn, có nhiều tâm tư hơn nhưng lại không muốn chia sẻ với ai, kể cả ông bà nội. Nếu ngày trước, tôi nói không ngừng miệng, thì giờ về thăm nội, tôi chợt nhận ra mình không còn chủ đề gì để kể, cũng không còn cái cảm giác háo hức khoe này khoe kia như trước. Nhưng tôi cũng không nghĩ nhiều, đơn giản là tôi đã lớn, không thể miệng không kéo da non được, nên cũng không quan tâm mấy đến sự thay đổi này.

    Sau đó, tôi vào đại học, đi học xa nhà. Vậy là bây giờ số lần tôi về thăm nội chỉ đếm trên đầu ngón tay, không phải vài tháng nữa, mà là có khi cả năm tôi chỉ về đúng đám giỗ và ngày tết, trong khi nhà nội tôi chẳng xa xôi gì lắm, chỉ đi tầm hơn mười lăm phút là đã về đến. Những khi tôi về, nội mừng lắm, vẫn như ngày tôi còn bé, nấu cho tôi nhiều món ngon và hỏi han tôi chuyện học hành, chuyện cuộc sống.

    Tôi có đôi lần bất giác nhận ra ông bà nội tôi đã già hơn nhiều, dáng đi cũng không còn thẳng thóm nữa, mà lưng đã cong. Có nhiều lần trong tôi cảm giác tội lỗi dâng trào vì dành quá ít thời gian cho ông bà, trong khi với ông bà, tôi vẫn là đứa cháu được cưng chiều, yêu thương nhất. Nhưng những lý do như: Bận việc học, bận đi làm thêm, có quá nhiều thứ phải quan tâm bây giờ giúp tôi tự biện hộ cho mình. Vậy đó, tôi tặc lưỡi cái, rồi cũng cho qua.


    Thời gian nhanh quá, chớp mắt cái Người đã ở bên kia sườn dốc cuộc đời

    Thời gian quả thật quá tàn nhẫn, không chừa cho ai một lối thoát. Ông nội tôi cũng vậy, thời gian lấy đi mất sức khỏe của nội, sự nhanh nhẹn và hoạt bát của nội, để đến khi tôi nhìn lại nội tôi đã vào những chặng cuối của cuộc đời mất rồi. Tôi vào đại học không lâu thì ông nội bệnh nặng. Ông đã trải qua vài cuộc phẫu thuật, cuối cùng không thể đi đứng được nữa, chỉ có thể nằm một chỗ, mọi sinh hoạt phải nhờ con cháu.

    Những cơn đau, sự bất lực vì thấy bản thân trở thành gánh nặng làm cho ông nội tôi trở nên cáu gắt hơn, dễ bực bội hơn và hay la mắng mọi người. Bà nội tôi là người chịu trận nhiều nhất. Nhưng bà vẫn luôn chịu đựng, ở bên lo lắng cho ông nội.

    Tôi cùng ba bắt đầu thường về thăm nội hơn. Ba tôi mỗi khi về đều giúp ông nội cắt tóc, lau mình, tắm rửa, đi vệ sinh và xoa bóp cho ông nội dễ chịu hơn. Tôi ở một bên lăng xăng giúp ba, bất giác thấy lòng đau như cắt vì nội đã không còn được khỏe mạnh như trước, không thể nói chuyện hỏi han tôi như trước. Nhưng có một điều không thay đổi là tình thương nội dành cho tôi. Với ai nội có thể cáu gắt, nhưng với tôi, nội vẫn dành thái độ mềm mỏng, ân cần.

    Tình hình của nội có lúc tiến triển hơn được một chút, nội có thể cử động tay và có cảm giác một chút ở chân. Cả nhà tôi ai cũng vui mừng. Con cháu cũng bắt đầu tranh thủ về thăm nội nhiều hơn, cho nội thấy vui vẻ và phấn khởi hơn.

    Nhưng được thời gian, bệnh của nội lại trở nặng. Hàng ngày nội phải chịu đựng những cơn đau dày vò thể xác, sự bất lực dày vò tâm hồn. Thật ra bác sĩ cũng đã nói trước với gia đình tôi, rằng nội tôi cho dù có khá hơn cũng không thể duy trì sự sống quá lâu. Nhưng cả nhà vẫn cố hết sức còn nước còn tát, hi vọng nội sẽ tốt lên từng ngày. Nhưng thấy nội đau đớn thế, có nhiều lúc mọi người đã đau đáu nghĩ đến việc thà để nội ra đi sớm, chứ thấy nội đau như vậy, không ai chịu đựng nổi.

    Tôi cũng xót xa vô cùng mỗi khi thấy nội. Có nhiều khi tôi còn muốn trốn chạy, không về thăm nội, vì sợ nhìn thấy nội, tôi lại nhói ở trong tim. Cái cảm giác chứng kiến người thân mình đang bị bệnh tật dày vò, nhưng mình lại bất lực không thể làm gì, chỉ có thể nói lên những lời sáo rỗng, thật sự đau đến nghẹt thở.

    Vì công việc, vì học tập, tôi cũng chẳng thể thường xuyên ở bên nội, chăm sóc nội được. Rồi tôi cũng bị xoáy vào vòng quay cuộc sống, có đôi lúc quá bận rộn, làm những lắng lo trong tôi cũng dần tan bớt, thậm chí nhiều lúc tôi mới giật mình nhớ ra rằng nội vẫn chờ tôi đến thăm, nội cứ hay nhắc tôi. Nhưng đứa cháu vô tâm như tôi, dường như còn quá nhiều mối bận tâm khác ngoài nội, vậy nên đôi lúc vô tình bỏ quên mất nội rồi.


    Vậy là bầu trời đêm lại có thêm một vì sao sáng

    Bệnh của nội kéo dài hơn một năm. Tôi vẫn nhớ khi ấy, tôi là sinh viên năm hai. Sáng sớm tôi đã vào đến trường, thì ba tôi gọi. Nguyên văn nôi dung cuộc gọi ấy là gì, tôi không nhớ nữa, lúc đó đầu óc tôi không nghĩ ngợi được gì nữa, trong tai cứ nghe ù ù, tôi chỉ nhớ được ba chữ: "Nội mất rồi!" cùng giọng nói đầy nghẹn ngào của ba tôi.

    Nội mất rồi, nội đi thật rồi, nội đã rời bỏ tất cả, bỏ lại gia đình, bỏ lại con cháu, đến một nơi khác, một nơi mà nội không còn phải chịu đựng đau đớn và mệt mỏi. Nhiều lần tôi đã nghĩ đến cảnh tượng này, và luôn tự nhủ nội ra đi sẽ nhẹ nhõm biết bao, nội sẽ được giải thoát khỏi mọi dày vò, như vậy cũng tốt mà. Nhưng đến khi cái ngày này đến rồi, tôi lại không thể bình tâm lại được.

    Tôi vẫn nhớ tôi đã trải qua những dằn xé tâm can như thế nào khi ngồi sau xe ba tôi chở. Câu nói "nội trước khi mất còn giữ khư khư tiền trong tay, bảo chú thím con lấy tiền đó trả lại cho ba mẹ để lo cho con ăn học" cứ lặp đi lặp lại trong tiềm thức tôi, đâm thật sâu vào tim tôi. Nước mắt tôi tuôn rơi dọc đường về. Nội tôi thậm chí trước khi ra đi còn nhớ đến tôi, nhớ đến việc chú thím tôi mượn tiền của ba mẹ tôi mà dặn dò phải trả lại. Nội tôi luôn giữ tiền, không cho ai động vào, không cho ai hết, vậy mà lại nghĩ đến tôi, lại sẵn lòng cho tôi, cho đứa cháu mà nội thương nhất. Trong khi tôi, có những lúc đã từng quên đi ở nơi đó, nội vẫn chờ tôi về.

    Tôi thấy đau đớn, ân hận, vì đã không dành nhiều thời gian hơn nữa cho ông nội, vì đã thờ ơ, lạnh nhạt, vì đã lấy cớ bận việc này việc kia mà lãng quên nội. Để rồi cuối cùng, tôi không còn chút cơ hội nào nữa, để có thể kể chuyện cho nội nghe, để có thể cười với nội nữa.

    Điều làm tôi đau đớn hơn cả là tận đến lúc nội mất, tôi cũng không thể ở bên nội những giây cuối đời. Ba mẹ tôi an ủi tôi rằng nội mất lúc hơn chín giờ đêm, lúc đó mọi người còn đang lu bu đủ thứ chuyện, cũng không tiện gọi tôi về vì trời khuya rồi, hơn nữa nội chỉ có thể nhìn mặt từng đứa con, chứ còn cháu cũng chỉ có hai đứa con của chú tôi ở với nội mà thôi. Vậy là tôi và mấy anh chị em khác cũng chẳng được gặp mặt nội lần cuối. Cứ vậy, chúng tôi mất nội rồi.

    Lần đầu tiên trải qua cảm giác mất đi người thân thật sự không thể diễn tả hết được. Nó đau lắm, nó trống trải lắm, và mất mát lắm. Dù biết chẳng thể, nhưng tôi lúc đó đã ước đừng bao giờ trải qua cảm giác này lần nữa.

    Tôi cũng chẳng hiểu được lý do tôi không khóc quá nhiều ở đám tang nội. Có lẽ, tôi đã khóc đủ trên đường về, có lẽ, tôi cũng đã chuẩn bị tâm lý cho ngày này từ lâu, cũng có lẽ tôi nghe lời người lớn nói, không khóc, không quỵ lụy, để nội được ra đi thanh thản.

    Tôi tưởng tôi mạnh mẽ đến thế, nhưng không ngờ tôi lại sống trong nỗi dằn vặt vì đã không kịp làm cho nội những điều tôi đã từng hứa rất lâu, rồi lại khóc rất nhiều lần sau này, khi mà tôi nhớ về nội, nhớ lại những chuyện xưa cũ.

    Cho đến tận bây giờ, mỗi lần nhắc đến nội, tôi vẫn thấy có giọt nước nóng hổi chảy ra từ hốc mắt. Và đến bây giờ, khi ngắm nhìn bầu trời đêm, tôi vẫn thầm nghĩ nội đã hóa thành vì sao ở trên đó rồi. Nội vẫn ở đó, dõi theo con cháu, tỏa ánh sáng soi bước cho con cháu. Bầu trời đêm bây giờ, đẹp hơn, sáng hơn rồi, vì có thêm vì sao là nội tôi.


    Người ra đi gieo vào lòng Người ở lại nỗi nhớ thương hoài niệm, rồi Người ở lại cũng hóa Người ra đi

    Ông nội tôi đã hóa thành sao trên trời rồi, nhưng đôi lúc tôi lại nhớ, lại chạnh lòng. Những câu nói trước khi mất của ông cứ ám ảnh tôi, để mỗi khi nhớ lại, tôi lại trách cứ bản thân mình chẳng ra gì.

    Nhưng nỗi đau của tôi, so với bà nội tôi, có lẽ chẳng là gì. Vì bà là người ở bên ông, chăm sóc ông, cùng ông đi qua thăng trầm cuộc sống, cùng ông bước vào những chặng cuối của đời người. Vậy mà giờ, ông bỏ bà đi rồi, chỉ còn mình bà cùng những ký ức. Thử hỏi nỗi đau nào bằng, người chồng đầu ấp tay gối với mình bỗng dưng buông tay, đi về miền xa xôi kia mất rồi.

    Bà tôi sống với nỗi đau buồn ấy một thời gian dài. Dường như, nỗi đau quá lớn khiến bà dần mất đi sự tỉnh táo. Vậy là thời gian một lần nữa, lại tàn nhẫn với bà, lấy đi của bà sức khỏe, sự minh mẫn. Nhận thức của bà ngày càng kém, người ta gọi là lẫn. Bà vẫn nhớ con cháu của mình, vẫn nhận ra tôi, chỉ là đôi lúc bà cứ nhắc đi nhắc lại chuyện đã nói rất nhiều lần. Cũng có đôi lúc, bà đi mua đồ tạp hóa, nhưng lại không nhớ trả tiền cho người ta nữa. Và trong đôi mắt bà, lúc nào cũng đăm chiêu xa xăm.

    Xương khớp của bà cũng yếu dần đi, đi đứng khó khăn hơn. Con cháu cũng phải thường về thăm và chăm sóc bà. Tôi cũng vậy, tôi cũng tranh thủ về thăm bà, dù bà chỉ nói mãi một chuyện tận đẩu tận đâu, tôi vẫn im lặng lắng nghe. Chí ít bà còn nhận ra tôi, vậy là đủ.

    Nhưng tôi cũng chẳng mấy khi được rỗi rảnh nhiều. Càng vào những năm cuối đại học, tôi càng có nhiều chuyện để làm. Dù cố gắng sắp xếp, cũng chẳng được mấy khi về thăm bà.

    Rồi cô hai tôi đón nội về nhà để tiện chăm lo. Ai nghe tin này cũng yên tâm, vì cô hai sẽ lo được cho bà chu toàn. Có lúc nghe nói bệnh tình bà đỡ hơn, bà khỏe, ăn uống được, làm tôi rất mừng. Hơn nữa, có cô hai bầu bạn với bà sớm chiều, bà cũng đỡ cô đơn. Tôi cũng chỉ mong bà sống vui, sống khỏe với con cháu, chứ đừng mãi sống trong sự nhung nhớ đang ăn mòn tâm trí bà.

    Tôi đinh ninh nội đã khỏe mạnh nhiều rồi, chắc là không có vấn đề gì nữa. Nỗi lo lắng cũng vơi bớt đi vì mỗi ngày được nghe những tin tốt lành từ cô hai. Nhưng thật sự, cuộc đời mà, nếu diễn ra theo sự mong muốn và hi vọng của mình, thì sẽ không là cuộc đời nữa.

    Vào năm cuối đại học, khi mà tôi đang trong giai đoạn thực tập để làm luận văn tốt nghiệp, tôi lại nghe báo tin bà mất. Lúc đó cũng là chạng vạng sáng, mẹ tôi gọi điện đến. Tôi nghe mà như không tin vào tai mình. Dù có nói thế nào, tôi cũng không chấp nhận được sự thật này. Rõ ràng nói nội đã khỏe, nội ăn được nhiều, nội ngủ cũng ngon cơ mà!

    Phải chăng trước khi để bà vĩnh viễn ra đi, ông trời cho bà được sống những ngày tháng cuối đời vui vẻ, khỏe mạnh, không bị bệnh tật dày vò. Bà đi rất nhẹ nhàng, rất thanh thản. Chỉ có điều bà không may mắn như ông, có thể đợi nhìn mặt từng đứa con, bà ra đi, trong vòng tay của mỗi cô hai tôi.

    Vậy là bà đã đi theo ông mất rồi. Con cháu lại thêm một lần nữa trải qua cảm giác đau thương. Chỉ trong hơn hai năm, mà tôi đã phải chứng kiến sự ra đi của hai người mình yêu thương, cũng yêu thương mình nhất. Mất mát này với tôi, quả thật quá lớn, không gì bù đắp được.

    Lại một lần nữa, tôi không khóc nhiều như tôi nghĩ. Và một lần nữa, tôi lại chỉ khóc khi ở một mình, khi nhớ về bà. Tôi cũng không biết sức mạnh nào khiến tôi giữ vững bình tĩnh đến thế trong đám tang, rồi sự yếu mềm nào lại khiến tôi gục ngã khi ngồi một mình, nghĩ đến những ký ức xưa cùng nụ cười hiền lành của bà.

    Tôi mất bà rồi, và cũng chẳng thể gặp mặt bà lần cuối. Cả ông, cả bà ra đi, đều chưa hề thấy mặt đứa cháu này. Tôi lại rơi vào dằn vặt, hết ông rồi đến bà, tôi lại chẳng thể được ở bên lúc cuối đời. Đó sẽ là nỗi đau day dứt của tôi cho đến mãi sau này.

    Nhưng không sao, tôi biết bà không hề buồn bà và cô đơn. Vì bà đã đến được nơi ông rồi, bà chắc cũng đã hóa thành ngôi sao ở bên ông. Hai người đều đang cùng nhau chiếu sáng, soi đường cho con cháu. Hai người lại tìm thấy nhau, ở bên nhau, như chưa hề có cuộc chia ly nào.


    Khi nói hai chữ "giá như", nghĩa là không còn cơ hội nữa

    Ngày ông bà còn sống, tôi lại dửng dưng vô tâm, vì những cuộc vui khác trong cuộc sống mà gạt ông bà sang một bên. Lúc nào cũng nghĩ, không sao cả, ông bà còn khỏe mạnh thế, mình còn thiếu gì thời gian để về thăm, để gặp ông bà.

    Nhưng tôi quên mất rằng, tôi càng trưởng thành, thì ông bà càng ngày một già yếu đi, thời gian cũng ít dần đi. Vậy mà tôi cứ lấy hàng đống lý do vì bận học, vì bận làm, vì bận thứ này thứ kia mà biện hộ cho bản thân, để bớt đi cảm giác tội lỗi.

    Tôi cứ vô tâm vô phế như thế, đi mãi không chịu ngừng lại, mặc cho ông bà ở phía sau gọi tên tôi. Đợi đến khi, tôi có chút lương tâm ngoảnh lại, mới đau đớn nhận ra ông bà đã ở xa tôi quá, có đưa tay tôi cũng chẳng thể chạm lấy, có dư dả nhiều thời gian cũng chẳng ích gì nữa, vì ông bà đã không còn có thể ngồi nghe tôi kể chuyện như lúc thơ bé nữa.

    Tôi thương ông bà, nhưng lại chưa từng nói điều đó với ông bà một lần nào. Tôi bảo chứng minh bằng hành động, nhưng thử hỏi tôi đã làm được gì rồi? Chỉ với vài ba lần về thăm nội, chỉ mới vài ba câu hỏi thăm, chỉ có vài món quà bánh mua cho nội, như vậy là đủ để tôi nói thương nội rồi sao?

    Tôi đã từng hứa đợi lớn sẽ kiếm nhiều tiền cho nội, mua nhiều thức ăn ngon cho nội, để nội sống sung sướng hơn. Nhưng tôi vẫn chưa thể thực hiện lời hứa đó, thì nội đã đi mất. Mãi đến lúc mất đi, nội vẫn chưa thể có được cuộc sống an nhàn, hưởng lạc. Cả cuộc đời tôi, làm cho nội vui và tự hào nhất, chắc chỉ có lần tôi nhét vào tay nội tờ một trăm ngàn đồng – đồng tiền đầu tiên tôi kiếm ra được từ nhuận bút năm cấp ba.

    Còn lại, tôi tự thấy mình chưa làm được gì cho nội, càng không xứng đáng với tình yêu thương của nội. Dù giờ tôi có nhớ thương về nội, có thấy khóe mắt cay cay mỗi lần nghĩ về nội, cũng đã nói lên được gì? Chỉ có thể nói lên việc tôi là đứa cháu vô tâm, không xứng đáng là đứa cháu cưng, chính vì chưa làm gì được cho nội, nên mới có cảm giác ân hận và đau đớn này.

    Ngày ông nội mất, tôi tự hỏi bản thân mình hằng đêm, rằng đã làm được những gì cho ông, rằng đã tận tâm tận lực vì ông chưa, để được ông yêu thương, đến cuối đời, vẫn không quên lo nghĩ cho tôi? Rồi bà nội mất, tôi cũng lại tiếp tục hỏi mình những câu tương tự như vậy, và câu trả lời luôn làm tôi đau lòng.

    Tôi đã khóc nhiều đêm, và cầu nguyện rất nhiều lần cho thời gian trở lại. Giá như tôi dành nhiều thời gian quan tâm yêu thương ông bà hơn, giá như ông bà ở bên tôi lâu hơn, đợi đến ngày tôi thực hiện được lời hứa của mình, giá như tôi mãi là đứa con nít ngây ngô, bao nhiêu tâm tư đều đem trút hết ra với ông bà, giá như tôi vẫn còn ông bà, giá như quay ngược thời gian ngày ông bà còn đứng nơi hiên nhà quen thuộc mỉm cười với tôi, thì dù cho có bỏ tất cả, tôi cũng sẽ dành thật nhiều, thật nhiều thời gian cho ông bà.

    Giá như trên đời có hai chữ "giá như". Tiếc là điều đó mãi không xảy ra, giống như thời gian đã trôi qua làm sao quay lại. Con người ta thường không trân trọng những điều quý giá bên cạnh mình, chỉ đến khi mất đi mới thấy hối hận, mới bắt đầu thốt lên hàng loạt câu giá như. Nhưng một khi câu giá như được nói ra, nghĩa là việc đã xảy ra mất rồi, nghĩa là không còn cơ hội để làm lại nữa, nghĩa là ta vĩnh viễn mất đi cái ta quý, người ta thương.

    Vậy nên, hi vọng tôi, hi vọng các bạn, từ nay về sau sẽ không bao giờ nói hai chữ "giá như" nữa. Cuộc sống này vô thường, sống hôm nay chưa biết ngày mai ra sao. Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật tất yếu của cuộc sống, không ai tránh khỏi được. Chỉ là có người trải qua sớm, có người được ưu ái trải qua lâu một chút, để có đủ thời gian làm những chuyện nên làm.

    Còn được ở bên những người thân yêu là điều quý giá nhất trên cõi đời này. Tiền bạc có nhiều rồi cũng hết. Đừng vì mải kiếm tiền mà cho mình lý do chính đáng để được vô tâm với họ. Vì đến khi không còn họ nữa, tiền nhiều để làm gì? Hãy yêu thương, hãy trân quý, hãy dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, cho người thương. Đừng để đến khi họ về với cát bụi, nấm mồ đã lạnh mới ngậm ngùi tiếc thương. Vì cuộc sống này không dài như chúng ta vẫn nghĩ, lại càng không có hai chữ "giá như"!


    End

    Hạ Vy
     
    Last edited by a moderator: 5 Tháng năm 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...