Đoạn NLXH 200 chữ: Tác hại của tâm lý đám đông Thực tế có rất nhiều người thường phạm sai lầm mù quáng chạy theo số đông mà ít nhận thức được hậu quả. Tâm lý đám đông là lấy hành vi, quan điểm của đa số làm nguyên tắc, nhất nhất nghĩ theo, làm theo mà không có ý kiến riêng, quyết định riêng. Tâm lý đám đông không phải không có mặt tích cực, như giúp con người kết nối với nhau; bắt kịp trào lưu, xu hướng để tránh lạc hậu.. Nhưng con người chỉ duy trì duy trì suy nghĩ, cách hành xử, quyết định công việc theo đám đông mà không có chính kiến thì thật nguy hại. Trước hết là nguy hại đối với chính bản thân: Nó làm con người dần mất đi khả năng suy nghĩ độc lập. Mất đi năng lực suy nghĩ độc lập thì sự sáng tạo trong tư duy, phương pháp giải quyết vấn đề đồng thời cũng mất theo. Như vậy làm sao có được thành công trong công việc, cuộc sống. Thử hỏi tập thể, xã hội mà ai cũng như ai, không ai có sáng tạo, lối đi riêng thì xã hội làm sao có thể phát triển? Tâm lý đám đông nhiều khi còn để lại hậu quả khó lường, nhất là khi đám đông bị điều khiển bởi những ý đồ xấu, bởi mục đích cá nhân ích kỷ. Thực tế có biết bao nhiêu người bị sỉ nhục, rơi vào bế tắc chỉ vì sự công kích của đám đông đó thôi. Vậy nên, sống trong tập thể, con người cần lựa chọn cách hành xử đúng đắn, hòa nhập nhưng không hòa tan. Lắng nghe ý kiến tập thể nhưng cũng phải có chính kiến riêng của mình.
Đoạn NLXH 200 chữ: Tác hại của tư duy lối mòn. Tư duy lối mòn có thể hiểu là suy nghĩ, nhìn nhận, giải quyết vấn đề theo thói quen được định hình sẵn, lặp đi lặp lại, không có sự đổi mới, sáng tạo. Kiểu tư duy lối mòn chỉ có lợi khi chúng ta xử lí những việc thường ngày hoặc các vấn đề cần kinh nghiệm hay sự quen tay. Còn trong nhiều tình huống, tư duy lối mòn không chỉ kém hiệu quả mà ngược lại còn gây phản tác dụng. Tại sao vậy? Thứ nhất, tư duy lối mòn sẽ khiến con người cảm thấy thoải mái vì đã quen dần với chúng. Dần dần, chúng sẽ biến thành một thói quen nhàm chán, làm mất dần sự hứng thú với cuộc sống. Bạn sẽ chẳng bao giờ thấy bản thân tích cực nếu bị nó xâm lấn. Cuộc sống mà chỉ là những vòng tròn lặp lại hết ngày ngày sang ngày khác, chẳng phải buồn chán lắm sao? Thứ hai, tư duy lối mòn không kích thích khả năng sáng tạo. Không có sáng tạo sẽ không có đột phá, không có thành công trong công việc và vì thế cũng chẳng có những phát minh, sáng kiến đóng góp cho cộng đồng. Tư duy lối mòn càng lan rộng trong xã hội thì xã hội càng lạc hậu, trì trệ. Những tiến bộ của loài người đều xuất phát từ sự sáng tạo bứt phá khỏi cái bình thường. Chỉ luẩn quẩn trong vòng chật hẹp của giới hạn có sẵn, con người chẳng thể có được niềm vui, niềm hạnh phúc từ những trải nghiệm mới mẻ ngoài con đường mòn cũ kĩ ngày nào cũng lặp đi lặp lại hành trình cũ kĩ. Vì vậy, mỗi người cần phải dũng cảm vượt thoát khỏi tư duy lối mòn, đổi mới trong cách nghĩ, cách làm để vươn tới những vùng trời mới.
Đoạn NLXH 200 chữ: Sự cần thiết phải gìn giữ những nét đẹp bình dị trong cuộc sống con người. Bạn đã từng ngắm một nhành hoa ngoài hiên? Bạn đã từng say sưa đọc sách bên cửa sổ? Cảm giác thật tuyệt phải không? Niềm vui đâu cần gì lớn lao, niềm vui có trong những điều giản dị thường ngày. Vậy nên, gìn giữ những nét đẹp bình dị trong cuộc sống là điều cần thiết để cuộc sống thêm đẹp. Nét đẹp bình dị ấy là những thói quen, những việc làm.. nhỏ bé. Nét đẹp hiện hữu trong cách ăn mặc, đi đứng, nói năng, trong cách ứng xử giữa người với người, trong những việc làm tình nghĩa. Như trong đoạn trích trên là nét đẹp của văn hóa trà đạo. Cần thiết phải gìn giữ nét đẹp bình dị trong cuộc sống bởi đã là cái đẹp thì đều đáng trân trọng. Nhiều nét đẹp bình dị sẽ làm nên vẻ đẹp bền vững, lớn lao, giống như hương sắc của mỗi bông hoa sẽ làm nên sự rực rỡ, nồng nàn của cả vườn hoa. Vẻ đẹp bình dị trong cuộc sống còn giúp tâm hồn con người trở nên phong phú, dạt dào cảm xúc; khiến lòng người trở nên thư thái, nhẹ nhàng, giống như những hạt mưa nhỏ bé mát lành thấm vào tâm hồn cằn cỗi, làm dịu đi cơn nắng nóng khắc nghiệt của đời. Nét đẹp bình dị cần được giữ gìn bởi có rất nhiều nét đẹp bình dị đã trở thành văn hóa, thành nét riêng của cộng đồng dân tộc. Chẳng phải trong cuộc sống hiện đại, phục trang của con người thay đổi chóng mặt theo mốt nhưng tà áo dài, vành nón lá mộc mạc vẫn không bao giờ bị lãng quên đó sao? Chẳng phải cách phục trang bình dị mà duyên dáng ấy đã tạo thành vẻ đẹp rất riêng của văn hóa Việt Nam đó sao? Sự nghiệt ngã của nỗi lo cơm áo gạo tiền siết mạnh con người vào vòng xoáy thời gian đôi khi khiến chúng ta quên đi những nét đẹp bình dị trong cuộc sống. Nhưng chúng vẫn tồn tại xung quanh ta, hãy dành chút thì giờ để sống chậm lại và cảm nhận, ta sẽ thấy cuộc sống thật kì diệu và sự bình yên trong tâm trí lại đến từ những điều đơn giản chứ đâu cần phải là những điều lớn lao.
Đoạn NLXH 200 chữ: Đối diện với thất bại, bạn chọn dừng lại hay bước tiếp? "Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần" - thất bại là tất yếu mỗi người sẽ phải đối mặt trên con đường đi đến thành công. Vậy ta cần phải làm gì trong tình huống ấy? Nhiều người chọn dừng lại, nhưng tôi chọn bước tiếp. Bước tiếp sau thất bại là đứng lên làm lại từ đầu, kiên trì theo đuổi mục đích phía trước. Tôi chọn bước tiếp vì lựa chọn đó sẽ giúp con người đi gần đến thành công hơn. Trái ngọt ở cành cao, thành công ở nấc thang cao nhất, trượt chân một vài lần mà dừng lại, chúng ta sao có thể hái được trái ngọt, sao có thể chạm đến thành công? Kiên trì theo đuổi mục tiêu sau thất bại, chúng ta sẽ khẳng định được bản lĩnh của bản thân, tạo nên giá trị cho chính mình; giúp chúng ta có được cuộc đời ý nghĩa. Niềm vui sau khi đón nhận thành quả sẽ tạo động lực để chúng ta sẵn sàng đối mặt với bất cứ thất bại nào trong cuộc đời, sẽ giúp chúng ta hiểu rằng thất bại không hề đáng sợ mà chỉ là môi trường để chúng ta rèn luyện bản lĩnh, ý chí, Edison từng hơn 10 ngàn lần thất bại khi nghiên cứu hợp chất tạo ra bóng đèn. Nhưng ông không dừng lại, ông coi hơn 10 ngàn lần thất bại ấy là hơn 10 ngàn lần ông thành công trong việc loại trừ những chất không phù hợp. Như vậy, đứng lên sau thất bại sẽ mang lại rất nhiều điều tốt đẹp. Chúng ta sẽ không có được thành quả lớn lao nếu cứ gặp thất bại là bỏ cuộc. Tuy nhiên, ta cùng nên lựa sức mình. Cái đích quá viển vông, xa vời, nội lực không có thì không nên kiên trì theo đuổi một cách ngu ngốc. Bài học cho chúng ta là không ngừng cố gắng, nhưng đừng bảo thủ một cách vô ích.
Đoạn NLXH 200 chữ: Những con đường để làm giàu trí tuệ cho bản thân mình Danh ngôn có câu "Hiểu biết và chỉ có hiểu biết mới làm cho con người tự do và đem lại cho con người sự vĩ đại." Câu nói khẳng định sức mạnh của trí tuệ, vậy con đường làm giàu cho trí tuệ là gì? Con đường làm giàu cho trí tuệ là cách con người lựa chọn hướng đi để tìm kiếm tri thức cho bản thân, giúp con người có nhận thức, có hiểu biết về cuộc sống, giúp con người ngày càng hoàn thiện hơn.. Làm giàu trí tuệ cho bản thân là cách để con người tồn tại, phát triển và hoàn thiện bản thân mình; đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội hiện đại, đáp ứng những đòi hỏi của nền kinh tế tri thức, đáp ứng yêu cầu của quá trình xây dựng và phát triển đất nước.. Có nhiều con đường để làm giàu trí tuệ cho chính mình. Trước hết, đó là con đường học tập. Học cũng có đôi ba nẻo đường học: Học tập qua trường lớp, sách vở - là lĩnh hội tri thức từ thầy cô trên lớp, từ bạn bè, từ việc chúng ta tự nghiên cứu tài liệu, đọc sách báo ở nhà. Việc học này cung cấp cho chúng ta tri thức sách vở. Và với xu hướng giáo dục hiện tại, chúng ta còn được học các kĩ năng mềm khác từ môi trường này. Con đường này không chỉ tồn tại khi chúng ta học phổ thông, mà cần đi suốt cuộc đời, cần "học, học nữa, học mãi". Tiếp nữa, chúng ta có thể làm giàu tri thức bằng con đường trải nghiệm thực tế của bản thân (đi, thấy, lắng nghe, cảm nhận, thấu hiểu, ghi nhớ). Thực ra, đây cũng là một cách học. Cách học này sinh động và thực tế, có tính thực hành hơn so với cách học ở trường lớp. Con đường nào cũng giúp làm giàu tri thức cho chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta phải có quyết tâm, có đam mê. Phải có đam mê, trí tuệ bản thân mới được phát huy một cách tích cực nhất. Trí tuệ và đam mê khiến con người ta tạo nên kì tích. Đó chính là kì tích của các bậc vì nhân: Lê Quý Đôn, Lương Thế Vinh, Hồ Chí Minh. Nếu không tìm ra những con đường để làm giàu trí tuệ cho bản thân, con người sẽ trở nên tụt hậu, kéo theo đó là sự tụt hậu của xã hội.. Điều đó thật kinh khủng.
Đoạn NLXH 200 chữ: Vai trò của nhà trường "Bao tháng năm chung niềm vui sách ,cặp Bảng đen dìu từng nét chữ thơ ngây Tóc thầy bạc cho em lớn mỗi ngày Phấn trắng rơi cho cuộc đời em mở." Đúng vậy, trường học mở ra trước mắt chúng ta cả một cuộc đời phía trước. Đó là nơi học trò được rèn nét chữ, nết người, được lĩnh hội tri thức và những kĩ năng sống... Làm sao có thể vững vàng bước vào đời khi không được trang bị những hành trang thiết yếu đó? làm sao có được những thành công lớn lao trong cuộc sống khi không được lĩnh hội các kiến thức chuyên môn? Dĩ nhiên, vẫn có những người thành công từ "trường đời", nhưng trường học vẫn giữ vị thế quan trọng trong sự hình thành nhân cách, định hướng tương lai, sự nghiệp cho con người. Giáo dục là lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất cũng vì vai trò "trồng người" quan trọng này. Mỗi mái trường là mỗi vườn ươm tri thức, nhân cách. Từ vườn ươm ấy, các thế hệ học trò đã vươn cao, vươn xa đem tài năng, trí tuệ xây dựng, cống hiến cho nước nhà. Biết bao người từ môi trường học tập đã trưởng thành và trở thành những người vĩ đại. Biết bao người thầy lỗi lạc được nhớ ơn vì đào tạo cho đất nước những con người ưu tú: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An... Có thể nói, trường học có vai trò vô cùng quan trọng đối với tương lai của con người, tương lai của đất nước. Bởi vậy, mỗi người học hãy biết trân trọng quãng thời gian được học tập, rèn luyện dưới mái trường, để chuẩn bị hành trang tốt nhất cho bản thân trước khi bước vào cuộc sống tự lập.