Tác phẩm: Tôi Tìm Mình Giữa Những Tháng Năm Tác giả: Lê Ngọc Reviewer: Ôn An Na Là một tác giả thế hệ 9X, Lê Ngọc đem đến một tác phẩm tràn ngập hình ảnh quen thuộc, giản dị, trong sáng ở đồng bằng sông Hồng trong những năm chuyển bước từ thế kỷ XX sang thế kỷ XXI. Cuốn sách "Tôi tìm mình giữa những tháng năm" thể hiện cái tôi đầy ý vị của tác giả, những năm tháng xưa cũ làm người ta thương, nhớ, rồi tiếc nuối, chẳng thể quay lại nữa. Tuổi thơ là gì? Tuổi thơ là những ngày vô lo, vô nghĩ, ngày ngày ngắm trời cao, núi non trùng điệp, nhìn đàn chim bay về tổ, xuân hạ thu đông luân chuyển, yên bình như thế, đủ cho người ta lưu luyến. Sau này, khi trưởng thành, đối mặt với sóng gió, giống như cơn mưa rào ngày hạ, đến rồi đi mang theo sự khác biệt, chớp mắt mới nhận ra rằng mình đã thay đổi rồi. Cuốn sách gồm hai phần: Tuổi thơ tôi quê nhà thơ dại và Đời trưởng thành phố xá chênh vênh. Nghe tựa đề đã phần nào đoán được nội dung chủ yếu của cuốn sách. Những năm tháng tuổi thơ cơ cực, thiếu cái ăn cái mặc, tuy vậy, những ký ức ấy vẫn là phần đẹp nhất của cuộc đời. Những ngày không có cái ăn, cầm củ khoai nóng trên tay mà run run, những ngày cúp điện cả làng chìm tromg bóng tối, rồi sáng lên trong tiếng reo hò của lũ trẻ, những ngày về ngoại cùng lũ bạn đi bắt cua, những mùa ngô, mùa khoai, mùa lúa.. nhớ mùi thơm thoang thoảng của hương lúa, khi hồi tưởng, cảm giác dịu dàng khoan khoái. Ngày xưa dễ dàng có được hạnh phúc lắm, được mẹ cho cái kẹo, hay bà thêu cho cái khăn là đủ vui cả ngày rồi. Người mẹ đảm đang nấu nồi cơm thơm ngát, người cha đi làm đồng về, cõng con trên tấm lưng rộng, mùi mồ hôi đưa vào mũi nghe chát chúa, có đứa em, đứa bạn san sẻ từng củ khoai, từng cái bánh, từng miếng trái cây, đám trẻ con nghịch với "hoa cải vàng, cánh bướm bay quanh". Trái tim thuần khiết năm nào đã bị mài mòn theo tháng năm, bóng dáng trẻ thơ năm nào trở nên đĩnh đạc hơn. Tâm tính ngây thơ năm ấy sớm không còn, hiện tại chơi vơi, lạc lõng giữa thế gian mênh mông. Tuổi thơ gói gọn trong mảnh đất quê hương của tác giả, Ninh Bình, nơi "cuối tận cùng sông Đáy, từ ngã ba núi Dục Thúy xuôi dòng đổ ra biển lớn Kim Sơn". Dòng văn tản mạn thấm đượm chất thơ, "Tôi tìm mình giữa những tháng năm" với những ký ức tuổi thơ yên bình, như nước chảy êm đềm, như mây trôi bình thản. Những ngày tháng tươi đẹp như thế, mới gọi là tuổi thơ, để cho những con người đang mưu sinh ngoài kia nhớ rằng, trên đời vẫn có màu hồng, vẫn còn tươi đẹp biết bao. Hoài niệm những ngày tháng cũ, thật đẹp và cũng thật tiếc nuối, giờ đây chẳng thể trở lại nữa. Thời gian mài mòn tâm tính con người, sự trong trẻo năm ấy không còn, nhưng ký ức ấy chẳng thể phủ bụi. Con người vẫn phải trưởng thành và xuôi theo dòng thời gian. Đến với phần hai của cuốn sách, với những tựa đề như: Chơi vơi hai lăm, Rốt cuộc đời sẽ đưa ta về đâu? , Bỏ phố về quê.. ta có thể nghe ra cái tôi của nhà văn đang vô định, không biết trôi về đâu. Nhà văn đang lục lọi trong ký ức hình ảnh ngây ngô ngày xưa, cảm giác vừa thân quen vừa tiếc nuối. Nhà văn trải qua bao khó khăn, thử thách trong quá trình trưởng thành, bao chia ly, mất mát, buồn tủi. Ở phần một, giọng văn tươi vui, hồn nhiên thì ở phần hai hoàn toàn trái ngược, giọng văn buồn, man mác. Người ta vẫn hay nói thời 9X có tuổi thơ đẹp nhất, gen Z bây giờ ít ai biết được thời cả xóm tụm lại một nhà xem chung một chiếc ti vi màu đen trắng chẳng rõ ràng, cái tuổi thơ với những trò chơi dân gian, chơi đùa dưới ánh trăng, ra đồng bắt cua, bắt cá. Bây giờ, nhà nhà đều có ti vi, ai cũng có chiếc điện thoại thông minh riêng, những trò chơi ngày trước dần rơi vào quên lãng. Phải chăng đây là cái giá cho sự phát triển của công nghệ hiện đại? Con người không còn trò chuyện cùng nhau nữa, mà chìm vào thế giới ảo trên mạng xã hội. Lớn lên, "nhà" không còn là nơi hằng ngày bạn ở nữa, nó là nơi để về vào những ngày lễ, ngày tết. Lê Ngọc đã viết: "Giữa những sóng gió của dòng đời lưu lạc, bàn tay cha mẹ vẫn mạnh mẽ vươn ra, bất chấp tất cả, dẫu khó khăn trở ngại chỉ để có thể kéo mình về với bến đậu an nhiên. Tôi gọi đó là nhà, nơi ra đi và cũng để trở về..". Cha mẹ luôn là người yêu thương ta vô điều kiện, bất kể bạn ra sao, thành công hay thất bại. Nhớ đôi tay cha chai sần, ẵm bồng con, nắm tay con đi qua năm tháng, nhớ tiếng hát ru mẹ dịu êm đưa con vào giấc ngủ, nhớ món ăn mẹ nấu thơm ngon. "Nhà" là bến đỗ bình yên nhất, dịu dàng nhất, xua tan vất vả bạn phải chịu đựng. Khi lạc bước giữa cuộc đời, người ta nhớ đến "nhà", để tìm lại lí tưởng cho mình, những cố gắng của bạn là để cho gia đình bạn được sung túc hơn. "Tôi tìm mình giữa những tháng năm" là tác phẩm in riêng đầu tiên của tác giả Lê Ngọc. Anh khẳng định cái tôi của mình bằng cái nhìn tinh tế và sâu sắc. Một độc giả nữ từng nói rằng: "Đọc văn của em nó rất an bình, êm ả như con sông quê trĩu nặng nghĩa tình". Tản văn lãng mạn đầy hàm súc, anh không viết theo cốt truyện rõ ràng, rành mạch, anh gợi nhớ theo dòng hồi tưởng của mình. Dòng hồi tưởng ấy cho anh tìm lại "tôi" trong những năm "chênh vênh hai lăm", tìm lấy khoảng trời bình yên cho hiện tại và cả tương lai nữa. Ôn An Na.