Thảo luận về một vấn đề có những ý kiến khác nhau: Xấu che tốt khoe và Không nên giấu dốt

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi ThuyTrang, 12 Tháng mười hai 2022.

  1. ThuyTrang artist/writer

    Bài viết:
    199
    Thảo luận về một vấn đề có những ý kiến khác nhau

    Có người cho rằng "Xấu che, tốt khoe", có người lại khuyên "Không nên giấu dốt". Em hãy trình bày ý kiến của mình về hai quan niệm đó

    * * *

    Cùng là một con số, nhưng hai người đứng ngược chiều nhau sẽ thấy hai con số khác nhau, người nhìn thấy số 6, người lại thấy số 9. Như vậy, góc nhìn quyết định rất nhiều đến nhận thức, quan niệm của chúng ta về thế giới tự nhiên và xã hội. Cũng từ góc nhìn, mà có người cho rằng "Xấu che, tốt khoe", có người lại khuyên "Không nên giấu dốt". Bạn đồng tình với quan niệm nào?

    Riêng tôi, tôi đồng tình với quan niệm thứ hai "Không nên giấu dốt", còn quan niệm thứ nhất "Xấu che, tốt khoe" tôi vừa đồng tình, vừa có điểm chưa nhất trí với chủ thể phát ngôn câu nói đó.

    Trước hết, về quan điểm "Xấu che, tốt khoe" (dân gian còn có câu: "Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại"). Câu nói này có thể hiểu là những thứ tốt đẹp, những mặt mạnh, của bản thân thì nên khoe ra, còn những điểm xấu, chưa tốt thì nên giấu đi. Giống như việc trang điểm, ăn mặc của người phụ nữ sẽ che đi khuyết điểm trên gương mặt, hình thể, đem đến hình ảnh xinh đẹp, chỉn chu hơn. Hay trong gia đình có chuyện xích mích, mọi người chỉ "đóng cửa bảo nhau" chứ không khuếch đại âm thanh cãi vã lên cho cả thiên hạ biết.

    [​IMG]

    Tôi đồng tình một phần với quan điểm "Xấu che, tốt khoe" vì việc không phô ra những mặt xấu xí, thể hiện những mặt tốt đẹp của bản thân sẽ giúp con người trở nên tự tin hơn, được mọi người yêu mến hơn, kết giao được những mối quan hệ tốt đẹp hơn. "Khoe" ra và chứng tỏ mặt mạnh của bản thân còn giúp bạn khẳng định được năng lực của mình trước mọi người, từ đó tạo niềm tin, sự công nhận, được mọi người tiến cử, đề bạt những nhiệm vụ, vị trí quan trọng, cơ hội thành công cũng rộng mở hơn.

    Việc bạn có sở trường về một lĩnh vực nào đó và thể hiện cho mọi người biết có thể sẽ giúp bạn nhận được cơ hội bồi dưỡng thêm để phát triển. Ngược lại, bạn không chịu thể hiện, thì giống như áo gấm đi đêm, như ngọc bị che mất ánh sáng, nào ai biết, ai hay mà phát triển, mài giũa thêm? Tôi có biết một chị sinh viên gần nhà, nhờ tự tin thể hiện năng lực đặc biệt của bản thân về ngoại ngữ và lập trình mà được nhận học bổng du học nước ngoài. Cả một tương lai tốt đẹp chờ chị phía trước.

    Việc thể hiện những hành động, cách ứng xử đẹp trước mọi người còn giúp lan tỏa đến cộng đồng, xã hội nhiều điều tốt đẹp. Mỗi việc làm tử tế, mỗi hành động đẹp.. sẽ như cái cây vươn ra những nhánh cành xanh tốt. Một thói quen nhỏ - nhặt rác bỏ vào thùng, một hành động dũng cảm - cứu người trong cơn hoạn nạn, một hành động nhân văn - trao quà từ thiện.. có ý nghĩa lan tỏa biết bao!

    Có người còn so sánh, đời sống con người như cái cây, gốc rễ cắm sâu vào lòng đất tối tăm còn hoa trái thì bung ra ngoài ánh sáng. Hoa trái ấy là những điều tốt lành như hạnh phúc, tình yêu, niềm vui. Còn những cái tối tăm
    trong lòng đất kia là những khó khăn của cuộc đời, những góc khuất trong tâm hồn con người như sự bi quan, sợ hãi, tự ti.. Cách so sánh ấy giúp ta hình dung, việc phô ra những cái đẹp sẽ mang lại niềm vui, cảm hứng trong cuộc sống. Và việc không thể hiện ra bên ngoài những nỗi lo âu, phiền muộn, sự thất vọng của bản thân trước nghịch cảnh.. sẽ giúp chính mình trở nên chín chắn, mạnh mẽ hơn, giúp cho những người xung quanh không phải lo phiền vì bạn, không bị những hiệu ứng tâm lí bi quan của bạn làm ảnh hưởng. Nếu sống bên cạnh người lúc nào cũng thở ngắn than dài, phiền muộn, lo âu về cuộc sống, bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Thiết nghĩ, chúng ta nên "giấu" đi, tự tiết chế những cảm xúc tiêu cực, thể hiện sự mạnh mẽ, lạc quan sẽ khiến tâm hồn cảm nhận được trọn vẹn hơn niềm vui sống.

    Tuy nhiên, áp dụng quan niệm "xấu che, tốt khoe" trong mọi trường hợp, mọi tình huống thì thật không ổn lắm. Bởi nếu áp dụng "triệt để", có thể sẽ khiến con người rơi vào lối sống ảo, đánh mất giá trị thật. Bạn thường kể, thường khoe hình ảnh gia đình hạnh phúc khi thực tế vợ chồng "đồng sàng dị mộng"; bạn khoe con cái thành đạt danh giá nhưng giấu biệt sự bất hiếu hỗn hào; bạn tung lên mạng xã hội hình ảnh xinh đẹp mĩ miều trong khi hình ảnh thật khiến người khác thất vọng.. có nên không? Vậy nên, chỉ nên "khoe" những giá trị thật, chứ không phải cứ xức nước hoa, khoác áo đạo đức giả tạo rồi cũng đem khoe..

    Mặt khác, có những cái xấu nên giấu đi, nhưng cũng có cái xấu, cái hạn chế của bạn thân cần trung thực chấp nhận và không giấu giếm. Vì vậy mới có quan niệm "không nên giấu dốt". Quan niệm "không nên giấu dốt" là sự bổ sung cho mặt tôi chưa đồng tình của quan niệm "xấu che, tốt khoe".

    "Dốt" là điểm yếu của con người, điểm yếu thuộc về nhận thức, tư duy. Điểm yếu này không nên "che", không nên "đậy lại" như quan niệm thứ nhất "cổ xúy". Vì sao vậy?

    Người giấu dốt là người khi còn đi học thì giấu điểm kém không cho ai biết, hỏi hiểu chưa thì đinh ninh "Đã hiểu", khi trưởng thành thì không dám công nhận mình kém cỏi trước mặt người khác, thậm chí còn huênh hoang nói sai sự thật về năng lực của bản thân. Có người còn "đi cửa sau" mua bằng giả, chứng nhận giả để giấu đi cái dốt của mình.

    Nhiều người lựa chọn cách giấu dốt vì sợ mất danh dự, sợ người khác chê cười. Nhưng giấu dốt sẽ để lại hệ lụy khó lường.


    Thứ nhất, giấu dốt sẽ khiến bản thân khó tiến bộ. Thử ngẫm xem, khi bạn học bài xuất hiện vấn đề không hiểu, bài tập không biết cách làm mà cứ "lặng im", không chịu hỏi thầy, hỏi bạn, vì ngại ngùng, vì sợ "quê".. thì ai có thể giúp bạn giải đáp thắc mắc? Giấu dốt chỉ khiến con người đánh mất cơ hội phát triển bản thân.

    Thứ hai, giấu dốt còn khiến người khác ảo tưởng về khả năng của bạn, để rồi khi mặt nạ trút xuống, họ sẽ thất vọng biết bao nhiêu. Chẳng chiếc mặt nạ nào đủ chắc chắn để bảo vệ bạn trước sự thật. Bạn cũng không thể nhẹ nhõm, thanh thản khi cứ mãi phải tìm cách tạo vỏ bọc cho mình.

    Dân gian có câu chuyện nực cười về anh học trò dốt mạo hiểm đi dạy trẻ. Đến chữ kê là gà anh không biết lại dạy thành "dủ dỉ là con dù dì". Bị chủ nhà phát hiện dạy sai, anh không chịu dạy lại cho đúng mà còn loanh quanh giấu dốt khi lí giải tam đại con gà: Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gà. Chính những ông thầy dốt lại còn giấu dốt ấy là căn nguyên nhân lên những cái dốt của biết bao thế hệ học trò. Hậu quả thật khó lường.

    Dốt không phải là cái tội, không phải là cái xấu xa cần che đậy. Dốt chỉ là những khoảng trống của tri thức chưa được lấp đầy. Vì vậy, con người cần biết mình thiếu khuyết những gì để tự học hỏi thêm và tìm sự trợ giúp của những người giỏi hơn.

    Như vậy, có những cái đẹp nên khoe ra, có những cái xấu nên đậy lại, nhưng dứt khoát không nên giấu dốt, bạn à.
     
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...