Tâm lý học đại cương

Thảo luận trong 'Bài Sưu Tầm' bắt đầu bởi Minminne, 25 Tháng hai 2022.

  1. Minminne

    Bài viết:
    55
    1.1. ĐỐI TƯỢNG, NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU CỦA TÂM LÝ HỌC

    1.1. 1. Tâm lý, Tâm lý học là gì?

    1.1. 1.1 Tâm lý là gì?

    Ở phương Tây, vào thời cổ Hy Lạp, tâm lý được xem như là linh hồn hay tâm hồn; phương Đông thì nhìn nhận "Tâm" là tâm địa, tâm can, tâm khảm, tâm tư, "Lý" là lý luận về cái tâm, "Tâm lý" chính là lý luận về nội tâm của con người. Ngày nay, trong đời sống, tâm lý được hiểu như tâm tư, tình cảm, sở thích, nhu cầu, cách ứng xử của con người. Từ "Tâm lý" được từ điển Tiếng Việt định nghĩa là "ý nghĩ, tình cảm.. làm thành đời sống nội tâm, thế giới bên trong của con người". Các hiện tượng tâm lý con người rất đa dạng, bao gồm nhận thức, hiểu biết (cảm giác, tri giác, tư duy, tưởng tượng, trí nhớ) ; xúc cảm, tình cảm (yêu, ghét, sợ, xấu hổ, giận, vui sướng) ; ý chí (kiên trì, dũng cảm, quyết tâm) hoặc những thuộc tính nhân cách của con người (nhu cầu, hứng thú, năng lực tính cách, khí chất). Hiểu một cách khoa học, tâm lý là toàn bộ những hiện tượng tinh thần nảy sinh trong não người, gắn liền và điều khiển toàn bộ hoạt động, hành vi của con người.

    1.1. 1.2. Tâm lý học là gì?


    Thuật ngữ Tâm lý học xuất phát từ hai từ gốc La tinh là "Psyche" (linh hồn, tâm hồn) và "Logos" (khoa học). Vào khoảng thế kỷ XVI, hai tù này được đặt cùng nhau để xác định một vấn đề nghiên cứu, nghĩa là khoa học về tâm hồn. Đến đầu thế kỷ XVIII, thuật ngữ "Tâm lý học" được sử dụng phổ biến hơn và được hiểu như là khoa học chuyên nghiên cứu về hiện tượng tâm lý. Người nghiên cứu ngành khoa học này được gọi là nhà Tâm lý học.

    1.1. 2. Vài nét về lịch sử hình thành và phát triển của Tâm lý học

    Khi đề cập đến lịch sử phát triển của ngành khoa học này, có thể chia ra ba giai đoạn chính: Thời cổ đại; từ thế kỷ thứ XIX trở về trước; Tâm lý học chính thức trở thành một khoa học.

    1.1. 2.1. Tư tưởng Tâm lý học thời cổ đại

    Từ xa xưa, con người đã luôn thắc mắc về những bí mật của thế giới tinh thần. Chính vì thế, những tìm hiểu về tâm lý người cũng xuất hiện từ rất lâu đời. Tuy nhiên, vào thời kỳ ấy, từ "tâm hồn", "linh hồn" được sử dụng và Tâm lý học chưa là một khoa học độc lập, nó xuất hiện và gắn liền với những tư tưởng của Triết học. Khi đề cập đến tư tưởng Tâm lý học thời kỳ này, điều quan trọng trước nhất cần nhấn mạnh là tác phẩm "Bàn về tâm hồn" của nhà Triết học Aristotle. Tác phẩm này được xem như cuốn sách đầu tiên mang tính khoa học về tâm lý. Bởi lẽ trong đó, ông khẳng định vị trí của tâm lý học là rất quan trọng, cần phải xếp hàng đầu và tâm hồn thực ra chính là các chức năng của con người. Theo ông, con người có ba loại tâm hồn tương ứng với ba chức năng: Dinh dưỡng, vận động và trí tuệ. Ngoài ra, các nhà Triết học thời bấy giờ nghiên cứu về tâm hồn đã đặt những câu hỏi: Tâm hồn do cái gì sinh ra? Tâm hồn tồn tại ở đâu? Để trả lời những câu hỏi này, có hai quan điểm đối lập nhau về tâm hồn, đó là quan niệm duy tâm cổ và duy vật cổ. Theo quan niệm duy tâm cổ, tâm hồn hay linh hồn là do Thượng đế sinh ra, nó tồn tại trong thể xác con người. Khi con người chết đi, tâm hồn sẽ quay trở về với một tâm hồn tối cao trong vũ trụ, sau đó sẽ đi vào thể xác khác. Đại điện cho quan niệm duy tâm cổ là nhà Triết học Socrate và Platon (428 - 348 TCN). Socrate với châm ngôn "Hãy tự biết mình" đã khơi ra một đối tượng mới cho Tâm lý học, đánh dấu một bước ngoặt trong suy nghĩ của con người: Suy nghĩ về chính mình, khả năng tự ý thức, thế giới tâm hồn của con người, khác hẳn với các hiện tượng Toán học hay Thiên văn học thời đó. Quan niệm duy vật cổ cố gắng tìm kiếm tâm hồn trong các dạng vật chất cụ thể như đất, nước, lửa, khí mà tiêu biểu là Democrite (460 - 370 TCN). Ông cho rằng tâm hồn là một dạng vật chất cụ thể, do các nguyên tử lửa sinh ra, đó là các hạt tròn nhẵn vận động theo tốc độ nhanh nhất trong cơ thể. Tính chất vận động của những nguyên tử lửa này sẽ quy định tính chất của tâm hồn. Hay trong Triết học phương Đông, khí huyết trong người được xem là nguồn gốc của mọi hiện tượng tinh thần. Tâm hồn như một dòng khí, khi các dòng khí này bị tắc nghẽn thì sẽ nảy sinh bệnh tật ở tâm hồn lẫn cơ thể.

    Như vậy, vào thời cổ đại, những tư tưởng về tâm lý, về thế giới tâm hồn con người ra đời ngay trong lòng của Triết học.

    Còn tiếp..
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...