Tại sao Ngô Tử Văn đốt đền? Tại sao Ngô Tử Văn được nhận chức phán sự?

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 24 Tháng tư 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,908

    Chuyện chức phán sự đền Tản Viên là một trong những truyện tiêu biểu trích trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ. Truyện khắc họa hình tượng nhân vật Ngô Tử Văn cương trực, khảng khái, dám làm một việc mà cả thần và người đều kiêng dè: đốt đền. Vậy vì sao Tử Văn đốt đền? sau đó, nhờ việc đốt đền mà được nhận chức phán sự?

    Bài viết dưới đây giải đáp một số thắc mắc liên quan đến tác phẩm Chuyện chức phán sự đền Tản Viên.

    Tại sao Ngô Tử Văn đốt đền?

    Tại sao Ngô Tử Văn được nhận chức phán sự?

    Vì sao Tử Văn đốt đền?

    Tử Văn tên là Soạn, người Yên Dũng, đất Lạng Giang, tính tình khảng khái, nóng nảy, thấy sự gian tà thì không thể chịu được, vùng bắc người ta vẫn khen là một người cương trực.

    Trong làng của Tử Văn trước có một ngôi đền linh ứng, luôn độ vật cho dân, nhưng từ khi hồn ma tên tướng giặc đến cướp đền, hắn đã biến nơi đây thành "sào huyệt", thành nơi để hắn hưng yêu tác quái, gây hại cho dân lành. Tử Văn vốn tính nóng nảy, cái nóng nảy của một con người dị ứng với cái ác đến mức không đội trời chung, nên chàng "rất tức giận". Với thái độ dứt khoát "một mất một còn" với cái ác đã khiến chàng dám làm một việc kinh thiên động địa: châm lửa đốt đền, xóa đi cái ung nhọt chướng tai gai mắt.

    Như vậy, Tử Văn đốt đền vì muốn diệt trừ cái ác, đem lại cuộc sống yên bình cho dân.

    [​IMG]

    Vì sao trước khi đốt đền, Ngô Tử Văn phải tắm gội sạch sẽ, khấn trời

    Phạm đến nơi thờ tự là việc trước nay chưa từng có, bởi đâu ai dám khinh nhờn thần thánh, quả báo là nhỡn tiền. Tử Văn đốt đền nhưng không có nghĩa là chàng vô đạo vô thần, không coi trọng chuyện tâm linh. Bằng chứng là trước khi đốt đền, chàng đã tắm gội chay sạch, sau đó mới châm lửa. Chi tiết này cho thấy, Tử Văn tin vào chính nghĩa, tin việc làm của mình là đúng đắn, phù hợp với đạo trời, thần linh sẽ chứng giám và phù trợ cho chàng.

    Niềm tin mãnh liệt ấy đã tiếp sức mạnh và động lực cho chàng hành động.

    Ý nghĩa hành động đốt đền của Ngô Tử Văn

    Giải trừ được tai họa, đem lại an lành cho dân.

    Diệt trừ tận gốc thế lực xâm lược tàn bạo, làm sáng tỏ nỗi oan khuất, phục hồi danh vị cho thổ thần đất Việt, đề cao tinh thần dân tộc.

    Đề cao sự khảng khái, cương trực, dám đấu tranh chống lại cái ác trừ hại cho dân của Ngô Tử Văn, đồng thời thể hiện niềm tin công lý, chính nghĩa nhất định sẽ thắng gian tà.

    Vì sao Ngô Tử Văn được nhận chức phán sự?

    Kết thúc câu chuyện, Tử Văn thắng trận, tên tướng giặc phải chịu tội. Chàng được sống trở lại và được thổ thần tiến cử chức phán sự ở đền Tản Viên. Tử Văn thu xếp việc nhà rồi không bệnh mà mất để đi nhận chức ấy.

    Ngô Tử Văn được nhận chức quan này bởi chàng đã không sợ cường quyền ma quỷ, dũng cảm đứng lên bảo vệ công lí, chính nghĩa, chống lại cái ác, đem lại cuộc sống bình yên cho dân lành. Đây là phần thưởng cho hàng động nghĩa khí của chàng.

    Mặt khác, Tử Văn nhận chức phán sự (chức quan trông coi việc xét xử các vụ kiện tụng) vì việc này phù hợp với tính cách cương trực, khảng khái, hết mình đấu tranh cho công lí, lẽ phải của chàng.
    Ngụ ý phê phán của Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

    Thông qua cuộc đấu tranh của Ngô Tử Văn, trước hết, truyện phê phán hồn ma tên tướng giặc, sống làm kẻ cướp nước, chết cùng không từ bỏ dã tâm – cướp đền của thổ thần đất Việt. Ngoài ra, truyện còn mượn hình ảnh thế giới cõi âm để ngầm phê phán thế giới thực của con người, với đầy rẫy sự việc xấu xa như nạn ăn của đút, tham quan dung túng che giấu cho cái ác hoành hành, công lí bị che mắt.

    Tinh thần dân tộc trong Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

    Chuyện chức phán sự đền Tản Viên nằm trong mạch cảm hứng chung của Tuyền kì mạn lục là khẳng định tinh thần dân tộc. Điều đó được thể hiện trước hết qua việc nhân vật chính của câu chuyện là người Việt Nam, các sự kiện diễn ra trên đất nước ta (không giống với các truyện truyền kì khác mượn bối cảnh và nhân vật Trung Quốc). Hơn nữa, việc đem hồn ma tên tướng giặc làm đối tượng tố cáo, đả kích, Nguyễn Dữ cũng thể hiện sâu sắc tinh thần dân tộc.

    Câu chuyện kết thúc với những thắng lợi thuộc về Tử Văn. Kết thúc có hậu này chứng tỏ tác giả đã tìm về cội nguồn truyền thống nhân đạo và yêu nước của dân tộc Việt Nam từng được thể hiện trong nhiều câu chuyện cổ tích: chính nghĩa thắng gian tà, tinh thần dân tộc thắng ngoại xâm.

    [​IMG]

    Ý nghĩa lời bình cuối truyện Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

    Lời bình cuối truyện là lời của tác giả:

    "Than ôi! Người ta thường nói: "Cứng quá thì gãy". Kẻ sĩ chỉ lo không cứng cỏi được, còn gãy hay không là việc của trời. Sao lại đoán trước là sẽ gãy mà chịu đổi cứng ra mềm?

    Ngô Tử Văn là một chàng áo vải. Vì cứng cỏi cho nên dám đốt cháy đền tà, chống lại yêu ma, làm một việc hơn cả thần và người. Bởi thế được nổi tiếng và được giữ chức vị ở Minh ti, thật là xứng đáng. Vậy kẻ sĩ, không nên kiêng sợ sự cứng cỏi."

    Lời bình trên có ý nghĩa: Đề cao sự cứng cỏi của nhân vật Ngô Tử Văn, đồng thời đưa ra lời răn về nhân cách cho kẻ sĩ: phải sống cương trực, ngay thẳng, cứng cỏi.

    Nội dung Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

    Chuyện chức phán sự đền Tản Viên đề cao tinh thần khảng khái, cương trực, dám đấu tranh chống lại cái ác trừ hại cho dân của Ngô Tử Văn, một người trí thức nước Việt; đồng thời thể hiện niềm tin công lí, chính nghĩa nhất định sẽ chiến thắng gian tà.

    Nghệ thuật Chuyện chức phán sự đền Tản Viên

    Truyện gây ấn tượng ở nghệ thuật kể chuyện lôi cuốn, có sự kết hợp giữa yếu tố kì và yếu tố thực (yếu tố thực tăng tính xác thực, yếu tố kì tạo tính hấp dẫn); tình tiết và diễn biến truyện giàu kịch tính (có thắt nút – chi tiết đốt đền, phát triển với những xung đột căng thẳng và mở nút khi sự thực được phơi bày); nhân vật được xây dựng sắc nét (tính cách nhân vật được thể hiện qua lời dẫn truyện, đặc biệt là qua hành động, ngôn ngữ, thái độ của nhân vật).

    Trên đây là phần định hướng trả lời cho một số những thắc mắc liên quan đến tác phẩm Chuyện chức phán sự đền Tản Viên. Cảm ơn các bạn đã đọc bài.
     
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng tư 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...