Tại sao gà gáy sáng? Bí mật về cách canh giờ chuẩn xác của "chiếc đồng hồ lông lá" này Ò ó o o.. 5 giờ sáng và tui đang không thể nào ngủ nổi với cái chuồng gà của chú hàng xóm! Sao lũ này reo đúng giờ vậy nhỉ? Sớm hơn cái báo thức tui đặt trong máy chỉ vài phút, nghe bọn nó gáy xong, nhắm mắt lại thì "tèn tén ten..", cái báo thức nó bắt đầu la làng! Mệt mỏi! Dậy luôn! Sẵn tiện viết bài này bốc phốt mấy con gà! Cùng tui tìm hiểu tại sao cái đám gia cầm đực rựa lắm lông không bay kia gáy ầm ĩ đúng giờ vậy nha! Vậy tại sao gà trống lại gáy vào buổi sáng? Tại sao không phải là trưa hay chiều? Có một vài ý kiến cho rằng đó chỉ đơn thuần là do phản xạ của gà trước ánh sáng thôi. Như chúng ta đã thấy, mặc định một con gà trống thông thường cứ trời rạng sáng sẽ gáy, tức là thời điểm chuyển giao giữa tối và sáng thì nó sẽ gáy. Buổi trưa hoặc chiều thì hiển nhiên không có sự chuyển giao này nên gà không gáy. Từ nguyên lý đó có thể suy ra rằng cũng có thể có các điều kiện ngoại cảnh khác khiến gà gáy như xảy ra nhật thực toàn phần, hoặc bật đèn vào ban đêm cũng có thể kích thích phản xạ này. Các nhà sinh học Nhật Bản đã thực hiện các nghiên cứu chi tiết về tập tính này, các kết quả thực nghiệm và quan sát được công bố trên các tạp chí khoa học. Theo đó thì giống như con người, gà cũng có đồng hồ sinh học bên trong do các hormones điều chỉnh và chiếc "đồng hồ" này bị chi phối bởi ánh sáng; đến đúng thời điểm (rạng sáng), lũ gà đồng loạt sẽ cất tiếng gáy và ngoài việc rất ồn ào đủ để đánh thức chúng ta thì ý nghĩa thực sự của tiếng gáy này chính là sự tuyên bố lãnh thổ của chúng một cách hùng hồn! Tiếng gáy này cũng có thể là do sự thay đổi của thời tiết, sự khác biệt giữa khí hậu ngày và đêm làm cho nó tỉnh giấc và cất tiếng gáy. Có thể tạm chấp nhận cách giải thích tiếng gáy là do sinh lý của gà phản ứng với điều kiện thời tiết, bởi những ngày quá nóng hoặc lạnh, ta hầu như sẽ không nghe gà gáy. Nhưng khi nhìn ở mặt sinh tồn loài thì tiếng gáy này lại là tiếng "gầm" để đánh dấu lãnh thổ của chúng, và cũng là tiếng gọi thu hút con mái để duy trì nòi giống trong mùa kết đôi. Quy luật của chiếc đồng hồ rậm lông: Một nhóm sinh viên nghiên cứu đến từ Viện sinh học phân tử Đại học Nagoya (Nhật Bản) sau khi thực hiện các nghiên cứu đã nhận thấy trong trình tự tiếng gáy của gà trống có một quy luật. Quy luật đó chính là, mặc dù những con gà trống ở cấp thấp hơn cũng có khả năng gáy, tuy nhiên, chúng vẫn phải chấp nhận chờ đợi vào mỗi buổi sáng, nhường cho chú gà trống có tiếng gáy mạnh mẽ, nổi trội nhất gáy trước mình. Điều này thực sự đã được chứng minh đấy! Bản thân tui cạnh nhà bên cũng có mấy cái chuồng gà ầm ĩ, và bọn nó gáy rất có thứ tự, cứ như là sắp xếp sẵn con nào gáy trước gáy sau vậy, và thứ tự đó không thay đổi! Hoặc ít nhất là lỗ tai tui nghe vậy! Vào năm 2013, cũng tại Đại học Nagoya, Tsuyoshi Shimmura và Takashi Yoshimura có báo cáo được đăng trên tờ Current Biology. Bài đăng này nói rằng khi lũ gà gáy sáng, chúng sẽ bắt đầu bởi tiếng gáy từ một con gà trống đặc biệt, những con khác trong phạm vi gần đó cũng bắt đầu gáy và đúng theo trình tự cấp bậc, như một phản ứng dây chuyền, lần lượt từng con đều gáy. Nguyên nhân trình tự này là bởi, gà cũng là loài có tính xã hội cao. Chúng phát triển một hệ thống phân cấp thống trị, tương tự như trật tự xã hội ở loài người khi sống thành nhóm. Trật tự này được thiết lập bằng cách một con gà chiếm ưu thế trong đàn sẽ mổ tất cả những con gà khác, con gà trội thứ hai tiếp tục mổ tất cả những con còn lại và cứ thế tiếp tục. Hệ thống phân cấp này được phản ánh rõ rệt nhất trong quá trình sinh hoạt nhóm, gà trống nổi trội nhất thường được ưu tiên trong việc ăn uống và giao phối. Shimmura và Yoshimura cũng là lần đầu tiên phát hiện thứ tự ưu tiên của hành động gáy ở gà cũng chính nhờ vào việc dựa trên thứ tự xếp hạng xã hội này. Các ông thực hiện nghiên cứu trên một nhóm 4 gà trống, Shimmura cho rằng gà trống có thứ hạng cao nhất trong đàn sẽ luôn là con gáy đầu tiên vào mỗi buổi sáng. Và hiển nhiên, sau đó lần lượt các chú gà trống thứ hai, thứ ba và thứ tư trên bảng phân cấp xã hội sẽ bắt đầu cất tiếng gáy. Tuy nhiên, thời gian bắt đầu gáy của con gà trội nhất đàn cũng có thể thay đổi, sớm hơn hoặc muộn hơn, dù vậy, tiếng gáy của những con gà khác sẽ luôn bắt đầu ngay sau tiếng gáy của gà trống có thứ bậc cao nhất. Tức là sau khi loại bỏ gà trống thứ hạng cao nhất, gà trống ở vị trí thứ hai sẽ trở thành con đầu tiên gáy, những con sau sẽ gáy theo. Yoshimura cho biết: "Chúng tôi đã phát hiện gà trống sống trong một hệ thống phân cấp đúng tuyến, nơi thứ hạng xã hội phản ánh trình tự gáy lúc bình minh". Nhưng về mặt thực tế thì gà trống có "hò hét" vào buổi trưa và tối đấy nhé! Tiếng gáy vào buổi trưa của gà trống như một hình thức điểm danh vậy. Với mỗi tiếng kêu, chúng sẽ tuyên bố chính mình. Thời gian gáy tuỳ vào từng giống gà. Thông thường sẽ từ 30-60 giây. Như một cách cạnh tranh, trong khu bạn ở càng nhiều chuồng gà, thì trong ngày bạn sẽ càng nghe ồn ào hơn đấy! Hiếm thấy hơn, buổi tối chúng cũng gáy, nhưng tiếng gáy buổi tối lại nhẹ nhàng hơn. Đó là tín hiệu "nhắc nhở" đàn gà mái. Khi nghe tiếng gáy này, lũ gà mái sẽ "lao" về chuồng gà. Tuy nhiên, gà ngủ vào ban đêm nên không cần tuyên bố ưu thế của mình, do đó chúng hiếm khi gáy buổi tối. Nguyên nhân chúng gáy buổi tối thường là do trong bóng tối, gà trống thường lo sợ nguy hiểm, khi thấy bị đe dọa, chúng sẽ vang lên tiếng gáy báo động. Đó chính là tín hiệu thông báo về kẻ săn mồi xâm nhập vào lãnh thổ. Tuy nhiên, việc chúng "la hét" ầm ĩ buổi đêm không phải điều dễ chịu! Có cách nào khắc phục không? Hầu như không có cách ngăn chúng gáy buổi đêm, nếu thích chúng sẽ cứ gáy. Chúng ta không thể điều khiển được tiếng gáy, nhưng có thể "điều chỉnh" âm lượng và tần số của "tiếng báo động" này. Con đực thường "la hét" khi lo lắng cho đàn gà. Để tránh điều này, cần lưu ý khi chọn địa điểm xây chuồng gà. Tốt nhất là xây xa bờ rào, bãi đỗ xe, nơi nghỉ ngơi của gia đình. Nên trồng cây cối và bụi rậm được trồng dọc theo bờ rào của chuồng có tác dụng giảm tiếng ồn và tiếng gáy của chúng. Tuy nhiên, có một vài hướng dẫn về các phương pháp huấn luyện tàn nhẫn để giảm tiếng gáy của gà. Một trong số đó là sử dụng một thiết bị đeo cổ đặc biệt. Nhờ đó, tiếng gáy được điều chỉnh bằng cách ép thanh quản của gà. Cách thứ hai là nhúng đầu chúng vào nước. Thực sự quá tàn nhẫn và cũng không hiệu quả. Những thứ đó khiến gà bị "stress". Lũ gà sống tốt hơn nếu bầy được dẫn dắt bởi một con trống khỏe mạnh, tự tin chứ không phải là một con vật lúc nào cũng bị căng thẳng. Để giảm tiếng gáy của lũ gà ban đêm, bạn có thể thử sửa lại chuồng gà, tiến hành cải tạo: Vá lỗ thủng; đào lưới xung quanh chu vi chuồng gà; đổ bê tông sàn. Sau khi cải tạo, những loài săn mồi nhỏ sẽ không thể đột nhập, lũ gà trống sẽ im lặng vào ban đêm. Nếu trong chuồng có nhiều gà trống con và chúng thường xuyên "la hét" thì cũng rất dễ để khiến chúng bình tĩnh. Chúng ta chỉ đơn thuần thêm một con gà trống alpha cho chúng. Con gà này phải lớn hơn nhiều so với lũ gà trong chuồng và thể chất cũng phải mạnh mẽ hơn. Trong khoảng một tháng sau khi làm như vậy, lũ gà con sẽ dần bình tĩnh trở lại, giải thoát bạn khỏi những tiếng "la hét" khó chịu và ngu ngốc. Hết nữa rồi, bài tiếp theo mình sẽ nói về sét hòn và nguyên nhân của hiện tượng này, sét hòn là một cục sét đó nha, chắc chắn là chưa bạn nào thấy tận mắt đâu. 1000 câu hỏi khác: [Thảo Luận - Góp Ý] 1000 Câu Hỏi Của Ngáy