RỪNG BÀNG MÙA HẠ Tác giả: Ánh Phượng Thiên Thể loại: Truyện ngắn Bài dự thi tham gia sự kiện: Chủ Đề 8/3: Em Và.. Những Mộng Mơ * * * "Vào.. 1-0 cho đội tuyển Việt Nam" Tiếng vang xúc động của bình luận viên phát ra từ chiếc đài cassette cũ của ông Ba cụt. Ông là một thương binh, bị cụt mất cánh tay, rời mặt trận đã lâu. Lũ con trai trong làng gồm Hòa nhát, Minh sẹo, Hùng to xác, Hạo phét và Long quạu túm tụm cạnh chiếc cổng nhà ông Ba cụt, dỏng tai nghe tường thuật trận đấu, bàn luận sôi nổi với nhau. - Ê, ai vừa ghi bàn đấy lũ chúng mày? - Thằng Hòa nhát huých đám bạn hỏi. - Tao chắc chắn là cầu thủ Tuấn Minh chứ chả ai khác đâu. - Minh sẹo lên tiếng vẻ tự đắc. Có cầu thủ trùng tên nó nên nó lấy tự hào lắm, khổ nỗi cầu thủ không tên là Minh sẹo, điều làm nó thấy tiếc hùi hụi. - Tuấn Minh là thủ môn - Giọng Hùng to xác vang lên át cả tiếng đài. - Thôi đi mày, vừa ghi bàn là Hải Đức. Tao nghe rõ ràng người ta vừa nói thế. - Hạo phét lên tiếng. - Chúng mày chả biết cái gì, là Huy Tài mới đúng. - Long quạu vẻ mặt quạu cọ nói. - À, Hòa nhát, hôm nay mày có mang quả bàng chín cho bọn tao không? Hùng to xác quay sang nói với Hòa nhát. - Đây, đứa nào cũng phần, yên tâm! - Mày hái bàng ở đâu mà quả to thế? Đừng bảo là.. - Ờ.. ờm.. mẹ tao sang làng bên hái cho tao. Tiếng huyên náo của lũ trẻ đánh động cả bầy chim đang làm tổ trên cây. Lũ chim "giận cá chém thớt" mổ nhau chí chóe vì không làm gì được bọn trẻ. - Chúng bay có im cái miệng lại để tao xem tiếp không thì bảo. Tiếng ông Ba cụt từ trong nhà vọng ra khiến cả lũ thôi cãi nhau, chỉ còn tiếng xì xào to nhỏ. Lúc chúng im bặt cả thì tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên. Tỉ số chung cuộc là 3-0 nghiêng về đội tuyển Việt Nam. Cả lũ nghe thấy thế lấy làm sướng rơn. Rồi một trận bàn luận về trận đấu rôm rả lại vang lên. Ở cái làng Bình Tây ấy, có đứa con trai nào mà không mê bóng bánh, nếu có thì chắc chắn không phải trai làng Bình Tây. Mặt trăng đã treo trên đầu ngọn tre, tỏa ánh sáng dát bạc xuống con đường làng. Lũ con trai kéo nhau về, trả lại khoảng yên lặng trước cổng nhà ông Ba cụt. Ở làng lao động nghèo này, duy có hai cái Cassette, một cái của trưởng thôn Lý, cái còn lại là của ông Ba cụt. Địa điểm đông đúc là nhà ông trưởng thôn Lý, mọi người vẫn thường tụ tập ở đấy nghe tường thuật bóng đá. Mỗi khi có trận bóng của đội tuyển Việt Nam là dân làng lại quây kín sân vườn, chật ních người là người. Người lớn còn nghe rõ chứ đám trẻ con bị xô lấn, chốc chốc mới nghe được vài từ, lúc nào thấy người lớn hô thì hô theo. Dân làng ở đây hiểu là đàn ông con trai mà thôi, đàn bà con gái còn phải ở nhà cơm nước, lấy đâu ra thì giờ mà đi coi đá bóng. Sở dĩ người ta không kéo đến nhà ông Ba cụt cũng là có nguyên do cả. Người ta bảo ông Ba cụt có cái tính lập dị. Hễ thấy dân làng túm tụm lại là cầm đồ đạc đập phá, ném bát đĩa vỡ loảng xoảng vào đám đông. Nhiều phen như vậy nên người ta cũng không ưa gì ông, rồi chả có ai dám bén mảng tới. Trẻ con thì rất sợ khu xóm Tía này. Để đến xóm tía phải băng qua một bãi nghĩa trang lớn. Ngày còn đỡ sợ chứ cứ đêm xuống là đứa nào cũng chết nhát. Nhà thưa thác. Thấy bảo cất nhà ở khu này không làm ăn được nên người ta bỏ đi hết chỉ còn vài ba nhà. Nhà ông Ba cụt nằm tựa vào chân núi. Cách vài chục mét vào sâu trong núi còn một ngôi nhà nữa, nhà cô Mượt điên, cũng là cái lí do khiến người ta ớn xóm Tía này. Tụi thằng Hòa nhát lúc đầu cũng sợ không dám tới, nhưng vì nhỏ con, đứng ở nhà ông Lý thì chẳng nghe thấy mô tê gì, liều mà bén mảng tới. Ông Ba cụt chửi đôi ba câu rồi cũng mặc kệ tụi thằng Hòa. Thế là lần nào chúng cũng kéo đến trước cổng nhà ông mà nghe đá bóng. Người lớn thì cấm tuyệt không được đến, nhưng trẻ con mà, càng cấm chúng càng làm. * * * Sáng sớm, giọt sương còn đọng trên tàu lá chuối. Chú gà trống nhảy tót lên đống rơm một cách oai vệ, vươn chiếc cổ dài, dựng chiếc mào đỏ tươi gáy một tràng gọi mặt trời thức giấc. Cả làng Bình Tây gọi nhau dậy đi làm đi học. Trời vẫn tờ tờ tối. "Hòa ơi, dậy đi học đi con!" Giọng mẹ Hòa từ dưới nhà vọng lên. Hòa nhát ngáp ngắn ngáp dài tiếc rẻ giấc ngủ ngon lành của mình. Nó trở mình, lật qua lật lại. Kí ức về trận đấu của đội tuyển Việt Nam hôm qua xẹt qua đầu, nó tỉnh ngủ hẳn. Nó ba chân bốn cẳng rời khỏi giường, vệ sinh cá nhân rồi ăn lấy ăn để lạng bánh dẻo mẹ nó mua từ sớm, cuống quýt nhập bọn với tụi thằng Minh sẹo, Hùng to xác, Hạo phét và Long quạu ở cây đa làng như thường lệ. Trời vẫn còn sương. Chúng cất công đi sớm với lý do khá đặc biệt: Sợ tụi bạn ở lớp nói hết chuyện về trận bóng đá hôm qua. Tụi con trai vẫn xem việc thảo luận bóng đá là chuyện hệ trọng, thằng nào biết nhiều về bóng đá nhất là thằng giỏi nhất, oai nhất, có tiếng nói nhất. Nói là thảo luận cho sang chứ thật ra mỗi thằng một câu làm cái lớp không khác gì cái chợ phiên. Đám con gái ngồi ho he không nói gì, mặt đầy suy tư. - Thầy chào cả lớp! Đấy là tiếng thầy Phùng. Thầy bước vào lớp với khí thế của một ông giáo làng. - Chúng em chào thầy ạ! Cả lớp đồng thanh đáp. Giọng thầy nhẹ nhàng, trầm trầm nói: - Các em ngồi xuống đi! Thầy giới thiệu hôm nay lớp ta có một thành viên mới. Thầy dừng lại ngước nhìn về phía cửa, mỉm cười, động viên học sinh mới. Cả lớp cũng ngước theo ánh nhìn của thầy vẻ tò mò. Đứa nọ huých đứa kia xem có biết là ai không. Cả lớp kiên nhẫn chờ đợi trong sự hồi hộp chưa từng có trước đây. Một lúc sau khi cả lớp gần như mất kiên nhẫn, một đứa con gái lò dò đi vào. Gần như cả lớp đều không tin vào mắt mình. Chẳng phải là Lê con gái cô Mượt điên sao? Duy chỉ có Hòa nhát là không ngạc nhiên như lũ bạn. Gần như cả lớp đều ngạc nhiên vì sự xuất hiện của Lê ở lớp học cũng là có nguyên do cả. Lê là con gái cô Mượt điên. Người ta gọi cô là Mượt điên vì tên cúng cơm của cô là Mượt và cô dại dại điên điên. Cái sự việc cô bị điên ấy cũng lại có nguyên do cả. Hòa cũng không biết rõ sự tình ra làm sao. Nghe mẹ kể cô bị điên từ khi mang bầu nhỏ Lê, cách đây hơn 15 năm. Số cô Mượt điên rõ là khổ. Ngày xưa cô là một thiếu nữ xinh nhất làng lại đảm đang nên đám hỏi cô nhiều lắm. Nhưng cô không ưng đám nào cả. Người ta bảo là cô vẫn đang chờ một anh lính trước có hẹn với cô, anh lên đường nhập ngũ rồi không bao giờ trở về nữa. Rồi một ngày dân làng phát hiện cô chửa hoang. Cả làng khinh thường cô. Cái việc cô chưa chồng mà chửa thì dân làng lúc ấy không ai chấp nhận cả. Ai cũng dè bỉu và phỉ nhổ cô. Cô Mượt không chịu nổi sự nhục mạ mà phát điên. Dân làng cứ truyền tai nhau về câu chuyện của mẹ con cô Mượt điên, đấy hồng nhan bạc phận đấy. Người ta đổ tại số cô nó khổ chứ nào ai nói cho ai, số cô khổ là do dân làng. Dân làng không dẻ bỉu thì cô đâu đến nỗi phát điên rồi sống cuộc đời khổ sở như bây giờ. U, cũng tại mấy cái hủ tục mà ra. Tình mẫu tử thiêng liêng lắm! Dù cô Mượt phát điên nhưng vẫn lo được cho nhỏ Lê. Lê sống trong tình yêu thương của người mẹ điên. Bọn trẻ trong làng thì sợ mấy người điên lại thêm mấy lời dọa dẫm của người lớn trong làng. Mẹ con cô Mượt điên vì thế bị biệt lập với dân làng, dần dần không ai lui đến xóm Tía nữa. Chỉ có tụi Hòa nhát thường xuyên lui tới để nghe đá bóng. Riêng nhỏ Lê thì người ta vẫn gặp. Nó đi làm ở làng bên để kiếm tiền trang trải cuộc sống của hai mẹ con. Nào ngờ có ngày lại gặp nó ở lớp học. Cũng chẳng ai dám đến gần nó, vì mẹ nó bị điên. - Sao lại cho thứ này vào học? - Nó là con của mụ Mượt điên à? - Thật á, sao con của mụ Mượt điên lại được vào lớp học? - Eo ơi, sợ thế. ... * * * Chiều. Nắng hè chói chang chiếu xuống dòng suối trong veo soi rõ đàn cá rô đang tung tăng bơi lội. Chiếc lá bàng khô trôi theo dòng chảy của con suối. - Tối nay, Hòa có đi nghe bóng đá không? - Có chứ! Hòa đáp lại giọng có chút nặng nề. - Hòa có chuyện gì buồn à? Lê lo lắng nhìn người bạn thân của mình. - Hòa không nghĩ tụi chúng nó lại độc miệng như vậy. Lẽ ra Hòa không nên khuyên Lê đến lớp học. Giọng Hòa ỉu xìu, buồn bã pha vẻ tội lỗi. Hòa không biết nên an ủi Lê như nào cho phải, sau một loạt câu nói ác ý mà lũ bạn nói về Lê. Hiểu người bạn duy nhất của mình, Lê mỉm cười nói: - Hòa không cần lo cho Lê đâu, Lê quen với mấy câu nói đó rồi. Lê cũng thích đi học lắm. Lê đi học để thực hiện ước mơ của mình. Lê cười, một nụ cười tươi như hoa. Cười để che đi những nỗi buồn trong tâm khảm. Cười để cho người bạn của mình yên lòng. - Ước mơ của Lê là gì thế? - Bí mật. Sau này Lê sẽ kể cho Hòa nghe. Lê chúm chím cười vẻ bí hiểm. - Hòa cũng có bí mật, sau này sẽ kể cho Lê nghe. - Vậy là hòa nghen. Hay chúng mình đi hái quả bàng đi? - Ừ đi thôi! Quả bàng chín là món khoái khẩu của đám trẻ làng Bình Tây. Bàng mọc nhiều nhất ở sau xóm Tía, gọi là rừng bàng. Ở giữa làng cũng có vài ba cây bàng, nhưng cứ đến đầu hè là trụi lơ quả vì bị đám trẻ hái sạch. Ở rừng bàng thì bao nhiêu là quả to tròn, chín vàng ruộm nhưng không mấy ai hái vì ít người dám tới đây. Rừng bàng chính là 'căn cứ bí mật' của Lê và Hòa. Lê và Hòa quen nhau từ bao giờ, hai đứa cũng chả nhớ. Bố Hòa mất sớm, mẹ Hòa là một người phụ nữ hiền từ, thương người, biết chuyện con trai hay lui tới đây chơi với Lê cũng không cấm cản. Bà cũng thương mẹ con Lê lắm nhưng thân phụ nữ một mình nuôi con cũng chỉ giúp được nắm gạo gói xôi. Hai đứa trẻ trèo hết cây bàng này đến cây bàng kia, chốc chốc lại vang lên tiếng cười nói. Nắng hạ đã chùng xuống dưới ngang chân núi. Đàn chim vẫn hót vang cả rừng bàng. * * * - Tao nhìn thấy rõ ràng nó đi về phía này mà. Một đứa lên tiếng vẻ chắc chắn. - Nó bảo mẹ nó hái bàng cho, nhưng tao nghi lắm, làng bên lấy đâu ra nhiều bàng thế. - Nó nổi tiếng nhát cáy, không lý gì lại dám một mình đi vào rừng bàng đâu. Một đứa khác nói. - Cứ thử vào xem sao, mày sợ thì để tao. - Tao cóc sợ, vào thì vào. Xoạt.. xoạt.. xoạt, tiếng lá bàng khô vỡ dưới chân bốn đứa con trai vang lên rõ mồn một. * * * - Thôi, Hòa ơi! Lê chẳng hái bàng nữa đâu! Giọng Lê cất lên nói với Hòa. Hòa nhát từ cây bàng tụt xuống. Ôm một đống bàng chín ở vạt áo, đưa mấy quả bàng ngon nhất cho Lê rồi nhét đống còn lại vào mấy cái túi áo, túi quần của mình. Hòa vừa dứt hành động thì nghe thấy tiếng soàn soạt, kèm theo tiếng nói chuyện ở đằng xa. Lê với Hòa trố mắt nhìn nhau. Đây là lần đầu tiên hai đứa vào hái bàng mà nghe thấy tiếng người. Hòa đứng sững chết chân. Lê nhìn Hòa, lại nhìn về phía phát ra tiếng động. Lê phản ứng lại trước tiên, kéo tay Hòa chạy núp sau tảng đá. Thình thịch.. thình thịch.. Minh sẹo, Hùng to xác, Hạo phét, Long quạu dần hiện ra trước mắt Hòa và Lê. Hai đứa im lặng đến độ nghe được cả tiếng tim đập của nhau. Một cảm giác khác lạ rộn lên trong người Lê. Nó bất giác nóng bừng mặt. Không khí ngượng ngùng một cách kì lạ. - Hòa nhát ơi! Ra đây đi, tao thấy mày rồi. Long quạu hét to về tứ phía. Hòa nhát giật nảy mình. Tim như ngừng đập. Chuyện nó chơi với Lê ngoài mẹ nó ra thì không ai biết, kể cả tụi bạn nối khố của nó. Hòa nhát không thật sự muốn giấu tụi bạn nhưng nó không có can đảm để đối diện với chuyện nó chơi với Lê cũng bởi lẽ cô Mượt bị điên. Mọi người mà biết chuyện nó chơi với Lê thể nào người ta cũng lời ra tiếng vào, tụi bạn nó ngày nào cũng sẽ chọc ghẹo nó. Viễn cảnh bị mọi người xa lánh, trêu đùa như thế, Hòa nhát không tài nào chịu đựng được. Có lẽ nó sẽ lại phát điên như cô Mượt. Giữa lúc tâm trạng đang bộn bề suy nghĩ của Hòa nhát, Lê bỗng nhiên đứng phắt dậy. Lê gỡ bàn tay vẫn bị Hòa nhát nắm từ nãy giờ, nói lớn về phía Minh sẹo. - Ở đây chỉ có mình Lê thôi! Tụi Minh sẹo bạt hồn bạt vía khi nhìn thấy Lê. Chúng sợ hãi như vừa làm một điều gì đó cấm kỵ. Chúng tưởng chừng như vừa động chạm đến nơi ở của thần rừng vậy, cảm giác vừa sợ hãi vừa tội lỗi bủa vây bốn đứa trẻ. - Các bạn vào đây mà không có người lớn đi cùng là dễ bị lạc lắm. Nhiều đứa trẻ vào đây rồi chẳng bao giờ thấy trở ra nữa! Có lẽ là bị thú dữ ăn thịt rồi. Lê lại cất giọng nói, vẻ quan tâm. Nhưng câu nói ấy lại có một sức mạnh kinh hồn khiến tụi Minh sẹo sởn tóc gáy. Bị.. bị thú dữ ăn thịt? Đừng có mà dọa trẻ con. Chúng tự an ủi mình như thế nhưng sự sợ hãi thì không thể che dấu được. Lê nói rồi đi về phía cửa rừng, không một lần ngoảnh lại. Tụi Minh sẹo sợ hãi, đứa nọ nhìn đứa kia rồi cả lũ lóc cóc bám theo Lê ra ngoài. * * * Cô Mượt điên mất. Hòa chết sững khi nghe mẹ nó nói vậy. Cô Mượt điên bị bệnh mà mất. Đám ma được làm chóng vánh trong ngày. Hòa cùng mẹ đến viếng cô Mượt. Nhỏ Lê tưởng thế mà mạnh mẽ đến như vậy, nó buồn nhưng không khóc. Nhìn Lê buồn mà lòng Hòa cũng xót xa. Trong đám tang, ngoài Lê, Hòa, mẹ Hòa còn có một ông già. Ông già ấy bị cụt một cánh tay. Đó chính là ông Ba cụt. Đến bấy giờ, Hòa mới biết, cô Mượt chính là con gái của ông Ba cụt. Do năm đó, cô Mượt chưa chồng mà chửa, ông Ba cụt tức giận mà cắt đứt quan hệ với con gái mình. Ông Ba cụt không vào viếng, ông chỉ đứng ngoài cổng nhìn vào. Ông cứ đứng sững ở ngoài cổng như người hóa đá. Đó là nỗi đau lòng của người cha, sự ân hận khi ruồng bỏ con gái mình, đó là mọi cảm giác tội lỗi, day dứt. * * * Reng.. reng.. reng Tiếng kẻng reo lên một hồi báo hiệu giờ vào học. Hòa nhát đưa mắt nhìn về phía chiếc bàn ở cuối lớp học, vẫn không thấy bóng dáng của Lê. Từ sau hôm mẹ Lê mất, Hòa chưa gặp Lê lần nào. Lê cũng không đến lớp học nữa. Mấy lần, Hòa đánh liều tìm đến nhà Lê nhưng không lần nào gặp được Lê. Hòa tìm khắp nơi, tìm những chỗ Hòa với Lê hay lui tới nhưng chỉ thấy toàn là sự thất vọng. Những lần trước, Lê hay đứng cách tụi Hòa nhát một đoạn, đứng núp vào con ngõ đề nghe đá bóng, sợ tụi bạn bắt gặp. Hòa lần nào cũng vậy, đi về cùng tụi bạn rồi lại quay lại nói chuyện bóng đá với Lê. Lê biết nhiều về bóng đá lắm. Không chỉ biết lý thuyết suông, lần nào chơi bóng với Hòa, Lê cũng ghi được năm, mười bàn. Nếu sinh ra là con trai, Lê đã trở thành một cầu thủ bóng đá rồi, Hòa tin là vậy, vì Lê thật sự có tài năng trở thành một cầu thủ. Không biết con gái có được làm cầu thủ bóng đá không? Hòa tự hỏi thế, và lại tự lắc đầu. Sao có thể chứ, trước giờ Hòa chưa từng thấy cầu thủ nào là nữ cả. Lê thích nghe đá bóng không thua gì Hòa, thế mà mấy bữa có trận bóng đá, cũng không thấy Lê tới nhà ông Ba cụt nghe đá bóng. Hòa lo lại càng thêm lo. Không gặp được Lê, Hòa thấy sao trong người mình lại khó chịu đến thế như có hàng ngàn con kiến đang bò trong trái tim nó. Lê đã bỏ đi xứ. Hòa đưa ra kết luận như vậy sau hai tháng tìm kiếm Lê mà không thấy bóng dáng nó. Nó khổ sở mà nghĩ về Lê. Lê bỏ lại sau lưng quê nhà, bỏ lại những kỉ niệm và bỏ lại người bạn mà không có lấy một lời tạm biệt. Lê còn chưa nói cho Hòa ước mơ của Lê là gì. Hòa cũng chưa nói cho Lê bí mật của nó, thế mà Lê đã bỏ đi. Một mình nơi đất khách quê người sẽ phải chịu nhiều khổ sở lắm Lê ơi! Hòa giận Lê lắm, nó tự nhủ khi Lê quay về sẽ giận Lê thêm vài tháng nữa, để Lê phải năn nỉ nó tha lỗi mới thôi. Hòa chờ đợi ngày ấy, chờ mãi.. Tôi giận em Giận đôi má đỏ hồng Giận đôi mắt long lanh Giận mái tóc bồng bềnh Giận kỉ niệm đôi ta.. * * * Nhiều năm sau Ông Ba cụt mất.. Hòa nhát đã trở thành một thầy giáo làng. Thầy giáo Hòa đang ngồi xem đá bóng với lũ học trò trên một chiếc ti vi đen trắng hiếm hoi của làng Bình Tây.. "Vào.. Người nâng lên tỉ số là cầu thủ đặc biệt, Nguyễn Thị Lê, cầu thủ nữ duy nhất của chúng ta" Tiếng vang xúc động của bình luận viên vang lên. Hòa ngẩn người, mọi ký ức lại ùa về.. Có phải em không người con gái năm xưa? 8/3/2022 Hết!
Tôi rất thích câu chuyện này, bởi vì nó mang đến cho tôi khá nhiều cảm xúc. Đôi lúc người im lặng quan sát lại là người đáng trách nhất vì họ biết nơi nào là hướng đúng nhưng lại vì số đông mà không đi theo. Đau nhất là cho cô Mượt điên. Cái chuyện chưa chồng mà có chửa không phải là một vấn đề xa lạ nhưng vẫn bị nhiều người nhìn bằng một ánh nhìn không mấy thiện cảm. Đừng nói là ngày xưa, cho dù đến thời đại này vẫn còn nhiều người không thể chấp nhận chuyện đó. Ai là người chịu khổ? Phụ nữ đáng lẽ ra nên được tôn trọng nay lại phải chịu khổ vì không ai thấu hiểu. Nhưng điều tuyệt vời nhất ở đây là sen trong bùn vẫn không hôi tanh mùi bùn, tình mẫu tử của cô Mượt điên vẫn hiện hữu, và điều đó giúp Lê được sống trong sự hạnh phúc mặc cho thiếu đi tình thương của cha. Nhưng đối với những người đợi mất đi mới nhận ra bản thân hối hận, đó là điều mà tôi buồn nhất. Đừng đợi đến khi người mất mới nhận ra một lần mình nhất thời nóng giận đã khiến mình lẫn người mình yêu thương chia lìa. Ông Ba Cụt hối hận và đau lòng, nhưng đau thay cái giá của sự đau lòng và tự trách đó lại cần sự hy sinh của cô Mượt điên, thật trớ trêu làm sao. Hơn nữa, dân làng cũng là những người mà tôi cảm thấy đáng giận. Chỉ vì một lời tai bay vạ gió góp thành bão mà đã hại chết một đời của cô Mượt điên. Và sẽ chẳng ai trong họ đau lòng cho cô Mượt điên vì họ vẫn nghĩ cô bị điên, cô chưa chồng đã chửa, cô không cùng hàng với bọn họ. Định kiến về phụ nữ chỉ đáng sợ khi mọi người đều có trong đầu ý nghĩ đó, đồng thời, họ còn không ngừng gieo rắc tư tưởng ấy cho thế hệ trẻ sau này, đó chính là cách mà định kiến cổ hủ vẫn còn tồn tại mặc cho có người đã nhận ra sự sai lầm trong lối suy nghĩ này. Cảm ơn tác giả vì tác phẩm này!
Cảm ơn Mưa Tháng Tám nhiều lắm vì những lời cảm nghĩ thực lòng. Cảm ơn bạn rất nhiều! Đây là tác phẩm đầu tay của mình, vui rằng nó vẫn đem đến cho bạn một chút suy nghĩ về nó
Truyện của bạn rất hay, nó làm mình lắng đọng lại thật nhiều cảm xúc. Những nhân vật trong câu truyện, có người thật đáng thương, như cô Mượt điên, Lê. Lại có những người cực kì đáng để oán trách, dân làng, ông Ba cụt.. Cô Mượt điên chính là nạn nhân của việc chưa chồng mà chửa. Đây cũng đâu phải lỗi của cô, ấy vậy mà bố ruột lại oán trách cô, dân làng dè bỉu, xa lánh cô. Tuy có những người cũng thấu hiểu, thương cô, nhưng họ cũng đâu vươn tay để giúp đỡ. Họ lựa chọn im lặng. Có lẽ vì vậy, cô Mượt đã hóa điên. Cũng thật thương cho Lê, cô bé sinh ra không có tội, nhưng mọi người vẫn ghét bỏ, và nó lại ăn sâu vào sua nghĩ của đời sau, đời sau nữa. Thật trớ trêu làm sao. Nhưng cuối cùng, cô bé đã có thể vươn lên, hoàn thành được ước mơ của bản thân - trở thành một cầu thủ bóng đá.
Cám ơn @Viên Mãn cô nương đã đọc truyện và có những suy nghĩ riêng về câu chuyện, những dòng nhận xét thật tâm huyết! Chúc bạn một ngày vui vẻ!
Cốc cốc.. Chào bạn, mình là đại diện BTC even 8/3. Tối nay mình ghé đây để gửi lại những lời nhận xét chân thành của BGK đến tác phẩm của bạn. Gk1: "Giọng kể hồn nhiên, tình tiết khá thú vị." Gk2: "- Trình bày đẹp mắt. - Chia đoạn hợp lý. - Câu văn trôi chảy, dễ hiểu. - Nội dung truyện mang tính nhân văn, ý nghĩa. - Tác giả đưa ra những thông điệp về định kiến người phụ nữ từ xưa đến nay. Câu chuyện rất hay, rất đáng suy ngẫm." Gk3: "Bài viết có sự đầu tư, nội dung dễ hiểu, giọng văn mượt mà, thể hiện được góc nhìn nhân văn của bản thân tác giả. Trình bày rõ ràng." Thân gửi.