Phân tích tác dụng của các trường nghĩa trong bài Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Ngân Ngân08, 7 Tháng năm 2023.

  1. Ngân Ngân08 Mỹ nữ sỉ lẻ phóng lợn :3

    Bài viết:
    160
    1. MỞ ĐẦU

    Ngôn ngữ văn học giống như những viên gạch xây dựng nên một tác phẩm. Ngôn ngữ văn học là một bức tranh đa màu sắc, chứa nhiều điều bí ẩn mà hấp dẫn luôn thu hút sự khám phá của người đọc, người nghiên cứu. Các lí thuyết ngôn ngữ trong đó có lý thuyết về trường nghĩa càng được quan tâm ứng dụng vào nghiên cứu tác phẩm, góp phần giải mã tín hiệu ngôn ngữ ở một dạng đặc biệt – ngôn ngữ nghệ thuật. Nghiên cứu lý thuyết về trường nghĩa trong quan hệ với phân tích tác phẩm văn học cũng nằm trong xu hướng chung đó. Thơ là thể loại đặc biệt, ngôn ngữ của thơ hàm súc, cô đọng nên việc tìm hiểu, cảm nhận thơ trước hết phải tìm hiểu từ ngữ trên nhiều phương diện, đặc biệt là trường nghĩa để thấy cái cái hay của tác phẩm. Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, nhiều bài thơ đã được ra đời, mang dấu ấn của thời đại. Bài thơ "Đất Nước" trích từ chương V của "Mặt trường khát vọng" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là một bài thơ lớn, xuất hiện nhiều trường nghĩa, đem đến những cách cảm nhận khác nhau của độc giả.

    2. NỘI DUNG

    2.1 Khái quát về trường nghĩa

    Lý thuyết trường nghĩa ra đời dựa trên cơ sở những luận điểm về ngôn ngữ học đã được hình thành từ rất sớm. Lý thuyết trường nghĩa được giới thiệu vào Việt Nam từ 1970. Trên cơ sở tiếp thu thành tựu của các nhà ngôn ngữ học nước ngoài, nhiều nhà nghiên cứu cũng đã đề cập đến vấn đề trường nghĩa như Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Thiện Giáp, Mai Ngọc Chừ.. Đỗ Hữu Châu là người đã giới thiệu trường trong một loạt công trình trên các phương diện lịch sử vấn đề, hệ thống hóa các quan điểm, phương pháp của các nhà ngôn ngữ học thế giới, đồng thời đưa ra các tiêu chí cũng như phương pháp xác lập trường. Ông đã vận dụng các quan điểm của các tác giả nước ngoài về trường để hình thành nên quan niệm của mình về lý thuyết trường từ vựng: "Mỗi tiểu hệ thống ngữ nghĩa được gọi là một trường nghĩa. Đó là tập hợp từ đồng nhất với nhau về ngữ nghĩa". [ 1- tr. 159] .

    Trường nghĩa có rất nhiều cách phân loại, trong đó, tiêu biểu hơn cả là được phân thành bốn loại, đó là trường nghĩa biểu vật, trường nghĩa biểu niệm, trường nghĩa tuyến tính và trường nghĩa liên tưởng.

    Trường nghĩa biểu vật là tập hợp những từ đồng nghĩa về ý nghĩa biểu vật và chọn các danh từ làm gốc, ví dụ như lấy từ cây làm gốc, ta có thể thu thập được các từ liên quan như cây hoa, cây xoài, cây nhãn, cây bưởi, cây mít.. rễ cây, cành cây, thân cây, lá cây.. tính chất của cây: Cao, lớn, xum xuê..

    Trường nghĩa biểu niệm là tập hợp các từ có chung một cấu trúc biểu niệm, ví dụ những dụng cụ để dựng các đồ vật khác như chậu, rổ, nong, nia..

    Trường nghĩa tuyến tính là tập hợp những từ có thể kết hợp với một từ làm gốc tạo thành chuỗi tuyến tính (từ, cụm từ) chấp nhận được trong ngôn ngữ. Ví dụ: Trường nghĩa tuyến tính của từ chơi là bóng đá, quần vợt, cờ vua.. giỏi, yếu, kém, tốt, xuất sắc..

    Trường nghĩa liên tưởng là tập hợp những từ có chung một nét nghĩa nào đó. Ví dụ trường nghĩa liên tưởng của từ đỏ là đo đỏ, đỏ thắm, đỏ rực, mặt trời, máu, hoa phượng, hoa hồng..

    2.2 Khái quát về "Đất Nước

    Tình yêu quê hương đất nước, yêu lịch sử, lẽ cống hiến và gắn bó cuộc đời mình với đất nước, nhân dân đã khiến biết bao hồn thơ cất cánh. Cũng vì những tình cảm lớn lao ấy mà cuối năm 1971, trường ca" Mặt đường khát vọng "của Nguyễn Khoa Điềm ra đời. Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ tiêu biểu thuộc thế hệ các nhà thơ trẻ trưởng thành trong những năm kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông giàu chất suy tư, xúc cảm dồn nén và hấp dẫn bạn đọc bởi sự kết hợp giữa cảm xúc nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam, đặc biệt khi hướng về nhân dân, đất nước anh hùng. Đoạn trích Đất nước nằm ở phần đầu chương V của bản trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm được xem là một trong những đoạn thơ hay về đề tài đất nước trong thơ ca Việt Nam hiện đại.

    Trường ca Mặt đường khát vọng viết năm 1971 tại chiến khu Trị- Thiên, giữa không khí sục sôi chống Mĩ của cả dân tộc và được in lần đầu năm 1974. Bản trường ca viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị vùng tạm chiếm miền Nam về non sông đất nước, giúp họ thấy được vai trò, sứ mệnh của thế hệ mình, từ đó xuống đường đấu tranh hòa nhịp với cuộc kháng chiến chống Mỹ của toàn dân tộc. Đất Nước là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca và nghệ thuật. Mỗi nhà thơ đều có những cảm nhận rất riêng về đất nước nên hình ảnh đất nước, Tổ quốc hiện lên văn học thật muôn màu muôn vẻ. Các nhà thơ cùng thời với Nguyễn Khoa Điềm thường thể hiện vẻ đẹp đất nước bằng những hình ảnh hoành tráng, kỳ vĩ, mỹ lệ hay gắn đất nước với một thời điểm lịch sử cụ thể. Trong suốt tác phẩm, Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng nhiều trường nghĩa khác nhau, đem tới trước mắt người đọc một đất nước vất vả gian lao, một đất nước văn hóa, một đất nước của nhân dân.

    2.3 Đặc điểm trường nghĩa trong Đất Nước

    Dựa trên những hiểu biết về trường nghĩa ở trên chúng tôi đã khảo sát nhanh, thống kê và phân loại các trường nghĩa xuất hiện trong đoạn trích Đất Nước. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy tác phẩm có những trường nghĩa như sau:

    Trường nghĩa chỉ sự vật: 362 từ (78%), số lần xuất hiện: 470 (76%)

    Trường nghĩa chỉ hoạt động - trạng thái: 58 từ (12, 5%), số lần xuất hiện: 83 (13%)

    Trường nghĩa chỉ đặc điểm - tính chất: 42 từ (9, %), số lần xuất hiện: 66 (11%)

    Kết quả khảo sát cho thấy các từ ngữ trong tác phẩm Đất Nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thuộc ba trường nghĩa khác nhau là: Trường nghĩa sự vật, trường nghĩa hoạt động - trạng thái, trường nghĩa đặc điểm - tính chất. Giữa ba trường nghĩa này có sự khác biệt về số lượng và tần số xuất hiện. Trường nghĩa sự vật có xuất hiện nhiều nhất điều đó cho thấy sự hiểu biết sâu rộng của tác giả, đặc biệt là những địa danh của đất nước và những phong tục, tập quán cũng như những sự vật trong cuộc sống hàng ngày của con người Việt Nam. Trường nghĩa chỉ hoạt động – trạng thái đứng thứ hai về số từ ngữ và số lần xuất hiện, tập trung vào công cuộc đấu tranh và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân. Cuối cùng là trường nghĩa chỉ đặc điểm, tính chất của sự vật, nhà thơ đã sử dụng những tính từ chỉ đặc điểm trong bài thơ không nhiều nhưng vẫn mang tới tác dụng to lớn trong việc biểu đạt ý thơ của mình.

    2.3 Vai trò và tác dụng của trường nghĩa trong tác phẩm Đất Nước

    1. Đất nước trong cội nguồn sâu xa văn hóa – lịch sử

    Ở phần đầu của tác phẩm, nhà thơ đã lý giải nguồn cội đất nước bằng chất liệu văn hóa – lịch sử.

    Bên cạnh đó, trường nghĩa chỉ những sự vật thân thuộc đối với người dân Việt Nam cũng được nhà thơ khai thác và sử dụng hợp lý, thể hiện được những nét đẹp văn hóa của người Việt Nam như miếng trầu, cây tre, gừng, muối, cái kèo, cái cột, hạt gạo.. những sự vật thân quen đã gắn bó với người nông dân từ bao đời nay, hun đúc nên vẻ đẹp bình dị.

    Khi viết về chiều dài lịch sử của đất nước, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã nhắc đến tín ngưỡng vua Hùng, một tín ngưỡng phổ biến tạo nên bản sắc văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, đoạn thơ còn sử dụng nhiều chất liệu văn hóa, văn học dân gian như truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ, hình ảnh chim Lạc, nhắc đến nguồn gốc rồng tiên và các hình ảnh ca dao như chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc, con cá ngư ông móng nước biển khơi.. Việc nhắc đến tín ngưỡng vua Hùng và sử dụng các chất liệu văn hóa, văn học dân gian ấy đã thể hiện những cảm nhận về đất nước ở chiều sâu văn hóa, phong tục.

    2. Sự khẳng định tư tưởng" Đất nước của nhân dân "

    Đất nước ở những câu thơ bên trên là quá trình đất nước lớn lên, đất nước được tạo nên từ bề dày văn hóa, lịch sử từ những người dân. Ở trong đoạn thơ này, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã khẳng định tư tưởng đúng đắn, nhà thơ sử dụng các trường nghĩa chỉ sự vật để làm rõ cho tư tưởng ấy. Hai từ" Đất Nước "thiêng liêng được nhà thơ nhắc đi nhắc lại tới 58 lần trong tác phẩm kết hợp với" nhân dân "để tạo nên tư tưởng" Đất nước của nhân dân ". Sau khi đã khẳng định vai trò của nhân dân làm nên bức tranh địa lý- văn hóa muôn màu muôn vẻ, nhà thơ tiếp tục bày tỏ những suy tư, nhận thức của mình về vai trò của nhân dân trong việc làm ra lịch sử và truyền thống của đất nước. Em là nhân vật trữ tình không xác định, cũng có thể là sự phân thân của tác giả để độc thoại với chính mình. Cụm từ" em ơi em "khiến cho đoạn thơ trở thành lời thủ thỉ, tâm tình tha thiết và dễ đi vào lòng người. Với những tâm tình tha thiết ấy, nhà thơ đã đưa chúng ta về quá khứ, lịch sử 4000 năm Đất Nước và thể hiện niềm tự hào trước lịch sử lâu đời của dân tộc.

    Nhìn vào chiều dài lịch sử lâu đời của đất nước, nhà thơ đã không nhắc lại các triều đại hay kể tên các bậc vua chúa, các vị anh hùng mà nhắc đến nhân dân. Trong đoạn thơ nhà thơ viết hoa chữ" Nhân dân "để thể hiện sự trân trọng, mến yêu. Nhân dân là những con người vô danh đã cống hiến và hi sinh cho đất nước một cách tự nguyện. Nhân dân là biết bao thế hệ những người con gái, con trai, là 4000 lớp người trong lịch sử. Họ bằng tuổi với thế hệ thanh niên thời chống Mĩ. Họ là những con người bình thường nhưng chính họ đã làm ra đất nước. Vì thế, đất nước trước hết là của nhân dân, của những con người vô danh bình dị đó. Cụm từ" bằng tuổi chúng ta ", và cụm từ" giống ta lứa tuổi "ở sau cho thấy đoạn thơ là lời thủ thỉ tâm tình hướng về thế hệ trẻ miền Nam vùng tạm chiếm giúp họ ý thức được vai trò, sứ mệnh của thế hệ mình mà đóng góp công sức để bảo vệ đất nước. Họ lao động cần cù, họ đánh giặc, họ trở thành anh hùng và làm ra đất nước.

    Nhân dân không chỉ là người xây dựng và bảo vệ đất nước mà còn là người làm nhiệm vụ vô cùng thiêng liêng ấy là truyền lại cho thế hệ tiếp nối những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần như truyền hạt lúa, truyền lửa, truyền tiếng nói, truyền tên xã tên làng, đắp đập be bờ cho người đời sau trồng cây hái trái.. Cha ông đã để lại cho con cháu nền văn minh nông nghiệp lúa nước ngàn đời, truyền cho con cháu ngọn lửa sáng ngời sau bao năm tháng sống trong tối tăm, lạnh lẽo. Truyền cho con thứ ngôn ngữ tiếng nói của riêng dân tộc mình, giữ cho mình cái văn hóa làng, xã trong mỗi chuyến di dân, tạo dựng cơ sở vật chất, đất đai để cho các thế hệ kế tiếp phát triển trên mảnh đất ấy.. Để rồi trong cái nôi văn hóa truyền thống ấy, chúng ta được sinh ra và dần lớn lên, chập chững những bước đi đầu tiên trên mặt đất và bập bẹ hai tiếng" mẹ, cha "ngọng nghịu. Tiếng nói đầu tiên là tiếng" mẹ "yêu thương, tiếng nói đầu tiên của ta cũng là tiếng nói của đất nước đã có tự bao đời.

    3. Tất cả người dân Việt Nam đứng lên bảo vệ đất nước trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ

    Trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, dân tộc Việt Nam đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh để bảo vệ non sông nước nhà. Trong đó, Nguyễn Khoa Điềm đã nhắc lại hai cuộc chiến tranh lớn trong lịch sử dân tộc đó là kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Nhà thơ sử dụng trường nghĩa chỉ hoạt động – trạng thái để miêu tả hình ảnh những người dân Việt Nam đứng lên chiến đấu bảo vệ đất nước. Những động từ mạnh được nhà thơ sử dụng xuyên suốt tác phẩm nhưng đến phần này, những động từ được sử dụng nhiều hơn, mang khí thế hào hùng của cả một dân tộc: Đốt, đạp, gào, đánh, quăng, mài, gài, chôn, chặt, đóng, đan, đổ, phá, ném.. trường nghĩa chỉ hoạt động được kết hợp cùng với trường nghĩa chỉ những vũ khí thô sơ mà nhân dân dùng để đối phó với tranh thiết bị hiện đại của địch như chiếc cồng, chiếc chiêng, rựa, tên, cuốc, cày, giáo, khiên, tre, cọc.. Những điều đó cho ta cảm nhận ý chí quyết tâm đánh giặc của ông cha lớn lao hơn bao giờ hết. Tất cả mọi người, không phân biệt nam nữ, dân tộc, tôn giáo, địa vị, họ có chung dòng máu, chung tổ tiên, chung kẻ thù và phải cùng nhau đánh đuổi giặc ra khỏi bờ cõi. Đọc từng câu thơ, chúng ta như sống lại thời khắc hào hùng ấy, đâu đây vẫn vang lên lời dặn mà ông cha đã từng nói:

    " Đất Nước

    Phải chặt tre, đóng cọc mà giữ lấy!

    Đất Nước

    Phải đan phên, đổ đất mà giữ lấy!

    Đất Nước

    Phải phá nhà, chặt cây vườn vác ra mà giữ lấy!

    Đất Nước

    Phải neo người xuống sông, chặn nước mà giữ lấy!

    Đất Nước

    Đất Nước không thể trôi được! "[2-tr. 1]

    Từ phải được điệp lại nhiều lần kết hợp với các động từ mạnh trong trường hoạt động – trạng thái mang tới cho người đọc cảm nhận được ý chí quyết tâm cao độ, nhiệt huyết sôi sục đang chảy trong người những người yêu nước.

    A. Sự thân thiện, mến khách và yêu thương con người của nhân dân Việt Nam

    Việt Nam là một đất nước thân thiện và mến khách. Bất kỳ nước nào yêu mến con người và đất nước Việt Nam đều có thể tới thăm và được đón tiếp nồng nhiệt. Trước khi có tên trên bản đồ thế giới, mọi người muốn đến đất nước hình chữ S phải:" Cứ theo gót những đàn ngựa phương Bắc/Hay chữ thập trên tàu buôn nước Pháp ". Việt Nam khi ấy bị các nước ở Phương Bắc và sau đó là thực dân Pháp xâm lược, biến Việt Nam trở thành thuộc địa của chúng. Khi người dân trên thế giới muốn đến nơi này, chỉ có những tên đô hộ đứng ra tiếp họ. Nhưng giờ đây đã khác, nhân dân Việt Nam đã giành lại được độc lập nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam. Ở những câu thơ này, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng rất nhiều từ nằm trong trường nghĩa chỉ con người như bạn, chúng tôi, nhân dân tôi, con người, nhân loại.. nhằm thể hiện sự thân thiện, mến khách của người Việt Nam. Tất cả nhân dân trên thế giới giống như anh em, những người thân thiết và người dân Việt Nam luôn có thái độ tôn trọng đối với họ.

    B. Sự hy sinh cao cả, vĩ đại của Bác Hồ

    Ở những câu thơ cuối cùng trong tác phẩm, Nguyễn Khoa Điềm đã kết hợp sử dụng danh từ" Người "và trường nghĩa chỉ những địa danh ở Việt Nam như chùa Một Cột, Đồng Tháp, miền Nam, Cổ Loa.. nhằm nói đến Bác Hồ và non sông đất nước. Người mãi mãi là một vị cha già của dân tộc, hy sinh cả cuộc đời của mình cho sự độc lập, tự do cho đất nước.

    " Bởi vì Người là đất nước của chúng tôi

    Mỗi sợi tóc trắng của Người đều ghi ngày gian khổ nhất

    Của Đất Nước, những năm dài đánh giặc

    Đôi dép của Người mòn vẹt gót

    Người đã đi những ngả đường Đất Nước hành quân "[2-tr. 1]

    Đối với Bác, đất nước là nơi Người được sinh ra, lớn lên, học tập và gắn bó còn đối với mọi người Bác chính là đất nước, là người tìm ra con đường cứu nước và cùng nhân dân chiến đấu, đi qua những tháng ngày gian khổ nhất. Tác giả sử dụng các từ trong trường nghĩa chỉ người như chúng tôi, người anh hùng, dân tộc, người, bạn, tôi.. thể hiện ý chí, lý tưởng và niềm tin vào một tương lai tươi sáng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.

    3. KẾT LUẬN

    Trải qua gần một nửa thế kỷ," Đất Nước "đã vượt qua lớp bụi thời gian, in sâu bám rễ vào trong lòng của độc giả. Tác phẩm chứa ba trường nghĩa lớn đó là trường nghĩa sự vật, trường nghĩa chỉ hoạt động – trạng thái và trường nghĩa chỉ đặc điểm – tính chất. Khai thác các trường nghĩa trong tác phẩm, bên cạnh cách khai thác thể loại và văn hóa, đã giúp cho độc giả có cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn về ngôn ngữ từ văn học của nhà thơ và những ý nghĩa nằm sâu trong đó. Đất nước hình chữ S muôn màu muôn vẻ, từ khi thành lập cho tới khi xây dựng và bảo vệ đã trải qua không biết thăng trầm lịch sử. Đọc tác phẩm, tìm hiểu và nghiên cứu trên nhiều phương diện người đọc sẽ có nhiều cảm nhận sâu sắc, thêm trân quý nước mắt, xương máu của thế hệ đi trước, bảo vệ và phát triển đất nước muôn đời.

    4. TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Đỗ Hữu Châu (1999), Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt, Nxb GD, Hà Nội.
    2. Thi viện, bài thơ Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm) : Bài thơ: Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm)
     
    LieuDuong thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...