NLXH - Văn hóa ứng xử trên không gian mạng xã hội - Hqh.Banana

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Banana Nết Na, 22 Tháng một 2022.

  1. Banana Nết Na Mị

    Bài viết:
    25
    Bài dự thi Miss VNO 2021
    Vòng 3: Thách thức
    Đề tài: Nghị luận xã hội: Văn hóa ứng xử trên không gian mạng.

    [​IMG]
    "Kìm vàng ai nỡ uốn câu
    Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời"

    Từ những câu ca dao tục ngữ xưa kia, có thể thấy văn hóa ứng xử gắn liền với đời sống con người qua từng thế hệ. Không chỉ đơn giản là cách mỗi người đối nhân xử thế mà văn hóa ứng xử còn thể hiện bộ mặt của một đất nước văn minh. Năm 2021 vừa qua là một năm đầy biến động bởi ảnh hưởng của dịch Covid 19, giãn cách xã hội khiến con người tiếp xúc với mạng xã hội nhiều hơn như một ách khắc phục vấn đề giao tiếp, học tập và làm việc thường ngày của bản thân. Từ đó, văn hóa ứng xử trên không gian mạng đã trở thành một vấn đề cần được quan tâm hơn cả.

    Vậy, thế nào là văn hóa ứng xử trên không gian mạng? "Văn hóa" là một phạm trù rộng lớn. Theo từ điển tiếng việt, văn hóa được định nghĩa là tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Còn "ứng xử" là từ ghép gồm "ứng" và "xử", là biểu hiện của sự giao tiếp, phản ứng của con người dưới sự tác động của người khác đến mình trong một hoàn cảnh nhất định. Văn hóa ứng xử có thể hiểu là thế ứng xử, là sự thể hiện triết lí sống, các lối sống, lối suy nghĩ, hành động của một cộng đồng người trong việc ứng xử và giải quyết mối quan hệ giữa con người với xã hội. Nhắc tới "không gian mạng" đã không còn là cụm từ xa lạ với mỗi người đặc biệt là thế hê trẻ ngày nay. Đây là một không gian ảo, mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. nhưng vẫn có giới hạn trong luật lệ, phép tắc, văn hóa, đạo đức, truyền thống độc lập của mỗi quốc gia. Khái niệm không gian mạng trở nên phổ biến hơn vào những năm 1990 khi thế giới bắt đầu chứng kiến sự bùng nổ của mạng internet. Có thể nói văn hóa ứng xử trên không gian mạng được hình thành dựa trên sự nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử của cá nhân, cộng đồng trong các mối quan hệ với tự nhiên, xã hội và với chính bản thân khi tham gia không gian mạng xã hội.

    Thực tiễn cho thấy, trên thế giới đã có hơn 250 mạng xã hội lớn nhỏ, phổ biến như Facebook với thống kê vào năm 2021 hơn 2.89 tỷ người dùng tích cực,Youtube với hơn 2,29 tỷ người dùng... Internet và các trang mạng xã hội chứa đựng những chuỗi thông tin lớn với những quan điểm khác nhau được bày tỏ bởi mỗi cá nhân bởi quyền tự do ngôn luận. Internet kết nối con người với nhau không giới hạn về không gian và thời gian, mỗi người lại có cách ứng xử khác nhau tạo thành một nền văn hóa ứng xử đa dạng, từ trang nhã, lịch sự cho tới thô lỗ, vô văn hóa.

    PGS.TS Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định: "Phát ngôn văn minh trên mạng xã hội không phụ thuộc vào độ nổi tiếng, vị trí xã hội hay học hàm học vị của người nào đó. Có người nổi tiếng nhưng vẫn phát ngôn, hành động mang tính chất tục tĩu trên mạng xã hội chứng tỏ trình độ văn hoá, mức độ hàm dưỡng văn hoá của họ thấp". Thay vì chọn những lời lẽ gây tranh cãi khi bàn về một vấn đề nhạy cảm trên mạng, chúng ta có đủ thời gian để chọn cách nói những quan điểm rõ ràng phản biện, từ đó thuyết phục người đọc một cách dễ dàng và hơn hết là nhận được sự nể phục từ những người khác. Ứng xử là một nghệ thuật, và người có văn hóa ứng xử khôn khéo là một nghệ sĩ! Hồ chủ tịch là một tấm gương tiêu biểu khi nhắc tới văn hóa ứng xử. có thể nhắc tới câu chuyện trong chuyến thăm Ấn Độ, trong một bữa tiệc do Thủ tướng Nehru chiêu đãi Bác Hồ có món thịt gà địa phương rất nổi tiếng. Người Ấn Độ khi ăn cơm không dùng thìa, dĩa mà dùng năm ngón tay để bốc thức ăn. Cả Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ cũng muốn dùng tay bốc thức ăn. Nhưng tại bữa tiệc quốc tế người ta phải dùng dao, thìa, dĩa cho lịch sự. Khi món thịt gà được đưa ra, các quan khách Ấn Độ có vẻ không quen dùng dao, dĩa. Bác Hồ rất tinh ý, Người nói với Thủ tướng Nehru: Thịt gà phải ăn bằng tay thì mới ngon chứ còn ăn bằng thìa dĩa thì khác nào nói chuyện với người yêu lại phải qua ông phiên dịch. Nghe Bác Hồ nói vậy, cả bàn tiệc cười ầm cả lên làm cho không khí bữa tiệc hôm đó rất vui vẻ và thân mật. "Ngôn từ có cả hai sức mạnh là huỷ diệt và hàn gắn. Khi ngôn từ được sử dụng một cách đúng đắn và rộng lượng, nó có thể thay đổi thế giới của chúng ta" - Buddha(Đức Phật).

    Nhưng cách thể hiện quan điểm của một bộ phận cư dân mạng lại là một vấn đề nan giải. Đáng buồn thay khi văn hóa ứng xử tại đây chưa thật sự văn minh và bị lệch lạc khỏi bản chất của nó. Trong khi đa số cư dân mạng đều có ý thức tốt về văn hóa ứng xử của mình thì vẫn có một bộ phận nhỏ trong cộng đồng mạng không coi trọng điều đó. Có thể thấy nhiều nhất là những video clip livestream bán hàng. Những phát ngôn trong video livestream của họ gặp phải rất nhiều tranh cãi cùng những ý kiến trái chiều. Không phải vì chất lượng hàng hóa người đó bán mà hầu hết những ý kiến đó hướng tới những câu từ họ dùng khi phát trực tiếp, thậm chí đôi khi hành động đó còn được khích lệ, cổ súy và cho là thú vi. Một số tên tài khoản tiêu biểu dẫn chứng cho việc "chửi khách" như "Mèo Phò", "Trang Khàn", "Kem Kabi".... Hầu hết trong tất cả những clip ấy đều có điểm chung ở cách ứng xử thiếu văn hóa vô cùng, những từ ngữ tục tĩu được nói ra một cách trôi chảy.
    Nổi trội gần đây là những vụ việc livestream "bóc phốt" trên các nền tảng mạng xã hội. Ngay nhưng cá nhân đứng ra "bóc phốt" cũng thể hiện muôn vàn cách ứng xử với nhiều hình thức khác nhau, có thể bằng clip, video, cũng có thể bằng những bài viết đăng trên mạng xã hội.và những "anh hùng bàn phím" không ngừng chạy đua theo trào lưu, truy lùng các thông tin cá nhân của người bị "bóc phốt" thậm chí cả người thân của người đó để chửi rủa bằng nhiều lời lẽ phản cảm. Đã có nhiều trường hợp những người nổi tiếng ở nước ngoài vì không chịu được sức ép dư luận dẫn tới trầm cảm và đi tới quyết định tang thương như tự tử, một người mất nhưng nỗi đau còn để lại cho những người thân phía sau. Ngôn từ lúc này thật sự là con dao hai lưỡi. Cũng có nhiều trường hợp lợi dụng tâm lý lo lắng của mọi người về tình hình dịch bệnh mà đăng đàn những tin tức sai sự thật, xuyên tạc khiến mọi người hoang mang. Chỉ để tăng thêm tương tác cho bản thân mà không quan tâm tới hậu quả nghiêm trọng thế nào và có giải quyết được hay không.

    Những biểu hiện văn hóa ứng xử tiêu cực ấy từ đâu mà có? Về mặt chủ quan, văn hóa ứng xử của xã hội được xây dựng từ văn hóa ứng xử của mỗi cá nhân. Ý thức sử dụng mạng xã hội của những cá nhân tổ chức đó chưa thực sự tốt, nặng nề hơn là vô ý thức mặc dù chỉ chiếm một phần nhỏ, nhưng "con sâu làm rầu nồi canh" đây là một sự cảnh báo tới cư dân mạng nói chung và ngay bản thân tôi nói riêng. Pháp luật quy định ai cũng có quyền tự do ngôn luận, mọi người có quyền bày tỏ chính kiến, đề xuất, nguyện vọng hoặc phê phán những hiện tượng xấu trong đời sống. Ranh giới giữa tự do ngôn luận, bày tỏ thoá mạ và xúc phạm người khác chưa bao giờ mong manh đến thế. Đặc biệt khi mạng xã hội đang trẻ hóa, các bạn trẻ năng động háo thắng luôn muốn chứng minh bản thân mình với mọi người, muốn được chú ý mà quên đi các đức tính truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc như ứng xử khiêm tốn, lịch sự. Thậm chí không ngần ngại tạo nên những tin đồn thất thiệt về chính bản thân dù danh dự có bị phá hủy, mục đích để được nổi tiếng trong chớp nhoáng dù biết bao nhiêu trường hợp làm theo cách tạo tin đồn đó đều không thể nổi tiếng được lâu vì không có tài năng thực sự. Bên cạnh đó là nguyên nhân khách quan từ môi trường sống. Chắc hẳn mỗi chúng ta đều đã đọc, đã nghe qua những bài học ứng xử từ khi tiểu học. ví dụ cụ thể là câu chuyện về một cậu bé trong những môi trường sống khác nhau từ sự quan sát của người mẹ. Khi sống gần bãi tha ma, thấy người ta gào khóc, cậu cũng bắt chước mà gào khóc. Khi chuyển nhà tới gần chợ, thấy người ta cãi nhau, cậu cũng học theo người ta cãi nhau. Mẹ liền chuyển nhà tới gần trường học, và cậu bé cũng háo hức đi học khi thấy các bạn đến trường. Không dừng lại ở môi trường sống, sự giáo dục chân chính cũng là một phần không thể thiếu trong quá trình hình thành văn hóa ứng xử của mỗi người, giáo dục là gốc rễ phát triển cây tri thức, và văn hóa ứng xử là những dây leo củng cố thân cây ấy.

    Nhiều người chưa thực sự ý thức được tầm quan trọng văn hóa ứng xử của bản thân trên không gian mạng. Điều này được thể hiện rõ ở những hậu quả xảy ra. Những cuộc xung đột, cãi vã không hồi kết, thậm chí xảy ra cả bạo lực chỉ bởi một số nguyên nhân không đáng có trên mạng xã hội. Khi thời đại công nghệ đang phát triển, các em nhỏ được tiếp cận với điện thoại, máy tính,...sớm hơn, các em như những trang giấy trắng, chưa biết cách phân biệt phải trái trắng đen trong cái không gian mạng đầy những nguy cơ tiềm ẩn ấy thật sự cần được bảo vệ. Một em nhỏ 8 tuổi lướt xem livestream trên mạng, và hôm sau những gì em học được không phải cách chơi trò chơi hay bán hàng của những youtuber ấy, mà sự thật là những lời lẽ thô tục mà đáng ra không thể nghe thấy ở lứa tuổi các em. Thật đau lòng. Một vết sạn trong văn hoa ứng xử trên không gian mạng nữa đó vấn đề đưa thông tin sai sự thật lên mạng xã hội nhằm mục đích gây nhiễu loạn lòng người, câu kéo thêm vài lượt tương tác mà bất chấp đúng sai. Điển hình trong đợt dịch covid 19 đầu năm 2021, một số thành phần đã cố tình đăng tải những thông tin giả về tình hình dịch bệnh như một trò tiêu khiển, khiến dư luận hoang mang, không chỉ ảnh hưởng tới những người trực tiếp liên quan tới tin đồn phải trải qua bao đợt xét nghiệm, cách ly, đảo lộn cuộc sống thường nhật mà còn gián tiếp đẩy cuộc sống của họ vào lo âu, bế tắc. Những kẻ đó có thể thấy vui, thấy hả hê bởi những trò đùa của mình, nhưng đối với những người là trụ cột gia đình, tài chính lại thấp, vì một lời đùa giỡn của những kẻ vô ý thức ấy mà bị cách ly hơn một tháng lại là cả một vấn đề. Ai sẽ gánh vác cả gia đình trong thời gian ấy?
    Thật giả lẫn lộn khiến dư luận hoang mang. Tệ hại hơn cả là những kẻ biến thái, chuyên đăng đàn những văn hóa phẩm đồi trụy như ảnh nóng, video clip bằng những đường link "bẩn", những hành vi đó đáng bị lên án bởi những hậu quả nặng nề mà nó mang lại.

    Ralph Waldo Emerson từng nói: "Cách cư xử cần thời gian, và không gì thô tục hơn vội vã". Không phải kiến thức cao xa, ngay từ những câu ca dao xưa đã nhắc nhở rất nhiều. Mỗi cá nhân cần tự rèn luyện và chịu trách nhiệm trước những lời nói, hành vi của mình, Đặt bản thân vào những hậu quả đó mới thấy được văn hóa ứng xử quan trọng nhường nào. Đã có những trường hợp được pháp luật giải quyết, nhưng hơn hết vẫn là ý thức của mỗi người. hãy là những cư dân mạng văn minh, thông thái khi sử dụng không gian mạng làm công cụ phục vụ cho đời sống.

    Mỗi chúng ta là một phần của xã hội. Chúng ta có trách nhiệm xây dựng và phát triển văn hóa ứng xử ở ngoài đời thực nói chung và trên không gian mạng nói riêng một cách đúng đắn, không chỉ vì tương lai con em chúng ta, mà còn vì một đất nước phát triển vững mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu, xứng đáng với kỳ vọng của ông cha.
    Hoàng Yến

     
    Chỉnh sửa cuối: 22 Tháng một 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...