[NLXH] Văn hóa ứng xử trên không gian mạng - Mèo Tai Cụp

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Mèo Tai Cụp, 23 Tháng một 2022.

  1. Mèo Tai Cụp

    Bài viết:
    204
    Chủ đề: Văn hóa ứng xử trên không gian mạng

    Bài dự thi Miss VNO 2021

    Thí sinh: Mèo Tai Cụp - 033

    [​IMG]

    Bài làm​

    Mạng lưới xã hội trên các trang Facebook, Instagram, Zalo.. là một xã hội thu nhỏ, ở đó con người sẽ giao tiếp, chia sẻ, bàn luận với nhau, điều đó cũng đồng nghĩa với việc là mọi người có thể nhìn thấy, theo dõi những câu chuyện mà chúng ta đã đăng tải lên. Chính vì vậy, những dòng trạng thái, bình luận, hành động trên mạng xã hội của ta cũng là một thước đo để đánh giá phẩm chất của một con người.

    Theo điều tra của Cục Sức khỏe và Con người Hoa Kỳ, kể từ cuối thập niên 2000, tình trạng tinh thần và tâm lý của giới trẻ đã giảm đi rõ rệt, đặc biệt là tại các nước phát triển thịnh vượng như Mỹ. Trong nhiều nghiên cứu khác nhau cho thấy tỷ lệ suy nhược về mặt tâm lý và cảm xúc trong độ tuổi 18 – 21 tăng 46%, độ tuổi 14 – 17 đã tăng thêm hơn 60% và tệ hơn là ở độ tuổi 12 – 13 tăng đến 57%. Ngoài ra, trung bình một người thuộc độ tuổi 12 – 25 tại Mỹ sẽ trải qua một giai đoạn ảnh hưởng nặng nề trong cuộc sống. Vậy còn ở Việt Nam thì sao? Theo số liệu thống kê năm 2020, tại Việt Nam, có khoảng 70% dân số sử dụng MXH và Việt Nam hiện đang đứng thứ 7 thế giới về số lượng người dùng MXH. Ở một đất nước đang phát triển như Việt Nam thì tỉ lệ tiếp xúc với mạng xã hội còn đặc biệt tăng nhanh đến trầm trọng qua Facebook và thời gian gần đây nhất đó chính là Tiktok với hàng triệu người truy cập ở những lứa tuổi khác nhau. Hơn hết là ý thức sử dụng mạng xã hội của một số thành phần chưa tốt, các bạn trẻ ngày nay thay vì hòa mình vào thiên nhiên, khám phá những thứ mới lạ xung quanh thì lại muốn đâm đầu vào những thứ hư ảo, muốn chứng minh bản thân mình với mọi người, muốn gây được sự chú ý để nổi tiếng. Điều đó đã tạo thành một "núi rác" khổng lồ không thể kiểm soát trên không gian mạng.

    Người xưa có câu: "Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe". Ấy vậy mà trong xã hội hiện nay, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, thì mạng xã hội lại là thứ mà mọi người có thể tự do ngôn luận, tự do phơi bày ý kiến của mình với những dòng bình luận, livestream đả kích, lăng mạ người khác và còn tỏ ra thích thú với những hành động của mình mà không quan tâm đến chủ nhân bài viết đó sẽ cảm thấy như thế nào. Họ chỉ đơn giản là bình luận cho thỏa mãn bản thân mình, chỉ là để giải trí sau một ngày lao động mệt mỏi. Họ tự do chê bai, khiển trách người khác một cách vui vẻ rồi vứt sang một bên đi ngủ, cuộn tròn trong chăn bông ấm áp mà không hay biết được rằng ở một nơi xa xăm nào đó, những con người vẫn đang từng ngày, từng giờ phải đối mặt với từng dòng bình luận như những mũi tên đâm thẳng vào tâm hồn họ, phải điều trị thuốc trầm cảm hay thậm chí là tìm đến cái chết vì áp lực của cư dân mạng với những lời chỉ trích hết sức gay gắt.

    "Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Tuy những lời phản ánh trên mạng xã hội cũng một phần giúp ta nhận ra những thiếu xót, cái không đúng của bản thân để từ đó sửa chữa và thay đổi. Nhưng cũng thật đáng buồn khi thực trạng ngày nay không khó để bắt gặp những hình ảnh ứng xử giữa người với người lại diễn ra với hình ảnh đau lòng, xót xa như vậy. Ai mà biết được rằng điều gì sẽ xảy ra đằng sau cái màn hình nhỏ bé ấy là những vết thương tâm lí thế nào? Một thế giới ảo với những dòng chia sẻ về câu chuyện của bạn được mọi người hưởng ứng tích cực? Hay những câu chuyện tình buồn bị mọi người lấy làm thú vui đem ra dè bỉu, chê trách? Thậm chí đã có nhiều cuộc xung đột, cãi vã và bạo lực đã xảy ra cũng từ chính những dòng chữ không đáng có ấy. Để rồi khi nhìn lại, ta chẳng có gì ngoài sự vô cảm, vô tình với những người mà ta yêu quý nhất. Đó cũng là lúc vật chất lên ngôi và đồng tiền là mục đích duy nhất, văn hóa ứng xử giữa người và người với nhau bỗng trở nên lạnh lùng và thực dụng vô cùng.

    Thay vì hàng ngày cứ ôm khư khư cái điện thoại và coi nó là một phần của không khí mà ta phải hít thở hàng ngày. Thì tại sao chúng ta không "sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn". Hãy buông điện thoại xuống, ra ngoài tận hưởng bầu không khí trong lành, nói lời yêu thương với gia đình mình, với những người mà mình trân quý nhất. Con người là thật, mạng xã hội là ảo. Tại sao chúng ta không cùng nhau dọn dẹp núi rác ấy ra mạng xã hội, để trả nó về đúng với tên gọi của nó, đúng với những gì mà nhà sáng lập mong muốn, là nơi để mọi người kết nối, sẻ chia, trao nhau ấm áp, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau và cùng nhau tạo nên một thế giới đa sắc màu tươi sáng, chứ không phải chỉ là một màu xám vô tận, gây khó chịu đến nghẹt thở như vậy.

    Ở bất kì xã hội nào, ở bất cứ thời đại nào đi chăng nữa, dù là giao tiếp trên không gian mạng hay ở ngoài đời thực, con người đều phải cẩn trọng với những lời nói của mình. Đấu đá nhau cũng không phải chuyện tốt, cũng chỉ để hình ảnh mình được nổi lên trên mạng xã hội, nhưng đó là những hình ảnh xấu, khiến người ta chẳng thể nào chấp nhận được. Chỉ là những "vitamin drama" khiến mọi người thấy thích thú, lấy tiêu cực của người khác là điều tích cực của bản thân. Vâng, điều đó cũng thường thấy ở bản chất của con người, nhưng đó không phải là tất cả. Chúng ta có thể thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, xa rời thế giới ảo một chút, cảm nhận mọi thứ xung quanh bằng trái tim ta, vui vẻ, hạnh phúc bên gia đình, bạn bè, đó mới chính là những viên vitamin thực sự làm cuộc sống ta trở nên hài hòa, tích cực hơn bao giờ hết.​
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...