NLXH: Văn hóa ứng xử trên không gian mạng - Big Bear

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Big Bear, 23 Tháng một 2022.

  1. Big Bear Gấu Bự chăm chỉ ^^

    Bài viết:
    52
    Bài dự thi Miss VNO 2021

    Vòng 3: Thách Thức

    Thí sinh: Big Bear

    SBD: 027

    Chủ đề: "Viết một bài văn nghị luận xã hội về văn hóa ứng xử trên không gian mạng."

    [​IMG]

    "Kim vàng ai nỡ uốn câu
    Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời."

    Câu ca dao trên đã được ông cha ta đúc kết lại từ rất lâu nhưng chưa bao giờ là cũ. Từng lời nói, hành động của mỗi người đều đang thể hiện sự hiểu biết cũng như trình độ văn hóa ứng xử của họ. Ngày nay, đặc biệt là ba năm trở lại đây khi chúng ta phải dành phần lớn thời gian ở nhà để phòng chống dịch bệnh thì không gian mạng dần dần đã không còn "ảo" nữa khi nhà nhà, người người đang dành rất nhiều thời gian cho mạng. Lẽ tất yếu, văn hóa ứng xử trên không gian mạng là một vấn đề đáng được quan tâm hiện nay.

    Tôi tin mọi người cũng không còn xa lạ gì với môn học Đạo Đức thời cấp một hay cao hơn là Giáo Dục Công Dân ở cấp hai và cấp ba mà trong đó là nó chứa những bài học sâu sắc về cách hành xử với mọi người cũng như những chuẩn mực của văn hóa ứng xử trong xã hội. Vậy văn hóa ứng xử là gì? Đầu tiên, ta phải hiểu thế nào là văn hóa, thế nào là ứng xử? Văn hóa là một phạm trù rộng lớn, nó là tổng hòa của các giá trị, tư tưởng được tạo nên bởi những chuẩn mực mà con người đề ra trong quá khứ. Còn ứng xử có thể hiểu đơn giản là sự giao tiếp cả về lời nói và cử chỉ của con người khi gặp các tình huống xã hội. Và văn hóa ứng xử hình thành dựa trên tính cách, lối sống, suy nghĩ của con người theo từng thời kỳ. Hiện tại, khi mọi người không còn được tiếp xúc và trao đổi trực tiếp thì văn hóa ứng xử của mỗi người được thể hiện thông qua hành động, lời nói và câu từ của họ trên không gian mạng - một mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian.

    Ngày nay công nghệ kỹ thuật ngày càng tiên tiến, phát triển vượt bậc để đến với một thế giới hiện đại văn minh thì một bộ phận người dùng vẫn chưa theo kịp nó, tụt lại thậm chí là đi lùi với giá trị đạo đức vốn có khi sử dụng những công nghệ này. Thật vậy, chúng ta phải thừa nhận rằng trong cuộc sống khi đưa ra một ý kiến chắc chắn sẽ có sự đồng tình cũng như phản đối, nhưng cách thức đưa ra ý kiến thật sự là quan trọng hơn tất cả, đặc biệt là khi chúng ta kết nối với nhiều người hơn thông qua màn hình điện tử. Không ai đưa ra một quy chuẩn ứng xử trên không gian mạng nên ngoài những lời lẽ tốt đẹp, những góp ý chân thành thì rất nhiều cá nhân coi đây là nơi để có thể xuyên tạc, bêu rếu, xúc phạm, hành xử thô lỗ với người khác. Cũng bởi việc thể hiện quyền tự do ngôn luận của mỗi cá nhân trên mạng xã hội là điều mà luật pháp không cấm nên những văn hóa ứng xử xấu cứ một truyền mười và rồi lan rộng.

    Con người Việt Nam ta cần cù chăm chỉ, lao động sáng tạo và nhiều đức tính tốt đẹp, lịch sử nghìn năm văn hiến nhưng mới đây theo Microsoft, Việt Nam nằm trong top năm quốc gia có chỉ số mức độ văn minh thấp nhất trên không gian mạng (DCI). Đây là một thực trạng đáng buồn có thể cho thấy văn hóa ứng xử trên mạng của thiểu số người Việt đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh cộng đồng mạng Việt Nam. Song thiểu số này chưa bao giờ tự ý thức được điều đó. Ngay lập tức dưới trang mạng đưa tin về vấn đề này, A viết: "Kém văn minh cái -, thống kê kiểu - gì?" (dấu "-" là từ tục tĩu). Một điều chắc chắn là A không phải cá biệt, có đến hàng triệu A như thế trên không gian mạng Việt Nam. Hay những "người nổi tiếng" lại là những người bán hàng online dựa vào những phát ngôn thiếu văn hóa ngay trên sóng trực tiếp mà có đến cả trăm ngàn người theo dõi, tung hô rồi hưởng ứng. Ngay cả câu nói: "Bán xăng cho phụ nữ là một tội ác" cũng được các trang mạng hay sử dụng cho "vui", đa số người đàn ông tham gia thảo luận cũng nghĩ là cho vui nhưng bản thân tôi đứng trên cương vị là một nữ công dân thì lại cảm thấy điều đó thể hiện một thái độ kỳ thị phụ nữ nặng nề. Điều này khiến tôi tự hỏi liệu họ có đang nhầm lẫn giữa vô tư, hài hước với cách ứng xử thiếu văn minh? Có lẽ do họ chưa có đủ sự hiểu biết, muốn thể hiện bản thân mình hoặc nghĩ rằng những ngôn từ trên mạng sẽ không có ảnh hưởng gì đến họ? Dù bất cứ lý do gì đi nữa thì nó cũng đã vô hình trung làm mất đi giá trị con người của họ và làm ảnh hưởng đến một cộng đồng mạng văn minh.

    Trong thời kỳ đại dịch bùng nổ một cách mắt kiểm soát cũng là khi đa số học sinh phải học trực tuyến nên việc tiếp xúc với nhau trên không gian mạng là không thể tránh khỏi. Không gian mở này ngoài giúp các bạn học tập trau dồi kiến thức, giao tiếp rộng rãi, kết bạn với mọi người khắp nơi trên thế giới thì có thể sẽ mang đến một sự giáo dục độc hại bởi các bạn chưa biết sàng lọc thông tin, phân biệt người tốt người xấu trên mạng xã hội. Các ngôn từ, cách ứng xử của "cộng đồng mạng" (1) sẽ được các bạn tiếp thu như một nguồn thông tin hữu ích để rồi học hỏi, sử dụng nó trên nền tảng mạng. Và rồi những người thiểu số này thao túng khiến các bạn trẻ đều trở thành "người kế thừa" có các biểu hiện lệch lạc về văn hóa ứng xử trên không gian mạng. Bởi có lẽ chúng ta luôn học hỏi những thứ xấu nhanh hơn thứ tốt.

    Nạn "miệt thị cơ thể", quấy rối tình dục mạng hay phân biệt đối xử, kỳ thị phụ nữ cũng là những vấn đề nóng ở nhiều quốc gia mà rất nhiều người có những phát ngôn không đẹp thậm chí có thể nói là thiếu văn hóa. Mọi người luôn nghĩ không gian mạng là "ảo" nhưng chúng ta buộc phải thừa nhận một điều rằng hậu quả nó đem đến là thật. Trong những năm qua chúng ta chứng kiến không ít những vụ tự tử có yếu tố liên quan đến cách cư xử của một bộ phận người dùng mạng. Họ sử dụng ngôn từ làm vũ khí tấn công người khác, lợi dụng hiệu ứng đám đông để bao che tội lỗi của mình, khiến nạn nhân suy sụp tinh thần và tìm đến cái chết để giải thoát. Đây hoàn toàn là hành động "giết người bằng lời nói".

    Tất cả chúng ta đều có thể thấy ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa ứng xử thiếu văn minh trên không gian mạng nhưng cũng không thể phủ nhận rằng phần đông những người dùng khác vẫn có lối hành xử rất tốt. Mọi thứ luôn có mặt trái của nó, không cái gì là tốt đẹp một trăm phần trăm nhưng hãy để cái xấu chỉ chiếm một phần ít ỏi. Đa số các bạn trẻ ngày nay được tiếp thu các nền văn hóa giữa đông và tây nên trong cách hành xử đã cởi mở, tiến bộ hơn rất nhiều so với trước kia. Khác với thiểu số luôn tự cho mình là nhất ở trên thì những người có cách cư xử văn minh thường mang trong đầu suy nghĩ tương tự như câu nói của Shakespeare: "Yêu mọi người, tin vài người và đừng xúc phạm đến ai" bởi chỉ có người không có lòng tự trọng nên mới không biết tôn trọng người khác. Để xây dựng một không gian mạng đẹp thì chúng ta đừng ngại ngần bày tỏ ý kiến của mình, nhưng hãy hành xử một cách văn minh.

    Tôi từng nghe một câu nói rất hay và đặc biệt phù hợp với văn hóa ứng xử trên không gian mạng, đó là: "Đừng bao giờ ném bùn vào người khác, bạn có thể ném trật và tay bạn chắc chắn sẽ bị bẩn". Nếu bạn có lời lẽ hoặc thái độ không tốt với người khác, có thể họ sẽ chẳng quan tâm đến bạn nhưng mọi người sẽ biết bạn là một kẻ tồi. Thế giới sẽ đẹp hơn nếu bạn góp một nụ cười và lời cảm ơn, không gian mạng sẽ văn minh hơn nếu bạn bày tỏ cảm xúc của mình một cách tích cực. Đừng chỉ làm anh hùng núp sau bàn phím để rồi kéo cả xã hội đi xuống, hãy có những cử chỉ, lời lẽ đẹp để góp phần tạo một cộng đồng mạng có văn hóa ứng xử văn minh.

    (1) : Hiện nay, dù không chiếm đa số người sử dụng nền tảng mạng nhưng không thể không thừa nhận quá nửa những người bày tỏ ý kiến trên mạng đều vô nghĩa và mang tính công kích. Một phần nào đó có thể coi họ đại diện cho cộng đồng mạng nhưng là một "cộng đồng mạng kém văn minh".

    Nguồn ảnh: Google.
     
    Chỉnh sửa cuối: 23 Tháng một 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...