[NLXH] Trong những thói xấu của con người, thì thói xấu dễ lan truyền nhất, nguy hiểm nhất là thói

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi nhungoc03, 2 Tháng tám 2022.

  1. nhungoc03

    Bài viết:
    6
    Đề: Trong những thói xấu của con người, thì thói xấu dễ lan truyền nhất, nguy hiểm nhất là thói ích kỉ. Nó dễ lan truyền vì chưa ai xem ích kỉ là một tội ác.

    Bài làm

    Ở góc làng, luỹ tre xanh rậm rạp đang vươn mình thẳng tấp, chúng chi chít đan xen vào nhau bao quanh một góc tre già. Thế nhưng, một người em trong số đó lại tách mình khỏi luỹ. Vì nó nghĩ rằng, nếu nó không ở cùng những người anh to lớn kia thì có lẽ, mặt trời sẽ chỉ dành những tia nắng ấm áp ấy cho riêng nó. Như những đứa trẻ khao khát được bố mẹ dành toàn bộ sự yêu thương cho riêng mình. Hay như những đứa trẻ học đòi làm người lớn, chúng thích sống độc lập trong khi bản thân còn chưa đủ cứng cáp, chưa đủ hiểu chuyện, chưa đủ lớn để nhận ra rằng: Thế giới này không chỉ tồn tại những "tia nắng ấm áp" mà nó còn chất chứa rất nhiều những "tai ương bão táp". Và rồi đến một ngày kia, khi ngọn gió dữ dội băng qua ngôi làng, cây tre đơn độc ấy lại chẳng thể được "mẹ" bảo vệ. "Rắc!" sau đó là tiếng đổ nhào. Nó không quá lớn đâu vì khi ấy cây tre còn rất nhỏ. Đã gãy rồi! Con người ta cùng thế, họ cũng sẽ vì bản thân mà hành động riêng lẻ, họ cũng sẽ vì bản thân mà quên đi những thứ xung quanh. Vì thế nên có người đã nói thế này: "Trong những thói xấu của con người thì thói xấu dễ lan truyền nhất, nhưng lại nguy hiểm nhất là thói ích kỉ". Và vì điều gì nó lại dễ lan truyền nhất? "Vì chưa ai xem ích kỉ là một tội ác".

    Thế nào là "ích kỉ"? Là khi họ luôn xem "mình là trung tâm của vũ trụ này", là khi họ luôn nghĩ rằng "mình là quan trọng nhất". Những người ích kỉ thường chỉ biết vun vén cho bản thân, đặt lợi ích của mình lên trên cảm nhận của người khác, hơn thế, họ còn tự cho mình cái quyền được ưu tiên chấp thuận mọi đề xuất, mọi yêu cầu của bản thân. Ai cũng có những thói hư tật xấu riêng, nó không phạm pháp nhưng nó phạm đến hành vi, suy nghĩ và nhân cách con người một cách tiêu cực. Nó có thể là thói "cao su" trong giờ giấc, thói quen thức khuya, thiếu trách nhiệm hay tâm lí thích tiêu xài hoang phí. Nhưng vì sao người ta lại cho rằng "thói ích kỉ" là "dễ lây truyền nhất, nguy hiểm nhất"? Vì họ chưa thật sự hiểu rõ "thế nào là ích kỉ" và "thế nào là yêu bản thân" cho đến khi "ích kỉ" từ "một hành vi tiêu cực" trở thành "một tội ác". Khi hành vi tiêu cực phạm đến đỉnh điểm của đạo đức, tác động mạnh mẽ đến cả pháp luật, "một tội ác" đã ra đời. Câu nói trên như tiếng chuông đánh thức lương tri con người: Thói ích kỉ đã không còn là một thói xấu, "thói ích kỉ là nguồn gốc của mọi sự tàn ác".

    Vậy, đã có ai trong chúng ta thật sự hiểu được "thế nào là ích kỉ", "thế nào là yêu bản thân" chưa? Về cơ bản "ích kỉ" là một hành vi tiêu cực, còn "yêu bản thân" là một hành vi tích cực. Trên thực tế, chúng hoàn toàn đối lập nhau. Những người biết yêu thương bản thân, họ sẽ biết cách khiến giá trị của bản thân tăng lên và sống với mục đích tốt đẹp. Đồng thời, họ cũng sẽ biết cách tôn trọng giá trị và giới hạn của mọi người xung quanh. Quan trọng hơn, họ là những người thật sự biết hài lòng với cuộc sống. Phải nói rằng, ranh giới giữa "yêu thương bản thân" và "ích kỉ" thật sự quá mong manh. "Ích kỉ" không hoàn toàn có nghĩa là sống cho mình, mà là sống vì lợi ích trước mắt của mình thì đúng hơn. Lợi ích ở đây đại diện cho những tham lam, ham muốn của riêng bản thân chúng ta. Và chúng lớn đến nỗi che lấp đi cả khả năng nghĩ cho người khác, không cần biết người khác được hay mất thứ gì, hay họ sẽ cảm thấy ra sao. Chỉ cần bạn "quá" đi một chút thôi thì cách mà bạn "yêu thương bản thân" đã trở thành lối sống "ích kỉ" tự bao giờ!

    Giữa những tấp nập bộn bề của cuộc sống, có ai dám nói rằng mình không ích kỉ? Có ai dám chắc rằng mình chưa bao giờ ích kỉ? Ở một giao lộ, xe cộ nối đuôi nhau liên tục, một chiếc xe cứu thương đang cố gắng xin đường để đi thật nhanh nhưng lại bị một chiếc xe 4 chỗ ngăn lại. Vì sao thế? Có phải vì kẹt đường nên không thể nhường không? Không phải! Chỉ vì người tài xế ấy cho rằng: Mình cũng gấp, mình cũng cần đến nơi nhanh, việc gì phải nhường? Ở một lớp học nọ, một cô bạn đang nài nỉ giáo viên nâng thêm ít điểm cho mình, vì bạn ấy sợ rằng: Điểm mình như vậy, làm sao được ở một thứ hạng cao? Và lại ở trong một mối quan hệ, người đàn ông đang bị bạn hỏi rằng: "Giữa mình và bạn ấy rơi cùng xuống nước, bạn sẽ cứu ai trước?" Vì sao bạn lại ích kỉ như vậy? Một chiếc xe cứu thương đang cần đến nơi thật nhanh vì mạng sống của người khác bị đe dọa, nhưng bạn lại cho rằng "thời gian của mình là vàng là bạc" và cứ như thế, bạn dần đánh mất cả trái tim của "một con người" thực thụ. Vì sao bạn lại ích kỉ như vậy? Điểm số cao sẽ quyết định bạn được học ở một ngôi trường như thế nào, nhưng nó có thể quyết định được vị trí xã hội của bạn trong tương lai hay không? Khi người khác cho rằng "giáo viên là một nghề cao quý" vì họ luôn suy nghĩ để có thể tạo ra một môi trường học tập thoải mái nhất, công bằng nhất cho học sinh. Bạn lại "ép" họ tạo ra cho mình một môi trường với những con điểm ở mức hoàn hảo nhất cho bạn. Khi bước vào một mối quan hệ, có lẽ bạn cũng đã quên mình cũng cần tôn trọng đối phương chứ không phải đối phương nhất định phải và luôn luôn tôn trọng, yêu thương mình. Nếu họ và người bạn ấy cùng rơi xuống nước, bạn sẽ cứu ai? Hay nếu họ rơi xuống nước, bạn có bằng lòng vứt bỏ bộ áo đắt đỏ mà cứu họ không? Vì thế, đừng bao giờ bắt người khác phải lựa chọn. Bạn chẳng là ai cả! Cuộc sống của mỗi người là do họ quyết định. Đừng bao giờ tự cho mình cái quyền được thâu tóm cả thế giới này. Đó là ích kỉ! Và nếu chiếc xe kia không đến nơi kịp lúc, sự ích kỉ của bạn ngay lúc này, đã trở thành một tội ác!

    Có thể bạn vô tình bị cuộc sống ép buộc phải ích kỉ, bị cuộc đời đẩy vào con đường chỉ biết nghĩ cho bản thân. Nhưng cũng có thể, bạn chưa bao giờ nghĩ cho bản thân mà vẫn bị xem là ích kỉ. Cách đây không lâu, một cậu bé đã nhảy lầu vì áp lực học tập. Và một bài báo đã đưa tin thế này: "Liệu cha mẹ có đẩy con đến" cửa tử "do áp lực học tập?" Thật biết cách thu hút dư luận! Ai phủ nhận một điều rằng cha mẹ đã phải hi sinh cả tuổi trẻ, cả thanh xuân, thậm chí cả sinh mạng chỉ để đổi lấy tiếng khóc ngày ta chào đời? Không một ai! Vì họ thật sự đã cho chúng ta quá nhiều. Và khi họ nghĩ mình đã hi sinh quá lớn, cần được đền đáp, đó là lúc họ trở nên ích kỉ. Không phải đền đáp bằng của cải vật chất mà là đền đáp bằng cả "cuộc đời". Cậu bé kia cũng thế! Bạn có ước mơ không? Có! Nó có thể không lớn, nhưng nó đủ để bạn mộng tưởng, ấp ủ. Và ba mẹ bạn cũng thế! Họ cũng có ước mơ, có hoài bão nhưng cuộc đời này thật sự quá tàn nhẫn với họ. Nó chẳng cho họ lấy một cơ hội để theo đuổi giấc mơ của mình. Họ lao đầu vào công việc như những con thiêu thân để đổi lại cuộc đời khác cho chúng ta, cuộc đời khác họ vì nó phải "đầy màu hồng". Nhưng! Họ chẳng giỏi ăn nói tí nào! Họ muốn con cái mình có cuộc sống tốt hơn, thành công hơn, và việc học sẽ giúp bạn trở thành người như thế. Họ muốn con mình không phải lo lắng về miếng cơm manh áo hàng ngày, và việc học sẽ giúp bạn điều đó. Họ lại chẳng muốn "quả trứng nhỏ" của mình trên con đường phía trước, lại phải "lăn qua" những nơi "gồ ghề, chông gai". Vì "quả trứng" ấy, "sẽ vỡ mất"! Nên họ cũng "trải" sẵn "những tấm đệm" cho bạn. Và rồi, chính sự "yêu thương quá mức" ấy, lại khiến cho họ vô ý hóa một con người "ích kỉ". Dần dần, cha mẹ bạn lại muốn bạn "sống thay cho phần họ", thực hiện tiếp những trang ước mơ còn dang dở ở quá khứ, hay nói cách khác, họ dần muốn bạn trở thành "một phiên bản khác" của chính mình. Họ đã vô tình quên hỏi rằng "bạn muốn gì", "bạn thích gì" nhưng họ lại vô tình làm cho bạn dần mất đi tính tự chủ, tính độc lập. Luôn bao bọc, bảo vệ là cách mà tất cả các bậc phụ huynh đã và đang làm cho con. Nhưng khi nó đạt đến giới hạn, thì điều đó đã trở thành rào cản, là ép buộc. Quả thật, không phải thứ gì "quá" cũng tốt! Khi bạn "quá yêu thương bản thân", đó là ích kỉ! Khi bạn "quá yêu thương người khác", đó cũng là ích kỉ!

    Nhưng đâu phải ai cũng chỉ biết nghĩ cho bản thân. Trên thế giới này vẫn còn rất nhiều người bằng lòng chia sẻ, thậm chí có những người xa lạ còn hi sinh cả sự sống của mình để cứu lấy sự sống của người khác. Như Nguyễn Văn Nam - học sinh lớp 12T7, trường THPT Đô Lương 1, khi tình cờ đi ngang qua sông Lam thấy nhóm học sinh chới với giữa dòng nước, cậu ấy đã không hề đắn đo mà nhanh chóng lao xuống cứu người. Sau khi cứu được 4 em học sinh vào bờ, Nam thấy vẫn còn 1 em đang dần bị ngạt nước, cậu đã dùng hết sức lực giúp em nhỏ vào bờ. Nhưng tiếc thay, cậu ấy đã bị kiệt sức rồi dần bị nước cuốn trôi. Và cũng đâu phải bất kì bà mẹ nào cũng phản ứng, can thiệp quá sâu vào cuộc sống của chúng ta. Nhưng họ lại rất giống nhau, họ chẳng giỏi ăn nói tí nào cả. Nhất là những lời ngọt đến "sâu cả răng". Thay vào đó, họ hành động! Chẳng một ai trên thế gian này yêu thương bạn hơn cha mẹ bạn đâu. Vì thế, đừng cho rằng thế giới này con người ta chỉ sống cho mình, chỉ nghĩ cho mình, cha mẹ lại chẳng hiểu cho mình. Mà hãy mở lòng mình ra, nghĩ thoáng một chút, sống nhẹ nhàng một chút, biết hi sinh một chút. Đó mới chính là cách tốt nhất để gắn kết con người và tạo ra "một màu hồng" phủ cả hành tinh này!

    Nhưng mà này, nghĩ cho mình thì sao chứ! Mạnh Đức đã từng nói: "Người không vì mình, trời tru đất diệt". Thử hỏi bạn không sống vì mình thì bạn định sống vì ai đây? Bạn định sẽ trở thành một tình nguyện viên khi mỗi ngày đều phải ăn mì gói sao? "Ai mà ích kỉ cho mình, đó là chuyện thường tình, không ích kỉ, có mà là thánh nhân, mà thánh nhân thì không tồn tại ở thế giới này". Thật ra là không thể tồn tại nổi. Muốn vì người khác, trước hết phải sống vì chính mình. Ích kỉ không hoàn toàn xấu, nó chỉ xấu khi bạn chà đạp lên cảm nhận của người khác để đạt được mục đích cá nhân thôi! Vì bản thân một chút, mỗi ngày một món ngon. Vì bản thân một chút, mỗi ngày một bộ quần áo mới. Vì bản thân một chút, mỗi ngày một chuyến đi. Đó là lối sống vì mình, là cách ta học được khi yêu thương bản thân để trở thành người thật sự biết yêu thương người khác!

    Khó thật đấy! Không ích kỉ thì không thể tồn tại. Quá ích kỉ thì là một tội ác. Vậy chúng ta nên làm sao đây? Hãy cân bằng nó! "Để thành công bạn phải ích kỉ, nếu không bạn sẽ không bao giờ đến được đó. Và một khi bạn lên tới mức cao nhất của mình, bạn phải cởi xuống sự ích kỉ" - Margaret Thatcher. Hãy để người khác có thể chơi cùng bạn, hãy để cho bản thân được đồng hành cùng họ. Đừng cô lập bản thân vì chẳng có thành công nào là mãi mãi, chẳng có chiến thắng nào là vĩnh hằng. Khi bạn quá đề cao tính ích kỉ, nó sẽ là mối nguy hiểm nhất dành cho bạn. Cũng có thể, nó chẳng phải tội ác mà bạn gây nên cho người khác, mà nó chính là tội ác mà bạn phải gánh chịu.
     
    Thùy MinhGóc bình yên thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 3 Tháng tám 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...