NLXH: Sống thứ sinh

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 2 Tháng hai 2024.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi dưới đây.

    [​IMG]

    Thế nào là một người sống thứ sinh? Đấy là người sống với mục đích gây ấn tượng với người khác, lấy sự đánh giá của người khác làm thước đo của bản thân. Mục đích cuộc đời anh ta là gì? Là sự vĩ đại trong mắt người khác. Là danh vọng, sự ngưỡng mộ, sự ghen tị của người khác, của công chúng. Công chúng quyết định giá trị của anh ta và anh ta hài lòng với những gì người ta nghĩ là anh ta có. Công chúng là động lực sống của anh ta, là mối quan tâm lớn nhất của anh ta. Anh ta không muốn giỏi, mà muốn được nghĩ là giỏi. Anh ta không muốn lao động, mà muốn tỏ vẻ lao động và được người ta nghĩ là lao động giỏi. Anh ta vay mượn giá trị và ảnh hưởng của người khác để gây ấn tượng với những người khác nữa. Chính anh ta mới thực sự là kẻ không vị kỷ bởi vì anh ta hoàn toàn không quan tâm tới mình muốn gì hay nghĩ gì, mà chỉ quan tâm đến người khác nghĩ gì về anh ta và hành động theo ảo tưởng đó.

    (Trích "Suối nguồn" - Ayn Rand, NXB Trẻ, 2014)​

    A. Nêu phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    PTBĐ: Nghị luận

    B, Đoạn trích trên viết về kiểu người nào? Đặc điểm của kiểu người đó là gì?

    Bấm để xem
    Đóng lại
    - Kiểu người: Sống thứ sinh

    - Đặc điểm: Sống với mục đích gây ấn tượng với người khác, lấy sự đánh giá của người khác làm thước đo của bản thân; hài lòng với những gì người ta nghĩ là mình có; coi công chúng là động lực sống, là mối quan tâm lớn nhất; không muốn giỏi, mà muốn được nghĩ là giỏi, không muốn lao động, mà muốn tỏ vẻ lao động và được người ta nghĩ là lao động giỏi; vay mượn giá trị và ảnh hưởng của người khác để gây ấn tượng với những người khác nữa.

    C, Giải nghĩa các từ" "vị kỷ", "ảo tưởng".

    Bấm để xem
    Đóng lại
    - Vị kỷ: Chỉ biết chăm lo đến lợi ích của cá nhân mình, xem thường lợi ích của người khác, của xã hội.

    - Ảo tưởng: Nhận định sai trái, mâu thuẫn với thực tế và cố chấp tin tưởng điều phi lý mà mình tạo dựng.

    D, Em rút ra cho mình bài học gì từ đoạn trích trên? Viết đoạn văn lý giải về bài học đó.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tham khảo: Đoạn trích trên của nữ nhà văn Ayn Rand đã cho bạn đọc một cái nhìn sâu sắc, thấu đáo về đặc điểm của một người sống thứ sinh và tác hại của cách sống ấy. Theo tác giả, sống thứ sinh là người sống với mục đích gây ấn tượng với người khác, lấy sự đánh giá của người khác làm thước đo bản thân. Họ luôn để công chúng quyết định giá trị của mình và hài lòng với những gì người ta nghĩ là mình có, họ không lao động, không tư duy, không sản xuất, không sáng tạo. Chính việc tìm kiếm sự công nhận của người khác như nền tảng của lòng tự tin và tự tôn đã mở đường cho những sợ hãi, hoảng loạn trong đời sống, bị động, lừng khừng, tự ti trong công việc, ỷ lại, bắt chước, a dua trong quan hệ xã hội. Vì những ước mơ, tham vọng của họ đều có động lực là người khác, vì câu nệ thanh thế hơn là năng lực, nên họ không bao giờ cảm thấy vui trong những gì họ làm và thỉnh thoảng lại chán nản, thất vọng, kiệt sức, mất phương hướng, lạc lõng cô đơn. Người ta không thể tư duy bằng não của người khác, cũng như không thể lao động bằng tay của người khác, nên nếu một người tự nguyện chối bỏ khả năng đánh giá và tư duy độc lập của mình, họ sẽ chỉ tồn tại như một thực thể phản ánh, trống rỗng, vô hình và vô nghĩa thực sự. Họ sẽ khó đạt được thành công, vì hành động cảm tính, thiếu động cơ và cân nhắc, vô trách nhiệm, ham hư danh, chỉ muốn hái quả mà không lo vun trồng. Suy nghĩ, hành động độc lập, kỹ lưỡng, có chính kiến là một trong những chìa khóa giúp Bác Hồ tìm ra con đường cứu nước đúng đắn giữa tấm gương của bao bậc tiền bối. Sống thứ sinh - vay mượn thành quả, giá trị của người khác - có thể là mầm mống của những hiện tượng tiêu cực, là rào cản đối với sự phát triển con người và xã hội, nhưng trong cuộc sống ngày nay, có bao nhiêu người nghệ sĩ sở hữu danh tiếng, địa vị lại sống như búp bê trong tủ kính, như chim yến trong lồng son, làm dâu trăm họ, nhất cử nhất động đều phải cẩn trọng, đúng mực, lấy công chúng là mối quan tâm lớn nhất và chấp nhận áp lực dư luận để giữ gìn hình tượng. Nhà sư Thích Nhất Hạnh từng nói: "Chúng ta theo đuổi quyền lực, danh tiếng hay tiền tài là để được hạnh phúc", nếu có tiếng mà không có miếng, bị hao mòn thể lực, kiệt quệ tinh thần, chia cách tình nghĩa thì thành công còn đâu nghĩa lý gì? Mỗi người chúng ta hãy nỗ lực tư duy, sáng tạo để khẳng định mình, không nên chạy theo những giá trị ảo hay dư luận phù phiếm. Là một người trẻ, đôi khi tôi còn chạy theo những lời ngợi khen, thán phục của mọi người xung quanh, để rồi lựa chọn những việc không vừa sức, ảo tưởng, theo điểm số, xếp hạng, ganh đua mà quên mất mục tiêu, ước mơ ban đầu của mình; nhưng qua đoạn trích của tác giả Ayn Rand, tôi tự thấy mình cần lắng nghe bản thân nhiều hơn, theo đuổi những giá trị sống lâu dài, tích cực, xây dựng một lối sống có kỷ luật, nguyên tắc, có khát vọng cống hiến và ước mơ lành mạnh, tích lũy trải nghiệm, kiến thức, kỹ năng để trở thành một phiên bản trưởng thành.
     
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...