Chia sẻ Những đắn đo khi lựa chọn ngành Công nghệ Sinh học

Thảo luận trong 'Góc Chia Sẻ' bắt đầu bởi ThanhHằng170204, 7 Tháng tư 2024.

  1. ThanhHằng170204

    Bài viết:
    35
    Những đắn đo khi lựa chọn ngành Công nghệ Sinh học

    Công nghệ Sinh học là ngành đang được quan tâm trong những năm gần đây. Đặc biệt trong khoảng mười năm, Công nghệ Sinh học đang phát triển một cách mạnh mẽ. Vậy, những điều đặc biệt ở ngành học này mà các bạn cần biết là gì?

    1. Đối tượng phù hợp

    Môn học yêu thích

    Trong quan điểm của mình, bạn phù hợp với một môn học sẽ dễ tiến đến phù hợp với ngành học hơn. (mình chỉ nói chung, không phải tất cả nhé) Đối với Công nghệ Sinh học, khi nghe tên thì bạn đã nghĩ đến các bạn yêu thích môn Sinh là rất phù hợp với ngành này. Đúng là như thế. Ngoài ra, mình cảm nhận chung từ bạn bè cùng khoa, phần đông các bạn sẽ hứng thú với môn Sinh, Vật Lý và Tiếng Anh. Đối với môn Hóa cũng có, nhưng trái với suy nghĩ ban đầu của mình sẽ nhiều nhưng các bạn chỉ ở mức trung thôi ạ.

    Thứ hai, kinh tế là một vấn đề quan trọng.

    Ở phần định hướng, mình sẽ đề cập lý do tại sao mình lại khẳng định ở phần này. Mình khẳng định, học ngành này cần điều kiện tài chính. Tùy theo hướng bạn chọn, sẽ phân hóa khác nhau nhưng để đi đến lâu dài hoặc sau Đại học thì tốn kém khá nhiều khoản, chỉ riêng cho việc học và nghiên cứu. Bạn nên suy nghĩ kỹ trước khi bước vào.

    Vấn đề việc làm và lương bổng như thế nào?

    Công nghệ Sinh học là ngành học khá mới, cơ hội việc làm gọi là rộng mở. Thậm chí là việc du học. Vì nhiều quốc gia cũng cần nhân lực cho "ngành học" này. Mình để ngoặc kép vì thực chất nó rất rộng, và không chỉ gói gọn trong 1 ngành các bạn ạ. Như giảng viên của mình, thầy cô từng đi du học Pháp, Nhật, Anh, Nga và Israel là chuyện bình thường. Những nước này có nhu cầu về công nghệ cao lắm í. Thường là chương trình thạc sĩ, tiến sĩ. Những giảng viên mình biết thì đa phần là đi Pháp - Hoa Kỳ - Nhật. Thường mức lương chung khá cao nếu bạn tìm được việc cả trong khi đang đi học hay sau đại học. Và đánh đổi cũng là quá trình học tập, tham khảo tài liệu nước ngoài, đi phòng thí nghiệm, đi thực tập, làm đề tài, theo nghiên cứu, chạy việc.. đáng kể.

    2. Một số fact

    Đi lab

    Khi đi học, nếu có ai hỏi bạn đã đi lab chưa, có nghĩa là hỏi bạn đã được nhận vào chạy việc cho phòng thí nghiệm nào chưa. Để có được Khóa luận tốt nghiệp, điều kiện tiên quyết là bạn phải được nhận vào một hoặc nhiều phòng thí nghiệm tùy bạn, nhưng thường là một. Tiến trình sẽ là bạn được nhận vào năm 2, chạy việc 1 năm, tức là chỉ xem và giúp việc lặt vặt. Sang năm, nếu bạn đạt chuẩn sẽ bắt đầu được tham gia đề tài nghiên cứu, hoặc đứng giảng dạy thay cho giảng viên cho các buổi học thực hành. Lưu ý là bạn hoàn toàn có thể xin vào các lab ngoài trường, chỉ cần có xác nhận của tổ chức bạn xin vào và bạn loay hoay làm được Khóa luận thì được chấp nhận. Tuy nhiên, lab của khoa sẽ dễ hơn vì giảng viên sẽ đảm bảo và chỉnh sửa lỗi giúp nếu Khóa luận chưa ổn điểm nào đó. Ngoài ra còn có "đi nhà lưới", có nghĩa là xin vào chạy việc ở các nhà trồng của khoa hoặc trường (tức là có thể của khoa khác luôn ấy). Này thì năm 1 là có thể chạy nha. Tùy theo sở thích, bạn có thể xin chạy nhà rau, nhà cà chua, nhà nấm..

    Và lưu ý, tùy trường mà quy định vào lab buộc là sinh viên từ năm 3, nên bạn cần hỏi kỹ cố vấn học tập trước khi xin vào lab nào, vì đôi khi lab vẫn nhận khi chưa đủ năm học và việc này có thể có vài rắc rối phía sau. Thủ tục đi lab cũng có nhiều bước, và phải học khóa học đào tạo cho nhân viên phòng thí nghiệm thì cuối cùng mới nhận được thẻ thành viên lab.

    Với lại, việc đi lab (tùy lab) nhưng thường sẽ có lương (hay gọi là phụ cấp) nha mọi người. Chỉ ngặc là thời gian học nhiều môn nên việc đi lab có thể khó sắp xếp.


    Seminar

    Khi mới vào bậc Đại học, mình không hiểu từ này lắm. Nhưng đại loại là, sẽ có giảng viên từ nơi khác đến, cựu sinh viên hoặc doanh nghiệp đến và bàn luận về một chủ đề cụ thể nào đó. Kiểu đi thuyết giảng á mọi người, mình cũng không biết tả sao cho đúng. Thì mình không biết trường khác sao, nhưng khoa mình thì tham gia 4 seminar chuyên ngành mới đủ điều kiện làm Khóa luận tốt nghiệp.

    Sự vô định

    Công nghệ sinh học là ngành chung chung, kiểu cái gì cũng đi được luôn các bạn ạ. Bạn muốn đi y dược, đi nghiên cứu, đi bán hàng, kỹ sư nông nghiệp, chăn nuôi, vật liệu.. cái nào cũng được luôn. Thành ra xuất hiện hiện tượng sinh viên năm 2, năm 3 rồi mà chưa biết làm theo hướng nào luôn đó mọi người. Và cách để xử lý chuyện này, là thử từng cái luôn mọi người ạ. Mà thời gian chỉ có trong tầm 4-5 năm nên phải thử đồng thời hoặc quyết đoán thật nhanh.

    Thích "tư bản" nhưng vào ngành Khoa học

    Như mình đề cập ở trên, bạn nghĩ học Công nghệ Sinh học phải có đam mê nhà Khoa học lớn lao, tạo ra những nghiên cứu. Nhưng mà sẽ có một hướng đi là kinh doanh sản phẩm luôn á mọi người.

    Đạo đức ngành khoa học

    Từ khi lên đại học, thật sự là, cái gì mình cũng phải gắn nguồn luôn á mọi người. Giảng viên thường bảo "Em lấy của ai, một là có trích nguồn, hai là làm lại". Hồi đầu cũng gục ngã do thói quen lấy trên google nhiều, mà các nguồn này lại không đáng tin. Nguồn đáng tin phải đến từ bài báo khoa học, bài nghiên cứu rồi các tạp chí uy tín. Mà kiến thức chuyên ngành cứ gọi là toàn trên tạp chí tiếng Anh, đọc thì nhức đầu, mà dịch bằng máy cũng không hiểu lắm hihi.

    Chuyện ngành và chuyên ngành

    Chúng ta vẫn hay nhầm lẫn hai từ này. Ngành học sẽ rộng hơn, còn chuyên ngành sẽ chuyên đi riêng một mảng thôi. Ví dụ như Ngành Kinh tế, nhưng chuyên ngành thì có chuyên ngành Kinh tế Nông nghiệp, chuyên ngành quản trị, chuyên ngành kế toán chẳng hạn. Với ngành rộng như Công nghệ Sinh học, bạn thực sự cần xem xét hướng mình muốn đi ngay từ khi bước vào. Lý do thì bạn xem xét ở các mảng mình đề cập phía dưới.

    3. Những mảng trong Công nghệ Sinh học

    Nuôi cấy mô

    Nuôi cấy mô cũng được nhắc đến nhiều vào cấp 3. Lên đại học sẽ ở tầm được thực hành, được "động chạm" đồ thật. Mảng này sẽ chia ra là Nuôi cấy mô Thực vật và Nuôi cấy mô Động vật. Ưu điểm của mảng này sẽ khá vượt trội theo hướng nghiên cứu và phát triển sản phẩm nhen. Kiểu nó sẽ ứng dụng vào lai tạo, bệnh vật nuôi cây trồng hoặc chiết xuất gì đó. Như bên Khoa mình thấy thú vị lab Sâm Ngọc Linh với lab Đông Trùng Hạ Thảo nữa á. Khuyết điểm với lựa chọn mảng này thì có thể bạn sẽ ra trường trễ hạn một xíu. Do mỗi mẫu thí nghiệm thì lâu, đợi cũng tầm tháng, nếu sai lại phải lặp lại. Chưa kể nếu có mẫu động - thực vật sống lại tốn nhiều thời gian.

    Dược liệu

    Riêng khoa mình, nếu bạn đi dược, thì nghĩa là dược chiết xuất nha mọi người. Chứ không phải như y dược bên mấy bạn học dược sĩ đâu. Kiểu như bạn sẽ hứng thú về một loài cây hay loại vật liệu gì đó, bạn nghiên cứu xem hoạt chất gì làm nên công dụng mà bạn mong muốn từ đối tượng trên. Sau đó, bạn dùng kỹ thuật để tách và nhân chất đó lên để xài như thuốc. Sơ lược là như thế. Mảng này khá là trội trong việc đi thi các cuộc thi nghiên cứu khoa học, làm đề tài hay ý tưởng khởi nghiệp luôn nha các bạn. Mình để ý các ý tưởng đạt giải đều liên quan đến mảng này luôn. Thời gian nghiên cứu cũng tương đối, chi phí tương đối, đối tượng lại bao la. Nhưng lúc đầu do nhầm lẫn với dược y khoa nên có thể nhiều bạn sẽ thất vọng ấy.

    Vi sinh

    Mảng Vi sinh là mảng dành cho người giàu và người muốn giàu. Mình nghe nhiều người review lại như thế á. Mảng vi sinh sẽ nghiên cứu vi khuẩn và nấm (nấm mốc, nấm men và cả nấm dù) là chính. Nó sẽ liên quan tới xét nghiệm sinh hóa trong bệnh viện nè, công nghệ lên men nhà máy, hay phát triển qua công nghệ thực phẩm, trồng nấm ăn luôn đều tốt. Mà cái tiên quyết trong vi sinh là vô trùng. Nên là phòng ốc, máy móc, quần áo, thao tác đều nghiêm ngặt hết. Thậm chí là vật dụng sử dụng phải đưa vào nồi hấp ấy các bạn. Chủ yếu vì thứ nhất, nếu mẫu bạn nhiễm khuẩn lạ thôi là bỏ tất cả. Mà nhiễm thì dễ hơn cái gì trên đời này luôn ý. Thứ hai nếu nghiên cứu về các chủng gây bệnh, thì phải thực hiện đúng bộ quy tắc phòng thí nghiệm, không là sẽ truyền nhiễm bệnh ra ngoài. Mỗi ngày, lượng quần áo, găng tay, bông, cồn.. thải ra không đếm được là bao nhiêu. Nên chi phí thực sự rất rất là cao. Nhưng mà nếu theo hướng này thì ra trường đúng hạn, do mẫu vi sinh sinh sản nhanh chóng, số lượng thì bao la, làm đi làm lại ít tốn thời gian. Còn làm việc theo công nghệ thực phẩm hay nghiên cứu lương cũng cao vì đòi hỏi quy trình thao tác cũng như trình độ rất nghiêm ngặt.

    Môi trường

    Mảng này thì khoa mình phát triển hẳn một chuyên ngành riêng luôn á quý vị. Nếu bạn hứng thú về ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải, giải độc hay các vấn đề môi trường thì theo chuyên ngành luôn cho chương trình học chuyên sâu. Mình cảm thấy vào chuyên ngành riêng thì nó chuyên sâu và chương trình học có định hướng hơn á mọi người. Mặt chung, thì mình thấy các bạn bên chuyên ngành này nghiên cứu gọi là "dữ hơn" bên mình xíu ý, tại có định hướng sẵn nên giảng viên cũng dễ hướng dẫn nè. Các ứng dụng của mảng này thường là dùng tảo để xử lý kim loại nặng chẳng hạn.

    Ngoài ra còn các lab bệnh cây, lab vật liệu thì định hướng nông nghiệp hay mỹ phẩm, vật liệu sinh học theo cũng khá phù hợp. Mình chưa tìm hiểu sâu về các mảng này nên xin phép nói ở các bài khác.


    4. Những trường có ngành Công nghệ Sinh học

    – Trường Đại học khu vực miền Bắc:

    • Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội
    • Học viện Nông nghiệp Việt Nam
    • Đại học Nông lâm Bắc Giang
    • Đại học Phương Đông
    • Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên
    • Đại học Lâm nghiệp
    • Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội
    • Viện Đại học Mở Hà Nội
    • Đại học Đông Đô
    • Đại học Thành Tây
    • Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên
    • Đại học Công nghiệp Việt Trì
    • Đại học Hải Phòng
    • Đại học Hùng Vương
    • Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội

    – Trường Đại học khu vực miền Trung:

    • Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng
    • Đại học Nha Trang
    • Đại học Vinh
    • Đại học Đà Lạt
    • Đại học Tây Nguyên
    • Đại học Yersin Đà Lạt
    • Đại học Công nghệ Vạn Xuân
    • Đại học Khoa học (Đại học Huế)

    – Trường Đại học khu vực miền Nam:

    • Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP. HCM
    • Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM
    • Đại học Mở TP. HCM
    • Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP. HCM
    • Đại học Công nghiệp TP. HCM
    • Đại học Cần Thơ
    • Đại học Quốc tế – ĐH Quốc gia TP. HCM
    • Đại học Công nghiệp TP. HCM
    • Đại học Nông lâm TP. HCM (trường mình nè)
    • Đại học Tôn Đức Thắng
    • Đại học Nguyễn Tất Thành
    • Đại học Văn Lang
    • Đại học An Giang
    • Đại học Cần Thơ
    • Đại học Kiên Giang
    • Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ
    • Phân hiệu Trường Đại học Lâm nghiệp tại tỉnh Đồng Nai
    • Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long
    • Đại học Tiền Giang
    • Đại học Trà Vinh
    • Đại học Bình Dương
    • Đại học Công nghệ Đồng Nai
    • Đại học Dân lập Cửu Long
    • Đại học Dân lập Lạc Hồng
    • Đại học Tân Tạo
    • Đại học Quốc tế Hồng Bàng

    (Thông tin trên glints.com)

    5. Kết Luận

    Công nghệ Sinh học đa dạng định hướng. Nên các bạn có ham muốn học hỏi mãnh liệt với muôn vàn câu hỏi vì sao hay những bạn yêu thích "tư bản" hoàn toàn có thể nộp đơn theo ngành này. Các bạn có thể còn lo lắng về cơ hội việc làm thì cứ yên tâm. Ý mình không phải là quá dễ dàng kiếm việc. Nhưng việc có được nhận làm hay không sẽ phụ thuộc vào cả quá trình học tập, chạy việc, kiếm thêm kinh nghiệm.. Nên nếu các kỹ năng bạn ổn thì việc làm thật sự là không thiếu. Thứ hai, việc nghỉ ngang cũng nhiều á các bạn. Mình vừa qua mấy kỳ đã có hơn 12 bạn nghỉ rồi, có thể do ngành học rộng hay nhiều nguyên do.

    Mong những ai đang lăn tăn về vấn đề này, sau khi đọc bài chia sẻ của mình sẽ có phần nào quyết định. Cảm ơn các bạn đã ghé và đọc hết bài viết, hẹn gặp lại các bạn ở những bài sau.
     
    Dana LêPhượng Chiếu Ngọc thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...